Sớ thuật duyên khởi thành lập liên xã chùa Thanh Liên ở Lô Sơn

Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, nhưng toàn thể đại dụng đều ở trong một niệm tâm của chúng sanh. Chỉ do mê chưa ngộ, nên đến nỗi trong chỗ vốn không có sanh tử lại lầm chịu nỗi khổ luân hồi sanh tử. Vì thế, đức Thích Ca Thế Tôn ta riêng rủ lòng ai mẫn, thị hiện sanh trong thế gian để cứu vớt. Khi đó, Ngài vứt bỏ vinh hoa nơi cõi nước, xuất gia tu đạo, thành Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề, muốn khiến cho hết thảy chúng sanh đều triệt chứng tự tâm, viên thành Phật đạo. Do vậy, Phật bèn tùy cơ thuyết pháp, theo bệnh cho thuốc, để những người thiện căn chín muồi mau chứng Vô Dư Niết Bàn, người thiện căn chưa chín muồi tùy phần đều được lợi ích. Thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, tuy là Đại – Tiểu, Quyền – Thật bất đồng, Thiên – Viên, Tiệm – Đốn có khác, nhưng trong tâm Phật, không gì chẳng nhằm truyền dạy thẳng vào giác đạo chính Ngài đã chứng. Chỉ vì căn cơ đa phần chẳng phù hợp, nên không thể không uyển chuyển lập phương tiện để nhiếp thọ, còn bổn hoài xuất thế chưa thể nhanh chóng diễn bày.

Do vậy, ngoài những giáo lý thông thường, Phật mở ra một pháp môn đặc biệt, tức là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến cho chúng sanh dù thánh hay phàm, dù ngu hay trí, đều cùng trong đời này thoát lìa sanh tử, khiến cho những người đã phá vô minh sẽ viên chứng Pháp Thân, người còn đủ Kiến Hoặc cũng lên Bất Thoái. Công huân lợi ích ấy vượt trỗi hết thảy giáo pháp suốt cả một đời, thật có thể gọi là “giáo ngoại biệt truyền chí viên chí đốn”. Do vậy, trong hết thảy kinh Đại Thừa không kinh nào chẳng hiển phát, xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy; hết thảy Bồ Tát, tổ sư không vị nào chẳng y giáo phụng hành bởi lẽ pháp này là đại đạo phổ độ chúng sanh của tam thế chư Phật, là diệu pháp để viên chứng Phật Quả của chúng sanh trong chín giới.

Đến khi đại pháp truyền sang Đông, Viễn Công đại sư hoằng dương pháp này đầu tiên tại chùa Đông Lâm ở Lô Sơn. Cao nhân Tăng – tục khi ấy đều như mây nhóm lũ lượt kéo về Lô Sơn ghi danh, pháp Tịnh Độ ai nấy đều kính ngưỡng tu trì. Từ đấy về sau, tất cả Luật, Giáo, Thiền, Mật không ai chẳng lấy việc cầu sanh Tịnh Độ làm bước cuối cùng để phản bổn hoàn nguyên. Do vậy, Liên phong thổi khắp trong nước, ngoài nước, pháp lợi trọn khắp cổ kim. Huống chi lúc này nhằm đúng thời Mạt Pháp, con người căn tánh hèn tệ, càng phải nên chuyên chú nơi pháp này để mong được liễu thoát ngay trong đời này.

Cuộc đất tối thắng ở Lô Sơn nhằm đúng ngay nền chùa Thanh Liên. Chùa ngự cao trên đỉnh núi, hình thế giống như một đóa sen tự nhiên. Vì thế, đại sư Hoàng Cốc đời Tấn tiếp nối chí lớn của Viễn Công, lập chùa nơi đây để xiển dương Liên Tông. Từ đời Tấn đến đời Thanh, hơn một ngàn năm trăm năm, do cao nhân nối tiếp nhau trụ trì nên liên phong thường được chấn hưng mạnh mẽ. Đến cơn biến loạn Hồng Dương[1], đều thành tro bụi. Pháp đạo suy vi, không người khôi phục, đến nỗi đạo tràng tuyển Phật suốt hơn một ngàn năm rốt cục biến thành núi hoang, chẳng đáng buồn ư!

May còn có Diệu Bồi đại sư là cao túc đệ tử của Vi Quân lão nhân, tận lực tuân theo lời thầy dạy, dốc chí tu Tịnh nghiệp, riêng qua Hồng Loa tham học nhiều năm. Mùa Xuân năm nay qua chơi Lô Sơn, đến chỗ nền chùa, thấy hình dáng như đóa hoa sen, trước mặt lại nhìn ra thác nước Tam Điệp, sau lưng dựa vào ngọn núi Ngũ Lão hùng vĩ, hai bên có hai ngọn Sư Tử và Tượng Tỵ (vòi voi) để che chở. Đúng là chốn Tịnh Độ đạo tràng trời xây đất dựng, chẳng nỡ để bị chìm đắm mãi mãi, nên phát nguyện khôi phục để hoằng dương Liên Tông, bèn bàn bạc cùng các đại cư sĩ ở Thượng Hải, trước hết quyên được hơn một ngàn đồng dùng để lập một tòa Niệm Phật Đường, vài gian tăng liêu [làm chỗ] an trú cho vài người chân tâm tu đạo, sáu thời hành đạo, nối tiếp khuôn phép thơm của Viễn Công. Đợi sau này có đại công đức chủ sẽ tùy sức mở rộng ra thêm. Do tài lực khó khăn, tu hành lại là chuyện gấp, nên không thể không tùy phần tùy sức để mong tu trì đạt được lợi ích, chẳng đến nỗi gây trở ngại cho Tịnh nghiệp vậy.

Pháp kết xã thì một là tuân theo quy củ đã thành lập bởi tổ Huệ Viễn, bất luận Tăng – tục đều phải đầy đủ tín nguyện chân thành, quyết định cầu sanh Tây Phương. Ai nấy lại phải giữ trai giới, thanh tịnh thân – khẩu – ý nghiệp, khóa tụng sáng chiều, ba thời niệm Phật, trừ khi có bệnh và có việc chung ra, trọn chẳng được tránh né, kiếm cớ thảnh thơi. Ngoài ra thì tùy ý lễ tụng, tọa thiền, cốt sao đạt được lợi ích nơi đạo mà thôi. Chỉ có điều không được học tập thi văn, xem lung tung sách vở thế tục, cũng như chẳng được chuyện trò tạp nhạp lúc rảnh rỗi kẻo uổng phí quang âm! Xưa Viễn Công kết xã có một trăm hai mươi ba người thảy đều là bậc rường cột trong Phật môn, là Thái Sơn, Bắc Đẩu trong làng Nho. Nay thì căn tánh con người hèn tệ, kém xa xưa kia, nhưng trong tâm vốn có Phật tánh, cố nhiên pháp môn độ khắp ba căn xưa – nay chẳng khác. Như vậy lý “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, sự “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” há chẳng phải do tự mình tu, tự mình chứng hay sao? Vì thế, kính cẩn soạn ra một chương đơn giản để khuyên lơn những người cùng chí hướng.

Lại mong các đại đàn-việt phát Bồ Đề tâm, cùng nhau hộ trì, bỏ tiền, thí gạo, xoay vần khuyên bảo, quyên mộ, khiến cho bảo điện thênh thang sớm có ngày được thành tựu, mãn nguyệt kim dung thường trụ muôn kiếp. Liên xã hưng khởi, tông phong rạng rỡ, chánh pháp thạnh, tai chướng ngầm tiêu, sẽ thấy Phật trời hộ trì như mây nhóm, cát khánh tranh nhau đưa đến, trong đời hiện tại sẽ hưởng ngũ phước, lâm chung cao đăng chín phẩm. Như thế có thể gọi là bậc đại trượng phu thật sự, là đệ tử Phật thật sự, trên chẳng phụ công giáo hóa của chư Phật, dưới chẳng phụ linh tánh của chính mình. Nguyện người thấy, kẻ nghe cùng tu đạo này, để một truyền mười, mười truyền thành trăm, cho đến khắp pháp giới thì thế giới thái bình, nhân dân an lạc, khôn ngăn thơm thảo cầu chúc vậy.

***

[1] Tức loạn Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864), quân phiến loạn do Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh cầm đầu nên gọi là loạn Hồng Dương. Hồng Tú Toàn (1812-1864) là người cuối đời Thanh, vốn là người huyện Hoa, tỉnh Quảng Đông. Năm Đạo Quang 23 (1843), Hồng Tú Toàn cùng Phùng Vân Sơn lập đạo tại huyện Hoa, Quảng Đông, tự xưng mình được Thượng Đế mặc khải, gọi chúa Jesus là anh cả, vay mượn giáo nghĩa Thiên Chúa Giáo, pha trộn với những mê tín dân gian để truyền đạo với danh xưng Bái Thượng Đế Hội. Năm sau, sang Quảng Tây truyền giáo, tích cực tuyên truyền quyến rũ nông dân. Mùa Xuân năm 1848, Phùng Vân Sơn bị quan nhà Thanh bắt giam. Tháng Bảy năm 1850, Hồng Tú Toàn hô hào dân chúng đứng lên làm loạn, bọn thảo khấu, vô lại tham dự lên đến hai vạn người. Ngày 11 tháng 1 năm 1851, nhân dịp sinh nhật của chính mình, Hồng Tú Toàn tự xưng là Thiên Vương, ra sắc lệnh thiết lập Thái Bình Thiên Quốc, phong cho Dương Tú Thanh làm quân sư, rồi lại phong họ Dương làm Đông Vương. Phùng Vân Sơn tích cực thiết lập quân chế, lễ nghi và tổ chức quân đội cho Thái Bình Thiên Quốc, đặt ra lịch pháp mới. Năm 1852, từ Quảng Đông, quân Thái Bình Thiên Quốc đánh lên Hồ Nam, quân Thanh giữ thành bắn đại pháo chống cự. Phùng Vân Sơn bị trọng thương, không bao lâu thì chết. Năm 1853, loạn quân chiếm được Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh. Không lâu sau các bầy tôi của Hồng Tú Toàn tranh giành quyền lực, hãm hại lẫn nhau. Tháng 9 năm 1856, Bắc Vương Hàn Xương Huy cùng Yên Vương Tần Nhật Võng lén vào thành Nam Kinh, đột kích phủ Đông Vương, giết sạch cả nhà Đông Vương Dương Tú Thanh, thuộc hạ của Đông Vương cũng bị thảm sát trong biến cố này rất nhiều. Do Thạch Đạt Khai phản đối, hai người bèn tấn công luôn Thạch Đạt Khai, giết sạch gia quyến họ Thạch. Họ Thạch phải bỏ thành trốn ra ngoài. Sợ nội loạn sẽ xảy ra vì phe đảng họ Thạch quá đông, Hồng Tú Toàn bèn xử tử Hàn Xương Huy, thâu tóm binh quyền về tay anh em họ Hồng. Tuy nội bộ chia rẽ tàn sát lẫn nhau, thế lực loạn quân vẫn còn rất mạnh, chúng liên tục đốt phá, tấn công đến tận Thượng Hải, mãi đến năm 1864, Tăng Quốc Phiên mới dẹp yên được loạn quân. Do Hồng Tú Toàn chủ trương biến Trung Hoa thành một nước Thiên Chúa Giáo theo kiểu của họ nên ra sức đốt phá chùa chiền, đạo quán, văn miếu cả miền Hoa Nam. Vì họ chống lại quy định cạo nửa đầu, thắt bím đuôi sam của nhà Thanh, cứ để nguyên tóc dài như thời nhà Minh, nên sử thường gọi là Trường Mao Phát Tặc (giặc lông tóc dài).