QUÁN KINH TỨ THIẾP SỚ
Hòa Thượng Thiện Đạo tập ký
Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch kinh văn
Thích Pháp Chánh dịch sớ văn
Quyển Bốn: TÁN THIỆN
I – TÁN THIỆN
Từ đây trở xuống, giảng giải môn Tán thiện “Ba bậc chín phẩm.” Trong đây có hai ý nghĩa: a. Dùng ba phước làm chánh nhân, b. Dùng chín phẩm vãng sanh làm chánh hạnh.
1 – Dùng ba phước làm chánh nhân.
1. – Phước thứ nhất: đây là thiện căn thế tục. Xưa nay chưa từng nghe qua Phật pháp, chỉ biết tu hiếu dưỡng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Cho nên gọi là việc thiện thế gian (thế tục).
2. – Phước thứ hai: đây gọi là giới thiện. Trong các loại giới này, có giới cho người, trời, thanh văn, bồ tát, v.v… Trong mỗi giới là có thọ đầy đủ hay không đầy đủ, hoặc hành trì đầy đủ hay không đầy đủ. Chỉ cần đem công đức thọ trì giới pháp hồi hướng, tất cả đều được vãng sanh.
3. – Phước thứ ba: đây gọi là hành thiện. Đây chính là phàm phu phát tâm Đại thừa, tự mình hành Bồ tát hạnh cùng khuyến khích người khác. Bỏ ác tu thiện, hồi hướng vãng sanh.
Trong ba loại phước này, hoặc có người chỉ tu phước thế gian, hồi hướng cũng được vãng sanh; hoặc có người chỉ trì giới, hồi hướng cũng được vãng sanh; hoặc chỉ tu hành thiện, hồi hướng cũng được vãng sanh; hoặc có người tu hai phước đầu, hồi hướng cũng được vãng sanh; hoặc có người tu hai phước sau, hồi hướng cũng được vãng sanh; hoặc có người tu cả ba phước, hồi hướng cũng được vãng sanh. Nếu như có người ba phước đều không tu, thì đây gọi là thập ác, là tà kiến, là loại nhất xiển đề.
2 – Dùng chín phẩm làm chánh hạnh.
A – THƯỢNG PHẨM VÃNG SANH.
Trước tiên, phân biệt tổng quát, có mười một phần:
- Đức Phật nêu đề mục
- Biện định phẩm vị
- Nêu lên những loại chúng sanh hữu duyên
- Biện định ba tâm, dùng làm nhân chánh
- Giản biệt căn cơ, có thể hoặc không thể vãng sanh
- Nêu lên sự thọ trì giáo pháp không đồng
- Tu hành đạo nghiệp, dài ngắn khác nhau
- Hồi hướng sự tu hành, nguyện sanh Cực Lạc
- Lúc lâm chung, chư thánh đến tiếp dẫn không giống nhau, sự vãng sanh có nhanh chậm
- Hoa nở cũng có nhanh chậm khác nhau
- Sau khi hoa nở, được lợi ích cũng khác biệt
Ý nghĩa của mười một phần vừa nêu, mỗi phẩm vãng sanh đều có đủ mười một ý nghĩa này, như vậy có tổng cộng một trăm ý nghĩa.
Mười một nghĩa này, trong mỗi phẩm vãng sanh, hoặc có đầy đủ, hoặc không đầy đủ. Tuy có sự ẩn, hiển, nhưng nếu căn cứ vào đạo lý, thì mỗi phẩm đều có đủ mười một nghĩa này. Vì lý do đó, cần phải trình bày rõ ràng, để cho hành giả dễ dàng nhận thức.
a – Thượng phẩm thượng sanh
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Thượng phẩm thượng sanh là thế nào?
1. – Đức Phật nêu đề mục.
2. – Biện định phẩm vị, đây tức là người phàm phu cực thiện, tu học Đại thừa.
3. – Nêu chung các loại chúng sanh hữu duyên.
Nếu chúng sanh muốn sanh về cõi kia, nên phát ba thứ tâm, ắt sẽ được vãng sanh.
Có bốn phần:
- Người có lòng tin
- Cầu nguyện vãng sanh
- Phát tâm nhiều ít
- Được vãng sanh
1. – Biện định ba tâm, dùng làm nhân chánh.
Ba tâm là tâm chí thành, tâm sâu thiết, tâm hồi hướng phát nguyện. Đầy đủ ba tâm này ắt sẽ được vãng sanh.
Có ba phần:
1/ Đức Thế Tôn tùy căn cơ mà hiển bày sự lợi ích, mật ý khó dò, nếu đức Phật không tự đặt câu hỏi, tự giải đáp, thì chúng sanh không thể nào hiểu được.
2/ Đức Như Lai tự mình trả lời ý nghĩa của ba tâm.
Một là chí thành tâm. Chí tức là chân, thành tức là thực. Ý muốn nói tất cả chúng sinh, ba nghiệp thân khẩu ý tu tập giải môn, hoặc hành môn, đều phải từ tâm chân thật xuất phát, không thể bên ngoài hiện tướng hiền thiện, tinh tiến, mà trong tâm thì giả dối, tham lam, tà ngụy, gian trá đa đoan, hung ác dữ dằn, mưu mô nham hiểm; tuy cũng hành trì ba nghiệp, nhưng gọi là việc lành pha chất độc, cũng gọi là hành trì giả dối, không được gọi là nghiệp thiện chân thực. Nếu như dùng tâm như vậy mà tu hành, dù có thân tâm lao nhọc, tinh tiến hành trì như cứu đầu đang bị cháy, cũng chỉ gọi là việc thiện pha chất độc. Muốn dùng công hạnh trộn độc này để cầu sinh Cực Lạc, đây là điều không thể được! Vì sao? Bởi vì Ðức Phật A Di Ðà, trong lúc tu nhân, dù trong một niệm, một sát na, ba nghiệp mà Ngài tu tập, đều phát xuất từ tâm chân thực, và những sự việc Ngài tạo tác, nguyện cầu, cũng đều là chân thực.
Lại nữa, chân thực có hai loại: một là tự lợi chân thực, hai là lợi tha chân thực.
Tự lợi chân thực, lại có hai loại:
1- Dùng tâm chân thực, chế phục, xả bỏ những ác hạnh của mình và người, cùng những cõi nước thô ác; trong tất cả mọi thời, nghĩ tưởng các vị Bồ tát chế phục, xả bỏ ác hạnh, mình cũng phải nên như vậy.
2- Dùng tâm chân thực, siêng tu tất cả pháp thiện, dùng tâm chân thực, tán thán Ðức A Di Ðà cùng y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc.
Lại từ tâm chân thực, dùng khẩu nghiệp quở trách, nhàm chán tất cả y báo chánh báo thô ác của mình và người trong ba cõi sáu đường, lại tán thán những thiện hạnh của ba nghiệp thân khẩu ý của tất cả chúng sinh, còn đối với những chúng sinh không làm thiện, kính nhi viễn chi, mà cũng chẳng tùy hỷ việc làm của họ.
Lại từ tâm chân thực, dùng thân nghiệp chắp tay lễ kính, cúng dường y phục, thức ăn, … đến Ðức Phật A Di Ðà, cùng y báo chánh báo của cõi Cực Lạc.
Lại từ tâm chân thực, dùng thân nghiệp, xem thường, nhàm chán y báo, chánh báo của mình và người trong ba cõi sinh tử này.
Lại từ tâm chân thực, dùng ý nghiệp suy ngẫm, quán sát, nhớ nghĩ Ðức Phật A Di Ðà, cùng y báo chánh báo của cõi Cực Lạc, giống như hiện đang trước mắt.
Lại từ tâm chân thực, dùng ý nghiệp xem thường, nhàm chán y báo, chánh báo của mình và người trong ba cõi sinh tử này.
Phải từ tâm chân thực, xả bỏ ba nghiệp bất thiện, và cũng phải từ tâm chân thực khởi ba nghiệp thiện thân khẩu ý.
Bất luận trong, ngoài, ngày, đêm, đều phải một lòng chân thực, cho nên gọi là chí thành tâm.
Hai là thâm tâm. Thâm tâm tức là lòng tin sâu, có hai loại:
1. Quyết định tin sâu rằng thân hiện tại của mình là phàm phu tội ác, từ vô thỉ đến nay, chìm đắm, trôi lăn trong sinh tử, không có nhân duyên để xuất ly.
2. Quyết định tin sâu, không còn nghi ngờ đắn đo, rằng Ðức A Di Ðà có bốn mươi tám lời nguyện, nhiếp thọ chúng sinh, nương vào nguyện lực của Ngài ắt được vãng sinh.
Lại quyết định tin sâu rằng Ðức Phật Thích Ca giảng nói về ba phước, chín phẩm, định thiện, tán thiện, cùng chứng minh, tán thán y báo chánh báo của cõi Cực Lạc là để cho chúng sinh hâm mộ.
Lại quyết định tin sâu rằng trong kinh A Di Ðà, mười phương chư Phật khuyến khích, chứng minh tất cả phàm phu quyết định được vãng sinh.
Ðối với lòng tin sâu này, ngưỡng nguyện tất cả hành giả, một lòng chỉ tin lời Phật, không luyến tiếc thân mạng, quyết định phụng hành. Phật bảo xả bỏ, nhất định phải xả bỏ, Phật bảo hành trì, nhất định phải hành trì, Phật bảo vãng sinh, nhất định phải vãng sinh, đây gọi là tùy thuận lời Phật dạy, tùy thuận ý muốn của Phật, tùy thuận bổn nguyện của Phật. Ðây gọi là Phật tử chân thực.
Tất cả hành giả, chỉ cần y theo Kinh này, tin tưởng hành trì, chắc chắn sẽ không bị sai lầm. Vì sao? Ðức Phật là Bậc đầy đủ tâm đại bi, là Bậc nói lời thật. Từ Phật trở xuống, tất cả phàm thánh khác, trí hạnh chưa đầy đủ, vẫn còn trong giai đoạn học tập, chưa trừ sạch phiền não chướng và sở tri chướng, nguyện hạnh chưa tròn, những người như vậy, giả sử muốn suy lường trí của Phật, cũng chưa chắc suy lường nổi; tuy có bình luận, phán đoán, nhưng phải qua sự ấn chứng của Phật mới trở thành định án.
Nếu như xứng ý của Phật, Ngài sẽ ấn khả: “Ðúng vậy! Ðúng vậy!”, nếu không xứng ý Phật, Ngài sẽ bảo: “Lời của ông nói, ý nghĩa không phải như vậy!” Không được ấn khả thì bị xem như lời nói không đáng ghi chép, hoàn toàn không lợi ích. Những điều Phật ấn khả, tức là tùy thuận chánh giáo của Phật, còn những lời Phật nói, thì tức là chánh giáo, chánh nghĩa, chánh hành, chánh giải, chánh nghiệp, chánh trí, dù ít dù nhiều, cũng không cần hỏi Bồ tát, trời người là đúng hay sai! Nếu những lời Phật nói là liễu nghĩa, thì những lời của chư Bồ tát nói đều không liễu nghĩa. Phải nên biết như vậy!
Hiện nay ngưỡng mong quí vị có duyên với pháp Vãng sinh, chỉ nên tin sâu lời Phật, chuyên chú phụng hành, không nên tin những lời dạy không tương ưng của chư vị Bồ tát, khởi tâm nghi ngờ, tự làm chướng ngại, cố chấp mê mờ, mà đánh mất sự lợi ích lớn lao của sự vãng sinh.
Người có lòng tin sâu thiết, quyết định kiến lập tự tâm, thuận theo giáo pháp tu hành, vĩnh viễn dứt trừ nghi hoặc, lầm lẫn; quyết không vì tất cả giải ngộ khác biệt, hành trì khác biệt, sở học khác biệt, kiến giải khác biệt, sở thích khác biệt, mà làm cho mình thoái thất dao động.
Hỏi: Phàm phu trí tuệ nông cạn, tội chướng sâu dày, nếu gặp phải những người tu pháp môn khác đem những kinh luận khác ra dẫn chứng rằng: “Tất cả phàm phu tội chướng không thể vãng sinh”, làm thế nào để đối phó, hòng giữ vững lòng tin, quyết định tiến bước, không sinh khiếp nhược?
Ðáp: Nếu có người đem kinh luận ra dẫn chứng rằng không có sự vãng sinh, hành giả nên trả lời với họ rằng: “Ông tuy đem kinh luận ra dẫn chứng sự không thể vãng sinh, nhưng theo thiển ý của tôi, quyết không tiếp thọ lời nói của ông. Vì sao? Tôi không phải không tin những lời ông nói, thực sự, tôi tin tưởng tất cả kinh luận đó, thế nhưng lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, xứ sở khác, thời gian khác, đối tượng thuyết pháp khác, sự lợi ích cũng khác; lại nữa, lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, không phải là lúc Ngài nói Quán Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Ðà Kinh, v.v.. Vả lại, Ðức Phật nói pháp thích ứng cơ nghi, thời tiết không đồng, những kinh luận đó là nói chung về các giải hạnh cho hàng trời người và chư Bồ tát, còn hiện nay nói hai công hạnh định thiện và tán thiện trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh là cho hoàng hậu Vi Ðề Hy, cùng cho tất cả chúng sinh ở trong đời ác năm trược sau khi Ðức Phật diệt độ, xác chứng cho sự vãng sinh. Do nhân duyên này, hiện nay tôi nguyện một lòng y theo lời dạy của Phật, quyết định phụng hành. Giả sử ông dẫn chứng trăm ngàn vạn ức kinh luận nói không vãng sinh, điều này chỉ càng làm tăng trưởng, thành tựu lòng tin của tôi đối với sự vãng sinh Cực Lạc.”
Hành giả nên nói với đối phương: “Ông hãy lắng nghe, tôi nay nói thêm cho ông biết về lòng tin quyết định của tôi. Giả sử địa tiền Bồ tát, La hán, Bích chi phật, dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương, đều dẫn chứng kinh luận nói không có sự vãng sinh, tôi cũng không khởi một niệm nghi ngờ, và điều đó cũng chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin thanh tịnh của tôi đối với sự vãng sinh. Vì sao? Vì lời Phật là quyết định thành tựu liễu nghĩa, tất cả thế gian đều không thể phá hoại được.
Ông nên nghe cho kỹ, giả sử chư Bồ tát từ Sơ địa đến Thập địa, dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương, cùng nhau nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Phật A Di Ðà, quở trách ba cõi sáu đường, khuyến khích chúng sinh chuyên tâm niệm Phật và tu tập các công hạnh lành khác, sau khi lâm chung nhất định sẽ vãng sinh Cực Lạc, đây quyết là lời hư dối, không thể tin được.” Tôi tuy nghe những lời như thế, cũng không hề sinh khởi một niệm nghi ngờ, mà chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin quyết định bậc thượng thượng của tôi. Vì sao? Bởi vì lời của Phật là quyết định liễu nghĩa. Phật là Ðấng Thực trí, Thực giải, Thực kiến, Thực chứng, không phải là người dùng tâm nghi hoặc mà nói; lại nữa, lời dạy của Ngài không thể bị những dị kiến, dị giải của các vị Bồ tát phá hoại; nếu như thật là Bồ tát, những vị ấy quyết không đi ngược lời Phật dạy.
Hành giả nên biết, giả sử như Hóa thân Phật, Báo thân Phật, hoặc một hoặc nhiều vị, đầy khắp mười phương, mỗi vị đều phóng ánh sáng, hiện tướng lưỡi rộng dài biến khắp mười phương, đều nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Cực Lạc, khuyến phát tất cả phàm phu chuyên tâm niệm Phật, cùng tu các hạnh khác để được vãng sinh Cực Lạc, đây là điều hư dối, quyết định không có việc này.” Hành giả tuy nghe chư Phật nói lời như vậy, nhất định không khởi một niệm nghi ngờ, thoái chuyển, sợ rằng không vãng sinh Cực Lạc. Vì sao? Bởi vì một vị Phật, hay tất cả các vị Phật, các Ngài có cùng tri kiến, giải hạnh, chứng ngộ, quả vị, đại bi, v.v.., hoàn toàn giống nhau, không một chút sai biệt, cho nên điều mà một vị Phật chế định, tất cả vị Phật khác cũng đều chế định. Chẳng hạn như vị Phật trước cấm chế mười điều ác như sát sanh, v.v..; nếu rốt ráo không làm ác, không phạm ác, thì gọi là thập thiện, thập hạnh, và có nghĩa là tùy thuận lục độ; nếu có vị Phật sau ra đời, chả lẽ ngài lại sửa đổi mười điều thiện, khiến chúng sinh làm mười điều ác hay sao? Dựa vào đạo lý này để suy nghiệm, có thể biết rõ rằng lời nói, hành động của chư Phật không trái nghịch nhau. Nếu như Ðức Thích Ca chỉ dẫn, khuyến khích tất cả phàm phu, trọn cuộc đời họ, chuyên niệm danh hiệu Phật, siêng tu các công hạnh, sau khi mạng chung, quyết định vãng sinh Cực Lạc, tức là các Ðức Phật khác ở mười phương ắt cũng đều phải tán thán, khuyến khích, chứng minh cho sự giáo hóa này. Vì sao? Vì các Ngài đều chứng đắc đồng thể đại bi! Lời dạy của một Ðức Phật tức là lời dạy của tất cả chư Phật, lời dạy của tất cả chư Phật cũng tức là lời dạy của một Ðức Phật, chẳng hạn như Kinh A Di Ðà nói: “Ðức Thích Ca tán thán cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc, lại khuyến khích tất cả phàm phu, một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu của Ðức A Di Ðà, quyết định sẽ được vãng sinh”, kế đó, đoạn dưới nói: “Trong mười phương thế giới, mỗi phương có hằng hà sa chư Phật, đồng lên tiếng tán thán Ðức Phật Thích Ca ở cõi ngũ trược, ác thời, ác thế giới, ác chúng sinh, ác kiến, ác tà, lúc chúng sinh không có lòng tin, mà có thể chỉ dẫn, tán thán danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, khuyên chúng sinh xưng niệm, quyết được vãng sinh, …” Ðây là một chứng minh cho sự nhất trí của chư Phật.
Mười phương chư Phật, e rằng chúng sinh không tin lời dạy của Phật Thích Ca, các Ngài bèn đồng tâm, đồng thời, hiện tướng lưỡi rộng dài, bao trùm các cõi tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực: “Tất cả chúng sinh đều phải nên tin nhận lời dạy dỗ, tán thán, chứng tín của Phật Thích Ca. Tất cả phàm phu, bất luận tội phước nhiều ít, căn cơ cao thấp, chỉ cần trọn cả một đời, hoặc ít nhất là một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, quyết định sẽ được vãng sinh, chắc chắn không còn nghi ngờ.” Bởi thế, lời dạy của một Ðức Phật ắt sẽ được tất cả chư Phật chứng thành. Ðây gọi là từ người mà thiết lập lòng tin.
Kế đến, từ công hạnh thiết lập lòng tin. Công hạnh có hai loại: một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh, v.v.., như phẩm Hai Hạnh ở trên đã nói, cho nên không ghi ra ở đây, xin người đọc hiểu ý.
Ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Nghĩa là đem tất cả thiện căn thế gian, xuất thế gian, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tự tu tập, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tùy hỷ công đức tu tập của tất cả phàm thánh, từ đời quá khứ cho đến hiện nay, dùng lòng tin thâm sâu chân thực, hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc, đây gọi là hồi hướng phát nguyện tâm. Lại nữa, sự hồi hướng phát nguyện vãng sinh này, phải là do tâm chân thực quyết định, hồi hướng phát nguyện cầu sinh; lòng tin thâm sâu chân thực này, cứng chắc như kim cương, quyết không bị những người dị kiến, dị học, biệt giải, biệt hành, làm động loạn phá hoại. Chỉ nên một lòng quyết định, thẳng đường tiến bước, không được nghe lời kẻ khác, rồi phân vân lưỡng lự, sinh lòng sợ hãi, làm mất đi lợi ích lớn của sự vãng sinh.
Hỏi: Nếu như có người tu tạp hạnh, tà hạnh, không cùng kiến giải, hạnh nguyện, đến làm mê hoặc, não loạn, hoặc dùng đủ thứ luận điệu cho rằng không có sự vãng sinh, hoặc nói rằng chúng sinh từ vô thỉ đến nay, ba nghiệp thân khẩu ý, đối với tất cả phàm thánh, đã tạo đủ các tội, như thập ác, ngũ nghịch, phạm bốn giới trọng, hủy báng chánh pháp, làm nhất xiển đề, phá giới, phá kiến, v.v.., chưa thể diệt hết, quả báo của những tội ác này là ác đạo trong ba cõi, làm sao có thể trong một đời tu phước, niệm Phật, mà có thể tức khắc chứng nhập vào cõi vô lậu vô sinh, vĩnh viễn chứng đắc bất thoái chuyển.
Ðáp: Giáo, lý, hành, giải của chư Phật, số lượng nhiều hơn hằng sa, tất cả tùy theo cơ duyên, tình cảnh của chúng sanh mà thiết lập. Những điều có thể thấy có thể tin trên thế gian, chẳng hạn như ánh sáng phá trừ bóng tối, không gian có thể bao hàm vạn hữu, đất có thể chuyên chở, nuôi dưỡng vạn vật, nước đem đến sự tươi nhuận, lửa đem đến sự thành hoại của vạn vật, tất cả những sự việc này là pháp đối đãi, mà còn có thể đem đến ngàn muôn sự lợi ích khác nhau, huống là thần lực không thể nghĩ bàn của Phật pháp, lẽ nào không có muôn ngàn sự lợi ích?
Nếu như tạo một nghiệp, thì sẽ tự đem đến cho mình một phiền não, nếu như tu một pháp môn, thì sẽ bước vào một cửa trí tuệ giải thoát. Mọi người đều tùy theo nhân duyên của mình mà khởi hạnh tu tập, cầu mong sự giải thoát, ông vì cớ gì đem những pháp tu mà tôi không có duyên đến làm chướng ngại sự tu tập của tôi. Pháp môn mà tôi ưa thích, tức là pháp môn mà tôi có duyên, đây không phải là chỗ ông mong cầu; còn pháp môn mà ông ưa thích, tức là pháp môn mà ông có duyên, nó cũng không phải là chỗ tôi mong cầu, như vậy, mỗi người tùy theo ý thích của mình mà tu tập, ắt sẽ mau gặt được quả giải thoát.
Hành giả nên biết, nếu muốn học tập giải môn, thì từ phàm phu đến bậc thánh, nhẫn đến thành Phật, tất cả pháp môn đều phải học, còn nếu muốn tu tập hành môn, cần phải nương vào pháp môn mà mình có duyên, ít dùng sức, ít lao nhọc, mà được nhiều sự lợi ích.
Xin bẩm bạch cùng các hành giả tu hạnh Vãng sinh, hiện nay xin đưa ra một ví dụ, giúp cho hành giả giữ vững lòng tin của mình, không để cho bọn tà ma, ngoại đạo dị kiến lung lạc.
Ví như có người đi về hướng tây, trăm ngàn dặm đường, khoảng giữa lộ trình có hai dòng sông chắn ngang, dòng sông lửa ở phía nam, dòng sông nước ở phía bắc, mỗi dòng sông rộng độ một trăm bước, sâu không thấy đáy, hai phía nam bắc không thấy ngằn mé. Băng qua hai dòng sông nước và lửa, có một con đường trắng rộng độ hơn một tấc, từ bờ phía đông sang bờ phía tây, dài độ hai trăm bước. Bên phía dòng sông nước, sóng vỗ ào ạt, làm mặt đường trở thành trơn trợt, còn bên phía dòng sông lửa, lửa bốc mù mịt, làm cho mặt đường trở thành nóng bỏng, hai bên nước lửa tung tóe, không lúc nào ngừng. Người đó đến gần bờ sông, chung quanh đồng không mông quạnh, bỗng nhiên có lũ đạo tặc và ác thú, thấy người đó đơn độc bèn đuổi theo muốn sát hại, người đó sợ chết bèn bỏ chạy về hướng tây, thấy hai dòng sông lớn này, trong lòng tự nghĩ: “Dòng sông này dài không thấy đầu đuôi, băng ngang là một con đường trắng nhỏ hẹp, hai bờ tuy cách nhau không xa, nhưng làm sao qua được. Hôm nay chắc bị chết ở chốn này!” Vừa muốn quày đầu, liền thấy lũ đạo tặc và ác thú phía sau đã đến gần kề, nếu muốn đi về phía nam hoặc bắc thì lại bị ác thú, rắn độc đón đầu, muốn theo con đường chạy về phía tây, lại sợ hai con sông nước, lửa. Trong lúc đang bàng hoàng sợ hãi, bèn tự nghĩ thầm: “Bây giờ quay lại cũng chết, đứng lại cũng chết, đi tới cũng chết, đường nào cũng chết, chi bằng cứ theo phía trước mà tiến bước, nếu đã có con đường này, ắt sẽ thoát hiểm!” Vừa nghĩ như vậy, bỗng nghe bên bờ phía đông (phía sau) có tiếng người khuyến khích: “Ông nên kiên quyết đi về hướng tây, ắt không còn nguy hiểm, nếu đứng lại thì sẽ chết.” Lại nghe bên bờ phía tây (trước mặt) có tiếng người gọi: “Ông nên một lòng chánh niệm đi thẳng qua đây, ta sẽ bảo vệ cho ông, không nên sợ bị rơi xuống nước, lửa.” Người đó nghe tiếng hai phía, bên khuyên bên gọi, tức thời chấn chỉnh thân tâm, quyết định không còn rụt rè nghi ngại, đi thẳng theo con đường trước mặt. Vừa mới đi được một đoạn, bỗng nghe bọn đạo tặc bên bờ phía đông kêu réo: “Ông hãy quay lại, con đường trước mặt rất hiểm nghèo không qua được, chắc chắn sẽ bị chết, chúng tôi không có ác ý gì với ông!” Người đó tuy nghe tiếng kêu réo, vẫn nhất quyết không quày đầu, một lòng lần theo con đường đi thẳng tới trước, không bao lâu đã qua đến bờ bên kia, vĩnh viễn lìa xa ách nạn, gặp lại bạn bè, vô cùng hạnh phúc.
Ở đây, bờ phía đông ví cho cõi nhà lửa Ta bà, bờ phía tây ví cho cõi nước báu Cực Lạc, lũ đạo tặc và ác thú giả vờ thân thiện ví cho cho sáu căn, sáu thức, sáu trần, ngũ ấm, tứ đại, v.v..; đồng không mông quạnh ví cho sự việc thường theo bọn ác tri thức, không gặp được thiện tri thức chân thực; hai con sông nước, lửa ví cho chúng sinh tham ái giống như nước, sân ghét giống như lửa; con đường trắng rộng độ hơn một tấc ví cho trong sự tham sân phiền não của chúng sinh, có thể sinh khởi tâm nguyện vãng sinh thanh tịnh. Lại như tâm tham sân si hẫy hừng, nên ví với nước lửa, còn tâm thiện yếu ớt, nên ví với con đường trắng nhỏ hẹp. Lại nữa, “sóng vỗ ào ạt làm mặt đường trở nên trơn trợt”, ví cho tâm tham ái thường khởi động làm nhiễm ô thiện căn; “lửa bốc mù mịt làm mặt đường trở thành nóng bỏng”, ví cho tâm hiềm hận có thể thiêu đốt công đức pháp tài; “người đi về phía tây”, ví cho sự hồi hướng các công hạnh tu tập để vãng sinh Cực Lạc; “nghe bên bờ phía đông có tiếng người khuyến khích, bèn đi về phía tây”, ví cho sau khi Ðức Thích Ca diệt độ, người đời sau tuy không còn thấy được Ngài, nhưng vẫn còn giáo pháp để lại, giống như âm thanh (lời dạy); “vừa mới đi một đoạn, nghe bọn đạo tặc kêu réo”, ví cho những người biệt giải, biệt hành, hoặc những kẻ ác kiến, v.v.., dùng những luận điệu mê hoặc não loạn, làm cho hành giả thoái thất đạo tâm; “bờ phía tây có tiếng người gọi”, ví cho nguyện ý của Ðức A Di Ðà; “không bao lâu qua đến bờ bên kia, gặp lại bạn bè”, ví cho chúng sinh đắm chìm trong sinh tử, luân hồi dài lâu, mê hoặc điên đảo, tự trói tự buộc, không được giải thoát, nhờ ơn Ðức Thích Ca chỉ dạy pháp môn Tây Phương Tịnh Ðộ, lại nhờ ơn Ðức A Di Ðà thiết tha mời gọi, hiện nay tin tưởng, thuận theo ý nguyện của hai Ngài, không quan tâm đến hai dòng sông nước, lửa, tâm tâm niệm niệm hướng về Tây Phương, nương theo con đường nguyện lực của Phật, sau khi mệnh chung, vãng sinh Cực Lạc, được diện kiến Ðức A Di Ðà, vui mừng không tả xiết.
Lại nữa, tất cả hành giả, trong lúc đi đứng nằm ngồi, ba nghiệp tu tập, bất luận ngày đêm sáng tối, thường phải nên hiểu như vậy, nghĩ như vậy, cho nên gọi là “hồi hướng phát nguyện tâm.”
Lại nữa, hồi hướng còn có nghĩa là sau khi vãng sinh Cực Lạc, khởi tâm đại bi, quay trở lại cõi sinh tử, giáo hóa chúng sinh, đây cũng gọi là hồi hướng.
Ba tâm đầy đủ, không hạnh nào không thành tựu, nguyện hạnh đã thành tựu, không thể nào không vãng sinh Cực Lạc. Lại nữa, phải nên biết rằng tâm này bao hàm tất cả ý nghĩa của hai hạnh định thiện và tán thiện.
3 – Giản biệt căn cơ, có thể hoặc không thể vãng sanh.
Lại có ba hạng hữu tình được sanh về Cực Lạc.
1/ – Nêu lên sự thọ trì giáo pháp không đồng.
Một là hạng có lòng xót thương, không giết hại, giữ tròn các giới hạnh. Hai là hạng đọc tụng kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Ba là hạng tu hành lục niệm.
Có ba phần:
a. Có lòng thương xót, không giết hại: Nghiệp sát có nhiều loại, hoặc giết bằng miệng, hoặc giết bằng thân, hoặc giết bằng ý. Giết bằng miệng, nghĩa là bảo người giết, hoặc cho phép người khác giết. Giết bằng thân, nghĩa là dùng tay, chân, v.v.. mà giết, hoặc chỉ dẫn ra lệnh cho người khác giết. Giết bằng ý, nghĩa là mưu tính phương tiện để giết. Nếu luận về nghiệp sát, không phải chỉ riêng cho bốn loại chúng sanh, đều có thể chiêu cảm nghiệp báo, chướng ngại việc vãng sanh Tịnh độ. Nếu như, đối với tất cả sanh mạng, khởi một niệm từ tâm, tức là đã bố thí sự thọ mạng an lạc cho tất cả chúng sanh, đây cũng tức là giới hạnh tối thắng vi diệu. Điều này hợp với câu: “Có lòng thương xót, không sát hại” ở phần trên. Cũng tức là làm hai điều thiện: chỉ và hành. Tự mình không sát sanh, gọi là chỉ thiện; dạy người khác không sát sanh, gọi là hành thiện. Mình và người bắt đầu không sát sanh, gọi là chỉ thiện; rốt ráo đoạn trừ được nghiệp sát, gọi là hành thiện.
Giữ tròn các giới hạnh: Nếu căn cứ vào người, trời, cùng quả vị thanh văn, v.v… thì gọi là tiểu giới; nếu căn cứ vào những bậc đại tâm, đại hạnh thì gọi là Bồ tát giới. Đây tức là phước thứ hai “giữ trọn các giới.”
b. Đọc tụng kinh điển Phương đẳng Đại thừa: Ở đây nêu rõ chúng sanh cá tánh, tập khí không đồng, tu pháp cũng khác biệt. Hạng người thứ nhất, chỉ dùng tâm từ và sự trì giới làm việc tu hành, hạng người thứ hai chỉ dùng sự đọc tụng kinh điển Đại thừa làm công phu tu hành. Thế nhưng, giới là nền tảng cho Năm thừa và là cơ bản cho sự chứng đắc Ba thân, còn pháp (kinh điển) là sự huân tập trí tuệ cho vạn hạnh của các bậc Bồ tát Tam hiền, Thập thánh. Nếu so sánh đức và dụng, thì mỗi bên đều có công năng riêng, thế nhưng hợp lại thì thành phước thứ ba “đọc tụng kinh điển Phương đẳng Đại thừa.”
c. Tu hành lục niệm: Nghĩa là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả (thí) và niệm thiên. Đây cũng là sự tổ hợp của ba phước trên theo ý nghĩa Đại thừa. Niệm Phật, tức là chuyên niệm công đức thân, miệng ý của đức Phật A Di Đà, cùng tất cả chư Phật. Lại nhất tâm chuyên niệm Pháp mà chư Phật đã chứng đắc, cùng nhất tâm chuyên niệm chư Bồ tát tăng quyến thuộc của các ngài. Lại niệm giới pháp của chư Phật, lại niệm các công hạnh bố thí của chư Phật quá khứ và của chư Bồ tát hiện tại, khó làm mà làm được, khó thí xả mà thí xả được, hoặc xả tài sản, hoặc xả thân mạng, hoặc xả cả thân mạng cùng tài sản. Những Bồ tát này, chỉ tưởng nghĩ đến pháp, không tiếc thân mạng, không tiếc tài sản. Các hành giả quán niệm những việc như thế, nên noi gương các bậc thánh hiền quá khứ hiện tại mà thực hành hạnh thí xả tất cả. Niệm thiên, tức là các vị Bồ tát thập địa tối hậu thân. Các ngài, những việc khó làm đã làm xong, đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu hành, đã thành tựu lục độ vạn hạnh, đã chứng đắc địa vị Quán đảnh. Hành giả sau khi quán niệm như thế, liền nghĩ tưởng rằng: “Thân ta từ vô thỉ đến giờ, đã từng cùng các ngài phát thệ nguyện đoạn ác tu Bồ tát đạo, các ngài đã hoàn toàn không tiếc thân mạng, tu hành thăng tiến, nhân viên quả mãn, chứng đắc thánh vị, đã trải qua kiếp số nhiều hơn cát bụi; còn những phàm phu chúng ta, thì cho đến ngày hôm nay, vẫn còn trôi lăn một cách vô ý nghĩa trong vòng sanh tử, phiền não ác chướng, càng lúc càng tăng, phước tuệ mỏng manh, sánh với các ngài chẳng khác nào bóng tối u thẳm so với ánh sáng mặt trời. Nghĩ đến việc này, tâm thức bổng dưng bàng hoàng đau xót!
2 – Hồi hướng nghiệp tu, cầu sanh An Dưỡng.
Hồi hướng phát nguyện sanh về An Dưỡng.
3- Tu hành thời gian ngắn ngủi
Nếu đủ các công đức như thế, từ một ngày cho đến bảy ngày, liền được vãng sanh.
Thời gian tu hành ngắn ngủi, tối đa là một đời, nhẫn đến tối thiểu là một ngày, một thời, một niệm, v.v…, hoặc từ một niệm nhẫn mười niệm, nhẫn đến một ngày, một đời. Ý muốn nói là sau khi phát tâm, thệ nguyện trong một đời này, không bị thoái chuyển, chỉ nhất tâm cầu vãng sanh Tịnh độ.
Lại nói: “đủ các công đức”, hoặc một người đầy đủ hai phước trên, hoặc đầy đủ hai phước dưới, hoặc đầy đủ cả ba phước. Hoặc nếu có người không có một phước nào cả, thì bị gọi là súc sanh đội lốt da người, gọi là tội nhân thiên cổ.
Vả lại, dù là đủ ba phước hay không, nếu đem công đức hồi hướng, tất cả đều được vãng sanh.
(ix) – Lúc lâm chung, thánh chúng đến nghinh tiếp không đồng, thời gian vãng sanh nhanh chậm.
Do kẻ ấy tinh tấn dõng mãnh, nên lúc vãng sanh
Phật A Di Đà cùng hai Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số Hóa Phật, trăm ngàn Thanh văn tỳ kheo đại chúng, vô lượng chư thiên và cung điện thất bảo đều hiện đến. Khi ấy Quán Thế Âm Bồ Tát bưng đài kim cang, cùng Đại Thế Chí Bồ Tát tới trước hành giả. Phật A Di Đà phóng đại quang minh chiếu đến thân người vãng sanh, rồi cùng chư Bồ Tát đồng đưa tay tiếp dẫn. Hai vị Đại thánh Quan Thế Âm, Đại Thế Chí lại cùng vô số Bồ Tát đồng thanh khen ngợi, khuyến tấn. Hành giả mục kích cảnh ấy rồi, sanh tâm vui mừng khấp khởi, tự thấy mình ngồi trên đài kim cang, theo sau Phật và Thánh Chúng, trong khoảng khảy ngón tay, sanh về Cực Lạc.
Có mười một phần:
- Nêu rõ cõi Phật vãng sanh.
- Nêu lên công hạnh, chỉ rõ vị hành giả tinh tiến, so sánh công đức nhiều ít.
- Đức giáo chủ cõi Cực Lạc, Phật A Di Đà tự thân đến nghinh tiếp.
- Từ Quán Âm trở xuống, nêu rõ vô số đại chúng, đều tháp tùng đức A Di Đà đến đón hành giả.
- Cung điện báu cũng tháp tùng
- Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đều bưng kim đài, đến trước hành giả.
- Phật A Di Đà phóng quang, soi chiếu thân hành giả.
- Sau khi đức Phật phóng quang, liền cùng các vị hóa Phật đưa tay tiếp dẫn
- Sau khi tiếp lên đài sen, đức Quán Thế Âm, v.v… liền mở lời tán tụng hành giả.
- Hành giả tự thấy mình bay theo Phật.
- Nêu lên thời gian mau chậm.
1- Sau khi đài kim cang đến Cực Lạc, hoa không khép lại.
Khi đã sanh về cõi kia.
2.- Kim cang đài đến Cực Lạc, được sự lợi ích không đồng.
Lại thấy kim thân của Phật đầy đủ các tướng, chư Bồ Tát sắc tướng cũng cụ túc trang nghiêm; các ánh sáng và rừng báu đều diễn thuyết pháp mầu. Hành giả nghe xong, liền ngộ vô sanh pháp nhẫn, trong giây phút thừa sự chư Phật khắp mười phương, được thọ ký trước chư Phật, rồi trở về bản quốc, chứng vô lượng trăm ngàn môn Đà La Ni.
Có ba phần:
- Vừa nghe diệu pháp, liền chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.
- Trong khoảnh sát na, đi khắp mười phương quốc độ, rộng làm Phật sự, và được chư Phật thọ ký.
- Chứng đắc Văn Trì Đà La Ni.
4. – Tổng kết
Đây gọi là thượng phẩm thượng sanh.
b. Thượng phẩm trung sanh.
5. – Nêu tên phẩm vị.
Thượng phẩm trung sanh là thế nào?
6. – Hồi hướng nghiệp tu, ắt được vãng sanh.
Có chúng sanh tuy không thọ trì kinh Phương Đẳng, nhưng khéo hiểu nghĩa thú, đối với đệ nhất nghĩa tâm không kinh động, tin sâu lý nhân quả, không phỉ báng pháp đại thừa. Nếu hành giả đem công đức này niệm Phật hồi hướng cầu sanh Cực Lạc
Có bốn phần:
1. Thọ pháp không nhất định, hoặc đọc kinh, hoặc không đọc kinh.
2. Khéo lý giải nghĩa Không của Đại thừa, hoặc nghe giảng “tất cả các pháp là Không, sinh tử Niết bàn cũng là Không, phàm thánh sáng tối cũng là Không, lục đạo thế gian, tam Hiền, thập Thánh xuất thế gian, trên phương diện thể tánh, rốt ráo không có sự khác biệt (bất nhị).” Tuy nghe những lời như thế, an nhiên chấp nhận, tâm không hề sanh khởi một niệm nghi ngờ, sợ hãi.
3. Tin sâu nhân quả khổ lạc của thế gian và xuất thế gian. Đối với đạo lý nhân quả không hề sanh tâm nghi ngờ, hủy báng. Nếu nghi ngờ hủy báng, không thể thành phước hành, thế gian quả báo còn không có, hà huống việc vãng sanh Tịnh độ. Điều này hợp hai phước câu thứ hai và câu thứ ba.
4. Hồi hướng những hành nghiệp đã tu tập, cầu sanh Cực Lạc.
(iii) – Đức A Di Đà và thánh chúng bưng đài sen đến nghinh đón.
Thì khi lâm chung Tây Phương tam thánh cùng vô lượng đại chúng quyến thuộc bưng đài tử kim, hiện đến trước mặt khen rằng: “Pháp tử! Ngươi tu Đại thừa, hiểu đệ nhất nghĩa, nên nay ta đến tiếp nghinh.”
Có năm phần:
- Hành giả sắp mạng chung.
- Đức A Di Đà và chư Thánh chúng hiện đến.
- Thị giả bưng đài sen đến trước hành giả.
- Phật và Thánh chúng đồng thanh tán thán, ngợi khen hạnh nghiệp của hành giả.
- Phật e hành giả hoài nghi, cho nên thốt lên:
“Ta đến tiếp dẫn ngươi.”
(iv) – Chúng Thánh đưa tay tiếp dẫn, thời gian vãng sanh nhanh chậm.
Liền đó đức Vô Lượng Thọ Thế Tôn cùng với một ngàn Hóa Phật đồng thời đưa tay xuống tiếp dẫn. Bấy giờ hành giả tự thấy mình ngồi trên đài tử kim, chắp tay khen ngợi chư Phật, rồi trong khoảng một niệm liền sanh về nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc.
Có năm phần:
- Đức A Di Đà và ngàn hóa Phật, đồng thời đưa tay nghinh đón.
- Hành giả được tiếp dẫn, liền thấy tự thân ngồi trên hoa sen vàng tía.
- Sau khi ngồi trên đài sen, chắp tay tán thán đức A Di Đà và chư Thánh chúng.
- Thời gian vãng sanh nhanh chậm.
- Đến Cực Lạc, sanh vào trong ao hoa sen bảy báu.
(v) – Thời gian hoa nở không đồng.
Đài tử kim ấy như hoa báu lớn, trải một đêm liền nở. Bấy giờ hành giả thân sắc tử kim, dưới chơn lại có hoa sen thất bảo.
Đây là do sự hành trì dũng mãnh chiêu cảm, bậc Thượng Thượng được đài kim cang, còn bậc Thượng Trung, do sự hành trì kém hơn, chỉ được đài vàng tía, sanh trong ao báu, qua đêm hoa mới nở.
(vi)- Sau khi hoa nở, được lợi ích không đồng.
Được Phật và Bồ Tát đồng thời phóng quang soi đến mình, mắt liền mở sáng. Do túc tập trước kia, lúc đó tự nghe các âm thanh khắp nơi đều nói thuần là pháp đệ nhất nghĩa đế rất thâm mầu. Nghe xong, liền bước xuống kim đài lễ Phật và chắp tay khen ngợi đức Thế Tôn. Trải qua bảy ngày, liền được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Có năm phần:
- Ánh sáng Phật chiếu đến thân hành giả.
- Sau khi được ánh sáng chiếu thân, hành giả mở mắt.
- Khi ấy, tự nghe lại những pháp âm đã từng tu tập ở nhân gian.
- Sau khi mở mắt, nghe pháp, liền bước xuống đài sen, đến bên cạnh Phật, xưng dương tán thán công đức của ngài.
- Trải qua bảy ngày, chứng được quả vị Bất thoái chuyển.
Nói bảy ngày, có lẽ là bảy ngày ở thế gian, chứ không phải bảy ngày của cõi Cực Lạc. Bảy ngày thế gian, chỉ là một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi ở Cực Lạc.
(vii) – Nêu lên sự được lợi ích ở phương khác.
Có thể tự tại bay đi khắp mười phương thừa sự chư Phật, tu các môn tam muội. Như thế qua một tiểu kiếp, chứng được vô sanh nhẫn và mong chư Phật thọ ký.
Có năm phần:
- Đi khắp mười phương.
- Đến mỗi quốc độ cúng dường chư Phật.
- Tu tập nhiều loại tam muội.
- Qua một tiểu kiếp, chứng được Vô sanh pháp nhẫn.
- Được tất cả chư Phật thọ ký.
(viii) – Tổng kết.
Đây là cảnh thượng phẩm trung sanh.
c – Thượng phẩm hạ sanh.
(ix)- Nêu tên phẩm vị.
Thượng phẩm hạ sanh là thế nào?
(x) – Nêu rõ, trong sáu môn, thọ pháp không đồng.
Có chúng sanh tuy cũng tin nhân quả, không báng đại thừa, nhưng chỉ phát tâm cầu đạo vô thượng.
Có ba phần:
1. Sự tin nhân quả chưa được nhất định, hoặc tin, hoặc không tin, cho nên nói: “cũng”; hoặc có thể “tin sâu” giống như phần trên. Hơn nữa, do không tin sâu nhân quả, nên thường thoái thiện tâm, thường hành ác pháp. Đây là do không tin sâu nhân quả khổ lạc gây nên. Nếu tin chắc sanh tử là khổ, thì rốt ráo sẽ không phạm tội nặng; nếu tin sâu Cực Lạc là sự vui Niết bàn, thì khi thiện tâm đột phát, vĩnh viễn sẽ không còn thoái chuyển.
2. Lòng tin tuy gián đoạn, nhưng đối với pháp Đại thừa không được hủy báng. Nếu như phỉ báng Đại thừa, dù cho ngàn Phật bên cạnh, cũng không thể nào cứu được.
3. Các thiện pháp nêu trên, dường như không có công dụng, chỉ cần phát một niệm nhàm chán sanh tử, cầu sanh cảnh giới chư Phật, mau chóng thành tựu hạnh nguyện Bồ đề đại bi, trở lại sanh tử phổ độ chúng sanh, cho nên gọi là phát Bồ đề tâm.
(xi) – Hồi hướng chánh hạnh, cầu nguyện vãng sanh.
Rồi đem công đức ấy niệm Phật nguyện về Cực Lạc.
(xii) – Lâm chung thánh chúng tiếp nghinh, thời gian vãng sanh mau chậm.
Hành giả ấy khi lâm chung được Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng chư Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa hiện năm trăm vị Phật đến nghinh tiếp. Lúc đó năm trăm Hóa Phật đồng thời đưa tay xuống và khen rằng: “Pháp tử! Ngươi nay thanh tịnh, phát vô thượng đạo tâm, nên ta đến rước ngươi.” Khi hành giả mục kích cảnh ấy rồi, liền thấy mình ngồi nơi hoa sen vàng, ngồi xong cánh hoa khép lại, theo sau đức Thế Tôn sanh về ao thất bảo.
Có chín phần:
- Sắp mạng chung.
- Đức Phật A Di Đà và chư thánh chúng, bưng sen vàng đến tiếp dẫn.
- Các vị hóa Phật đồng thời đưa tay tiếp dẫn.
- Các vị thánh chúng đồng thanh tán thán hành giả.
- Hành giả tội chướng tiêu diệt, nên gọi là “thanh tịnh”, thuật lại công hạnh đã tu, nên gọi là “phát vô thượng đạo tâm.”
- Hành giả tuy nhìn thấy cảnh tượng như thế, nhưng vẫn còn nghi chưa được vãng sanh, cho nên các vị thánh chúng đều lên tiếng bảo rằng: “nay ta đến rước ngươi.”
- Sau khi nghe như vậy, hành giả tự thấy mình ngồi trên sen vàng, cánh sen khép lại.
- Theo sau chư Phật, trong một niệm về đến Cực Lạc.
- Sanh vào ao báu nơi cõi Cực Lạc.
(xiii) – Đến đó hoa nở, thời gian không đồng.
Như thế trải qua một ngày đêm, hoa sen nở ra.
(xiv)- Sau khi hoa nở, được lợí ích không đồng.
Bảy hôm sau mới được thấy Phật. Nhưng tuy thấy Phật, đối với các tướng hảo tâm còn chưa rõ ràng, đợi qua hai mươi mốt ngày, mới nhận được minh bạch. Bấy giờ người vãng sanh nghe các âm thanh đều diễn pháp mầu,
(xv) – Được sự ích lợi tại các cõi Phật khác.
Bay dạo mười phương cúng dường chư Phật, và được nghe pháp thậm thâm trước các đức Thế Tôn. Trải qua ba tiểu kiếp như thế, được bách pháp minh môn, trụ sơ hoan hỷ địa.
(xvi) – Tổng kết.
Đây là cảnh thượng phẩm hạ sanh. Trên đây là môn tưởng thượng bối vãng sanh, thuộc về phép quán thứ mười bốn.
Có lời khen rằng:
Thượng bối nguyên là bậc lợi căn
Cầu sanh cõi tịnh tuyệt tham sân
Công tu sai khác thành ba phẩm
Ngôi vị đồng chung bậc thượng nhân
Một đến bảy ngày chuyên tịnh niệm
Tăng cùng tục khách thoát phù trần
Mừng duyên phước gặp môn mầu nhiệm
Sớm chứng chơn thượng diệu pháp thân!
B – TRUNG PHẨM VÃNG SANH
a – Trung phẩm thượng sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Trung phẩm thượng sanh là thế nào?
Đây là những phàm phu căn tánh Tiểu thừa.
2- Thọ pháp không đồng.
Nếu chúng sanh thọ trì ngũ giới, giữ bát quan trai, hoặc tu các giới khác, không tạo tội ngũ nghịch và các điều lỗi lầm.
Có bốn phần:
- Giản biệt căn cơ.
- Thọ trì trai giới Tiểu thừa.
- Giới Tiểu thừa công năng yếu ớt, không thể tiêu trừ tội ngũ nghịch.
- Tuy trì giới Tiểu thừa, không được vi phạm. Giả như có tạo lỗi lầm, phải thường sám hối, làm cho thanh tịnh. Tu trì giới pháp, hoặc trọn đời, hoặc một năm, hoặc một tháng, hoặc một ngày, một đêm, một thời, v.v… thời gian không nhất định, tựu trung, đều phải trọn đời không được vi phạm.
3- Hồi hướng nghiệp tu, cầu nguyện vãng sanh.
Rồi đem căn lành ấy hồi hướng cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây.
4- Lúc lâm chung, sự tiếp dẫn không đồng, thời gian nhanh chậm.
Chúng sanh đó khi lâm chung, được Phật A Di Đà cùng các Tỳ khưu quyến thuộc vi nhiễu, phóng kim quang soi đến mình, diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, cùng khen ngợi hạnh xuất gia thoát khổ. Mục kích cảnh ấy, hành giả sanh tâm vui mừng, tự thấy mình ngồi trên đài sen, vội quì gối chắp tay cúi xuống lễ Phật. Lúc chưa ngước mặt lên, đã sanh về thế giới Cực Lạc.
Có sáu phần:
- Sắp mạng chung.
- Đức A Di Đà và chúng tỳ kheo đến, không có Bồ tát, do vì căn tính Tiểu thừa, nên chiêu cảm thánh chúng Tiểu thừa.
- Phật phóng ánh sáng vàng, chiếu thân hành giả.
- Phật vì hành giả thuyết pháp, lại tán thán hạnh xuất gia, xa lìa những cảnh khổ: những cảnh phàm tục, gia nghiệp, vua quan, chinh chiến sa trường, phòng vệ biên cương, v.v.. Nay ông xuất gia, so với bốn hạng (sĩ, nông, công, thương), thản nhiên tự tại, đến đi không bị chướng ngại, vì thế mà tu hành được đạo nghiệp, cho nên khen rằng: “thoát khổ.”
- Hành giả nghe xong, hoan hỷ vui mừng, liền tự thấy mình ngồi trên đài sen, cúi đầu lễ Phật.
- Hành giả cúi đầu tại Ta bà, ngưỡng lên đã thấy mình tại Cực Lạc.
(v) – Sau khi hoa nở, được sự lợi ích không đồng.
Sau khi vãng sanh, vừa lúc hoa sen nở ra, hành giả nghe các âm thanh khen ngợi pháp tứ đế, liền chứng quả A La Hán, đầy đủ tam minh, lục thông và bát giải thoát.
Có ba phần:
- Hoa báu nở ra, là do giới hạnh của hành giả tinh tiến, dũng mãnh.
- Pháp âm đều tán thán công đức của Tứ đế.
- Nghe xong liền chứng quả A la hán.
La hán, gọi là Vô sanh. Không còn nhân, nên gọi là vô sanh, không còn quả, nên gọi là vô trước (không chấp trước). Tam minh, tức là túc mạng minh, thiên nhãn minh, và lậu tận minh. Bát giải thoát, tức là nội hữu sắc, ngoại quán sắc, đây là giải thoát thứ nhất, nội vô sắc, ngoại quán sắc, đây là giải thoát thứ hai, bất tịnh tướng là giải thoát thứ ba, cộng thêm tứ không định và diệt tận định, thành tám (bát) giải thoát.
(vii) – Tổng kết.
Đây là cảnh trung phẩm thượng sanh.
b – Trung phẩm trung sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Trung phẩm trung sanh là thế nào?
Đây là các phàm phu Tiểu thừa tu thiện bậc hạ.
2- Thọ pháp không đồng.
Nếu chúng sanh giữ nghiêm chỉnh giới bát quan trai hoặc giới Sa Di hay giới Cu Túc trong một ngày đêm, các oai nghi đều toàn vẹn.
Có ba phần:
- Thọ trì Bát quan trai giới
- Thọ trì Sa di giới
- Thọ trì Cụ túc giới (tỳ kheo, tỳ kheo ni).
Ba phẩm giới này, chỉ cần thọ trì trong một ngày một đêm, giữ gìn nghiêm chỉnh, xem sự phạm tội nhẹ giống như phạm tội nặng, uy nghi thân miệng ý đều không vi phạm.
4- Hồi hướng nghiệp tu, cầu nguyện vãng sanh.
Đem công đức huân tu giới hương đó hồi hướng cầu sanh Cực Lạc.
5- Lúc sắp mạng chung, chư Thánh đến đón, thời gian mau chậm.
Khi lâm chung, hành giả này thấy Phật A Di Đà cùng quyến thuộc cầm hoa sen thất bảo phóng kim quang hiện đến trước mặt mình. Bấy giờ đương nhơn nghe giữa hư không có tiếng khen rằng: “Lành thay thiện nhơn! Ngươi đã biết thuận theo lời dạy của chư Phật ba đời mà tu tập, nên nay ta đến rước ngươi.” Khi đó hành giả thấy mình ngồi nơi hoa sen, cánh hoa khép lại, liền được sanh về bảo trì ở cõi Cực Lạc.
Có tám phần:
- Sắp mạng chung.
- Đức A Di Đà và chúng tỳ kheo đến.
- Phật phóng ánh sáng vàng, chiếu thân hành giả.
- Tỳ kheo bưng đài sen hiện đến.
- Hành giả nghe lời tán thán từ hư không.
- Đức Phật khen rằng: “Ông tin sâu lời Phật, tùy thuận không nghi, nay ta đến đón.”
- Nghe xong, hành giả thấy mình ngồi lên đài sen, hoa sen khép lại.
- Liền được sanh vào ao báu ở cõi Cực Lạc.
- – Thời gian hoa sen nở không đồng.
Qua bảy ngày hoa sen nở ra.
7- Sau khi hoa nở, được lợi ích không đồng.
Hành giả chắp tay khen ngợi Phật, được nghe pháp diệu, sanh tâm hoan hỷ, liền chứng quả Tu Đà Hoàn, và nửa kiếp sau mới chứng quả A La Hán.
Có bốn phần:
- Hoa nở thấy Phật.
- Chắp tay tán thán đức Phật.
- Nghe pháp liền chứng sơ quả.
- Sau nửa tiểu kiếp, chứng quả A la hán.
8- Tổng kết.
Đây là cảnh trung phẩm trung sanh.
c – Trung phẩm hạ sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Trung phẩm hạ sanh là thế nào?
2- Thọ pháp không đồng.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn hiếu dưỡng cha mẹ, tu hạnh nhân từ theo thế gian.
Có bốn phần:
- Giản biệt căn cơ.
- Hiếu dưỡng cha mẹ, cung phụng lục thân.
- Hành giả này tánh tình mềm mỏng, không phân biệt thân sơ, thấy ai hoạn nạn, liền khởi lòng từ.
- Hành giả ở phẩm vị này, chưa từng thấy nghe Phật pháp, cũng không có lòng mong cầu vãng sanh, chỉ biết thực hành hạnh hiếu dưỡng.
3- Lúc lâm chung, gặp Phật pháp.
Khi lâm chung gặp thiện tri thức giảng cho nghe về sự vui nơi cõi Phật A Di Đà và bốn mươi tám đại nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng.
4- Được lợi ích vãng sanh, thời gian mau chậm.
Kẻ ấy nghe xong liền qua đời, thần thức liền được sanh ngay về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lẹ như khoảng co duỗi cánh tay của người tráng sĩ.
5- Đến cõi Cực Lạc, hoa nở không đồng
Qua bảy ngày sau.
6- Sau khi hoa nở, được lợi ích không đồng.
Hành giả được gặp Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe pháp nhiệm mầu, sanh tâm vui đẹp, được quả Tu Đà Hoàn, sau một tiểu kiếp mới chứng quả A La Hán.
Có ba phần:
- Sau một thời gian, hoa nở, được thấy đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.
- Được nghe diệu pháp.
- Trải qua một tiểu kiếp, chứng quả A la hán.
7- Tổng kết.
Đây là cảnh trung phẩm hạ sanh. Môn tưởng này gọi là trung bối vãng sanh, thuộc về phép quán thứ mười lăm.
Có lời khen rằng:
Trung bối căn lành thuộc bậc trung
Giữ tròn nghi giới một ngày đêm
Phước lành hiếu thuận tâm hằng nguyện
Nhân đẹp từ bi hạnh giúp thêm
Ánh ngọc bảo trì về đến cảnh
Sen vàng kim các bước lên thềm
Bảy ngày hoa nở, lòng cùng nở
Lòng nở bừng trong tiếng pháp âm.
C – HẠ PHẨM HẠ SANH.
a – Hạ phẩm thượng sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Hạ phẩm thượng sanh là thế nào?
Đây là những phàm phu tạo mười ác bậc nhẹ.
2- Hành tướng của người vãng sanh.
Hoặc có chúng sanh ngu tối, tuy không phỉ báng kinh điển Phương Đẳng, nhưng tạo nhiều nghiệp ác không biết hổ thẹn.
Có năm phần:
- Nêu chung những người tạo ác.
- Làm các việc ác.
- Tuy tạo ác nghiệp, nhưng không sanh tâm hủy báng Đại thừa.
- Kẻ tạo ác không phải là hạng người trí tuệ.
- Những kẻ tạo ác này, không hề sanh lòng hổ thẹn.
3- Kẻ tạo ác lúc lâm chung, gặp thiện tri thức giảng pháp.
Kẻ ấy khi lâm chung gặp thiện tri thức nói cho nghe danh đề của mười hai loại kinh Đại thừa, liền được trừ diệt nghiệp ác rất nặng trong một ngàn kiếp. Bậc tri thức lại bảo phải chắp tay niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”; do đương nhơn thành tâm xưng danh hiệu Phật, nên tiêu trừ tội trong năm mươi ức kiếp sanh tử.
Có sáu phần:
- Sắp mạng chung.
- Gặp được thiện tri thức Tịnh độ.
- Thiện tri thức tán thán kinh điển Đại thừa
- Nhờ công đức nghe kinh, trừ diệt tội trong ngàn kiếp.
- Thiện tri thức lại dạy xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà
- Do công đức xưng danh hiệu, trừ diệt tội trong năm trăm vạn kiếp.
Hỏi: Vì sao nghe mười hai bộ kinh, chỉ trừ diệt được ngàn kiếp tội, còn xưng danh hiệu Phật một lần, lại trừ diệt năm trăm vạn kiếp tội?
Đáp: Người tạo tội, nghiệp chướng sâu nặng, tuy thiện tri thức nói nhiều kinh, tâm người nghe phù động tán loạn, do tâm tán loạn, nên sự trừ diệt tội chướng không mạn. Còn như niệm danh hiệu Phật một lần, tức có thể nhiếp tâm chuyên chú, lại được thiện tri thức dạy chánh niệm xưng danh, do tâm chuyên nhất, nên có thể trừ diệt được nhiều kiếp tội.
4 – Lúc lâm chung, hóa chúng đến đón, thời gian mau chậm.
Ngay lúc ấy đức Vô Lượng Thọ Như Lai cảm biết, liền sai Hóa Phật, Hóa Quán Âm và Hóa Thế Chí hiện đến trước hành giả khen rằng: “Lành thay thiện nhơn! Người đã xưng danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, ta đến đây để rước ngươi.” Bấy giờ hành giả thấy ánh sáng của Hóa Phật đầy khắp nhà mình, trong lòng vui mừng, liền xả thọ, ngồi trên hoa sen báu theo Hóa Phật sanh về ao thất bảo.
Có sáu phần:
1. Lúc hành giả xưng niệm danh hiệu, đức A Di Đà sai hóa Phật hóa Bồ tát, hiện đến tiếp dẫn.
2. Hóa thánh chúng hiện tiền, đồng thanh tán thán hành giả.
3. Các hóa thánh chúng chỉ tán thán “ngươi đã xưng danh hiệu, ta đến để rước ngươi”, không hề đề cập đến việc nghe kinh. Nếu ngưỡng vọng bổn ý của Phật, là chỉ khuyên hành giả chánh niệm xưng danh, sẽ được mau vãng sanh, không đồng với những nghiệp thiện tạp nhạp. Như trong kinh này và nhiều bộ kinh khác, khắp nơi đều tán thán, khuyến tấn hành giả xưng danh hiệu Phật, là điều thiết yếu lợi ích.
4. Sau khi được hóa thánh chúng khuyến cáo, hành giả thấy quang minh chiếu khắp nhà.
5. Sau đó, hành giả mạng chung
6. Ngồi đài sen theo sau Phật, sanh vào ao báu.
5- Đến Cực Lạc, hoa nở mau chậm.
Sau khi vãng sanh trải qua bốn mươi chín ngày hoa sen mới nở.
7- Sau khi hoa nở, lợi ích không đồng.
Vừa lúc hoa nở, Đại Bi Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí phóng ánh sáng lớn, đến trước người ấy, giảng thuyết cho nghe nghĩa lý thâm diệu của mười hai loại kinh. Đương nhơn nghe rồi tin hiểu, phát tâm vô thượng bồ đề, trải qua mười hai tiểu kiếp, thành tựu bách pháp minh môn, được vào Sơ địa.
Có năm phần:
- Các ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, trước tiên phóng ánh sáng.
- Các ngài đến bên cạnh đài hoa của hành giả.
- Giảng thuyết các pháp hành giả đã nghe ở đời trước.
- Hành giả nghe xong, tin hiểu bèn phát tâm Vô thượng Bồ đề.
- Trải qua nhiều kiếp, chứng quả Sơ địa.
8- Tổng kết.
Đây là cảnh hạ phẩm thượng sanh.
b – Hạ phẩm trung sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Hạ phẩm trung sanh là thế nào?
Đây là những phàm phu phá giới bậc trung.
2- Giản biệt căn cơ tạo nghiệp.
Hoặc có chúng sanh ngu tối hủy phạm ngũ giới, bát giới, giới cụ túc, trộm của tăng kỳ và vật hiện tiền tăng, bất tịnh thuyết pháp, lòng không hổ thẹn, dùng các nghiệp ác để tự trang nghiêm. Kẻ tạo tội chướng như thế, tất phải bị đọa vào địa ngục
Có bảy phần:
- Nêu chung những chúng sanh tạo nghiệp ác.
- Hủy phạm nhiều cấm giới.
- Trộm của tăng kỳ (thường trụ tăng).
- Tà mạng thuyết pháp.
- Hoàn toàn không biết hổ thẹn.
- Lại còn tạo các tội khác, bên trong, nội tâm khởi ác, bên ngoài, thân miệng làm ác, tự thân hoàn toàn không biết tu thiện. Mọi người trông thấy đều chán ghét, cho nên nói: “dùng các nghiệp ác để tự trang nghiêm.”
- Quán xét việc ác đã tạo, ắt phải đọa địa ngục.
3- Lúc mạng chung, thiện ác đến đón.
Nên lúc lâm chung các tướng lửa của địa ngục đồng thời hiện ra. Nhưng người này may mắn được gặp thiện tri thức giảng nói cho nghe về oai đức thập lực, sức thần thông quang minh của Phật A Di Đà, cùng những pháp: giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Đương nhơn nghe xong sanh lòng tín trọng nên trừ diệt tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử, lửa dữ địa ngục hóa thành gió mát thổi các hoa trời, trên hoa có Hóa Phật và Hóa Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn, trong khoảng một niệm liền được sanh về hoa sen nơi ao thất bảo.
Có chín phần:
- Tội nhân sắp sửa mạng chung.
- Lửa địa ngục hiện tiền.
- Đang lúc lửa hiện, gặp thiện tri thức.
- Thiện tri thức giảng thuyết công đức của Phật A Di Đà.
- Tội nhân nghe đưọc danh hiệu A Di Đà, liền trừ diệt tội nhiều kiếp.
- Sau khi tội diệt, lửa biến thành gió mát.
- Hoa trời theo gió bay đến, phơi phới trước mắt.
- Hóa thánh chúng đến nghinh tiếp.
- Thời gian vãng sanh lâu mau.
4- Hoa nở mau chậm.
Sau khi vãng sanh, trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở.
5- Sau khi hoa nở, lợi ích không đồng.
Vừa lúc hoa nở, Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí hiện đến, dùng tiếng phạm âm an ủi và vì giảng thuyết pháp thậm thâm của đại thừa. Hành giả nghe xong, liền phát đạo tâm vô thượng.
Có ba phần:
- Sau khi hoa nở, các đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, v.v… dùng lời an ủi.
- Các ngài thuyết pháp thâm sâu vi diệu.
- Hành giả tin hiểu, phát tâm Vô thượng.
6- Tổng kết.
Đây là cảnh hạ phẩm trung sanh.
c – Hạ phẩm hạ sanh.
1- Biện định phẩm vị.
Hạ phẩm hạ sanh là thế nào?
Đây là những phàm phu tạo những tội nặng ngũ nghịch.
2- Giản biệt căn cơ tạo ác nặng nhẹ.
Hoặc có chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác, làm đủ các việc chẳng lành; kẻ ngu ấy do nghiệp ác đáng lẽ phải bị đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng.
Có bảy phần:
- Chúng sanh tạo ác.
- Nêu tổng quát tên các tội ác.
- Giản biệt tội nặng nhẹ.
- Những tội ác này, không phải là nghiệp của người trí.
- Tạo ác đã nhiều, tội cũng không nhẹ.
- Không có nghiệp thì không thọ báo, không nhân thì không thọ quả, nghiệp nhân không phải là lạc, quả báo lẽ nào không khổ?
- Nhân ác đã tạo đầy đủ, thì thời gian trả quả cũng không cùng tận.
Hỏi: Trong phần Bốn mươi tám nguyện nói: “Duy trừ tạo tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp là không được vãng sanh. Hiện nay trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, phần Hạ phẩm hạ sanh, chỉ loại bỏ báng pháp, nhưng thu nhiếp người tạo tội ngũ nghịch. Đây là ý gì?
Đáp: Ý nghĩa này phải dựa vào “ức chỉ môn” để giải thích. Như trong phần Bốn mươi tám nguyện nói “duy trừ tạo ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”, là vì hai nghiệp này, tội chướng rất sâu nặng, chúng sanh nếu tạo, ắt sẽ bị đọa thẳng vào địa ngục A tỳ, trải qua thời kiếp lâu xa, khó mà ra khỏi. Chỉ vì đức Như Lai sợ chúng sanh tạo hai nghiệp này, cho nên phương tiện nói lời ngăn trở, bảo rằng không được vãng sanh, chứ không phải là không thâu nhiếp họ. Lại nữa, trong phần Hạ phẩm hạ sanh, nhiếp kẻ ngũ nghịch, gạt kẻ báng pháp, bởi vì đối với kẻ đã tạo ngũ nghịch, không thể bỏ mặc, để cho họ trôi lăn trong sanh tử, cho nên khởi lòng đại bi, nhiếp thủ để cho họ vãng sanh. Còn đối với những người chưa tạo tội báng pháp, thì ngăn trở họ, nói rằng: “nếu báng chánh pháp thì không được vãng sanh”, đây là đối với những người chưa tạo tội báng pháp mà giải thích. Còn đối với những người đã tạo nghiệp báng pháp, vẫn nhiếp thủ họ vãng sanh. Tuy được vãng sanh, phải ở trong hoa sen nhiều kiếp. Những người tạo hai tội này, lúc ở trong hoa sen, có ba điều chướng ngại: (a) không được thấy Phật và chư vị thánh chúng; (b) không được nghe chánh pháp; (c) không được du hành thập phương cúng dường chư Phật. Trừ những điều này ra, không còn sự khổ nào khác. Kinh nói: “Giống như tỳ kheo được sự vui của cõi Tam thiền.” Nên biết như thế. Tuy ở trong hoa sen nhiều kiếp, còn hơn bị đọa A tỳ địa ngục, chịu sự thống khổ triền miên.
3- Nghe pháp, niệm Phật, liền được lợi ích.
Nhưng khi lâm chung, người này nhờ gặp thiện tri thức dùng nhiều cách an ủi, nói phép mầu cho nghe, lại dạy bảo tưởng niệm Phật. Đương nhơn tuy nghe lời dạy, song vì sự khổ bức bách, không yên rảnh để quán tưởng đức Vô Lượng Thọ Như Lai. Thấy thế, thiện hữu lại bảo: “Nếu ông không thể tưởng đức Phật kia, thì nên chí thành xưng “Nam Mô A Di Đà Phật” tiếng tăm liên tiếp không dứt cho đủ mười niệm.” Hành giả vâng lời. Và do nhờ xưng danh hiệu Phật nên mỗi niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi mạng chung, người ấy thấy hoa sen vàng rực rỡ như vầng nhật hiện ra trước mặt. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
Có mười phần:
- Đây là người tạo ác.
- Sắp sửa mạng chung.
- Khi lâm chung, gặp thiện tri thức.
- Thiện tri thức an ủi, chỉ dạy niệm (quán tưởng) Phật.
- Tội nhân bị sự khổ chết chóc bức bách, không kịp niệm (quán tưởng) Phật.
- Thiện tri thức biết thế, bèn dạy xưng danh “Nam mô A Di Đà Phật.”
- Niệm số nhiều ít, âm thanh không gián đoạn.
- Trừ diệt tội nhiều kiếp.
- Lâm chung chánh niệm, sen vàng đến đón.
- Vãng sanh mau chậm, thẳng đến cõi Cực Lạc.
4- Hoa nở mau chậm.
Như thế mãn mười hai Đại kiếp hoa sen mới nở.
5- Sau khi hoa nở, lợi ích không đồng.
Khi hoa nở, hai vị đại sĩ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng tiếng đại bi vì hành giả nói rộng về thật tướng của các pháp và cách trừ diệt tội chướng. Đương nhơn nghe rồi thân tâm vui đẹp, liền phát lòng vô thượng bồ đề.
Có ba phần:
- Hai Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí giảng nói pháp môn thâm diệu.
- Tội chướng trừ diệt, hành giả cảm thấy hoan hỷ.
- Phát tâm Vô thượng.
5- Tổng kết.
Đây là cảnh hạ phẩm hạ sanh. Môn tưởng trên gọi là hạ bối vãng sanh, thuộc về pháp quán thứ mười sáu.
Có lời khen rằng:
Hạ bối căn non, kém hiểu biết
Ngũ nghịch, thập ác, gây nhiều nghiệp
Phá giới, phạm trai, trộm của Tăng
Không tin Đại thừa, báng Chánh pháp
Lâm chung tướng khổ hội như mây
Ưng đoạ A tỳ vô lượng kiếp
Thiện hữu khuyên xưng niệm Phật danh
Di Đà hóa hiện tay vàng tiếp
Mười niệm khuynh tâm đến bảo trì
Luân hồi từ ấy thoát trường kỳ
Mười hai đại kiếp hoa sen nở
Đại nguyện theo cùng tiếng Đại bi.
Phần trên giảng mười ba pháp quán, là phần định thiện, đây là do bà Vi Đề Hy khải thỉnh, đức Như Lai đã đáp xong. Phần dưới nêu rõ ba phước, chín phẩm vãng sanh, là phần tán thiện, do đức Như Lai tự tuyên thuyết. Tuy có hai môn Định thiện, Tán thiện khác biệt, tựu trung đã giải thích xong phần Chánh tông.
II – LỢI ÍCH
1 – Phu nhân thấy cảnh tướng cõi Cực Lạc.
Khi đức Thế Tôn nói lời ấy rồi, Vi Đề Hy phu nhơn cùng năm trăm thị nữ liền thấy tướng rộng dài của thế giới Cực Lạc.
2 – Phu nhân, ở pháp quán thứ bảy, thấy đức Phật Vô Lượng Thọ, đã đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Sắc thân của Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát. Tất cả đều sanh lòng vui mừng, khen là việc chưa từng có. Phu nhơn hoát nhiên đại ngộ, chứng vô sanh pháp nhẫn.
3 – Các thị nữ thấy cảnh giới Cực Lạc thù thắng bèn phát Vô thượng đạo tâm, cầu sanh Cực Lạc.
Năm trăm thị nữ phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nguyện sanh về Cực Lạc.
4 – Các thị nữ được Phật thọ ký, đều được vãng sanh, chứng đắc Hiện tiền tam muội.
Đức Thế Tôn thọ ký cho tất cả đều được vãng sanh và sau khi sanh về Tịnh độ đều chứng Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội.
5 – Đại chúng phát tâm.
Vô lượng chư thiên phát tâm vô thượng bồ đề.
Các vị trời Phạm vương, Đế thích, hộ thế tháp tùng đức Phật đến Vương cung nghe pháp, hoặc thấy viên quang đức Thích Ca hiện các cõi Phật, hoặc thấy thân tướng rực rỡ của đức A Di Đà, hoặc nghe Phật giảng về chín phẩm vãng sanh, hoặc nghe Phật giảng pháp môn Định thiện, Tán thiện, hoặc nghe người lành kẻ ác đều được vãng sanh, hoặc nghe Tây phương Tịnh độ trước mắt không xa, hoặc nghe một đời chuyên chí hành trì sẽ được vĩnh viễn thoát ly Ta bà khổ não. Các vị trời này, đã được nghe đức Thế Tôn giảng nói những việc hy hữu thù thắng lợi ích như vậy, mỗi vị đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Đây là vì đức Phật là bậc Thánh tối cao, mỗi lời nói của ngài đều là định lý, những phàm phu ngu muội, thấy nghe tin hiểu đều đuợc ân triêm lợi ích.
III – LƯU THÔNG
1 – Khải thỉnh lưu thông.
Khi ấy Tôn giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật và thưa rằng: Bạch đức Thế Tôn! Kinh này tên gọi là chi? Chúng con phải thọ trì pháp yếu này như thế nào?
2 – Đức Như Lai nêu lên y báo, chánh báo để lập đề kinh.
Đức Phật bảo: “Kinh này tên Quán Cực Lạc Quốc Độ Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát”, cũng gọi là “Tịnh Trừ Nghiệp Chướng, Sanh Chư Phật Tiền.”
Nếu y vào kinh mà tu hành thì tội chướng sẽ trừ diệt.
3 – Dặn dò cách thọ trì.
Ông nên như thế mà thọ trì, chớ để quên mất.
4 – So sánh để hiển bày sự thù thắng, khuyên hành giả phụng hành.
Người tu môn tam muội này, hiện đời sẽ được thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai vị đại sĩ. Nếu thiện nam thiện nữ nào chỉ nghe danh hiệu của đức Phật và hai vị đại sĩ kia, còn trừ được tội trong vô lượng kiếp sanh tử, huống chi là tưởng niệm!
Có bốn phần:
- Nêu tổng quát phần Định thiện để đặt tên cho tam muội.
- Y vào pháp quán tu hành, sẽ thấy đuợc ba thân Phật.
- Nhắc lại căn cơ có thể tu tập.
- So sánh để hiển bày sự thù thắng, chỉ cần nghe tên ba thân mà còn trừ diệt được nhiều kiếp tội khiên, huống hồ là chánh niệm quy y, mà không được chứng đắc.
5 – Hiển thị công đức niệm Phật.
Như có người nào niệm Phật, nên biết kẻ ấy chính là hoa phân đà lợi trong loài người. Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ là thắng hữu của người ấy. Kẻ ấy sẽ ngồi nơi đạo tràng, sanh vào nhà chư Phật.
Hiển bày công năng siêu tuyệt của sự niệm Phật, không phải những phước thiện tạp nhạp có thể so sánh được. Có năm phần:
1. Chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
2. Chỉ tán thán người niệm Phật.
3. Nếu người nào có thể niệm Phật tương tục, người đó rất là hiếm có, không ai có thể sánh được, cho nên dùng hoa Phân đà lợi để ví dụ.
Phân đà lợi, là hoa quý, là hoa hy hữu, là hoa bậc thượng thượng, là hoa diệu hảo trong cõi người.
Người niệm Phật, tức là người quý, người diệu hảo, người bậc thượng thượng, người hiếm có, người tối thắng trong loài người.
1. Người chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì các ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, v.v… sẽ theo sát bên cạnh, như bóng theo hình, cũng giống như thân hữu tri thức.
2. Đời này đã được sự lợi ích như vậy, sau khi bỏ thân này, sanh vào nhà chư Phật, nghĩa là sanh về Tịnh độ của chư Phật. Đến đó nghe pháp dài lâu, đi khắp mười phương cúng dường chư Phật. Nhân quả tròn đầy, sẽ ngồi đạo trường thành Phật.
6 – Phó chúc Danh hiệu Di Đà, lưu thông lâu xa về sau.
Này A Nan! Ông nên ghi nhớ lời này, thọ trì lời này chính là thọ trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ.”
Trên đây, tuy nói hai môn Định thiện, Tán thiện, nhưng Bổn Nguyện của đức Bổn Sư, là muốn chúng sanh NHẤT TÂM CHUYÊN NIỆM DANH HIỆU A DI ĐÀ PHẬT.
7 – Nghe pháp hoan hỷ.
Khi Phật nói lời ấy xong, hai tôn giả Mục Kiền Liên, A Nan, Vi Đề Hy Phu nhân cùng quyến thuộc, thảy đều hoan hỷ.
Người cầu thỉnh, kẻ lưu truyền, đều được nghe pháp chưa từng nghe, thấy những việc chưa từng thấy, như uống Cam lộ, trong lòng vui mừng khôn xiết.
IV – KỲ XÀ QUẬT
1 – Tự phần.
Bấy giờ đức Thế Tôn bước trên hư không, trở lại núi Kỳ Xà Quật.
2 – Chánh tông phần.
Khi về đến nơi, Tôn giả A Nan lại vì đại chúng trùng tuyên việc ấy.
3 – Lưu thông phần.
Vô lượng Chư thiên, long, dạ xoa nghe lời của Phật nói, đều rất vui mừng, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi lui bước trở về.
Lời Bạt
Thiết nghĩ, Chơn tông khó gặp, Tịnh độ khó tin. Vì muốn chúng sanh năm nẻo đều được vãng sanh, cho nên mới khuyến tấn người nghe nơi hậu đại. Thế nhưng, thần lực của đức Như Lai, biến hóa khôn lường, tùy căn cơ chúng sanh mà ẩn hiển. Việc giáo hóa bí mật nơi Vương cung, các bậc tiểu trí ở núi Kỳ Xà khởi tâm nghi hoặc. Sau khi đức Phật trở về Linh Thứu, bèn bảo ngài A Nan thuật lại những điều đã giảng ở Vương cung. Đại chúng nhân đây đều được thấy nghe, không ai mà không y giáo phụng hành.
Kính bạch tất cả thiện tri thức hữu duyên: Tôi là một phàm phu sanh tử, trí huệ hạn hẹp. Đối với những lời Phật dạy thâm sâu, tôi nào dám đưa ra những lời giải đáp cá nhân sai lạc. Do đó tôi đã khởi tâm lập nguyện, thỉnh cầu sự linh nghiệm, sau đó mới dám phát tâm làm sớ giải này.
Nam mô quy mạng tận hư không khắp pháp giới tất cả Tam bảo, Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư Bồ tát Thanh tịnh đại chúng cõi Cực Lạc, cùng tất cả cảnh tướng trang nghiêm, v.v…
Con nay dự định soạn phần Yếu Nghĩa của Quán Vô Lượng Thọ Kinh, khải định cổ kim. Nếu như xứng với Bổn Nguyện Đại Bi của chư Phật ba đời, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, nguyện con được thấy tất cả cảnh tướng đã nguyện cầu.
Sau khi kết nguyện trước tượng Phật, ngày hôm sau tôi tụng kinh A Di Đà ba biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến, chí tâm phát nguyện.
Ngay đêm hôm đó, tôi thấy trong hư không phương tây, những cảnh tướng như được mô tả trong kinh hiện ra rõ ràng trước mắt. Những núi báu đủ màu, trùng trùng điệp điệp. Vô số quang minh chiếu xuống mặt đất, đất biến thành màu vàng kim. Trong ánh quang minh, chư Phật Bồ tát hiện thân, hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc nói năng hoặc im lặng, hoặc di chuyển thân hình, hoặc đứng yên không động.
Sau khi thấy cảnh tướng ấy, tôi bèn chắp tay đứng yên quán tưởng, một lúc lâu sau mới ngưng. Tôi cảm thấy vô cùng hân hoan, bèn bắt tay vào việc soạn sớ giải.
Từ hôm đó, mỗi đêm trong mộng, thường thấy có một vị tăng đến, chỉ dẫn cho tôi soạn phần Huyền Nghĩa. Sau khi hoàn tất thì không thấy ngài hiện đến nữa.
Sau khi biên soạn hoàn tất quyển sớ giải, tôi lại chí thành phát tâm, lập định thời hạn bảy ngày, mỗi ngày tụng kinh A Di Đà mười biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến. Đầu đêm cuối đêm đều thành tâm quy mạng quán tưởng cảnh tướng trang nghiêm của cõi Cực Lạc.
Đêm đầu tiên, tôi thấy ba bánh xe đang tự chuyển động bên vệ đường, bỗng nhiên có một người cưỡi lạc đà trắng đến trước mặt tôi khuyến tấn: “Thầy hãy nỗ lực, nhất định sẽ được vãng sanh, đừng nên thoái thất, cõi này trược uế khổ đau, không có gì phải luyến tiếc.” Tôi bèn trả lời: “Rất hân hạnh được hiền giả khuyên nhắc, tôi thề trọn một đời, quyết sẽ không bao giờ sanh một niệm giải đãi.”, v.v…
Đêm thứ hai, thấy đức Phật A Di Đà, thân chân kim sắc, ngồi trên đài sen vàng, dưới gốc cây bảy báu. Có mười vị tăng ngồi vòng quanh ngài. Trên cây báu có vô số thiên y treo quanh phất phới.
Tôi ngồi quay mặt hướng tây, chắp tay quán sát.
Đêm thứ ba, thấy hai bảo tràng, cao lớn sáng rực, treo phan ngũ sắc. Đường xá ngang dọc, bát ngát bao la. Sau khi thấy được những cảnh tướng như vậy, tôi bèn đình chỉ, không tiếp tục việc tụng niệm nữa.
Tôi thuật lại những điều linh ứng vừa kể, là vì muốn lợi lạc chúng sanh, chứ không phải vì chính mình. Thấy được những cảnh tướng như vậy, không dám dấu diếm, mà rất cẩn trọng trình bày cho người đời sau, để họ được nghe biết. Nguyện cho những người thấy nghe, sanh lòng tin tưởng, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, đều phát tâm Bồ đề, khởi lòng thương yêu lẫn nhau, nhìn nhau bằng cặp mắt từ bi, nguyện cùng nhau làm quyến thuộc Bồ đề, làm thiện tri thức chân thực, đều vãng sanh Cực Lạc, đều thành Phật đạo.
Ý nghĩa trong quyển sớ giải này, tôi đã cung thỉnh chư Phật chứng minh xác định, một câu một chữ, không thể thêm bớt. Nếu muốn ghi chép lại, xin phải y theo quy tắc chép kinh.
****
i Hai loại chân như: tức là thể và lượng ii Câu chữ Hán: Bất nghi trụ thử (Không nên ở lại đây).
iii Hán: Ngôn bất cập điển, quân tử sở tàm. iv Hán: Gia hữu suy họa, phi thân bất cứu.
v Hán: Hào khấp hướng Phật (Hướng về Đức Phật, khóc lóc, kêu gào) vi Hán: Nghiệp năng nghiêm thức, thế thế xứ xứ các thú, tùy duyên thọ quả báo, đối diện bất tương tri.
vii Phan duyên: thâm tâm rong ruỗi theo trần cảnh trong và ngoài. viii Ba thân: tức là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.
ix Chữ “Như ý” có hai nghĩa: (i) Như chúng sanh ý: tùy tâm niệm chúng sanh mà hiện đến hóa độ; (ii) Như Phật A Di Đà ý: ngũ nhãn chiếu khắp, lục thông tự tại, quán sát căn cơ có thể độ, trong khoảnh một niệm, không trước không sau, thân tâm đều đến, chuyển pháp ba thừa, làm cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích.
[1] Có sự hiểu lầm trong truyền ký xả thân vãng sinh của ngài Thiện Đạo. Đương thời sự tích về “xả thân vãng sinh (từ trên cây lao xuống mà thị tịch)” của ngài Thiện Đạo được truyền bá rất nhiều, do đó những truyện ký khác nhau về ngài cũng có truyền thuyết về sự xả thân vãng sinh. Nhưng đây là sự đọc lầm phần văn phía trước của Tục Cao Tăng Truyện. Điều này này là do Tịnh Độ Vãng Sinh Truyện của Giới Châu, và Tân Tu Vãng Sinh Truyện của Vương Cổ, v.v.., là những người đời Tống, truyền bá sai lầm lầm rằng ngài Thiện Đạo xả thân vãng sinh. Tuy điều này không chính xác, nhưng nó cũng phản ảnh phong trào chí thiết vãng sinh vào đời Đường. Hơn nữa, hai tên Thiện Đạo (善導, đạo: chỉ đạo, hướng đạo), và Thiện Đạo (善道, đạo: con đường), Tân Tu Vãng Sinh Truyện cho là hai nhân vật khác nhau, nhưng thật ra chỉ là một, điều này cũng do sự truyền bá sai lạc. (Người dịch TPC)