Thư gởi cư sĩ Trần Huệ Cung

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Lòng thành đến cùng cực, đá vàng cũng phải nứt, huống gì [cậy vào] sức Tam Bảo ư? Nếu cư sĩ có thể thật sự đọc kỹ các sách, tương lai sẽ có thành tựu. Nếu không, sẽ trở thành một kẻ cuồng thiếu tấm lòng thường hằng[1]. Kẻ tại gia niệm Mông Sơn có gì là không được? Đây là [nghi thức] để kết duyên với khắp các cô hồn. Nhỏ là Mông Sơn, trung là Diệm Khẩu, lớn là Thủy Lục, cùng là một chuyện cả. Thường kết duyên với cô hồn thì thường được sự tốt lành. Người ta chẳng dám niệm vì sợ sẽ vời quỷ đến, chẳng biết quỷ và người sống lẫn lộn, không chỗ nào không có quỷ! Dẫu không vời quỷ, nhà ai không có quỷ? Quỷ đông hơn người trăm ngàn lần! Nếu con người sợ quỷ, hãy nên tích đức làm lành thì quỷ liền kính trọng, bảo vệ. Nếu con người làm chuyện ám muội, quỷ sẽ tranh nhau quấy phá, cho nên khó thể tốt lành. Nếu con người biết điều này, dẫu ở trong nhà tối cũng chẳng dám khởi lên ý niệm xấu xa, huống chi là chuyện xấu? Loại quỷ này chính là thiện quỷ, người đến chúng bèn nhường, người đi chúng lại chiếm khắp chỗ đất ấy. Nếu quỷ dữ xuất hiện sẽ có chuyện chẳng tốt lành lớn.

Phóng Mông Sơn nếu chí thành, dẫu là loài quỷ dữ dằn cũng kính cẩn vâng lời Phật sắc truyền, chẳng còn dữ dằn nữa. Do vậy, phàm là các bệnh do oán nghiệp, thuốc chẳng thể chữa lành, chí thành niệm Phật, niệm Quán Âm sẽ liền được mau lành, do oán quỷ được nhờ ơn niệm Phật, được sanh vào thiện đạo. Có thể biết là trước mặt mỗi người thường có rất nhiều thiện quỷ hoặc ác quỷ. Người sợ quỷ thì nên giữ cái tâm tốt lành, nói lời tốt lành, làm chuyện tốt lành thì tất cả các quỷ đều trở thành kẻ hộ vệ. Loại quỷ ấy chỉ sợ không nhiều, chứ càng nhiều càng tốt, đâu có sợ chi?

Vợ ông đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho bà ta là Huệ Nhã; Nhã là chánh. Có thể nhất tâm niệm Phật, chẳng sanh vọng tưởng phước báo nhân thiên đời sau thì mới là chánh huệ nương theo trí huệ của Phật, nên gọi là Huệ Nhã. Cô con gái thứ ba tên Phùng Xuân, pháp danh là Tông Trinh; Tông là chủ, Trinh là chánh. Mùa Xuân đứng đầu một năm, Trinh là kết thúc của Càn đức (phẩm đức của quẻ Càn). [Trong kinh Dịch, phần giảng về] quẻ Càn có ghi: “Càn, nguyên, hanh, lợi, trinh”. Khổng Tử giải thích: “Trinh giả, sự chi cán dã” (Trinh là cái cốt lõi của sự vật). Chữ Trinh này nghĩa lý rộng sâu, chứ không phải chỉ [có nghĩa] con gái giữ thân là Trinh đâu! Phàm hết thảy mọi người, nếu mọi hành vi đều phù hợp đại thể thì đều gọi là Trinh. Nếu Phùng Xuân có thể tận lực giữ tròn bổn phận, dùng tám chữ “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để sau này giúp chồng dạy con ngõ hầu chồng lẫn con đều thành hiền thiện, thì mới đúng với ý nghĩa thật sự của chữ Tông Trinh, mới hợp với Xuân là mùa đứng đầu một năm, hợp với đức Trinh của quẻ Càn, trở thành bậc thầy khuôn mẫu cho nữ giới, là bậc mẫu nghi chốn khuê khổn, vẻ vang sao diễn tả cho được? Mong hãy sáng suốt suy xét, bảo với cô ta vậy!

***

[1] Nguyên văn “vô hằng chi cuồng nhân”: Chữ Vô Hằng xuất phát từ sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô hằng, bất khả tác dĩ tác vu y”. Sách Tập Giải Trịnh Chú giảng: “Con người không có cái tâm thường hằng (tức cái tâm kiên quyết không thay đổi chủ ý dễ dàng) sẽ chẳng thể làm đồng cốt hay thầy thuốc được”. Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích thêm: “Thầy thuốc hay đồng cốt cần phải có sức chú ý, không dễ bị dao động, không dễ bị phân vân, bối rối thì mới hành nghề được!” Cổ nhân thường mượn chữ “vô hằng” để chỉ những người không có chủ ý nhất định, dễ bị chao đảo.