SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 24

Phẩm 78: BỐN NHIẾP

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp như mộng, như tiếng vang, như bóng, như sóng nắng, như huyễn, như hóa, không có thật, không có tánh, tự tướng rỗng không thì làm sao phân biệt là pháp lành, pháp chẳng lành, pháp thế gian, pháp xuất thế, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp làm cho được quả Tuđà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả Ana-hàm, quả A-la-hán, pháp làm cho được đạo Bích-chi-phật, là pháp làm cho được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đối với kẻ phàm, người ngu thì có mộng, có người nằm mộng, cho đến có hóa, có người thấy hóa. Do đó, họ phát khởi thân, khẩu, ý gây nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, nghiệp vô ký, nghiệp phước, nghiệp tội, nghiệp bất động.

Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trụ trong hai thứ không: rốt ráo không và vô thỉ không, vì chúng sinh mà nói pháp:

–Này các chúng sinh! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức rỗng không, không có thật, mười hai nhập, mười tám giới rỗng không, chẳng có thật.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mười hai nhập, mười tám giới là mộng, là tiếng vang, là bóng, là sóng nắng, là huyễn, là hóa.

Trong đó không có năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, không có mộng, cũng không có người nằm mộng, không có tiếng vang, cũng không có người nghe tiếng vang, không có bóng, cũng không có người thấy bóng, không có sóng nắng,

cũng không có người thấy sóng nắng, không có huyễn, cũng không có người thấy huyễn, không có hóa cũng không có người thấy hóa.

Tất cả pháp không có căn bản, tánh không thật có.

Con người đối với không có ấm lại thấy có ấm, không có nhập lại thấy có nhập, không có giới lại thấy có giới.

Tất cả pháp ấy đều từ nhân duyên hòa hợp mà sinh, do tâm điên đảo mà khởi, thuộc về nghiệp quả báo.

Vì sao các người đối với các pháp rỗng không, không có căn bản mà lại chấp lấy tướng căn bản?

Bấy giờ Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng năng lực phương tiện đối với pháp xan tham mà cứu thoát chúng sinh ra, dạy họ thực hành Bố thí ba-la-mật, giữ gìn công đức bố thí này được phước báo lớn. Từ phước báo lớn cứu thoát ra, dạy họ trì giới, nương công đức trì giới, được sinh chỗ tôn quý trên cõi trời. Rồi lại cứu thoát ra, dạy họ trụ vào Thiền thứ nhất, do công đức Thiền thứ nhất, sinh lên cõi trời Phạm thiên, cho đến dạy họ Trụ vào Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ cũng giống như vậy.

Đối với chúng sinh thực hành bố thí ấy và quả báo bố thí, trì giới và quả báo trì giới, thiền định và quả báo thiền định, Bồ-tát từ nơi đó mà cứu thoát họ, đặt họ vào Niếtbàn Vô dư, và trong đạo Niết-bàn đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, ba môn Giải thoát không, vô tướng, vô tác, tám Bội xả, chín Định thứ đệ, mười Trí lực, bốn Vô úy, bốn Vô ngại trí, mười tám pháp Bất cộng.

Bồ-tát làm an ổn chúng sinh, cho họ an trụ trong pháp vô lậu của bậc Thánh, không sắc, không hình, không đối.

Ai có khả năng được quả Tu-đà-hoàn, thì Bồ-tát an ổn giáo hóa họ, giúp cho họ trụ quả Tu-đà-hoàn.

Ai có khả năng được quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-lahán, đạo Bích-chi-phật thì Bồ-tát an ổn giáo hóa, giúp cho họ trụ vào quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi-phật.

Ai có khả năng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì

Bồ-tát an ổn giáo hóa, giúp cho họ trụ vào Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát rất là hy hữu khó sánh bằng. Các ngài có khả năng thực hành Bát-nhã ba-lamật sâu xa này. Các pháp không có tánh là rốt ráo không, vô thỉ không, mà các ngài phân biệt các pháp là thiện, là bất thiện, là hữu lậu, là vô lậu, cho đến là hữu vi, là vô vi.

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát rất là hy hữu, khó sánh bằng, thực hành được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này. Các pháp không có tánh, rốt ráo không, vô thỉ không, mà các ngài phân biệt các pháp.

Này Tu-bồ-đề! Nếu các ông biết pháp của Đại Bồ-tát này rất hy hữu, khó sánh bằng, thì biết rằng tất cả hàng Thanh văn, Bíchchi-phật chẳng thể có được, huống chi là người khác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là pháp là hy hữu, khó sánh bằng của Đại Bồ-tát mà tất cả hàng Thanh văn, Bíchchi-phật không thể có được?

–Này Tu-bồ-đề! Hãy nhất tâm lắng nghe. Có Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trụ trong sáu pháp Ba-la-mật quả báo đắc, và trụ trong năm thần thông do quả báo đắc, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, các Đà-la-ni, các trí vô ngại, đi đến các cõi nước ở mười phương, có ai nên độ bằng bố thí thì dùng bố thí giúp đỡ họ, có ai nên độ bằng trì giới thì dùng trì giới giúp đỡ họ, có ai nên độ bằng nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì dùng nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để giúp đỡ họ. Có ai nên độ bằng Thiền thứ nhất thì dùng Thiền thứ nhất để giúp đỡ họ. Có ai nên độ bằng Thiền thứ hai, Thiền thứ ba cho đến Phi phi tưởng xứ thì theo chỗ thích ứng mà giúp đỡ họ. Có ai nên độ bằng Từ, Bi, Hỷ, Xả thì dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả để giúp đỡ họ. Có ai nên độ bằng bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô tác thì theo chỗ thích ứng để giúp đỡ họ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát dùng bố thí lợi ích chúng sinh như thế nào?

–Này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Bồtát bố thí tùy theo chúng sinh cần dùng thứ gì mà cung cấp tất cả thứ ấy cho họ, như là thức ăn, thức uống, y phục, xe ngựa, hương hoa, anh lạc… đồng như cúng dường các Đức Phật hay Bíchchi-phật, A-la-hán, Ana-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn không khác. Hoặc bố thí cho người đã nhập chánh đạo, người phàm, dưới đến chim thú đều không phân biệt khác nhau, bố thí bình đẳng.

Vì sao? Vì tất cả pháp chẳng khác, chẳng phân biệt nên Bồ-tát này không khác, không phân biệt.

Bố thí như vậy thì sẽ được quả báo của pháp không phân biệt, đó là Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát thấy kẻ ăn xin mà nghĩ: Phật là ruộng phước, ta nên cúng dường, chim thú chẳng phải ruộng phước, ta chẳng nên bố thí thì chẳng phải là pháp của Bồ-tát.

Vì sao? Đại Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chẳng nghĩ: “Chúng sinh này nên bố thí vì được lợi ích, chúng sinh kia chẳng nên bố thí, vì bố thí chúng sinh này được sinh dòng lớn Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Cư sĩ, cho đến vì bố thí nên dùng pháp ba thừa độ họ vào Niết-bàn Vô dư.”

Nếu có chúng sinh đến xin, Bồ-tát chẳng sinh tâm phân biệt khác nhau, nên cho người này, không nên cho người kia.

Vì sao? Bồ-tát vì các chúng sinh này mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu còn phân biệt chọn lựa thì rơi vào chỗ quở trách của các Đức Phật, Bồ-tát, Bích-chiphật, Thanh văn và tất cả trời, người, thế gian.

Ai thỉnh ông cứu độ tất cả chúng sinh! Ông là nhà của tất cả chúng sinh, là chỗ cứu giúp tất cả chúng sinh, là chỗ nương tựa của tất cả chúng sinh mà lại phân biệt, lựa chọn nên cho, không nên cho.

Lại nữa, lúc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hoặc có người hay chẳng phải người đến muốn cầu xin thân thể, tay chân của Bồ-tát, bấy giờ Bồ-tát không nên sinh hai ý nghĩ: “Nên cho, không nên cho.”

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát vì chúng sinh mà thọ thân, nay chúng sinh đến lấy sao lại không cho. Bồ-tát phải nghĩ rằng ta vì lợi ích chúng sinh mà thọ thân này, chúng sinh không xin còn phải cho họ, huống chi họ xin mà lại không cho!

Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải học như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu thấy có người đến xin, Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng: Trong đây, ai cho, ai nhận, gì là vật cho? Tất cả pháp ấy đều không có tự tánh, vì là rốt ráo không. Pháp không tướng thì không có cho, không có nhận. Vì sao? Vì là rốt ráo không, là nội không, là ngoại không, là nội ngoại không, là đại không, là đệ nhất nghĩa không, là tự tướng không. Trụ trong các thứ không ấy mà bố thí thì đầy đủ Bố thí ba-la-mật. Vì đầy đủ Bố thí ba-la-mật nên nếu bị đâm chém, hay bị cướp giựt tài vật, Bồ-tát này liền nghĩ rằng: “Chém chặt ta là ai? Cướp giựt của ta là ai?”

Này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật thấy phương Đông có hằng sa Đại Bồ-tát, vào đại địa ngục làm cho tắt lửa, nước sôi lạnh, dùng ba việc để giáo hóa: một là thần thông, hai là biết tâm niệm kẻ khác, ba là nói pháp.

Bồ-tát này dùng năng lực thần thông làm cho trong đại địa ngục tắt lửa, nước sôi lạnh, biết tâm niệm kẻ khác, dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả tùy ý nói pháp. Các chúng sinh ấy đối với Bồtát sinh tâm thanh tịnh, thoát khỏi địa ngục rồi lần lần do pháp Ba thừa mà được hết khổ sinh tử.

Như phương Đông, ở chín phương kia cũng như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật quan sát trong hằng sa cõi nước ở mười phương, thấy các Bồ-tát hầu hạ các Đức Phật, cung cấp đồ cần dùng, kính mến các Đức Phật. Nếu các Đức Phật có dạy bảo thì các Bồ-tát ấy đều thọ trì tất cả cho đến lúc thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng bao giờ quên sót.

Này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật quan sát hằng sa cõi nước khắp mười phương, thấy các Bồ-tát vì súc sinh mà xả thân phân tán các nơi, Súc sinh nào ăn thịt Đại Bồ-tát ấy đều sinh tâm kính mến. Do có tâm kính mến Bồ-tát nên thoát khỏ loài súc sinh, được gặp các Đức Phật, nghe pháp tu hành, do ba thừa Thanh văn, Bích-chi-phật và Phật pháp mà nhập Niết-bàn Vô dư.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát làm lợi ích chúng sinh rất nhiều, giáo hóa chúng sinh khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đúng pháp tu hành cho đến nhập Niết-bàn Vô dư.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật thấy các Đại Bồ-tát trong hằng sa cõi nước khắp mười phương trừ diệt các khổ đói khát của ngạ quỷ. Các ngạ quỷ này đều kính mến Bồ-tát. Do sự kính mến Bồ-tát này mà được thoát lìa ngạ quỷ, gặp Phật nghe pháp, tu hành đúng pháp, lần lần do ba thừa Thanh văn, Bích-chiphật, Phật thừa mà nhập Niếtbàn Vô dư.

Đại Bồ-tát vì độ chúng sinh mà thực hành đại Bi như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật thấy các Đại Bồ-tát ở trên tầng trời Tứ Thiên vương nói pháp. Cũng nói pháp tại cõi trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa. Các vị trời nghe Bồ-tát nói pháp, lần lần do ba thừa mà được diệt độ.

Này Tu-bồ-đề! Trong các vị trời này, nếu có ai say mê năm dục, Bồ-tát hiện lửa đốt cháy cung điện họ rồi nói pháp cho họ nghe: Này các vị trời, tất cả pháp hữu vi đều vô thường, đâu có an ổn.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật thấy các Phạm thiên trong hằng sa cõi nước ở tcác thế giới mười phương chấp lấy tà kiến. Các Bồ-tát dạy họ xa lìa tà kiến mà bảo: Sao các vị đối với các pháp luống dối vô tướng mà lại sinh tà kiến!

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát an trụ tâm đại Từ vì chúng sinh mà nói pháp.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp hy hữu khó sánh bằng của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai dùng mắt Phật thấy các Đại Bồ-tát trong hằng sa cõi nước ở các thế giới mười phương dùng bốn việc để giúp đỡ chúng sinh. Đó là Bố thí, Ái ngữ, Lợi ích, Đồng sự.

Thế nào là Bồ-tát dùng bố thí để giúp đỡ chúng sinh? Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát dùng hai thứ bố thí để cứu giúp chúng sinh. Đó là tài thí và pháp thí.

Thế nào là tài thí cứu giúp chúng sinh?

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát dùng các thứ vật báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, kha bối, san hô…, hoặc đem đồ uống ăn, y phục, mền gối, phòng xá, đèn đuốc, hoa hương, anh lạc, hoặc con trai, con gái, hoặc bò, dê, voi, ngựa, xe cộ, hoặc đem thân mình mà cung cấp cho chúng sinh. Bồ-tát bảo chúng sinh: Các ngươi nếu có cần dùng gì thì đến lấy như đến lấy vật của mình, chớ có nghi ngại. Bố thí xong, Bồ-tát này dạy cho họ pháp ba quy y: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Hoặc dạy cho họ thọ năm giới, thọ tám trai giới, hoặc dạy Thiền thứ nhất, cho đến địn Phi tưởng phi phi tưởng, hoặc dạy Từ, Bi, Hỷ, Xả, hoặc dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Xả, niệm Thiên, hoặc dạy quán bất tịnh, quán hơi thở ra vào, hoặc tướng, hoặc xúc, hoặc dạy bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tammuội Vô tác, tám Bội xả, chín Định thứ đệ, mười Lực, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hoặc dạy quả Tuđà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm, A-la-hán, đạo Bích-chi-phật, hoặc dạy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát dùng năng lực phương tiện giáo hóa chúng sinh: tài thí xong lại dạy cho họ được Niết-bàn an ổn vô thượng. Đó gọi là pháp hy hữu khó sánh kịp của Đại Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát dùng pháp thí cứu giúp chúng sinh?

Này Tu-bồ-đề! Pháp thí có hai thứ: một là thế gian, hai là xuất thế gian.

Thế nào là pháp thí thế gian?

Trình bày dạy rõ pháp thế gian như quán bất tịnh, quán hơi thở ra vào, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc. Các pháp thế gian như vậy và pháp thực hành của phàm phu, thì gọi là pháp thí thế gian.

Bồ-tát này bằng pháp thí thế gian như vậy, dùng nhiều cách giáo hóa cho họ xa lìa pháp thế gian. Xa lìa pháp thế gian rồi, Bồ-tát dùng năng lực phương tiện làm cho họ được pháp vô lậu của bậc Thánh và quả vô lậu của bậc Thánh.

Thế nào là pháp vô lậu của bậc Thánh?

Thế nào là quả vô lậu của bậc Thánh?

Pháp vô lậu của bậc Thánh là ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và ba môn Giải thoát.

Quả vô lậu của bậc Thánh là quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả Ala-hán, đạo Bích-chi-phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Pháp Thánh vô lậu của Đại Bồtát còn có trí tuệ trong quả Tu-đà-hoàn cho đến trí tuệ trong quả A-lahán, trí tuệ trong đạo Bích-chi-phật, trí tuệ trong ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, trí tuệ trong sáu pháp Ba-la-mật, cho đến trí tuệ trong đại Từ, đại Bi.

Tất cả pháp như vậy, hoặc pháp thế gian, xuất thế gian, trí tuệ, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi, Nhất thiết chủng trí trong pháp ấy thì gọi là pháp Thánh vô lậu của Đại Bồ-tát.

Thế nào là quả Thánh vô lậu?

Dứt tất cả hạt giống tập khí phiền não thì gọi quả Thánh vô lậu.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát có được Nhất thiết chủng trí hay chăng?

–Này Tu-bồ-đề, đúng vậy! Đại Bồ-tát được Nhất thiết chủng trí.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát và Phật có gì khác nhau?

–Này Tu-bồ-đề, có khác! Đại Bồ-tát được Nhất thiết chủng trí thì gọi là Phật.

Vì sao? Vì tâm Bồ-tát và tâm Phật không khác nhau.

Bồ-tát trụ trong Nhất thiết chủng trí, đối với tất cả pháp không pháp nào chẳng soi sáng.

Đây gọi là pháp thí thế gian của Đại Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nhờ pháp thí thế gian mà được pháp thí xuất thế gian.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát giáo hóa chúng sinh cho họ được pháp thế gian, dùng năng lực phương tiện dạy cho họ được pháp xuất thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là pháp xuất thế gian của Bồtát? Các pháp chẳng đồng với pháp phàm phu. Đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, ba môn Giải thoát, tám Bội xả, chín Định thứ đệ, mười Lực, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, năm trăm môn Đà-la-ni, đó gọi là pháp xuất thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là bốn Niệm xứ?

Đại Bồ-tát quán nội thân theo thân mà quán sát, quán ngoại thân, theo thân mà quán sát, siêng năng tinh tấn, dùng nhất tâm trí tuệ quán, quán tập nhân của thân do nhân duyên sinh, quán thân diệt, quán hành sinh diệt của thân tập, đạo này không chỗ nương tựa, đối với thế gian không thọ nhận. Đó là thân niệm xứ.

Thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ cũng giống như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là bốn Chánh cần?

  1. Các pháp ác bất thiện chưa sinh, vì chẳng để cho sinh nên siêng năng tinh tấn.
  2. Các pháp ác bất thiện đã sinh, vì dứt trừ nên siêng năng tinh tấn.
  3. Các pháp lành chưa sinh, vì làm cho sinh khởi nên siêng năng tinh tấn.
  4. Các pháp lành đã sinh, vì làm cho thêm lớn đầy đủ nên siêng năng tinh tấn. Đó gọi bốn Chánh cần.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là bốn Như ý túc?

  1. Tam-muội nguyện muốn quyết định thực hành cho thành tựu.
  2. Tam-muội tinh tấn quyết định thực hành cho thành tựu.
  3. Tam-muội nhất tâm quyết định thực hành cho thành tựu.
  4. Tam-muội tư duy quyết định thực hành cho thành tựu. Đó gọi là bốn Như ý túc.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là năm Căn? Đó là Tín căn, Tinh tấn

căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là năm Lực? Đó là Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực.

Thế nào là bảy Giác phần? Đó là Giác phần niệm, Giác phần trạch pháp, Giác phần tinh tấn, Giác phần hỷ, Giác phần khinh an, Giác phần định và Giác phần xả.

Thế nào là tám phần Thánh đạo? Đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Thế nào là ba Tam-muội? Đó là môn Tam-muội không, môn Tam-muội vô tướng, môn Tam-muội vô tác.

Thế nào là Tam-muội không? Dùng tu hành không và tu hành vô ngã để nhiếp tâm, gọi là Tam-muội không.

Thế nào là Tam-muội vô tướng? Dùng tu hành Tam-muội và tu hành xa lìa để giữ tâm gọi là Tam-muội vô tướng.

Thế nào là Tam-muội vô tác? Dùng tu hành vô thường và tu hành về khổ để nhiếp tâm, gọi là Tam-muội vô tác. Thế nào là tám Bội xả?

Trong không tướng sắc, ngoài quán sắc là bội xả thứ nhất. Trong có tướng sắc, ngoài quán sắc là bội xả thứ hai. Tịnh bội xả là bội xả thứ ba. Qua khỏi tất cả tướng sắc, diệt tướng có đối ngại, vì chẳng nghĩ đến tất cả tướng khác nhau mà quán hư không vô biên, thể nhập vô biên hư không xứ, là bội xả thứ tư. Cho đến vượt qua Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ, thể nhập bội xả diệt thọ tưởng, là bội xả thứ tám.

Thế nào là chín Định thứ đệ?

Hành giả xa lìa pháp ái dục, ác bất thiện, có giác, có quán, lìa dục, sinh hỷ lạc, nhập Thiền thứ nhất, cho đến vượt qua Phi phi tưởng xứ, nhập định diệt thọ tưởng, gọi là chín Định thứ đệ.

Thế nào là mười Trí lực của Phật?

  1. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật về chỗ đúng, chỗ sai.
  2. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật về các nghiệp, các tuổi thọ, biết chỗ tạo nghiệp, biết nhân duyên, biết quả báo suốt thuở quá khứ, hiện tại và vị lai của chúng sinh.
  3. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật tất cả thiền định, giải thoát Tam-muội.
  4. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật về căn tánh thượng, trung, hạ của tất cả chúng sinh.
  5. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật các tri kiến hiểu biết và chỗ ưa thích của tất cả chúng sinh.
  6. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật những cảnh giới sai khác của tất cả chúng sinh.
  7. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật chỗ đến được của tất cả đạo hạnh.
  8. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật đời trước của tất cả chúng sinh từ một kiếp đến vô lượng kiếp.
  9. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật, dùng Thiên nhãn thấy chúng sinh sinh về đường lành, đường dữ, cho đến nhập Niết-bàn.
  10. Năng lực trí tuệ biết đúng như thật về tâm vô lậu giải thoát.

Đây là mười Trí lực của Phật.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Thế nào là bốn Vô sở úy?

Phật dạy:

–Ta là Bậc Nhất Thiết Chánh Trí. Nếu có Sa-môn hay Bàlamôn, hoặc các Thiên, Ma vương, Phạm vương, hoặc hội chúng khác bảo rằng ta chẳng biết pháp ấy. Ta cũng chẳng thấy dù cho chút tướng sợ sệt. Vì thế nên ta được an ổn, được không chỗ sợ, trụ trong chỗ của bậc Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống như sư tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, mà tất cả chúng khác, hoặc Sa-môn hay Bà-la-môn, các Thiên, Ma, Phạm chẳng chuyển được. Đây là vô úy thứ nhất. Phật nói:

–Nơi ta tất cả tập khí, lậu hoặc đã hết sạch. Nếu có Samôn hay Bà-la-môn, hoặc các vị trời hay Ma vương, Phạm vương, hoặc các hội chúng khác nói rằng: Ta chẳng hết tập lậu, ta cũng chẳng thấy dù cho có chút tướng sợ sệt. Vì thế nên ta được an ổn, được không sợ sệt, trụ trong chỗ của bậc Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống như sư tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, mà các Sa-môn hay Bà-la-môn hoặc các Thiên, Ma vương, Phạm vương hoặc các chúng sinh khác chẳng chuyển được. Đây là vô úy thứ hai. Đức Phật nói:

–Ta nói đây là pháp chướng đạo. Nếu có Sa-môn hay Bàlamôn, hoặc các vị trời hay Ma vương, Phạm vương, hoặc các hội chúng khác nói rằng: thọ pháp ấy chẳng chướng đạo, ta cũng chẳng thấy dù cho có chút tướng sợ sệt. Vì thế nên ta được an ổn, được không sợ sệt, trụ trong chỗ của bậc Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống như sư tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, mà các Sa-môn, hay Bà-la-môn hoặc các vị trời, Ma vương, hoặc những chúng khác chẳng thể chuyển được. Đây là vô úy thứ ba.

Phật nói:

–Thánh đạo của ta nói có công năng ra khỏi thế gian, thực hành theo đây thì sẽ hết khổ. Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn, hoặc các vị trời, hay Ma vương, Phạm vương, hoặc các chúng khác lại nói hành đạo ấy chẳng thể ra khỏi thế gian, chẳng thể hết khổ. Ta cũng chẳng thấy dù cho có chút tướng sợ sệt. Vì thế nên ta được an ổn, được không sợ sệt, trụ trong chỗ của bậc Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống như sư tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, mà các Sa-môn Bà-la-môn, hoặc các vị trời, Ma vương, Phạm vương, hoặc các chúng khác chẳng thể chuyển được. Đây là vô úy thứ tư vậy.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là bốn Trí vô ngại?

  1. Trí vô ngại về nghĩa.
  2. Trí vô ngại về pháp.
  3. Trí vô ngại về từ.
  4. Trí vô ngại về giảng nói.

Trí tuệ duyên vào nghĩa là vô ngại về nghĩa.

Trí tuệ duyên vào pháp là vô ngại về pháp.

Trí tuệ duyên vào ngôn từ là vô ngại về ngôn từ.

Trí tuệ duyên vào giảng nói thông suốt là vô ngại về giảng nói.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là mười tám pháp Bất cộng?

Ở các Đức Phật có:

  1. Thân không lỗi.
  2. Miệng không lỗi.
  3. Niệm không lỗi.
  4. Không có tư tưởng xen tạp.
  5. Không có tâm chẳng định.
  6. Không có việc chẳng biết mà bỏ.
  7. Nguyện dục không bớt.
  8. Tinh tấn không bớt.
  9. Niệm không bớt.
  10. Tuệ không bớt.
  11. Giải thoát không bớt.
  12. Giải thoát tri kiến không giảm.
  13. Tất cả thân nghiệp hành động theo trí tuệ.
  14. Tất cả khẩu nghiệp hành động theo trí tuệ.
  15. Tất cả ý nghiệp hành động theo trí tuệ.
  16. Trí tuệ biết đời quá khứ vô ngại.
  17. Trí tuệ biết đời vị lai vô ngại.
  18. Trí tuệ biết đời hiện tại vô ngại.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là ba mươi hai tướng tốt?

  1. Lòng bàn chân bằng phẳng.
  2. Lòng bàn chân có hình bánh xe ngàn căm.
  3. Ngón tay và ngón chân dài hơn người khác.
  4. Tay và chân mềm mại hơn chỗ khác trên thân.
  5. Gót chân no tròn.
  6. Các ngón tay, ngón chân có màng lưới mỏng trong suốt liền nhau, đẹp hơn người khác.
  7. Mu bàn chân cao bằng, tương xứng với gót chân.
  8. Bắp chân thon đẹp như bắp chân của nai đầu đàn.
  9. Đứng thẳng hai tay dài quá đến gối.
  10. Tướng âm tàng ẩn kín như ngựa đầu đàn, voi đầu đàn.
  11. Thân ngang rộng như cội cây Ni-câu-lô.
  12. Mỗi lỗ chân lông mọc một sợi lông màu xanh dịu mềm xoắn về phía phải.
  13. Lông hướng lên màu xanh dịu mềm mà xoắn về phía phải.
  14. Thân màu vàng rồng, màu đẹp hơn vàng Diêmphù-đàn.
  15. Ánh sáng từ thân chiếu xa một trượng.
  16. Da mỏng mịn trơn chẳng dính bụi, ruồi muỗi chẳng đậu được.
  17. Bảy chỗ trên thân no đầy: hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, hai vai và cổ.
  18. Dưới hai nách no đầy.
  19. Phần thân trên như sư tử.
  20. Thân hình ngay thẳng.
  21. Vai tròn đẹp.
  22. Có bốn mươi chiếc răng.
  23. Răng trắng bằng khít và chân rất sâu.
  24. Bốn răng nanh rất trắng và lớn.
  25. Hai má vuông bầu như má sư tử.
  26. Trong cổ họng có hai chỗ rịn nước tân dịch, vị ngọt ngon trên các vị ngọt ngon.
  27. Lưỡi lớn mỏng mềm le ra có thể che trùm đến mí tóc và tai.
  28. Âm thanh trong trẻo vang xa như tiếng chim ca-lăngtầngià.
  29. Màu mắt sáng như vàng ròng.
  30. Lông nheo như lông nheo của trâu đầu đàn.
  31. Giữa hai đầu chân mày có sợi lông trắng mềm mại như bông.
  32. Xương trên đỉnh đầu nhô cao thành búi.

Thân Phật thành tựu đủ ba mươi hai tướng này, ánh sáng chiếu

khắp cõi đại thiên. Nếu lúc muốn chiếu rộng thì chiếu khắp vô lượng, vô số thế giới ở mười phương. Vì chúng sinh nên Đức Phật thọ thân ánh sáng một trượng. Nếu phát ra vô lượng ánh sáng thì không còn có thời tiết, năm tháng, ngày giờ.

Âm thanh của Đức Phật vang khắp cõi đại thiên. Nếu lúc muốn tiếng lớn thì vang khắp vô lượng, vô số thế giới ở mười phương. Tùy theo số chúng sinh nhiều ít, âm thanh của Đức Phật đều khắp đến họ cả.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là tám mươi vẻ đẹp tùy thân?

  1. Đỉnh đầu không thể thấy.
  2. Mũi thẳng cao đẹp và lỗ kín.
  3. Chân mày như vành trăng mới mọc và màu ngọc lưu ly biếc.
  4. Vành tai lớn đầy.
  5. Thân vóc vững chắc như Na-la-diên.
  6. Đầu xương móc nhau như móc xích.
  7. Lúc xoay mình lại giống như voi đầu đàn.
  8. Lúc đi bàn chân cách đất bốn tấc mà dấu chân lại hiện trên đất.
  9. Móng tay màu đồng đỏ, mỏng mà láng bóng.
  10. Xương đầu gối cứng chắc tròn đẹp.
  11. Toàn thân sạch sẽ.
  12. Thân mềm dịu.
  13. Thân chẳng cong vẹo.
  14. Ngón tay dài nhọn tròn.
  15. Chỉ tay trang nghiêm.
  16. Mạch máu ẩn sâu.
  17. Mắt cá chẳng lộ.
  18. Thân trơn láng.
  19. Thân tự giữ ngay, đi chẳng xiên.
  20. Thân đầy đủ.
  21. Biết đầy đủ.
  22. Dung nghi đầy đủ.
  23. Luôn an ổn không gì làm loạn động được.
  24. Oai đức chấn động tất cả.
  25. Tất cả đều thích nhìn.
  26. Khuôn mặt chẳng lớn dài.
  27. Chánh dung mạo chẳng đổi sắc.
  28. Khuôn mặt đầy đủ.
  29. Màu môi đỏ như trái tần-bà.
  30. Ba mươi, âm thanh vẳng sâu.
  31. Lỗ rún sâu tròn đẹp.
  32. Lông xoắn về phía phải.
  33. Tay chân đều bằng đầy.
  34. Tay chân như ý.
  35. Chỉ tay thẳng sáng.
  36. Chỉ tay rõ ràng.
  37. Chỉ tay chẳng đứt.
  38. Tất cả chúng sinh có tâm ác khi nhìn thấy đều hòa vui.
  39. Gương mặt rộng rất đẹp.
  40. Gương mặt đầy sạch như mặt trăng.
  41. Tùy theo ý chúng sinh mà hòa vui cùng nói chuyện.
  42. Chân lông thoảng ra hơi thơm.
  43. Miệng thoảng ra hơi thơm vô lượng.
  44. Nghi dung như sư tử.
  45. Đi đứng như voi đầu đàn.
  46. Cách đi như ngỗng đầu đàn.
  47. Đầu như trái ma-đà-na.
  48. Tiếng nói rõ ràng đầy đủ.
  49. Răng bén.
  50. Lưỡi màu đỏ.
  51. Lưỡi mỏng.
  52. Lông màu hồng.
  53. Lông sạch sẽ.
  54. Mắt rộng dài.
  55. Tướng các lỗ đầy đủ.
  56. Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen hồng.
  57. Rún chẳng lộ.
  58. Bụng chẳng lộ.
  59. Bụng nhỏ.
  60. Thân chẳng nghiêng động.
  61. Thân vững nặng.
  62. Thân phần lớn.
  63. Thân cao lớn.
  64. Tay chân mềm dịu sạch sẽ.
  65. Từ thân ánh sáng chiếu xa một trượng.
  66. Khi đi có ánh sáng chiếu thân.
  67. Nhìn bình đẳng chúng sinh.
  68. Chẳng khinh thường chúng sinh.
  69. Tùy theo chúng sinh, âm thanh chẳng thêm bớt.
  70. Nói pháp chẳng thấp.
  71. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sinh mà nói pháp cho họ.
  72. Phát âm đúng các âm thanh.
  73. Thứ lớp theo nhân duyên mà nói pháp.
  74. Tất cả chúng sinh không ai có thể thấy hết các tướng trên thân Phật.
  75. Người nhìn ngắm không nhàm chán.
  76. Tóc dài đẹp.
  77. Tóc chẳng rối.
  78. Tóc xoắn đẹp.
  79. Tóc màu như ngọc xanh.
  80. Tay chân có tướng phước đức.

Này Tu-bồ-đề! Thân Phật có đủ tám mươi vẻ đẹp tùy thân như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát giáo hóa chúng sinh: Này thiện nam! Phải khéo phân biệt các chữ, cũng khéo biết một chữ cho đến bốn mươi hai chữ. Tất cả ngôn ngữ đều nhập vào mẫu tự đầu tiên. Tất cả ngôn ngữ cũng nhập vào mẫu tự thứ hai, cho đến mẫu tự thứ bốn mươi hai, tất cả ngôn ngữ đều nhập vào trong đó. Một chữ đều nhập trong bốn mươi hai chữ, bốn mươi hai chữ cũng nhập vào một chữ.

Chúng sinh phải khéo học bốn mươi hai chữ ấy. Khéo học bốn mươi hai chữ rồi có thể khéo giảng nói pháp có chữ. Khéo giảng nói pháp có chữ rồi khéo giảng nói pháp không chữ.

Này Tu-bồ-đề! Như Đức Phật khéo biết pháp, khéo biết chữ, khéo biết không chữ, vì pháp không chữ mà nói pháp có chữ. Vì sao? Vì vượt qua tất cả pháp về tên và chữ nên gọi là Phật pháp. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát dùng hai thứ bố thí cứu giúp chúng sinh, đó là tài thí và pháp thí.

Đây là việc hy hữu khó sánh bằng của hàng Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Đại Bồ-tát cứu giúp bằng ái ngữ chúng sinh? Đại Bồ-tát dùng sáu pháp Ba-la-mật, vì chúng sinh pháp rằng: Các vị thực hành sáu pháp Ba-la-mật bao gồm tất cả pháp lành.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Đại Bồ-tát bằng lợi hành giúp đỡ chúng sinh? Đại Bồ-tát thường giáo hóa chúng sinh, bảo họ thực hành sáu pháp Ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Đại Bồ-tát cứu giúp bằng đồng sự chúng sinh? Do dùng năng lực sáu thứ thần thông, Đại Bồ-tát biến hóa nhiều cách vào trong sáu loài, đồng sự, rồi dùng bốn Nhiếp pháp mà giúp đỡ họ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh hoàn toàn không thật có, pháp cũng không thật có, pháp tánh cũng không thật có, vì hoàn toàn không, vô thỉ không. Đại Bồ-tát làm sao lúc thực hành Bát-nhã bala-mật, Thiền định ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-lamật, Trì giới ba-la-mật, Bố thí bala-mật lại hành bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám không; lại thực hành Tam-muội không, vô tướng và vô tác, tám Bội xả, chín Định thứ đệ, lại thực hành mười Lực của Phật, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?

Làm sao lại trụ vào năm thần thông quả báo đắc mà vì chúng sinh nói pháp; chúng sinh không thật có vì chúng sinh không thể nắm bắt. Sắc không thể nắm bắt, cho đến thức không thể nắm bắt, vì năm ấm không thể nắm bắt. Sáu pháp Ba-la-mật, cho đến tám mươi vẻ đẹp đều không thể nắm bắt. Trong các thứ không thật có ấy, không thật có chúng sinh, không có sắc, cho đến không thật có tám mươi vẻ đẹp.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, vì chúng sinh mà nói pháp?

Bạch Đức Thế Tôn Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã balamật, Bồ-tát còn không thật có, huống chi là có pháp của Bồ-tát!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng như lời ông nói. Vì chúng sinh không thật có nên biết là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, rốt ráo không, vô thỉ không, tán không, các pháp không, tánh không, tướng không, không thể nắm bắt không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.

Vì chúng sinh không thật có nên biết là năm ấm không, mười hai nhập không, mười tám giới không, mười hai nhân duyên không, bốn đế không, ngã, chúng sinh thọ mạng đều không, người sinh, người dưỡng, người giáo dục đều không, người, người làm, người sai làm đều không, người phát khởi, người khiến phát khởi, người nhận, người sai nhận đều không, người biết, người thấy đều không.

Vì chúng sinh không thật có nên biết bốn Thiền là không, bốn Tâm vô lượng là không, bốn Định vô sắc là không, nên biết ba mươi bảy pháp Trợ đạo là không; không, vô tướng, vô tác đều không, tám Bội xả không, chín Định thứ đê là không.

Vì chúng sinh không thật có nên biết mười Lực của Phật là không, bốn Vô úy là không, bốn vô ngại là không, mười tám pháp Bất cộng là không. Nên biết quả Tu-đà-hoàn là không, quả Tư-đàhàm là không, quả A-na-hàm là không, quả A-la-hán là không, đạo Bích-chi-phật là không. Nên biết địa vị của Bồ-tát là không, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thấy tất cả pháp không như vậy, vì chúng sinh nói pháp mà chẳng mất các tướng không.

Bồ-tát này lúc quán như vậy biết rõ tất cả pháp vô ngại. Biết tất cả pháp vô ngại rồi chẳng phá hoại các tướng của pháp, chẳng thấy khác, chẳng phân biệt, chỉ vì chúng sinh mà nói pháp đúng như thật.

Ví như hóa nhân do Đức Phật biến hóa ra, hóa nhân này lại hóa ra làm vô lượng ngàn trăm ức người, có người dạy bố thí, có người dạy trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, có người dạy bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Hóa nhân do Đức Phật biến hóa ra đó có phân biệt, phá hoại các pháp chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Hóa nhân đó không có tâm, không có tâm sở, đâu có phân biệt, phá hoại các pháp.

–Này Tu-bồ-đề! Thế nên phải biết Đại Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật vì chúng sinh mà nói pháp đúng chỗ đáng nói, dắt chúng sinh ra khỏi chỗ điên đảo, giúp cho chúng sinh được đến chỗ an trụ, vì pháp chẳng trói, chẳng mở.

Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì sắc chẳng trói, chẳng mở. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng trói, chẳng mở.

Sắc không trói, không mở, chẳng phải sắc. Thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao? Vì sắc rốt ráo thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp hoặc hữu vi hoặc vô vi cũng đều rốt ráo thanh tịnh.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát vì chúng sinh nói pháp cũng chẳng thật có chúng sinh và tất cả pháp. Vì tất cả pháp không thật.

Bồ-tát vì chẳng trụ vào pháp nên trụ vào các pháp tướng, đó là sắc không, cho đến pháp hữu vi, pháp vô vi không.

Vì sao? Vì sắc cho đến pháp hữu vi, pháp vô vi tự tánh không thật có nên không có chỗ trụ. Pháp không thật có chẳng trụ vào pháp không thật có. Pháp tự tánh chẳng trụ vào pháp tự tánh. Pháp tha tánh chẳng trụ vào pháp tha tánh. Vì sao? Vì tất cả pháp ấy đều không thật có. Pháp không thật có sẽ trụ vào chỗ nào?

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, dùng các pháp không ấy có thể nói pháp như vậy.

Thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, đối với các Đức Phật và hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không có lỗi.

Vì sao? Vì các Đức Phật, các Bồ-tát và Bích-chi-phật cùng Ala-hán được pháp này rồi vì chúng sinh nói pháp cũng chẳng chuyển đổi các pháp tướng. Vì Như, pháp tánh, thật tế chẳng chuyển đổi được. Vì sao? Vì các pháp không có tánh.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Pháp tánh, Như, thật tế chẳng chuyển thì sắc và pháp tánh có khác nhau chăng? Sắc và Như, thật tế có khác nhau chăng? Thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu có khác nhau chăng?

–Không, này Tu-bồ-đề! Sắc chẳng khác pháp tánh, chẳng khác như, chẳng khác thật tế. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến hữu lậu, vô lậu cũng chẳng khác nhau.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu sắc chẳng khác pháp tánh, chẳng khác như, chẳng khác thật tế, thọ, tưởng, hành, thức cho đến hữu lậu, vô lậu chẳng khác nhau thì làm sao phân biệt pháp ác có quả báo ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, pháp lành có quả báo lành là người và trời? Làm sao phân biệt pháp ác, pháp lành có quả báo ác, quả báo lành; pháp không ác, không thiện có báo không ác, không thiện là quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Vì là thế đế nên phân biệt nói có quả báo, chẳng phải trong Đệ nhất nghĩa đế. Trong Đệ nhất nghĩa đế chẳng thể nói nhân duyên, quả báo. Vì sao? Vì Đệ nhất nghĩa đế thật không có tướng, không có phân biệt, cũng không có ngôn thuyết. Đó là vì sắc cho đến pháp hữu lậu, vô lậu, bất sinh, bất diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, rốt ráo không, vô thỉ không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu do thế đế mà phân biệt nói có quả báo chớ chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế, thì tất cả người phàm lẽ ra có quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Ý của ông nghĩ sao? Người phàm có biết là thế đế, có biết Đệ nhất nghĩa đế chăng? Nếu biết thì người phàm ấy lẽ ra đã đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Bởi người phàm thật chẳng biết thế đế, chẳng biết Đệ nhất nghĩa đế, chẳng biết đạo, chẳng biết phân biệt đạo quả thì làm sao có được các quả.

Này Tu-bồ-đề! Bậc Thánh biết thế đế, biết Đệ nhất nghĩa đế, có đạo, có tu đạo, thế nên bậc Thánh có các quả khác nhau.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tu đạo có được quả chăng?

–Không. Này Tu-bồ-đề, Tu đạo chẳng được quả, chẳng tu đạo cũng chẳng được quả, cũng chẳng lìa đạo mà được quả, cũng chẳng trụ trong đạo mà được quả.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát vì chúng sinh mà phân biệt các quả, cũng chẳng phân biệt là tánh hữu vi, tánh vô vi.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chẳng phân biệt tánh hữu vi, tánh vô vi mà được các quả thì tại sao Đức Phật lại nói vì ba kết sử hết nên gọi là quả Tu-đà-hoàn, vì tham, sân, si mỏng nên gọi là Tư-đà-hàm, vì tham, sân, si, mạn, nghi cõi Dục hết nên gọi là quả A-na-hàm, vì tham, sân, si, mạn, nghi cõi Sắc, cõi Vô sắc hết nên gọi là quả A-lahán, bao nhiêu pháp tập nhân đều diệt tan thì gọi là đạo Bích-chiphật, vì tất cả tập chủng phiền não dứt hẳn nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Đức Thế Tôn! Con phải phân biệt tánh hữu vi, tánh vô vi như thế nào để được các quả?

–Này Tu-bồ-đề! Ông cho rằng quả Tu-đà-hoàn, quả Tưđàhàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi-phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là hữu vi hay vô vi?

–Bạch Đức Thế Tôn, đều là vô vi!

–Này Tu-bồ-đề! Trong pháp vô vi có phân biệt chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thông đạt tất cả pháp, hoặc hữu vi hoặc vô vi là một tướng, đó là vô tướng, thì có phân biệt là hữu vi hay vô vi chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát vì chúng sinh nói pháp chẳng phân biệt các pháp. Đó là nội không cho đến là vô pháp hữu pháp không.

Bồ-tát ấy tự mình được pháp không có sự chấp trước rồi, cũng dạy người khác pháp không có sự chấp trước: hoặc là sáu pháp Bala-mật, hoặc là bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, hoặc là ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, cho đến Nhất thiết chủng trí. Vì Bồtát này tự mình chẳng chấp trước, nên cũng dạy người khác chẳng chấp trước.

Vì không có chỗ chấp trước nên không có chỗ ngại.

Ví như hóa nhân Đức Phật biến hóa ra, có bố thí mà chẳng thọ quả báo bố thí, chỉ vì độ chúng sinh. Cho đến thực hành Nhất thiết chủng trí chẳng thọ quả báo của Nhất thiết chủng trí.

Cũng vậy, Đại Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến thực hành tất cả pháp, hoặc hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, Đại Bồ-tát chẳng trụ, cũng chẳng thọ quả báo, chỉ vì độ chúng sinh. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy thông đạt hoàn toàn tất cả pháp tướng.