LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Giác Tăng

Nhận được thư biết ở Thanh Hải vẫn có người hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, khôn ngăn vui vẻ, an ủi! Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Tất cả thư từ đều nhất loạt chẳng hỏi đến nữa, thư nào không quan trọng khẩn yếu bèn bỏ mặc. Có thư nào quan trọng khẩn yếu thì vị Thư Ký trong chùa viết thay. Do ông ở xa lại có chuyện cần sách nên mới đặc biệt đưa cho Quang đọc. Quang sớm chẳng bảo đảm được tối, tất cả chuyện nhờ cậy bút mực đều nhất loạt chẳng thể đáp ứng được. May là mấy năm trước có viết bài tựa cho Cư Sĩ Lâm ở Triều Dương, Quảng Đông, một đệ tử ở huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô thấy bài ấy được đăng trong bán nguyệt san bèn chép lại, cho in thạch bản, gởi cho Quang năm mươi phần, vẫn còn một phần, nay đem gởi cho ông. Văn tuy vụng về, chất phác, nhưng ý nghĩa chấp nhận được. Chỉ cần sửa đổi địa danh, tên người, thỉnh người viết chữ đẹp viết theo lối chữ Khải to chừng hai tấc, hoặc cho khắc ván, hoặc đem dán lên bảng để những ai đến đấy đều đọc được. Chớ nên dùng các lối chữ viết thiếp, Tục Thể, chữ Lệ, chữ Thảo, vừa tỏ rõ ý kính trọng, vừa dễ đọc. Phàm những dấu chấm câu đều dùng dấu khoanh tròn (o) để người kém học vấn cũng đọc được thành câu.

Hiện thời, gởi sách hết sức khó khăn. Ông muốn quy y thì đặt pháp danh cho ông là Khế Giác. Từ rày đừng gởi thư đến nữa, một là vì sớm chẳng bảo đảm được tối, hai là không có sức để thù tiếp. Tôi đọc qua bài vãng sanh ký của vị pháp sư nọ, tôi cho rằng “hãy nên dựa theo sự thật viết ra bài khác”, đừng nên “chuyện không, nói có” khơi gợi cho kẻ vô tri bắt chước theo! Nếu [bịa đặt, tô vẽ] thì dường như là hoằng pháp nhưng thật ra đã tạo thành đầu mối tranh cãi khiến cho đạo pháp suy bại, gây họa lớn lắm. Vị pháp sư ấy lúc lâm chung không cho các cư sĩ đến, sau khi tắt hơi rồi mới cho họ đến, [tức là] ông ta chưa thể suy nghĩ sâu xa về chuyện trợ niệm. Vì sao vậy? Lâm chung được mọi người trợ niệm sẽ chẳng đến nỗi có chuyện phá hoại chánh niệm. Hơi thở đã bặt, nhưng thật ra chưa chết liền, lỡ gặp phải kẻ vô tri thò tay thăm dò hơi nóng, hoặc cho là đã chết, xúm nhau bàn luận om xòm, chắc sẽ bị hỏng việc! Đã chẳng cho người khác tới thì phải hạn định sau khi tắt hơi trong vòng năm tiếng chẳng cho ai đến. Nếu chưa tắt hơi bèn trợ niệm thì sau khi tắt hơi, chắc chắn chẳng có những hành vi kinh động, ầm ĩ khác. Từ rày trợ niệm chớ nên y theo pháp ấy! (Ngày Mười Tám tháng Năm)