KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN

QUYỂN THỨ NĂM (PHẦN TRƯỚC)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn

PHẨM THỨ BA THÍ DỤ

Ba môn phân biệt : 

  1. NÓI RÕ DỤNG Ý .
    II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
    III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
     
  2. NÓI RÕ DỤNG Ý. 

Có 2 ý :

  1. Thu Tử là hạng thượng căn nghe pháp rồi liền tỏ ngộ. Bốn người khác là hạng trung căn phải nhờ vào thí dụ mới biết được. Trên đã giáo hóa cho hạng thượng căn, dưới phải làm cho hạng trung căn hiểu rõ. Cho nên mới có phẩm này.
    2. Luận rằng : từ đây trở xuống là thuyết Bảy thí dụ cho bảy loại chúng sinh có đủ phiền não tính để đối trị bảy loại Tăng thượng mạn và thuyết cho ba hạng người tuy không có phiền não nhưng nhiễm mạn. Nhiễm mạn về Tam muội, Giải thoát, Kiến v.v…, tức là để đối trị loại nhiễm mạn này thì thuyết về Ba bình đẳêng. 
    Lại nói : dư tàn Tu đa la thuyết minh về Mười nghĩa vô thượng. 
    Đây có ý nói chung chỉ rõ 26 phẩm ở dưới sẽ thuyết minh về ba nghĩa này.
    •Bảy thí dụ : ở tại bảy phẩm :
    1) Dụ nhà lửa, ở phẩm Thí Dụ này.
    2) Dụ về người con nghèo túng, tại phẩm Tín Giải.
    3) Dụ về mây mưa, tại phẩm Dược Thảo.
    4) Dụ hóa thành, tại phẩm Hóa Thành.
    5) Dụ đeo bảo châu, tại phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký.
    6) Thí dụ về cởi minh châu trong búi tóc, tại phẩm An Lạc Hạnh.
    7) Dụ thày thuốc, tại phẩm Thọ Lượng.
    Cứ theo thứ tự đó, mỗi thí dụ ở tại một phẩm.
    •Ba bình đẳng : có trong 9 phẩm :
    1)  Thí Dụ.
    2)  Thụ Ký.
    3)  Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký.
    4) Thụ ký Cho Hạng Hữu Học Vô Học.
    5)  Pháp Sư. 
    6)  Khuyến Trì .
    7)  Đề Đà Đạt Đa. 
    8)  Thường Bất Khinh. 
    9)  Thấy Bảo Tháp. 
    Tám phẩm đầu đều có thụ ký, thuyết về sơ thừa bình đẳng. Trong phẩm Thấy Bảo Tháp ở cuối thì thuyết gộp cả hai thứ bình đẳng là Sinh tử Niết bàn bình đẳng, pháp với thân bình đẳng.
    • Mười nghĩa vô thượng : có ở 21 phẩm :
    – Chín vô thượng đầu có ở 7 phẩm :
    1)  Dược Thảo Dụ. 
    2) Hóa Thành Dụ : tại đây có hai vô thượng thứ hai và thứ ba. 
    3) Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký. 
    4) Thấy Bảo Tháp. 
    5) An Lạc Hạnh. 
    6) Dũng Xuất.
    7) Thọ Lượng : tại đây có hai vô thượng thứ tám và thứ chín. 
    Trong 7 phẩm trên, trừ các phẩm thứ hai, thứ bảy, còn năm phẩm kia mỗi phẩm có một vô thượng.
    – Dư tàn Tu đa la là vô thượng thứ mười. Có nghĩa là 14 phẩm còn lại đều là vô thượng thứ mười. 
    Ở trong 14 phẩm này có hai lực : Pháp lực  và Tu hành lực.
    + Pháp lực có 3 phẩm : 
    1) Phân Biệt Công Đức. 
    2) Tùy Hỷ Công Đức. 
    3) Pháp Sư Công Đức.
    + Tu hành lực có 7 lực, gộp lại là 11 phẩm :
    1. Trì lực, có ba phẩm : 
    1) Pháp Sư.
    2) An Lạc Hạnh.
       3) Khuyến Trì.
    2. Thuyết lực, có 1 phẩm : tức là Thần Lực.
    3. Hành khổ hạnh lực, cũng có 1 phẩm : tức là phẩm Dược Vương.
    4. Giáo hóa chúng sinh hành khổ hạnh lực, cũng 1 phẩm, đó là phẩm Diệu Âm.
    5. Hộ chúng sinh chư nạn lực, có 2 phẩm :
       1) Quan Âm Phổ Môn. 
       2) Đà La Ni.
    6. Công đức thắng lực, có 1 phẩm : là phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự.
    7. Hộ pháp lực, có 2 phẩm : 
       1) Phổ Hiền. 
       2) Chúc Lụy. 
    Mười vô thượng ở sau là bảy thí dụ ở phần đầu.
    • Tam bình đẳng tàn : gọi là Thượng tàn. Nên trong bản luận giải bảy dụ ba bình đẳng xong, nói : “Dư tàn Tu đa la nói rõ nghĩa vô thượng”. Vô thượng thứ mười là tàn của chín loại vô thượng trước, gọi là Hạ tàn. Cho nên trong bản luận giải thích về vô thượng thứ mười, nói : “Mười đây là thắng diệu lực vô thượng dư tàn Tu đa la thuyết”.
    – Tàn có hai nghĩa :
    + Một là Văn tàn, vì chưa từng thuyết.
    + Hai là Nghĩa tàn, vì trước tuy đã thuyết, song chưa hết nghĩa, còn muốn có thêm ý khác nữa, nên nay lại thuyết nữa, gọi là Nghĩa tàn.
    Sợ văn dài dòng, nên lướt qua chẳng nói. Tới trong các phẩm sau sẽ nhất nhất giải thích kỹ, vì trong bảy phẩm : Dược Thảo, Hóa Thành, Ngũ Bách Đệ Tử, Bảo Tháp, Khuyến Trì, An Lạc Hạnh và Thọ Lượng, hoặc về văn hoặc về nghĩa đều nói lại.
    Còn bảy dụ, thì vì hạng phàm phu hữu học gọi là hạng có phiền não, có bảy loại Tăng thượng nhiễm mạn, để đối trị hạng này nên thuyết bảy thí dụ.
    Như chấp Hóa thành cho đó là Chân thành (tòa thành có thật), tức là cho rằng cái mà họ mong cầu là Tam Ma Bạt Đề (thiền quán) thế gian sẽ là Chân diệt (diệt độ thực sự). 
    Chấp vô học là viên mãn, nên không còn có điều sở cầu gì nữa. 
    Hạng vô học nhị thừa, gọi là người không phiền não.
    Có 3 loại pháp chấp nhiễm mạn : Tam muội, Giải thoát, Kiến v.v… . Đó là pháp chấp hướng về nhị thừa, tuy chẳng gọi tên là Nhiễm.
    Hạng này hồi tâm rồi, thì gọi là Bồ tát nhiễm  pháp chấp. Hạng Bồ tát này gọi là nhiễm vô phiền não mạn. Luận dịch nghĩa là điên đảo cũng là ý này.
    • Nghĩa vô thượng thì trong đại thừa có thể nói là có. Các thừa khác thì không. Do đó, thuyết về ba thừa có sự khác nhau, vì Giáo Lý Hạnh Quả có sự khác nhau.
    Luận dẫn lời Phật dạy : “Chẳng lìa thân ta, đó là Nghĩa vô thượng”. Nhị thừa chẳng nói nghĩa này, vì chẳng giải được. Do đó vô thượng tức là Giáo Lý Hạnh Quả của nhất thừa, tùy theo sự thích ứng mà phối vào các phẩm.
    • Bảy loại Chúng sinh cụ túc phiền não :
    Thứ nhất là người cầu thế lực, khởi điên đảo bậc nhất, cầu công đức Tăng thượng mạn, vì bị các phiền não thế gian thiêu đốt nên cần cầu diệu cảnh quả báo của trời người. Vì loại này mà thuyết dụ Nhà Lửa. 
    Phú quý tự tại, gọi là thế lực. Vì các phàm phu cầu diệu cảnh ngoại quả cùng nội quả báo này của trời người, chẳng biết phiền não thiêu đốt nung nấu, cho nên vì hạng này mà thuyết về dụ Nhà Lửa, bởi vì phiền não do thế lực của trời người thiêu đốt cũng như nhà lửa.
    Thế tôn nay nói có 2 xe, tức là thiện căn tam muội thế gian, Bồ đề chỉ là giả giải (giải thoát giả, chẳng phải giải thoát thật) để khiến họ ra khỏi nhà lửa, rồi sau đó khiến họ dần dần nhập Phật đại Niết bàn. 
    Cho nên luận nói rằng : đối với hạng người thứ nhất, thì dùng các loại công đức thiện căn tam muội thế gian làm phương tiện khiến họ thích thú, sau đó khiến họ nhập Niết bàn.
     Ở đây chẳng nói “Chính chứng Sinh không Trạch diệt Chân trí” trong đạo giải thoát gọi là tam muội thế gian.
    Giả giải đó là dê hươu, chẳng phải là thể của xe. Từ quán đó rồi nhập định thế gian, quán điều đã chứng trước đây.
    Vì tâm thô nên chẳng thấy Chính trí và Sinh không như (chân lý Sinh không), mà lại thấy Hoặc, Nghiệp, Hậu khổ chẳng sinh, tâm liền biến, tưởng là Niết bàn giải thoát. 
    Niết bàn mà Chính trí chứng được trong căn bản quán,  thì dưới đây gọi là Hóa thành. 
    Chẳng nói do giả quán mà biến thành Thành, vì chẳng hết khổ. 
    Nay thuyết về ngôi Hậu đắc trí, thời sau năng biến, tưởng giải (tưởng là giải thoát), gọi là thiện căn tam muội thế gian. Các thứ công đức Khinh an Hỷ lạc, giả danh là dê hươu, giả danh là Chủng trí, là để cho họ thích thú, sau đó dạy họ nhất thừa, rồi mới khiến họ nhập Phật đại Niết bàn, tới Phật vị, năng nhập xe trâu (chỉ nhất Phật thừa) tức là Hai trí, tức là Bồ đề. Niết bàn sở nhập tức là Bảo sở.
     Trong dụ Hóa thành ở sau, nói rằng nhị thừa chấp chỗ Hoặc Khổ chẳng sinh đó là Niết bàn. Lý thực Niết bàn trong đạo giải thoát là Chíùnh trí chứng. Cho nên nói nhập Hóa thành, là để các lái buôn đều khỏi mệt. Vì các trí trước sau đều chẳng thể liễu ngộ mọi pháp, nên thực ra chẳng phải là Chủng trí. 
    Thuyết về xe dê, xe hươu chỉ có danh mà chẳng thấy lên xe, vì nói đó ví như thiện căn tam muội thế gian, để khiến họ thích thú. Nhị thừa chấp đó cho là hai xe, thực ra chẳng phải là thể của xe, như  bốn điên đảo mà nhị thừa khởi lên. 
    Chính quán chẳng thế.
    Sau mới tưởng giải, duyên vào đây mà khởi chấp. Hóa thành cũng thế. 
    Nay để đối trị thói Tăng thượng mạn điên đảo cầu công đức của hạng người cầu thế lực, cho nên nói thí dụ  về xe này.
    Đó là dụng ý của phẩm này. Các nghĩa khác đây, sẽ giải thích sau. 
  2. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.

Thí : là ví, là tỉ loại (so sánh, giống như). 
Sách Ngọc Thiên nói : tỷ loại để giúp nhau hiểu rõ.
 Dụ : là khai thông, là hiểu rõ. 
Sách Ngọc Thiên nói : đó là hiểu, là can gián vậy. 
Nay nêu các sự tích gần gủi ở thế gian để ví với đạo lý thâm diệu của Xuất thế gian, để khai thị cho kẻ chưa giác ngộ được hiểu rõ sự mê muội trước đây. 
Thí dụ để hiểu rõ, gọi là phẩm Thí Dụ. Hoặc là Thí tức là Dụ, nên gọi tên là phẩm Thí Dụ.

III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 

  • Câu hỏi 1 : đây căn cứ vào cái lý dụ hiểu mà gọi tên là phẩm Thí Dụ. Sao phẩm trước lại lấy thẳng pháp mà đặt tên pháp phẩm ?
    Giải đáp : trước sau làm thể lệ lẫn nhau, lý ra thực nên như thế. Nhưng việc đặt tên khác nhau, làm sao mà biết rõ được nguyên nhân ? Song vì Phương Tiện là nghĩa riêng trong pháp, còn Thí Dụ là tên chung chỉ sự ví von. Chung riêng đã khác thì tên gọi cũng phải khác, không thể cứ rập khuôn như nhau được.
  • Câu hỏi 2 : cớ sao trong kinh có tới 7 thí dụ, mà riêng đây được đặt tên là phẩm Thí Dụ còn các phẩm khác được đặt gộp vào tên riêng của phẩm đó ?
    Giải đáp : dụ tuy có 7, nhưng đây là đầu tiên. Tuy nêu lên tên gọi chung, nhưng tự nó đã là tên riêng, còn các phẩm khác chẳng phải chỉ thuần túy gọi là thí dụ.
  • Câu hỏi 3 : hạng trung căn tín giải thì nêu riêng thành phẩm Tín Giải. Hạng thượng căn lĩnh ký, lẽ ra cũng phải nêu riêng. Cớ sao khi thuyết minh về việc Thu Tử lĩnh ký lại gửi gấm luôn vào trong phần đầu của phẩm này ?
    Giải đáp : về hạng trung căn lĩnh ký, văn rộng nghĩa dài, bởi vậy nêu riêng. Thu Tử chẳng thế, nên nói kèm luôn vào đây. Lại vì Thu Tử lĩnh ký, khải thỉnh, nên Phật mới nêu thí dụ. Cho nên việc lĩnh ký của Thu Tử được thuyết minh kèm ở phần đầu của phẩm này.
    *
    -Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”  tới  “được pháp Vị tằng hữu”. 
    Tán rằng : chính trong phẩm này, chia làm hai phần lớn : 
    – Phần đầu nói về việc Thu Tử  nghe pháp lĩnh giải hoan hỷ kể lại thành tựu và được thụ ký.
    – Phần sau nói về việc đức Phật dùng thí dụ một cách rộng rãi để hóa độ cho hạng trung căn ở đó.
    Phần đầu thuộc vòng đầu đã nói ở trên : thuyết về pháp nhất thừa. Vòng đầu có bốn, trên : pháp đã thuyết xong, dưới đây là ý thứ hai : Thu Tử nghe pháp lĩnh giải, tự trách rồi sinh hoan hỷ. Trong này có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng. 
    Đây là phần đầu. 
    Theo cách giải thích của thế gian thì chữ Dũng nghĩa như chữ Kiểu, Nghiêu (có nghĩa là kiễng chân, co một chân lên), chữ Dược nghĩa là nhảy. “Co chân mà nhảy” hình dung sự hoan hỉ tới cực độ. Được nghe chân đạo, thấy được quyền thừa, nên dũng dược tưng bừng (vô cùng phấn khởi).
    Được thỏa lòng mong muốn, cho nên hoan hỷ. Để tỏ rõ đã phát tâm đại thừa nên liền đứng dậy. Tâm hợp với điều Phật thuyết nên chắp tay nhất tâm xin Phật giảng thêm. Chiêm ngưỡng tôn nhan giãi bày bản tâm với Phật nên nói là : “Bạch Phật”. 
    Pháp âm đây là chỉ ngôn giáo đại thừa. 
    Vì là pháp chưa từng được nghe nên nói là đắc vị tằng hữu (được pháp chưa từng có).
    Lại do ba nghĩa, cho nên hoan hỷ :
    1) Nghe Phật thuyết pháp, tâm an như biển ; biết đây là Phật chẳng phải là ma, cho nên hoan hỷ. 
    2) Nghe giảng nhất thừa ngày nay là thực thừa, mới hiểu rõ tam thừa ngày xưa chỉ là quyền thừa, tam thừa là nhân của nhất thừa, bởi vậy hoan hỷ. 
    3) Nghe Phật nói 1.200 A la hán  cũng đều sẽ thành Phật, cho nên hoan hỷ.
    *
    -Kinh văn : “Vì sao như vậy”  tới  “vô lượng tri kiến”. 
    Tán rằng : dưới đây giải thích về nguyên nhân của sự hoan hỷ, có bốn :
    1) Vì mất đại pháp đến nỗi phải thở than.
    2) Ở bậc tiểu thừa, nay nghe đại pháp thì sinh hoan hỷ.
    3) Hoan hỷ vì nay được nghe đại pháp thì hết phiền não. 
    4) Vì biết rằng là Phật tử thì sẽ thành đạo. 
    Đây là phần đầu.
    * Chữ Dự [ 豫 ] có nghĩa như chữ Nhập, chữ Quan. Sách Ngọc Thiên nói : Dự có nghĩa là “làm trước” ,là “dự bị ” , là “từ lâu”. Theo sách Thiết Vận, chữ này âm đọc như  Dật, nhưng sách này viết là [ 豫 ], đúng phải viết là [ 預 ]. Sách Nhĩ Nhã viết là [ 預 ], và giải nghĩa là : cùng, cùng với. Cổ văn viết là [與] như câu “Công tất dự [與] yên” (ngài ắt dự vào đó). 
    Chữ Cảm : nghĩa là Khích (cảm khích = xúc động). Chữ Thương : đây có nghĩa là Thán (than thở).
    Xưa kia nghe chuyện Bồ tát được thụ ký như vậy, mà  chúng tôi chẳng được gia nhập vào số các vị xưa nghe thụ ký, chẳng được dự vào việc thụ ký, bởi vậy nên đã xúc động ân hận xót xa vì đã mất năm loại tri kiến của Như Lai, hoặc mất tri kiến Trí tính Trí tướng của Như Lai.
    *
    -Kinh văn : “Thế tôn ! Tôi thường ở một mình”  tới  “mà được tế độ” .
    Tán rằng : dưới là ở bậc tiểu thừa nên phải than thở. 
    Có  hai ý : đầu tiên than nỗi trụ ở tiểu thừa; sau đó là tự trách bản thân. 
    Đây là phần đầu. 
    * “Thường” : có nghĩa là Hằng.  Chữ “Mỗi” : có nghĩa như Sác, Lũ (nhiều lần), là từ chỉ số lần không nhất định. “Nhập” : có nghĩa là chứng.
    – Pháp tính : đây là nhân vô ngã, là chân như, mà mọi người ai cũng có thể chứng được. 
    Tôi và Bồ tát đều có thể chứng nhập Vô ngã chân như, vì sao mà một mình Như  Lai đã từ tiểu thừa mà được độ thoát ? 
    Hoặc là, Tính : đây là chỉ Thể. Cùng nhập trong Phật pháp thể loại.
    * Có bản chữ Thường [ 常 ]  viết thành [嘗 ] có nghĩa là “đã từng ”.
    *
    -Kinh văn : “Đó là lỗi của chúng con, chẳng phải là do Thế tôn” .
    Tán rằng : dưới là tự trách mình.
    Có ba phần : đầu là phần nêu, thứ đến giải thích, cuối cùng là kết luận. 
    Đây là phần nêu.
    * Chữ Cữu : có nghĩa là tội lỗi, tội lỗi của tôi. Chữ Cữu, âm gọi là phiên thiết của Cự Cửu. Chữ này là chữ hội ý : hội ý của hai chữ Nhân Các. Người ta có điều chống đối trái ngược nhau thì thành ra tội lỗi.
    *
    -Kinh văn : “Sở dĩ như vậy là vì sao”  tới  “mà được giải thoát”. 
    Tán rằng : đây là giải thích nguyên do.
    Nhân : đây là chỉ Nhân hành để thành đại Bồ đề, chỉ bốn hạnh Bồ tát ở Thất địa :
    1. Bồ đề phần. 3. Các thần thông. 
    2. Ba la mật.  4. Thành tựu hữu tình. 
    Ngài Ca Diếp nói rằng : “Đối với Bồ tát pháp, Du hí thần thông, Tịnh Phật quốc độ, Thành tựu hữu tình, thì tâm chẳng ưa thích”. Cho nên Nhân của Chính giác chính là bốn hạnh này. 
    * Chữ Đãi (đợi) : có nghĩa là mong đợi, khao khát, hy vọng.
    Thu Tử tự nói : Nếu bọn chúng ta mong đợi, hy vọng, khao khát cái nhân của Vô thượng chính giác, thì Phật ắt sẽ dùng đại thừa mà độ thoát cho. Song do chúng ta ở trong đại nhân (nhân đại thừa) mà chẳng sinh ra hy vọng chờ đợi, cho nên Thế tôn chẳng dùng đại thừa mà tế độ cho. 
    Hoặc là, Nhân : là chỉ cho tâm Bồ đề, có ba loại :
    1. Chán ghét lìa bỏ hữu vi. 
    2. Cầu Bồ đềà.
    3. Tâm niệm sâu sắc nghĩ tới chúng sinh. 
    Tức là trụ như vầy, tu hành như vầy, hàng phục tâm đó như vầy.
    *
    -Kinh văn : “Song chúng con ”  tới    “tư duy thủ chứng ”. 
    Tán rằng : đây là kết luận tự trách. 
    Song do chẳng hiểu là Phật đã dùng phương tiện tùy nghi mà diễn thuyết về các pháp, mới  nghe đã tin đã thụ hành, tư duy thủ chứng ngay, nên Phật chẳng dùng đại thừa mà độ thoát cho. Do đó, đây là lỗi của chúng con. 
    *
    -Kinh văn : “Thế tôn”  tới  “khoan khoái rất được yên ổn”. 
    Tán rằng : đây là mừng nay được nghe mà hết phiền não.
    * Chữ Khắc [ 剋 ] đây nghĩa là Chuyên.
    Xưa nay tu tiểu thừa, chuyên tự trách tự hối chẳng cầu đại thừa.
    Chữ Nghi : là nghi Bồ đề đối với bản thân mình không có phần, chẳng sinh ra ưa thích. Hoặc lại còn cho rằng bản thân mình đã được giải thoát không khác gì Phật. Nay nghe Phật nói pháp mà Phật chứng được rất sâu rất khó hiểu, nhị thừa chẳng hiểu, cho nên nghi Phật là ma.
    Nay đã nghe thuyết nhất thừa là thực, tam thừa là quyền, biết xưa tu tiểu (thừa) là nhân của đại (thừa) bởi vậy Hối đoạn.
    Biết rằng mình có phần Bồ đề sẽ được thành Phật. Biết sở đắc giải thoát là Phật phương tiện, cho nên nghi cũng đoạn, tâm khai ý giải, thân ý thảnh thơi. 
    Thảnh thơi : có nghĩa là yên ổn vui vẻ. Đã không nghi hối nữa, nên khoan khoái yên ổn. Nghi hối nếu nảy sinh sẽ thường xuyên chẳng yên ổn, làm sao mà được thảnh thơi ?
    * Chữ Đoạn : có hai âm Đoạn và Đoán, nay lấy âm đầu, có nghĩa là cắt đứt, dứt đứt.

Hỏi : Nghi – sinh phân biệt, nhập Kiến (đạo) liền trừ; Hối thường hay lo, lìa dục liền xả. Tại sao Thu Tử đến nay mới trừ được hai thứ đó ?
Đáp : Nghi do phiền – não, đến quả Dự lưu sẽ hết. Hối bạn với phiền não, lìa dục liền trừ. Nay loại pháp chấp này dị thục sinh nghi, như A la hán nghi loại Hắc diêm (muối đen), nghi về sự, sinh ra ghét gọi là hối, về lý chẳng sai.
Thể của việc sinh nghi ra ghét này là Thiện Quí (xuất phát từ thiện tâm, mà thấy xấu hổ), vì khinh rẻ cự tuyệt các việc bạo ác, hoặc chính là một phần của Chán, Tuệ cùng với Vô tham, vì cũng tức là xét kỹ tâm và tâm sở, có điều là tướng tính của Hối ắt thô động.
Lìa dục xả : lìa dục có Hối ắt sinh ra ghét, vì vậy mà gọi là Hối, đó là căn cứ vào quả mà đặt tên. Lẽ nào Lìa dục rồi mà lại chẳng chán ghét ?
*
-Kinh văn : “Ngày nay mới biết”  tới  “được phần Phật pháp”.
Tán rằng : biết là Phật tử và đạo thành.
Du Già, quyển 84 có sáu câu, đó là :
Là đại sư tử, 
Bụng Phật sinh ra, 
Miệng Phật sinh ra, 
Phật pháp sinh ra, 
Phật pháp hóa ra, 
Được pháp đẳng phần.
Kinh Thắng Man nói rằng : “được của cải dư thừa của Phật”,  thì ở trong đây có bốn câu.
Du Già nói : câu đầu là tổng cú, năm câu sau là biệt cú.
Do bụng sinh ra : có nghĩa là đã lựa lọc loại ra hạng con dị sinh kém cỏi. Được trí tuệ thánh, là do bụng Phật đích thân sinh ra. Chẳng giống hạng dị sinh chỉ là con nuôi của Phật, vì hết thảy chúng sinh đều là con Phật. Phật chẳng đích thân sinh ra, vì chẳng phải là từ bụng sinh ra. Do Phật pháp sinh ra, đó mới là thực sự sinh ra (chân sinh).
Thêm nữa, hạng nhị thừa cũng giống như con nàng hầu, chứ chẳng phải là con do vợ cả sinh ra. Cho nên kinh dưới mới nói là : “Giống như con ta”. 
Bồ tát Sơ địa sinh ở nhà Như Lai, vì chứng pháp giới nên đó là con do vợ sinh ra. Trước đó chẳng phải là con do vợ sinh ra, nên gọi là “chẳng phải bụng sinh”. Nay phát đại tâm sẽ làm Bồ tát sinh trong pháp giới, thì gọi chung là Bụng sinh. 
Miệng Phật sinh ra : có nghĩa là Từ âm thuyết pháp mà sinh ra, Thể là Văn tuệ, vì duyên vào Giáo mà sinh ra.
Phật pháp sinh ra : có nghĩa là do Như lý tác ý, tùy pháp, hành pháp mà sinh, Thể gồm hai tuệ Tư Tu, vì duyên vào Lý Giáo tùy ứng mà sinh.
Phật pháp hoá ra : có nghĩa là từ đường Pháp thân mà thành lập được pháp tương tự.
Đường pháp thân : chỉ hai nhân phúc tuệ của các Bồ tát, ta cũng như vậy, vì từ trong hai nhân đó mà thành lập. 
Pháp thân có hai loại, vì tiểu thừa đại thừa hai nghĩa khác nhau.
 Đắc pháp đẳng phần : có nghĩa là được thụ dụng pháp bảo, pháp tài vô lậu, vì là pháp tương tự. 
 Pháp : chỉ Pháp bảo hoặc bảy Thánh tài : Tín, Giới, Văn, Xả, Tuệ, Tàm, Quí. 
Đẳng : có nghĩa là tương tự . 
Phần : là dư phần, phần loại. 
Chư Phật Bồ tát có khả năng dùng pháp tài, ta nay cũng thế, cũng tương tự như họ, vì cũng được thụ dụng dư phần  Pháp bảo vô lậu.
Tùy sự thích ứng của chúng sinh : 
– Nếu họ ở địa vị nhị thừa mà lại hướng về dị sinh, thì đã giáo hóa cho họ một lượt nữa
– Nếu họ thật sự là con Phật, nay làm Bồ tát mà lại hướng về nhị thừa, thì lại giáo hóa cho họ một lượt nữa. 
Ngang với chân Phật tử : có thể giải thích đúng như Lý. 
Luận đó còn giải thích rằng : “Các câu như vậy chỉ rõ Tăng thượng sinh viên mãn và Phụ tương tự pháp (pháp tương tự với cha – chỉ Phật pháp mà người tu Phật chứng được như Phật là cha của các Phật tử) sinh viên mãn”. Trong năm câu sau, ba câu đầu chỉ rõ Tăng thượng sinh viên mãn, hai câu sau chỉ rõ Phụ tương tự pháp sinh viên mãn.
Tăng thượng sinh : có nghĩa là tự thể thắng sinh.
Phụ tương tự pháp sinh : có nghĩa là nối dõi di thể của cha, dùng gia tài của cha, tất cả đều tương tự. 
Trong Tăng thượng sinh :
– Câu đầu loại trừ những lỗi lầm của Khí thế gian, vì pháp từ bụng chính trí của Phật sinh ra, loại trừ các thứ từ bào thai ác Khí thế gian sinh ra. 
– Câu thứ hai loại trừ những thứ do tinh huyết bất tịnh sinh ra, vì pháp do miệng Phật sinh ra chẳng phải lấy tinh huyết làm tự thể. 
– Câu thứ  ba loại trừ  dục tham, đó chẳng phải là do chính pháp sinh ra, vì phàm phu do tham dục tư nhuận mà có, chứ chẳng phải do chính pháp sinh ra. 
– Câu thứ tư chỉ rõ pháp tự thể tương tự từ đường Pháp thân mà được thành lập, nối dõi Pháp thân, tự thể thù thắng, được sự tôn quý ví như nối dõi chủng tính Ba la môn. 
– Câu thứ năm nói về sự thụ dụng pháp tương tự, thụ dụng pháp tài vô lậu của Phật, ví như người thế gian được thụ dụng của cải của bố mẹ vậy. 
Trong kinh văn này có bốn, thiếu câu thứ hai, vì Hóa và Sinh gộp lại làm một câu : 
Xưa trụ trong quyền thừa,
Chẳng phải chân Phật tử.
Nay cầu quả vị thực, 
Mới là từ bụng sinh.
Đó là đại ý của kinh văn này. 
Nhiếp Luận nói rằng : Chẳng phải như nhị thừa là con nàng hầu vô trí. 
Lại có nghĩa rằng : Bốn đoạn nói trên lần lượt ghép với bốn nghĩa Khai Thị Ngộ Nhập trước (địa vị) Lĩnh giải. 
Cứ theo thứ tự mà nghiên cứu kỹ về pháp thể thì về lý chưa hẳn đã thế. 
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”  tới  “lưới nghi đều đã trừ”. 
Tán rằng : 25 tụng rưỡi, chia làm hai phần :
•  2 tụng rưỡi đầu là phần nêu. 
• 23 tụng sau là phần giải thích.
Phần đầu có hai : 
– 1 tụng đầu trong phần nêu, ý nói được pháp vị tằng hữu, trong tâm vui mừng và hết nghi ngờ. 
– 1 tụng rưỡi sau, giải thích về việc đắc pháp vị tằng hữu, thể hiện rõ ưu hối đã hết.
Đây là 1 tụng của phần đầu. 
Xưa nghi ngờ bản thân không có phần được làm Phật, nay nghe nói sẽ được làm Phật, bởi vậy hết nghi. 
Nghi làm tổn hại chúng sinh, khiến họ khó thể xuất ly, nên ví với lưới.
*
-Kinh văn : “Xưa nay nhờ Phật dạy”   tới   “nghe cũng trừ ưu hối”. 
Tán rằng : giải thích vì được pháp vị tằng hữu, nên tỏ rõ ưu hối đã hết. 
Ý nói : xưa nay tôi nhờ được Phật dạy. Xưa kia vì trụ ở Tiểu, chẳng được Đại nữa, bởi vậy ưu hối. Nghe thuyết kinh này, hôm nay mới biết là chẳng mất Đại vì những pháp tu trước kia chính là nhân của đại thừa. Do đó mà hết hối. 
Phật âm hiếm có, diệu dụng có thể trừ được ưu não trong phiền não chướng của chúng sinh. Ta tuy lậu tận, nay nghe Phật âm cũng có thể phục trừ được ưu não pháp chấp.
Ưu : ở đây chỉ ưu phiền chẳng được làm Phật :
1) “Ưu” tức là cái “ưu” của pháp chấp, vì ly dục mà chẳng xả, như Tất Lan Đà Phiệt Sa có thói quen xấu là nói lời thô ác, bởi vì pháp chấp chẳng xả. Giống với nghi hối tùy ứng ở trên cũng thế. 
2)  Thực sự là Ưu, tức là ác tác đều chán lìa, coi rẻ, xả thụ. 
Xét danh từ Ưu, thì : 
– Hoặc là thiện ưu (sự lo âu hướng thiện) về pháp chấp thuộc loại vô ký, lìa dục mà chẳng xả.
– Hoặc là “Ưu” tương ứng với “Não”, “Não” tức là ưu hối, chẳng phải là phiền não.
*
-Kinh văn : “Ta ở trong hang núi”  tới  “cớ sao tự khi mình”. 
Tán rằng : dưới là 23 tụng về phần giải thích ở trên. Chia làm bốn :
• 2 tụng rưỡi đầu, nói về ý “vì ở Tiểu giai (thềm bậc nhỏ – chỉ tiểu thừa) nên than thở”. 
• 5 tụng rưỡi, than thở vì để mất Đại pháp (chỉ pháp đại thừa). 
• 14 tụng, tụng về nỗi vui mừng vì nay được nghe (Đại pháp) nhờ vậy mà não tận.
• 1 tụng cuối, nói về ý biết là Phật tử sẽ thành đạo.
Trước sau khác với trường hàng ở trên, cho nên trong phần đầu có hai : 
– 1 tụng rưỡi đầu, than vì ở Tiểu vị. 
– 1 tụng sau, tụng về sự than thở.
Đây là phần đầu. 
Ô hô : là thán từ, chỉ sự than thở : “Cớ sao lại tự khi”.
Khi : có nghĩa là khinh. Khinh khi bản thân mình tiểu trí, trụ chứng ở Tiểu (thừa) chẳng cầu Đại vị, cho rằng mình không có phần, như thế gọi là tự khinh khi.
*
-Kinh văn : “Chúng ta cũng Phật tử”  tới  “diễn thuyết Đạo vô thượng ”. 
Tán rằng : 1 tụng này, tụng về sự than thở. 
Vô lậu pháp : là pháp tính chân như.
Nhập : có nghĩa là chứng. 
Về lý tuy cùng chứng, cùng được gọi là Phật tử nhưng không có trí để có thể sau này sẽ thành Phật vì đại chúng mà diễn thuyết chính đạo nhất thừa.
*
-Kinh văn : “Kim sắc, ba mươi hai”  tới  “mà chẳng được sự  này”. 
Tán rằng : dưới là 5 tụng rưỡi, than thở  vì bỏ mất Đại pháp. 
Trong đó chia làm hai phần : 
• 3 tụng rưỡi đầu, nói về Đại pháp bị bỏ mất. 
• 2 tụng rưỡi sau, nói rõ cái ý bản thân phải than thở. 
Trong phần đầu lại có hai phần : 
– 2 tụng đầu, nói về Nội ngoại trang nghiêm đức.
– 1 tụng rưỡi sau, nói về Danh lợi cao quảng đức. 
Trong phần đầu này lại chia làm hai :
+ 1 tụng đầu, nói về đức cụ tướng hàng ma.
+ 1 tụng sau, nói về đức mãn hảo bất cộng.
 Đây là 1 tụng của phần đầu.
“Màu vàng ròng ba mươi hai”: vì thân Phật màu vàng ròng có 32 tướng đẹp.
 Theo Kinh Đại Bát Nhã, quyển 381 : “Phật bảo Thiện Hiện rằng : Này Thiện Hiện ! Ba mươi hai tướng của Như Lai là như thế nào ?
Này Thiện Hiện !
Một là dưới chân Thế tôn có tướng bằng phẳng đầy đặn, diệu thiện an trụ giống như đáy hộp đựng đồ trang sức của nữ, mặt đất dù cao thấp lồi lõm thế nào, chỗ nào chân ngài đặt lên cũng thảy đều cảm thấy bằng phẳng như nhau.
Hai là dưới chân Thế tôn có vân hình vành bánh xe có ngàn nan hoa; các hình vành, trục thảy đều viên mãn.
Ba là tay chân Thế tôn thảy đều mềm mại, như bông Đổ La hơn hẳn mọi thứ mềm mại. 
Bốn là giữa các ngón tay ngón chân của Thế tôn thảy đều có màng nối giống như chân chim nhạn chúa, có màu vàng ròng hoa văn giao nhau giống như tranh lụa.
Năm là tất cả các ngón chân ngón tay Thế tôn đều tròn đầy thon dài rất đáng ưa thích.
Sáu là gót chân Thế tôn rộng dài tròn đầy, tương xứng với mu bàn chân, hơn hẳn các loài hữu tình khác.
Bảy là mu bàn chân Thế tôn dài cao đầy đặn mềm mại đẹp đẽ tương xứng với gót chân.
Tám là hai bắp chân Thế tôn dần dần thon lại giống như bắp chân chúa loài hươu tiên Ế Nê Da. 
Chín là hai cánh tay Thế tôn dài thẳng tròn lẳn giống như vòi voi chúa, duỗi thẳng thì dài chạm đầu gối.
Mười là âm tướng Thế tôn thế cứng giấu kín, giống như ngựa rồng, cũng như voi chúa.
Mười một là mỗi lỗ chân lông của Thế tôn mọc một lông mềm mại xanh mướt loăn xoăn theo chiều tay phải.
Mười hai là Tóc Thế tôn đều đầu chỉa lên trên, xoăn tít theo chiều tay phải, uyển chuyển mềm mại xanh mướt, trang sức cho thân màu vàng ròng, rất đáng ưa thích.
Mười ba là Thế tôn da dẻ mịn màng mượt ma,ø bụi nước v.v… thảy đều chẳng bám.
Mười bốn là da thân Thế tôn đều màu vàng ròng bóng sạch, ánh lên như đài vàng đẹp được trang sức bằng các thứ báu, được đại chúng ưa nhìn.
Mười lăm là Thế tôn lòng hai chân, lòng hai bàn tay cùng cổ và hai vai, cả bảy chỗ ấy đều đầy đặn.
Mười sáu là vai, cổ Thế tôn tròn đầy, đẹp đẽ.
Mười bảy là nách của Thế tôn đều đầy đặn chắc nịch.
Mười tám là Thế tôn dung nghi to lớn đẫy đà, ngay ngắn. 
Mười chín là Thế tôn thân tướng cao to, đoan nghiêm.
Hai mươi là Thế tôn thể tướng ngang dọc bằng nhau chu vi tròn đầy như cây Nặc Cù Đà.
Hai mươi mốt là Thế tôn hàm, ức cùng nửa thân trên uy dung quảng đại như Sư tử chúa. 
Hai mươi hai là Thế tôn mặt thường tỏa ánh hào quang, vòng hào quang ấy rộng tới một tầm.
Hai mươi ba là Thế tôn tướng răng tới bốn mươi chiếc đều đặn bằng bặn, sạch khít, chân sâu trắng hơn tuyết, ngọc.
Hai mươi bốn là chiếc răng nanh của Thế tôn trắng muốt, sắc nhọn.
Hai mươi lăm là Thế tôn thường được vị ngon nhất, vì hầu mạch thẳng có thể dẫn được tất cả các vị ngon nhất của mạch các chi tiết trong thân; gió, nóng, bệnh vặt chẳng thể tạp nhiễu; vì chẳng tạp nhiễu nên mạch tránh được các chứng phù trầm, nhanh chậm, hoại tổn, úng tắc; có thể nuốt ngay nước bọt, các dịch lưu thông, khiến cho thân tâm vui vẻ thoải mái, thường được thượng vị.
Hai mươi sáu là Thế tôn tướng lưỡi mỏng sạch rộng dài, có thể che kín cả mặt tới tận rìa tóc cạnh tai.
Hai mươi bảy là Thế tôn từ vận hòa nhã, tùy chúng nhiều ít, đều nghe như nhau. Âm thanh của Ngài to vang giống như trống trời, phát ngôn uyển chuyển như tiếng chim Tần Ca.
Hai mươi tám là Thế tôn lông mi giống hệt ngưu vương, xanh mướt ngay ngắn, chẳng lẫn vào nhau.
Hai mươi chín là con mắt Thế tôn lòng đen đen láy, lòng trắng tắng tinh, vòng đỏ ngăn cách sáng sạch phân minh.
Ba mươi là Thế tôn khuôn mặt tròn như trăng tròn, tướng lông mày sáng sạch như chiếc cung của Thiên đế.
Ba mươi mốt là Thế tôn ở giữa lông mày có tướng bạch hào, xoắn theo chiều tay phải mềm mại như bông Đổ La, trắng toát sáng sạch tựa như tuyết như ngọc kha v.v…
Ba mươi hai là bướu Ô Sắt Nhị Sa trên đỉnh đầu Thế tôn cao rõ tròn xoe giống như lọng trời.
Này Thiện Hiện ! Đó là ba mươi hai tướng của bậc đại sĩ ” .
Cứ theo kinh văn này thì có bài tụng thuyết chung rằng : 
Bằng, nan, mềm, màng, thon.
Gót, bàn, bắp, cánh, kín.
Lông chĩa lên mượt mà.
Da, vàng, bảy, vai đầy.
Dáng tay dài to bằng.
Ánh sư tử, đủ răng.
Nanh, vị, lưỡi, âm, mi.
Mắt, mặt, hào tướng, lọng.
Nếu theo Du Già thì khác với ở đây. 
Trong Du Già còn thuyết về nhân nghiệp, sợ rườm nên thôi. Cứ như bộ ấy thì phải nói là : 
Bằng, nan, thon, gót nhỏ.
Màng ngón, tay chẳng khoèo.
Thế,thân, sáng, chĩa lên.
Sinh vàng, láng, bảy chỗ.
Sư tử, vai đầy thẳng.
Đủ răng, không kẽ, tươi.
Hàm rộng, vị, thanh, xanh.
Ngưu vương, đỉnh, hào tướng.
Bài tổng tụng này lấy y xứ bốn căn Nhãn, Nhĩ, Thân, Nam và Thiệt căn làm Thể.
 “Thập lực giải thoát”: đã giải như trên.
Thu Tử tự than : 
“Cùng chung trong một pháp
 Mà chẳng được sự này”.
*
-Kinh văn : “Tám mươi thứ diệu hảo”  tới   “mà ta đều đã mất”. 
Tán rằng : đó là “Hảo mãn bất cọâng đức”.
“Tám mươi thứ diệu hảo” : Kinh Bát Nhã nói : “Thiện Hiện hỏi rằng : Tám mươi tùy hảo của Như Lai Ứng chính Đẳng giác là gì ? 
Này Thiện Hiện ! 
Một là móng tay Thế tôn hẹp dài mỏng mượt sáng bóng tươi tắn như hoa đồng đỏ. 
Hai là chân tay Thế tôn ngón tròn, thon, dài, đều, thẳng, mềm mại, khớp xương chẳng lộ. 
Ba là Thế tôn chân tay thảy đều bằng bặn, ở giữa các ngón thảy đều đầy khít.
Bốn là Thế tôn chân tay tròn đầy như ý, mềm mại bóng mượt, sắc như hoa sen. 
Năm là Thế tôn gân mạch quấn quít rắn chắc, sâu kín chẳng lộ. 
Sáu là Thế tôn hai mắt cá chân đều kín, chẳng lộ. 
Bảy là Thế tôn bước đi thẳng tiến đĩnh đạc như Long tượng vương (rồng-voi chúa). 
Tám là Thế tôn bước đi uy dung oai vệ như Sư tử vương. 
Chín là Thế tôn bước đi khoan thai đĩnh đạc chẳng quá, chẳng giảm giống như Ngưu vương.
Mười là Thế tôn bước đi tiến dừng nhã nhặn giống như Nga vương (ngỗng chúa).
Mười một là Thế tôn khi ngoảnh lại ắt đều quay theo chiều tay phải như Long tượng vương, cả người chuyển theo. 
Mười hai là Thế tôn chi tiết tròn trịa đều đặn thon thả dần dần, bố trí đẹp khéo. 
Mười ba là các khớp xương của Thế tôn giao kết không hở giống như rồng cuộn. 
Mười bốn là Thế tôn đầu gối bố trí đẹp khéo, bền chắc, tròn đầy. 
Mười lăm là chỗ kín của Thế tôn có vân đẹp đẽ, uy thế đầy đủ, viên mãn thanh tịnh.
Mười sáu là Thế tôn thân chi mượt mà, mềm mại, bóng bẩy, tươi sạch, bụi ghét chẳng bám.
Mười bảy là Thế tôn thân dung đôn hậu trang nghiêm không sợ, thường chẳng khiếp nhược. 
Mười tám là Thế tôn thân chi kiên cố trù mật, khéo gắn với nhau.
Mười chín là Thế tôn thân chi yên định, đôn trọng, không hề lắc lư, tròn đầy không hoại.
Hai mươi là Thế tôn thân tướng giống như vua tiên, vòng quanh đoan nghiêm, sáng sạch lìa bóng mờ.
Hai mươi mốt là Thế tôn thân có hào quang bao quanh, khi đi v.v… luôn tự tỏa sáng.
Hai mươi hai là Thế tôn bụng hình vuông vức ngay ngắn, không có khiếm khuyết, nhu nhuyễn chẳng lộ, mọi tướng trang nghiêm.
Hai mươi ba là Thế tôn rốn sâu, xoáy theo chiều tay phải, tròn đẹp, thanh tịnh, sáng bóng.
Hai mươi bốn là Thế tôn rốn dày chẳng lõm chẳng lồi, xung quanh đẹp đẽ.
Hai mươi lăm là Thế tôn da dẻ xa lìa ghẻ lở cũng không có các tật như đốm đồi mồi, u bướu v.v…
Hai mươi sáu là Thế tôn bàn tay đầy đặn mềm mại, bàn chân bằng phẳng vững chãi.
Hai mươi bảy là vân tay Thế tôn sâu dài sáng thẳng bóng mượt, chẳng đứt.
Hai mươi tám là Thế tôn môi đỏ như son, sáng bóng ánh lên lên như quả Tần Bà, môi trên môi dưới cân xứng với nhau.
Hai mươi chín là Thế tôn diện môn (mặt) chẳng dài chẳng ngắn, chẳng to chẳng nhỏ, đoan nghiêm đúng cỡ.
Ba mươi là Thế tôn thiệt tướng (tướng lưỡi) mềm mỏng, rộng dài, màu như đồng đỏ.
Ba mươi mốt là Thế tôn phát ra âm thanh oai vang sâu xa như voi chúa gầm, rõ ràng trong trẻo.
Ba mươi hai là Thế tôn âm vận mỹ diệu đầy đủ như tiếng vang trong hang sâu.
Ba mươi ba là Thế tôn mũi cao dài mà lại thẳng, lỗ mũi chẳng hởä.
Ba mươi tư  là Thế tôn các răng bằng bặn, trắng muốt.
Ba mươi lăm là các răng nanh của Thế tôn đều tròn trắng sáng sạch, nhọn sắc dần dần.
Ba mươi sáu là mắt Thế tôn thanh tịnh, đen trắng rõ ràng.
Ba mươi bảy là mắt Thế tôn dài rộng ví như hoa sen xanh, rất đáng ưa thích.
Ba mươi tám là Thế tôn lông mi trên dưới tề chỉnh dày dặn, chẳng trắng.
Ba mươi chín là Thế tôn có đôi lông mày dài mà chẳng trắng, dày mà mịn màng.
Bốn mươi là Thế tôn có đôi lông mày đẹp đẽ suôn sẻ, xanh mướt như màu lưu ly.
Bốn mươi mốt là đôi lông mày Thế tôn cao nổi sáng mượt, hình giống như vành trăng đầu tháng.
Bốn mươi hai là Thế tôn tai dày rộng to dài, vành tai, dái tai đều thành tựu.
Bốn mươi ba là hai tai Thế tôn đẹp đẽ bằng bặn, không có một khuyết tật gì.
Bốn mươi tư là dung nghi Thế tôn có thể khiến người nhìn thấy không tổn, không nhiễm, đều sinh ra yêu kính.
Bốn mươi lăm là trán Thế tôn rộng, viên mãn, bằng bặn, hình tướng rất đẹp.
Bốn mươi sáu là thân phần Thế tôn nửa trên viên mãn như Sư tử vương, oai nghiêm vô địch.
Bốn mươi bảy là Thế tôn tóc dài xanh mướt, dày dặn, chẳng bạc.
Bốn mươi tám là Thế tôn tóc thơm sạch, mềm mịn, mượt mà, xoắn tít.
Bốn mươi chín là tóc Thế tôn tề chỉnh, chẳng rối, cũng chẳng giao tạp.
Năm mươi là tóc Thế tôn bền chắc chẳng đứt, chẳng bao giờ rụng.
Năm mươi mốt là tóc Thế tôn bóng mượt rất đẹp, bụi bặm chẳng bám.
Năm mươi hai là Thế tôn thân phần rắn chắc đầy đặn hơn cả Na La Diên.
Năm mươi ba là Thế tôn thân thể cao to, đoan trực.
Năm mươi tư là Thế tôn các lỗ (lỗ tai, lỗ mũi v.v…) đều thanh tịnh, tròn đẹp.
Năm mươi lăm là Thế tôn thân chi thế lực thù thắng, không ai bằng được.
Năm mươi sáu là Thế tôn thân tướng ai cũng thích nhìn, ngắm mãi không chán.
Năm mươi bảy là Thế tôn có khuôn mặt ngang dọc vừa khéo, sáng sủa, thanh khiết giống như  trăng rằm.
Năm mươi tám là Thế tôn dung nhan tướng mạo thư thái sáng, nổi, tươi cười ngay trước khi nói năng, chỉ hướng về phía trước, chẳng ngoái lại sau.
Năm mươi chín là Thế tôn diện mạo sáng sủa, tươi vui, không bao giờ xanh, đỏ, cau có.
Sáu mươi là Thế tôn thân chi thanh tịnh không có cáu ghét, luôn luôn không hề có mùi hôi hám.
Sáu mươi mốt là trong tất cả các lỗ chân lông của Thế tôn luôn tỏa ra mùi thơm vi diệu như ý.
Sáu mươi hai là diện môn Thế tôn thường xuyên tỏa ra mùi thơm thù thắng.
Sáu mươi ba là tướng đầu Thế tôn tròn trịa, đẹp đẽ giống quả Mạt Đạt Na, cũng giống như lọng trời.
Sáu mươi tư là lông trên thân Thế tôn xanh mướt, sáng sạch như cổ chim công, đỏ ánh điểm tô màu như đồng đỏ.
Sáu mươi lăm là Thế tôn pháp âm tùy chúng lớn nhỏ chẳng tăng chẳng giảm, theo lý không sai.
Sáu mươi sáu là Thế tôn đỉnh tướng không ai có thể nhìn thấy được.
Sáu mươi bảy là chân tay Thế tôn đốt ngón rõ ràng, trang nghiêm diệu hảo như màu đồng đỏ.
Sáu mươi tám là Thế tôn khi đi chân cách mặt đất chừng bốn ngón tay đã hiện dấu chân.
Sáu mươi chín là Thế tôn tự mình giữ gìn, chẳng cần người khác bảo vệ, thân không xiêu vẹo cũng chẳng õng ẹo.
Bảy mươi là Thế tôn uy đức vang xa, mọi kẻ ác tâm nhìn thấy cũng đều mừng, mọi kẻ sợ hãi nhìn thấy cũng đều yên.
Bảy mươi mốt là Thế tôn âm thanh chẳng cao chẳng thấp, theo ý chúng sinh, vui vẻ hòa nhã mà nói với họ.
Bảy mươi hai là Thế tôn có thể lựa theo ngôn ngữ âm thanh, tâm ý ưa muốn của các loài hữu tình mà thuyết pháp cho họ.
Bảy mươi ba là Thế tôn (chỉ dùng) một âm diễn thuyết chính pháp mà các loài hữu tình thảy đều hiểu được cả.
Bảy mươi tư là Thế tôn thuyết pháp đều theo thứ tự, ắt có nhân duyên, nói gì cũng hay.
Bảy mươi lăm là Thế tôn  coi các loài hữu tình bình đẳng như nhau, khen thiện chê ác, mà không yêu ghét.
Bảy mươi sáu là Thế tôn làm việc thì xem trước làm sau, mẫu mực đầy đủ, khiến Thức hoàn thiện thanh tịnh. 
Bảy mươi bảy là tướng hảo của Thế tôn, hết thảy hữu tình không ai có thể xem hết được.
Bảy mươi tám là xương đỉnh đầu Thế tôn rắn chắc tròn đầy.
Bảy mươi chín là Thế tôn dung nhan luôn luôn trẻ trung chẳng già, ưa chơi chốn cũ.
Tám mươi là chân tay và trước ngực ức Thế tôn đều có đức tướng xoáy vân cát  tường .
Này Thiện Hiện ! Vì Như Lai Ứng chính Đẳng giác thành  tựu các tướng hảo như vậy, nên thân quang của ngài tha hồ vận dụng có thể chiếu dọi tam thiên đại thiên thế giới, không đâu không khắp. Nếu như khi ngài cố ý thì có thể chiếu khắp vô lượng vô biên vô số thế giới. Song vì ngài thương xót các hữu tình nên thu ánh quang minh lại, diện thường chiếu chỉ mỗi chiều một tầm. 
Nếu ngài tung thân quang ra, thì tất cả mọi thứ ánh sáng của mặt trăng mặt trời v.v… đều thường chẳng hiện, các loài hữu tình sẽ chẳng còn có thể biết được số ngày, đêm, nửa tháng, tháng, mùa, năm, sự nghiệp tiến hành sẽ chẳng thể thành được. 
Tiếng Phật tha hồ vận dụng có thể vang khắp tam thiên đại thiên thế giới. Nếu là khi cố ý thì có thể vang khắp vô lượng vô biên vô số thế giới. Song để đem lại lợi lạc cho các hữu tình, nên tiếng ngài tùy lượng chúng sinh mà chẳng giảm chẳng tăng.
Này Thiện Hiện ! Công đức thắng lợi như vậy, trước kia khi ta còn ở ngôi Bồ tát tu hành Bát Nhã Ba La Mật Đa, ta đã có thể hoàn thành xong xuôi cả rồi, nên ngày nay tướng hảo viên mãn trang nghiêm. Hết thảy hữu tình nếu thấy mà tán thán hoan hỉ, thì đều được lợi ích an lạc thù thắng !
Như vậy thì – Này Thiện Hiện ! Bồ tát Ma ha tát khi tu hành thật sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa sẽ có thể dùng hai loại bố thí, đó là Tài thí và Pháp thí để nhiếp phục các hữu tình. Đây là pháp rất kỳ lạ, hy hữu”.
Ba mươi hai h tướng do thực hành Năm tu mà  có : 
1. Phát tâm.
2. Lâu dài.
3. Không gián đoạn.
4. Ân trọng (thiết tha trang trọng).
5. Không có thứ gì khác cảm được.
Như Du Già luận quyển 37 nói.
Mười tám Bất h cộng pháp : 
Phân biệt bằng năm môn : 
1. Danh.                2. Thể. 
3. Hành tướng.       4. Sai biệt.
              5. Các môn.
1. Về Danh thì :
1) Thân không lầm lỗi.
2) Không có ngôn âm khinh suất thô bạo.
3) Không có chủng chủng tưởng.
4) Không có tâm bất định. 
5) Không có niệm vong thất.
6) Không bất trạch xả.
7) Dục không giảm.
8) Niệm không giảm.
9) Tinh tiến không giảm.
10) Định không giảm.
11) Tuệ không giảm.
12) Giải thoát không giảm.
13) Thân nghiệp tùy trí tuệ hành.
14) Ngữ nghiệp tùy trí tuệ hành.
15) Ý nghiệp tùy trí tuệ hành.
16) Biết đời quá khứ, không chấp trước không trở ngại. 
17) Biết đời vị lai, không chấp trước không trở ngại.
18) Biết đời hiện tại, không chấp trước không trở ngại.
2. Về Thể thì : 
Lấy tám pháp gộp lại làm thể, đó là : Tư, Tưởng, Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Tuệ, Cần.
Nói rộng ra thì như sự giải thích trong quyển thứ hai của Vô Cấu Xưng sớ : “thứ mà nhị thừa không có, đó gọi là Bất cộng pháp”.
3. Hành tướng.
4. Sai biệt .
5. Các môn.
Ba môn còn lại trên đây, lược qua, không nói đến.
“ Các công đức như thế
 Mà ta đều đã mất”.
Luận nói rằng : hai câu kệ trên là thị hiện nghĩa gì ? 
Xá Lợi Phất tự quở trách mình : “Ta chẳng thấy chư Phật, chẳng đến chỗ Phật nghe pháp, chẳng cúng dàng cung kính chư Phật, không làm được sự gì lợi ích cho chúng sinh, chưa được pháp đã lùi”.
Vậy nên Xá Lợi Phất tự quở trách bản thân. Trên tự giải thích cái ý tự quở trách; dưới là luận tự nhắc lại về ý tự trách và bàn về tụng văn trong kinh. Hai thứ đó tham bán với nhau mà giải thích; gồm có 8 câu. Trong đó năm câu giải lời tự trách. Còn ba câu khác giải nghĩa kinh tụng.
Chẳng thấy : có nghĩa là vì chẳng thấy tướng đại nhân của chư Phật Như Lai, sinh tâm cung kính cúng dàng, nên tự trách mình không tu đại nhân (tức nhân đại thừa), nên chẳng thấy được tướng của chư Phật, cung kính cúng dàng.
Chẳng tới : thị hiện lực giáo hoá chúng sinh, tỏ rõ Phật có khả năng giáo hoá chúng sinh mà ta chẳng tới chỗ Phật. 
Hai câu trên giải thích lời tự trách.
Ánh quang minh màu vàng ròng : có nghĩa là thấy Phật tự thân, dị thân đều được vô lượng công đức, ở đây giải thích từ “Kim sắc” (màu vàng ròng) trong kinh.  Do thấy Phật mà tự thân ta được vô lượng công đức quả ở dị thân.
Nghe (pháp) : thì có thể làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Đây giải thích lời tự trách chẳng nghe. Bởi vì nếu nghe, thì có thể làm được việc lợi sinh.
Lực : chỉ chúng sinh nếu có điều nghi hoặc thì dựa vào mười lực mà đoạn nghi. Đây giải thích mười lực nói ở trong kinh.
Cúng dàng : thị hiện có khả năng giáo hóa chúng sinh. Đây giải thích lời tự trách chẳng cúng dàng Phật. Phật có khả năng giáo hoá được chúng sinh, ta lẽ ra phải cúng dàng, xưa kia cớ sao chẳng cúng dàng.
Mười tám pháp Bất cộng : lìa xa các chướng ngại. Đây giải thích nghĩa của mười tám pháp Bất cọâng trong tụng.
Cung kính : thì sinh vô lượng phúc đức, vì y theo lời dạy của Như Lai thì được giải thoát, vì chứng được nhân pháp vô ngã, các pháp bình đẳng.
Đây giải thích lời tự trách chẳng cung kính. Nếu cung kính thì sẽ sinh vô lượng phúc, chứng được bình đẳng.
Vì vậy nên tự trách rằng : ta từ  trước tới nay chưa được pháp này, ở ngay nơi pháp này mà sinh thoái tâm. Đó gọi là mất đại pháp nên phải than thở. 
Không giải thích như vậy thì luận cực kỳ khó hiểu.
*
-Kinh văn : “Lúc ta kinh hành riêng”   tới   “chính ta tự khinh mình ”. 
Tán rằng : đó là Danh lợi cao quảng đức vậy. 
Tự khinh khi coi rẻ mình, nên thường tự mình suy nghĩ là đã để mất đức này của Phật, vì vậy chẳng dám cầu đại (thừa). Tự lừa dối mình, nên được tiểu (thừa) đã cho là đủ.
*
-Kinh văn : “Ta thường mỗi ngày đêm”   tới    “suy tính sự như thế”. 
Tán rằng : đó là thuyết minh về cái ý tự mình than thở. 
Tụng đầu muốn hỏi Phật liệu có nên để mất đại thừa hay không ? Tụng sau giải thích mối nghi. Đó là vì thường thấy Phật chỉ khen Bồ tát mà chẳng khen ta, bởi vậy sinh nghi mà suy tính sự này.
*
-Kinh văn : “Nay nghe tiếng của Phật”   tới   “khiến chúng tới đạo tràng”. 
Tán rằng : dưới là 14 tụng, tụng về niềm vui mừng vì nay được nghe nên hết não. 
Trong đó chia làm hai phần :
• 12 tụng rưỡi đầu, tụng về sự đoạn trừ nghi hối.
• 1 tụng rưỡi cuối, tụng về ý khoái được yên ổn.
Trong phần đầu lại chia làm hai : 
– 5 tụng đầu nói về Hối xưa đã đoạn trừ.
– 7 tụng rưỡi sau nói về mối ngờ ngày nay đã đoạn diệt.
Trong phần  đầu này lại chia làm hai :
+ 1 tụng đầu nêu nguyên do khiến Hối bị đoạn trừ.
+ 4 tụng sau chính thức thuyết minh Hối trừ. 
Đây là phần đầu. 
Do nghe tiếng Phật tùy nghi thuyết pháp, ý thú khó biết, vô lậu khó suy, những điều sở đắc khó giải, khiến nhị thừa chúng bỏ giáo pháp tùy nghi mà tới chỗ Phật để được thâm pháp ở đạo tràng. 
Đã khiến Hối bị đoạn trừ nên gọi là Vô lậu.
*
-Kinh văn : “Ta vốn chấp tà kiến”  tới  “đắc chứng ở Không pháp”. 
Tán rằng : 4 tụng dưới là nói về việc trừ hối.  Trong đó chia làm hai :
• 1 tụng rưỡi đầu, kể về việc xưa kia bỏ tà mà theo chính.
• 2 tụng rưỡi sau, kể về việc nay biết tiểu (thừa) là để hướng tới đại (thừa).
Đây là phần đầu. 
Bản sự : người ngoại đạo (tên là) San Đồ Da có một trăm môn đồ, sau quy y Phật xuất gia, chứng lý nhân không, đắc quả A la hán, xưng là Phạm Chí Sư, gọi là Bạt tà đắc chứng Không pháp (trừ  tà, được chứng pháp Không).
*
-Kinh văn : “Bấy giờ tâm tự nghĩ”  tới  “chẳng phải thực diệt độ”. 
Tán rằng : dưới là 2 tụng rưỡi, kể về việc nay biết tiểu (thừa) là để hướng tới đại (thừa).  Trong chia làm hai :
• 1 tụng đầu : biết rõ tiểu (thừa).
• 1 tụng rưỡi sau : biết chân đại (thừa).
Đây là phần đầu : xưa kia chẳng biết, cho là thực sự diệt độ.
*
-Kinh văn : “Nếu lúc được thành Phật”  tới  “diệt hết hẳn, không dư”. 
Tán rằng : biết đại (thừa) là chân diệt.
Lúc được thành Phật, trong thì đầy đủ các tướng hảo, ngoài thì được chúng sinh quy kính, mới là hết hẳn hai loại sinh tử, không còn hữu lậu. Cho nên biết đại thừa là chân diệt.
*
-Kinh văn : “Phật ở trong đại chúng”  tới  “nghi hối thảy đã trừ ”. 
Tán rằng : dưới đây là 7 tụng rưỡi, nói về nay mối nghi đã diệt. Chia làm hai : 
• 1 tụng đầu là kết luận : Hối xưa đã hết, đây là nguyên do trừ được mối nghi sau này.
• 6 tụng rưỡi cuối, chính thức giải thích về việc mối nghi đã trừ. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Mới nghe điều Phật thuyết ”  tới  “não loạn tâm ta chăng ? ”. 
Tán rằng : dưới đây là 6 tụng rưỡi, chính thức giải thích về mối nghi đã trừ. 
Chia làm hai : 
• 1 tụng đầu, kể về nguyên do sinh nghi.
• 5 tụng rưỡi sau, chính thức giải thích về nghi bị diệt.
Đây là phần đầu.
Phật xưa thuyết ba thừa, ta đã được cả rồi. Nay thuyết nhất thừa, trái với thuyết cũ, nói rằng điều ta đã được chẳng phải là Chân quả diệt. Cho nên trong lòng kinh hãi, cho Phật là ma, não loạn tâm ta. 
Đây là nghi về sự, gọi là Dị thục sinh, chẳng nghi về lý, nên chẳng phải là phiền não.
Hoặc Ưu nghi trên đều là thị hiện, chứ chẳng phải là Thu Tử vẫn còn có Ưu nghi.
*
-Kinh văn : “Phật dùng đủ thứ duyên”  tới  “ta nghe, lưới nghi dứt ”. 
Tán rằng : dưới là 5 tụng rưỡi, giải thích về Nghi bị diệt. Trong đó có bốn :
– 1 tụng, nói rõ lời Phật khéo, khiến tâm được yên, bởi vậy dứt nghi.
– 2 tụng, nói rõ ba đời Phật cùng thuyết phương tiện, bởi vậy dứt nghi.
– 1 tụng, giải thích Phật thuyết giống nhau, bởi vậy dứt nghi.
– 1 tụng rưỡi, biết Phật với ma, đạo tích khác nhau, bởi vậy dứt nghi.
Đây là phần đầu. 
Phật thuyết có hai :  1) Pháp thuyết.
 2) Dụ thuyết.
Các loại duyên : là thuyết về đạo lý. 
Các loại dụ : là thuyết bằng cách ví von. 
Ngoài thì thể hiện hai cách thuyết pháp bằng ngôn ngữ khéo léo này, trong thì tâm yên ổn kiên cố như biển chẳng động, bởi vì đã đoạn được nghi. 
Ngôn từ chẳng khéo thì Lý và Dụ sẽ trái với tông chỉ. Tâm có sự dao động thì trí sẽ mê mờ về chân cảnh. Trong ngoài bị trở ngại thì nghi sẽ khó diệt. 
Nay thì chẳng thế, bởi vậy hết nghi.
*
-Kinh văn : “Phật thuyết đời quá khứ ”  tới  “diễn thuyết Pháp như vầy”. 
Tán rằng : ở đây nói rõ ba đời chư Phật cùng thuyết phương tiện, bởi vậy mối nghi được đoạn trừ.
 Tụng đầu nói về đời quá khứ, tụng sau nói về hai đời vị lai và hiện tại. Đầu đều là phương tiện, sau mới là chân thực. Tức là nói về cái ý ba đời Phật đều giống nhau ở trong phẩm trước.  Nghe thuyết về đạo trái ngược nhau, nên mới nảy sinh nghi  ngờ. Nay nghe các thánh cùng một khuôn mẫu, nên mối nghi mới diệt.
*
-Kinh văn : “Như Thế tôn ngày nay”  tới  “cũng dùng phương tiện thuyết”. 
Tán rằng : đây là giải thích Phật thuyết giống nhau, bởi vậy mối nghi được đoạn trừ.
 – Từ lúc sinh tới lúc xuất gia : đó là Thân phương tiện. 
– Đắc đạo : đó là Ýù phương tiện. 
– Chuyển pháp luân : đó là Ngữ phương tiện. 
Thoạt đầu thuyết tam thừa giống sự giáo hóa của chư Phật ba đời, nên nói rằng : cũng dùng phương tiện mà thuyết pháp. 
Ba nghiệp trái ngược, thì có thể khiến nảy sinh nghi ngờ. Sắc tâm thuận nhau, bởi vậy nghi bị đoạn trừ. 
Thêm nữa, đầu cuối thuyết trái ngược nhau, mới  nảy sinh nghi ngờ. Trước sau ngôn ngữ thuận lý, thì mối nghi mới diệt.
*
-Kinh văn : “Thế tôn thuyết thực đạo”   tới   “gọi đó là ma làm”. 
Tán rằng : biết Phật với ma, đạo tích khác nhau, bởi vậy nghi đoạn.
Ma thuyết trái với chân lý, bởi vậy nghi ngờ khởi lên. 
Lời Phật phù hợp diệu pháp, bởi vậy nghi diệt.
*
-Kinh văn : “Nghe tiếng Phật êm dịu”  tới  “an trụ trong thực trí ”. 
Tán rằng : trong 14 tụng nói về sự vui mừng vì nay được nghe pháp cho nên não hết.
 Trong đó chia làm hai : 
– Trên là 12 tụng rưỡi, nói về việc đoạn trừ nghi hối đã xong. 
– Đây là 1 tụng rưỡi, nói về việc sắp được yên ổn. 
Từ bi tiếp dẫn, nên phát ra âm nhu nhuyễn. Như sấm vang  rền, để thuyết về đạo lý huyền diệu, nên gọi là sâu xa. Trong trẻo như tiếng chim Ca Lăng cực kỳ đáng yêu, nên gọi là diễn xướng thanh tịnh pháp.
Xướng : có nghĩa là xa, là tỏ. 
Tâm đã cả mừng, thì nghi hối trừ hẳn.  Bỏ cái tâm ở quyền (thừa) ngày xưa mà lấy cái trí trụ ở thực thừa ngày nay.
Thực : đây là chỉ nhất thừa mà ngày nay cầu chứng.
Quyền : là chỉ nhị thừa, là phương tiện ngày xưa !
*
-Kinh văn : “Ta nhất định thành Phật”  tới   “giáo hóa các Bồ tát ”. 
Tán rằng : đây tụng về mục thứ tư : biết Phật tử sẽ thành đạo. 
Nay ta là Phật tử, sẽ làm Bồ tát, sinh ra từ ngôn giáo đại thừa của Phật. Đã tu nhân đại (thừa), nhất định sẽ thành Phật, ngoài thì được trời người kính trọng, có khả năng chuyển được Pháp luân vô thượng, cứu cánh chỉ thuyết nhất thừa, nên có khả năng giáo hóa Bồ tát.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo Xá Lợi Phất”  tới  “theo ta thụ học”. 
Tán rằng : đây là mục thứ ba trong vòng thứ nhất trở xuống : Như Lai thuật thành, cũng giống với dụ về Dược thảo, thuật lại thành tựu (của Phật). 
Trong này chia làm ba phần :
– Phần đầu kể về sự gặp gỡ đã qua.
– Sau đó kể về sự gặp gỡ ngày nay.
– Cuối cùng nói rõ vẫn cứ lấy thực như trước. 
Đây là phần đầu : “Ta đã từng ở chỗ hai vạn ức Phật, tu đạo vô thượng, thường giáo hóa các ngươi”. 
Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói rằng : Xá Lợi Phất đã từng tu hành đạo Bồ tát  trong sáu mươi kiếp. Có vị Bà la môn xin mắt, Thu Tử đã cho. Vị này được mắt rồi thì quẳng xuống đất, lấy hai chân mà dày xéo lên, rồi chửi bới mà bỏ đi. Thu Tử hối hận, bèn thoái nhụt đại tâm (tâm đại thừa). 
Đây là nói về lúc đó, ta vốn dĩ đã giáo hóa ngươi ở chỗ hai vạn Phật, đã là thiện hữu, thường giáo hóa đại thừa. Thu Tử thời đó cũng theo thụ giáo.
*
-Kinh văn : “Ta dùng phương tiện”  tới  “sinh trong pháp ta”. 
Tán  rằng : đây thuật lại sự gặp gỡ ngày nay. 
Phật biết tình thế của con người sau khi thoái mất đại tâm rồi thì sợ đại thừa. Cho nên Phật giới hạn sự hóa độ trong phạm vi tiểu quả, nghĩa là dùng Thanh văn thừa mà giáo hoá họ dần dần cho đến chứng được Vô học, gọi là phương tiện. 
Chứng lý Sinh không, khởi được Vô lậu trí, trụ ở trong Phật pháp, đó gọi là “ở trong pháp ta”.
Vì sinh ra từ trong Phật pháp, thì mới gọi là chân sinh.
Vả như Thu Tử thoái đại tâm là vì đại tính gần Sinh mà xa Thục, bởi vậy sơ phát đại tâm mà giữa chừng thoái nhụt. Tiểu tâm gần Thục mà xa Sinh, bởi vậy giữa chừng phát tiểu tâm mà chứng quả. 
Ban đầu dạy họ phát khởi ý đại thừa, để khiến họ chứng nhân của thực thừa. Giữa cầu tiểu thừa mà quả thành, là vì khiến họ xả bỏ quyền thừa tiệm giáo.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “đã được diệt độ”. 
Tán rằng : dưới tỏ rõ lại trở lại để lấy Thực như trước. Chia làm hai phần : 
• Phần đầu bàn về việc nảy ra cái ý về thực : vì tu quyền (thừa) mà quên thực (thừa). 
• Phần sau tỏ rõ khiến nhớ lại bản tâm. Thuyết Pháp Hoa mà trở lại bản tâm. 
Đây là phần đầu. 
Xưa ta dạy ngươi chí nguyện Phật đạo, đó là đề xướng cái ý về thực (thừa). Ngươi nay đều quên mà tự cho là đã được diệt độ, đó là vì tu quyền mà quên thực 
Trước, khi chưa chứng quả Thanh văn thì chưa được trí Túc mạng vô lậu. Tuy sáu mươi kiếp luyện căn, đắc trí Túc mạng vô lậu của Thanh văn, nhưng điều biết được vẫn gần. Xưa ngươi tu đại thừa, nhưng nay đều quên, bèn cho rằng điều sở đắc là thực sự diệt độ, chẳng chịu tiến tu. Trong lời thỉnh ở quyển trước, đời đời đã từng theo Phật thụ hóa. Nay nói quên, trong này có bốn cách giải thích :
1) Tự nhớ lại đã theo Phật tu tiểu (thừa); Phật thuyết giáo về đại (thừa), đều quên cả.
2) Phật thuyết sơ giáo đại thừa, nay quên. Tự nhớ lại nửa chừng học tiểu (thừa) theo giáo hóa đó.
3) Thu Tử tự nhớ, người khác chẳng nhớ. Nay ký thác vào Thu Tử mà nói người khác, nên nói là “đều quên”.
4) Trước thuyết Phật gia hộ cho, nên nhớ. Nay bàn là do tự tâm, nên quên. Như vậy cũng chẳng trái ngược nhau.
*
-Kinh văn : “Ta nay vẫn muốn”  tới  “Phật Sở Hộ Niệm”. 
Tán rằng : khiến nhớ lại bản tâm, thuyết Pháp Hoa mà khôi phục bản tâm. 
Thoạt đầu dạy tiểu cơ rồi mới hướng về đại thừa, gọi là vì Thanh văn mà thuyết “Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa”, sau khi họ hồi tâm rồi thì gọi là dạy kinh “Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”.
Nên biết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa còn có tên khác là Vô Lượng Nghĩa v.v… thể tính, công năng có sự phân biệt; đối cơ, hiển lý có sự khác nhau. Vì chia làm hai kinh nên mới thế, giống như quyển đầu đã nói.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”   tới   “đạo sở hành ”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ tư nói về việc Phật thụ ký cho trong vòng thứ nhất. Có hai : 
• Đầu tiên thuyết minh việc thụ ký. 
• Sau đó là người trời cúng dàng, tán thán, hồi hướng. 
Phần đầu lại chia làm hai :
– Đầu tiên nói rõ việc thụ ký.
– Sau đó có 1 tụng về kết hội khiến mừng.
Văn đầu có hai :
+ Đầu thụ Nhân ký. 
+ Cuối thụ Quả ký.
Văn đầu này có bốn ý : 
1) Thời gian quá vô biên kiếp.
2) Ngoài gặp duyên lành, gặp được nhiều Phật.
3) Phụng trì chính pháp.
4) Đủ hạnh lợi sinh, vì phải nhân hành mãn, thì quả mới thành.
Chưa nhập Thập tín (vị), thì còn phải hai vạn kiếp. Huống hồ sau khi khởi tâm, thời tiết hẳn phải xa. Cho nên điều quan trọng bậc nhất trước hết là phải nói nhiều kiếp mới gặp chư Phật, được nhập Đại kiếp, trì chính pháp v.v…
*
-Kinh văn : “Sẽ được thành Phật”  tới  “Phật Thế tôn”. 
Tán rằng : dưới là thuyết minh về Quả ký.
Có hai phần : đầu là trường hàng, cuối là kệ tụng. Trường hàng có sáu :
1. Nội đức thành mãn. 
2. Ngoại độ trang nghiêm. 
3. Thuyết pháp giống nay. 
4. Tên kiếp khác nhau. 
5. Sự giúp đỡ hơn hay kém.
6. Pháp trụ mau hay lâu. 
Đây là phần đầu.
Mắt nhìn mưa hoa phóng quang, tai nghe Pháp Hoa trí quang. Thêm nữa, ngoài ăn bí pháp, trong phát trí quang. Nhân hai nghĩa này nên gọi là Hoa Quang.
Xét việc thụ ký Phật danh, về lý không có một chuẩn tắc nhất định nào cả. Như Thích Ca, Di Lặc nhân nhìn thấy Phật đó mà lấy làm tên gọi. Thu Tử thoạt đầu nhờ kiến văn mà đặt thành tên.
 Trí Độ luận nói rằng : “Ba trăm Tỳ kheo cởi áo dâng Phật, do đưa tay làm (hình) tướng, được thụ ký danh hiệu là Đại Tướng Như Lai. Lại nữa ngàn vị trời thấy cõi Phật trang nghiêm bèn phát tịnh ý, được thụ ký danh hiệu Trang Nghiêm Vương Phật”. 
Thêm nữa, Thiệt Tướng phẩm của luận đó nói : “Mười vạn ức người nhìn thấy Bồ tát mười phương đem hoa đến cúng dàng, liền phát tâm và được thụ ký Phật danh là Giác Hoa, kiếp danh là Hoa Tích”. Các loại như vậy chẳng thể có một chuẩn tắc nào cả. Hoặc đó đều là Phật gặp lúc đầu. Sau gặp duyên này, nhân hợp nguyện xưa.
Thụ ký : đại để dùng sáu môn để phân biệt : 
1. Nguyên do thụ ký .
2.  Năng thụ ký.
3.  Sở thụ ký. 
4.  Thụ ký khác nhau.
5. Giải đáp thắc mắc.
6. Các loại khác nhau trong hàng Thanh văn.
1. Nguyên do thụ ký.
Đại để do năm nghĩa :
1/ Luận rằng : cốt để giúp hàng Thanh văn sinh quyết định tâm, quyết định hướng theo đại thừa nên thụ ký cho họ, chứ chẳng phải là họ đã thành tựu được pháp tính, đã chứng được pháp tính Nhị không nên thụ ký cho họ.
2/ Luận rằng : để tỏ rõ Phật pháp thân tính bình đẳng. Chỉ vì pháp hữu vi có sự khác nhau, nên thuyết ba thừa. Song chân lý đã giống nhau thì pháp thân cũng không khác nhau. 
3/ Để đoạn trừ cái tâm nghi ngờ đã lâu của Bồ tát, từ lâu nghi rằng Thanh văn chẳng được làm Phật. Nay nghe thụ ký, nên mối nghi ngờ đã lâu bị đoạn diệt.
4/ Để cho người thích Phật nhìn thấy cảnh thụ ký này, thích tự mình sẽ được tu hành cái nhân thành Phật.
5/ Thuyết mười nghĩa sở dĩ (tức mười nguyên do) của nhất thừa, đó tức là nguyên do thụ ký trong này.
2. Năng thụ ký. 
Có ba ý :
1)  Sở y.
2)  Ký thể (thể của ký). 
3)  Ký dụng (dụng của ký). 
1) Sở y : tức là người năng thụ ký. 
Sáu chốn thị hiện thì năm là Như Lai ký, một là Bồ tát ký. 
Như Lai ký gồm : 1. Biệt ký  2. Đồng ký  3. Hậu ký  4. Oán ký  5. Thông hành ký. 
Bồ tát ký gọi là Cụ nhân ký, như phẩm Thường Bất Khinh thị hiện : lễ bái, tán thán và nói : “Tôi chẳng khinh các người. Các người đều sẽ làm Phật”. Chỉ rõ các chúng sinh đều có Phật tính.
Việc thụ ký cho ai sau này thành Phật danh hiệu là gì, thì chỉ có Phật mới làm được, các thánh khác không thể làm được, vì chẳng biết riêng từng người sau này thành Phật sẽ có tên là gì, nước Phật ấy là nước nào, bởi lẽ kẻ dưới chẳng thể biết được công việc của người trên.
Nếu am hiểu bao quát mà thụ ký cho, thì Bồ tát cũng (thụ ký) được, vì (người được thụ ký đã có) đủ nhân Phật tính.
Kinh này đã như thế. Trong mọi kinh, người có khả năng thụ ký cho chẳng qua là hai loại này (tức Phật và Bồ tát).
2) Ký thể : chỉ Hậu đắc thế tục trí.
3) Ký dụng : chỉ ngôn giáo, chỉ Tha thụ dụng, Biến hóa thân v.v… 
Trong năm uẩn, tùy ứng là thể, vì Thập địa Bồ tát, ba thừa khác nhau.
3. Sở thụ ký.
 Có hai ý : 
          A- Sở y .              B- Thể tính. 
A- Sở y : 
Tức là người được thụ ký. Luận nói rằng có sáu chốn thị hiện :
1) Biệt ký : bốn vị Thanh văn là các ông Xá Lợi Phất, Đại Ca Diếp  v.v…, đó là những vị mọi người đều quen biết, danh hiệu khác nhau, nên thụ ký riêng biệt cho từng vị. 
2) Đồng ký : bọn ông Phú Lâu Na v.v… gồm 500 người và 1.200 người, vì cùng một danh, cùng đồng thời được thụ ký.
3) Hậu ký : hạng học và vô học cùng có chung một hiệu, tuy cũng được thụ ký nhưng là hạng hạ căn, chẳng phải là hạng mọi người đều biết, bởi thế sau mới thụ ký cho.
4) Vô oán ký : đó là việc thụ ký cho Đề Bà Đạt Đa, thị hiện Như Lai không oán ghét.
5) Thông hành ký : việc thụ ký cho Tỳ kheo ni cùng thiên nữ, thị hiện phụ nữ dù tại gia hay xuất gia nếu tu hạnh Bồ tát thì đều chứng quả Phật.
6) Cụ nhân ký : chỉ rõ các chúng sinh có Phật tính.
Sáu loại ký này : 
– Biệt ký ở trong phẩm Thí Dụ và phẩm Thụ Ký.
– Đồng ký ở trong phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký.
– Hậu ký ở trong phẩm Thụ Học Vô Học Nhân Ký.
– Vô oán ký ở trong phẩm Đề Bà Đạt Đa.
– Thông hành ký ở trong phẩm Pháp Sư và phẩm Trì. 
– Cụ nhân ký ở trong phẩm Thường Bất Khinh.
Theo lý mà suy thì các hạng đời khác chưa phát tâm cùng hạng đã phát tâm rồi, hạng Bất định tính nhị thừa cùng các Bồ tát, bốn hạng người này gọi là Sở thụ ký.
Một hội Pháp Hoa là cốt để giáo hóa đại chúng bỏ quyền mà lấy thực, nên hạng Vô vi Thập địa Bồ tát thụ ký đó là nhắc lại chuyện xưa. Có loại chưa phát tâm được thụ Cụ nhân ký. Biệt ký thì chỉ có loại đời khác đã phát tâm rồi, chỉ nghe Pháp Hoa không một ai là không thành Phật. Thế là thụ ký cho tới cả hạng Bất định tính nhị thừa. Không còn sót ai.
B- Thể tính :
Nhân thể tức là Thiện căn vô lậu thông với hiện tại, cùng Chủng nhân sở đắc quả thể thông với năm uẩn, phần nhiều là Hóa thân và Tha thụ dụng giả. Đó là để thể hiện lòng từ bi, để thể hiện đức cao. Đó là vì có sự sai biệt, vì giáo hóa chúng.
Các loại Ký biệt ở dưới sẽ chỉ rõ cụ thể.
 4. Thụ ký khác nhau.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật bảo Bồ tát Kiên Ý : “Thụ ký tất cả có bốn loại :
• Có loại chưa phát tâm mà vẫn thụ ký cho.
• Có loại vừa phát tâm, đã thụ ký cho.
• Có loại mật thụ ký.
• Có loại đắc Vô sinh pháp nhẫn hiện tiền thụ ký.
 Đó gọi là bốn loại. Chỉ có Như Lai mới có thể biết việc này”. 
Trong Bảo Vân cũng nói giống thuyết này.
Du Già, quyển 46 nói : đại để do sáu tướng được các Như Lai thụ Ký biệt cho về Vô thượng chính đẳng Bồ đề.  Sáu tướng đó là những gì ? 
1) An trụ ở địa vị chủng tính chưa phát tâm.
2) Ở địa vị đã phát tâm.
3) Ở địa vị hiện tại tiền.
4) Ở địa vị Bất hiện tiền.
Bốn loại trên đây giống với Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Loại Mật thụ ký tức là loại Bất hiện tiền, vì tại chỗ bí mật. Hoặc Đắc vô sinh nhẫn gọi là Hiện tiền. Chưa đắc thì gọi là Bất hiện tiền. Hoặc thân tại tòa thì gọi là Hiện tiền. Thân chẳng tại tòa thì gọi là Bất hiện tiền.
Trong quyển thứ tư ở dưới và trong hạng Đồng ký có người chẳng có mặt tại hội, Phật khiến truyền ký cho. Đó chính là loại này.
5) Có định thời hạn. Có nghĩa là tới thời ấy sẽ chứng Vô thượng Chính đẳng Bồ đề.
6) Không định thời hạn. Có nghĩa là chẳng nói rõ thời hạn quyết định mà cứ thụ ký cho.
Nay Xá Lợi Phất thì đúng với các tướng thứ hai, thứ ba và thứ sáu, vì đã phát đại tâm, hiện trụ trước Phật, không định thời hạn. 
Kinh Niết Bàn nói : Tu đà hoàn thì tám vạn kiếp, tới. A la hán thì hai vạn kiếp, tới. Bích chi Phật thì mười ngàn kiếp, tới.
Nói “Tới”, có nghĩa là đạt tới A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm. Cho nên biết rằng trải qua số kiếp như thế mới tới Thập tín sơ tâm, mới bắt đầu nhập sơ kiếp.
Bồ Tát Địa nói : Tu hành loanh quanh chẳng bằng Bồ tát sơ tâm thủy nghiệp (Bồ  Tát mới phát tâm, mới tu hành), vì sự đam mê chấp trước cái vị tịch diệt quá sâu nặng.
Do đó, nay nói qua vô lượng kiếp mới bắt đầu cúng dường bao nhiêu ngàn vạn ức Phật, hành đạo Bồ tát v.v….
Có ba quyết h định :
1/ Chủng tính định : gặp duyên liền chứng được chính giác.
2/ Phát tâm định : phát đại tâm rồi, chẳng thoái chuyển nữa.
3/ Bất hư hành định : được tự tại rồi thì làm lợi cho hữu tình, không bao giờ sống uổng.
Đầu tiên tại Địa tiền, trong năm loại Bồ đề, vì phát tâm Bồ đề. Thứ nữa tại Sơ địa, vì chứng phát tâm. Cuối cùng tại Bát địa. 
Nay y Sơ định, nên thụ ký cho.
5. Giải đáp thắc mắc. 
Luận nói rằng : hàng Thanh văn v.v… ấy phải chăng là thực thành Phật nên thụ ký cho, hay chẳng thành Phật mà cứ thụ ký cho ? 
Nếu thực thành Phật, thì cớ sao Bồ tát phải trải qua vô lượng kiếp tu tập vô lượng công đức ? 
Nếu họ chẳng thành Phật thì sao lại thụ ký sằng bậy bừa bãi cho họ ?
Ý này khó nói, nếu hạng Thanh văn v.v… chỉ cần trụ một trăm kiếp luyện căn, tu hạnh Thanh văn liền thực sự được thành Phật, vì thế mà thụ ký cho họ. Thế thì Bồ tát vì cớ gì phải trải qua vô lượng kiếp tu tập vô lượng công đức mới được thành Phật. Vì Bồ đề ít nhân đã có thể thực sự thành Phật. Nếu hạng Thanh văn dẫu tu ít nhân cũng chẳng được thành Phật, thế thì cần gì mà nay thụ ký sằng cho họ ?
Luạân tự giải đáp rằng : hạng Thanh văn ấy được thụ ký thì được cái tâm quyết định, chứ chẳng phải là đã thành tựu được pháp tính. 
Ý này nói rằng : 
Thụ ký cho hạng Thanh văn ấy là để khiến cho họ được cái tâm quyết định thành Phật, đặng tiến tu diệu hạnh ; chứ chẳng phải là họ đã chứng hội Pháp tính nhị không, thành tựu chân lý, mà thụ ký cho. 
Luận còn giải thích thêm : Như lai dựa vào ba thừa bình đẳng mà thuyết pháp nhất thừa, vì Pháp thân Như Lai và Pháp thân hạng Thanh văn đó không khác.
Thụ ký cho : không có nghĩa là đã tu hành đầy đủ công đức nên thụ ký cho.
Thập địa Bồ tát thành tựu pháp, nên công đức đầy đủ. Còn các Thanh văn thì công đức chưa đầy đủ. 
Bởi vậy Bồ tát tu vô lượng hạnh mới được Bồ đề. Thanh văn chưa tu vô lượng công đức, chỉ vì muốn khiến họ được cái tâm quyết định thành Phật nên thụ ký cho họ.
Hỏi : Thanh văn vô học – hết hẳn hậu hữu, cớ sao lại thụ ký cho họ là trải qua ba đại kiếp sẽ được Bồ đề ?
Đáp : Hiển Dương luận nói : y vào Biến hóa thân, chẳng phải Nghiệp báo – thân, nên chẳng trái lý.
Thành Duy Thức nói : tức là biệt danh của Biến dịch sinh tử. Ý này nói rằng : trước khi phát tâm thì hiện thân có hạn. Do sau khi được thụ ký phát đại thệ nguyện, cầu đại Bồ đề, độ loài hữu tình, liền nhập Biên tế vô lậu thắng định, nhờ vào những việc đã làm trước kia mà cảm nghiệp thân nay, khiến nghiệp ấy trường kỳ chẳng đoạn tuyệt với quả. Nghiệp sở tư này do vô lậu tư biến chuyển lần lần thành vi diệu, vì các thứ thô tháp cũ đổi khác chín muồi rồi thì đổi thành vi tế, quảng đại, thù diệu khác hẳn cái gốc. Giống như trong sự biến hóa. Sự biến dịch này khác với thời cũ, gọi là Biến dịch sinh tử, luôn luôn giúp phát triển cho đến khi thành Phật. 
Do họ (chỉ Thanh văn) Phân đoạn sinh tử tuy đều hết hẳn, (Phật) nói là quá ba trăm do tuần hóa làm một tòa thành, nhưng vì Biến dịch chưa hết, Phật nói là còn hai trăm do tuần nữa mới tới Bảo sở.
Phân đoạn sinh tử tuy đều hết hẳn, nhưng vẫn thụ Biến dịch sinh cho đến khi thành Phật.
Hạng Thanh văn thú tịch thì không có sự này. 
Kinh Thắng Man nói rằng : “Vô minh trụ địa là duyên, Vô lậu nghiệp là nhân, sinh ra ba loại Ý sinh thân là A la hán, Bích chi Phật và đại lực Bồ tát”. 
Nói rộng ra thì như Phật địa trong Du Già, Biệt chương trong Duy Thức v.v…
6. Các loại khác nhau trong hàng Thanh văn. 
Luận nói rằng Thanh văn có bốn loại : 
1) Quyết định.   3) Thoái Bồ đề tâm. 
2) Tăng thượng mạn.  4) Ứng hóa. 
-Như Lai thụ ký cho : có hai loại, đó là loại Ứng hóa và loại thoái Bồ đề tâm, trừ các loại Quyết định, Tăng thượng mạn ra vì căn chưa chín nên Như Lai chẳng thụ ký cho.
-Bồ tát thụ ký cho : 
Việc Bồ tát thụ ký cho, đó là phương tiện để khiến họ phát tâm. Như việc Thường Bất Khinh thụ ký cho. Đây nói kẻ căn chưa chín, kẻ tăng thượng mạn có thể như thế. Hạng thú tịch rốt ráo chẳng chín cớ sao lại nói là chưa chín ?
“Chưa” : cũng có nghĩa là “chẳng”.
Theo lý, lẽ nên nói rằng : hạng thú tịch chẳng ngu về pháp, nhưng tín căn chưa chín, nên Phật chẳng thụ ký cho, vì chẳng ký rõ ràng là đời nào sau này sẽ được làm Phật.
-Bồ tát ký biệt :
Việc Bồ tát ký biệt, đó là sự ký biệt chung chung vì có cái lý Phật tính (tức hết thảy chúng sinh đều có Phật tính), nên ký biệt để làm phương tiện khiến người được thụ ký phát tâm tín hướng đại thừa. Hạng tăng thượng mạn, vì cái căn tín hướng chưa chín, cho nên Phật cũng chẳng ký biệt rõ ràng về sự sau này sẽ thành Phật.
Bồ tát cũng chỉ là ký biệt chung chung, để làm phương tiện khiến phát tâm tín hướng. Nay gộp lại thành văn mà nói là : “căn chưa chín” chứ chẳng phải hạng thú tịch cũng sẽ có thể thành Phật.
Trang Nghiêm luận nói rằng : người khác lúc Niết bàn thì thiện căn hết. Bồ tát thì thiện căn chẳng thế. 
Trong Kinh Niết Bàn nói : “nói rằng Tu đà hoàn v.v… đều được thành Phật, đó gọi là chẳng hiểu ý ta”. Cho nên biết rằng hạng thú tịch nhất định chẳng được làm Phật.
Loại Thanh văn ứng hóa, có người nói đó tức là Xá Lợi Phất. Bốn vị đại Thanh văn là hạng thượng căn, năm trăm đệ tử là hạng trung căn, bọn hữu học và vô học là hạng hạ căn.
Nay lý giải chẳng thế.
Kinh Hoa Nghiêm thoạt đầu nói có Xá Lợi Phất là ứng hóa, sau tới phẩm Nhập Pháp Giới Xá Lợi Phất đem sáu ngàn đệ tử từ trong phòng mình ra, được Văn Thù Sư Lợi thuyết cho mười pháp, mới phát tâm Bồ đề, tức là việc được thụ ký ở trong này. Cho nên chẳng phải là loại ứng hóa. 
Chỉ một mình Xá Lợi Phất là Thanh văn thượng căn. Bốn vị đại Thanh văn là hạng trung căn. Năm trăm đệ tử  là hạng hạ căn. Cứ  theo như  phần dưới kinh này mà nói thì bọn các ông Phú Lâu Na v.v… là loại Ứng hóa trong hội Pháp Hoa.
Cứ như sự giải thích về “Hóa” trong Nhiếp Luận, Thập nghĩa Nhất thừa, cũng giống như Kinh Lăng Già v.v… thì Thanh văn nhiều kiếp nhập Niết bàn, uống rượu tam muội, say khướt mà nằm, sau từ định mà trở dậy phát tâm hướng đại thừa v.v… . Đó là sự hóa tác của chư Phật Bồ tát để dẫn dụ các loại khác vậy.
*
-Kinh văn : “Tên nước là Ly Cấu”  tới  “người trời đều thịnh”. 
Tán rằng : dưới là mục thứ hai : cõi ngoài trang nghiêm, đó là Hóa tịnh độ. 
Văn có mười điều. Trong này có năm :
1) Quốc hiệu : là Ly Cấu, vì được thuần thiện, không có lục cấu (sáu thứ cáu bẩn).
2) Độ tướng (hình tướng của quốc độ) : cơ địa bình chính, tâm lìa cao mạn, ở trong hai thứ hơn kém mà không sợ, không khinh vì lìa xiểm mạn.
3) Tịnh uế : thanh tịnh nghiêm sức, vì chúng sinh tâm tịnh, nên cõi Phật tịnh.
4) An dật (yên ổn, nhàn nhã) : yên ổn, sung túc sung sướng vì không có các chuyện chém giết, trộm cắp, đánh chửi, binh đao, đói khát, không có ba nhân ác.
5) Thiện ác : trời, người đều rất thịnh vì không có ác tri hữu (bạn quen xấu) khác ở ngoài. Phân biệt, phiền não hết thảy đều không thì không có đường ác, nên người, trời mới thịnh.
*
-Kinh văn : “Lưu ly làm đất”  tới  “thường có hoa quả”. 
Tán rằng : văn này có năm điều :
6/ Nghiêm sức (trang hoàng) : lấy lưu ly làm đất, vì tâm không tỳ vết. 
7/ Lộ trụ (đường lối) : có đường tám nẻo giao nhau, vì tu tám trai giới, tám Thánh đạo :
Đông tây có bốn, Nam bắc có bốn gọi là đường tám nẻo giao nhau. Hoặc Đông tây có tám, Nam bắc cũng tám, từ một phương mà đặt tên. Hoặc đường của tám phương, gọi là đường tám nẻo giao nhau (bát giao đạo). Như rẽ chín hướng thì gọi là Quỳ.
8/ Đường : được trang sức bằng dây vàng ròng giăng làm ranh giới lối đi, đó là do cảm ứng của Bốn tổng trì.
9/ Rừng rú :  gồm các hàng cây bằng bảy thứ báu, vì tu bảy Thánh tài, trì bảy chi giới.
10/ Hoa quả : thường có hoa quả, vì được tăng trưởng nhờ nhân hằng tu bảy giác, tám giải thoát.
*
-Kinh văn : “Hoa Quang Như Lai”   tới   “giáo hóa chúng sinh”. 
Tán rằng : dưới là mục ba : Thuyết pháp giống nay. Có hai phần : 
• Phần đầu nói rõ giống nay.
• Phần sau giải thích lý do.
 Đây là phần đầu. 
Vì giống nay nên gọi là “cũng thế”. Tuy chẳng phải là đời ác, chẳng phải uế độ, đã nói là thanh tịnh, là đã nói rõ đó là Hóa tịnh độ.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “thuyết pháp tam thừa”. 
Tán rằng : đây là giải thích lý do. 
Cứ thực thì đức Thích Ca cũng do bản nguyện. 
Nay dựa vào nguyện lực, cứ ra ở đời ác, muốn chứng minh rằng các cách làm lợi của chư Phật chẳng giống nhau.
 Ta ra ở đời ác, giáo hóa chúng sinh, thoạt đầu thì dùng phương tiện, sau đó thì dùng chân thực, cho nên mới dùng tam thừa. 
Ý nguyện của Hoa Quang Như Lai là muốn giúp đỡ khắp. Sở dĩ chỉ nêu bản nguyện như vậy là vì muốn khiến cho chúng sinh biết rằng, thời đức Phật đó không có chúng sinh ác nào muốn sinh nơi đó, nên thuận theo tập quán vốn có của họ mà điều phục nhị thừa, thuyết pháp tam thừa, chứ chẳng phải là giáo hóa chúng sinh ác, lúc đầu bằng quyền thừa, sau bằng thực thừa.
*
-Kinh văn : “Tên kiếp ấy ”    tới    “là đại bảo”. 
Tán rằng : dưới là mục thứ tư : tên kiếp khác nhau. Đầu thì nêu lên, sau là giải thích.
*
-Kinh văn : “Các Bồ tát đó”   tới   “không ai biết được”. 
Tán rằng : dưới là mục thứ năm : Giúp đỡ hơn kém. Có hai phần :
• Phần đầu giải thích riêng về đức. 
• Phần sau là tổng kết lại.
Văn có mười đức. Đây có một đức :
1) Các thánh khó lường, như rừng chiên đàn, chiên đàn vây quanh.
*
-Kinh văn : “Nếu khi muốn đi ”   tới   “đều trồng gốc đức đã lâu”. 
Tán rằng : đây có hai đức.
2) Hoa lành ứng với bước chân, vì tâm thường vượt trên hoa Cửu tịnh. 
Hiển Dương luận, quyển ba nói rằng : 
Cửu tịnh gồm : 
1/ Giới tịnh. 
2/ Tâm tịnh. 
3/ Kiến tịnh. 
4/ Độ nghi tịnh. 
5/ Đạo phi đạo tri kiến tịnh. 
6/ Hành tri kiến tịnh. 
7/ Hành đoạn tri kiến tịnh. 
8/ Vô duyên tịch diệt tịnh. 
9/ Quốc độ tịnh. 
Bảy thứ đầu là hoa Thất tịnh như luận ấy đã giảng rộng.
3) Diệu nhân vun trồng đã lâu, vì chẳng phải sơ phát tâm mà thiện căn đã thuần thục.
*
-Kinh văn : “Ở vô lượng trăm ngàn”  tới  “được ca ngợi tán thán”. 
Tán rằng : đây có hai đức :
4) Thiện duyên xưa gặp, vì phát đại nguyện.
5) Danh tiếng cao xa, vì mọi người biết.
*
-Kinh văn : “Thường tu Phật tuệ”  tới  “các pháp môn”. 
Tán rằng : đây có ba đức :
6) Hằng cầu Phật trí, vì thích đại giác.
7) Việc giáo hóa đối với ngoài từ lâu đã thành, vì sẵn đức Từ bi.
8) Xem xét bên trong nay đã đầy đủ, vì không mê lầm. 
Môn về pháp nghĩa đó là Giáo. Môn về pháp giáo đó là Nghĩa. Hai cách giải thích đều được.
*
-Kinh văn : “Chất phác thẳng thắn không hề giả dối, chí niệm kiên cố”. 
Tán rằng : đây có hai đức :
9) Tính thuần không kiêu, vì không lừa dối xiểm nịnh.
10) Tâm siêng chẳng chùn, vì hành vị cao, vì trực tâm là đạo tràng, vì chất trực thì phiền não chẳng động được, cho nên chí niệm kiên cố.
*
-Kinh văn : “Bồ tát như thế đầy khắp trong nước ấy” .
Tán rằng : đây là tổng kết phần giải thích.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất ”  tới  “thọ tám tiểu kiếp”.
Tán rằng : dưới đây là mục thứ sáu : Pháp trụ lâu mau.  Có bốn ý : 
1. Tuổi thọ của Phật. 
2. Tuổi thọ của chúng sinh. 
3. Thụ ký sẽ thành Phật. 
4. Ký về Chính pháp Tượng pháp. 
Đây là phần một và hai : 
Chúng sinh của đức Thích Ca bạc phúc, ít tuệ, nên tuổi thọ của Phật ngắn, tuổi thọ của chúng sinh dài. Phần thứ năm của tuổi thọ để lại là để bố thí cho đệ tử  thời vị lai. 
Chúng sinh được Hoa Quang Như Lai hóa độ, phúc tuệ tự tu chẳng nhờ đến Phật ban cho, nên tuổi thọ Phật dài mà tuổi thọ chúng sinh ngắn. 
Thêm nữa, chúng sinh của đức Thích Ca phước bạc vô cảm, nên tuổi thọ của Phật ngắn, vì chẳng cảm Phật. Chúng sinh của đức Hoa Quang nhiều phúc, có cảm, nên tuổi thọ của Phật dài vì cảm sự hóa độ của Phật.
*
-Kinh văn : “Hoa Quang Như Lai”   tới   “ký Tam Bồ Đề”.
Tán rằng : dưới đây là mục thứ ba : thụ ký sẽ thành Phật.
Có ba ý : đầu tiên là ký thời, thứ hai là Chính ký, thứ ba là quốc độ. 
Đây là phần đầu.
Quá mười hai kiếp : vì kiếp thọ của Phật đã mãn, mới thụ ký.
Tinh tiến thành tựu : gọi là kiên mãn.
*
-Kinh văn : “Bảo các Tỳ kheo”  tới  “Tam Miệu Tam Phật Đà”. 
Tán rằng : đây chính là thuyết minh về Ký.
Hoa Túc : có nghĩa là hoa báu nâng chân. Nhờ nghe Kinh Pháp Hoa làm nhân, thành Phật quả viên mãn nên gọi là Hoa Túc.
An Hành : do khai mở Pháp Hoa, tu hành An lạc hạnh, nên gọi là An Hành. 
Có thuyết nói rằng yên ổn từ từ mà định thì gọi là An hành. Đây chẳng phải là cách giải thích hay, bởi vì có Phật nào mà lại đi đứng lật đật tất tưởi đâu !
Đa Đà A Già Độ : có nghĩa là Như Lai.
A La Ha : có nghĩa là “Ứùng” .
Tam Miệu Tam Phật Đà : có nghĩa là Chính đẳng giác. 
Kinh mới dịch, dịch là Như Lai Ứng Chính đẳng giác. Xưa dịch là Như Lai Ứng cúng Chánh biến tri.
*
-Kinh văn : “Nước Phật ấy cũng như vầy”. 
Tán rằng : đây thuyết minh đất nước cũng giống như đất nước của Phật Hoa Quang, đó là kết quả của cái nhân tu hành Pháp Hoa.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “ba mươi hai tiểu kiếp”. 
Tán rằng : đây là mục thứ tư : Ký về Chính pháp Tượng pháp.
Nếu là Chính pháp của Phật, thì có đầy đủ ba thứ Giáo, Hành, Chứng. Nếu là Tượng pháp của Phật thì chỉ có Giáo Hành, mà không Chứng quả. 
Nếu là Mạt pháp của Phật, thì chỉ còn Giáo, mà Hành Chứng đều không có. Theo Giáo Hành, hành chứng quả khác nhau, nên Chính pháp của Phật Thích Ca ngắn, Tượng pháp dài. Chẳng độ cho nữ, Chính pháp Tượng pháp mỗi thứ một ngàn năm. Vì độ cho nữ, nên Chính pháp giảm một nửa. 
Nay Hoa Quang Phật Chính pháp Tượng pháp bằng nhau, tuy có ba thừa, nhưng loại Bồ tát nhiều, nên gọi là Đại Bảo. Dẫu có bốn chúng nhưng phụ nữ trì giới, nên chẳng giảm Chính pháp.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ đức Thế tôn ”  tới  “sẽ độ vô lượng chúng”. 
Tán rằng : dưới là 11 tụng rưỡi, chia làm hai phần : 
– 10 tụng rưỡi đầu, tụng về thụ ký trước.
– 1 tụng sau, tụng về đoạn thứ hai trong việc thụ ký : Kết hội khiến cho ưa thích.
Trước Nhân ký có bốn, Quả ký có sáu.
Nay tổng kết chia làm ba phần :
• 1 tụng nói về nội đức trang nghiêm trong Quả ký. 
• 1 tụng nói về Nhân ký. 
• 8 tụng rưỡi nói về bốn nghĩa của Quả ký.
Đây là phần đầu. 
Phổ trí : là Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, vì cả hai đều có tính phổ biến.
*
-Kinh văn : “Cúng dàng vô số Phật”   tới    “chứng về đạo Vô thượng ”. 
Tán rằng : đây là tụng về Nhân ký. Có hai ý : 
1) Gặp duyên lành. 
2) Có đủ đạo Bồ tát. 
Tính ra thì cũng có thời gian : quá vô lượng kiếp thì nhập trong tụng sau, nên đây chỉ có hai.
*
-Kinh văn : “Quá vô lượng kiếp rồi”  tới  “thường có hoa và quả”. 
Tán rằng : dưới đây là 8 tụng, tụng Quả ký. Có bốn nghĩa, chia làm bốn : 
– Nửa tụng, tụng về tên kiếp khác nhau hoặc giống nhau. 
– 1 tụng rưỡi, nói về ngoại độ (cõi ở ngoài) trang nghiêm. 
– 2 tụng,  nói về việc giúp đỡ hơn kém.
– 4 tụng, nói về tuổi thọ của Phật dài hay ngắn.
 Chẳng tụng về việc thuyết pháp giống ngày nay. 
Đây là văn hai nghĩa đầu. 
Ngoại độ trang nghiêm có sáu nghĩa : 
1) Danh.               4) Giới. 
2) Tịnh.  5) Cây. 
3) Địa.                 6) Hoa quả. 
Chẳng tụng về bốn nghĩa khác.
*
-Kinh văn : “Bồ tát trong nước đó ”  tới   “do Phật Hoa Quang độ ”. 
Tán rằng : đây là mục giúp đỡ hơn kém.
      Có bốn ý : 
1. Bất thoái.         2. Ngoại hóa.
  3. Gặp thiện hữu.  4. Gây nhân tốt. 
Chẳng tụng  bốn ý khác. 
*
-Kinh văn : “Lúc Phật là vương tử”  tới  “thọ mệnh tám tiểu kiếp”. 
Tán rằng : dưới là 4 tụng rưỡi, nói về tuổi thọ của Phật lâu hay mau.  Có bốn phần :
– 1 tụng rưỡi, nói về tuổi thọ của Phật. 
–  Nửa tụng, nói về tuổi thọ của người. 
– 1 tụng rưỡi, nói về thời gian của Chính pháp, Tượng pháp. 
– 1 tụng, nói về việc lưu hành xá lợi.
Chẳng tụng về việc thụ ký. Thêm phần cúng dường xá lợi. Đây tức phần đầu và phần thứ hai.
Trong này lẽ ra phải nói rằng : thời là thân cuối cùng, khi làm vương tử, Phật đã bỏ nước, bỏ sự vinh hoa mà xuất gia thành đạo. Vì văn nói ngược nên trước hết nói việc vương tử bỏ nước, bỏ vinh hoa, rồi sau mới nói hậu thân thành Phật đạo. Hoặc văn này ý nói về vô lượng sinh thân làm vương tử  bỏ nước bỏ vinh hoa, tới thân cuối cùng mới thành Phật đạo.
*
-Kinh văn : “Sau khi Phật diệt độ”  tới  “Tượng pháp ba mươi hai”. 
Tán rằng : đây tụng về thời gian của Chính pháp và Tượng pháp.
Ngày, đêm, tháng, mùa, năm là kiếp.
*
-Kinh văn : “Xá lợi lưu truyền rộng”  tới “sự đó đều như vậy”. 
Tán rằng : đây tụng về việc xá lợi lưu hành cùng với kết luận.
*
-Kinh văn : “Vị Lưỡng túc tôn đó”  tới  “nên phải tự vui mừng”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ hai nói về kết hội khiến ưa thích, giáo hóa cho tâm họ kiên định, khiến họ cầu quả Phật.
Chữ “Luân” : có nghĩa là Loại, cũng có nghĩa như chữ Thất trong từ Thất phối (sánh đôi, sánh với). Ý nói Lưỡng túc tôn là bậc không có ai sánh kịp.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ bốn bộ chúng”   tới   “để cúng dàng Phật”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ hai trong phần thụ ký nói về việc chư thiên cúng dường, tán thán, hồi hướng. 
Trong này có hai phần : 
• Phần đầu tứ chúng bát bộ cúng dàng. 
• Phần sau là chư thiên cúng dàng tán thán.
 Đây là văn phần đầu : biểu thị được đội ơn Phật cũng giống như được áo Phật che cho. Cũng biểu thị cái ý đã nói ở trên, là khi nào thành Phật quả thì sẽ thuyết pháp này cho người khác, ví như để che cho chúng sinh, cho nên đem áo mà cúng dàng.
Cho nên văn dưới nói rằng : “Ai trì kinh này sẽ được áo Phật che cho”.
*
-Kinh văn : “Thích Đề Hoàn Nhân” tới “cúng dàng Phật”. 
Tán rằng : dưới đây là chư thiên tán thán cúng dàng. 
Có hai phần : phần đầu là cúng, phần sau là tán. 
Trong cúng lại có hai : đầu là cúng áo và hoa, sau là cúng kỹ nhạc. 
Phần đầu cúng áo và hoa có hai ý : đầu là cúng dàng, sau là linh tướng. 
Đây là ý đầu : đem hoa cúng dàng là để biểu thị cái ý nghe Pháp Hoa thì sẽ được quả Phật.
*
-Kinh văn : “Áo trời trải ra”  tới  “mà tự hồi chuyển”.
Tán rằng : đây là linh tướng. 
Trụ ở hư không : thể hiện rõ nghe Kinh Pháp Hoa, siêu xuất tứ sinh, tâm ngưng đọng diệu lý. 
Hồi chuyển : có nghĩa là cúi nhìn khắp ba cõi, tình cảm xót thương các loài ngu xuẩn.
*
-Kinh văn : “Kỹ nhạc của chư thiên”   tới   “mưa các loại hoa trời”.
Tán rằng : đây là cúng dâng kỹ nhạc.
 Nhân nghe pháp thanh mà ngộ đạo, nên tấu âm nhạc, biểu thị tu nhân nên quả mới mãn, bởi vậy mưa hoa trời.
*
-Kinh văn : “Mà nói lời này”  tới  “tối đại pháp luân”. 
Tán rằng : dưới đây là tán thán, có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng.
Đây là phần đầu.
Trong này chỉ nhắc lại pháp luân hai thời, vì so sánh giữa đại thừa và tiểu thừa, đối với hạng Bất định tính, so sánh quyền và thực với nhau. Cứ thực thì cũng so sánh với Không giáo Bát nhã. Đây là trung đạo, gọi là tối đại pháp luân.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ các Thiên tử ”   tới   “ít có ai tin được”. 
Tán rằng : dưới là 6 tụng rưỡi. Chia làm bốn phần : 
– 2 tụng đầu, nói rõ xưa thuyết tiểu thừa, nay thuyết đại thừa.
– 1 tụng rưỡi, tán thán pháp thắng điệu, rồi tùy hỷ.
– 2 tụng, nêu người khác tỏ rõ bản thân làm Phật sẽ sinh hoan hỉ.
– 1 tụng : hồi hướng.
 Đây là phần đầu.
Ngũ chúng : tiếng Phạm là Bát Già Tắc Kiến Đà. Đây gọi là Ngũ uẩn. Vì có đầy đủ mười một loại nghĩa tích tụ nên gọi là uẩn. Nay gọi là chúng, chúng có nghĩa là tụ. Hoặc gọi là Ngũ ấm, đều trái với chính danh (cách dịch đúng).
Căn cứ vào pháp Ngũ uẩn trong tam khoa để phân tích Tứ đế, cho nên biết rõ lúc đầu là quyền. Nay hội này thuyết pháp khó lý giải, bỏ quyền theo thực. Nói “ít có ai tin được”, vì là pháp thâm áo, quyền thực trái nhau.
Y vào Đại Bát Nhã thì sơ chuyển pháp luân, tam thừa nhập đạo. 
Nay căn cứ vào hiển tướng thì chỉ độ Thanh văn, nên nói Ngũ chúng để thuyết minh quyền pháp. 
Thâm áo :  có nghĩa là bí tàng, vì đại thừa vi diệu.
*
-Kinh văn : “Chúng tôi từ xưa nay”  tới   “chúng tôi đều tùy hỷ”. 
Tán rằng : tán thán pháp thắng diệu, thâm sinh tùy hỷ. 

Tùy : có nghĩa là thuận (theo), vì thuận theo Phật giáo mà tu hành.
*
-Kinh văn : “Đại trí Xá Lợi Phất”   tới   “phương tiện tùy nghi thuyết”. 
Tán rằng : nêu người khác để nói rõ tự mình làm Phật sinh ra hoan hỷ. Phật thụ ký cho người khác, tỏ rõ ta cũng được làm Phật. Cho nên biết rằng đạo Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Phương tiện tùy nghi khiến ta hiểu rõ.
* Chữ Phả : nghĩa là chẳng thể. Ngược với chữ Chính là Phạp, ngược với chữ Khả là Phả, đó đều là ý nghĩa của chữ. 
*
-Kinh văn : “Mọi phúc đức của ta”   tới   “đều hồi hướng đạo Phật”. 
Tán rằng : đây là hồi hướng Phật quả thành tựu Ba la mật, Pháp cúng dàng.
Đó tức là phương tiện thiện xảo trí vậy.
 

KINH PHÁP HOA HUYỀN TÁN 
QUYỂN THỨ NĂM – PHẦN TRƯỚC 
ĐÃ XONG

Ngày cuối tháng đầu mùa Đông, năm Bảo An thứ ba, dùng bản của Viên Như phòng, chùa Hưng Phúc đem ra chép, đánh dấu ngắt câu xong xuôi. 
Bản in của Sư Tăng Giác, chùa Pháp Long cũng đều là bản đã ngắt câu.
Thêm nữa, bản của Chu Hoặc cũng đã ngắt câu, đem in cùng với bản của Chu Hoặc. Trong bản này có chữ đã mất, tả hữu đính chính lại bản Chu Hoặc.
“để pháp được trụ lâu dài”