SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 47-48

Phẩm 49: NHÂN DUYÊN XÁ-LỢI-PHẤT VÀ MỤC-KIỀN-LIÊN

Vào một thuở nọ, vùng Ma-ha-đà cách thành Vương xá chẳng xa, có một thôn nhỏ tên là Na-la-đà. Trong thôn này có một đại Bà-la-môn cự phú tên là Đàn-nương-da-na (nhà Tùy dịch là Cát Chí). [Lại có thuyết khác nói: Bà-la-môn này tên là Đàn-na-đạt-đa (nhà Tùy dịch là Tài Dự)].

Bà-la-môn này là một đại cự phú, có nhiều của cải, nhà cửa giống như cung điện Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Bà-la-môn này có tám người con trai. Người con thứ nhất tên là Ưu-bà-đê-sa, người con thứ hai tên là Đại Tất, người con thứ ba tên là Thuần Đà, người con thứ tư tên là Khương-xoa-hiệt-lợi-bạt-đa, người con thứ năm tên là Xiển-đà, người con thứ sáu tên là Diêm-phù-ha-ca, người con thứ bảy tên là Kiều-trần-ni, người con thứ tám tên là Tô-đạt-ly-xá-na, đó là tên tám người con trai.

Bà-la-môn lại có một người con gái tên là Tô-thi-di-ca. Nàng này xuất gia tu học trong pháp của ngoại đạo Ba-ly-bà-xa.

Các vị Sư Ma-ha Tăng-kỳ lại nói: Bà-la-môn này có bảy người con trai: Người con thứ nhất tên là Đạt-ma, người con thứ hai tên là Tô-đạt-ma, người con thứ ba tên là Ưu-ba-đạt-ma, người con thứ tư tên là Đê-sa, người con thứ năm tên là Ưu-ba-đê-sa, người con thứ sáu tên là Hiệt-ly-đạt-na, người con thứ bảy tên là Ưu-ba-ba-ly-bạt-đa. Đây là tên của bảy người con.

Trong số các anh em, có đồng tử ưu-ba-đê-sa là người giỏi nhất vì đồng tử khéo hay tụng tập và dạy lại các người khác. Đối với bốn bộ Vệ-đà, không nghĩa lý nào là không thông hiểu, tụng tập thành tựu, khéo hay giải thích. Ngoài ra, các luận khác như Ni-kiền-đà, Kê-thơ-bà…, cho đến các danh tự, người này đều giải thích rõ ràng, biết việc quá khứ, có tài phân biệt, đối với ngũ minh am tường không chướng ngại, Thọ ký biệt luận ghi nhớ trong tâm, có tài thành tựu sáu mươi bôn pháp một cách đầy đủ, hiểu rõ các tướng bậc Đại trượng phu. Đồng tử bản tánh nhu hòa, hiền từ, chất trực, thường có lòng từ bi, ngao ngán thế sự, luôn hối hận tội lỗi đã làm. Vì trong quá khứ đồng tử đã gặp được chư Phật, trồng nhiều căn lành, thành tựu các pháp, khéo hay huân tập, thường thích siêng năng, đốì việc ăn uổng thì biết đủ, xa lìa phiền não, hướng đến Niết-bàn, thuận lý không ngăn ngại, không thích các cõi, thành tựu các hạnh, phiền não kết phược tiêu tan, đến được địa vị thành thục, chỉ còn một đời, thông minh tài giỏi, suy nghĩ chín chắn, hiểu rõ mọi việc. Đối với công việc kinh doanh, cha mẹ đều hỏi đồng tử rồi mới thực hiện.

Bấy giờ cách thành Vương xá chẳng bao xa cũng có một làng tên là Câu-ly-ca, trong thôn này có một cư sĩ dòng đại Bà-la-môn. Trong thôn, cư sĩ là hàng cự phú, giàu có của cải…, nhà cửa giống như cung điện Thiên vương Tỳ-sa-môn không khác. Bà-la-môn này sinh một con trai tên Câu-ly-đa, dung nhan tuấn tú, mọi người đều thích nhìn ngắm, thông suốt tất cả kinh luận, lại có thể dạy lại người khác…, hiểu rõ các tướng bậc Đại trượng phu…

Thuở ấy đồng tử Ưu-ba-đê-sa kết giao thân hữu với đồng tử Câu-ly-đa, hai người yêu mến lẫn nhau, luổn luôn hoan hỷ, nhan sắc tươi vui hòa nhã. Nếu phải xa nhau trong giây lát thì hết sức nhớ nhung, vì hai người này trong ngàn đời về trước đã thân ái với nhau.

Có kệ:

Nhân quả đời trước quyện với nhau
Hai người với nhau tâm thân mật
Do vì tâm ái là như vậy.
Giống như hoa sen mọc trong nước.
Ưu-ba-đê-sa, Câu-ly-đa
Hai người với nhau rất ái kính
Giả sử xa nhau trong giây lát
Trong lòng áo não tự buồn phiền.

Thuở ấy cách thành Vương xá chẳng bao xa có các ngọn núi: Ngọn núi tên Kỳ-ly-cừ-ha, nơi núi này thường tổ chức đại hội. Hội này được mang tên Kỳ-ly-cừ-ha. Lại có núi tên Ly-sư-kỳ-ly, cũng thường tổ chức đại hội và hội này cũng được mang tên núi Ly-sư-kỳ-ly. Lại có một núi khác tên là Bội-ha-la. Ngoài ra, còn có các núi khác như Bàn-đồ và Tỳ-phú-la. Các núi này cũng vậy; mỗi núi đều có tổ chức đại hội và đại hội cũng mang tên núi là Bàn-đồ và Tỳ- phú-la.

Núi Kỳ-ly-cừ-ha đến ngày lễ thì tổ chức đại hội. Vào những ngày hội, quần chúng tụ họp rất đông, có ngày đến vô lượng ngàn người. Có ngày đến vô lượng trăm ngàn người. Có ngày đến vô lượng ức ngàn người. Họ từ tám phương kéo về xem đại hội dưới nhiều phương tiện voi, ngựa, xe, bộ.

Lúc ấy tất cả dân chúng trong thành đều ra khỏi thành để dự hội. Ngoài thành Vương xá có hai thôn Na-la-đa và Câu-ly-ca, cách nhau khoảng nửa do-tuần.

Đồng tử Ưu-ba-đê-sa suy nghĩ: “Hôm nay ta có thể đến núi Kỳ-ly-cừ-ha để xem hội. Khi đến đó, nhất định ta sẽ được một việc là nhàm chán thế gian.” Đồng tử Ưu-ba-đê-sa đi xe tứ tượng, từ thôn Na-la-đa đi đến đại hội Kỳ-ly-cừ-ha để quan sát.

Khi ấy đồng tử Câu-ly-đa cũng nghĩ: “Hôm nay ta nên đi đến đại hội Kỳ-ly-cừ-ha… sinh tâm nhàm chán thế gian.” Ngồi trên thớt voi đi chậm rãi, phía trước có người ca, có người múa để giúp vui, đồng tử khởi hành từ thôn Câu-ly-ca đi đến đại hội để quan sát.

Bấy giờ hai đồng tử hình dáng tuấn tú, làm đẹp lòng người, cho đến tất cả kỹ nghệ, không nghề nào là không thông hiểu, đáng bậc đứng đầu trong thiên hạ.

Lúc ấy trong hội có tôn trí những tòa cao, hai người đến nơi đều lên tòa này. Đồng tử Ưu-ba-đê-sa thấy đại chúng trình diễn đủ trò vui. Nào trổi các loại nhạc, hoặc ca, hoặc múa, vui chơi thỏa thích. Đồng tử thấy vậy suy nghĩ: “Việc này thật ỉà hy hữu, chưa từng thấy như vậy. Ngày nay dân chúng có thể ở trong sự đau khổ, ở trong cảnh nhơ nhớp, già yếu, uế trược mà tham đắm, phóng dật. Bệnh khổ nhơ nhớp, không an ổn như vậy, già chết, uế trược, mạng sống chẳng bao lâu, thế mà dân chúng cho là an vui nên buông lung phóng dật, ca múa xướng hát, tấu đủ âm nhạc, thọ hưởng vui chơi.”

Rồi Ưu-ba-đê -sa tiếp tục quan sát chúng hội, lại nghĩ: “Qua một trăm năm sau, tất cả những người trong hội này không còn một ai.” Khi nghĩ như vậy, liền sinh hối hận, không thấy thích thú, chàng liền rời tòa cao, từ từ đứng dậy, lần lần ra khỏi đại hội, đi đến rừng vắng, ngồi dưới một gốc cây, buồn rầu áo não, đóng chặt các căn, tư duy thiền định.

Bấy giờ trong đại hội có một diễn viên giúp vui cho khán giả. Đồng tử Câu-ly-đa thấy đại chúng cười “ha ha” lớn tiếng, liền thầm nghĩ: “Tất cả quần chúng này sau một trăm năm, liệu bộ xương còn có liên kết với nhau hay không?!” Nghĩ như vậy rồi, chàng hết sức buồn rầu khổ sở, không thích vui chơi, liền rời khỏi chỗ ngồi, đi tìm đồng tử Ưu-ba-đê-sa, với ý nghĩ: “Giờ này không biết đồng tử ưu-ba-đê-sa ở đâu?” Đưa mắt nhìn chung quanh, chàng xa xa trông thấy đồng tử ưu-ba-đê-sa đang ngồi yên tư duy tại một rừng cây, tâm chẳng vui, đóng chặt các căn, tư duy thiền định. Đồng tử Câu-ly-đa thây vậy, liền tiến đến hỏi:

-Anh vì sao ngồi một mình ở nơi đây tư duy, trong tâm chẳng vui như vậy? Hay bị những điều phiền não khổ sở, tai biến bất thường gì chăng?

Câu-ly-đa liền nói kệ:

Đàn, trống, các âm nhạc
Tiếng nam nữ ca ngâm
Nên nghe tiếng du dương
Cớ sao tâm lai buồn?
Lúc này nên hoan hỷ
Vì sao lại âu sầu?
Chính đây lức hưởng lạc
Chẳng nên buồn kêu khóc.
Chỉ nghe âm thanh này
Như giọng hát thiên nữ
Hội này như hội trời
Cớ gì tâm chẳng vui?

Đồng tử ưu-ba-đê-sa nói với đồng tử Câu-ly-đa:

-Này thân hữu, thật lạ thay! Anh có thấy những việc trong hội này chăng? Tất cả quần chúng trong đại hội đang nghe những tiếng âm nhạc, ca vịnh thật vui đùa. Một trăm năm sau, không còn một ai. Rồi ưu-ba-đê -sa nói kệ:

Mọi người tham cảnh ái
Cảnh ấy đâu giải thoát
Muôn vật không lâu bền
Hạng ngu cớ gì vui?
Những hạng chúng sinh này
Tâm tham đắm ngũ dục
Chẳng lâu đọa địa ngục
Qua đời thành tro bụi.
Tâm ta ngày nay không chút vui
Lo sợ âu sầu càng tăng trưởng
Âm nhạc các người tuy có vui
Ý ta chỉ thấy vui với pháp.
Trời, người, Tu-la thần nhạc trời
Trong tâm thường hưởng cảnh hoan lạc
Chẳng chịu nhàm chán rồi qua đời
Do vậy ta nay tu pháp hạnh.

Đồng tử Câu-ly-đa lại nói với đồng tử Ưu-ba-đê-sa:

-Này anh ưu-ba-đê-sa, ý tôi cũng vậy.

Chàng liền nói kệ:

Khổ sướng cũng giống nhau
Buồn vui nào có khác
Điều bậc trí ngợi khen
Tôi cũng đồng như bạn.
Điều bạn nghĩ tốt đẹp
Ý tôi cũng làm theo
Thà chết đồng với bạn
Chẳng muốn sống xa nhau.

Đồng tử Câu-ly-đa hỏi đồng tử Ưu-ba-đê-sa:

-Ngày nay chúng ta nên làm gì?

Đồng tử Ưu-ba-đê-sa trả lời đồng tử Câu-ly-đa:

-Này bạn thân, nếu vậy thì ngày nay chúng ta cần phải xuất gia, cầu pháp cam lộ thù thắng.

Câu-ly-đa bảo Ưu-ba-đê-sa:

-Như ý muốn của bạn, tôi cũng vậy. Này Ưu-ba-đê-sa, chúng ta đã ra khỏi nhà, hãy từ đây đi cầu xuất gia luôn.

Đồng tử Ưu-ba-đê-sa nói với đồng tử Câu-ly-đa:

-Bạn nên biết, chúng ta ngày nay mọi người đều biết, nếu cha mẹ không cho phép thì vị Đạo sư nào độ cho chúng ta? Vị ấy sẽ sợ cha mẹ chúng ta làm trở ngại. Chi bằng ngày nay chúng ta nên về xin phép cha mẹ.

Hai đồng tử giã từ đại hội trở về nhà. Đồng tử Ưu-ba-đê-sa về đến nhà, thưa với cha mẹ:

-Lành thay! Thưa cha mẹ, ý con ngày nay muốn xuất gia. Cúi xin cha mẹ cho phép.

Khi ấy cha mẹ đồng tử bàn riêng với nhau: “Ngày nay trong nhà chúng ta, ai là người sẽ thừa kế làm chủ tất cả tài sản? Chúng ta rất thương yêu đồng tử này, mà nó lại muốn bỏ ta xuất gia cầu đạo. Chúng ta lòng nào để nó biệt ly?” Cha mẹ bàn riêng như vậy rồi, bèn bảo đồng tử Ưu-ba-đê-sa:

-Này đồng tử, cha mẹ ngày nay tuy có nhiều con, nhưng tình cảm phần nhiều dồn về con, nên vắng bóng con trong giây lát đủ làm cha mẹ hết sức ưu sầu, thường muốn gần bên con, không muốn xa lìa. Hơn nữa, con từ khi sinh ra cho đến ngày nay chưa từng chịu khó nhọc. Theo ý của cha mẹ, khi cha mẹ qua đời còn không muốn rời con, huống chi là ngày nay cha mẹ còn sống mà để con xuất gia, hoàn tọàn không có việc như vậy.

Đồng tử Ưu-ba-đê-sa cứ như thế thưa đến lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba mà cha mẹ cũng không cho phép.

Đồng tử Ưu-ba-đê-sa đã ba lần xin phép như vậy mà cha mẹ vẫn không cho. Vì không được cha mẹ cho phép, nên vào một hôm nọ đồng tử không chịu ăn uống, cho đến bảy ngày. Lúc ấy tất cả quyến thuộc cùng những người thân quen tập họp trước mặt cha mẹ đồng tử, thưa với ông bà:

-Lành thay! Thưa thánh giả, ông bà nên để đồng tử Ưu-ba-đê-sa xuất gia. Nếu đồng tử được phép xả tục xuất gia, sẽ vui sống trên con đường cầu đạo. Như vậy thân mạng vẫn còn, lo gì ông bà không gặp mặt. Còn nếu đồng tử không vui với đạo thì người sẽ tự trở về nhà. Chẳng lẽ để đồng tử phải chịu bỏ mạng trước hay sao?

Bấy giờ cha mẹ đồng tử liền nói:

-Nếu như vậy, chúng ta đồng ý.

Nói về đồng tử Câu-ly-đa, lúc ấy cũng về nhà, đến thưa cha mẹ:

-Lành thay! Thưa cha mẹ, ngày nay con muốn xả tục xuất gia. Cúi mong cha mẹ cho phép.

Cha mẹ Câu-ly-đa chỉ có một người con, lại càng thêm quý trọng, không muốn tạm rời. Trong giây lát không thấy mặt con, tâm rất ưu sầu, nhưng vì thuở trước cha mẹ Câu-ly-đa đối với người trong nhà đã có lời thề quan trọng: “Này các ngươi, mọi người lớn nhỏ trong nhà đối với những gì đồng tử Câu-ly-đa làm không được cản trở. Hễ lời gì đồng tử nói ra đều phải làm theo.” Bấy giờ cha mẹ và người trong nhà nhớ rõ điều này, nên nói với đồng tử Câu-ly-đa:

-Tùy ý muốn của đồng tử, hãy làm theo ý mình.

Thuở ấy, trong đại thành Vương xá có một ngoại đạo tên là Ba- ly-xà-bà San-xà-da, cùng năm trăm quyến thuộc ở trong thành này. Khi ấy đồng tử Ưu-ba-đê-sa cùng đồng tử Câu-ly-đa chưa có chỗ nương tựa, không biết đi đâu, nên lúc ấy hai đồng tử đến chỗ ngoại đạo San-xà-da (nhà Tùy dịch là Bỉ Thắng) cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo.

Khi ấy hai đồng tử căn cơ lanh lợi, thiểu dục tri túc, trí tuệ sâu xa nên con của San-xà-da là Tỳ-la-sắt-trí (Tỳ-la-sắt-trí nhà Tùy dịch là Biệt Dị Trượng) đối với hai người này dạy đạo thuật của mình như các kỹ thuật, phương thuốc, thảo dược, thiển định Phi tưởng.

Khi ấy hai đồng tử được chỉ dạy rồi, ở trong bảy ngày đêm, tất cả đều thông đạt. Sau khi hai đồng tử thông đạt rồi, làm vị Giáo thọ sư trong ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca và năm trăm quyến thuộc. Khi ấy hai đồng tử thay nhau làm chủ thống lãnh đại chúng. Tuy được như vậy, trong tâm vẫn chưa an tịnh nên đồng tử Ưu-ba-đê-sa bảo Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca (nhà Tùy dịch là Viễn Ly):

-Lành thay! Này Câu-ly-đa, giáo pháp của San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca không diệt tận sự đau khổ. Này Câu-ly-đa, anh nên cùng tôi đi cầu bậc Thiện sư khác.

Khi ấy đồng tử Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca nói với đồng tử ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca:

-Như lời bạn nói, tôi thuận theo lời. Tuy nhiên, vị thầy này chúng ta cũng không nên từ bỏ hẳn để tìm thầy khác.

Khi ấy hai người đồng tâm lập thệ:

-Hai chúng ta, ai gặp được vị thầy thù thắng vì chúng ta dạy đạo cam lộ thù thắng, thì phải bảo với nhau.

Thuở ấy, giáo hóa vua Tần-bà-sa-la và mười hai na-do-tha người xong, Đức Thế Tôn ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn người, đều xuống tóc xả tục xuất gia. Lúc ấy trong đại chúng có một Tỳ-kheo tên Ưu-ba-tư-na, oai nghi trang nghiêm bậc nhất. Vào buổi sáng sớm, vị ấy đắp y mang bát vào thành Vương xá, ở trong thành theo thứ lớp khất thực. (Đây là thuyết của sư Ma-ha Tăng-k).

Ngoài ra, các vị khác nói thế này: Khi ấy Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa (nhà Tùy dịch là Mã Thị), vào buổi mai, khi mặt trời còn ở phương Đông, đắp y mang bình bát vào thành khất thực. Trong thành, Tỳ-kheo mặc y nội và đắp y Tăng-già-lê, mang bình bát, oai nghi tề chỉnh, thu nhiếp các căn, định tâm nhìn bên ngoài, tư duy các pháp, chánh niệm, đi thẳng, tuần tự khât thực.

Bấy giờ tất cả nhân dân trong đại thành Vương xá thấy vậy đều cùng nhau bàn luận nói kệ:

Giữ vững các giác quan
Đi đứng thường tịch định
Mỉm cười giọng hòa nhã
Đây chắc đệ tử Phật.

Bấy giờ đồng tử ưu-ba-đê-sa thấy Trưởng lão Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa ở trong thành, mặc y nghiêm chỉnh, khéo thu thúc các giác quan, định tâm nhìn bên ngoài, tư duy các pháp, chánh niệm, ung dung tiến bước, theo thứ lớp khất thực. Vì vậy dân chúng mới nói kệ như trên. Đồng tử Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca liền nghĩ: “Trong thế gian có các vị A-la-hán, tất cả các Thánh nhân và bậc đang hướng đạo, Đại đức này chắc là một trong số đó. Ta nên đến gặp vị ấy để thưa hỏi những điều nghi.”

Bấy giờ Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca lại nghĩ thế này: “Nếu đến thưa hỏi thì không đúng lúc. Tại sao vậy? Vì Tỳ-kheo đang khất thực. Phàm người cầu pháp phải dẹp bỏ ngã mạn, nên ta phải theo dõi Tỳ-kheo đi về chỗ nào?”

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca nghĩ như vậy rồi, liền đi theo sau xem Tỳ-kheo đi về đâu. Khi Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa khất thực xong, mang thức ăn ra khỏi đại thành Vương xá. Khi ấy Ưu-ba-đê- sa Ba-ly-bà-xà-ca liền đi đến chỗ Đại đức Tỳ-kheo A-thấp-ba Du kỳ-đa, cùng Trưởng lão thăm hỏi, chào hỏi lẫn nhau, rồi lui đứng về một bên.

Khi ấy Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca bạch Đại đức Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa:

-Thưa nhân giả, ngài chính là bậc đạo sư hay là đệ tử Thanh văn của bậc nào khác?

Trưởng lão A-thấp-ba Du-kỳ-đa nghe hỏi như vậy, nói với Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca:

-Có Đại sư khác, tôi chỉ là một trong số các đệ tử Thanh văn của Ngài.

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca lại hỏi Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa:

-Bạch Đại đức, Thầy của nhân giả là ai? Nương vào ai xuất gia? Vui pháp hạnh gì?

(Nói về Đức Thế Tôn khi mới thành đạo, mọi người đều gọi Phật là Đại Sa-môn} tức là dịch từ Ma-ha Sa-môn mà ra).

Đại đức Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa nói với Ưu-ba-đê-sa Ba- ly-bà-xà-ca:

-Lành thay! Thưa nhân giả, có Đại Sa-môn họ Thích, thuộc dòng Thích-ca. Tôi xuất gia nơi Ngài, Ngài là thầy của tôi. Tôi đã theo Ngài xuất gia, vui sống trong giáo pháp của Ngài.

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca lại bạch Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa:

-Lành thay! Thưa nhân giả, Đại sư của nhân giả tôn nhan có đoan chánh hơn nhân giả hay không? Tài đức có hơn nhân giả không?

Bấy giờ Trưởng lão A-thấp-ba Du-kỳ-đa nói kệ:

Hạt cải so Tu-di
Dấu chân trâu so biển
Muỗi mòng sánh đại bàng
Tôi so Phật cũng vậy.
Giả sử Thanh văn đã giải thoát
Các quả thành tựu vẫn đệ tử
 Không được dự vào hàng chư Phật
Uy đức khác với Phật Thế Tôn.

Thầy của tôi đối với các pháp trong ba đời đều biết rõ ràng, chứng được trí vô ngại. Này nhân giả, Thầy của tôi đối với tất cả pháp, mọi việc đều được thành tựu trí vô ngại.

Bấy giờ Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca thưa Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa:

-Thầy của ngài nói những pháp gì? Luận những việc gì?

Rồi chàng liền nói kệ:

Tôi thấy oai ngiỉ Ngài
Thân tâm rất tịch định
Do vậy, tôi phân vân
Xin ngài nói việc này
Nay ngài chớ từ nan
Tâm tôi luôn ngờ vực:
Thầy ngài dạy pháp gì?
Xin ngài nói rõ cho.
Thấy Bà-la-môn bày
Cung kính hỏi như vậy.
Đáp lại: Thầy của ta
Đại tộc dòng Cam Giá
Tối thắng Nhất Thiết Trí
Thầy ta Vô Thượng Sư.

Bấy giờ Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa nói với Ưu-ba-đê-sa Ba- ly-bà-xà-ca:

-Thưa nhân giả, tôi còn nhỏ tuổi, Phật pháp học hỏi chẳng được bao nhiêu, hiểu biết cạn cợt, đâu có thể trình bày rộng rãi được, nên tôi chỉ nói tóm lược cho nhân giả mà thôi.

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca thưa A-thấp-ba Du-kỳ-đa:

-Lành thay! Thưa Đại đức, xin ngài nói chỗ cốt yếu, tôi không thích nghe nói dài.

Rồi chàng nói kệ:

Tôi chỉ nhận chân lý
Không thích mặt từ chương
Người trí quý nghĩa thật
Theo nghĩa tôi tu hành.

Bấy giờ Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa nói với ưu-ba-đê-sa Ba- ly-bà-xà-ca:

-Này nhân giả, Đại sư của tôi dạy pháp Nhân duyên, giảng con đường Giải thoát. Thầy tôi nói kệ thế này: (Đây là lời nói của các thầy trong bộ phái Ma-ha Tăng-kỳ. Còn các thầy thuộc bộ Ca-diếp nói cách khác: “Nghĩa ấy thế nào?” Đại đức A-thấp-ba Du-kỳ-đa nói: “Này nhân giả, Thầy tôi nói câu pháp thế này:

Các pháp từ nhân sinh
Các pháp theo nhân diệt
Gọi là sinh và diệt
Sa-môn nói như vậy.

Lúc ấy Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca hiểu rõ nghĩa pháp qua văn tự. Đại đức Tỳ-kheo A-thấp-ba Du-kỳ-đa hiểu rõ văn nghĩa, lại nắm lấy ý nghĩa và văn tự. Vậy cần gì phải nói nhiều.)

Các pháp từ nhân sinh
Phấp ấy theo nhân diệt
Nhân duyên diệt là Đạo
Đại sư dạy như vậy.

Khi ấy Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca quán thấy pháp hạnh này như vậy, ngay tại chỗ ấy xa lìa trần cấu, diệt sạch phiền não, chứng được pháp nhãn tịnh, quán sát biết được tướng diệt của các pháp hữu vi. Giống như chiếc áo sạch không dính vết đen, không thấm mồ hôi nhơ bẩn thì dễ nhuộm các màu sắc. Đúng vậy! Đúng vậy! Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca quán các pháp hạnh này, liền ngay lúc đó xa lìa trần câu… quán biết thật tướng các pháp như vậy. Ưu-ba-đê-sa Ba-ly- bà-xà-ca quán biết thật tướng các pháp như vậy rồi, được các pháp rồi, chứng các pháp rồi, nhập vào các pháp rồi, vượt qua các pháp rồi, không còn nghi ngờ, tâm chấp phải trái đều diệt, được địa vị vô úy, không do sự chỉ dạy của người khác, tự nhiên biết được pháp của Như Lai rồi liền nói kệ:

Pháp hành là như vậy
Là điều tôi chứng được
Na-do-tha số kiếp
Chưa từng được pháp này.

Khi Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca đã thấy thật tướng các pháp, đã được các pháp, phát sinh trí tuệ, xả bỏ ngã mạn, liền sửa sang y phục, đảnh lễ dưới chân A-thấp-ba Du-kỳ-đa, đứng dậy nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi từ giã trở về chỗ Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca.

Đến nơi, từ xa Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca trông thấy Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca gương mặt thanh tịnh, dung nghi tươi sáng, nên hỏi: -Nhân giả Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca, hiện nay các căn của bạn thanh tịnh, da dẻ tươi sáng, vẻ mặt tươi vui. Phải chăng bạn đã chứng cam lộ? Hay là chứng đạo cam lộ?
Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca nói với Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca: -Thưa nhân giả, tôi đã gặp thắng pháp cam lộ, đã được đạo cam lộ.

Câu-ly-đa nói với Ưu-ba-đê-sa:

-Nhân giả được pháp cam lộ ở nơi vị nào?

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca đáp:

-Thưa nhân giả, tôi được pháp này nơi Đại Sa-môn.

Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca thưa:

-Thưa nhân giả, Đại Sa-môn đó nói những pháp gì? Luận về những pháp gì? Ngày nay nhân giả làm sao được thắng đạo cam lộ?

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca dùng kệ trả lời nhân giả Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca:

Các pháp từ nhân sinh
Pháp ấy theo nhân diệt
Nhân duyên diệt là Đạo
Đạo Sư dạy như vậy.

Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca nghe bài kệ này rồi, liền ngay chỗ ấy xa lìa trần cấu, sạch các phiền não, được pháp nhãn thanh tịnh, chứng được tướng tịch diệt của tất cả pháp, biết như thật, hiểu như thật. Ví như chiếc áo sạch không dính vết đen, không thấm mồ hôi thì dễ nhuộm các màu, cho đến quán biết như thật, rồi nói kệ:

Pháp hành là như vậy
Là điều tôi chứng được
Na-do-tha kiếp số
Chưa từng được pháp này.

Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca lại dùng kệ nói với Ưu-ba-đê-sa Ba- ly-bà-xà-ca:

Vì anh được cam lộ
Mặt anh tươi như hoa
Anh tuyên dương pháp ấy
Tôi nghe, chứng tịnh nhãn.

Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca nói với Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca:

-Lành thay! Thưa nhân giả, mau đến đó, mau từ giã nơi đây đi đến chỗ Đại Sa-môn để tu phạm hạnh. Đức Phật Thế Tôn là thầy của chúng ta.

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca nói với Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca:

-Này nhân giả, ngày nay chúng ta không nên vô ân, nên đến gặp San-xà-da. Vì sao? Vì thầy trước đã đem lại cho ta nhiều lợi ích, ta mang trọng ân vì thầy đã độ cho ta xuất gia, nên phải đến thưa lời từ biệt. Lại nữa, năm trăm đồ chúng của thầy theo ta tu học pháp hạnh, ta thông báo cho họ biết, nếu họ muốn thì cùng đi với chúng ta.

Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca cùng Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca đi đến chỗ thầy San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca. Đến nơi, cả hai bạch:

-Lành thay! Thưa nhân giả, ngày nay chúng tôi muốn đến chỗ Đại Sa-môn Phật Thế Tôn để tu phạm hạnh.

Khi ấy San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca bảo Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca:

-Này nhân giả, chẳng nên đến nơi đó. Ta cùng hai người lãnh đạo đại chúng này.

Như vậy, lần thứ hai Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca lại cũng nói với San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca:

-Hay thay! Thưa nhân giả, chúng tôi muốn đến chỗ Đại Sa-môn Phật Thế Tôn để tu phạm hạnh.

Khi ấy San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca lại nói với ưu-ba-đê-sa Ba-ly- bà-xà-ca:

-Này nhân giả, chẳng nên đến đó. Bao nhiêu đệ tử của ta đều giao cho người. Ta sống riêng một mình, hoàn toàn không dự vào.

Như vậy, lần thứ ba Ưu-ba-đê-sa Ba-ly-bà-xà-ca và Câu-ly-đa Ba-ly-bà-xà-ca đồng thưa với San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca:

-Chúng tôi không muốn nhận các đệ tử này. Chúng tôi chỉ mong muốn đi đến chỗ Bậc Đại Sa-môn kia để tu phạm hạnh. Bậc Đại Sa-môn kia là Thế Tôn của chúng tôi, là Giáo Sư của chúng tôi.

Nói lời này rồi, hai người từ giã San-xà-da ra đi không trở lại.

Lúc ấy năm trăm chúng ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca suy nghĩ: “Hai nhân giả Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly-đa là người học rộng hiểu nhiều, thông minh trí tuệ. Chúng ta nhiều năm cần cù khổ sở, đọc tụng chú thuật, kỹ nghệ… nhưng hai vị này chỉ trong bảy ngày đêm tinh thông tất cả. Họ không phải là kẻ tầm thường, họ là kẻ thông minh nên chỗ họ mong cầu phải là chỗ tối thắng. Như chỗ họ mong cầu, chúng ta cũng theo đó mà mong cầu. Pháp họ tu hành, chúng ta cũng theo đó tu hành. Phạm hạnh họ tu tập, ta cũng nên theo đó tu tập.” Suy nghĩ như vậy rồi, họ cùng nhau đi theo Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly-đa.

Lúc ấy San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca lại bảo đại chúng:

-Này các ngươi, chẳng nên đi! Chẳng nên đi!

Tuy có lời ngăn như vậy mà không thể giữ đại chúng được, nên họ vẫn đi. Khi ấy San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca suy nghĩ: “Nay đại chúng này quyết định bỏ ta.” Do đại chúng bỏ đi nên San-xà-da Ba-ly-bà-xà-ca hết sức ưu sầu khổ não, tức giận đau đớn mà chết.

Ưu-ba-đê-sa cùng với Câu-ly-đa đem năm trăm đồ chúng cùng đi đến rừng Trúc Ca-lan-đà.

Khi ấy Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo cần phải biết, phải trải tòa sạch sẽ trong tu viện này.

Các vị Tỳ-kheo bạch Phật:

-Dạ vâng! Chúng con xin vâng lời Thế Tôn dạy.

Trong tu viện, các Tỳ-kheo trải tòa sạch sẽ và Thế Tôn ngự trên tòa này. Khi ấy Trưởng lão Kiều-trần-như thấy Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly-đa cùng chúng ngoại đạo vây chung quanh, sắp đến chỗ mình nên bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, nay có Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly-đa…, họ đa văn trí tuệ, có nhiều nghề nghiệp, thông thạo các đạo thuật, danh tiếng đồn khắp bốn phương đang đến trước Thế Tôn. Theo như ý con đoán, hai người này nay đến đây nhất định muốn tranh luận với Ngài.

Nghe lời này, Đức Phật bảo Trưởng lão Kiều-trần-như:

-Này Kiều-trần-như, Ta biết tâm niệm hai người này, họ đến đây là cầu pháp thù thắng, không phải đến để tranh luận.

Bấy giờ Đức Phật Thế Tôn trông thấy Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly- đa nên nói kệ:

Gặp các Thánh là vui
Chung sống lại càng vui
Không gặp kẻ ngu si
Gọi là thường an lạc.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, các thầy có thấy hai vị ngoại đạo Ba-ly-bà- xà-ca không? Một người tên là Ưu-ba-đê-sa và người kia là Câu-ly-đa.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn, chúng con có thấy.

Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, hai người này sẽ ở trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, mỗi người đứng đầu về một phương diện, một người trí tuệ đệ nhất và một người thần thông đệ nhất.

Có kệ:

Đại chúng trông thấy hai người đến
Đồ chúng quyến thuộc vây chung quanh
Tiếng Phật vang dội bảo Tỳ-kheo
Hai người như vậy từ ngoại đạo
Nay đến xin vào đại chúng Ta.
Tỳ-kheo các thầy nên phải biết
Một người trí tuệ hơn tất cả
Người kia thần thông lại đứng đầu.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, đối với tất cả đệ tử Thanh văn của chư Phật Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ không ai sánh bằng hai người này và trong hiện tại cũng lại như vậy. Này các Tỳ-kheo, nếu có hàng Thanh văn của chư Phật Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác ở đời vị lai cũng không thể sánh bằng hai vị đệ tử Thanh văn này ngày nay của Ta. Này các Tỳ-kheo, các thầy cũng nên trải tòa mời hai vị ấy ngồi.

Có kệ:

Hai vị trâu chúa trí sâu xa
Đã bỏ tất cả các tà đạo
Tuy chưa đến trong đại lâm này
Thế Tôn trông thấy liền thọ ký.

Khi hai người lần lần tiến bước gần Trúc lâm, họ trông thấy Trưởng lão A-thấp-ba Du-kỳ-đa đang đi kinh hành dưới một gốc cây, thấy vậy liền đến đảnh lễ dưới chân và lui đứng về một bên.
Kiều-trần-như bạch Phật:

-Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tại sao ngày nay Ưu-ba-đê-sa… không nghĩ đến đời sống cao thượng và học rộng của mình mà phát tâm tối thượng, đối với Trưởng lão A-thấp-ba Du-kỳ-đa hạ mình thấp kém?

Nghe lời ấy, Đức Phật bảo Trưởng lão Tuệ mạng Kiều-trần-như:

-Phàm người trí đối với người đã khiến mình được phát sinh trí tuệ thường khởi tâm báo ân, luôn luôn nhớ nghĩ chẳng quên. Nếu nhận lấy một ân nhỏ, thường nhớ chẳng quên, huống nữa là thọ ân nhiều. Này Kiều-trần-như, Ưu-ba-đê-sa… được pháp nhãn tịnh là nhờ A-thấp-ba Du-kỳ-đa. Do nhân duyên đó mà có pháp cú:

Pháp chư Phật thuyết giảng
Hiểu được qua người nào
Phải cung kính người ấy
Như Phạm chí thờ lửa.

Bấy giờ Ưu-ba-đê-sa cùng các đồ đệ đồng đến trước Đức Phật đảnh lễ dưới chân, quỳ xuống bạch:

-Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay chúng con muốn ở trước Thế Tôn xuất gia tu tập. Cúi xin Thế Tôn cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật bảo:

-Lành thay! Tỳ-kheo đến đây! Hãy đến đây gia nhập vào giáo pháp mà Ta đã tự chứng để tu tập phạm hạnh, diệt sạch các khổ.
Đức Phật nói lời đó xong, các vị ấy tự nhiên râu tóc đều rụng, giống như đồng tử vừa cạo tóc cách đấy bảy ngày, thân mặc ba y, tay bưng bình bát, đều thành Tỳ-kheo, liền được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Bấy giờ Trưởng lão Ưu-ba-đê-sa ở phía tay phải của Đức Phật, Trưởng lão Câu-ly-đa ở bên tay trái Đức Phật. Còn bao nhiêu đều ngồi về một bên.

Trưởng lão Ưu-ba-đê-sa sau khi xuất gia được nửa tháng đã dứt sạch các kết lậu, hiện sức thần thông và chứng được thần thông trí tuệ Ba-la-mật, thành tựu quả A-la-hán. Trong khi đó Trưởng lão Câu-ly-đa chỉ trải qua bảy ngày dứt sạch các kết lậu, hiện sức thần thông và thần thông trí tuệ Ba-la-mật, chứng quả A-la-hán.

Do nhân duyên như vậy, Trưởng lão Ưu-ba-đê-sa và Câu-ly-đa cùng năm trăm đồ đệ lúc bấy giờ lần lượt đều được xuất gia thọ giới Cu túc.

Thuở ấy, tên mẹ của Trưởng lão Ưu-ba-đê-sa là Xá-lợi (nhà Tùy dịch là Anh Dục), nên người đời gọi ưu-ba-đê-sa là Xá-lợi-phất-đa (Phất-đa nhà Tùy dịch là Tử). Còn Trưởng lão Câu-ly-đa có họ là Mục-kiền-liên, do vậy mà người đời gọi Trưởng lão Câu-ly-đa là Mục-kiền- liên-diên. Đức Thế Tôn lại thọ ký cho hai vị Tỳ-kheo này:

-Ở trong đệ tử Thanh văn của Ta, người có Đại trí tuệ là Xá-lợi-phất-đa và người có Thần thông đệ nhất là Mục-kiền-liên-diên.

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn, hai vị Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-kiền- liên ở trong quá khứ đã trồng thiện căn gì? Nhờ nhân duyên gì mà ngày nay được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, lại được Thế Tôn thọ ký: “Ở trong chúng Thanh văn, hàng đại trí tuệ thì Xá-lợi-phất là hơn hết, trong hàng thần thông thì Mục-kiền-liên là tối thắng?”

Nghe các Tỳ-kheo thưa hỏi như vậy, Đức Phật bảo họ:

-Này các Tỳ-kheo, Ta nhớ đời quá khứ, tại thành Ba-la-nại có hai người. Người anh tên là Tô-tất-lợi-da (nhà Tùy dịch là Thiện Ái) và người em gái cũng tên là Tô-tất-lợi-da. Khi ấy người anh Thiện Ái xả tục xuất gia. Sau khi xuất gia rồi, chứng được quả Bích-chi-phật. Còn người em gái cũng xả tục xuất gia, nhưng theo ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca, ở trong thành Ba-la-nại. Vào một hôm, người anh Thiện Ái Bích-chi-phật đi đến chỗ người em gái ngoại đạo, đến nơi, tự trải tòa ngồi. Người em bưng đủ thức ăn trăm vị hiến cúng để cho vị Bích-chi-phật thọ dụng no đủ, rồi lại đem một con dao và một cây kim dâng cúng cho người anh Bích-chi-phật. Vị Bích-chi-phật sau khi ăn uống xong, cầm con dao và cây kim của em gái Thiện Ái cúng bay đi trong hư không. Người em gái Thiện Ái thấy vị Bích-chi-phật bay đi trong hư không, vui mừng hớn hở khắp cả thân tâm, không thể tự chế, từ xa chắp tay cung kính đảnh lễ Bích-chi-phật và phát nguyện: “Nguyện đời sau, tôi gặp được vị Giáo sư như vậy hay hơn thế nữa. Những giáo pháp của người dạy làm cho tôi được hiểu rõ và không bao giờ sinh vào các cõi ác. Như cúng con dao bén, không gì là không cắt đứt, do nhân duyên cắt đứt này, khiến cho đời vị lai của tôi không một phiền não nào là không bị đoạn diệt. Như cây kim có khả năng xuyên qua tất cả, khiến tất cả phiền não đời vị lai của tôi đều bị đâm thủng.”

Này các Tỳ-kheo, Thiện Ái nữ ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca cúng cho vị Bích-chi-phật con dao và cây kim thuở ấy đâu phải là người nào khác, tức là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Ta nhớ trong quá khứ cũng tại thành Ba-la-nại có một người bán hàng thường vào trong biển, bắt ốc bán. Lúc ấy người bán hàng nghĩ thế này: “Đời này ta đi tìm của cải để sống, làm nghề này rất khổ. Ta nên làm việc công đức để gây nhân cho tương lai.” Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một vị Bích-chi-phật thường trú nơi đây. Vào sớm mai, mặt trời còn ở phương Đông, vị Bích-chi-phật đắp y mang bình bát vào thành khất thực. Ở trong thành, vị Bích-chi-phật theo thứ lớp đi khất thực. Khi ấy người bán ốc từ xa trông thấy Tôn giả Bích-chi-phật oai nghi chững chạc, đi đứng chậm rãi, dáng đi thư thái, bình thản bước tới. Thấy vậy, tâm được thanh tịnh, người này liền đảnh lễ và mời vị Bích-chi-phật về nhà, rồi tôn trọng cúng dường các thức ăn sơn hào hải vị và cung cấp vật cần dùng. Thông thường các vị Bích-chi-phật không thuyết pháp, chỉ dùng thần thông làm phương tiện giáo hóa, ngoài ra không có pháp gì khác.

Khi vị Bích-chi-phật ăn uống xong và nhận lấy vật dụng của người bán ốc, ngài liền từ dưới đất bay lên hư không. Khi đó trông thấy Tôn giả Bích-chi-phật bay trên hư không như vậy, người này hết sức vui mừng tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, hướng về chắp tay đảnh lễ vị Bích-chi-phật, phát nguyện: “Ở đời vị lai tôi sẽ gặp được vị Giáo sư như vậy hay hơn thế nữa. Giáo pháp người nói ra, tôi mau hiểu rõ, đời đời sinh ở đâu chẳng rơi vào ác đạo. Những gì Giáo sư có, tôi nguyện cũng chứng đắc đồng như Thánh giả. Bích-chi-phật bay đi trong hư không, khiến tương lai tôi cũng như vậy.”

Này các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Người bắt ốc bán thuở ấy, sau cúng dường vị Bích-chi-phật đâu phải người nào khác, tức là Tỳ-kheo Mục-kiền-liên này.

Này các Tỳ-kheo, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên do đời trước trồng các căn lành nên ngày nay xuất gia chứng quả A-la-hán, lại được Ta thọ ký: “Trong số đệ tử Thanh văn của Ta, người có trí tuệ hơn hết là Xá-lợi-phất và người có thần thông hơn hết là Mục-kiền-liên.”