Pháp ngữ khai thị tại Thế Giới Phật Giáo Cư Sĩ Lâm

(Hiển Ấm bút ký)

Vấn đề quan trọng nhất trong Phật pháp chính là liễu sanh tử. Nếu luận về đại sự liễu sanh tử ấy thì rất khó khăn. Bọn phàm phu chúng ta căn cơ kém cỏi, hiểu biết nông cạn; đã thế, trong đời ác Ngũ Trược tà sư ngoại đạo thật đông! Muốn liễu thoát sanh tử, rốt cuộc phải như thế nào mới liễu thoát được? Chỉ có pháp môn Niệm Phật, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ [thì mới liễu thoát được]. Trong Phật pháp có nhiều phương tiện, tham Tông học Giáo đều có thể liễu thoát sanh tử, cớ sao cứ phải nhất định niệm Phật vậy? Ấy là vì tham Tông nghiên Giáo đều phải cốt sao đạt đến mức cùng cực, nếu như thật sự tu chứng được thì mới có hy vọng. Đấy chính là hoàn toàn cậy vào tự lực, há nói dễ dàng ư?

Niệm Phật là nương tựa vào Phật lực gia bị, tức là kiêm cậy vào Phật lực, tự nhiên chắc chắn có chỗ nắm vững được! Ví như vượt biển, cậy vào tự lực sẽ giống như bay vượt qua biển, còn cậy vào Phật lực như ngồi thuyền Từ. Bay vượt qua biển khó thể chẳng lo bị rơi xuống; ngồi thuyền Từ chắc chắn có bữa đến được bờ kia. Sự khó – dễ, an – nguy trong ấy chắc mọi người đều đã phân biệt đến nơi đến chốn rồi! Nói chung, cậy vào tự lực để tham Thiền ngộ đạo liễu sanh tử, nhưng chưa về đến nhà (chưa chứng đến mức rốt ráo) thì thường là chẳng dễ dàng thực hiện được! Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chỉ cần tín nguyện chân thiết hành trì kiên cố, sẽ có công năng liễu thoát.

Nếu luận về sự khó – dễ giữa tự lực và tha lực cũng như [sự khó – dễ] giữa Thiền và Tịnh thì nói rõ ràng nhất, minh bạch nhất, không chi bằng Tứ Liệu Giản của Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư. Chiếu theo Tứ Liệu Giản để nói thì người chẳng thông Tông thông giáo cố nhiên phải nên niệm Phật, nhưng kẻ thông Tông thông Giáo lại càng phải niệm Phật! Tuy thông nhưng chưa chứng nói chung đều phải niệm Phật để liễu sanh thoát tử thì mới đúng đạo lý. Vĩnh Minh đại sư chính là A Di Đà Phật hóa thân, đại từ, đại bi khai hóa chúng sanh. Tứ Liệu Giản như sau:

Có Thiền có Tịnh Độ,

Ví như cọp đội sừng,

Đời này làm thầy người,

Đời sau làm Phật, Tổ.

 

Không Thiền, có Tịnh Độ,

Vạn tu, vạn người về,

Chỉ được thấy Di Đà,

Lo chi không khai ngộ.

 

Có Thiền, không Tịnh Độ,

Mười kẻ, chín chần chừ,

Ấm cảnh nếu hiện tiền,

Chớp mắt đi theo nó.

 

Không Thiền, không Tịnh Độ,  

Giường sắt với cột đồng,

Vạn kiếp lẫn ngàn đời,

Không có người nương tựa.

Bài kệ Tứ Liệu Giản gồm mười sáu câu trên đây đúng là thuyền Từ, mong mọi người hãy nên chú ý! Muốn hiểu rõ ý nghĩa của bài Tứ Liệu Giản này thì trước hết cần phải hiểu rõ ràng thế nào gọi là Thiền, thế nào gọi là Tịnh, thế nào gọi là Có, thế nào gọi là Không. Đã thấy rõ được ý nghĩa của bốn chữ “Thiền, Tịnh, Có, Không” này rồi thì mới hiểu rõ được ý nghĩa của Tứ Liệu Giản. Do vậy, tôi đem ý nghĩa của “Thiền, Tịnh, Có, Không” quyết trạch đại lược như sau:

Nói tới Thiền chính là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, hoặc như trong Giáo gọi là “đại khai viên giải, triệt chứng bản giác lý thể của nhất niệm linh tri”. Do vậy, phải đích thân thấy được bản lai diện mục thì mới được kể là “có Thiền”. Nếu không, chẳng thể coi là Có! Nói đến Tịnh thì là pháp môn “tín sâu, nguyện thiết, cầu sanh Tịnh Độ” như đã dạy trong ba kinh Tịnh Độ. Tự tâm tịnh thì quốc độ tịnh, do tự lực cảm nên Phật lực ứng. Điều cần thiết bậc nhất là lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, hạnh tinh tấn dũng mãnh. Do vậy, cần phải có lòng tin quyết định không nghi. Chí thành khẩn thiết phát nguyện, lại còn hành trì nhất định chẳng thay đổi thì mới kể là “có Tịnh Độ”. Nếu không, chẳng thể kể là có [Tịnh Độ] được! Người đời thường nghĩ ngồi như đã chết khô, khán chết cứng một câu thoại đầu là “có Thiền”, niệm Phật sơ sài, loáng thoáng vài câu bèn kể là “có Tịnh Độ”. Ấy chính là lầm lẫn lớn lao lắm đấy!

Nói chung, “có Thiền” chính là có công phu minh tâm kiến tánh. “Có Tịnh Độ” là Niệm Phật đến mức chắc chắn được vãng sanh. Đấy chính là đạo lý khẩn yếu nhất! Nhưng minh tâm kiến tánh chỉ là khai ngộ chứ vẫn chưa chứng, trọn chẳng thể liễu sanh tử. “Hễ ngộ được thì không còn sanh tử” chẳng phải là lời lẽ của người đã chứng nhập! Hãy nên biết rằng: Ngộ là mở mắt, ngộ rồi mới có đường lối để chân tu thực chứng. Kẻ chưa ngộ chẳng khỏi tu mù, luyện đui, sụp hầm, sa hố! Do bởi lẽ ấy, trước hết cần phải khai ngộ. Đấy chính là công phu ban đầu. Nếu bàn đến chuyện “muốn về được đến nhà” thì chính là dốc sức tiến bước để làm chuyện “đang cháy lại đổ thêm dầu” đấy chăng?

Câu thứ nhất trong Tứ Liệu Giản “Có Thiền, có Tịnh Độ” nghĩa là đã có công phu đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Lại còn có lòng tin chân thật, phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Đại triệt đại ngộ giống như mãnh hổ, lại có bản lãnh niệm Phật để liễu sanh tử thì há chẳng phải là như cọp mọc sừng ư? Do vậy, nói: “Ví như cọp đội sừng”. Dùng sở ngộ và sở hạnh của chính mình để giáo hóa chúng sanh. Kẻ nên dùng Thiền cơ để độ bèn giảng Thiền. Kẻ nên dùng Tịnh tông để độ được bèn giảng Tịnh. Nên dùng Thiền Tịnh Song Tu để độ bèn dùng pháp môn Thiền Tịnh để hóa độ. Do vậy lời lẽ chẳng phí uổng, không căn cơ nào chẳng nhiếp, mở mắt cho chúng sanh, làm bậc thầy khuôn mẫu cho trời người, nên nói là: “Hiện đời làm thầy người”. Bởi lẽ, người minh tâm kiến tánh niệm Phật cầu sanh sẽ thấy thấu triệt tự tánh Di Đà, quyết chứng được duy tâm Tịnh Độ, khi lâm chung sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh. Trong khoảng khảy ngón tay, hoa nở thấy Phật, liền chứng được địa vị Sơ Trụ trong Viên giáo, phân thân làm Phật trong một trăm thế giới, tùy loại ứng hiện hóa độ chúng sanh. Đấy gọi là chân tinh tấn, đấy gọi là đại trượng phu, tương lai làm Phật, làm Tổ, chân ngữ, thật ngữ! Ngưỡng mong đại chúng hãy tin tưởng chắc thật!

Bài kệ Liệu Giản thứ hai nói tới kẻ chưa từng đại triệt đại ngộ, cậy vào sức của chính mình quyết khó mong liễu sanh tử! Do vậy, phát nguyện cầu Phật tiếp dẫn, tu hành pháp môn Tịnh Độ nên nói: “Không Thiền, có Tịnh Độ”. Chỉ cần tin tưởng sâu xa, chỉ cần phát nguyện, chỉ cần niệm Phật thì bất luận là ai đều có thể vãng sanh. Vì thế nói: “Vạn tu, vạn người về”. Nếu có ai chẳng thông hiểu đạo lý, niệm Phật chỉ cầu phú quý, cầu sanh lên trời thì những người như thế chẳng thể kể là “có Tịnh Độ”. Chẳng được sanh về Tây Phương thì chỉ trách chính mình chẳng phát nguyện, chẳng thể trách móc từ phụ Di Đà không đến tiếp dẫn! Nếu có thể phát nguyện cầu sanh thì nói chung sẽ được vãng sanh. Đã được vãng sanh, đích thân thấy Phật Di Đà, nghe giảng diệu pháp, tức thời khai ngộ. Trong một đời liền chứng A Bệ Bạt Trí, địa vị Bất Thoái Chuyển. Vì thế nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo chi không khai ngộ”. Nhìn từ đây, pháp môn Tịnh Độ quả thật là không một điều tốt đẹp nào chẳng có!

Bài kệ Liệu Giản thứ ba nói tới những kẻ tuy có thể đại triệt đại ngộ, nhưng nếu chẳng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, do vì chưa về đến nhà sẽ chẳng hưởng sự an thân lập mạng được, nên nói: “Hữu Thiền, vô Tịnh Độ, thập nhân cửu tha lộ” (Có Thiền, không Tịnh Độ, mười kẻ, chín chần chừ). Nói: “Thập nhân, cửu tha lộ” (Mười kẻ, hết chín kẻ chần chừ trên đường) nghĩa là “tuy có thể khai ngộ” nhưng chưa nhất định chứng đến nơi đến chốn, vì thế nói là “tha lộ” (chần chừ trên đường). Có kẻ [chép câu Liệu Giản này thành] “thập nhân cửu thác lộ” (mười người chín lầm đường) thì hai chữ “thác lộ” là sai! Há có bậc Thiền gia đại triệt đại ngộ nào lại là kẻ lầm đường ư? Bậc đại triệt đại ngộ nhưng chưa thật sự đạt đến địa vị an thân lập mạng, cho nên sợ rằng khi phải qua cửa ải sanh tử chưa chắc đã có thể đích xác làm chủ được. Khi lâm chung sẽ theo nghiệp lưu chuyển, bị các nghiệp thiện hay ác trong nhiều đời ngăn lấp mà thọ sanh, đáng kinh sợ, đáng sợ hãi thay! Thật chẳng bằng cầu Phật tiếp dẫn là ổn thỏa, thích đáng nhất, đáng nương tựa nhất. Vì thế nói: Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”. “Ấm cảnh” ở đây chỉ cho nghiệp cảnh thiện ác từ vô thủy đến nay, chứ không phải là Ngũ Ấm Ma Cảnh. Há bậc Thiền gia đại triệt đại ngộ lại chẳng nhận biết Ngũ Ấm Ma hay sao? Có lẽ ấy hay chăng?

Bài kệ thứ tư: “Không Thiền, không Tịnh Độ” là nói đến những kẻ chẳng biết tu tâm. Đã không có công phu minh tâm kiến tánh, lại chẳng hành trì phát nguyện niệm Phật thì đúng là nguy lắm. Đấy chính là những kẻ tu tâm nhưng chưa khai ngộ, nói chung là hạng tu mù luyện đui, chẳng thể giải thoát. Tuy nhiên, hễ tu thì có phước báo, không gì chẳng phải là nghiệp nhân sanh tử. Phước báo lớn, tạo nghiệp càng sâu. Phước hết, họa tới, tội báo khó trốn khỏi được! Nỗi khổ trong địa ngục há thể nào may mắn tránh khỏi được ư? Sanh tử luân hồi nương tựa vào ai? Do vậy đọc xong bốn bài kệ Liệu Giản này đúng là “mắt ngó tới, lòng kinh hãi”. Mong mọi người đều biết nỗi khổ sanh tử, phát Bồ Đề tâm. Kẻ không có Tịnh Độ hãy mau mau phát nguyện tu hành, biến thành “có Tịnh Độ”. Kẻ có Tịnh Độ vẫn phải tinh tấn dũng mãnh, lấy quyết định sanh về Tây Phương làm điều kỳ vọng. Khẩn yếu lắm đấy!

Mọi người phải hiểu rằng cậy vào tự lực để tu trì thì chính mình sẽ có những loại lực nào? Chỉ là nghiệp lực từ vô thủy đến nay! Do vậy, muôn kiếp ngàn đời khó được giải thoát! Cậy vào hoằng thệ đại nguyện lực của A Di Đà Phật sẽ tự nhiên hoàn thành chỉ trong một đời. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Đã đến núi báu, đừng trở về tay không! Lại phải nên biết rằng: Pháp môn Niệm Phật chẳng phải là chuyên dành cho hạng hạ căn mà chính là thích hợp khắp cả ba căn. Bất luận lợi căn, độn căn, thượng trí, hạ ngu, cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều hướng đến pháp môn này thì sau này mới có thể thành Phật. Do vậy, trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học với khắp các bậc đại thiện tri thức, chứng nhập các môn Đà La Ni trong pháp giới hải hội. Cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Nhìn từ chỗ này, pháp môn Tịnh Độ đúng là pháp môn cao thượng nhất, viên mãn nhất. Nếu báng bổ [niệm Phật] là hạnh của bọn ngu phu ngu phụ thì đúng là báng Phật, báng Pháp, là chủng tử địa ngục! Kẻ chẳng tin Tịnh Độ ngu cuồng đọa lạc, là kẻ đáng thương tột bậc!

Sở dĩ pháp môn Tịnh Độ cao thượng như thế là vì những giáo lý tu tâm thông thường hoàn toàn cậy vào tự lực, chỉ có Tịnh Độ là kiêm cậy vào Phật lực, là giáo lý đặc biệt, chẳng phải là giáo lý phổ thông. Dùng tầm mắt phổ thông để nhìn giáo lý đặc biệt, tự nhiên sẽ thấy chẳng thỏa đáng! Giáo lý phổ thông cậy vào tự lực giống như tiến thân trên đường công danh, phải lên cao từng bước. Tịnh Độ là giáo lý đặc biệt cậy vào Phật lực, ví như sanh trong cung vua, vừa lọt lòng mẹ liền là người nối ngôi vua. Sự khó – dễ, cong – thẳng, chẳng cần phải là người trí mới biết được! Tịnh Độ đạo tuy cao quý, nhưng pháp chẳng có lạ lùng, đặc biệt gì, chỉ cần tâm thiết tha cầu Phật, tự nhiên sẽ được Phật gia bị. Hãy nên biết rằng: Phật nghĩ nhớ, che chở chúng sanh còn hơn cha mẹ yêu con. Do vậy, hễ có cảm ắt có ứng; nhưng Phật tánh thiên chân sẵn có của chúng ta chiếu trời soi đất, hằng cổ, hằng kim, dẫu là kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, linh quang sẵn có của hắn ta vẫn chẳng giảm một mảy may nào! Nhưng như gương sáng bị bụi phủ, kẻ ngu cho là chẳng có quang minh, trọn chẳng biết lau chùi để trừ trần cấu thì quang minh lại hiển hiện rành rành.

Do vậy, niệm A Di Đà Phật tức là dùng Phật niệm để thay cho vọng niệm. Đấy chính là phương pháp khử trần cấu tốt nhất. Niệm tới niệm lui không gì chẳng nhằm hiển lộ A Di Đà Phật sẵn có trong tự tâm. Tự lẫn tha tương ứng, cảm ứng đạo giao, diệu nghĩa vãng sanh không thể nói xuể! Người niệm Phật chỉ cần chí thành khẩn thiết, tâm giống như tâm Phật, hành hạnh giống như hạnh Phật, có một phần cung kính được một phần lợi ích, có một phần kiền thành được một phần thụ dụng. Mong mọi người hãy nỗ lực!

Hiện thời, thế đạo ngày một suy, nhân tâm ngày một hoại, muốn bổ cứu từ căn bản thì phải chú trọng nơi giáo dục trong gia đình. Trị quốc, bình thiên hạ, phải bắt đầu từ tề gia. Do vậy, quyền lực “trị quốc, bình thiên hạ” phụ nữ chiếm quá nửa. Phụ nữ chú trọng nơi mẫu giáo (sự dạy dỗ của mẹ), mẹ dạy con noi theo quy củ, tập quen từ thuở bé, lớn lên sẽ thực hiện. Nhân cách tốt đẹp phải được bắt nguồn từ tuổi măng sữa. Vì thế, chức trách, nhiệm vụ “giúp chồng dạy con” của phụ nữ lớn lắm.

Những vị nữ cư sĩ phải biết phụ nữ được gọi là Thái Thái là vì vào buổi đầu khai quốc của nhà Châu, Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự đều hiền đức tột bậc, là bậc mẫu nghi của thiên hạ. Do vậy, gọi phụ nữ là Thái Thái. Các vị nữ cư sĩ hãy nên biết danh xưng Thái Thái đáng tôn, đáng quý, ai nấy tận hết chức trách bổn phận giúp chồng dạy con để làm cơ bản trị quốc bình thiên hạ, ngõ hầu danh xứng với thực. Nói đến chỗ cùng cực của tu tâm thì vẫn là hai câu: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Hai câu ấy đứa trẻ lên ba cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi làm không xong! Người rốt ráo làm được hai câu ấy đã ở vào địa vị chư Phật. Do vậy, mong hết thảy những thiện nam tín nữ tu tâm hãy hết sức chú ý. Ngàn lời vạn lẽ nói chung là “phải tu tâm để liễu sanh tử!” Nếu luận tới chỗ mấu chốt khẩn yếu nhất của tu tâm để liễu sanh tử thì là “đừng làm các điều ác, vâng hành các điều lành, phát nguyện niệm Phật”. Mong mọi người ghi nhớ mấy ý nghĩa này cẩn thận, chắc chắn sẽ tự nhiên giải quyết xong sanh tử, chứng Phật đạo. Xin hãy gắng lên!