KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN

QUYỂN THỨ MƯỜI (PHẦN TRƯỚC)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn

PHẨM TÙY HỈ CÔNG ĐỨC

Ba môn phân biệt :

  1. NÓI RÕ DỤNG Ý.
    II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
    III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
  2. NÓI RÕ DỤNG Ý. 

Có ba ý :

  1. Trong bảy phẩm học hành lưu thông, sáu phẩm cuối thuyết minh về người năng hành. Chia làm bốn phần. Từ phần thứ ba trở xuống có hai phẩm thuyết minh về công đức của Bàng tu hành và Chính y hành nhiều ít bao nhiêu. Phẩm này thuyết minh về phúc của Bàng tu hành. Cho nên mới có phẩm này.
  2. Trong quả nhất thừa, hai phẩm trên thuyết minh về quả đã mãn. Còn ba phẩm dưới thuyết minh về quả chưa mãn, chia làm hai. Phẩm này thuyết minh về phúc quả Bàng tu hành tùy hỉ nhiều ít bao nhiêu. Hai phẩm sau thuyết minh về phúc quả Chính y hành nhiều ít bao nhiêu. Cho nên mới có phẩm này.
  3. Luận nói rằng : pháp lực có 5 môn, trước đã thuyết minh 3 môn. Đây là môn thứ tư : nghe pháp, ý như trong phẩm Tùy Hỉ Công Đức đã nói. Do nghe người khác nói, rồi có thể sinh ra tùy hỉ cho nên gọi là nghe pháp. Phẩm này thuyết minh về ý ấy, cho nên phải có phẩm này.
  4. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.

“Tùy” : có nghĩa là thuận theo. 
“Hỉ” : có nghĩa là vui thích. 
Thân tâm thuận theo, rất là vui thích, lấy đó làm nhân sinh quả “Công Đức”. 
Phẩm này thuyết minh rộng về ý ấy, cho nên đặt tên phẩm như thế. Có nghĩa là tùy theo các điều sở Văn, sở Tư, sở Tu mà sinh tâm tùy hỉ.
Luận theo kinh cho nên lúc đầu chỉ nói về Văn (nghe pháp).

III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 

-Hỏi : phẩm này chẳng những (nói về) tự mình sinh ra tùy hỉ, mà còn giáo dục khuyến khích người khác (tùy hỉ). Vậy cớ sao chẳng đặt tên phẩm này là phẩm Khuyến Nhân ?

Đáp : đó là vì đặt tên theo cái gốc : nhân tự tùy hỉ rồi mới khuyên người khác.Ngoài ra, cả hai (tự mình và khuyên người) đều bao gồm trong Tùy Hỉ, cho nên hợp lại làm tên Tùy Hỉ.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Di Lặc”    tới    “thì được bao nhiêu phúc ?”. 
Tán rằng : phẩm văn chia làm hai phần :
– Phần đầu là Di Lặc thỉnh.
– Phần sau là Thế tôn đáp. 
Đây là phần đầu, gồm 2 mục : trường hàng và kệ tụng.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”    tới    “ngươi hãy lắng nghe”. 
Tán rằng : dưới là Thế tôn đáp. Chia làm ba phần :
1. Phần đầu : dùng hình thức so sánh để mà hỏi.
2. Phần hai : Di Lặc đáp.
3. Phần cuối : Phật mách bảo để thành tựu cho. 
Văn phần đầu lại chia làm ba mục :
1) Mục đầu : thuyết minh về người hay tùy hỉ.
2) Mục hai : thuyết minh về cảnh được so sánh.
3) Mục ba : là đoạn từ  “ý ngươi thế nào” trở xuống : chính thức đặt ra câu hỏi. 
Văn mục đầu này có hai phần :
– Phần đầu : thuyết minh về người đầu tiên tùy hỉ.
– Phần hai : chỉ người tùy hỉ sau khi đã so đọ. 
Văn phần đầu lại chia làm ba mục :
a) Mục đầu thuyết minh về lúc ban đầu.
b) Mục hai thuyết minh về chốn đi tới (vãng xứ).
c) Mục cuối thuyết minh về việc lần lượt đi tới các ngõ ngách. 
* Chữ [陌] Mạch, theo sách Ngọc Thiên là chỉ đường ruộng theo hướng Đông Tây. Vậy Mạch có nghĩa như Đạo, tức là đường vậy.
*
-Kinh văn : “Nếu bốn trăm vạn ức”    tới    “đủ tám mươi năm rồi”. 
Tán rằng : dưới là cảnh được so sánh. Trong có bốn phần : 
1. Chủng loại số lượng chúng sinh.
2. Các dụng cụ được bố thí.
3. Tuổi tác.
4. Đắc đạo. 
Đây là ba phần đầu. 
Trong phần nói về chủng loại chúng sinh có hai phần :
– Phần 1 : tách riêng ra mà bảo thì có năm môn :
a) Lục thú (sáu nẻo chúng sinh).
b) Tứ sinh (bốn loại chúng sinh, sinh ra theo bốn cách khác nhau).
c) Hình loại.
d) Tư tưởng khác nhau (tưởng thù).
e) Số lượng chân khác nhau (túc dị). 
Nghĩa của các môn này như chương khác đã nói.
“Vàng Diêm phù đề” : Diêm phù đề là tên loại cây ở Thiệm bộ châu, ở dưới nước gần cây này tại bờ bắc châu này có loại tử kim ánh sáng át cả ánh mặt trời, mặt trăng cho nên lấy tên cây ấy mà đặt tên cho loại vàng đó.
– Phần 2 : đoạn từ “Các loại chúng sinh như vậy” trở xuống : kết luận.
*
-Kinh văn : “Mà nghĩ như vầy”    tới    “đủ tám giải thoát”. 
Tán rằng :  đây là khiến cho đắc đạo. Trong có hai mục :
1) Khởi niệm.
2) Hóa đạo.
*
-Kinh văn : “Ý ngươi thế nào ?”    tới    “há phải là nhiều chăng ?”. 
Tán rằng : đây là chính thức đặt câu hỏi.
*
-Kinh văn : “Di Lặc bạch Phật”    tới    “quả A la hán”. 
Tán rằng : đây là Di Lặc đáp. Thế quả đã nhiều, huống hồ lại còn khiến đắc thánh (quả).
*
-Kinh văn : “Phật bảo Di Lặc”    tới    “điều chẳng thể biết”. 
Tán rằng : dưới là Phật dạy về thành tựu. Có hai phần :
1) Đầu tiên : thành tựu của người thứ năm mươi.
2) Sau đó : thành tựu của người thứ nhất. 
Đây là phần đầu.
Một niệm tùy hỉ, khiến sẽ chứng được Bồ đề. Số chúng sinh được giáo hóa sẽ gấp bội số trên. Cho nên sẽ được nhiều phúc. 
Khiến đắc quả A la hán, thì chẳng thể thành Phật để tế độ rộng rãi cho chúng sinh, cho nên phúc sẽ kém. 
Cũng như so sánh tướng Phạm âm của Phật với tướng âm thanh của phàm phu.
*
-Kinh văn : “A Dật Đa”    tới    “chẳng thể so sánh được”. 
Tán rằng : dưới là thành thứ nhất. Văn chia làm năm phần :
– Phần đầu : thuyết minh chung về người đầu tiên tùy hỉ công đức hơn người thứ 50 nêu ở phần trước không gì sánh nổi.
– Phần thứ hai : quả tùy hỉ của người đi nghe pháp.
– Phần thứ ba : quả tùy hỉ của người khuyên người khác nghe, hoặc chia chỗ cho người khác ngồi nghe pháp.
– Phần thứ tư : quả tùy hỉ của người vâng lời đi nghe pháp.
– Phần thứ năm : nêu cái kém để thành tựu cái hơn. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Lại nữa, A Dật Đa”    tới    “chốn nơi ngồi”. 
Tán rằng : đây là phần hai và phần ba : quả tùy hỉ nghe pháp và quả tùy hỉ khuyên người khác nghe pháp : cũng được lục thông, tòa kim cương. 
Đây là căn cứ vào thế quả, chẳng phải là xuất thế quả. Nếu có bệnh thì được phép nằm nghe, đây là căn cứ vào lúc chẳng có bệnh, chỗ rộng thì chỉ khuyên nên ngồi mà nghe, chỗ hẹp thì khuyên chia chỗ mà ngồi nghe.
*
-Kinh văn : “A Dật Đa”    tới    “cùng sinh một chỗ”. 
Tán rằng : dưới là phần thứ tư : quả tùy hỉ thụ giáo đi nghe pháp. Có ba mục :
– Mục đầu : nói rõ được thiện hữu tốt.
– Mục hai : thuyết minh về phúc tuệ trang nghiêm.
– Mục cuối : thấy Phật, nghe pháp. 
Đây là mục đầu : được bạn hiểu pháp làm thiện hữu.
*
-Kinh văn : “Lợi căn trí tuệ”    tới    “không có những điều đáng ghét”. 
Tán rằng : dưới là phúc tuệ trang nghiêm, đó là lợi căn trí tuệ vậy. Các thứ khác đều bao gồm trong phúc. Trong phúc có 5 thứ :
1) Thanh tướng (tướng giọng nói).
2) Khẩu tướng (tướng miệng).
3) Tị tướng (tướng mũi).
4) Diện tướng (tướng mặt).
5) Chúng tướng (các tướng mạo). 
Đoạn từ “trăm ngàn vạn đời” trở xuống : là nói về các quả (khác). 
Khẩu tướng có 5 thứ :
1/- Khí (hơi thở).
2/- Thiệt (lưỡi).
3/- Lợi, vòm miệng v.v… không có bệnh.
4/- Răng không có 6 khuyết tật xấu.
5/- Môi không có 10 tướng xấu. 
“Chẳng vẩu chẳng ngắn” : 
* Chữ Khiên [褰] ở đây có nghĩa là khểnh, vẩu (chỉ răng). Chữ Súc [縮] ở đây là ngắn (vốn chữ này nghĩa là rút ngắn). 
“Chẳng thô tháp” : có nghĩa là nhỏ mịn. 
“Chẳng lở loét (miệng)” : 
* Chữ [    ] đọc là Chẩn, chỉ mụn nhọt ở môi. 
Có bản chép là “môi khít chẳng có mụn nhọt”.
“Chẳng méo” : có nghĩa là miệng chẳng méo. 
* Chữ [  ] đọc là Khỏa (thường đọc là Oa) : méo miệng.
*
-Kinh văn : “Mũi chẳng tẹt dí”    tới    “tướng chẳng đáng ưa”. 
Tán rằng : đây là tướng mũi và tướng mặt. 
 “Biển thê” : vốn có nghĩa là mỏng (bẹt), ở đây chỉ mũi tẹt dí.
* Chữ [     ] đọc   là Biển, vốn nên viết là [遍]. Chữ [睇] đọc là Thê, vốn nên viết là [   ]. 
“Khúc lệ” : có nghĩa là gãy gập. 
*Hai chữ [窊曲] đọc là Oa Khúc . [窊] Oa : có nghĩa là lõm xuống. Chữ [曲] Khúc : có nghĩa là “cong vạy”, nghĩa như chữ [枉] Uổng. Chữ [細] Tế, nghĩa như Tiểu [小], nghĩa là nhỏ.
*
-Kinh văn : “Môi, lưỡi, răng, lợi”    tới    “tướng người đầy đủ”. 
Tán rằng : đây là các tướng (khác), có sáu.
*
-Kinh văn : “Đời đời sinh ra”    tới     “tin tưởng tiếp thụ sự dạy bảo (của Phật)”. 
Tán rằng : đây là thấy Phật nghe pháp.
*
-Kinh văn : “A Dật Đa”    tới    “tu hành đúng như lời (Phật) thuyết”. 
Tán rằng : đây là phần thứ năm : nêu cái kém để thành tựu cái hơn.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “chẳng thể làm thí dụ”. 
Tán rằng : đây là 18 tụng, chia làm hai phần :
– 8 tụng đầu : Bàng tùy hỉ.
– 10 tụng sau : Chính tùy hỉ. 
Đây là phần đầu. Có ba mục :
+ 2 tụng đầu : nêu lên việc tùy hỉ.
+ 5 tụng sau : so sánh.

+ 1 tụng cuối : kết luận thành tựu.
*
-Kinh văn : “Nghe lần hồi như vậy”    tới    “thường từ miệng đó ra”. 
Tán rằng : dưới là 10 tụng, tụng về Chính tùy hỉ. Có 5 phần, đây có 2 phần :
– 1 tụng : thuyết minh chung về người đầu tiên tùy hỉ.
– 5 tụng : tụng về người tùy hỉ vâng lời đi nghe (pháp).
*
-Kinh văn : “Nếu cố tới tăng phường”    tới    “phúc ấy chẳng thể lường”. 
Tán rằng : đây có ba phần :
– 2 tụng đầu : tùy hỉ nghe pháp.
– 1 tụng sau : tùy hỉ chia chỗ khuyên người khác nghe.
– 1 tụng cuối : nêu cái kém để thành tựu cái hơn.
 

*** 

PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Có ba ý :
1. Trong sáu phẩm nói về người có khả năng tu hành trước đây, đã nói về phúc của người gián tiếp có khả năng tu hành, chưa nói về phúc của Pháp sư trực tiếp có khả năng tu hành. Nay chính thức thuyết minh về điều này. Cho nên mới có phẩm này.
2. Hai phẩm dưới nói rõ Chính y hành, phúc quả nhiều ít bao nhiêu. Trong đó, phẩm đầu thuyết minh chung về đắc quả nhiều ít bao nhiêu, phẩm sau dẫn đã chứng thành (đắc quả). Cho nên mới có phẩm này.
3. Luận giải rằng : Pháp lực có năm loại, loại thứ năm là Đọc tụng trì thuyết. Phẩm Thường Tinh Tiến đã thị hiện rõ. Trong phẩm này Phật bảo với Thường Tinh Tiến về công đức của Trì thuyết v.v… Cho nên mới có phẩm này. 
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM. 
Y theo pháp mà tu hành, có thể làm mẫu mực, cho nên gọi là “Pháp sư”. 
Chỉ nói về người năng hành, chứ chẳng phải là nói về pháp sở hành. 
Phẩm này nói rõ công đức của Pháp sư, cho nên gọi là phẩm “Pháp Sư Công Đức”.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi : vì sao trong phẩm Pháp Sư trước đây thì Phật bảo Dược Vương ; trong các phẩm Bảo Tháp, Thiên Thụ thì Phật bảo các Bồ tát và bốn chúng trời người ; trong phẩm An Lạc Hạnh thì Phật chỉ bảo một mình ngài Văn Thù ; trong các phẩm Như Lai Thọ Lượng, Phân Biệt Công Đức, Tùy Hỉ Công Đức thì Phật chỉ bảo riêng một mình ngài Di Lặc, thế mà phẩm Pháp Sư Công Đức này thì Phật lại bảo Thường Tinh Tiến, mà chẳng bảo các vị khác ? 
Đáp : Phẩm Pháp Sư thuyết minh về hai loại thầy: nhân và pháp. Dược Vương trước kia chẳng tiếc thân mệnh để hoằng dương Kinh pháp, lấy pháp làm thầy, lấy thân làm Pháp sư. Bởi vậy Phật mới bảo riêng Dược Vương.
Phẩm Bảo Tháp nói về pháp chứng, phẩm Thiên Thụ nói về nhân chứng, cốt để khuyến khích mọi người, cho nên Phật đã bảo chung. 
Phẩm An Lạc Hạnh thuyết minh về ba nghiệp thiện hành để tránh sự hủy hoại thương tổn, ngài Văn Thù thường khuyên chúng sinh tu hành, thường làm bậc thiện hữu của chúng sinh, bản thân ngài cũng tự mình đi đầu trong việc tu hành, cho nên Phật chỉ bảo riêng ngài Văn Thù. 
Phẩm Thọ Lượng thuyết minh về ba Phật Bồ đề. Phẩm Phân Biệt Công Đức thuyết minh về thứ bậc chứng đạo. Phẩm Tùy Hỉ Công Đức so sánh khuyến khích mọi người mong cầu Phật quả. Nếu tự mình chẳng phải là bậc địa vị ngang với Chính giác, trí tuệ cỡ bậc đại thánh thì làm cách nào mà biết được sự huyền vi của chân hóa, xét tỏ được sự viên chứng của đạo đức ? Cho nên ba phẩm này Phật chỉ bảo riêng cho ngài Di Lặc. 
Phẩm này cũng có thể bảo chung cả ngài Di Lặc nhưng vì ngài Thường Tịnh Tiến về Danh và Hạnh cả hai đều phù hợp, cho nên Phật mới bảo riêng Thường Tinh Tiến. 
Tu hành diệu hạnh của ngũ sư, thu được thắng đức sáu ngàn. Nếu tự mình chẳng thật tu hành thành đạt từ kiếp trước thì chẳng chứng được, và nếu chẳng thường xuyên tinh tiến thì cũng chẳng chứng được. Há phải là do lười nhác chơi bời mà có thể thành tựu được ? Cho nên Phật chỉ bảo riêng ngài Thường Tinh Tiến vậy.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”    tới    “nếu sao chép”. 
Tán rằng : văn toàn phẩm chia làm ba phần : 
1. Phần đầu : bảo rõ các loại tu hành Pháp sư khác nhau.
2. Phần hai : nói rõ công đức sẽ đạt được nhiều ít là bao nhiêu.
3. Phần cuối : nói rõ quả dụng thù thắng của sáu căn.
 Đây là phần đầu.
 Căn cứ vào thực tế thì Pháp sư tổng cộng có mười loại. Đây chỉ nói sơ qua về năm loại :
1) Trì. 4) Thuyết.
2) Đọc. 5) Viết (kinh).
3) Tụng.
Để lệ chứng năm loại khác là : Cúng dường, Thí tha (bố thí cho người khác), Thính văn (nghe kinh), Tư duy, Tu tập cũng đều là Pháp sư. Ba loại đầu dễ nên chẳng bàn, hai loại cuối khó mà chẳng thuyết, nêu năm loại giữa để làm lệ chứng về khó dễ.
*
-Kinh văn : “Người ấy sẽ được”    tới    “đều khiến thanh tịnh”. 
Tán rằng : đây là nói về công đức đạt được nhiều ítø bao nhiêu : đầu tiên là phân tích, sau đó là kết luận. 
Xưa có 2 cách giải thích, nay có 4 cách :
I. Hai cách giải thích theo xưa :

I.1. Cách thứ nhất :
Thập thiện là gốc, mỗi thiện đều có sự trợ giúp của chín thiện khác thành tựu cho. Mỗi thiện đều thành tựu 10 hạnh, mỗi hành đều có 4 môn : 
– Tự tác (tự làm). 
– Giáo tha (dạy bảo người khác). 
– Tán thán thắng pháp. 
– Tán hành thập thiện. 
Gộp cả lại thì thành 400. Bốn thứ này, mỗi thứ đều có 3 bậc tu là : thượng, trung, hạ, nên nhân lên thành 1200. 
Ba căn Nhĩ (tai), Thiệt (lưỡi), Ý : Thính văn (nghe kinh), đàm thuyết kinh pháp, tâm đắc pháp nghĩa, sức tu hành thắng trội đầy đủ ba bậc, đều 1200. Còn ba căn khác kém cỏi, đều không có bậc thượng, cho nên mỗi căn chỉ có 800. Nếu y vào thập thiện, lấy đó làm đầu thì tu thành đức này. Công đức sáu căn phải là như vậy. Các kinh khác cũng thế, đâu phải chỉ riêng kinh này.
I.2. Cách thứ hai : 
Sáu căn mỗi căn đều có 100 phúc, mỗi phúc đều được trang nghiêm bằng 10 thiện, nhân lên thì thành 1.000. Sáu căn nhân với số này thì tổng cộng thành 6.000. Ba căn trội hơn, thì mỗi căn được tăng thêm 200. Ba căn kém hơn, thì mỗi căn giảm bớt 200. 
Cách giải thích xưa dẫn kinh Chính Pháp Hoa và Trang Nghiêm luận, thì sáu phẩm mỗi phẩm 1.000. Vậy ba căn Nhãn, Tị, Thân đều cho thêm 200, số ấy là sao ? Thêm nữa, 100 phúc là quả đã cảm ứng được gấp 10 lần của nhân là thập thiện. 
Nay vì nhân trợ chưa thấy do đâu, cho nên ở đây giải thích lại cho đúng. Trong bản luận chỉ nói ba căn mỗi căn đều 1.200, còn căn khác mỗi căn chỉ có 800. Không được đem Trang Nghiêm luận đánh đồng với kinh này. Hơn nữa lại chưa đối chiếu văn bản của 2 sách đó. 
II. Bốn cách giải thích theo nay :
II.1. Cách thứ nhất :
Trong kinh này tu 10 pháp hành : 
1) Thư tả (sao chép kinh văn). 
2) Cúng dàng. 
3) Thí tha (bố thí cho người khác). 
4) Thính văn (nghe giảng kinh này). 
5) Phi độc (giở đọc kinh này). 
6) Thụ trì. 
7) Khai diễn. 
8) Phúng tụng. 
9) Tư duy. 
10) Tu tập. 
Ở trong 10 thứ này, mỗi mỗi giúp nhau, chuyển thành 100 hành. Trăm hành mỗi hành có 4 thứ : 
a) Tự tác.
b) Giáo tha.
c) Tán lệ (tức tán thán pháp thắng).
d) Khánh úy (tức tán thán hành thập thiện).
Tổng cộng nhân lên thì thành 400 thứ, mỗi thứ đều có 3 bậc tu tập, thành ra 1200. Ba căn trội, thì mỗi căn đều 1200. Ba căn kém, không có thượng phẩm, cho nên mỗi căn chỉ có 800. 
II.2. Cách thứ hai :
 Nhân trong 10 pháp hành ở kinh này mỗi mỗi đều dùng 10 thiện để giúp cho, như vậy mười lần mười đầy đủ thành 100. Nhân với 4 thứ : Tự tác, Giáo tha, Tán lệ, Khánh úy thì thành 400. Nhân với 3 bậc tu tập thì thành 1200. Ba căn trội kém tăng giảm như trên. Kinh này thắng diệu, riêng thành đức này. Các kinh khác chẳng thế, cho nên không có đức này. Văn này lược đi cho nên chỉ thuyết về 5 loại Pháp sư, nhưng thực ra là có 10 loại, loại nào cũng đứng đầu, còn các hành khác giúp đỡ tác thành, đều được đức đó. Thêm nữa, theo kinh này thì 6 căn đều chỉ nói về 5 loại Pháp sư, chứ chẳng phải là 10 loại. 
III.3. Cách thứ ba :
 Năm loại Pháp sư này mỗi loại kiêm tu 10 thiện, thì thành 50. Tự tác, Giáo tha, Tán lệ, Khánh úy là 4 môn, nhân với 50, thì thành 200. Mỗi một căn môn tuy đều 200. Ba căn Nhãn (mắt), Tị (mũi), Thân vì kém cỏi cho nên đều có ba căn Nhĩ, Thiệt, Ý giúp đỡ cho, bởi cùng loại kém như nhau thì chẳng giúp được nhau, căn trợ gộp với căn gốc thì thành 800. Nhĩ, Thiệt, Ý thắng trội cho nên có thể dẫn được tam trợ, tức Nhĩ, Thiệt, Ý, thành ra 1200. 
II.4. Cách thứ tư :
Chưa thấy văn thuyết, chẳng thể đoán mò. Kinh nói rằng : “dùng công đức này mà trang nghiêm cho sáu căn, khiến đều thanh tịnh”. 
Luận rằng : các người phàm phu nhờ lực của kinh này mà được cái dụng thù thắng của căn, tuy chưa nhập vị Sơ địa – giống như trong kinh đã nói – “mới chỉ dùng mắt thịt do cha mẹ sinh ra, mà đã thấy được tam thiên đại thiên thế giới v.v…”
Về điều này, có người giải thích đó là do ở tại Thập trụ Thập hạnh, Thập hồi hướng, chứ chẳng phải là ở tại Thập tín, vì lực còn yếu. 
Nay giải thích rằng : chỉ tại Tứ thiện căn vị vì dùng mắt thịt mà thấy được đại thiên. Giải thoát phần vị chưa thể như thế. Vì Giải thoát phần vị chỉ thấy được một châu trong cõi của một hóa Phật, còn Quyết trạch phần vị mới thấy được đại thiên trong cõi của một hóa Phật. Tức như kinh nói rằng : “Tam thiên đại thiên là cõi của một hóa Phật”, cho nên biết rằng Quyết trạch phần mới thấy được đại thiên thế giới. Chẳng thế thì cõi của một hóa Phật là nói về cõi của ai thấy ? 
Luận nói rằng : “Hơn nữa, sáu căn thanh tịnh” : có nghĩa là ở trong mỗi căn đều có đủ cả : thấy sắc, nghe thanh, biết hương, vị, xúc v.v…, vì các căn hỗ dụng.
“Mắt thấy” thì có thể ngửi thấy mùi thơm có thể biết được. Như trong kinh nói : “Do ngửi thấy mùi mà biết Thích Đề Hoàn Nhân ở trên điện đẹp, năm dục vui sướng, ngồi ở trên điện”. Sắc ứng với mắt thấy, mà mũi có thể biết được, cho đến thuyết pháp, ngửi mùi thơm mà biết. Đó là trí cảnh Tị căn biết. 
Thuyết pháp ứng với cái biết của trí, dùng Tị căn biết. Nghĩa này có hai : 
1) Chỉ ở Thập địa thì các căn mới hỗ dụng. Duy Thức (luận) v.v… nói rằng : “đắc vị tự tại thì các căn hỗ dụng, một căn khởi biết duyên vào mọi cảnh”. Cho nên chẳng phải là Địa tiền mà có thể gọi là tự tại các căn hỗ dụng được. Điều mà trước đây nói là “nhìn thấy nghe thấy đại thiên” là chung cho cả Địa tiền vị. Sơ địa trở lên thấy trăm thế giới; vì chẳng phải chỉ là tam thiên. Thêm nữa, trên Sơ địa thực ra thấy được 100 tam thiên đại thiên. Căn cứ vào cõi của một hóa Phật, mà tạm nói là thấy được đại thiên. Về lý không sai. 
2) Các căn hỗ dụng, đắc đại tự tại chỉ tại Thập địa. Duy Thức (luận) v.v… giải thích như vậy. Nếu Gia hạnh lực phần cũng được thì Địa tiền cũng được.
Cho nên bản luận nói : Địa tiền mà đắc thì đắc tại phàm phu (vị), vì cho thông với hỗ dụng ở dưới. (Địa) tiền phàm phu đắc (Địa) tiền công đức. Nay trên Sơ địa, các căn hỗ dụng, cho nên chẳng phải Địa tiền có hỗ dụng.
*
-Kinh văn : “Thiện nam tử này”    tới    “thấy hết biết hết”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ ba : thuyết minh riêng về tác dụng thù thắng của sáu căn. 
Đây là phần trường hàng nói về Nhãn căn, có ba ý : 
1) Mắt thịt chẳng phải thần thông, mà đều biết cả. 
2) Tầm nhìn thấy gần hay xa. 
3) Thấy nghiệp báo.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “sức mắt thịt như vậy”. 
Tán rằng : đây là 5 tụng, chia làm bốn phần : 
1) Một tụng : dặn phải lắng nghe. 
2) Một tụng về số. 
3) Hai tụng về gần xa. 
4) Một tụng về chúng sinh và kết. 
Tiểu giáo (tức tiểu thừa giáo) nói rằng : thiên nhãn của nhị thừa thấy được đại thiên. Nay nói mắt phàm phu nhờ lực trì kinh này mà thấy được đại thiên. Bồ tát Sơ địa thấy được 100 đại thiên thế giới. Sáu căn công đức nhiều ít khác nhau nhưng cảnh giới sở đắc là đại thiên không khác. 
Tu nhân có hơn có kém, quả đức chẳng giống như nhau. Thức dụng chẳng có sai biệt, đại thiên đều bằng như nhau. Thêm nữa, đức là thành tựu bên trong, do nhân mà tăng giảm, Cảnh là cõi của một hóa Phật chỉ có ở bên ngoài, nên lượng giống nhau. 
Chỉ như nhị thừa chấp một bên cho nên mới có nhị thiên tam thiên. Điều mà hàng Túc mệnh thiên nhãn biết được về quá khứ và vị lai, đều được tám vạn kiếp. Lại như Sơ địa thiên nhãn thấy được 100 đại thiên hơn hẳn nhị thừa, nhưng Túc mệnh sinh tử chỉ biết trăm kiếp, kém hẳn nhị thừa. Chẳng thể nhất loạt như nhau.
*
-Kinh văn : “Lại nữa, Thường Tinh Tiến”    tới    “mà chẳng hoại nhĩ căn”. 
Tán rằng : đây là Nhĩ căn. Trường hàng có bốn : 
1) Lượng. 
2) Cảnh giới. 
3) Sở văn sai biệt (kết quả nghe được khác nhau). 
4) Kết thắng (kết luận về tính thắng trội). 
Sai biệt có bảy loại : 
1/ Mười hai tạp khởi thanh. 
2/ Mười hai lục đối thanh.
3/ Tám bát bộ thanh.
4/ Ba tam tai thanh. 
5/ Tam ác thú thanh. 
6/ Nhị xuất gia thanh. 
7/ Tứ thánh nhân thanh. 
Bồ Tát Địa luận nói : Bồ tát tu lâu tại thắng giải hành vị mà chưa chứng nghiệm, chú thuật dùng đều hiệu nghiệm cho nên sáu căn thanh tịnh, ắt tại Địa tiền phàm phu thượng vị, chẳng phải là ở hạ trung vị.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “âm thanh cõi tam thiên”. 
Tán rằng : đây là 18 tụng, chia làm ba phần : 
– 1 tụng đầu : nêu lên. 
– 14 tụng sau : tụng về phần nói trên. 
– 3 tụng cuối : kết luận về sự thắng trội. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Tiếng voi, ngựa, xe, trâu”    tới    “thảy đều nghe được cả”. 
Tán rằng : đây là phần hai : tụng về phần trên, gồm 14 tụng chia làm bốn mục : 
– Đầu tiên là 8 tụng, tụng về âm thanh của Dục giới.
– Thứ đến 1 tụng rưỡi, tụng về âm thanh ở Sắc giới.
– Thứ nữa 1 tụng rưỡi, tụng về âm thanh xuất gia. 
– Cuối cùng là 3 tụng, tụng về âm thanh của hiền thánh. 
“Trong mười phương thế giới,
Tiếng chim muông gọi nhau”
“Mười phương thế giới” : ở đây là cõi 10 phương của tứ thiên hạ trong 1 tam thiên giới, chứ chẳng phải số đại thiên giới trong 10 phương. 
Thêm nữa, đắc tam thiên, đó là Nhĩ căn phàm phu. Đây là Thập địa cho đến Phật vị, cho nên đắc thập phương cũng chẳng trái ngược nhau.
*
-Kinh văn : “Tam thiên đại thiên giới”    tới    “công đức đã như vậy”. 
Tán rằng : đây là kết luận về sự thắng trội.
*
-Kinh văn : “Lại nữa, Thường Tinh Tiến”    tới    “đủ các loại hương”. 
Tán rằng : đây là Tị căn, trường hàng có bốn phần : 
1) Đức lượng,   3) Sai biệt.
2) Cảnh lượng.   4) Kết thành.
Đây là hai phần đầu.
 Trên dưới đã xa, thì làm sao mà có thể biết được ? Nếu căn xa cảnh thì cái biết chẳng tới cảnh để biết được. Hoại căn chẳng hoại cảnh. Nếu cái biết tới được cảnh để biết, há chẳng phải mọi mùi hương đều tới căn được ư ? 
Luận rằng : đó là vì trí cảnh Tị căn biết. Định trí từ xa mà biết, vì y vào Tị căn mà biết cho nên gọi là ngửi thấy mùi hương, chứ chẳng phải là cái mũi thực sự gặp được cảnh mà biết. Thêm nữa, các căn hỗ dụng, mũi còn thấy được sắc huống hồ còn y vào trí của mắt của tai, mà chẳng biết được hương của cả đại thiên ư ? Được thứ giả tựa như hương, chứ chẳng phải là được thực thể. Vì nếu lìa cảnh mà biết được cái thể, thì làm hoại tính của cảnh.
*
-Kinh văn : “Hương hoa Tu mạn na”    tới    “ghi nhớ chẳng sai”. 
Tán rằng : đây là hai phần : 
– Phần thứ ba : Sai biệt, 
– Phần thứ tư : Kết thành, đó là đoạn từ “tuy ngửi thấy mùi hương này” trở xuống. 
Sai biệt có hai : 
1. Phàm.   2. Thánh. 
Trong phàm lại có hai : 
a) Dục giới.    b) Sắc giới. 
Dục giới lại có hai : 
1) Phi thiên.   2) Thiên. 
Phi thiên có hai : 
– Cảnh vật.   – Sinh thân. 
Thiên cũng có hai : 
+ Cảnh vật.  + Thiên thân. 
Sắc giới vì sao lại có hương ? Đây là thông quả hương, chẳng phải là nghiệp quả. 
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : “Tị căn của Bồ tát ngửi thấy hương của cung điện Vô sắc giới”. 
Đây là căn cứ vào sự hình thể dựa theo cái do Thông lực biến thành, còn đó thì căn cứ vào sự hình thể tương tự cái do Định lực biến thành. Cho nên chẳng trái gì nhau. 
Song Du Già nói : “Phải nên biết rằng thắng định quả sắc chỉ có tướng hiển sắc v.v…” . Vì sinh nhân của hương đó thiếu, lại vô dụng cho nên nương nhờ vào Sắc giới. Vì bản chất của Định, nếu biến hóa ra Định cảnh thì không hương, vị ; phải dựa vào Dục cảnh mới có. 
Thêm nữa, nếu Gia hành tâm kém, sinh nhân thiếu thì không có. Nếu Gia hành tâm mạnh, sinh nhân có, thì có. Bồ tát có, nhị thừa không. Thánh nhân có, phàm phu không. Đệ tử Phật có, bọn ngoại đạo không, vì yếu kém vậy. 
Song Du Già cũng nói : “Thắng định quả sắc đối với mọi sắc đều được tự tại”. Cho nên biết Định quả thông biến hết thảy.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “được tướng mũi này trước”. 
Tán rằng : dưới đây là 30 tụng, được chia làm ba phần : 
– 1 tụng : nêu lên. 
– 28 tụng : tụng về phần trên. 
– 1 tụng : kết. 
Trong 28 tụng về phần trên, lại chia làm hai : 
a) 23 tụng đầu : tụng về phàm hương. 
b) 5 tụng cuối : tụng về thánh hương. 
Phàm hương lại có hai : 
+ 21 tụng : tụng Dục giới hương.
+ 2 tụng : tụng Sắc giới hương. 
Dục giới chia làm hai phần : 
– Phần đầu gồm 7 tụng, thuyết minh sơ qua về hương của người, trời.
– Phần sau gồm 14 tụng, thuyết minh kỹ về hương của người, trời. 
Phần đầu này lại có hai : 
a/- 5 tụng lược tụng về hương của cảnh vật và hương của chúng sinh trong cõi trời. 
b/- 2 tụng lược tụng về hương của chúng sinh và hương của cảnh vật trong cõi trời. 
Trong 14 tụng thuyết minh rộng về hương, chia làm hai phần : 
 9 tụng đầu : tụng về? hương trong cõi người. 
 5 tụng sau : tụng về? hương trong cõi trời. 
Trong cõi người có ba : 
a. 2 tụng đầu : hương cảnh vật. 
b. 5 tụng sau : hương chúng sinh. 
c. 2 tụng cuối : hương phục tàng. 
Trong 5 tụng về (hương) chúng sinh : 
– 2 tụng đầu : nói về hiện sinh hương.
– 3 tụng sau : tụng về ẩn sinh hương. 
Năm tụng tụng về hương trong cõi trời chia làm bốn : 
1/- Một tụng về hoa.
2/- Hai tụng về cung. 
3/- Một tụng về trời.
4/- Một tụng về vui đùa (hí). 
Trong năm tụng về thánh hương, chia làm bốn phần : 
a) Hai tụng Tỳ kheo. 
b) Một tụng Bồ tát. 
c) Một tụng Phật. 
d) Một tụng chúng sinh.
*
-Kinh văn : “Thứ nữa, Thường Tinh Tiến”    tới “không thứ gì không ngon”. 
Tán rằng : đây là Thiệt căn. Trường hàng có ba : 
1) Đức lượng. 
2) Căn dụng (tác dụng của thiệt căn). 
3) Thiệt cụ dụng (tác dụng cụ thể của lưỡi). 
Đây là hai phần đầu.
Đây không có cảnh lượng. Cớ sao chẳng giống Tị căn có thể biết được tam thiên ? Đã chẳng thể biết, cớ sao công đức lại thành 1200 ? Thiệt căn lẽ ra cũng phải được nếm mùi vị của tam thiên giới, chỉ vì tụng văn nói về Thiệt cụ dụng : 
“Người nói kinh pháp đó,
 Nếu muốn dùng diệu âm,
 Khắp cả cõi tam thiên,
 Tùy ý đều đến được”.
Cho nên chẳng thuyết về việc nếm vị. Hương lìa chất thì có thể có. Vị lìa chất thì sẽ là không. Cho nên chẳng thuyết về nếm được vị của Tam thiên giới. Trong kinh cũng nói Phật có Tị thiệt thông (lực thần thông của mũi, lưỡi), còn hơn là cả nhãn nhĩ.
*
-Kinh văn : “Nếu dùng Thiệt căn”    tới    “pháp âm thâm diệu”. 
Tán rằng : dưới đây là Thiệt cụ dụng, chia làm 5 mục : 
1) Khéo thuyết pháp. 
2) Nhiều chúng tới nghe. 
3) Được cúng dàng. 
4) Gần hiền thánh. 
5) Ủng hộ thuyết pháp. 
Mục nhiều chúng tới nghe có ba : 
a) Trời. 
b) Rồng v.v… 
c) Tứ chúng tới nghe.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “hoặc có lúc hiện thân”. 
Tán rằng : dưới là 8 tụng rưỡi, chia làm hai : 
– Một tụng đầu, nói về Thiệt căn dụng. 
– Các tụng còn lại, tụng về Thiệt cụ dụng. 
Thiệt cụ dụng chia làm bốn mục : 
a) 1 tụng rưỡi : khéo thuyết pháp. 
b) 3 tụng : chúng tới nghe. 
c) 1 tụng : cúng dàng. 
d) 2 tụng : hiền thánh ủng hộ.
*
-Kinh văn : “Lại nữa, Thường Tinh Tiến”    tới    “hiện sắc tướng của mình”. 
Tán rằng : đây là Thân (căn), văn trường hàng có bốn : 
1) Đức lượng. 
2) Hỉ kiến (thích thấy). 
3) Cảnh lượng. 
4) Sai biệt. 
Sai biệt có ba : 
a) Khí giới.  b) Thượng hạ.  c) Hiền thánh.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “hết thảy hiện ở trong”. 
Tán rằng : đây là 7 tụng rưỡi, chia làm năm phần : 
1) Một tụng : hỉ kiến. 
2) Một tụng rưỡi : độc kiến. 
3) Một tụng rưỡi : cảnh lượng. 
4) Hai tụng rưỡi : sai biệt. 
5) Một tụng : kết thắng. 
Sai biệt có hai : 
a) Một tụng rưỡi : cảnh. 
b) Một tụng : hiền thánh.
*
-Kinh văn : “Lại nữa, Thường Tinh Tiến”    tới “điều đã nói ở trong kinh”. 
Tán rằng : đây là Ý (căn), văn trường hàng có bảy : 
1) Đức lượng.  5) Cảnh lượng. 
2) Xa rộng.  6) Hiển thắng. 
3) Vô cùng.  7) Chân thực. 
4) Thuận lý. 
Trong cái vô cùng, thì “một tháng, bốn tháng v.v…” là tạm nêu các phần đều nhau của thời gian năm tháng.
Trong cái sai biệt thì :
– “Sở hành của tâm” : là cảnh giới sở thủ.
– “Tâm sở động tác” : là hành tướng của tam tính.
– “Tâm sở hý luận” : là ngôn thuyết phân biệt tính của các pháp.
Hoặc là thân, ngữ, ý cứ theo thứ tự mà phối hợp.

*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “nhất thời đều biết hết”. 
Tán rằng : dưới đây là 11 tụng, chia làm năm phần. Đây có ba phần : 
– 1 tụng rưỡi đầu : tụng về xa rộng. 
– Nửa tụng : tụng về vô cùng.
– 2 tụng : tụng về sai biệt.
*

-Kinh văn : “Mười phương vô số Phật”    tới    “trước đám đông không sợ”. 
Tán rằng : đây là phần thứ tư : có 4 tụng, tụng về chân thực, chia làm bốn : 
1) Một tụng : năng trì. 
2) Một tụng : chẳng quên.
3) Một tụng : như thuyết. 
4) Một tụng : vô úy (không sợ).
*
-Kinh văn : “Người trì kinh Pháp Hoa”    tới    “vì trì kinh Pháp Hoa”. 
Tán rằng : đây là phần thứ năm : có 3 tụng, tụng về hiển thắng (thể hiện sự thắng diệu), chia làm ba : 
1) Một tụng : hiển thắng. 
2) Một tụng : hỉ kiến. 
3) Một tụng : khéo thuyết. 
Sợ rằng văn rườm rà, nên chỉ phân tích những nét lớn khác với trường hàng, cứ phối hợp với trường hàng mà đọc thì sẽ hiểu hết.
 

*** 

PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT

Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý..
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Có bốn ý :
1. Nói về người năng học hành tuy có sáu phẩm, nhưng chia làm bốn đoạn, đây là đoạn thứ tư thuyết minh về Phật tự thân xưa lúc ở vị trí tu nhân, hành an lạc hạnh, tu nhẫn nhục v.v…, lưu thông kinh này, nên được an lạc. Nay thuyết kinh này khuyến khích pháp hội đương thời, cho nên mới có phẩm này. 
2. Trong ba phẩm thuyết minh về quả chưa mãn, trước đã thuyết minh về sự tu hành cái hạnh sáu căn thanh tịnh, nhưng chưa biết người chứng đắc thực sự là ai ? Nay thuyết tự thân xưa tu hành hạnh đó, được sáu căn thanh tịnh để khuyến khích pháp hội đương thời, cho nên mới có phẩm này. 
3. Muốn nêu rõ thực hành an lạc hạnh thì uy thế sẽ không gì sánh nổi. Ta là Bất Khinh, thực hành an lạc hạnh, chúng sinh lúc đó có những hành động làm tổn hại đến ta, thoạt đầu tuy bị khổ, nhưng rồi nhờ lực của ta, họ đều chứng đắc Phật đạo. Huống hồ lại đích thân tự mình tu hành mà chẳng thành Phật được ư ? Nay thuyết về duyên này để làm lợi cho pháp hội đương thời, cho nên mới có phẩm này. 
4. Trong luận thuyết về sáu loại ký thì đây thuyết minh về Bồ tát đầy đủ nhân tu được dự ký, cho nên mới có phẩm này.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
“Thường” : có nghĩa là hằng. 
“Bất khinh” : có nghĩa là cung kính. 
Quan sát thấy bốn chúng ấy đều sẵn có nhân Phật tính, khuyến khích họ tu hành, ắt sẽ được thành Phật. Ba nghiệp luôn vững chắc cung kính ngưỡng mộ cho nên gọi là “Thường Bất Khinh”. 
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi : vì sao phẩm này (Phật) chỉ bảo cho một mình Đắc Đại Thế ? 
Đáp : vì muốn nói rõ uy thế của kinh này có thể khiến cho mọi người thuận theo mà tu hành thì sẽ chóng được thành Phật, còn kẻ ác trái với kinh này cũng có thể chóng trừ được nỗi khổ của họ. Cho nên chỉ bảo riêng cho vị đó mà chẳng bảo người khác. 
-Hỏi : phẩm này cũng thuyết minh về Uy Âm Vương Phật, (thế mà) tại sao chỉ lấy Bất Khinh đặt tên phẩm ?
Đáp : Phật nhân tiện mà nói về vị đó, chứ chẳng phải là chủ yếu thuyết minh về vị đó.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”    tới    “thân ý thanh tịnh”. 
Tán rằng : toàn văn phẩm này chia thành 4 phần : 
– Phần đầu : nhắc lại về tội phúc do nghịch hạnh thuận hạnh sinh ra trước đây để chỉ bảo cho mọi người. 
– Phần hai : nêu bật riêng về nhân tướng thuận nghịch đối với người trì kinh thuyết kinh. 
– Phần ba : kết hội xưa nay để chỉ cho mọi người tướng thuận nghịch. 
– Phần bốn : kết khuyên mọi người trừ nghịch hạnh, tu thuận hạnh. 
Đây là phần đầu. 
Tội thì như phẩm Thí Dụ trước. Công đức thì cũng như các phẩm trước (đã nói).
*
-Kinh văn : “Đắc Đại Thế”    tới    “đều cùng một danh hiệu”. 
Tán rằng : dưới là phần thứ hai : nêu bật riêng về nhân tướng nghịch thuận đối với người thuyết kinh, có ba : 
1. Đầu tiên nêu rõ thời tiết.
2. Thứ đến là Phật được gặp. 
3. Cuối cùng là nói rõ nhân tướng thuận nghịch đối với người năng hành. 
Đây là hai phần đầu.
Phật được gặp có hai loại :
a) Phật đầu tiên.         b) Phật sau. 
Phật đầu tiên có 6 mục : 
1) Danh hiệu.  2) Kiếp. 
3) Nước.  5) Thọ trụ. 
4) Thuyết pháp.  6) Niết bàn. 
“Chư Phật cùng danh hiệu là Uy Âm vương” : nêu bật cái âm thanh thuyết kinh Pháp Hoa là thứ tôn quí thắng trội như vua, có uy thế lớn có thể khiến chúng sinh được lợi lạc lớn. Tức là điều mà Thường Bất Khinh chứng đắc lúc lâm chung. Đó là kinh Pháp Hoa này lợi ích to lớn.
*
-Kinh văn : “Vị Uy Âm Vương Như Lai đầu tiên”       tới    “có thế lực to lớn”. 
Tán rằng : dưới là nói rõ nhân tướng thuận nghịch đối với người năng hành. 
Trong đó có 8 phần : 
1) Kẻ ác tăng thế. 
2) Thiện sĩ thêm chăm. 
3) Bị lời xúc phạm, có thể nhẫn nhịn. 
4) Thân bị xâm hại, có thể chịu được. 
5) Tiếng lành đã nổi. 
6) Thắng quả bèn sinh. 
7) Kẻ ác theo sự giáo hóa. 
8) Thiện sĩ tăng đạo. 
Đây tức là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Bây giờ có một”    tới    “vì sẽ thành Phật”. 
Tán rằng : đây là phần hai : Thiện sĩ thêm chăm. Có ba mục : 
1) Nêu danh. 
2) Giải thích danh. 
3) Nêu rõ về hạnh. 
Đó là đoạn từ “Vị tỳ kheo này” trở xuống. 
“Bồ tát tỳ kheo” : nêu rõ đây là Bồ tát chứ chẳng phải chỉ là tỳ kheo, nếu là tỳ kheo mà chẳng phải là Bồ tát thì chẳng phải là hạnh này, vì đầu tiên thì chẳng đáng trách, nhưng cuối cùng thì phạm giới. 
“Tôi rất kính các ngài, chẳng dám khinh mạn” : vì các ngài đều có Phật bản tính, là trụ chủng tính. Nên đây là kính báo thân Như Lai tạng. 
“Đều tu hành đạo Bồ tát sẽ được thành Phật” : có nghĩa là người có chủng tính, nếu khởi tập tính, phát tâm tu hành, ắt được thành Phật. Thêm nữa, vì y vào pháp thân Như lai tạng mà hết thảy đều có, nên tôi rất kính trọng các ngài. Nếu tu hành đạo Bồ tát, tôi tu tập báo thân Như lai tạng, thì sẽ được thành Phật.
Kinh Vô Úy Đức Nữ nói rằng : Bồ tát vì độ cho các chúng sinh kiêu mạn sân não, khiến họ được khởi tâm hồi hướng, hơn nữa để phát triển thêm cái gốc các thiện căn của chúng sinh, cho nên Bồ tát đã lễ các chúng sinh.
-Hỏi : vị Bồ tát tỳ kheo nàu hễ gặp bốn chúng thỉ việc đầu tiên là lễ. Lễ cả tỳ kheo ni và bạch y (chỉ người tại gia), như thế chẳng phạm (giới luật) ư ?
Đáp : Bồ tát tỳ kheo chẳng làm lễ đó, lễ thì có phạm. Nay làm lễ đó, sở dĩ chẳng phạm là vì Bồ tát đối với Tính tội ắt trì (giới) luật, nhưng đối với Già tội thì có phạm, vì để khuyến khích việc làm lợi cho đại chúng. Nếu chỉ là tỳ kheo chẳng phải là Bồ tát mà lễ thì có phạm, chẳng lễ thì không phạm. Thêm nữa, nếu lễ bốn chúng thì chẳng phạm, nếu chỉ lễ riêng một (chúng) thì sẽ khiếm khuyết. 
Lại nữa, (đó là) kính Phật tính chứ chẳng phải là lễ thân xác. Cho nên đã chẳng chuyên đọc tụng, cũng chẳng chuyên lễ bái, luôn cả hai sự đó. 
Tỳ kheo mới học lễ chân Duy Ma là vì chưa biết, vì chẳng phải là hạng cựu học. Nhưng có người giải thích rằng : tỳ kheo này chẳng thực hành việc đọc tụng mà chỉ lễ bái. Nếu thế thì lẽ ra phải nói rằng : chẳng đọc tụng kinh, chứ cần gì phải dùng chữ “Chuyên” nữa. Cho nên biết rằng : “chẳng chuyên đọc tụng, cũng không chỉ thực hành việc lễ bái”. Đó chính là ý trong này.
*
-Kinh văn : “Trong bốn chúng”    tới    “ngài sẽ thành Phật”. 
Tán rằng : đây là phần thứ ba : bị lời xúc phạm mà nhẫn nhịn được. Có hai mục : 
1) Bị lời xúc phạm. 
2) Có thể nhẫn nhịn được.
*
-Kinh văn : “Lúc nói lời này”    tới   “là Thường Bất Khinh” 
Tán rằng : đây là phần thứ tư : “thân bị xâm hại có thể chịu đựng được” và phần thứ năm “tiếng lành đã nổi”. 
Trên đây chính là Tứ thập tâm vị.
*
-Kinh văn : “Tỳ kheo này”    tới    “kinh Pháp Hoa này”. 
Tán rằng : đây là phần thứ sáu “thắng quả bèn sinh”, có ba ý : 
1) Nghe pháp, có thể thụ trì. 
2) Sáu căn thanh tịnh. 
3) Tăng thọ, thuyết pháp. 
Nếu Thường Bất Khinh chẳng giở đọc kinh Pháp Hoa trong thời Tượng pháp từ trước, thì há có thể vào lúc lâm chung nghe xong liền thụ trì ngay được ?  Nếu trước chẳng tu nhân, thì quả làm sao mà sinh ra được ? Trước kia lễ bái là Tứ thập tâm vị. Nghe pháp căn tịnh là Tứ thiện căn vị. Vì tăng thọ mệnh nên được “sức đại thiện tịch”, dần thành Lý quán vì quán chân lý. 
*
-Kinh văn : “Bấy giờ, tăng thượng mạn”    tới    “Tam Miệu Tam Bồ đề”. 
Tán rằng : đây là phần bảy “kẻ ác theo sự giáo hóa”. Có hai mục : 
1) Kẻ ác theo sự giáo hóa. 
2) Số được giáo hóa trở thành nhiều. 
“Đại thần thông lực” : (khiến) tăng thọ, căn tịnh.
“Nhạo thuyết biện lực” : (khiến) nhớ kệ, thuyết pháp. 
“Đại thiện tịch lực” : (khiến) dần dần thành đế quán, nghe pháp hiểu lý.
*
-Kinh văn : “Sau khi mệnh chung”    tới    “tâm không sợ gì”. 
Tán rằng : đây là phần thứ tám : (nói về) thiện sĩ tăng đạo. Có 5 phần, văn này có 4 : 
1) Gặp Phật thuyết pháp. 
2) Gặp Phật trì tụng. 
Hai thứ này tại phàm Tứ thập tâm vị. 
Do như vậy mà :
3) Được sáu căn thường tịnh, liền nhập Sơ địa. 
4) Trừ được năm điều sợ hãi, đạt được bốn vô úy. 
Cho nên biết là thường được sáu căn thanh tịnh, nhập trong Sơ địa.
Bồ tát lẽ ra phải trụ ở trong vòng sinh tử để hóa độ chúng sinh. Người thường gặp Phật thì chưa nhập Thập địa. Nếu chẳng gặp chư Phật thì như thuyền nát rò, tự mình chẳng thể độ, làm sao mà có thể độ cho người, như đem chút nước nóng đổ xuống ao băng lớn, ban đầu dẫu có làm tan một ít, nhưng sau đó lại đóng băng. Người chưa lìa được phiền não lại chẳng gặp Phật, mà làm việc lợi sinh thì cũng như thế. 
Kinh Hoa Nghiêm trong phần thuyết về Thập địa nói : “Bồ tát được Hoan hỉ địa, thì lìa xa mọi sự sợ hãi liền. Đó là nỗi sợ chẳng sống, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ sa vào đường ác, sợ uy đức đại chúng. Vì sao vậy ? 
Vì Bồ tát đó lìa ngã tướng, cho nên ngay đến thân còn chẳng tham, huống hồ là các vật dụng. Cho nên Bồ tát không có nỗi sợ chẳng sống. 
Tâm chẳng hy vọng được cung kính cúng dàng, ta phải cúng dàng hết thảy chúng sinh, cung cấp cho họ những thứ mà họ cần, cho nên Bồ tát không sợ tiếng xấu. 
Vì lìa xa ngã kiến, không có ngã tướng, nên không có nỗi sợ chết. 
Lại nghĩ như vầy : nếu ta chết rồi, lúc tái sinh ắt sẽ trông thấy chư Phật, Bồ tát, cho nên không có nỗi sợ bị sa vào đường ác. 
Chí nguyện của ta không ai bằng được, huống chi là có sự trội hơn ! Cho nên không có nỗi sợ uy đức đại chúng”. 
Nếu theo cách giải thích của luận, thì Vô úy có hai loại : 
1) Vô sở úy của Bồ tát. 
2) Vô sở úy của Phật. 
Vô sở úy của Phật tức là Chính đẳng giác. Ở đây là Vô sở úy của Bồ tát, có 4 thứ : 
1/- Vì chúng sinh mà thuyết pháp, Vô sở úy (không sợ gì hết) vì mọi điều đã được nghe đều có thể thụ trì, vì được các Đà la ni, cho nên thường nhớ chẳng quên. 
Ba thứ sau đây gọi là Thuyết pháp giữa đại chúng Vô sở úy :
2/- Vì biết Dục, Giải, Nhân duyên, các căn lợi độn của hết thảy chúng sinh, cho nên tùy theo sự hưởng ứng của họ mà thuyết pháp cho họ. 
3/- Chẳng thấy thập phương có ai đến hỏi vặn mà khiến ta chẳng thể giải đáp được như pháp, vì chẳng thấy chút tướng trạng nào như vậy. 
4/- Hết thảy chúng sinh thính thụ, vấn nạn thì đều tùy ý như pháp khéo biết phá dứt mọi điều nghi ngờ. 
Lìa năm thứ sợ hãi nói trên, đạt được bốn thứ vô úy này thì nhập Sơ địa. Sau này nhập Bát địa rồi thì mới lìa được Bố nhân (nguyên nhân của sự sợ hãi).
*
-Kinh văn : “Đắc Đại Thế”    tới    “sẽ được thành Phật”. 
Tán rằng : đây là phần thứ năm : duyên tu đạo mãn, nhập chư địa rồi, sau đó càng được gặp Phật, càng thuyết kinh điển này.
*
-Kinh văn : “Đắc Đại Thế”    tới    “Tam Miệu Tam Bồ đề”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ ba : kết hội kim cổ để chỉ mọi người tướng thuận nghịch. Chia làm hai phần : 
 Phần đầu : hội Bất Khinh. ?
 Phần sau 😕 hội bốn chúng. 
Đây là phần đầu, có hai mục : 
– Đầu là hội thân.
– Sau là hội pháp.
*
-Kinh văn : “Đắc Đại Thế”    tới    “đó là người chẳng thoái chuyển”. 
Tán rằng : đây là hội bốn chúng, có ba phần : 
 Đầu tiên là hội lúc xưa? hành ác hạnh chịu quả báo (Sơ hành ác hạnh quả). 
 Thứ hai là hội quả của? người nữa chừng mới theo sự giáo hóa của Phật (Trung đồ tòng hóa quả). 
 Cuối cùng là hội các chúng xưa? nay. 
-Hỏi : Thanh văn Thiện Hiện vẫn còn đang trụ ở hạnh Vô tránh. Vốn phải giúp đỡ chúng sinh và làm lợi ích cho họ, cớ sao Bồ tát lại thụ ký gượng ép cho tứ chúng, khiến họ đánh chửi ông ta chuốc lấy tội báo này ? 
Đáp : Bồ tát địa nói : Bồ tát thường lấy sự vui được yên ổn để giáo hóa chúng sinh. Nếu chẳng phải là sự vui được yên ổn thì cũng biết được đúng như thực, rồi tùy lực mà phương tiện giáo hóa khiến họ đoạn trừ. Nếu lúc đầu khổ mà sau được yên ổn, họ tuy ưu não nhưng rốt cuộc cũng được lợi ích. Đó là Bồ tát y vào phương tiện thiện xảo. 
-Hỏi : nếu lúc đầu tuy vui mà sau chẳng yên, họ dù chịu ưu khổ nhưng chẳng muốn theo, thì phải dùng lực phương tiện để giúp họ đoạn trừ. Vì sao vậy ? 
Đáp : vì sau này ắt sẽ vui. Nay Bất Khinh quan sát thấy lúc đầu tuy khổ, nhưng sau này trở lại hóa đạo sẽ khiến họ nhập đạo. Giống như vị đại lương y quan sát người ốm nặng, trước hết phải làm cho bệnh của người đó phát ra rồi sau mới cho thuốc để chữa khỏi. Lại giống như người đánh cá giỏi, khéo léo khiến cá ở dưới suối xuất hiện.Cũng giống như người thợ săn giỏi, khéo léo khiến gấu beo xuất hiện. Nếu biết sân là cái nhân có ích, thì khiến kẻ đó nổi sân lên, để rồi độ cho họ. Nếu biết tham là cái nhân có ích thì, khiến họ nổi tham lên, để rồi độ cho họ. Cũng như cảm hóa dâm nữ, để ả mặc sức bừa bãi rồi sau đó mới độ cho ả. 
Nhị thừa thì chẳng thể làm nổi, cho nên trụ ở Vô tránh, hiện tuy trừ được Tranh, nhưng chẳng thể giúp người khác rốt ráo trừ bỏ được mọi sự tranh cạnh. Bồ tát tự mình chứng được Vô tránh chân như, rồi giúp người khác trừ được gốc rễ của mọi sự tranh cạnh, rốt ráo khiến họ cũng chứng được chân lý vô tránh này. Cho nên, thoạt đầu tuy khởi Tránh, nhưng sau lại khiến diệt Tránh. Đó là “hành Đại vô tránh” chẳng giống với “hiện Tiểu vô tránh” của nhị thừa. Cho nên không hề gì.
*
-Kinh văn : “Đắc Đại Thế”    tới    “sao chép kinh này”. 
Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ tư : kết luận khuyên mọi người trừ nghịch hạnh, tu thuận hạnh. 
Có hai phần : 
– Phần đầu : lợi ích kinh này lớn. 
– Phần sau : khuyên lưu thông kinh này.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “chóng được thành Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là 19 tụng rưỡi, tụng về ba đoạn cuối, chia làm ba phần : 
1. Phần đầu : gồm 10 tụng, tụng về tướng thuận nghịch đối với người thuyết kinh. 
2. Phần hai : gồm 3 tụng rưỡi, kết hội cổ kim để chỉ cho mọi người tướng thuận nghịch. 
3. Phần cuối : gồm 6 tụng, kết luận khuyên mọi người trừ nghịch hành thuận. 
Đây là phần đầu, có hai mục : 
+ 1 tụng rưỡi đầu : được gặp Phật. 
+ 8 tụng rưỡi sau : hành thuận nghịch. 
Trong hành thuận nghịch lại chia làm năm : 
– 3 tụng đầu : kẻ ác tăng thế, thiện sĩ thêm chăm. 
– 1 tụng sau : bị lời xúc phạm vẫn nhẫn nhịn được, thân bị xâm hại vẫn chịu đựng được. 
– 2 tụng sau : thắng quả bèn sinh. 
– 1 tụng sau : kẻ ác thuận theo sự giáo hóa. 
– 1 tụng rưỡi cuối : thiện sĩ tăng đạo. 
Chẳng tụng về mục “tiếng lành đã nổi”. 
“Tội hết rồi” : có nghĩa là các nạn bị ác mạ (chửi rũa độc địa), bị gia hại (làm hại) chuyển từ nặng thành nhẹ, vì là tội nghiệp đời trước.
*

-Kinh văn : “Lúc đó Thường Bất Khinh”    tới    “đó là người nghe pháp”. 
Tán rằng : đây là kết hội cổ kim. 
Chia làm hai mục : 
– Nửa tụng đầu : hội thân. 
– 3 tụng sau : hội chúng.
*
-Kinh văn : “Ta ở trong đời trước”    tới    “chóng được thành Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là kết luận, khuyên mọi người bỏ nghịch hạnh, tu thuận hạnh. 
Có bốn mục : 
– 2 tụng đầu : những người trước đây đã được giáo hóa. 
– 1 tụng sau : kinh này khó được nghe. 
– 1 tụng sau : kinh này hiếm khi thuyết. 
– 2 tụng cuối : khuyên chớ sinh nghi.
 

*** 

PHẨM THẦN LỰC NHƯ LAI

Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 
I. NÓI RÕ DỤNG Ý. 
Có ba ý :
1. Trong ba lưu thông, tám phẩm dưới đây là Phó thụ lưu thông : thị tướng phó chúc, thụ mệnh lưu hành kinh này. Hai phẩm Thần Lực, Chúc Lụy phó chúc cho việc lưu hành kinh này. Sáu phẩm kia là thụ mệnh lưu thông. Phó chúc có hai phần : 
1) Hóa phép thần thông khiến tin lời phó chúc. 
2) Tay xoa đỉnh đầu khiến thi hành lời phó chúc. 
Nay đây tức là phần đầu. Phật phó chúc cho họ, sợ họ chẳng tin tưởng, cho nên đã hóa phép thần thông phóng quang v.v… để thị hiện, để khiến cho họ biết Thế tôn có phép đại thần thông từ lâu chẳng hề vọng ngữ, nói ra lời chân thực, khiến họ sinh tín giải rồi mới nói lời phó chúc. Cho nên mới có phẩm này. 
2. Theo trong khoa thứ hai, 1 phẩm đầu tiên ở phần trên gọi là Tự phần, thứ đến 19 phẩm là Chính tông, 8 phẩm dưới là Lưu thông phần. Hai phẩm Thần Lực, Chúc Lụy khuyên tin phó thụ, 6 phẩm cuối là vâng mệnh lưu thông, thế giống như trước, đây không thuật nữa. 
3. Luận nói rằng : tu hành lực có bảy loại, thì loại thứ hai là Thuyết lực, có ba loại pháp môn được thị hiện trong phẩm Thần Lực. Phẩm này nói rõ Phật Thế tôn có thần lực này cho nên có thể thuyết pháp đều thật chẳng dối để khuyên bảo chúng sinh. Cho nên mới có phẩm này.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
Phân thân, Năng tịch đều gọi là “Như Lai”. 
Diệu dụng vô phương thì gọi là “Thần”. 
Uy thế có thể phá trừ được thì gọi là “Lực”. 
Phẩm này thuyết minh rộng về thần lực của Như Lai, các phân thân Phật đều thị hiện diệu dụng không gì sánh nổi, có uy thế có thể đả phá được tà kiến bất tín để khuyến chúng sinh sinh tín, cho nên gọi là phẩm “Thần Lực Như Lai”.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi : Bồ tát dũng xuất là những vị đã từng được Phật giáo hóa, (Phật) cần gì phải hiện thần thông để khiến sinh tín ?
Đáp : Bồ tát dũng xuất từ lâu đã tin tưởng, chẳng cần Phật phải hiện thần thông, nhưng khuyến phát (kẻ) sơ cơ thì phải hiện thần lực. Thêm nữa, tín tâm có nông có sâu, phó chúc có nặng có nhẹ. Nếu chẳng hiện thần thông để phó chúc thì e rằng sự phó chúc còn nhẹ. Nếu chẳng khiến tin tưởng sâu sắc thì tín tâm ấy còn nông, họ sẽ hy vọng là pháp sẽ dễ tu hành, cho nên phải hiện thần lực.
-Hỏi : vì sao kinh này phó chúc phải hiện thần lực, còn các kinh khác thì phó chúc không có sự kiện này ? 
Đáp : vì kinh này bí mật hội nhị quy tông, còn các kinh khác chẳng thế, nên phải hiện thần lực.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ ngàn thế giới”    tới    “mà cúng dàng ngài”. 
Tán rằng : toàn văn phẩm này được chia làm hai phần : 
1) Phần đầu : Dũng Xuất thỉnh. 
2) Phần sau : Như Lai phó chúc. 
Đây là phần đầu. Có hai : đầu tiên nên lên, sau đó giải thích. 
Chẳng những muốn để tế độ người khác mà còn muốn tự tu hành, cho nên thỉnh (Phật) hãy thuyết cho. Nếu chẳng thế mà cũng nói, thì sẽ là vô dụng. 
“Chân” : có nghĩa là chân thực. 
“Tịnh” : có nghĩa là lìa nhiễm. 
“Đại pháp” : chỉ nhất thừa. 
“Thân cung, Ngữ diễn, Thuật tâm”: dùng cả ba (nghiệp thanh tịnh) mà thỉnh (Phật).
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “hiện đại thần lực”. 
Tán rằng : đây là phần sau : “Như Lai phó chúc”.
Có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng. Trong trường hàng có hai phần : 
 Phần đầu : hiện thần lực. ?
 Phần hai : nói lời phó? chúc. 
Văn phần đầu có bảy đoạn : 
1) Nêu lên việc hiện thần lực, 
2) Lè lưỡi, phóng quang. 
3) Đằng hắng, búng ngón tay. 
4) Đất đều chấn động. 
5) Họ thấy, qui y. 
6) Ghép lọng thành màn. 
7) Thế giới thông làm một. 
Đây là đoạn đầu.
Nói qua Phật  hiện thần lực là vì ba nghĩa : 
+ Một là để nêu rõ thắng đức của kinh này, đặng khuyến khích việc lưu thông kinh này. Đó là đoạn văn trường hàng từ “Phật bảo Bồ tát thượng hạnh v.v…” trở xuống. 
+ Hai là để làm vui lòng chúng sinh khiến họ sinh tín. Đó là 1 tụng đầu. 
+ Ba là thấy các Bồ tát phát nguyện lưu thông, thuận tâm chư Phật, cho nên (Phật) hiện thần lực. Đó là tụng thứ tư.
*
-Kinh văn : “Thè lưỡi dài rộng”    tới    “phóng vô lượng quang”. 
Tán rằng : dưới đoạn thứ hai : “Thè lưỡi, phóng quang”. Có ba mục : 
1. Thích Ca thè lưỡi phóng quang. 
2. Phân thân (Phật) thè lưỡi phóng quang. 
3. Thuyết minh thời tiết. 
Cổ đức tương truyền (Phật) có bảy thần lực : 
1) Thè lưỡi. 
2) Phóng quang. 
3) Đằng hắng. 
4) Búng ngón tay. 
5) Động đất. 
6) Ghép lọng. 
7) Biến độ (biến đổi cõi nước). 
Nay thêm thứ 8 nữa là Thị hiện, tức là khiến phương khác từ xa mà ở đây vẫn nhìn thấy, đó là Thần cảnh thông – đầu tiên trong sáu thông. 
Thầ cảnh thông có hai thứ : 
a) Năng biến.   b) Năng hóa. 
Năng hóa : là vốn không có mà bỗng nhiên có, nhĩa là hóa thân, hóa ngữ ,hóa cảnh. 
Năng biến : nghĩa là chuyển đổi chất cũ, đây chỉ 18 biến : 
1) Chấn động : đó là đất động sáu cách v.v… 
2) Rực lửa : trên dưới người bốc lửa v.v… 
3) Lưu bố : phóng quang dần dần chiếu hết nơi này nơi kia. 
4) Thị hiện : thị hiện đủ mọi sự vật của các nẻo, các cõi v.v… ở phương khác, khiến chúng trong hội từ xa thảy đều nhìn rõ. 
5) Chuyển biến : biến đất thành vàng, biến nước thành sữa v.v.. 
6) Qua lại : tung người qua lại khắp hết mọi chốn, thảy đều không gặp chướng ngại gì. 
7) Co lại : có thể co cái to lại bỏ lọt trong cái nhỏ. 
8) Duỗi ra : có thể duỗi cái nhỏ ra thành to. Dùng một hạt cải mà có thể chứa cả núi Tu Di, phình một sợi lông thành chật pháp giới v.v… 
9) Đưa nhiều cảnh tượng vào trong bản thân : như có thể đưa các thế giới vào trong lỗ chân lông, thân mình v.v… 
10) Biến thành cùng loài : ứng với từng loại chúng sinh mà hiện thành hình loài đó để thuyết diệu pháp cho chúng, xong việc lại biến mất, khiến chúng chẳng biết. 
11) Hiện. 
12) Ẩn : ẩn mất giữa đại chúng, rồi lại khiến tự thân hiển hiện ra. 
13) Sở tác tự tại : có nghĩa là biến chuyển hữu tình khiến chúng qua lại, còn bản thân lẳng lặng mà hết thảy đều được tự tại. 
14) Chế tha thần thông : nghĩa là Phật dần dần lần lượt có thể chế phục được các phép thần thông của các ngôi dưới là Bồ tát, thánh phàm nhị thừa thể hiện. 
15) Năng thí biện tài : bố thí Thất biện và Tứ biện. 
16) Năng thí ức niệm (có khả năng bố thí cho trí nhớ) : nếu ai quên về pháp thì có thể bố thí cho trí nhớ. 
17) Năng thí an lạc (có thể bố thí cho sự an lạc) thuyết pháp cho v.v… giúp đỡ trừ bỏ những sự hiểm nguy sợ hãi, dịch bệnh, tai họa khiến được các sự an lạc. 
18) Phóng đại quang minh : có thể chỉ phóng một tia quang minh bỗng chốc chiếu sáng được vô lượng nước, làm ra sự lợi lạc lớn. 
“Tám thần lực” ở đây f : 
– Thần lực thứ nhất “Lè lưỡi” : là biến thứ 8 “Duỗi ra” trong 18 biến. 
– Thần lực thứ hai “Phóng quang” : là biến thứ 18 phóng “Đại quang minh” trong 18 biến. 
– Thần lực thứ ba “Đằng hắng” : ở đây tức là năng hóa “Không mà bỗng có”, cho nên chẳng phải là 18 biến. 
– Hoặc phép này và Thần lực thứ tư “Búng ngón tay” : là biến thứ 13 “Sở tác tự tại”. 
– Thần lực thứ năm “Động đất” : là biến thứ 1 “Chấn động”. 
– Thần lực thứ sáu “Khiến phương khác thấy” : đây là biến thứ 4 “Thị hiện”. 
– Thần lực thứ bảy “Ghép lọng” : là biến thứ 7 “Co lại”. 
– Thần lực thứ tám “Thông làm một cõi” : đó là biến thứ 5 “Chuyển biến”, biến nhiều thành một, biến uế thành tịnh.
Ở đây, luận nói rằng :
 “Phật lè lưỡi” : là để khiến chúng sinh nhớ lại, tin điều Phật thuyết. Như Phật vào thành Ba La khất thực, chẳng được. Sau ra khỏi thành rồi gặp một cô gái bố thí cho Phật cơm thiu canh cặn, Phật thụ ký cho quả báo sau này. Bấy giờ có vị Bà la môn rất không tin, Phật bèn thè lưỡi cho vị đó xem, khiến vị đó tin điều thụ ký của Phật sẽ chẳng sai ngoa. Lưỡi thè chạm tới mũi, còn chẳng vọng ngữ, huống hồ là lại che kín mặt. Giảng rộng ra thì như kinh đã nói. 
“Tới cõi trời Phạm thế” : vì có lời biểu đạt. Vì trên cao hơn nữa thì không dùng lời để diễn đạt, nên chẳng tới trên. 
“Phóng quang” : là để thức tỉnh những ai có duyên. để phá si ám. 
“Mỗi một lỗ chân lông” : biểu hiện kinh này có đầy đủ từ bi, nhất thừa bình đẳng. 
“Vô số quang” : vì đủ muôn đức. 
“Khắp mười phương” : nghĩa là che chở hết thảy. 
Vì Phật Đa Bảo đã chứng kinh rồi, nên chẳng thị hiện thần thông, chỉ có hóa Phật thị hiện.
*
-Kinh văn : “Thích Ca”    tới    “thu tướng lưỡi lại”. 
Tán rằng : đây là thuyết minh về thời tiết (tức thời gian). 
Kẻ ngu vì tâm mê cho là thời gian ngắn. Người trí hiểu rõ thực tình thấy đủ trăm ngàn năm (Phật) chuyển đổi tâm họ, khiến họ chẳng cảm thấy. Thêm nữa lợi lạc của báo (Phật) hóa (Phật) có sự khác nhau, kiến giải của thánh phàm cũng có sự phân biệt. 
Lại nữa, Phật hiện thần lực thực ra là trăm ngàn năm, nhưng thần lực của Phật khiến chúng sinh chẳng cảm thấy. Song rút ngắn lại, chẳng kéo dài thời gian ra, đó là định luận, cho nên chỉ nói là Thế tôn tám mươi tuổi nhập diệt. 
Lại nữa, những điều thánh phàm được nghe tuy giống nhau, nhưng thời gian chứng đạo được giác ngộ hoàn toàn khác nhau, (như vậy) cũng chẳng trái ngược nhau.
*
-Kinh văn : “Nhất thời đằng hắng”    tới    “đất đều chấn động sáu cách”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ ba : “Đằng hắng, búng ngón tay” và đoạn thứ tư : “Động đất”. 
“Đằng hắng” : là để thuyết kệ cho mà nghe, đã nghe tiếng rồi thì như thực mà tu hành, chẳng phóng dật nữa. 
Luận nói rằng : “búng ngón tay” là để khiến cho giác ngộ, khiến cho tu hành, giác ngộ rồi thì tinh tiến tu hành. 
“Động đất” : là để nhắc nhở đôn đốc những kẻ chưa phát tâm ở mười phương hãy phát tâm. 
* Chữ [謦] đọc là Khánh. Sách Ngọc Thiên nói : nghĩa chữ Khánh giống chữ Khái [咳], có nghĩa là “ra tiếng” (để khiến người khác chú ý). Chữ [欬] đọc là Khái, còn viết là [咳]. Ngọc Thiên giải thích là “Hơi ngược” (nghịch khí). Hai chữ “Khánh khái” có nghĩa là đằng hắng, dặng hắng.
*
-Kinh văn : “Chúng sinh trong đó”    tới    “Mâu Ni Phật”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ năm : “họ thấy rồi thì quy y”, có ba ý : 
1) Nhìn thấy rồi sinh ra ưa thích. 
2) Tiếng trong không trung chỉ giáo. 
3) Theo lời mà kính lễ.
*
-Kinh văn : “Đem đủ mọi thứ hương hoa”    tới    “như một cõi Phật”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ sáu nói về “ghép lọng thành màn” và đoạn thứ bảy nói về “thế giới thông làm một”. Đầu là tán hoa, sau là thành màn. 
“Tán hoa” : có nghĩa là nghe kinh Pháp Hoa.
“Ghép lại thành lọng” :nghĩa là vì ba thừa đầu tiên khác nhau, cuối cùng thành một, che cho hết thảy chúng sinh ở thế giới này. 
“Thế giới thông làm một” : Trí tâm không gì ngăn ngại, Tịnh độ chẳng gì khác nhau, vì chỉ có một thừa, không có thừa nào nữa. 
Trên biểu hiện thần lực 8 loại khác nhau, luận chỉ giải thích nghĩa của 3 loại : lè lưỡi, búng ngón tay, đằng hắng. Các kinh khác có 5 loại, chẳng phải thắng nghĩa, nên chẳng giải thích. Còn 3 loại trên phần nhiều các kinh khác cũng không theo thắng nghĩa mà giải thích. Thêm nữa vì 3 loại này chính thức dùng để phó chúc, bởi vậy giải thích riêng. Các thần thông khác chẳng phải là chính, cho nên chẳng thuyết.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”    tới    “tu hành như thuyết”. 
Tán rằng : dưới là lời phó chúc. Có năm phần. Trong này có bốn : 
1) Kết luận : thần lực nói trên vô lượng khó lường. 
2) Để dặn dò phó thác, thuyết về công đức khôn cùng. 
3) Nêu bật bốn loại đều do kinh này thuyết : 
 a. Đạo quyền thực. 
 b. Lực thần thông. 
 c. Lý Phật còn cất giấu. 
 d. Trí tuệ thâm sự. 
4) Kết thành khuyến thụ.
*
-Kinh văn : “Đất nước sở tại”    tới    “mà bát Niết bàn”. 
Tán rằng : đây là phần thứ năm : “khuyên tùy hỉ cúng dàng”. Đầu tiên nêu ra, sau đó giải thích. 
Giải thích do bốn nghĩa cho nên phải cúng dàng, vì pháp thân diệu lý đầy đủ trong này. Chốn chứa đạo thì gọi là đạo tràng ; chốn thành đạo, chốn đắc Bồ đề, chốn thuyết pháp, chốn Niết bàn, gọi chung là đạo tràng. Ba nghĩa dưới sẽ giải thích riêng.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”    tới    “hiện vô lượng thần lực”. 
Tán rằng : đây là 16 tụng, chia làm hai phần : 
– 4 tụng đầu : tụng thần lực. 
– 12 tụng sau : tụng phó chúc. 
Đây là phần đầu, có ba mục : 
+ 1 tụng : nêu ý nghĩa của việc hiện thần lực.. 
+ 2 tụng : năm thần lực. 
+ 1 tụng : thuận Phật tâm.
*
-Kinh văn : “Để giao phó kinh này”    tới    “chẳng thể được bờ bến”. 
Tán rằng : dưới là 12 tụng, tụng về phó chúc, trong đó chia làm ba : 
a) 2  tụng : nêu bật công đức vô cùng. 
b) 8 tụng rưỡi : tán thán riêng. 
c) 1 tụng rưỡi cuối : kết luận khuyến khích (tu hành).

Đây là phần đầu : tán thán phúc quả của người trì kinh để khuyến khích mọi người.
*
-Kinh văn : “Người trì được kinh này”    tới    “rốt ráo trụ nhất thừa”. 
Tán rằng : đây là tán thán riêng biệt, có năm mục : 
1) Một tụng rưỡi : thấy Phật. 
2) Hai tụng : hoan hỉ. 
3) Một tụng : đắc pháp. 
4) Một tụng rưỡi : năng thuyết. 
5) Hai tụng rưỡi : năng ích. 
Trong mục năng thuyết thì “các pháp nghĩa” là :
– Nghĩa vô ngại.
– Pháp (danh tự) vô ngại.
– Từ (ngôn từ) vô ngại. 
– Nhạo thuyết biện tài vô ngại. 
Bốn vô ngại này đầy đủ, “như gió vô ngại”.
*
-Kinh văn : “Bởi vậy người có trí”    tới    “quyết định không có nghi”. 
Tán rằng : dưới là kết luận khuyến khích (tu hành).
*** 

PHẨM CHÚC LŨY

Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Có ba ý :
1. Căn cứ vào thứ tự kinh phẩm, giờ đây phó chúc có hai : 
– Trên kia là thần lực là khiến tin lời phó chúc.
– Đây là xoa đỉnh đầu, khiến thực hành lời phó chúc. 
Cho nên có phẩm này.
2. Căn cứ vào bản luận, thì phẩm này được thuyết sau phẩm Phổ Hiền. Cho nên luận nói rằng : lực hộ pháp là chỉ những điều mà phẩm Phổ Hiền và phẩm sau đó thị hiện. Đây dùng tay xoa đỉnh đầu, Phật tự mình hộ pháp, khiến họ lưu hành. Cho nên có phẩm này.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
“Chúc” : nghĩa là phó thác. 
“Lũy” : nghĩa là trùng điệp, hai ba lần phó thác khiến họ hộ trì, cho nên gọi là “phẩm Chúc Lũy”.
“Thác” : nghĩa như  Chúc. “Phó” : cũng nghĩa như Chúc.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi : đây là một tay xoa đầu các Bồ tát, hay là các Bồ tát mỗi người (được) một tay xoa ?
Đáp : dùng một tay xoa cùng một lúc, vì thần lực (của Phật) lớn. Mỗi người (được) một tay xoa, vì diệu dụng đều khắp. Song các Bồ tát ai nấy chỉ thấy có một mình mình được xoa, do đó thâm tâm nghe theo lời mà lĩnh thụ.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thích Ca”    tới    “khiến mọi người được thêm ích lợi rộng khắp”. 
Tán rằng : toàn văn phẩm này chia làm bốn phần : 
1. Như Lai phó chúc. 
2. Bồ tát kính thụ. 
3. Khiến tháp quay về. 
4. Các chúng đều hoan hỉ. 
Trong phần đầu lại có ba phần : 
a) Phần đầu ba nghiệp gia trì phó chúc, khiến lưu hành kinh này. 
b) Phần hai là đoạn từ “Nếu có chúng sinh chẳng tín thụ” trở xuống : nếu chẳng tín thụ kinh này, thì khiến lưu hành kinh khác. 
c) Phần ba là đoạn từ “nếu các ngươi có thể được như vậy” trở xuống : kết luận thành ý khuyến khích “để báo ơn Phật”. 
Văn phần đầu này có ba đoạn : 
1) (Phật) lấy tay xoa đỉnh đầu mà phó chúc khiến lưu thông truyền bá kinh này, làm lợi ích một cách rộng rãi. 
2) Lại xoa đầu phó chúc, khiến thụ trì, khiến khắp cả đều nghe biết.
3) Giải thích lý do tại sao mà khuyến khích diễn thuyết (kinh này). 
Hai đoạn đầu là dùng thân ngữ để gia trì, một đoạn cuối cùng là dùng ý nghiệp mà gia trì. 
Đây là đoạn đầu.
“Dùng tay phải mà xoa” : để biểu thị sự đại cát tường.
Ngài Long Thụ giải thích rằng : các kinh khác chẳng phải là bí mật, chỉ có Pháp Hoa là bí mật nói rằng nhị thừa sẽ thành Phật. Chỉ có đại Bồ tát mới có thể vận dụng lưu hành kinh này, giống như bậc đại lương y mới có thể dùng độc dược.
*
-Kinh văn : “Xoa ba lần như vậy”    tới    “khắp cả được nghe biết”. 
Tán rằng : đây là lại xoa đầu phó chúc lần nữa, khiến thụ trì, khiến khắp cả đều nghe biết. 
“Xoa tới ba lần” : để tỏ ý phó chúc ân cần, khiến thụ trì pháp, nên đều ba lần, vì pháp truyền đăng ắt phải coi trọng việc phó chúc.
*
-Kinh văn : “Vì sao như vậy”    tới    “trí tuệ tự nhiên”. 
Tán rằng : đây là giải thích lý do vì sao mà lại khuyên phải diễn thuyết (kinh này). 
Ý nghiệp gia trì có ba : 
1) Hiểu rõ ba căn bất thiện của bản thân mình đã hết, có thể bố thí trí tuệ. 
2) Tỏ rõ Phật có thể làm đại thí chủ, khuyên hãy tùy thuận chớ có bủn xỉn. 
3) Dạy bằng pháp thí hóa độ, khiến được Phật tuệ.
Đây là phần đầu.
Vì “từ bi” cho nên không sân, vì ban vui nên cứu khổ, vì “không bủn xỉn” cho nên không tham. Vì “không sợ hãi” nên không hề tiếc pháp. Vì “không ngu si” nên thuyết pháp một cách quyết định. 
Có thể dựa vào chúng sinh đạt được “Phật trí” tức Chủng trí, “Như Lai trí” tức Nhất thiết trí.
Hai trí này do nhậm vận sự vần xoay không thày mà chứng được (Vô sư trí) nên gọi là “Tự nhiên trí”.
 Hoặc là : 
– Hai loại trước là trí hữu vi. 
– Một loại sau là trí vô vi, gọi là “Tự nhiên trí”.
*
-Kinh văn : “Như Lai là”    tới    “chớ sinh bủn xỉn”. 
Tán rằng : đây là nêu rõ rằng Phật có thể làm bậc đại thí chủ, khuyên hãy tùy thuận chớ có bủn xỉn.
Thành Thực luận nói : bủn xỉn có năm loại : 
1 Bủn xỉn về chỗ ởù.  4. Bủn xỉn về ca ngợi. 
2. Bủn xỉn về gia đình.  5. Bủn xỉn về pháp. 
3. Bủn xỉn về bố thí. 
1. Bủn xỉn về chỗ ở.
Đối với trụ xứ của mình, nảy ra ý nghĩ bủn xỉn, nghĩ rằng một mình ta ở đây, chẳng cần đến người khác, để ta được tự tại. Đây có năm loại : 
1) Đối với các tỳ kheo tốt chưa tới, thì chẳng muốn khiến họ tới. 
2) Đối với các tỳ kheo tốt khi họ tới rồi, thì giận dỗi chẳng ưa. 
3) Muốn khuyến họ sớm ra đi. 
4) Giấu thí vật của tăng đi, chẳng muốn cho họ. 
5) Đối với các thí vật của tăng, sinh ra tâm lý cho đó là của mình, kể làm ơn đức. 
Người đó đối với vật sở hữu cộng đồng mà còn chẳng thí xả, huống chi là các vật sở hữu của bản thân. Cho nên cuối cùng không có phần về sự giải thoát.
2.Bủn xỉn về gia đìnhø. 
Đối với những gia đình mà mình qua lại, sinh ra tư tưởng bủn xỉn nói rằng : nhà này là nơi ta thường một mình vào ra, chẳng cần đến người khác, nếu còn có người khác thì phải khiến ta thắng trội nhất. Đây cũng có năm : 
1) Nếu bạch y (chỉ người tại gia) có chuyện chẳng may thì cùng lo với họ. 
2) Nếu họ có sự lợi lạc, thì mình cùng vui với họ. 
3) Mừng người bạch y có sự giàu sang thắng trội. 
4) Chặn mất đường của người nhận của bố thí, khiến họ chẳng được bố thí. 
5) Sẽ phải sinh vào nhà ấy làm quỷ trong chuồng xí cùng các chốn xấu xa. 
3. Bủn xỉn về bố thí. 
Đối với vật bố thí của người khác, nảy ra tư tưởng bủn xỉn nghĩ rằng : khiến ta ở đây một mình được vật bố thí, người khác chẳng được. Ví dù có cho họ, cũng chớ cho hơn phần của ta. Đây cũng có năm : 
1) Thường bị thiếu thốn trong sinh hoạt. 
2) Khiến người bố thí chẳng được làm phúc. 
3) Khiến người nhận (bố thí) chẳng được tài lợi. 
4) Chê bai nói xấu người tốt. 
5) Tâm thường lo lắng phiền não, cho nên sẽ sinh ở địa ngục. 
Nếu có được sinh ra ở cõi người, cõi trời cũng chịu cảnh túng thiếu.
4. Bủn xỉn về tán thán (ca ngợi). 
Sinh ra tâm địa bủn xỉn đối với việc khen ngợi người khác, muốn khiến chỉ khen một mình ta, đừng khen người khác. Nếu khen người khác thì cũng đừng khiến hơn ta. Đây cũng có năm : 
1) Nghe khen người khác, tâm thường lo lắng xáo động. 
2) Chê bai nói xấu người tốt. 
3) Tự cao, khinh rẻ người khác. 
4) Thường bị tiếng xấu. 
5) Sẽ không có tịnh tâm trong trăm ngàn đời vị lai.
5. Bủn xỉn về pháp. 
Ở trong chính pháp sinh ra tư tưởng bủn xỉn, muốn khiến một mình ta biết 12 bộ kinh, đừng để người khác biết. Giả sử có để cho người khác biết thì cũng đừng để cho người khác hơn ta. Thêm nữa, tự mình biết nghĩa bí mật mà không nói. Lỗi này có bảy thứ :
1) Sinh ra thường bị mù lòa.
2) Thường bị ngu si.
3) Sinh ra trong nhiều sự oán hận, chẳng được tự tại.
4) Thoái mất thánh thai.
5) Chư Phật oán tặc.
6) Người thiện xa lìa.
7) Không điều ác nào không làm. 
Có đủ mọi lỗi lầm mất mát như vậy, cho nên (Phật) khuyên chớ nên bủn xỉn. 
Vì Thế tôn đã thực hành được ba loại xả, cho nên ngài là “đại thí chủ của hết thảy chúng sinh”. Bởi vậy, hãy “học theo pháp của ta, chớ sinh bủn xỉn”. 
*
-Kinh văn : “Ở đời vị lai”    tới    “vì được Phật tuệ”. 
Tán rằng : đây là dạy bằng pháp thí hóa độ, để khiến được Phật tuệ.
*
-Kinh văn : “Nếu có chúng sinh”    tới    “chỉ giáo khiến họ được lợi lạc”. 
Tán rằng : nếu chẳng tin kinh này thì khiến tin kinh khác. 
Ý nói gặp hạng nhị thừa, dùng diệu pháp này để giáo hóa, nếu họ chẳng tin thì hãy thuyết Bát nhã đại thừa thâm pháp để điều phục tâm họ, rồi sau hãy giáo hóa bằng pháp này.
*
-Kinh văn : “Các ông nếu được như thế, tức là đã báo ân của chư Phật”. 
Tán rằng : đây là kết luận thành ra ý khuyên bảo. 
Ý Phật muốn khiến mọi người thành Phật cho nên đặt ra đủ mọi môn.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ các Bồ tát”    tới    “xin Thế  tôn chớ lo”. 
Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ hai : nói về Bồ tát kính thụ, chia làm hai đoạn, (dùng) ba nghiệp mà kính lĩnh.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ”    tới    “hãy quay về như cũ”. 
Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ ba : khiến tháp v.v… quay về. 
Từ đây về sau không còn chốn quay về nào nữa. Cho nên biết rằng phẩm này lẽ ra phải ở cuối kinh.
*
-Kinh văn : “Lúc nói lời này”    tới    “đều rất hoan hỉ”. 
Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ tư : nói về đại chúng đều hoan hỉ, nghe và khen pháp thắng diệu.
Được giao phó và dặn dò đinh ninh, bởi vậy hoan hỉ. Chứ chẳng phải là vì thấy sai hóa Phật v.v… quay trở về mà hoan hỉ. 
Cứ theo lý do đó, cho nên hết việc thì giải tán. Thiên Thân Bồ tát giải thích kinh Già Da Sơn Đỉnh, nói rằng hoan hỉ phụng hành có ba nghĩa : 

1) Người thuyết pháp thanh tịnh, vì được tự tại đối với các pháp. 
2) Pháp sở thuyết thanh tịnh, vì chứng tri đúng như thực pháp thể thanh tịnh. 
3) Sở y thuyết pháp đắc quả thanh tịnh, vì đắc cảnh giới tịnh diệu. 
Như kinh chép “đều rất hoan hỉ”, tức là tín thụ phụng hành.

***
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT BẢN SỰ

Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Hai phẩm trên đã thuyết minh về Phó thụ, sáu phẩm dưới là Thụ mệnh lưu thông. Căn cứ vào lời văn bản luận thì chia làm năm phần : 
1) Dược Vương tự tu hành khổ hạnh lực để lưu thông. 
2) Diệu Âm giáo hóa chúng sinh tu hành khổ hạnh lực để lưu thông. 
3) Quan Âm, Đà la ni dùng lực cứu các nạn cho chúng sinh để lưu thông. 
4) Diệu Trang Nghiêm Vương dùng công đức thắng lực để lưu thông. 
5) Phổ Hiền, Chúc lũy dùng hộ pháp lực để lưu thông. 
Chúc lũy đã trình bày ở trên, còn hộ pháp thì chỉ có một. 
Dược Vương lúc ấy ở tại pháp hội, nghe Phật nói về mình trước kia đã từng thiêu thân, đốt tay tự tu hành khổ hạnh để lưu thông chính pháp, làm lợi ích cho pháp hội đương thời. Cho nên mới có phẩm này.

  1. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
    “Dược” : là công hiệu thần kỳ có thể trị được bệnh tật. 
    “Vương” : là có uy lực tự tại. 
    “Bản” : là nhân do. 
    “Sự” : là thể nghiệp. 
    Nay vị Bồ tát này nguyện làm cây thuốc để trị bệnh kinh niên Bát trần, để trừ bệnh nặng Thất lậu, thế lực vô song, uy thần hiếm sánh, cho nên gọi là Dược Vương Bồ tát. 
    Nay trong phẩm này kể về bản nhân, tức là sự tu hành của vị ấy để làm lợi cho pháp hội đương thời, cho nên gọi là phẩm Dược Vương Bồ tát Bản Sự.
    III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
    -Hỏi : Bồ tát về nguyện lực, thần công đều bằng nhau, cớ sao chỉ có một mình vị này gọi tên là Dược Vương ?
    Đáp : xét về công đức, căn cứ vào hạnh quả thì không khác nhau nhưng nguyện lợi tha, tu nhân xưa cũng hơi khác nhau. Chỉ như hạnh nguyện Cứu sinh bạt khổ, các Bồ tát đều giống nhau, nhưng riêng một mình ngài Quán Âm được gọi tên là Cứu (khổ cứu nạn Quán Thế Âm). Còn Dược Vương có sự thắng trội riêng, há lại không được lấy hạnh đặt tên như thế ư !
    *
    -Kinh văn : “Bấy giờ Túc Vương”    tới    “nghe đều hoan hỉ”. 
    Tán rằng : toàn văn phẩm này chia làm 6 đoạn lớn : 
    1. Đầu tiên là Túc Vương Hoa hỏi. 
    2. Như Lai giải đáp. 
    3. Đoạn từ “Nếu lại có người đem bảy thứ báu chứa đầy tam thiên đại thiên” trở xuống : tán thán diệu đức của kinh.
    4. Đoạn từ “Túc Vương Hoa, nếu có người nghe phẩm Dương Vương Bồ Tát Bản Sự này” trở xuống : tán thán sự phó thụ thắng diệu.
    5. Đại chúng đương thời được lợi ích. 
    6. Phật Đa Bảo tán dương. 
    Hai đoạn này đều ở cuối phẩm. 
    Đây là đoạn đầu, có ba : 
    1) Hỏi. 
    2) Thỉnh. 
    3) Biện thỉnh ý. 
    “Tú Vương Hoa hỏi” : từ đời xưa “Túc” đến nay đều trì kinh Pháp “Hoa”, tự tại như vua “Vương” (bởi vậy gọi là Túc Vương Hoa).
    Kinh Bảo Vân nói rằng : Bồ tát có mười pháp gọi tên là “cây thuốc lớn”. Ví như cây thuốc gọi là Thiện kiến, nếu có chúng sinh nào được rễ, củ, cành, lá, hoa, quả của nó thì cũng nhìn thấy sắc, ngửi thấy hương, nếm thấy vị, được tiếp xúc ; cảm nhận được mười pháp này thì mọi bệnh đều chữa khỏi. 
    Bồ tát cũng thế, từ lúc mới phát tâm, đã vì các chúng sinh có biết bao nhiêu thứ bệnh phiền não mà dựa vào Thí, Giới, Nhẫn, Cần, Định, Tuệ để cứu sống được họ. Có người nhờ thấy pháp, có người nhờ nghe âm thanh, có người nhờ biết mùi vị, có người nhờ đồng sự mà được sống. Bồ tát tùy ứng dẫn đạo, khiến cho họ được lợi ích. Cho nên gọi Bồ tát là cây thuốc, vì có thể trừ bệnh phiền não, cứu sống được tuệ mệnh. 
    “Du” : là phương pháp du hóa lợi ích, tế độ làm lợi lạc cho chúng sinh. 
    “Bao nhiêu vân vân” : là hỏi về các khổ hạnh khác nhau : đó là thiêu thân, đốt tay để cúng dàng chính pháp.
    *
    -Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”    tới    “thuyết kinh Pháp Hoa”. 
    Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ hai : Như Lai giải đáp cho. Có bốn phần :
    1. Kể về thời gian.
    2. Thuyết minh về Phật.
    3. Nói rõ việc tu hành.
    4. Hội họp xưa nay. 
    Đây là 2 phần đầu.
    Trong phần thuyết minh về Phật có 7 thứ : 
    1) Danh hiệu. 
    2) Quyến thuộc. 
    3) Trụ thọ. 
    4) Không ác. 
    5) Tướng cõi (Phật). 
    6) Lâu đài cây cối trang nghiêm. 
    7) Kinh pháp sở thuyết.
    *
    -Kinh văn : “Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến”    tới    “Hiện nhất thiết sắc thân tam muội”. 
    -Tán rằng : đây là phần thứ ba : nói về sự tu hành. Có ba mục :
    1) Tinh tiến, đắc định.
    2) Cúng dàng Phật pháp.
    3) Cúng dàng xá lợi. 
    Đây là mục đầu.
    Đắc định này rồi thì có thể tùy thích mà hiện thân. Sơ địa thì đắc, Bát địa thì được tự tại ; Thập địa thì trong bình đẳng có thể tùy theo sự ưa thích của chúng sinh mà thị hiện, vì Sơ địa đã đắc (định). 
    Kinh Vô Cấu Xưng cũng có Bồ tát này.
    *
    -Kinh văn : “Đắc tam muội này rồi”    tới    “và kinh Pháp Hoa”. 
    Tán rằng : đây là phần thứ hai : cúng dàng Phật pháp. Có 7 mục :
    1) Hỉ niệm cúng dàng.
    2) Nhập định khởi thần thông.
    3) Lại nghĩ là chưa đầy đủ.
    4) Thiêu thân để cúng dàng.
    5) Quang minh chiếu xa.
    6) Chư Phật cùng tán thán.
    7) Thời gian thiêu thân. 
    Đây là mục đầu.
    *
    -Kinh văn : “Tức thì nhập định này”    tới    “để cúng dàng Phật”. 
    Tán rằng : đây là nhập định, khởi thần thông. Có ba thứ :
    1) Lúc mới nhập định thì đổ mưa hoa.
    2) Đổ mưa chiên đàn.
    3) Đổ mưa hương Hải thử ngạn chiên đàn.
    *
    -Kinh văn : “Cúng dàng như vậy rồi”    tới    “đem thân ra cúng dàng”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ ba : Lại nghĩ là chưa đủ.
    *
    -Kinh văn : “Liền xức các thứ hương thơm”    tới    “mà tự thiêu thân”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ tư : Thiêu thân cúng dàng. Có ba ý : 
    1) Xức dầu thơm. 
    2) Nói rõ năm tháng. 
    3) Chính thức thiêu thân.
    *
    -Kinh văn : “Quang minh chiếu khắp”    tới    “các đức Như Lai”. 
    Tán rằng : trong này có hai mục : mục thứ năm “quang minh chiếu khắp” và mục thứ sáu “chư Phật cùng khen”. Trong mục cùng khen có ba ý :
    1) Khen bằng cách nêu lên sự chân thực.
    2) Khen bằng cách so sánh.
    3) Kết luận lời khen.
    *
    -Kinh văn : “Nói lời này xong”    tới    “thân ấy mới hết”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ bảy nói về thời gian. Có hai phần : đầu tiên là im lặng, sau đó là thời gian.
    *
    -Kinh văn : “Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến”    tới    “bỗng nhiên hóa sinh”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ ba “cúng dàng xá lợi” trong phần nói về sự tu hành. Có 14 mục nhỏ :
    1) Sinh xứ (chốn sinh).
    2) Thuyết pháp.
    3) Khải bạch.
    4) Tới chỗ Phật.
    5) Phó chúc.
    6) Nhập diệt.
    7) Dựng tháp.
    8) Nghĩ bảo.
    9) Đốt tay.
    10) Lợi ích.
    11) Chúng sinh buồn rầu.
    12) Tự thề.
    13) Nguyện mãn.
    14) Cảm sinh thụy ứng. 
    Đây là mục đầu.
    *
    -Kinh văn : “Liền vì cha mình”    tới    “xả bỏ thân yêu quý”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ hai : Thuyết pháp.
    *
    -Kinh văn : “Thuyết kệ ấy”    tới    “cúng dàng Phật này”. 
    Tán rằng : đây là mục ba : Khải bạch. 
    Đầu tiên bạch vì sự trước kia, sau đó là bạch thỉnh đi tới. Văn phần đầu có 3 ý : 
    1) Luận về Phật tại thế. 
    2) Đắc tổng trì. 
    3) Nghe thắng pháp. 
    “Chân ca la v.v…” : Câu Xá luận, quyển thứ 12 nói rằng : Số có 60, quên mất 8 số khác, cứ lấy 10 mà nhân với nhau dần tới thứ 16 thì gọi là Căng yết la (còn gọi là Chân ca la), thứ 17 gọi là Đại Căng yết la, thứ 18 gọi là Tần bạt la, thứ 19 gọi là Đại Tần bạt la, thứ 20 gọi là A sô bà, thứ 21 gọi là Đại A sô bà. Đây tóm lại là có ba loại tức là các số thứ 16, 18, 20.
    *
    -Kinh văn : “Bạch xong liền ngồi”    tới    “vẫn còn tại thế ư ?”. 
    Tán rằng : đây là mục bốn : tới chỗ Phật. Có ba phần : 
    1) Đầu tiên : đi tới. 
    2) Thứ đến : tán thán. 
    3) Cuối cùng : tác bạch.
    *
    -Kinh văn : “Bấy giờ, Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức”    tới    “bao nhiêu ngàn tháp”. 
    Tán rằng : đây là mục năm nói về phó chúc.
    Có bốn ý : 
    1) Nêu lên việc nhập diệt. 
    2) Phó chúc về pháp. 
    3) Phó chúc về cõi giới. 
    4) Phó chúc về thể. 
    Theo Tăng Kỳ luật, nếu có xá lợi thì gọi là Tháp bà, không có xá lợi thì gọi là Chi đề. 
    Trong Du Già v.v… thì nếu có xá lợi thì chỉ gọi là Tốt đổ bà, nếu không có xá lợi thì chỉ gọi là Chế đa.
    Không có danh từ Tháp bà, đó là (phiên âm) sai.
    *
    -Kinh văn : “Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức”    tới    “nhập Niết bàn”. 
    Tán rằng : đây là mục sáu : nhập diệt. 
    Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : Phật sự cứu cánh rồi, thì  vì có 10 nghĩa mà Phật thị hiện nhập đại Niết bàn : 
    1) Để chứng minh mọi hạnh đều vô thường. 
    2) Để chứng minh mọi thứ hữu vi chẳng phải yên ổn. 
    3) Để chứng tỏ nẻo Niết bàn là yên ổn nhất. 
    4) Chứng tỏ bát Niết bàn lìa xa mọi sự sợ hãi. 
    5) Vì các người, trời thích chấp trước sắc thân, cho nên chứng minh rằng sắc thân là vô thường, là pháp mòn diệt, để khiến họ cầu trụ ở pháp thân thanh tịnh. 
    6) Để chứng minh lực vô thường là mạnh, chẳng thể chuyển đổi. 
    7) Để chứng minh pháp hữu vi chẳng được tự tại. 
    8) Để chứng tỏ tam giới pháp thảy đều giống như khí cụ bị hư hoại vì không bền chắc. 
    9) Để chứng minh bát Niết bàn là chân thực nhất, vì chẳng thể hoại. 
    10) Để chứng minh bát Niết bàn lìa xa sinh tử, chẳng phải khởi diệt.
    (Phật) vì 10 nghĩa này mà thị hiện Niết bàn.
    *
    -Kinh văn : “Bấy giờ, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến”    tới    “treo các lục lạc báu”.
    Tán rằng : đây là mục thứ bảy : Dựng tháp. Có 3 ý : 
    1) Buồn thương lưu luyến. 
    2) Thiêu thân. 
    3) Dựng tháp. 
    Đây là Tha thụ dụng, nên lượng cực cao.
    *
    -Kinh văn : “Bây giờ, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến”    tới    “của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ tám : Nghĩ bảo. 
    Có hai phần : đầu là Nghĩ, sau là Bảo.
    *
    -Kinh văn : “Nói lời này xong”    tới    “tự nhiên hoàn trở lại”. 
    Tán rằng : trong này có 5 mục : 
    – Mục thứ 9 : đốt tay.
    – Mục thứ 10 : lợi ích.
    – Mục 11 : chúng sinh buồn khổ.
    – Mục 12 : tự thề. 
    – Mục 13 : nguyện mãn.
    *
    -Kinh văn : “Do phước đức trí tuệ thuần hậu của Bồ tát này”    tới    “được thứ chưa từng có”. 
    Tán rằng : đây là mục 14 : Cảm sinh thụy ứng.
    Có ba ý : 
    1) Nhân do. 
    2) Thụy ứng. 
    3) Được thứ chưa từng có.
    *
    -Kinh văn : “Phật bảo Túc Vương Hoa”    tới    “mà cúng dàng”. 
    Tán rằng : dưới là mục thứ tư : nói về hội cổ kim, trong đoạn lớn thứ hai nói về Như Lai giải đáp. 
    Có 3 phần : 
    1) Đầu là hội. 
    2) Sau là tán thán. 
    3) Cuối là khuyên tu.
    *
    -Kinh văn : “Nếu lại có người”    tới    “phúc ấy nhiều nhất”. 
    Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ ba trong phẩm, nói về sự tán thán diệu đức kinh này. Có bốn mục : 
    1) Giảo lượng thắng. 
    2) Tỉ dụ thắng. Đó là đoạn từ “thí như…” trở xuống. 
    3) Tác dụng thắng. Đó là đoạn từ “kinh này cứu được…” trở xuống. 
    4) Vô biên thắng. Đó là đoạn từ “nếu người nào được nghe kinh Pháp Hoa này, nếu tự mình sao chép…” trở xuống.
    Đây là mục đầu.
    *
    -Kinh văn : “Túc Vương Hoa ! Thí như”    tới    “vua của các kinh”. 
    Tán rằng : đây là văn nói về mục thứ hai : Tỷ dụ thắng. Trong có mười : 
    1) U quảng thắng (thắng diệu về mức độ sâu rộng). 
    2) Cao hiển thù thắng. 
    3) Liễu đạt thắng. 
    4) Trừ Hoặc thắng. 
    5) Uy thế thắng. 
    6) Tự tại thắng. 
    7) Xuất sinh thắng. 
    8) Khế lý thắng, hoặc gọi là Nhân pháp thắng. 
    9) Nhị lợi thắng. 
    10) Viên đức thắng. 
    Trong Khế lý thắng có pháp có nhân. Kể ra văn về nhân này lẽ ra phải nói sau cùng, nhưng tiện mạch văn cho nên nói luôn. 
    “Tu đà hoàn” : dịch là Dự lưu, vì dự vào thánh lưu (hàng thánh). 
    “Tư đà hàm” : dịch là Nhất vãng lai, chỉ có một lần sinh qua lại vòng sinh tử nữa là thành Ứng quả, gọi là Nhất lai.
    “A na hàm” : dịch là Bất hoàn. Dục giới nghiệp tận, ắt chẳng quay trở lại sinh ở trong Dục giới nữa, cho nên gọi là Bất hoàn.
    *
    -Kinh văn : “Túc Vương Hoa”    tới    “thỏa mãn nguyện ấy”. 
    Tán rằng : dưới là mục thứ ba : Tác dụng thắng. Có ba phần : 
    1. Pháp. 
    2. Dụ.
    3. Hợp. 
    Đây là phần đầu, có 3 câu : 
    1) Câu đầu : có thể trừ được Hoặc nghiệp. 
    2) Câu sau : có thể trừ được khổ quả. 
    3) Câu cuối : có thể thỏa mãn được nguyện vọng tốt lành. 
    Thêm nữa : Phát tâm, Tu hành, Đắc quả là ba. 
    Lại nữa : Tổng biệt, Ly ác, Nhiếp thiện đó là ba.
    *
    -Kinh văn : “Như ao nước mát mẻ”    tới    “như đuốc trừ được bóng tối”. 
    Tán rằng : đây là Dụ thuyết. Có 12 ý : 
    1) Mãn nguyện. 
    2) Đạo thành. 
    3) Đủ đức Tàm quý (biết hổ thẹn). 
    4) Được đạo sư. 
    5) Được nẻo về. 
    6) Vượt thoát vòng sinh tử. 
    7) Trừ phiền não. 
    8) Được trí tuệ. 
    9) Được thánh tài. 
    10) Có sự kế thừa bẩm thụ. 
    11) Biết bảo sở. 
    12) Phá si ám. 
    Tùy theo sự tương ứng mà ghép vào ba câu trên.
    *
    -Kinh văn : “Kinh Pháp Hoa này”    tới    “rợ buộc sinh tử”. 
    Tán rằng : đây là Hợp thuyết.
    – Lìa được sự đau khổ, trừ được các nỗi khổ, đó là câu đầu. 
    – Cởi được rợ trói buộc sinh tử, ý nói trừ được Hoặc nghiệp, đó là câu thứ hai.
    Chẳng hợp thuyết câu cuối “thỏa mãn nguyện vọng” nói ở trên. 
    Hoặc là trừ nỗi khổ sau này, nỗi khổ hiện tại, nguyên nhân gây khổ. Cứ theo thứ tự mà ghép vào.
    *
    -Kinh văn : “Nếu người nào được nghe”    tới    “cũng lại vô lượng”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ tư nói về Vô biên thắng. Có hai ý : 
    1) Công đức nghe pháp, chép kinh vô biên. 
    2) Công đức cúng dàng vô biên. 
    Đắc vô biên biên, chẳng đắc hữu biên biên, cho nên nói Phật chẳng đắc.
    *
    -Kinh văn : “Túc Vương Hoa”    tới    “sau chẳng thụ nữa”. 
    Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ tư trong phẩm : tán thán Phó thụ diệu. Có 7 mục : 
    1) Nêu rõ Văn pháp (nghe phẩm này) thắng. 
    2) Chuyển nữ thân. 
    3) Sinh tịnh độ. 
    4) Tùy hỉ được phúc. 
    5) Chính thức nói rõ điều phó chúc. 
    6) Khiến thủ hộ. 
    7) Khuyên cúng dàng thụ trì. 
    Đây là hai mục đầu.
    *
    -Kinh văn : “Nếu sau khi Như Lai nhập diệt”     tới    “bằng với ngươi”. 
    Tán rằng : đây là mục ba :  Sinh tịnh độ. 
    Có năm ý chính : 
    1) Sinh tịnh độ. 
    2) Lìa phiền não. 
    3) Đắc thần thông. 
    4) Thấy nhiều Phật. 
    5) Phật từ xa tán thán.
    – Trong “Phật từ xa tán thán” có năm ý : 
    1/- Tán thán phúc vô biên. 
    2/- Tán thán đức vô biên. 
    3/- Có thể phá được phiền não. 
    4/- Cùng nhau thủ hộ. 
    5/- Nói rõ phương tiện tối thắng để nhiếp dẫn. Rằng : “Bồ tát, tuệ không bằng ngươi”.
    *
    -Kinh văn : “Túc Vương Hoa”    tới    “như trên đã nói”. 
    Tán rằng : đây là mục thứ tư : tùy hỉ được phúc.
    *
    -Kinh văn : “Cho nên Túc Vương Hoa”    tới    “chẳng già chẳng chết”. 
    Tán rằng : trong này có hai mục : mục thứ năm “Chính thức nói rõ điều phó chúc” và mục thứ sáu “khiến phải thủ hộ”. 
    Trong mục “Thủ hộ” : đầu tiên nêu lên, sau đó giải thích. 
    “Năm trăm năm sau” : kinh Đại Tập nói rằng : sau khi Phật diệt độ thì : 
    – 500 năm đầu là Giải thoát kiên cố.
    – 500 năm thứ hai là Thiền định kiên cố.
    – 500 năm thứ ba là Đa văn kiên cố.
    – 500 năm thứ tư là Phúc đức kiên cố.
    – 500 năm thứ năm là Đấu tranh kiên cố.
    Đều lấy 500 năm là đơn vị tính để ghi. 
    Cho nên nói rằng “500 năm sau, sau khi Phật diệt độ” : thì có thể là Chính pháp 500 năm, Tượng pháp 1000 năm và ở sau Tượng pháp trong 500 năm đầu của Mạt pháp.

    -Kinh văn : “Túc Vương Hoa”    tới    “tâm cung kính”. 

Tán rằng : đây là mục thứ bảy : khuyên cúng dàng thụ trì. Có ba : 
1) Rắc hoa.
2) Tâm niệm.
3) Kết thành.
*
-Kinh văn : “Khi Phật thuyết phẩm Dược Vương”    tới    “hết thảy chúng sinh”. 
Tán rằng : đây là đoạn lớn thứ năm : nói về “đại chúng đương thời ích lợi” và thứ sáu : nói về việc “Phật Đa Bảo tán dương”.
 

KINH PHÁP HOA HUYỀN TÁN
QUYỂN THỨ MƯỜI – PHẦN TRƯỚC
ĐÃ XONG

Ngày 12 tháng Chạp năm Bảo An thứ ba, Sư Tăng Giác chùa Pháp Long đã dùng bản của Viên Như phòng, chùa Hưng Phúc đem in và di điểm xong.
Bản… đều là điểm bản này. Đó là bản do bậc cao danh viết. 
“Để khiến pháp trụ lâu dài, để được vãng sinh Cực lạc”