KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 41: THUẬN HỢP THỜI

Bấy giờ, Bồ-tát Pháp Diệu cung kính thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát làm thế nào để tu tập đạo Vô thượng Bồ-đề và thành tựu đạo quả Tối chánh giác, giữ gìn đúng uy nghi thuận hợp trong mọi lúc hành hóa mà có thể gồm đủ các pháp lớn Anh lạc?

Đức Phật bảo Bồ-tát Pháp Diệu:

–Như có Đại Bồ-tát muốn đạt được đầy đủ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, gồm đủ các pháp lớn Anh lạc của Như Lai, thì phải nên tu tập mười pháp lớn Anh lạc tuệ, nhờ đấy nên có thể đạt đầy đủ các pháp lớn Anh lạc.

Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn được nghe các pháp lớn Anh lạc của Như Lai thuận hợp với mọi thời hành hóa, thì hãy cố gắng lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ.

Những gì là mười pháp Anh lạc Tuệ?

Như Đại Bồ-tát, tự nhận biết thời đã đến, sẽ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì không để mất kỳ hạn đến nơi cội Bồ-đề, tâm giữ vững thệ nguyện lớn lao, tâm như hư không, dứt trừ hết mọi tưởng. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa thuận hợp thời.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, hiện nay mình đã đến lúc có thể giáo hóa chúng sinh với những họ tên như thế không vượt qua giới hạn ấy, thì điều chính yếu là phải độ thoát hết thảy chúng sinh, sau đấy thì mới định rõ. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa thuận hợp thời.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, hiện tại sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, lại sẽ được thọ ký Bồ-tát với mọi thứ như cõi nước, những người phụ giúp hầu cận, mọi phương diện ở nơi chốn ấy. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, hiện nay mình đã đạt được các trí tự tại, sẽ khiến cho chúng sinh cũng đạt được như ta không khác, kịp lúc đến nơi ấy để giáo hóa, khiến cho mọi chúng sinh đạt được pháp tự tại vô ngại đấy. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã đi vào cửa giải thoát thực hiện các Phật sự, biến hóa ra hết mọi pháp hữu hình ngăn ngại, đều khiến quy về nơi kho tàng vô tận, lại cũng khiến cho chúng sinh cùng đạt được như mình. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết rằng ta nay đã đạt được pháp bốn định không vô hình cùng bốn Tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ; lại đem pháp định ấy để giáo hóa chúng sinh, khiến cho hết thảy đều cùng đạt được như mình. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, giữ gìn đúng uy nghi không làm mất phép tắc, chốn có thể đi thì biết rõ để đi, nơi có thể an tọa thì biết dùng để an tọa, ngày đêm luôn dốc hết tâm ý theo đúng giáo pháp, đến khi vào thành khất thực không hề dòm ngó hai bên đường, làm phước điền giáo hóa chúng sinh với ánh sáng giác ngộ vô lượng, cũng khiến cho mọi người cùng đạt được như mình. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, xem xét về căn trí của chúng sinh nên hóa độ hay chưa thể hóa độ, thọ nhận sự cúng dường của hàng tín đồ, trở lại nơi chốn thanh vắng tịch tĩnh, nằm, ngồi suy nghĩ: “Nay thọ nhận các vật phẩm tín thí là nhằm đủ nuôi sống thân bốn đại, thực hiện đạo đức viên mãn thành bậc Tối chánh giác, lại đem pháp ấy giáo hóa dẫn dắt hết thảy chúng sinh, khiến họ thảy cùng đạt được như chính mình.” Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, hiện nay mình đã ứng hợp với giới luật của bậc Hiền thánh, dẫn dắt giáo hóa hết thảy không có tăng giảm, dần dần tiến tới đi hẳn vào trong năm nẻo, quan sát tâm ý chúng sinh mà độ thoát họ. Như đi vào cõi người thì vì họ mà nêu giảng giới luật, khiến cho chúng sinh biết rõ về nỗi khổ của sự phạm tội, chỉ rõ dùng đạo pháp chân chánh để độ thoát họ. Như đi vào cõi trời ở nơi chốn thiên cung thì dốc nêu giảng về pháp vô thường hao mòn hủy diệt, khuyên gắng tu tập mười hành thiện, lìa bỏ ngôi vị quan trọng nơi cõi trời để tu đạo Vô thượng. Như đi vào cõi súc sinh với bao sự thống khổ trong ấy, thì nên thuyết giảng về pháp nêu bày tính chất dối trá của sự xung đột chống cự, khiến sinh tâm thiện theo hướng sửa đổi. Như đi vào cõi ngạ quỷ với bao sự xấu xa thô lậu trong đó, thì nên thuyết giảng về pháp nêu bày tính chất trói buộc của tâm keo kiệt tham lam, khiến phát tâm thiện hối cải điều cũ, tu tập điều tốt. Như đi vào cõi địa ngục với bao tội nhân đang thọ hình phạt trong ấy, thì vì họ mà thuyết giảng pháp nêu bày về sự khó được cứu độ của năm tội nghịch trọng, lại khiến cho chúng sinh cõi ấy tâm mở ý thông, tâm thiện được phát sinh, mọi tội khổ thảy dứt, được sinh lại nơi cõi người. Đó gọi là Bồ-tát hành hóa hợp thời đúng lúc.

Lại nữa, này Bồ-tát Pháp Diệu! Lại như Bồ-tát đã tự xét kỹ và nhận biết, các hành đã đủ, các trí tự tại, đạt vượt mọi nghĩ bàn, sẽ dùng thần túc tạo sự cảm ứng đối với tất cả, tự thể hiện thần túc không hề bị trở ngại. Từ một cõi Phật này đến một cõi Phật khác, phụng sự kính lễ chư Phật Thế Tôn, chuyên tu tập phạm hạnh, thọ nhận các pháp chưa đạt được, lại cũng khiến cho chúng sinh cũng đạt được như mình.

Này Bồ-tát Pháp Diệu! Đó gọi là Đại Bồ-tát tu tập mười tuệ thuận hợp với sự hành hóa trong mọi thời mọi lúc, thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, thành Bậc Tối Chánh Giác liền có được đầy đủ các pháp lớn Anh lạc.