PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 – KINH VÔ LƯỢNG THỌ
TẬP 8
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 05 tháng 5 năm 2015
Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học!
Mời xem hàng thứ ba, trang 45 của bổn kinh, xem từ đây:
Trước đó chúng ta có nói đến, hiện nay chẳng luận xuất gia hay tại gia, người học Phật không còn tìm thấy lão sư nữa rồi. 64 năm trước, tôi gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ; thuở đó Thầy có nói với tôi, Thầy bảo trường học hiện thời (tức là đại học của Đài Loan vào 64 năm trước), Thầy nói: “Thầy không ra thầy, trò không ra trò”. Vì tôi muốn đến đại học để nghe giảng, nên Thầy nói với tôi: “Anh sẽ thấy thất vọng”. Lời nói này có ý gì? Cũng phải mấy năm sau, tôi mới hiểu ra vấn đề. Quan trọng nhất là lúc đó vẫn có thầy tốt; nhưng vì sao thầy không ra thầy? Chính vì thầy tốt thì chẳng dạy nữa. Nguyên nhân do đâu? Vì học trò không muốn học. Học sinh ở bậc tiểu học vì chúng mong được lên trung học, nên phải dốc lòng mà học cho tốt. Học sinh trung học lại phải chăm chỉ để còn lên đại học. Lên được đại học thì không còn nghiêm chỉnh để học tập rồi. Vì sao? Vì chúng chỉ đợi ngày lấy bằng mà thôi; sau này có thể bước vào xã hội tìm một công việc tốt, mục đích chỉ có thế. Bởi vậy, chúng chẳng thiết gì đến việc học hành. Cũng bởi do tâm khí bao chao, không nghiêm túc trong việc học, dẫu thầy cô giáo có dạy họ cũng vô ích; họ nghe không lọt tai, học không vào. Vì lẽ đó, nên lão sư cũng chỉ đành dạy lấy lệ mà thôi. Vì sao phải miễn cưỡng dạy lấy lệ vậy? Vì cái nghề giáo này rất là nghèo, thầy cô chỉ dựa vào chút đồng lương này để nuôi gia đình, không thể không lên lớp được. Nhưng chí của học trò lại không nằm ở việc học, chí đều chỉ đợi ngày tốt nghiệp lấy bằng; may mắn thì ra bên ngoài tìm được một công việc tốt. Vì thế, Thầy rất cảm thán mà nói: “Tiên sinh không ra tiên sinh, học trò không ra học trò”.
Các vị ngẫm nghĩ thử xem, chuyện đó cách nay đã 64 năm. Trường học thời nay so với thời đó thua xa lắm. Học sinh thời đó tuy không chuyên tâm học nhưng họ vẫn còn xem qua một chút. Hiện nay, ngay cả một chút đó cũng không còn. Qua đó chứng tỏ, học vấn cứ một đời lại không bằng một đời. Về sau thì sao? Tôi thường hay suy nghĩ: hai, ba mươi năm sau, trong các trường đại học, không tìm thấy giáo viên, không có thầy cô tốt nữa rồi. Học sinh ở trường cũng không muốn học, không chăm chỉ học hành. Hiện nay, học sinh tiểu học đều tâm khí bao chao, vậy làm sao mà thành tựu được? Chân thật muốn học thì sao? Vẫn là phải tìm người xưa. Bây giờ, đọc sách cổ tương đối khó khăn. Nhưng cũng may con người thời nay có lưu lại đĩa, số lượng rất phong phú. Mọi người dùng các trước tác cũng như đĩa của họ để dạy học, sử dụng giáo trình bằng đĩa quang; những năm qua có không ít người vẫn đang tiến hành thực nghiệm, làm được rất thành công. Chúng tôi nghe rồi, thấy rồi rất khâm phục; thậm chí cho đến bây giờ, bản thân chúng tôi vẫn không hề từ bỏ lối dạy học dùng đĩa quang này. Vì bạn không thể tìm được một vị thầy, có thể giảng tới giảng lui một bộ kinh cho bạn được, đó là chuyện không thể nào. Nhưng nếu có một bộ đĩa, bạn nghe 100 lần, 200 lần hay 300 lần đều được. Chỉ cần bạn chịu nghe, có nghe đến một ngàn lần cũng chẳng ai quấy rầy bạn. Thế thì quá tốt rồi!
Cổ nhân Trung Quốc dạy chúng ta nguyên lý, nguyên tắc trong việc dạy học. Hôm nay, chúng ta nói đến lý niệm giảng dạy là: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Tự hiểu tức là tự mình khai ngộ rồi. Một khi đã nhuần nhuyễn rồi thì có thể sẽ khai ngộ. Đấy là do nguyên nhân gì? Chúng ta học Phật bao nhiêu năm nay, lúc thường cùng nhau trao đổi học tập; tôi thường khuyên mọi người: chúng ta phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm! Chân tâm là gì? Chân tâm là nhất tâm. Tam tâm hai ý là vọng tâm. Dùng chân tâm, nếu có thể đọc sách trên ngàn lần thì vọng tâm sẽ không còn, mà tạp niệm cũng không còn, chân tâm liền xuất hiện. Xuất hiện chân tâm, tự nhiên có thể khai ngộ; những ý nghĩa hàm chứa trong bộ kinh này bạn thảy đều hiểu rõ. Phương pháp này là thật, là chân lý, không hề giả. Thời cổ đại, các bậc thánh nhân, những điều mà họ nói ra, vì sao bảo là chân lý vĩnh hằng bất biến vậy? Vì họ dùng chân tâm để nói ra những điều ấy; họ dùng chân tâm mà viết ra. Chính là đạo lý như vậy.
Nếu bạn có thể dùng chân tâm, bạn chính là đệ tử Phật. Dùng chân tâm thành thục rồi, bạn sẽ là Bồ Tát. Đến một ngày nào đó ắt sẽ đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, như thế thì bạn thành Phật rồi. Do ai dạy cho bạn vậy? Chẳng ai cả, tự bạn thành tựu lấy chính mình. Ai là Thầy của bạn? Ai giúp bạn ấn chứng? Người ấn chứng cho bạn chính là Thầy của bạn. Nếu chúng ta thật đã khai ngộ rồi, hôm nay biết tìm ai đến để ấn chứng cho mình đây? Không tìm được người thì tìm đến kinh điển. Chúng ta xem kinh đại thừa, vừa xem là hiểu ngay; chính kinh điển sẽ chứng minh chúng ta đã thật khai ngộ rồi. Kinh đại thừa chính là Thầy của chúng ta. Kinh đại thừa do ai thuyết vậy? Do Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết. Thích Ca Mâu Ni Phật là Thầy của bạn đó, bạn là đệ tử Thích Ca. Nhà Phật là thế, mà nhà Nho cũng như thế, Đạo gia cũng vậy, mà các tông phái khác cũng thế, tuyệt diệu không lời diễn tả! Mạnh Tử là học với ai vậy? Mạnh Tử là học theo Khổng Tử – Khổng Tử tuy đã không còn, đã qua đời rồi, nhưng Mạnh Tử học từ những tác phẩm của Khổng Tử.
Cũng như chúng ta hiện nay, dùng sách vở hay đĩa DVD của những người chân thật có đức hạnh, có học vấn để học vậy, giống nhau cả mà. Hiện nay khoa học tiến bộ, xét về mặt phương pháp mà nói, nó có phần tốt hơn, tinh tế hơn người xưa; mà lực lượng cũng được nhiều hơn, không bị thiếu hụt. Cho nên ngay trong thời khắc này, người chân thật ham học hỏi vẫn còn đường để đi; không phải cùng đường rồi, thật ra vẫn còn lối thoát. Đó là học theo cổ nhân, làm đệ tử tư thục của cổ Đại đức, người Trung Quốc nói là “đệ tử tư thục”.
Người đầu tiên phải kể đến là Mạnh Tử. Khi Mạnh Tử ra đời thì Khổng Tử đã ra đi rồi, qua đời rồi, nhưng các tác phẩm của Khổng Tử vẫn còn; ông vốn ngưỡng mộ Khổng Tử nhưng lại không ở cùng một thời đại, ông cách Khổng Tử một đời. Mạnh Tử lấy sách của Khổng Tử làm giáo trình và cũng lấy đó làm tiêu chuẩn cho việc học tập của mình, Mạnh Tử học rất thành công. Ông lấy Khổng Tử làm Thầy, học thành công rồi. Người đời sau tôn Khổng Tử làm Chí Thánh, tôn Mạnh Tử làm Á Thánh. Qua đó chứng minh rằng, thành tựu của Mạnh Tử phi phàm hơn người.
Khổng Tử, bạn xem xem khi Ngài còn sống, học trò có khoảng ba ngàn người. Trong số ba ngàn người ấy, có 72 người nổi trội nhất. Và địa vị của Mạnh Tử vượt hơn hẳn trong số ấy, là người đứng đầu trong số 72 người này. Mạnh Tử được hậu nhân xếp lên hàng đầu. Người ta chủ yếu nhắc đến Khổng – Mạnh, chứ không nhắc đến Khổng – Nhan; Nhan Hồi là học trò mà Khổng Tử yêu thương nhất. Mọi người không nói về Tử Du, cũng không luận đến Tử Cống; người ta chỉ nói mỗi Mạnh Tử, hay Khổng – Mạnh mà thôi. Chứng minh rằng, học theo người xưa vẫn có thể học thành công; hơn nữa còn có thể vượt trội hơn người, thậm chí còn hơn hẳn người xưa. Trong nhà Phật cũng có.
Những trường hợp khác có rất nhiều như Tư Mã Thiên đời nhà Hán. Bộ “Sử Ký” nói về lịch sử Trung Quốc, tác giả của nó chính là Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên là do học từ ai mà nên? Là từ Tả Khâu Minh. Tả Khâu Minh soạn một bộ sách lưu truyền cho hậu thế gọi là “Tả Truyện”, “Xuân Thu Tả Truyện” chính là được viết bởi Tả Khâu Minh. Tả Khâu Minh là người cùng thời với Khổng Tử, còn Tư Mã Thiên là người thuộc triều Hán; thời gian cách nhau rất xa, nhưng Tư Mã Thiên học thành rồi. Văn phong của ông vô cùng lưu loát, rất giống với phong cách của “Tả Truyện” hay “Xuân Thu Tả Truyện”. Điều đó nói lên, Tư Mã Thiên là do học từ Tả Khâu Minh; đều là học theo người xưa, còn Hàn Dũ vào đời Đường thì học theo Tư Mã Thiên.
Đời Đường – Tống có tám Đại gia, là các Đại văn hào. Văn chương của họ là học cùng ai? Là học của Tư Mã Thiên. Thế Tư Mã Thiên đã dạy họ thế nào vậy? Chính nhờ bộ “Sử Ký”, chính nhờ nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, một đời chỉ đọc bộ “Sử Ký”. Cả đời Tư Mã Thiên chính là đọc bộ “Tả Truyện”- “Xuân Thu Tả Truyện”, cứ như thế mà thành công rồi. Đọc trăm lần, ngàn lần, thế là thuộc làu luôn.
Các giáo huấn này, chúng ta thật sự phải khắc ghi trong lòng. Đến người còn tìm không ra, thì chúng ta làm thế nào để lựa chọn lão sư đây. Chỉ có thể học theo người xưa. Trong nhà Phật thì có Ngẫu Ích Đại Sư, Ngài ngưỡng mộ Liên Trì Đại Sư, nên Ngài học theo y như đúc. Liên Trì Đại Sư là Tổ sư đời thứ 8 của Tịnh Độ Tông, Ngẫu Ích là Tổ đời thứ 9. Bạn thấy đó, đều trở thành Tổ sư Tịnh Tông cả. Lúc đó, Liên Trì Đại Sư đã vãng sanh rồi, nhưng trước tác của Liên Trì Đại Sư vẫn còn. Ngài Ngẫu Ích chuyên đọc các tác phẩm của Liên Trì Đại Sư, cứ lấy Ngài Liên Trì làm Thầy, học theo sách của Ngài ấy, thật học rất giống; cũng trở thành Tổ sư một thời.
Hôm nay, tôi xin giới thiệu với quý vị một vị đại thiện tri thức, ai vậy? Là A Di Đà Phật. Chúng ta lấy A Di Đà Phật làm Thầy; học theo A Di Đà Phật, mai sau khẳng định sẽ thành Phật. A Di Đà Phật ở đâu? “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là A Di Đà Phật. Chúng ta cứ nương vào Kinh Vô Lượng Thọ mà tu học, có thể hiểu rõ ràng, minh bạch những lý luận trong kinh. Những lời dạy trong đó bạn đều có thể áp dụng vào trong đời sống của mình, để nó trở thành hiện thực, bạn chính là đệ tử bậc nhất của A Di Đà Phật. Đây là sự thật, không hề giả. Bởi vậy, lão sư đang ở trước mặt chúng ta, nếu bạn không nhận ra thì cũng đành bó tay hết cách.
Phiên bản Kinh Vô Lượng Thọ có rất nhiều. Trong Đại Tạng Kinh, chúng ta thấy có năm loại, còn có ba loại hội tập và một bản tiết hiệu. Bản tiết hiệu của Bành Tế Thanh. Vì vậy, Kinh Vô Lượng Thọ ở Trung Quốc có chín bản, bên Nhật có nhiều hơn so với chúng ta. Ngoài ra, còn có nhiều bản chú giải của Tổ sư Nhật Bản; có khoảng hai, ba mươi loại chú giải. Còn chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của Trung Quốc chỉ có hai loại. Cho nên, đối với việc học tập Kinh Vô Lượng Thọ (đó là nói thời xưa chứ không phải thời nay) thuở xưa, người Nhật học còn nghiêm túc chăm chỉ hơn so với người Trung Quốc chúng ta. Bộ kinh này nếu đem đối chiếu với Mông Cổ Đại Tạng Kinh; Mông Cổ Đại Tạng Kinh thì chúng ta không biết tiếng Mông Cổ; tôi xem trong phần lời tựa, trong đó có nói liên quan đến Kinh Vô Lượng Thọ, trong Mông Cổ Văn có thu thập hơn ba mươi loại.
Qua đó đã chứng minh cho chúng ta rồi. Theo như cổ nhân Trung Quốc suy đoán, khi Đức Phật còn tại thế đã nhiều lần tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, chứ không chỉ nói có một lần. Nếu giảng một lần thì chỉ có một lần kết tập thôi chứ, đằng này có đến bốn, năm chục loại. Có thể thấy rằng, Đức Phật thường hay giảng kinh này; Phật thuyết kinh 49 năm hầu như mỗi năm đều phải giảng qua một lần, có cái khả năng này. Vì sao? Vì bộ kinh này quá quan trọng rồi. Tất cả chúng sanh có thể học theo bộ kinh này, thì đời này của họ liền có thể thành tựu. Học kinh khác, một đời không thể thành tựu được. Một đời chân thật thành tựu chỉ có mỗi kinh này. Vì lẽ đó, nên Đức Phật hay giảng kinh này là vậy.
Khi chúng tôi biết được điều này, quả thật vô cùng hy vọng những bậc Đại đức hiểu được tiếng Mông Cổ, có thể tìm tất cả Kinh Vô Lượng Thọ từ trong Mông Cổ văn, thảy đều phiên dịch thành Hán văn, rồi cho lưu thông ở những nơi có sử dụng tiếng Hán. Nên đọc nhiều vào để biết rằng, mỗi lần Đức Phật giảng sẽ giảng như thế nào. Phật là ứng cơ thuyết pháp, địa điểm không đồng, thính chúng cũng khác; nơi chốn khác nhau, thời gian cũng khác thì cách giảng pháp cũng không giống. Nhưng chung quy, nội dung nhất định là tương đồng; lời nói ra có thể khác đi nhưng ý nghĩa thì giống nhau. Điều này chúng ta phải học hỏi, cũng nhằm tăng thêm lòng tin của chúng ta.
Sự an lạc của đại chúng vãng sanh Tây Phương thế giới, được ví như “Tỳ kheo lậu tận”, tức là A La Hán. “Lậu” là đại từ tiêu biểu cho phiền não, “Lậu tận” nghĩa là đã đoạn dứt phiền não. Phiền não có ba loại lớn: kiến tư phiền não, trần sa phiền não,vô minh phiền não. Kinh này là kinh điển đại thừa, nên lấy giáo nghĩa đại thừa đến để giải thích. Tiểu thừa chỉ đoạn được kiến tư, còn trần sa và vô minh vẫn chưa phá được. Lậu tận trong đại thừa là chỉ cho Thập Địa Bồ Tát. Địa vị cuối cùng là Pháp Vân Địa Bồ Tát đã đoạn được kiến tư phiền não, cũng đoạn được trần sa phiền não rồi.
Trong 41 phẩm vô minh thì đoạn được 39 phẩm, chỉ còn 2 phẩm còn lại vẫn chưa trừ được; người như vậy gọi là Đại thừa A La Hán, đã phá được thân kiến, không còn chấp vào cái thấy của chính mình. Thật rất không dễ gì! Chân thật làm được đến vô ngã rồi. Vì sao? Bởi vì họ đã thấu hiểu được chân tướng sự thật; Đại thừa giáo thường nói là: “thật tướng các pháp”. Giữa khoảng vũ trụ này, thật tướng của hết thảy vạn pháp là gì? Thật tướng của nó là “không”; thật tướng là “nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”.
Hiện nay, nhà lượng tử lực học đã khám phá ra rồi. Trong giới khoa học, có một số người chuyên đi nghiên cứu: Vật chất là gì? Ý niệm là thế nào? Khởi tâm động niệm và hiện tượng tự nhiên ra sao? Đây là ba vấn đề lớn trong khoa học, gọi là bí mật của vũ trụ, nhưng không ai biết. Kỳ thực, Phật sớm đã biết hết rồi. Bọn họ không đọc kinh Phật nên họ không biết, còn Phật thì biết. Khoa học phát triển đến hôm nay là 400 năm, một đời lại tiếp nối một đời; không ngừng thâm nhập nghiên cứu đến tận 20 năm gần đây, mới làm sáng tỏ được vật chất thực chất là gì. Giới khoa học tuyên bố với toàn thế giới, chính là tuyên bố kết quả nghiên cứu của họ; kết luận này chỉ ra rằng trên thế giới này căn bản không hề tồn tại vật chất. Vật chất là giả, nó không có thật.
Vật chất từ đâu mà có vậy? Từ ý niệm. Cách thức mà nhà khoa học sử dụng, hoàn toàn giống với những gì mà kinh Phật đã nói; chính là không ngừng phân tích vật chất, bắn phá nó, phân chia nó, phân đến dạng vật chất nhỏ nhất, không thể tiếp tục phân nữa. Thứ nhỏ nhất, không còn có thể phân chia, vừa phân chia thì liền biến mất, trở thành không – cùng với công cụ khoa học tiên tiến nhất, họ đã thực hiện thành công sự việc này.
Tôi xem báo cáo của nhà khoa học người Đức- Ông Planck; ông là Thầy của Einstein (học trò còn xuất chúng hơn Thầy); theo báo cáo lượng tử lực học mà ông Planck nghiên cứu đã vạch rõ bí mật của vũ trụ. Khi phân tích vật chất, phân đến dạng nhỏ nhất; dạng vật chất nhỏ nhất được gọi là vi trung tử hoặc trung vi tử đều được. Nó bao lớn? Nhà khoa học bảo rằng, nếu tập hợp 10 tỉ vi trung tử; thể tích của nó tương đương với một hạt điện tử – điện tử trong hạt nhân nguyên tử. Cho bắn phá nguyên tử, lại thấy được hạt nhân nguyên tử, điện tử và trung tử. Người ta phát hiện ra nguyên tử vào 80 năm trước; cứ nghĩ rằng nó là dạng vật chất nhỏ nhất. Cùng với sự tiến bộ không ngừng của công cụ khoa học, họ cho bắn phá nguyên tử; lại khám phá ra, nguyên tử không phải dạng nhỏ nhất. Sau khi công phá nhìn thấy trong đó có điện tử, có lạp tử, có hạt nhân nguyên tử và trung tử. Tiếp tục cho bắn phá bốn loại hạt này, những hạt đó vẫn chưa phải hạt nhỏ nhất. Cho bắn phá mỗi loại như thế, thì phát hiện ra hạt cơ bản. Hạt cơ bản hình như có đến năm, sáu chục loại. Vẫn có thể tiếp tục bắn phá, khi phân rã ra thì hạt đó gọi là hạt quark, cũng có đến mấy mươi loại. Lại bắn phá hạt quark, thì chính là vi trung tử – hạt này thật sự là hạt nhỏ nhất rồi.
Nếu tiếp tục bắn phá vi trung tử, nó sẽ biến mất; giống như những gì Phật đã nói, trở thành không, trở thành hư không. Phật gọi hiện tượng vật chất nhỏ nhất là lân hư trần. Hư nghĩa là hư không, nó là hàng xóm sát vách với hư không. Nếu bắn phá nó thì nó sẽ biến thành “không”, chẳng còn gì… không cách gì tìm thấy nó nữa. Điều này, khoa học đã làm được rồi, chính là trung vi tử hay vi trung tử. Sau khi bắn phá vi trung tử, hiện tượng vật chất liền biến mất. Nhìn thấy được điều gì? Thứ thấy được là hiện tượng dao động của ý niệm. Nhờ đó, hốt nhiên đại ngộ.
Vật chất là gì? Vật chất là huyễn tướng được sinh ra dưới tần số cao của ý niệm. Chúng ta lầm tưởng cho rằng, nó thật tồn tại. Trên thực tế không hề tồn tại vật chất, thật chất không có. Lại dẫn ra những điều trong kinh điển đại thừa, Phật nói đến sự việc này; Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát, bảo rằng: “Tâm hữu sở niệm” – phàm phu chúng ta khởi lên ý niệm – “kỷ niệm, kỷ tướng thức da?”, đây là lời trong kinh văn, Phật hỏi một câu như thế, trong đó hàm chứa ba sự việc: Bao nhiêu niệm? Ý là có bao nhiêu ý niệm vi tế? Trong số ý niệm ấy có bao nhiêu tướng? Tướng là hiện tượng vật chất, có bao nhiêu thức? Thức là thọ, tưởng, hành, thức.
Nhờ đó, chúng ta mới có thể làm sáng tỏ “ngũ uẩn” trong câu: “ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn là gì? Ngũ uẩn chính là vi trung tử. Hơn nữa, trong phần ngũ uẩn nói được rất hay, Ngũ uẩn bàn về cái gì? Thứ quan trọng nhất là gì? Đó là “không thể tách rời giữa vật chất và ý niệm”. Một khi phân khai, vật chất liền biến mất; ý niệm vẫn tồn tại nhưng vật chất không còn. Bởi vậy, miễn là có vật chất nhất định dù dạng vật chất này có nhỏ bao nhiêu đi chăng nữa, nó vẫn có thọ, tưởng, hành, thức. Dùng lời hiện nay mà nói, nghĩa là dù là vật chất nhỏ nhất nó cũng có cơ thể, nó là sống, không phải chết. Vì sao? Vì nó có cảm thọ. Như việc chúng ta khởi tâm động niệm, nó đều biết, nó có cảm thọ, nó có tưởng. Nó liên lục không ngừng, niệm trước diệt, niệm sau sinh, đấy là hành. Thức là nó có ký ức. Bởi vậy mọi thứ mà chúng ta đã trải qua, nó giống như một cái nhà kho vậy, một kho tư liệu. Mọi thứ đều được lưu trữ trong đó.
Vì vậy, chỉ cần có thể chuyển Tám thức thành Tứ trí, chúng ta có thể biết được mọi chuyện chúng ta đã làm trong nhiều đời nhiều kiếp; biết một cách tự nhiên. Điều này chứng tỏ rằng, toàn bộ vũ trụ cùng với chính chúng ta, có quan hệ thế nào vậy? Là một thể, thật sự là một Thể. Hiện nay, chúng ta giao lưu qua lại với các tôn giáo, chúng tôi đề nghị, tôn giáo cùng nhau chung sống hòa mục; đề xuất ChúngThần là một thể, Tôn giáo là một nhà, vì sao? Hôm nay thời cơ đến rồi, nhất định phải đề ra mới có thể giúp cho trái đất này có lại sự an định hài hòa; nhân dân mới có thể trải qua một đời sống chân thật hạnh phúc mỹ mãn. Không phải vị Thần này với vị Thần kia là hai thể khác biệt; hai người khác nhau thì sẽ dẫn đến tranh cãi, dẫn đến tranh hơn tranh thua; không có chuyện đó, vì là một thể mà.
Cũng như những năm về trước, Lão Hòa Thượng Trung Thôn Khang Long, người Nhật hầu như đều biết đến Ngài, đều hết sức cung kính Ngài. Tôi gặp Ngài vào năm Ngài 100 tuổi, năm đó Ngài vừa đúng 100 tuổi, 103 tuổi thì Ngài ra đi, vãng sanh rồi. Lão Hòa Thượng nói với tôi một chuyện, Ngài nói: “Người sáng tạo nên mọi tôn giáo trên toàn thế giới, đều là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm”. Nói quá hay! Lúc đó, đúng vào thời điểm tôi đang tiến hành đoàn kết 9 Đại tôn giáo ở Singapore. Đệ tử của Ngài là Thầy Kiều Bổn (sau khi Lão Hòa Thượng viên tịch, Thầy Kiều Bổn kế thừa tiếp nối đạo tràng ấy), Thầy nói với tôi, Thầy bảo: “Pháp sư à! Lão Hòa Thượng của chúng tôi, hôm nay nói những lời ấy, trước giờ Thầy chưa từng nói vậy bao giờ. Vì sao Lão Hòa Thượng gặp Thầy, lại nói những lời như thế nhỉ?”. Chính là “Người sáng tạo ra mọi tôn giáo, đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát”. Tôi nói: “Do tôi đang đoàn kết tôn giáo nên Lão Hòa Thượng đem lý luận, đạo lý của việc đoàn kết tôn giáo, nói rõ ràng minh bạch đó mà”. Đó là thật, không hề giả. Cho nên chúng tôi đề ra, Chúng thần là một thể, Tôn giáo là một nhà, Tôn giáo mà đoàn kết, xã hội liền hài hòa.
Khi giáo dục Tôn giáo được mở rộng, thế giới này liền hòa bình thôi. Bạn hãy đi xem thử kinh điển của mỗi tôn giáo, nó nói cái gì vậy? Đều nói về yêu, bởi thế lòng yêu thương là tư tưởng nòng cốt của mọi tôn giáo. Nó đều nói đến hiếu dưỡng phụ mẫu, tôn kính sư trưởng; những gì mà mấy chục ngàn năm nay người Trung Quốc chúng ta hay nói, đều có trong kinh điển của mỗi tôn giáo. Bạn đọc kinh điển, bạn mới biết tư tưởng giữa các tôn giáo với nhau, đều là “giống nhiều, khác ít”. Vì sao lại có nhiều tôn giáo đến như vậy? Bởi vì, lúc đó không có truyền hình, không có giao thông, rất bất tiện. Bồ Tát hay Thánh nhân muốn giáo hóa chúng sanh, đều phải tùy loại mà hóa sanh. Các Ngài có thể phân thân đến mọi ngõ ngách khắp thế giới này; các Ngài thị hiện thành khuôn mẫu của một Thánh nhân của mỗi dân tộc, gọi là bậc Thánh Hiền, chính là người thông đạt những việc mà người bình thường không thể nào biết được. Các Ngài có thể liễu giải nó, có thể nói ra được; vả lại còn giúp cho chúng ta tìm thấy con đường đúng đắn. Đó là sự thật, không hề giả. Bởi thế, giáo dục tôn giáo là giáo dục mang tính chủ yếu; là giáo học trọng yếu, là tôn sùng giáo hóa của toàn nhân loại; không thể nói một cách tùy tiện, mà phải có chứng cứ xác thật. Quả thật là như thế, không thể lơ là mặt giáo dục tôn giáo được. Không thể nói nó là mê tín. Ai mê tín? Nói người mê tín dị đoan, là mê tín.
Khi bạn hiểu rõ ràng, tường tận rồi, bạn mới biết rằng đây là sự việc thế nào. Tôn giáo là một nền giáo dục rất bổ ích. Nền giáo dục cứu vớt thế giới này chính là luân lý, đạo đức, nhân quả. Hướng lên cao hơn nữa, là khoa học với triết học. Khoa học, Triết học, trong kinh điển cũng có những phương diện này; nhưng đích thực là mức độ cạn sâu, rộng hẹp có phần không đồng; mọi người đều công nhận như vậy.
Phật pháp đại thừa giảng giải là thấu triệt nhất, rõ ràng nhất, minh bạch nhất. Hiện nay nếu chúng ta muốn kế thừa phật pháp đại thừa, cần phải nỗ lực hết mình trong việc đọc kinh. Muốn hiểu thì làm thế nào? Đọc nhiều ắt hiểu ngay, cái đó gọi là: “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”, hiểu một cách tự nhiên. Nếu vẫn chưa hiểu thì sao? Chưa hiểu thì đọc thêm một ngàn lần nữa. Vẫn chưa hiểu thì lại đọc thêm một ngàn lần nữa. Nhất định phải đọc cho đến khi nào hiểu mới thôi. Nhưng đừng cầu mình sẽ hiểu, mong mình phải hiểu thì đó là vọng tâm; nó sẽ trở thành chướng ngại, bạn sẽ không bao giờ hiểu được. Cái gì cũng không mong cầu, chỉ là chăm chỉ thật thà mà đọc, chính là dùng tâm chân thành mà đọc; không được thêm vào vọng tâm, không xen tạp vọng niệm. Như thế là được rồi, cứ thế mà niệm tiếp tục. Niệm lâu ngày rồi sẽ hốt nhiên tinh tường. Sau khi thông suốt rồi, lại tiếp tục dùng phương pháp cũ ấy, không ngừng niệm tiếp. Thì cái trí huệ đó của bạn, theo đó mỗi lần lại được nâng cao thêm. Nhất định có kiến giải mới, nhất định là bạn sẽ ngộ ra những đạo lý mới. Cách làm này là thật, không hề giả. Hay nói cách khác, Phật, Bồ Tát, bậc Thánh Hiền, mỗi người chúng ta đều là thế, bình đẳng với nhau. Chỉ do chúng ta không chịu thật làm. Chúng ta phải thật làm, bạn sẽ ngang bằng với các Ngài, không hề thua kém chút nào. Thậm chí còn có thể vượt trội hơn rất nhiều, vượt cả A La Hán, vượt cả Bồ Tát. Tu đến mức viên mãn nhất thì đó là Phật. Phật Phật đạo đồng, giữa Phật với Phật không có thứ hạng cấp bậc, không hề khác biệt.
Đây là nói đến Đại A La Hán đã phá thân kiến. Không còn khởi lên ngã chấp, nhất định là cái ý niệm về ngã kiến, không còn sanh cái suy nghĩ này nữa rồi. Vậy Đức Phật vì sao còn nói những lời ấy làm gì? Vì chúng ta là đới nghiệp vãng sanh, thân kiến chưa đoạn, lúc nào cũng nghĩ đến mình, nhưng đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc có công đức bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì; “Ta” cái ý niệm này không bao giờ khởi lên nữa. Cho nên muốn đoạn phiền não – đến Thế Giới Cực Lạc, được 48 nguyện của A Di Đà Phật gia trì – phiền não tự nhiên đoạn được, tự nhiên không còn khởi lên nữa.
Chúng ta xem tiếp Chương 16 phía sau: “Lúc con thành Phật, những người sanh trong nước con thiện căn vô lượng, đều được thân Kim Cang Na la diên rất kiên cố”. Đây là nguyện 32, nguyện “Thân Na la diên”, được thân Kim Cang bất hoại nên họ có tuổi thọ vô lượng, nếu thế trước hết phải có một cơ thể cường tráng cái đã.
“Thân và Đảnh đều có quang minh chiếu rực, thành tựu hết thảy trí huệ”. Đây là nguyện 33, nguyện “Quang minh, trí huệ biện tài”.
Phần sau còn có một nguyện: “ Đạt được vô biên biện tài, khéo bàn các pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, tiếng như chuông vang, nếu chẳng được vậy thề không thành Chánh Giác”. Nguyện sau cùng là nguyện 34 “Khéo bàn các pháp bí yếu”, cái nguyện này để giáo hóa chúng sanh.
Chúng ta xem phần tiểu chú: “Đây là những điều đạt được sau khi đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc: thân thể cường tráng, sức khỏe dồi dào, không bao giờ đau bệnh”. Thân thể khang kiện, có cái năng lực làm việc, bởi vì thân là thân Kim Cang bất hoại .“Na la diên” là tiếng Phạn, là tên gọi của thần Kim Cang lực sĩ. Chỗ này dùng cái tên ấy để làm ví dụ, đại biểu cho cái thân vững chắc kiên cố.
“Thân và Đảnh đều có quang minh”, quang minh là do tâm thanh tịnh phát khởi ra. Xã hội bây giờ có rất nhiều người có thần thông; có khả năng nhìn thấy được quang minh ấy, cũng có thể bay lên cách mặt đất ba mét. Cái năng lực ấy không phải của họ, họ quả thật có đấy, nhưng là do yêu ma quỷ quái gia trì cho họ; do họ bị yêu ma quỷ quái khống chế hoàn toàn. Có không ít những sự việc kỳ lạ quái dị này, họ có thể biểu diễn cho mọi người thấy. Rất nhiều người tin vào đó, nhưng niềm tin ấy là sai lầm, họ không có trí huệ. Đó là Tà đạo, không phải Chánh đạo.
Thần thông trong Chánh đạo, các vị xem Hải Hiền Lão Hòa Thượng, thật có lục thông. Đầy đủ thần túc nhưng Ngài không biểu diễn, không để lộ tướng. Thỉnh thoảng có những lúc cần thiết, Ngài mới lộ ra một chút; bạn phải lưu ý lắm mới có thể phát hiện được; nếu bạn sơ ý bỏ qua, sẽ không thể nào nhìn ra. Tuyệt! Chính là tuyệt ngay chỗ này. Vì sao Ngài không lộ thần thông vậy? Lộ ra, người ta sẽ nói Ngài là yêu ma quỷ quái, thậm chí còn có thể châm biếm Ngài đã đi vào con đường tà đạo; vì lẽ đó, Ngài không thể hiện ra ngoài. Có mấy lần, vì quá bất đắc dĩ, các vị có thể thấy trên chiếc đĩa có nói. Như lần có người đốt rơm, khói bay mù mịt khắp nơi, gặp gió thổi nữa – bay hết vào mũi của mọi người, mọi người chẳng cách nào đọc kinh được. Một người đồ đệ bèn tìm đến Lão Hòa Thượng, nói rằng trong phòng toàn là khói. Lão Hòa Thượng nghe rồi chẳng nói lời nào, bèn nhặt ở dưới đất một túi nhựa phế liệu, thẩy một cái bảo rằng: “Gió hãy thổi về bên đó đi, về hướng đó”. Khói quả thật liền bay về hướng đó. Đó chính là thần thông. “Mọi người hãy ngoan ngoãn đọc kinh đi, đừng có mà suy nghĩ lung tung”, Ngài chỉ ngẫu nhiên thực hiện vài lần.
Vì thế, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát mới có thể biết được. Lão Hòa Thượng vào thuở đó, trong hoàn cảnh ấy đã tu hành thế nào? Đã chứng quả ra sao? Làm sao chứng đắc một kết quả viên mãn như thế? Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, một đời lại khác với một đời. Nếu ở vào thời của Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài có thể dùng thân phận Phật, là thân có 32 tướng để hoằng pháp lợi sanh. Còn nếu ở đời Đường Trung Quốc, sẽ là Huệ Năng Đại Sư ; Ngài đại triệt đại ngộ vào năm 24 tuổi; nhưng lại phải trốn lẩn trong đám thợ săn suốt 15 năm, mới có thể bước ra giáo hóa chúng sanh; do thời tiết nhân duyên chẳng đồng… Đến cái thời này, Hải Hiền Lão Hòa Thượng đại triệt đại ngộ, Ngài dùng thân phận như vậy, dùng cách biểu pháp như thế là chính xác rồi. Chúng ta nên lấy đó làm gương mà học tập cho tốt.
“Khéo bàn các pháp bí yếu”, tức là giảng kinh thuyết pháp. Người giảng kinh hiện nay ít rồi, tôi khuyên các vị nên phát tâm học giảng kinh, đừng nghĩ rằng bản thân mình không có trí huệ mà không chịu học. Giả như thật sự phát tâm vì để báo Phật ân, hoằng pháp lợi sanh, không vì danh văn lợi dưỡng; lúc giảng kinh, tự có Phật, Bồ Tát gia trì. Đây là việc mà rất nhiều Pháp sư giảng kinh đều đã trải qua; có lúc ngồi trên giảng đài, tự nhiên phát huy được huyền nghĩa trong kinh một cách tinh tế sâu sắc; việc qua nghĩ lại, không biết mình vì sao lại nói được những lời ấy. Có lúc chuẩn bị tài liệu lên giảng, khi bắt đầu giảng lại chẳng dùng được thứ nào. Các vị sau này nếu tham gia vào việc giảng kinh, có thể cũng gặp phải tình huống này; bất kể pháp sư hay cư sĩ đi giảng kinh, mỗi người đều có kinh nghiệm ấy.
Khi tôi mới học Phật, Đạo Nguyên Lão Hòa Thượng là một Pháp sư giảng kinh ở Đài Loan, ông giảng rất hay; chúng tôi bèn đem những kinh nghiệm này nói với ông, ông nói: “Đúng là như thế!”, ông cũng thường như vậy. Cư sĩ tại gia thì có lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Thầy giảng kinh hết sức nghiêm túc. Thầy giảng kinh là vào buổi tối, cả cái ngày giảng kinh hôm đó, kể ngày từ 8 giờ sáng, đại khái đến tối khi ăn cơm, Thầy đều đang nhẩm cái đoạn kinh ấy, đều rất dụng tâm học tập. Đến tối hai giờ đồng hồ, Thầy ở trên đài giảng kinh, thường nói với chúng tôi những gì đã chuẩn bị, sau khi lên đài đều chẳng dùng đến; lên đài rồi cái trí huệ ấy chẳng biết ở đâu, tự nhiên cứ tuôn ra, chính mình giảng rồi cũng thấy rất hoan hỷ. Quả thật, không phải là những thứ mà Thầy đã chuẩn bị sẵn. Nhưng bài chuẩn bị không thể không làm, nhất định phải thực hiện. Chuẩn bị để cầu cảm ứng, lên đài giảng thì có cảm ứng thật. Bạn không chuẩn bị nghĩa là bạn không có cái tâm cung kính; không có tâm cung kính liền không có cảm ứng. Bởi vậy, cảm ứng là do xuất phát từ tâm chân thành; từ tâm cung kính lưu xuất ra. Nhất định phải dùng lòng chân thành cung kính, mới có thể có được cái cảm ứng này. Cảm ứng, cả đời chúng tôi gặp quá nhiều rồi.
Chương 17 có hai nguyện, gồm nguyện “Nhất sanh bổ xứ” và Nguyện “Giáo hóa tùy ý”:
“Lúc con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước con rất rốt ráo đạt bậc Nhất sanh bổ xứ”. Đến đây là một đoạn, là nguyện 35.
Phần sau là nguyện 36: “Ngoại trừ những người có bổn nguyện vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ, hoá đạo hết thảy hữu tình, khiến chúng đều phát tín tâm, tu Bồ Ðề hạnh, hành đạo Phổ Hiền. Tuy sanh trong thế giới phương khác, hằng lìa ác thú, hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc thích hiện thần túc, tùy ý tu tập không gì chẳng viên mãn. Nếu không được như vậy, thề chẳng thành Chánh Giác”.
A Di Đà Phật nói với chúng ta, Ngài đã thành Phật rồi, đồng nghĩa Nguyện này đã thực hiện được rồi. “Tất cả chúng sanh”…tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới đã vãng sanh về Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, không sót một ai, sanh về Tây Phương Thế Giới Cực Lạc; “cứu cánh tất chí” (rất rốt ráo đạt đến) bốn chữ này rất quan trọng, vô cùng khẳng định để chúng ta không còn chút nghi ngờ nào, rất rốt ráo ắt đạt đến “Nhất sanh bổ xứ”. Nhất sanh bổ xứ là hậu bổ Phật, là địa vị đứng đầu trong hàng Đẳng Giác Bồ Tát, như Bồ Tát Di Lặc vậy. Ngài là nhất sanh bổ xứ, Ngài hiện nay đang ở cõi Dục giới, tầng trời thứ tư, gọi là cõi trời Đâu Suất. Tương lai khi thọ mạng ở cõi trời Đâu Suất đến rồi, Ngài sẽ đến nhân gian; giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, thị hiện “bát tướng thành đạo”.
Hư Vân Lão Hòa Thượng, cả đời Ngài tu Tịnh Độ của Ngài Di Lặc. Ngài Hư Vân vãng sanh là đến nội viện Đâu Suất, thân cận Di Lặc Bồ Tát. Sau này Di Lặc Bồ Tát đến thế gian này làm Phật, các Ngài sẽ như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất; trở thành đại đệ tử bên cạnh Đức Phật. Ngài có duyên với Bồ Tát Di Lặc, đời này của Ngài làm được rồi, Ngài đúng thật là vãng sanh vào nội viện trời Đâu Suất. Bởi vì lúc Ngài còn sống, Ngài từng đến đó; khi nhập định, Ngài đã từng đến qua. Di Lặc Bồ Tát bảo Ngài: “Con phải trở về, việc của con chưa làm xong; đợi khi xong việc rồi hãy trở lại”. Bởi vậy chúng ta biết, Ngài quả thật sanh đến nội viện của Ngài Di Lặc.
Chúng ta xem chú giải: “Nhất sanh bổ xứ”, cái nguyện này rất quan trọng, đây là sự bảo đảm của Đức Phật dành cho chúng ta. Đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc một đời nhất định thành Phật; điều đó đồng nghĩa Đức Phật đã viết giấy bảo đảm cho chúng ta rồi. “Nhất sanh bổ xứ” thuộc hàng Đẳng Giác Bồ Tát; chữ “bổ xứ” này nghĩa là “hậu bổ Phật”. Đức Di Lặc ở đó đợi; sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, Ngài đến thế chỗ cho Phật Thích Ca; đến cõi này thành Phật, trở thành vị Phật thứ năm trong hiền kiếp. Phật Thích Ca là vị Phật thứ tư, Ngài Di Lặc là vị thứ năm. Trong một đại kiếp có một ngàn Đức Phật xuất thế, vì thế gọi là “hiền kiếp”, tức là thánh nhân đặc biệt nhiều”. Hay nói cách khác, thế giới này của chúng ta, người học Phật có căn tánh sâu dày rất nhiều. Thế nên trong thời đại lớn này, mọi người đều có thể thành tựu. Phía sau nói, Nhất sanh bổ xứ của Viên giáo là địa vị của Đẳng Giác Bồ tát như Quan Âm, Thế Chí. Quan Thế Âm nơi Thế Giới Cực Lạc là bổ xứ Bồ Tát; tương lai khi A Di Đà Phật diệt độ rồi, Quan Âm Bồ Tát sẽ trở thành Phật, tiếp tục giáo hóa chúng sanh, hơn nữa còn ngày càng phồn thịnh hơn, thù thắng hơn.
“Giả như tôi đến Tây Phương, phải mất bao lâu tôi mới có thể trở về, độ cho gia quyến thân thuộc của mình được?” Rất nhiều người đều trăn trở trong lòng sự việc này. Phải chăng phải đợi đến khi tôi thành Phật thì mới có thể làm được! Không cần. Đó là việc nhỏ, việc này rất dễ giải quyết. Đến được cõi Tây Phương rồi, gặp được A Di Đà Phật liền được Phật lực gia trì, là có thể trở về thế giới Ta Bà, giáo hóa hết thảy hữu tình. Vả lại còn có thể đến đi một cách tự do. Bạn lấy được giấy thông hành của thế giới Cực Lạc rồi, thì bạn được quyền tự do đi lại, thật khó được; không bao giờ còn tình trạng mê khi nhập thai nữa; lợi ích này biết đến đâu để tìm đây!
Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, gặp mặt A Di Đà Phật cũng đồng nghĩa lấy được giấy thông hành. Giấy thông hành này là giấy thông hành thế giới Cực Lạc, bạn muốn đến cõi này lúc nào, liền đến lúc đó; muốn đi liền đi, chẳng có chút chướng ngại nào. Đến để làm gì vậy? Để giúp cho những người có duyên với bạn, giúp cho thân bằng quyến thuộc của mình. Bạn vẫn luôn mong muốn đưa họ cùng đến Cực Lạc. Thế họ có thể cùng đi với bạn không? Điều đó phải xem nghiệp lực của họ. Bạn muốn mang họ đi, nhưng họ không chịu đi cùng bạn. Bởi họ không muốn đi, bạn lại không thể lay chuyển họ. Vì thế, bạn nhất định phải quan sát; lúc nào họ chịu tiếp nhận rồi, lúc đó bạn hãy đến. Họ không chịu tiếp nhận, bạn có đến cũng vô ích. Khả năng này của bạn thật to lớn vô cùng.
Bạn có thể đến thế giới Ta Bà, cũng có thể đến các cõi Phật khác. Sau này bạn sẽ biết, mỗi một cõi nước của chư Phật có vô vàn chúng sanh. Nhiều chúng sanh trong số đó có duyên với chúng ta; nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ đã kết nên mối duyên ấy. Bất kể là thiện duyên hay ác duyên; bạn mà gặp được, bạn đều muốn giúp cho tất cả bọn họ, muốn giáo hóa họ. Cho nên bạn có thể đến đi tự tại, chẳng bao giờ còn bị mê khi cách ấm; phía sau có nói, Bồ Tát Bát Địa còn mê khi nhập thai. Sanh đến Tây Phương, rất rốt ráo được công đức thù thắng như thế; đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh. Mục đích của nguyện này nằm ở chỗ phát khởi tín tâm, nhằm nảy sinh lòng tin đối với Phật Pháp.
Giáo hóa chúng sanh cũng cần chia các giai đoạn: người chưa có niềm tin, thì giúp họ có niềm tin; người đã có tín tâm rồi, thì hãy giúp họ nhận thức được Phật giáo. Sau khi họ hiểu biết về Phật giáo rồi, hãy khuyên họ tu tập. Giai đoạn cao nhất trong số ấy, là hành đạo Phổ Hiền. Chính là mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Có thể hành đạo Phổ Hiền, liền không khác gì chuyện bạn đang ở thế giới Cực Lạc. Hạnh của Phổ Hiền khác với hạnh của những Bồ Tát thông thường khác. Khác ở chỗ cách dụng tâm không giống nhau. Thông thường, các bậc Bồ Tát thấp hơn vẫn chưa phá được ngã chấp – ý chỉ cho Bồ Tát sơ phát tâm. Hạnh Phổ Hiền là sở tu của Bồ Tát bên Viên giáo, là sở tu của hàng Thập Địa Bồ Tát bên Viên giáo. Địa vị này vô cùng cao.
Chúng ta hãy xem bốn cõi của Tịnh Độ, Tịnh Độ có bốn cõi, là tứ pháp giới. Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cõi cao nhất trong bốn cõi; đây là cõi của Phật quả cứu cánh viên mãn, cũng tức là đạo Phổ Hiền xem như viên mãn rồi, mới có thể đến được nơi này. Kế tiếp là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Tiếp theo nữa là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Cõi thấp nhất là cõi Phàm Thánh Đồng Cư; cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thế gian này của chúng ta có sáu nẻo; thế giới Cực Lạc chỉ có hai nẻo, là cõi người và cõi trời; nơi đó không có Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh hay A tu la; không có những đạo này. Đây là chỗ thù thắng của thế giới Cực Lạc.
Phàm là kinh điển nhất thừa liễu nghĩa, đều thuộc về đạo Phổ Hiền, vì đây là Phật đạo cao nhất, vĩnh viễn xa lìa nẻo ác – không phải không đến ác đạo nữa, mà là do thừa nguyện hóa thân đi, mục đích nhằm muốn giáo hóa chúng sanh nơi ác đạo, không phải do nghiệp báo của mình. Bản thân mình không có cái nghiệp ấy, nhưng mình có tâm từ bi. Những chúng sanh mang nghiệp báo nơi Địa ngục có cảm, Bồ Tát liền có ứng. Họ đang mong người đến độ, đến cứu họ; bạn biết được tâm ý họ rồi, bạn nhận được thông tin của họ, bạn tự nhiên hóa thân đi. Vì thế, chúng sanh trong Địa ngục đang chịu khổ; mà Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng đang ở Địa ngục, nhưng Ngài chẳng hề hấn gì với mọi khổ vui trong đó. Trên mặt Sự, khổ với vui là có, nhưng do tâm của Ngài là định nên Ngài không cảm thấy gì.
Tâm phàm phu bị cảnh chuyển, bị cảnh giới mê hoặc; hoàn toàn không liễu giải được chân tướng sự thật, nên phải chịu khổ chịu nạn. Người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, tâm đều thanh tịnh rồi. Tâm họ là tâm gì? Là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, là cái tâm giác mà không mê. Cái tâm ấy thanh tịnh biết mấy! Vả lại sự thanh tịnh này không bao giờ mất đi, bởi được sự trợ giúp của A Di Đà Phật, tức là gia trì; bất kể nơi nẻo nào trong ác đạo, đều không bị ảnh hưởng. Đấy là do Phật lực gia trì. Vậy Đức Phật có gia trì cho chúng ta không? Có! …Thế vì sao chúng ta vẫn phải chịu khổ? Vì chúng ta không chịu hợp tác với Ngài, do chúng ta hợp tác cùng lục đạo chúng sanh; không chịu hợp tác với Phật. Vấn đề không nằm ở Đức Phật mà là ở phía chúng ta. Nếu bản thân chúng ta có thể buông bỏ sáu nẻo, tất cả tham sân si mạn trong đó đều buông bỏ hết; hoàn toàn tùy thuận theo Phật giáo, theo giáo huấn của Phật Đà, bạn liền cảm nhận được – sự gia trì ngay tức thời; hoặc lúc thuyết pháp, hoặc lúc nghe pháp đều gây ảnh hưởng lên mọi người.
Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đều là cổ Phật tái lai; giúp cho Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh. Các Ngài là đang diễn kịch, kẻ xướng người hô chỉ là trên sàn diễn. Còn sau cánh gà, các Ngài sẽ giữ các vai trò khác nhau. Có thể ở sau cánh gà, lão sư sẽ trở thành học trò. Phật Pháp thường hay nói đến bổn tích nhân duyên, một vị Phật xuất thế sẽ có ngàn vị Phật theo hộ trì. Từ chỗ này, chúng ta có thể học tập. Phải đem cách thức giáo dục này làm đến được viên mãn, giống như diễn kịch vậy. Chúng ta đóng vai gì, phải diễn cho thật tốt vai đó, phải diễn cho thật giống thì vở kịch đó mới diễn được trọn vẹn. Biểu diễn cho chúng sanh xem, để chúng sanh nhìn thấy mà giác ngộ; khiến chúng sanh xem rồi, có thể quay đầu. Bạn xem, các Ngài hợp tác ăn ý biết bao! Phật hợp tác với Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật đến cõi đời này dựng nên cái sân khấu này; Ngài là nhân vật chính, còn những chư Phật và Bồ Tát khác, chư Phật đến đóng vai phụ như Văn Thù, Phổ Hiền, thậm chí như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên biểu diễn dưới thân phận là A La Hán.
Thực tế thì sao? Thực tế, họ sớm đã thành Phật rồi, còn cao hơn cả Bồ Tát, nhưng họ diễn vai A La Hán. Đây chính là một Phật xuất thế, ngàn Phật theo hộ, đây là điều chúng ta cần học hỏi. Chúng ta đang học tập thì chúng ta đóng vai trò là chủ chính, các Ngài cũng đến để trợ giúp chúng ta. Cùng một đạo lý như vậy. Ai làm nhân vật chính, ai là nhân vật phụ? Là theo duyên mà làm, chẳng phải do một ai đứng ra an bài cả. Trong này hoàn toàn không có suy nghĩ liên quan đến danh văn lợi dưỡng; thảy đều là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Tất cả đều nhìn vào sở thích của chúng sanh.
“Thần túc”, tức là thần thông. Phật thường không dùng thần thông để dẫn dắt chúng sanh. Vì sao? Vì yêu ma quỷ quái có thần thông; chúng sanh chẳng dễ gì phân biệt được; nên Phật đối với chúng đệ tử, (Bồ Tát, A La Hán đều là đệ tử Phật), đều bị cấm sử dụng thần thông. Phật quyết định không dùng thần thông để câu dẫn chúng sanh; hoàn toàn dùng Chánh pháp, đây là cái quan trọng nhất trong Phật Pháp.
Chúng ta muốn có lợi ích chân thật từ Phật Pháp, nhất định phải học từ trong kinh điển, đích thực có lợi ích chân thật. Phật giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi ba nẻo ác, dạy chúng ta cách đoạn tham sân si; sau đó bạn mới có thể thành tựu Phật đạo. Tâm tham là đường Ngạ quỷ, tham tài, tham sắc, tham danh; tham Phật Pháp cũng đọa vào ác đạo, Phật Pháp cũng không thể tham. Vì thế, Kinh Kim Cang dạy chúng ta “Pháp còn phải xả, huống hồ phi Pháp”; chữ Pháp đó chỉ cho Phật Pháp. Phật Pháp còn phải xả, đều không được tham, huống hồ là pháp thế gian. Giảng được hết sức thấu triệt! Cả đời Phật Thích Ca Mâu Ni, vì sao không kiến lập đạo tràng? Giờ chúng ta đã hiểu. Đạo tràng sẽ dễ nảy sinh tâm tham; không có đạo tràng, ý niệm đó sẽ không còn. Có đạo tràng thì cần phải duy trì đạo tràng, vậy phải dùng đến tiền; nên Phật không xây đạo tràng.
Tôi học Phật, Lão sư khuyên tôi xuất gia; còn cảnh báo tôi một câu, bảo tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, điều đó cho tôi một ấn tượng rất sâu. Cả đời tôi không xây đạo tràng. Cho nên có người dùng danh nghĩa của tôi đi hóa duyên, nói là do phải kiến dựng đạo tràng. Mọi người biết đó toàn là giả, chắc chắn không có cái lý ấy. Chuyện này mọi người phải cẩn thận. Thập phương cúng dường, hiện nay tôi đang ở Hồng Kông, có thành lập một Cơ Kim Hội. Cơ Kim Hội này, chịu sự giám sát của chính phủ Hồng Kông. Dùng tiền vào việc gì? Dùng vào giáo dục. Tôi thì dùng vào tôn giáo và giáo dục văn hóa. Tôn giáo rộng lớn, không chỉ có Phật giáo; những tôn giáo khác mà làm việc thiện, những hoạt động chân thật có lợi ích cho xã hội, chúng tôi đều giúp đỡ, nhưng chủ yếu chuyên dùng vào mảng giáo dục, là giáo dục văn hóa.
Trong giáo dục văn hóa, khâu đầu tiên chính là in tặng kinh sách; như hiện nay chúng ta dùng đĩa DVD, đều là thuộc về loại này. Giúp cho mọi người có cơ hội tiếp xúc với kinh Phật, thấy được kinh điển của tôn giáo. Có quá nhiều tôn giáo, kinh điển cũng nhiều; chúng ta thì cần một môn thâm nhập, làm gì có thời gian để xem hết chứ? Nhưng không thể không hiểu, không hiểu sẽ dễ nảy sinh nhiều hiểu lầm. Vậy phải làm sao? Do đó, chúng tôi yêu cầu các tôn giáo khác, mỗi một tôn giáo đều có thể soạn ra một quyển “360”. Đem những nghĩa lý và phương pháp tu hành trọng yếu nhất từ trong kinh điển, viết thành một quyển sách nhỏ – phân lượng không nhiều; chúng ta chỉ cần khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ liền có thể đọc xong. Chúng ta cần đến cái này, mỗi một tôn giáo đều làm ra một quyển như vậy, thế thì tôn giáo đại đoàn kết rồi. Tôn giáo muốn học tập lẫn nhau thì phải dùng đến quyển sách này. Mười mấy tôn giáo hợp lại, chẳng qua cũng chỉ dày cỡ quyển sách này. Thế là đủ rồi! Ý nghĩa trọng yếu trong kinh điển của các tôn giáo trên toàn thế giới, đều nằm trong đó.
Tôi mong rằng, sang năm là có thể hoàn thành. Thời gian của một năm này, để mọi người làm công tác chuẩn bị. Hiện nay “Kinh Thánh 360” đã làm ra rồi, “Kinh Koran 360” cũng đã hoàn thành. Những kinh khác, tôi đều mong muốn sao trong vòng một năm là có thể hoàn thành. Sang năm, chúng ta có thể in ra một bộ gọi là “Tôn Giáo Thế Giới Là Một Nhà”. In một quyển như vậy, tôn giáo liền đoàn kết, tôn giáo trở về với giáo dục, tôn giáo học hỏi lẫn nhau; thế thì mâu thuẫn nội bộ sẽ không còn. Đây là căn bản của việc an định hài hòa xã hội, đây chân thật là nền móng. Vì thế, Phật Pháp có thần thông nhưng không dùng thần thông. Vì sao? Vì yêu ma quỷ quái đều có thần thông. Nhưng nếu như gặp được người có sức ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như Quốc vương đại thần, thỉnh thoảng cũng có thể dùng thần thông. Vì họ thuyết pháp khiến họ tin tưởng, khiến họ chịu hộ trì; để họ đến làm công tác xúc tiến thúc đẩy; như thế thì có thể dùng được. Nếu không phải là tình thế đặc biệt, thì không cần thiết phải hiển thần thông.
Chương sau là Chương 18: “Lúc con thành Phật, chúng sanh sanh trong nước con, tất cả thức ăn, y phục, các thứ vật cúng, nghĩ đến liền có, không điều gì chẳng được mãn nguyện. Nếu khởi niệm cúng dường mười phương chư Phật liền được mãn nguyện. Nếu không được như vậy, thề chẳng thành Chánh Giác”. Hai nguyện này đối với chúng ta cũng rất quan trọng.
Chúng ta trong vòng lục đạo thời gian quá lâu rồi, đã dưỡng thành một loại tập khí kiên cố. Đó chính là ăn mặc, đi lại cả ngày từ sớm đến tối; cứ lo toan không ngừng, đều vì những thứ này mà bận bịu. A Di Đà Phật bảo chúng ta, không cần thiết phải lo nghĩ làm gì; đến thế giới Cực Lạc muốn áo có áo, muốn ăn có ăn, tám chữ này thật hay! Chúng ta muốn mặc quần áo thế nào, thì y phục đã ở trên người rồi. Vì vậy đến thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn không cần mang theo hành lý, ra đi một cách gọn gàng sạch sẽ. Vì sao? Vì muốn thứ gì liền có thứ ấy. Không dùng nữa, không dùng nữa thì liền biến mất, chẳng thấy đâu nữa. Cái lý này nhà khoa học biết, nhưng hiện nay chưa làm được.
Đây chính là những gì mà khoa học nói đến. Năng lượng và vật chất có thể hoán đổi cho nhau. Năng lượng có thể chuyển thành vật chất, vật chất có thể chuyển thành năng lượng; chúng có thể trao đổi cho nhau; thế giới Cực Lạc làm được rồi. Bởi vậy khoa học nơi thế giới Cực Lạc còn cao minh hơn so với chúng ta; chúng ta chưa làm được, mà bên đó làm được rồi. Tất cả pháp nơi thế giới ấy đều là tâm tưởng sự thành. Muốn cái gì, cái đó liền hiện tiền. Không nghĩ đến, thì liền biến mất. Đúng là như vậy! Sau này, chúng ta đừng tiếp tục nặng lòng vì những chuyện này nữa. Khi còn ở thế giới này, hãy luôn mong ngóng về thế giới Cực Lạc thôi, đừng vướng mắc mãi những thứ này. Nhà khoa học hiện nay đã nghiên cứu ra, năng lượng và vật chất có thể biến đổi cho nhau. Nhưng cách thức chuyển đổi thì họ vẫn chưa biết thế nào. Muốn ăn thứ gì, vừa nghĩ liền có, ăn xong rồi, mọi thứ liền biến mất, cũng chẳng cần phải rửa chén rửa bát gì hết. Thật là thong dong biết bao!
Y phục cũng thế, nghĩ gì có đó, không cần tủ chứa đồ, cũng chẳng cần đi mua sắm gì hết. Mọi thứ thọ dụng, muốn là có…chẳng cần bận tâm. Đây chính là nguyện “y phục tự đến”. Chúng ta ở đây, ngày ngày đều lo nghĩ những thứ này. Phật nói với chúng ta, đến thế giới Cực Lạc rồi, không cần lo đến nữa. Thật sự đắc đại tự tại.
Trong việc cúng Phật, tu phước – đây là việc vô cùng thù thắng. Hiện thời, đừng nói tới Phật, ngay cả muốn cúng dường A La Hán cũng đã tìm không ra rồi. Nhưng đến thế giới Cực Lạc, ta muốn cúng dường khắp mười phương ba đời chư Phật, vừa khởi niệm liền có thể làm được. Dùng vật phẩm gì để cúng vậy? Cũng là tùy ý liền hiện đủ. Loại trí huệ, năng lực và thần túc này, đều đạt đến viên mãn, đây là sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. Theo như những gì kinh đã nói, loại cảnh giới thù thắng thế này, thông thường phải là Bồ Tát từ Bát Địa trở lên mới có thể làm được. Bát Địa là cao rồi đó.
Trong kinh đại thừa, Bát Địa bên Viên giáo có thể thấy “Tam tế tướng” của A lại da; các Ngài dùng mắt thường mà thấy được. Nhà khoa học hiện giờ, chỉ mới phát hiện ra bí mật của vật chất, còn Bát Địa Bồ Tát thì thấy được rồi; hơn nữa, còn thấy được sự thật về ý niệm. Do đâu mà có ý niệm? Từ năng lượng mà ra. Năng lượng là nghiệp tướng của A lại da. Chúng sanh bị mê hoặc thế nào? Làm sao quay đầu trở về với tự tánh? Các Ngài đều biết hết. Đây mới chân thật gọi là trí huệ cứu cánh viên mãn. Chính mình biết rồi, mới có thể giúp cho kẻ khác.
Bát Địa Bồ Tát Viên giáo trong Kinh Hoa Nghiêm, tổng cộng có 52 đẳng cấp. Giống như lúc chúng ta đi học vậy, có tiểu học, trung học, đại học với nghiên cứu sinh. Giáo học của Đức Phật cũng có cách phân như thế. Thập tín được xem là tiểu học, có mười vị thứ. Thập trụ tương đương với trung học. Thập hạnh tương đương với cao trung. Thập hồi hướng là tương ứng với đại học. Trên nữa còn có Đẳng giác và Diệu giác, đó là nghiên cứu sinh, là danh xưng của học vị.
Trong trường học hiện nay thường gọi là tiến sĩ, thạc sĩ với cử nhân; Phật giáo cũng có ba tên gọi như thế. Học vị cao nhất là Phật Đà, tương đương với tiến sĩ. Bồ Tát thì tương đương với thạc sĩ. A La Hán thì ứng với cử nhân. Cho nên, những tên gọi này là danh xưng của học vị, người nào cũng có thể lấy được. Khác với những tôn giáo thông thường khác; tôn giáo thông thường có Thần, có Thượng đế; con người không thể làm được, đó là vị trí độc nhất. Còn học vị Phật Đà trong Phật giáo, ai ai cũng làm Phật được. Chỉ cần bạn chịu dụng công, bạn có thể đạt đến cảnh giới đó. Dựa vào cái gì mà lấy được? Trên đề kinh của chúng ta có nói đấy: Bạn đắc tâm thanh tịnh, bạn là A La Hán; bạn đắc tâm bình đẳng, bạn là Bồ Tát; sau cùng, bạn đạt được Giác, đó là Đại Giác, là đại triệt đại ngộ, thế là thành Phật rồi. Bởi thế, điều kiện trở thành Phật là phải giác, chân thật giác ngộ rồi! Bồ Tát là tâm bình đẳng, A La Hán là tâm thanh tịnh. Đều ở ngay trên đề kinh, không hề mê tín chút nào.
Mỗi người chúng ta đều có thể làm được, đều có thể đạt được. Dùng cách gì? Đó là nhìn thấu, buông xả – ấy là phương pháp. Nhìn thấu, nghĩa là bạn lý giải được chân tướng sự thật. Bởi vì bạn hiểu được rồi, biết được hết thảy pháp là giả, là mộng huyễn bọt bóng. Lúc chúng ta nằm mộng, đâu có biết mình đang nằm mộng. Nếu như biết đang trong cảnh mộng, thì chắc sẽ hào hiệp vô cùng; lỡ gặp phải một lão hổ, “Được, mi đói rồi ta hiến mình cho mi để mi ăn vậy”, Phật có thể làm được điều đó, ta cũng có thể làm được. Đó là biết được điều gì? Biết mình đang ở trong mơ. Tỉnh lại rồi, đến vết tích cũng chẳng thấy đâu. Đó là thật. Chúng ta ngày ngày đều đang nằm mộng. Tối đến đi ngủ thì xem như đã chết, đến sáng ngày thứ hai lại sống trở lại. Nhưng có thể quay lại ngày trước đó không? Thế nào cũng chẳng quay lại được, mãi mãi không trở lại được, cũng chẳng biết mình sẽ ra đi vào ngày nào. Làm thế nào để biết rằng mình sẽ chết vào lúc nào đây? Vậy thì phải dựa vào Phật Pháp, nỗ lực tu học. Chuyện đó không khó, chỉ là chuyện nhỏ. Ở cõi này có những chuyện vẫn chưa hoàn thành, muốn kéo dài tuổi thọ thêm ít năm, liệu có được không? Được, đúng thật là đắc đại tự tại.
Bởi thế, tôi khuyên mọi người học theo Hải Hiền Lão Hòa Thượng; trước mắt, Ngài là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Bạn xem, lão nhân gia Ngài, Ngài tu pháp môn gì? Là pháp môn Tịnh Độ. Tu thế nào? Chính là một câu Phật hiệu, chỉ một câu “A Di Đà Phật”, Ngài niệm suốt 92 năm. Đến 112 tuổi thân tâm khang kiện, đầu óc tỉnh táo linh hoạt, còn sức khỏe thì y như thanh niên. Không có già khổ, không có bệnh khổ, cũng không có chết khổ; còn biết mình ra đi vào lúc nào. Có người còn muốn giúp Ngài trợ niệm, Ngài nói với người ta: “Trợ niệm không đáng tin, tôi không cần người trợ niệm, tôi tự mình niệm Phật vãng sanh”. Vì thế, buổi tối Ngài tự mình niệm Phật. Thường thì trước giờ, Ngài không đánh khánh nhưng tối hôm đó Ngài dẫn khánh, còn gõ rất lớn. Người khác đều ngủ cả rồi, thế là Ngài ra đi. Sáng sớm hôm sau, mọi người đến xem Lão Hòa Thượng, thì Lão Hòa Thượng đã ra đi rồi. Toàn thân mềm mại, còn mềm mại hơn so với lúc sống. Đây là để làm ra cho chúng ta xem, là thật không phải giả.
92 năm, Ngài niệm đến trình độ công phu nào? Là Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Theo lý thông thường mà nói, tôi tin thọ mạng của Lão Hòa Thượng không dài đến thế; chẳng qua cũng chỉ là bảy, tám mươi tuổi mà thôi, khoảng cỡ đó. Ngài có thể sống đến 112 tuổi, đó là do A Di Đà Phật bảo Ngài ở lại thế gian biểu pháp. Muốn Ngài trụ ở đời này thêm ít năm, làm ra tấm gương tốt cho người học Phật, cùng với người niệm Phật nhìn thấy… y như thế, làm như thế, bạn liền có thể thành tựu. Ngài có thể thành tựu, bạn cũng có thể thành tựu.
Thường thì mất bao lâu, để niệm đến công phu thành phiến vậy? Công phu thành phiến, đồng nghĩa là đã nắm phần vãng sanh rồi. Chúng ta trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” và trong “Vãng Sanh Truyện” xem thấy phần lớn là ba năm. Chỉ niệm một câu Phật hiệu này thôi. Niệm thế nào đây? Nghĩa là mọi ý niệm trong tâm, chẳng luận là ác niệm hay thiện niệm, thảy đều phải buông xả. Trong tâm không còn ý niệm nào khác, chỉ có A Di Đà Phật; ba năm không có lấy một vọng niệm hay tạp niệm. Đó gọi là thành phiến. Thành phiến nghĩa là vừa đạt đến nhất tâm bất loạn, chứ chưa nói đến độ sâu. Chỉ là vừa chạm mức thôi, như thế họ liền có thể cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật sẽ đến gặp bạn, chứng minh cho bạn; để thông báo cho bạn biết, nói với bạn thọ mạng của bạn còn được bao lâu. Đợi đến khi thọ mạng bạn hết rồi, Phật sẽ đến tiếp dẫn bạn. Như thế thì bạn yên tâm rồi. Bạn đã có chỗ nơi cõi của A Di Đà Phật. Có tên có chỗ rồi, thế thì yên tâm!
Hơn nữa, nếu bạn muốn thấy A Di Đà Phật, Ngài liền hiện đến cho bạn thấy. Còn bạn muốn thấy Thế Giới Cực Lạc, bạn cũng có thể thấy được. Hay nói cách khác, Ngài để bạn thật sự nhìn thấy, biết rằng Thế Giới Cực Lạc thật sự tồn tại, thật có A Di Đà Phật; để tín tâm và nguyện tâm của bạn kiên định hơn. Lúc ấy, có không ít người thông minh, tuy còn thọ mạng nhưng họ không cần. Thế gian này quá khổ, quá rắc rối; vẫn nên đến thế giới Cực Lạc sớm một chút thì tốt hơn. A Di Đà Phật rất từ bi, Ngài sẽ mang bạn qua bên đó ngay, bạn liền vãng sanh rồi. Đó không phải do tuổi thọ của bạn đã hết, không phải thế. Là do những người đó gặp được A Di Đà Phật, bèn xin với A Di Đà Phật, họ muốn xả bỏ số tuổi thọ còn lại, muốn vãng sanh ngay bây giờ. Việc này nhiều lắm.
Tôi phát hiện trong “Vãng Sanh Truyện” có ghi chép lại, mà trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” cũng có viết; hơn một nửa trong số đó, đều thuộc vào loại này. Thấy Phật là chịu buông ngay, là muốn theo Phật đi liền; số này chiếm hơn một nửa. Trong tình huống này, như Hải Hiền Lão Hòa Thượng, tôi tin Ngài từng thỉnh cầu qua nhưng Phật không chịu mang Ngài đi. Phật bảo Ngài ở lại thêm ít năm. Từ công phu thành phiến, tiếp tục niệm Phật, nâng cao cảnh giới hơn. Chẳng qua cũng chỉ mất khoảng dăm ba năm, liền niệm đến Sự nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Địa vị này cao rồi! Sự nhất tâm bất loạn nhưng Ngài vẫn chưa đi, tiếp tục lưu lại đây cũng chỉ mất khoảng năm đến mười năm, cao lắm cũng chỉ cỡ đó. Nên tôi thấy Lão Hòa Thượng, Ngài 20 tuổi xuất gia thế độ, Sư phụ chỉ dạy Ngài một câu Phật hiệu. Khoảng năm Ngài 25 tuổi thì đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, có lẽ đến 30 tuổi thì được Lý nhất tâm. Cao lắm là 40, chẳng thể vượt qua hơn 40, Ngài đắc Lý nhất tâm, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Chúng ta thấy được, sự việc này mang lại niềm tin cho chúng ta. Một niềm tin vững vàng trong việc khôi phục lại giáo dục Phật Đà, với việc phục hưng truyền thống văn hóa, chỉ là mấu chốt ở chỗ, bạn có dùng chân tâm hay không mà thôi. Nếu bạn dùng chân tâm, chuyện đó không khó, đạo Thánh Hiền một chút cũng không khó. Nhưng nếu bạn dùng vọng tâm, vậy thì khó rồi; dùng hết một đời, đến cửa cũng không bước vào được. Điều này không thể không biết. Vả lại, lý niệm cùng với phương pháp của chuyện này, người thời nay đều không tin. Không học thì làm sao biết được chứ?! Trên thực tế, các bậc Đại Thánh Đại Hiền này đều đã làm ra tấm gương rồi; chẳng qua do chúng ta sơ suất bỏ qua, xem không hiểu lại chẳng nhìn ra.
Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy rồi. Ngài 19 tuổi xuất gia, làm một vị tăng khổ hạnh, tu khổ hạnh, đi khắp nơi học đạo. Mọi tôn giáo ở Ấn Độ, Ngài đều học qua. Tất cả học phái, triết học, Ngài cũng học cả rồi; học hết 12 năm, cuối cùng cũng buông bỏ. Vì sao? Vì những học thuyết đó không thể giải quyết được vấn đề. Vấn đề gì vậy? Là thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, không thể giải quyết được. Kết cục của các học phái đó là cõi Sắc Giới và cõi Vô Sắc Giới; ra không nổi luân hồi. Bởi thế, Ngài xả bỏ tất cả. Đến năm 30 tuổi, Ngài bèn đến cội Bồ Đề ngồi nhập định, thế là khai ngộ. Đó chính là nhân giới được định, nhân định khai huệ. Khai ngộ rồi, một khi khai ngộ đó là chân tâm, chân tâm hiển hiện rồi. Trí huệ là từ trong chân tâm lưu xuất ra. Chính là tất cả kinh giáo mà Đức Phật đã thuyết suốt 49 năm, không ai dạy cho Ngài cả. Ngài học được với ai chứ? Ngài không có Lão sư, Ngài là “tự hiểu được nghĩa”, chú trọng ở hai chữ “tự hiểu” này. Mục đích của việc đọc sách ngàn lần để làm gì? Chính là để trừ đi vọng niệm, niệm cho mất hết vọng tưởng, tạp niệm. Vọng tưởng và tạp niệm mất rồi, tự tánh liền xuất hiện, liền khai trí huệ. Trí huệ mà khai mở thì cái gì cũng biết, coi như thành Phật rồi. Làm như thế là để chúng ta nhìn thấy. Nếu chúng ta nhìn ra được, bạn mới có lòng tin “vô sư vẫn có thể tự thông”, còn có thể thông đến tận cùng. Thật sự là thông đạt rồi, còn lợi hại hơn so với việc có Lão sư dẫn dắt cho nữa. Cái này mọi người nên biết.
Thông suốt rồi thì thế nào? Làm sao chứng minh được mình đã thông suốt? Nhờ đọc kinh, những kinh điển mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết, bạn vừa xem mà hiểu được số kinh ấy, còn có thể giảng được, giảng đến hoa trời rơi rụng. Điều đó nói lên cái gì? Thông rồi. Vì thế, kinh là để chứng minh cho chúng ta, khẳng định là giống nhau. Chẳng những kinh Phật, mà còn thông đạt hết thảy kinh điển của mọi tôn giáo khác. Nếu các Ngài đã làm được rồi, chúng ta phải nên tin tưởng.
Nhìn lại người Trung Quốc chúng ta, các bậc Cổ Thánh Tiên Hiền từ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang cho đến Văn Võ, Chu Công. Các bậc đại thánh nhân này, những gì mà các Ngài nói, sao lại có thể nói ra được? Cũng là “tự hiểu được nghĩa lý”. Tất cả đều cùng một đạo lý, cùng một phương pháp như thế. Ở Ấn Độ gọi là Phật Đà, còn Trung Quốc xưng là thánh nhân, những người đó không có lão sư. Thầy của Khổng Tử là ai? Về sau, tới đời của Mạnh Tử mới có lão sư, có sư thừa; trước đó vẫn chưa có, toàn bộ là tự thông.
Hãy nhìn lại tín đồ của đạo Hồi. Tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới, hiện nay có hơn 1,5 tỉ người, là một tôn giáo lớn. Đạo Kito, đạo Thiên Chúa hay đạo Do Thái, mọi người đều là người một nhà; ba đạo đó mà liên kết lại sẽ vượt qua con số 2 tỉ người, là tôn giáo lớn nhất, có tín đồ nhiều nhất. Thứ hai, kế đến chính là Đạo Hồi. Phật giáo trên toàn thế giới, con số ước tính thông thường có khoảng 700 triệu người, cũng được xem là một tôn giáo lớn. Những vị như Mô-sê, Giê-su, Mohammed đều là những người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, nên họ thật sự là một thể. Điều đó không hề sai chút nào. Những kinh điển mà họ đã thuyết, bạn cứ tỉ mỉ mà nghiền ngẫm.
Vương Thần Phụ soạn quyển “Kinh Thánh 360”, tôi có xem qua rồi, những gì viết trong đó chẳng khác gì so với những điều mà kinh Phật, với Khổng Tử nói đến. Bạn không đọc nên không biết, bạn đọc đi sẽ thấy chúng không khác gì nhau cả, mà đến Kinh Koran cũng không ngoại lệ. Chúng Thần quả thật là cùng một người, cùng một thể. Chúng ta thì không gọi là người, vì họ không có sắc tướng. Chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na, Phật nói đó là pháp thân Phật. Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, mang ý nghĩa là biến pháp giới hư không giới. Tức là trải khắp mọi nơi, mọi lúc; hết thảy thời, hết thảy chỗ, không chỗ nào không có, không lúc nào không có. Trong triết học bảo là bản thể của vũ trụ vạn pháp; từ cái thể này mà lưu xuất ra tất cả. Cái thể này có thể sanh, có thể hiện, nó vĩnh viễn tồn tại, vĩnh viễn không đổi, không sanh không diệt.
Huệ Năng Đại Sư , Ngài thấy được điều này rồi. Bạn xem, khi Ngài khai ngộ đã nói ra năm câu “nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh”. Đó chính là nói đến chân tâm, chân tâm là thế nào? Là thanh tịnh, chân tâm là thanh tịnh, chân tâm không sanh không diệt. Chân tâm vốn tự đầy đủ. Đầy đủ cái gì? Đầy đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài hoa. Nó chứa đựng đầy đủ vạn pháp của toàn thể vũ trụ. Nếu nó không đủ mọi thứ, làm sao nó có thể hiển thị ra được chứ! Nhưng có điều, những hiện tượng được hiển thị ra lại không phải thật, mà là huyễn tướng, giống như nằm mơ vậy. Trong Kinh Kim Cang, có lấy ví dụ: “Tất cả pháp hữu vi”; hữu vi nghĩa là nó có sanh có diệt; nó “như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện”; chúng ta nên nhìn vạn vật với cách nhìn thế này là đúng rồi. Với cách nhìn như thế thì mang lại lợi ích gì? Chính là bạn có thể sử dụng nó, có thể chiếm dụng, khống chế nó. Nhưng nếu bảo là: “Chiếm dụng làm của riêng”, vậy thì sai mất rồi. Cái thân này đâu phải mình có thể chiếm giữ được; nó cũng chẳng phải của mình. Nếu chúng ta triệt để buông xả, cái thân này sẽ là cái thân khỏe mạnh nhất. Vì sao vậy? Vì nó chẳng hề có chút bệnh tật nào, đó gọi là thân Kim Cang bất hoại. Duy chỉ có trong Phật Pháp Đại Thừa, mới có thể đem sự việc này nói một cách rõ ràng, tường tận và triệt để.
Xem tiếp, phần sau có một chỗ nói là “cúng Phật”; đây là phước thù thắng nhất trong việc tu phước. Người muốn tu phước báu đều cho rằng, có tiền mới có thể tu phước; không có tiền thì lấy cái gì để tu phước đây? Đó là do họ không biết niệm một tiếng Phật hiệu – đó là tu phước, còn cao hơn cả việc bố thí tài vật nữa. Dẫu có bố thí của cải khắp tam thiên đại thiên thế giới, cũng không so nổi với một câu “A Di Đà Phật”; đó là khi bạn dùng tâm chân thành cung kính niệm một câu “A Di Đà Phật”. Cái này rất nhiều người biết. Vì sao thế? Dùng tâm chân thành niệm một câu Phật hiệu, liền sẽ thông với A Di Đà Phật. Bạn kết được một tuyến đường thông trực tiếp rồi, liền được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì.
Hay nói cách khác, một tiếng Phật hiệu, trong câu Phật hiệu ấy hàm chứa trọn vẹn 48 nguyện, cùng với Kinh Vô Lượng Thọ và cả bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh nữa. Mở rộng hơn, chính là hết thảy kinh giáo được thuyết bởi tất cả chư Phật Như Lai, đều chứa trọn trong câu Phật hiệu này. Vấn đề ở chỗ bạn có biết cách niệm hay không mà thôi. Không biết niệm thì trong lúc niệm cứ xen tạp mong cầu trong đó, nào là cầu thăng quan, cầu phát tài. Tuy cũng vẫn cầu được, nhưng thế thì quá nhỏ bé rồi, cái tâm nhỏ hẹp đi rồi. Tâm lượng của ta rất lớn, đã cầu thì cầu lớn một chút, nên cầu cho nó trọn vẹn. Trọn vẹn chính là khắp pháp giới hư không giới, y như Huệ Năng Đại Sư đã nói vậy “Nào ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”. Ngờ đâu tự tánh, có thể biến hiện ra toàn thể vũ trụ cơ chứ?! Bởi vậy, vũ trụ chính là tự tánh, tự tánh là chính mình. Vậy cái gì là mình vậy? Toàn bộ vũ trụ là chính mình, thế thì đúng rồi. Người như vậy gọi là thành Phật rồi. Họ thật sự thông suốt, thật sự tường tận rồi. Toàn thể vũ trụ này là chính mình, không hề sanh diệt, không có tốt xấu, không có thị phi, không có nhân ngã, không tìm thấy sự đối lập trong đó. Đúng thật là một thể.
Chúng ta đọc qua một chút đoạn bên dưới:
Đến cõi Tây Phương, chúng ta được cúng dường rộng khắp mười phương ba đời, hết thảy chư Phật, chỉ cần một niệm thôi là làm được tất cả. Muốn cúng dường thứ gì, liền hiện đầy đủ; cũng là vừa nghĩ đến liền có. Loại trí huệ, năng lực và thần túc này, bạn đều đạt đến viên mãn; theo như kinh mà nói, phải là từ Bồ Tát Bát Địa trở lên mới có thể làm được. Còn kinh này thì nói: “chúng sanh sanh sang cõi tôi, liền có thể đạt được”; chúng ta phải chú ý cái điểm này, trong này không hề nói là phải thượng phẩm thượng sanh. Hay nói cách khác, chỉ cần sanh sang thế giới Cực Lạc, dẫu hạ hạ phẩm vãng sanh cũng vẫn là như thế, cũng vẫn làm được như thường. Chúng ta niệm một câu “A Di Đà Phật”, liền đạt được địa vị của Bồ Tát Bát Địa; tuy chưa ở vào địa vị đó nhưng mà thọ dụng của địa vị đó thì chúng ta có rồi. Tất cả mọi thứ mà Bát Địa Bồ Tát có thể có, chúng ta cũng hưởng được. Bởi vậy, rất nhiều Bồ Tát đều không tin có chuyện này, nên bảo pháp này là pháp khó tin. Pháp môn này thật sự là dễ dàng mà khó tin. Người có thể chân thật tin tưởng bởi do người đó đã từng gieo trồng nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ.
Chúng ta dựa vào cái gì để tin vậy? Hoàn toàn nhờ vào thiện căn đã tích lũy trong đời quá khứ mà có. Người tu Tịnh Độ có thể tu một cách bài bản đều là do trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp đã từng tu pháp môn này. Đời này lại gặp được nữa rồi, vừa có thân người vừa gặp được Tịnh Độ.
Khó được nhất chính là chúng ta có thể gặp được bản hội tập của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật như hiện nay, chúng ta có thể mang Kinh Vô Lượng Thọ mà Đức Thích Ca đã thuyết cả một đời, những phần Kinh văn giới thiệu về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, để mọi người đều thấy được. Chúng ta sẽ làm chuyện này.
Tôi tìm đến giáo sư Kim Phong ở Nội Mông, đây là người có quyền uy và am hiểu tiếng Mông Cổ nhất hiện nay. Tôi tìm ông, mong rằng ông có thể lấy hết tất cả các bản Kinh Vô Lượng Thọ khác nhau trong Đại Tạng Kinh ở Mông Cổ, đem dịch thành tiếng Hán với chữ Hán cổ để chúng ta có thể hiểu được. Thế mới biết, cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật, thật sự là dốc toàn bộ tâm lực để hoằng dương bộ kinh này.
Thiện Đạo Đại Sư có nói: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Câu nói này nhằm để chứng minh, (không phải lời tán thán), đó là chân tướng sự thật. Do đó, chúng ta gặp được bổn hội tập này, là chân kinh viên mãn nhất.
Hạ Lão khi hội tập, không hề sửa lấy dù chỉ một chữ, hoàn toàn là kinh văn trong nguyên bổn dịch. Chẳng hề sửa đổi chữ nào, là chân kinh. Bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Ngài đã dùng hết 83 loại kinh luận và 110 loại chú sớ của Tổ sư Đại đức để chú giải cho bộ kinh này. Chứng tỏ đây đều là chánh tri chánh kiến, có thể tin được, không nên có lòng hoài nghi.
Những năm qua, chúng ta y theo bổn sách này tu hành và học tập, không hề đi sai đường. Bất kể nhiều người trong và ngoài nước có lời phê bình, chúng ta đều gạt hết sang một bên. Đừng để ý họ làm gì, cũng không cần thiết phải tranh luận. Chúng ta cứ ngoan ngoãn thật thà mà đọc bổn hội tập này, y theo đó mà tu tập. Người được lợi ích là chính chúng ta.
Đúng như vậy, chân thật tin tưởng là do thiện căn phước đức từ đời trước, đến nay thì chín muồi rồi. Bộ chú giải này chú quá hay, chú quá tuyệt. Ngoài ra còn hai bộ sách bổ sung khác, một bộ chính là bộ “Vĩnh Tư Tập” của Hải Hiền Lão Hòa thượng. Tôi tin mọi người đều có cả rồi, vừa có sách, vừa có đĩa. Nhất định phải nên xem nhiều một chút, càng xem sẽ càng có ý vị, càng xem tín tâm càng vững chắc; nên xem nhiều hơn.
Còn có một bộ sách là bộ sách cuối cùng của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, là “Tịnh Tu Tiệp Yếu” do cụ Hạ Liên Cư soạn, bộ “Báo Ân Đàm” là cụ Niệm Tổ nói; chúng ta vừa có sách, vừa có đĩa. Sách này cũng nên xem mỗi ngày. Chúng ta dùng hai bộ này để hỗ trợ cho Kinh Vô Lượng Thọ. Ba bộ này là đủ rồi. Khi thấy lòng tin đã hoàn toàn kiên định rồi, đến một chút mảy may hoài nghi cũng không có thì không cần xem nữa. Một câu Phật hiệu như Hải Hiền Lão Hòa Thượng vậy, quyết định thành tựu viên mãn. Đấy chính là mục tiêu cuối cùng, rốt ráo viên mãn trong lần giảng này ở Nhật.
Hôm nay thời gian tới rồi, chúng ta học đến chỗ này.