SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phẩm 47: LỖI HAI BÊN KHÔNG HÒA HỢP

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Người nghe pháp, đối với Bát-nhã ba-la-mật muốn biên chép, đọc tụng, hỏi nghĩa, ghi nhớ mà người nói pháp lười biếng chẳng muốn nói, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Người nói pháp chẳng lười biếng mà người nghe pháp chẳng chịu nghe nhận, tâm hai bên chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nghe pháp muốn biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật mà người nói pháp muốn đi đến chỗ khác, phải biết đây cũng là việc ma của Bồ-tát.

Người nói pháp muốn cho biên chép, thọ trì mà người nghe pháp lại đi đến chỗ khác, tâm hai bên chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp coi trọng vật bố thí, các thứ y phục, thực phẩm, phòng xá, thuốc men; người nghe pháp lại ít muốn biết đủ, chánh niệm tinh tấn, thiền định, trí tuệ, tâm hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Người nói pháp ít muốn biết đủ, chánh niệm tinh tấn, thiền định, trí tuệ, người nghe pháp coi trọng vật bố thí, bốn thứ cần dùng, của cải riêng tư, tâm hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp thọ mười hai hạnh Đầu-đà: Một là thường khất thực, hai là thứ lớp khất thực, ba là giữa ngày ăn một bữa, bốn là ăn vừa no, năm là

sau giờ ngọ chẳng uống nước trái cây, sáu là chỉ chứa ba y, bảy là ba nạp y, tám là ở chỗ Alan-nhã, chín là ở trong gò mả, mười là ở gốc cây, mười một là ở đất trống, mười hai là thường ngồi không nằm, người nghe pháp chẳng thọ mười hai hạnh Đầu-đà, hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Người nghe pháp thọ mười hai hạnh Đầu-đà, người nói pháp chẳng thọ mười hai hạnh Đầu-đà, hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bátnhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp có tín tâm, có giới hạnh, muốn biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến ghi nhớ; người nghe pháp không có tín tâm, không có giới hạnh, chẳng muốn biên chép cho đến chẳng muốn ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Người nghe pháp có tín tâm, có giới hạnh, người nói pháp không có tín tâm, không có giới hạnh, hai bên chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp bố thí tất cả, chẳng lẫn tiếc, người nghe pháp bỏn sẻn, chẳng thí xả, hai bên chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma.

Người nghe pháp hay bố thí tất cả, chẳng lẫn tiếc, người nói pháp bỏn sẻn, chẳng thí xả, hai bên chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nghe pháp muốn cúng dường người thuyết pháp những đồ vật dụng cụ sinh hoạt, người thuyết pháp chẳng chịu nhận, phải biết đây là việc ma. Người nói pháp muốn cung cấp dụng cụ sinh hoạt cho người nghe pháp, người nghe pháp chẳng chịu nhận, hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã bala-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp dễ tỏ ngộ, người nghe pháp ám độn, phải biết đây là việc ma.

Người nghe pháp mau tỏ ngộ, người nói pháp ám độn, hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp biết nghĩa thứ lớp của mười hai bộ kinh là Khế kinh cho đến Luận nghị, người nghe pháp chẳng biết. Hoặc người nghe pháp biết nghĩa thứ lớp của mười hai bộ kinh, người nói pháp chẳng biết, hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-lamật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp thành tựu sáu pháp Bala-mật, người nghe pháp chẳng thành tựu. Hoặc người nghe pháp có sáu pháp Ba-la-mật, người nói pháp chẳng có. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã bala-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp có năng lực phương tiện đối với sáu pháp Ba-la-mật, người nghe pháp không có. Hoặc người nghe pháp có năng lực phương tiện đối với sáu pháp Ba-lamật, người nói pháp không có. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp được Đà-la-ni, người nghe pháp không được. Hoặc người nghe pháp được Đàla-ni, người nói pháp không được. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã bala-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp muốn cho biên chép, cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, người nghe pháp chẳng muốn. Hoặc người nghe pháp muốn biên chép cho đến ghi nhớ, người nói pháp chẳng muốn cho biên chép cho đến chẳng muốn cho ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp không có tham dục, giận hờn, ngủ nghỉ, trạo hối, nghi ngờ, người nghe pháp lại có tham dục cho đến nghi ngờ. Hoặc người nghe pháp lìa năm cái: tham dục cho đến nghi ngờ, người nói pháp lại có năm cái. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc biên chép cho đến ghi nhớ Bátnhã ba-la-mật, có người nói về những việc đau khổ trong ba đường ác rồi bảo rằng sao ngay đời này ngài chẳng dứt khổ nhập Niết-bàn, lại cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm gì?

Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc biên chép cho đến ghi nhớ Bátnhã ba-la-mật, có người đến khen ngợi các cõi trời, khen ngợi trời Tứ vương cho đến trời Phi phi tưởng, khen ngợi sơ thiền cho đến định Phi phi tưởng rồi bảo rằng: Thưa ngài, ba cõi dầu thọ hưởng phước vui nhưng cũng đều là vô thường, là khổ, không, vô ngã, tướng đều khắp chia lìa, sao ngài chẳng đời này chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, quả Bíchchi-phật, lại ở trong thế gian sinh tử chịu khổ để cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm gì?

Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp một thân không phiền lụy, tự tại vô ngại, người nghe pháp dắt theo nhiều người; hoặc người nghe pháp một thân không phiền lụy, tự tại vô ngại, người nói pháp dắt theo nhiều người, hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp bảo người nghe pháp rằng nếu ngươi có thể tùy theo ý ta, thì sẽ cho ngươi biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, bằng không tùy theo ý ta, thì ta sẽ không cho. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-lamật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nghe pháp muốn thuận theo ý người nói pháp mà người nói pháp chẳng cho, vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp vì muốn được tài lợi mà cho biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, người nghe pháp vì thế nên chẳng chịu nghe. Hoặc người nghe pháp vì tài lợi mà muốn biên chép, cho đến muốn ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, vì thế nên người nói pháp chẳng muốn cho. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-lamật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp muốn đến chỗ nguy hiểm tai nạn, người nghe pháp chẳng muốn đi theo. Hoặc người nghe pháp muốn đến chỗ nguy hiểm tai nạn, người nói pháp chẳng muốn đến. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-lamật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp muốn đến chỗ lúc bị nghèo đói, người nghe pháp không muốn đi theo. Hoặc người nghe pháp muốn đến chỗ đói khát, người nói pháp chẳng muốn đến. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp muốn đến xứ giàu vui, người nghe pháp muốn đi theo. Người nói pháp bảo rằng ông vì tài lợi mà đi theo ta, ông nên suy nghĩ kỹ, hoặc được tài lợi hoặc chẳng được, chớ để ngày sau ăn năn, người nghe pháp nghe nói cho rằng không muốn mình đi theo nên sinh tâm chán nản mà không đi. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp muốn đến chỗ hoang vắng có nạn giặc cướp, thú dữ, trùng độc, người nghe pháp muốn đi theo. Người nói bảo rằng ngươi đến chỗ hoang vắng hiểm nạn làm chi. Người nghe pháp nghe nói cho rằng không muốn cho mình biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã bala-mật, sinh tâm chán nản chẳng đi theo. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người nói pháp có nhiều thí chủ, thường phải đến nhà họ viếng thăm, bảo người nghe pháp rằng ta có việc đến nhà họ. Người nghe pháp biết ý nên chẳng cùng đi. Vì hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma. Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma làm Tỳ-kheo đến chỗ thiện nam, thiện nữ dùng phương tiện phá hoại chẳng cho biên chép, cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ác ma giả làm Tỳ-kheo dùng cách nào để phá hoại?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ác ma giả làm Tỳ-kheo đến chỗ thiện nam, thiện nữ bảo rằng kinh của ta nói mới là Bát-nhã ba-la-mật, còn kinh đó không phải. Lúc ác ma dùng lời phá hoại tín tâm như vậy thì có thiện nam, thiện nữ chưa được thọ ký bèn sinh tâm nghi, vì nghi nên chẳng biên chép cho đến chẳng ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật. Chẳng hòa hợp, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma giả làm Tỳ-kheo đến bảo rằng Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chứng thật tế, được quả Tu-đàhoàn cho đến quả Bích-chi-phật. Do đó mà chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đều là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Lúc nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này, có nhiều việc ma khởi lên làm trở ngại. Đại Bồ-tát phải sớm biết để xa lìa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Những việc ma nào làm trở ngại Bát-nhã ba-la-mật mà Bồ-tát phải sớm biết để xa lìa? Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tương tự Bát-nhã ba-la-mật cho đến tương tự Bố thí ba-lamật là việc ma phát khởi, Bồ-tát phải sớm biết để xa lìa.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Các kinh tu hành của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật là việc ma của Bồ-tát, phải sớm biết để xa lìa.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma giả làm Tỳ-kheo tìm phương

tiện trao cho Bồ-tát các kinh dạy về nội không, ngoại không, cho đến vô pháp hữu pháp không, dạy về bốn Niệm xứ cho đến tám chánh đạo, ba môn Giải thoát, không, vô tướng, vô tác để được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả Bích-chi-phật. Do đó mà chẳng hòa hợp nên chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã bala-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma hóa thành thân Phật màu vàng cao một trượng sáu chói sáng, đến chỗ Bồ-tát. Vì ham thích thân Phật này mà Bồ-tát hao tổn chánh trí tuệ. Do đó chẳng hòa hợp, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-lamật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma hóa thành Phật và chúng Tỳkheo đến chỗ Bồ-tát. Các Tỳ-kheo này nói pháp cho Bồtát nghe. Bồ-tát ham thích tự nghĩ rằng đời sau tôi cũng sẽ được như vậy. Vì ham thích thân ma mà hao tổn chánh trí tuệ, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma hóa thành vô số Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật, chỉ dạy cho thiện nam, thiện nữ. Vì ham thích mà thiện nam, thiện nữ hao tổn chánh trí tuệ, chẳng biên chép được, cho đến chẳng ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật, phải biết đây là việc ma.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến không có Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Vì không có sắc cho đến không có Nhất thiết chủng trí, nên trong Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này không có Phật, không có Bồ-tát, Thanh văn, Bích-chi-phật. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh là không.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Như vàng bạc, châu ngọc ở Diêm-phùđề có nhiều nạn, nhiều cướp. Cũng vậy, lúc thiện nam, thiện nữ biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật phát khởi nhiều nạn, nhiều oán.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy. Vàng bạc châu ngọc ở cõi

Diêm-phù-đề có nhiều nạn, nhiều cướp. Lúc thiện nam, thiện nữ biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật phát khởi nhiều nạn, nhiều oán, nhiều việc ma.

Vì sao? Vì hạng người ngu si bị ma sai sử mà phá hoại, xa lìa việc biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ ngu si ít trí ít tuệ này lúc biên chép cho đến lúc ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa lại phá hoại, xa lìa.

Bạch Đức Thế Tôn! Hạng người ngu si này tâm họ chẳng ưa thích pháp Đại thừa nên họ chẳng biên chép, đọc tụng, thọ trì, ghi nhớ, chẳng tu hành đúng như lời dạy, họ lại phá hoại người khác, chẳng cho biên chép cho đến ghi nhớ.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, các thiện nam, thiện nữ mới phát tâm Đại thừa vì bị ma sai sử, chẳng gieo trồng căn lành, chẳng cúng dường các Đức Phật, chẳng theo Thiện tri thức nên chẳng biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà lại gây trở ngại.

Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, thiện nữ nào hay biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này thì việc ma chẳng phát khởi. Người này đầy đủ được Thiền định ba-la-mật cho đến Bố thí ba-la-mật, đầy đủ được bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Phải biết đó là do năng lực của Phật nên thiện nam, thiện nữ ấy sẽ biên chép được cho đến ghi nhớ được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này, cũng đầy đủ được Thiền định ba-la-mật cho đến Bố thí ba-la-mật, đầy đủ được nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, đầy đủ được bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Hiện tại vô lượng, vô biên, vô số các Đức Phật, các Đại Bồ-tát không thoái chuyển ở mười phương cũng trợ giúp, ủng hộ thiện nam, thiện nữ này biên chép cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.