LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Huệ Chiêu

[Cho tới] tháng Chạp năm ngoái, do phải giảo chánh bộ Lịch Sử Thống Kỷ suốt hơn hai tháng để [nhà in] làm thành hai bức Chỉ Bản hòng in ra hai vạn bộ sách từ mỗi bức, ngõ hầu nhờ vào đây mà vãn hồi thế đạo nhân tâm. Đến ngày Hai Mươi tháng Chạp mới hoàn tất. Ngày hôm sau bị cảm lạnh, nằm bệnh hơn cả tuần. Nay tuy lành bệnh, tinh thần vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ ở ẩn, nên mới trình bày đại lược nguyên do. Trước đây, tôi đã bảo thầy Minh Đạo gởi mười gói sách, chắc ông đã nhận được rồi.

Nói đến chuyện ông Mã quán tưởng hữu hiệu thì cũng là do ông ta kiệt lòng thành, cạn lòng kính mà ra, chứ có lạ lùng, đặc biệt gì đâu! Do một mình ông Mã [quán tưởng] được tương ứng, ông bèn nẩy sanh ý niệm nghi ngờ đối với pháp do chư tổ Liên Tông thường dạy người (tức pháp Trì Danh) thì có còn đáng gọi là người tin Phật, tin Pháp được chăng? [Phép] Quán Tưởng vốn do đức Phật khai thị, nhưng do người đời thường chưa thể triệt để dứt bặt vọng tưởng, dùng cái tâm bộp chộp, lầm lạc muốn mau chứng đắc để tu Quán sẽ rất nguy hiểm. Đa số những kẻ xưa nay bị ma dựa là vì lẽ này. Vì thế, cổ đức nói: “Cảnh tế, tâm thô, quán khó thành tựu, có thể dấy lên ma sự”, chứ không phải là trọn chẳng cho người khác tu Quán, cũng chẳng hề nói: “Tu Quán đều bị ma dựa!”

Nay vì một mình ông Mã [tu Quán] hữu hiệu bèn nghi ngờ lời lẽ chân thật vì người của chư tổ sư từ trước đến nay, đủ thấy ông và các bạn đều thuộc phường “trọng nay, khinh xưa!” Có kiến giải giống như thế, ắt sẽ thấy lạ, nghĩ khác, tìm cầu những cái được gọi là “huyền diệu, đặc biệt, lạ lùng”. Mai sau có kẻ đề xướng những pháp huyền diệu cao siêu khác để gạt người, [thốt] lời cuồng vọng “khiến cho [người hành theo pháp ấy] có thể thành Phật đạo trong một thời gian ngắn”, chắc ông sẽ thuận theo lời hắn bỏ pháp này tu pháp ấy. Như bèo không rễ, bềnh bồng [trôi nổi] theo gió, “tin đạo chẳng chuyên dốc, làm được gì đâu?” Khổng Tử đã sớm dự đoán điều này, cần chi Quang phải rườm lời nữa ư? Chỗ hay của ông Mã là thành khẩn. Tuy chẳng biết đến nghi thức phát nguyện, nhưng do quán niệm một trăm lẻ tám câu Phật hiệu, lại nói thêm câu “tiếp dẫn con đến Tây Phương” thì đấy chính là “có nguyện”. Nhưng cái kiểu kèm thêm như vậy để niệm, chớ nên bắt chước! Người đời nay hễ thấy một pháp nào hữu hiệu bèn chẳng buồn chọn lựa, hoàn toàn tập hành theo, đến nỗi chưa được lợi ích thật sự mà trước hết đã bị tổn hại lớn lao rồi! Ví như ăn quả dưa thì phải bỏ vỏ và hạt, không phải là hoàn toàn ăn hết, mà cũng chẳng phải là hoàn toàn bỏ hết. Đấy là do người học đạo khéo dụng tâm mà thôi! Xin hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm thay!

Hơn nữa, ông Diệp Chiếu Không trước đây có gởi thư đến, tôi vốn không muốn trả lời. Do ông ta quen biết với ông, nên hễ ông viết thư liên lạc thì xin hãy chuyển lời đến cho ông ta. Quang là một Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, bị cái hư danh làm phiền, mười mấy năm qua bận bịu vì người khác, đến nỗi bỏ lơ Tịnh nghiệp của chính mình. Há nên đem câu chuyện “người cha chữa bệnh cho con trong kinh Pháp Hoa” để sánh ví, chẳng sợ mắc lỗi đem phàm lạm thánh ư? Người tu Tịnh Độ chú trọng ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh, chứ chẳng nên chú ý tới Bát Xúc[1] và Lục Diệu[2] trong cảnh Định. Nếu do công phu [mà những điều ấy] phát sanh thì cũng nên coi là bình thường, chớ nên sanh lòng vui sướng, mừng rỡ. Nếu không, sợ rằng sẽ tưởng đấy là những chuyện thù thắng nhiệm mầu, đến nỗi ngược ngạo coi Tịnh nghiệp vốn là hạnh tu chánh yếu giống như chuyện thừa thãi.

Chớ nên tự lầm lạc gánh vác chữ Y gồm ba điểm[3], đấy chính là Tam Đức bí tạng Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo mới có thể chứng được chút phần, chỉ có Phật mới có thể triệt chứng viên mãn. Ông là hạng người nào mà dám ăn nói lớn lối quá phận vậy? Nên biết rằng “dẫu thấy Lý ngang với chư Phật thì tu trì vẫn phải noi theo sự tướng phổ biến” ngõ hầu chẳng đến nỗi chấp Lý phế Sự, rớt vào hầm sâu “bác không nhân quả” không đáy, mênh mông như hư không.

Ba đứa con của ông muốn được đặt pháp danh, nay với mỗi đứa đều lấy một chữ [từ tên ngoài đời] để đặt. Tân Đường pháp danh là Đức Tân, Ung Đường pháp danh là Đức Ung, Hy Đường pháp danh là Đức Hy. Có thể mỗi ngày đều làm cho đức ấy được mới sẽ đoạn được tham – sân – si, dứt tuyệt giết – trộm – dâm, tam nghiệp thanh tịnh. Ung (雍) là hòa, đôn đốc luân thường, tu trì Tịnh nghiệp, dùng tâm chí thành để mong thành thánh, thành hiền, đấy chính là Phật pháp hòa hợp với pháp thế gian, tâm mình đều hòa cùng tâm thánh hiền. Hy (熙) có nghĩa là ánh sáng, sáng sủa. Tận lực trừ Phiền Hoặc, chẳng để nó ngăn lấp tự tâm thì lương tri, Chân Như sẵn có đều được hiện rõ. Đối với những điều khác, hãy bảo các cháu đọc kỹ Gia Ngôn Lục sẽ tự biết. Vì vậy, chẳng cần nói nhiều.

Tụng bốn mươi tám nguyện [của kinh Vô Lượng Thọ] hay chương giảng về phép Quán Chín Phẩm [vãng sanh trong Quán Kinh] tùy ý thích của mỗi người, dùng hay không tùy ý. Nói chung, người niệm Phật coi mọi chuyện đơn giản là điều hay. Nếu bày vẽ đủ mọi hành nghi quá lố, chắc sẽ bị mệt mỏi. Pháp không có tướng nhất định, chớ nên cố chấp, cũng chớ nên tràn lan hỗn loạn, chỉ chú trọng sao cho được lợi ích, phù hợp căn cơ.

***

[1] Bát Xúc: Theo Ma Ha Chỉ Quán (quyển chín), khi sắp đắc Sơ Thiền, trong thân sanh ra tám thứ cảm xúc:

1) Động Xúc: Lúc ngồi Thiền, đột nhiên thân thể rung động.

2) Dưỡng Xúc: Thân đột nhiên ngứa ngáy.

3) Khinh Xúc: Thân thể đột nhiên cảm thấy nhẹ bổng như mây, như bụi, có cảm giác như đang bay lơ lửng.

4) Trọng Xúc: Đột nhiên cảm thấy thân nặng như tảng đá, chẳng thể cử động được chút nào.

5) Lãnh Xúc: Đột nhiên thân lạnh buốt.

6) Noãn Xúc: Đột nhiên thân nóng như lửa.

7) Sáp Xúc: Đột nhiên cảm thấy thân thô rít như da, như gỗ.

8) Hoạt Xúc: Đột nhiên cảm thấy thân trơn mịn như sữa.

Nguyên nhân là do khi sắp đắc Sơ Thiền, cực vi của thượng giới nhập vào cực vi của Dục Giới, hai thứ xen lẫn nhau, khiến cho Tứ Đại phát động cuồng loạn. Người không hiểu tình trạng này sanh lòng kinh sợ, sẽ sanh bệnh, huyết mạch đi loạn đường, dễ phát cuồng.

[2] Lục Diệu Môn là pháp do tông Thiên Thai đề xướng. Chữ Diệu chỉ cho Niết Bàn. Do có sáu cửa để nhập Niết Bàn nên gọi là Lục Diệu Môn, tức sáu phép Thiền Quán. Theo Lục Diệu Pháp Môn và Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (quyển thượng) thì Lục Diệu Môn là:

1) Sổ Tức Môn: Đếm hơi thở từ một đến mười để nhiếp tâm nhằm nhập định.

2) Tùy Tức Môn: Chú tâm nơi hơi thở ra vào, chẳng cần đếm số.

3) Chỉ Môn: Ngưng lặng các vọng niệm để khởi Thiền Định.

4) Quán Môn: Quán Ngũ Ấm hư vọng, phá trừ các vọng kiến điên đảo, nhằm khai phát Vô Lậu Phương Tiện Trí.

5) Hoàn Môn: Quay trở lại quán tâm, biết cái tâm quán ấy không thật nên Ngã Chấp tự mất, Vô Lậu Phương Tiện Trí tự nhiên tỏ rạng, tự nhiên đoạn Hoặc chứng Chân.

6) Tịnh Môn: Không có tâm trụ trước, lắng bặt thanh tịnh, Chân Minh Vô Lậu Trí nhờ đây tự phát hiện, tự nhiên đoạn Hoặc chứng Chân.

Ba môn đầu thuộc Định, ba môn sau thuộc Huệ.

[3] Theo Đại Bát Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa, quyển thượng. Chữ Y gồm ba điểm hợp thành, xếp thành hình tam giác có đỉnh nhọn quay xuống dưới, cho nên thường được dùng để ví với “chẳng một, chẳng khác, chẳng trước, chẳng sau”. Chữ Y do đó được dùng để ví cho ba đức của Niết Bàn là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát. Ba đức này hợp thành Thật Nghĩa của Niết Bàn như chữ Y do ba điểm hợp thành, mà ba điểm này tách rời không thành chữ Y cũng như không thể nào tìm Niết Bàn ngoài ba đức này. Ngoài ra, chữ Y còn được dùng để ví với Tam Bồ Đề (Thật Tánh, Thật Trí, Phương Tiện) hoặc Tam Phật Tánh (Chánh Nhân, Liễu Nhân, Duyên Nhân), hoặc Tam Bảo, hoặc Tam Đạo (Khổ, Phiền Não, Nghiệp) v.v…