SA DI NI LY GIỚI VĂN
Hán dịch: Mất tên người dịch, xếp vào mục lục đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Thiện nữ tự nói: Đã thọ thân dơ bẩn xấu ác, thuộc về hạng người tầm thường thì ngay cả việc nhỏ cũng khó làm được. Thế nên phải tự chế ngự tâm ăn năn sám hối, nguyện làm đệ tử Phật, thọ trì chánh giới, trọn đời phụng hành. Những việc phải làm để trở thành Sa-di ni, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng, cắt tóc và mặc cà sa.

+ Sa-di ni có mười Giới:

1.- Trọn đời không được sát sanh, không được bảo người sát sanh.

2.- Trọn đời không được trộm cắp, không được bảo người trộm cắp.

3.- Trọn đời không được dâm dật, không được bảo người dâm dật

4.- Trọn đời không được mai mối cũng không được bảo người mai mối.

5.- Trọn đời không được nói dối, không được bảo người nói dối

6.- Trọn đời không được hát múa, không được bảo người hát múa và không được đánh đàn, thổi sáo.

7.- Trọn đời không đeo hương hoa, thoa phấn sáp cũng không bảo người thoa phấn sáp.

8.- Trọn đời không được nằm trên giường có chạm khắc cao sang đẹp đẽ và không được bảo người nằm trên giường sang trọng ấy.

9.- Trọn đời không được uống rượu, không được bảo người uống rượu.

10.- Trọn đời không được ăn quá ngọ cũng không được bảo người ăn.

+ Oai nghi có bảy mươi việc:

– Không được mặc y phục có màu sắc sặc sỡ.

– Không được may y phục có màu sặc sỡ cho người.

– Không được dùng lời nói thô ác để nói xấu nhau.

– Không được bày cho người nói lời không tốt.

– Không được cùng Ưu-bà-di xem hình thể của nhau và cười lớn.

– Không được ở chỗ khuất khỏa thân tự mân mê cơ thể.

– Không được soi gương vẽ mắt, đánh mặt, kẻ mày.

– Không được vì sân hận xấu hổ mà nói lời oán giận.

– Không được nghĩ tưởng việc giao hợp với người nam và hỏi Ưubà-di việc ấy thế nào.

– Không được ngồi trên nệm lông, không được mang giày ủng và không nên làm giày,

– Không được tham lam nhà cửa, tiền bạc, tài vật và cố xin của người khác.

– Không được ngồi trên giường đàn bà con gái khác, mở rương xem y phục nói cái này đẹp, cái kia xấu .

Đức Phật dạy: Mười sáu tuổi trở lên mới nên làm Sa-di ni, với sự trong trắng không hoen ố, trinh khiết và tốt đẹp hoàn toàn, không bị hủy nhục và cha mẹ cho phép mới được xuất gia không trinh khiết không được xuất gia. Thạch nữ, người có bệnh kín không được xuất gia.

Không được ngủ cùng phòng với Tỳ-kheo Tăng, không được ngồi chung, không được xem hình tướng nhau mà cười, không được nằm trong áo chăn của Sa-di ni. Không được để nhằm pháp y và bình bát trong y của Tăng, không được tự tay trao vật cho người nam, giả như muốn đưa vật nên để dưới đất lui ra rồi bảo họ lấy, không được cùng Ưu-bà-di lộ hình tắm, không được một mình đến phòng Tăng hỏi nghĩa lý, không được nói việc tắm rửa, không được cười đùa với lời trong Kinh Luật. Không được ngoái nhìn trái phải, không được để tay lên bàn thờ.

+ Học kinh có năm việc:

Nên cùng trưởng lão ni đi chung, cách chỗ ngồi sáu thước, quỳ gối, chỉ được phép hỏi nghĩa, phải biết chỗ dừng.

+ Thăm thầy bị bệnh có bốn việc:

Có người thân nên đến thăm, ba người đi chung, cách giường sáu thước, quì xuống thăm hỏi, thăm xong nên đi, không được luận bàn.

+ Đêm ngủ có năm việc:

Nên xoay đầu về phía Phật, nên nằm nghiêng, không được duỗi chân. Không được nằm ngửa co duỗi. Không được hở hang lộ hình. Không được để tay gần chỗ bất tịnh.

+ Đến nhà đàn việt có năm việc

Trước phải đến tinh xá lễ Phật, thứ đến lễ thầy và Tăng, Ưu-bà-di rồi mời được vào; nên nói cho thầy và Tăng biết; nhìn thẳng cách sáu thước; nên ngồi riêng một chỗ.

+ Ở nhà đàn việc có năm việc phi pháp:

Vào phòng đàn bà con gái nói cười; ngồi ăn dưới bếp; cùng tôi tớ nói chuyện riêng tư; xuống nhà sau một mình; cùng người lên chung nhà xí và vào nhà xí của người nam .

+ Vào nhà tắm có năm việc:

Không được cùng Ưu-bà-di tắm chung; không được cùng nô tỳ tắm chung; không được cùng trẻ con tắm chung; không được lấy nước của người khác đã múc; không được tự nhìn chỗ kín của thân thể.

+ Thắp hương có năm việc:

Không được nhìn xa hai bên; không được một mình cùng ưu bà tắc thắp hương; không được làm việc riêng với nô tỳ; không được đi kéo lê chân; không được xoay lưng về phía tượng .

+ Dậy sớm có năm việc

Trước phải dậy sớm mặc pháp y, lễ kinh pháp, hình tượng, kế đến lễ thầy và Tăng nên cách sáu thước mà thăm hỏi rồi mới đi ra.

+ Cùng thầy thưa chuyện có năm việc

Hỏi nghĩa Kinh pháp, Giới pháp, không biết thì nên thưa hỏi; nếu bị quở trách phải tự sửa đổi lỗi lầm; không được che giấu, không được tự ý sửa đổi, không được nhìn thầy với con mắt ác cảm.

+ Giặt y phục có bốn việc

Nên ở chỗ khuất ; quỳ một gối xuống; phải đổ nước dơ chỗ vắng người; không được giặt giữa đường đi; đợi khô mới lấy; không được làm rớt xuống đất.

+ Đi đường có năm việc

Đi chung với ba người; đi với Đại ni; nếu đi với Ưu-bà-di nên nhìn đằng trước sáu thước và phải mặc pháp y.

Sư nói: Tính tình của người nữ rất bất thường, hay có những thái độ buông lung, ưa thích dâm dật, không biết lễ tiết. Cho nên người nữ nay phải tự giác ngộ vì ta được đại ân của Phật Thích Ca Văn che chở.

Ngài đã vì khắp ba cõi khai thị Chánh đạo cho nên ta gặp được pháp này. Hiếm người biết được hạnh nguyện của mình và ít người quy y theo đức Phật.

Đức Phật dạy: Ta quan sát thấy loài người, trên đến hai mươi tám cõi Trời, dưới đến mười tám tầng địa ngục toàn là đau khổ, không có yên vui. Do vậy phải kiết giới để huấn thị cho đời sau.

Đức Phật bảo các đệ tử: Hành đạo rất khó, ít ai có khả năng bỏ nhà, dứt hẳn sáu tình, thọ nhận giới trọng của chư Phật để dứt trừ ái dục ít có người làm được như thế. Các ngươi hãy cẩn thận chớ vội vàng độ Sa-di ni, do người nữ có tánh buông lung khó giữ, vui trong chốc lát là ý xấu lại sinh ra, giống như bọt nước thoạt nổi thoạt mất, không có nhất định. Nên phải thấy được căn tánh và quan sát hạnh nguyện to lớn để thấy được tội lỗi đời trước của họ. Nay nên xét rõ việc độ, nếu họ được đắc Đạo thì nên kíp độ ngay cho họ. Chẳng phải Bồ tát, A-la-hán thì không nên độ ni.

Cách thức Tỳ-kheo ni thuyết giới:

Duy na trước phải đầy đủ thẻ kiểm số, hương đèn, văn giới, dùng chỗi sạch quét tinh xá, đánh kiền chùy, đốt hương lễ Phật, tán thán, chú nguyện, định ý. Chú nguyện cho mẹ con quỷ và đều ngồi xuống, chỉnh đốn pháp phục, chắp tay im lặng. Duy na đốt hương đèn và mỗi người nói một bài kệ. Duy na đứng trong cửa, sau khi nói xong ba lần cho bạch y lui ra xa không để nghe được âm thanh thuyết giới (của Tỳ-kheo ni). Duy na mở cửa xướng lên: các vị Tỳ-kheo ni tĩnh tọa yên lặng, nay là lúc Bố tát. Qua ba lần xướng xong, duy na cầm thẻ đến quỳ trước Thượng tọa ni, phát cho người bố tát mỗi người một cái và cũng tự lấy một cái. Sau đó, thu thẻ lại để kiểm tra, trở lại lấy thẻ người không Bố tát cầm đến trước Thượng tọa ni hỏi ai chưa nhận thẻ. Người chưa có nên nói chưa, người có rồi thì im lặng. Duy na đếm thẻ xem có bao nhiêu người để biết bao nhiều. Đếm xong duy na xướng lên: Có ngần ấy vị Tỳ-kheo ni.Tùy theo năm, tháng mấy, nếu là mười lăm liền nói ngày mười lăm, cuối tháng nói là ngày ba mươi tại châu, quận, huyện… thuyết giới trong Tinh xá đàn việt nào đó. Nguyện đem công đức thuyết giới hồi hướng cho chúng sanh, hết thảy quyến thuộc đại đàn việt được an ổn, người đã mất được sanh lên cõi Trời, ở trong cõi người thì tăng trưởng công đức, các ách nạn trong mười phương đều được giải thoát. Mỗi vị chú nguyện xong, duy na quỳ trước Thượng tọa ni thỉnh người có thể thuyết giới làm người thuyết giới, lại thỉnh một người đọc Kinh. Khi đọc Kinh xong, Thượng tọa chú nguyện cho toàn chúng, các Hạ tọa ni quỳ xuống nhận lời chú nguyện. Duy na xướng đồng lễ Phật, lễ Bátnhã. Khi Hạ tọa ni đều đảnh lễ Đại ni xong, duy na quỳ rồi xướng lên: Tùy theo chỗ mà an tọa. Sau đó, thỉnh vị thuyết giới và vị đọc Kinh cùng ngồi riêng trên một tòa.

+ Sa-di ni ly giới văn.

Căn cứ vào tên của giới này được ghi chép trong Quốc bổn, Tống bổn và Khai Nguyên Lục đều gọi là Sa-di ni ly giới văn, Đan bổn thì gọi là Sa-di ni tạp giới văn. Nay kiểm tra lại phần chánh văn thì các bổn đều sai.Vì sao? Xét chữ “Ly” đã được dịch này cùng với chữ “Ni” của bản dịch khác chỉ là do âm tiếng Phạn đọc theo từng vùng, chứ không phải là văn ly giới của Sa-di ni và cũng không phải là văn tạp giới của Sa-di ni, tức đều sai với chánh văn. Do đó, nay có thể gọi ngay là Sa-di ly giới văn mới đúng nhưng không có chứng cứ nên không dám sửa lại mà chỉ viết theo ý bản văn. Thế nên, rất mong chờ hảo ý của các bậc cao minh.