PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 – KINH VÔ LƯỢNG THỌ
TẬP 9
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 05 tháng 5 năm 2015
Chư vị Pháp sư, các vị đồng học!
Mời xem hàng thứ năm, trang 54 của Bổn kinh, bắt đầu xem từ Chương 19: “Khi con thành Phật, vạn vật trong nước nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu chẳng thể tính kể. Các chúng sanh dẫu cho có thiên nhãn mà có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được những sự trang nghiêm ấy, thề không thành Chánh giác”.
Chương 19 chỉ có một nguyện, Nguyện 39, nguyện: “Trang nghiêm vô lượng”.
Chúng ta xem chú giải: “Nguyện này giới thiệu về hoàn cảnh vật chất của thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây chỉ nói một cách khái quát thôi. “Vạn vật” là chỉ cho mọi hiện tượng vật chất; “nghiêm” là trang nghiêm, chúng ta hay nói là sự tráng lệ; “tịnh” là thanh tịnh”. Môi trường toàn thế giới hiện nay, đang ô nhiễm với mức độ hết sức trầm trọng. Khi thấy bốn chữ “trang nghiêm thanh tịnh” này, tôi có một cảm xúc rất sâu sắc so với những người đời trước. “ “Quang” là quang minh sáng chói; “lệ” là hoa lệ mỹ miều; ở đây là những từ để hình dung sự trang hoàng lộng lẫy của thế giới Cực Lạc; hình sắc kỳ đặc, thù thắng, cùng vi cực diệu, chẳng thể tính kể. “Xưng” là xưng tán, có nói mãi cũng không kể hết được; “lượng” là để so sánh, ý là hết thảy cõi nước chư Phật khắp mười phương thế giới, đều không cách gì có thể so sánh với thế giới Cực Lạc”. Vẻ đẹp tráng lệ hoàn hảo của thế giới Cực Lạc, chúng ta vô phương tưởng tượng, dù bạn thấy cũng không nói ra được. Đó đều là công đức tu học trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật mà thành tựu nên; trong đó đương nhiên bao hàm cả việc A Di Đà Phật dùng thời gian năm kiếp tu tập để kết thành đại nguyện ấy, tức là 48 nguyện. Và cũng là do “Tịnh nghiệp” của những người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc ở mười phương cảm vời được.
Cổ Đại đức Tịnh Tông có một câu nói rất hay: “Tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh”. Người tu Tịnh Độ phải hết sức chú trọng về mặt tâm thanh tịnh, bởi vì tâm tịnh thì cõi Phật sẽ tịnh. Suy đi ngẫm lại, những người sinh sống trên trái đất này, hiện nay tâm họ có thanh tịnh không? Nếu so với mười năm trước – người của mười năm về trước, tâm của họ thanh tịnh hơn so với bây giờ. Nếu lùi thêm mười năm nữa – người của hai mươi năm trước, người của hai mươi năm về trước, tâm của họ thanh tịnh hơn so với người của mười năm sau. Qua đó, chúng ta liền hiểu được, người xã hội bây giờ đang trượt dốc và mức độ lao dốc này rất nhanh. Độ chênh lệch ngày càng tăng lên. Sự chênh lệch này sẽ dẫn tới việc thân tâm của chúng ta không khỏe bằng người của mười năm về trước. Đều là các cụ 90 tuổi như nhau, nhưng đầu óc người thuở đó vẫn còn minh mẫn, thân thể linh hoạt. Còn người 90 tuổi bây giờ, không thể sánh nổi với người 90 tuổi của mười năm trước. Đây là điều mà chúng tôi từ trong giáo dục Phật Đà thể nghiệm ra được. Phật nói với chúng ta, cơ thể con người có thể già nhưng không có suy; có thể làm được việc đó, chứ không phải làm không làm được. Có thể duy trì cả đời này không đau bệnh, có thể làm được chuyện đó. Chỉ cần bạn chịu làm. Làm như thế nào? Tâm địa thanh tịnh, lương thiện bạn liền có thể giữ cho cơ thể của mình già nhưng không suy.
Sanh lão bệnh tử, trong tám khổ, đã là người thì không thể nào tránh khỏi. Nhưng một người tu hành chân chính, nhớ kỹ, “tu hành”, ý nghĩa của hai chữ này: Hành là hành vi, khởi tâm động niệm là hành vi của ý nghiệp; chúng ta nói ba nghiệp thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp; khởi tâm động niệm thuộc về hành vi của ý nghiệp. Nếu khởi tâm động niệm thanh tịnh, đây là cái gốc căn bản nhất trong ba nghiệp; “gốc của ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý”; Ý là cái gốc nền tảng nhất, tức là ý niệm. Ý niệm phải thiện, chẳng những phải thiện mà còn phải thanh tịnh. Thế nào là thanh tịnh? Nghĩa là trong tâm không có tạp niệm, không có vọng tưởng – đó là thanh tịnh. Có vọng tưởng, có tạp niệm thế thì không còn tâm thanh tịnh; tâm trở nên ô nhiễm mất rồi. Tâm ô nhiễm dẫn đến ngôn hành không chuẩn mực, sẽ chiêu cảm tai nạn ập đến.
Tai nạn của một con người là bệnh khổ, còn tai nạn cùng nhau gánh chịu đó là nghiệp báo. Vì sao? Vì sinh sống ở khu vực này, người trái đất hiện thời, tâm hành bất thiện; làm những chuyện tự tư tự lợi, tổn người lợi mình. Vì sao mọi người trở nên như vậy? Đó cũng là do giáo dục mà ra. Cái xã hội bây giờ thành ra nông nổi này, cũng là do dạy mà ra. Ai dạy vậy? Trong gia đình, không ai quản giáo; thời xưa, trách nhiệm giáo dục thuộc về người phụ nữ, nên Trung Quốc từ xưa đến nay dạy dỗ con gái còn quan trọng hơn dạy con trai. Tại sao thế? Bởi vì, người nữ gánh trách nhiệm giáo dục. Con trai chỉ chịu trách nhiệm về mặt kinh tế nuôi sống gia đình. Họ ở bên ngoài kiếm tiền, việc sanh con cái và giáo dục đời sau hoàn toàn dựa vào người phụ nữ. Bởi thế, trách nhiệm của người mẹ rất lớn nên người mẹ rất được mọi người tôn trọng. Đạo lý là thế. Họ có thể dạy con trẻ trở thành Thánh nhân, thành Hiền nhân, thành Quân tử. Bạn xem xem, mẹ của Mạnh Tử, Khổng Tử. Khổng Tử lúc còn nhỏ như thế nào vậy? Mẹ ông đã dạy ông ra sao? Mẹ ông quả thật đã tận hết trách nhiệm của mình, nên con cái có thể trở thành Thánh, thành Hiền. Phật, Bồ Tát cũng là dạy mà ra. Không thể không biết cái lý này được.
Hiện nay, gia đình không chịu dạy nữa rồi. Cha mẹ sanh con nhưng không có dạy dỗ chúng. Trường học cũng không dạy, xã hội cũng không dạy, quốc gia cũng không dạy. Hiện nay, giáo dục đều để cho các phương tiện truyền thông thay thế. Mọi người cứ nghĩ mà xem, trẻ con vừa mở mắt ra là đã xem truyền hình. Truyền hình diễn cái gì đều thấm hết vào đầu óc của chúng. Mạng internet, bạn hãy quan sát kỹ càng những người xung quanh xem; nhất là những nơi có đông đảo quần chúng, bạn hãy quan sát thật cẩn thận. Những người đó đang làm cái gì? Đều đang nhìn chằm chằm vào điện thoại. Toàn bộ tinh thần đều chăm chú vào đó. Họ quả thật rất chú tâm học, thật rất dụng công. Mọi lúc mọi nơi đều không lìa điện thoại. Học thứ gì vậy? Là sát, đạo, dâm, vọng, toàn bộ là mặt xấu thôi. Chẳng hề xem những thứ mang tính giáo dục, chẳng nghe nói, chẳng tiếp xúc qua. Nhân sinh quan của họ, toàn chịu ảnh hưởng bởi những thứ này, cho rằng những gì họ xem đều dạy cho con người những cái tốt đẹp. Đem tà với chánh, đảo lộn hết cả rồi! Nói đến hiếu Thân tôn Sư, thì họ nói đó là những thứ của thời đại phong kiến; thời đó qua rồi, đó là lạc hậu. Ngày nay, nghe mấy lời kiểu đó nhiều lắm; họ là phần tử tiến bộ đi trước thời đại. Đương nhiên thời đại này sẽ phản ứng lại, không phải không phản ứng. Phản ứng chính là động loạn. Xã hội động loạn, khiến cho trái đất này, tai nạn trùng trùng.
Đức Phật trong kinh nói rất hay, Phật bảo: “Tham sân si mạn nghi, đây gọi là ngũ độc”, cũng chính là tâm thái vô cùng bất thiện. Tâm tham chỉ cần là tham, tham lam không chán; bất kể là tham tài, tham danh hay tham sắc; thậm chí là người học Phật, tham Phật Pháp. Họ dùng tâm thế nào để học Phật vậy? Dùng tâm tham để học Phật. Dâng hương thì muốn mình phải là người đốt được nén hương đầu tiên, cho rằng như thế sẽ phát tài. Đó là mê tín. Đối với Chánh pháp, họ không có phước, không có cơ hội nghe được – nên không biết đến nhân quả, cứ ngỡ mình rất thông minh, có thể lừa được người khác, tưởng mình rất nhạy bén linh hoạt. Không biết rằng, bây giờ trước mắt có được một chút lợi nhỏ, nhưng sau này khi chết đi rồi, họ sẽ có phần nơi tam đồ địa ngục. Quá đáng sợ rồi! Người thật sự hiểu được chân tướng sự thật, quyết định không dám làm. Con người nên thật thà, nên trung hậu. Nếu mọi người sinh sống nơi khu vực này đều có thể giữ được cái tâm lương thiện, làm việc tốt, nơi ấy không bao giờ có tai nạn. Bởi vậy, tai nạn là do tất cả những thứ bất thiện chiêu cảm nên.
Tâm tham cảm lấy thủy tai, sóng thần, nước biển dâng lên; đây là đều thuộc về tham. Tâm sân hận thì chiêu cảm hỏa tai; núi lửa bùng phát, nhiệt độ trái đất tăng cao; rất nhiều nơi xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng; đó đều là thuộc về hỏa tai. Ngu si chiêu cảm phong tai, gió lốc; ở khu vực Đông Á thường hay nghe nói có bão với lốc vòi rồng, đó là do ngu si mà ra. Ngạo mạn chiêu cảm địa chấn; lúc nào cũng cho mình là đúng, không biết khiêm tốn, không biết cung kính người khác, nên mang đến thảm họa. Còn một loại nữa là hoài nghi, chẳng tin vào bất cứ thứ gì, thường hay ôm lòng ngờ vực; nghi ngờ người, nghi ngờ vật, nghi ngờ hết thảy mọi thứ. Thảm họa mà nghi ngờ mang đến là núi lở đất sụp, núi non sạt lở; đất đai tự nhiên sụp xuống, tình trạng này gần đây chúng ta cũng đã nhìn thấy rất nhiều. Rất nhiều báo cáo đưa ra, nhưng không biết được nguyên nhân của chuyện này là gì; đất đai bỗng nhiên sụp xuống.
Phật trong kinh có nói: “Tham, sân, si, mạn, nghi sẽ mang đến thảm họa”. Nếu chúng ta chăm chỉ nỗ lực học Phật, có thể buông bỏ hết năm loại tâm thái bất thiện này; không tham, không sân, không si, không ngạo mạn, không hoài nghi thì hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ là mưa thuận gió hòa, không có tai nạn. Điều đó phải xem công phu tu hành của bạn đến đâu, xem công phu của bạn có thể che phủ được diện tích bao lớn. Chí ít người xưa có nói, người thật dụng công mới có một chút công phu thôi, không phải nhiều nhặn gì, đã có thể ảnh hưởng được khu vực rộng 15 km. Tức là nơi mà chúng ta đang sống ấy, trong vành đai 15km, sẽ không có tai nạn. Nếu như công phu được sâu hơn, thì có thể ảnh hưởng đến 50km, 100km, thậm chí là 150km nữa là đằng khác. Sức ảnh hưởng này cũng xem là lớn rồi. Người tu hành chân chính là báu vật ở nơi đó. Liệu có được người tu hành như thế chăng? Có. Vẫn thường có người tu hành như vậy. Bạn không biết tôn trọng họ, họ cũng chẳng cần bạn tôn trọng đâu!
Chúng ta thấy những vùng sâu vùng xa ở dưới quê, những nơi nghèo nàn, chùa nhỏ, đạo tràng nhỏ. Tôi thường hỏi họ, những đạo tràng nhỏ này của mọi người xung quanh đây có các ông già bà cả niệm Phật không? Nhìn có vẻ ngây ngô chất phác ấy, họ chỉ biết một câu Phật hiệu thôi. Ngoài một câu Phật hiệu ra, hỏi họ cái gì họ cũng không biết. Người như vậy hơn một nửa đều không được đi học, cũng không có trình độ văn hóa, chỉ biết mỗi một câu “A Di Đà Phật”. Cả ngày từ sớm đến tối, chẳng rời Phật hiệu. Người như vậy là ai vậy? Là Bồ Tát đó, họ đang nghiêm túc làm ra tấm gương tu học để chúng ta thấy. Nếu các vùng lân cận đạo tràng có được cỡ hai, ba người như thế, quý hóa quá! Người khác chẳng biết tôn kính, những người xuất gia như chúng ta hiểu được, phải tôn kính họ, phải lịch sự lễ phép với những người đó, phải tán thán, thậm chí là còn chăm sóc cho họ nữa. Đó đúng thật là tu phước.
Hành môn Tịnh Tông của chúng ta có năm khóa mục không thể không nhớ, thời thời khắc khắc phải đem đối chiếu với khởi tâm động niệm của mình. Ngôn ngữ việc làm liệu có vi phạm những điều ấy không? Khóa mục đầu tiên là tịnh nghiệp tam phước; chỉ có 11 câu, không dài, phải nhớ lấy. Đó là gì vậy? Là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất của người tu hành, là yêu cầu của Đức Phật đối với chúng ta.
Thứ nhất, trong tam phước tổng cộng có ba điều:
Điều đầu tiên có bốn câu: “Hiếu dưỡng phụ mẫu. Phụng sự sư trưởng”, đây là kính. Điều đầu tiên là hiếu, thứ hai là kính.
Tiếp đến là: “Từ tâm bất sát. Tu thập thiện nghiệp”.
Chúng ta đã làm được hay chưa? Đây là gốc rễ.
Nếu như bất hiếu cha mẹ, không tôn trọng lão sư, vậy mọi thứ họ học được đều là giả dối, chẳng phải thật; những thứ chân thật họ vẫn chưa học được. Chúng ta muốn chân thật học Phật phải sanh đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc cho bằng được. Hai câu này là cái gốc căn bản của bạn, nếu bạn hiểu được, phải hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Chữ hiếu thì dùng cha mẹ để làm đại biểu. Những người có tuổi tác xấp xỉ với cha mẹ ta thì đều xem là cha mẹ cả, phải tận hiếu với họ. Còn những người ngang ngửa với Thầy ta, thì đều xem là lão sư, đồng vai vế cả; chúng ta phải cung kính họ. Người học Phật phải bắt đầu hạ thủ từ hai chữ này “học hiếu, học kính”.
Câu thứ ba là: “Từ tâm bất sát”. Không ăn thịt chúng sanh chính là không sát sanh. Yêu thương bảo vệ động vật, thực vật và cả khoáng vật nữa; không có thứ nào là chúng ta không thương cả. Mọi người xem đĩa của Hải Hiền Lão Hòa Thượng, có một câu chuyện: Ngài kể về một mẩu chuyện của vua Đường Thái Tông, kể thật rất thú vị, mọi người có thể xem thử, bạn có thể từ trong đó mà lãnh ngộ được cái gì đó. Đường Thái Tông ăn cơm, ai ngờ một hạt cơm bị rơi xuống đất, ông bèn nhặt lên rồi ăn mất. Đến Hoàng Thượng mà cả một hạt gạo cũng không dám lãng phí, đều trân trọng như vậy. Ông trời biết được chuyện đó, Ngọc Hoàng Đại Đế bèn tặng cho ông thêm 20 năm tuổi thọ.
Bạn xem, câu chuyện đó chưa hẳn đã là thật, nhưng hàm nghĩa lại rất sâu xa. Nó dạy cho chúng ta, phải biết yêu tiếc vật lực; con người này sẽ được quả báo trường thọ. Bởi vậy, không được không trân trọng đối với bất kỳ thứ gì, không được lãng phí. Thế giới hiện thời, quá lãng phí thực phẩm rồi. Bạn hãy thử đến những nơi chuyên kinh doanh buôn bán thực phẩm mà xem, họ tùy tiện lãng phí rất nhiều thực phẩm. Tôi đã sống ở Mỹ rất nhiều năm, sự lãng phí của người Mỹ có thể nói là đứng đầu thế giới. Họ lấy đồ ăn thì lấy cho một đĩa vung, ăn không tới một nửa thì đã quăng vào thùng rác rồi. Vì sao lại làm như vậy? Vì lòng tham, kết quả ăn không nổi thì vứt đi, không một chút tiếc rẻ, riết rồi trở thành phong trào. Cái kiểu lãng phí thực phẩm như vậy, họ có thể có được báo ứng tốt sao?! Làm gì có chuyện đó được. Bởi vậy, điều đầu tiên trong Tịnh nghiệp tam phước thì câu sau cùng là: “Tu thập thiện nghiệp”. Điều đầu tiên này là phước báu nhân thiên.
Điều thứ hai thì nói về phước báu của Tiểu thừa: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”.
Đây là giới của tiểu thừa, đây được xem như học Phật rồi. Nền tảng cơ bản của việc học Phật là phải hiếu Thân tôn Sư, không có “hiếu Thân tôn Sư” họ sẽ chẳng học được thứ gì. Trong Phật môn, dẫu cho họ đã quy y, xuất gia đi chăng nữa cũng là giả, chẳng phải thật. Nên thời xưa, muốn xuất gia phải thông qua thi cử, chứ chẳng phải muốn xuất gia là có thể tùy ý xuất gia. Thi cử vô cùng nghiêm khắc. Người đứng ra giám sát là Hoàng Thượng, khắc khe biết bao! Vì sao vậy? Vì thân phận của người xuất gia là Thầy của Trời Người, là Thầy của Hoàng Thượng. Nên Hoàng Thượng phải khảo nghiệm bạn chứ, xem bạn có tư cách để làm Thầy của Ngài không? Nếu bạn không đủ tiêu chuẩn sẽ không cho bạn xuất gia. Nếu phê chuẩn cho phép bạn xuất gia, thì sẽ cấp cho bạn một cái thẻ Độ điệp. Thẻ Độ điệp chính là chứng minh bạn đủ tư cách xuất gia rồi, đó là văn bằng do chính Hoàng Thượng phát cho. Do đó, người xuất gia, địa vị của họ trong xã hội rất cao, không ai là không tôn kính họ cả. Người ta tôn kính Hoàng Thượng, họ là Thầy của Hoàng Thượng, làm sao dám không tôn kính chứ. Chế độ Độ điệp này, đến đời Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh thì bị bãi bỏ – Ấn Quang Đại Sư trong “Văn Sao”, có rất nhiều chỗ phê bình ông, bảo là ông đã làm sai rồi. Thuận Trị vì sao phải làm thế? Vì bản thân ông muốn xuất gia nhưng ai sẽ cấp Độ điệp cho ông đây? Đương nhiên không ai cấp cho ông cả nên ông bèn cho dừng chế độ này lại, càng có lợi cho người xuất gia. Vì tình thế thuở đó, có thể nói là khá tốt. Nhưng càng trở về sau thì càng biến chất, tố chất của người xuất gia ngày càng tuột dốc trầm trọng.
Thuở xưa, tại sao đời đời đều có lớp lớp cao tăng xuất thế? Triều Thanh tính từ Khang Hy, Ung Chánh, cho đến Càn Long, đây là 150 năm thời kỳ thịnh thế, thời kỳ Đại Thanh hưng vượng. Bởi vì sau khi bãi bỏ chế độ Độ điệp, có vô vàn người đều đi xuất gia. Họ được tiếp nhận một nền giáo dục cực kỳ tốt, nên các bậc Đại đức xuất gia này đều có thành tựu. Số lượng chú sớ được lưu lại vô cùng phong phú, tất cả đều có trong “Đại Tạng Kinh”. Đặc biệt trong “Vạn Tục Tạng” ở Nhật, số lượng thu thập được là phong phú nhất. Số chú giải trong “Vạn Tục Tạng” rất phong phú và danh tiếng. Những ai muốn học giảng kinh dạy học, đây là kho tàng tư liệu tốt nhất. Bộ sưu tập này vô cùng hoàn chỉnh, Tạng kinh của Trung Quốc không thể nào bì nổi.
Tôi mong rằng mọi người nên biết, việc tu học quả thật cũng cần có thứ tự. Người có thể không đi theo trình tự ấy là những thiên tài đặc thù, không phải người bình thường.
Phước thứ ba là “phát Bồ Đề Tâm”. Đây chính là Đại thừa, Tiểu thừa vẫn chưa phát Bồ Đề Tâm. Phát Tâm Bồ Đề là phải phát cái tâm cứu giúp tất cả chúng sanh khổ nạn, giống như tâm của Phật vậy.
“Thâm tín nhân quả”, chữ nhân quả này là chỉ cho Tịnh Độ Tông. Tịnh Độ là pháp dễ tu, nhưng lại là pháp khó tin nhất. Thâm tín nhân quả tức là tin rằng “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Thật sự tin chắc rằng, tín nguyện trì danh, vãng sanh Tịnh Độ, quyết định thành Phật.
Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất.
Tiếp theo khóa mục thứ hai chính là Lục hòa: Kiến hòa đồng giải – Giới hòa đồng tu – Thân hòa đồng trụ – Khẩu hòa vô tranh – Ý hòa đồng duyệt – Lợi hòa đồng quân.
Đây là tiêu chuẩn của người xuất gia. Người xuất gia phải chung sống hòa đồng cùng nhau, không tranh luận; hiện nay không còn nữa rồi, đến người xuất gia còn đặc biệt bất hòa với nhau. Tại sao? Người Trung Quốc nói là: “Sự đố kỵ của những người trong nghề”, người xuất gia với người xuất gia, tâm đố kỵ rất nặng, không có lòng cung kính, quả báo thì khỏi phải nói cũng biết. Đó là điều không cần thiết phải nói ra rồi.
Phương pháp tu học Tam học là: nhân giới được định – nhân định khai huệ. Tu Giới – Định – Huệ.
Biểu hiện ở bên ngoài là Lục độ ba la mật: Bố thí – Trì giới – Nhẫn nhục – Thiền định – Tinh tấn – Bát nhã.
Bất cứ lúc nào, hễ gặp được duyên thì phải thật làm.
Đây chỉ là mức độ bình thường thôi, trình độ cao nhất là mười nguyện Phổ Hiền. Mười nguyện Phổ Hiền là dành cho Bồ Tát tu, là để cho Đại Bồ Tát tu.
Mười nguyện Phổ Hiền với nguyện của những Bồ Tát thông thường, có chỗ nào khác biệt? Vì tâm Phổ Hiền rất lớn “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, đây là Phổ Hiền. Không có cái tâm to lớn ấy thì hành không được. Tâm lượng không lớn đến dường ấy sẽ ra không nổi sáu nẻo luân hồi, ra không nổi mười pháp giới.
Đây chính là năm khóa mục, mọi người không thể không biết; năm khóa mục này là điều không thể thiếu đối với những người tu hành như chúng ta. Tiêu chuẩn của Tịnh Tông, chúng ta đều có thể nghiêm túc học tập. Tin rằng có thế giới Cực Lạc, có A Di Đà Phật, một lòng chuyên niệm thì không một ai là không vãng sanh. Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đều là do A Di Đà Phật dùng công đức tu học trong vô lượng kiếp mà thành tựu nên. Cộng với Tịnh nghiệp của những người vãng sanh về cõi Tây Phương, khắp mười phương thế giới mà cảm vời được.
Khởi tâm động niệm là Ý niệm; hễ mở miệng là thuộc về Khẩu nghiệp; hành vi là Thân nghiệp; đều không rời A Di Đà Phật, đó gọi là Tịnh nghiệp. Cũng tức là mọi lúc mọi nơi, chẳng luận làm cái gì, làm xong rồi thì đừng để trong tâm. Trong tâm chỉ có A Di Đà Phật thôi, đây gọi là Tịnh nghiệp. Làm xong rồi mà vẫn để trong tâm, tâm của bạn coi như ô nhiễm rồi, không thanh tịnh. Làm rồi thì không để trong tâm nữa, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, đó gọi là Tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp ở đâu? Trong đời sống, trong công việc, trong việc bạn đối người xử thế tiếp vật. Thật tu, thật thanh tịnh thì dẫu là nghiệp thiện hay ác đều không được có. Nếu bạn cứ nhớ mãi trong lòng, Thiện nghiệp thì cảm được ba đường thiện; Ác nghiệp thì cảm lấy ba đường ác; bạn vẫn là không ra nổi sáu nẻo luân hồi, sẽ ở mãi trong vòng lục đạo ấy. Đạo lý này không thể không biết. Làm việc tốt cũng cần phải xem duyên phận. Không có duyên, bạn sẽ chẳng cách nào làm thành công, bạn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nên Đức Phật dạy chúng ta: “tùy duyên chứ không được phan duyên”. Tùy duyên là có được cơ duyên ấy, vậy thì dễ làm, dễ thực hiện. Không có duyên thì không được, quyết định không được miễn cưỡng.
Những năm qua, chúng tôi đã dồn hết tâm sức của mình vào một việc, làm gì vậy? Là đoàn kết tôn giáo. Vì sao? Xã hội hiện nay quá loạn rồi, quá nhiều thảm họa; nếu như tôn giáo có thể đoàn kết, tai nạn sẽ được hóa giải; có thể giúp cho cái xã hội này khôi phục trở lại an định hài hòa, đây là việc tốt. Tôi có cái duyên ấy, vào năm 1998, năm 1999 và năm 2000, tôi trú ở Singapore; tôi đã đoàn kết 9 Đại tôn giáo ở Singapore lại, đây là một chuyện đáng mừng. Mãi đến hôm nay, 9 tôn giáo Singapore vẫn như người một nhà.
Cơ duyên thứ hai là tại Úc. Tôi sống ở bên Úc 13 năm. Thị trấn nhỏ Toowoomba mà tôi hiện đang sinh sống, cũng đã đoàn kết trở lại. Thị trấn này có mười mấy tôn giáo, với khoảng 80 dân tộc; dân số khoảng 120 ngàn người. Bây giờ mọi người đều chí đồng đạo hợp, ai cũng đều mong muốn chúng tôi đoàn kết lại; chung sống cùng nhau giống như anh chị em vậy. Tôn giáo là một nhà. Hoạt động của mỗi tôn giáo, mọi người đều đến tham gia. Dù cho không phải là tín đồ đi nữa, mọi tôn giáo đều đến tham dự đông đủ. Chúng tôi có tổ chức hoạt động, mọi người cũng sẽ đến chỗ của tôi. Tốt, rất náo nhiệt. Chúng tôi có một nguyện vọng, chính là mong muốn làm sao cái thị trấn này, có thể trở thành thành phố thị phạm đầu tiên trên thế giới, về sự hài hòa đa nguyên văn hóa. Làm thành công rồi.
Cuối tuần này, chúng tôi sẽ đến trụ sở Unessco Liên Hiệp Quốc ở Paris, chính thức lên tiếng thông báo để cho thế giới đều biết; chúng tôi đề ra, Chúng Thần là một thể, cũng giống như những gì mà Hòa Thượng Trung Thôn Khang Long ở Nhật đã nói, người sáng tạo nên tất cả tôn giáo trên toàn thế giới đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát; Ngài nói rất hay: Là một thể. Tôn giáo là một nhà. Duy chỉ có con đường tôn giáo phải trở về với giáo dục, tôn giáo học tập lẫn nhau, thì mâu thuẫn giữa các tôn giáo mới có thể được hóa giải. Tôn giáo có thể mang đến sự bình yên cho xã hội, mang đến một xã hội an định hài hòa. Đây chính là sự cống hiến chân thật nhất, mà tôn giáo có thể mang lại. Đây là một việc tốt, cơ duyên chín muồi rồi. Nếu cơ duyên chưa thành thục, e rằng làm không thành công nổi. Duyên ở Singapore, bởi vì Singapore diện tích cũng nhỏ, quốc gia chỉ cỡ bằng một thành phố; quốc gia đó chính là một thành phố nên dễ thực hiện.
Nước Úc là một quốc gia rộng lớn, đất rộng người thưa. Tôi di dân qua bên đó, là bởi vì lúc đó Bộ trưởng bộ di dân thấy tôi ở Singapore đoàn kết tôn giáo, làm khá tốt. Nên ông ấy bèn mời tôi đến Úc, để làm gì? Để đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Chúng tôi trong 13 năm này, làm thành công rồi. Đó là phải nói đến duyên phận, không đủ duyên thì không được.
Thông thường hiện nay hay nói đến điều kiện. Điều kiện đầy đủ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Có người cũng mong muốn tôi đến Nhật Bản. Nhật Bản có cơ duyên ấy không? Trước đây dường như có. Tôi để Pháp Sư Khai Lâm đến bên này, chủ trì Tịnh Tông Học Hội ở thành phố Okayama. Không ngờ rằng nội bộ bất hòa – nội bộ bất hòa, nên đã giải tán mất rồi. Chứng tỏ bên này chưa đủ duyên, hơn nữa duyên ở Nhật cũng chẳng dễ gì. Vì tôi chỉ là thỉnh thoảng đến mà thôi, nên mọi người đều rất khách sáo; nếu tôi thường trụ bên này, mọi người liền không hoan hỷ ngay. Mọi người phải biết cái lý này. Chính vì lý do đó, nên tôi vẫn không trở về Trung Quốc được. Trung Quốc có rất nhiều người đều không chào đón tôi, vậy tôi còn có thể quay về bên đó được sao? Nhưng chúng tôi không phải đã đến mức đi vào đường cùng. Ngoài kia trời cao biển rộng mà! Những gì mà người ta không thích, nhất định không làm. Lúc nào cũng mong mọi người vui vẻ. Những đạo lý làm người cơ bản này, mọi người cần phải biết.
Cả đời tôi không có đạo tràng, cũng không muốn xây dựng đạo tràng. Lập đạo tràng thế nào rồi cũng sẽ phiền phức cho mà xem. Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta, Ngài không dựng đạo tràng. Cả đời trải qua cuộc sống rày đây mai đó, đi khắp nơi giáo hóa chúng sanh. Nơi nào có duyên thì đến nơi đó, khi hết duyên rồi, thì nhanh chóng rời khỏi. Với những nơi đó, luôn giữ được mối giao tình, hòa hảo vui vẻ. Cách làm như vậy là hoàn toàn chính xác. Đời này của tôi, thuở đó Thầy dạy tôi: “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”; sự hưởng thụ ấy là thật, không hề giả chút nào. Tôi thật sự cảm thụ được rồi, nên tôi rất biết ơn Thầy. Nếu như không phải Thầy chỉ cho tôi, chỉ ra con đường ấy, đời này của tôi cũng sẽ là khổ đến không nói nên lời. Làm sao mà được tự tại như vậy?!
Thầy dạy Phật Pháp cho tôi, trước đó tôi vốn dĩ chưa từng tiếp xúc qua, chưa hề tiếp xúc với tôn giáo nào. Thầy nói với tôi: “Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Trung Quốc, nó là triết học. Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới”, “Kinh điển đại thừa là triết học đỉnh cao của toàn thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Tôi cứ như vậy mà nhập môn.
Bước vào rồi, tôi lại gặp được Chương Gia Đại Sư, đó là duyên phận. Tôi theo Ngài ba năm, nền tảng Phật học của tôi là do Ngài đặt định cho. Ngài khuyên tôi xuất gia. Câu sau cùng Ngài nói với tôi, chính là: “Học theo Thích Ca Mâu Ni Phật”. Sau khi xuất gia thì làm thế nào? Thích Ca Mâu Ni Phật làm thế nào, chúng ta làm theo thế ấy. Thích Ca Như Lai là tấm gương của chúng ta, cả đời Phật Thích Ca đều là dạy học. Ngài 30 tuổi khai ngộ; 19 tuổi xuất gia tu hành – buông bỏ phiền não chướng; đến 30 tuổi thì xả bỏ sở tu học của mình – đó là kiến thức về triết học với tất cả tôn giáo mà Ngài đã học được ở Ấn Độ, Ngài bỏ hết, buông bỏ sở tri chướng. Khi đã buông bỏ hết hai chướng này, Ngài bèn ngồi nhập định, mới có thể khai ngộ. Vì sao người bình thường nhập định không thể khai ngộ vậy? Vì họ còn hai cái chướng ấy. Tuy Ngài chưa bỏ được phiền não, nhưng sở tri chướng thì bỏ rồi. Khi đã bỏ hết hai loại chướng ngại này, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề, nhờ đó mới có thể đại triệt đại ngộ. Sau khi khai ngộ, cái trí huệ đó chính là Nhất thiết trí. Tất cả pháp thế xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai – không gì không biết.
Phật nói với chúng ta, đó không phải là bản quyền của riêng một mình Ngài, không phải thế. Ngài bảo rằng: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, tất cả đều bình đẳng”. Tất cả chúng sanh như chúng ta có trí huệ, đạo lực, đức hạnh với tướng hảo hoàn toàn giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Thế tại sao chúng ta không chứng được vậy? Bởi vì chúng ta có phiền não, vọng tưởng, chấp trước, nên không thể chứng được. Nếu chúng ta buông bỏ được tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì liền chứng được. Ngài làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Ngài có nói những kinh điển mà Ngài thuyết đã học với ai không? Chưa hề nghe nói qua, chính Ngài cũng chẳng nói bao giờ. Đó là cái gì? Đó là những thứ vốn có trong tự tánh. Sau khi thấy tánh rồi, tự nhiên sẽ lưu xuất ra. Chính là đạo lý như vậy. Chúng ta từ sự thị hiện của Thế Tôn, tự khắc hiểu ngay. Hiểu được cái gì? Hiểu rằng Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vũ, Chu Công của Trung Quốc; cả người sáng tạo nên tôn giáo nước ngoài, chẳng hạn như Mohammed đều là những người tự giác ngộ lấy, đều đã khai ngộ rồi, hoàn toàn thông đạt thấu suốt. Những gì mà họ sáng tạo đều giống với Phật Thích Ca, chỉ bởi do phải dạy cho những đối tượng không giống nhau; căn tánh lại không đồng, văn hóa cũng khác mà phương thức sinh hoạt cũng không giống nhau, nên họ phải dùng những cách thức thị hiện khác nhau. Nhưng Lý thì cùng, Sự cũng chẳng gì khác biệt.
Khi chúng ta nghiên cứu kinh điển một cách kỹ càng, sẽ thấy trong đó chủ yếu là đại đồng tiểu dị, 80% là giống nhau, có cùng một điểm chung. Những chỗ khác nhau, cao lắm chỉ chiếm khoảng 20%, đó cũng không có gì quan trọng lắm. Bởi vậy, Chúng Thần là một thể, cùng là một thể với chúng ta. Chư Phật cũng là một thể, Tôn giáo là một nhà, chẳng sai chút nào. Hiểu rõ ràng, minh bạch sự việc này rồi, thì mọi xung đột tự khắc sẽ được hóa giải, hài hòa liền có thể xuất hiện. Bởi vậy, nếu muốn khôi phục an định hài hòa cho xã hội, nhất định phải bắt tay từ giáo dục tôn giáo mới có thể làm được. Vẫn là đưa giáo dục lên hàng đầu, là giáo dục tôn giáo.
Cảnh tượng nơi thế giới Tây Phương – thiên nhãn của các Đại Bồ Tát viên mãn như vậy, tuy là Đẳng Giác Bồ Tát, chỉ kém Phật có một bậc thôi nhưng cũng chẳng cách gì hình dung được hình sắc vạn vật ở Cực Lạc, vô phương phân biệt. Hình thù, màu sắc, ánh sáng, vẻ đẹp, cho đến tên gọi với số lượng chúng sanh ở đó, cũng không thể miêu tả một cách trọn vẹn đầy đủ được; đến hàng Đẳng Giác Bồ Tát mà còn làm không được chuyện đó. Qua đó nói lên sự thù thắng của Tây Phương Thế Giới Cực Lạc. Nguyên nhân, bởi vì đó là sự thành tựu kiến lập trên quả địa của Như Lai. Chỉ có Phật mới có thể thấu suốt triệt để, chưa thành Phật thì không được.
Học Phật, điều quan trọng nhất chính là phải nhận thức rõ được chân tướng sự thật. Khi đã biết rõ rồi, tự mình mới có thể đưa ra lựa chọn dứt khoát. Chúng ta sống ở cõi Ta Bà này, mọi thứ trên đời đều thấy hết cả rồi; khó trách lâu ngày sanh tâm nhàm chán, muốn rời đi. Đến đâu bây giờ? Người thế gian phước báu lớn, địa vị cao, những bậc Đế vương, Tướng quân, Hào phú, Trưởng giả này – người càng giàu tạo nghiệp càng nặng – sau này, sanh đến nẻo nào đều là do nghiệp lực chi phối, chính mình không cách gì tự làm chủ được. Phàm phu bình thường ngày nghĩ đến, đêm thường nằm mộng. Trong giấc mơ có thể kiểm chứng cảnh giới thiện ác của một người. Những gì mà tâm ta suy nghĩ, đêm đến sẽ mộng thấy thôi. Suy nghĩ chính là nghiệp lực, nghiệp lực đích thật có. Nếu muốn thay đổi nghiệp lực chỉ có một cách duy nhất, chính là dùng nguyện lực lớn lao để vượt qua nghiệp lực. Cách khắc phục nghiệp lực chính là: nguyện lực của ta phải lớn hơn, vượt qua cả nghiệp lực.
Hiện nay thật là phước phần, chúng ta đã tìm thấy lối thoát cho Phật môn. Không những thiện tri thức khuyên chúng ta, mà cả chư Phật Bồ Tát, đều khác miệng nhưng cùng lời tán thán pháp môn niệm Phật. Nhất là vào thời kỳ Mạt pháp, ngoài con đường này ra không còn con đường nào khác. Tuy nói là pháp môn vô lượng, trên Lý thì nói vậy nhưng về mặt Sự lại không phải thế. Cứ lấy sơ quả tiểu thừa mà luận, địa vị thấp nhất, cỡ như lớp một tiểu học vậy, cũng phải đoạn 88 phẩm Kiến hoặc của Tam giới.
Kiến hoặc được chia làm năm loại lớn: thứ nhất là Thân kiến – chấp cái thân này là Ta. Các vị thử nghĩ xem, có người nào không chấp cái thân này là Ta đâu? Cái thân này thật sự không phải Ta, các vị nhất định phải biết: Ta là không sanh không diệt, còn cái thân này là có sanh có diệt. Nó làm sao là Ta được?! Không phải Ta, nó là gì vậy? Phật bảo rằng nó là cái sở hữu của ta, nó không phải Ta, chỉ là cái sở hữu của ta mà thôi. Giống như y áo vậy, quần áo đâu phải ta mà là cái ta có thôi. Y phục hỏng rồi có thể thay ngay một chiếc khác, cái thân này không còn dùng được nữa thì lại đổi một cái thân mới khác. Mọi người mà nhìn sự việc như thế thì đúng rồi, đừng để ngày nào cũng vì cái thân này mà chịu quá nhiều phiền toái. Ngày ngày đều nghĩ làm sao để gìn giữ nó?! Dù có làm thế nào đi chăng nữa, cũng đều sai cả.
Mọi phương pháp mà bạn nghĩ ra, đều chẳng phải cách làm tốt nhất. Thế cách hay nhất là gì? Chính là chẳng suy nghĩ gì hết, đó là cách làm tốt nhất. Như thế cơ thể sẽ rất khỏe mạnh. Vì sao? Vì nó thuận theo tự nhiên. Bạn khởi tâm động niệm muốn thay đổi nó, thế là không tự nhiên rồi. Cứ để nó thuận theo tự nhiên, tự nhiên là khỏe mạnh nhất, tự nhiên là đẹp nhất. Vì vậy, phải hiểu được cái đạo lý dưỡng sinh. Dưỡng sinh cũng có cái lý của nó, bạn nên tường tận chuyện này, đừng để người ta gạt bạn. Bên ngoài người ta có nói cái này hay, cái kia tốt, đều không đáng tin. Vì sao vậy? Vì chúng đều chẳng thuận theo tự nhiên, nhất định phải theo tự nhiên mới được.
Ăn uống phải tiết chế, phải đơn giản. Bạn xem, trâu với ngựa rất khỏe, chúng toàn ăn cỏ đấy thôi! Ngoài thứ này ra, chúng chẳng ăn cái gì khác. Còn chúng ta nếu chỉ ăn bình thường đạm bạc thôi, lại cảm thấy như thế sẽ không khỏe, phải ăn nhiều loại thực phẩm, ăn rất tạp. Kết quả, ăn đến nỗi khiến cái thân này hỏng mất rồi. Nếu như bạn kiên định chỉ ăn đơn thuần bình dị thôi, bạn nhất định sẽ rất khỏe mạnh. Bạn sẽ không cảm thấy những món đó nhàm chán vô vị nữa. Bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sinh lực. Thế nên mọi người trong nhà Phật, thường ngày chỉ ăn một bữa Ngọ. Đúng, có đạo lý. Ngày ăn một bữa là đủ rồi! Vì sao có người một ngày phải ăn ba bữa mà vẫn không ổn vậy? Phải ăn đến năm bữa, còn phải ăn thêm bữa phụ, đã vậy mà cũng chưa xong nữa đó. Do nguyên nhân gì? Vì họ có nhiều vọng tưởng, nhiều tạp niệm. Trên 90% năng lượng tiêu hao, có khi lên đến 95%, đều tiêu hao vào vọng niệm; chẳng liên quan gì đến việc phải làm những công việc nặng nhọc.
Chúng ta thấy Hải Hiền Lão Hòa Thượng rồi đó, Ngài sống đến 112 tuổi. Ngài ăn uống rất đơn giản mà ăn cũng rất ít, tối đến là không ăn. Vậy mà sức khỏe dồi dào. Qua đó đã chứng minh một cách rõ ràng cho chúng ta, chứ không phải nói một cách tùy tiện. Có người làm ra cho chúng ta thấy rồi. Bạn thấy Ngài vô cùng đơn giản, giảm được biết bao nhiêu chuyện. Trong tâm chẳng vướng bận thứ gì, không có lo lắng, không có phiền não. Do đó, Ngài không chấp cái thân này là mình; nên bỏ được Thân kiến rồi, mà Biên kiến cũng bỏ.
Biên kiến, nói một cách đơn giản là đối lập. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể không đối lập với người, không đối lập với mọi việc, không đối lập với mọi vật. Như thế sẽ tự tại biết bao! Người đối lập với ta, nhưng ta không đối lập với người, họ tự động sẽ thấy ái ngại. Bất kể người khác có đối với ta như thế nào, ta chỉ có tấm lòng chân thành và một trái tim yêu thương dành cho họ mà thôi. Như vậy rất tốt! Họ có lòng phân biệt, còn ta không có. Như thế thì đúng rồi! Sống trong cuộc đời này, mọi việc đừng nên nghĩ nó quá thật, đều là giả cả mà. Nếu biết rằng đều là giả, vậy thì dễ xử rồi. Biết đã là giả thì sẽ không để tâm nữa, tự nhiên tâm lượng sẽ mở ra. Đem giả cho thành thật, người đó rất đáng thương; sống rất khổ sở mà tạo nghiệp lại rất nặng, ra không nổi sáu nẻo luân hồi. Thật sự phải nên học tập theo Phật, mỗi câu trong kinh Phật, câu nào cũng là lời thật, lời chân thật. Đây là Biên kiến.
Kiến thủ kiến, Giới thủ kiến, người Trung Quốc gọi hai loại này là Thành kiến, chính là chúng ta hay nói đến quan niệm chủ quan của chính mình. Quan điểm của ta cho rằng thế này thế nọ, đó đều thuộc về cái loại này. Loại này đều là phiền não, chân tướng đích thực nhất chính là chẳng có cái gì hết. Nhưng bạn cứ để nó trong lòng hoài, thế coi như sai rồi, bạn chẳng để tâm thì chẳng việc gì.
Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, cuộc sống sẽ rất an lạc vui vẻ. Những người làm chuyện sai rồi, nhưng lại hết sức cố chấp. Có khuyên cũng chẳng ích gì, cứ mặc họ đi, tạo nghiệp thì phải chịu báo. Chúng ta ở bên cạnh thấy rất rõ, bản thân người ta mê hoặc điên đảo. Đến một ngày nào đó, chịu khổ nhiều rồi, tự nhiên sẽ muốn quay đầu lại thôi. Đến lúc đó đến tìm bạn, bạn hãy nói với họ. Tại sao? Vì lúc đó họ nghe mới lọt tai. Họ chưa tìm đến bạn, lời của bạn họ sẽ không tin vì họ cho rằng mình làm như vậy là đúng. Bởi vậy, cứ tùy họ đi, mọi việc cứ mặc họ muốn làm gì tùy thích.
Tà kiến là kiến giải sai lầm, tổng cộng có 88 phẩm. Nếu đoạn sạch sẽ rồi, mới có thể chứng được Tiểu Thừa Sơ Quả Tu Đà Hoàn – coi như đang ở lớp một, vẫn chưa ra khỏi Tam giới. Phải tái trở lại, tái nghĩa là phải quay lại, còn phải sanh tới sanh lui; giữa cõi người với cõi trời những 7 lần nữa mới chứng được quả A La Hán, ra khỏi Tam giới. Bạn cứ ngẫm nghĩ mà xem, thật chẳng dễ chút nào. Nếu như còn không biết rõ tình hình, chúng ta sẽ đưa ra một quyết định sai lầm, để cả đời mình rơi vào chốn lầm lạc. Chính là việc bạn chọn lựa pháp môn, chọn pháp môn rất quan trọng. Lỡ chọn sai rồi thì biết lấy gì làm tiêu chuẩn đây? Dùng việc có thể ra khỏi sáu nẻo luân hồi làm tiêu chuẩn. Không thoát được sáu nẻo luân hồi…? Sự thật là, chỉ có Tịnh Tông dùng tín nguyện niệm Phật là có thể vượt khỏi sáu nẻo, thoát khỏi luân hồi, đó là sự thật.
Trước kia tôi dạy cho mọi người, đều là dùng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Hiện nay có hai ví dụ rất tốt: một là Hải Hiền Lão Hòa Thượng đã chứng minh cho chúng ta, nhằm tăng trưởng tín tâm với nguyện tâm của chúng ta. Rất khó được! Nếu như vẫn còn nghi hoặc, thì cụ Hoàng Niệm từ bi đến tột bậc; vào những năm cuối đời, trước lúc vãng sanh, dù bệnh nặng, vậy mà vẫn hoàn thành một bộ trước tác là “Tịnh Tu Tiệp Yếu Báo Ân Đàm”. Quyển sách này đã làm ra rồi, đây là do lão nhân gia Ngài giảng. Không có chữ, nên sau khi Ngài vãng sanh, rất nhiều người từ băng video đem nó viết ra thành chữ. Viết rất nhiều phiên bản, tức là có rất nhiều bản sách. Có một số chỗ, lời Ngài nói không dễ hiểu cho lắm, nhất là Ngài đã lớn tuổi rồi. Tiếng có vẻ trầm, nghe không được rõ cho lắm. Nhưng đây đều là những lời rất quan trọng. Nên các đồng học dùng khoảng 5, 6 năm nghe tới nghe lui khoảng trên 100 lần. Nghe đi nghe lại những nơi tiếng không rõ, không hiểu lắm. Nghe lại khoảng 100 lần, cuối cùng viết ra được rồi. Hiện nay đã hoàn thành được một bản, chúng tôi cho in ra rồi. Thật là hiếm có. Trong quyển sách này, những chỗ chúng ta có sự nghi vấn đối với Tịnh Độ, Ngài đều giảng giải hết cho bạn. Có thể nói rằng, bộ này chính là báo cáo tâm đắc cuối cùng của Lão Cư Sĩ trong việc cả đời học Phật, niệm Phật của Ngài ; cực kỳ có giá trị, giá trị không hề thua kém Kinh Vô Lượng Thọ chút nào. Nếu chúng ta có nghi vấn đối với Tịnh Tông, bạn hãy xem thử đi, xem cái đĩa này. Cái đĩa này là chúng tôi cho thu âm bộ sách này từ đầu đến cuối, cỡ khoảng 9 tiếng đồng hồ. Nghĩa là đọc từ đầu đến cuối thì mất khoảng 9 giờ. Mỗi ngày nếu bạn không có nhiều thời gian như vậy, thế thì mỗi ngày cắt ra học từng đoạn, học một tiếng đồng hồ thôi, 9 ngày là học xong rồi. Rất hiếm có! Đây là do chúng sanh có phước, gặp được một người thiện tri thức như vậy.
Cụ Niệm Tổ từ bi đến cùng tột. Tôi nhiều lần gặp Ngài, chúng tôi quen nhau ở Mỹ, sau khi quen biết, mỗi năm chúng tôi ít nhất đều gặp nhau khoảng ba đến bốn lần. Ngài ra nước ngoài không tiện, nhưng khi cả hai đều ở Trung Quốc thì rất tiện. Mỗi năm chí ít tôi sẽ đến thăm Ngài ba lần, có khi bốn lần, tôi đặc biệt đến thăm Ngài. Đại thiện tri thức ra đi hết rồi, hiện giờ không tìm thấy nữa. Nhưng cũng may, lời lẽ với hình ảnh Ngài vẫn còn đó, chúng ta dùng kỹ thuật đem thu nó lại nên vẫn bảo giữ được đến bây giờ. Giờ mở ra xem, như đang ngồi cùng nhau trò chuyện vậy. Đặc biệt là bộ sách này, đã mất bao năm, tốn biết bao nhiêu là tinh thần và sức lực, nghe khoảng hai, ba trăm lần mới có thể nghe hiểu được lời của Ngài, rồi đem chỉnh lý thành sách. Đồng học tu tập pháp môn Tịnh Độ, không thể không đọc bộ sách này được. Nếu không đọc quyển này, vậy thì khó rồi! Nếu bạn là người thật tin, thật nguyện, lão thật niệm Phật, thế không thành vấn đề. Nhưng nếu bạn vẫn còn hoài nghi – cái nghi hoặc ấy mà không chịu phá trừ, đối với bạn sẽ thành chướng ngại; có khả năng, đến lúc bạn vãng sanh, sẽ đi không được. Nhất định phải đoạn nghi sanh tín. Lần này đến bên đây, tôi đều có mang theo hai bộ này, các đồng học nhất định phải nghiêm túc mà học tập đấy!
Chúng ta xem Chương 20 ở phía cuối: “Lúc con thành Phật, cây trong cõi nước có vô lượng màu sắc hoặc cao đến trăm ngàn do tuần. Cây Đạo Tràng cao bốn trăm vạn dặm, trong các Bồ Tát, dù kẻ thiện căn kém cỏi vẫn có thể biết rõ. Muốn thấy sự trang nghiêm nơi Tịnh Độ chư Phật thì đều thấy rõ nơi thân cây ấy như nơi gương sáng thấy rõ vẻ mặt. Nếu chẳng được vậy, thề không thành Chánh Giác”. Đây là nguyện “Cây vô lượng sắc”.
Chúng ta xem chú giải: “Những cây báu này, ai nấy đều yêu thích, còn có rất nhiều chủng loại. Cây cối nơi thế giới Cực Lạc cao lớn vô cùng, có cây cao đến trăm ngàn do tuần. “Do tuần” là đơn vị để tính độ dài của Ấn Độ, được chia làm ba loại là đại, trung, tiểu. Đại do tuần theo như bên Trung Quốc là khoảng 80 dặm, một do tuần là 80 dặm; trung do tuần là 60 dặm; tiểu do tuần là 40 dặm. Trên kinh thường nói là do tuần, đó đều là chỉ cho đại do tuần. “Cây Đạo Tràng”, ý muốn nói đến cây đại thụ xung quanh giảng đường của A Di Đà Phật. Nó cao khoảng 400 vạn dặm, cao như vậy thật khó lòng khiến người ta tin nổi. Nhưng phải nên biết, người Tây Phương (chữ “người Tây Phương” này là chỉ cho người ở thế giới Cực Lạc, người cõi Cực Lạc), thân tướng cũng cao lớn vô cùng, vóc dáng to lớn”.
Trong bài kệ tán Phật có ca ngợi thân tướng của A Di Đà Phật rằng: “Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào, bốn biển lớn trong ngần mắt biếc”; người như thế thì có thể cao lớn đến thế nào đây? Khoảng giữa hai chân mày của Ngài có hai luồng bạch hào, cuộn tròn lại, giống như một hạt châu vậy. Nó bao lớn? Là lớn như năm ngọn núi Tu Di vậy. Vậy bạn nói xem, A Di Đà Phật sẽ to lớn cỡ nào? Giữa hai chân mày có hai sợi lông, chúng ta gọi đó là bạch hào, nó lớn cỡ như năm ngọn núi Tu Di. Chúng ta cứ thử lấy ngọn núi lớn nhất trên trái đất thử xem, dãy Hymalaya là ngọn núi cao nhất trên trái đất; năm dãy Hymalaya cao đến như vậy, mà có thể lọt thỏm giữa hai đường chân mày. Vậy thì vóc dáng của người này bao lớn chứ ?! Bởi thế, mắt của Ngài còn lớn hơn cả biển Thái Bình dương với Đại Tây dương. Con người to lớn, nên cây cối hoa cỏ của thế giới đó, có cây cao đến 400 vạn dặm. Như thế mới xứng tầm, mới hợp lẽ.
Nếu như một người cao lớn như vậy mà đến trái đất này, thì đại khái, lòng bàn tay của họ sẽ từ Châu Âu kéo dài đến Châu Á. Chúng ta không cách gì tưởng tượng nổi. Do đó liền biết, thế giới Cực Lạc vĩ đại dường nào! Tất cả vạn vật ở đó đều to lớn, không có thứ nào là không lớn cả. Dựa theo mức tỉ lệ mà thấy, thì chẳng có vấn đề gì. Giữa hai đường chân mày của Phật có hai sợi bạch hào, cuộn tròn vào nhau giống như hạt châu vậy, có kích thước lớn bằng năm ngọn núi Tu Di. Mắt của Phật còn lớn hơn cả biển Thái Bình Dương. Nếu nói như vậy thì người Tây Phương, nếu xét theo tỉ lệ giữa người thế giới Cực Lạc và cây cối ở đó, vậy thì nói được thông rồi. Trong kinh điển, chỉ đề ra thứ mà chúng ta dễ thấy nhất, chính là cây cối để hình dung.
“Trong các Bồ Tát, dù kẻ thiện căn kém cỏi, vẫn có thể biết rõ”, ở đây là muốn chỉ cho những người vãng sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hạ hạ phẩm vãng sanh, ít ra còn có hiểu biết về cây cối ở đây. Nếu nói những thứ khác, chỉ e những bậc Bồ Tát còn sơ cơ này, không thể nào hiểu nổi. Phàm là người vãng sanh đến cõi Tây Phương, thân tướng vóc dáng đều giống với A Di Đà Phật. Câu này chúng ta phải ghi nhớ lấy. Ở thế giới Cực Lạc, tiêu chuẩn đối với thân tướng là gì? A Di Đà Phật chính là tiêu chuẩn. Mỗi một người vãng sanh, có tầm vóc giống y hệt A Di Đà Phật. Tây Phương là chỉ cho thế giới Cực Lạc; dù người, việc, môi trường hay hoàn cảnh vật chất toàn là công đức xứng tánh của A Di Đà Phật lưu xuất ra, là “tự tánh sở sanh”.
Lúc Huệ Năng Đại Sư khai ngộ, câu sau cùng Ngài nói rằng: “Nào ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”; câu này rất quan trọng. Do đâu hình thành nên vũ trụ này? Luôn là câu hỏi của con người từ xưa đến nay. Vũ trụ từ đâu mà có? Được hình thành vào lúc nào? Cho đến bây giờ đã được bao nhiêu năm rồi? Nhà khoa học chuyên nghiên cứu đề tài này, đến bây giờ vẫn chưa có một lời giải chính xác nào, chỉ nói đó là do một vụ nổ lớn – vụ nổ lớn đó, trên thực tế nói không thông. Trong Phật Pháp nói được rất viên mãn, do đâu mà có vũ trụ này? Là do tự tánh biến hiện ra, nó hiển hiện một cách tự nhiên. Tự tánh có thể, có dụng.
Xét trên thể thì cái gì cũng không có, còn tác dụng thì nó có thể hiện ra bất cứ thứ gì. Bên trong thể không có hình tướng như trí huệ, đức năng, đại đức đại năng, chúng không có hình tướng. Lục căn của chúng ta không thể tiếp xúc được, mắt không thể thấy, tai không thể nghe. Bản thân không thể tiếp xúc được, ngay cả dù có tưởng tượng cũng không tưởng tượng ra nổi. Lúc nó khởi tác dụng, thì nó có thể hiện ra vạn pháp. Chúng ta thấy được vũ trụ, chạm đến được vũ trụ – đó đều là do tự tánh biến hiện ra. Tất cả tôn giáo đều gọi tự tánh là Thần. Tự tánh là chủ sáng tạo ra vạn vật, là Thần tạo ra mọi thứ. Trong Phật Pháp thì tự tánh biến hiện ra vạn vật. A lại da đem sở hiện hiện tượng của tự tánh, tức là Nhất chân pháp giới – đem nó biến thành Thập pháp giới, biến thành sáu nẻo luân hồi – đó là tác dụng của A lại da.
Cõi Tây Phương chỉ có tâm hiện, không có thức biến; người cõi đó thảy đều chuyển A lại da thành Đại viên cảnh trí – chính là như vậy. Người của Tây Phương Thế giới Cực Lạc, đã dứt hẳn với A lại da, chuyển trở lại hết rồi. Thế giới Cực Lạc đơn thuần là do duy tâm sở hiện, tự tánh biến hiện. Công đức của cây cũng khó lòng tưởng tượng nổi; cây cũng có thể hoằng pháp dạy học. Công năng của nó cũng giống như truyền hình hiện nay của chúng ta vậy. Nếu chúng ta muốn xem tình hình của mười phương thế giới, đều có thể thấy được nơi cây báu ấy. Vả lại còn có thể theo như ý muốn của chúng ta nữa, “như nơi gương sáng, thấy rõ vẻ mặt”. Chúng ta muốn đến thế giới Ta Bà; nơi cây báu của thế giới Cực Lạc liền thấy được cõi Ta Bà này; muốn thấy trái đất, bạn liền thấy được. Lúc muốn xem đất nước Nhật Bản, cũng xem được. Những thân bằng quyến thuộc của bạn, những bạn bè thân thích mà bạn quen biết hiện nay đang làm cái gì; vừa nhìn là biết ngay, toàn bộ biết hết. Khi họ cần đến sự giúp đỡ, bạn thật có khả năng hiện thân thuyết pháp cho họ, đích thật làm được. Nên chúng ta nhất định phải biết.
Ai cũng có quá khứ, hiện tại, tương lai. Nếu không có đời quá khứ, vậy thì những quả báo mà chúng ta gặp phải trong đời này, liền nói chẳng thông rồi. Những gì mà chúng ta lãnh trong kiếp này, có một phần là do những gì chúng ta đã tạo ở kiếp trước, một phần cộng thêm những gì chúng ta gây ra trong kiếp này, đó đều là nghiệp. Nếu chúng ta không tạo nghiệp, thế thì cũng không còn đủ thứ khổ vui trên đời nữa. Tạo nghiệp thiện sẽ có quả vui, gây nghiệp ác ắt phải chịu khổ. Bởi thế, cả thiện lẫn ác đều chẳng nên tạo, như thế thanh tịnh sẽ xuất hiện, tâm thanh tịnh hiện tiền. Nói vậy phải chăng, chúng ta dẫu thiện hay ác cũng đều không làm. Nếu như thiện ác đều không làm cũng không phải là xấu, nhưng bạn vẫn là không thể thoát khỏi sáu nẻo luân hồi. Vậy phải làm sao? Phải đoạn ác tu thiện. Đoạn ác không chấp cái tướng đoạn ác, làm xong rồi thì coi như không việc gì, đừng để trong lòng. Làm thiện cũng đừng để những việc thiện mà mình đã làm trong tâm, thế thì đúng rồi. Hãy để trong tâm trống không, không một vật.
Để tâm trống không, không chứa cái gì hết, thật chẳng dễ gì làm được! Bạn làm không được, vẫn sẽ khởi vọng tưởng như thường. Thế phải làm sao? Tịnh Tông chỉ cho bạn một cách, đem ý niệm đổi thành A Di Đà Phật. Trong tâm chỉ có mỗi A Di Đà Phật thôi – A Di Đà Phật ở trong tâm; ngoài A Di Đà Phật ra, những thứ khác đều bỏ hết. Trong tâm thanh tịnh, chỉ có mỗi A Di Đà Phật. Làm như vậy bảo đảm bạn được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Vãng sanh thế giới Cực Lạc, sau đó buông bỏ cả A Di Đà Phật ở trong tâm luôn thì đúng rồi, thế thì không hề sai chút nào. Vì thế, mỗi một người trong cuộc đời này, phải gánh chịu những kết quả khác nhau. Tự làm tự chịu. Hiểu được cái sự thật này, tuyệt không oán trời trách người. Chúng ta hôm nay, dù có hứng chịu bất cứ điều gì cũng đều vui vẻ chấp nhận, không còn oán trời trách người. Tốt!
Trong số quý vị có rất nhiều đồng học từ bên Đại lục qua đây. Đồng học đến từ Đại lục đều biết, tôi không thể trở về Trung Quốc được. Vì sao vậy? Vì ở Đại lục, có rất nhiều Pháp sư xuất gia không muốn tôi trở về. Người chỉ trích tôi rất nhiều, người hủy báng cũng rất nhiều. Chuyện đó có tốt không? Tốt! Tôi đều cảm ơn họ. Vì sao? Quyển sách[note] Quyển sách “Nếu muốn Phật pháp hưng chỉ có Tăng khen Tăng”[/note] hoàn thành rồi. Mọi chuyện trên thế gian này, chẳng có chuyện gì là xấu tuyệt đối. Nếu không có ai hủy báng, thì làm sao quyển sách này ra đời được. Sách này nhằm để làm gì? Quyển sách này là do một Pháp sư trẻ tuổi bên Đại lục làm, để minh oan thay cho tôi. Viết thật rất hay. Quyển này tựa như truyện ký về tôi vậy. Thầy ấy dùng hết mười mấy năm, sưu tập tài liệu để viết thành một bộ sách hay như vậy. Tôi xem rồi vô cùng cảm động.
Bạn xem, nếu như không có những pháp sư Đại lục phản đối này, thì cũng không có thể có quyển sách này được. Quyển sách này ra đời thật có giá trị! Mai này tôi mất rồi, cái gì cũng không có, chỉ để lại mỗi quyển sách này. Như thế thôi tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Nên chuyện ở đời chẳng có thiện hay ác nào mang tính tuyệt đối cả. Cũng chẳng có đúng sai tuyệt đối. Không có. Nên dùng một cái tâm bình thường mà nhìn nhận mọi việc. Nên tôi đối với những người này, đều biết ơn họ. Bạn xem, viết ra được một quyển sách hay như vậy, để tôi thấy được trong này có rất nhiều chuyện; mà hai phần ba trong số đó, tôi đều quên hết rồi. Xem thấy quyển sách này, Thầy ấy sưu tập nhiều tư liệu hay quá. Không biết Thầy ấy lấy từ đâu mà được hoàn chỉnh như vậy. Thật quá hiếm có. Tôi càng xem càng hoan hỷ, càng xem càng biết ơn. Những người đã hủy báng chướng ngại tôi, công đức rất lớn. Nhờ đó nên mới có quyển sách này. Bởi vậy hiểu được chân tướng sự thật, quyết định không bao giờ oán trời trách người, tâm tình lúc nào cũng bình lặng.
Biết được đạo lý nhân quả báo ứng, ta càng phải tu cái nhân vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đem toàn bộ tinh thần dồn hết vào đó, đời sau liền có thể nhận được quả báo. Đời này, cuộc sống là do chịu sự chi phối của nghiệp lực. Muốn làm chuyện tốt đều bị ma chướng chướng ngại. Sanh đến Tây Phương, được oai thần của Phật gia trì, sẽ không có bất kỳ cản trở nào. Vì thế, chúng ta nhất tâm nhất ý nghĩ về Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, chẳng nghĩ gì khác.
Tuổi tác tôi nay đã lớn như vậy rồi. Hiện nay, trên quốc tế còn rất nhiều việc cần tôi tham gia; đó đều là mối duyên kết được 20 năm trước. Nếu tôi không đi thì những hoạt động đó sẽ không thể tổ chức thành công được, nên chỉ còn cách đành phải đi một chuyến thôi. Mong sao những việc này đều làm được viên mãn, sẽ có ích trong việc đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quốc gia, hóa giải xung đột, hóa giải tai nạn, xúc tiến an định hài hòa. Đây là một việc tốt! Nếu còn khỏe, tôi còn có thể chạy tới chạy lui. Vậy thì những hoạt động này không thể không đi được. Còn Liên Hiệp Quốc, tôi hy vọng đây là lần cuối cùng tôi phải đi. Sang năm tôi phải tìm người đi thay mình, tìm người tiếp quản đi thay tôi. Không được để đoạn mất cái duyên này. Cái duyên này chẳng dễ gì mới gầy dựng được. Cái duyên này rất thù thắng.
Chúng ta xem tiếp Chương 21: “Lúc con thành Phật, cõi Phật con ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu tỏ mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, thề không thành Chánh Giác”. Chương này chỉ có một nguyện, nguyện 42, nguyện: “Chiếu tỏ mười phương”.
A Di Đà Phật tuy rằng bảo là nơi cư trú của Ngài; cũng đồng nghĩa nói với chúng ta, sau khi bạn sanh đến Tây Phương, chánh báo của chúng ta, thân thể với tướng mạo, cho đến hoàn cảnh sinh sống đều giống y hệt A Di Đà Phật. Tây Phương là một thế giới bình đẳng, hoàn cảnh cư trú rộng rãi vô cùng, trang nghiêm thanh tịnh. Những lời này xét về mặt câu chữ, thì chẳng có gì khó hiểu. Hoàn cảnh sinh sống thì thoải mái dễ chịu, đất đai rộng rãi vô biên, trang nghiêm thanh tịnh; thế gian này của chúng ta cũng có, có người phước báu lớn, người tích được nhiều phước. Nhưng cõi này là uế độ, ở đây mọi thứ đều là pháp sanh diệt. Cái hành tinh này sau cùng cũng sẽ bị hủy hoại, cũng sẽ phát nổ thôi. Đây là đạo lý nhất định.
Những nhà thiên văn học, mỗi ngày đều quan sát không gian, thường phát hiện sự phát nổ của sao Bạch Oải; đồng nghĩa ngôi sao ấy, đã bị diệt mất rồi. Cái mà Đức Phật bảo là “thành- trụ-hoại- không”, hiện tượng này nhà thiên văn thấy được rồi, đây là sự thật. Cũng có những ngôi sao mới dần được hình thành. Đó là những ngôi sao được hình thành từ bụi khói của những hành tinh sau khi phát nổ. Những bụi khí này chuyển động trong không gian, rồi tụ họp lại với nhau; dần dần hình thành nên một ngôi sao mới. “Thành- trụ- hoại- không”, sự việc này được phát hiện bởi kính viễn vọng.
Trang nghiêm thanh tịnh, “quang oánh như kính”. Quang nghĩa là quang minh, oánh là thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Chẳng luận là thân thể con người hay hết thảy vạn vật, toàn bộ đều trong suốt; thất bảo cũng trong suốt. Thế giới Ta Bà này chỉ có thủy tinh là trong suốt, còn cõi Tây Phương ngay cả đất đai cũng trong suốt; đại địa đều sáng tỏ, soi chiếu vô lượng thế giới chư Phật khắp mười phương. Mọi chuyện từ quá khứ, hiện tại, vị lai đều có thể thấy được. Trong tâm nghĩ cái gì thì liền thấy tất cả. Nhân duyên quả báo vô lượng kiếp nay, bất kể là của chính mình hay là Bồ Tát, đều biết một cách triệt để tinh tường. Vì sao thành Phật, thành Bồ Tát? Vì sao bị đọa vào tam ác đạo? Vừa nhìn là biết ngay.
Do đó, hôm nay chúng tôi xin nói lời thật lòng với các vị, mọi chuyện ở đời tốt nhất đừng nên hỏi đến. Hãy lão thật mà niệm Phật, hãy giống như các ông cụ bà lão ở dưới quê vậy. Tốt! Vì sao? Vì như thế chắc chắn sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc. Sanh đến cõi Cực Lạc rồi, cái gì cũng biết. Nên bây giờ đừng bận tâm làm gì. Hao tâm phí sức nghĩ cái này cái nọ, như thế sẽ khiến tâm mình loạn mất rồi còn gì. Đều bị ô nhiễm, không thanh tịnh. Thứ chúng ta muốn có bây giờ là tâm thanh tịnh, là tâm bình đẳng, là tâm giác. Tức là thanh tịnh bình đẳng giác; chúng ta muốn cái này, như thế thì hoàn toàn chính xác. Nếu là những cái này thì Hải Hiền Lão Hòa Thượng làm được rồi. Ngài làm sao mà có được vậy? Chỉ bởi một câu Phật hiệu. Ngoài câu Phật hiệu này ra, bất cứ cái gì Ngài cũng không để trong tâm. Cả ngày từ sớm đến tối an lạc vui vẻ vô cùng. Ngay cả trong thời kỳ văn hóa đại cách mạng, ngày nào Ngài cũng dùng gương mặt tươi cười để chào đón mọi người. Ngài không cảm thấy khổ sở, không thấy buồn bã. Ngài vốn trú ở chùa Phật Lai; nhưng do văn hóa đại cách mạng, chùa chiền hoàn toàn bị đập phá hết, biến thành một nơi hoang tàn, đồng không mông quạnh. Sau khi văn hóa đại cách mạng kết thúc, mới cho kiến thiết lại mấy gian nhà tranh. Bây giờ chẳng qua có thêm mấy gian ngói mà thôi, mấy khu bên cạnh vẫn là nhà tranh.
Pháp Sư Ấn Chí cũng rất khó được, tuân giữ lời của Lão Hòa Thượng “đừng sợ không có chùa, chỉ lo không có đạo”. Lão thật niệm Phật, nhà tranh vách đất cũng chẳng hề gì; không hóa duyên, không dựng đạo tràng. Trước kia là đạo tràng lớn, nhưng giờ không nhất thiết phải khôi phục trở lại. Không cần thiết phải làm vậy, dựng một cái nhà tranh nho nhỏ trên cái nền đất trước kia là được rồi. Trú chúng, tuân theo giáo huấn của Ấn Quang Đại Sư, không quá 20 người. Người ít, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Có thể làm đến được không cầu người ta cúng dường, mới có thể đề khởi được cái tâm tinh tấn.
Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn hết một đời, không cầu cúng dường, không hóa duyên. Ở đây có cái lý của nó, xây đạo tràng quá lớn, trang hoàng hoa lệ khiến con người khởi lên lòng tham. Điều quan trọng trong nhà Phật là tu cái gì? Chính là tu cho đoạn dứt tham sân si mạn nghi. Lòng tham không còn, tâm sân hận cũng mất, ngu si cũng không còn, mà tâm ngạo mạn cũng không có. Không có nghi ngờ, thế coi như bạn cắm được cái gốc rồi. Đây là gốc rễ căn bản trong việc tu hành thành Phật. Nếu như năm thứ này vẫn còn, đạo nghiệp của bạn chắn chắn không bao giờ thành tựu được, chỉ có tạo nghiệp mà thôi. Vả lại, thứ tạo ra toàn là ác nghiệp – ác nghiệp đều là ở tam đồ. Vì vậy đồng học, đặc biệt những đồng học đến tham học từ Đại lục phải ghi nhớ ; đem những lời này của tôi, truyền đi cho một số đồng học; chúng tôi đời này không hóa duyên, cả đời chưa hề hỏi xin tiền ai bao giờ, cả đời cũng không xây đạo tràng.
Hiện nay, tôi ở Hồng Kông trong một ngôi nhà rất nhỏ. Hai gian nhà nhỏ, có một gian cũng được 100 năm rồi; gian còn lại là 80 năm. Bên ngoài nhìn vào trông có vẻ rất đơn sơ mộc mạc, nhưng nhà cũ kỹ cũng hay, tường rất dày. Những ngôi nhà như thế, giờ không còn nữa. Đúng thật là đông ấm, hạ mát. Tại sao? Vì nó cách nhiệt, nó giữ được hơi ấm, cực kỳ tốt; vốn có người bảo phá bỏ nó đi, có thể xây lại cái mới. Tôi vừa xem qua, thì thấy chẳng cần xây mới làm gì, xây lại rất đáng tiếc. Thời này đâu còn những loại vật liệu này, cũng không có nhân công. Vật liệu với nhân công 100 năm trước thì có. Nhà này ở rất thoải mái, dễ chịu. Nhỏ có lợi của nhỏ, ở rất là an ổn. Bốn phía xung quanh đều là vườn rau, đại khái có khoảng sáu mẫu đất ở Hồng Kông, đã là rất hiếm hoi rồi.
Người ta muốn tôi trồng hoa nhưng tôi trồng rau, chứ không trồng hoa. Trồng rau, chúng tôi tự dùng cũng đủ rồi, tự cung tự cấp. Chúng tôi trồng rau không có phân bón, không có thuốc trừ sâu. Hơn nữa, nước là nước ở trên núi. Nước ở trên núi chảy xuống nên chất lượng nước rất tốt, rau ăn rất ngon. Cho nên, phần lớn tôi thường ăn rau sống. Nhổ lên rửa sạch đi, thế là ăn sống thôi. Bây giờ người ta đem rau sống đến, tôi không dám ăn. Những rau đó khó hòng tránh khỏi có thuốc trừ sâu; có phân bón hóa học. Chúng ta thì không thể không ăn được, nên tôi ăn những thứ do mình trồng.
Ở Úc tôi có một vườn rau lớn. Vườn rau đó có thể cung cấp cho một ngàn người. Một pháp hội diễn ra trong mười ngày, vẫn có thể cung ứng đủ. Ở Úc đất đai rộng lớn. Khu tôi sống bên Úc, theo như Trung Quốc thì có hơn 170 mẫu đất, nên nó rất lớn. Trang viên của tôi, bên ngoài dùng dây thép gai bao lại. Nếu đi một vòng chu vi hàng rào, cũng phải mất một tiếng đồng hồ. Hồng Kông rất nhỏ, nhưng dẫu rất nhỏ mà lại rất dễ chịu thoải mái. Vì lẽ đó, tôi không xây dựng đạo tràng, mãi không bao giờ xây đạo tràng; không làm mấy hoạt động đó. Người khác tổ chức hoạt động mời tôi đến tham dự, tôi thấy sức khỏe mình còn tốt; tôi liền đến. Còn nếu sức khỏe không ổn, thì tôi không đi. Tùy duyên, như thế tốt! An phận thủ thường.
Tiền cúng dường của thập phương, tôi có đăng ký với chính phủ Hồng Kông thành lập một Cơ Kim Hội. Tiền của Cơ Kim Hội này, được dùng vào việc gì vậy? là đa nguyên văn hóa. Giáo Dục Cơ Kim Hội là giáo dục đa nguyên văn hóa, tôi dùng vào khoản này, không làm gì khác. Người ta muốn dựng chùa, tôi không đưa tiền cho họ. Quyên tiền xây chùa, tiền đó coi như chôn xuống đất rồi, chẳng có tác dụng gì. Tiền tôi dùng phải đúng nơi đúng chỗ.
Hiện nay thì làm việc gì? Là cho tiến hành đoàn kết tôn giáo, những hoạt động do Liên Hiệp Quốc tổ chức mà không diễn ra ở nơi khác. Bởi vì Liên Hiệp Quốc rất có sức ảnh hưởng, nó có thể gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Ở đây mà tổ chức hoạt động này thì quá tốt rồi. Có tiêu tốn nhiều tiền, tôi cũng thấy đáng. Vì sao? Tổ chức ở đây, mỗi quốc gia đều biết đến. Có đại sứ, với người đại biểu đến tham dự. Vì vậy, tôi với Liên Hiệp Quốc có quan hệ mười mấy năm nay. Mối quan hệ này, đến giờ vẫn luôn duy trì.
Trên kinh nói, chúng ta xem tiếp Chương 22: “Lúc con thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao chảy, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới, chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu không được như vậy, thề không thành Chánh Giác”. Chương này cũng chỉ có một nguyện, nguyện 43, nguyện “hương báu xông khắp”. Hương báu nơi thế giới Cực Lạc, tôi tin có một số đồng học đã ngửi được. Vào lúc nào vậy? Lúc niệm Phật hoặc lúc đọc kinh. Tôi biết cũng được mấy người.
Chúng ta xem chú giải: “Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương, đã từng đọc đến chỗ “hương quang trang nghiêm”. Có câu kinh văn như thế, giờ ở chỗ này lại thấy được thật tướng của “hương quang trang nghiêm”. Hai nguyện trước nói về quang minh, nguyện này thì nói đến hương báu. Bảy báu của thế giới này, chỉ có màu sắc chứ không có mùi hương”. Thế giới này, ý là thế giới của chúng ta, bảy báu có màu sắc, không có hương vị. Còn bảy báu của thế giới Cực Lạc, có hương thơm, vừa có quang sắc vừa có mùi hương. Nên tôn thế giới Cực Lạc là “hương quang trang nghiêm”. Hương này không phải là hương chúng ta hay đốt đâu, không phải hương đó. Đây là bảy báu, nó tự nhiên có thanh hương. Đối với kẻ sơ học, người mới học Phật, đối với hương báu dễ dàng cảm nhận được nhất. Vì tâm họ thanh tịnh, thành kính; hoặc lúc niệm Phật, hoặc lúc tụng kinh; có khi sẽ ngửi thấy hương thơm.
Ba tháng trước, trong nhà của cư sĩ Trần Đại Xuyên ở Dallas, đây là người mà chúng tôi đã từng gặp, đó là vào năm 1990. Năm 1990, năm đó tôi đang ở Dallas của Mỹ, Trần Đại Xuyên là một vị cư sĩ ở Đài Loan. Tối hôm đó, trăng sáng rất đẹp; năm, sáu người chúng tôi cùng nhau ngồi thảo luận Phật Pháp. Lúc đó, có năm, sáu người ngồi trong viện, cùng nhau hóng mát; nhân đó thảo luận Phật Pháp. Các đồng tu lúc đó đều ngửi thấy một hương thơm kỳ lạ, thời gian rất dài. Chứng tỏ rằng quang minh của Phật biến khắp pháp giới, hương báu cũng xông khắp pháp giới. Người thấy được quang minh tương đối ít hơn, nhưng rất dễ ngửi thấy hương thơm. Khi chúng tôi mới học Phật, thường hay có hiện tượng này. Đó là cảm ứng nhằm tăng trưởng thêm niềm tin cho chúng ta. Đây là do Phật từ bi.
Chúng sanh mười phương thế giới có duyên thấy được Phật quang, ngửi được hương báu; đều sẽ phát tâm học Phật. Kinh văn như vậy, hiển thị cảnh giới Tây Phương cùng với lý sự vô ngại, sự sự vô ngại; pháp giới được nói trong Kinh Hoa Nghiêm, hoàn toàn tương đồng. Chúng sanh có thể tiếp xúc được với Phật quang và hương thơm ấy, chứng tỏ có duyên rất sâu với Phật. Những cảm ứng tốt lành này, đều có thể phát khởi tín tâm của chúng sanh. Họ có được loại cảm ứng đó sẽ sanh lòng tin đối với Phật Pháp. Còn việc sau này, tu học liệu có thể có thành tựu hay không, còn phải xem họ gặp được duyên thế nào nữa. Nếu gặp được pháp môn niệm Phật thì rất dễ thành tựu.
43 nguyện trước của 48 nguyện, đều là Phật phát nguyện độ sanh; phổ độ chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ. Đó là 43 nguyện trước.
Từ nguyện 44 đến nguyện 48, còn năm nguyện nữa. Đây là Phật phát “biệt nguyện”, tức nguyện đặc biệt. Vì sao phát nguyện đặc biệt này? Ngài phát chuyên vì chúng Bồ Tát, không phải phát dành cho người niệm Phật vãng sanh. Cái nguyện phát dành cho người học Phật, đến đây xem như chúng ta đã học xong rồi, phần còn lại là chuyên phát vì hàng Bồ Tát. Vì sao? Bồ Tát đều là xả mình vì người, nhưng Bồ Tát từ Thất địa trở xuống, ở trong sáu nẻo độ chúng sanh đều bị mê khi cách ấm. Chữ “cách ấm” này, ý là các Ngài đến nhân gian để đầu thai, sẽ quên hết những chuyện ở kiếp trước. Nếu những Bồ Tát này tu theo pháp môn Tịnh Độ, có oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì cho họ, họ sẽ không bao giờ bị mê khi nhập thai nữa. Nên Đại Bồ Tát thường quan tâm đến các bậc Bồ Tát thấp hơn. Luôn trong những lúc cần thiết nhắc nhở họ một chút, các tiểu Bồ Tát này sẽ lập tức giác ngộ ngay. Nên chỗ này chúng tôi đặc biệt muốn thanh minh một chút. Từ Chương 23 trở đi, hai Chương 23, 24; nguyện 44, nguyện 45, còn năm nguyện nữa; phát năm nguyện này là vì hàng Bồ Tát. Ngay chỗ này chúng ta cũng có thể nhìn ra được.
Hôm nay thời gian tới rồi, chúng ta học đến chỗ này. Ngày mai, chúng ta vẫn còn một buổi nữa, có thể giảng xong rồi. Các đồng học ở Đại lục phải nhớ kỹ một câu này, cả đời tôi không bao giờ đi hóa duyên. Lớn tuổi rồi, giờ đây chỉ có một lòng khẩn thiết cầu sanh Tịnh Độ, không muốn làm mấy chuyện đó nữa. Mọi thứ đều tùy duyên. Tôi cũng không bao giờ trở về Trung Quốc Đại lục, không bao giờ về đó. Vì sao vậy? Về đó đông người quá. Tôi còn nhớ, có một lần tôi đến Tây hồ Hàng Châu, tôi đi bộ ở Tô Đê, lúc đó có khoảng mười mấy người đi theo tôi. Kết quả đi được đại khái chưa đến nửa tiếng đồng hồ, ngoái đầu nhìn lại, có đến mấy trăm người. Thật dễ sợ làm sao! Còn có một lần nữa, ở Dương Châu cũng giống như vậy đó.
Ở Hàng Châu, có một vị cư sĩ mời tôi dùng cơm ở chùa Đại Minh, chuyện đó đâu có ai biết. Vậy mà lúc ăn cơm xong bước ra, bên ngoài có hơn hai ngàn người đứng chờ. Quá phiền phức rồi. Thế nên sống ở Bắc Kinh, không thể ở trong khách sạn được. Nghỉ ở khách sạn, phút chốc mà người ta biết được thì khách đến chật cứng cả khách sạn. Họ đến nhìn tôi thế nào, thế rồi đóng đô ở khách sạn luôn. Do đó gây ra rất nhiều bất tiện. Về sau nhiều lần đến Bắc Kinh, tôi đều ở đảo Điếu Ngư – đảo Điếu Ngư có cảnh sát canh giữ, bạn không thể vào được. Nên tôi cũng mong mọi người thông cảm bỏ qua.
Chúng ta học tập cùng nhau đều trên truyền hình, hay trên mạng internet. Bây giờ theo dõi rất tiện lợi, điện thoại cũng có thể xem được. Bởi vậy, chúng ta cùng nhau học Phật, có khoa học kỹ thuật hỗ trợ rất tiện lợi, không cần đến mấy kiểu hình thức này. Về mặt hình thức, chúng ta hãy bỏ đi vậy. Mong rằng đồng tu Đại lục có thể lượng thứ cho. Tôi đều biết ơn đến các đồng tu Đại lục; không những tấm lòng yêu thương của mọi người, mà ngay cả những người phản đối, thêu dệt sinh sự hay những người hủy báng, tôi đều cảm ân hết. Tôi cảm thấy mọi người đối với tôi, đều mang lại những lợi ích thiết thực. Chân thật làm đến được công đức hộ trì; nhất là quyển sách này[note] Quyển sách “Nếu muốn Phật pháp hưng chỉ có Tăng khen Tăng”[/note] – quyển sách này chính là ghi chép về cuộc đời tôi, viết rất tỉ mỉ. Những điều tôi không thể nhớ ra, tôi đều xem quyển sách này. Xem rất thoải mái. Những câu chuyện đã trải qua trước kia, đều ở trong bộ sách này.