SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 21

Phẩm 69: ĐẠI PHƯƠNG TIỆN

Khi đó, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát đó thành tựu năng lực phương tiện như vậy, từ lúc phát tâm đến nay được bao lâu? Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đó thành tựu được năng lực phương tiện, từ lúc phát tâm đến nay đã vô lượng, vô số kiếp.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát đó thành tựu năng lực phương tiện như vậy là do cúng dường bao nhiêu Đức Phật?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đó thành tựu năng lực phương tiện như vậy là cúng dường các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát được năng lực phương tiện như vậy là do trồng căn lành nào?

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thành tựu năng lực phương tiện như vậy, từ lúc mới phát tâm đến nay đầy đủ cả Bố thí ba-lamật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật và Bát-nhã ba-la-mật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thành tựu năng lực phương tiện như vậy thật rất là ít có.

–Này Tu-bồ-đề! Như mặt trời, mặt trăng xoay quanh soi sáng bốn thiên hạ, đem lại nhiều sự lợi ích. Cũng như vậy, Bátnhã ba-lamật chiếu soi năm pháp Ba-la-mật kia đem lại nhiều sự lợi ích.

Này Tu-bồ-đề! Như Chuyển luân thánh vương, do thành tựu luân bảo nên được gọi là Chuyển luân thánh vương. Cũng như vậy, năm pháp Ba-la-mật kia nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng được gọi là Ba-la-mật. Nếu chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật thì năm pháp Bala-mật kia được gọi là Ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Như phụ nữ không chồng dễ bị xâm phạm. Cũng giống như vậy, nếu năm pháp Ba-la-mật kia xa lìa Bát-nhã bala-mật thì ác ma, hoặc thiên ma phá hoại rất dễ dàng. Nếu năm pháp Ba-la-mật kia có được Bát-nhã ba-la-mật thì ma không ngăn phá được. Như phụ nữ có chồng thì khó bị xâm phạm.

Này Tu-bồ-đề! Như binh tướng trang bị áo giáp khí trượng đầy đủ thì các nước mạnh láng giềng không xâm lăng được. Cũng giống như vậy, năm pháp Ba-la-mật kia chẳng xa lìa Bátnhã ba-la-mật thì ác ma hoặc thiên ma, hoặc kẻ tăng thượng mạn, hoặc Bồ-tát, Chiênđà-la không phá hoại được.

Này Tu-bồ-đề! Như các Tiểu vương đúng thời về chầu Chuyển luân thánh vương. Cũng giống vậy, năm pháp Ba-lamật thuận theo Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Như các dòng nước chảy vào sông Hằng rồi đổ ra biển cả. Cũng giống như vậy, năm pháp Ba-la-mật nhờ Bát-nhã ba-la-mật che chở mà theo đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Như tay mặt của người làm việc tiện lợi, Bátnhã ba-la-mật cũng giống như vậy. Như tay trái của người làm việc chẳng tiện, năm pháp Ba-la-mật cũng giống như vậy. Này Tu-bồ-đề! Như các dòng nước hoặc lớn hoặc nhỏ đều chảy ra biển lớn. Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật được Bát-nhã ba-la-mật che chở mà, theo Bát-nhã ba-la-mật nhập vào Nhất thiết chủng trí được gọi là Ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Như bốn binh chủng của Chuyển luân thánh vương, luân bảo dẫn đường đi trước. Ý vua muốn dừng lại thì luân bảo liền dừng lại, khiến bốn binh chủng đều được mãn nguyện mà luân bảo cũng chẳng rời khỏi vị trí của nó. Cũng giống như vậy, Bátnhã ba-la-mật dẫn dắt năm pháp Bala-mật đến Nhất thiết chủng trí, luôn ở trong đó chẳng rời khỏi chỗ.

Này Tu-bồ-đề! Như luân bảo dẫn dắt bốn binh chủng của Luân vương. Cũng giống như vậy, Bát-nhã ba-la-mật dẫn đường năm pháp Ba-la-mật đến Nhất thiết chủng trí.

Trụ trong Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng phân biệt rằng Bố thí ba-la-mật tùy tùng, còn bốn Ba-la-mật kia thì không tùy tùng. Bố thí ba-la-mật cũng chẳng phân biệt rằng mình tùy tùng Bát-nhã ba-lamật, còn bốn Ba-la-mật kia thì không tùy tùng. Các Ba-la-mật kia cũng đều chẳng phân biệt giống như vậy. Vì sao? Vì tánh của các Ba-la-mật không có sự tạo tác, tự tánh là không, là luống dối như sóng nắng.

Khi đó, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp tự tánh không, vì sao Đại Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật nghĩ rằng tâm thế gian này đều điên đảo, nếu ta không dùng năng lực phương tiện thì không thể độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử. Vì chúng sinh mà ta thực hành Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật và Bát-nhã ba-la-mật.

Vì chúng sinh mà Bồ-tát xả thí vật sở hữu trong thân, ngoài thân. Lúc xả nghĩ rằng: “Ta không xả chi cả.” Vì sao? Vì những vật đó sẽ bại hoại.

Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Bố thí ba-lamật.

Vì chúng sinh mà Bồ-tát không bao giờ phá giới, nghĩ rằng: “Tôi vì chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu giết hại chúng sinh thì không đúng.” Cho đến nghĩ: “Tôi vì chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu tà kiến hay ưa thích hàng Thanh văn, Bích-chiphật thì không đúng.”

Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Trì giới ba-lamật.

Vì chúng sinh mà Bồ-tát chẳng sinh tâm sân hận dầu chỉ một niệm, nghĩ rằng: “Ta phải làm lợi ích cho chúng sinh vì sao lại sinh tâm sân hận.”

Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Nhẫn nhục balamật.

Vì chúng sinh nên từ lúc phát tâm đến lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Bồ-tát không hề sinh tâm lười biếng.

Siêng năng như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Tinh tấn balamật.

Vì chúng sinh nên từ lúc phát tâm đến lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Bồ-tát không để tâm tán loạn.

Nhiếp tâm như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Thiền định ba-lamật.

Vì chúng sinh nên từ lúc phát tâm đến lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Bồ-tát chẳng bao giờ xa rời trí tuệ. Vì ngoài trí tuệ không còn pháp nào để độ chúng sinh.

Tu trí tuệ như vậy, Bồ-tát sẽ trọn vẹn được Bát-nhã ba-lamật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các Ba-la-mật không có tướng khác nhau, tại sao trong năm pháp Ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật lại nhiệm mầu tối thượng bậc nhất?

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Các Ba-la-mật vẫn không khác nhau, nhưng nếu không có Bát-nhã ba-la-mật thì năm pháp Ba-lamật kia không được gọi là Ba-la-mật. Do Bát-nhã bala-mật mà năm pháp Ba-la-mật kia được gọi là Ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Như những loài chim nhiều màu sắc, đến gần bên núi Tu-di thì đều đồng một màu.

Năm pháp Ba-la-mật cũng giống như vậy, do Bát-nhã cho đến trong Nhất thiết chủng trí chuyển thành một thứ không khác nhau. Chẳng còn phân biệt là Bố thí ba-la-mật, Trì giới bala-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định bala-mật, Bát-nhã ba-la-mật.

Vì sao? Vì các Ba-la-mật không tự tánh, do đó mà các Balamật không khác nhau.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu theo thật nghĩa không phân biệt thì vì sao Bát-nhã ba-la-mật trong năm pháp Ba-la-mật lại nhiệm mầu tối thượng?

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Dầu trong thật nghĩa không có phân biệt, nhưng vì thế tục mà nói là Bố thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật.

Vì muốn độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử, nhưng thật thì chúng

sinh chẳng sinh, chẳng chết, chẳng khởi, chẳng lùi.

Này Tu-bồ-đề! Vì chúng sinh vô sở hữu nên phải biết tất cả pháp vô sở hữu. Do đó mà Bát-nhã ba-la-mật trong năm pháp Ba-lamật là nhiệm mầu tối tôn tối thượng.

Này Tu-bồ-đề! Như ở Diêm-phù-đề trong các phụ nữ, thì ngọc nữ là bậc nhất tối thượng tối diệu.

Cũng giống như vậy, trong năm pháp Ba-la-mật thì Bátnhã bala-mật là bậc nhất tối thượng nhiệm mầu.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Phật nói Bát-nhã ba-la-mật là tối thượng tối diệu?

–Này Tu-bồ-đề! Vì Bát-nhã ba-la-mật này giữ lấy tất cả pháp lành cho đến trong Nhất thiết chủng trí, trụ mà chẳng trụ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có pháp lấy được, bỏ được chăng?

–Này Tu-bồ-đề, không! Bát-nhã ba-la-mật không có pháp lấy được, không pháp bỏ được. Vì sao? Vì tất cả pháp chẳng lấy, chẳng bỏ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với những pháp nào mà Bátnhã bala-mật chẳng lấy, chẳng bỏ?

–Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là đối với sắc chẳng lấy, chẳng bỏ, đối với thọ, tưởng, hành, thức chẳng lấy, chẳng bỏ, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng lấy, chẳng bỏ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao chẳng lấy sắc cho đến chẳng chấp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát chẳng nhớ nghĩ sắc cho đến chẳng nhớ nghĩ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó gọi là chẳng chấp sắc cho đến chẳng chấp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chẳng nghĩ nhớ sắc cho đến chẳng nghĩ nhớ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì làm sao tăng ích được căn lành. Căn lành chẳng thêm ích thì thế nào trọn vẹn được các Ba-la-mật. Nếu các Ba-la-mật chẳng trọn vẹn thì làm sao được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát chẳng nghĩ nhớ sắc cho đến chẳng nghĩ nhớ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chính lúc đó căn lành được tăng ích. Do căn lành tăng ích nên trọn vẹn các Bala-mật. Do trọn vẹn các Ba-la-mật nên được Vô thượng

Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì lúc chẳng nghĩ nhớ sắc cho đến chẳng nghĩ nhớ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chính là lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao lúc chẳng nghĩ nhớ sắc cho đến chẳng nghĩ nhớ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Vì nhớ nghĩ mà tham đắm ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc. Vì chẳng nhớ nghĩ nên không tham đắm. Thế nên Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng nên có chỗ tham đắm.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, Đại Bồ-tát trụ vào chỗ nào?

–Này Tu-bồ-đề! Hành như vậy, Đại Bồ-tát chẳng trụ vào sắc, cho đến chẳng trụ Nhất thiết chủng trí.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát chẳng trụ vào sắc, cho đến chẳng trụ vào Nhất thiết chủng trí?

–Này Tu-bồ-đề! Vì chẳng tham đắm nên chẳng trụ. Vì sao? Vì Bồ-tát này chẳng thấy có pháp nào để đắm, để trụ. Như vậy, Đại Bồ-tát dùng chẳng đắm, chẳng trụ vào pháp để thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghĩ rằng làm được như vậy, tu được như vậy đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ta đang tu Bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát chấp lấy tướng như vậy thì chính là xa lìa Bátnhã ba-la-mật. Nếu xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thì chính là xa lìa Bố thí ba-la-mật cho đến Nhất thiết chủng trí.

Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có chỗ đắm, tự tánh là không.

Nếu Bồ-tát chấp tướng như vậy thì lìa khỏi Bát-nhã ba-lamật. Nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật thì lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng được thọ ký.

Nếu Bồ-tát nghĩ rằng trụ Bát-nhã ba-la-mật này sẽ sinh ra Bố thí ba-la-mật cho đến sinh ra đại Bi. Nghĩ như vậy thì mất Bát-nhã ba-la-mật. Mất Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng sinh được Bố thí ba-lamật cho đến chẳng sinh được đại Bi.

Nếu Bồ-tát nghĩ rằng các Đức Phật vì biết các pháp không thọ, không tưởng nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Bồ-tát giảng nói khai thị dạy bảo như vậy thì mất Bát-nhã bala-mật.

Vì sao? Vì đối với các pháp, các Đức Phật không hề biết, không hề được, cũng không có pháp nói được, huống chi là có chỗ được, không bao giờ có như vậy.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật làm thế nào không bị lỗi lầm đó?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật nghĩ rằng các pháp vô sở hữu, chẳng thật có. Nếu pháp đã không thật có, không chấp được thì không có chỗ nắm bắt. Thực hành như vậy chính là thực hành Bát-nhã ba-lamật.

Nếu Bồ-tát chấp trước pháp vô sở hữu thì xa lìa Bátnhã bala-mật. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không có pháp “chấp trước”.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có xa lìa Bát-nhã bala-mật chăng? Bố thí ba-la-mật có xa lìa Bố thí ba-la-mật chăng? Cho đến Nhất thiết chủng trí có xa lìa Nhất thiết chủng trí chăng?

Nếu như vậy thì làm sao Bồ-tát có được Bát-nhã ba-lamật cho đến Nhất thiết chủng trí?

–Này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát không quan niệm về sắc: đây là sắc, là sắc gì? Cho đến không quan niệm Nhất thiết chủng trí: đây là Nhất thiết chủng trí, Nhất thiết chủng trí gì? Như vậy là Bồ-tát đó thường sinh ra được Bát-nhã bala-mật cho đến thường sinh được Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát chẳng quán sắc là thường hay vô thường, là khổ hay lạc, là ngã hay vô ngã, là không hay bất không, là lìa hay chẳng lìa.

Vì sao? Vì tự tánh chẳng sinh được tự tánh.

Cho đến đối với Nhất thiết chủng trí cũng giống như vậy.

Nếu thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà quán sắc cho đến quán Nhất thiết chủng trí như vậy, thì Bồ-tát sinh ra được Bátnhã ba-lamật cho đến sinh được Nhất thiết chủng trí.

Như Chuyển luân thánh vương đến chốn nào thì bốn binh chủng đều đi theo.

Cũng giống như vậy, Bát-nhã ba-la-mật đến đâu thì năm pháp Ba-la-mật đều theo, đến trụ trong Nhất thiết chủng trí.

Như giỏi đánh xe bốn ngựa chẳng lạc khỏi đường bằng phẳng thì sẽ đến chỗ muốn.

Cũng giống như vậy, Bát-nhã ba-la-mật ngồi trên năm pháp Ba-la-mật chẳng mất chánh đạo cho đến Nhất thiết chủng trí.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là đạo, thế nào là phi đạo của Đại Bồ-tát?

–Này Tu-bồ-đề! Đạo Thanh văn, đạo Bích-chi-phật chẳng phải là đạo của Bồ-tát. Đạo của Nhất thiết trí là đạo của Bồ-tát, đó gọi là đạo và phi đạo của Đại Bồ-tát.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát vì việc lớn mà phát khởi Bát-nhã ba-la-mật: đó là hiển bày là đạo, là phi đạo.

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Vì việc lớn mà Bát-nhã ba-lamật phát khởi: đó là hiển bày là đạo, là phi đạo.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật vì độ vô lượng chúng sinh mà phát khởi, vì lợi ích vô số chúng sinh mà phát khởi.

Dầu làm sự lợi ích đó mà Bát-nhã ba-la-mật chẳng thọ sắc, chẳng thọ thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng thọ hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là người dẫn đường của các Đại Bồ-tát, chỉ bày Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hay làm cho xa lìa hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, an trụ vào Nhất thiết chủng trí. Vì Bát-nhã ba-la-mật không sinh, không diệt, các pháp thường trụ.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật không sinh, không diệt thì các Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật vì sao lại phải bố thí, phải trì giới, phải nhẫn nhục, phải tinh tấn, phải thiền định? Sao lại phải tu trí tuệ?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nhớ nghĩ Nhất thiết chủng trí phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Đại Bồ-tát đem công đức đó cùng với tất cả chúng sinh hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hồi hướng như vậy thì trọn vẹn sáu pháp Ba-la-mật và tâm từ bi cùng các công đức.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát chẳng xa lìa sáu pháp Balamật thì chẳng lìa Nhất thiết chủng trí.

Thế nên, Đại Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải học, phải thực hành sáu pháp Ba-la-mật.

Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật thì đầy đủ tất cả các căn lành, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên, Đại Bồ-tát phải thực hành sáu pháp Ba-lamật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát phải thực hành sáu pháp Bala-mật thế nào?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải quán như thế này:

Sắc chẳng hợp, chẳng tan. Thọ, tưởng, hành và thức chẳng hợp, chẳng tan. Cho đến vĩ Nhất thiết chủng trí chẳng hợp, chẳng tan. Đó gọi là Đại Bồ-tát thực hành sáu pháp Bala-mật.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng: Ta chẳng nên trụ trong sắc, ta chẳng nên trụ trong thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến ta chẳng nên trụ trong Nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì sắc không chỗ trụ, vì thọ, tưởng, hành, thức không chỗ trụ, cho đến Nhất thiết chủng trí không chỗ trụ.

Đại Bồ-tát dùng pháp vô trụ thực hành sáu pháp Ba-lamật thì sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Như có người muốn ăn trái am-la, trái bana-bà thì phải gieo hạt của nó, rồi siêng năng tưới bón vun vén, cây đó lần lần lớn lên, đến thời tiết hòa hợp thì có trái để được.

Cũng giống như vậy, Đại Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải học sáu pháp Ba-la-mật: dùng Bố thí để nhiếp lấy chúng sinh, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ để nhiếp lấy chúng sinh, độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử. Đại Bồ-tát thực hành như vậy sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn chẳng theo lời người thì phải học Bát-nhã ba-la-mật, muốn thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, muốn ngồi đạo tràng, muốn chuyển pháp luân thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.

Đối với tất cả pháp Đại Bồ-tát muốn được tự tại thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Học Bát-nhã ba-la-mật này thì được tự tại đối với tất cả pháp.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật là lớn nhất. Như biển cả là rộng lớn nhất trong muôn dòng sông. Thế nên người muốn cầu Thanh văn, Bíchchi-phật và đạo Bồ-tát thì phải học Bát-nhã ba-la-mật cho đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Như người bắn giỏi, tay cầm cung tên như ý thì chẳng sợ kẻ thù.

Cũng giống như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật thì ma và thiên ma chẳng phá hoại được.

Thế nên, Đại Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật này được các Đức Phật ở mười phương che chở.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là các Đức Phật mười phương che chở Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành Bố thí ba-lamật, thì các Đức Phật ở mười phương đều che chở, lúc thực hành Trì giới bala-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-lamật, Bát-nhã ba-la-mật thì các Đức Phật mười phương đều che chở.

Che chở thế nào?

Bố thí không thật có, trì giới cho đến Nhất thiết chủng trí đều không thật có.

Nếu Đại Bồ-tát chẳng chấp trước các pháp như vậy thì các Đức Phật đều che chở Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Các Đức Phật chẳng vì sắc, chẳng vì thọ, tưởng, hành, thức mà niệm, cho đến chẳng vì Nhất thiết chủng trí mà niệm.

–Bạch Đức Thế Tôn! Sở học của Đại Bồ-tát rất nhiều, thật ra không có sở học.

Vì sao? Vì sở học các pháp của Đại Bồ-tát đều không thật có.

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Sở học của Đại Bồ-tát rất nhiều, thật ra không có sở học.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lời nói pháp hoặc lược, hoặc rộng của Đức Phật. Đối với các pháp đó, các Đại Bồ-tát muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với sáu pháp Bala-mật hoặc lược, hoặc rộng phải thọ trì, đọc tụng, rồi suy gẫm chánh quán, vì tâm và tâm sở chẳng hiện hành.

–Này Tu-bồ-đề, đúng vậy! Đại Bồ-tát học sáu pháp Bala-mật hoặc lược, hoặc rộng thì phải biết tướng lược, tướng rộng của tất cả pháp.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát biết tướng lược, rộng của tất cả pháp như thế nào?

–Này Tu-bồ-đề! Biết tướng Như của sắc, biết tướng Như của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến biết tướng Như của Nhất thiết chủng trí. Đó là biết được tướng lược và rộng của tất cả pháp.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tướng Như của sắc, thế nào là tướng Như của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến tướng Như của Nhất thiết chủng trí?

–Này Tu-bồ-đề! Như của sắc là: không sinh, không diệt, không trụ, không dị, đó gọi là tướng Như của sắc. Cho đến Như của Nhất thiết chủng trí là: không sinh, không diệt, không trụ, không dị, đó gọi là tướng Như của Nhất thiết chủng trí. Trong đây Đại Bồ-tát cần phải học.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc biết thật tế của các pháp, đó là biết tướng lược và rộng của tất cả pháp.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là thật tế của các pháp? –Này Tu-bồ-đề! Không thật tế gọi là thật tế. Bồ-tát học thật tế này thì biết tướng lược, rộng của tất cả pháp.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát biết pháp tánh của các pháp thì biết được tướng lược, rộng của tất cả pháp. –Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là pháp tánh của các pháp?

–Này Tu-bồ-đề! Sắc tánh gọi là Pháp tánh.

Tánh đó không phải phần, không phải phi phần. Vì biết pháp tánh mà Bồ-tát biết tướng lược, rộng của tất cả pháp.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lại phải thế nào thì biết tướng lược, rộng của tất cả pháp?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát biết tất cả pháp chẳng hợp, chẳng tan.

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp nào chẳng hợp, chẳng tan?

–Này Tu-bồ-đề! Sắc chẳng hợp, chẳng tan. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng hợp, chẳng tan. Cho đến Nhất thiết chủng trí chẳng hợp, chẳng tan. Tánh hữu vi, tánh vô vi chẳng hợp, chẳng tan.

Vì sao? Vì các pháp đó tự tánh không thì làm sao có hợp, có tan! Nếu các pháp là tự tánh không thì thuộc về phi pháp. Pháp và phi pháp chẳng hợp, chẳng tan. Phải biết tướng lược, rộng của tất cả pháp như vậy.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đó gọi là lược nhiếp Bát-nhã ba-lamật của Đại Bồ-tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong lược nhiếp Bát-nhã ba-la-mật này, các Bồ-tát mới phát tâm cần phải học, cho đến Đại Bồtát Địa thứ mười cũng phải học.

Đại Bồ-tát học lược nhiếp Bát-nhã ba-la-mật này thì biết tướng lược, rộng của tất cả pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn này, các Đại Bồ-tát lợi căn có khả năng nhập được.

–Này Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát độn căn cũng nhập được pháp môn này. Bậc Bồ-tát trung căn và Bồ-tát tán tâm cũng nhập được pháp môn này.

Pháp môn này không trở ngại.

Nếu Đại Bồ-tát nhất tâm học, đều nhập được pháp môn này.

Người biếng nhác ít tinh tấn, vọng nhớ nghĩ loạn tâm thì chẳng

nhập được. Người tinh tấn chẳng biếng nhác, ghi nhớ nhiếp tâm thì vào được.

Người muốn trụ ở địa vị không thoái chuyển, người muốn đến Nhất thiết chủng trí thì vào được.

Các Bồ-tát này phải học đúng như Bát-nhã ba-la-mậtđã nói, cho đến phải học đúng như Bố thí ba-la-mật nói.

Đại Bồ-tát này sẽ được Nhất thiết chủng trí.

Đại Bồ-tát này thực hành Bát-nhã ba-la-mật, có bao nhiêu việc ma vừa phát sinh thì liền diệt mất.

Vì thế nên Đại Bồ-tát muốn có năng lực phương tiện thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Nếu Đại Bồ-tát thực hành, tập và tu Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì được các Phật hiện tại trong vô lượng, vô số thế giới che chở.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật này sinh ra các Đức Phật quá khứ, các Đức Phật vị lai và các Đức Phật hiện tại.

Thế nên, Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng pháp của các Đức Phật ba đời chứng được, tôi cũng sẽ được như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải tập Bát-nhã ba-la-mật. Nếu tập Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thì mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Do đó nên Bồ-tát thường chẳng được xa lìa tâm Nhất thiết chủng trí.

Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy dù chỉ trong thời gian búng ngón tay cũng được phước đức rất nhiều.

Nếu có người giáo hóa chúng sinh trong cõi đại thiên bố thí không hạn chế, dạy họ trì giới, thiền định, trí tuệ, dạy họ được giải thoát, giải thoát tri kiến, dạy họ được quả Tu-đàhoàn cho đến quả Bích-chi-phật, vẫn chẳng bằng Bồ-tát này tu Bát-nhã ba-la-mật chỉ trong thời gian búng ngón tay.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật này sinh ra bố thí đến trí tuệ, sinh ra quả Tu-đà-hoàn đến quả Bích-chi-phật.

Các Đức Phật hiện tại ở khắp mười phương đều từ trong Bátnhã ba-la-mật mà sinh ra.

Các Đức Phật quá khứ, các Đức Phật vị lai cũng đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát dùng tâm của Nhất thiết chủng trí mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hoặc trong khoảng thời gian bíng ngón tay, hoặc nửa ngày hay một ngày, một tháng, trăm ngày, một năm, hoặc trăm năm, một kiếp, trăm kiếp, cho đến vô lượng, vô biên, vô số kiếp. Bồ-tát đó tu Bát-nhã ba-la-mật này mà được phước đức rất nhiều, hơn là dạy chúng sinh trong hằng sa thế giới ở mười phương bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả Bích-chi-phật.

Vì sao? Vì các Đức Phật sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật giảng nói bố thí cho đến giải thoát tri kiến, giảng nói quả Tu-đàhoàn cho đến quả Bích-chi-phật.

Nếu có Đại Bồ-tát an trụ đúng như Bát-nhã ba-la-mật nói, phải biết đó là vị Bồ-tát không thoái chuyển được các Đức Phật che chở.

Năng lực phương tiện như vậy thành tựu, phải biết Bồ-tát đó gần gũi cúng dường vô lượng ngàn muôn ức các Đức Phật, gieo trồng căn lành, theo sát các bậc Thiện tri thức, từ lâu đã thực hành sáu pháp Ba-la-mật, từ lâu đã tu mười tám không, bốn Niệm xứ đến tám Thánh đạo, mười Trí lực cho đến Nhất thiết chủng trí. Phải biết Đại Bồ-tát đó trụ ở địa vị

Pháp vương tử, đầy đủ các hạnh nguyện, thường chẳng lìa các Đức Phật, chẳng lìa căn lành, từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Phải biết Bồ-tát đó biện tài vô tận, đầy đủ Đà-lani, thân sắc đầy đủ, thọ ký đầy đủ, vì chúng sinh mà thọ thân. Phải biết Bồ-tát đó giỏi về văn tự, khéo biết chẳng phải văn tự. Khéo nói, khéo chẳng nói. Khéo nơi một lời, hai lời và nhiều lời. Khéo biết tiếng nữ, tiếng nam. Khéo biết sắc cho đến thức. Khéo biết tánh thế gian, tánh Niết-bàn. Khéo biết các pháp tướng. Khéo biết tướng hữu vi, tướng vô vi, khéo biết pháp hữu, pháp vô. Khéo biết tự tánh, tha tánh. Khéo biết pháp hợp, pháp tan. Khéo biết pháp tương ưng, pháp chẳng tương ưng. Khéo biết Như và chẳng như. Khéo biết pháp tánh, pháp vị. Khéo biết duyên và không duyên. Khéo biết ấm, nhập và giới. Khéo biết bốn đế, khéo biết mười hai nhân duyên. Khéo biết bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng và bốn Định vô sắc. Khéo biết sáu pháp Ba-la-mật, bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí. Khéo biết tánh hữu vi, tánh vô vi. Khéo biết tánh có, tánh không. Khéo biết quán sắc, quán thọ, tưởng, hành, thức, cho đến quán Nhất thiết chủng trí. Khéo biết sắc tướng không của sắc, cho đến Bồ-đề tướng không của Bồ-đề. Khéo biết xả đạo và chẳng xả đạo. Khéo biết sinh và diệt. Khéo biết trụ và dị. Khéo biết dục, sân, si. Khéo biết chẳng dục, chẳng sân, chẳng si. Khéo biết kiến và bất kiến. Khéo biết tà kiến và chánh kiến. Khéo biết tất cả kiến. Khéo biết danh, khéo biết sắc, khéo biết danh sắc, khéo biết nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên. Khéo biết hành tướng, khéo biết khổ, khéo biết tập, khéo biết diệt, khéo biết đạo. Khéo biết địa ngục và đường đến địa ngục, khéo biết ngạ quỷ và đường đến ngạ quỷ, khéo biết súc sinh và đường đến súc sinh. Khéo biết người và đường đến cõi người, khéo biết trời và đường đến cõi trời. Khéo biết Tu-đàhoàn, quả Tu-đà-hoàn và đạo Tu-đà-hoàn.

Khéo biết Tư-đà-hàm, quả Tư-đà-hàm và đạo Tư-đà-hàm. Khéo biết A-na-hàm, quả A-nahàm và đạo A-na-hàm. Khéo biết A-la-hán, quả A-la-hán và đạo Ala-hán. Khéo biết Bích-chiphật, khéo biết Phật, Nhất thiết chủng trí và đạo của Nhất thiết chủng trí. Khéo biết các căn và đầy đủ các căn. Khéo biết tuệ, tuệ nhanh chóng, tuệ có năng lực, tuệ bén nhạy, tuệ xuất ly, tuệ thông đạt, tuệ rộng khắp, tuệ sâu xa, tuệ rộng lớn, tuệ không gì bằng, tuệ chân thật. Khéo biết đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Khéo biết phương tiện, khéo biết thuận chúng sinh. Khéo biết tâm, thâm tâm. Khéo biết nghĩa, khéo biết ngữ, khéo biết phải biết ba thừa.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, sinh Bát-nhã ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật được những lợi ích như vậy.