Pháp ngữ khai thị tại Thế Giới Phật Giáo Cư Sĩ Lâm ngày lễ kỷ niệm đức Thích Ca thành đạo

(Cổ Nông tốc ký)

Hôm nay là ngày đức Phật Thích Ca thành đạo mà cũng là ngày chúng ta thành đạo. Vì sao vậy? Vào ngày hôm nay, sau khi đức Phật Thích Ca thành Phật liền vì chúng sanh nói mọi pháp thành Phật; chúng ta chỉ y theo pháp để tu nhân liền có thể thành tựu Phật quả, chẳng khác gì đức Phật Thích Ca. Trong kinh Phạm Võng, đức Phật đã thọ ký cho chúng ta: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Đại chúng biết mình là “Phật sẽ thành” liền có thể mạnh mẽ gắng sức, chẳng còn tự coi rẻ, phụ bạc chính mình nữa, quét sạch hết thảy nghiệp chướng, tích tập hết thảy công đức, trong tương lai thành đạo. Nay đã quyết định, nên nói: “Cũng là chúng ta thành đạo!”

Kinh Pháp Hoa dạy: “Như Lai vốn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời, muốn làm cho chúng sanh khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, ngộ Phật tri kiến, nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là “đức Phật đã nói ra mọi pháp môn không gì chẳng nhắm tới mục đích muốn làm cho chúng sanh được thành Phật”. Nhưng vì chúng sanh căn khí bất nhất: Kẻ căn khí lớn lao bèn tu tập đại pháp, thành Phật ngay trong đời hiện tại; kẻ căn khí nhỏ nhoi chẳng thể tu đại pháp, đức Phật bèn lập phương tiện, dạy họ Tiệm Tu (tu dần dần theo từng bước). Tuy vẫn có người có thể liễu sanh tử ngay trong đời hiện tại, nhưng hết sức ít ỏi. Do lòng đại từ đại bi, ngoài hết thảy các pháp môn cậy vào tự lực, đức Phật lập nên một pháp môn cậy vào Phật lực, tức là pháp môn dạy chúng sanh “niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ”. Do vậy, bất luận căn khí lớn hay nhỏ đều được cậy vào Phật lực để liễu sanh thoát tử; đại sự nhân duyên của đức Phật ta cũng nhờ vào đây mà được viên mãn.

Hiện thời, chúng ta thọ mạng ngắn ngủi, trí huệ lại ít ỏi, hãy đều nên nương theo pháp môn Niệm Phật để tu trì hòng vãng sanh Tây Phương. Chớ nên tự đại, coi Tây Phương chẳng đáng để sanh về, khinh rẻ pháp môn Niệm Phật! Cần biết rằng: Niệm Phật tức là tâm quý vị là Phật. Nếu không niệm Phật, tâm quý vị chẳng phải là Phật! Quán kinh dạy: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Nếu ai không niệm Phật thì vẫn chẳng thể vô niệm được! Đã không thể vô niệm mà lại chẳng niệm Phật, ắt sẽ niệm lục phàm[1], vọng tưởng điên đảo đều thành cội rễ sanh tử. Do vậy, phải nên niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi, chẳng lìa niệm ấy. Niệm tới, niệm lui, niệm đến khi cái gốc sanh tử bị cắt đứt; lúc tới Tây Phương sẽ là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Các tông thuộc bên Giáo, tánh – tướng, giáo – lý tinh vi, sâu xa, mênh mông, rộng lớn, chẳng dễ gì nghiên cứu. Dẫu có ai có thể nghiên cứu đi nữa thì cũng chỉ là [thấu hiểu] đạo lý nơi mặt ngôn ngữ, văn tự, chứ chưa phải là [thấu triệt] đạo lý nơi tâm tánh! Muốn thấu triệt rốt đạo lý nơi tâm tánh thì hết sức ít người làm được như thế! Đấy chính là pháp môn cậy vào tự lực. Trong nhà Thiền hoặc bên Mật Tông, lý phần nhiều mầu nhiệm, nhưng kẻ nào căn cơ cạn mỏng sẽ chẳng thể lãnh ngộ được! Dụng công bên Tông thì tuy “đại triệt, đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” vẫn mới chỉ là bước đầu trong cửa Thiền! Đã ngộ rồi lại còn phải tu đạo, rộng hành lục độ vạn hạnh, đoạn trừ tập khí phiền não trong hết thảy cảnh. Dụng công bên Giáo thì trước hết phải đại khai viên giải, giống như triệt ngộ bên Tông. Đã khai ngộ rồi, cũng phải rộng hành phương tiện, đoạn trừ tập khí phiền não, hết sức khó khăn!

Pháp môn Niệm Phật là đới nghiệp vãng sanh. Sau khi vãng sanh liền chẳng thoái chuyển, thọ mạng vô lượng, thành tựu ngay trong một đời. Những kẻ tu Thiền Tông đã triệt ngộ mà niệm Phật vãng sanh thì cố nhiên sẽ là Thượng Phẩm Thượng Sanh, chứng địa vị Bồ Tát, liền có thể hóa thân trong [những thế giới ở các] phương khác để làm Phật sự trọn khắp. Nếu chẳng niệm Phật vãng sanh, hễ chưa đoạn trừ được tập khí phiền não thì vẫn chẳng thể liễu sanh thoát tử. [Do vậy] chẳng bằng pháp môn Niệm Phật, bất luận ngộ hay không, dẫu còn chưa đoạn được tập khí phiền não, chỉ cần được vãng sanh là đã liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh! Kẻ tu Mật Tông “tam mật tương ứng, thành Phật ngay trong thân này” nếu chẳng khéo dụng tâm sẽ dễ bị ma dựa. Dẫu khéo dụng tâm, tu pháp môn [Mật Tông] này sẽ liền cách biệt với các pháp môn khác, chẳng bằng tu pháp môn Tịnh Độ phần nhiều chẳng gây trở ngại gì cho các pháp môn khác. Vì thế, kẻ tu Mật Tông nếu đạt được lợi ích thì cố nhiên là tốt đẹp, nhưng nếu bị ma dựa sẽ trở thành hạng bỏ đi!

Đạo Phật ta có vô lượng pháp môn, nhưng nói chung phải lượng theo thân phận của chính mình, chọn lựa pháp [thích hợp với căn cơ của chính mình] để tu, đừng để đến nỗi “cầu được lợi ích, đâm ra bị hao tổn!” Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thường được mười phương chư Phật dùng để hạ hóa chúng sanh, chư đại Bồ Tát dùng để thượng cầu Phật đạo. Căn cơ không phân biệt đại hay tiểu đều tu trì được. Có tiện nghi lớn lao, tu tập nhanh chóng! Đừng nghe ai nói pháp nào bèn tu theo pháp đấy. Hôm nay Trương Tam, bữa mai Lý Tứ. Ngoài cửa miệng nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, nhưng chẳng có mảy may nào hữu ích cho tâm địa! Do vậy, từ xưa tới nay các vị đại pháp sư, đại tông sư, không vị nào chẳng đề xướng pháp môn Tịnh Độ. Có vị nào không đề xướng là vì không hiểu biết pháp môn rộng lớn này vậy!

Nay hãy thử nói, chỉ có pháp môn này là “trước khi chưa thành Phật thì cậy vào pháp này để tự tu; sau khi đã thành Phật rồi thì nhờ vào đó để độ đời”. Thích hợp khắp ba căn, giúp ích cho cả phàm lẫn thánh, trên đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chủng tử A Tỳ, cao thì chẳng thể vượt khỏi pháp này, hèn thì cũng được dự vào trong ấy, rộng lớn viên mãn, không còn gì hơn được nữa! Để chứng minh, hãy nhìn vào kinh Hoa Nghiêm: Thiện Tài Bồ Tát đi qua một trăm thành, tham học với khắp các tri thức. Trong lần tham học thứ năm mươi ba, tới chỗ Phổ Hiền Bồ Tát. Khi ấy Thiện Tài đã chứng được địa vị Đẳng Giác bằng với chư Phật, nhưng Phổ Hiền sau khi khen ngợi công đức thù thắng của Như Lai xong, đối trước Thiện Tài và các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị trong hội Hoa Nghiêm, dạy họ hãy rộng phát mười đại nguyện vương, dùng công đức ấy để hồi hướng vãng sanh Cực Lạc thế giới. Ấy là vì bỏ pháp này đi thì sẽ không có cách nào để thành tựu Phật quả viên mãn được! [Trong hội Hoa Nghiêm], những vị nghe pháp ấy, [địa vị của họ] thấp nhất cũng là Sơ Phát Tâm Bồ Tát. Công đức do tu mười đại nguyện vương ấy đều phải đem hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì mới có thể tấn tu tốt đẹp được.

Hơn nữa, lấy chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Thập Lục Quán Kinh để làm chứng thì kẻ căn tánh kém hèn Ngũ Nghịch lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện, gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, bèn cậy vào nguyện lực của Phật để diệt tội vãng sanh, liền được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Pháp môn Tịnh Độ thần diệu khó thể nghĩ tưởng! Nếu là người tin tưởng pháp này đến cùng cực rồi tu tập pháp môn này, dẫu vạn con trâu cũng không thể kéo lại được! Nhưng tu pháp môn Niệm Phật này muốn sanh về Tây Phương, phải vâng giữ “tu thiện, đoạn ác” nơi ba nghiệp thân – miệng – ý thì đức hạnh mới hợp với Phật, lâm chung tự nhiên cảm Phật đến nghênh tiếp; vì thế gọi là “tịnh nghiệp”. Hễ tịnh được nghiệp thì tâm sẽ tịnh, tâm đã tịnh sẽ tự cảm thông dễ dàng. Thập Lục Quán Kinh coi “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu Thập Thiện Nghiệp” là Tịnh nghiệp chánh nhân. Vì sao vậy? Đấy là cách cất nhà phải xây móng cho chắc chắn! Nếu nền móng không chắc chắn, tuy xây nhà cho cao, chẳng khỏi bị sụp đổ!

Muốn sanh về Tây Phương thì cần phải làm người tốt. Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành. Hai câu ấy nếu nhìn từ mặt chữ sẽ thấy sao mà dễ dàng đến thế! Nhưng xét trên thực tế, Cừ Bá Ngọc tròn năm mươi tuổi mới biết bốn mươi chín năm trước sai trái, bảo: “Phu tử dục quả kỳ quá, nhi vị năng dã” (Phu tử muốn giảm bớt lỗi, nhưng chưa thể làm được). Khổng Tử đọc kinh Dịch, ba lần đứt dây buộc lề sách, nói: “Giả ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ” (Cho ta sống thêm mấy năm để học Dịch cho xong, hòng không phạm lỗi lớn vậy). Dù hiền hay thánh đều không thể gánh vác nổi hai câu ấy.

Xưa kia, ông Bạch Cư Dị làm Thái Thú[2] Hàng Châu, tới yết kiến Ô Khoa thiền sư[3], hỏi: “Thế nào đại ý của Phật pháp?” Sư đáp: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Chữ “ác” ấy bao trùm thân – miệng – ý, bốn mươi mốt phẩm vô minh. Bậc Đẳng Giác đại sĩ hễ còn có một phần vô minh chưa phá được thì tam đức[4] chẳng trọn vẹn, tức vẫn là ác! Hơn nữa, chín pháp giới đều là ác, [chỉ có] Phật pháp giới mới là thiện. Do vậy hai câu này chính là đại ý của Phật pháp. Ông Bạch Cư Dị nói: “Hai câu ấy đứa trẻ lên ba cũng nói được!” Sư đáp: “Ông lão tám mươi tuổi làm không xong!” Đấy chính là tổng giới luật, hễ tu được [tổng giới luật này] thì hết thảy giới luật đều tu được! Những người đã làm được như thế lại còn niệm Phật thì chưa có ai chẳng vãng sanh Tây Phương.

Hôm nay các vị ăn cháo Lạp Bát[5] là vì những nhân duyên nào? Cần biết rằng: Đấy chính là ý nghĩa kính mừng ngày Phật thành đạo vậy. Nhưng vì sao phải ăn vào buổi chiều? Vì sao vậy? Do vì trước khi thành đạo, đức Phật đã dùng Nhũ Mi[6]. Vốn là vì trước khi thành đạo, đức Phật Thích Ca là Thái Tử Tất Đạt (Siddhārtha), mười chín tuổi xuất gia, tu tập các pháp Thiền thế gian suốt năm năm, biết đấy chẳng phải là rốt ráo, bèn vào núi Tuyết (Hy Mã Lạp Sơn), tư duy Phật đạo. Sáu năm khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt mè, hoặc một hạt lúa mạch, đến nỗi hình dung khô kháo, gầy mòn chẳng kham. Ra khỏi núi, tới tắm trong sông Ni Liên Thiền[7], vịn cành cây bước lên, thân không có sức gượng được nữa. Khi ấy, chư thiên biết Thái Tử Tất Đạt sắp tới Bồ Đề Đạo Tràng thành đạo, Phật cần phải có tướng hảo trang nghiêm, bèn hóa thành cô gái chăn bò dâng lên Phật loại Nhũ Mi nấu với sữa đã được luyện chín lần.

Thế nào là Nhũ Mi nấu với sữa đã được luyện chín lần? Đấy là trước hết vắt sữa của một ngàn con bò cho năm trăm con bò khác uống. Tiếp đó vắt sữa của năm trăm con bò ấy cho hai trăm năm mươi con bò khác uống. Rồi lại vắt sữa của hai trăm năm mươi con bò ấy cho một trăm hai mươi con bò khác uống. Rồi lại vắt sữa của một trăm hai mươi con bò ấy cho sáu mươi con bò khác uống. Rồi lại vắt sữa của sáu mươi con bò ấy cho ba mươi con bò khác uống. Rồi lại vắt sữa của ba mươi con bò ấy cho mười lăm con bò khác uống. Rồi lại vắt sữa của mười lăm con bò ấy cho tám con bò khác uống. Cuối cùng đem sữa của tám con bò ấy hòa với gạo thơm, nấu thành Nhũ Mi. Thái Tử ăn món Nhũ Mi ấy, hình thể khôi phục như cũ, tướng hảo viên mãn, bèn đến dưới cội Bồ Đề, ngồi đoan nghiêm tư duy, đoạn sạch phiền não. Vào lúc sao Mai[8] vừa mọc nhằm ngày Tám tháng Chạp, đức Phật trông thấy sao Mai bèn hoát nhiên đại ngộ, tâm kính mở toang, rạng ngời, đắc Chánh Đẳng Giác. Đấy chính là chuyện đức Phật thành đạo vào đúng ngày hôm nay.

Cháo Lạp Bát chính là phỏng theo Nhũ Mi; đức Phật dùng Nhũ Mi rồi thành Phật đạo. Bọn chúng ta liền ăn cháo Lạp Bát để mừng Phật thành đạo, nhân duyên là như vậy đó. Do vậy, Tây Vực coi Nhũ Mi là phẩm vật dâng cúng quý trọng nhất. Khi đức Phật còn tại thế, phần nhiều [tín đồ] đem sữa cúng Phật. Tới khi đức Phật đã diệt độ rồi, có một vị cư sĩ dùng thuần sữa để nấu thành cháo cúng dường một vị đại đức, đại đức ăn xong liền than thở. Vị cư sĩ hỏi nguyên do, đại đức nói: “Cháo của cư sĩ tuy thật ngon lành, nhưng vị chẳng thể bằng uống nước lã khi đức Phật còn tại thế. Do ta phước bạc, chúng sanh báo kém, cho nên than thở!” Đức Phật phước đức sâu dày, [thời đức Phật còn tại thế] nước còn có vị ngon hơn sữa; [còn ngày nay] chúng sanh bạc phước, sữa chẳng bằng nước! Chúng sanh đời Mạt càng bạc phước hơn nữa! Đừng nghĩ tưởng làm chuyện vượt phận!

Pháp môn Niệm Phật mọi người đều nên tu trì, hãy nên cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng kính trọng vợ, vợ phục tùng chồng. Là hiền nhân trong cõi đời, là đệ tử Phật trong đạo xuất thế. Dùng những điều ấy để dạy người, phải rất chú trọng lấy thân làm gương thì mới có thể làm cho người khác sanh lòng tin. Ấy gọi là “dùng lời lẽ để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy mọi người sẽ thuận theo”. Bất luận tại gia hay xuất gia đều phải nên như thế, đừng nên bàn huyền nói diệu. Dẫu có thể bàn nói thì cũng phải giẫm chân trên Thật Tế. Chỉ có thể bàn nói, chứ không hưởng dùng được thì cũng giống như bánh vẽ, chẳng thể đỡ đói được đâu! Tu Phật pháp giống như ăn, phải không đói mới hay! Trong Tịnh Độ Thi của thiền sư Sở Thạch[9] đời Minh có đoạn:

Tây Phương hữu lộ thiểu nhân đăng

Nhất cú Di Đà tối thượng thặng

Bả thủ lao tha, hành bất đắc,

Đản đương tự khẳng nãi tương ưng

(Tây Phương có nẻo nào ai bước,

Di Đà thánh hiệu tối thượng thừa,

Nắm tay lôi đi chẳng chịu theo,

Riêng ai tự chịu mới đi được)

***

[1] Lục phàm: Lục đạo, tức trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

[2] Thái Thủ (太守, thường bị đọc trại thành Thái Thú) là một chức quan đã có từ thời Chiến Quốc. Thoạt đầu, mỗi nước được chia ra thành một khu vực hành chánh gọi là Quận. Vị trưởng quan đứng đầu một quận, nắm quyền hành chánh lẫn quân sự được gọi là Quận Thủ (郡守). Đời Hán đổi Quận Thủ thành Thái Thủ. Tới thời Đông Hán, vua chia nước ra thành từng châu, người đứng đầu một châu gọi là Châu Mục (州牧) hoặc Thứ Sử (刺使), đặt chức Thái Thủ thấp hơn Châu Mục một cấp; nhưng ở những châu thuộc vùng biên địa như Giao Châu, Nhật Nam, Thái Thủ lại là chức quan cao nhất. Từ thời Tùy trở đi, không còn Quận nữa, chức Thái Thủ không còn, nhưng người đứng đầu một thành phố lớn như Hàng Châu vẫn được dân chúng quen gọi là Thái Thủ.

[3] Ô Khoa Đạo Lâm (741-824), người đời Đường, thuộc dòng Thiền Ngưu Đầu, họ Phan (có thuyết nói là họ Ông), tên lúc nhỏ là Hương Quang. Xuất gia năm chín tuổi, năm 21 tuổi đến Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) thọ Cụ Túc Giới ở chùa Quả Nguyện. Về sau theo học kinh Hoa Nghiêm, Đại Thừa Khởi Tín Luận với pháp sư Phục Lễ ở chùa Tây Minh tại Trường An. Sau Ngài khế ngộ tâm yếu nơi pháp sư Đạo Khâm rồi quay về Nam, thấy núi Tần Vọng có cây tùng mọc um tùm như cái tàn, bèn sống ở đó. Người thời ấy bèn gọi Ngài là Ô Khoa thiền sư (Khoa (窠) là cái ổ, sách Thuyết Văn Giải Tự giảng: “Hang ổ gọi là Khoa, tổ chim gọi là Sào”). Do có nhiều loại quạ làm tổ nơi ấy, nên Ngài còn được gọi là Ô Sào thiền sư. Ông Bạch Cư Dị hỏi đạo nơi Ngài, tâm phục khẩu phục, bèn dựng căn gác bằng trúc cho Ngài ở để tiện hỏi đạo, nơi đây về sau thành chùa Quảng Hóa. Còn có truyền thuyết nói lúc Ngài sanh ra bị cha mẹ bỏ rơi, được quạ nuôi nên gọi là Ô Sào thiền sư. Đây có lẽ là lời đồn bịa đặt vì không thấy Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như vậy.

[4] Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát.

[5] Cháo Lạp Bát (Lạp Bát Chúc) là một loại cháo được ăn trong các tự viện vào ngày mồng Tám tháng Chạp Âm lịch (Lạp Bát nghĩa là mồng Tám tháng Chạp). Còn gọi là Ngũ Vị Chúc, Hồng Tao, Thất Bảo Chúc, hoặc Phật Chúc. Trong ngày hôm ấy, do kỷ niệm ngày Phật thành đạo, sau khi cử hành tắm Phật, trù phòng bèn dùng các loại trái cây, ngũ cốc nấu lẫn với nhau thành cháo gọi là Lạp Bát Chúc, trước là cúng Phật, sau là để chư Tăng và tín đồ đến lễ Phật dùng. Về sau, phong tục này lan rộng khắp dân gian. Tùy theo vùng mà mỗi chùa nấu cháo Lạp Bát khác nhau đôi chút ; chẳng hạn như theo Yên Kinh Tuế Thời Ký, tại phương Bắc, người ta dùng gạo vàng, gạo trắng, gạo đỏ, kê, bắp, v.v… Thêm vào nhân hạt đào, hạnh nhân, hạt dưa, đậu phộng, hạt tùng, đường trắng, đường đỏ, nho khô, nhưng tuyệt đối không bỏ hạt sen, đậu ván, ý dĩ, quế… vì người Hoa tin rằng những thứ ấy sẽ làm hỏng mùi vị của cháo.

[6] Nhũ Mi có hai cách giải thích:

1) Nhũ Mi là cách dịch nghĩa chữ Pāyasa, có nghĩa là cháo ngũ cốc nấu với sữa. Để nấu Nhũ Mi, người ta dùng các loại gạo, kê nấu lẫn với sữa bò hay dê thành cháo. Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 7, chép: “Nhũ Mi: Tây Phương có nhiều loại cháo, hoặc dùng chất chiết từ Ô Ma, hoặc dùng các loại đậu và dược vị giống như trong phần Thập Tụng Dược Pháp v.v… đã rộng nói, nhưng đều coi Nhũ Mi là ngon nhất”.

2) Nhũ Mi là dịch nghĩa chữ Tarpana, tức là dùng ngũ cốc xay nát chế thành món ăn. Du Già Sư Địa Luận, quyển 36, Tự Tha Lợi Phẩm, giải thích Nhũ Mi là bánh khô, lương khô.

Khi nói về loại Nhũ Mi được cô gái chăn bò Nan Đà Ba La dâng lên đức Phật, người ta luôn theo cách giải thích thứ nhất. Đúng ra chữ Mi (麋: một loài nai) ở đây phải viết là Mi (糜: cháo nấu nhừ) thì mới đúng, nhưng do dùng lẫn lộn hai chữ lâu ngày nên kinh văn thường viết thành Nhũ Mi (乳麋).

[7] Ni Liên Thiền (Nairañjanā) đôi khi còn được phiên là Hy Liên Thiên, hoặc Ni Liên Nhiên, dịch nghĩa là Bất Nhạo Trước Hà, vốn là một chi lưu của sông Hằng, nằm ở phía Đông thành Già Da nước Ma Kiệt Đề.

[8] Sao Mai là tên gọi khác của Kim Tinh (Venus). Do vị trí của sao vào lúc đầu đêm và lúc rạng sáng khác nhau nên dân gian tưởng là hai ngôi sao khác nhau nên sao Mai còn có tên là sao Hôm. Người Hán cũng tưởng như vậy nên gọi ngôi sao này vào lúc rạng đông (mọc ở phương Đông) là Minh Tinh hoặc Khải Minh; sau hoàng hôn, sao mọc chính giữa phía Tây thì được gọi là Trường Canh. Sao còn có tên là Kim Tinh do Đạo giáo tin ngôi sao này là hiện thân của một vị thần mang danh hiệu Thái Bạch Kim Tinh.

[9] Sở Thạch (1296-1370) quê ở Tượng Sơn, Minh Châu, pháp danh Phạm Kỳ, pháp tự Sở Thạch, là đệ tử nối pháp của ngài Kính Sơn Hành Đoan (đệ tử đời thứ hai mươi của ngài Nam Nhạc). Năm 16 tuổi, Sư thọ Cụ Túc Giới tại chùa Chiêu Khánh, đắc pháp nơi ngài Kính Sơn Nguyên Tẩu Hành Đoan. Sư được Nguyên Thuận Tông phong tặng danh hiệu Phật Nhật Phổ Chiếu Huệ Biện thiền sư vào năm Chí Chánh thứ bảy (1347) đời Nguyên. Do ngài mất vào năm Hồng Vũ thứ ba đời Minh Thái Tổ nên người ta vẫn coi Ngài là cao tăng đời Minh. Sư còn để lại Sở Thạch Phạm Kỳ Ngữ Lục.