Phật Giáo và Cao Đài Có Liên Quan Nào Không?

Tạng Thư Phật Học

Kính gởi ban biên tập,

Tôi là người đến với giáo lý của Phật giáo thời gian không lâu, nên chưa rành và am hiểu hết những giáo lý cũng như nền móng xây dựng nên nền giáo lý của Phật giáo. Xuất thân từ ngoại đạo, nhưng tôi lại rất thích tìm hiểu về giáo lý của đạo Phật. Sức thu hút không chỉ là sự tìm hiểu có tính cách tò mò mà nó đã có cái gì đó trong siêu hình đã cuốn hút tôi vào và tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về giáo lý của đạo Phật. Vì thiện duyên ít ỏi, nên chưa thông hiểu hết những gì mà chính bản thân còn nghi vấn.

Gần đây, có một người bạn thân xuất thân là tín ngưỡng của đạo Cao Đài cũng là đạo mà gia đình tôi đã tin tưởng, nhưng tôi thì lại thấy giáo lý của đạo Cao Đài có gì đó đã không phù hợp với lối suy tư của bản thân. Người bạn tôi cho biết, là tin Phật hay không thì trong Cao Đài cũng đã bao trọn Phật giáo trong đó, nên khuyên tôi không cần phải thọ giới Tam Quy. Nhưng trên đường tìm hiểu giáo lý của Phật giáo, tự bản thân của tôi nhận thấy, giáo lý của Phật giáo là con thuyền đưa người đến thẳng điểm rốt ráo giải thoát.

Vậy điều tôi muốn hỏi là, Phật giáo và Cao Đài có liên quan gì với nhau không, và Phật giáo có thừa nhận giáo lý Cao Đài là một phần đại diện cho Phật giáo hay không?

Tôi kính xin ban biên tập từ bi mà giải thích rõ cho tôi hiểu giúp tôi chọn đúng đường tu tập, gởi lòng tôn kính của mình nơi bậc giác ngộ.

Xin biết ơn nhiều.

Trương Thái Hòa


Kính gởi đạo hữu Trương Thái Hòa,

Trước khi chúng tôi mạo muội trả lời các câu hỏi của đạo hữu, xin cho chúng tôi đôi lời bày tỏ trước.

Để tránh đụng chạm đến những giáo lý của ngoại đạo. Chúng tôi xin không bàn đến những giáo lý của họ. Nhưng vì đạo hữu hỏi chúng tôi sự khác biệt giữa Phật giáo và Cao Đài, và Phật giáo có thừa nhận Cao Đài là một phần đại diện của Phật giáo hay không? Vấn đề này vì liên quan đến giáo lý của Phật giáo, nên chúng tôi cần phải làm sáng tỏ. Chớ không hề cố tâm đụng chạm hay phản bác, cho nên mong đạo hữu cùng những ai sẽ có thắc mắc tương tự tự hiểu và hoan hỷ cho, chúng tôi vô cùng biết ơn.

Kính thưa đạo hữu,

Chúng tôi thân phận là người con Phật mạnh dạng trả lời rằng, giữa giáo lý của Phật giáo và Cao Đài không hề có sự liên quan nào cả. Phật giáo cũng sẽ không thừa nhận rằng Giáo lý Cao Đài là một phần đại diện nào đó cho giáo lý của Phật giáo. Tuy biết rằng trong giáo lý Cao Đài đã vinh danh chư Phật (nhưng còn rất hạng hẹp, trói buộc, thiển cận và kém hiểu biết về quả vị của Phật, khi đặt đức Phật dưới quyền lãnh đạo của Thượng Đế), và đã lấy phần nào kinh điển của Phật giáo để làm nền tảng giáo lý của Cao Đài, với cái định nghĩa của họ là:

Các tín đồ Cao Đài cho rằng sau một thời gian phổ độ, các giáo lý được Thượng đế truyền dạy theo thời gian đã bị các tín đồ diễn giải sai lạc, không còn mang đúng giáo lý nguyên thủy của Ngài. Vì vậy, Thượng đế một lần nữa đã truyền dạy cho các đệ tử của mình ở các nơi trên thế giới, thực hiện nhiệm vụ chấn hưng nền đạo. Từ đó hình thành Phật giáo Đại thừa, Đạo giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo. Thời kỳ này các tôn giáo được chấn hưng và phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi ranh giới vùng miền quốc gia, dần truyền bá ra thế giới“.

Thật là tội lỗi khi cho rằng Đức Phật là một trong những tín đồ, thừa lệnh của thượng đế để giảng đạo, và đã giảng sai lệch, nên nay mới gôm tựu lại hết những giáo lý của những tôn giáo khác v.v….

Phật giáo không bao giờ tin tưởng vào Thượng Đế, thì làm sao Cao Đài có thể là một phần tử đại diện cho giáo lý nhà Phật được hay có liên quan gì? Giáo lý của Phật giáo là chính từ kim khẩu của đức Thế Tôn nói ra, còn giáo lý của Cao Đài là do ứng cơ mà thành lập, thì quá là xa vời đối với giáo lý của Phật giáo. Người tự xưng là Cao Đài Tiên ông cũng là giáo chủ của đạo này, khi cho rằng đức Phật cũng là một trong những tín đồ thừa lệnh giảng pháp tuỳ vào thời cơ, nên nay đã đến lúc Tiên Ông mới giáng cơ và thâu tóm về một tôn giáo (Cao Đài).

Thật tội lỗi, khi cho đức Phật còn hạng hẹp dưới quyền lãnh đạo của Cao Đài Tiên Ông. Người giáng cơ này thật sự là ai? Muốn biết thì phải học Phật thì sẽ rõ. Giáo lý đó chưa được đức Thế Tôn thừa nhận, nên Phật giáo không bao giờ thừa nhận rằng Cao Đài là một phần tử đại diện cho Phật giáo. Giữa Phật giáo và Cao Đài tuyệt đối chẳng có liên quan gì với nhau, giáo lý của Phật giáo và kinh điển của Phật giáo mà họ lấy làm một trong những giáo lý của Cao Đài thì tuỳ họ, họ thích thì cứ lấy, nếu có thể theo đó mà tu tập thì là tốt thôi, việc này không có gì trở ngại cả. Nhưng nếu muốn chứng được sự giác ngộ giải thoát rốt ráo thì họ cần phải trải qua một thời gian rất lâu xa, họ phải đi vòng quanh, rồi trở lại tu hành theo những pháp môn rốt ráo của Phật, mới có thể bước vào tòa nhà giải thoát. Tuyệt đối Phật giáo không thừa nhận rằng họ là phần đại diện nào cho giáo lý rốt ráo của nhà Phật.

Phật giáo lấy Duyên Khởi, Nhân Quả, Luân Hồi, Nghiệp Báo làm nền tảng căn bản. Đức Phật đã bác bỏ tin tưởng vào một đấng thần linh tối cao, có năng lực sáng tạo ra vạn vật và vũ trụ, và Ngài khẳng định: “ Nếu quả thật có một đấng Thượng Đế, có thể sáng tạo ra vạn vật và vũ trụ, thì chính người này là người tội lỗi vô cùng. Vì con người chỉ vâng mệnh hành theo ý của ông ta mà thôi”.

Cái gọi là Thượng Đế tối cao vô thượng của ngoại đạo, chính là vị vua trời Đế Thích (Đế Thích Hoàn Nhân) trong Phật giáo. Đế Thích chủ chính là vị chúa trời của tầng trời Đao Lợi, vị chúa trời này cai quản hết 33 tầng trời của cõi trời Đao Lợi trong Dục giới và ông ta cai quản luôn cõi nhân gian, bao gồm luôn cả cõi của chúng ta đang sinh sống. Ông ta là một vị chúa trời có đầy quyền lực, nhưng trong Phật giáo thì ông ta cũng chỉ là một vị hộ Pháp mà thôi. Vẫn còn nằm trong vòng sinh tử, cái tội lỗi lớn hơn khi cho đức Phật là một vị thần của Thượng Đế, ngồi dưới biểu tượng của Thượng Đế là Thiên Nhãn của đạo Cao Đài.

Để tránh đi sâu vào vấn đề, đụng chạm đến những người hiếu chiến, cuồng tín, nên chúng tôi xin nói rõ rằng, nếu quả thật chư Phật hay một vị Bồ tát nào mà tùy duyên hóa độ, phương tiện ứng thân, hóa thân ngoài Phật giáo, thì đều phải ẩn danh và mang tích khác. Tuyệt đối không thể mang hóa thân, ứng thân Phật hay Bồ tát, huống gì là chuyện giáng cơ mà đối với Phật giáo là tà pháp, vì sao. Vì tất cả những việc đó là biểu thị vấn đề ngoài Phật giáo, nên không thể xưng rằng là Bồ tát, hay Phật  (giác ngộ) được. Vì danh từ Bồ tát, hay Phật đều mang ý là giác ngộ, mà giác ngộ thì là người của Phật giáo, tuyệt đối chẳng phải là biểu tượng của ngoại đạo.

Bồ tát Quán Thế Âm là một vị bồ tát vốn đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì lòng đại từ ẩn đại bày tiểu để cứu vớt muôn loại. Ngài là người đã giác ngộ thì không thể nào giáng cơ thuyết pháp như những gì tín đồ của Cao Đài đã đặt ra. Bồ tát Quán Thế Âm có thể hiện ra muôn ngàn ức thân hình và đối tượng khác nhau, để tuỳ duyên cứu độ chúng sinh, nhưng Ngài sẽ không hiện thân phận là Bồ tát hay Phật ở trong ngoại đạo, mà chỉ có thể hiện ra những vị thần hay những loại thân hình khác mà thôi.

Vì Bồ tát hay Phật là biểu tượng của sự Giác Ngộ, giải thoát rốt ráo. Ngoài Phật giáo sẽ không có giáo pháp nào là giác ngộ, giải thoát rốt ráo cả. Thần lực của Bồ tát Quán Thế Âm thật sự to tác và rốt ráo viên mãn biết dường nào, trong những bộ Kinh lớn đức Thế Tôn đã dạy và giảng giải rất rõ ràng về đại hạnh nguyện từ bi và oai lực của vị Bồ tát này to lớn không thể nghĩ đến, nếu muốn biết xin hãy đọc bộ “Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng” thì sẽ rõ. Trái lại trong giáo lý Cao Đài lại xem Bồ tát như là một thần linh và đặt Ngài vào vị trí ngang hàng với những vị thần khác của ngoại đạo, tội lỗi hơn nữa là xem Ngài như là một tôi tớ của Thượng Đế. Tội lỗi vô cùng.

Sự tin tưởng của tín đồ đạo Cao Đài, khi cho rằng đức Phật cũng giáng cơ để giảng pháp, dựa theo lời dạy của Phật đà thì hoàn toàn không thể xảy ra. Chúng tôi không dám nói là những người ứng cơ kia là giả dối, mà chúng tôi chỉ khẳng định tính cách riêng của Phật giáo mà thôi. Xin đừng xem Đức Phật như là một thần linh, đức Phật là người hoàn toàn giác ngộ viên mãn và giải thoát.

Cao Đài là Cao Đài không liên quan gì đến giáo lý của Phật giáo, mong đạo hữu hiểu rõ điểm này. Đối với Phật giáo thì Cao Đài cũng như những tôn giáo khác, là giáo pháp ngoại đạo, tin hiểu sai lầm. Có chăng cũng là phước báo của Nhân Thiên mà thôi. Dù trong đó đã có nói đến những kinh điển và giáo lý của Phật giáo. Nhưng người sáng lập ra đạo này, chẳng hiểu gì về Phật giáo cả. Khi đặt đức Phật vào vị trí của một vị thần linh nào đó, dưới quyền lãnh đạo của Thượng Đế, và tội lỗi hơn thế nữa, xem những pháp hạng hẹp, sai lầm đầy trói buộc của ngoại đạo, sắp ngang hàng và trên giáo pháp rốt ráo của chư Phật.

Người bạn của đạo hữu đã nói sai vì không hiểu gì về Phật giáo, nên mới bảo rằng, “Dầu tin hay không tin thì Cao Đài đã bao trọn Phật giáo trong đó“. Giáo lý của đạo Phật là sự rốt ráo viên mãn, còn Cao Đài là tư tưởng của thần linh, đầy trói buộc làm gì có chuyện là Cao Đài bao trọn Phật giáo, thật là hết sức tưởng tượng, như người mù sờ voi mà thôi. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định rằng Cao Đài chẳng liên quan gì đến giáo lý rốt ráo của đạo Phật cả.

Nói tóm lại, người Phật tử chân chánh, chỉ nương tựa và gởi hết thân mạng của mình vào ba ngôi Tam Bảo là Phật – Pháp – Tăng. Ngoài ra người Phật tử chúng tôi không tin tưởng và nương tựa vào một đấng thần linh nào khác.

Phật giáo bác sự hiện hữu của một Thượng Đế có bản năng sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật, nhưng Phật giáo không phủ nhận sự tồn tại của chư thần. Vì Trời, cũng chỉ là một trong sáu cõi luân hồi trong lục đạo; trời, người, a tu la, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Nếu muốn hiểu được những sự thắc mắc này, chúng tôi tin tưởng rằng, Ngoài Phật giáo ra không ai có thể trả lời chính xác và chân thật hơn.

Như trên đã nói, chúng tôi chỉ phân biệt giữa giáo lý của Phật giáo với Cao Đài, và chúng tôi chỉ trả lời theo tính cách của người Phật tử, chớ không muốn đụng chạm đến bất cứ một ai. Đạo hữu muốn tu học theo Phật giáo để giải thoát thì Phật giáo chính là con đường lựa chọn sáng suốt nhất, còn nếu như không muốn giải thoát ra khỏi vòng luân hồi mà chỉ muốn hưởng phước báo Nhơn Thiên, thì đạo hữu có thể chọn theo ý thích của mình. Chỉ cần giữ giới, làm thiện, không sát hại và không tạo ra những điều ác, siêng làm việc bố thí và những việc lành khác để tích phước hưởng Phước báo Nhơn, Thiên.

Xin kính chúc đạo hữu sáng suốt, tin sâu lời Phật dạy để sớm được giải thoát chân chánh.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.

Trân trọng,


Xin chân thành cám ơn ban biên tập, đã giúp chỉ bày mối nghi. Giúp cho tôi có đủ lòng tin để đi sâu và tìm hiểu giáo lý của đạo Phật.

    Kính thưa ban biên tập, tôi thường nghe đạo Phật nói là ” Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” hay ” Ta là Phật đã thành các con là Phật sẽ thành”. Theo vậy thì những người tu hành theo tà Pháp của ngoại  đạo cũng có Phật tánh nữa sao và họ cũng sẽ được thành Phật hay không?

Tôi muốn trở thành một người con Phật tử chân chánh, trước khi thọ giới Tam Quy Ngũ Giới, thì phải làm những gì, để thanh tịnh tâm và trở về nương tựa vào ba ngôi Tam bảo? Tôi rất tin tưởng vào trang nhà Tạng Thư Phật Học, qua lối trình bày và lòng từ bi của tất cả thành viên trong ban đã cho thấy lối tu hành của quý vị rất trân quý. Tôi được biết đến trang nhà là vì được vài Phật tử mà tôi quen biết giới thiệu, nên kính mong ban biên tập một lần nữa giúp tôi hiểu rõ, để thật sự trở về nương tựa nơi Tam bảo.

Xin cám ơn ban biên tập rất nhiều.

Trương Thái Hòa


Nam mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo!

Đạo hữu Trương Thái Hòa kính,

Chúng tôi thật không dám nhận những gì đạo hữu đã có lòng thiện cảm dành cho chúng tôi. Chúng tôi là người con Phật giúp được gì thì chúng tôi nguyện hoan hỷ làm hết khả năng, chớ không dám nhận rằng là chúng tôi giỏi hay công phu tu hành nào cả. Nếu thật sự có chút công phu thì chúng tôi không ở cõi này mà thọ khổ. Chỉ có lòng tin chắc thật đối với lời dạy của Như Lai, mong rằng được nương tựa vào lời dạy trí huệ và từ bi của chư Phật mà sớm được lên thuyền qua bờ giải thoát rốt ráo. Chúng ta nếu đã tin lời Phật thì trên bước đường tu học quyết phải vè vặt chớ để vọng niệm phát sanh, đó là điều quan trọng nhất. Cái đúng cái sai không do ở sách vở hay lời nói, mà nó thể hiện qua sự hiểu biết, sâu, cạn của người nghe nhận.

Như chúng ta thấy đó, cũng vì vậy mà trong Phật giáo có vô lượng pháp môn để thâu nhiếp tất cả chúng sinh, mà không bỏ sót một ai. Phật pháp ví như trận mưa Pháp lớn, không chỗ nào mà không đổ xuống, nhưng tuỳ theo cây lớn, nhỏ mà thu hút được lượng nước sai khác từ trận mưa Pháp. Cây lớn thì hút lượng nước lớn, cây nhỏ thì hưởng được một lượng nước nhỏ. Như vậy thì đâu phải lỗi của Phật Pháp, mà chỉ vì theo căn tánh của chúng sinh mà ra.

Cho nên người học Phật chúng ta, không nên phạm vào lỗi như nhiều người hiện nay đã vấp phải, là luận bàn thấp cao, hay dở v.v… Không thể y theo kiến thức của một bộ kinh này rồi bác bộ kinh kia, tu pháp môn này bác pháp môn nọ. Người như vậy là chưa thật sự hiểu gì, mà tất cả Kinh điển hay pháp môn đều là mối tương kết trợ giúp lẫn nhau, chớ không có sự chống trái nào hết. Có đi chăng cũng vẫn là ở lòng nhỏ hẹp của chính bản thân gây nên trở ngại.

Nhưng xét theo căn cơ và thời đại thì Pháp môn niệm Phật là một trong những Pháp môn rốt ráo nhất trong thời mạt Pháp này. Nhưng cũng chẳng phải vậy mà bảo rằng những pháp môn khác không còn có công năng đưa chúng sinh ra khỏi sông mê, mà hoàn toàn tuỳ thuộc ở người thật hành mà thôi. Sở dĩ nói Pháp môn niệm Phật là pháp môn hợp thời, hợp cơ, vì xã hội và phước báo của con người chỉ hưởng được phước báo Nhơn, Thiên. Xã hội theo thời đại thay đổi, điều kiện tu học cũng chẳng được chuyên nhất, trí huệ con người lại cũng giảm dần, xin lưu ý; trí huệ của nhà Phật nói không phải là cái trí thông minh của thế gian. Do đó, mà khó thực hành theo những Pháp môn khác để tự được giải thoát, nhưng nếu có bậc trí giả, giới luật, công phu đầy đủ thì cũng sẽ được giải thoát.

Chúng ta có thể thấy đó, sự tu chứng được đạo quả không phải do Pháp mà ở nơi người thực hành có đi đúng pháp mà Phật đà đã dạy hay không mà thôi.

Hai câu “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” và “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành“, câu này nói cho đúng là ” Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” do từ kim khẩu của đức Thế Tôn nói ra, Đức Thế Tôn đã khẳng định như vậy.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, và cũng sẽ thành Phật trong đời vị lai, một khi họ y theo giáo pháp của Phật đã dạy. Phật tánh bao gồm hết hữu tình và vô tình, dù người đó là ngoại đạo hay Phật tử đều có Phật tánh đồng nhau, tất cả đều có thể thành Phật, cho đến loài súc sanh cũng vậy. Không phải vì họ là người tu theo ngoại đạo thì không có Phật tánh. Đây là chân lý thường hằng không bao giờ biến đổi, dầu có Phật hay không có Phật thì chân lý vẫn không biến đổi. Nhưng tại vì không có người đủ trí huệ để nhìn thấy biết, duy chỉ có đức Phật, đã trải qua 3 đại A Tăng kỳ kiếp tu Bồ tát đạo và chứng được Phật quả nên mới có thể thấu suốt được nguồn gốc, cội rễ của tất cả vạn vật, muôn loài chúng sinh và vũ trụ. Đức Phật đã thấy rõ nguyên nhân sự thành hình của vạn pháp, nguồn gốc dẫn đến sự hoại diệt của Vô Thường. Trong mười phương Pháp giới đức Phật đều thấy rõ nguyên nhân hết không chướng ngại chút nào, dù đó chỉ là một sự sai lạc nhỏ nhoi như giọt nước cũng không. Đây là trí tuệ viên mãn rốt ráo của một quả vị Phật, do công sức tu hành tinh tấn của Bồ tát trải qua 3 Tăng Kỳ Kiếp mà chứng được.

Như luật Nhân Quả vậy, không phải người Phật tử tin thì có, mà người ngoại đạo không tin thì không có. Dù tin có hay không thì luật Nhân Quả vẫn hiện hành, đức Phật là bậc đại trí và hoàn toàn giác ngộ, thấy rõ nguyên nhân dẫn đến quả khổ và vui nên nói ra, chớ không phải có Phật mới có luật Nhân Quả hay do chính Phật đã tạo ra luật này.

Phật đà là đấng trí huệ và hoàn toàn giác ngộ, đức Phật có thể thấy rõ tất cả nguyên nhân của vạn vật từ đâu có và sau khi diệt hoại sẽ đi về đâu của tất cả muôn loài chúng sinh, như thấy lằn chỉ trong lòng tay. Ngoài trời mưa bao nhiêu hạt đức Phật đều thấy biết chớ không bị chướng ngại. Quả vị Phật là sự rốt ráo viên mãn như thế đó.

Trong giáo lý của Phật tùy theo căn tánh của từng mỗi chúng sinh mà nói, hợp căn cơ mà thành lập. Giáo lý của đạo Phật như biển cả mênh mông, thâu nhiếp tất cả, pháp rốt ráo và pháp không rốt ráo đều thâu nhiếp vào đây. Giáo lý của Phật giáo đã bao gồm hết tất cả giáo lý của ngoại đạo, trái lại giáo lý của ngoại đạo tuyệt đối không thể bao quát được giáo lý của đạo Phật. Đây là nói theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa tức là rốt ráo viên mãn, rồi tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật.

Đó là tinh thần rốt ráo viên mãn, phá chấp, nhưng khi thực hành thì Pháp ngoại đạo thì vẫn là ngoại đạo, vì là pháp trói buộc, tin hiểu sai lầm. Phật giáo vẫn là Phật giáo biểu trưng của sự giác ngộ và giải thoát. Muốn thông hiểu được những điều này, chỉ có học Phật mới có thể thấu suốt hết cội nguồn của pháp.

Tất cả chúng sinh hiện đang sống trong Pháp thân thường trụ của chư Phật, và tất cả muôn loài chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng và trí huệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, phân biệt và chấp trước tạo ra nhiều nghiệp ác cũng chính là tự tô dầu hắc lên mình nên không thể chứng đắc cũng chẳng thấy được sự thật. Nhưng nếu một khi y theo lời chỉ dạy của Phật thì tất cả đều viên mãn và thành Phật đạo rốt ráo như chư Phật không sai khác chút nào.

Chúng ta có thể thấy đôi chút qua mười đại hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm. Hai câu đầu trong mười câu đã nói lên ý nghĩa này rồi, và thật sự quá tuyệt hảo.

    Thứ nhất lễ kính Chư Phật

    Thứ hai xưng tán Như Lai

Hai câu này đã nói lên hết những thắc mắc và hoài nghi của đạo hữu. Đã giải tỏa hết bao sự thắc mắc của muôn loài chúng sinh.

Tại sao, không nói là xưng tán chư Phật mà lại bảo là xưng tán Như Lai. Đạo lý này thật ẩn chứa một diệu nghĩa vô cùng rốt ráo. Vì Phật là biểu trưng của sự tướng, Như Lai là biểu tượng của vô tướng. Nói đơn giản dễ hiểu hơn là, Phật là biểu tượng có Pháp có thể nói, Như Lai là biểu thị cho pháp không thể dùng lời nói hay trí hạng hẹp của sinh tử mà diễn đạt.

Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật nếu một khi họ đủ duyên giác ngộ và tu hành đều thành Phật cả. Nên khi thực hành bất luận là ai đều phải cung kính hết, nhưng không xưng tán, vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh nhưng chúng sinh chưa thành Phật, vọng niệm, đảo điên tin hiểu sai lầm, trôi lăn trong lục đạo.

Xưng tán Như Lai là vì biểu trưng cho sự giác ngộ viên mãn và giải thoát rốt ráo tận cùng. Đức Phật đã thật hành đúng Pháp và đã trở về với bản tánh thanh tịnh, không sinh cũng không diệt, không ở cũng không đi, không nói cũng không phải không nói, mà viên mãn rốt ráo tận cùng qua sự tu tập trải vô lượng kiếp tinh tấn hành Bồ tát đạo nên phải xưng tán.

Chúng ta phải có lòng cung kính đối với tất cả muôn loài chúng sinh, ngoại đạo, vì tất cả đều có Phật tánh. Nhưng tuyệt đối không xưng tán họ, hay giáo lý của họ cũng bởi ý nghĩa này. Nếu muốn hiểu được đạo lý này chúng ta phải thực lòng tu học Phật pháp.

Đạo hữu muốn thọ giới quy y, trước tiên là nên tìm một ngôi chùa thích hợp thường lui tới để gần gũi bên cạnh chư Tăng, và học hỏi những giáo lý căn bản, đạo hữu nên nhớ rõ rằng, giáo lý căn bản mà chúng tôi nói không phải như nhiều người nhằm lẫn là giáo lý hạng hẹp, nhỏ, mà chúng tôi nói giáo lý căn bản là nói đến những giáo lý tất cả người học Phật cần phải trải qua, phải thực hành, đây là đều bắt buộc chớ không phải giáo lý căn bản là pháp nhỏ, hạng hẹp dành cho người hạ căn đâu.

Sau một thời gian tìm hiểu và đã rõ được những giaó lý căn bản, cũng trong lúc đó tâm thành đều hướng về Tam Bảo, sám hối nghiệp chướng, cầu Phật gia hộ cho. Rồi mới thọ Tam Quy, Ngũ giới. Sau khi thọ Tam Quy Ngũ Giới phải quyết tâm giữ giới cho giới được thanh tịnh, làm những việc lành không làm việc xấu. Không được thờ hay xưng tán, lễ lạy quỷ thần. Chỉ có hướng về nương tựa ba ngôi Tam Bảo mà thôi. Làm được vậy là không phạm giới Tam Quy.

Hiện tại, có nhiều người đã là Phật tử, nhưng lại thờ những vị thần linh nữa, đây là đã Phạm vào Tam Quy “Con quy y Phật rồi, nguyện không quy y thiên thần, quỷ vật“.

Người Phật tử mới phát tâm, phải theo trình lớp mà giữ, chớ chưa được gì mà làm đủ thứ chuyện, như thờ, lạy nhiều vị thần v.v.. khi bảo thì họ bảo là phá chấp. Đúng và rất đúng, đó là phá chấp nhưng phải hỏi lại chính bản thân, chúng ta là ai? Còn những việc phá chấp là của hàng Bồ tát đạo. Những việc này trong vị lai chúng ta cũng vẫn phải trải qua. Việc làm đó, giới luật đó ai ai học Phật cũng đều phải trải qua nhưng tuyệt đối không phải là ở lúc này, nên hiểu rõ điểm này. Do đó, mà chúng tôi thường bảo rằng, tất cả đều do sự tu học và hiểu biết của cá nhân, chớ không lỗi ở pháp.

Đạo hữu hãy học để hiểu hết bộ Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thiện Hoa, để nắm rõ hơn những giáo lý căn bản của một người con Phật chân chánh.

Sau đó chọn một pháp môn thích hợp với bản thân rồi chuyên tâm hành trì, để được nhất tâm. Niệm Phật vãng sanh là pháp môn thích hợp nhất trong thời đại này. Nhưng cũng tùy theo căn duyên của mỗi người mà thôi, đó là hoàn toàn vào sự thích hợp với bản thân của đạo hữu. Ngoài ra cũng có thể phụ thêm những pháp khác, như trì chú, tụng kinh v.v… thật công đức không thể nghĩ bàn, nhưng phải chí thành, chân thật và nhất tâm.

Ngoài ra, thường nên đọc những bài khai thị của Hòa Thượng Tuyên Hóa, những bài pháp của Hòa Thượng Tịnh Không, những lời khai thị của Đại Sư Ấn Quang, để có lòng tin chân chánh cũng là nơi có thể y theo lời dạy quý báu của quý Ngài, để tinh tấn thực hành trên bước đường giải thoát.

Là người Phật tử chân chánh thường phải biết hổ thẹn, thường nghĩ đến công ơn của chư Phật, Cha Mẹ, Sư trưởng và xã hội. Phát đại nguyện, nguyện cho tất cả chúng sinh sớm viên mãn đại hạnh nguyện mà sớm thành Phật quả. Như thế nào đi chăng nữa, học Phật là quý ở chỗ thực hành, chớ chú trọng vào các sự tướng bên ngoài, hay dụng công ở đầu môi, phải sáng suốt và tinh tấn.

Chúc đạo hữu sớm thành sở nguyện, xin cầu chư Phật, Bồ tát và thánh chúng dẫn dắt đạo hữu vào con đường sáng suốt và tinh tấn, tin sâu lời Phật dạy, thực hành đúng Pháp, và sớm được giải thoát.

Xin nguyện cầu cho tất cả muôn loài chúng sinh, thường gặp duyên lành, trồng thiện căn, kết duyên vãng sanh, gặp Phật nghe chánh Pháp, đồng trọn thành Phật đạo.

Nam mô A Di Đà Phật!

Trân trọng,

—————————————

Những Dòng Góp Ý và Cảm Nhận của Quý Thiện Hữu Phật tử