THÍCH TỊNH ĐỘ QUẦN NGHI LUẬN
SỐ 1960
QUYỂN 04
Chùa Thiên phúc, Tây đô, Đại đức Hoài Cảm soạn
Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: “Người chê bai kinh này, thường sinh vào chỗ nạn, không bao giờ thấy Phật, là bậc Tôn quý trong các Thánh.” Vì sao người chê bai pháp này, được sinh về Tây phương, thấy Phật nghe pháp, xa rời hẳn các thứ khổ? Như vậy sao thường sinh chỗ nạn?
Thích: Kinh Quán nói: “Như người ngu này, không việc ác nào họ chẳng làm, trải qua các địa ngục, chịu khổ vô cùng.” Phần sau nói: “Niệm Phật mười tiếng, được sinh Tịnh độ.” Nếu nói thường sinh chỗ nạn, chịu khổ vô cùng, thì đâu được vãng sinh Cực lạc? Nên biết khổ báo vô cùng, nhưng tội diệt thì khổ báo dứt ngay; thường sinh chỗ nạn, tội ác đã hết thì đâu trở ngại thấy Phật?
Còn Thiền sư dẫn ý của kinh giáo là muốn chứng minh người ở giai đoạn ba có tội không thể diệt trừ, không tội lỗi không sinh Tịnh độ. Dẫn rộng rất nhiều Thánh giáo, muốn chứng minh người tà không vãng sinh, chẳng biết người ở giai đoạn hai có chê bai kinh Pháp Hoa không, chê bai có thường sinh chỗ nạn không, niệm Phật có được sinh Tịnh độ không, nếu cho rằng được vãng sinh, thì không thể dẫn kinh ở trước làm chứng; nếu không được vãng sinh, thì đó là chúng sinh báng pháp ở giai đoạn hai, người đó cũng không được vãng sinh Tịnh độ, vì sao chỉ chứng minh người ở giai đoạn ba không đự ợc vãng sinh?
Hỏi: Kinh Duy-ma nói: “Bồ-tát thành tựu tám pháp, đối với thế giới này thực hành không làm ung nhọt, thì sinh Tịnh độ.” Thiền sư Tín Hạnh nói: “Tám pháp này là pháp vãng sinh của chúng sinh ở giai đoạn ba, kinh Quán cho là pháp vãng sinh của người ở giai đoạn hai. Nay phần nhiều là chúng sinh ở giai đoạn ba, vì sao người học ở giai đoạn hai lại cầu sinh Tịnh độ?
Thích: Xét ý nghĩa lập giáo của Thiền sư, lấy Phật pháp đương cơ làm tông, muốn được chỉ quy của Thánh giáo, mà hạ thấp người học xưa nay, nhưng Thiền sư lấy ba nghĩa: Y thời, ước xứ, và chuẩn nhân xuất xứ từ trong kinh giáo mà biết đó là đương cơ pháp môn. Thiền sư Tường lập ba môn này rồi tìm ý nghĩa trong các kinh giáo, có thể nói hay thì thật là hay, tài năng thì thật tài năng, nhưng xưa nay, bậc thạnh đưc đã dò xét lẽ u vi, tông môn học nội và ngoại điển, nghĩa gồm bán tự và mãn tự, tận cùng sào huyệt của pháp môn, nghiên cứu bí tạng của chân thừa, chưa thấy có ai như Thiền sư làm việc này để phán tông chỉ. Nhưng Thiền sư tự lập nghĩa trái với tông chỉ của kinh. Vì sao? Vì kinh Quán nói: “Nay Như Lai nói nghiệp thanh tịnh cho Vi-đề-hy và tất cả phàm phu đời vị lai, bị giặc phiền não làm hại nghe.” Luôn cả đời vị lai, là đời ác trược; người bị giặc phiền não làm hại là người ác; pháp này để giáo hóa cõi uế, chỗ xấu ác. Nhưng kinh này có đủ ba nghĩa này, được xem là đương Phật cơ pháp, Thiền sư Tín Hành nói không đương cơ, ý đó thế nào? Kinh Duy-ma nói tám pháp không gọi là đời vị lai, chẳng phải thời ác; Bồ-tát thành tựu tám pháp, chẳng phải người ác, mà chỉ nói giáo hóa cõi nhơ bẩn này là cõi ác thôi, kinh chỉ có một nghĩa này nhưng thiếu hai môn kia, mà nói đương cơ, là nghĩa gì?
Hỏi: Kinh Bồ-tát Xử Thai quyển ba nói: “Tây phương cách cõi Diêm-phù-đề này mười hai ức na-do-tha, có nước Giải mạn, nước này vui sướng, ca nhạc hát xướng, áo mền phục sức đều kết hoa thơm, cửa giường nằm giăng bảy báu, ngước mắt nhìn về phương Đông, giường báu chuyển theo, nhìn phương Bắc, phương Tây, phương Nam thì nó cũng chuyển theo như vậy. Trước sau, chúng sinh phát tâm muốn sinh về cõi nước Phật A-di-đà, nhưng họ say đắm cõi nước Giải mạn, nên không thể tiến lên được, do đó mà người sinh về cõi nước Phật A-di-đà, trong ức ngàn muôn người, chỉ có một người mà thôi.” Lấy kinh này làm chuẩn, thì thấy khó có thể được sinh, vì sao ở đây lại khuyên sinh về cõi Phật kia?
Thích: Chỉ có kinh Bồ-tát Xử Thai mới có lời dạy như thế, nên Thiền sư Thiện Đạo mới khuyên bốn chúng chuyên tu nghiệp Tịnh độ Tây phương, bốn cách tu không rơi đọa, ba nghiệp không xen tạp, buông bỏ tất cả hạnh nguyện khác, chỉ nguyện tu một hạnh Tây phương. Người tu nhiều môn thì muôn người tu không có một người vãng sinh, người chuyên tu thì ngàn người tu ngàn người vãng sinh không sót một, kinh nói tiếp: Vì sao? Vì đều do biếng nhác, kiêu mạn, giữ tâm không vững chắc. Do đó mà biết người tu nhiều môn là người giữ tâm không vững chắc, nên sinh vào nước Giải mạn, là tương đương với kinh Xử Thai. Nếu không tạp tu, chỉ chuyên tu nghiệp này, tức giữ tâm vững chắc, nhất định vãng sinh về nước Cực lạc. Điều này rất phù hợp với tôn chỉ của kinh Tùy Nguyện Vãng Sinh. Kinh nói: “Người ở thế giới Ta-bà tham lam thì nhiều, chánh tín thì ít, quen theo thói tà, không tin chánh pháp không thể chuyên nhất, tâm loạn không có chí hướng, thật ra Tịnh độ trong mười phương không khác nhau, vì muốn cho chúng sinh chuyên tâm một chỗ, nên khen ngợi cõi nước Phật A-di-đà. Những người vãng sinh đều tùy theo nguyện mà được quả.” Nên biết nếu tu xen tạp nhiều hạnh thì sẽ rơi vào nước Giải mạn, chuyên tu một hạnh thì sinh về cõi nước An lạc. Chỗ này mới hiển rõ pháp môn Tịnh độ chuyên thực hành mà được vãng sinh, há chẳng phải nước Cực lạc khó đến mà không cố gắng sao? Người học không thể không chuyên tu. Còn người sinh báo Tịnh độ thì rất ít, mà sinh hóa Tịnh độ cũng không nhiều, nên kinh nói riêng, thật ra không có gì trái nhau.
Hỏi: Như kinh Quán Phật Tam-muội Hải nói: “Năm trăm Thích tử đời quá khứ là anh em, học tập ngoại điển, không tin Phật pháp, người cha sinh lòng thương xót, nói cho họ nghe mười hai nhân duyên Phật pháp sâu xa, nhưng họ hủy báng, chê bai. Khi qua đời, họ chịu các thứ khổ, người cha thương xót sợ họ đọa địa ngục A-tỳ, nên dạy họ niệm Phật. Khi sắp chết, đứa con mới khởi lòng kính cha, nghe lời cha dạy, niệm Nam-mô Phật-đà, người cha lại dạy niệm Nam-mô Đạt-ma, Nammô Tăng-già, đứa con qua đời, nhờ phước niệm Phật, được sinh lên cõi trời, hưởng thú vui ở đó. Khi quả báo cõi trời đã hết, thì tội cũ hủy báng pháp vẫn còn, nên người con lại bị đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu khổ dữ dội. Nếu y theo kinh này, thì người sắp qua đời niệm Phật tuy đươc sinh lên cõi trời, nhưng tội không mất vẫn rơi vào địa ngục, vì sao chúng sinh bậc hạ chỉ niệm một câu Phật liền diệt hết các tội, được sinh Tây phương, dứt hết đắm chìm, không đọa đường ác, thường hưởng an vui, cho đến Bồ-đề, Vì sao cùng niệm danh hiệu Phật, mà có lên xuống khác nhau như thế?
Thích: Tuy người đó niệm Phật được sinh lên cõi trời, nhưng hưởng thú vui cõi trời, đam mê năm dục, lại không tu thiện. Khi phước niệm Phật hết, vẫn rơi vào ba đường. Như mũi tên bắn lên hư không, sức hết liền rớt xuống. Cũng thế, nếu không nương bản nguyện, cũng rơi vào đường ác. Nay vãng sinh Cực lạc, hoa sen nở ra thấy Phật nghe pháp, dần dần tiến tu các pháp đạo phẩm, sáu pháp Ba-la-mật, niệm niệm luôn hành trì, tội lỗi từ vô thỉ đều tiêu diệt, hạnh nguyện cao quý, niệm niệm tăng trưởng, trăm ngàn Tam-muội đều hiện tiền. Quán nhân không và pháp không, cho đến vô sở đắc. Đâu thể sánh nam nữ ở cõi trời ham vui năm dục, buông lung sáu tình, tạo mười tội ác với hữu tình vãng sinh Tịnh độ ư?
Còn người niệm Phật không phát tâm Vô thượng Bồ-đề cầu sinh Tịnh độ, ân cần hổ thẹn. Lại Bản nguyện nói rằng: Còn trải qua ba đường ác, con nguyện không thành Chánh giác. Lại không dốc lòng, chỉ nghe cha dạy, nên tội không diệt, tạm được sinh lên cõi trời, nhưng tội còn nặng hủy báng chánh pháp, theo kinh Quán bậc hạ phẩm hạ sinh phải đủ mười niệm tội mới diệt trừ. Nếu không chí tâm, lại chỉ một niệm nên tội không diệt, sinh thiên hết phước lại đọa xuống, ví như mang nợ bị kẻ mạnh lôi kéo trước. Phước niệm Phật mạnh nên tạm sinh cõi trời, tội báng pháp nặng nên vẫn phải rơi vào đường ác. Hai kinh nói trên khác nhau là ở chỗ này.
Hỏi: Kinh nói: “Trong có ba độc tà, ngoài chiêu cảm thần quỷ ma.” Nay nói: “Niệm Phật Tam-muội được thấy Phật A-di-đà, và khi qua đời, Phật và Thánh chúng mang hoa đến đón rước.” Đã là phàm phu, có ba độc tà, như thế chẳng phải là thần quỷ ma sao?
Thích: Vì có ba độc tà, y kinh tu hành Tam-muội, được thấy Phật A-di-đà, và khi qua đời, Thánh chúng đến đón rước, tất cả là thần quỷ ma, nên tất cả phàm phu đều có ba độc tà, dù không đạt được niệm Phật Tam-muội và tu nghiệp Tây phương, cũng nên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu thường thấy Phật, thì khi qua đời sẽ thấy Phật A-di-đà mang hoa đến đón rước, nếu nói không thấy Phật đón rước, là người không có ba độc tà, còn dốc lòng xưng niệm Phật A-di-đà, tu Tịnh nghiệp Tây phương, giữ gìn trai giới, có phải nhân của ba độc tà hay không? Nếu do niệm Phật tu thiện mà khởi ba độc tà thì lẽ ra Đức Thế Tôn không khuyên chúng sinh niệm Phật… còn tu thiện niệm Phật là vời lấy thần quỷ và ma, phạm trai phá giới, là không có các tướng ma quỷ… Nếu chẳng phải là nhân của ba độc tà, thì đây là pháp có thể diệt ba độc tà, chúng ta tu pháp có thể diệt, dừng cái thấy của thần ma quỷ, ông vốn không tu nhân diệt, thì làm sao thấy Phật? Nếu dùng văn này để chứng minh, phán định là ma thì phải là người không có ba độc tà, không bị các ma làm nhiễu hại. Nếu đúng thì tại sao tâm A-nan sinh mê hoặc, không thỉnh Như Lai trụ thế; Ưu-ba-cúc-đa đang ở trong định bị ma đội tràng hoa lên đầu? Nên biết rằng chưa hẳn tất cả ba độc tà đều chiêu cảm thần ma quỷ, tất cả những người không mê hoặc đều không bị ma quấy nhiễu, há lúc qua đời thấy Phật đều là thần ma quỷ sao? Nếu có ba độc tà cảm thần ma quỷ, thì cần gì phải biến thân Phật, mới chiêu cảm tướng ma. Kinh Niết-bàn nói: “Trong đời vị lai, ma biến ra thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và thân Phật để mê hoặc người tu hành. Phật dạy đệ tử Ngài phân biệt được điều đó là Phật nói hay ma nói, nên họ biết được. Chúng sinh rơi vào cảnh giới ma, bị nhiều duyên ngôn giáo mê hoặc, đâu phải chỉ có hình tướng lầm loạn? Nên kinh Quán nói: “Tu mười sáu pháp quán, được thấy cảnh thanh tịnh, không phân biệt tà chánh, nếu đang trong cảnh quán mà nghe nói pháp mầu thì Phật khiến cho xuất định nhớ mãi không quên, giúp cho hành giả khế hợp với Tu-đa-la, để phân biệt tà chánh.”
Nếu ông đã hiểu, thì bốn chúng mà ông thấy đều phải là ma vì thân ông có tà độc. Lại thấy thân Phật dù là ma, nhưng do ngã pháp chân chánh, có thể ra khỏi cảnh ma, hiện thân Phật đến làm hoặc loạn ư? Là do ngã pháp chẳng phải chân Phật pháp, thêm lớn pháp tà độc, cảm ma hiện đến ư? Nếu do pháp chân chánh, có thể ra khỏi cảnh ma, ma hiện thân đến, cho dù là ma, tâm ông càng phải siêng niệm Phật hơn, vì đó là pháp chân chánh ra khỏi cảnh ma.
Nếu pháp không chân chánh, có thể thêm lớn ba độc, chiêu cảm ma đến hiện hình Phật, người hàng thịt, chiên-đà-la, đều thêm lớn ba độc, nên nói khi qua đời thường thấy chư Phật trong mười phương, thân tâm an vui, thấy chư Phật mang hoa đến đón rước. Nếu như vậy thì như kinh Quán đã nói: “Chín phẩm vãng sinh, Thánh chúng đến rước.” Đây là ba độc tà, các Thánh chúng này đều là ma, thì kinh này không phải kinh Phật, pháp này là pháp ma.
Lại có ba độc tà có thể chiêu cảm ma quỷ, thì cần gì phải thấy Phật mới là ma đến, nguyện sinh Tây phương mới chiêu cảm quỷ thần? Chỉ có bốn mươi tám nguyện của Đức Phật Di-đà mới tiếp dẫn chúng sinh tội ác vãng sinh. Thánh giáo đã nói rõ. Từ xưa đến nay có các Truyện Ký, đều nói về những đều tốt lành, âm nhạc thanh thoát, mùi thơm kỳ diệu, những tướng lành trong sáng đó, đâu phải là chuyện hư cấu ư?
Ông nghe pháp mầu này, thấy các tướng thiện, lẽ ra phải phát tâm Bồ-đề, chuyên tâm tu học, mà lại không tìm Thánh giáo, không tin kinh Phật, thấy người tu hành, thì lại sinh tâm phỉ báng. Đây là ba độc tà của ông chiêu cảm thần ma quỷ, khiến cho tâm ông rối loạn điên đảo, hủy báng giáo pháp chư Phật, làm mất đi chánh tín của mình, phá hoại thâm tâm người khác. Phải biết đó là việc ma, chánh tín niệm Phật Tam-muội, đó là ma đến mê hoặc, phá hại tâm lành của ông. Đâu cần gì phải hiện ra hình tướng chư Phật, mới gọi là thần quỷ mê do ba độc chiêu cảm? Lúc Phật sắp nhập Niết-bàn có bảo A-nan rằng: “Ta tu bốn thần túc, có khả năng trụ thế một kiếp.” A-nan im lặng, không thỉnh Phật trụ thế. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Ca-diếp kết tập, dùng sáu lỗi Đột-cát-la quở trách A-nan: “Nguyên nhân nào ông không thỉnh Phật trụ lâu ở đời?” A-nan thưa: “Vì bị ma mê hoặc nên tôi quên thỉnh Phật trụ thế. Sau khi Phật diệt độ, ác ma rời tâm, tôi mới phát hiện, xin hổ thẹn hối lỗi.” Nên biết ma đến mê hoặc, không hẳn nó hiện hình, chỉ cần tâm ông tà vạy, là bị ma lợi dụng.
Ma hiện hình đến mê hoặc, dễ biết dễ trừ, còn loại ma tiềm ẩn mê hoặc, khó biết khó trừ. Như A-nan ở cách Ta-la song thọ mười hai do-tuần, bị sáu vạn ma mê hoặc mà không biết, Phật sai Văn-thù-sư-lợi đem thần chú đến cứu. Cho đến khi Phật sắp diệt độ, ma che lấp tâm ông, đến khi Phật diệt độ rồi, ông mới sinh hối hận. Đây chẳng phải ma hiện dễ biết, ma ẩn khó biết ư? Ông chỉ hủy báng người niệm Phật, nói thấy Phật đều là ma quỷ, ông đâu biết rằng người không tin Thánh giáo là đã bị ma mê hoặc ư? Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đến học Bát-nhã ba-lamật với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, thích ứng với kiến giải “Không”, Bồ-tát liền đem thân ra chợ bán. Ác ma biết tâm Bồ-tát sinh tâm quyết định không thể mê hoặc được, liền bịt tai mọi người không cho nghe tiếng Bồ-tát bán thân. Có cô con gái của trưởng giả, đứng trên lầu cao, đời trước có nhân lành, ma không thể che được, liền nghe tiếng Bồ-tát rao bán như vậy v.v… kinh nói đầy đủ nên y theo đó để biết, người không nghe tiếng, là bị ma che nhĩ căn; còn người nghe tiếng là ma không thể che ngăn được.
Ta cũng như thế, nghe nói giáo pháp Tịnh độ Tây phương, bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A-di-đà, tiếp dẫn chúng sinh Tabà, hằng sa chư Phật trong mười phương xuất ra tướng lưỡi rộng dài, chứng minh và khuyên họ vãng sinh, người tin hướng về chuyên tu tịnh nghiệp, nguyện sinh Tịnh độ, đây là đã ra khỏi cảnh giới ma, ma cũng không thể nào mê hoặc. Như cô gái con ông Trương giả ở trên lầu cao, có nhân thắng thiện, nên ma không thể che được, được nghe tiếng của Bồ-tát rao bán thân.
Ta cũng như thế, nên kinh Xưng Tán Tịnh độ nói: “Ở đây là thế giới Ta-bà tạp nhiễm, đầy năm thứ ô trược, nếu các người thiện nam, thiện nữ, được nghe danh hiệu Đức Phật Di-đà, công đức không thể suy nghĩ bàn luận, thế giới Cực lạc thanh tịnh trang nghiêm, nghe rồi sinh tin. Nên biết người này đã từng gieo trồng vô số gốc lành với vô lượng Phật, đúng như lời dạy mà tu hành, thì người này chắc chắn sẽ sinh về cõi nước Vô Lượng Thọ.” Nên biết tu nghiệp Tây phương là người đã từng trồng vô số gốc lành ở vô lượng Phật, ác ma không thể che tâm người đó được, nên họ có khả năng tin hiểu sâu xa. Ông thấy được Thánh ngôn mà không có tâm tín hướng thì tâm của ông đã bị ma che, trở lại sinh phỉ báng, đâu biết rằng mình đãbị ma mê hoặc, lại cười ta bị ma mê hoặc, xin các ông suy nghĩ thật kỹ, sớm phát hiện, không nên chính mình sai lầm, mà còn làm cho người khác sai lầm.
Lại theo văn kinh, tinh tấn trì giới, tu ba thứ phước, thực hành mười pháp quán, là đúng hay sai, chánh hay tà, là pháp ma hay pháp Phật. Nếu là pháp Phật, là chân chánh, thì thấy Phật hay ma, pháp này vẫn chánh, Dù cho thấy ma, cho ma là Phật, chỉ khiến y theo giáo tu hành, đây có gì là khổ? Nếu pháp này là pháp ma, không chân chánh, thì dù cho thấy Phật thật, cho Phật la ma, rồi thực hành phi pháp Phật, tu như thế có ích lợi gì? Như ngoại đạo, khi Phật còn tại thế họ cũng thấy Phật nay nói ba phước, mười pháp quán trong kinh Quán là chánh hay tà? Nếu ông cho là chánh, thì y theo đó tu hành, chắc chắn sẽ thấy Phật không sai, sao ông hủy báng? Nếu ông cho là tà thì ông là Xiển-đề, vì hủy báng chánh pháp, nên bị ma chinh phục, thật đáng thương xót.
Còn kinh Duy-ma nói: Thiên ma Ba-tuần dẫn theo một muôn hai ngàn thiên nữ, giống như Đế Thích mê hoặc Bồ-tát Trì Thế, Đại sĩ Duyma theo ma đòi các thiên nữ, dạy họ phát tâm. Ma theo ngài Tịnh Danh đòi các thiên nữ, Duy-ma trả lại, các Thiên nữ liền bạch rằng: “Vì sao chúng tôi ở trong cung ma?” Duy-ma-cật nói: “Có pháp môn gọi là Vô tận đăng, các ngươi nên học.” Các ma nữ được pháp, theo ma trở về cung, đến cung trời kia, giáo hóa bọn ma đều bỏ hết nghiệp ma, phát tâm Bồ-đề. Nên biết được chánh pháp chân thật, dù ở trong cung ma, biết ma là ma, thì pháp cũng thường chân chánh. Nghĩa này cũng giống như vậy, chỉ dạy niệm Phật Tam-muội là pháp chân chánh, dù cho ma biến thành Phật đến, tưởng lầm là thật, nên tâm quy hướng, thì nghĩa của Bồ-đề cũng không thay đổi, như vậy đâu có gì đáng sợ? Ưu-ba-cúcđa bảo ma biến thành Phật, rất giống như thật, ngài tưởng lầm là Phật nên sụp lạy, đây há là lầm giả khiến cho đồng với tà giải của các ông, chỗ thấy đều là ma, cho ma là Phật, là tổn chánh kiến ư?
Kinh Duy-ma nói: “Làm ma vương trong các thế giới ở mười phương, đều trụ trong giải thoát không thể suy nghĩ bàn luận, Bồ-tát dùng năng lực phương tiện để giáo hóa chúng sinh, nên hiện làm ma vương.” Dù làm ma vẫn là Bồ-tát, có gì đáng sợ? Mà gượng phỉ báng ư? Chỉ như Thiền sư Tín Hạnh, khởi sinh manh quán, không phân biệt được cảnh trước mắt là Thánh hay phàm, chính là Thánh giải, cần phải hết sức cung kính, dù ông không phân biệt được là Phật hay ma, cũng cần phải cung kính hết, và tưởng đó là Phật thật.
Còn ma làm nghiệp, chẳng phải ma; chẳng phải ma làm nghiệp ma, ma làm nghiệp ma, chẳng phải ma làm nghiệp chẳng phải ma.
- Ma làm nghiệp chẳng phải ma: Như khi Di-lặc hạ sinh, vào nửa đêm ma đánh thức chúng sinh, khiến họ bỏ ngủ nghỉ, siêng tu đạo xuất thế.
- Chẳng phải ma làm nghiệp ma: Như chúng sinh ngày nay, tuy chẳng phải là ma, xúi giục người làm ác, tức là nghiệp ma.
- Ma làm nghiệp ma: Như có loài ma thường mê hoặc người tu hành, khiến họ lui sụt tâm Bồ-đề, ham mê năm dục.
- Chẳng phải ma làm nghiệp chẳng phải ma: Như chư Phật, Bồtát và các Thiện tri thức, khuyên người phát tâm Bồ-đề, tu các phẩm thiện.
Cần gì ông nói không nên chẳng phải ma làm nghiệp ma, ma làm nghiệp ma ư? Kinh nói: “Như người biết giặc, giặc không thể làm hại được.”
Còn như Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, tinh thành mạnh mẽ, tâm siêng hành đạo, chỉ nhớ lúc Bồ-tát Đàm-vô-kiệt xuất định, nói Bát-nhã ba-lamật cho nghe. Lúc đó ác ma mưa đất cát, gạch ngói, xương khô, cành cây làm mê hoặc Bồ-tát.
Lúc đó, Bồ-tát càng thêm mạnh mẽ, chích máu rưới xuống đất, trang nghiêm đạo tràng. Dù ma não loạn, tâm Bồ-tát vẫn tinh tấn thêm. Nay chúng ta niệm Phật, được thấy Phật, dù là ma ta vẫn tưởng là Phật, càng mạnh mẽ thêm, có gì đáng sợ?
Trên đây trích dẫn rộng các Thánh giáo để khai ngộ tâm ông, chớ sinh phỉ báng.
Như vậy kinh giáođược dẫn, phải làm sao hội thông?
Đáp: Có ba độc tà không thể phát hiện được, gây ra các nghiệp thô ác về thân miệng ý, hủy hoại chánh kiến, thờ ma thờ thần, đây gọi là bên trong có ba độc tà, ngoài chiêu cảm quỷ thần ma. Tuy có ba độc tà, vẫn có thể gần gũi Thiện tri thức, y theo các kinh giáo liễu nghĩa trong Ba tạng Thánh giáo, phát tâm Bồ-đề, tu các phẩm thiện, chánh tín chánh kiến, thì không có thần quỷ ma. Dù cho có ma, cũng không bị nó lợi dụng. Chư Phật hộ niệm nhiều thắng duyên hơn cho người đó, tự tâm họ là chanh nhân, thì làm sao ma đến mê hoặc được?
Hỏi: Tịnh độ Tây phương so với cung trời Đâu-suất có gì hơn kém?
Thích: Chỗ hơn kém này rất rõ, người có hiểu biết đều rõ, đâu cần gì hỏi? Nhưng bậc tiên đức đã nói về Tịnh độ đã bàn đầy đủ về sự hơn kém, nên không cần giải thích ở đây. Nhưng trong đó còn thiếu thí dụ. Nay phân biệt sơ lược để rõ thêm chỗ hơn kém, bằng mười hai nghĩa như sau:
- Chủ.
- Xứ.
- Quyến thuộc.
- Thọ mạng.
- Nội ngoại.
- Sắc thân.
- Tướng tốt.
- Năm thông.
- Bất thiện.
- Diệt tội.
- Thọ lạc.
- Thọ sinh.
1/ Chủ: Thiên chủ Đâu-suất tích hiện phàm phu, tuy gọi là Bổ xứ, nhưng chưa thành Diệu giác, dù đang thành đạo, chỉ hiện hóa thân. Phật A-di-đà đã thành Chánh giác, ở nơi Tịnh độ, thường hiện thân thọ dụng, nói theo sự thật thì không có hơn kém, giáng tích hóa vật, thầy trò khác đường, sẽ thành hay đang thành, hóa Phật hay báo Phật, giác đủ hay chưa đủ, hiện thô hay hiện diệu, hơn kém khác nhau. Đây là nghĩa thứ nhất.
2/ Xứ: Đâu-suất là cõi uế của Ta-bà, cõi trời thấp nhất của cõi Dục. Cực lạc là thắng phương của Tịnh độ, vượt hơn các cõi đẹp. Nói chỗ hơn kém của nó không có cách nào so sánh, đẹp xấu rõ ràng. Đây là nghĩa thứ hai.
3/ Quyến thuộc: Cung trời Đâu-suất có nhiều nam nữ, cõi tịnh Cực lạc thì hoàn toàn không có người nữ. Lấy hình tướng này tự chia ra tốt xấu, hơn thua khác biệt. Đây là nghĩa thứ ba.
4/ Thọ mạng: Tuổi thọ của người ở cõi trời Đâu-suất, lấy bốn trăm năm ở nhân gian làm một ngày đêm của cõi này, tức ba mươi ngày đêm là một tháng, mười tháng là một năm, thọ mạng bốn ngàn tuổi, nhưng có chết non khoảng giữa, không sống hết tuổi thọ của trời, làm sao so được với thọ mạng vô lượng A-tăng-kỳ kiếp của người ở Tây phương? Vì tướng nghiệp không sánh bằng tướng thọ, dài ngắn khác nhau. Đây là nghĩa thứ tư.
5/ Nội ngoại: Cung trời Đâu-suất có nội viện, ngoại viện. Nội viện tức gần với Bổ xứ, không bao giờ lui sụt. Ngoại viện tức đam mê năm dục, không tránh khỏi luân hồi. Giác sư tử đạo gần với ngài Thế Thân, còn sinh ở ngoại viện, Bà-tẩu-bàn-đậu đức gần với Vô Trước mới sinh trong nội viện. Nên biết nội viện khó sinh, phần nhiều sinh ở ngoại viện, vẫn gây ra mười tội ác, lui sụt chìm đắm trong ba đường, không bằng sinh Tây phương, dù chỉ hạ phẩm, hoa sen nở, được gặp Quán Âm, nghe nói thật tướng các pháp sâu xa, trừ diệt các tội, thoát khỏi hẳn tuần hoàn, lấy hình tướng có thể so sánh được sao? Đây là nghĩa thứ năm.
6/ Sắc thân: Thân sắc của người ở cõi trời Đâu-suất là thân các vị trời, thanh tịnh nhiệm mầu, thật là đặc biệt, nhưng khi chung cục thì năm tướng suy hiện, hoặc hai nách ra mồ hôi, hoặc ánh sáng mất, làm sao sánh bằng Tây phương toàn sắc vàng, ánh sáng chiếu rực rỡ trăm ngàn do-tuần? Nên kinh Vô Lượng Thọ so sánh các vua Túc Tán với người ăn xin nghèo nàn cho đến các vị trời ở sáu tầng trời cõi Dục mới vãng sinh ở Tịnh độ thì dung nhan, tướng mạo, uy quang tự tại, giống như đống mực, huống chi núi vàng, xấu đẹp khác nhau. Đây là nghĩa thứ sáu.
7/ Tướng tốt: Các vị trời thân tướng dù có xinh đẹp, nhưng đâu có bốn mươi tám dáng dấp thù thắng khác, không có xấu đẹp. Tịnh độ Tây phương, nương bản nguyện của Phật, tất cả đều có ba mươi hai tướng trượng phu, không có xấu đẹp, hơn kém như ở cõi này. Đây là nghĩa thứ bảy.
8/ Năm thông: Như bốn mươi tám thệ nguyện rộng lớn: “Nếu như tôi thành Phật, chúng sinh trong nước chứng được năm thần thông, hoặc thấy hoặc nghe, dưới đến trăm ngàn muôn ức cõi nước chư Phật.” Các vị trời ở Đâu-suất dù có thần thông bay lên cao, qua lại, cũng đâu thể vuợt ra ba cõi? Dù sinh trong nội viện, cũng chưa chứng quả Thánh, không có kinh nào nói người đó trải qua mười phương, lấy đó mà so lường. Đây là nghĩa thứ tám.
9/ Bất thiện: Những người vãng sinh về cung trời Di-lặc đã là phàm phu, sinh ở cõi Dục, dù gặp Bổ xứ, đích thân nghe Đại thừa, phàm phu còn các hoặc, càng không có nguyện để nhiếp giữ, vẫn khởi các hoặc của tâm bất thiện, chúng sinh ở Tịnh độ không có cảnh ác này, cho nên nương vào các nguyện, mà bất thiện hoàn toàn mất. Đây là nghĩa thứ chín.
10/ Diệt tội: Kinh Di-lặc Thượng Sinh nói: Nếu trong một khoảng một niệm xưng danh hiệu Di-lặc, người này tiêu trừ tội trong một ngàn hai trăm kiếp sinh tử, chỉ nghe danh hiệu Di-lặc mà hợp chưởng cung kính thì người này trừ được tội trong năm mươi kiếp sinh tử. Nếu kính lễ Di-lặc thì trừ được tội trong trăm kiếp sinh tử, đâu sánh bằng một câu xưng niệm danh hiệu Phật Di-đà liền diệt được tội trọng trong tám mươi ức kiếp sinh tử, được sinh về Tây phương? Đây là nghĩa thứ mười.
11/ Thọ lạc: Là một trong năm thọ của Đâu-suất, sinh Cực lạc không có buồn khổ. Đây là nghĩa thứ mười một.
12/ Thọ sinh: Thọ sinh ở Đâu-suất, hoăc sinh trên đầu gối của nam nữ, thọ sinh Tịnh độ thì chỉ có ở trong hoa hoặc trong điện báu. Đây là nghĩa thứ mười hai. Đây là lược lấy mười hai nghĩa để hiển rõ sự hơn kém giữa hai nơi, còn rộng thì vô biên không thể nào nói hết được. Tuy có hai chỗ hơn kém, ý nghĩa như thế, nhưng vãng sinh hai chỗ này đều được kinh Phật khuyến khích và khen ngợi. Tùy theo sở nguyện của người, y theo giáo tu hành, đều được vãng sinh, đều được lợi ích. Người chí nguyện cầu sinh Đâu-suất đừng chê hủy người tu hành Tây phương, người nguyện sinh Tây phương, đừng chê bai nghiệp Đâu-suất. Mỗi người tùy theo tánh ưa thích của mình, mặc tình tu học, chớ thị phi nhau, tức là Phật pháp, bài bác lẫn nhau, thì đó là nghiệp ma, chẳng những không sinh về chỗ tốt đẹp mà còn luân hồi trong ba đường, người tu học phải suy nghĩ và cố gắng.
Hỏi: Những người hữu học đều biết Tây phương hơn cung trời Đâu-suất gấp trăm ngàn vạn lần, nhưng sợ rằng Tịnh độ là cõi đặc biệt, những người nguyện sinh sợ khó dược vãng sinh, thế nên xưa nay các bậc thạnh đức, thạc học cao tăng, đều cho rằng khó sinh mà tu nghiệp Đâu-suất. Nay khuyên tu hạnh Tịnh độ, nghĩa như thế nào? Chỗ nghi này rất sâu, xin hãy dứt trừ mê hoặc đó.
Thích: Đây là điều nghi thật sâu! Xưa nay các bậc thạnh đức, thông suốt huyền chỉ tham cứu nội ngoại điển, tinh chuyên đại, tiểu, đối với nghĩa này còn do dự, huống chi kẻ hạ ngu hèn kém, không phân biệt phải trái, đâu thể giải thích chỗ u trệ, phân biệt khó dễ này. Nhưng tìm trong các Thánh điển, thì có thể nói được chỉ thú của nó, vả lại như kinh Di-lặc thượng sinh, nói hạnh sinh Đâu-suất, so với kinh Quán, Vô Lượng Thọ kinh, xưng tán Tịnh độ kinh… nói rõ nghiệp tu Tây phương hiển bày chỗ đồng dị của nó nghĩa đó có thể biết.
Nhưng hạnh tu Đâu-suất và Tây phương, có mười lăm thứ đồng, tám thứ khác nhau.
Mười lăm thứ đồng nhau:
- Quán hạnh.
- Trì giới.
- Thập thiện.
- Sám hối.
- Tạo lập hình tượng công đức hữu vi.
- Các Thánh đón rước.
- Xưng niệm.
- Lễ bái.
- Hồi hướng phát nguyện.
- Đọc tụng kinh điển.
- Vãng sinh.
- Thấy Thánh.
- Quy kính.
- Nghe pháp.
- Không lui sụt.
– Tám thứ khác nhau:
- Bản nguyện.
- Ánh sáng.
- Che chở.
- Xuất ra tướng lưỡi.
- Các Thánh.
- Diệt tội.
- Trọng ác.
- Giáo thuyết.
1- Quán hạnh đồng: Người nguyện sinh về Đâu-suất, kinh Di-lặc Thượng Sinh nói: “Mỗi mỗi suy nghĩ trên cung trời Đâu-suất-đà rất vui.” Người tu pháp quán đó gọi là chánh quán, nếu quán khác thì gọi là tà quán. Người nguyện sinh Tây phương, kinh Quán nói: “Đất báu, cây báu, ao báu, chư Phật và Bồ-tát các pháp, mỗi mỗi đều quán sát, cũng nói: Tu pháp quán này, gọi là chánh quán, nếu quán pháp khác, gọi là tà quán.” Tức là tùy theo sở nguyện, quán nơi sinh ở cung trời, hay quán y báo, chánh báo trang nghiêm ở Tịnh độ. Chỗ này là giống nhau.
2- Trì giới đồng: Kinh Thượng sinh nói: “Phải trì giới cấm của Phật.” kinh Quán nói: “Thọ trì tam quy, giới cụ túc, không phạm oai nghi.” Chỗ này là giống nhau.
3- Thập thiện đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Tư duy thập thiện, hành thập thiện đạo”, kinh Quán nói: “Tâm từ bất sát, tu hành thập thiện”. Chỗ này là giống nhau.
4- Sám hối đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Nghe tên Bồ-tát đại bi này, năm vóc sát đất, thành tâm sám hối thì các nghiệp ác nhanh chóng thanh tịnh,” kinh Cổ Âm Thanh Vương nói: “Sáu thời chuyên niệm, năm vóc sát đất. Chỗ này là giống nhau.
5- Tạo lập hình tượng hữu vi công đức đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Tạo lập hình tượng, hương hoa, lọng báu, cờ phan, y phục.” Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Thường tu thiện, phụng trì trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường Sa-môn, treo lụa đốt đèn, rải hoa đốt hương.” Chỗ này là giống nhau.
6- Thánh nghênh đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Bồ-tát Di-Lặc phát ra ánh sáng từ sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày, cùng các thiên tử rải hoa mạn-đà-la như mưa, đến rước người này.” Kinh Quán nói: “Phật A-di-đà phát ra ánh sáng rực rỡ, chiếu vào thân hành giả, cùng các Bồ-tát đưa tay đón rước.” Chỗ này là giống nhau.
7- Xưng niệm đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Nếu trong một niệm xưng danh hiệu Di-lặc.” kinh Quán nói: “Nếu trong khoảng một niệm xưng danh hiệu Di-đà, chắp tay niệm Nam-mô A-di-đà Phật.” Chỗ này là giống nhau.
8- Lễ bái đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Lễ bái là niệm.” Luận Tịnh độ nói: “Thân nghiệp cung kính môn, lễ bái Phật Di-đà.” Chỗ này là giống nhau.
9- Hồi hướng nguyện sinh đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Hồi hướng công đức này nguyện sinh trước Di-lặc.” kinh Quán nói: “Hồi hướng công đức này nguyện cầu sinh về cõi nước Cực lạc.” Chỗ này là giống nhau.
10- Đọc tụng kinh điển đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Đọc tụng kinh điển.” kinh Quán nói: “Đọc tụng kinh điển Đại thừa phương đẳng.” Chỗ này là giống nhau.
11- Vãng sinh đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Nhanh như thời gian người tráng sĩ duỗi cánh tay, liền được vãng sinh về cõi trời Đâu-suất.” kinh Quán nói: “Như búng ngón tay” hoặc nói “Như khoảng một niệm” hay là “Thí như người tráng sĩ duỗi cánh tay, liền sinh về thế giới Cực lạc ở phương Tây”. Chỗ này là giống nhau.
12- Kiến Thánh đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Gặp ngay Di-lặc”, Kinh Quán nói: “Thấy sắc thân Phật, các tướng đầy đủ”. Chỗ này là giống nhau.
13- Quy kính đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Đầu mặt làm lễ”. Kinh Quán nói: “Ngay dưới đài vàng, chắp tay lễ Phật”. Chỗ này là giống nhau.
14- Nghe pháp đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Chưa kịp ngẩng đầu lên, đã được nghe pháp.” Kinh Quán nói: “Ánh sáng, rừng báu giảng nói đạo pháp”. Chỗ này là giống nhau.
15. Bất thoái đồng: Kinh Thượng Sinh nói: “Đối với Vô thượng đạo được không lui sụt.” Kinh A-di-đà nói: “Chúng sinh vãng sinh về đó, đều là bậc A-bệ-bạt trí”, chỗ này là giống nhau.
– Nói tám thứ khác nhau là:
1/ Bản nguyện: Về vãng sinh Đâu-suất thì Di-lặc vốn không có bản nguyện. Về vãng sinh Tây phương, thì Tỳ-kheo Pháp Tạng có bốn mươi tám nguyện, không nguyện như tự mình lội qua sông, có nguyện như ngồi trên thuyền dạo chơi. Đây là chỗ khác nhau thứ nhất.
2/ Ánh sáng: Tu nghiệp Đâu-suất, thần quang của Từ Thị không đến nhiếp thọ. Tu nghiệp Tây phương thì sợi lông trắng, lỗ chân lông, áng sáng, tướng tốt rực rỡ, tất cả các thần quang của Đức Phật A-di-đà, đều soi chiếu các chúng sinh niệm Phật, nhiếp giữ không rời. Ánh sáng chiếu như đi vào ban ngày, không ánh sáng giống như qua lại trong bóng tối. Đây là chỗ khác nhau thứ hai.
3/ Thủ hộ: Tu nghiệp Đâu-suất, Bồ-tát Từ Thị không đến che chở. Tu nghiệp Tây phương, kinh Quán nói: “Phật Vô lượng thọ, hóa thân vô số, cùng với Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, thường đến chỗ người tu hành này.” Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: “Được chư Phật Thế Tôn trụ trong mười Căng-già sa ở mười phương nhiếp thọ.” Kinh Thập Vãng Sinh chép: “Phật sai hai mươi lăm vị Bồ-tát thường che chở người tu hành.” Có sự che chở như nhiều người cùng dạo chơi, không sợ giặc cướp áp bức; không được che chở như kẻ đi một mình qua đường hiểm, thì sẽ bị kẻ hung bạo xâm phạm. Đây là chỗ khác nhau thứ ba.
4/ Thư thiệt: Sinh lên Đâu-suất, không có chư Phật trong mười phương thè lưỡi chứng minh. Khuyên sinh Cực lạc Tây phương có chư Phật thè lưỡi chứng thành. Như Đâu-suất đễ đến, Tịnh độ khó sinh, chư Phật trong mười phương cần gì phải chứng khuyên? Đây là chỗ khác nhau thứ tư.
5/ Chúng Thánh: Nghiệp Đâu-suất không có các Thánh che chở, phát nguyện nguyện sinh Tây phương thì có Bồ-tát Hoa Tụ, Bồ-tát Sơn Hải Tuệ, phát thệ nguyện rộng lớn: “Nếu còn chúng sinh nào, chưa vãng sinh Tây phương mà tôi đi trước, thì tôi nguyện không thành Chánh giác.” Đây là chỗ khác nhau thứ năm.
6/ Diệt tội: Kinh Thượng Sinh nói: “Xưng niệm Di-lặc chỉ trừ tội trong một ngàn hai trăm kiếp.” kinh Quán nói “Xưng niệm Phật A-diđà, trong mỗi niệm, trừ diệt tội sinh tử trong tám mươi ức kiếp.” Đây là chỗ khác nhau thứ sáu.
7/ Trọng ác: Kinh Thượng Sinh nói: “Nếu thiện nam, tín nữ nào phạm giới cấm, gây ra các nghiệp ác.” kinh Quán nói: “Hoặc có chúng sinh, gây ra nghiệp bất thiện, năm tội nghịch, mười điều ác, đủ các thứ bất thiện.” Đây tức là gây ra năm tội nghịch, không sinh cung trời Đâusuất, nhưng được vãng sinh Tịnh độ Tây phương. Đây là chỗ khác nhau thứ bảy.
8/ Giáo thuyết: Nói Đâu-suất dễ sinh, Tây phương khó đến, đây là hàng phàm phu suy tính kinh Phật. Xét cùng các kinh điển, hoàn toàn không có chỗ nào nói. Dù cho chứng bốn đạo quả, thức ăn ngon, áo ngọc; giai vị Thập địa, còn hoặc vô minh. Huống chi phàm phu học lữ, tập khí chưa mất, kiến hoặc, tu hoặc có lúc nào tạm rời? Dù có tìm Thánh giáo, giống các người mù rờ voi, há được y theo thứ bậc nhất định làm lời chỉ nam ư? Nhưng kinh Vô Lượng Thọ có lời dạy thành thật rằng: “Cắt ngang năm đường ác đường ác tự nhiên đóng, bước lên con đường cùng cực, dễ đến nhưng không có người.” Đó là chỗ rõ ràng của Phật giáo. Đây là chỗ khác nhau thứ tám.
Trên đây văn đồng có mười lăm chỗ, còn không thể nói khó sinh, huống chi có tám môn khác, mà nói khó đến? Xin người học tìm cả lý lẫn giáo, xét hai môn dễ và khó của nó, có thể dứt hẳn cái hoặc của nó. Lý cùng Thánh giáo, đối với một pháp môn hoặc khen hoặc chê, đều là phương tiện khuyên nhập đạo, xả bỏ ngu hoặc của kiến chấp. Nay vì ý này, xin xét rõ điều đó.
Hỏi: Theo luận Đối pháp, chín thứ mạng chung thọ sinh là chết ở cõi Dục, sinh ở cõi Dục, chết ở cõi Dục sinh ơ cõi Sắc, chết ở cõi Dục sinh ở cõi Vô sắc, cứ như thế đến tử vị, muốn thọ sinh ở cõi kia, liền khởi phiền não nhuận sinh cõi kia. Nay sinh Tây phương, khởi phiền não gì để nhuận sinh?
Đáp: Ở đây có hai cách giải thích: Nếu người chưa rời cõi Dục mà muốn sinh Tây phương, khởi ái của cõi Dục, nhuận Tịnh độ sinh. Nếu đã rời cõi Dục muốn được định cõi Sắc, khởi ái của cõi Sắc, nhuận sinh Tịnh độ. Nếu đã lìa cõi Sắc, muốn được định cõi Vô sắc thì thối tánh đó, thối khởi phiền não cõi Dục, cõi Sắc, sinh về Tây phương. Nếu không thối, thì sẽ không sinh Tịnh độ. Người kia nói Tịnh độ thuộc về cõi Dục cõi Sắc, có thuyết nói tuy chẳng thuộc hai cõi Dục và Sắc, nhưng là cõi Sắc tướng cho nên không thể lìa phiền não cõi Sắc để được định cõi Vô sắc, mà sinh sắc tướng Tịnh độ.
Có lời giải thích rằng: Sinh về Tịnh độ, khi qua đời, Phật đến đón rước, từ bi thêm phước lành, khiến tâm không điên đảo, liền qua đời.
Nếu khởi phiền não, thì gọi là điên đảo. Nhưng pháp thọ sinh ắt phải phiền não, đây là dùng hạt giống phiền não để nhuận chi hữu, khiến cho nó sinh nối nhau, cũng không có lỗi.
Hỏi: Bậc Thánh hữu học có thể dùng hạt giống nhuận sinh, đã là phàm phu, chỉ dùng phiền não hiện hành, đâu được nói hạt giống nhuận sinh?
Đáp: Luận ý cứ vào cõi uế thọ sinh, phàm phu chỉ dùng phiền não hiện hành, vì phàm phu phiền não mạnh mẽ, khi qua đời tất cả đều điên đảo. Vãng sinh Tịnh độ, nhờ Phật che chở, tâm không điên đảo, phiền não không khởi, không thể xếp đồng với pháp sinh cõi uế. Tuy không Thánh giáo, nhưng nghĩa y cứ theo đây có thể biết, nếu không có tử tâm, thì lẽ nhất định là như thế, hoặc khởi hiện hành, nghĩa cũng không lỗi.
Hỏi: Người sinh Tịnh độ có mười hai chi hữu, thuộc về ba cõi, chẳng biết Tịnh độ phần vị duyên sinh, thuộc về chỗ nào?
Thích: Ở đây có hai cách giải thích:
1/ Giải thích Tịnh độ là thuộc về ba cõi, chưa lìa được hoặc cõi Dục, vãng sinh Tịnh độ, chi vô minh, chi hành, tức là cõi Dục, sáu xứ thức, danh sắc, năm quả xúc, thọ, hạt giống vẫn là cõi Dục, chi ái, thủ, hữu đã là cõi Dục, quả sinh, già, chết đâu chẳng phải cõi Dục? Nếu đã lìa cõi Dục, muốn được tâm cõi Sắc, mười hai chi hữu là thuộc cõi Sắc, pháp tướng đạo lý, nghĩa của nó phải như vậy.
2/ Có thuyết cho Tịnh độ chẳng thuộc về ba cõi, trước đã rộng thành lập, mười hai chi hữu này là nói theo ba cõi, nên trong Tịnh độ không phân biệt. Còn mười hai chi hữu này từ trong cõi uế cũng thuộc về pháp bất tận, như chỉ thọ định nghiệp riêng, được quả báo riêng, đâu được nói thuộc về mười hai chi, cho nên biết rằng phần vị duyên sinh, thuộc về pháp bất tận.
Hỏi: Nếu sinh về Tịnh độ không khởi các việc ác, là cũng không khởi các phiền não ư? Vả lại như Bồ-tát Sơ địa còn có cấu phá giới sâu kín, Bồ-tát Tam địa còn khởi ngã chấp, Thất địa trở xuống còn có chướng ái Phật, ái Bồ-đề, vì sao cũng sinh về cõi kia, hiện là phàm phu tức không khởi các ác phiền não?
Thích: Sinh vào phàm phu kia tuy có phiền não, do liên quan đến cảnh ác, không khởi trở ngại nào. Như chúng sinh địa ngục, trong mười nghiệp đạo bất thiện chỉ khởi năm nghiệp đạo: Tham, sân, tà kiến, ác khẩu và ỷ ngữ. Địa ngục tuy là đường ác, nhưng còn thiếu năm nghiệp ác, huống chi ở Tịnh độ không thiếu ác không vãng sinh sao?
Hỏi: Chẳng lẽ Tịnh độ kia nhanh không khởi tất cả phiền não khác, là cũng được khởi các phiền não hữu phú vô ký sao?
Thích: Mê lý phiền não câu sinh khởi, kia cũng được khởi, vì phàm phu này chưa tỏ ngộ sâu xa chân như thật tướng, không ngại được khởi. Về phân biệt khởi, kia không khởi hiện hành. Luận nói phân biệt ngã kiến, là duyên tà giáo mà khởi, nhưng ở đó không tà giáo, nên không hiện hành. Ngã kiến là gốc của các hoặc, gốc đã không khởi thì ngọn hoặc không sinh, phiền não nhậm vận không duyên giáo mà sinh, đã là phàm phu, khởi cũng không phế, nhưng phiền não này, theo luận Đối pháp, nếu nhậm vận khởi, có thể phát ra ác hạnh, cũng là bất thiện, ở kia đã khởi hoặc không khởi ác hạnh, nên chỉ thuộc về tánh hữu phú vô ký. Kinh ngăn bất thiện, không nói hữu phú, chỉ gọi tên là thiện, không ngại khởi phiền não. Ái Phật, ái Bồ-đề là pháp chấp phiền não.
Hỏi: Kinh nói: “Sinh Tây phương kia đều là bậc A-bệ-bạt trí.” Hoặc nói: “Chỉ có chánh định tụ, không có tà định và bất định tụ.” Nhưng địa vị của A-bệ-bạt trí không phải tụ chánh định của hạ phàm, đạo chứng quả Thánh, nay đã là phàm phu vãng sinh Tịnh độ, họ là bậc Thánh sao? Đâu được vượt qua nhanh A-tăng-kỳ để thành Hoan hỷ địa? Nhưng phàm phu lui sụt sinh Tịnh độ, không thể đến ngay địa vị A-bệbạt trí. tà định, Bất định tụ liền lên Chánh định tụ. Không được, là trái với văn của kinh Quán, nếu được thì trái với nghĩa của các kinh luận. Hai văn mâu thuẫn, xin giải thích cho.
Thích: Văn hai kinh này thật trái nhau, nhưng Tịnh độ, uế độ hai khu vực khác nhau, sinh cõi này cõi kia căn cơ cũng khác, nên phán Chánh định tụ cao thấp khác nhau. A-bệ-bạt trí cạn sâu cũng khác. Nhưng Ta-bà là cõi nhơ bẩn, Thánh ít phàm nhiều, tin thì ít chê bai lại nhiều, người căn hạnh cạn, thấp thì thường gặp duyên lui sụt, ngọn gió tà thổi lên, thảy đều lui sụt. Theo các kinh luận, nói có bốn cách thoái:
- Tín thoái.
- Vị thoái.
- Chứng thoái.
- Hành thoái.
Tín thoái: Trong địa vị Thập tín, năm tâm vị đầu còn có thoái sinh tà kiến, dứt thiện căn, năm vị sau không như vậy.
Vị thoái: Trong địa vị Thập trụ, sáu tâm vị trước, còn thoái bại thành Nhị thừa, bốn vị sau không như vậy.
Chứng thoái: Từ Thập địa trở xuống, các phàm phu vị, đối với sở chứng ở trước còn có lui sụt, Thập địa thì không như vậy.
Hành thoái: Thất địa trở xuống, đối với chỗ nghe, hành còn yếu kém, không thể tu học, không thể trong từng niệm thường tu thắng hạnh, khoảng giữa nghe khởi các phiền não hữu lậu, các tâm nhân chấp, pháp chấp, gọi là niệm thoái.
Bồ-tát Bát địa vào A-tăng-kỳ thứ ba, không có bốn loại thoái. Trong các hạnh tu đầy đủ các hạnh, trong tất cả thời niệm niệm nối nhau, thường khởi vô lậu nhân pháp không quán, không có một niệm khởi tâm hữu lậu, thiện ác vô ký, Bồ-tát Bát địa có đủ bốn bất thoái, nên gọi là Bồ-tát A-bệ-bạt trí. Bảy địa dưới, không có bốn bất thoái nên hoàn toàn không được gọi là A-bệ-bạt trí.
Nếu theo một nghĩa, Bồ-tát Sơ địa vào A-tăng-kỳ thứ hai, để dự vào dòng Thánh, đoạn kiến đạo, phân biệt hai chướng, chứng lậu mãn chân như, được Bách pháp minh môn, trụ vào Hoan hỷ địa, ở đây đã đầy đủ chứng bất thoái và hạnh bất thoái, cũng được gọi là A-bệ-Bạttrí. Cho đến Thất địa trở xuống, còn có chướng ái Phật, ái Bồ-tát hiện hành, trung gian khởi các tâm hữu lậu, chưa được hạnh bất thoái, cũng gọi là phi A-bệ-bạt trí. Nhưng tùy theo phần ít, cũng gọi là Bồ-tát Abệ-bạt trí.
Theo các kinh như Bồ-tát Bổn Nghiệp Anh Lạc… nói Đệ lục trụ gọi là Chánh tâm trụ, đây là giai vị Bồ-tát còn có lui sụt tâm Bồ-đề, làm Nhị thừa, như Xá-lợi-phất… Thất trụ trở lên không có thối này, nên trong bốn Bất thoái, chỉ có ba thoái: Vị, chứng và hạnh, không có bất thoái ban đầu, tùy phần cũng gọi là A-bệ-bạt trí. Nếu theo luận Khởi Tín thì từ sơ phát tâm trụ, gọi chung là nhập vị Bất thoái. Thập trụ trở xuống gọi là ngoại phàm, cũng gọi là khinh mao phàm phu, thí như sợi lông nhẹ, theo gió thổi đông tây, nên còn lui sụt. Bồ-tát thập trụ chẳng phải khinh mao, vì gốc lành vững chắc, không bị gió tà lay động, vào trong phàm vị, không có thối vị, gọi là Bồ-tát A-bệ-bạt trí.
Dựa theo cõi uế này, Bồ-tát Thập Tín bị gió tà làm lay động, thối tâm Bồ-đề, thối hạnh Bồ-tát, trôi lăn trong ba đường ác, chẳng phải Abệ-bạt trí. Thanh tịnh cõi nước Phật, nếu vào năm tâm đầu của Thập Tín và tất cả chúng sinh chưa vào Thập Tín, mà nói về tín vị của họ, thì tuy chưa vững chắc, vẫn như khinh mao, nhưng không bị gió tà lay động, khiến họ lui sụt tâm Bồ-đề, gây ra các tội nặng, luân hồi đường ác, vì thiếu thối duyên, không có các thối cụ, chỉ có duyên tấn đạo cao quý, tuy chưa vào địa vị A-bệ-bạt trí, nhưng cũng được gọi là A-bệ-bạt trí. Nhưng thối pháp, tư pháp, hộ pháp, trụ pháp, kham đạt pháp học và vô học của bậc Thánh tuy là độn căn, nhưng đều gọi chung là thoái chuyển. Nếu trong đời người, gặp năm thoái cụ, đó là trường bệnh, viễn hành, hòa tránh, tăng sự và tập tụng, tuy được đạo Thánh, dứt trừ phiền não, nhưng gặp thối duyên này, lại bị lui sụt, khởi các phiền não. Nếu sinh lên cõi trời, không có năm duyên thoái, tuy chưa luyện căn đến tánh bất động, nhưng vì thiếu thối duyên, nên bất thoái khởi hoặc, vọng tánh tuy khác với bất động tánh nhưng bất thoái tư hoặc và chủng tánh Bất động thứ sáu kia không khác nhau, kia cũng như vậy, vì sinh Tịnh độ, không có các duyên thối, tuy là Thập tín, Bồ-tát giả danh, nhưng đều được gọi là A-bệ-bạt trí.
Nếu trong cõi uế, Noãn, Đãnh của Tiểu thừa, Thập tín của Đại thừa, dùng căn Bất định, hoặc gặp duyên ác, lui sụt gây ra năm tội nghịch, nhập vào tà định tụ. Tà là quả của ba đường ác, định là nhân của năm nghịch nghiệp.
Nếu người gây nhân năm tội nghịch, thì nhất định Vô gián, đọa vào ba đường ác, gọi là Tà định tụ. Nếu gặp thắng duyên tu đạo, được vào Bất thoái chuyển vị, gọi là Chánh định tụ. Chánh là Niết-bàn ly hệ, quả trạch diệt. Định là nhân không, pháp không, Thánh quả vô lậu. Tu được Thánh đạo, quyết định sẽ chứng được chánh quả Niết-bàn, ly hệ trạch diệt, gọi là Chánh định tụ, ngòai ra gọi là Bất định tụ, vì hoặc có thể tạo Tà định tụ, hoặc có thể tu chánh định tụ, ở hai bất định đó gọi là Bất định tụ. Ba loại này, chúng sinh số không phải một, nên gọi là Tụ.
Nay sinh ở Tây phương, không có duyên ác, hoặc gây ra tội Vô gián, vào tà định tụ, vị hạnh tuy cạn, nhưng gặp duyên tốt thì từng niệm tiến tu Thánh giáo Đại thừa, quyết định không lui sụt, nên được gọi là chánh định tụ. Nhất nhất không được đồng với Ta-bà lui sụt, xếp A-bệbạt trí và Chánh định tụ vào địa vị cao thấp, tức khiến Tịnh độ không lui sụt đồng với cõi này, vì Tịnh độ và uế độ thoái hay không thoái, duyên có không khác nhau. Ở đây vị nó chẳng phải là A-bệ-bạt trí, chẳng phải vị chánh định tụ, sinh ở Tây phương kia, tất cả được gọi là A-bệ-bạt trí và chánh định tụ, vì sinh ở cõi kia không có duyên thối, và quyết định không tạo Tà định tụ.
Hỏi: Như kinh Pháp Hoa nói: “Bị mê đắm vui si làm mù”, lại nói “Đam mê thú vui thế gian, không có trí tuệ”. Còn Thánh giáo nói: “Nếu không chán khổ, thì không lấy gì ưa cầu Niết-bàn, nếu không ưa cầu Niết-bàn, thì mê đắm sinh tử.” Nếu đúng như vậy thì sinh ở Tịnh độ kia trái với nghĩa trên, liền thành tai họa chướng đạo:
- Đắm trước cái vui thế gian, không có tâm xuất thế.
- Không nhàm chán khổ, hoàn toàn không cầu quả vắng lặng,đây rất tổn hại, đâu có nguyện sinh.
Đáp: Nghĩa này là khác. Lời bắt bẻ này không đúng, năm dục cõi uế, làm tăng trưởng tâm tham, gây ra mười nghiệp ác, luân hồi đường ác, nên kinh nói: “Bị mê đắm vui si làm mù.” Thanh tịnh cõi nước Phật tuy có các thứ vui, thuận với tâm xuất thế vô lậu, pháp lạc Đại thừa, định lạc Tam-muội, chẳng phải là cái vui đắm nhiễm. Cho nên, có thể dẫn dắt được phàm tình, khiến tăng thêm Thánh đạo, nên kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: “Trong cõi Phật thanh tịnh ở thế giới Cực lạc, ngày đêm sáu thời thường rải các hoa trời như mưa rất đẹp, ánh sáng đượm mùi hương thanh khiết, mềm mại nhiều mầu, tuy nhìn thấy thân tâm ưa thích, nhưng không tham đắm, thêm lớn công đức không thể suy nghĩ bàn luận của vô lượng vô số hữu tình.” Lại nói: “Pháp lạc Đại thừa thường không lui sụt, vô lượng hạnh nguyện niệm niệm tăng lên, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”
Hơn nữa, người nguyện vãng sinh về đó đều nhàm chán cõi uế này, ưa thích cầu Niết-bàn, mới thích đến Tây phương. Thực hành hạnh Bồ-tát, đây đã có ý ưa thích và nhàm chán, càng sinh phương vô thoái, đâu phải có cái khổ trói buộc thân, mới sinh cái suy nghĩ vắng lặng đâu? Lại ưa cầu Niết-bàn, chẳng phải chỉ chán khổ, hoặc nghe công đức chư Phật không thể suy nghĩ bàn luận, hoặc nghe sáu pháp Ba-la-mật, các pháp đạo phẩm, hoặc thấy các Đại Bồ-tát du hí thần thông, hoặc ngửi thấy mùi hương thơm, hoặc nếm thức ăn ngon, đều có thể tấn đạo, thú hướng Niết-bàn, nên quay lưng với sinh tử mà hướng về vắng lặng, chẳng phải chỉ có một con đường, chẳng thể chỉ nói không có khổ để nhàm chán, bèn không chấp nhận ưa thích cầu Niết-bàn.
Hỏi: Như trong luận nói ở đời quá khứ đã gây ra tội nặng, dù tu thắng thiện, cho đến được quả Thánh, còn phải chịu nghiệp định báo ở quá khứ, như lìa vượt A-la-hán… Nay đã tạo đủ tội nặng, vãng sinh Tây phương, tuy sinh Tịnh độ, đã không có Thánh đạo, sinh ở nước kia rồi, có chịu khổ hay không? Nếu chịu khổ thì không nên nói “Không có các khổ, chỉ hưởng các điều vui” nếu không chịu khổ thì phàm phu sinh kia, chưa khởi một niệm vô lậu Thánh đạo, làm sao tạo các tội nặng kia, mà không bao giờ chịu khổ ư?
Thích: Nghĩa này bất định, không thể có tiêu chuẩn nhất định. Chịu các thứ khổ là sinh vào cõi uế, dù khiến cho được thân Thánh là thân khổ, nương thân khổ này, chịu quả khổ này; sinh ở Tịnh độ kia có cái hoặc của phàm phu, tuy không có Thánh đạo, không bằng bậc Thánh, nhưng là thân thanh tịnh cao quý của thế giới Cực lạc, thấy Phật nghe pháp, tu hạnh Đại thừa, vì bản nguyện của Phật, có thể vượt qua bậc Thánh này, không chịu khổ báo. Nhưng Thoái pháp chủng tánh không bằng Tư pháp chủng tánh, nhưng Tư pháp thắng chủng tánh sinh trong loài người, có năm duyên thoái, tuy thắng mà thoái; thoái pháp chủng tánh sinh trong cõi trời, thiếu năm duyên thoái, dù bất thoái yếu hơn. Không vì tánh yếu ở trên mà thoái, không vì tánh thắng ở dưới mà không thoái. Ở đây cũng giống như thế, tuy được Thánh đạo, nhưng vì sinh ở cõi uế, chịu quả báo khổ, vì sinh Tịnh độ, tuy là phàm phu mà không có ác báo, năng lực của thiện duyên tăng thêm, sẽ không có khổ báo, như vua A-xà-thế chắc chắn không chịu khổ.