QUÁN KINH TỨ THIẾP SỚ
Hòa Thượng Thiện Đạo tập ký
Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch kinh văn
Thích Pháp Chánh dịch sớ văn

Quyển Ba: ĐỊNH THIỆN

Từ đây trở xuống, giải thích phần Chánh tông, gồm mười sáu đoạn. Tùy văn giải thích, chứ không bàn trước.

Hiện nay, lập phần Chánh tông, không giống như các nhà chú giải khác, chỉ giảng về phần định thiện. Từ câu đầu của pháp Quán Mặt Trời, cho đến phần Hạ Phẩm Hạ Sanh, là phần chánh tông. Còn từ pháp Quán Mặt Trời trở lên, tuy có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là phần Tựa.

1 – Quán Mặt Trời (Nhật Quán).

Có năm phần

A – Nêu chung để khuyến tấn.

Đức Phật bảo: “Vi Đề Hy! Bà và chúng sanh nên chuyên tâm, buộc niệm một chỗ, để tưởng cảnh giới tây phương.

Phía trên, bà Vi Đề Hy đã cầu vãng sanh về cõi Phật A Di Đà, lại còn thỉnh pháp tu vãng sanh, đức Như Lai đã hứa giảng. Thế nhưng, vì cơ duyên chưa đầy đủ, chưa thể nói pháp tu quán, thành thử đức Phật phương tiện nêu lên pháp tu Tam phước, để làm lợi ích cho những chúng sanh chưa từng nghe Phật pháp. Vả lại, đức Như Lai khuyên nhắc, vì muốn chúng sanh sanh tâm trân trọng,

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: Bà và chúng sanh.” Đức Phật khuyến cáo, nếu muốn thoát khỏi trần lao, cầu sanh Tịnh độ, phải nên nỗ lực.

Nên chuyên tâm …..” Chúng sanh nội tâm tán động, tâm thức lao xao giống như khỉ vượn, rong đuổi theo trần cảnh bên ngoài, không lúc tạm ngừng. Do vì cảnh giới phức tạp, cho nên nội tâm khởi tham loạn tưởng; pháp an tâm tam muội dễ gì tu chứng. Trừ phi buông xả trần lao, tìm nơi an tĩnh, chuyên tâm tương tục, trực chỉ Tây Phương.

Cho nên nhất thân, nhất tâm, nhất hồi hướng, nhất xứ, nhất cảnh giới, nhất tương tục, nhất quy y, nhất chánh niệm. Đây gọi là quán tưởng thành tựu, đắc chánh thọ, đời này đời sau tùy tâm được giải thoát.

B – Nêu lên cảnh quán tưởng.

Phương pháp quán tưởng ấy như thế nào? Phàm tu quán tưởng, tất cả những người, nếu không phải bị mù từ lúc sơ sanh, đều thấy mặt trời lặn.

Các chúng sanh lưu chuyển dài lâu trong sanh tử, không rõ pháp an tâm, tuy được chỉ bày cảnh Tây phương, cũng không rõ cách nào để quán tưởng, vì thế đức Như Lai phải hỏi ngược, khiển trừ nghi ngờ, cố chấp, chỉ rõ phương tiện để nhập quán.

Phàm tu quán tưởng.” Nêu lên ý trước, để hiển bày phương tiện nhập quán.

“Không phải bị mù từ lúc sơ sanh.” Giản biệt căn cơ, có thể hay không thể tu quán.

Mù từ lúc sơ sanh (Hán: Sanh manh): nghĩa là từ lúc sanh ra đã bị mù, chưa từng thấy mặt trời. Những người này không thể dạy pháp tu quán mặt trời. Ngoại trừ những người này ra, những người mù mắt khác đều có thể dạy pháp tu quán này, đều sẽ được thành tựu. Bởi vì những người này khi họ chưa bị mù đã từng biết được hình tướng của mặt trời. Hiện nay tuy bị mù, nhưng nếu có thể khéo nhớ lại hình tướng mặt trời, chuyên tâm quán tưởng, liên tục không ngừng, đều ắt sẽ thành tựu.

Hỏi: Phần trên bà Vi Đề Hy nguyện được thấy cảnh Cực Lạc, đến lúc đức Như Lai tuyên giảng lại bắt đầu bằng pháp quán mặt trời, đây là có ý gì?

Đáp: Có ba ý chính:

1- Đức Phật muốn chúng sanh biết rõ cảnh giới để làm nơi an trụ tâm mình, cho nên mới chỉ rõ phương hướng. Không nên quán mặt trời mùa đông và mùa hè, mà chỉ quán mặt trời mùa xuân và mùa thu. Khi ấy, mặt trời mọc ở chính đông và lặn ở chính tây. Chánh hướng mặt trời lặn phía tây, vượt qua mười vạn ức cõi Phật là đến cõi Phật A Di Đà.

2- Đức Phật muốn chúng sanh tự biết nghiệp chướng của mình nặng hay nhẹ. Làm sao biết được? Ngài dạy cho pháp quán an trụ tâm bằng cách quán mặt trời. Đầu tiên, dạy cho ngồi kiết già. Bàn chân phải đặt ngang trên đùi trái, bàn chân trái đặt ngang trên đùi phải. Giữ thân ngay thẳng, miệng ngậm lại, nhưng hai hàm răng không chạm nhau. Chót lưỡi dựa vào nóc họng, khiến cho yết hầu và lỗ mũi được tương thông. Kế đến, quán bốn đại của thân, trong ngoài đều trống rỗng, không có một vật. Quán phần địa đại của thân, tan biến thành vi trần, bay về hướng tây, đến lúc không còn vết tích. Kế đó, quán phần thủy đại của thân, như máu, mồ hôi, v.v… tan biến thành vi trần, tất cả đều bay về hướng bắc, đến lúc không còn vết tích. Kế đến, quán phần phong đại của thân, tan biến bay về hướng đông, đến lúc không còn vết tích. Kế đến, quán phần hỏa đại của thân, tan biến thành vi trần, bay về phía nam, đến lúc không còn vết tích. Kế đến, quán phần không đại của thân, hợp thành một thể với hư không mười phương, đến lúc không còn vết tích. Kế đến, quán năm đại đều là không, chỉ còn lại thức đại, lắng đọng trong sáng, như một mặt kính tròn, trong ngoài sáng rỡ, thấu suốt thanh tịnh. Trong lúc quán sát như vậy, trừ sạch loạn tưởng, tâm ý dần dần tĩnh lặng.

Kế đến, từ từ chuyển tâm, quán kỹ mặt trời. Nếu như người căn tánh lanh lợi (lợi căn), chỉ cần ngồi quán một lần là thấy được ảnh tướng mặt trời hiện rõ trước mắt. Trong lúc quán tưởng, thấy mặt trời, hoặc lớn như đồng tiền, hoặc lớn như mặt kính, trong tướng sáng đó, tự biết được nghiệp chướng của mình là nặng hay nhẹ.

1. Hắc chướng: giống như mây đen che mặt trời.

2. Hoàng chướng: giống như mây vàng che mặt trời.

3. Bạch chướng: giống như mây trắng che mặt trời.

Mặt trời (quán tưởng) vì bị mây che cho nên không thể chiếu rọi sáng ngời. Nghiệp chướng chúng sanh sâu nặng cũng giống như vậy, vì mây (nghiệp) che chướng tịnh tâm cho nên tâm thể không thể chiếu sáng. Nếu hành giả thấy được cảnh tướng nghiệp chướng như vậy, phải nên lập tức nghiêm tịnh đạo trường, thiết trí tượng Phật, tắm gội, mặc y phục sạch sẽ, thắp đèn đốt hương, bày tỏ với chư Phật, tất cả hiền thánh. Nguyện trọn đời này, sám hối tất cả nghiệp chướng thân, miệng, ý đã tạo từ vô thỉ đến nay, tất cả mười tội ác, năm tội nghịch, bốn tội trọng (sát, đạo, dâm, vọng), hủy báng chánh pháp, nhất xiển đề, v.v… Cần phải cực kỳ khẩn thiết, nước mắt lưng tròng, vô cùng hổ thẹn, thống thiết tự trách. Sau khi sám hối, trở lại tiếp tục tu quán, an tâm trụ vào cảnh giới. Nếu như cảnh tướng mặt trời hiện rõ, trong sáng thanh tịnh, đây gọi là tiêu diệt tội chướng ngay tức khắc.

Hành gỉả, sau khi đã biết nghiệp tướng của mình như vậy, cần phải chuyên tâm sám hối. Mỗi ngày ba thời, hoặc sáu thời, chỉ cần nhớ đến thì liền sám hối. Đây gọi là hành giả căn tánh bậc thượng. Tợ như thân thể bị lửa đốt, cần phải lập tức cứu chữa, chả lẽ còn chần chừ, chờ đợi ngày giờ, nơi chốn, nhân duyên, đối tượng, rồi mới trừ diệt?

3. Đức Phật muốn cho chúng sanh biết được y báo và chánh báo của cõi Phật A Di Đà, tướng hảo quang minh trang nghiêm, v.v… trong ngoài đều sáng rực, hơn ánh sáng của mặt trời gấp cả trăm ngàn vạn lần.

Nếu như hành giả chưa biết rõ cảnh tướng quang minh của cõi đó, thì phải quán sát hình tướng ánh sáng mặt trời, đi đứng nằm ngồi, lạy Phật thiền quán, đều phải ghi nhớ hình tướng này. Chẳng bao lâu sẽ được định tâm, thấy được cảnh giới Cực Lạc, an lạc trang nghiêm. Vì lý do này nên đức Thế Tôn trước tiên chỉ dạy pháp quán mặt trời.

C – Chánh thức chỉ dạy pháp quán.

Vậy bà nên ngồi ngay thẳng, hướng về phương tây, tâm chú định một chỗ không được di động, rồi quán tưởng mặt trời sắp lặn hình như cái trống treo.

Đoạn này nêu rõ uy nghi ngồi thiền, quay mặt hướng tây, trụ tâm vào cảnh giới, chuyên chú không ngừng, thì sẽ đạt được sự mong ước.

D – Nêu rõ cảnh tướng của sự thành tựu.

Khi đã thấy hình tướng ấy, phải chú tưởng cho thuần thục, làm sao lúc nhắm mắt mở mắt đều được thấy rõ ràng.

Đoạn này nói rõ về sự chuyên tâm quán tưởng mặt trời, giảm trừ trần duyên vọng tưởng, miên mật không ngừng, thì cảnh tướng thanh tịnh sẽ hiện ra rõ ràng. Lại nữa, hành giả khi vào định này, thấy được cảnh tướng mặt trời, thì liền được sự an lạc của tam muội, thân tâm dung thông, quả thật không thể nghĩ bàn. Lúc thấy được cảnh tướng này, cần phải nhiếp tâm an định, không được khởi tâm tham chấp. Nếu khởi tâm động niệm, tâm thức sẽ bị dấy động, vì tâm bị động, định cảnh sẽ bị mất. Hoặc giả, tâm xao động, hoặc tâm mờ mịt, hoặc thấy tướng đen, vàng, trắng, đỏ, v.v… tâm đều không được an định. Lúc thấy tâm thức dao động, liền phải nên nghĩ rằng: “Những cảnh tướng này, dao động không an, là do mình khởi tâm tham chấp, làm cho định cảnh ẩn mất.” Nghĩ xong, bèn an tâm chánh niệm, quán tưởng lại từ đầu, tướng động sẽ trừ diệt, tâm sẽ an định trở lại. Đã biết lỗi này, ắt sẽ không còn khởi tâm tham chấp nữa. Phần dưới nói về “tà, chánh, được, mất”, cũng tương tự như ở đây. Quán tưởng mặt trời, thấy được mặt trời, tâm cảnh tương ưng, gọi là chánh quán. Quán tưởng mặt trời, không thấy mặt trời, mà lại thấy các cảnh tướng khác, tâm cảnh không tương ưng, gọi là tà quán.

Sống trong cõi Ta bà
Cảnh giới thật mờ mịt
Chỉ có quán mặt trời
Mới mong thấy Tây phương

E – Tổng kết.

Môn quán mặt trời này là phương pháp quán tưởng thứ nhứt.

2 – Quán Nước.

A – Nêu tổng quát thể chất mặt đất.

Kế lại quán tưởng nước, thấy một vùng nước trong suốt đứng lặng; phải thấy cho rõ ràng, ý đừng phân chia rối loạn. Khi thấy tướng ấy rồi nên tưởng nước đóng thành băng. Đã thấy băng trong ngần sáng ánh, lại tưởng đó là đất lưu ly. Môn tưởng này thành rồi, tiếp quán thấy đất lưu ly trong ngoài chói suốt.

Hỏi: Phần trên dạy cách quán mặt trời, vì muốn chúng sanh biết hình tướng của nghiệp, v.v…. Hiện nay trong pháp quán này, dạy cách quán nước, đây là lý do gì?

Đáp: Mặt trời thường chiếu rọi, biểu thị cảnh Cực Lạc ánh sáng rực rỡ miên trường. Thế nhưng, ở cảnh giới Ta bà, chỉ có mặt trời là chiếu sáng, còn như mặt đất thì không nơi nào không gập ghềnh, lồi lõm. Muốn quán tưởng sự bằng phẳng, không có gì hơn mặt nước, huống hồ là mặt lưu ly trơn láng.

Hỏi: Mặt nước ở cõi này vừa ướt vừa mềm. Không biết đất ở cõi kia có giống như nước ở cõi này chăng?

Đáp: Lấy mặt nước bằng phẳng ở cõi này, ví cho mặt đất ở cõi kia trơn láng không có sự cao thấp, núi non gò nổng. Lại nữa, quán nước chuyển thành băng, là so sánh với mặt đất lưu ly ở cõi kia, trong ngoài sáng rực. Điều này chứng minh đức Phật Di Đà, trong vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo, tâm ý bình đẳng, không nghiêng không lệch, phiền não và tập khí đều đã trừ sạch, cho nên khiến cho mặt đất ở cõi đó bằng phẳng sáng ngời.

Hỏi: Hiện nay dạy pháp quán nước để tâm an trụ, kế đến quán nước chuyển thành băng, chuyển băng thành lưu ly, hành giả phải nên chuyển tâm thế nào để cho cảnh hiện?

Đáp: Cách thức an trụ oai nghi của thân cũng giống như pháp quán mặt trời. Hơn nữa, muốn quán nước để tâm an định, phải dùng cảnh tương tự để quán, thì mới dễ đắc định. Hành giả ở một nơi an tĩnh, đem một bát nước đầy để trên mặt đất trước chỗ ngồi thiền. Kế đến, an tọa trên vị trí của mình, dán một vật trắng (giấy trắng cắt thành hình vòng tròn, chẳng hạn) chính giữa lông mày, lớn khoảng hạt đậu. Cúi đầu xuống nhìn mặt nước trong bát. Chuyên chú nhìn vào điểm trắng, đừng quan tâm đến ngoại cảnh. Thoạt tiên, mặt nước còn dao động, nhìn không thấy rõ mặt mình, nhưng nếu tiếp tục chuyên chú quán sát, thì sẽ thấy rõ. Lúc đầu, mặt nước dao động, nhìn thấy mặt mình lúc dài lúc ngắn, lúc rộng lúc hẹp, lúc thấy lúc không. Khi đó, cần phải chuyên chú quán sát, chẳng mấy chốc, sóng nước chỉ còn lăn tăn, hình như động mà không động, gương mặt dần dần hiện rõ. Hành giả tuy trông thấy mặt mình, nhưng không nên để ý đến những chi tiết như mắt, mũi, tai, miệng, v.v…, mà cũng không phủ nhận sự hiện diện của chúng. Chỉ cần trong tâm biết rằng chúng có hiện hữu. Chỉ nên chăm chú vào điểm trắng, quán sát rõ ràng, giữ gìn chánh niệm, đừng để tâm ý xao lãng sang chuyện khác. Trong lúc chuyên chú, tâm sẽ dần dần an định, tánh thể của nước sẽ đứng lặng, trong sáng.

Lại nữa, hành giả nếu muốn biết rõ tự tâm an trụ hay không, chỉ cần quán sát tướng nước động hay không động, thì có thể biết rõ tự tâm hiển hiện hay không, trong sáng hay tăm tối.

Trong lúc đợi nước tĩnh lặng, lấy một hạt gạo ném trên mặt nước, tức thời sẽ thấy nước dậy sóng, lan khắp mặt bát. Đưa mặt nhìn vào, sẽ thấy điểm trắng dao động, Lại lấy một hạt đậu ném trên mặt nước, thì sóng nước lại càng lớn hơn. Điểm trắng cùng gương mặt thảy đều ẩn mất, không hiện ra rõ, đây là vì nước động. Bát nước tượng trưng cho thân mình, nước tượng trưng cho nước của tự tâm, sóng tượng trưng cho phiền não loạn tưởng; sóng dần dần lắng yên, tức là vứt bỏ ngoại duyên, trụ tâm vào một cảnh.

Nước yên cảnh hiện, nghĩa là tâm không động loạn, thì cảnh sẽ không còn động, trong ngoài điềm nhiên, cảnh tướng của sự mong cầu sẽ hiện rõ.

Lại nữa, vọng tưởng thô thiển (rõ ràng) hay vi tế, đều làm cho tâm thủy dao động, tâm thủy dao động, tịnh cảnh sẽ ẩn mất. Hơn nữa, trần cảnh hoặc rõ ràng, hoặc vi tế, cũng làm cho sóng nước dao động. Hành giả chỉ cần quán sát cảnh tướng động hay không động của mặt nước, thì có thể biết rõ tâm mình an trụ hay không an trụ. Cảnh giới hiển hiện hay ẩn mất cũng tương tự với trường hợp quán mặt trời. Tịnh Độ Luận của ngài Thế Thân nói:

Quán tưởng thế giới kia
Hơn hẳn đường ba cõi
Cứu cánh tựa hư không
Rộng lớn không bờ bến.

Đây là nói rõ cảnh tướng tổng quát của cõi Cực Lạc.

B – Sự trang nghiêm phía dưới mặt đất.

Dưới ấy có tràng kim cương thất bảo vàng ánh đỡ đất lưu ly. Tràng này có đủ tám góc theo tám phương, mỗi phương diện do trăm thứ báu hợp thành, mỗi bảo châu có ngàn tia sáng, mỗi tia sáng có tám vạn bốn ngàn màu, chói đất lưu ly như ngàn ức mặt trời, nhìn không thể xiết!

Có bảy phần, nêu rõ:

1. Thể tánh của tràng báu là kim cương vô lậu.

2. Hình tướng của tràng báu sáng chói trang nghiêm.

3. Tràng báu hình bát giác, không phải hình tròn

4. Tràng báu do hàng trăm thứ báu hợp thành, số lượng nhiều quá hằng sa

5. Mỗi loại báu phóng ra ngàn vạn quang minh, tỏa khắp mười phương thế giới

6. Ánh sáng rực rỡ muôn màu, chiếu khắp các cõi, tùy căn cơ chúng sanh mà hiển hiện khác nhau, luôn luôn đem đến lợi ích cho họ

7. Ánh sáng chói lọi, quá hơn ánh sáng mặt trời, những người vãng sanh về đó, không thể nào nhìn rõ hình tướng của chúng.

Có lời khen rằng:

Vô lượng vô biên vô số ức
Tràng bảy báu, bảo địa trang nghiêm
Tám phương, tám mặt, toàn bách bảo
Nhìn thấy, tự nhiên chứng vô sanh.
Cõi vô sanh, vĩnh viễn thường trụ
Mỗi báu rạng rỡ vô số quang
Hành giả nếu như thường quán tưởng
Lâm chung nhất định vãng Tây phương.
 
Tây phương tịch tĩnh, vô vi lạc
Rốt ráo tiêu dao, lìa hữu, vô
Rải lòng đại bi khắp pháp giới
Phân thân lợi vật, không ai bằng
Hoặc hiện thần thông mà thuyết pháp
Hoặc hiện thân tướng nhập niết bàn
Biến hiện trang nghiêm rất tự tại
Chúng sanh nghe, thấy, tội đều trừ.
 
Hãy về đi,
Mau rời khỏi cõi ma
Luân hồi từ vô thỉ
Sáu nẻo đều đã qua
Không nơi nào an lạc
Chỉ nghe tiếng rên la
Sau khi thân này mất
Nguyện rời khỏi Ta bà.

C – Sự trang nghiêm thù thắng trên mặt đất

Trên đất lưu ly có dây hoàng kim xen lẫn cùng thất bảo, phân chia các khu vực rành rẽ trang nghiêm.

Đoạn này nói về sự y (nương tựa), trì (nắm giữ) viên mãn thanh tịnh. Ao, rừng bằng bảy báu là năng y, còn đất lưu ly là sở y; đất báu là năng trì (vật nắm giữ), còn ao, lầu, cây báu, v.v… là sở trì (vật được nắm giữ). Đây là do nhân hạnh viên mãn của đức Phật Di Đà chiêu cảm quả báo châu đáo viên mãn. Ở đây, “viên mãn thanh tịnh”, tức là thể tánh vô lậu.

Có lời khen rằng:

Đất báu trang nghiêm thật khôn lường,
Khắp cõi, quang minh chiếu thập phương,
Lầu các, đài hoa đầy khắp chốn,
Sắc màu rực rỡ, khó nghĩ bàn,
Mây báu, lọng báu trùm hư không,
Thánh chúng du hành đều tự tại,
Tràng phan, bảo cái rung theo gió.
Bảo nhạc tùy tâm, trổi tiếng hay,
Đới nghiệp, tâm nghi, hoa nở chậm,
Chắp tay mong ngóng, tựa trong thai,
Trong hoa, pháp lạc, không chút khổ,
Hết nghiệp, phút chốc, hoa tự khai,
Mắt tai sáng suốt, thân kim sắc,
Bồ tát thân cận, trao pháp y,
Ánh sáng chạm thân, chứng ba nhẫn,
Được thấy đức Phật xuống kim đài,
Bạn pháp dẫn đưa vào pháp hội,
Chiêm ngưỡng Tôn Nhan, khen “Thiện tai!”

Từ chữ “dây hoàng kim” trở xuống, chánh thức nói rõ vàng làm đường đi, giống như dây vàng, hoặc mặt đất gồm nhiều thứ báu hợp thành: lưu ly làm đường đi; hoặc mặt đất bằng lưu ly, bạch ngọc làm đường đi; hoặc mặt đất bằng vàng tím bạc trắng, trăm thứ báu làm đường đi; hoặc mặt đất bằng bất khả thuyết các thứ báu, bất khả thuyết các thứ báu làm đường đi; hoặc ngàn vạn thứ báu làm đất, hai ba thứ báu làm đường đi. Như vậy, nhiếu thứ báu hợp nhau, óng ánh rực rỡ, soi chiếu lẫn nhau. Màu sắc khác biệt, nhưng không hỗn tạp. Hành giả chớ nên cho rằng chỉ có đưòng đi bằng vàng ròng mà không có các thứ báu khác.

D – Sự trang nghiêm trên không.

Mỗi thứ báu có năm trăm sắc kỳ quang. Các ánh sáng này hình như hoa, hoặc như trăng, sao, chiếu lên hư không kết thành đài quang minh lơ lửng. Ngàn muôn lâu các do trăm thứ báu hợp thành, mỗi lâu đài, hai bên đều có trăm ức tràng hoa cùng vô lượng nhạc khí để trang nghiêm.

Có sáu phần, nêu rõ:

  1. Các thứ báu phát ra nhiều loại ánh sáng
  2. Dùng ví dụ để nêu rõ cảnh tướng
  3. Ánh sáng biến thành đài
  4. Ánh sáng biến thành lầu các
  5. Ánh sáng biến thành tràng hoa
  6. Ánh sáng biến thành âm nhạc báu

Lại nêu rõ các loại báu trên mặt đất, mỗi báu đều phóng ra năm trăm ánh sáng màu, mỗi ánh sáng màu đều vọt lên không trung, biến thành một đài quang minh. Mỗi đài có thiên vạn lầu các báu. Mỗi lầu các đều do một, hai, ba, bốn, nhẫn đến bất khả thuyết chất báu hợp thành.

Như hoa, hoặc như trăng, sao”: Đức Phật từ bi, e chúng sanh không hiểu, nên dùng ví dụ để nêu rõ.

Hai bên đều có trăm ức tràng hoa”: Đất báu vô cùng, quang minh vô lượng. Mỗi ánh quang minh đều hóa thành đài ánh sáng, trùm khắp hư không. Hành giả trong lúc đi đứng nằm ngồi đều quán tưởng như vậy.

E – Ánh sáng biến thành tiếng nhạc, thuyết pháp.

Tám thứ gió nhẹ mát từ những đài quang minh thổi ra, cổ động các nhạc khí, diễn thành tiếng:  khổ, không, vô thường, vô ngã.

Có ba phần:

  1. Từ ánh sáng phát ra tám loại gió.
  2. Gió xuất từ ánh sáng, trổi lên tiếng nhạc.
  3. Phát ra tiếng thuyết pháp về bốn điên đảo, bốn chân thực, v.v… vô lượng pháp vi diệu.

Tịnh Độ Luận khen rằng:

Nước An Lạc thanh tịnh
Thường chuyển vô cấu luân
Mỗi niệm và mỗi thời
Lợi ích các quần sinh
Khen công đức chư Phật
Không có phân biệt tâm
Khiến được mau đầy đủ
Biển lớn công đức báu.

F – Tổng kết.

Đây là môn quán nước, cũng là phép quán thứ hai.

3 – Quán Đất Báu.

A – Chuyển tiếp.

Khi môn tưởng này đã thành.

B – Biện biệt về sự thành tựu của pháp quán.

Phải quán mỗi chi tiết cho cực rõ ràng, nhắm mắt mở mắt đều có thể thấy, không để tan mất duy trừ giờ ăn ngủ, ngoài tất cả thời đều ghi nhớ việc ấy. Tưởng được như thế gọi là thấy cõi Cực Lạc về phần thô. Nếu được tam muội, hành giả sẽ thấy rõ ràng cảnh tướng của đất nước kia, không thể kể xiết.

Có sáu phần:

1. Chuyên tâm vào một cảnh, không nên quán tưởng tạp loạn.

2. Chuyên tâm vào một cảnh, cảnh tướng sẽ hiện tiền. Sau khi cảnh tướng hiện tiền, phải làm cho hiện rõ ràng.

3. Ảnh đã hiện trong tâm, lúc nhắm mắt mở mắt, giữ cho không mất.

4. Ngày đêm, đi đứng nằm ngồi, thường phải nhớ tưởng cảnh giới Cực Lạc, giữ cho không mất, trừ lúc ngủ nghỉ.

5. Chuyên tâm không ngừng, ắt sẽ thấy cảnh tướng Cực Lạc. Đây gọi là thấy trong tâm, là vì còn giác tưởng.

6. Tâm tưởng càng lúc càng vi tế, diệt trừ giác tưởng, tương ưng chánh thọ, sẽ chứng được tam muội, ắt sẽ thấy được cảnh giới vi diệu thật sự ở cõi kia, giống như hiện ngay trước mắt.

C – Tổng kết.

Đây là môn địa tưởng, thuộc về phép quán thứ ba.

D – Khuyến khích lưu thông, tùy duyên giảng nói.

Đức Phật bảo ngài A Nan: “Ông nên ghi nhớ lời dạy của ta, để vì tất cả chúng sanh muốn thoát khổ đời sau truyền thuyết môn địa quán này.

Có bốn phần:

1. Dặn dò

2. Khuyên giữ gìn lời Phật dạy

3. Giản biệt căn cơ có thể thọ trì, tin tưởng. Muốn bỏ thân sanh tử, tám khổ, năm khổ, ba ác đạo khổ, v.v… ở cõi Ta bà này, người nào nghe xong, liền tin tưởng, phụng hành, thì dù hy sinh thân mạng, cũng phải nên giảng ngay cho họ biết pháp môn này. Nếu có thể khiến cho một người được thoát khỏi sanh tử, đây gọi là chân thật báo ân Phật. Vì sao? Chư Phật đời đời, dùng mọi phương tiện giáo hoá chúng sanh, không phải chỉ muốn họ dứt ác tu phước, hưởng phước báo trời người. Sự vui sướng của cõi trời người giống như điện chớp, tiêu mất trong phút chốc, rồi cũng phải trở vào ác đạo, thọ khổ lâu dài. Vì lý do này, các ngài chỉ khuyên chúng sanh cầu sanh Tịnh độ, hướng về Vô thượng Bồ đề. Cho nên hôm nay, tôi khuyến khích những người hữu duyên, phát nguyện sanh Tịnh độ, tức là tương ưng với bổn nguyện của chư Phật. Nếu như nghe rồi mà không tha thiết tin tưởng, hành trì thì cũng giống như Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh nói: “Nếu có người nghe nói pháp môn Tịnh độ, nghe như không nghe, thấy như không thấy, nên biết người này mới từ ba đường ác sanh lên, tội chướng chưa hết, cho nên mới không tin nhận. Phật bảo: Ta nói người đó chưa được giải thoát.” Quyển kinh này (Bình Đẳng Giác Kinh, quyển bốn; Đại A Di Đà Kinh, quyển hạ; Vô Lượng Thọ Kinh, quyển hạ) lại nói: “Nếu có người nghe nói pháp môn Tịnh độ, vui mừng hớn hở, cảm động rơi lệ, nên biết người này, quá khứ đã từng nghe qua, đã từng tu tập, hôm nay nghe lại, sanh lòng hoan hỷ, chánh niệm tu hành, ắt sẽ vãng sanh.”

4. Dạy phương cách quán đất báu khiến tâm an trụ .

E – Nêu rõ sự lợi ích của pháp quán.

Nếu thành tựu phép tưởng đây, sẽ trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi xả báo thân, kẻ ấy quyết định sanh về tịnh quốc, nơi  lòng không còn nghi ngại.”

1. Chỉ rõ phương pháp quán. Chỉ quán tưởng đất báu, không bàn đến cảnh tướng khác.

2. Nhân vì quán tưởng đất báu vô lậu, có thể trừ diệt nhiều kiếp tội nghiệp hữu lậu

3. Sau khi mạng chung, ắt sẽ vãng sanh tịnh độ.

4. Trong lúc tu tập, phải khéo giữ chánh niệm, không được nghi ngờ. Nếu như trong tâm còn hoài nghi, tuy được vãng sanh, bị thác sanh vào trong hoa sen, một thời gian sau mới nở, hoặc sanh về vùng biên địa, hoặc đọa vào trong thai cung. Sau đó, nhờ đức Quán Âm nhập vào Hoa Khai Tam Muội, lúc đó chướng nghi của hành giả mới được trừ diệt, hoa cung liền nở, được thân tướng trang nghiêm, được các bạn pháp dìu dắt đưa vào pháp hội của Phật. Đây là do chuyên tâm quán tưởng đất báu mà tội chướng quá khứ đều tiêu diệt. Nguyện hạnh đều được đầy đủ, mệnh chung ắt được vãng sanh không còn nghi ngờ gì nữa. Hiện nay, quán sát rõ sự lợi ích, kế đến khuyên hành giả nên biện biệt tà chánh.

F – Biện biệt pháp quán tà chánh.

Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

Ý nghĩa của tà, chánh, phần Quán mặt trời đã giảng rõ.

4 – Quán Cây Báu.

A – Khuyến cáo, nêu rõ tên pháp quán.

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: “Môn địa tưởng đã thành, kế tiếp quán cây báu.

B – Chỉ rõ nguyên tắc.

Muốn tu phép quán này, phải tưởng rành rẽ bảy lớp hàng cây.

Cõi Tịnh độ của đức A Di Đà rộng lớn bao la, cây báu, rừng báu chẳng lẽ chỉ có bảy hàng mà thôi sao?

Hiện nay, nói “bảy lớp hàng cây”, hoặc có cây, gốc bằng hoàng kim, thân bằng vàng tía, cành bằng bạch ngãn, nhánh bằng mã não, lá bằng san hô, hoa bằng bạch ngọc, quả bằng trân châu. Bảy loại như vậy thay nhau hợp thành gốc, thân, cành, nhánh, hoa, quả, bảy lần bảy thành bốn mươi chín. Hoặc có cây làm bằng một báu, hoặc có cây làm bằng hai, ba, bốn, nhẫn đến trăm ngàn vạn ức, vô lượng chất báu làm thành. Nghĩa này, trong A Di Đà Kinh đã có đề cập sơ lược.

“Hàng”, cõi đó, cây rừng tuy nhiều, nhưng xếp theo hàng lối chỉnh tề, không tạp không loạn.

“Tưởng”, quán tưởng chưa thuần thục, chưa được tự tại tùy tâm, mà chỉ nương vào sự “giả tưởng” để an trụ tâm, mới có thể cảm ứng được sự lợi ích.

C – Tầm vóc của cây báu.

Mỗi cây cao tám ngàn do tuần.

Các rừng cây báu đều xuất phát từ tâm vô lậu của đức A Di Đà. Vì tâm Phật vô lậu, cho nên các cây báu cũng vô lậu. Vãng Sanh Luận nói:

Chánh đạo đại từ bi
Xuất thế thiện căn sinh
Quang minh sạch đầy đủ
Như gương vành nhật nguyệt.

Nói về lượng, mỗi cây báu cao ba muơi hai vạn dặm, không sanh ra cũng không già chết, mà cũng chẳng từ nhỏ rồi lớn dần, khi mọc thì cùng mọc, số lượng bằng nhau. Điều này có nghĩa gì? Thế giới Cực Lạc vô lậu, vô sanh, lẽ nào có sự sanh trưởng già chết!

D – Nhiều loại cây báu, sự trang nghiêm khác biệt.

Đầy đủ hoa lá thất bảo. Mỗi hoa lá hiển phát những quang sắc báu lạ. Trong sắc lưu ly chiếu ánh sáng vàng, trong sắc pha lê chiếu ánh sáng đỏ, trong sắc mã não chiếu ánh sáng xa cừ, trong sắc xa cừ chiếu ánh sáng lục chân châu. Đại khái các cây, hoa, lá đều bằng san hô, hổ phách, hoặc tất cả thứ dị bảo, trang nghiêm rực rỡ.

Có bốn phần.

1. Cây, rừng, hoa, lá xen kẻ lẫn nhau

2. Mỗi gốc cây, thân, cành, nhánh, lá đều đầy đủ các thứ báu

3. Mỗi một hoa lá chuyển động không đồng. Từ trong màu lưu ly, phóng ánh sáng hoàng kim, chuyển đổi lẫn nhau như thế.

4. Tất cả các thứ báu làm tăng thêm vẻ trang nghiêm.

Tịnh Độ Luận nói:

Đủ tánh chất trân bảo
Gồm hết diệu trang nghiêm
Quang vô cấu rực rỡ
Sáng sạch rọi thế gian.

Có lời khen rằng:

Di Đà Tịnh Độ nhiều cây báu
Bốn hướng rũ cành
Thiên y treo quanh
Mây báu phủ giăng
Chim ca ríu rít
Bay lượn vòng quanh
Hòa tấu pháp âm, cùng dự hội
Thánh chúng mười phương
Nghe pháp lòng hớn hở
Nhân dân Cực Lạc
Thấy cảnh ngộ Vô Sanh.

E – Cảnh tướng trang nghiêm phía trên mặt đất.

Trên mỗi cây có bảy lớp lưới diệu chân châu che phủ; giữa mỗi tầng lưới có năm trăm ức cung điện diệu hoa, nghiêm đẹp như cung Phạm vương. Trong đó có các thiên đồng, mỗi vị trang nghiêm bằng các chuỗi ngọc gồm năm trăm ức hạt Thích Ca Tỳ Lăng Già Ma Ni. Ánh sáng của những hạt ngọc này chiếu xa đến một trăm do tuần, vô cùng rực rỡ như quang minh của trăm ức vầng nhật nguyệt hòa hợp. Ngoài những hạt ngọc nghiêm sức còn xen lẫn các châu báu khác, màu sắc đều là bậc thượng.

Có bảy phần, nêu rõ:

  1. Màn lưới trân châu giăng mắc trên không che phủ cây báu.
  2. Lưới báu có nhiều tầng lớp.
  3. Cung điện nhiều ít.
  4. Mỗi một cung điện có nhiều đồng tử.
  5. Mỗi đồng tử đều phục sức bằng chuỗi trân châu.
  6. Chuỗi anh lạc chiếu ánh sáng xa gần.
  7. Ánh sáng tỏa ra đều là bậc thượng.

F – Cây lá tuy nhiều nhưng không tạp loạn.

Những cây báu ấy hàng hàng đối nhau, lá lá thuận nhau, giữa khoảng các lá sanh hoa đẹp mầu, trên hoa tự nhiên có trái thất bảo.

Sự khai hoa kết trái không phải nhờ vật khác, mà là do nhân duyên thâm sâu của ngài Pháp Tạng mà tự nhiên hiện hữu.

G – Màu sắc hoa lá không đồng.

Mỗi một lá cây rộng hai mươi lăm do tuần, có ngàn màu sắc, và trăm thứ đường gân hình như chuỗi anh lạc của chư Thiên. Các hoa chói lộ sắc vàng diêm phù đàn, rực rỡ như những vòng lửa, uyển chuyển giữa lá.

Có năm phần:

  1. Kích thước lá cây lớn hay nhỏ, bình đẳng không có sự khác biệt
  2. Lá phóng ra ánh sáng nhiều ít
  3. E chúng sanh nghi hoặc không hiểu rõ, cho nên đức Phật dùng thí dụ nêu rõ, giống như anh lạc cõi trời
  4. Trong lá có diệu hoa, màu sắc như thiên kim, hình như vòng tròn lửa
  5. Hoa lá ánh chiếu lẫn nhau

H – Quả có đức dụng không thể nghĩ bàn.

Từ hoa lạ nổi sanh trái quí hình như bình báu của trời Đế Thích. Và từ trái mầu chiếu ánh sáng rực rỡ hóa thành tràng phan cùng vô lượng bảo cái. Trong bảo cái ảnh hiện tất cả Phật sự của ba ngàn thế giới và y chánh mười phương cõi Phật.

Có năm phần:

  1. Quả báu tự nhiên sanh ra
  2. Dùng ví dụ để nêu rõ hình tướng
  3. Quả báu phóng ra ánh sáng vi diệu, biến thành tràng phan bảo cái
  4. Bảo cái tròn sáng, toàn thể tam thiên đại thiên, y báo chánh báo của cõi Cực Lạc đều hiện ở trong
  5. Mười phương cõi Phật đều hiện trong bảo cái, tất cả mọi người trong cõi Cực Lạc đều nhìn thấy rõ. Hơn nữa, cây báu càng cao thì tàng cây càng lớn. Hoa quả nhiều vô số, biến hiện vô cùng. Mỗi cây trong cõi nước đều hiện thần biến như vậy. Nên biết, hành giả trong mọi lúc, đi đứng nằm ngồi đều nên quán tưởng như vừa mô tả.

I – Bàn về sự thành tựu của pháp quán.

Khi thấy bảo thọ rồi, nên theo thứ lớp quán thân cây, cành, lá, hoa, quả, mỗi thứ đều cho rõ ràng.

Có ba phần:

1. Tóm lược về sự thành tựu của pháp quán

2. Quán theo thứ tự, không được tạp loạn

3. Khởi tâm trụ vào cảnh giới, trước tiên quán tưởng gốc cây, rồi đến thân, cành, nhẫn đến hoa, quả. Kế đến, quán tưởng lưới báu, cung điện báu; kế đến, quán tưởng lá cây to nhỏ, màu sắc của hoa, quả; kế đến, quán tưởng các đồng tử đeo chuỗi anh lạc; kế đến, quán tưởng tràng phan bảo cái hiện rõ các Phật sự. Cố gắng quán tưởng đề mục, cho đến khi tất cả đều hiện rõ trước mắt.

J – Tổng kết.

Đây là môn thọ tưởng, thuộc về phép quán thứ tư.

Trên đây miêu tả cây báu thành hàng, lưới báu giăng mắc, cung điện dọc ngang, hoa báu huy hoàng.

Trong quả báu ảnh hiện mười phương cõi Phật

5 – Quán Ao Báu.

A – Nêu tên của pháp quán.

Kế lại quán tưởng nước các bảo trì.

Cây báu tuy tinh vi, nếu không có ao báu thì cũng chưa gọi là hoàn mỹ. Ở đây có hai nghĩa: 1. Vì không muốn cõi nước trống không; 2. Vì muốn trang nghiêm y báo, chánh báo cho nên mới có pháp quán ao báu này.

B – Nêu rõ số mục.

Cõi Cực Lạc có tám ao nước bát công đức, mỗi ao do bảy báu hợp thành. Những thứ báu này tánh chất nhu nhuyễn, từ như ý châu vương sanh ra.

Có năm phần:

1. Nêu rõ tên cõi nước

2. Nước ao có tám công đức

3. Mỗi thành ao đều do bảy thứ báu hợp thành. Do các thứ báu phát ra ánh sáng, soi chiếu nước tám công đức, làm cho màu nước giống như màu trân báu, cho nên gọi là nước báu.

4. Các thứ báu có tánh chất mềm mại

5. Nước tám công đức đều do ngọc như ý sanh ra, gọi là nước như ý. Nước này có tám công đức: 1. thanh tịnh, 2. không có mùi hôi (thuộc về hương nhập), 3. nhẹ, 4. mát, 5. mềm mại (thuộc về xúc nhập), 6. ngon ngọt (thuộc về vị nhập), 7. uống vào sảng khoái, 8. uống xong không bị bệnh hoạn (thuộc về pháp nhập).

Có lời khen rằng:

Trang nghiêm sáng sạch trời Thanh Thái
Ao báu mênh mang dường đại hải
Chim hót thanh âm giục tỉnh mơ
Nước diệu trong ngần trôi lững lờ
Ánh sáng thành ao buông rực rỡ
Nhiều sắc hoa sen đua hớn hở
Bồ tát nhẹ đi tỏa bảo hương
Bảo hương tụ thành mây bảo quang
Bảo quang vân hiện nghìn bảo cái
Bảo cái hư không che bảo tràng
Bảo tràng phất phới vây kim điện
Kim điện lưới châu thần diệu biến
Diệu biến vô cùng bảo ngọc linh
Bảo linh bảo nhạc ngàn trùng chuyển
Kim điện Phật tuyên pháp diệu thường
Hằng sa thánh chúng lắng tư lương
Hữu duyên mong kẻ đồng tâm nguyện
Xả thọ đồng sanh Tịnh pháp đường.

C – Ao chia thành nhiều dòng, thứ tự không tạp loạn.

Nước ao phân thành mười bốn chi nhánh, mỗi dòng chiếu lộ sắc mầu bảy báu. Thành ao bằng vàng ròng, đáy ao trải cát kim cương tạp sắc.

Có ba phần:

  1. Nêu rõ số lượng dòng nước chảy quanh ao
  2. Mỗi thành ao đều là màu hoàng kim
  3. Cát dưới đáy ao do các báu đủ màu hợp thành

Ở đây chữ “kim cương” biểu trưng cho thể tánh vô lậu.

D – Nước báu có diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Mỗi ao nước có sáu mươi ức hoa sen thất bảo, và mỗi hoa sen tròn rộng mười hai do tuần. Nước ma ni trong ao chảy lên xuống theo cọng sen và luồn vào các cánh hoa.

Có năm phần:

i. Nêu riêng tên ao, biểu lộ sự trang nghiêm ii. Nếu rõ số lượng hoa báu trong ao iii. Kích thước lớn nhỏ của hoa iv. Nước ma ni lên xuống trong các cánh hoa v. Nước báu từ ao chảy lên các cây báu, lên xuống không bị chướng ngại, cho nên gọi là nước như ý.

E – Nước báu có bất khả tư nghì đức dụng.

Phát ra tiếng nhiệm mầu. Âm thanh này tuyên diễn những pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, các môn Ba La Mật, hoặc khen ngợi tướng tốt của chư Phật.

Có hai phần:

1. Nước báu chảy trong các cánh hoa, sóng nước chạm nhau, pháp ra âm thanh vi diệu, diễn thuyết pháp mầu

2. Nước báu tràn bờ, dần lên các thân cây, cành, nhánh, hoa, quả, v.v… Hoặc chảy lên, hoặc chảy xuống, phát ra âm thanh vi diệu, diễn thuyết pháp mầu. Hoặc nói về sự khổ của chúng sanh, khiến cho Bồ tát phát khởi lòng đại bi, cứu độ chúng sanh; hoặc nói về pháp nhân thiên; hoặc nói về pháp nhị thừa; hơặc nói pháp của các bậc tam hiền, thập địa; hoặc nói về pháp ba thân của chư Phật.

F – Ngọc ma ni có oai thần công đức.

Từ như ý châu vương lại tuôn ra ánh sáng vàng mầu nhiệm, hóa thành các sắc chim bách bảo. Tiếng chim thanh diệu hòa nhã cùng trổi giọng khen ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Có bốn phần:

1. Trong như ý châu vương phát ra ánh sáng

2. Ánh sáng hóa thành chim báu

3. Tiếng chim hòa nhã, âm thanh nhạc trời không thể nào so sánh.

4. Tiếng chim liên tục cùng nhau tán thán niệm Phật, Pháp, Tăng. Đức Phật là bậc Vô thượng sư của chúng sanh, trừ tà quy chánh; Pháp là thuốc lành vô thượng của chúng sanh, có thể đoạn trừ phiền não độc bệnh, khiến pháp thân thanh tịnh; Tăng là Vô thượng phước điền của chúng sanh, chỉ cần không phải lo lắng về y thực, ăn ở, thì có thể tu tập thành tựu quả vị của năm thừa. Các loại châu báu, thoạt tiên sanh ra nước bát công đức, kế đến phát ra đủ loại quang minh, đều phá trừ hắc ám hôn mê, đến đâu cũng làm Phật sự.

G – Tổng kết.

Đây là môn tưởng ao nước bát công đức, thuộc về phép quán thứ năm.

6 – Quán Lầu Báu.

A – Nêu tên pháp quán.

Nơi cõi báu Cực Lạc.

Cõi Tịnh độ Cực Lạc tuy có nước báu đầy khắp, nếu không có cung điện lầu các báu, thì vẻ đẹp chưa được gọi là tinh diệu. Đây là y báo chánh báo đều đầy đủ.

B – Số lượng lầu báu.

Mỗi khu vực có năm trăm ức bảo lâu.

Nêu rõ số lượng, mỗi khu vực có năm trăm ức lầu báu, các khu vực khác trong cõi nước cũng đều như vậy.

C – Sự trang nghiêm bên trong lầu báu.

Trong những lâu các ấy có vô lượng chư thiên thường trổi thiên nhạc.

Nêu rõ sự trang nghiêm trong lầu báu.

D – Sự trang nghiêm bên ngoài lầu báu.

Lại có vô lượng nhạc khí lơ lửng giữa hư không như bảo tràng ở cõi trời, không ai trổi tự nhiên phát thành tiếng.

Nêu rõ sự trang nghiêm bên ngoài lầu báu, nhạc trời vang lừng, biến thành pháp âm vi diệu, ngày đêm sáu thời, giống như tràng báu cõi trời, tự nhiên hoàn thành mọi sự việc.

E – Âm nhạc tuy không tâm thức mà có thể thuyết pháp.

Những tiếng này đều diễn nói môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ Khưu Tăng.

F – Nêu rõ tướng thành tựu của pháp quán.

Khi tưởng chung các tướng trên gồm bảo địa, bảo thọ, bảo trì, bảo lâu được thành rồi, gọi là thấy thế giới Cực lạc về phần thô.

G – Tổng kết.

Đây là môn tổng tưởng, thuộc về phép quán thứ sáu.

H – Quán tưởng đúng pháp, trừ tội nhiều kiếp.

Nếu thấy tướng này, sẽ trừ được nghiệp ác rất nặng trong vô lượng ức kiếp. Khi mạng chung, kẻ ấy quyết định được sanh về cõi cực Lạc.

Quán tưởng đúng pháp nên trừ được tội chướng nhiều kiếp, thân tâm thanh tịnh, tương ứng với bổn ý Phật, sau khi mạng chung, ắt sẽ được vãng sanh.

I – Biện biệt hành tướng pháp quán chánh hay tà.

Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tướng sai khác, là tà quán.

7 – Quán Hoa Tòa.

A – Đức Phật dặn dò.

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: “Hãy để tâm lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các ngươi mà giảng thuyết phân biệt pháp trừ khổ não.

Có ba phần:

i. Đức Phật dặn dò ngài A Nan và bà Vi Đề Hy ii. Khuyên hãy lắng nghe, chánh niệm tu hành iii. Đức Phật dạy pháp quán hoa tòa, chỉ cần có thể chuyên tâm quán tưởng, thì sẽ trừ diệt được tội khổ.

B – Khuyến khích hoằng dương.

Các ngươi nên ghi nhớ rồi giải nói rành rẽ lại cho khắp trong đại chúng nghe.”

Điều thiết yếu trong việc tu tập pháp quán là để gấp rút cứu độ những chúng sanh đang mê muội, chìm ngập trong sanh tử, luân hồi trong lục đạo. Các vị nên tu pháp quán này, rồi đến khắp nơi giảng dạy, khiến mọi người đều được nghe, đều sớm được giải thoát.

C – Đức Phật A Di Đà hiện thân.

Khi đức Thế Tôn vừa nói lời ấy xong, thì Phật Vô Lượng Thọ đã hiện thân trụ lập giữa hư không, hai vị đại sĩ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đứng hầu tả hữu. Ánh quang minh từ thân của Tây phương tam thánh tỏa ra rực rỡ, nhìn không thể xiết, dù cho trăm ngàn sắc vàng diêm phù đàn cũng không thể sánh ví được.

Nêu rõ đức Thích Ca, Giáo chủ cõi Ta Bà, vì muốn độ chúng sanh mà chỉ dạy pháp môn Tịnh độ; đức A Di Đà, Đạo sư cõi Cực Lạc vì cảm thông với tâm tình của đức Thích Ca nên thị hiện cho đại chúng được thấy chơn tướng của ngài. Rõ ràng hai đức Giáo Chủ đều cùng một bổn hoài, chỉ có sự ẩn mật và hiển lộ là khác biệt mà thôi.

Có bảy phần:

1. Đang lúc đức Thích Ca khuyến cáo A Nan và Vi Đề Hy.

2. Đức A Di Đà ứng theo lời giảng của đức Thích Ca mà hiện thân để chứng minh rằng sự vãng sanh là xác thực.

3. Đức A Di Đà đứng trên không trung, có nghĩa rằng nếu như hồi tâm chánh niệm, nguyện sanh cõi Cực Lạc, thì lập tức sẽ được vãng sanh.

Hỏi: Phật đức cao quý, không hành động đường đột, đức A Di Đà vì bổn nguyện nên thị hiện đến cõi Ta Bà, tại sao không thị hiện ngồi đoan nghiêm trên tòa sen mà lại thị hiện tướng đứng?

Đáp: Điều này cho biết đức A Di Đà Như Lai có mật ý, bởi vì Ta Bà là cõi khổ, các chúng sanh thiện ác ở chung, tám khổ thiêu đốt, mỗi hành động đều là tạo nghiệp, oan gia giả làm thân thuộc, sáu loại ác tặc thường theo sát bên thân, ba đường ác như hầm lửa lớn, chúng sanh lúc nào cũng chực rơi vào, nếu như không xông vào để cứu chúng sanh mê muội, làm sao họ có thể thoát được sự trói buộc của nghiệp lực. Do vì ý này, nên đức A Di Đà đã hiện tướng đứng, biểu lộ sự vội vàng đến cấp cứu, không kịp ngồi đoan tọa trên tòa sen.

4. Chỉ có hai ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí làm thị giả, không có chúng tùy tùng khác

5. Ba vị Thánh giả thân tâm viên tịnh, quang minh rực rỡ

6. Ánh sáng thân Phật chiếu khắp mười phương, những chúng sanh cấu uế tội chướng làm sao thấy được

7. Thân Phật vô lậu, quang minh cũng vô lậu, ánh sáng hoàng kim của cõi trời là hữu lậu, làm sao có thể so sánh được!

D – Nêu rõ Vi Đề Hy là phàm phu.

Vi Đề Hy Phu nhân được thấy Vô Lượng Thọ Như Lai, liền cúi đầu đảnh lễ Phật

Nêu rõ Phu nhân Vi Đề Hy là một phụ nữ phàm phu tầm thường, do nhờ sự gia trì của đức Bổn Sư, mới thấy được đức A Di Đà hiện thân, và cúi đầu đảnh lễ. Điều này muốn nói bà Vi Đề Hy mong muốn vãng sanh, tâm trạng hân hoan. Hiện nay được diện kiến đức A Di Đà, liền được chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.

E – Bà Vi Đề Hy vì chúng sanh đặt câu hỏi.

Và thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! nay con nhờ từ lực được thấy Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát.

Phu nhân Vi Đề Hy cảm nhận được ơn sâu của đức Phật, vì muốn chúng sanh đời sau cũng được lợi ích, bèn nêu lên thắc mắc. Ý của Phu nhân là hiện nay bà nhờ ơn đức Phật mà thấy được đức A Di Đà, còn những chúng sanh đời sau làm sao thấy được chân thân của đức Tây Phương Giáo Chủ?

F – Phu nhân mong muốn chúng sanh đời sau cũng được thấy Phật giống như mình.

Chúng sanh đời sau phải làm thế nào để quán tưởng Tây phương tam thánh?”

G – Đức Phật hứa giúp.

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: Muốn quán đức Phật kia, trước tiên phải khởi tưởng.

Hỏi: “Bà Vi Đề Hy thỉnh Phật giảng pháp là cho chính mình và chúng sanh. Đến lúc đức Phật trả lời, tại sao chỉ nhấn mạnh đến bà Vi Đề Hy mà không đề cập đến chúng sanh khác?

Đáp: Đức Phật giáo hóa, thuyết pháp tùy căn cơ. Ngay như không có người thỉnh, đức Phật còn tự mình nêu lên mà thuyết giảng, làm gì có việc độ riêng một người mà không đề cập đến kẻ khác? Chỉ vì hiện nay, kinh văn sơ lược, thành thử không thấy đề cập đến (chúng sanh khác), thế nhưng đoạn văn ắt là có ý bao hàm tất cả chúng sanh.

H – Chánh thức giảng giải phương tiện tu quán.

Trên đất thất bảo có hoa sen.

Hỏi: Chúng sanh tâm tưởng tối tăm, ngu si vô trí, vọng tưởng điên đảo, việc trước mắt còn mờ mịt như mò mẫm trong bóng tối, nay phải quán tưởng cảnh giới Tịnh độ xa vời, làm sao thành tựu?

Đáp: Nếu chỉ nhìn từ khía cạnh phàm phu, thì sự quán tưởng quả là vô ích, thế nhưng, nếu nương vào sự gia trì của chư Phật Bồ tát, thì vẫn có thể thành tựu pháp quán Cực Lạc.

Làm cách nào trụ tâm để thấy được cõi kia? Muốn tu pháp này, trước tiên, hành giả phải đối trước tượng Phật, chí thành sám hối, phát lộ tất cả những tội lỗi đã làm, cực kỳ hổ thẹn, khóc lóc ăn năn. Sau khi sám hối, dùng lòng tha thiết, cung thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng mười phương chư Phật. Kế đến, niệm lớn Bổn Nguyện của đức Phật A Di Đà: “Đệ tử tên là …., vô minh tăm tối, làm ngăn trở việc tiến tu. Xin nguyện đức Phật từ bi, nhiếp thọ hộ trì, gia bị cho con được khai ngộ. Cảnh giới quán tưởng, nguyện được thành tựu. Hôm nay, nguyện được sớm xả thân này, vãng sanh Cực Lạc. Dù thấy hay không thấy được cảnh giới Cực Lạc, đều là nhờ ơn Phật.”

Sau khi tác bạch, tiếp tục chí thành sám hối hoàn tất. Sau đó, đến một nơi an tĩnh, ngồi kiết già hướng về phía tây, giống như phần trên. Sau khi tâm an trụ, dần dần chuyển tâm, quán tưởng đất báu, màu sắc rõ ràng. Lúc đầu, không nên quán tưởng nhiều cảnh một lúc, như thế rất khó đắc định. Chỉ nên quán trong phạm vị một tấc, một thước, v.v… Hành trì trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn, năm, sáu, bảy ngày, hoặc một tháng, một năm, hai, ba năm, v.v… Ngày đêm không gián đoạn. Đi đứng nằm ngồi, các nghiệp thân, miệng, ý đều hợp nhất với định. Mọi việc đều phải buông xả, giống như người khờ, câm mù đui điếc, như vậy mới có thể đắc định. Nếu không như thế, ba nghiệp tùy theo cảnh chuyển, không thể nào vào định. Dù có trải qua ngàn năm, cũng không bao giờ mở được pháp nhãn. Nếu như đắc định, thì trước tiên, hoặc thấy minh tướng xuất hiện, hoặc có thể thấy đất báu hiện tiền, v.v…, rõ ràng minh bạch, không thể nghĩ bàn. Có hai cách thấy: 1. thấy bằng tưởng, do vì còn tri giác, nên chỉ thấy cảnh giới Cực Lạc lờ mờ, không được rõ ràng; 2. nếu như tri giác trong ngoài ngừng bặt, thể nhập vào Tam muội chánh thọ, thì cảnh giới Cực Lạc sẽ hiện ra rõ ràng, mà sự thấy bằng tưởng không thể nào so sánh được.

I – Hoa tòa có đủ loại trang nghiêm.

Mỗi cánh sen này ửng sắc bá bảo, có tám muôn bốn ngàn đường gân dường như bức vẽ thiên nhiên. Mỗi đường gân có tám muôn bốn ngàn tia sáng

Có ba phần:

  1. Mỗi cánh hoa gồm đủ loại trân bảo
  2. Mỗi lá có nhiều đường gân bằng nhiều loại trân bảo
  3. Mỗi đường gân phát ra nhiều loại ánh sáng. Điều này làm cho hành giả an trụ thân tâm, quán tưởng từng chi tiết, khiến cho tâm nhãn thấy được cảnh giới.

Sau khi thấy được hoa tòa, kế đến quán tưởng trân báu khoảng giữa các lá. Kế đến, quán tưởng các trân bảo phát ra nhiều loại ánh sáng, ánh sáng biến thành bảo cái. Kế đến, quán tưởng đài hoa, trên đài có nhiều loại trân bảo, cùng với lưới báu, v.v… Kế đến, quán tưởng bốn trụ bảo tràng của đài hoa. Kế đến, quán tưởng màng báu phủ trên bảo tràng. Kế đến, quán tưởng châu báu giăng mắc trên màng. Ánh sáng nhiều màu đầy khắp hư không, biến hiện thành nhiều hình tướng khác nhau.

Như vậy, lần lượt quán tưởng, an trụ tâm vào từng cảnh giới, không nên buông xả, ắt không bao lâu, sẽ được định tâm. Sau khi được định tâm, tất cả sự trang nghiêm này đều sẽ hiện ra rõ ràng.

J – Nêu rõ sự thành tựu của pháp quán.

Chiếu suốt rõ ràng. Các chi tiết trên đây, phải quán thấy cho rành rẽ.

K – Nêu rõ hoa lá có nhiều loại trang nghiêm.

Tòa sen có đủ tám muôn bốn ngàn cánh, cánh nhỏ nhứt cũng rộng hai trăm năm mươi do tuần. Trong mỗi cánh có trăm ức hạt Ma Ni Châu Vương trang nghiêm sáng chói. Mỗi hạt châu ma ni phóng ra ngàn sắc quang minh như lọng thất bảo che khắp trên mặt đất.

Có sáu phần, nêu rõ:

  1. Hoa tòa lớn nhỏ
  2. Hoa lá nhiều ít
  3. Trân châu giữa các lá phát ánh sáng nhiều ít
  4. Trân châu phát ra ngàn tia sáng
  5. Mỗi tia sáng biến thành bảo cái
  6. Mỗi bảo cái, trên chiếu hư không, dưới che đất báu

L – Nêu rõ sự trang nghiêm trên bảo đài.

Đài sen được tạo thành bằng chất báu chính là Thích Ca Tỳ Lăng Già. Ngoài ra, còn có tám vạn ngọc báu kim cương, chân thúc ca, phạm ma ni và lưới diệu chân châu trang sức.

M – Nêu rõ sự trang nghiêm của bảo tràng.

Trên đài sen tự nhiên có bốn trụ Bảo Tràng; mỗi trụ cao lớn như trăm ngàn muôn ức núi Tu Di. Trên Bảo Trụ có mành báu và năm trăm ức vi diệu bảo châu che phủ, hình như cung trời Dạ Ma trang nghiêm rực rỡ.

Có bốn phần, nêu rõ:

  1. Trên đài tự nhiên có bốn bảo tràng
  2. Bảo tràng lớn nhỏ
  3. Phía trên bảo tràng là màng báu, hình dạng như cung trời
  4. Bảo tràng có nhiều châu báu, ánh sáng rực rỡ

N – Ánh sáng châu báu có bất khả tư nghì đức dụng.

Mỗi hạt bảo châu có tám muôn bốn ngàn ánh sáng, mỗi ánh sáng phát ra tám muôn bốn ngàn kim sắc khác lạ soi khắp cõi báu, tùy mỗi nơi hiện mỗi tướng kim sắc khác nhau. Các tướng ấy như đài kim cương, hoặc lưới chơn châu, hay mây tạp hoa, ở khắp mười phương, tùy ý biến hiện làm những Phật sự.

Có năm phần, nêu rõ:

  1. Mỗi châu báu phát ra nhiều tia sáng
  2. Mỗi ánh sáng hiện ra nhiều màu khác nhau
  3. Mỗi màu ánh sáng chiếu soi khắp cõi Cực Lạc
  4. Ánh sáng đến nơi nào, đều biến hiện nhiều sự trang nghiêm khác biệt
  5. Hoặc biến thành đài kim cương, hoặc biến thành lưới báu, mây hoa, nhạc báu, tỏa khắp mười phương.

O – Tổng kết tên pháp quán.

Đây là môn hoa tòa tưởng, thuộc về phép quán thứ bảy.

P – Nguyên do sự thành tựu hoa tòa.

Đức Thế Tôn bảo A Nan: Hoa sen mầu nhiệm ấy do nguyên lực của Tỳ Khưu Pháp Tạng thành tựu.

Q – Lặp lại phương thức quán tưởng.

Muốn quán đức Phật Kia, trước phải tưởng hoa tòa này. Khi tu môn tưởng đây, không được quán tạp, phải quán từ đài sen đến mỗi cánh, hạt châu, ánh sáng, trụ bảo tràng, đều cho rõ ràng, như người soi gương tự thấy mặt mình.

An trụ tâm theo thứ tự, giống như phần trên, không được tạp loạn.

R – Tóm tắt hành tướng thành tựu của pháp quán.

Phép tưởng này nếu thành, sẽ diệt trừ tội chướng trong năm muôn ức kiếp sanh tử, quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc.

Có hai điều lợi ích: 1. Trừ diệt tội chướng, 2. Được vãng sanh Cực Lạc

S – Biện biệt tướng chánh tà của pháp quán.

Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

Đây là hoa nương bảo địa, châu báu thành hàng, bốn trụ huy hoàng, quang minh làm Phật sự.

8 – Quán Tượng.

A – Kết tiền sanh hậu.

Này A Nan, Vi Đề Hy! Khi thấy tướng hoa tòa rồi, kế tiếp nên quán hình tượng Phật. Việc ấy như thế nào?

Nêu lên lý do tu pháp quán tượng.

B – Nêu rõ lòng từ của đức Phật, tùy tâm hiển hiện, vì lợi ích này, phải nên tu quán.

Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tất cả tâm tưởng của chúng sanh.

Hỏi: Bà Vi Đề Hy cầu thỉnh, chỉ mong thấy được Di Đà, tại sao hiện nay đức Như Lai lại đề cập đến chư Phật. Đây là có ý gì?

Đáp: Vì muốn nêu rõ chư Phật đồng chứng ba thânviii, Từ bi và Trí tuệ đều tròn đủ, bằng nhau không khác, tuy thân an tọa trên tòa sen mà biến hiện mười phương, hóa độ những chúng sanh hữu duyên cùng khắp trong pháp giới.

Chữ “Pháp giới” có ba nghĩa:

  1. Tâm bao trùm khắp mọi nơi nên gọi là pháp giới
  2. Thân biến hiện khắp mọi nơi nên gọi là pháp giới
  3. Không chướng ngại nên gọi là pháp giới

Do tâm biến khắp, nên thân cũng hiện khắp, cho nên gọi là thân pháp giới

Pháp giới, là cảnh giới được hóa độ, tức là chúng sanh giới

Thân, là thân làm việc hóa độ, tức là thân chư Phật.

“Vào trong tất cả tâm tưởng của chúng sanh”, đây là do chúng sanh khởi niệm, muốn thấy chư Phật, chư Phật bèn dùng trí vô ngại, hiện tướng trong tâm tưởng của chúng sanh đó. Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là các hành giả, hoặc khi tưởng niệm, hoặc trong mộng, hoặc trong định đều thấy được chư Phật.

C – Kết luận, khuyến khích sự lợi ích.

Cho nên khi tâm các ngươi tưởng Phật, tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình; tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh.

Hành giả khởi tâm quán Phật, chỉ nên tưởng nghĩ đến Phật, từ đảnh môn đến lòng bàn chân, tâm không buông xả, quán sát từng bộ phận, tâm không ngừng nghỉ. Hoặc quán tưởng Vô kiến đảnh tướng, hoặc quán tưởng ánh sáng giữa chặng mày, nhẫn đến quán tưởng tướng bánh xe ngàn căm ở lòng bàn chân. Trong lúc quán tưởng, tượng Phật đoan nghiêm, đầy đủ tướng hảo, hiện rõ trước mắt. Do vì tâm duyên vào từng tướng riêng biệt, cho nên mỗi tướng đều hiện rõ. Nếu như tâm không duyên vào cảnh tướng thì các tướng không hiện ra. Chỉ vì do tâm quán tưởng, nên cảnh tướng tùy tâm hiển hiện, cho nên gọi là “tâm ấy chính là ba mươi hai tướng.”

“Tám mưoi vẻ đẹp tùy hình”, ba mươi hai tướng đã hiển hiện, tám mươi vẻ đẹp sẽ cùng lúc hiển hiện. Điều này chứng tỏ đức Như Lai dạy pháp quán đầy đủ.

“Tâm ấy làm Phật”, y vào lòng tin của chính mình, duyên vào ảnh tượng mà tác thành tướng Phật.

“Tâm ấy là Phật”, tâm có thể tưởng Phật, y vào sự quán tưởng mà thân Phật hiển hiện, đây là Phật của tâm; rời khỏi tâm này ra, không có Phật nào khác.

“Chánh biến tri của Phật”, điều này nêu rõ chư Phật chứng đắc đầy đủ trí tuệ vô ngại, dù tác ý hay không, các ngài thường biết rõ tâm tưởng của chúng sanh trong pháp giới. Nếu hành giả có thể quán tưởng, thì các ngài sẽ từ trong tâm của hành giả mà hiển hiện, giống như từ trong tâm sanh ra.

Có người đem ý nghĩa ở đây, hoặc dùng lối quán pháp thân của Duy thức để giải thích, hoặc dùng lối quán Phật tánh tự tính thanh tịnh để giải thích, đây là điều vô cùng sai lầm, hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa chân thực của kinh. Trong kinh đã nói là quán tưởng, giả lập ba mươi hai tướng, còn “chân như pháp giới (pháp thân)” chẳng lẽ còn có hình tướng để nương vào, có thân sắc để bám lấy? Pháp thân không có hình sắc, không phải là đối cảnh của nhãn thức, mà cũng không có phương hướng để xác định, cho nên lấy hư không để ví dụ hình thể của pháp thân.

Hiện nay, những pháp quán trong kinh này, đều là chỉ phương hướng, lập hình tướng. An tâm để trụ vào cảnh giới, hoàn toàn không đề cập đến vô tướng ly niệm. Đức Như Lai biết rõ trong đời mạt pháp, các phàm phu tội chướng, lập tướng để trụ tâm còn làm không nỗi, nói gì đến ly tướng để cầu sự? Điều này cũng giống như người phàm, không có pháp thuật, mà muốn làm nhà ở giữa hư không!

D – Vì sự ích lợi nêu trên, chuyên tâm quán tưởng ắt thành, cho nên khuyến khích quán tưởng Phật A Di Đà.

Vì thế các ngươi nên một lòng hệ niệm quán kỹ đức Đa Đà A Dà Độ (Như Lai), A La Ha (Ứng Cúng), Tam Miệu Tam Phật Đà (Chánh Biến Tri) kia.

E – Xác định cảnh sở quán.

Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ trước phải tưởng hình tượng

F – Biện biệt sự thành tựu cảnh tướng.

Làm sao khi nhắm mắt mở mắt đều thấy một bảo tượng như sắc vàng diêm phù đàn, ngồi trên tòa sen kia. Lúc thấy Phật tượng rồi tâm nhãn tự được mở mang rõ ràng sáng suốt. Bấy giờ hành giả thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm, như: Bảo địa, bảo trì, hàng bảo thọ, trên cây có mành báu chư thiên che phủ, các lưới báu giăng khắp giữa hư không. Khi thấy cảnh tướng rất rõ ràng như nhìn vào bàn tay

Có bốn phần:

1. Trong lúc đi đứng nằm ngồi, nhắm mắt mở mắt, đều thấy một tượng Phật bằng vàng, hiện rõ trước mắt, thường phải nên quán tưởng như vậy.

2. Sau khi đã quán thành, tượng Phật phải có nơi an tọa, liền quán tưởng hoa tòa ở phần trên, kế đến, quán tưởng tượng Phật ngồi trên hoa tòa.

3. Sau khi thấy tượng Phật an trụ trên hoa tòa, tâm nhãn liền khai mở.

4. Sau khi tâm nhãn khai mở, tức thời thấy được tượng vàng cùng những sự trang nghiêm ở cõi Cực Lạc, trên không, trên đất, rõ ràng không bị chướng ngại. Hơn nữa, phương pháp quán tượng, trụ tâm, đều giống như đã nói ở phần trên. Từ trên đảnh môn quán tưởng xuống, từng bộ phận: bạch hào tướng, mắt, mũi, miệng, tai, cổ, vai, bắp tay, bàn tay, ngón tay. Lại quán tưởng ngược lên: ngực, bụng, rốn, âm tàng, bắp đùi, bắp vế, mắt cá, bàn chân, mười ngón chân, bánh xe ngàn căm, v.v… Quán tưởng từng bộ phận. Từ trên quán xuống gọi là quán thuận, từ dưới quán lên gọi là quán nghịch. Như vậy, quán thuận quán nghịch đều an trụ được thân tâm, chẳng bao lâu sẽ thành tựu pháp quán tượng. Hơn nữa, thân Phật, hoa tòa, đất báu, v.v… đều phải quán thuận nghịch như vậy.

Trong các pháp quán, pháp quán đất báu, hoa tòa, tượng Phật, v.v… rất là quan trọng. Nếu muốn chỉ bảo người khác, nên chỉ pháp quán này. Nếu như một trong những pháp quán này thành tựu, thì các pháp quán khác tự nhiên cũng sẽ thành tựu.

G – Thành tựu pháp quán ba thân, chuyển qua pháp quán nhiều thân.

Rồi lại tưởng hai hoa sen lớn, một ở bên tả, một ở bên hữu của Phật, cả hai đều giống như tòa sen trước. Xong lại tưởng hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi tòa sen bên trái, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi tòa sen bên mặt, thân tướng đều rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn.

Muốn quán tượng của hai vị Bồ tát, phải làm y như pháp quán tượng Phật.

H – Thành tựu pháp quán nhiều thân, chuyển qua pháp quán thuyết pháp.

Phép quán này thành rồi, lại tưởng thân tướng của Phật và Bồ Tát đều phóng ánh sáng vàng, chiếu các cây báu. Nơi mỗi gốc cây đều có tượng Phật và hai vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, như thế cho khắp cả bảo độ.

Các hành giả trong lúc đi đứng nằm ngồi, tâm thường duyên với cảnh giới Cực Lạc, tất cả lầu báu, cây báu, ao báu, v.v… Hoặc trong lúc lạy Phật, niệm Phật, quán tưởng, v.v… đều phải thưòng nên hệ niệm cõi đó.

I – Do nhập định thấy được cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm.

Sau khi pháp quán thành tựu, hành giả thường nghe tiếng nước chảy, ánh sáng, các cây báu, những loài chim: phù, nhạn, uyên ương nói pháp mầu, cho đến khi xuất định, nhập định hằng được nghe thấy. Pháp mầu nầy dù cho khi xuất định, hành giả phải ghi nhớ đừng quên.

Hành giả do đắc định, thấy được cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc, và hơn nữa, lại còn nghe tất cả sự trang nghiêm đó đều thuyết pháp mầu. Sau khi nghe xong, thường nhớ không quên. Đây gọi là an trụ trong định cảnh.

J – Biện biệt pháp quán tà chánh.

Và cần phải hợp với Tu đa la (khế kinh). Nếu pháp không hợp với khế kinh, gọi là vọng tưởng; như hợp, gọi là tưởng thấy thế giới Cực Lạc về phần thô. Đây là môn tưởng thứ tám.

K – Chuyên tâm tu quán, được sự lợi ích.

Phép quán này tu thành, trừ diệt tội trong vô lượng ức kiếp sanh tử, ngay hiện đời hành giả tất chứng được Niệm Phật tam muội.

Đây là do chúng sanh chướng nặng, khó lòng quán tưởng chân thân của Phật, cho nên đức Đại Thánh rũ lòng thương, dạy cho pháp quán tượng Phật.

9 – Quán Chân Thân Phật A Di Đà.

A – Đức Phật nêu lên pháp quán kế tiếp.

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Môn tưởng này đã thành tựu, kế lại quán thân tướng quang minh của Phật Vô Lượng Thọ.

B – Hiển bày thân tướng của Phật, vượt hơn hình sắc hoàng kim của cõi trời.

Này A Nan! Ông nên biết thân Phật A Di Đà rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn của trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ ma.

C – Nêu rõ thân Phật lớn nhỏ.

Phật thân cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần.

D – Tổng quán thân tướng.

Tướng bạch hào giữa đôi mày uyển chuyển xoay về bên hữu như năm núi Tu di. Mắt Phật xanh trắng phân minh, rộng như nước bốn biển lớn. Các chơn lông nơi thân tuôn ra ánh sáng như Diệu cao sơn. Viên quang của Phật to rộng như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ấy có trăm muôn ức na do tha hằng hà sa Hóa Phật, mỗi vị đều có vô số Hóa bồ tát làm thị giả.

Có sáu phần:

  1. Tướng bạch hào lớn nhỏ
  2. Tướng con mắt lớn nhỏ
  3. Ánh sáng lỗ chân lông lớn nhỏ
  4. Viên quang lớn nhỏ
  5. Hóa Phật nhiều ít
  6. Thị giả nhiều ít.

E – Quán tướng khác biệt nơi thân.

Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, và mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật.

Có năm phần:

  1. Tướng nhiều ít
  2. Hảo nhiều ít
  3. Ánh sáng nhiều ít
  4. Ánh sáng chiếu xa gần
  5. Nơi ánh sáng chiếu đến, đều được sự lợi ích

Hỏi: Tu tập đầy đủ các hạnh, chỉ cần có thể hồi hướng công đức, đều được vãng sanh; tại sao ánh sáng của Phật (A Di Đà) chiếu khắp, mà chỉ nhiếp thọ chúng sanh niệm Phật, đây là có ý gì?

Đáp: Có ba nghĩa:

1. Thân duyên: Chúng sanh khởi hạnh, miệng thường niệm Phật, Phật liền nghe biết; thân thường lạy Phật, Phật liền thấy biết; tâm thường nhớ Phật, Phật liền nhận biết. Chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, Phật cũng nhớ chúng sanh, niệm chúng sanh. Đôi bên, ba nghiệp thường không rời nhau, cho nên gọi là thân duyên.

2. Cận duyên: Chúng sanh nguyện thấy Phật, Phật liền cảm nhận, bèn hiện thân cho thấy, cho nên gọi là cận duyên.

3. Tăng thượng duyên: Chúng sanh xưng niệm danh hiệu Phật, trừ diệt tội nghiệp trong nhiều kiếp. Lúc sắp mạng chung, Phật cùng các thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sanh, các sự trói buộc của tà nghiệp không thể nào làm chướng ngại, cho nên gọi là tăng thượng duyên.

Tu các công hạnh khác, tuy cũng gọi là thiện, nếu so với công hạnh niệm Phật, thì hoàn toàn không thể so sánh được. cho nên phần nhiều trong các kinh điển, đều tán thán niệm Phật.

Như trong kinh Vô Lượng Thọ, phần bốn mươi tám nguyện, chỉ nói những người chuyên tâm niệm Phật A Di Đà mới được vãng sanh. Kinh A Di Đà nói chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, một ngày cho đến bảy ngày mới được vãng sanh. Lại như mười phương chư Phật chứng minh lời dạy trong kinh A Di Đà là chính xác. Lại trong quyển kinh này, lời kinh trong các phần Định thiện, Tán thiện, đều nói rõ là chuyên tâm niệm Phật A Di Đà mới được vãng sanh. Những điều chứng minh này không phải là ít.

F – Dùng cái ít nói cái nhiều.

Những tướng hảo, quang minh cùng Hóa Phật đó vô cùng, nói không thể xiết! Hành giả chỉ nên thành kính nhớ tưởng, khiến cho tâm nhãn được thấy.

Nếu muốn quán tưởng, khó mà quán hết. Sự trang nghiêm vi diệu, vượt quá cảnh phàm, tuy chưa thấy trước mắt, phải thường nhớ niệm, khiến tâm nhãn được thấy.

G – Công hạnh không mất, thành tựu sự lợi ích của quán tưởng.

Thấy được tướng này, tất thấy tất cả chư Phật mười phương. Vì thấy chư Phật, nên gọi là niệm Phật tam muội. Tu phép quán này gọi là quán thân tất cả chư phật. Và vì quán thân Phật nên cũng thấy tâm Phật. Tâm Phật là tâm Đại từ bi, dùng vô duyên từ nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật.

Có năm phần:

  1. Nhân sự tu quán được thấy chư Phật mười phương
  2. Vì thấy được chư Phật, cho nên chứng được Niệm Phật Tam Muội
  3. Chỉ quán tưởng một Phật, tức là quán tưởng tất cả Phật
  4. Do thấy được thân Phật, cho nên cũng thấy được tâm Phật
  5. Tâm Phật, lấy từ bi làm thể tánh, dùng tâm từ bình đẳng này, rộng nhiếp tất cả chúng sanh

H – Xả thân đời này, được vãng sanh Cực Lạc.

Quán như thế, khi xả báo thân sẽ vãng sanh về trước chư Phật, được vô sanh nhẫn.

I – Khuyến khích tu hành được lợi ích.

Cho nên người trí phải hệ niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ. Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ, phải từ một tướng hảo mà đi vào. Trước tiên phải quán tướng lông trắng giữa đôi mày cho cực rõ ràng. Khi thấy được tướng bạch hào, tự nhiên tám muôn bốn ngàn tướng tốt sẽ hiện. Và thấy được Phật A Di Đà, tức thấy vô lượng chư Phật ở mười phương. Vì thấy vô lượng chư Phật, nên được chư Phật hiện tiền thọ ký.

Có năm phần:

  1. Lựa ra người có thể tu pháp quán
  2. Chuyên tâm quán sát kỹ Phật Vô Lượng Thọ
  3. Tướng hảo rất nhiều, không thể quán lộn xộn, chỉ cần quán một tướng bạch hào, nếu thấy được tướng bạch hào, thì tất cả những tướng khác sẽ tự nhiên hiển hiện.
  4. Thấy được Phật A Di Đà, sẽ thấy được mười phương chư Phật
  5. Sau khi thấy được chư Phật, ngay trong định sẽ được chư Phật xoa đầu thọ ký

J – Tổng kết.

Đây là môn tưởng tất cả tướng nơi sắc thân, thuộc về phép quán thứ chín.

K – Biện biệt tướng chánh tà.

Quán như thế gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

Chân thân đức Phật cao vời, bạch hào như năm núi Tu Di, tùy căn cơ chúng sanh mà hóa độ, ánh sáng nhiếp thọ kẻ hữu duyên. Nay muốn hàm linh (hữu tình) quy mạng, chuyên tâm tu quán, nương vào hoằng nguyện của Phật mà đều được vãng sanh Cực Lạc.

10 – Quán Chân Thân Đức Quán Thế Âm.

A – Chuyển từ quán A Di Đà sang quán Quán Thế Âm.

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Sau khi thấy Phật Vô Lượng Thọ rõ ràng rồi, lại nên quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm.

B – Nêu tổng quán thân tướng Bồ tát.

Vị Đại sĩ này thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, sắc tử kim, đảnh có nhục kế. Viên quang nơi đầu của Bồ Tát, mỗi phía đều rộng trăm ngàn do tuần. Trong viên quang có năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Mỗi vị hóa Phật đều có năm trăm Hóa Bồ Tát và vô lượng chư thiên làm thị giả. Trong thân quang của Bồ Tát hiện tất cả sắc tướng của ngũ đạo chúng sanh.

Có sáu phần:

  1. Thân lượng lớn nhỏ
  2. Sắc thân không đồng với Phật
  3. Nhục kế không đồng với loa kế của Phật
  4. Viên quang lớn nhỏ
  5. Hóa Phật, thị giả nhiều ít
  6. Trong ánh sáng hiện ra chúng sanh năm cõi

C – Nêu rõ vị Hóa Phật trên thiên quan của Bồ tát.

Bồ Tát đầu đội thiên quan bằng chất báu tỳ lăng già ma ni. Nơi thiên quang có một vị Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do tuần.

D – Sắc mặt và sắc thân không đồng.

Quán Thế Âm Đại sĩ, mặt như sắc vàng diêm phù đàn.

E – Nêu rõ bạch hào tướng quang.

Tướng bạch hào giữa đôi mi có đủ sắc thất bảo, chiếu ra tám muôn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi ánh quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật lại có vô số Hóa Bồ tát làm thị giả. Các Hóa Bồ tát này biến hiện tự tại đầy khắp mười phương thế giới.

Hào quang chuyển biến, chiếu khắp mười phương, Hóa Phật cùng thị giả nhiều hơn trong viên quang.

Có năm phần:

  1. Tướng bạch hào có bảy màu
  2. Hào quang nhiều ít
  3. Trong ánh sáng có Hóa Phật nhiều ít
  4. Số thị giả nhiều ít
  5. Hóa Phật và thị giả, biến hiện khắp mười phương

F – Tay đeo chuỗi anh lạc do ánh sáng tạo thành.

Cánh tay của Bồ tát như sắc hoa sen hồng. Có tám mươi ức tia sáng nhiệm mầu làm chuỗi anh lạc, trong ấy hiện ra tất cả việc trang nghiêm.

G – Bàn tay có đức dụng từ bi.

Bàn tay Bồ tát như năm trăm ức sắc tạp liên hoa, nơi đầu mỗi ngón tay có tám muôn bốn ngàn làn chỉ đẹp dường như nét vẽ của chiếc ấn. Mỗi làn chỉ đều có tám muôn bốn ngàn sắc, mỗi sắc lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng nhu nhuyễn soi khắp các nơi. Bồ tát thường dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh các cõi.

Có sáu phần:

  1. Bàn tay có màu sắc tạp liên hoa.
  2. Mỗi ngón tay có tám vạn bốn ngàn làn chỉ đẹp, giống như nét vẽ của cái ấn.
  3. Mỗi làn chỉ có tám vạn bốn ngàn màu sắc.
  4. Mỗi màu sắc có tám vạn bốn ngàn tia sáng.
  5. Tia sáng nhu nhuyễn, chiếu khắp các nơi.
  6. Bồ tát dùng bàn tay báu tiếp dẫn chúng sanh có duyên với cõi Cực Lạc.

H – Bàn chân có đức dụng.

Nơi lòng bàn chân của Quán Thế Âm Đại sĩ có tướng Thiên bức luân. Khi Bồ Tát dở chân lên, từ nơi luân tướng ấy hóa hiện ra năm trăm ức đài quang minh. Lúc để chân xuống tự nhiên có vô số hoa kim cương ma ni tuôn rải tản mác khắp mọi nơi.

I – Những tướng đồng với đức Phật.

Ngoài ra, các tướng khác nơi thân bồ Tát đều đầy đủ và xinh đẹp như đức Vô Lượng Thọ Thế Tôn.

J – Nêu lên chỗ khác biệt.

Duy trừ nhục kế và tướng vô kiến đảnh là không bằng Phật.

Thầy trò địa vị khác biệt. Bồ tát hạnh nguyện, quả vị chưa viên mãn, cho nên có hai điểm khác

K – Tổng kết.

Đây là môn tưởng sắc thân chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm, thuộc về phép quán thứ mười.

L – Đức Phật nhắc nhở lần nữa.

Phật bảo A Nan: Nếu chúng sanh nào muốn quán thân tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải nên quán tưởng đúng như vậy.

M – Nêu rõ sự lợi ích của pháp quán.

Kẻ tu thành môn quán nầy không còn gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và tội lỗi trong vô số kiếp sanh tử. Chúng sanh chỉ nghe danh hiệu vị Bồ Tát ấy còn được vô lượng phước, huống nữa là quán kỹ sắc thân?

N – Nói rõ lại phương thức quán tưởng.

Kẻ nào muốn quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, trước nên quán nhục kế trên đảnh, tiếp quán đến thiên quan, bao nhiêu tướng khác cũng lần lượt quán cho rõ ràng, như thấy các làn chỉ trong bàn tay.

Khuyến khích hành giả chuyên tâm, ắt được hai điều lợi ích.

O – Biện biệt tướng tà chánh.

Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

Quán Âm nguyện lớn, ảnh hiện mười phương, tay báu phóng quang, tùy duyên tiếp dẫn.

11 – Quán Chân Thân Đức Đại Thế Chí.

A – Nêu tên pháp quán.

Kế đến Bồ Tát Đại Thế Chí.

B – Nêu rõ quán tướng.

Thân lượng của vị đại sĩ nầy cũng tương đương với Bồ Tát Quán Thế Âm.

Có năm phần, nêu rõ:

  1. Tầm vóc ngang bằng với đức Quán Thế Âm
  2. Thân sắc cũng đồng với đức Quán Thế Âm
  3. Gương mặt cũng giống đức Quán Thế Âm
  4. Thân quang, tướng hảo cũng đồng với đức Quán Thế Âm
  5. Tướng bạch hào biến hiện cũng đồng với đức Quán Thế Âm

C – Nêu rõ viên quang, v.v.. khác với đức Quán Thế Âm.

Viên quang nơi đảnh của Đại Thế Chí Bồ Tát mỗi phía đều rộng một trăm hai mươi lăm do tuần; từ quang thể nầy ánh sáng lại chiếu xa thêm hai trăm năm mươi do tuần nữa.

Có bốn phần, nêu rõ:

  1. Viên quang lớn nhỏ
  2. Ánh sáng soi chiếu xa gần
  3. Hóa Phật nhiều ít
  4. Thị giả nhiều ít

D – Nêu rõ thân quang.

Quang minh toàn thân của Bồ Tát ánh ra mầu sắc tử kim (vàng tía), chiếu khắp các cõi ở mười phương, những chúng sanh hữu duyên đều được trông thấy. Chúng sanh nào chỉ thấy ánh sáng nơi một lỗ chân lông của vị bồ Tát nầy, tức thấy quang minh trong sạch nhiệm mầu của mười phương vô lượng chư Phật. Vì thế, vị Đại sĩ này được gọi là Vô Biên Quang. Và bởi Bồ Tát dùng ánh sáng trí huệ soi khắp tất cả chúng sanh, khiến cho xa lìa tam đồ, được sức vô thượng, nên lại có tên là Đại Thế Chí.

Nêu rõ thân quangchiếu khắp mười phương, soi sáng kẻ hữu duyên, đều hiện màu vàng tía. Có tám phần:

  1. Thân quang tổng tướng và biệt tướng không đồng
  2. Ánh sáng chiếu xa gần
  3. Ánh sáng chiếu đến nơi nào, đều có màu vàng tía
  4. Những người có duyên trong quá khứ với đức Đại Thế Chí đều được ánh sáng của ngài chiếu đến
  5. Chỉ cần thấy một tia sáng của tướng bạch hào, liền có thể nhìn thấy ánh sáng thanh tịnh vi diệu của chư Phật
  6. Y vào ánh sáng mà đặt tên
  7. Ánh sáng của ngài, lấy tánh vô lậu làm thể, cho nên gọi là Trí Huệ Quang. Hơn nữa, có thể trừ diệt sự khổ trong ba đường ác ở khắp mười phương, cho nên gọi là Vô Thượng Lực.
  8. Đại Thế Chí là do y vào đức mà đặt tên.

E – Tướng trang nghiêm của thiên quan, khác với của đức Quán Thế Âm.

Thiên quan của Đại Thế Chí Bồ Tát có năm trăm bảo hoa, mỗi bảo hoa có năm trăm bảo đài. Trong mỗi bảo đài hiện rõ tướng quốc độ tịnh diệu rộng rãi của mười phương chư Phật.

Có bốn phần:

  1. Hoa báu trên thiên quan nhiều ít
  2. Trên mỗi hoa báu, đài báu nhiều ít
  3. Trên mỗi đài báu, ảnh hiện những cõi tịnh độ của chư Phật mười phương
  4. Các cõi Tịnh độ hiển hiện, không chướng ngại lẫn nhau

F – Nêu rõ tướng trạng của bình báu.

Nhục kế nơi đảnh của Bồ Tát hình như hoa bát đầu ma (hoa sen hồng). Trên nhục kế có một bảo bình đựng các thứ quang minh, hiện Phật sự khắp mọi nơi.

G – Những tướng đồng với đức Quán Thế Âm.

Ngoài ra, các tướng khác nơi thân, cũng đồng như Quán Thế Âm Bồ Tát.

H – Hành tướng không đồng với đức Quán Thế Âm.

Khi vị Đại sĩ này cất chân bước đi, mười phương thế giới thảy đều chấn động. Ngay chỗ Bồ Tát bước tự nhiên hóa hiện năm trăm ức bảo hoa, mỗi bảo hoa trang nghiêm cao sáng như diệu tướng ở cõi Cực Lạc.

Có bốn phần:

  1. Hành tướng không đồng
  2. Chấn động xa gần
  3. Chỗ bị chấn động, hoa hiện rất nhiều
  4. Những hoa hiện ra, cao lớn, hiển lộ, lộng lẫy huy hoàng, tương tợ như sự trang nghiêm của cõi

Cực Lạc

I – Tướng ngồi không đồng với đức Quán Thế Âm.

Lúc Bồ Tát ngồi xuống, cả cõi thất bảo đồng thời rung chuyển. Giữa khoảng từ cõi Phật Kim Quang ở phương dưới cho đến cõi Phật Quang Minh Vương ở phương trên, có vô lượng trần số những phân thân của Phật Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, đều vân tập đầy dẫy nơi hư không cõi Cực Lạc. Tất cả phân thân của Tam thánh đều ngồi trên hoa sen diễn nói pháp mầu, độ chúng sanh mê khổ.

Có bảy phần, nêu rõ:

  1. Tướng ngồi của đức Đại Thế Chí.
  2. Trước tiên, chấn động bổn quốc (Cực Lạc).
  3. Kế đến, chấn động các cõi nước khác.
  4. Dao động các cõi Phật phương trên và phương dưới.
  5. Đức A Di Đà, Quán Thế Âm và các vị Bồ tát phân thân đều đến tập hội.
  6. Các phân thân ngồi trên tòa sen, đầy khắp hư không.

Hỏi: Kinh A Di Đà nói: “Chúng sanh cõi đó, không có các điều khổ, chỉ hưởng thọ sự sung sướng (lạc), cho nên gọi là cõi Cực Lạc” Tại sao trong kinh này nói đến sự phân thân thuyết pháp, nhẫn đến độ những chúng sanh đau khổ, đây là ý gì?

Đáp: Hiện nay đề cập đến “khổ lạc”, có hai loại: i. sự khổ lạc trong ba cõi, ii. sự khổ lạc trong cõi tịnh độ.

Sự khổ lạc trong ba cõi: khổ là chỉ cho tám khổ, cùng các sự khổ trong ba ác đạo, v.v..; còn lạc là chỉ cho sự vui ngũ dục trong cõi trời, cõi người, những sự vui phóng dật, trói buộc, v.v.. Tuy gọi là lạc, mà thật sự là khổ lớn, rốt ráo không có một chút an lạc chân thực nào!

Sự khổ lạc trong tịnh độ: Bậc địa tiền so với bậc địa thượng là khổ, bậc địa thượng so với bậc địa tiền là lạc; bậc chứng hạ trí so với bậc chứng thượng trí là khổ, bậc chứng thượng trí so với bậc chứng hạ trí là lạc. Đây chỉ là một ví dụ.

Hiện nay nói: “Độ chúng sanh mê khổ”, chỉ là giúp cho bậc dưới thăng tiến đến bậc trên, khiến bậc hạ trí chứng được thượng trí mà nói như vậy. Chứ còn, trong cõi tịnh độ, tất cả thánh nhân đều lấy vô lậu làm thể, rốt ráo thường trụ, không còn bị phần đoạn sanh tử, đâu có lý do gì mà gọi là “khổ”!

J- Tổng kết.

Đây là môn tưởng thân tướng của Đại Thế Chí Bồ Tát, thuộc về phép quán thứ mười một.

K – Nêu lên sự lợi ích của pháp quán.

Tu môn quán này sẽ trừ được a tăng kỳ sanh tử trong vô số kiếp, không còn ở bào thai, thường dạo chơi nơi các quốc độ tịnh diệu của chư Phật.

L – Biện biệt sự thành tựu của pháp quán.

Môn tưởng này thành, gọi là đã quán thấy đầy đủ sắc thân của Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế  Chí.

Đức Đại Thế Chí có uy lực vô biên, mỗi khi ngài ngồi đều làm chấn động các cõi Phật, có thể khiến cho phân thân chư Phật Bồ tát đến vân tập, thuyết pháp lợi sanh, khiến cho hành giả vĩnh viễn không còn bị đọa vào bào thai, và thường được du hành đến các cõi tịnh độ của chư Phật.

12 – Quán Tự Thân Vãng Sanh.

A – Chú tâm nhập quán, thường quán tưởng tự thân vãng sanh.

Khi đã thấy việc ấy, hành giả nên từ nơi chân tâm, khởi tưởng mình sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây, ngồi kiết già trong hoa sen. Kế tưởng hoa sen khép lại, rồi tưởng hoa sen nở ra. Khi hoa sen nở, tưởng có năm trăm sắc quang minh soi chiếu đến thân mình. Lại tưởng mình mở mắt ra, thấy Phật và Bồ tát đầy giữa hư không, những âm thanh phát ra từ các hóa Phật, cho đến chim, nước, rừng cây, đều diễn nói pháp mầu.

Có chín phần:

  1. Quán tưởng tự thân vãng sanh
  2. Quán tưởng sanh về phương tây
  3. Quán tưởng ngồi vào hoa sen
  4. Quán tưởng hoa sen khép lại
  5. Quán tưởng hoa sen nở ra
  6. Quán tưởng ánh sáng báu chiếu đến thân mình
  7. Quán tưởng sau khi được ánh sáng báu chiếu đến, bèn mở mắt ra
  8. Quán tưởng sau khi mở mắt, nhìn thấy chư Phật Bồ tát
  9. Quán tưởng được nghe các ngài thuyết pháp

B – Bất cứ lúc nào, thường nhớ không quên.

Khế hợp mười hai bộ kinh. Khi xuất định, vẫn phải ghi nhớ đừng để quên mất.

Lúc định tâm hay tán tâm đừng để quên mất, mà phải ghi nhớ trong tâm: 1. tâm thường thanh tịnh sáng suốt, 2. các ác niệm không sanh khởi. Do vì tương ứng với pháp lạc trong tâm, cho nên không còn bị ba tà bên ngoài làm chướng ngại.

C – Nêu rõ sự ích lợi.

Thấy được tướng này, gọi là thấy Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc.

D – Tổng kết.

Đây là môn phổ quán tưởng, thuộc về phép quán thứ mười hai.

E – Nêu tiếp sự lợi ích.

Hành giả sẽ được vô số hóa thân của Phật Vô Lượng Thọ cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường quang lâm đến chỗ mình.

Hành giả tu pháp quán này sẽ được sự hộ trì của đức A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Đây là do chúng sanh chú tâm quán tưởng, nguyện được thấy sự trang nghiêm chánh báo y báo của cõi Cực Lạc, chiêu cảm cảnh giới thường hiện ra trước mắt.

13 – Quán Phật và Bồ Tát.

A – Chuyển đề mục.

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Nếu kẻ nào chí tâm muốn sanh về Tây Phương.

B – Quán tượng quán nước.

Trước nên quán thân Phật A Di Đà cao một trượng sáu đứng trên bờ ao thất bảo.

Quán tượng biểu hiện sự chân thực, quán nước biểu hiện cõi đất. Đây là phương pháp mà đức Như Lai chỉ dạy chúng sanh, đổi cảnh chuyển tâm để nhập quán, hoặc bên bờ ao sen, hoặc trong cung điện, lầu các, hoặc trong rừng báu, dưới cây báu, hoặc trên đài báu, hoặc trên hư không, mây báu, lọng báu, v.v… Đối với những cảnh tướng này, đều phải trụ tâm quán tưởng thành hóa Phật. Đây đều là muốn giúp cho căn cơ và quán cảnh tương xứng, để hành giả dễ thành tựu pháp quán.

C- Cảnh lớn tâm nhỏ, khó mà thành tựu.

Như trước đã nói, thân Phật Vô Lượng Thọ rộng lớn vô biên, tâm lực của phàm phu khó quán nổi cho khắp được.

Cảnh giới bao la, tâm tưởng hạn hẹp, khó mà quán tưởng thành công, vì thế đức Thế Tôn thương cảm, khuyên nên quán tưỏng cảnh nhỏ.

D – Nhờ nguyện lực đức A Di Đà mà thành tựu pháp quán.

Tuy nhiên, nhờ Ðức Như Lai kia có túc nguyện lực, nên nếu chí tâm quán tưởng tất sẽ được thành tựu.

Tâm phàm hạn hẹp, thân thánh khôn lường, khó lòng quán tưởng, e không thành tựu. Cũng chẳng phải do tâm hẹp mà khó thành, do thân lớn mà không hiện. Do nhờ nguyện lực sâu nặng của đức A Di Đà, cho nên những sự quán tưởng đều thành tựu.

E – So sánh để nêu rõ sự thù thắng.

Chúng sanh chỉ tưởng hình tượng Phật còn được vô lượng phước, huống chi quán đầy đủ thân tướng của Như Lai?

So sánh sự thù thắng. Quán tưởng tượng Phật còn được vô lượng phước báo, huống gì quán tưởng chân thân của Phật. Sự lợi ích càng không thể so lường!

F – Cảnh quán tuy có lớn nhỏ, đều là chân thân của Phật.

Phật A Di Ðà có sức thần thông như ýix, biến hiện tự tại khắp các cõi ở mười phương, hoặc hiện thân lớn đầy cả hư không, hoặc hiện thân nhỏ cao một trượng sáu, hay tám thước.

Có ba phần:

  1. Đức A Di Đà thần thông vô ngại, tùy ý biến hiện khắp nơi.
  2. Hoặc hiện thân lớn, hoặc hiện thân nhỏ.
  3. Thân lượng tuy lớn nhỏ, đều hiện sắc vàng ròng, dùng đây để xác định pháp quán chánh hay tà.

G – Thân tuy lớn nhỏ khác nhau, quang tưóng không có khác biệt.

Những thân hóa hiện đều là sắc chân kim. Còn tướng viên quang, Hóa Phật, cùng hoa sen báu, như trước đã diễn tả.

Thân tuy lớn nhỏ khác nhau, ánh sáng của hóa Phật cùng ánh sáng của chân thân không khác.

H – Giống như pháp quán phần trên.

Về thân lượng của hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm, ở khắp tất cả chỗ, nên quán đồng như thân của các bậc thượng thiện nhơn.

Thân Phật lớn, thân Bồ tát lớn; thân Phật nhỏ, thân Bồ tát nhỏ.

I – Khuyên quán sự khác biệt của hai Đại sĩ.

Hành giả chỉ cần phân biệt sự sai khác của tướng đầu để biết đó là Bồ Tát Quán Thế Âm hay Đại Thế Chí.

Khác biệt chỗ nào? Trên đầu của đức Quán Thế Âm là một vị hóa Phật, trên đầu của đức Đại Thế Chí là một bình báu.

J – Bồ tát giúp Phật hoằng hóa.

Hai vị Đại sĩ này thường phụ trợ Phật A Di Đà, giáo hóa tất cả chúng sanh.

Đức A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, v.v…, có nhân duyên đời quá khứ sâu nặng, cùng nhau phát nguyện tu hành thoát ly sanh tử, luôn luôn bên cạnh nhau, nhẫn đến khi thành Phật, đi khắp mười phương hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh.

K – Tổng kết.

Đây là môn tạp tưởng quán, thuộc về phép quán thứ mười ba.

Từ pháp quán Mặt trời đến pháp quán Phật Bồ tát, nêu rõ tổng quán việc đức Thế Tôn giải đáp lời thỉnh cầu của bà Vi Đề Hy: “Dạy con tư duy, dạy con chánh thọ.”

Có lời khen rằng:

Trước dạy nhật quán trừ hôn ám
Tưởng nước thành băng để định tâm
Dưới đất bảo tràng châu sáng rỡ
Trên không thiên nhạc pháp thâm trầm
Mây, lọng, thần quang muôn ức đạo
Cây ngọc hoa quỳnh sanh trái báu
Ao vàng nước đức chảy trong hoa
Lầu xinh các lạ nghìn kỳ xảo
Hoa tòa mầu nhiệm đẹp vô cùng
Bảo trụ mành châu ánh vạn trùng
In bóng mười phương nhiều Phật sự
Trang nghiêm dường thể Dạ ma cung
Không lường tướng hảo ngợi Di Đà
Tay báu Quán Âm cứu ái hà
Thế Chí thần uy hay chấn động
Huệ quang soi khắp cõi hằng sa
Cực Lạc sanh về tưởng thấy mình
Ngồi trong sen báu định tâm tình
Cánh sen tưởng khép rồi tươi nở
Soi đến trăm màu ánh tịnh minh
Vì đâu Điều Ngự động ai lân?
Cảnh tướng chân thân khó vạn phần!
Trượng sáu mở bày môn tiệm quán
Bên bờ ao báu tưởng kim thân!

Y vào lời thỉnh ở phần trên, từ môn Quán mặt trời đến môn Quán hoa tòa, là nêu rõ phần y báo; từ môn Quán tượng đến môn Quán Phật Bồ tát, là nêu rõ phần chánh báo.

Trang: 1 2 3 4