Sớ quyên mộ tu bổ Cảnh Đức Thiền Tự núi La Hán, Vĩnh Gia

Phật pháp thâm diệu, phàm tình chẳng thể suy lường được nổi. Nếu chẳng phải là thánh nhân có đại trí huệ, đại biện tài, đại thần thông mà muốn giáo hóa, dẫn dắt kẻ ngu tục cùng hướng về chánh pháp, bỏ đi kiến giải hèn kém, câu nệ, hư huyễn, mở mang chánh tri kiến sẵn có nơi tánh thì ai nấy đều bỏ tiền của trong nhà để sáng lập phạm-sát ngõ hầu hoằng Tông diễn Giáo, làm đèn sáng trong đêm dài, tập đạo tu tâm, làm chiếc bè to trong biển khổ, thật chẳng phải là chuyện dễ dàng! Chùa Cảnh Đức ở núi La Hán tại Vĩnh Gia do tôn giả Đằng La[1] tạo ra vào thời Đường. Theo tự chí, tôn giả chẳng biết là người như thế nào, vào năm Hội Xương thứ hai (842) đời Đường Võ Tông, cưỡi gỗ vượt biển đến trước ty tuần giản[2] ở Thụy An. Người trong ấp lấy làm lạ, mời Sư lên bờ. Do vậy, dân chúng cả một vùng sùng tín, kính ngưỡng như vị Phật sống. Do vậy, Sư bèn tùy cơ chỉ dạy, khiến họ sanh chánh tín. Sư biết trước chuyện Đường Võ Tông sẽ diệt pháp nên chuyện kiến lập phạm-sát đều tiến hành thong thả, đến khi Trung Tông kế vị, Phật nhật lại sáng, tôn giả mới giáo hóa, chỉ dạy khắp những thôn ấp thuộc Ôn Châu cùng xây dựng phạm-sát gồm mười tám chỗ, có thể nói là đại hoằng pháp hóa, làm phước điền cho chúng sanh. Chùa Cảnh Đức ở núi La Hán là một trong số đó. Núi ấy quanh co, cao ngất, đẹp đẽ, cảnh sắc thanh tịnh, u nhã, là chỗ quan trọng đứng đầu của Vĩnh Gia, là khu vực linh thiêng để tu đạo.

Chùa ấy từ đời Đường đến nay đã hơn một ngàn một trăm năm. Trong thời gian hoằng dương pháp hóa đó, cảnh chùa được sửa sang cố nhiên không biết bao lượt. Nay đã lâu chưa được sửa chữa, Phật điện, tăng liêu đổ nát gần hết. Thánh tích của tôn giả sắp bị tiêu mất. Người trong ấp như các vị Phan Giám Tông, Ngô Bích Hoa, Diệp Kiến Hùng v.v… mấy mươi người lo lắng, cùng bàn tính cách phục hưng. Nhưng vì thời cuộc khó khăn, bèn rút nhỏ quy mô, tính lập năm gian Phật điện, tiền điện ba gian, liêu xá hai bên hơn mười gian để những người đến lễ tụng nghỉ lại đều có nơi chỗ. Mấy vị tỳ-kheo an trụ, cư sĩ tinh tu Tịnh nghiệp thường sống nơi ấy, chuyên tu Niệm Phật tam-muội để mong mình lẫn người cùng thoát Sa Bà, đồng sanh Tịnh Độ, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn bè tốt nơi Hải Hội.

Nhưng do công trình rộng lớn, sức lực đơn độc khó thành, khẩn cầu những vị thiện tín đàn-việt mười phương phát lòng Bồ Đề, hành phương tiện sự, mở rộng bảo tạng, vun đắp phước điền, khiến cho bảo điện mênh mông sớm có ngày thành công, mãn nguyệt kim dung thường trụ muôn kiếp. Liên xã mở ra, người thấy kẻ nghe đều được lợi ích, Tịnh tông được xiển phát, Tăng – tục minh tâm, ắt thấy Phật trời hộ trì như mây nhóm, cát khánh chen nhau đưa đến. Giàu, thọ, khang, ninh, đời này được ngũ phước kín dầy, quan cao tước cả, con cháu được hưởng trăm điều tốt lành như đã nói trong bài Y Huấn.

***

[1] Sách Thích Thị Kê Cổ Lược chỉ nói đại khái Ngài tên Vô Dịch, nhằm thời Đường Võ Đế phá hoại Phật pháp, Sư vào ẩn cư trong sơn cốc, kết am tranh thiền định cả mười mấy năm, dây mây quấn kín am, Ngài vẫn nghiễm nhiên Thiền Định nên dân chúng gọi là Đằng La Tôn Giả (tôn giả bị dây mây quấn). Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 3 chép hơi khác: Vào cuối thời Đường, tôn giả cưỡi cây gỗ nổi từ ngoài biển vào Thụy An, Ôn Châu (nay là Chiết Giang), kết am tu Thiền Định cả mấy năm trong núi sâu, dây mây phủ kín bốn bề. Một ngày nọ có người thợ săn dẫn chó đi săn, chó chui vào bụi dây mây mãi không ra, bèn dùng rìu chặt mây, thấy bầy chó đang phủ phục trước Sư, chợt kính ngưỡng, xin xuống tóc. Từ đó, lập thành chùa Bản Tịch. Do tôn giả bị dây mây quấn quanh thảo am, nên gọi là Đằng La Tôn Giả.

[2] Tuần giản: Cơ quan giữ nhiệm vụ kiểm soát đường thủy. Thụy An nay là một thị trấn trọng yếu vùng Đông Nam tỉnh Chiết Giang.