PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 34

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 1

Lời tựa: Đạo Phật vốn thường còn chưa hề lìa xa cuộc đời đầy thay đổi này. Từ lúc Đức Thích-ca ở rừng Hạc đến các Tổ nối nhau ra đời truyền giữ Đạo này đến Chấn Đán Đông độ cho đến nay vẫn chưa dứt. Chánh yếu là do Chúa sáng tôi hiền tuân lời Phật phó chúc luôn kính trọng hộ trì Phật pháp. Hàng Nho Lão không tin có lúc đã chê bai hủy hoại, nhưng cuối cùng vẫn không tiêu diệt được, ấy là vì đạo vốn thường còn vậy. Phàm đời cho rằng Tam Giáo tất cả đều dạy đời và đều có lúc cùng lúc thông, cũng đều do thời thế cả. Nêu ra Tam Giáo để xét chỗ một lý cùng về, liên hệ với biên niên để thấy rõ sự cùng thông của nó.

Muốn biết đại ý việc Như Lai ra đời thì trước phải nêu rõ Bản Tích, sau cùng là việc kết tập ba tạng để làm khuôn phép cho muôn đời sau. Khoảng giữa tuần tự luận về tám tướng là: Đâu-suất xuống gá thai, ở thai mẹ, thị hiện giáng sinh, vượt thành xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn. Đó là đầy đủ trọn một đời giáo hóa của Đức Phật. Bắt đầu từ năm Giáp Dần đời Chiêu Vương và kết thúc năm Nhâm Thân đời Mục Vương. Đó là đại cương.

1. Nói rõ về Bản Tích

Đức Phật bảo đại chúng rằng: Tất cả hàng trời người ở thế gian đều cho ta sinh từ cung vua họ Thích, bỏ Già-da, không bao lâu ngồi nơi đạo tràng mà chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Song thật ra ta thành Phật đến nay đã rất lâu xa (kinh Pháp Hoa – Văn nói hàng Đại thừa thấy Bản Tích). Như thế ta đã ở chỗ Đức Phật Vô Lượng Thọ gieo trồng các thiện căn, làm Chuyển luân thánh vương. Trước hết ta gặp ba mươi ức Đức Phật đồng tên là Thích-ca… Sau hết ta gặp Đức Phật Ca-diếp. Ngài thọ ký cho ta: “Ở đời tương lai ông sẽ làm Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni”. Như thế ta đã phụng thờ chư Phật, tu học theo ý Phật. Khi đó bèn sinh lên cung trời Đâu-suất, trụ vị Nhất sinh bổ xứ (kinh Bồ-tát Bản Hạnh – Văn nói hàng tiểu thừa nhìn thấy Bản Tích – Tiếng Phạm gọi Phật-đà, Hán dịch là Giác giả. Phật giáng thần vào dòng họ Thích, sinh tại cung vua Tịnh Phạn, nên gọi là Cung họ Thích – Già-gia, Hán dịch là Sơn thành tức đô thành của vua Tịnh Phạn – A-nậu Bồ-đề, Hán dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là Đức Hiệu của Phật – Ca-diếp, Hán dịch là Ẩm Quang, là nói ánh sáng thân của Phật này lấn át các ánh sáng khác. Thích-ca, Hán dịch là Năng Nhân. Mâuni, Hán dịch là Tịch Mặc, là biệt danh của Phật. Đâu-suất, Hán dịch là Tri Túc. Hậu thân của trời là Bồ-tát. Khi sắp thành Phật trước hết sinh lên cung Đâu-suất, sau đó hạ sinh xuống nước Trung Thiên Trúc ở Châu Nam Thiệm. Từ Đâu-suất bổ đến chỗ Phật nên gọi là Nhất sinh).

2. Từ Đâu-suất hạ sanh

Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất khi sắp giáng thần thì có số Bồ-tát nhiều như vi trần của cõi Phật trong mười phương đều nguyện cùng đi với Bồ-tát, cho đến Đức Phổ Hiền đầy thần thông hạnh nguyện cũng đều đồng hàng (kinh Hoa Nghiêm).

Bồ-tát khi sinh ở trời Đâu-suất tên là Thánh Thiện, làm vua các trời, nói hạnh Bổ xứ, hẹn kỳ hạn sắp tới sẽ xuống làm Phật. Quán xét trong đại thiên này thì nước Ca-tỳ-la ở chính giữa cõi Diêm-phù. Quán xét vợ chồng vua Tịnh Phạn là chân chánh đáng làm cha mẹ, nên bảo các Thiên tử rằng: Ta sẽ hạ sinh vào cung vua Tịnh Phạn, bỏ ngôi vua Luân vương, xuất gia học đạo, thành Nhất thiết chủng trí, chuyển đại pháp luân, rộng làm lợi ích cho hàng trời người, lúc đó các ông nên cùng đến hội họp (kinh Nhân Quả – Đại thiên tức là cõi tam thiên, nghĩa thấy trong tam giới chí – Diêm-phù-đề cũng gọi là Thiệm-bộ hay Nam Châu – Ca-tỳ-la, Hán dịch là Huỳnh sắc, Đất có chất màu vàng ở giữa. Vua Tịnh Phạn là vua nước Ca-tỳ-la – Nhất thiết chủng trí là Phật có ba Trí: Nhất thiết trí là Chân đế, Đạo chủng trí là Tục đế, Nhất thiết chủng trí là Trung đế).

3. Gá thai mẹ

(Khởi Tín Luận nói có trụ thai, kinh Hoa Nghiêm nói trụ thai mẹ xong thì thị hiện xuất gia. Kinh Nhân Quả nói: Ở trong thai nhưng vẫn đi đứng ngồi nằm và nói pháp cho chư Thiên. Nên biết cả Đại Tiểu thừa đều nói là có “Trụ thai”) Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất ẩn mất liền sinh vào cung vua Tịnh Phạn ở nhân gian và gá thai vào Ma-gia phu nhân tại lầu các Chiên-đàn (kinh Hoa Nghiêm – Cây Chiên-đàn hương, Hán gọi là Dữ lạc (cho niềm vui) – Ma-gia, Hán dịch Đại Uyển, là mẹ sinh ra Phật). Bồ-tát cỡi voi trắng sáu ngà ra khỏi cung Đâu-suất phóng luồng sáng lớn chiếu khắp mười phương vào lúc sao mai mới mọc ngày tám tháng tư giáng thần vào thai mẹ từ hông phải chui vào (kinh Nhân Quả).

4. Giáng Sinh: Vào thời nhà Chu (đóng đô ở Đất Cảo).

Đời Chu Chiêu Vương (tên Hà, từ Chu Vũ Vương đến Chiêu Vương là bốn đời).

Năm Chu Chiêu Vương thứ hai mươi sáu (Giáp Dần – Lưu Đạo Nguyên Ngoại Kỷ thì ghi là năm thứ hai mươi sáu, các sách khác phần đông nói năm thứ hai mươi bốn là nhầm).Khi phu nhân ra vịn cành cây ở Kim viên thì sinh Bồ-tát. Các chúng Thiên Vương mỗi người đều dâng nước thơm tắm gội Bồ-tát (kinh Hoa Nghiêm) – Khi Bồ-tát mới sinh ra liền đi bảy bước khắp mười hướng (kinh Niết-bàn).

Phu nhân đến vườn Lâm-tỳ-ni khi mặt trời mới mọc vào ngày tám tháng tư, đưa tay hữu lên hái hoa cây Vô ưu, thì Bồ-tát từ hông phải chui ra rơi trên hoa bảy báu, tự đi bảy bước đưa ta phải lên trời nói rằng: “Trên trời dưới trời chỉ có ta là cao quý.” Vua triệu tập các Bà-la-môn hỏi là nên đặt tên gì? Đáp rằng: Khi Thái tử sinh ra có rất nhiều điềm lành, vậy nên đặt tên là Tát-bà-tất-đạt (Hán dịch là thành tựu tất cả nghĩa – Rút từ hai Kinh Nhân Quả và Thụy Ứng).

Ngày tám tháng tư năm Giáp Dần đời Chu Chiêu Vương, tất cả sông hồ ao nước tràn đầy, đại địa và các cung điện đều chấn động hơi sáng ngũ sắc xuyên vượt Thái Vi ùa về phương Tây. Vua hỏi Quan thái sử Tô Do rằng: Có điềm lành gì thế? Thái sử tâu: “Có đại Thánh nhân sinh ở phương Tây, một ngàn năm sau giáo pháp ngài sẽ truyền đến đây.” Vua liền sai khắc đá để trước đền lớn tại Nam giao (Chu Thư Dị Ký – Theo Ngoại Kỷ của Lưu Nhự nói: Thời vua Chiêu Vương, có ánh sáng ngũ sắc xuyên sao Tử Vi, ao giếng đều đầy nước).

Ngày tám tháng hai năm Chiêu Vương bốn mươi, vua Tịnh Phạn đại hội quần thần, các Tiểu vương và Bà-la-môn dùng bình bảy báu đựng nước bốn biển lớn rót trên đỉnh đầu Tất-đạt lập ngài làm Thái tử (kinh Nhân Quả – Bà-la-môn, Hán dịch là Tịnh Hạnh, tên chung các ngoại đạo).

Năm thứ bốn mươi hai, vua cưới con gái của Bà-la-môn là Giadu-đà-la về làm vợ Thái tử. Thái tử luôn tu thiền Quán chưa từng sống đời vợ chồng (kinh Nhân Quả – Da-du-đà-la, Hán dịch là Hoa Sắc Nữ).

5. Ra khỏi cung vua

Bồ-tát muốn khiến chúng sinh đắm mê nhà cửa bằng pháp lìa bỏ nhà cửa, nên khen ngợi công đức xuất gia bằng cách thị hiện xuất gia (kinh Hoa Nghiêm).

Năm Chu Chiêu Vương năm mươi, Thái tử thưa cha: “Xin cha cho con xuất gia học đạo.” Vua nói: “Nước chưa có người nối ngôi.” Thái tử liền dùng tay phải chỉ vào bụng vợ nói: “Sáu năm nữa nàng sẽ sinh con trai.” Ngày bảy tháng hai, thân Thái tử phóng ánh sáng chiếu khắp các cung trời, chư Thiên đều biết đã đến lúc Thái tử xuất gia, cùng đến lễ dưới chân ngài. Giữa đêm Thái tử cỡi ngựa ra khỏi cửa thành đến rừng Khổ hạnh, tự cắt râu tóc. Trời Tịnh cư hóa làm thợ săn mình mặc áo Ca-sa. Thái tử lấy áo bảy báu đổi. Sáng hôm sau ngài đến bờ sông Ni liên thiền ngồi yên tư duy. Suốt sáu năm khổ hạnh, tịnh tâm giữ giới, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè một hạt lúa (kinh Nhân Quả – Trời Tịnh cư là Ngũ tịnh cư, nơi sinh ra năm Thánh Na-hàm – Ca-sa là loại áo hoại sắc, tên gọi chung ba y – tên sông Ni liên thiền, Hán gọi là Bất lạc trước (không mê vui).

Đời Chu Mục Vương (tên Mãn, con của Chiêu Vương) năm thứ tư.

6. Phật thành đạo

Bồ-tát ở Bồ-đề đạo tràng mới thành Chánh giác (kinh Hoa Nghiêm). Ba mươi tuổi ngài thành đạo hiệu là Thích-ca Mâu-ni (Phạm Võng). Khi thành đạo rồi thì Phạm thiên khuyến thỉnh: “Xin Đức Như Lai nên vì chúng sinh mà rộng mở Cam lồ nói pháp Vô thượng” (kinh Niết-bàn). Thái tử nghĩ rằng ta tu khổ hạnh đã tròn sáu năm, ta nên ăn uống rồi sau mới thành đạo. Lúc đó có cô gái chăn bò Nan-đà đem cháo sữa dâng lên Bồ-tát. Bồ-tát ăn xong liền đến dưới cội cây Bồ-đề. Thích Đề-hoàn Nhân hóa làm người phàm đến dâng cỏ Cát tường. Ngài trải cỏ làm tòa rồi ngồi kiết già và tự thệ rằng: Nếu không thành Chánh giác ta không rời khỏi tòa này (kinh Nhân Quả, kinh Phật Bản Hạnh – Nan-đà, Hán dịch là Hoan Hỷ tên cô gái. Thích Đề-hoàn Nhân, Hán dịch là “Có thể làm vua trời”, tức là trời Đế Thích ở Đao-lợi. Cây Bồ-đề, Hán gọi là Cây Đạo, vì Phật ngồi  dưới cây này mà thành đạo).

7. Hàng phục Thiên ma (Phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm – Hoặc thấy Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất, vào thai, sinh ra, xuất gia, thành đạo, hàng ma, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn. Đây là văn hàng ma của Đại thừa). Lúc bấy giờ cung điện của Ma vương tự nhiên rúng động. Ma vương Ba-tuần sợ hãi, triệu tập hết các quân ma, cầm kích tuốt gươm, trợn mắt nhe nanh, bay nhảy loạn xạ. Bồ-tát thấy chúng như trẻ con đùa giỡn. Ma Ba-tuần bảo Bồ-tát rằng: “Nếu ông không trốn mau ta sẽ quăng ông xuống biển.” Bồ-tát bảo: “Trước hết ngươi lắc nổi bình tắm này thì mới có thể quăng ta xuống biển được.” Ma Batuần không nhúc nhích được, cả quân ma đều tan rã. Con lớn của ma Ba-tuần là lái buôn bèn đến đảnh lễ sám hối Phật: “Cha con ngu si dám xúc phạm đến Đại Thánh xin được dung tha” (ba Kinh Nhân Quả, Tạp Bảo Tạng, Phật Bản Hạnh. Ma-la, Hán dịch là Năng Đoạt Mạng. Tên Ma vương Ba-tuần, Hán gọi là Cực Ác). Khi hàng phục ma rồi thì ngài phóng ánh sáng lớn và liền nhập định, tư duy về Chân đế, biết hết về quá khứ việc đã tạo nghiệp lành dữ, tuổi thọ ngắn dài và tất cả chúng sinh luân hồi trong năm đường đều không chân thật (kinh Nhân Quả).

Khi sao mai mới mọc ngày tám tháng hai (trời sắp sáng) thì ngài hoát nhiên đại ngộ chứng đạo Vô thượng thành Tối chánh giác (kinh Nhân Quả, kinh nói: Hàng Ma trước, thành đạo sau – Tứ Giáo Nghi cũng nói giống thế, kinh Hoa Nghiêm lại nói: Thành đạo trước, hàng ma sau. Nay căn cứ theo kinh Hoa Nghiêm).

Năm ấy Gia-du phu nhân sinh con trai đặt tên là La-hầu-la (Hán dịch là Phúc Chướng (ngăn che) vì ở trong thai sáu năm nên bị ngăn che).

8. Chuyển pháp luân

Khi Đức Như Lai thành đạo rồi thì chuyển chánh pháp luân. Trước Đốn sau Tiệm, có năm thời. Hoa Nghiêm gọi là Đốn giáo, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát-nhã ba thời gọi là Tiệm. Còn Pháp Hoa và Niết-bàn thì không phải Đốn không phải Tiệm.

Thời thứ nhất Hoa Nghiêm

Ở Bồ-đề đạo tràng trước hết Phật nói Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày suy nghĩ các việc như thế. Đây gọi là Như Lai đầu tiên nói Đốn. Uớc về Bộ là Đốn, ước về Giáo là Kiêm Biệt nói Viên. Như mặt trời mới mọc, trước chiếu trên núi cao lại là sữa lấy ra từ bò (hai mươi mốt ngày nói gọi là Tịch Trường Hoa Nghiêm).

Năm Chu Mục Vương thứ năm, thời thứ hai Lộc Uyển

Vì Đức Như Lai nói Đốn riêng độ cho hàng Đại thừa (Đại Cơ), nên Thanh văn ở tại tòa hình như câm điếc. Do đó ẩn Đại mà bày Tiểu, từ Bất Động Tịch Trường, Phật đến Lộc Uyển, vì năm ông Kiều-trầnnhư… chỉ nói ba tạng giáo và bốn Kinh A-hàm (Kiều-trần-như, Hán dịch là Đồ đựng lửa (Hỏa khí) – A-hàm, Hán gọi là “Pháp không gì sánh”, có Trường, Trung, Tạp, Tăng Nhất bốn thứ A-hàm). Ước về thời tiếp theo chiếu vào hang tối, ước về vị là chất lạc lấy từ sữa (nói Lộc Uyển mười hai năm).

Năm Chu Mục Vương thứ mười sáu, thời thứ ba Phương Đẳng

Là chê bai Thiên Tiểu khen ngợi Đại Viên, cùng nói bốn giáo, Tạng là bán tự, Thông Biệt Viên là mãn tự. Vì đối bán mà nói mãn nên gọi là Đối giáo, nói các kinh Tịnh Danh, Kim Quang Minh… Ước về thời là giờ ăn, ước về vị là chất Sinh tô lấy từ Lạc (nói Phương Đẳng tám năm).

Năm Chu Mục Vương hai mươi bốn, thời thứ tư Bát-nhã

Đây là chuyển giáo giao phó tài sản dung thông loại bỏ. Đây không nói Tạng giáo, gồm cả Thông Biệt hai thứ mà chánh thức nói Viên giáo, nói Ma-ha Bát-nhã và các kinh Bát-nhã. Ước về thời là gần giữa, ước về vị là chất thục tô lấy từ sinh tô (nói Bát-nhã hai mươi hai năm).

Năm Chu Mục Vương bốn mươi sáu, thời thứ năm Pháp Hoa – Niết-bàn

Đây là Khai một Đốn và ba Tiệm trước mà hội nhập vào không phải đốn không phải Tiệm – Vì không đồng câm điếc nên không phải đốn, không ước với ba Thời nên không phải Tiệm. Các Bộ Viên giáo đều không cần phải khai, chỉ là trong Bộ là gồm cả Đối Đới. Cho nên không bằng Pháp Hoa thuần nhất không tạp. Ước về thời là mặt trời chính ngọ không lệch bóng, ước về vị là chất đề hồ lấy từ thục tô (nói Pháp Hoa tám năm).

9. Nhập Niết-bàn

Nói Niết-bàn có hai nghĩa: Một là vì người chưa thuần thục Pháp Hoa nên nói thêm Tứ giáo luận đủ về Phật tánh, khiến biết lẽ Chân Thường mà nhập vào Đại Niết-bàn gọi là Giáo nhặt lượm cơ còn sót lại. Hai là vì đời mạt pháp, Thừa và Giới đều lỗi mất, bèn phò Tam tạng mà rộng mở về Thường Tông, lập ra ba thứ Quyền phò giúp một Viên Thật gọi là Giáo Phò Luật Đàm Thường. Nếu luận về Thời Vị thì đồng với Pháp Hoa (Niết-bàn là khi sắp diệt độ mà nói. Theo văn trước, Như Lai thành đạo rồi chuyển chánh pháp luân, phần trở về sau sẽ rõ trong Phật Bản Kỷ).

Năm Chu Mục Vương năm mươi ba (Nhâm Thân), ngày rằm tháng hai, Đức Phật ở thành Câu-thi-na (Hán gọi là Tam Giác) trong khoảng rừng cây Ta-la trên đất Lực sĩ sinh (Ta-la, Hán gọi là Kiên Cố) khi Phật sắp nhập Niết-bàn (Hán gọi là Diệt Độ) thì có tiếng rất lớn phát ra khắp bảo đại chúng rằng: “Hôm nay Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn.” Lại từ mặt Phật phóng ra các thứ ánh sáng chiếu khắp mười phương. Đại chúng tập họp Phật bèn nói pháp cho nghe rồi bảo: Ta nay có chánh pháp vô thượng đã đem phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp, ngài sẽ làm chỗ nương tựa lớn cho các ông, giống như Như Lai vậy. Lại bảo đại chúng: Nay ta giao phó chánh pháp cho các quốc vương, đại thần và bốn bộ chúng, phải nên khuyên gắng những người học khiến họ tăng trưởng giới, định, tuệ.” Bấy giờ Đức Thế Tôn nằm nghiêng hông phải trên giường bảy báu, giữa đêm vắng lặng không một tiếng động. Lúc đó Tala song thọ rũ nhánh lá che giường báu, sầu thảm biến thành màu trắng như loài bạch hạc. Đại chúng thương khóc tiếng vang động thế giới. Lúc đó đại chúng cùng phò Như Lai đặt vào Kim quan. Đức Thế Tôn đại từ bi liền tự cất Kim quan bay quanh thành bảy vòng rồi đến nơi trà-tỳ. Đại chúng dùng gỗ thơm cất thành lầu thơm lớn rồi đặt Kim quan trên lầu, Đức Phật vì ngài Ca-diếp ló đôi bàn chân có tướng xe ngàn căm ra ngoài Kim quan. Ngài Ca-diếp lạy và khen ngợi xong thì đôi chân Kim cang tự rút vào. Rồi từ quả tim trong lồng ngực Đức Phật lửa bùng lên bao trùm Kim quan trà-tỳ dần dần, trải suốt bảy ngày lầu thơm mới tắt (Từ trên là theo kinh Niết-bàn – Trà-tỳ còn gọi là Xà-duy, Gia-tuần – Hán gọi là thiêu đốt).

Phân chia Xá-lợi

Trời Đế Thích mở Kim quan lấy răng phải của Phật đem lên trời xây tháp kính thờ. Đại chúng thâu nhặt xá-lợi (Hán gọi là xương thân) đựng đầy tám bình đem vào thành Câu-thi cúng dường bảy ngày (kinh Niết-bàn) – tám nước cùng chia xá-lợi, vua A-xà-thế được tám vạn bốn ngàn hạt dùng hộp vàng ròng đựng đầy đem đặt trong Hằng hà xây tháp kính thờ (kinh A-dục Vương).

10. Kết tập ba tạng

Ngày Rằm tháng tư ngài Ca-diếp lên núi Tu-di (Hán gọi là Diệu Cao) đánh kiền chùy đồng (Kiền chùy. Thinh Luận nói là chuông, hoặc tùy nơi có kim loại hay gỗ đánh có tiếng kêu, đều gọi là kiền chùy) tập họp một ngàn vị A-la-hán (Hán gọi là Vô Sinh) kết tập Pháp tạng (kết các pháp nghĩa tập lại thành văn, kinh luật Luận ba thứ gọi chung là Pháp Tạng). Ngài A-nan lễ chư Tăng rồi lên tòa lên tiếng rằng: “Tôi nghe như vậy, một thuở nọ Phật ở tại…” (tất cả Kinh đều bắt đầu bằng câu này). Ngài Ca-diếp và đại chúng đều rơi lệ, mới hôm nào còn thấy Phật, hôm nay đã nói tôi nghe… (Trí Luận).

Bàn rằng: Đạo Phật sâu xa không thể nói tóm tắt như thế này. Ở đây chỉ vì dẫn dắt kẻ mới học Tông ta cùng đám con cháu các quan (nho sinh) muốn tìm hiểu đạo này mà thôi. Tuổi trẻ sức khỏe đọc nhanh sách này tuy lưu loát nhưng không hiểu nghĩa. Có người có thể dùng đoạn văn tóm tắt này để suy tìm văn Phật kỷ bốn quyển. Những người biết rõ giáo lý vì những Sa-môn chưa hiểu nghĩa lý mà giảng giải tường tận thì tự nhiên sẽ hiểu rõ thì dù không muốn hiểu cũng không được.

Ngày Rằm tháng hai năm Nhâm Thân đời Chu Mục Vương, bỗng có gió dữ thổi bay nhà gãy cây, núi sông chấn động. Ở phương Tây có ráng trắng chia làm mười hai vệt chạy từ Bắc đến Nam. Vua hỏi quan thái sử Hỗ Đa, quan tâu: Đây là điềm đại Thánh nhân ở phương Tây qua đời (Chu Thư Dị Ký).

Vào thời Mục Vương, ở nước cực Tây có hóa nhân đến, đi vào nước lửa lại ra sông núi, thiên biến vạn hóa khôn cùng. Mục Vương kính như thần, thờ như vua, lên núi Chung nam xây đài Trung thiên cao cả ngàn nhận (Liệt Tử).

Thời Mục Vương, Văn-thù và Mục-liên (Văn-thù Bồ-tát, Hán gọi là Diệu Đức; Mục-liên Tôn giả, Hán gọi là Thái Thúc từ phương Tây đến dạy vua bày ra bốn Cao đài là nơi Phật Ca-diếp thuyết pháp (bốn anh em họ Cao xây nên). Nhân đó lập ba hội đạo tràng, ở núi Chung nam xây đài Trung thiên cao ngàn thước (Liệt Tử hóa nhân tức Vănthù…). Con thứ hai của vua ở hang đá Bắc Sơn tại Thấm thủy tạo tượng Phật Ca-diếp. Vua lại ở chùa Phật Ca-diếp cũ tại Cổ Sơn cất lại chùa Trúc lâm. Thần núi theo Phật thỉnh năm trăm vị A-la-hán đến ở (Thiên Nhân Hoặc Thông Truyện).

Bàn rằng: Phật pháp truyền đến Đông độ bắt đầu từ Chu Mục Vương, vua đã tạo tượng cất chùa tuân theo phép xưa của Phật trước, tin rằng các Phật quá khứ đã hoằng hóa ở đất này. Đến khi Thất Lợi Phòng mang kinh sang Tần, Tần Thủy Hoàng từ chối bảo đem ra khỏi nước, ấy bởi vì thời chưa đến, Cơ chưa thuần mà thôi. Đến thời Hán, Minh Đế ứng mộng thì Tam bảo cùng hưng thịnh cả vua, tôi, thứ dân cùng kéo nhau đến quy mạng. Đây là việc Tô Do bảo là: “Điềm ứng hiện một ngàn năm nữa giáo pháp sẽ truyền đến đây.”

Đời Chu Ý Vương (tên con của vua Cung Vương)

Năm Ý Vương thứ tám, Sơ Tổ Ma-ha Ca-diếp (Hán gọi là Đại Ẩm Quang) trước đây ở trên hội Pháp hoa đã nghe Phật nói về Dụ Nhà Lửa, ngài Ca-diếp cùng bốn Đại Thanh văn do đó đã lãnh hội, nên được Phật thọ ký làm Phật hiệu Quang Minh (đây chung với việc phó chúc Pháp). Đến khi nhập Niết-bàn, Phật bảo đại chúng rằng: Nay ta có chánh pháp vô thượng đã đem phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp, sẽ làm nơi Đại Y Chỉ cho các ông (thấy ở phó pháp riêng, trụ trì ở đời mạt pháp nên dụng nghĩa khác). Di Mẫu đã hiến cho ngài Y Ca-sa sợi vàng để đợi ngài Từ Thị thành Phật mà giao lại. Ngài Ca-diếp hoằng truyền đến hai mươi năm thì đem pháp tạng giao lại cho A-nan-đà. Rồi ngài đem y Phật đến núi Kê túc, nhập Diệt Tận Định đợi ngài Di-lặc hạ sinh (Di-lặc, Hán gọi là Từ Thị – Di Mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Hán gọi là Đại Ái Đạo. Núi Kê túc, Linh thứu có ba ngọn như ba ngón chân gà ngữa ra).

Đời Chu Hiếu Vương, tên Tịch Phương, em Ý Vương.

Năm Hiếu Vương thứ ba, Nhị tổ A-nan-đà (tức Khánh Hỷ, em họ của Phật) hoằng pháp hai mươi năm ở nước Ma-đột-la, đem pháp tạng phó chúc cho Thương-na Hòa-tu (Hán gọi là Thảo Y), lại ở giữa dòng sông Hằng hóa thành đất vàng, nói pháp và thọ ký cho Mạt-điền-địa (Hán gọi là Hà Trung) và năm trăm Tiên nhân.

Năm Ý Vương thứ ba mươi hai, Tổ thứ ba là Thương-na Hòa-tu ở nước Ma-đột-la đem pháp tạng giao phó cho Ưu-ba-cúc-đa (Hán gọi là Đại Hộ).

Đời Lệ Vương (Con vua Hồ Di) – Năm thứ ba mươi ba.

Sau khi Đức Phật diệt độ một trăm năm, tại thành Hoa thị nước Trung Thiên Trúc (Vương cung Đa Hoa) vua A-dục (Hán gọi là Vô Ưu) sai sứ đến bạch ngài Cúc-đa muốn đến thăm hỏi. Ngài Cúc-đa liền đến chỗ vua xoa đỉnh đầu nói kệ chỉ rõ nơi xưa kia Đức Như Lai đi qua hoặc đến ở đều phải xây tháp. Lại lấy xá-lợi Phật mà vua A-xà-thế đã dấu dưới Long cung sông Hằng đem lên xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp. Lại khuyên các quỷ thần ở cõi Diêm-phù-đề, mỗi thành ấp nào có đủ một ức nhà thì lập một tháp… Thuở xưa, khi Phật ở thành Vương xá đi khất thực, có một cậu bé ở xa nhìn thấy Đức Thế Tôn, nghĩ rằng mình dâng cúng lên ngài bột gạo, rồi cậu bỏ vào bát ngài một nắm cát mịn. Nguyên nhờ công đức này mà được làm vua bao trùm một cõi thiên hạ tức nơi đời này được cúng dường Phật. Đức Thế Tôn mỉm cười bảo A-nan rằng: Sau khi ta diệt độ một trăm năm thì cậu bé này làm vua Chuyển luân thống lãnh một cõi, họ là Khổng Tước tên A-dục, cai trị bằng chánh pháp, xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp Pháp vương mà phân bố xá-lợi ta khắp nơi.

Bàn rằng: Ngài Ma-đằng tâu vua Hán Minh Đế rằng: Tháp vua A-dục ở nước Chấn Đán có mười chín ngôi. Bồ-tát bảo Lưu-tát-ha là ở Lạc dương (Thánh Trũng), Kiến Nghiệp (Trường Can), Mậu Âm (Ngọc Kỷ), Lâm Trung, Thành Đô, năm chỗ có tháp vua A-dục. Nay mười chín chỗ không thể biết hết. Nhưng khảo sát năm chỗ thì chỉ riêng tháp ở Mậu Âm là bày rõ trên thế gian có thể đến chiêm bái. Tin tưởng rằng có thể làm bến bờ nơi biển cả để quần sinh có cơ may gặp Phật.

Năm Lệ Vương thứ ba mươi tư. Sau khi Phật diệt độ một trăm năm thì ở thành Tỳ-xá-ly có Tỳ-kheo Bạt-xà-tử tự ý xướng lên mười việc, như nói Phật cho giờ ngọ quá hai đốt tay thì được ăn, cho đến được giữ vàng bạc. Khi kiểm tra lại thì tất cả đều là phi pháp, trái Tỳ-ni (Hán gọi là Luật). Có bảy trăm vị A-la-hán kết tập và luận pháp Tỳ-ni (kiết tập lần thứ hai có bảy trăm vị A-la-hán).

Năm Lệ Vương thứ năm mươi mốt – Tổ thứ tư là Cúc-đa ở nước Ma-đột-la đem pháp tạng phó chúc lại cho ngài Đề-ca-đa.

Đời Chu Bình Vương (tên Nghi Cữu, con U Vương, ở phía Đông dời đô về Lạc dương), năm thứ ba mươi hai. Tổ thứ năm là Đề-ca-đa ở nước Trung Thiên Trúc đem pháp tạng phó chúc cho ngài Di-giá-ca.

Đời Chu Trang Vương (tên Tha, con của Hằng Vương), năm thứ bảy.

Sau khi Phật diệt độ hai trăm năm, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đến Tuyết Sơn hóa độ cho năm trăm Tiên nhân và trở về nơi ở cũ, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới rồi nhập Niết-bàn.

* Ngày Tân Mão tháng tư mùa Hạ năm Lỗ Trang Công thứ bảy thì không có Hằng Tinh, Tăng gọi là Đêm Sáng (Truyện Chú – Ngày năm tháng tư Tân Mão).

Bàn rằng: Ngài Thiên Thai sớ Kinh Tịnh Danh nói rằng: Khi Phật sinh sao sa như mưa. Đây là do Thụy Ứng Kinh nói có Phất Tinh xuống hầu cho nên mượn Văn Tả Truyện để hình dung. Ngài Cô Sơn Tịnh Giác không thể phân biệt, bèn nói ngài Thiên Thai lấy năm Trang Vương thứ hai làm năm Phật sinh. Song truyện nói là năm Tân Mão, ấy là ngày năm tháng tư thì thấy không hợp. Nếu muốn việc đêm sáng của Đại Truyện là thực thì nên lấy việc Đức Văn-thù phóng quang nhập Niết-bàn để chứng nghiệm.

Đời Chu Tương Vương (tên Trịnh, con Tuệ Vương), năm thứ ba. Tổ thứ sáu là Di-giá-ca ở Bắc Thiên Trúc đem pháp tạng phó chúc cho ngài Phật-đà Nan-đề.

Thời Tần Mục Công, Phù Phong có nhặt được một tượng đá, Mục Công không biết bèn bỏ trong tàu ngựa. Thần giữ tượng nổi giận khiến Công bệnh. Công lại nằm mộng thấy Thiên đế quở trách, bèn đem việc hỏi quan hầu cận, Do Dư đến xem tượng, bảo: Đó là Thần Phật. Công liền tắm gội tượng và đặt vào tịnh thất. Tượng bỗng phóng quang. Công rất ngạc nhiên, liền cho mời thợ đến tạo một tượng bằng đồng. Năm Chu Linh Vương thứ tư, Tổ thứ bảy là Nan-đề ở nước Đề-già phó chúc pháp tạng cho ngài Mật-đa.

Năm đầu đời Chu Nguyên Vương (tên Nhân, con của Kỉnh Vương). Tổ thứ tám Mật-đa ở Trung Thiên Trúc phó chúc pháp tạng cho ngài Hiếp Tỳ-kheo.

Năm đầu đời Trịnh Định Vương (tên Giới, con của Nguyên Vương). Trịnh Liệt Ngự Khấu ở ẩn tại Trịnh Phố viết sách khen Đức Khổng Tử đáp lời Thương Thái Tể rằng: Người ở phương Tây vì có Thánh nhân nên không cần trị mà không loạn, không cần nói mà tự tin, không cần dạy mà tự làm, khắp cả dân chúng bình dị, không biết gọi là gì? Sách đó có tám thiên, đề tên Liệt Tử.

Trương Vô Tận luận rằng: Liệt Tử học theo Khổng Tử, Khổng Tử là Thánh nhân mà còn biết Pháp ở Tây phương, còn người học lại chưa đọc sách đó nên chê bai Phật là việc thế nào?

Năm thứ tư đời Chu Khảo Vương (tên con của Trinh Định). Sau khi Phật diệt độ năm trăm năm, ở nước Thiên Trúc ngài Vô Trước ra đời rộng truyền giáo Pháp. Người em là Thiên Thân lúc đầu viết năm trăm bộ luận tiểu thừa. Sau nhờ Vô Trước Khai ngồi lại viết năm trăm bộ luận Đại thừa, đời gọi là Luận Sư Ngàn Bộ.

Năm thứ chín đời Chu Oai Liệt Vương (tên Ngọ, con Khảo Vương) – Tổ thứ chín là Hiếp Tỳ-kheo ở thành Hoa thị phó chúc pháp tạng cho ngài Phú-na-dạ-xoa.

Năm thứ ba mươi lăm đời Chu Hiển Thánh vương (tên Thiên, em của Oai Liệt). Tổ thứ mười là Dạ-xoa ở thành Hoa thị phó chúc pháp tạng cho ngài Mã Minh. Lúc đầu Mã Minh lấy dao khắc lên gậy bài minh rằng: “Kẻ trí nào trong thiên hạ thắng được ta, ta xin cắt đầu tạ tội.” Lúc đó tổ Dạ-xoa ngồi trong rừng vắng nói các pháp Không, Vô ngã, Vô nhân, hỏi Mã Minh rằng: Nếu ở thế đế thì giả gọi là Ngã, còn Đệ nhất nghĩa đế thì làm sao có Ngã? Mã Minh biết nghĩa lý mình không thắng, định cắt đầu tạ lỗi. Tổ Dạ-xoa bảo: Pháp của ta nhân từ không chém đầu ngươi. Như Lai đã thọ ký cho ngươi là sau sáu trăm năm sẽ truyền pháp Tạng. Do đó Tổ độ cho xuất gia.

Năm thứ ba mươi mốt đời Chu Noãn Vương (tên Diên, con của Tịnh Vương) – Tổ thứ mười một là Mã Minh, ở Nam Thiên Trúc phó pháp tạng cho Ca-tỳ-ma-la. Ngài Ma-la viết Vô Ngã Luận đủ một trăm bài kệ, Luận này truyền đến đâu thì Ma, ngoại đạo đều bị tan rã (thu phục).

Đời nhà Tần:

Năm thứ tư đời Tần Thủy Hoàng (tên Doanh Chính, con của Trang Tương Vương). Ở Tây Vức có Sa-môn Thất Lợi Phòng… mười tám người mang kinh Phật đến truyền bá. Tần Thủy Hoàng cho là dị tục bèn bắt cầm tù. Đêm đến có Kim Thần cao một trượng sáu phá cửa thả ra. Vua kinh hãi cúi đầu tạ lỗi. Rồi dùng lễ trọng hậu sai Người đưa ra khỏi nước (Chu Thượng Hành Kinh Lục).

Năm thứ mười ba, đời Tần Thủy Hoàng, Tổ thứ hai là Ma La ở Nam Thiên Trúc phó chúc pháp tạng cho ngài Long Thọ. Ngài ra đời sau Phật diệt độ bảy trăm năm. Chỉ trong chín mươi ngày ngài tụng thông ba tạng. Ngài viết Đại Vô Úy Luận có mười vạn bài kệ nói về Đệ nhất nghĩa (một tên là Đại Trí Độ Luận. Sư tích ngài Long Thọ xin xem trong Bản Kỷ Tổ mười bốn).

Năm ba mươi bốn đời Tần Thủy Hoàng. Thừa Tướng Lý Tư tâu vua xin Sử Quan ghi rằng: “Không phải sách Tần đều đốt bỏ, không phải Bác Sĩ thì không cho giữ chức. Trong thiên hạ ai dám giấu cất Thi Thư của Bách Gia đều bị bắt đến Quan thiêu sống. Ai dám làm ngụ ngôn về thi thư đều đem chém ở giữa chợ.” Vua bèn chấp thuận.

Lời tựa của Vệ Hoằng Cổ Văn (Hậu Hán) nói: Nhà Tần đổi Cổ Văn lấy chữ Triện làm chữ Lệ, người trong nước chê bai. Lúc đó các học trò là Lang Giả… bảy trăm người. Tần Thủy Hoàng mật lệnh cho người vào tháng Đông trồng dưa nơi chỗ ấm trong hang Hình tại Li Sơn. Dưa có hạt, bèn sai người dâng thơ rằng: Dưa mùa Đông có hạt. Vua ra chiếu gọi Bác sĩ Chư Sinh giải thích. Ai nấy lấy làm lạ đều bảo nhau đến xem. Vua cho làm hầm ngầm. Các học trò đang thảo luận nhân đó nhấn nút cho hầm sụp rồi lấp đất lại.

Bàn rằng: Lý Tư khuyên vua Tần đốt sách chôn học trò, việc đó quá ư trái đạo trời tuyệt lý người. Thôi Hạo khuyên vua Thái Võ dẹp đạo Phật, đốt Kinh chôn đồ chúng. Đây là theo phép bạo Tần xưa. Hàn Dũ nói về việc đó bảo rằng: Người hại người đốt bỏ sách vở, đó là dùng cách cũ của Thôi Hạo. Chỉ thiếu loại vua chúa ấy mà thôi! Tuy lời nói khống không gây họa, khiến kẻ đời sau có bậc nhân Sư lại dùng lời nói ấy đâu chẳng làm phiền lụy đến Thạnh đức ư? Hãy nên răn dè vậy.