SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 26

Phẩm 82: THANH TỊNH CÕI PHẬT

Bấy giờ Tu-bồ-đề nghĩ: “Thế nào là đạo của Đại Bồ-tát?”

Bồ-tát trụ trong đạo ấy có thể đại trang nghiêm như vậy bằng thệ nguyện rộng lớn.

Đức Phật biết tâm niệm của Tu-bồ-đề liền dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Sáu pháp Ba-la-mật là đạo của Đại Bồtát, ba mươi bảy pháp Trợ đạo là đạo của Đại Bồ-tát, tám Bội xả, chín Định thứ đệ là đạo của Đại Bồ-tát, mười Trí lực cho đến mười tám pháp Bất cộng là đạo của Đại Bồ-tát, tất cả pháp cũng là đạo của Đại Bồtát.

Này Tu-bồ-đề! Có pháp nào Bồ-tát chẳng học mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

Này Tu-bồ-đề! Không có pháp nào mà Bồ-tát chẳng học. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát chẳng học tất cả pháp thì chẳng thể được Nhất thiết chủng trí.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là không, sao lại nói Bồtát học tất cả pháp. Phải chăng Đức Thế Tôn đối với không hý luận mà làm hý luận ư, đó là cái này, cái kia, là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian, là hữu lậu, là vô lậu, là hữu vi, là vô vi, là pháp phàm phu, là pháp A-la-hán, là pháp Bích-chi-phật, là pháp Phật.

–Đúng như vậy, này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp thật rỗng không! Này Tu-bồ-đề, nếu tất cả các pháp chẳng rỗng không thì Đại Bồ-tát chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Nay vì tất cả pháp thật rỗng không nên Đại Bồtát có thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, nếu tất cả pháp rỗng không,

phải chăng Đức Phật đối với không hý luận mà làm hý luận, đó là phân biệt đây kia, là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian cho đến là Phật pháp.

Này Tu-bồ-đề! Nếu chúng sinh ở thế gian biết tất cả pháp là không thì Đại Bồ-tát chẳng học tất cả pháp để được Nhất thiết chủng trí.

Nay vì chúng sinh chẳng biết tất cả pháp không nên Đại Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi phân biệt các pháp, giảng nói cho chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Đối với đạo Bồ-tát này, từ lúc đầu đến nay phải suy nghĩ như vầy: Trong tất cả pháp không có tánh nhất định, chỉ từ nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, nên được gọi là các pháp, tôi phải suy nghĩ các pháp không có thật tánh, không thể chấp lấy, hoặc là sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy pháp Trợ đạo, hoặc là quả Tu-đàhoàn, cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi-phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả pháp, tất cả pháp tánh là rỗng không, không chẳng chấp lấy không, không còn chẳng thật có, huống chi là đối với không mà chấp lấy.

Này Tu-bồ-đề! Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát chẳng chấp lấy tất cả pháp mà học tất cả pháp.

Bồ-tát trụ trong sự học ấy, quán sát tâm hoạt động của chúng sinh: tâm chúng sinh này hoạt động ở chỗ nào?

Bồ-tát biết tâm chúng sinh hoạt động trong luống dối chẳng thật, nên nghĩ rằng chúng sinh ấy chấp lấy pháp luống dối chẳng thật, rất dễ cứu độ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát trụ trong Bát-nhã ba-la-mật, dùng năng lực phương tiện nên giáo hóa chúng sinh: Này các vị, nên thực hành bố thí sẽ được nhiều của cải, cũng chẳng nên cậy quả báo bố thí mà tự cống cao. Vì sao? Vì trong ấy không có pháp chắc thật.

Giáo hóa họ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng giống như vậy. Chúng sinh thực hành pháp ấy sẽ được quả Tuđà-hoàn, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng chớ nghĩ là có pháp ấy.

Giáo hóa như vậy thì gọi là hành đạo Bồ-tát, vì đối với các pháp có không chỗ chấp lấy, vì các pháp ấy không chắc thật. Vì sao? Vì tất cả pháp không có tướng chấp lấy, bởi là tánh không có, là tánh rỗng không.

Này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành đạo Bồ-tát như vậy, Đại Bồ-tát không có chỗ trụ.

Bồ-tát ấy vì pháp chẳng trụ, nên thực hành Bố thí ba-lamật, cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành Trì giới ba-la-mật cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành Tinh tấn ba-la-mật cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành Thiền định ba-la-mật cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành Bát-nhã bala-mật cũng chẳng trụ trong ấy, thực hành bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, tám Bội xả, chín Định thứ đệ cũng chẳng trụ trong ấy. Vì sao? Vì Thiền thứ nhất, Thiền thứ nhất tánh là rỗng không, người hành thiền… cũng rỗng không, pháp được dùng cũng rỗng không. Được quả Tu-đà-hoàn, cho đến được đạo Bích-chi-phật cũng chẳng trụ trong ấy.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao chẳng trụ trong ấy?

–Này Tu-bồ-đề! Do hai nhân duyên mà chẳng trụ trong ấy:

1. Các đạo quả tánh rỗng không, không có chỗ trụ, cũng không có pháp được dùng, cũng không có người trụ.

2. Chẳng lấy chút ít làm đủ. Bồ-tát nghĩ rằng: “Ta chẳng nên chẳng được quả Tu-đà-hoàn, ta chắc chắn sẽ được quả Tu-đà-hoàn, chẳng nên trụ trong quả ấy cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng nên an trụ trong ấy.” Vì sao? Vì từ lúc mới phát tâm trở đi, ta không còn có tâm nào khác, chỉ nhất tâm hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát ấy trụ trong nhất tâm như vậy có công năng sinh ra đạo giác ngộ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp bất sinh thì làm sao Đại Bồ-tát sinh ra đạo Bồ-đề?

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp không sinh! Vì sao không sinh? Vì không có chỗ làm, không có chỗ khởi nên tất cả pháp bất sinh.

–Bạch Đức Thế Tôn! Có Phật hay không có Phật, pháp tướng của các pháp vẫn thường trụ ư?

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Có Phật hay không có Phật, pháp tướng của các pháp vẫn thường trụ.

Bởi chúng sinh chẳng biết pháp ấy trụ vào pháp tướng, nên Đại Bồ-tát vì chúng sinh mà sinh ra đạo Bồ-đề. Bồ-tát dùng đạo ấy cứu giúp chúng sinh ra khỏi sinh tử.

–Bạch Đức Thế Tôn! Dùng đạo sinh có được Bồ-đề chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Dùng đạo không sinh có được Bồ-đề chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Dùng đạo không sinh, chẳng phải không sinh có được Bồ-đề chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Làm sao mới được Bồ-đề?

–Này Tu-bồ-đề! Chẳng phải dùng đạo mà được Bồ-đề, cũng chẳng phải dùng phi đạo mà được Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-đề tức là đạo, đạo tức là Bồ-đề.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ-đề tức là đạo và đạo tức là Bồđề, thì lúc này Bồ-tát chưa thành Phật lẽ ra đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sao lại nói chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, có ba mươi hải tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười Trí lực, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi?

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Đức Phật có được Bồđề chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật không có được Bồ-đề. Vì sao? Vì Phật tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là Phật.

–Này Tu-bồ-đề! Như lời hỏi của Tu-bồ-đề, lúc làm Bồtát lẽ ra cũng được Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát ấy đầy đủ sáu pháp Ba-lamật, ba mươi bảy pháp Trợ đạo, đầy đủ mười Trí lực, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, trụ trong Tammuội như kim cang, dùng một niệm tương ưng với tuệ được Vô thượng Chánh đẳng

Chánh giác, bấy giờ gọi là Phật, đối với tất cả pháp được tự tại.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát làm thanh tịnh cõi nước Phật?

–Này Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát từ lúc mới phát tâm trở đi tự trừ nghiệp thô nơi thân, trừ nghiệp thô nơi miệng, trừ nghiệp thô nơi ý, cũng làm sạch ba nghiệp thô của người khác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là nghiệp thô của thân, nghiệp thô của miệng, nghiệp thô của ý?

–Này Tu-bồ-đề! Những nghiệp bất thiện như sát sinh cho đến tà kiến gọi là ba nghiệp thô của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tâm tham lam, tâm phá giới, tâm giận hờn, tâm biếng nhác, tâm tán loạn, tâm ngu si gọi là ý nghiệp thô của Bồ-tát.

Giới chẳng thanh tịnh gọi là nghiệp thô của thân, khẩu, ý.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát xa lìa hạnh bốn Niệm xứ thì gọi là nghiệp thô của Bồ-tát, xa lìa bốn Chánh cần cho đến tám phần Thánh đạo, tám môn giải thoát cũng gọi là nghiệp thô của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát tham quả Tu-đàhoàn cho đến tham quả A-la-hán, đạo Bích-chi-phật thì gọi là nghiệp thô của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có tướng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, có tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tướng năm, tướng nữ, có tướng cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, có tướng pháp lành, pháp chẳng lành, hữu vi, vô vi thì gọi là nghiệp thô của Bồtát.

Đại Bồ-tát đều xa lìa các tướng nghiệp thô như vậy, tự mình bố thí, cũng dạy người khác bố thí: cần thức ăn cho thức ăn, cần y phục cho y phục, cho đến cần các thứ vật dụng trong cuộc sống đều cấp cho tất cả. Cũng dạy người khác thực hành bố thí như vậy. Đem phước đức ấy cùng với tất cả chúng sinh hồi hướng làm thanh tịnh cõi nước Phật.

Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng giống như vậy.

Đại Bồ-tát ấy hoặc đem châu báu đầy cả cõi đại thiên cúng dường Tam bảo, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này khiến cho cõi nước ta đều được làm bằng bảy báu.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đem âm nhạc cõi trời trỗi trước Phật và tháp Phật, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này làm cho ở cõi nước ta thường nghe nhạc trời.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đem hương trời đầy đủ cả cõi đại thiên cúng dường các Đức Phật và tháp Phật, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này làm cho cõi nước ta thường có hương trời.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát dùng trăm thức uống ăn cúng dường Phật và Tăng, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này làm cho chúng sinh trong cõi nước ta đều được trăm thức uống ăn.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát dùng hương trời cúng dường Phật và Tăng, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này làm cho chúng sinh trong cõi nước ta, tất cả đều thọ hương trời.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tùy ý dùng năm dục cúng dường Phật và tăng cùng tất cả chúng sinh, phát nguyện rằng do nhân duyên căn lành này làm cho trong cõi nước tôi, hàng đệ tử và tất cả chúng sinh đều được năm dục tùy ý, cùng tất cả chúng sinh đồng hồi hướng, thanh tịnh cõi nước Phật, nguyện rằng lúc ta thành Phật, trong cõi nước tôi có năm dục như cõi trời ứng theo tâm hiện đến.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát nguyện rằng ta sẽ tự mình nhập Thiền thứ nhất, cũng dạy cho chúng sinh nhập Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cũng giống như vậy.

Đại Bồ-tát ấy cũng nguyện: Lúc ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta sẽ làm cho chúng sinh chẳng xa lìa bốn Thiền cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát này có thể thanh tịnh cõi nước Phật.

Bồ-tát ấy với ngần ấy thời gian thực hành đạo Bồ-tát, đầy đủ các nguyện.

Bồ-tát ấy tự thành tựu tất cả pháp lành, cũng làm cho tất cả chúng sinh thành tựu pháp lành.

Bồ-tát ấy tự thọ thân hình xinh đẹp, các chúng sinh được hóa độ cũng xinh đẹp. Vì sao? Vì nhân duyên phước đức sâu dày.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên thanh tịnh cõi nước Phật như vậy.

Trong cõi nước ấy cho đến không có danh từ ba đường ác, cũng không có danh từ tà kiến, ba độc, hai thừa Thanh văn và Bích-chiphật. Tai chẳng nghe tiếng vô thường khổ không, cũng không có ngã và ngã sở, cho đến không có tên gọi các kết sử phiền não, cũng không có tên các quả khác nhau.

Trong cõi nước ấy, gió thổi cây bảy báu, tùy theo chỗ đáng được độ mà vang ra âm thanh, như là âm thanh vô tướng, vô tác, thật tướng các pháp, có Phật hay không có Phật, tất cả pháp, tất cả pháp tướng đều không, trong rỗng không ấy không có tướng, trong không có tướng thì không có tác, phát ra pháp âm như vậy. Hoặc ngày hoặc đêm, hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, thường nghe pháp âm ấy.

Lúc Bồ-tát ấy được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các Đức Phật trong các cõi nước ở mười phương đều khen ngợi. Chúng sinh nghe danh hiệu các Đức Phật ấy chắc chắn sẽ đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc Bồ-tát ấy được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi nói pháp. Chúng sinh nghe pháp, không ai chẳng tin mà sinh nghi nói rằng: đúng pháp, chẳng đúng pháp. Vì sao? Vì đối với thật tướng các pháp đều đúng pháp, không có chẳng đúng pháp.

Có những người phước mỏng, chẳng gieo căn lành đối với các Đức Phật và các đệ tử Phật, chẳng theo Thiện tri thức, chìm trong ngã kiến, cho đến chìm trong tất cả kiến chấp, rơi vào biên kiến, hoặc đoạn hoặc thường. Kẻ ấy vì tà kiến nên chẳng phải Phật nói cho là Phật, nói là Phật nói lại cho là chẳng phải Phật nói. Kẻ ấy đối với phi pháp nói là pháp, pháp lại nói là phi pháp. Vì phá pháp nên kẻ ấy khi thân hoại, chết đi phải đọa vào đường ác như địa ngục…

Lúc các Đức Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thấy các chúng sinh ấy luân hồi trong năm loài, nên làm cho họ rời khỏi nhóm tà, an lập họ trong nhóm chánh định. Chúng sinh ấy không còn tâm tạp uế, hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi cho đến làm cho chúng sinh trong cõi nước ấy, chắc chắn đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Đây là Đại Bồ-tát lành thanh tịnh cõi nước Phật.