Phật sự giữa người và quỷ

  Hòa Thượng Thánh Nghiêm

Có một số người ngộ nhận khi làm Phật sự để rồi trở thành những người chuyên vì người chết mà bày vẽ ra các nghi thức cúng tế. Nhân đây, tôi một lần nữa cảnh báo họ: đối tượng giáo hóa chủ yếu của Phật giáo là người sống chứ không phải là người chết, nếu vì vong linh cầu siêu độ đó chỉ là biện pháp thứ yếu chứ không phải là sứ mạng căn bản của Phật giáo.

Vì thế,  chúng ta khi còn sống nên cố gắng làm Phật sự, còn bằng đối với người chết cố nhiên cũng cần làm Phật sự, cho đến các việc như kết hôn, sanh nở, cầu an, đảo bệnh, thăng chức, khai trương, giao dịch, kiến thiết, đi buôn… đều nên làm Phật sự. Cố gắng tích công bồi đức làm lành tạo phước chứ đâu phải làm Phật sự chỉ vì siêu độ người chết mà thôi. Cho nên, Phật pháp có thể tạo phước cho đời này có thể tạo phước cho đời sau, có thể tạo phước thế gian khiến con người được giàu sang phú quý, đặc biệt có thể tạo phước đức và trí tuệ để đạt thành viên mãn quả vị Phật.

Tập quán dân gian xưa nay cho rằng việc tụng kinh bái sám là để cấp cho loài Ngạ quỷ ở cõi âm một số tiền để có thể sử dụng, lại đốt giấy tiến vàng mã là ban tặng cho loài Ngạ quỷ ở cõi âm có thêm tài vật để hưởng thụ. Thật ra trong Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này. Mục đích của việc tụng kinh, bái sám là để siêu độ tăng phước cho ngưới chết, và người chết không phải ai cũng đều đầu thai vào loài Ngạ quỷ. Thứ nữa chúng sanh ở loài Ngạ quỷ cũng không cần người sống cung cấp cho họ tiền bạc, bởi tiền bạc chỉ có công dụng mua bán đổi chác nơi người sống. Còn việc đổi giấy tiền vàng mã cũng chỉ là phong tục dân gian của người Trung hoa, xuất phát từ thời đại Hán, Đường lưu truyền cho đến ngày nay mà thôi.

Cố nhiên con người sau khi chết nếu không được giải thoát cũng chỉ có một trong sáu phần có khả năng đầu thai vào loài Ngạ quỷ. Vì thế mong các vị, không nhất thiết ngưới bà con của mình chết đầu thai vào loài Ngạ quỷ, chỉ cần các vị có tâm chí thành khẩn thiết làm Phật sự để cầu nguyện chư Phật, Bồ tát từ bi gia hộ người bà con của mình, nhờ phước phần đó nếu không được vãng sanh thì tối thiểu cũng làm cho họ được sanh vào cõi người hưởng thọ sự giàu sang, hoặc sanh về các cảnh giới trời hưởng thọ các điều an vui.

Tại Trung hoa đại lục ngày nay vẫn còn tồn tại các hủ tục, như là người nam sau khi chết gia đình thỉnh vị Hòa thượng đến làm một lễ Phật sự “Quá độ kiều” (Dắt hồn qua cầu ) hoặc “Phá Địa ngục” ( Phá cửa Địa ngục ) ; người nữ sau khi chết thì làm lễ Phật sự  “Phá huyết hồ” (Phá hồ máu ). Phong tục này vốn không có căn cứ trong Phật giáo và Phật giáo cũng không chủ trương tất cả con người sau khi chết đều đọa vào Địa ngục. Vì sao chúng ta nhất định đem vong linh mới chết dẫn vào trong Địa ngục, một phen tới lui nơi cầu Nại hà và ao máu ư!

Vì thế, tôi xin khuyên các vị nào có duyên đọc bản văn này, bản thân các vị khi còn sống nên cố gắng làm Phật sự đồng thời hiểu rõ vì sao cần làm Phật sự ? Và nên làm những Phật sự gì?