THÍCH TỊNH ĐỘ QUẦN NGHI LUẬN

SỐ 1960

QUYỂN 01

Chùa Thiên phúc, Tây đô, Đại đức Hoài Cảm soạn

Hỏi: Phật có mấy thân? Tịnh độ có mấy loại?

Đáp: Phật có ba thân:

  1. Thân Pháp tánh.
  2. Thân Thọ dụng.
  3. Thân Biến hóa.

– Tịnh độ có ba cõi:

  1. Cõi Pháp tánh.
  2. Cõi Thọ dụng.
  3. Cõi Biến hóa.

– Thân Pháp tánh ở cõi Pháp tánh; thân Thọ dụng ở cõi Thọ dụng; thân Biến hóa ở cõi Biến hóa.

Thân Pháp tánh nói trên đều lấy chân như thanh tịnh pháp giới làm thể tánh. Như kinh Bát-nhã nói: “Diệu thể của Đức Như Lai tức là pháp thân, pháp thể chư Phật không thể thấy”, như kinh Pháp Giới Thể Tánh nói: “Văn-thù-sư-lợi lễ và nói: Không sắc không hình tướng, không căn, không trụ xứ, không sinh không diệt, kính lễ bậc vô sở quán.” Kinh Duy-ma-cật nói: “Nếu tự quán thật tướng của thân như thế nào thì quán Phật cũng giống như vậy.”

Cõi Pháp Tánh như kinh Bát-nhã nói: “Trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm.” Còn kinh Duy-ma-cật cho rằng: “Các cõi Phật và chúng sinh đều không.” Lại nói: “Các cõi nước của chư Phật cũng đều không”, Còn tiếp: “Mười phương cõi Phật đều như hư không.” Tuy biết thân cõi hoàn toàn là chân như (Như là không hai không khác). Nhưng nói thân Pháp tánh ở cõi Pháp tánh là nói theo nghĩa tánh giác chiếu gọi là thân, thể chân lý của pháp gọi là cõi. Ở đây là thiết lập Đế môn.

– Thân Thọ dụng có hai: Thân độ Tự thọ dụng và Thân độ Tha thọ dụng.

a. Tự thọ dụng thân độ: Dùng hạnh Bồ-tát để thực hành tám vạn bốn ngàn Ba-la-mật, tụ tập viên mãn hằng sa quả đức, tự lợi, lợi tha, bốn trí tròn đủ, năm uẩn thanh tịnh, là thể của thân tự thọ dụng, tức dùng bốn trần thanh tịnh, vi tế, rộng lớn trùm khắp hiện ra trong bốn trí. Việc này chỉ có Phật và Phật mới có thể thấy biết được. Nơi thân Tự thọ dụng nương tựa là thể của cõi Thọ dụng.

b. Thân độ Tha thọ dụng: Các Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, dùng Bình đẳng tánh trí kích động công đức lợi tha của cảnh trí, theo đó mà ứng hiện một phần tướng tế, là thể tánh của thân độ Tha thọ dụng.

c. Thân độ Biến hóa: Bồ-tát chưa vào Thập địa, Nhị thừa và phàm phu dùng Thành sở tác trí kích động công đức lợi tha của Cảnh trí (Đại viên cảnh trí), theo đó mà ứng hiện một phần tướng thô, là thể tánh của thân độ Biến hóa.

Thể tánh của Thọ dụng và Biến hóa này có ba:

  1. Thể nhiếp sự quy chân.
  2. Thể nhiếp tướng quy tâm.
  3. Thể bản mạt biệt minh.

– Thể Nhiếp sự quy chân: Tất cả các pháp đều lấy chân như làm thể. Do đó Báo độ và Hóa độ cũng lấy chân như làm thể.

  • Thể Nhiếp tướng quy tâm: Báo thân và hóa thân đều do tâm thanh tịnh của Như Lai… hiện ra, nên kinh Duy-ma-cật nói rằng: “Tùy theo tâm mình tịnh, mà cõi Phật tịnh.”

Luận Duy Thức và luận Nhiếp Đại thừa ghi: “Tất cả muôn pháp đều không rời tâm mình.”

Thể Bản mạt biệt minh: Hai Tịnh độ này đều lấy các thứ báu trang nghiêm làm thể.

Hỏi: Trong ba cõi, thế giới Cực lạc ở Tây phương xếp vào cõi nào?

Đáp: Ở đây có ba cách giải thích:

1/ Cõi Tha thọ dụng: Vì cõi này thân Phật cao sáu mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần, trong đó phần nhiều là bậc Nhất sinh bổ xứ, không có các thứ khổ, chỉ hưởng các điều vui. Do đó những điều kiện này chỉ có ở cõi Tha thọ dụng.

2/ Cõi Biến hóa: Thánh giáo nào nói: Phật cao sáu mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần tức chúng ở cõi Tha thọ dụng nào ngại thân Tịnh độ biến hóa cao sáu mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa dotuần. Kinh Quán nói: “Chúng sinh phàm phu vãng sinh Tịnh độ” cho nên biết đó là cõi Biến hóa.

3/ Cõi Tha thọ dụng và cõi Biến hóa (chung cả hai): Địa tiền thấy cõi Biến hóa; Địa thượng thấy cõi Tha thọ dụng, cùng một lúc, mỗi cõi tùy theo tâm người thấy mà khác nhau, nên nói chung hai cõi. Do đó mà kinh nói: Phật A-di-đà chẳng phải là cảnh của phàm phu, nên phải quán thân Phật cao một trượng sáu.

Hỏi: Câu giải thích thứ nhất: là cõi Tha thọ dụng, vì sao phàm phu ở Địa tiền sinh? Còn nếu là cõi Biến hóa thì tại sao bậc Thánh địa thượng sinh?

Đáp: Tính ra thì Bồ-tát, Thanh văn, phàm phu ở Địa tiền chưa hoàn toàn chứng chân như, chưa dứt được chấp người và chấp pháp . Thức tâm còn kém yếu, nên biến Tịnh độ không thể đồng với trí tâm sâu kín của các Bồ-tát Địa thượng, biến ra Thọ dụng Tịnh độ vi diệu. Nhưng chờ bản nguyện thù thắng của Đức Phật A-di-đà làm năng lực tăng thượng duyên, giúp cho các Bồ-tát tiểu hạnh ở Địa tiền dù thức tâm còn yếu kém, nhưng nhờ nương gá sức bản nguyện của Như Lai mà vẫn có thể thấy đồng với Bồ-tát Địa thượng biến ra Tịnh độ nhiệm mầu rộng lớn, thanh tịnh trang nghiêm, nên gọi là vãng sinh cõi Tha thọ dụng. Luận Phật Địa nói: “Từ Sơ địa trở lên được vãng sinh cõi Tha thọ dụng, Bồ-tát Địa tiền vãng sinh cõi Biến hóa. Đây là căn cứ theo tự lực để phân chia Địa tiền, Địa thượng ở hai cõi khác nhau, chứ không căn cứ vào thắng duyên tha lực của nguyện khác.”

Về nhục nhãn, luận rằng: “Chỉ thấy chướng nội sắc, chỉ thấy cõi Dục, không thấy cõi Sắc, chỉ là trong lìa mới thấy không phải trong sự hòa hợp mà thấy. Nhưng kinh Pháp Hoa nói: “Cha mẹ sinh nhục nhãn thanh tịnh, thấy trong ngoài núi Di-lâu, cho đến tầng trời A-ca-ni-tra thuộc cõi Sắc”, há chẳng phải nhục nhãn có thể thấy các sắc bên ngoài ngăn che và thấy sắc của chư thiên cõi sắc ư? Còn kinh Giải Thâm Mật và luận Nhiếp Đại thừa nói: “Như người soi gương thấy mặt mình, vì trong gương không có hình tượng này, nên chỉ thấy mặt mình đen trắng.” Phù trần căn cùng nhãn căn hợp lại mà thấy sắc trần phù căn kia, đây không phải trong hòa hợp mà thấy sao? Nếu nói thấy cõi sắc bên ngoài sự ngăn che và tự phù căn sắc trần, thì trái với văn luận; nếu không thấy, thì trái với với văn kinh. Nên biết Luận sư Luận Phật Địa căn cứ phần lớn là nói theo nhân, không nói theo sức duyên thù thắng, định tự tại sinh sắc, chẳng phải sắc trần, không phải là cái mắt thấy. Nếu được định Đại oai đức, chỗ biến định tự tại sinh sắc, có thể khiến cho mắt của phàm phu thấy. Nay đây cũng vậy, vì năng lực bản nguyện khiến Bồ-tát Địa tiền sinh cõi Thọ dụng, không thể một bề phán cho là bất sinh.

Lại như pháp quán thứ mười lăm của kinh Quán nói rằng: “Phật A-di-đà thân màu vàng ròng, cao sáu mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần, tám vạn bốn ngàn tướng tốt” chỉ là thân Phật tha Thọ dụng, Bồ-tát Địa tiền chẳng thể quán thấy. Văn dưới nói: “Nhưng nguyện lực nhiều đời của Như Lai có sự tưởng tượng mới được thành tựu.” Nên biết nương vào năng lực túc nguyện quán thấy Thân thọ dụng, cũng nương vào năng lực túc nguyện mà vãng sinh cõi Thọ dụng. Trong luận Phật Địa cũng có hỏi câu này.

Ở trước nói Tịnh độ rất tự tại, tịnh thức là tướng, vì sao trong hội có Thanh văn… mà không trái nhau? Có gì trái nhau? Các Thanh văn đồng thấy như Bồ-tát, vì đồng thấy như Bồ-tát, nên nghe được pháp mầu. Một luận sư nói: Hoặc được thần lực của Như Lai che chở, khiến tạm được nghe, thấy nói pháp mầu, đây là năng lực của Như Lai không thể suy nghĩ, bàn luận, không thể cho rằng khó có thể căn địa độ. Ý của vị này rõ ràng, khi nói kinh Phật Địa, tại cõi Tha thọ dụng, các Thanh văn thấy Tịnh độ kia, nghe “Kinh Phật Địa”, đây là do thần lực không thể suy nghĩ bàn luận của Như Lai, đó là nhất thời hóa duyên, khiến cho tạm được thấy. Nay đây là năng lực bản nguyện không thể suy nghĩ bàn luận, khiến cũng được vãng sinh, điều này có lỗi gì?

Hỏi: Nếu như thế thì ở đây cũng có lỗi, Địa tiền không được vãng sinh cõi Tha thọ dụng, phải nương bản nguyện mới được sinh Địa thượng không được sinh cõi Tự thọ dụng, phải nương bản nguyện mới được sinh?

Đáp: Cõi Tự thọ dụng gọi là tự, không thể nương nguyện khiến tha dụng. Cõi Tha thọ dụng đã là tha, nương thắng duyên kia cũng được vãng sinh. Còn cõi Tự thọ dụng rất nhiệm mầu, không thể nương nguyện mà được sinh; cõi Tha thọ dụng, vì tha hiện từ hữu vi diệu khiến thấy cõi dưới. Lại cõi Tha thọ dụng có bản nguyện, nương bản nguyện này, phàm phu được vãng sinh; Cõi Tự thọ dụng không có bản nguyện, vì thế không cho Bồ-tát thấy.

Hỏi: Nếu cõi Tự thọ dụng gọi là Tự, thì Tha cũng như được sinh, Tự nghĩa là không thành. Cõi Tự thọ dụng Phật đồng thấy, Phật khác cũng không thấy, không có tự nghĩa.

Đáp: Phật là thân rốt ráo giải thoát, viên chứng nhất như ứng vớiTha, Tự, Bồ-tát hoặc chướng chưa dứt hết, không thể vãng sinh trong Tự độ của Phật. Nhiều câu hỏi đáp như thế, không thể nhất nhất đều nói đủ. Các bậc cao trí theo nghĩa nên suy nghĩ. Còn dẫu cho Bồ-tát Địa tiền tự biết tướng phần, thấy thô tướng Tịnh độ, không thấy được cõi nước vi diệu thanh tịnh, đồng với cái thấy vi diệu thanh tịnh bảo độ của Bồ-tát, nhưng vì các Bồ-tát thọ dụng pháp lạc, không có những buồn khổ của thân tâm, chỉ có vô lượng thanh tịnh hỷ lạc, không có khủng bố, hoặc hỉ lạc, hoặc sinh nhàm chán xa lìa, hoặc dứt nghi, nên cũng được gọi là sinh cõi Tha thọ dụng.

Còn luận Khởi Tín nói rằng: “Từ sơ phát ý đến Bồ-tát Cứu cánh địa, tâm được thấy là Báo thân.” Luận này, đã thông với Địa tiền, được thấy thân Tha thọ dụng. Nếu được thấy thân Tha thọ dụng, thì có trở ngại gì với việc sinh cõi Tha thọ dụng không? Đây là lấy một nghĩa chung, một vị luận sư luận Phật Địa đã giải, hoặc văn của luận Đại thừa Khởi Tín.

Căn cứ vào Sơ địa trở lên, chứng phát tâm, nói thấy Phật, nói Bồtát Địa thượng vãng sinh Biến hóa độ, ở đây có hiện một thân, lý chung cho cả Báo thân, Hóa thân. Tùy nghi thấy, phàm Thánh đều có trở ngại nàokhác? Dưới không được vãng sinh về cõi Thọ dụng, trở xuống không thể thấy được độ thắng diệu. Còn nghiệp kém yếu không được vãng sinh, trên có thể thấy dưới là muốn tiếp dẫn phàm phu, Địa tiền, sinh cõi Biến hóa có gì trở ngại không? Bồ-tát địa thượng sinh cõi Biến hóa, đều là hóa thân, cũng không có lỗi.

Hỏi: Thế giới Cực lạc đã cho phàm phu được sinh, chẳng biết là cõi hữu lậu hay cõi vô lậu?

Thích: Cõi do Như Lai biến ra, cõi vô lậu của tâm Phật, vẫn là vô lậu, tâm của phàm phu chưa được vô lậu, nương vào cõi vô lậu của Như Lai kia, tự tâm biến hiện thành cõi hữu lậu mà sinh trong đó. Nếu nói theo bổn độ của Như Lai, thì cũng được gọi là sinh cõi vô lậu; nếu đứng về tự tâm của độ được biến ra mà thọ dụng, thì cũng được nói sinh cõi hữu lậu. Tuy hữu lậu nhưng gá vào cõi vô lậu của Như Lai mà biến hiện, rất giống vô lậu của Phật, cũng không có quá hoạn xấu ác.

Hỏi: Nếu là cõi hữu lậu, thì trong ba cõi thuộc về cõi nào?

Thích: Câu hỏi này có hai cách giải thích:

1. Tịnh độ hữu lậu là thuộc về cõi Dục, cõi Sắc. Vì tâm hữu lậu không lìa ba cõi, ba cõi tức hữu lậu, hữu lậu tức ba cõi, đã nói hữu lậu, tức là thuộc về ba cõi. Nếu chưa lìa cõi Dục, thì lấy cõi Dục sinh thiện hoặc phương tiện thiện, đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng, tu ba thứ phước hạnh. Còn mười sáu pháp quán, dùng gốc lành này sinh về Tịnh độ, do tâm này biến ra tức thuộc về cõi Dục. Nếu đã là dục, được tâm cõi sắc, tu mười sáu pháp quán, sinh về Tịnh độ, tức thuộc về cõi sắc, nên Tịnh độ đó chung cho cả cõi Dục và cõi sắc. Chúng sinh cõi vô sắc không có sắc thân thật để sinh Tịnh độ, vì Tịnh độ bằng các thứ báu trang nghiêm, thật chẳng thuộc về cõi Vô sắc, thị hiện định tâm, lý của nó có thể đúng.

Trên đất báu của Tịnh độ kia, là ở cõi Dục; trong hư không là trời cõi Dục, cõi Sắc, nên kinh Vô Lượng Thọ chép:

A-nan bạch Phật: Cõi nước Phật nếu không có núi Tu-di, thì Tứ Thiên vương và trời Đao lợi trụ ở đâu?

Phật bảo A-nan: Tầng thứ ba của cõi này từ trời Diệm-ma đến trời sắc Cứu cánh nương nơi đâu mà trụ?

A-nan bạch Phật: Hành ngiệp quả báo không thể suy nghĩ bàn luận.

Phật bảo A-nan: Hành nghiệp quả báo không thể suy nghĩ bàn luận, thế giới chư Phật cũng không thể suy nghĩ bàn luận, sức lành công đức của chúng sinh trụ ở nơi hành nghiệp, nên có thể như vậy thôi.

Quyển hạ nói: “Bấy giờ, Phật bảo A-nan! Ông thấy cõi nước Phật kia từ đất trở lên đến trời Tịnh cư, trong đó có nhiều thứ rất xinh đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh tự nhiên, ông có thấy hết không?” Y cứ theo đây thì biết Tịnh độ hữu lậu kia do tâm biến, tức thuộc về cõi Dục và cõi Sắc.

2. Tuy là Tịnh độ do hữu lậu biến ra nhưng không được gọi là thuộc về ba cõi.

Hỏi: Đã là cái do thức tâm hữu lậu biến ra, tâm hữu lậu tức thuộc về ba cõi, không có tâm hữu lậu thì không thuộc về ba cõi, tâm đã thuộc ba cõi, thì hiện Tịnh độ đâu chẳng thuộc ba cõi ư?

Đáp: Tuy biết thể tánh hữu lậu không ngoài ba cõi, nhưng vì nghĩa riêng, nên chỉ được gọi hữu lậu, không được gọi là ba cõi. Cho nên ba cõi là tên hạn cục, hữu lậu là tên rộng rãi. Cũng như phàm phu được sinh Tây phương, chẳng phải thuộc về năm đường, nên kinh Vô Lượng Thọ nói: “Cắt đứt năm đường, cửa đường ác tự nhiên đóng.” Còn kinh

A-di-đà nói: “Cõi nước của Đức Phật kia không có ba đường ác.” Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Cõi nước kia chẳng phải người, chẳng phải trời, vì thuận theo các phương, nên có hiệu là trời, người.” Nên biết cõi kia không có năm đường, đã cho chúng sinh là phàm phu, mà chẳng phải thuộc về năm đường, vì sao cõi không cho gọi là hữu lậu mà chẳng phải thuộc về ba cõi?

Hỏi: Phàm phu ở cõi đó là người, là trời, nghĩa ấy sao lại bỏ? Văn kinh chỉ nói không có ba đường ác, vì sao lại không có đường trời, người. Mà kinh nói chẳng phải trời, chẳng phải người. Đây là nói Đại Bồ-tát chẳng phải người trời, thuận theo phương khác, nên có tên trời người. Chẳng phải căn cứ phàm phu được vãng sinh, phàm phu sinh về kia hoặc là đường người, hoặc là đường trời, đối với lý không trở ngại.

Đáp: Nếu là phàm phu được vãng sinh Tịnh độ, là đường trời, hoặc là đường người. Đường người có bốn: Người Nam Diêm-phù-đề, Đông châu, Tây châu và Bắc Uất-đơn-việt ư? Nếu đường trời là trời Tứ Thiên vương cho đến trời A-ca-Ni-tra thuộc cõi Sắc ư? Nếu là đường người tứ thiên hạ, Bắc Uất-đơn-việt phải là một trong tám nạn, nạn Uấtđơn-việt. Nếu là cõi Sắc thì phải là nạn trời Trường thọ. Đây là nạn xứ, vì sao gọi là Tịnh độ, và khuyên chúng sinh vãng sinh ư?

Nếu là đường người, mà không được gọi là người Tứ thiên hạ, cũng được gọi là đường trời, mà chẳng phải là trời Tứ Thiên vương. Nếu đúng thế thì ngoài Tứ thiên hạ ra, có riêng đường người ư? Ngoài cõi trời Tứ Thiên vương lại riêng có đường trời ư? Nếu nói có, vì sao ngay chúng sinh là trời người Tịnh độ, chẳng phải trời người của Tứ thiên hạ ư? Cũng có Tịnh độ hữu lậu, chẳng phải ba cõi hữu lậu, chẳng phải ba cõi hữu lậu, nghĩa đó có gì trở ngại? Nếu nói ngoài đường người của Tứ thiên hạ, không có đường người khác, ngoài Tứ Thiên vương, không có đường trời khác, phàm phu ở Tịnh độ cũng được gọi là phàm phu, không được gọi là đường người, đường trời, làm sao không cho Tịnh độ cũng được gọi là hữu lậu, không được gọi là ba cõi? Vì năm đường kia mà nêu ra ba cõi này, nghĩa của nó hiển nhiên, không thể mê chấp.

Hơn nữa trong các pháp tướng, có rộng có hẹp, chỉ như thế gian gọi là rộng, hữu lậu gọi là hẹp, hữu lậu gọi là rộng, ba cõi gọi là hẹp. Ba cõi gọi là rộng, bốn sinh gọi là hẹp, bốn sinh gọi là rộng, năm đường gọi là hẹp. Vì sao? Chỉ như cõi nước dơ bẩn do Như Lai biến ra tuy dường như ba cõi, nhưng chẳng phải ba cõi, tuy là vô lậu mà gọi là thế gian, thế thì thế gian gọi là rộng, hữu lậu gọi là hẹp, hữu lậu gọi là rộng, ba cõi gọi là hẹp, tức là phàm phu hữu lậu thức tâm hiện Tịnh độ, cũng được gọi là hữu lậu, không được gọi ba cõi. Nên luận Đại Trí Độ nói: “Tịnh độ chẳng phải ba cõi: Vì không có dục, nên chẳng phải cõi Dục, vì địa cư, nên chẳng phải cõi Sắc; vì hữu hình, nên chẳng phải cõi Vô sắc.” Ý nghĩa của luận này, chẳng phải là Tịnh độ do thức tâm vô lậu hiện ra, gọi là ra khỏi ba cõi, nhưng thức tâm hữu lậu biến ra tướng Tịnh độ khí thế gian, bố trí pháp dụng, an lập hữu tình, lợi lạc… không đồng với tướng của ba cõi này, gọi là chẳng phải ba cõi. Ba cõi gọi là rộng, bốn sinh gọi là hẹp, bốn sinh chỉ chọn lấy năm uẩn dị thục hữu tình thế gian, ba cõi có cả ba tánh và khí thế gian, nên ba cõi gọi là rộng, bốn sinh gọi là hẹp. Bốn sinh gọi là rộng, năm đường gọi là hạn cuộc, trong có hóa sinh này mà chẳng phải là năm đường, các chúng sinh Tịnh độ là hóa sinh chẳng phải đường. Như vậy các danh từ rộng hẹp, thể tánh khác nhau, các kinh luận khác nhau chỗ này, không thể nói Tịnh độ do thức tâm hữu lậu biến ra, thì đâu cho xếp vào ba cõi này?

Còn thức thứ tám có ba tên: A-lại-da, A-đà-na và Dị thục.

Nếu đắc quả A-la-hán, quả Bích-chi-Phật và các Bồ-tát vào Bát địa, tất cả thức thứ tám chỉ gọi A-đà-na và dị thục, không được gọi là A-lại-da. Đâu được không có tên A-lại-da, liền nói A-la-hán không có thức thứ tám giữ gìn hạt giống các pháp, vì không có tên ba cõi, mà dạy chúng sinh phàm phu vãng sinh ở Tịnh độ, thức tâm hữu lậu không biến hóa cõi nước thanh tịnh Phật, thọ dụng các thứ pháp lạc Đại thừa?

Còn gá vào Tịnh độ vô lậu của Như Lai, tuy dùng tâm hữu lậu hiện Tịnh độ của mình, mà Tịnh độ này từ bản tánh tướng độ, độ cũng chẳng phải duyên ràng buộc, tương ứng với các sự ràng buộc, không thêm phiền não, như tâm hữu lậu duyên với diệt đạo đế, phiền não không thêm, giống như nhìn mặt trời, làm tổn giảm con mắt. Nên chẳng phải ba cõi, chẳng phải tam giới hệ, phiền não tăng.

Hỏi: Nếu không cho thuộc về cõi Dục, cõi Sắc thì nguyên nhân nào mà kinh Vô Lượng thọ nói: “Cho đến các tầng trời Tịnh cư”?

Đáp: Đây là thi thiết làm cõi trời, chứ không thật là trời có chia thành cõi Dục, cõi Sắc. Nếu thật là trời do tịnh tâm của Như Lai biến ra, đâu phải thuộc về cõi Dục, cõi Sắc? Còn nói như là cõi Sắc thì, trở xuống các tầng trời cõi Dục là hơn hay kém? Nếu kém, thì như thế nào là cõi Sắc lại kém hơn cõi Dục? Nếu hơn, thì cõi Dục và Sắc ở Ta-bà hơn kém khác nhau, hữu tình cõi Dục, cõi Sắc hơn kém khác nhau, Tịnh độ kia cũng vậy.

Sinh về cõi Sắc, hơn sinh về cõi Dục, nguyên nhân nào mà bốn mươi tám thệ nguyện rộng lớn nói trời, người trong nước hình sắc khác nhau, có xấu tốt, thì không thành Chánh giác? Thân hình ở cõi Sắc hơn thân hình ở cõi Dục, vì sao nói đồng nhau? Nên biết, giả đặt ra là các tầng trời Tịnh cư, chẳng phải thật tức là cõi Dục, cõi Sắc.

Hai cách giải thích trước, thì câu giải thích ban đầu là đúng, thể của thức Dị thục là thật hữu tình, sinh vào chúng sinh kia, các Bồ-tát chưa diệt dị thục, sao được nói đó chẳng phải thật trời người?

Hỏi: Nếu Tịnh độ do phàm phu biến ra là hữu lậu, chẳng phải do hoặc của ba cõi chiêu cảm sinh về đó, khác với trời, người tạo ác chịu quả khổ, mà nói chẳng phải trời người, như kinh Thắng Man nói Biến dịch sinh tử chẳng thuộc về ba cõi, chẳng phải thật báo sinh tử của họ, mà là hóa sinh, chẳng phải đường trời, người, chẳng biết phàm phu hóa sinh Tịnh độ không phải là ba cõi, kinh Anh Lạc nói ngoài ba cõi có chúng sinh, đó là nghĩa bài kệ An đa của vua Bình Sa vương chẳng phải Phật nói, thân ba cõi này há chẳng phải là thân ba cõi sao? đâu được nương vào lý này mà nói sinh Tịnh độ chẳng phải thân ba cõi. Y theo lời giải thích ở sau mà có câu hỏi này.

Đáp: Đây không hiểu ở chỗ nào mà hỏi câu này? Tịnh độ khí thế gian tuy do thức tâm hữu lậu biến ra, nhưng không được gọi là ba cõi, tức hữu lậu nghĩa rộng, ba cõi nghĩa hẹp. Phàm phu ở Tịnh độ chỉ gọi là hữu tình hóa sinh, không được nói là đường trời người, đây tức là bốn sinh theo nghĩa rộng, năm đường theo nghĩa hẹp. Nay ở đây cũng giống như vậy, tuy là thân hữu lậu phàm phu, nhưng không được gọi là thân ba cõi.

Hỏi: Nghĩa này càng khó, nếu như vậy thì, Ứng thân chẳng phải là thân ba cõi, nghiệp chẳng phải nghiệp ba cõi. nếu nghiệp chẳng phải là nghiệp ba cõi thì phải ở Ta-bà hiếu dưỡng cha mẹ, thực hành ba thứ phước, tu mười sáu pháp quán niệm Phật… các nghiệp này khi đương khởi, chưa được tâm cõi Sắc, tức là sinh cõi Dục được tâm văn tuệ, tư tuệ khéo léo. Nếu được định cõi Sắc, tức là tâm tu tuệ của cõi Sắc. Sinh vào cõi Sắc rồi, nguyện sinh Tây phương, tức là sinh cõi Sắc được tâm văn tuệ, tu tuệ khéo léo. Tâm vô lậu không chiêu cảm quả báo, nghiệp đã thuộc về ba cõi thì nghiệp chiêu cảm quả báo, vẫn phải chịu Nhân quả ba cõi, đâu được trái với lý này mà nói sinh Tịnh độ chẳng phải là thân của ba cõi.

Đáp: Câu hỏi trước là hữu lậu, chẳng phải là ba cõi, đã rộng thành lập, ở đây chỉ mất tên, mà không mất thể, như thế đâu có lỗi gì mà phải lập lại? Dù biết khi tạo nghiệp, nghiệp này ở cõi Dục và cõi Sắc, thiện tâm hữu lậu chiêu cảm quả báo, tức là thân hình của Tịnh độ, không gọi là nghiệp cõi Dục, cõi Sắc. Mà nghiệp báo này lấy quả nhiếp nhân, không được gọi là thuộc về cõi Dục, cõi Sắc, nhưng được gọi là nghiệp Tịnh độ.

Nếu nói là thân cõi Dục, cõi Sắc, khởi tâm cõi Dục, cõi Sắc mà tạo nghiệp, thì đâu cho là không phải nghiệp của cõi Dục, cõi Sắc sao? Nghiệp của cõi Dục chiêu cảm sự thọ báo của trời, người, rất dài chẳng hơn một vạn sáu ngàn tuổi; nếu cảm Tịnh độ, liền được thọ mạng vô lượng vô biên A-tăng-kỳ-kiếp. Há nghiệp cõi Dục có thể cảm được mạng dài vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp ư? Đây cũng nương theo nguyện lực hoằng thệ không thể suy nghĩ bàn luận của Đức Phật A-diđà, khiến cho nghiệp lực của họ chiêu cảm quả báo rất lâu dài, chẳng phải là điều mà phàm phu suy lường được. Văn kinh rõ ràng, không thể không tin. Đạo lý của Đại thừa, ý thú khó hiểu, cảnh giới chư Phật, chẳng phải phàm phu có thể suy lường được, nhưng chỉ biết tín ngưỡng, chuyên thành tu học, không thể nhất nhất y theo các pháp tướng mà quyết định đúng sai, luận là ba cõi, chẳng phải ba cõi.

Hỏi: Chúng sinh phàm phu sinh Tịnh độ, phàm phu chưa được tâm vô lậu thanh tịnh, tùy tâm biến, ra cõi vẫn hữu lậu, cõi của hữu lậu gọi là cõi uế, vì sao cũng nói là sinh Tịnh độ?

Đáp: Tịnh có nhiều loại: Có chân thật tịnh, có tương tự tịnh, có rốt ráo tịnh, có không rốt ráo tịnh. Chân thật tịnh, nghĩa là thiện tâm vô lậu; tương tự tịnh nghĩa là thiện tâm hữu lậu, rốt ráo tịnh là chư Phật, Thế Tôn; không rốt ráo tịnh là từ Thập địa trở xuống cho đến phàm phu. Có thể tịnh, tướng uế; có thể uế, tướng tịnh; có thể, tướng câu tịnh; có thể, tướng câu uế.

-Thể tịnh, tướng uế: Nghĩa là tâm Phật vô lậu thanh tịnh, nên cõi hóa hiện cũng thanh tịnh, nhưng cõi hiện ở tướng dơ bẩn gọi là Thể tịnh tướng uế, nên kinh Duy-ma nói: vì muốn độ những người thấp kém này cho nên thị hiện cõi bất tịnh dơ bẩn.

-Thể uế, tướng tịnh: như Thập địa trở xuống bản thức và thức thứ sáu, thứ bảy hữu lậu thì Tịnh độ do tất cả tâm hữu lậu của phàm phu và Địa tiền hiện ra đều là hữu lậu, cho nên gọi là thể uế, vì y theo cõi Phật thanh tịnh của Như Lai từ thức biết biến ra tợ Tịnh độ tướng hiện, nên gọi là tướng tịnh.

-Thể tướng đều tịnh: Như Phật và Thập địa trở lên trong tâm vô lậu hiện Tịnh độ, gọi là thể tướng đều tịnh.

-Thể tướng đều dơ bẩn: như tâm hữu lậu hiện các cõi dơ bẩn. Nay đây được sinh Tây phương tuy là phàm phu, nhưng hai câu trước thể uế tướng tịnh.

Hỏi: Như kinh Duy-ma nói: “Nếu Bồ-tát muốn được sinh Tịnh độ, phải thanh tịnh tâm mình, tùy tâm mình tịnh, thì cõi Phật tịnh.” Văn kinh tâm tịnh này, là người đứng về Bồ-tát Thập địa, mới gọi là tâm tịnh, như thế nào gọi là phàm phu muốn sinh Tịnh độ? Nếu nói được sinh Tịnh độ, nên nói đã tịnh tâm mình, vả lại phàm phu còn bị trói buộc, các hoặc kiến tư phiền phức đua nhau khởi, không một chút nào tạm dừng, nay đã không thanh tịnh tâm mình thì làm sao được sinh Tịnh độ?

Đáp: Tịnh độ có nhiều loại, chẳng phải một đường, có rốt ráo tịnh tâm, có chưa rốt ráo tịnh tâm; có hữu lậu tịnh tâm, có vô lậu tịnh tâm, có hữu tướng tịnh tâm, vô tướng tịnh tâm; có phục hiện hành tịnh tâm, có đoạn chủng tử tịnh tâm; có tự lực tịnh tâm, có tha lực tịnh tâm. Nghĩa của nó chẳng phải một, không thể làm khó chư Phật Như Lai tùy cơ nói pháp, hoặc y cứ vào rốt ráo tác ngữ, hoặc y cứ vào chưa cứu cánh mà nói, các thuyết như thế nghĩa của nó bất định, không thể chỉ y theo kinh Duy-ma nói cứu cánh tâm thanh tịnh. Giai vị Thập địa, văn nói tâm Tịnh thì cõi Tịnh, không tin kinh Quán hàng phục hiện hành, nương nhờ tha lực được sinh Tây phương, nói tâm không thanh tịnh không sinh Tịnh độ, thí như người được thần thông mới có thể bay lên hư không đâu có ngại gì, còn người chưa được thần thông thi nương người đã có thần thông cũng có thể bay lên hư không. Còn kia nói Tịnh, nghĩa là tâm rốt ráo thanh tịnh, có khả năng vì hữu tình khác hiện Tịnh độ vô lậu. Nay vãng sinh Tịnh độ, nghĩa là y theo tướng Phật thanh tịnh mà hiện Tịnh độ của mình, gốc kia, ngọn đây, y tha, tha y, thầy trò khác đường, liền thành hơn kém. Kia căn cứ vào thuyết hơn, ở đây là y cứ theo ở dưới mà luận, không trở ngại nhau.

Hỏi: Chỗ Tịnh độ Tây phương kia, có cõi uế hay không? Nếu có, thì sao gọi là Tịnh độ? Nếu không thì cũng như ngàn cánh hoa sen của Phật Lô-xá-na, trên mỗi cánh có trăm ức cõi nước, mỗi cõi nước đều là cõi uế, làm sao Phật Lô-xá-na ở thế giới Liên Hoa tạng ngồi trên toà hoa vương, trên lá thanh tịnh mà có cõi uế? Còn Thân tử thấy uế, Phạm vương thấy tịnh, đây luôn cả Tịnh độ và uế độ đồng một chỗ mà hiện, vì sao Cực lạc chỉ có Tịnh độ mà không có uế độ ư?

Đáp: Câu hỏi này có hai cách giải thích:

1. Thế giới Cực lạc chỉ có Tịnh độ, ở nơi đó không có tướng uế độ, vì Tịnh độ này rất thanh tịnh nhiệm mầu. Nếu có thì sẽ có lỗi vừa có tịnh vừa có uế. Lại sắc pháp chất ngại, hông thể đồng một chỗ mà hai tướng uế tịnh đều hiện hành cùng một lúc, không tương dung, vì có lỗi tạp loạn, văn của kinh Quán… không có nói, bốn mươi tám nguyện không có nguyện này, nếu có thì chúng sinh vãng sinh nên cũng vãng sinh, cũng nên được thấy, vì không sinh không thấy, nên biết là không.

Có thuyết cũng nói uế độ đồng chỗ đồng thời, không chướng ngại nhau, nói hai sắc pháp không dung thọ nhau, đây là giáo lý bất liễu nghĩa của Tiểu thừa. Tịnh độ và uế độ đều trùm khắp mười phương không có giới hạn, có uế độ như thế thì có Tịnh độ, có toà hoa vương thanh tịnh của Lô-xá-na thì có tướng của ngàn trăm ức uế độ, thảy đều là chỗ thanh tịnh có uế, chỗ uế có thanh tịnh, không xen tạp lẫn nhau, không chướng ngại nhau, mỗi người tùy cái thấy của mình mà có tịnh uế khác nhau, mỗi người đều tùy theo chỗ sinh về Tịnh độ uế độ. Cái khó như trước, đều là Tiểu thừa, chẳng phải Đại thừa nói như thế. Rộng như: Luận Nhiếp Đại thừa, các kinh Đại thừa đã nói, không phiền trình bày rộng. Tuy biết đồng một chỗ tịnh uế có thể thành, nhưng Tây phương kia chỉ có tịnh chẳng có uế, tâm chúng sinh uế không sinh về đó, kinh chỉ nói tướng tịnh không nói tướng uế, khiến cho chúng sinh ở các phương muốn sinh về đó.

Hỏi: Như luận Tịnh độ của An Pháp sư nói: “Tịnh độ và uế độ là một chất mà dị kiến, là dị chất mà dị kiến, là vô chất mà kiến.” Câu đó được giải thích rằng: “Một chất không thành, nên tịnh uế vơi đầy; dị chất không thành, nên tìm tòi lẽ huyền tức tối tăm; vô chất không thành, nên duyên khởi muôn hình.” Tuy có lời giải thích này, nhưng văn nghĩa sâu kín, xin khai thị, bày rộng huyền chỉ cho.

Đáp: An Pháp sư trí tuệ tỏ ngộ khai minh, tinh thần sáng suốt, soạn ra luận này, tông chỉ nhiệm mầu vô cùng, thời đó văn nghĩa kinh luận Đại thừa chưa đủ khắp, nên có thể làm việc suy tầm này, thật là ấn thủ Bồ-tát, có thể nói là đục thủng con đường hoang sơ để khai thông, nêu huyền chỉ ở tánh không. Nhưng văn nghĩa sâu xa, độc giả ít biết chỉ thú của nó, nay phải nói rộng nghĩa đó cho ông nghe.

Tịnh độ và uế độ do nghiệp tịnh và uế, khiến từ tâm biến hiện thành tướng uế và tịnh, tướng tịnh uế này là do tâm tịnh uế hiện, tâm tịnh thì cõi tịnh, tâm uế thì cõi uế, đều do tự tâm. Tâm đã có khác, thì cõi đâu gọi là một? Nên nói “một chất không thành” nên tịnh uế vơi đầy: Phật chưa dùng ngón chân ấn xuống đất, thì uế đầy mà tịnh vơi; Phật đã dùng ngón chân tiếp xúc đất, thì Tịnh đầy mà uế vơi, như kinh Duy-ma-cật nói: Nên biết hai tâm của Thân tử, Phạm vương, đều khác nhau nên cõi tịnh uế hiện ra có khác nhau, không được nói là một. Cho nên nói: Một chất không thành, vì thế Tịnh uế vơi đầy.

Tuy hai tâm tịnh và uế hiện hai cõi Tịnh và uế, tâm có hai thể, cõi thành hai tướng, nhưng đồng chỗ đồng thời không chướng ngại nhau, không thể nói có chỗ tịnh mà không có chỗ uế, có chỗ uế mà không có tịnh, chỗ khác hiện mà có chướng ngại, vì đồng chỗ đồng thời mà hiện tịnh uế, nên nói “Dị chất không thành, vì thế sưu huyền tức minh. Sưu là sưu cầu. Huyền là u huyền. Nghĩa là tìm tòi chỉ thú u huyền của nó, hai tướng Tịnh và uế tối tăm đồng ở một chỗ, không được chia thành hai nơi. Rõ điều này nên nói Dị chất tuy thành, sưu huyền tức minh. Pháp sư này hoàn toàn chưa hiểu nghĩa Duy thức, nên lấy đồng một chỗ nói Dị chất bất thành. Cũng có thể nói Tịnh uế khác nhau, thể của nó không hai, tìm tòi thật thể của mình, chỉ là nhất như, nên nói sưu huyền tức minh.

Vô chất bất thành, nên duyên khởi muôn hình: Cõi Tịnh, uế này tuy đồng chỗ hiện, mà cả hai khác nhau, đều do hai nghiệp uế và tịnh nhân duyên khác nhau biến hiện ra các thứ: rừng gai, cây quỳnh, đá vụn, ngọc châu, từ duyên mà sinh ra tính y tha khởi, mới thành tướng cõi, khác với hoa đốm trong hư không, lông rùa, sừng thỏ, tính biến kế sở chấp, tình có mà thể không, không có thể hình chất, nên nói không chất không thành, vì vậy duyên “Khởi muôn hình”.

Hỏi: Nếu Tịnh độ và uế độ đồng một chỗ, thì hai cõi này tuy châu ngọc, gạch ngói, tịnh uế có khác, nhưng đều là bốn trần (sắc, hương, vị, xúc) bốn đại (đất, nước, lửa, gió), tám vi hợp thành, chất ngại làm tánh, làm sao đồng chỗ đồng thời mà các vi không chướng ngại nhau, sắc tánh, không chất ngại kia? Đã là pháp trái nhau, nghĩa khó giải thích chung, xin dứt trừ những ngăn trệ này, để hiển bày vi ngôn.

Đáp: Chỉ chấp cực vi có tánh chất ngại, đây là chấp dị kế của Tát-bà-đa tông bộ, há là diệu chỉ tướng chung của Đại thừa? Chỉ như Đại thừa thời tiết dài ngắn, thế giới lớn nhỏ, thảy đều bất định, khi đó kéo dài bảy ngày thành một kiếp, rút ngắn ngàn năm thành một giây lát; lượng thì nhét núi Tu-di vào trong một hạt cải, biển lớn vào một lỗ chân lông. Há giới hạn dài ngắn, lớn nhỏ đó sao? Chất ngại cũng giống như thế, ngại không nhất định ngại, ngại đó tức gỗ ngại gỗ, đá ngại đá. Không ngại là người gặp nước, quỷ gặp lửa, trời gặp châu, cá gặp nhà, vốn đồng một chỗ, làm sao có khác phương? Nhân đây mà so sánh kia, nghĩa có thể biết. Nên Thân tử thấy có gò hầm, vốn không chỗ khác; Phạm vương thấy cõi tịnh, đâu chỉ có phương khác? Bởi do muôn cảnh muôn tâm, tùy theo tâm tịnh uế, diệu chỉ của duy thức, há hạn cuộc ở chất ngại đó sao?

Hỏi: Tâm hữu lậu, thể đã là uế, tâm uế đã hiện các khí thế gian, chỉ có thể hiện tướng uế độ, làm sao có thể hiện tướng Tịnh độ? Nếu tâm thanh tịnh hiện vô lậu kia, vượt ra khỏi tướng Tịnh độ của ba cõi ư? Nếu tâm uế kia có thể hiện tướng tịnh thì vì sao Duy-ma-cật nói: “Vì tội của chúng sinh, không thấy cõi Phật Như Lai trang nghiêm thanh tịnh?”

Đáp: Thể đã là tịnh, được hiện tướng uế, đâu ngại gì thể là uế của nó, mà được hiện tướng tịnh của nó? Nên về nhất tâm có các tướng tịnh uế. Tâm có nhiều công năng, có thể hiện nhiều tướng. Lại do bản nguyện với chúng sinh, nên khiến hiện Tịnh độ. Chúng sinh đối với Phật có sinh đại nguyện, rất nhàm chán tâm uế, tu hạnh thanh tịnh, gá vào tướng Tịnh độ của Như Lai kia tuy là hữu lậu, mà có thể hiện cõi Phật thanh tịnh, vẫn như Thế Tôn hiện cõi Phật vô lậu thanh tịnh. Đây là do tha lực làm duyên tăng thượng khiến tâm hữu lậu này hiện tướng Tịnh độ đó.

Hơn nữa Phật có thần lực rộng lớn, có thể khiến cho người thấy uế không thấy tịnh, như chín trăm muôn Bồ-tát ở thế giới Chúng Hướng đến cõi Ta-bà này, chỉ thấy cõi uế, khônh thấy Tịnh độ; hoặc có thể khiến người dưới thấy tịnh không thấy uế, như ấn ngón chân xuống đất, khiến cho Xá-lợi-phất thấy tam thiên thế giới toàn là châu báu trang nghiêm; hoặc khiến đều thấy cả Tịnh uế. Như trong lọng báu, hiện Tịnh độ trong mười phương và cõi uế này. Nay đây được sinh Tịnh độ, là nhờ năng lực của chư Phật, không thể dùng trí phàm để so lường được Đại Thánh, sự nghi nan này, chỉ phải y theo giáo mà tu hành.

Hỏi: Như kinh Đại Phẩm v.v… nói: “Nội không, ngoại không, nội ngoại không, nay Tịnh độ tức ngoại không, chúng sinh tức là nội không. Đã như vậy thì có chúng sinh nào năng sinh? Có Tịnh độ nào là sở sinh?

Còn kinh Duy-ma nói: “Cõi nước chư Phật đều là không.” Lại hỏi: Vì sao là không?

Đáp: “Vì không không”. Lại nói: “Bồ-tát vì sao lại quán chúng sinh?”. Duy-ma-cật nói: “Các pháp như đại thứ năm, ấm thứ sáu, tình thứ bảy, nhập thứ mười ba, giới thứ mười chín.” Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng.” Kinh Bát-nhã nói: “Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm.” Lại nói: “Thật không có chúng sinh được diệt độ.” Như thế là giáo của các kinh Đại thừa rốt ráo, đều nói các pháp vắng lặng, nhân duyên nào ngày nay nói có Tịnh độ Tây phương là cõi sở sinh? Chúng sinh là người năng sinh? Khuyên người chấp tướng khởi hạnh, y theo kinh bất liễu nghĩa, đây là không được nghĩa sâu của chư Phật, chấp chặt có tướng, không gọi là tập học pháp Đại thừa.

Đáp: Như vừa rồi nói giáo rốt ráo nghĩa không của Đại thừa, rất sinh lòng kính tin, không dám phỉ báng, rốt ráo xa lìa hai thứ sinh tử, dứt chấp người pháp, chứng đại Niết-bàn chỉ có một pháp môn này, lại không có hai đường. Bồ-tát tiểu hạnh, nhị thừa phàm phu tu hạnh Bồtát, muốn cầu quả Phật, chưa chứng Vô sinh pháp nhẫn, không tránh khỏi lui sụt luân hồi, chẳng phải không có các pháp môn cú nghĩa, y theo đó tu học, thú cầu xuất thế, làm thế nào dẫn các kinh Đại thừa nói rốt ráo không, phá tướng nhân pháp? Chỉ có các giáo pháp này là thật sự do Phật nói. Nay kinh Quán nói cõi Phật thanh tịnh ở phương Tây, khuyên các chúng sinh vãng sinh về cõi nước đó, đây cũng là ngôn giáo thật do Phật nói. Đã đều là do Phật nói, đều là thật ngữ, vì sao lại đem lý không của kinh để vấn nạn giáo lý Tịnh độ này? Tin chỗ kia, chê chỗ này, đâu có lý ấy?

Nhưng Phật nói pháp không lìa hai đế: Tục đế và Đệ nhất nghĩa đế. Tục đế là pháp do nhân duyên sinh, tánh y tha khởi, chẳng phải có mà dường như có; Đệ nhất nghĩa đế là chân pháp vô tướng, tánh viên thành thật, các Thánh nội chứng, diệu hữu chân hữu. Nhưng cái nhị đế đó phi nhất phi dị, dùng chân để thống nhất tục, không tục thì không chân, tức tất cả các pháp đều trở về vắng lặng, nếu không dùng chân nhiếp tục, tức tất cả pháp duyên hội hợp thì có, duyên ly tán thì không, muôn pháp rõ ràng không thể nói là không.

Phật hoặc phá tướng chúng sinh, khiến trở về vô tướng, muốn trừ chấp người, chấp pháp , kiến hoặc, tu hoặc. Nghiêng rõ về Đệ nhất nghĩa đế, nói tất cả đều không; muốn giúp cho chúng sinh bỏ phàm thành Thánh, dứt ác tu thiện, muốn cầu Tịnh độ, nhàm chán xa lìa cõi uế, nói đầy đủ các pháp giới nhân quả khác nhau, hai địa vị phàm và Thánh, Tịnh độ và Uế độ. Nay khiến cho bỏ uế về tịnh, đổi phàm thành Thánh, tức ở trong môn này nói các thứ pháp, đều là thành tựu Phật pháp, lợi ích chúng sinh, giáo hóa giảng nói phương tiện, khéo léo hợp cơ, lý giảng nói như thế, nên giáo có hai môn. Không thể đọc kinh Đệ nhất nghĩa đế, lý rốt ráo vô tướng, tức nói các giáo pháp nhân quả Tịnh độ, chẳng phải chân ngôn của Phật, chẳng phải thuyết cứu cánh nên bài báng không tin. Không đọc các ngôn giáo nói nhân quả đủ loại sai biệt, không tin thuyết tất cả không tịch, huyền tông vô tướng vắng lặng sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên huỷ bỏ mà không hành trì.

Đây chính là Thánh giáo ba tạng kinh Đại thừa có khen, có chê vừa nghi vừa tín, cũng tu pháp lành, cũng gây các tội nặng, tin không đầy đủ, gọi là Nhất Xiển-đề, như kinh Thập Luận, nói đầy đủ về tội lỗi, nên đều phải sinh kính tin, khéo hội chỉ thú hai tông. Nên kinh Duy-macật nói: “Có thể khéo phân biệt các pháp tướng, đối với Đệ nhất nghĩa bất động.” Có thể khéo phân biệt các pháp tướng, đây là nói theo môn thế đế; đối với Đệ nhất nghĩa mà bất động, đây là nói theo môn đệ Nhất nghĩa đế. Còn nói: “Các pháp không phải có, cũng không phải không, do nhân duyên nên các pháp sinh.” Không phải có, không phải không là Đệ nhất nghĩa đế, lìa bốn câu: là lìa có lìa không. Các pháp sinh là thế đế, từ nhân duyên… các thứ pháp thế gian, xuất thế gian sinh ra.

Còn nói: “Tuy quán các cõi Phật hoàn toàn vắng lặng đều không, mà rốt ráo Không rơi vào vắng lặng, là hạnh Bồ-tát. Tuy thành tựu tất cả pháp, nhưng lìa tướng các pháp.” Thành tựu tất cả các pháp, là thế đế pháp. Nhưng lìa tướng tất cả pháp là Đệ nhất nghĩa đế vô tướng. Còn nói: “Tuy biết các cõi Phật và chúng sinh đều không, mà thường tu Tịnh độ, giáo hóa chúng sinh.” Hai câu trên là Đệ nhất nghĩa đế, hai câu dưới là Thế đế. Kinh Đại Phẩm v.v… nói: Trong ngoài không… là Đệ nhất nghĩa đế; nhưng nói thanh tịnh cõi nước Phật, giáo hóa chúng sinh là thế đế.

Nhiều thứ ngôn giáo Đại thừa như thế đều nói pháp môn rốt ráo vắng lặng, tức nói thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh. Ông phải đọc hết văn kinh, trên dưới lẫn lộn, tự tướng hòa hợp, dứt trừ tâm kính tin hay huỷ báng, giảng nói cho người nghe, đừng có lời khen chê, đây tức là tự lợi tự tha, đều được lìa khổ giải thoát, mở tìm Thánh giáo, văn nghĩa khác nhau, tự tin không đủ, chê bai vùi lấp thân mình, khiến bọn khác nghe thành nghiệp Xiển-đề, tự tổn tổn tha.

Kinh Giải thâm mật, kinh Lăng-già, luận Du-già, luận Nhiếp Đại thừa, luận Duy Thức v.v… nói nghĩa ba tánh tam vô tánh:

  1. Tánh Viên thành thật.
  2. Tánh Y tha khởi.
  3. Tánh Biến kế sở chấp.

1- Tánh Viên thành thật, lìa tướng chân thật; tánh Y tha khởi chẳng phải có mà dường như có.

2- Tánh Biến kế sở chấp, tình có lý không, các vật giống như lông rùa, sừng thỏ. Mà ông đã dẫn kinh Đại Phẩm v.v… đều đứng về tánh Viên thành thật, lý rốt ráo không, Phật nói là không, nhưng thật chẳng phải không; hoặc đứng về Biến kế sở chấp, giống như hoa đốm trong hư không, Phật nói vô pháp. Nay nói Tịnh độ… là giáo dựa vào tánh Y tha khởi, từ nhân duyên sinh pháp, chẳng có mà dường như có, nghĩa nhân quả rõ ràng nơi muôn pháp mà ông chỉ thấy nói giáo vô tướng tánh viên thành thật, văn phá biến kế sở chấp rốt ráo không. Không có liền không tin nói tánh y tha khởi là giáo pháp nhân duyên, tức là người không tin nhân quả, nói tướng các pháp đoạn diệt. Cho nên văn kinh nói: “Thà khởi ngã kiến như núi Tu-di, chứ không khởi không kiến như hạt cải, câu nói này thật đáng răn dè. Còn nói Không và Có là đều theo căn cơ thế tục, Đệ nhất nghĩa đế chẳng phải không chẳng phải có, nên nói cõi Phật Tịnh độ không, đều tùy theo căn cơ thế tục, khiến họ vào pháp, sao là đúng, sao là sai?”

Hỏi: Cõi nước Phật Thanh Tịnh , lìa các uế ác, một khi được vãng sinh, thì siêu vượt sinh tử, lìa hẳn ba đường ác, không còn bị năm thứ khổ thiêu đốt, đều là chánh định tụ, tất cả đều là A-Bệ-bạt trí. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Kế đạo Nê-hoàn, nếu như vậy, không thể chấp tướng, phàm phu đủ các thứ tội nghiệp, tâm có sở đắc mà được vãng sinh, nên phải nương theo văn kinh của Đại thừa và Trung luận, Bách luận v.v… học rộng không chỗ đắc pháp, mới có thể vãng sinh Tịnh độ. Nay mới khuyên người y theo kinh Quán, thực hành làm mười sáu pháp quán: Cây báu, ao báu, và sắc thân tướng tốt của chư Phật, Bồ-tát, hoặc xưng danh hiệu, tồn tâm trụ tướng, há chẳng phải là có tâm sở đắc trụ trước các tướng, thành bệnh hay sao? Đã là có bệnh, thì không tránh khỏi luân hồi, làm sao được sinh về Tịnh độ Tây phương của Phật?

Đáp: Nếu có thể quán tất cả pháp rốt ráo vắng lặng, không năng quán sở quán, lìa các phân biệt và không phân biệt, thực hành quán sát này, được sinh Tây phương, đều là thượng bối vãng sinh. Như trong kinh Quán nói: Thượng phẩm sinh, là đối với Đệ nhất nghĩa, tâm không kinh động, người này khi qua đời, Phật A-di-đà cùng các Thánh chung đến đón rước người tu hành, khen rằng: “Này Pháp tử! Do ông hiểu Đệ nhất nghĩa đế, ta đến đón ông”, liền vãng sinh về cõi vô lượng thọ ở Tây phương. Nhưng người phàm ngu, ở thế tục nhiều âu lo, không thể học rộng các kinh Đại thừa, quán Đệ nhất nghĩa đế, thực hành pháp quán vô sở đắc, hoặc thanh tịnh trì giới cấm, hiếu thảo dưỡng nuôi cha mẹ, hoặc tu hành mười điều lành, chuyên xưng niệm Phật, tuy có sở đắc, đều là công đức thù thắng không thể suy nghĩ bàn luận, đều được vãng sinh Tịnh độ Tây phương, như kinh có nói.

Nhưng hành môn vãng sinh Tịnh độ chẳng phải một, người vãng sinh chín phẩm sai biệt, há chỉ nói pháp không sở đắc mà được vãng sinh, trong khi không tin ba thứ phước, mười sáu pháp quán vãng sinh Tịnh độ? Lại có tâm sở đắc thông cả ba tánh, nghiệp thiện và bất thiện đều có thể chiêu cảm quả báo, nay ba phước tất cả đều là thiện nghiệp, kinh nói là “nghiệp lành chánh nhân của chư Phật ba đời”. Đã là nghiệp lành đâu không chiêu cảm quả báo Tịnh độ? Nay ông nói rằng vì sao chỉ nhờ vô sở đắc mà được vãng sinh? Có tâm sở đắc không được vãng sinh, xuất xứ ở kinh giáo nào? Đã không có Thánh điển, làm sao là bằng cứ sở y? Nay kinh Quán nói đủ ba phước, mười sáu pháp quán, thực hành các nghiệp tướng này, mới được vãng sinh, văn nghĩa hiển nhiên, không thể phỉ báng, nếu không y theo Thánh giáo thì tự mình ra khỏi phàm tình?

Nếu có tâm sở đắc không được sinh Tịnh độ, vì có tâm sở đắc là thiện tánh, có phước thù thắng, có thể diệt tội nặng ở Ta-bà, được sinh Tịnh độ Tây phương, như pháp quán đất… nói: “Thực hành pháp quán này, trừ tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử, xả thân đời khác, chắc chắn sinh về Tịnh độ, tâm được vô ngại.” Đây há chẳng phải thực hành hữu tướng quán… được sinh Tây phương? Nếu không tin những ngôn giáo như thế, thì là không tin nhận ngữ luân của Phật, thành tựu mười ác luân tội.

Còn nói: “Xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm diệt được tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử, được sinh về thế giới Cực lạc Tây phương.” Như các văn kinh này, thật chứng rất nhiều, không được phế bỏ. Có nhiều Thánh giáo nói không được vãng sinh, chỉ nói học không sở đắc mà được vãng sinh. Do chúng sinh vãng sinh có phàm, Thánh, thông cả Đại, Tiểu thừa, có tướng, vô tướng, định tâm hay tán loạn, căn lợi độn, thời gian dài ngắn, tu tập ít, nhiều, đều được vãng sinh, nhưng có ba hạng chín phẩm khác nhau, hoa nở sớm muộn có khác, ngộ đạo nhanh chậm không đồng, nên biết sự vãng sinh đã có phẩm loại khác nhau, tu nhân cũng có cạn, sâu khác biệt. Không thể chỉ nói, chỉ tu không có sở đắc mà được vãng sinh, có tâm sở đắc không được vãng sinh. Do người vãng sinh chẳng phải chỉ có bậc Thánh, phàm phu cũng được vãng sinh.

Tịnh độ Phật có lý có sự, có báo có hóa, nên tu nhân ấy có nhiều thứ khác nhau: Sinh lý Tịnh độ, tu nhân vô tướng; sinh sự Tịnh độ, tu nhân hữu tướng.

Sinh báo Tịnh độ, tu nhân vô lậu; vãng sinh hóa Tịnh độ, tu nhân hữu lậu. Độ đã có gốc ngọn, nhân cũng có hơn kém, nên chẳng phải một nhân vô tướng mà được sinh tất cả Tịnh độ.