SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 56-57
Phẩm 57: NHÂN DUYÊN NAN-ĐÀ XUẤT GIA
Một hôm, Đức Thế Tôn giáo hóa Thích tử Nan-đà xả tục xuất gia, nói về nhân duyên xuất gia, lại cũng ca ngợi nhân duyên xuất gia. Ngài nói:
-Này Nan-đà, lại đây! Ông nên đi xuất gia.
Nghe Đức Phật nói lời này rồi, Thích tử Nan-đà bạch Phật: -Bạch Đức Thế Tôn, con không xuất gia. Lý do tại sao? Vì con nguyện trọn đời đem bốn thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống và thuốc thang cúng dường cho Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo.
Đức Thế Tôn lại giáo hóa Nan-đà bằng cách tán thán công đức xả tục xuất gia…, thường nói nhân duyên xuất gia và cho đến dùng lời tán thán khuyên xuất gia.
Như vậy, đến lần thứ hai, lần thứ ba, mà Nan-đà không chịu xuất gia, vẫn nói:
-Con trọn đời đem bốn thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống và thuốc thang cúng dường cho Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian ngắn, Đức Thế Tôn sau khi thọ trai xong đem theo một thị giả, đi từ từ hướng về cung điện của Thích tử Nan-đà. Lúc ấy đồng tử Nan-đà cùng nàng Tôn-đà-lợi dạo chơi, ngồi trên lầu ngắm cảnh. Nan-đà ở trên lầu, xa xa trông thấy Thế Tôn hướng về cung điện mình, nên vội vã đứng dậy, xuống lầu nghinh tiếp Thế Tôn. Đến nơi, Nan-đà đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng về một bên và bạch Phật:
-Hay thay! Bạch Thế Tôn, Ngài từ phương xa nào đến đây? Cúi xin Thế Tôn rủ lòng vào nhà con, an tọa trên chỗ ngồi.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vào cung điện Nan-đà, ngồi trên tòa, an ủi ủy dụ Nan-đà. Ủy dụ xong, Ngài ngồi im lặng. Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài thọ sự cúng dường trai phạn. Con sẽ cho người sửa soạn đủ thức ăn sơn hào hải vị.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Ta thọ trai rồi, không nên dọn thức ăn nữa.
Đồng tử Nan-đà lại bạch Phật:
-Con có ít mật phi thời, Ngài có dùng được chăng?
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Tùy ý đồng tử.
Nan-đà bạch Phật:
-Dạ vâng, bạch Thế Tôn.
Nan-đà bưng bát mật phi thời dâng cho Thế Tôn. Thế Tôn lúc ấy không chịu tiếp lấy bát mật. Đồng tử Nan-đà lại đem bát mật trao cho thị giả của Đức Phật, nhưng vị thị giả cũng không tiếp lấy. Đức Thế Tôn cùng vị thị giả đứng dậy trở về rừng Ni-câu-đà, đồng tử Nan-đà cũng từ trên lầu bưng bát mật đi theo sau Phật.
Bấy giờ nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi đang chải đầu, thấy Nan-đà bưng bát mật đầy đi theo sau Phật, nàng vội cao giọng vọng gọi:
-Nan-đà ơi, Thánh tử muốn đi đâu đó?
Nan-đà tay chỉ vào bát mật mà nói:
-Đem bát mật này đến dâng cúng cho Đức Phật. Đến đó rồi, anh về liền.
Tôn-đà-lợi nói:
-Thánh tử mau về, không nên ở lâu bên đó.
Khi Đức Thế Tôn ra khỏi cung điện, Ngài vì Nan-đà nên đi khắp đó đây trên những ngã đường. Ý Phật là muốn tất cả dân chúng trong thành thấy Nan-đà bưng bát mật phi thời đi sau Như Lai.
Bấy giờ dân chúng thấy việc như vậy, đều nói với nhau: “Ngày nay Đức Thế Tôn đã quyết định khiến Nan-đà xả tục xuất gia.”
Khi về đến tự viện, Ngài đưa tay ra hiệu bảo một Tỳ-kheo đến tiếp lấy bát mật trong tay Nan-đà. Khi ấy vị Tỳ-kheo hiểu được ý Đức Phật, liền nhận bát mật từ tay Nan-đà. Lúc bấy giờ Nan-đà đảnh lễ dưới chân Phật và thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, con xin từ giã, muốn trở về nhà.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Ông không nên trở về.
Nan-đà lại bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con suy nghĩ không muốn xuất gia. Tại sao? Vì con nguyện trọn đời đem bốn việc cúng dường cho Phật và chúng Tỳ-kheo.
Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà.
-Cõi Diêm-phù-đề này, bề dọc rộng bảy ngàn do-tuần, hướng Bắc rộng rãi, hướng Nam chật hẹp, giống như thùng xe. Ví dụ trong đó chứa đầy chư vị La-hán nhiều như mía lau, mè, lúa… Có thiện nam hay thiện nữ nào trọn đời đem bốn sự cúng dường cho những vị La-hán này. Sau khi các vị La-hán này nhập Niết-bàn, họ lại xây tháp thờ xá-lợi, ở trên mỗi tháp trang trí phướn lọng và bảo linh, lại dùng hương hoa, đèn dầu… để cúng dường, ông nghĩ thế nào? Công đức của người thiện nam hay thiện nữ ấy có nhiều không?
Nan-đà đáp:
-Phước ấy rất nhiều.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:
-Nếu có người trọn đời đem bốn sự…, hoa hương, dầu, đèn… cúng dường chư vị La-hán trong cõi Diêm-phù-đề như trên. Nếu có người cúng dường một Đức Phật, thì quả báo cúng dường một Đức Phật hơn công đức cúng dường các vị La-hán ở trước.
Lại nữa, này Nan-đà, nếu người nào có thể vào trong giáo pháp của Phật, xuất gia chỉ được một ngày một đêm, tu hành phạm hạnh thanh tịnh, thì quả báo của người này hơn quả báo của người cúng dường Phật. Do vậy Nan-đà nên quyết định xuất gia, chớ nên tham hưởng thú vui ngũ dục ở đời.
Lại nữa, này Nan-đà, các dục lạc thú vị ít, đau khổ lại nhiều. Dục lạc vô thường nên đáng xa lìa. Dục lạc là gốc của đại khổ, là ung nhọt lớn, là gai nhọn độc, là sự ràng buộc của ách nạn lớn, là đại khổ não, là tướng tổn giảm, là tướng phá hoại, vô thường, không đứng yên, không kiên cố, nguy hiểm, dễ tan vỡ, nhiều sự sợ sệt, là khổ, là không, là không có tự chủ. Ông nay cần phải quán sát tội lỗi đau khổ của ngũ dục như vậy.
Này Nan-đà, ông đã tư duy rõ ràng về tội lỗi đau khổ của ngũ dục, thì chớ nên tham đắm.
Được nghe Thế Tôn nói những tội lỗi đau khổ của ngũ dục như vậy, trong tâm Nan-đà tuy không thích xuất gia, nhưng vì kính nể Đức Phật nên ông cúi đầu bái lạy, bạch Thế Tôn:
-Con sẽ xuất gia.
Thế Tôn đang đi kinh hành, liền đưa tay ra hiệu vẫy một Tỳ- kheo đến và bảo:
-Thầy hãy kêu một thợ cạo tóc đến đây.
Bấy giờ vị Tỳ-kheo này liền kêu một thợ cạo tóc ở trong chúng đến trước mặt Nan-đà. Khi người này cầm dao cạo, sắp sửa cạo tóc cho Nan-đà. Thì Nan-đà nắm tay đưa trước mặt thợ cạo và nói:
-Ngươi có oai đức gì mà dám cạo đầu ta?
Bấy giờ Đức Thế Tôn chánh ý chánh niệm bảo Nan-đà:
-Tỳ-kheo hãy đến đây! Ở trong pháp của Ta tu phạm hạnh, vì để dứt sạch các khổ.
Khi Đức Như Lai nói lời như vậy xong, râu tóc của Nan-đà liền tự rụng, giống như vị Tỳ-kheo vừa cạo râu tóc cách đây bảy ngày, thân tự nhiên đắp ca-sa, tay bưng bình bát đúng như pháp, liền được xuất gia thọ giới Cụ túc, thành vị Trưởng lão.
Nan-đà cũng có ba mươi tướng tốt không thiếu, thân thể sắc vàng nhưng thấp hơn Đức Phật bốn ngón tay, tuấn tú dễ thương, người trông không chán. Nan-đà sắm ca-sa giống như y của Phật, may rồi dùng mặc. Có Tỳ-kheo từ xa trông thấy Nan-đà đi đến, đều lầm tưởng là Phật, nên đứng dậy nghinh tiếp. Khi đến nơi mới biết chẳng phải Phật, họ trở lại chỗ ngồi. Vì lý do này các Tỳ-kheo chê trách, suy nghĩ: “Tại sao Trưởng lão Nan-đà sắm y giống như Phật mà dùng!.”
Các Tỳ-kheo này đến bạch Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, lập tức triệu tập đại chúng. Ngài hỏi Nan-đà:
-Thầy có may y Tăng-già-lê rộng bằng y của Phật mà dùng hay không?
Bấy giờ Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, việc này sự thật là như vậy.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Như vậy là không đúng pháp. Tại sao thầy mặc y Tăng-già-lê rộng như y của Phật vậy?
Đức Thế Tôn răn dạy, quở trách Nan-đà như vậy rồi tuyên bố với chúng Tỳ-kheo:
-Từ nay trở về sau, các thầy không được may y rộng như y của Phật mà mặc. Nếu ai vi phạm thì như pháp mà trị tội.
Bấy giờ Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn cấm hẳn không cho phép Tỳ-kheo dùng y rộng dài như Phật. Y của ta phải giặt ủi cho bóng láng để mặc.” Nan-đà liền ủi y bóng láng mà dùng, rồi lấy thuốc tô điểm đôi mắt và kẻ mi, trang điểm thân hình, chân mang giày da, tay phải bưng bát, tay trái cầm dù, đi đến bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con muốn vào làng để khất thực.
Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy chẳng phải có tâm chánh tín xả tục xuất gia hay sao?
Nan-đà đáp:
-Đúng như lời Thế Tôn nói, sự thật là như vậy.
Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:
-Thầy đã là kẻ thiện nam chánh tín, xả tục xuất gia. Tại sao ủi y phục bóng láng mà mặc? Lại vì việc gì trang điểm thân thể, dùng thuốc tô điểm đôi mắt, kẻ mày, chân mang giầy da, một tay bưng bát, một tay cầm dù, muốn đi khất thực? Lại nữa, này Nan-đà, nếu như thầy ở chỗ vắng vẻ, đi khất thực để sống mặc y phấn tảo, như vậy mới là điều tốt.
Đức Thế Tôn vì sự việc này nói kệ:
Khi nào Ta thấy được Nan-đà
Ở nơi vắng lặng thường khất thực
Tri túc thiểu dục dùng vật bỏ
Lại thích xa lìa các tướng dục?
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì sự việc này, tập họp chúng Tỳ-kheo và tuyên bố:
-Này các thầy, từ nay trở về sau, không được giặt ủi y bóng láng mà dùng. Nếu thầy nào mặc y bóng láng, sẽ y như pháp mà trị tội. Lại nữa, các thầy không được dùng thuốc tô điểm đôi mắt, kẻ mày và mang giầy da tốt. Lại cũng không được cầm bát mỏng, đẹp và cũng không được cầm đù đi vào thành, xóm làng khất thực. Nếu Tỳ-kheo nào phạm những điều như vậy, thì y như pháp mà trị.
Bấy giờ Nan-đà tuy bị Thế Tôn cấm hẳn các việc ủi y bóng láng, không được dùng thuốc tô mắt, kẻ mày, không được mang giầy da tốt, không được dùng bát mỏng, đẹp và không được mang dù. Nhưng vẫn còn nghĩ đến thế lực và thú vui của cuộc đời vua chúa, không chịu tuân theo giới cấm, lại mơ tưởng nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi, nghĩ đến sắc dục, không tu tập phạm hạnh, ý muốn xả giới hoàn tục. Vì lý do này, Nan-đà thường vẽ tượng nàng Tôn-đà-lợi.
Vào một hôm, Nan-đà đi đến chỗ vắng vẻ, lấy đất sét hay tấm ván vẽ hình Thích nữ Tôn-đà-lợi, ngắm nhìn cả ngày. Có Tỳ-kheo khác thấy được, sinh tâm chê trách, nói với Nan-đà:
-Tại sao Trưởng lão ở nơi vắng vẻ, lấy đất sét hay ván vẽ hình phụ nữ rồi ngắm nhìn trọn ngày như vậy?
Bấy giờ các Tỳ-kheo đem việc này bạch với Đức Phật. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này triệu tập các Tỳ-kheo. Ở trong chúng, Ngài hỏi Nan-đà:
-Thật sự thầy có ở chỗ vắng vẻ dùng đất sét hay ván vẽ hình phụ nữ rồi ngắm nhìn trọn ngày không?
Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, thật sự là như vậy.
Bấy giờ Đức Phật bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy làm việc như vậy là tốt chăng? Ôi, kẻ xuất gia làm Tỳ-kheo đâu được vẽ hình phụ nữ để ngắm nghía!
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, từ nay trở đi, các thầy không được vẽ hình phụ nữ, dầu là hình của người có thật hay là hình người do mình tưởng tượng. Do vì tâm dục, vẽ rồi ngắm nhìn. Nếu có thầy nào vẽ hình phụ nữ mà ngắm nhìn, thì mắc tội trái với giới luật.
Vào một lúc khác, Trưởng lão Nan-đà theo thứ lớp đến ngày trực trông coi tu viện. Nan-đà nghĩ thế này: “Như Lai chẳng bao lâu sẽ vào thành khất thực. Hôm nay ta trở về hoàng cung.” Khi ấy biết được tâm niệm Nan-đà, Thế Tôn gọi Trưởng lão Nan-đà đến và bảo:
-Này Nan-đà, nếu thầy muốn đi thì đóng các cửa phòng lại rồi mới đi.
Thế Tôn nói như vậy rồi, liền đi vào xóm làng khất thực. Trưởng lão Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn đã đi vào làng khất thực rồi, ta sẽ được trở về nhà.”
Khi ấy Nan-đà thấy cửa phòng Thế Tôn bỏ trống, nên nghĩ: “Ta đóng cửa phòng của Đức Thế Tôn, rồi sau đó mới trở về nhà.”
Cửa phòng của Thế Tôn đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Xá-lợi-phất chưa đóng, Nan-đà liền đi đến đóng cửa phòng của ngài Xá-lợi-phất. Cửa phòng cửa Xá-lợi-phất đóng rồi, lại thấy cửa phòng của Mục-kiền-liên bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của Mục-kiền-liên. Cửa phòng của Mục-kiền-liên đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Đại Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Đại Ca-diếp. Cửa phòng của Đại Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Đại Ca-chiên-diên bỏ
trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Đại Ca-chiên-diên. Cửa phòng của Đại Ca-chiên-diên đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Cửa phòng của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Na-đề Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Na-đề Ca-diếp. cửa phòng của Na-đề Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Già-da Ca-diếp bỏ trống. Nan-đà vội đi đến đóng cửa phòng của ngài Già-da Ca-diếp. Cửa phòng của Già-da Ca-diếp đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-ba-tư-na bỏ trống… Cửa phòng của Ưu-ba-tư-na đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Câu-hy-la bỏ trống… Cửa phòng của Câu-hy-la đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ma-ha Chiên-đà bỏ trông… Cửa phòng của Ma-ha Chiên-đà đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Lợi-ba- đa bỏ trống… Cửa phòng của Lợi-ba-đa đóng rồi, lại thấy cửa phòng của ngài Ưu-ba-ly-ba-đa bỏ trống…
Cứ tuần tự như vậy, cửa thứ nhất đóng, cửa thứ hai bỏ trống, cửa thứ ba đóng rồi thì cửa thứ tư bỏ trống. Nan-đà thấy đóng một cửa thì một cửa bỏ trống, nên nghĩ thế này: “Ta tội lỗi gì mà các Tỳ-kheo hành ta như vậy! Dầu là cửa đóng hay bỏ trống, ta sẽ bỏ đi về nhà, vì e rằng chẳng bao lâu nữa Thế Tôn trở về.” Nghĩ như vậy rồi, ông liền từ rừng Ni-câu-đà sắp sửa ra về.
Khi ấy Đức Thế Tôn bằng Thiên nhãn xem thấy, biết ý Nan-đà muốn rời khỏi khu rừng Ni-câu-đà. Như Lai thấy vậy liền ẩn thân nơi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, lập tức xuất hiện nơi rừng Ni-câu-đà. Khi ấy Nan-đà thấy Đức Phật có mặt trong rừng, liền vội ngồi núp dưới thân cây Ni-câu-đà lớn. Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng sức thần thông đưa vị đại thọ này lên hư không. Đức Phật thấy Nan-đà ngồi núp dưới gốc cây, Ngài hỏi:
-Này Nan-đà, hôm nay thầy muốn đi về đâu?
Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay con nhớ lại sự tự do khoái lạc của vương vị và lại nhớ Thích nữ Tôn-đà-lợi. Do vậy, chẳng thích tu phạm hạnh, ý muốn xả giới hoàn tục.
Nhân đây Đức Phật nói kệ:
Muốn ra khỏi rừng đã ra khỏi
Ra khỏi rừng rồi lại vào rừng
Thầy hãy quán sát người như vậy
Ra khỏi trói buộc, lại trói buộc.
Đức Thế Tôn vì Nan-đà nói kệ như vậy rồi, lại khuyên:
-Này Trưởng lão Nan-đà, thầy ở trong giáo pháp của Ta, phải phát tâm siêng năng tinh tấn, tu các phạm hạnh để diệt trừ các đau khổ.
Đức Thế Tôn đã giáo hóa Nan-đà như vậy nhưng Nan-đà vẫn không quên lạc thu về ngũ dục ngày trước và sự khoái lạc thỏa thích của vương vị, vẫn còn mơ tưởng nàng Tôn-đà-lợi, không thích chánh pháp tu theo phạm hạnh, muốn xả giới trở về hoàng cung.
Vào một hôm, có vị đại trưởng giả thỉnh Đức Phật cúng dường trai phạn. Hôm ấy cũng nhằm phiên Nan-đà giữ Già-lam. Lúc ấy Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn nhận lời mời của trưởng giả. Khi Ngài vào làng thọ trai, thì ta sẽ trở về hoàng cung.”
Biết tâm niệm của Nan-đà nên Đức Thế Tôn bảo:
-Này Nan-đà, nay thầy phải biết đến lúc rưới nước quét dọn vườn chùa và phải lấy đầy nước những bồn rửa của Tỳ-kheo.
Nói như vậy rồi, Đức Phật đi vào xóm làng để chứng trai theo lời mời trước.
Lúc ấy Trưởng lão Nan-đà suy nghĩ: “Thế Tôn nhận lời thỉnh, đi vào làng dự hội. Ta có thể tự do về nhà.” Nan-đà nghĩ như vậy, thấy trước phòng Như Lai nhiều đất dơ bẩn nên lại suy nghĩ: “Ta trước tiên đến quét dọn phẩn uế rồi sau đó trở về hoàng cung.”
Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà cầm chổi quét dọn trước phòng của Như Lai. Khi Nan-đà quét dọn bên này thì gió thổi cỏ rác tấp phủ nửa bên kia, nên phải quét trở lại. Bấy giờ Nan-đà nghĩ: “Ta thôi quét dọn, trước phải lấy đầy nước tất cả bồn rửa của chúng Tăng, sau mới quét sân.”
Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà đem tất cả bồn rửa của chúng Tăng đến giếng lấy đầy nước. Khi những bồn đã đựng đầy nước thì bị lật úp. Khi ấy Nan-đà lại nghĩ: “Ta làm sao quét sạch và lấy nước đầy các bồn được, như Lai không bao lâu sẽ trở về, ta nên mau mau trở về hoặng cung.” Nghĩ như vậy rồi, Nan-đà liền từ rừng Ni-câu-đà sắp trở về hoàng cung.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thọ trai tại nhà trưởng giả, Ngài dùng Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt loài người, xem thấy Nan-đà đang từ rừng Ni-câu-đà sắp đi về nhà. Thấy vậy rồi, Ngài hóa một thân khác, từ nhà trưởng giả trong nháy mắt hiện ở rừng Ni-câu-đà, đứng trước mặt Trưởng lão Nan-đà.
Lúc ấy Nan-đà ở xa trông thấy Thế Tôn sắp đến gần mình, liền trèo lên bờ gộp cao lớn, rồi trèo xuống ngồi núp mình trong eo trũng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng sức thần thông biến bờ núi cao kia thành vùng đất bằng phẳng như bàn tay, Ngài thấy Nan-đà ngồi như vậy, mới bảo:
-Thầy ngồi ở đây để làm gì?
Nan-đà bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, con đã hứa với nàng Tôn-đà-lợi là con sẽ trở về nhà. Nay con nghĩ rằng không nến để mình trở thành kẻ nói dối. Do vậy, con muốn trở về nhà.
Đức Phật bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy cần gì phải gặp Tôn-đà-lợi, thân nàng như da gói lấy xương, bên trong chứa đầy các thứ tủy, não, máu, mủ, phẩn tiểu, giống như hố xí, thật đáng ghê tởm! Thầy cần phải xa lìa.
Này Nan-đà, Ta nói đại khái, mỗi một chúng sinh cùng với vợ mình chung sống tiết ra đồ bất tịnh nhiều hơn nước biển cả, mà cũng không biết lấy làm đủ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, nói kệ:
Muốn ra khỏi rừng, đã ra khỏi
Ra khỏi rừng rồi, lại vào rừng
Thầy hãy quan sát người như vậy
Ra khỏi trói buộc, lại trói buộc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn giáo hóa Nan-đà, Ngài dạy:
-Này Nan-đà, thầy đang ở trong giáo pháp của Ta, tự do vui vẻ tu phạm hạnh thanh tịnh, là do muôn dứt tất cả khổ.
Lúc ấy Nan-đà tuy được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giáo hóa như vậy mà vẫn không ưa thích tu phạm hạnh nên cùng với Lục quần Tỳ-kheo kết làm bè bạn, thường lui tới bàn luận, từ sáng đến tối nói toàn chuyện tà mạng xâu xa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy Nan-đà làm việc như vậy, nên suy nghĩ: “Ngày nay Nan-đà đã học theo đám Lục quần Tỳ-kheo, sợ tổn hại công đức hạnh nghiệp. Ta nên cắt đứt không cho Nan-đà giao du với họ.”
Ngài nghĩ như vậy rồi, liền bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy đến đây, Ta cùng thầy đi vào thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô.
Nan-đà bạch Phật:
-Dạ vâng, như lời Thế Tôn dạy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Nan-đà đi vào thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, lần lần đi đến cửa hàng bán cá. Khi ấy Thế Tôn thấy có đến trăm con cá hôi thôi trải trên tấm chiếu cỏ tại gian hàng. Thấy rồi, Ngài bảo Nan-đà:
-Nan-đà lại đây, thầy hãy cầm một cọng chiếu cỏ phơi cá. Nan-đà trả lời:
-Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ làm như lời Ngài dạy.
Nói lời ấy rồi, Nan-đà liền rút một cọng cỏ hôi tanh dưới tấm chiếu phơi cá nơi gian hàng. Khi Nan-đà cầm cọng cỏ tranh nơi tay rồi, Đức Phật lại bảo:
-Thầy cầm một lát rồi ném xuống đất.
Nan-đà bạch Phật:
-Y như lời Thế Tôn dạy.
Khi ấy Nan-đà nắm cọng cỏ tranh hôi tanh đứng trong thời gian ngắn, rồi ném xuống đất. Lúc ấy Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy hãy ngửi tay của thầy.
Nan-đà liền ngửi bàn tay mình. Đức Phật lại hỏi:
-Này Nan-đà, thầy thấy bàn tay có mùi gì?
Trưởng lão Nan-đà đáp:
-Thưa Thế Tôn, chỉ có một mùi hôi thối bất tịnh.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Người nào gần gũi bạn xấu, cùng với họ kết làm bạn bè, giao du với nhau thì tuy kết bạn trong thời gian ngắn, sau do huân tập việc xấu, khiến cho tiếng xấu đồn xa.
Đức Thế Tôn nhân việc này mà nói kệ:
Từ tấm chiếu cỏ để phơi cá
Dùng tay rứt lấy cọng cỏ lát
Tay người bị thổi mùi cá chết
Gần gũi bạn xấu cũng như vậy.
Rồi một hôm, Đức Thế Tôn cùng Trưởng lão Nan-đà đồng đi đến hàng bán hương liệu, thấy nhiều túi hương ở nơi gian hàng. Thấy vậy, Ngài bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy hãy cầm lấy túi hương nơi gian hàng này. Nan-đà y theo lời Phật dạy, cầm lấy các túi hương nơi cửa hàng. Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy cầm túi hương này trong chốc lát rồi để nó xuống.
Nan-đà nghe Đức Phật bảo như vậy, đưa tay cầm lấy túi hương trong phút chốc rồi để xuống. Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy hãy ngửi bàn tay thầy.
Nghe Đức Phật bảo, Nan-đà liền ngửi bàn tay mình. Đức Phật hỏi Nan-đà:
-Thầy ngửi bàn tay thấy có mùi gì?
Nan-đà đáp:
-Bạch Đức Thế Tôn, bàn tay có mùi thơm dễ chịu vô cùng.
Đức Phật bảo Nan-đà:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu người gần gũi bạn tốt, thường từng sống chung với hạng người này, nhờ đó mà được ảnh hưởng. Do gần gũi với nhau, tiếng tốt nhất định sẽ vang lừng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân đây mà nói kệ:
Tay ai cầm lấy hương trầm thủy
Hoắc hương, xạ hương, các thứ hương
Cầm hương chốc lát người cũng thơm
Gần gũi bạn lành cũng như vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ra khỏi thành Ca-tỳ-la Bà-tô-đô, về đến rừng Ni-câu-đà. Vì lý do này, Đức Phật tập hợp chúng Tỳ-kheo, bảo Nan-đà:
-Này Nan-đà, thầy đừng gần gũi lục quần Tỳ-kheo, không nên cùng với họ kết làm bạn bè. Vì sao? Người nào gần gũi bạn xấu như vậy, hoặc kết làm bạn bè, thì cùng làm việc với nhau, hoặc theo họ làm tất cả các sự việc xấu. Nếu gần gũi các người xấu thì tiếng xấu sẽ đồn khắp trong thế gian.
Này Nan-đà, nếu muốn tìm bạn thân tốt thì thầy nên gần gũi các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ca-chiên-diên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Ưu-ba-tư- na, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Tôn-đà, Ly-bà-đa… Ta khuyên thầy nên gần gũi, tùy thuận và phục vụ các Tỳ-kheo ấy. Tại sao? Nếu gần gũi bạn tốt, thân thiện phục vụ, thì tuy chưa chứng được sự lợi ích, nhưng giao du với nhau thì tiếng tốt sẽ được đồn khắp trong thế gian.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân đây nói kệ:
Người nào gần gũi với bạn xấu
Hiện tại không được nghe tiếng khen
Bởi vì gần gũi với bạn xấu
Tương lai sẽ đọa ngục A-tỳ.
Nếu người gần gũi với bạn tốt
Tùy thuận theo họ việc làm việc thiện
Tuy chưa chứng đắc lợi thế gian
Nhưng trong tương lai sẽ hết khổ.
Tuy được Thế Tôn dùng lời tốt đẹp giáo hóa, nhưng Nan-đà vẫn tham luyến thú vui phóng dật nơi vương triều, mơ tưởng dục lạc nơi nàng Tôn-đà-lợi, đối với Phật pháp không ưa thích, muốn bỏ phạm hạnh, xả giới hoàn tục.
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm Nan-đà như vậy, Ngài nghĩ: “Nan-đà này phiền não quá mạnh, không thể giáo hóa bằng cách bình thường mà phá được phiền não ấy. Ta phải dùng phương tiện giống như người đời: Dùng lửa diệt lửa, dùng độc trị độc.”
Đức Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, dùng thần lực nắm tay Nan-đà, ẩn thân khỏi rừng Ni-câu-đà, xuất hiện đứng trên đỉnh núi Hương túy. Bấy giờ ở núi này, do gió thổi hai cây cọ sát nhau, phát ra lửa đốt cháy khu rừng, tỏa ra khói lửa rất nóngể Trong núi này có nhiều khỉ vượn số đến năm trăm con, chúng bị lửa đốt cháy lông, nằm lăn thân trên đất để tắt lửa.
Lúc ấy Đức Thế Tôn thấy ở trong đàn vượn có một con vượn cái mù đôi mắt lấy tay phủi lửa trên thân, nên bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy có thấy con vượn cái mù mắt, ở trong đàn vượn, đang dùng tay phủi lửa trên thân không?
Nan-đà bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con đang thấy việc ấy.
Đức Thế Tôn lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Ý thầy nghĩ thế nào? Nàng Tôn-đà-lợi nhan sắc kiều diễm dễ thương, so với con vượn cái già này, ai đẹp hơn?
Nan-đà hướng về Thế Tôn xịu mặt im lặng không trả lời. Đức Thế Tôn lại nắm tay Nan-đà, ẩn thân nơi núi Hương túy, đi đến cõi trời Ba mươi ba, đứng dưới cây Ba-lợi-chất-đa. Dưới gốc cây này có một tảng đá lớn tên là Bà-nô-câm-ma-la (nhà Tùy dịch là Huỳnh hạt). Khi ấy vua Đế Thích đang đi du ngoạn trong vườn Y-ca-phân- đà-lợi cùng với năm trăm Cung nhân thể nữ, ca nhạc hầu hạ xung quanh.
Thấy vua Đế Thích nơi hoa viên Y-ca-phân-đà-lợi có đem theo năm trăm thể nữ, đang vui chơi ca nhạc, Đức Thế Tôn bảo Nan-đà:
-Thầy có thấy năm trăm thể nữ dạo chơi, ca múa, xướng hát hay không?
Nan-đà bạch Đức Thế Tôn:
-Nay con có thấy.
Đức Thê Tôn lại bảo Nan-đà:
-Ý thầy nghĩ thế nào? Nàng Thích nữ Tôn-đà-lợi đẹp hay là năm trăm thể nữ này đẹp?
Trưởng lão Nan-đà bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, nếu đem con vượn cái già mù mắt so với Tôn-đà-lợi thì không bằng một phần trăm, cho đến một phần ngàn, cho đến một phần trăm ngàn, hay dùng toán số thế gian cũng không thể so sánh được. Nếu đem nàng Tôn-đà-lợi so với năm trăm thể nữ này thì gấp trăm lần, gấp ngàn lần cũng không bằng, cho đến gấp trăm ngàn lần, hay toán số thế gian cũng khổng thể so sánh được. Con không thể làm cách nào so sánh được.
Đức Phật lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Thầy có thích cùng với các thể nữ này vui chơi không?
Nan-đà vui mừng hớn hở bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, ý con thật muốn cùng với năm trăm thể nữ này vui chơi hoan lạc.
Đức Phật lại bảo Nan-đà:
-Thầy không thể dùng thân phàm để cùng các Thiên nữ hưởng lạc. Nếu muốn vậy, thầy phải hoan hỷ ở trong pháp của Ta tu phạm hạnh. Ta sẽ cho thầy biết: Ngày nay nếu thầy tùy thuận theo pháp của Ta, tu hành thanh tịnh, sau khi qua đời, vào đời sau quyết định sẽ thọ báo thân sinh ở cõi này, cùng với năm trăm Thiên nữ vui chơi, hưởng lạc.
Nan-đà nghe Đức Phật dạy như vậy, vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, bạch Phật:
-Con xin từ nay trở đi, ở trong giáo pháp của Đức Phật ham thích tu phạm hạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con ngày nay đã có báo thân này, con thật sự muốn vào đời vị lai sinh nơi thế giới này để cùng với năm trăm Thiên nữ ấy hưởng lạc.
Đức Thế Tôn nắm lấy tay Trưởng lão Nan-đà biến mất nơi cõi trời Ba mươi ba, trở về rừng Ni-câu-đà. Khi ấy Nan-đà nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn đã hứa cho ta ở đời vị lai cùng năm trăm Thiên nữ kia thọ hưởng thư vui.” Vì vậy, Nan-đà đem hết thân tâm chánh niệm tu phạm hạnh thanh tịnh, điều phục cấc căn, tiết chế ăn uống, đầu hôm cuối hổm tụng kinh hành thiền, dũng mãnh tinh tấn, không cùng với người khác đàm luận giỡn cười, tâm không rộn ràng dao động, miệng không nói lời thêu dệt, phát hạnh tinh tấn, giữ bốn oai nghi, ưa ở chỗ vắng lặng, điều phục các căn, thành tựu chánh niệm vi diệu tối thắng.
Thuở ấy Nan-đà muốn quán phương Đông, thân tâm an định, ý chí dũng mãnh, đã được chánh niệm rồi mới bắt đầu quán phương Đông. Trong khi quán như vậy không có sầu não, không có tối tăm, với các pháp bất thiện luôn luôn quán sát không bị rơi vào, cũng không bị mê hoặc.
Khi muốn quán phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương trên, phương dưới, thân tâm cũng an định, ý chí dũng mãnh. Khi quán các phương cũng không bị sầu não, tốì tăm, đốì với các pháp bất thiện luôn luôn quán sát không bị rơi vào, cũng không mê hoặc như trên.
Bấy giờ có các Tỳ-kheo đồng tu với Nan-đà nói:
-Này Trưởng lão Nan-đà, tại sao trước kia Trưởng lão không thúc liễm các căn, đối với sự ăn uống không biết tiết chế, thường tìm cầu đồ ngủ: giường nằm, mền nệm tuyệt hảo, ngủ nghỉ li bì không biết nhàm chán, hoặc có khi thì cười cợt vui đùa, tâm ý không an định, ăn nói ngang trái thêu dệt, chưa từng biết tinh cần, luôn luôn giải đãi, cũng không có chánh niệm, phần nhiều xao lãng, đánh mất oai nghi, không có thiền định, không được nhiếp tâm, các căn phóng dật… không thể kể xiết. Mà ngày nay Trưởng lão điều phục các căn, ăn uống tiết lượng, đầu hôm cuối hôm không từng ngủ nghỉ, lại không ngông nghênh, thúc liễm thân tâm, lại không nói thêm bớt, tinh tấn dũng mãnh, chánh niệm siêng năng, đã được thiền định, tâm không phóng dật, các căn không buông lung… ngày nay vì sao Trưởng lão được như vậy?
Bấy giờ Nan-đà thưa các Tỳ-kheo:
-Này các vị Trưởng lão, các vị phải biết, Đức Thế Tôn nói với ta rằng nếu muôn đời sau sống chung với năm trăm Thiên nữ đẹp ở cõi trời Ba mươi ba vui chơi hoan lạc thì nên siêng năng tu phạm hạnh trong giáo pháp của Ngài.
Bấy giờ các Tỳ-kheo thân hữu đồng hành của Nan-đà nhạo cười chế diễu, nói với nhau:
-Trưởng lão Nan-đà ra sức làm thuê cho Thế Tôn, ở trong giáo pháp của Ngài siêng năng tu phạm hạnh để mưu cầu quả báo tương lai. Sở dĩ Nan-đà ở trong giáo pháp của Phật tu phạm hạnh chỉ vì mưu cầu đời tương lai sông chung với năm trăm Thiên nữ đẹp mà thôi.
Từ đó về sau, các Tỳ-kheo bạn hữu Nan-đà thường gọi Nan-đà là người làm thuê.
Thuở ấy, Đức Thế Tôn thấy Nan-đà đã vì các Thiên nữ mà tu các phạm hạnh, Ngài cầm tay Nan-đà biến mất nơi rừng Ni-câu-đà, đi vào đại địa ngục. Ở đây, Đức Phật thấy dưới chảo đồng lửa đốt cháy phừng phực, chảo bị nung đỏ như lửa. Thấy vậy, Ngài bảo Nan-đà:
-Thầy đến hỏi các ngục tốt kia là chảo đồng này vì ai mà nấu sôi như vậy?
Trưởng lão Nan-đà nghe Đức Phật bảo như vậy, liền bạch:
-Thưa Thế Tôn, y như lời Ngài dạy.
Nan-đà đi đến chỗ các ngục tốt hỏi:
-Chảo đồng lớn này vì ai mà nấu sôi như vậy?
Ngục tốt trả lời Nan-đà:
-Đức Phật có người em con di mẫu tên là Nan-đà. Vì người ấy mà nấu đốt chảo này.
Nan-đà lại hỏi:
-Các ông không nghe Như Lai ngày trước có hứa với Nan-đà là nếu muốn thọ hưởng lạc thú với năm trăm Thiên nữ thì nên tu phạm hạnh, sau sẽ sinh lên cõi trời thứ Ba mươi ba hay sao?
Các ngục tốt nói:
-Đúng vậy! Đúng vậy! Chúng tôi đã biết như vậy. Nhưng chúng tôi lại nghe rằng người ấy sau khi sống trên cõi trời Ba mươi ba bị đọa lạc sẽ đầu thai nơi xứ này.
Bấy giờ Nan-đà nghe nói như vậy hết sức sợ sệt, toàn thân dựng chân lông, suy nghĩ: “Theo tuần tự rồi ta sẽ bị cái khổ này. Vậy ta không cần quả báo thọ hưởng thú vui với năm trăm Thiên nữ đẹp.”
Lúc ấy Đức Thế Tôn nắm tay Trưởng lão Nan-đà biến mất nơi địa ngục, lại xuất hiện nơi rừng Ni-câu-đà.
Thuở ấy Nan-đà bị các bạn hữu gọi là người làm thuê cho Phật, bị trêu ghẹo chế diễu, chê cười, lại thêm thấy cảnh địa ngục nên Nan-đà lấy làm xấu hổ lo sợ, sinh nhàm chán, tự ăn năn hối cải, tìm chỗ vắng vẻ, đi đứng thiền tọa một mình, lại không còn phóng dật, tinh tấn dũng mãnh.
Người thiện nam chánh tín xả tục xuất gia, cầu phạm hạnh hết sức tinh tấn, tu các phạm hạnh ấy rồi, thì các lậu dứt sạch, thân chứng thần thông, tự xướng lên: “Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, dứt sạch sinh tử, không còn thọ thân đời sau.” Vị ấy chứng quả A-la-hán, tâm được giải thoát. Trưởng lão Nan-đà này cũng như vậy.
Sau khi chứng quả A-la-hán, Nan-đà mới đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi về một bên, lại bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin trả lại cái ân mà Phật đã hứa ngày trước. Ngày trước con nhận lấy lời nói của Như Lai chính là vì năm trăm Thiên nữ đẹp. Vậy con xin Thế Tôn từ bỏ việc ấy.
Bấy giờ Đức Phật lại bảo Trưởng lão Nan-đà:
-Chẳng phải đến ngày nay Ta mới xả bỏ việc ấy cho ông, mà từ khi ông bắt đầu xướng lên: “Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thân đời sau”, ngay khi ấy Ta đã xả bỏ việc ấy cho ông rồi.
Khi ấy các Tỳ-kheo cùng sống với Nan-đà chưa biết Nan-đà đã dứt sạch các lậu, nên vẫn đối xử với Nan-đà như ngày nào như diễu cợt, biếm nhẽ, nói thế này: “Trưởng lão Nan-đà ở nơi Thế Tôn để làm thuê vì cầu quả báo, muốn sống chung với năm trăm Thiên nữ đẹp, nên siêng tu phạm hạnh.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Các Tỳ-kheo này chưa biết Nan-đà đã dứt sạch các lậu, vẫn đối xử như khi còn các lậu, như rêu rao: “Trưởng lão Nan-đà chỉ vì năm trăm Thiên nữ đẹp mà tu phạm hạnh.” E rằng các thầy này mắc những tội lỗi. Hôm nay, Ta nên ở trước đại chúng tuyên bố việc Nan-đà đã dứt sạch các lậu.”
Đức Thế Tôn do nhân duyên này cho nhóm họp tất cả Tỳ-kheo Tăng mà tuyên bố:
-Này các Tỳ-kheo, nếu người ta nói: có nam tử tốt đẹp nào, thì Nan-đà chính là người ấy. Nếu có người nào tuấn tú cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đại dũng mãnh nào, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người thân thể dịu dàng, lại cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người các căn vắng lặng không tán loạn nào, lại cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đối với sự ăn uống biết tiết chế, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người đầu hôm cuối đêm không ngủ nghỉ nào, thì cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà ngày nay. Nếu họ nói có người nào sinh từ ba chủng tộc thanh tịnh thì cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu họ nói có người chứng sáu phép thần thông nào, thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này. Nếu nói có người được tám định giải thoát nào thì cũng là Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.
Đức Thế Tôn cũng bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn thì Tỳ-kheo Nan-đà này là bậc nhất.
Lúc ấy các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, như vậy Tỳ-kheo Nan-đà này đời trước đã trồng căn lành gì, nhờ căn lành ây mà ngày nay sinh trong nhà họ Thích hết sức giàu sang, của cải rất nhiều, thân thể đẹp đẽ dễ thương, đến nay được Thế Tôn thọ ký: ‘Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn bậc nhất là Tỳ-kheo Nan-đà này.”?
Nghe các Tỳ-kheo hỏi như vậy, Đức Phật bảo:
-Này các Tỳ-kheo, Ta nhớ đời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, thuở ấy có một Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi, Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Kinh đô, nơi vua ở tên là Bàn-đồ-ma-để. Bấy giờ Đức Phật Tỳ-bà-thi cùng với chúng Tỳ-kheo sáu ngàn người đều là bậc A-la-hán, ngự trong thành này. Vị vua thuở ấy tên là Bàn-đầu. Vua tôn trọng, cung kính cúng dường Đức Phật và chưng Tỳ-kheo đủ các thứ y phục, đồ nằm, thức ăn uống, thuốc thang và phòng xá.
Thuở ấy, trong thành Bàn-đầu-ma-để có một đồng tử Bà-la-môn xây cất căn phòng tắm ấm, cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng sử dụng. Đồng tử Bà-la-môn thấy các Tỳ-kheo từ phòng tắm ấm đi ra, thân thể thanh tịnh, hết sức thơm tho trong sạch, không chút mùi hôi. Thấy vậy vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, đồng tử phát tâm: “Nguyện ở đời vị lai, thân tôi được thanh tịnh, không có chút cấu uế, hôi hám, giống như thân các Tỳ-kheo này, thanh tịnh thơm tho không chút mùi hôi.”
Sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nhập Niết-bàn, nhà vua Bàn-đầu xây tháp bằng bốn thứ báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê để thờ xá-lợi Phật. Lúc ấy đồng tử Bà-la-môn chỉ huy công trình xây tháp. Sau khi xây tháp xong, đồng tử phát nguyện: “Ở đời vị lai tôi thường được gặp Đức Thế Tôn như thế này. Bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi đều lãnh hội, chứng biết không trái pháp ấy. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh các đường ác.” Do vậy sau khi đồng tử này qua đời, thường sinh lên cõi trời hay trong nhân gian. Sau đó, có đời đồng tử ấy sinh vào nhà trưởng giả đại phú, được cha mẹ nuôi dưỡng, lần lần lớn khôn, mọi mặt đều được thành tựu.
Thuở ấy, nhà của đồng tử có một vị Bích-chi-phật làm vị thầy trong nhà nên thường lui tới. Vị Bích-chi-phật ấy đoan chánh dễ thương, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu. Đồng tử thường đem bốn việc cúng dường cho Bích-chi-phật suốt đời không thiếu. Vị Bích-chi-phật mãn tuổi thọ, sau đó nhập Niết-bàn.
Bấy giờ trưởng giả thấy vị Bích-chi-phật nhập Niết-bàn, đem thi hài đủng như pháp làm lễ hỏa thiêu, thâu xá-lợi, dùng đất đá xây tháp và tô tro bùn bên ngoài. Trên tháp, trưởng giả treo các chuỗi anh lạc để trang nghiêm, rồi phát lời thệ nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai gặp được Đức Bích-chi-phật Thế Tôn như vậy và giáo pháp của Ngài thuyết giảng, tôi nghe rồi liền được chứng ngộ, ghi nhớ không quên. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh vào các đường ác. Cũng nguyện thân tôi đoan chánh dễ thương, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu, được mọi người trông thấy hoan hỷ, không biết chán, như vị Đại tiên này.”
Trưởng giả ấy sau khi qua đời, chưa từng sinh vào các đường ác, luôn luôn sinh vào cõi trời, người, lưu chuyển như vậy trong một thời gian lâu, sau lại sinh làm con vua Cát-lợi-thi (nhà Tùy dịch là Sậu Tế) ở nước Ba-la-nại. Thuở ấy có Đức Phật hiệu là Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Thế Tôn ấy tùy cơ trụ ở đời rồi sau đó diệt độ.
Bấy giờ vua Cát-lợi-thi dùng toàn bảy báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích chân châu, san hô và mã não để xây tháp. Bên ngoài tháp được xây bằng gạch lớn. Tháp này cao một do-tuần, ngang dọc Đông, Tây rộng nửa do-tuần. Có khấc bài minh gọi là Đạt-xá-bà-lăng-ca (nhà Tùy dịch là Thập tướng).
Lúc bấy giờ vua Cát-lợi-thi có bảy vương tử, họ đồng tâu vua: “Lành thay! Tâu Đại vương, xin phụ vương biết cho, chúng con muốn mỗi người cúng một chiếc lọng lớn để che lên trên tháp xá-lợi của Đức Phật Ca-diếp Thế Tôn Như Lai Vổ Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lành thay! Tâu Đại vương, xin ngài cho phép.”
Nhà vua bảo: “Ta cho phép, tùy ý các con.”
Bấy giờ bảy vương tử, mỗi người làm một chiếc lọng: Hoặc bằng vàng, hoặc bằng bạc, bằng mã não… che trên tháp.
Vị vương tử thứ hai trong số bảy vương tử làm chiếc lọng bằng vàng che trên tháp và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai thường gặp được Đức Bích-chi-phật Thế Tôn. Những giáo pháp của Ngài dạy, tôi nguyện được lãnh hội, nhớ mãi không quên. Nguyện đời đời kiếp kiếp không sinh vào các đường ác và nguyện được sắc thân như vàng.”
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, nếu ai phân vân về đồng tử Bà-la-môn ở trong thành Bàn-đầu-ma lúc ấy cúng dường phòng tắm ấm cho Đức Phật và chúng Tăng và phát nguyện: “Ở đời vị lai được thân thanh tịnh, thơm tho không cấu uế, giống như những Tỳ-kheo ấy”, rồi sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác diệt độ, đồng tử này xây tháp cung dường, thì các vị chớ nghĩ gì khác, đồng tử đó tức là tiền thân của Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai có tâm nghi ngờ vị trưởng giả trọn đời cúng dường vị Bích-chi-phật, rồi sau khi vị Bích-chi-phật diệt độ, trưởng giả dùng đất đá, tro xây tháp và các chuỗi anh lạc trang hoàng cúng dường xá-lợi, lại nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai được báo thân đoan chánh, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu không thiếu, giống như vị Tiên nhân Bích-chi-phật này”, đó là người nào? Các thầy chớ phân vân gì khác, trưởng giả này cũng là tiền thân của vị Tỳ-kheo Nan-đà này.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai phân vân vị vương tử thứ hai của vua Cát-lợi-thi, vì Đức Phật Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác làm một chiếc lọng bằng vàng che trên tháp, chớ có nghi ngờ gì khác, vương tử đó cũng là tiền thân của Tỳ-kheo Nan-đà này.
Tỳ-kheo Nan-đà thuở xưa đã vì Đức Phật Tỳ-bà-thi và chúng Tỳ-kheo xây nhà tắm ấm, đúng như pháp cúng dường và nhân đó phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được thân thanh tịnh, thơm tho, không cấu uế, giống như thân các Tỳ-kheo ấy.”
Tỳ-kheo Na-đà lại trọn đời cúng dường Đức Bích-chi-phật Thế Tôn, sau khi Đức Bích-chi-phật Thế Tôn diệt độ, dùng đất đá tro xây tháp và các chuỗi anh lạc trang nghiêm cúng dường xá-lợi và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được báo thân đoan chánh, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu không thiếu, giống như thân Tiên nhân này vậy.”
Đối với tháp xá-lợi của Đức Phật Ca-diếp Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vị ấy làm một chiếc lọng toàn bằng vàng che lên trên và phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai được sắc thân như vàng ròng.” Nhờ nghiệp duyên ấy, vị ấy ngày nay được sắc thân màu vàng, đoan chánh, đủ ba mươi tướng đại trượng phu.
Lại thuở ấy, Tỳ-kheo Nan-đà đã phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai không sinh vào các đường ác.” Nhờ nghiệp báo phát nguyện này nên không sinh vào các ác đạo, thường được sinh lên cối trời hay trong nhân gian.
Lại thuở trước, vị ấy đã coi xây tháp thờ xá-lợi Phật Tỳ-bà-thi Như Lai Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trọn đời đem bốn sự cúng dường cho Đức Bích-chi-phật; nhờ nhân duyên nghiệp báo ây, ngày nay được sinh trong nhà họ Thích.
Lại thuở ấy Tỳ-kheo Nan-đà đã khởi tâm phát nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai được gặp Đức Thế Tôn như vậy, hoặc hơn thế nữa. Đối với các giáo pháp mà Đức Thế Tôn ấy nói ra, tôi nguyện nghe rồi mau được giải ngộ. Nhờ sức nghiệp báo nhân duyên đó, ngày nay vị ấy được gặp được Ta và xuất gia thọ giới Cụ túc, lại được Ta thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, nếu muốn biết hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn hơn hết là ai? Đó là Tỳ-kheo Nan- đà này vậy.”
Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, ngày xưa Tỳ-kheo Nan-đà đã trồng các căn lành như vậy. Nhờ nhân duyên đó, nay sinh trong nhà họ Thích, thân màu vàng, đầy đủ ba mươi tướng đại trượng phu, được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, lại được Ta thọ ký: “Nếu muốn biết trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người điều phục các căn hơn hết là ai? Đó là Tỳ-kheo Nan-đà này vậy.”