Thư trả lời cư sĩ Lưu Huệ Dân (năm lá thư)

(Ông này pháp danh là Đức Huệ. [Những lá thư này được viết trong khoảng thời gian] từ năm Dân Quốc 21 – 1932 đến năm Dân Quốc 28 -1939. Tập hợp những sao lục trích yếu)

1) Dùng “chắp mười ngón tay” để xin quy y, há cõi đời có lẽ ấy hay chăng? Kẻ [muốn học nghề] cạo đầu, chữa chân, khi bái sư cũng phải ba lần quỳ, chín lần dập đầu, huống chi quy y Tam Bảo, muốn nhờ đó để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử ư? Khinh mạn như thế, sao dám chấp nhận để tự khinh ư? Vì thế đem nguyên thư gởi lại, mong hãy kiếm vị minh sư khác!

2) Người học Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, tự hành, dạy người cùng tu Tịnh nghiệp. Lúc niệm Phật cần phải thâu nhiếp tai lắng nghe, từng chữ từng câu chẳng để luống qua, lâu ngày chầy tháng, thân tâm sẽ quy nhất. Một pháp Lắng Nghe đúng là pháp quan trọng trong [pháp môn] Niệm Phật; bất luận là ai đều có lợi chứ không có điều tệ, công đức rất sâu. Chẳng như những pháp quán tưởng v.v… người biết pháp sẽ được lợi ích, kẻ chẳng biết pháp phần nhiều bị tổn hại. Vì thế, chẳng thể dạy kẻ chẳng hiểu giáo lý, chẳng thông Tánh Thể tu tập những pháp quán tưởng v.v… Ông muốn quy y, bèn đặt pháp danh là Đức Huệ. Dùng pháp tín nguyện niệm Phật để tự lợi mình, lợi người, công đức chẳng thể nghĩ bàn!

3) Hôm trước nhận được khoản tiền mười đồng do ông gởi, nay đã đem một trăm đồng để phụ giúp hành động tốt lành của một đệ tử thuộc thành phố này, mười đồng của ông cũng nằm trong số đó. Quang hễ có tiền bèn dùng ngay, hoặc là dùng để in kinh sách, hoặc để cứu trợ tai nạn, ngõ hầu những ai gởi biếu Quang đều được quy công vào Thật Tế! Cho đến lúc chết, Quang chỉ mang theo y phục tùy thân mà thôi để khỏi bị sau khi chết đi, kẻ được hưởng tài vật rủa xả là con quỷ tham lam.

4) Bệnh của con gái lệnh hữu đã lành, cũng là do lòng thành của bà nội cảm nên. Phàm uống nước đã được gia trì bằng chú Đại Bi, kẻ chí thành sẽ thấy linh nghiệm, kẻ chẳng chí thành khó thấy được hiệu quả. Sách do lệnh sư soạn đã được tiên sinh Đinh Trọng Hựu[1] khen thì được rồi! Quang mắt đã gần lòa, ngay khi viết thư này phải dùng cả kính lão lẫn kính lúp, miễn cưỡng gò gẫm. Cái thói sáo rỗng chưa thấy cuốn sách ấy mà đã viết lời bàn luận, khen ngợi, Quang tuyệt đối chẳng có gan viết! Nay mục lực ngày càng suy, trí nhớ ngày càng kém, sách đã không thể đọc được thì lời tựa cũng chẳng thể nào viết được! Hai thứ [sách] đề nghị, yêu cầu [viết lời tựa, lời bình] đều gởi lại bằng thư bảo đảm, từ rày đừng gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu người khác đến quy y do không đủ sức để thù tiếp!

5) Ông là người đề xướng thì phải nên ăn chay trường để làm gương. Quán Âm Điện nên đợi thái bình rồi hãy xây cất để khỏi bị kẻ khác nghĩ ông có tiền rồi nảy sanh ý xấu! Mẹ ông đã ngoài sáu mươi, hãy nên nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, chớ có tâm cầu phước báo nhân thiên đời sau. Tâm hễ có một niệm cầu phước báo nhân thiên đời sau sẽ chẳng thể vãng sanh Tây Phương được! Bốn pháp danh viết trong tờ giấy khác, gởi kèm theo thư. Tiền hương kính không cần phải gởi thêm. Hiện thời Quang chẳng có chuyện gì cần dùng đến tiền, chỉ mong mọi người ai nấy ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương; ngoài ra chẳng mong cầu chi hết! Pháp sư Đức Sâm hiện đang ở chùa Thái Bình tại Thượng Hải đợi giảo chánh các sách. Hiện tại bưu điện chẳng thể gởi các bưu kiện theo đúng thời hạn được, sợ bị lạc mất. Vì thế, thầy ấy ở luôn tại đất Thân (Thượng Hải) để giảo chánh cho ổn thỏa. Hoằng Hóa Xã do giao thông hiện thời chẳng tiện, chuyện gì cũng gian nan, phạm vi bị thu hẹp lại, ba người tại gia đều từ biệt ra đi. Do thầy Đức Sâm vẫn còn ở đất Thân, Quang phái một vị Tăng tạm thời thay thế lo liệu. Phương pháp “chiếu theo giá vốn, và nhận tiền xong mới giao sách” do vấn đề thời cuộc, [sách gởi] bị lạc mất giữa đường, nên không đủ sức và [có sách] để gởi tiếp tục được. Không phải chúng tôi khắc nghiệt mà do thời thế xui khiến cho chẳng thể không làm như vậy được.

 ***

[1] Trọng Hựu chính là tên tự của ông Đinh Phước Bảo, tác giả bộ Phật Học Đại Từ Điển.