KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch từ Phạn văn: Pháp sư Pháp Cự và Pháp sư Pháp Lập ở Thế Kỷ 4
Dịch sang Tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
QUYỂN 4
PHẨM 36: TỊCH DIỆT
Thuở xưa Đức Phật cùng với 1.250 vị Bhikṣu ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá.
Bấy giờ vua của nước Thiện Thắng tên là Vị Sanh Oán, thống lãnh 500 nước. Mỗi nước đều có tên gọi riêng. Ở gần của nước Thiện Thắng có một quốc gia không chịu thần phục, tên là Tăng Thắng.
Do đó vua Vị Sanh Oán muốn đến chinh phạt nên liền triệu tập quần thần và nói rằng:
“Nhân dân của nước Tăng Thắng giàu sang thịnh vượng và trong nước sản xuất nhiều trân bảo. Bởi vậy mà họ chẳng chịu thần phục trẫm. Các khanh nghĩ có nên khởi binh đến chinh phạt chăng?”
Đương thời trong nước có vị thừa tướng trung thành, tên là Vũ Xá, tâu rằng:
“Tâu đại vương! Có thể lắm!”
Nhà vua bảo Thừa tướng Vũ Xá rằng:
“Đức Phật đang ở cách đây không xa. Với Ba Minh thông triệt của bậc thánh, không việc gì mà chẳng rõ. Khanh hãy mang lời của trẫm đến chỗ của Phật và thưa hỏi rằng, nếu khởi binh đến chinh phạt thì sẽ được thắng lợi chăng?”
Thừa tướng Vũ Xá tuân mệnh. Ông lập tức chuẩn bị xe ngựa để đi đến tinh xá. Khi đến ở trước Phật, thừa tướng cúi đầu sát đất và đảnh lễ Phật. Lúc ấy Đức Phật bảo ông hãy ngồi xuống.
Khi thừa tướng đã ngồi xuống, Phật hỏi rằng:
“Ông từ đâu đến?”
Thừa tướng thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn! Đại vương sai con đến lễ bái Đức Phật và thăm hỏi Thế Tôn đi đứng và ăn uống có được như ý chăng?”
Phật hỏi thừa tướng:
“Đại vương, quần thần, và nhân dân trong nước đều được bình an chứ?”
Thừa tướng thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn! Nhờ hồng ân của Phật, đại vương và thần dân thảy đều bình an.”
Sau đó thừa tướng bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Đại vương và nước Tăng Thắng có hiềm khích. Đại vương muốn khởi binh đến chinh phạt. Chẳng hay thánh ý của Phật như thế nào? Có thể thắng chăng?”
Phật bảo thừa tướng:
“Nhân dân của nước Tăng Thắng phụng hành bảy Pháp nên không thể thắng họ. Ông hãy chuyển lời đến đại vương, hãy đắn đo suy nghĩ và chớ vội hành động.”
Thừa tướng bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Bảy Pháp đó là những gì?”
Đức Phật bảo:
“Nhân dân của nước Tăng Thắng luôn cùng tụ hội, diễn giảng Chánh Pháp, tự mình tu phước đức, và cho đó là việc đương nhiên. Đây là thứ nhất.
Quốc vương, quần thần, và nhân dân của nước Tăng Thắng luôn hòa thuận, bậc trung lương lãnh đạo, quân vương tiếp nhận lời can gián của quần thần, và không chống đối lẫn nhau. Đây là thứ nhì.
Nhân dân của nước Tăng Thắng đều tuân thủ pháp luật, không trộm cắp, không dám phạm tội, và trên dưới một mực tuân thủ. Đây là Pháp thứ ba.
Nhân dân của nước Tăng Thắng kính trọng lễ nghĩa, trai gái giữ đúng luân lý, già trẻ kính trọng lẫn nhau, và không mất lễ nghi. Đây là thứ tư.
Nhân dân của nước Tăng Thắng hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tiếp thọ giáo huấn, và xem đó là phép tắc của quốc gia. Đây là thứ năm.
Nhân dân của nước Tăng Thắng thuận theo đạo lý của thiên địa, kính trọng thần linh, tùy thuận bốn mùa và chăm lo nông nghiệp. Đây là thứ sáu.
Nhân dân của nước Tăng Thắng tôn kính Đạo đức, trong nước có những vị đắc Đạo Ứng Chân, và cũng hoan hỷ cúng dường y phục, giường nệm, ẩm thực, và thuốc thang cho các vị Đạo Nhân từ phương xa đến. Đây là thứ bảy.
Quốc vương, quần thần, và nhân dân của bất kỳ quốc gia nào thực hành bảy Pháp này thì nước của họ sẽ không thể gặp nguy hiểm. Dù có tập hợp quân binh khắp thiên hạ để cùng đến tấn công nước họ thì cũng không thể thắng.”
Phật bảo thừa tướng:
“Giả sử nhân dân của nước Tăng Thắng chỉ hành trì một Pháp thì còn không thể tấn công. Hà huống là họ đã hành trì hết bảy Pháp như vậy.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Thắng lợi chưa đủ nhờ
Tuy thắng vẫn còn khổ
Hãy tự cầu thắng Pháp
Đã thắng chẳng còn sanh”
Khi nghe kệ của Phật, Thừa tướng Vũ Xá liền thấy dấu Đạo. Bấy giờ tất cả kẻ lớn người nhỏ trong chúng hội đều đắc Quả Nhập Lưu.
Lúc ấy thừa tướng liền từ chỗ ngồi đứng dậy và thưa với Phật rằng:
“Thưa Thế Tôn! Do việc nước bề bộn, con muốn xin phép cáo lui trở về.”
Đức Phật bảo:
“Lành thay! Nên biết bây giờ chính là lúc.”
Thừa tướng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi cáo lui. Sau khi về nước, ông trình tâu đầy đủ cho quốc vương. Do đó vua Vị Sanh Oán liền đình chỉ việc khởi binh và nghiêm trì lời Phật dạy. Sau đó dân chúng của nước Tăng Thắng cũng nghe được lời dạy của Phật cho Thừa tướng Vũ Xá nên họ cũng đến thần phục nước Thiện Thắng. Bấy giờ mọi người trong quốc gia của họ trên dưới đồng lòng và đất nước hưng thịnh thái bình.