LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Doãn Toàn Hiếu

(thư thứ nhất)

Đạo Hiếu lớn lao không gì ra ngoài được. Muốn được trọn vẹn, nếu không cùng gánh vác thế pháp (pháp thế gian) lẫn Phật pháp sẽ chẳng thể [trọn vẹn] được. Đối với thế pháp, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Với Phật pháp ắt phải kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn dạy người khác, sao cho trong là gia đình, ngoài là xã hội, hết thảy đồng nhân đều tu pháp này để mong liễu sanh tử ngay trong đời này. Phật pháp có vô lượng pháp môn, tất cả hết thảy pháp môn đều phải đoạn sạch Phiền Hoặc mới có thể liễu sanh thoát tử. Nếu có mảy may Phiền Hoặc nào chưa đoạn hết thì vẫn chẳng thể thoát khỏi luân hồi!

Chỉ có một pháp Niệm Phật hoàn toàn cậy vào Phật lực. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chắc chắn có thể nương theo Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. So với hết thảy pháp môn khác, sự khó – dễ sai khác vời vợi một trời một vực! Chúng ta đã không có đạo lực để đoạn sạch Phiền Hoặc, mà nếu chẳng chuyên chú lấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm đại sự tự lợi lợi tha thì từ trần sa kiếp này sang trần sa kiếp khác vẫn phải luân hồi trong sáu nẻo! Muốn trọn vẹn đạo Hiếu, cố nhiên phải nên miệt mài tu trì Tịnh nghiệp. Sách ấy trước kia đã từng gởi cho ông [Tưởng] Đặc Sanh khá nhiều; trong tháng Tám năm nay lại gởi [cho ông ta] một trăm cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh. Hãy nên thường tụng kinh ấy sẽ hiểu đầy đủ lợi ích của pháp môn Tịnh Độ.

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Phổ, nghĩa là dùng pháp môn Tịnh Độ được nói bởi trí huệ của đức Phật để làm cho khắp mọi đồng luân đều cùng thoát khỏi sanh tử, luân hồi, để rốt ráo “trọn vẹn lòng hiếu, thường được trời che chở, giúp đỡ”[1]. Tụng chú Đại Bi vào nước để trị bệnh thì tâm phải chí thành, khẩn thiết mới có linh nghiệm. Mỗi ngày, trước khi trì chú, trước hết lễ Thích Ca, Di Đà và Thường Trụ Tam Bảo. Nếu muốn giản tiện thì niệm Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô Thập Phương Nhất Thiết Chư Phật Nhất Thiết Tôn Pháp Nhất Thiết Hiền Thánh Tăng (một lạy), ba lượt xưng, ba lượt lạy như thế. Rồi niệm Nam-mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (ba lạy), rồi niệm chú Đại Bi.

Biến đầu tiên, tay phải kết ấn Bảo Thủ (tức là ngón cái trong bàn tay phải đè lên đốt đầu tiên của ngón thứ hai (ngón trỏ), ngón thứ ba (ngón giữa), và ngón thứ năm (ngón út), còn ngón thứ tư là ngón vô danh (ngón đeo nhẫn) thì duỗi ra) vẽ chữ Phạn “Án Lam” (Om Ram) trên nước; tay trái kết ấn Kim Cang Quyền (Ngón tay cái của bàn tay trái đè lên đốt cuối (tức đốt giáp lòng bàn tay) của ngón thứ tư (ngón vô danh, ngón đeo nhẫn). Ngón thứ hai (ngón trỏ), ngón thứ ba (ngón giữa), ngón thứ năm (ngón út) đè lên trên ngón cái. Nếu khó thể thường kết ấn được thì không kết cũng không sao. Hoặc kết ấn lúc bắt đầu niệm và lúc gần niệm xong cũng được. Hễ lúc nào trì chú đều nên kết ấn này). Niệm chú Đại Bi bao nhiêu biến đó, lúc sắp xong lại kết ấn Bảo Thủ, vẽ hai chữ Án Lam. Vẽ như vậy vào lúc khởi sự niệm biến chú Đại Bi cuối cùng. Niệm chú Đại Bi xong, chiếu theo số biến chú Đại Bi [đã niệm] mà niệm hai chữ “Bộ-lâm” (Bhrūm)[2] chừng đó biến, niệm nhiều hơn cũng được. Niệm chữ Bộ-lâm này để cầu được nhanh chóng viên mãn thành tựu. Chẳng tham danh, chẳng tham lợi, chỉ muốn cứu người bệnh khổ sẽ có linh nghiệm. Nếu trì tụng đã được linh nghiệm rồi mà tham danh lợi hoặc phá giới, sẽ chẳng còn linh nghiệm nữa! Phàm mọi chuyện không chuyện gì chẳng lấy chí thành làm căn bản.

Quang già rồi, mục lực suy yếu tột bậc, dùng cả kính lão lẫn kính lúp mới gắng gượng đọc thư và viết thư được. Thư ông gởi đến đã mấy ngày, do bận bịu nên [trả lời] chậm trễ, cho nên tôi gởi thư [trả lời] theo đường máy bay cho nhanh. Từ nay đừng gởi thư tới nữa, tôi đã cho đăng lời thông báo này trên tờ Tân Văn vào ngày Mười Ba hôm sau, đăng trên tờ Thân Báo vào ngày Mười Bốn hôm sau nữa, đăng trên Phật Học Bán Nguyệt San vào ngày Rằm để cự tuyệt hết thảy thư từ bởi mục lực lẫn tinh thần chẳng thể thù tiếp được (Một Lá Thư Trả Lời Khắp chính là bài văn “tùy cơ lợi người” rất quan trọng. Toa thuốc Cai Nghiện Ma Túy hết sức hiệu nghiệm. Toa thuốc Trị Bệnh Sốt Rét không ai chẳng được trị lành. Toa Thuốc Trị Chó Dại Cắn cũng hết sức linh nghiệm). Nếu quân nhân có thể lấy chuyện “trừ bạo, an lương”[3] để răn nhắc binh sĩ, coi cha mẹ, anh em trai, chị em gái của trăm họ như cha mẹ, anh em trai, chị em gái của chính mình, chỉ mong họ chẳng bị tổn hại, chẳng dám cậy vào oai thế của quân đội để lừa dối, lấn hiếp, gian dâm thì sẽ là cứu tinh của trăm họ, phàm đi đến đâu thiện thần đều ủng hộ. Đấy gọi là “hoa sen trong lửa”. Nếu binh lính biết nghĩa này sẽ không trận nào chẳng thắng, thiên hạ tự nhiên thái bình vậy! (Ngày Mười Hai tháng Mười Một)

(thư thứ hai)

Đã nhận được thư từ mấy hôm trước, liền bảo Hoằng Hóa Xã gởi Kinh Chú Tuyển Lục, Văn Sao, Tịnh Độ Ngũ Kinh, lấy hai mươi đồng làm hạn. Do bận bịu, chẳng rảnh rỗi để trả lời thư. Hôm qua lại bảo gởi cho ông những sách như Thập Yếu, Gia Ngôn Lục v.v… lấy hai mươi đồng làm hạn. Chỗ ông thỉnh sách chẳng dễ, còn tiền thì Quang không dùng để cứu trợ tai nạn cũng dùng để in sách. Gởi sách cho ông so ra hợp lý hơn [gởi cho] những nơi khác, chỉ giữ lại mười đồng để tự dùng. Pháp danh của cha mẹ và vợ ông được viết riêng trong một tờ giấy khác. Điều trọng yếu là quyết định cầu sanh Tây Phương.

Cha mẹ ông đã già, hãy nên đọc kỹ Sức Chung Tân Lương thì chẳng đến nỗi làm hỏng chuyện lúc họ lâm chung. Nếu không, trong mười người hết chín kẻ đều vì lòng hiếu mà hại cha mẹ chìm đắm mãi trong biển khổ sanh tử! Lại còn khi con cái vừa hiểu biết liền dạy dỗ thì mới là lòng Từ thật sự. Khuyên trăm họ ai nấy đều hiểu nhân biết quả thì mới là đạo căn bản để hưng khởi điều lợi, trừ thói tệ. Người học Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem dạy người khác thì mới là đệ tử chân chánh của đức Phật. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ.

Gần đây, có người cho biết một phương cách thần diệu để cai nghiện thuốc phiện, xin hãy bảo những người nghiện dùng thử. Nếu linh nghiệm, hãy nên truyền bá rộng rãi hòng diệt gốc họa ấy. Dùng một tấm vải Tây màu đỏ vuông vức một thước, cắt thành hai mươi bốn miếng. Trước khi hút thuốc, dùng que tiêm thuốc phiện cắm lên trên đầu [mảnh vải ấy] rồi đốt trên một cái chén. Đem tro rớt vào trong chén hòa nước sôi uống rồi mới hút thì chẳng đợi uống hết hai mươi bốn miếng vải đã không còn nghiện ngập nữa, cũng chẳng niệm chú. Nếu linh nghiệm, tức là trời đã giúp [cho chúng ta] diệt được mối tai họa này. Thêm nữa, bài thuốc trị bệnh sốt rét được chép ở cuối toa thuốc trị nghiện thuốc phiện đã gởi lần trước cực linh nghiệm, không ai chẳng được trị lành.

Còn bệnh cùi[4] là bệnh từ xưa đến nay trong ngoài nước đều chẳng trị được (Chỉ có thể giảm nhẹ, chứ chẳng thể lành bệnh hoàn toàn). Năm Dân Quốc 21 (1932), một đệ tử là ông Bàng Tánh Tồn tìm được phương thuốc có thể trị lành bệnh hoàn toàn. Hiện thời các tỉnh đều có loại thuốc cao[5] [chế theo toa thuốc ấy] để giúp người. [Toa thuốc ấy] được chép thêm vào cuối sách Sơ Cơ Tiên Đạo. Nói chung đã nêu lên cách chế biến, sử dụng thuốc, nhưng ít nói [cặn kẽ] về lúc sắc thuốc: Phải dùng một miếng ván dài, rộng hơn một hai tấc [làm đũa khuấy], phía dưới vát xéo góc [và miếng gỗ phải đủ dài] sao cho đụng đến đáy nồi. Phải thường cạo khuấy tới tận đáy để thuốc khỏi bị cháy khét dưới đáy nồi, mất công hiệu. Sắc thuốc liên tục sáu tiếng đồng hồ, bỏ bã (xác) thuốc. Lại đem nước thuốc cô đặc trong sáu tiếng đồng hồ nữa. Nếu chẳng cạo khuấy tận đáy, ắt thuốc sẽ đọng lại cháy khét ở đáy nồi. Thuốc này còn trị được bịnh phong thấp, chứ không phải chỉ bệnh cùi. [Chỉ dùng] một vị thuốc là cỏ Thương Nhĩ[6], chẳng thêm một vị thuốc nào khác nữa! Nếu chẳng nhận biết được loại cỏ này thì vào mùa Hạ đến tiệm thuốc mua dăm hạt Thương Nhĩ cầm về, xem loại cỏ nào có hạt giống như loại hạt ấy thì nó chính là cỏ Thương Nhĩ. Tôi đã bảo chép toa thuốc này vào sau cuốn Niệm Phật Khẩn Từ (Ngày Ba Mươi tháng Mười)

***

[1] Nguyên văn “toàn hiếu tích loại”, là một cách diễn tả khác ý tưởng một câu trong kinh Thi: “Hiếu tử bất quỹ, vĩnh tích nhĩ loại” (Hiếu tử chẳng thiếu thốn, trời vĩnh viễn ban thưởng cho bọn ngươi).

[2] Chú này vốn có tên gọi đầy đủ là Nhất Tự Chuyển Luân Vương Chú (hoặc gọi tắt là Nhất Tự Tâm Chú), còn được phiên âm là Bộ Long, Bột Long, hay Bột Lỗ Úm, do chính đức Phật nói ra trên cõi trời Tịnh Cư. Theo kinh Đại Đà La Ni Mạt Pháp Trung Nhất Tự Tâm Chú (do ngài Bảo Tư Duy dịch trong đời Đường), khi ấy đức Phật nhập Nhất Thiết Như Lai Tối Thượng Đại Chuyển Luân Vương Đảnh Tam Muội, từ giữa chặng mày phóng ra hào quang chiếu khắp mười phương thế giới, nhiễu quanh Phật ba vòng, nhập vào đảnh Như Lai, rồi trong hào quang chợt vang ra tiếng nói: “Ta là Nhất Tự Chú Đại Chuyển Luân Vương” rồi nói ra chú này. Theo kinh dạy, sau khi xuất định đức Phật đã giảng cặn kẽ về công năng của chú này, trong ấy có câu: “Nếu trì các thần chú mà không có thần lực, hiệu nghiệm, hãy nên tụng thần chú này một trăm vạn biến liền được thành tựu, đạt được cảnh giới”. Do vậy, khi trì các bài chú, hành giả Mật Tông thường ghép thêm bài chú này thành chữ cuối của mỗi biến, hoặc tụng riêng sau khi đã tụng đủ biến số mình muốn trì.

[3] Trừ kẻ hung bạo, giúp cho người lành được sống yên ổn.

[4] Thông thường, trong các tự điển chữ “đại ma phong” được dịch là “bệnh cùi”. Từ trước đến giờ chưa thấy tài liệu nào nói Trung Quốc chữa tuyệt căn bệnh cùi cũng như dược điển không ghi Thương Nhĩ chữa được căn bệnh nan y này, chỉ thấy Thương Nhĩ trị bệnh lác và các chứng lở loét ngoài da rất công hiệu. Chúng tôi đoán “đại ma phong” được nhắc đến ở đây chỉ là một chứng lở loét ngoài da hay bệnh lác.

[5] Nguyên văn “ngao cao” (熬膏), là một loại cao chế bằng cách ép dược liệu lấy nước, lọc xác, rồi cô đặc. Hoặc ngâm dược liệu vào rượu, đun liu riu cho đến khi dược chất tan hết vào rượu rồi cô đặc từ từ.

[6] Thương Nhĩ (tên khoa học là Xanthi Sibiricum), còn được gọi là Quyển Nhĩ, Tước Nhĩ, Địa Quỳ, Dương Phụ Lai, Đạo Nhân Đầu, Tiến Hiền Thái, Dã Gia v.v… là một loại thảo mộc thuộc họ Cúc, thường mọc hoang, trổ hoa vào khoảng giữa Hạ sang Thu, có trái hình trứng, khắp thân cây mọc đầy gai rất cứng. Loại thực vật này có chất độc, đôi khi có thể gây ra tử vong. Theo Đông Y, Thương Nhĩ tánh ôn, vị cay và đắng, có tác dụng đi vào kinh Phế, thường dùng để chữa phong thấp, đau đầu do cảm mạo, trừ các chứng ghẻ lở, ngứa ngáy, mụn nhọt, ù tai… Tuy thế, liều lượng sử dụng phải hết sức cẩn thận. Trong khoảng 1960-1962, tại Trung Quốc đã có 30.119 trường hợp bị ngộ độc, trong số đó có 405 người chết vì dùng Thương Nhĩ.