KINH ƯU BÀ TẮC NGŨ GIỚI TƯỚNG
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Đa
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại thành Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ, vua Tịnh phạn đến chỗ đức Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân, chắp tay cung kính bạch đức Phật:

– Trẫm có điều muốn thỉnh cầu để tự mình cứu độ, kính xin đức Thế Tôn thương xót chỉ dạy cho.

Đức Phật dạy:

– Có thể đạt được ước nguyện tùy theo mong cầu của Đại vương.

Vua bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn: Đã chế giới nặng nhẹ cho Tỳ-kheo, Tỳkheo ni, Sa-di và Sa-di ni rồi, kính xin đức Như Lai cũng vì Ưu-bà-tắc chúng tôi mà phân biệt về năm giới, mới biết giới nào có thể sám hối và không thể sám hối, khiến cho chúng tôi nhận biết được giới tướng, không còn nghi ngờ.

Đức Phật nói:

– Lành thay! Lành thay! Bổn nguyện của Như Lai từ lâu đã muốn phân biệt năm giới cho Ưu-bà-tắc, nếu có người thiện nam thọ trì không sai phạm, nhờ nhân duyên đó sẽ thành Phật đạo, nếu có sai phạm mà không sám hối thì sẽ luôn ở trong ba đường.

Bấy giờ, đức Phật giảng nói cho vua Tịnh phạn xong, nhà vua nghe pháp rồi đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh đức Phật rồi đi ra. Do nhân duyên này, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Hôm nay, Ta sẽ giảng nói cho các Ưu-bà-tắc về việc phạm giới nặng, nhẹ, có thể sám hối và không thể sám hối.

Các Tỳ-kheo đều thưa:

– Thưa vâng. Chúng con nguyện muốn nghe.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

– Phạm tội giết người có ba loại: Một là tự mình làm, hai là chỉ dạy người khác làm, ba là sai khiến người khác làm.

Tự mình làm là tự thân giết người khác. Dạy người làm là dạy người: “Hãy bắt người đó trói lại rồi giết chết”. Sai khiến người làm là nói với người khác: “Ngươi biết người đó không? Ngươi hãy bắt người đó trói lại và giết chết”, người này theo lời ấy mà giết chết người kia.

Như thế là Ưu-bà-tắc phạm giới tội không thể sám hối.

Lại có ba loại giết người:

– Một là dùng sắc bên trong, hai là dùng sắc bên ngoài, ba là dùng cả sắc bên trong và bên ngoài.

Dùng sắc bên trong: Ưu-bà-tắc dùng tay đánh người khác hoặc dùng chân và những bộ phận khác của thân, lại nghĩ: “Ta phải đánh người kia”. Người ấy, do đó mà chết thì Ưu-bà-tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó, do vậy mà chết Ưu-bà-tắc cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó cũng không do vậy mà chết, tội này có thể sám hối.

Dùng sắc bên ngoài là: Nếu dùng cây, đá, ngói, dao, rựa, cung, tên, chì, kẽm, sắt… từ xa ném tới người đó, nghĩ như vầy: “Ta giết chết người đó”, người ấy do đó mà chết thì Ưu-bà-tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó do vậy mà chết, Ưu-bà-tắc cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó cũng không do vậy mà chết thì tội này có thể sám hối.

Dùng cả sắc bên trong lẫn bên ngoài là: Nếu dùng tay, cây, gậy, ngói, đá, dao, rựa, cung tên, sắt thép đánh người khác và nghĩ như vầy: “Phải làm cho người ấy chết” người kia do đó mà chết thì tội này không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó do vậy mà chết, Ưu-bà-tắc cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó cũng không do vậy mà chết, tội này có thể sám hối.

Lại không dùng sắc bên trong, không dùng sắc bên ngoài cũng không dùng cả sắc bên trong và sắc bên ngoài. Nếu vì giết người nên trộn hợp các loại thuốc độc, hoặc đổ vào mắt, tai, mũi, lưỡi và những chỗ bị thương trên thân, hoặc trộn vào các thức ăn, hoặc đổ trong tấm nệm, hoặc trong kiệu, xe và nghĩ: “Ta làm vậy để giết chết người kia”. Nếu người ấy, do đó mà chết liền thì Ưu-bà-tắc phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó do vậy mà chết Ưu-bà-tắc cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó cũng không do vậy mà chết thì tội này có thể sám hối. Lại có những việc làm để giết người khác như đào hầm đốt lửa không có khói, tra khảo để giết, đặt bẫy để giết, xô đẩy để giết, làm phép thuật, bùa chú để giết, giết trong bào thai, đè bụng xuống để giết, đẩy vào trong lửa, nước, hoặc xô vào trong hầm hố để giết, hoặc đuổi vào đường dữ để giết, cho đến trong bào thai mới có hai căn: Thân căn và mạng căn mà tìm cách giết.

Đào hầm đốt lửa không có khói để giết người: Nếu Ưu-bà-tắc biết được người ấy từ đường này đến, trước hết đốt lửa trong hầm không có khói dùng cát lấp lên trên hoặc nói: “Do người kia từ đường này đến, nên tôi làm hầm này”. Nếu người ấy do đó mà chết thì tội này không thể sám hối. Nếu họ không chết liền mà sau đó do vậy mà chết thì cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết liền, sau đó cũng không do vậy mà chết thì tội này có thể sám hối. Vì giết người nên đào hầm đốt lửa không có khói, người chết thì phạm tội không thể sám hối, phi nhân chết thì trong tội này có thể sám hối, súc sanh chết thì phạm tội có thể sám hối. Nếu ví phi nhân mà đào hầm, phi nhân chết thì phạm tội có thể sám hối. Người chết thì tội có thể sám hối. Súc sanh chết thì phạm tội cũng có thể sám hối.

Nếu vì giết loài súc sanh nên đào hầm. Súc sanh chết thì tội có thể sám hối. Nếu người rớt vào đó mà chết hoặc phi nhân rớt vào trong đó mà chết, đều phạm tội có thể sám hối.

Nếu Ưu-bà-tắc không nhất định vì việc gì mà đào hầm khiến có người đến bị rơi vào trong đó mà chết, người bị chết thì phạm tội không thể sám hối, phi nhân chết thì tội này có thể sám hối, súc sanh chết thì phạm tội có thể sám hối, không có ai chết thì phạm ba cách, thì tội có thể sám hối. Đó gọi là đào hầm đốt lửa không có khói mà giết.

Tỳ-đà-la là: Nếu Ưu-bà-tắc trong hai mươi chín ngày cầu cho thây chết đứng dậy bằng cách đọc chú triệu tập quỷ thần, lấy nước tắm rửa, mặc áo, đưa cho họ dao cầm tay tâm nghĩ, miệng nói: “Ta vì muốn giết người đó nên làm Tỳ đà la rồi tụng chú thuật như vậy”. Nếu đã muốn giết hại, người chết thì phạm tội không thể sám hối, nếu người trước đó đã nhập vào các Tam muội, hoặc nhờ thiên thần hộ vệ, hoặc nhờ bậc đại sư chú nguyện cứu giải, không hại được thì phạm tội có thể sám hối. Đó gọi là dùng Tỳ đà la để giết hại.

Bán Tỳ-đà-la là: Nếu Ưu-bà-tắc trong hai mươi chín ngày làm xe sắt rồi tạo ra người sắt, đọc chú triệu tập quỷ thần để dựng người sắt dậy, lấy nước tắm rửa, mặc áo, đưa con dao cho người sắt cầm, tâm nghĩ, miệng nói: “Ta vì giết người ấy mà đọc chú này”. Nếu người đó chết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu người đó trước đã nhập vào thiền định hoặc được các thiên thần ủng hộ, hoặc nhờ đại lực của đại sư chú nguyện đã cứu giải nên họ không chết, thì tội này có thể sám hối. Đó gọi là dùng Bán Tỳ đà la để giết.

Đoạn mạng là: Trong hai mươi chín ngày lấy phân bò đổ ra đất, tẩm rượu vào, lửa cháy hết thì đổ nước vào, tâm nghĩ, miệng nói: “Đọc chú thuật như lửa vào trong nước thì bị tắt, nếu lửa tắt thì mạng của người kia cũng chấm dứt”. Lại nữa, trong hai mươi chín ngày lấy phân bò đổ ra đất, rót rượu vào trong đó, vẽ hình tượng người muốn giết, vẽ tượng rồi trở lại phá hư, tâm nghĩ, miệng nói: “Đọc chú thuật này như tượng ấy hư thì mạng sống của người kia cũng chấm dứt”. Nếu khi tượng hư mạng người đó chết. Lại nữa, trong hai mươi chín ngày lấy phân bò đổ ra đất, rót rượu vào trong đó, lấy kim may găm lên đầu sừng rồi lại nhổ ra, tâm nghĩ, miệng nói: “Đọc chú thuật: Nếu như cây kim này nhổ ra thì mạng sống của người kia cũng chấm dứt”. Đó gọi là đoạn mạng.

Nếu dùng vô số chú thuật để giết người chết thì phạm tội không thể sám hối, nếu người không chết thì trong tội này có thể sám hối.

Lại nữa, làm hư thai: Là làm cho người nữ có thai uống thuốc bị sẩy thai và rưới thuốc khắp nơi, hoặc chích mạch máu, cho đến dùng thuốc làm cho chảy nước, lại nghĩ: Do nhân duyên này khiến cho người nữ đó chết: Người ấy chết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu người ấy không chết liền, sau đấy cũng do vậy mà chết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau đấy cũng không do nguyên nhân đó mà chết thì tội này có thể sám hối.

Nếu vì giết người mẹ mà làm sẩy thai. Nếu người mẹ chết thì tội này không thể sám hối, nếu thai chết thì tội này có thể sám hối, nếu cả hai đều chết thì tội này không thể sám hối, nếu cả hai không chết thì tội này có thể sám hối.

Nếu vì nhằm giết thai nhi nên dùng cách làm cho sẩy thai, nếu thai chết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu thai không chết thì tội này có thể sám hối, nếu người mẹ chết thì tội này có thể sám hối, nếu cả hai đều chết thì phạm tội không thể sám hối. Đó gọi là giết bằng cách làm sẩy thai.

Đè nơi bụng: Là bắt người mang thai làm việc nặng, hoặc gánh vật năng, bảo chạy trước xe hoặc bảo đi lên bờ cao, lại nghĩ: “Làm cho người nữ chết”. Nếu người đó chết thì phạm tội không thể sám hối; nếu người này không chết liền, nhưng sau đó do nguyên nhân ấy mà chết, tội ấy không thể sám hối; nếu không do đó mà chết, tội này có thể sám hối. Nếu vì giết thai nhi như trên đã nói. Đó gọi là giết bằng cách đè bụng.

Khiến đi vào đường dữ cho chết là: Biết trong đường ấy có thú dữ, đói khát mà sai khiến đi vào con đường ác, lại nghĩ: “Khiến người ấy đi vào con đường ác cho chết”. Nếu người đó chết thì phạm tội không thể sám hối. Ngoài ra, cũng phạm tội như trên đã nói. Đó gọi là khiến đi vào đường dữ mà giết. Cho đến thai nhi nơi thai mẹ mới có hai căn là thân căn và mạng căn, hoặc là thời kỳ Ca la la, dùng tâm giết hại, tạo phương tiện làm cho người đó chết: Người đó chết thì phạm tội không thể sám hối. Những trường hợp phạm tội khác như trên đã nói.

Khen ngợi việc giết hại có ba điều: Một là đối với người theo giới ác. Hai là đối với người theo giới thiện. Ba là đối với người già bệnh.

Người theo giới ác: Là giết bò, dê, nuôi gà, heo, thả chim ưng bắt cá, làm thợ săn vây bắt thỏ bắn hươu nai v.v… đứng đầu đám trộm cắp, làm nem thịt, chú thuật, bắt rồng giữ ngục… Nếu đến chỗ những người đó nói: “Theo giới ác như các ngươi vì sao tạo tội nhiều mà không chết đi!”. Người ấy do đó mà chết, thì phạm tội không thể sám hối, nếu không phải do đó mà chết tội này có thể sám hối. Nếu người ác suy nghĩ: “Ta không nghe lời người ấy”, nên không do đó mà chết, thì phạm tội có thể sám hối. Nếu khen ngợi người đó làm cho họ chết, tâm liền hối hận, suy nghĩ: “Vì sao ta lại bảo người đó chết? Bèn trở lại nói: Các ông là người ác, nếu do nhân duyên của tri thức thiện, gần gũi người lành, được nghe pháp thiện, có thể suy nghĩ chân chánh, xa lìa tội ác, ông đừng tự giết”. Nếu người này nhận ra lời nói đó, không chết tội này có thể sám hối.

Đối với người hành giới thiện: Bốn chúng của Như Lai. Nếu đến chỗ những người thiện nói: “Ông giữ giới thiện là người có phước đức, nếu chết thì nhờ phước đó được sanh lên cõi trời. Vì sao không tự giết mình”. Người ấy do đó mà tự sát: Người ấy chết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không tự giết thì trong tội này có thể sám hối. Nếu người giữ giới thiện suy nghĩ: “Vì sao ta phải nghe lời người khác mà tự giết”. Nếu người đó không chết thì tội này có thể sám hối. Nếu bảo người khác chết rồi, tâm sanh hối hận nói: “Mình không đúng. Vì sao lại bảo người thiện này chết”. Bèn trở lại nói: “Ông là người giữ giới thiện tùy theo tuổi thọ của mình mà sống, phước đức cáng thêm nhiều, nhận phước đức tăng thêm nhiều đừng nên tự sát”, người kia không do đó mà chết thì tội này có thể sám hối.

Đối với người già bệnh: Bốn đại tăng giảm thọ nhận các khổ não. Liền đến nói với người đó: “Vì sao ông phải nhận chịu khổ này lâu vậy? Vì sao không tự chết cho rồi”. Người ấy do lời nói ấy mà chết, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu không do đấy mà chết thì tội này có thể sám hối. Nếu người bệnh suy nghĩ: “Do nhân duyên gì ta phải nghe theo lời người ấy nói mà tự sát?” Hoặc đã nói với người bệnh rồi hối hận: “Ta không đúng. Vì sao lại nói với người bệnh phải tự sát”. Bèn trở lại nói: “Các ông bị bệnh, nếu có thầy thuốc giỏi chữa trị, tùy bệnh cho thuốc thì bệnh sẽ lành, đừng tự sát”. Nếu người ấy không do đó mà chết thì tội này có thể sám hối.

Bảy cách giết hại còn lại nêu trên, nói phạm không phạm giống như trường hợp hầm lửa đã nêu.

Nếu là người khởi tưởng là người mà giết thì phạm tội không thể sám hối. Là người khởi tưởng là phi nhân mà giết; là người sanh nghi ngờ mà giết, đều phạm tội không thể sám hối. Là phi nhân khởi tưởng là người mà giết, là phi nhân sanh nghi ngờ mà giết, các tội này có thể sám hối.

Lại nữa, một người bị chặt tay chân, bỏ trong hào quanh thành, có những người nữ đi vào thành, nghe tiếng kêu khóc của người đó, liền đến nơi thấy, cùng nhau nói: “Nếu có thể cho người ấy uống thuốc khiến mau chết để khỏi phải chịu khổ lâu như vậy”. Một người ngu nghe theo lời những người nữ liền đem thuốc cho người kia uống, người ấy chết. Những người nữ nói: “Ông phạm giới không thể sám hối”. Họ liền đến bạch Phật.

Đức Phật dạy:

– Ông cho người uống thuốc khiến người đó chết thì phạm giới không thể sám hối.

Nếu cư sĩ tìm cách muốn giết mẹ, nhưng lại giết người không phải là mẹ thì tội này có thể sám hối. Nếu cư sĩ muốn giết người không phải là mẹ nhưng lại tự giết mẹ thì tội này có thể sám hối, chẳng phải là tội nghịch.

Nếu cư sĩ dùng phương tiện muốn giết người, nhưng lại giết chết phi nhân thì tội này có thể sám hối. Nếu cư sĩ dùng phương tiện muốn giết phi nhân mà lại giết người thì phạm tội có thể sám hối.

Nếu người mang thai súc sanh, làm hư thai này thì phạm tội nhỏ, có thể sám hối. Nếu súc sanh mang thai người, làm chết thai này thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu cư sĩ dùng phương tiện giết để người mà cư sĩ chết trước, sau đó nếu người kia mới chết thì tội này có thể sám hối. Nếu cư sĩ muốn giết cha, mẹ tâm sanh nghi ngờ: Đây có phải là cha mẹ hay không? Nếu biết chắc chắn là cha mẹ mà giết thì tội này là tội nghịch không thể sám hối.

Nếu cư sĩ sanh nghi ngờ: “Đây là người hay là phi nhân”. Nếu tâm biết chắc là người mà giết thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu người bắt kẻ trộm muốn đem đi giết, kẻ trộm đó chạy thoát, nếu dùng oai lực của quan hoặc sức lực của xóm làng đuổi theo bắt kẻ trộm đó; nếu cư sĩ đi ngược đường, người đuổi theo kẻ trộm hỏi: “Ông có thấy kẻ trộm không?”. Cư sĩ trước đây đối với kẻ trộm đó đã có tâm ác, sân hận nên nói: “Tôi thấy ở chỗ đó”. Do nhân duyên này khiến người ăn trộm bị mất mạng thì cư sĩ phạm tội không thể sám hối. Nếu người đó đem nhiều người ăn trộm để giết, nhưng họ chạy thoát, nếu dùng oai lực của vua quan hoặc sức mạnh của xóm làng đuổi theo bắt, cư sĩ đi ngược đường, người đuổi theo giặc hỏi cư sĩ: “Ông có thấy đám giặc không?”. Trong số đám giặc ấy có một người mà cư sĩ này đã sân giận, nên nói: “Tôi thấy họ ở chỗ kia”. Nếu họ bị giết không phải vì lý do ấy thì tội này có thể sám hối. Những trường hợp khác như trên đã nói.

Nếu cư sĩ tưởng là mẹ mà giết người không phải mẹ tội này không thể sám hối nhưng chẳng phải tội nghịch. Nếu đùa giỡn mà đánh người khác, người đó chết thì tội này có thể sám hối. Hoặc vì điên cuồng không tự suy nghĩ mà giết người thì không tội. Nếu Ưu-bà-tắc dùng nước có trùng và giết trùng trong cỏ cây đều phạm tội. Nếu nước có trùng tưởng là không có trùng mà dùng cũng phạm tội. Nếu nước không có trùng tưởng là có trùng mà dùng cũng phạm tội.

Có cư sĩ xây nhà mới, đang ở trên lầu, tay làm hỏng xà nhà, làm rớt cây xuống trên đầu thợ mộc khiến liền chết. Cư sĩ nghi ngờ: “Tội này có thể sám hối không?”. Liền đến thưa hỏi đức Phật.

Phật dạy:

– “Không có tội”.

Xà nhà trên lầu, sức người yếu không thể ngăn giữ được, xà nhà rơi xuống trúng đầu thợ mộc khiến bị chết, cư sĩ đó liền sanh nghi đến thưa hỏi đức Phật.

Phật dạy “Không có tội”. Từ nay về sau làm nhà phải cẩn thận, đừng để giết hại người.

Lại có một cư sĩ làm phòng ốc trên lầu, thấy trong bùn có trùng, sợ hãi nhảy xuống, rớt cây trên đầu thợ mộc liền chết. Cư sĩ đó nghi ngờ.

Phật dạy:

– “Không có tội”. Nhưng từ nay về sau làm nhà phải cẩn thận đừng để giết hại người.

Lại có một cư sĩ, chiều tối vào trong đường hiểm, gặp giặc cướp, giặc cướp muốn bắt, cư sĩ ấy bỏ chạy rơi từ trên bờ xuống đè trúng đầu thợ dệt liền chết. Cư sĩ đó sanh nghi.

Phật dạy:

– “Không có tội”.

Lại có một cư sĩ từ trên núi đẩy đá xuống, đá lăn trúng chết người, cư sĩ sanh nghi.

Phật dạy:

– “Không có tội”. Nếu khi muốn xô đá, trước hết phải la lớn “Đá rơi” để mọi người biết.

Lại có một người bị bệnh ung nhọt chưa muồi, cư sĩ mổ mụt nhọt ấy khiến người đó chết, liền sanh nghi, Phật dạy: “Ung nhọt chưa muồi, nếu mổ mà người ấy chết thì tội ấy có thể sám hối. Nếu mổ ung nhọt đã muồi và người bệnh chết thì không tội”.

Lại nữa, có một đứa bé thích cười, cư sĩ bắt lại thọc lét cho cười to nên đứa bé chết, cư sĩ sanh nghi. Phật dạy: “Vì giỡn cười nên không phạm tội giết. Từ nay về sau không nên thọc lét chọc cười”.

Lại có một người ngồi, dùng áo trùm kín thân, cư sĩ la lên: “Đứng dậy!”. Người đó nói: “Đừng gọi tôi, nếu đứng dậy tôi sẽ chết”. Lại la: “Đứng dậy! Đứng dậy!”. Người đó liền chết. Cư sĩ sanh nghi, Phật dạy:

“Phạm tội này có thể sám hối”.

Giới thứ hai: Trộm cắp.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– “Ưu-bà-tắc, dùng ba cách lấy trộm vật có giá trị của người khác, phạm tội không thể sám hối”. Một là dùng tâm, hai là dùng thân; ba là lấy ra khỏi chỗ cũ.

Dùng tâm là: Khởi tâm suy nghĩ muốn trộm cắp.

Dùng thân là: Dùng các phần của thân để lấy vật người khác.

Lấy ra khỏi chỗ cũ là: Vật ở chỗ đó mà dời ra chỗ khác.

Lại có ba cách lấy vật có giá trị của người, phạm tội không thể sám hối:

Một là tự lấy; hai là chỉ dạy người khác lấy; ba là sai khiến lấy.

Tự mình lấy là tự tay mình lấy dời đi chỗ khác; chỉ dạy người khác lấy là: Nếu Ưu-bà-tắc dạy người: “Hãy lấy trộm vật của người khác”.

Người này theo lời đó mà lấy vật ra khỏi chỗ.

Sai khiến người lấy là: Nói lời sai khiến người: – “Ông biết vật có giá trị ở chỗ kia không?” Đáp:

– “Tôi biết chỗ đó”. Bèn sai đến lấy trộm. Người này theo lời nói đó mà lấy vật ra khỏi chỗ cũ.

Lại có năm cách lấy vật có giá trị của người khác, phạm tội không thể sám hối.

Một là giả bộ khổ sở mà lấy. Hai là khinh mạn mà lấy. Ba là giả trá xưng tên người khác mà lấy. Bốn là cưỡng đoạt mà lấy. Năm là nhân gởi mà lấy.

Vật có giá trị là: Hoặc là năm tiền, hoặc là vật có giá trị năm tiền, thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu cư sĩ biết người khác có năm loại quý báu, hoặc tương tự năm loại quý báu, dùng tâm trộm để chọn lấy nhưng vật chưa rời khỏi chỗ cũ thì phạm tội có thể sám hối. Nếu đã chọn lựa đã lấy ra khỏi chỗ cũ, nếu giá trị là năm tiền thì phạm tội không thể sám hối.

“Rời khỏi chỗ cũ” là: Nếu vật dệt khác với dây tơ, gọi là khác chỗ., Hoặc da hoặc áo một màu gọi là một chỗ, khác màu gọi là khác chỗ. Hoặc đệm lông, một lớp lông gọi là một chỗ, một màu gọi là một chỗ, khác màu gọi là khác chỗ. Đó gọi là các chỗ.

Cư sĩ gánh dùm vật cho người khác, với tâm trộm cắp chuyển từ vai bên trái sang vai bên phải, từ tay phải sang tay trái, trên các phần thân thể như vậy, gọi là khác chỗ.

Xe thì gồm có bánh, trục, đòn ngang, ách xe. Thuyền thì hai bên có mành trước sau. Nhà thì gồm xà nhà, nóc, rui, đòn, bốn góc và hướng, đều gọi là khác chỗ. Dùng tâm trộm cắp chuyển vật để qua các chỗ khác, đều phạm tội không thể sám hối.

“Lấy trộm vật ở trong nước”: Là người dùng bè gỗ theo dòng nước chuyển đi, cư sĩ có tâm trộm cắp mà lấy thì phạm tội không thể sám hối. Nếu với tâm trộm nắm, lấy cây khiến cho dừng lại ở phía sau đẩy ra phía trước, cùng với tâm trộm mà nhấn chìm xuống đáy nước, nếu lấy đi khỏi nước thì phạm tội không thể sám hối.

Lại nữa, có người chủ nuôi chim trong ao, cư sĩ với tâm trộm nên tháo nước trong ao, phạm tội có thể sám hối. Nếu nước chảy ra khỏi ao thì phạm tội không thể sám hối. Nếu người nhà nuôi chim, chim bay vào trong ao hoang, dã vì tâm trộm nên tháo nước chảy ra và lặn xuống đáy 16 nước thì phạm tội không thể sám hối.

Lại có cư sĩ, ở trên lầu thấy các con chim có chủ ngậm các vật trang sức bay đi, vì tâm trộm mà bắt chim này, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu thấy chim ngậm vật báu bay đi, vì tâm trộm nên đợi nó từ xa để bắt, tội này có thể sám hối. Nếu dùng năng lực của thần chú làm cho chim đó theo ý mình bay đến chỗ ấy thì phạm tội không thể sám hối. Nếu chim bay đến chỗ khác, phạm tội có thể sám hối. Nếu chim không chủ ngậm ngọc báu bay đi, cư sĩ vì tâm trộm nên bắt lấy chim này thì phạm tội có thể sám hối. Khi đang đợi chim đó thì phạm tội có thể sám hối. Lại nữa, chim không chủ ngậm vật báu bay đi, các chim có chủ đoạt lấy vật của chim không chủ đang ngậm kia, cư sĩ vì tâm trộm, đoạt lấy vật nơi chim có chủ, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu lúc đứng đợi chim có chủ bay đến, thì phạm tội có thể sám hối. Những trường hợp khác như trên đã nói.

Lại nữa, các chim có chủ ngậm vật báu bay đi, chim không chủ đoạt lấy, cư sĩ vì tâm trộm nên bắt chim không chủ thì phạm tội có thể sám hối. Nếu lúc đợi chim không chủ bay tới cũng phạm tội có thể sám hối. Những trường hợp khác như trên đã nói.

Nếu cư sĩ đánh bạc, vì tâm trộm nên gian lận của người khác năm tiền, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu cư sĩ vì tâm trộm lấy Xá lợi thì phạm tội có thể sám hối. Nếu với tâm cung kính mà suy nghĩ: “Phật cũng như Thầy của mình, dùng tâm thanh tịnh mà lấy thì không phạm”. Nếu người cư sĩ với tâm trộm mà lấy quyển kinh, thì phạm tội không thể sám hối. Tùy theo giá trị mà phạm tội nặng nhẹ. Phàm trộm lấy ruộng đất có hai nhân duyên, chiếm đoạt ruộng đất của người khác: Một là nói ranh giới, hai là tạo ranh giới. Nếu cư sĩ vì đất nên nói hơn người khác, hoặc làm ranh giới khác, lấn chiếm một phần đất trị giá năm tiền thì phạm tội không thể sám hối. Có các cư sĩ đất đáng nộp thuế mà không nộp, nếu đến năm tiền thì phạm tội không thể sám hối. Lại có cư sĩ đến chỗ đóng thuế, nói với các cư sĩ: Ông mang vật này qua trạm giùm tôi, tôi sẽ đưa cho ông một nửa số tiền thuế. Nếu người kia mang vật qua khỏi trạm trốn thuế khoảng năm tiền thì phạm tội không thể sám hối. Cư sĩ nếu chỉ người đi đường khác, khiến người đó khỏi đóng thuế trị giá năm tiền, thì phạm tội có thể sám hối. Nếu vì chỗ đóng thuế có giặt cướp, thú dữ hoặc đói khát nên chỉ đi đường khác, khiến tránh khỏi nơi độc hại đó thì không phạm tội.

Lại có cư sĩ, cùng với giặc cướp phá hoại các vật của xóm làng, nếu phân ra trị giá năm tiền thì phạm tội không thể sám hối.

Lấy trộm các chúng sanh không chân như: Đỉa, trùng, cho đến bắt rất nhiều trùng v.v… người đó lấy bỏ trong đồ vật, cư sĩ lấy từ trong đồ ấy ra thì phạm tội không thể sám hối. Như trên đã nêu, trộm cắp chúng sanh hai chân như người và các loài chim như ngỗng, nhạn, vẹt v.v… Các loài chim ấy nhốt trong lồng, nếu lấy với tâm trộm thì phạm tội không thể sám hối. Các trường hợp khác như trên đã nói.

Bắt trộm người có hai loại: Một là mang đi, hai là hẹn đến. Nếu cư sĩ vì tâm trộm mà vác người kia để trên vai, hai chân người đó đã rời khỏi mặt đất, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu cùng hẹn đến, đi hơn hai bước thì phạm tội không thể sám hối. Những trường hợp khác như trên đã nói.

Trộm cắp loài bốn chân như ngựa, bò, dê v.v… Người dùng dây cột một chỗ cư sĩ, với tâm trộm, dắt đi hơn bốn bước, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu vật nằm một chỗ cư sĩ với tâm trộm, đuổi vật chạy hơn bốn bước, thì phạm tội không thể sám hối. Loài nhiều chân cũng giống như vậy.

Nếu vật ở trong hàng rào hoặc tường vách, cư sĩ vì tâm trộm nên đuổi ra khỏi bầy bốn bước, thì phạm tội không thể sám hối. Các trường hợp khác như trên đã nói.

Nếu vật được thả ra ngoài, cư sĩ có tâm trộm nên nghĩ: “Nếu khi người chăn vào trong rừng, mình sẽ bắt trộm vật. Vì mới chỉ phát khởi tâm niệm, thì phạm tội có thể sám hối. Nếu giết con vật thì đồng với tội sát sanh, giết rồi lấy thịt trị giá năm tiền, thì phạm tội không thể sám hối.

Lại có bảy yếu tố: Một là tưởng không phải của mình. Hai là không được đồng ý. Ba là không tạm dùng. Bốn là biết có chu. Năm là không điên cuồng. Sáu là không loạn tâm. Bảy là không bệnh hủy hoại tâm. Đủ bảy yếu tố này, lấy vật có giá trị thì phạm tội không thể sám hối. Lấy vật không đáng giá phạm tội có thể sám hối.

Lại có bảy điều: Một là tưởng của mình. Hai là được đồng ý. Ba là nghĩ tạm dùng. Bốn là biết không chủ. Năm là điên cuồng. Sáu là loạn tâm. Bảy là bệnh hoạn hủy hoại tâm. Đủ bảy điều này, lấy vật thì không phạm tội.

Có một cư sĩ trồng rau cải, một người đến vườn nói với cư sĩ: “Cho tôi một ít rau”. Cư sĩ hỏi: “Ông có tiền không? Đưa tiền đây tôi bán cho”.

Đáp: “Tôi không có tiền”.

Cư sĩ nói: “Nếu ông cần rau cải thì đem tiền đến đây. Nếu đưa không cho ông thì sáng chiều tôi lấy gì mà ăn?”.

Người khách nói: “Ông nhất định không cho tôi phải không?”

Người chủ nói: “Làm sao cho ông được!”

Người khách liền dùng chú thuật làm cho rau cải héo khô, rồi tự sanh nghi không biết mình có phạm tội không thể sám hối hay không? Liền thưa hỏi Phật, Phật dạy: “Phải xét giá trị mới biết phạm tội có thể sám hối hoặc không thể sám hối. Cành, lá, hoa, quả, gốc cũng đều như vậy.

Có một người ở trong vùng Kỳ Hoàn cày ruộng cởi áo để trước đám ruộng. Một cư sĩ nhìn bốn phía không thấy có ai liền lấy áo đem đi. Người cày ruộng từ xa trông thấy nói: “Đừng lấy áo của tôi”. Cư sĩ ấy không nghe, cứ cho là không có chủ, nên cầm áo đi. Người cày ruộng liền đuổi theo sau lấy lại, nói với cư sĩ: “Pháp của ông là lấy vật không cho sao?” Cư sĩ nói: Tôi thấy không có chủ nên lấy, chứ không phải như vậy.

Người cày ruộng nói: “Đây là áo của tôi”.

Cư sĩ nói: “Là áo của ông thì ông có thể lấy lại”.

Cư sĩ liền sanh nghi không biết mình không phạm hay là phạm tội không thể sám hối. Liền đi đến chỗ Phật thưa hỏi việc này. Đức Phật biết mà vẫn hỏi: Ông dùng tâm gì để lấy?

Người cư sĩ thưa: “Con nghĩ đó là vật không có chủ”.

Đức Phật dạy: Không phạm. Từ nay về sau lấy vật gì phải cân nhắc kỹ càng hoặc là vật của mình tuy không có người giữ nhưng thật ra có chủ, nếu sanh tâm muốn ăn cắp mà chưa lấy thì phạm tội có thể sám hối. Nếu lấy vật đủ năm tiền, thì phạm tội không thể sám hối. Giới thứ ba: Dâm dục Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Ưu-bà-tắc không nên khởi tưởng dục, giác dục, hãy còn không nên sanh khởi tâm huống là khởi lên dục là nghiệp ác, bất tịnh, nguồn gốc trói buộc của tham, sân, si. Ở đây, phạm tà dâm có bốn hạng: Nam, nữ, huỳnh môn, hai căn. Nữ là người nữ, phi nhân nữ và súc sanh cái. Nam là: Người nam, phi nhân nam và súc sanh đực. Huỳnh môn và hai căn cũng vậy.

Nếu Ưu-bà-tắc cùng với người nữ, phi nhân nữ và súc sanh cái hành tà dâm ở ba chỗ thì phạm tội không thể sám hối. Nếu cùng với người nam, phi nhân nam, súc sanh đực, huỳnh môn và hai căn hành dâm ở hai chỗ, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu khởi tâm muốn hành dâm, nhưng chưa hành dâm thì phạm tội có thể sám hối. Nếu hai thân hòa hợp mà không hành dâm thì phạm tội có thể sám hối.

Nếu Ưu-bà-tắc cùng với người nữ đã có chồng rồi mà hành dâm thì phạm tội không thể sám hối. Những trường hợp phạm tội nhẹ như trên đã nói. Ba chỗ là: Miệng, đại tiện và tiểu tiện. Ngoài ba chỗ đó, hành dâm ở các chỗ khác thì có thể sám hối.

Nếu Ưu-bà-tắc cùng với người nữ chưa có chồng, hành dâm ngoài ba chỗ thì phạm tội có thể sám hối. Đời sau chịu quả báo tội nặng.

Nếu Ưu-bà-tắc cùng với người nam, tôi tớ nam, hành dâm ở hai chỗ thì phạm tội không thể sám hối. Những trường hợp phạm tội nhẹ như trên đã nói.

Nếu Ưu-bà-tắc cùng với dâm nữ hành dâm nhưng không đưa tiền thì phạm tà dâm không thể sám hối. Nếu đưa tiền thì không phạm.

Nếu người nữ chết cho đến súc sanh chết, thân căn chưa hoại mà hành dâm với thây chết ở ba chỗ thì phạm tội không thể sám hối. Trường hợp phạm tội nhẹ như trên đã nói.

Nếu Ưu-bà-tắc tự thọ tám giới, hành dâm thì phạm tội không thể sám hối, thọ tám giới mà hành dâm bất luận tà hay chánh, tất cả đều phạm.

Nếu Ưu-bà-tắc tuy không thọ giới, nhưng hủy phạm đệ tử Phật là người giữ giới thanh tịnh, tuy không có tội phạm giới nhưng sau đó hoàn toàn không được thọ năm giới, cho đến xuất gia thọ giới cụ túc.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ta có hai thân sanh thân và giới thân”.

Nếu Thiện nam vì sanh thân của ta, xây dựng tháp bằng bảy báu cao cho đến cõi Phạm thiên. Nếu người đó làm thiếu. Sanh thân thì tội có thể sám hối, nếu làm thiếu Giới thân của ta thì tội ấy vô lượng, chịu tội như Long Vương Y La.

Giới thứ tư: Nói dối

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo.

– Ta đã quở trách nhiều về sự nói dối, khen ngợi sự không nói dối, cho đến cười đùa hãy còn không được nói dối huống là cố ý nói dối. Ở đây trường hợp phạm là:

Nếu Ưu-bà-tắc không biết, không thấy pháp hơn người của bậc Thánh, tự nói ta là A-la-hán, hướng A-la-hán, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu nói ta là A-na-hàm, Tư-đà-hàm hoặc Tu-đà-hoàn cho đến hướng Tu-đà-hoàn, hoặc đạt được Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, hoặc đạt được bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, hoặc đạt được định vô sắc, định hư không, định thức xứ, định vô sở hữu xứ, định phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc đạt được pháp quán bất tịnh, niệm A-na-bát-na (Quán sổ tức), chư Thiên đến chỗ của Ta, các rồng, Dạ-xoa, thần cây, Tỳ-xá-xà, Cưu-bàn-trà, La-sát đến chỗ của ta, họ hỏi Ta, ta đáp cho họ, ta hỏi họ, họ đáp cho ta… đều phạm tội không thể sám hối. Nếu muốn nói mình là A-la-hán, nói nhầm là A-na-hàm thì phạm tội có thể sám hối. Các trường hợp khác cũng phạm như thế.

Nếu có Ưu-bà-tắc hỏi: “Người chứng Đạo chưa?”. Nếu im lặng hoặc ra dấu là đã chứng đều phạm tội có thể sám hối. Cho đến nói: “Gió lốc là quỷ đất đi đến chỗ của ta”, thì phạm tội có thể sám hối.

Nếu Ưu-bà-tắc, thật sự có nghe mà nói không nghe, thật sự có thấy mà nói không thấy, nghi là có mà nói là không, nghi là không mà nói là có, các việc nói dối như vậy đều phạm tội có thể sám hối. Nếu khởi tâm muốn nói dối nhưng chưa nói thì phạm tội có thể sám hối. Nói dối mà không hết ý thì phạm tội có thể sám hối. Nếu nói với người khác là mình đã đắc Đạo, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu bị điên cuồng hoặc tâm loạn, không biết mà nói, thì không phạm.

Giới thứ năm: Uống rượu

Đức Phật ở ấp Bạt-đà-la-ba-đề thuộc nước Chi-đề, nơi ấy có con rồng dữ, tên là Yểm-ba-la-đề-đà, hung bạo ác độc, không ai dám đến chỗ đó, voi, ngựa, bò, dê, lừa, lạc đà đều không dám đến gần, thậm chí các loài chim cũng không dám bay ở phía trên. Mùa Thu, khi lúa chín thì nó phá hoại các ruộng lúa. Trưởng lão Sa-già-đà đi đến nước ChiĐề, dần dần tới Bạt-đà-la-ba-đề, nghỉ qua đêm ở đó rồi, sáng sớm mặc y cầm bát vào thôn khất thực, khi khất thực, nghe thôn này có con rồng dữ, tên là Yểm-ba-la-đề-đà, hung ác, thường giết hại dân chúng, chim thú không dám đến ở chỗ đó. Mùa Thu lúa chín thì phá hoại lúa thóc. Nghe rồi, khất thực xong, trưởng lão đến dưới tàng cây bên dòng suối chỗ ở của rồng Yểm-ba-la-đề-đà, trải tọa cụ ngồi. Rồng nghe mùi áo liền giận dữ, từ thân phát ra khói mù. Trưởng lão Sa-già-đà liền nhập thiền định, dùng oai lực thần thông, thân cũng phóng ra khói mù. Rồng càng giận dữ, trên thân phát ra lửa. Sa-già-đà lại nhập vào Tam muội Hỏa Quang, thân cũng phóng ra lửa. Rồng lại tuôn mưa đá, Sa-già-đà liền biến mưa đá thành nhiều loại bánh. Rồng lại phóng ra sấm sét, Sagià-đà liền biến thành nhiều loại bánh ưa thích. Rồng lại mưa xuống nhiều cung tên, dáo mác, Sa-già-đà liền biến thành hoa sen xanh, hoa sen trắng, hoa sen vàng, hoa sen hồng. Lúc ấy, rồng liền mưa xuống nhiều rắn độc, rít độc, rắn hổ mang, sâu bọ chân dài, Trưởng lão Sagià-đà liền biến thành chuỗi hoa sen xanh, chuỗi hoa chiêm bặc, chỗi hoa Bà-sư, chuỗi hoa A-đề-mục-đa-già. Rồng đã dùng hết sức lực để hiện bày những việc như vậy với trưởng lão Sa-già-đà nhưng không thể thắng, nên nó liền mất oai lực ánh sáng. Trưởng lão Sa-già-đà biết năng lực của con rồng đã hết, không thể hồi phục liền biến thành thân cực nhỏ đi vào hai lỗ tai rồng, đi ra nơi hai mắt, rồi lại đi vào lỗ mũi, đi ra từ nơi miệng, đứng trên đầu rồng, kinh hành qua lại mà không làm thương tổn thân rồng. Bấy giờ, rồng thấy sự việc như thế, nên vô cùng sợ hãi, lông dựng ngược, chắp tay hướng về trưởng lão Sa-già-đà thưa:

– “Con xin quy y Thánh giả”.

Sa-già-đà đáp:

– “Ngươi đừng quy y ta, hãy quy y thầy ta là quy y với đức Phật”.

Rồng thưa:

– “Từ nay, con xin quy y Tam Bảo, trọn đời này xin làm cận sự nam của đức Phật”.

Rồng đó thọ tam Quy y, làm đệ tử Phật, không còn gây tạo những việc hung ác như trước nữa. Mọi người và chim thú đều đến chỗ ấy, mùa Thu khi lúa chín không còn bị phá hoại, danh tiếng như vậy lưu truyền các nước: “Trưởng lão Sa-già-đà đã thu phục được rồng ác khiến nó trở nên hiền lành, mọi người và chim thú đều đến được chỗ ấy, khi mùa Thu lúa chín, không còn bị phá hoại nữa”. Danh tiếng của trưởng lão Sa-già-đà vang khắp, mọi người đều làm thức ăn mang đến cúng dường, trong số đó có một phụ nữ nghèo, tin kính nên thỉnh trưởng lão Sa-già-đà để cúng dường, Sa-già-đà im lặng nhận lời phụ nữ ấy cúng dường món cháo sữa, Trưởng lão thọ dụng, phụ nữ ấy suy nghĩ: Sa-môn này dùng cháo sữa này, có lẽ sẽ phát lạnh, bèn lấy rượu giống màu nước đem dâng cho Sa-già-đà, trưởng lão không xem mà liền uống, uống xong, thuyết pháp và đi về chùa. Bấy giờ, chất rượu phát ra, gần đến bên cửa chùa thì ngã té xuống đất, y Tăng-già-lê, túi lọc nước, bình bát, gậy, dầu, giầy cỏ, ống đựng kim, mỗi vật nằm một nơi, người thì lăn một chỗ, say rượu không còn hay biết gì.

Bấy giờ, đức Phật cùng với Tôn giả A Nan đi đến chỗ ấy. Đức Phật thấy vị Tỳ-kheo này, biết mà vẫn hỏi Tôn giả A nan:

– Đây là người nào?Tôn giả A nan thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Đây là trưởng lão Sa-già-đà.

Phật liền bảo:

– Hãy trải tòa, múc nước cho Ta, tập hợp chúng tăng ở chỗ này.

Tôn giả A nan vâng lời, liền trải tòa, múc nước và tập hợp chúng Tăng xong, đến bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Con đã trải tòa, múc nước và tập hợp chúng Tăng. Xin Thế Tôn tự biết đúng thời.

Đức Phật liền rửa chân, an tọa, hỏi các Tỳ-kheo:

– Các Thầy đã từng thấy, nghe hay không, rồng Yểm-ba-la-đề-đà hung bạo ác hại, trước đây không có người đến nơi ấy, voi, ngựa, bò, dê, lạc đà đều không thể tới đó, cho đến các loài chim cũng không dám bay qua, mùa Thu khi lúa chín thì nó phá hoại lúa thóc, Thiện nam Sa-giàđà có thể hàng phục khiến nó trở nên hiền lành? Hôm ấy, nhiều người và chim chóc đều đi đến dòng suối đó. Trong chúng lúc ấy, có người thấy thì thưa: “Con có thấy, bạch đức Thế Tôn”. Có người nghe thì nói: “Bạch đức Thế Tôn, con có nghe”. Đức Phật bảo:

– Này các Tỳ-kheo! Ý ông như thế nào? Thiện nam Sa-già-đà, hôm nay có thể hàng phục được con ễnh ương không?

Đáp: – Bạch Thế Tôn! Không thể.

Đức Phật nói:

– Thánh nhân uống rượu còn phạm lỗi như vậy, huống chi là phàm phu, tội càng nhiều hơn, tội nhiều như thế đều do uống rượu. Từ ngày nay, nếu nói “Ta là đệ tử của Phật” thì không được uống rượu, thậm chí một giọt như đầu ngọn cỏ cũng không uống. Đức Phật dùng nhiều cách quở trách về lỗi lầm của việc uống rượu rồi bảo các Tỳ-kheo:

– “Ưu-bà-tắc không được uống rượu”, rượu có hai loại: Một là rượu gạo, hai là rượu cây.

Rượu cây là: Dùng gốc, cành, lá, hoa, quả, nhiều thứ hạt, các loài cỏ thuốc trộn làm thành rượu. Rượu có màu, rượu có mùi, rượu có vị, rượu uống vào đều có thể làm say người. Đó gọi là rượu. Nếu Ưu-bàtắc nếm thử mà nuốt rượu vào thì cũng là uống, cũng gọi là phạm tội. Nếu uống rượu gạo vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu uống rượu mời, vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu uống rượu ngọt, cũng vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu ăn men rượu có thể bị say, vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu ăn bã rượu, vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu uống cặn rượu, vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu uống loại tương tự rượu, loại có màu tương tự rượu, mùi rượu, vị rượu có thể làm say người, vừa nuốt vào là phạm tội. Nếu chỉ làm màu rượu mà không có mùi rượu, vị của rượu, không thể làm say người và uống những loại khác đều không phạm.