SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 63: HỌC BÌNH ĐẲNG

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là pháp bình đẳng của Đại Bồtát mà Bồ-tát phải học?

–Này Tu-bồ-đề! Nội không cho đến vô pháp hữu pháp không là pháp bình đẳng của Bồ-tát.

Sắc và không của tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức và không của tướng thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và tướng không của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là pháp bình đẳng của Bồ-tát.

Đó gọi là pháp bình đẳng của Đại Bồ-tát. An trụ trong pháp bình đẳng này mà Đại Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát vì sắc tận, vì sắc ly, vì sắc diệt, vì sắc bất sinh nên học, đó là học Nhất thiết chủng trí? Cho đến vì bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng: tận, ly, diệt và bất sinh nên học Nhất thiết chủng trí?

–Này Tu-bồ-đề! Vì sắc cho đến pháp Bất cộng: tận, ly, diệt và bất sinh nên học, đó là học Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như của sắc cho đến Như của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Như của Phật. Các như đó có tận, có diệt, có đoạn chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học như vậy là học Nhất thiết chủng trí, chẳng tác chứng, chẳng diệt, chẳng đoạn như vậy. Học như thế là Đại Bồ-tát học Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học như vậy là học sáu pháp Ba-lamật, học bốn Niệm xứ đến học pháp Bất cộng. Nếu học bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng, đó là học Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Học như vậy là cùng tận bờ mé của các môn học. Ma và thiên ma chẳng phá hoại được. Học như vậy thì thẳng đến địa vị không thoái chuyển. Học như vậy là học theo đường đã đi của Phật. Học như vậy thì được pháp che chở, là học đại Từ, đại Bi, là học thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Học như vậy là học ba lần chuyển mười hai hành pháp luân. Học như vậy là học độ chúng sinh. Học như vậy là học chẳng dứt dòng giống Phật. Học như vậy là học mở cửa cam lộ. Học như vậy là học muốn hiện bày tánh vô vi.

Này Tu-bồ-đề! Người thấp kém chẳng thể học được như vậy. Người học như vậy là vì muốn cứu vớt chúng sinh chìm đắm trong sinh tử.

Người học như vậy chẳng bao giờ đọa địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, chẳng bao giờ sinh ở biên địa, chẳng bao giờ sinh vào nhà Chiên Đà-la, chẳng bao giờ bị các tật điếc đui, câm ngọng, què thọt, các căn đầy đủ, quyến thuộc thành tựu, chẳng bao giờ cô độc, nghèo cùng.

Người học như vậy chẳng bao giờ sát sinh, cho đến chẳng bao giờ có kiến.

Người học như vậy chẳng sống theo tà mạng, chẳng gần người ác, người phá giới.

Người học như vậy, nhờ năng lực phương tiện nên chẳng sinh lên tầng Trời Trường Thọ. Thế nào là năng lực phương tiện? Như trong Bát-nhã ba-la-mật có nói: Đại Bồ-tát nhờ năng lực phương tiện mà nhập bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc mà chẳng theo Định vô sắc để thọ sinh.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học như vậy, đối với tất cả pháp được thanh tịnh, đó là thanh tịnh tâm Thanh văn, tâm Bích-chiphật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh thì sao Đức Phật dạy rằng Bồ-tát đối với tất cả pháp được thanh tịnh?

–Này Tu-bồ-đề, đúng như vậy! Tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh. Đối với các pháp đó, nếu Đại Bồ-tát tâm được thông đạt, chẳng mê mờ, đó chính là Bát-nhã ba-la-mật.

Các pháp như vậy, tất cả phàm phu chẳng biết, chẳng thấy.

Vì những chúng sinh đó mà Đại Bồ-tát thực hành Bố thí ba-lamật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, thực hành bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Học như vậy, Bồ-tát đối vói tất cả pháp được mười Trí lực, bốn Vô sở úy. Học như vậy để biết tâm xu hướng của tất cả chúng sinh.

Ví như trên quả đất, có ít chỗ xuất sinh ra vàng bạc, châu báu.

Cũng vậy, trong chúng sinh có ít người học được Bát-nhã ba-lamật, còn phần nhiều tu theo Thanh văn, Bích-chi-phật.

Ví như trong loài người, có ít người gieo nghiệp Chuyển luân thánh vương, còn người gieo nghiệp Tiểu vương thì nhiều.

Cũng vậy, một số ít chúng sinh thực hành Bát-nhã ba-lamật cầu Nhất thiết chủng trí, phần đông học đạo Thanh văn, đạo Bíchchi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Trong các Bồ-tát phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ít có người hành đúng như lời dạy, mà phần nhiều thực hành theo Thanh văn, bậc Bích-chiphật. Nhiều Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có năng lực phương tiện, nên ít người trụ vào địa vị không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Vì thế nên Đại Bồ-tát muốn trụ vào địa vị không thoái chuyển, muốn trụ trong số không thoái chuyển, phải học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc học Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát chẳng tham lam, căm giận, ngu si, biếng nhác, tán loạn, phá giới, chẳng sinh tâm lầm lỗi khác, chẳng chấp lấy tướng của sắc, chấp lấy tướng của thọ, tưởng, hành, thức, chẳng chấp lấy tướng của bốn Niệm xứ cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật này thì không có pháp để được. Vì không có pháp để được nên chẳng chấp lấy tướng.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa như vậy thì bao gồm tất cả ba-la-mật, làm cho các Ba-la-mật được thêm nhiều, các Ba-la-mật khác đều theo. Vì Bát-nhã bala-mật sâu xa này là chỗ vào của tất cả ba-la-mật.

Ví như trong ngã kiến bao gồm hết sáu mươi hai kiến. Cũng giống như vậy, Bát-nhã ba-la-mật này bao gồm hết các Ba-lamật.

Ví như người chết, vì mạng căn diệt nên các căn khác cũng đều diệt theo. Cũng giống như vậy, lúc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật sâu xa này thì các Ba-la-mật đều theo. Này Tu-bồ-đề! Muốn cho các Ba-la-mật được thành tựu rốt ráo, thì Đại Bồ-tát phải học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này. Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này thì vượt trên tất cả chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Trong cõi đại thiên, chúng sinh có nhiều chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Chúng sinh trong Diêm-phù-đề còn rất nhiều huống chi là trong cõi đại thiên.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu tất cả chúng sinh trong cõi đại thiên đồng thì được thân người, đều chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có vị Bồ-tát đem y phục, đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men cúng dường từng ấy Phật như vậy, do nhân duyên cúng dường đó có được phước nhiều chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều, rất nhiều!

–Này Tu-bồ-đề! Phước ấy không nhiều bằng thiện nam, thiện nữ học Bát-nhã ba-la-mật, ghi nhớ, thực hành đúng như lời dạy.

Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật có thế lực làm cho Đại Bồtát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn vượt trên tất cả chúng sinh thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn làm chỗ cứu hộ cho chúng sinh không được cứu hộ, muốn làm chỗ nương náu cho chúng sinh không có chỗ nương náu, muốn làm con đường rốt ráo cho chúng sinh không có đường rốt ráo, muốn làm mắt sáng cho chúng sinh mù lòa, muốn được công đức của Phật, muốn làm theo tự tại du hý của Phật, muốn làm tiếng rống sư tử của Phật, muốn dộng chuông Phật, lên tòa cao của Phật nói pháp, muốn dứt nghi cho tất cả chúng sinh thì phải học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa thì không công đức lành nào mà chẳng được.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát đó có được công đức như của Thanh văn, Bích-chi-phật hay chăng?

–Này Tu-bồ-đề! Đều có thể được cả, nhưng chẳng trụ trong đó, dùng trí quán xong liền nhập thẳng vào trong địa vị Bồ-tát.

Đại Bồ-tát học như vậy thì gần Nhất thiết chủng trí, mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đại Bồ-tát học như vậy thì làm ruộng phước cho tất cả Trời, Người, A-tu-la ở thế gian.

Học như vậy, thì Đại Bồ-tát vượt trên hàng Thanh văn, Bíchchi-phật, mau gần Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học như vậy thì gọi là chẳng bỏ, chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật, thường thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa như vậy, phải biết là Bồ-tát không thoái chuyển Bồ-tát, mau gần Nhất thiết chủng trí, rời bỏ Thanh văn, Bích-chi-phật, gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu

Đại Bồtát này nghĩ rằng: “Đây là Bát-nhã ba-la-mật, ta nhờ

Bát-nhã ba-lamật này mà được Nhất thiết chủng trí.” Nếu Bồ-tát có ý nghĩ như trên thì chẳng gọi là thực hành Bátnhã ba-la-mật.

Nếu Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà không nghĩ: “Đây là Bát-nhã ba-la-mật, đây là người có Bát-nhã ba-la-mật, đây là pháp Bát-nhã ba-la-mật, đây là người thực hành Bát-nhã ba-lamật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Nếu Bồ-tát chẳng có ý nghĩ như trên thì gọi là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghĩ rằng không có Bát-nhã ba-lamật ấy, không có người có Bát-nhã ba-la-mật ấy, không có thực hành Bát-nhã ba-la-mật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả pháp như, pháp tánh, thật tế thường trụ. Thực hành như vậy gọi là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.