Sớ phổ khuyến thí tiền khắc in Đại Tạng

Đại Tạng chính là tùng lâm Bát Nhã, là kho tàng Chân Như, là biển thẳm của hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian. Toàn bộ đạo do chính đức Như Lai rốt ráo chứng đắc, pháp sẵn có trong tâm của chúng sanh và pháp rộng khắp mười phương thế giới, tinh vi như nhân quả ba đời, cũng như những đạo luân thường hiếu đễ từ thiện thường ngày thảy đều xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy hoàn toàn chẳng sót chút nào. Do vậy, bậc hoằng pháp đại sĩ không ai chẳng lấy việc lưu thông Đại Tạng làm nhiệm vụ cấp bách để hoằng pháp lợi sanh.

Khắc Đại Tạng Kinh khác với chỉ khắc một hai bộ kinh luận, nhưng không được nói là công đức này lớn, công đức kia nhỏ, pháp này thích đáng căn cơ, pháp kia không thích đáng căn cơ. Ấy là vì một Đại Tạng giáo tuy có kinh, luật, luận, và những trước thuật của Tây Trúc (Ấn Độ), phương này (Trung Hoa), bộ loại khác biệt, số quyển vượt quá vạn cuốn, nhưng đều là một bộ Đại Tạng Kinh. Đã là một bộ sao có thể chia xẻ cương vực, lầm lạc phân chia hơn – kém? Ví như vạn con sông đổ vào biển cả cùng một vị mặn, trăm hoa gom thành mật cùng một vị ngọt. Cây cỏ tuy có lớn – nhỏ, nhưng ánh nắng xuân trọn chẳng thiên vị; hình tướng tuy rất khác biệt, nhưng gương sáng nào soi khác nhau? Như xây tháp chín tầng, xếp gạch đá thành từng bậc, công đức giống hệt như nhau. Như đúc tượng Phật ngàn thước, nung vàng và đồng trong cùng một lò, nào phân cao – thấp?

Chỉ nên do ngọn tìm được gốc, há nên chấp nguồn bỏ giòng! Bồ Tát độ sanh chẳng thấy tướng người độ và kẻ được độ. Bồ Tát hành bố thí chẳng chấp vào tướng Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Vì thế, đắc nhất tâm vô trụ, tam luân thể không, đạt được phước đức bằng với mười phương hư không, cùng một dạng rộng lớn lâu dài. Giáo pháp Đại Tạng tuy có Đại, Tiểu, Quyền, Thật, Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, Hiển, Mật, Chân, Tục, Thiền, Tịnh, Tánh, Tướng, đủ mọi thứ bất đồng, nhưng tâm quang huyết mạch cố nhiên đều dung hội quán thông, không một điều gì trệ ngại. Ví như ngàn hạt châu nơi cái lưới của Đế Thích, rọi bóng lẫn nhau trùng trùng; như ngàn ngọn đèn trong điện Phật, ánh sáng bao phủ lẫn nhau. Đàn-việt giúp khắc in kinh chỉ [cần biết] là tiền bỏ ra chẳng uổng phí, đừng hỏi khắc in những kinh gì, khiến cho người đứng trông coi đỡ tốn tâm lực và Đại Tạng mênh mông chóng được viên thành. Nếu như có tâm phân biệt, lầm lạc sanh lòng chọn lựa, thì ai nấy có lòng ưa thích riêng, ắt đến nỗi có loại được nhiều người nguyện khắc trở thành trùng lặp, có loại thì không ai phát tâm, thường bị thiếu sót. Công đức tuy có, nhưng thong thả hay gấp rút chẳng thích đáng, biết đến khi nào toàn tạng mới được lưu thông?

Huống chi lúc này người trông nom, giảo chánh, đối chiếu đều đã có, duyên thù thắng ấy khó thể có lần nữa, nỡ nào bỏ lỡ qua ư? Phải biết: Vì Thật bày Quyền, Quyền ấy là Quyền đối với Thật. Khai Quyền hiển Thật thì Thật ấy là Thật đối với Quyền vậy. Như Lai nói kinh, Bồ Tát tạo luận, nếu không có chư tổ sư Tây Trúc, phương này trước thuật, phụ giúp khen ngợi thì làm sao có thể lưu thông trong nước ngoài nước mãi cho đến nay chẳng suy phế được?

Vả nữa, bậc thế chủ trị quốc còn phải nhờ vào văn võ phù tá thì mới được vạn dân ngưỡng mộ đức, kiêng oai, nhìn vào gương sáng mà tự thay đổi. Huống chi tam đức bí tạng do đức Như Lai đã chứng, diệu lý Thật Tướng, nếu bỏ đi những thứ phát huy tùy thuận cơ nghi của cổ đức những gì tâm Phật đã chứng thì chỉ có Phật và các vị Pháp Thân đại sĩ biết được, còn những chúng sanh căn cơ kém cỏi khác sẽ dựa vào đâu để biết được? Nhờ vào đâu để chứng được? Do vậy, biết rằng hơn một vạn quyển kinh trong Đại Tạng đều là cùng một pháp, há có thể phân biệt được sao? Mong rằng các đại đàn-việt bỏ tiền của giúp khắc in đều cùng dùng vô sở trụ để sanh tâm, chẳng trụ vào pháp để hành bố thí thì công đức chẳng thể nghĩ bàn của Đại Tạng ai nấy đều đạt được toàn phần. Như một vầng trăng giữa trời hiện bóng khắp muôn sông, cùng một tiết khí cả cõi đất đều là mùa Xuân.