SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 28
Phẩm 32: TÂM Ý
Khinh thường khó giữ
Bị dục chiếm đóng
Hàng tâm là tốt
Nhờ hàng nên yên.
Khinh thường khó giữ: Sở dĩ Như Lai xuất hiện ở đời chính là muốn hang phục tâm người, dứt bỏ mọi hành động nhơ bẩn. Như người tu hành thường tự suy nghĩ luận bàn với tâm, tâm đưa đến nhiều tai họa, làm cho người ta bị đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cho nên nói: Khinh thường khó giữ gìn.
Bị dục chiếm đóng: Người tu hành quán sát nguyên nhân sinh bệnh đều có nghiên cứu nguồn gốc tham dục thì chính là tâm ý.
Giống như kẻ trộm cướp nương náu nơi hiểm trở để đi ăn cướp, nếu không có nơi hiểm trở thì không do đâu mà sinh tai họa, tham dục cũng như vậy. Tâm là hang ổ, xoay vần rong ruổi nên trở thành tai họa. Cho nên nói: Bị dục chiếm đóng.
Hàng tâm là tốt, nhờ hàng nên yên: Người hàng phục được tâm thì không màng đến cuộc sống, đi đến đâu cũng được kính trọng, sau khi chết phiền não dứt hết, tâm ý mở tỏ, được Niết-bàn. Cho nên nói: Hàng tâm là tốt, nhờ hàng nên yên.
—————————————————————————————–
Như cá trên đất khô
Bởi lìa khỏi vực sâu
Tâm thức rất hoảng sợ
Các ma dẫn rong ruổi.
Như cá trên đất khô, bởi lìa khỏi vực sâu: Như con cá nhảy khỏi vực sâu, oằn oại trên mặt đất. Khi tâm ý ta bị phiền não bực bội, không được tự tại cũng giống như vậy. Cho nên nói: Như cá trên đất khô, bởi lìa khỏi vực sâu.
Tâm thức rất hoảng sợ, các ma dẫn rong ruổi: Giống như con cá trên bờ kia giẫy đành đạch, không được tự tại, tâm cũng như vậy, rong ruổi theo các kết sử, không thể tự dừng lại được, nên bị các thứ tà được dịp làm hại. Cho nên nói: Tâm thức rất hoảng sợ, các ma dẫn rong ruổi.
—————————————————————————————–
Tâm chạy, không một chỗ
Giống như ánh mặt trời
Bậc Trí chế ngự được
Như móc ngăn voi dữ.
Tâm chạy, không một chỗ, giống như ánh mặt trời: Như mặt trời vừa mọc ánh sáng chiếu khắp bốn phương. Tâm cũng giống như vậy, rong ruổi theo sắc, thanh, hương, vị xúc, không thể tự kiềm chế làm cho không rong ruổi. Như con voi dữ hung bạo khó chế ngự kia, người ta dùng móc thép cứng chế ngự nó. Cho nên nói: Tâm chạy, không một chỗ, giống như ánh mặt trời, bậc Trí chế ngự được, như móc ngăn voi dữ.
—————————————————————————————–
Nay, ta bàn tâm này
Không bền, không thể thấy
Nay ta muốn dạy răn
Cẩn thận, chớ sinh lỗi.
Nay ta bàn tâm này, không bền, không thể thấy: Người tu hành chuyên tâm một chỗ, cột tâm trước mặt, dùng nhiều phương tiện dạy bảo, trách sửa tâm. Tâm, chính mi mà từ vô số kiếp, ta phải trải qua sinh tử, bỏ thân này thọ thân khác nhiều, không kể hết, hoặc ở trong ba đường tám nạn, hoặc qua lại trong cõi trời, cõi người, nay ta được làm người, lại được gặp Thánh pháp phải lìa bỏ các ý tưởng đắm nhiễm xưa nay, dùng mọi cách dạy bảo, trách sửa tâm này. Lại bảo tâm rằng: Ngươi là thứ mong manh không đáng nương cậy. Nhận xét như vậy, cho nên phải dứt hết mọi ái kết sử.
Cho nên nói: Nay ta bàn tâm này, không bền, không thể thấy, nay ta muốn dạy răn, cẩn thận, chớ sinh lỗi.
—————————————————————————————–
Tâm, ngươi chớ dạo đi
Theo ham hố buông lung
Ta gom trọn ngươi lại
Như chế ngự voi dữ.
Tâm, ngươi chớ dạo đi, theo ham hố buông lung: Tâm là một thứ do dự không đứng yên, nó dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như khỉ vượn ham mê dưa trái, chúng buông cành này nắm bắt cành kia, ý không đứng một chỗ. Tâm cũng như vậy, muôn thứ sinh ra một cách ngang trái, tạo tác các tội, không thể xả bỏ. Cho nên nói: Tâm, ngươi chớ dạo đi, theo ham hố buông lung.
Ta gom trọn ngươi lại, như chế ngự voi dữ: Ta sẽ dùng pháp quán bất tịnh gom nhiếp tâm ý, không cho rong ruổi. Như chế ngự voi dữ, không cho chạy lung tung. Cho nên nói: Ta gom trọn ngươi lại, như chế ngự voi dữ.
—————————————————————————————–
Sinh tử vô số lượng
Qua lại không đầu mối
Tìm người thợ cất nhà
Thường phải thọ bào thai.
Sinh tử vô số lượng, qua lại không đầu mối: Người ta sống chết trải qua nhiều kiếp không thể tính kể. Hoặc đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, trong đó chịu khổ không thể kể xiết. Cho nên nói: Sinh tử vô số lượng, qua lại không đầu mối.
Tìm người thợ cất nhà, thường phải thọ bào thai: Bởi không diệt hết nghiệp nhân cho nên qua lại không dứt. Bị ràng buộc bởi thân tướng mập mạp trắng trẻo, tham đắm hình sắc nên thường vào bào thai. Cho nên nói: Tìm người thợ cất nhà, thường phải thọ bào thai.
—————————————————————————————–
Quán kỹ nhà này
Không còn cất nữa
Cột kèo gãy hết
Lâu đài tan hoang.
Quán kỹ nhà này: Nó mong manh, không bền chắc, chắn chắn phải hư hoại bởi nó là pháp bị hao mòn tiêu diệt, dù cho núi cao, biển cả rồi cũng tan hoang.
Không còn cất nữa: Vì sao? Bởi biết nguồn gốc của bệnh, lại không muốn thọ thân, tạo ngôi nhà năm ấm. Cho nên nói: Quán kỹ nhà này, không còn cất nữa.
Cột kèo gãy hết, lâu đài tan hoang: Sở dĩ nói về ý này là nói về cội gốc kết sử. Thân chết bốn đại tan lìa, vạn vật không hội hợp lâu. Ở đây nói về người thành đạo, sau khi chết thần thức ra đi vắng lặng trống không. Chi tiết thân thể mỗi thứ trở về cội gốc của chúng. Đất trở về với đất, nước trở về với nước, lửa trở về với lửa, gió trở về với gió. Thần thức đi vào vô vi, không còn lo sợ phải thọ thân khác. Cho nên nói: Cột kèo gãy hết, lâu đài tan hoang.
—————————————————————————————–
Tâm lìa tạo tác
Khoảng giữa đã diệt
Tâm luôn xáo động
Khó giữ gìn được.
Tâm lìa tạo tác: Tạo tác là đầu mối kết sử. Sở dĩ chúng sinh chìm đắm trong sinh tử, đều do tạo tác mà đưa đến những tai biến như vậy. Bậc Thánh ra đời tinh tấn, tự dứt bỏ cội gốc tạo tác, không cho sinh trở lại. Cho nên nói: Tâm lìa tạo tác.
Khoảng giữa đã diệt: Pháp ba đời dứt hẳn không còn. Cho nên nói: Khoảng giữa đã diệt.
Tâm luôn xáo động: Như trong khế kinh của Phật có nói: Nay Ta nói về nguồn gốc của tâm, nó lao xao lăng xăng. Một ngày một đêm có chín trăm chín mươi chín ức niệm. Các niệm tưởng đều khác nhau, tạo nghiệp khác nhau. Cho nên nói: Tâm luôn xáo động.
Khó giữ gìn được: Trong khoảnh khắc phát tâm làm thiện hay ác, nếu tâm nghĩ thiện thì có ảnh hưởng đến liền, không có gì ngăn ngại, còn như tâm nghĩ ác thì như vang theo tiếng, muốn giữ gìn cũng không thể được. Như các loài thú dữ: Cọp, sói, rắn rít, bò cạp mà muốn chúng che chở nhau, khiến chúng không làm ác, thì điều ấy từ trước đến giờ chưa từng nghe. Cho nên nói: Khó giữ gìn được.
—————————————————————————————–
Người trí tự sửa mình
Như thợ vót tên thẳng
Có giận thì biết giận
Có giận biết có giận.
Người trí tự sửa mình, như thợ vót tên thẳng: Người tu hành trước phải sửa đổi bản thân mình, thường biết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Dùng sáu hạnh suy niệm để tự răn mình, không để tà vạy. Như người thợ khéo tay, vót thẳng mũi tên, không để gút mắc, có công năng chế ngự địch, không có gì khó. Cho nên nói: Người trí tự sửa mình, như thợ vót tên thẳng.
Có giận thì biết giận, có giận biết có giận: Oán oán càng thêm oán, dùng oán để dứt oán thì xưa nay chưa hề có. Vậy phải dứt oán diệt oán, sau đó mới biết là không còn oán. Cho nên nói:
Có giận thì biết giận, có giận biết có giận.
—————————————————————————————–
Chính ý mình tạo
Chẳng phải cha mẹ
Bỏ tà được định
Làm phước chớ lùi.
Ý làm các việc, vì thân mà gây họa. Ác này do tâm gây ra, không phải cha mẹ, anh em, họ hàng, tôi tớ gây ra. Xét rõ điều này mới biết rằng bởi tà kiến mà sinh ra trần lao này. Lại không giữ gìn làm cho tâm khỏi rối loạn. Cho nên nói: Chính ý mình tạo, chẳng phải cha mẹ, bỏ tà được định, làm phước chớ lùi.
—————————————————————————————–
Nhà lợp không kỹ
Trời mưa bị dột
Không sửa hạnh mình
Rịn dâm, nộ, si.
Như ở đời, người ta xây dựng cung điện, nhà cửa nếu lợp nóc không kỹ thì lúc trời mưa chỗ nào cũng bị dột. Người không sửa đổi việc làm của mình cho đúng thì tâm duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi không suy nghĩ pháp quán bất tịnh nên nước tam độc chảy lan ra ngoài. Cho nên nói: Nhà lợp không kỹ, trời mưa bị
dột, không sửa hạnh mình, rịn dâm, nộ, si.
Đều ứng thành kệ, nói lược yếu nghĩa: Ngu si cũng vậy, giận dữ cũng vậy, ganh tị cũng vậy, kiêu mạn cũng vậy, ái kết cũng vậy.
—————————————————————————————–
Nóc nhà lợp kỹ
Trời mưa không dột
Người biết sửa mình
Hết dâm, nộ, si.
Như người thợ khi xây cất cung điện, nhà cửa lợp rất kỹ lưỡng nên khi trời mưa không dột được. Người biết sửa mình, dứt bỏ dâm, nộ, si, không cho chúng chảy ra, các hoạn nạn đều dứt hết. Đều ứng thành kệ, nói lược yếu nghĩa: Ngu si cũng vậy, giận dữ cũng vậy, ganh tị cũng vậy, kiêu mạn cũng vậy, ái kết cũng vậy.
—————————————————————————————–
Tâm là gốc pháp
Tâm quý, tâm khiến
Tâm nghĩ điều ác
Vừa nói, làm ngay
Tội khổ theo mình
Như xe cán đường.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Từ nay trở đi, trước khi ăn phải đọc kệ khuyến thực.
Trong thành Xá-vệ có hai người ăn mày đã đến ăn xin khi Tăng chúng chưa nói kệ khuyến thực, trong đó có một người ăn mày tâm ganh tị lẫy lừng, bèn phát khởi tâm ác, ý nguyện thầm rằng: “Nếu ngày sau được làm vua, ta sẽ cho xe cán bể đầu các Đạo nhân này.”
Sau khi chúng Tăng đọc kệ, người ăn mày được ban cho nhiều đồ ăn. Ra ngồi bên đường, anh ta ăn no nê rồi nằm ngủ say. Bỗng có mấy trăm chiếc xe chạy ngang qua đó, cán bể đầu anh này. Sau khi chết đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng.
—————————————————————————————–
Tâm là gốc pháp
Tâm quý, tâm khiến
Tâm nghĩ điều lành
Vừa nói, làm ngay
Phước vui tự theo
Như bóng theo hình.
Lúc ấy người ăn mày thứ hai trong tâm thầm nghĩ: “Nếu sau này được giàu sang, làm vua, ta sẽ cúng dường cho Thánh chúng này không hề thiếu thốn”. Khi ấy, anh ăn mày này được nhiều đồ ăn vừa ý, anh liền ra ngoài rồi nằm ngủ dưới gốc cây, tinh thần yên tịnh, không có loạn tưởng.
Lúc bấy giờ, trong nước ấy, vua vừa qua đời, không có con nối dõi. Các quan họp lại bàn:
–Nay trong nước không có chủ, lại không ai nối ngôi dễ khiến lòng dân chúng ly tán. Không bao lâu sẽ nhà tan nước mất. Do vậy cần phải hỏi các ngài: ‘Ai có mưu kết gì khiến đất nước toàn vẹn, dân không đi nơi khác xin nói cho biết’.
Trong đó, một vị quan trí tuệ sáng suốt bậc nhất báo dân chúng:
–Chúng ta mất chúa, không có người kế vị. Vậy nay cử sứ giả đi tuần trong nước nếu gặp được ai có tướng oai nghiêm phước lộc đầy đủ thì sẽ mời về nối ngôi vua.
Sứ giả liền đi xem xét, thấy dưới một gốc cây nọ, có một người nằm ngủ. Ánh nắng xế nghiêng nhưng bóng cây không dời.
Bóng cây vẫn che mát trên thân người ấy như một cái lọng, sứ giả thấy vậy liền dừng lại xem. Thật là một sự việc lạ lùng, trên đời này không ai hơn. Người này rất xứng đáng được nối ngôi vua.
Sứ giả đến đánh thức người ấy và mời lên xe đưa về triều làm vua. Mọi người tung hô vạn tuế. Từ đó đất nước thanh bình thịnh vượng.
Đức Thế Tôn quán xét hai ý nghĩa trên, liền nói bài kệ này:
Tâm là gốc pháp
Tâm quý, tâm khiến
Tâm nghĩ điều ác
Vừa nói, làm ngay
Tội khổ theo mình
Như xe cán đường.
Tâm là gốc pháp
Tâm quý, tâm khiến
Tâm nghĩ điều lành
Vừa nói, làm ngay
Phước vui theo mình
Như bóng theo hình.
—————————————————————————————–
Niệm không biết ngừng
Không dứt vô biên
Phước ngăn được ác
Giác là bậc Hiền.
Niệm không biết ngừng, không dứt vô biên: Người tu hành buông thả tâm ý rong ruổi, không thể chuyên nhất, ngay trong khi nghe pháp cũng không chú tâm chuyên nhất. Không dứt vô biên là răn việc trộm cắp, thân tà vạy. Cho nên nói: Niệm không biết ngừng, không dứt vô biên.
Phước ngăn được ác, giác là bậc Hiền: Người tích chứa điều lành, dứt bỏ tâm dâm, nộ, si, kiêu mạn, người như thế tu đạo dễ dàng. Nhờ phước báu ấy dần dần đến đạo tràng. Cho nên nói:
Phước ngăn được ác, giác là bậc Hiền.
—————————————————————————————–
Không có ý bất tịnh
Và giận dữ như người
Người muốn biết được pháp
Tam da tam Phật nói,
Ai dứt bỏ cống cao
Tâm ý rất thanh tịnh
Bỏ được tâm tổn hại
Mới nghe được chánh pháp.
Chư Phật, Thế Tôn thường dùng Thiên nhãn quán xét những việc trong ba đời, biết rõ đời vị lai, chúng sinh mê lầm, tự kiêu, khinh miệt kẻ khác, không kính thờ Tam bảo. Ta ra đi rồi, lời dạy vẫn còn đó. Là những người dòng dõi, các thầy phải truyền dạy kinh điển của Ta cho người đời sau, chúng sinh nào nghe đến đều được cứu độ.
Bấy giờ, trong vườn Kê-đầu, thuộc nước lớn Ba-la-lê, có một thầy Tỳ-kheo được mấy ngàn muôn người bao quanh trước sau.
Ngài ngồi trên tòa cao nói pháp giáo hóa. Chúng sinh nào nghe đều được cứu độ. Tùy theo công hạnh mình hướng đến mà đều thỏa nguyện. Người nước ngoài đều phải theo luật lệ trong nước này là ai muốn vào chùa lễ Phật, nghe pháp đều phải dỡ mũ ra. Bấy giờ có vị vua bị hói đầu và trên đầu có ghẻ, chân lại mang giày, tự ỷ mình bậc giàu sang quý tộc, nên ông quấn tấm nỉ trên đầu nghe kinh. Nhà vua bảo:
–Xin thầy Tỳ-kheo nói pháp cho ta nghe.
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Như Lai có dạy rằng: Không được nói pháp cho người chân mang giày dép.
Vua nghe thế bực tức liền cởi giày ra và bảo:
–Xin thầy Tỳ-kheo hãy mau nói pháp cho vui lòng ta. Làm trái ý ta thì bị chém đầu.
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Giới cấm của Như Lai có dạy rằng: Không được nói pháp cho người trùm khăn trên đầu nghe.
Nghe lời ấy, nhà vua càng thêm tức giận, lửa sân bừng bừng, bảo thầy Tỳ-kheo:
–Ông muốn làm nhục ta chăng? Cứ cố tình chối từ là sao?
Bây giờ ta để đầu trần, nghe ông nói pháp đây. Nếu không cởi mở những ngờ vực của ta thì thân ông bị chém đứt làm ba khúc.
Khi ấy, thầy Tỳ-kheo nói cho nhà vua nghe bài kệ:
Không có ý bất tịnh
Và giận dữ như người
Người muốn biết được pháp
Tam da tam Phật nói,
Ai dứt bỏ cống cao
Tâm ý rất thanh tịnh
Bỏ được tâm tổn hại
Mới nghe được chánh pháp.
Nghe bài kệ, nhà vua lộ vẻ hổ thẹn, liền đứng dậy, năm vóc gieo sát đất, tự quy y sám hối, mong được dứt trừ lỗi của thân, miệng, ý. Quỳ thẳng chắp tay, vua thưa với thầy Tỳ-kheo:
–Chẳng hay bài kệ này là do chính Như Lai nói hay là tôn nhân biết rõ tâm ta nên nói ra?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Bài kệ này chính là do Như Lai nói ra, đến nay đã lâu lắm rồi, không phải mới nói đâu.
Nhà vua tự suy nghĩ: “Hay lắm! Bậc Thánh với trí tam đạt biết hết mọi việc. Ngài biết cả đến mai sau có hạng như ta, với tâm giận dữ, tổn hại. Giờ đây xin sám hối một lần nữa, không dám gây ra nghiệp mới”.
Khi ấy thầy Tỳ-kheo dần dần nói pháp sâu cho nhà vua nghe.
Nghe xong, ngay tại chỗ ngồi, nhà vua dứt sạch hết các phiền não, được mắt pháp thanh tịnh, thấy pháp, được pháp, không còn lo sợ gì nữa.
—————————————————————————————–
Tâm không ý trụ
Cũng không biết pháp
Mê đắm việc đời
Không có chánh trí.
Tâm không ý trụ, cũng không biết pháp: Như nước chảy xiết khó có thể ngăn lại. Ra khỏi mạch phun, dòng nước chảy mãi suốt đêm ngày. Muốn đưa nó chảy ngược về nguồn thì không thể được.
Người như thế không biết chánh pháp, cũng không biết cái gì đáng thành tựu để thành tựu và cái gì cần bỏ để bỏ, khác gì kẻ điếc nghe nhạc ngũ âm, người mù cầm đuốc. Cho nên nói: Tâm không ý trụ, cũng không biết pháp.
Mê đắm việc đời, không có chánh trí: Như người tu hành tham ưa thế gian, tin theo tà kiến điên đảo, hoặc thờ các thần nước, lửa, trời, trăng. Cúng tế tổ tiên, cha mẹ, anh em, trong tâm mong được công đức chánh pháp, khác nào kẻ muốn xây nhà trên hư không, làm sao thực hiện được? Như trong kinh nói: Sát sinh để cúng tế đều là gieo nhân khổ hại. Cho nên nói: Mê đắm việc đời, không có chánh trí.
—————————————————————————————–
Ba sáu dòng nước chảy
Cùng tâm ý hữu lậu
Thường sinh khởi tà kiến
Nương kết sử dục tưởng.
Ba sáu dòng nước chảy: Về ba mươi sáu thứ tà thì tà của than có ba, ba cõi mỗi cõi có một. Biên kiến có ba: Dục giới có một, cõi Sắc có một, cõi Vô sắc có một. Tà kiến có mười hai: Cõi Dục có bốn, cõi Sắc có bốn, cõi Vô sắc có bốn. Trộm về Kiến có mười hai:
Cõi Dục có bốn, cõi Sắc có bốn, cõi Vô sắc có bốn. Trộm về giới có sáu: Cõi Dục có hai, cõi Sắc có hai, cõi Vô sắc có hai, cộng chung tất cả là ba mươi sáu. Ba mươi sáu thứ ấy làm cho người đời mê lầm, không thấy chánh kiến. Bởi vậy, người trí phòng lo việc chưa xảy ra. Cho nên nói: Ba sáu thứ dòng nước chảy, cùng tâm ý hữu lậu, ba sáu tâm tà kiến do tâm sinh ra, nó lan tràn thành muon mối, trở thành tà kiến. Cho nên nói: Cùng tâm hữu lậu.
Thường sinh khởi tà kiến, nương kết sử dục tưởng: Tà kiến này là chấp thường kiến, đoạn diệt kiến. Hai tà kiến này không tương ưng nhau. Chấp thường kiến thì không tương ưng với chấp đoạn diệt. Chấp đoạn diệt thì không tương ưng với chấp thường.
Kiến chấp của hai người khác nhau là do tà kiến mà đưa đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Lại sinh khởi ba ý tưởng là ý tưởng về dục, ý tưởng về sân, ý tưởng về vô minh. Cho nên nói: Thường sinh khởi tà kiến, nương vào kết sử dục tưởng.
—————————————————————————————–
Bỏ ý, buông cội gốc
Người theo ý lưu chuyển
Giây lát mất tiếng tăm
Như chim bỏ rừng vắng.
Bỏ ý, buông cội gốc, người theo ý lưu chuyển: ở đời có nhiều người ưa thích ngũ âm. Như mắt thấy sắc, khởi lên nhãn thức bèn thành nhãn căn. Tai nghe tiếng, khởi lên nhĩ thức bèn thành nhĩ căn. Mũi ngửi mùi, khởi lên tỉ thức bèn thành tỉ căn. Miệng nếm vị sinh khởi khẩu thức, bèn thành khẩu căn. Thân biết trơn láng, sinh khởi thức thân bèn thành thân căn. Ý biết pháp sinh khởi ý thức, bèn thành ý căn. Cho nên nói: Bỏ ý, buông cội gốc, người theo ý lưu chuyển.
Giây lát mất tiếng tăm, như chim bỏ rừng vắng: Người ta phạm lỗi, không lo nghĩ về sau. Làm lành lâu ngày có thể mất đi trong giây lát. Bị các đàn-việt thí chủ thấy, chê bai. Họ bảo nhau:
“Chúng ta vốn nghĩ họ là người giới đức thanh tịnh đầy đủ, cớ sao bây giờ chỉ thấy toàn là tội lỗi”. Rồi họ cùng nhau bạc đãi xem thường, không kính trọng nữa, giống như đàn chim thường ngủ đêm trong rừng rậm, ham mê trái ngọt hoa thơm, khi trái ngọt hoa thơm đã hết, mạnh con nào con nấy bay đi. Kẻ phạm giới cũng giống như thí dụ ấy. Phước hết, tội đến tự phải tan lìa. Cho nên nói: Giây lát mất tiếng tăm, như chim bỏ rừng vắng.
—————————————————————————————–
Tu học chỗ vắng lặng
Cẩn thận chớ theo dục
Chớ nuốt hòn sắt nóng
Khóc la chịu quả báo.
Tu học chỗ vắng lặng, cẩn thận chớ theo dục: Thường phải giữ gìn mọi hành động của tâm ý. Không để bị ý dục lôi kéo. Lòng dục khiến người ta mê mờ không phân biệt tôn ti. Cho nên nói: Tu học chỗ vắng lặng, cẩn thận chớ theo dục.
Chớ nuốt hòn sắt nóng, khóc la chịu quả báo: Như lửa thiêu đốt đau nhức tận xương tủy, chết rồi đọa địa ngục, khổ sở muôn bề, ôm cột đồng cháy, nuốt hòn sắt nóng, kêu khóc thảm thiết, biết tỏ cùng ai. Cho nên nói: Chớ nuốt hòn sắt nóng, khóc la chịu quả báo.
—————————————————————————————–
Nên khởi mà không khởi
Ỷ sức không tinh tấn
Tự làm thân người hèn
Biếng nhác không trí tuệ.
Nên khởi mà không khởi: Nói về Phật, thiện tri thức, nhưng không tạo công đức lành. Tuy sinh gặp thời, nhưng không làm gì có ích cho người. Trời mưa bảy thứ báu đầy ngập thế giới, nhưng kẻ ngu thì tâm ý mê mờ, nào biết nhặt lấy của báu ấy. Thường được thân người nhưng không biết lo xa. Tuy được gọi là người, nhưng sống vô ích. Ở đây cũng như thế, gặp được Phật ra đời giảng nói pháp sâu xa, người ngu giữ khư khư sự mê lầm của mình không chịu nghe tin nhận những điều chân lý. Cho nên nói: Nên khởi mà không khởi.
Ỷ sức không tinh tấn: Như có người tu hành có năng lực nhận sự giáo hóa của Phật nhưng lại biếng nhác không tinh tấn. Cho nên nói: Ỷ sức không tinh tấn.
Tự làm thân người hèn, biếng nhác không trí tuệ: Tự dìm mình vào sinh tử, không nghĩ đến tai họa đời sau. Tuy gặp Phật ra đời, gặp thiện tri thức, gặp bậc Hiền thánh nhưng không chịu lãnh thọ trí tuệ, phân biệt nghĩa thú. Cho nên nói: Tự làm thân người hèn, biếng nhác không trí tuệ.
—————————————————————————————–
Loạn quán và chánh quán
Đều từ ý sinh ra
Nếu giác biết tâm quán
Tâm ngu thường rối loạn.
Loạn quán và chánh quán, đều từ ý sinh ra: Loạn quán là quán dục, quán giận dữ và quán vô minh. Người tu hành lìa bỏ các quán ấy mà tu tập chánh quán. Khi có chánh quán định ý thì siêu việt trên hết trong các định tối thắng. Chỉ có bậc Thánh đã dứt hết các lậu, không còn đắm trước thì mới đạt được thứ định ấy. Cho nên nói: Loạn quán và chánh quán, đều từ ý sinh ra.
Nếu giác biết tâm quán, tâm ngu thường rối loạn: Người tinh tấn tu học phải quán xuất ly. Quán Không, Vô tướng, Vô nguyện, rửa sạch tâm dơ, buông bỏ tám việc thế tục. Tu tâm thanh tịnh, hiểu các tướng hảo. Luôn luôn vắng lặng, lời dạy bảo ra tốt đẹp không ai bì kịp. Bốn đến như thế lúc nào cũng tu tập. Người ngu giữ khư khư sự mê muội của mình nên tâm ý thường loạn động.
Như chất nước ngon ngọt, nhưng kẻ ngu cho là cay đắng, chẳng lẽ phải chờ bậc Thánh cạy miệng đổ vào? Cứ khư khư giữ sự mê lầm thì khó có thể sửa đổi như vậy. Cho nên nói: Nếu giác biết tâm quán, tâm ngu thường rối loạn.
—————————————————————————————–
Người trí quán như vậy
Giữ cho niệm chuyên nhất
Than ôi ! Ý không đắm
Chỉ Phật mới dứt được.
Người trí quán như vậy, giữ cho niệm chuyên nhất: Người trí giảng nói pháp nhiệm mầu, phá tan nghi ngờ, dứt bỏ sự khó khăn, rọi sáng lòng người. Sống chung với mọi người mà riêng mình không bạn. Thường hỏi mọi người ai có gì thắc mắc ta sẽ dùng lửa trí tuệ rực rỡ để đốt cháy hết những mối nghi ngờ của mọi người.
Luôn luôn quán sát tâm không rối loạn. Người học đạo tu hành nên lấy đó làm sự nghiệp. Cho nên nói: Người trí quán như vậy, giữ cho niệm chuyên nhất.
Than ôi! Ý không đắm, chỉ Phật mới dứt được: Người tu hành được định \ Tam-muội, bỏ hết những việc hữu lậu thế tục. Lại cũng bỏ luôn định ý giải thoát là cội gốc điều lành của thế tục. Ai làm được việc ấy? Chỉ có Phật, Thế tôn mới bỏ được mà thôi. Cho nên nói: Than ôi! Ý không đắm, chỉ Phật mới dứt được.
—————————————————————————————–
Quán thân như bình không
Tâm yên như tường thành
Dùng tuệ đánh với ma
Giữ thắng, chớ để mất.
Quán thân như bình không: Như cái bình cũ kỹ, trong ngoài không bền chắc, tuy còn dùng đựng đồ được, nhưng không được bao lâu. Thân bốn đại này cũng giống như vậy, thường phải khổ đau, hư hoại, không được bao lâu, như cái bình cũ kia, dù đựng đồ tốt hay đựng đồ xấu nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt, về với tro than. Tấm thân mong manh này cũng giống như vậy, có khi thọ thân tốt đẹp, có khi thọ thân xấu xí, nếu nhập lãnh điều lành thì đó là công đức lành để trang điểm cho thân, còn nếu nhận lãnh điều xấu ác thì đó là bỏ nghiệp lành, tâm bị ô nhiễm. Sau khi chết, than bị vất ngoài gò mả. Cho nên nói: Quán thân như bình không.
Tâm yên như tường thành: Sở dĩ xây thành vững chắc, đào hào sâu là để chống lại bọn trộm cướp hại dân. Tâm cũng giống như vậy, phải chống giữ tâm không cho giặc kết sử trói buộc.
Thành có vững chắc thì giặc mới không có cơ hội đánh phá, tâm ngay thẳng không tà vạy thì kết sử không có cơ hội làm phiền não.
Cho nên nói: Tâm yên như tường thành.
Dùng tuệ đánh với ma: Kỹ thuật đã hoàn bị, sáu nghề đã đầy đủ thì có khả năng chiến đấu với ma trời Tự tại. Cho nên nói: Dùng tuệ đánh với ma.
Giữ thắng chớ để mất: Đã thắng dâm, nộ, si, không còn ý tưởng nào khác, thường buộc ý trước mặt, không có tâm nào khác.
Cho nên nói: Giữ thắng chớ để mất. Tóm lại, quán sát thế gian cũng giống như vậy.
—————————————————————————————–
Quán thân như chùm bọt
Như ngựa đồng nắng lóa
Dùng tuệ đánh với ma
Giữ thắng chớ để mất.
Giống như chùm bọt nước vừa có đó liền vỡ mất, không tồn tại được lâu. Thân bốn đại này cũng giống như vậy, tụ lại thì thành thân người, phân tán ra thì thành khí. Vốn nhờ cha mẹ mà có được thân bốn đại, nhưng nếu suy xét tận cùng ngọn ngành thì đều là không. Tìm thì không thấy ở trước, kiếm mãi vẫn không thấy ở sau.
Sinh diệt tiếp nối mãi. Sinh sinh rồi diệt, sinh sinh rồi sinh, diệt diệt rồi diệt, diệt diệt rồi sinh, sinh không thấy sinh, diệt không thấy diệt. Phàm phu quen theo sự hiểu biết điên đảo, không giác ngộ. Cho nên nói: Quán thân như chùm bọt, như ngựa đồng nắng lóa, dùng tuệ đánh với ma, giữ thắng chớ để mất. Tóm lại, quán sát thế gian cũng giống như vậy.
—————————————————————————————–
Tâm nhớ bảy giác ý
Quyết ý không sai trái
Phải bỏ ý ngu lầm
Vui với nhẫn bất khởi
Hết lậu, không còn nhơ
Ở đời mà diệt độ.
Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái: Như người tu hành, tu tập pháp giác ý, lúc nào cũng nghĩ đến nó, không hề buông rời. Cho nên nói: Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái.
Phải bỏ ý ngu lầm, vui với nhẫn bất khởi: Nếu có chúng sinh không khởi tâm Từ bi đối với tất cả chúng sinh thì không đến được đạo và thành tựu được gì, phải bỏ ý ngu lầm, không đắm mê những ý tưởng về sắc, mới thích ứng với đạo chân, vui với xả và pháp nhẫn bất khởi, không còn tâm sinh diệt là bước vào nhà đạo. Cho nên nói: Tâm nhớ bảy giác ý, quyết ý không sai trái.
Hết lậu không còn nhơ, ở đời mà diệt độ: Người tu hành hết hữu lậu thành vô lậu, tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát, ở trong pháp hiện tại được tự tại. Hạng người như vậy được vào cảnh vô vi bước vào Niết-bàn. Vắng lặng mãi mãi, không còn sinh trở lại nữa. Cho nên nói: Hết lậu không còn nhơ, ở đời mà diệt độ.
—————————————————————————————–
Phải tự giữ ý mình
Như trâu Li giữ đuôi
Bố thí cho tất cả
Không bao giờ lìa vui.
Phải tự giữ ý mình, như trâu Ly giữ đuôi: Tâm luôn hành đạo, tạo tác không đầu mối, thường phải gom nhiếp tâm ý, không để gây lỗi lầm, như con trâu Ly lúc nào cũng giữ gìn cái đuôi của nó, sợ bị đứt mất, thà mất mạng sống và mất sự nghỉ ngơi chứ không để cho cái đuôi của mình bị chấm xuống đất. Tỳ-kheo học đạo cũng giống như thế, thà bỏ thân mạng chứ không phạm giới. Cho nên nói: Phải tự giữ ý mình, như trâu Li giữ đuôi.
Bố thí cho tất cả, không bao giờ lìa vui: Phải sinh tâm Từ bi thương xót tất cả chúng sinh. Xem kẻ oán thù như con đỏ. A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chiên-đà-la, Ma-hư-lặc, Nhân và Phi nhân không có dịp làm hại người ấy. Tự nhiên hưởng phước, vui sướng vô cùng.
Cho nên nói: Bố thí cho tất cả, không bao giờ lìa vui.
—————————————————————————————–
Một voi ra khỏi bầy
Voi sáu ngà trong voi
Tâm tâm tự bình đẳng
Vui một mình đồng trống.
Thuở xưa, các thầy Tỳ-kheo ở Câu-thâm ưa tranh chấp, không hề vui vẻ. Họ không thích cảnh núi rừng vắng vẻ. Khi ấy Đức Thế Tôn thường đến quở trách, can ngăn, nhưng họ không nghe. Như Lai thường nói pháp, họ cũng không nghe. Ngài bỏ đi đến một nơi, không xa chỗ Ngài có một con voi sống một mình lặng lẽ nơi núi rừng thanh vắng. Con voi thầm nghĩ: “Khi ta ở trong bầy bị đàn voi quấy nhiễu, ăn thì ăn cỏ xấu, uống thì uống nước đục. Nay ta ở nơi đây, không bị quấy nhiễu vui sướng làm sao!” Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Một voi ra khỏi bầy
Voi sáu ngà trong voi
Tâm tâm tự bình đẳng
Vui một mình đồng trống.
Nói kệ rồi, Đức Như Lai bèn bỏ ra đi.
—————————————————————————————–
Không có tâm làm hại
Vì tất cả mọi người
Tâm từ vì chúng sinh
Không ai oán giận mình.
Không có tâm làm hại, vì tất cả mọi người: Dứt bỏ tất cả tâm ghét bỏ thù hận, Từ bi thương xót tất cả các loài chúng sinh. Cho nên nói: Không có tâm làm hại, vì tất cả mọi người.
Tâm từ vì chúng sinh, họ không có oán giận: Coi thân mình như thân họ không có khác nhau. Không để lòng dù lời khen hay chê, không có tâm oán giận, cũng không có ý làm hại. Một long hướng về chúng sinh, lo nghĩ canh cánh bên lòng, không bao giờ lìa bỏ họ. Cho nên nói: Tâm từ vì chúng sinh, họ không có oán giận.
—————————————————————————————–
Tâm từ thương một người
Thì được các gốc lành
Phải nên vì tất cả
Hiền thánh khen phước cả.
Tâm từ thương một người: Như trong khế kinh của Phật có nói: Nếu có người bố thí cho tất cả chúng sinh, lại thêm tâm Từ bi bố thí cho một người thì người nào được phước nhiều? Thầy Tỳ-kheo đáp rằng: “Người thực hành tâm Từ bi thương xót nghĩ nhớ chúng sinh được phước rất nhiều”. Cho nên nói: Tâm từ thương một người thì được các gốc lành.
Phải nên vì tất cả, Hiền thánh khen phước cả: Bố thí cho một người mà phước còn khó lường nổi, huống gì bố thí cho tất cả các loài chúng sinh? Thì phước này là vô hạn, vô lượng, không thể tính kể. Nó lớn gấp muôn ức lần không thể lấy gì để thí dụ cho được.
Cho nên nói: Phải nên vì tất cả, Hiền thánh khen phước cả.
—————————————————————————————–
Từ bi khắp tất cả
Thương các loài chúng sinh
Tu hành tâm Từ bi
Đời sau vui không cùng.
Từ bi khắp tất cả, thương các loài chúng sinh: Người thực hành từ bi phát tâm bình đẳng, đối với tất cả chúng sinh trên mặt đất này thì có tâm Từ bi thương xót tất cả chúng sinh, về sau chịu thân người hưởng vui không bao giờ nhàm chán. Nếu sinh trên cõi trời thì hưởng phước tự nhiên, nhìn Đông thì quên Tây, các ngọc nữ vây quanh nhiều không kể hết. Nếu sinh làm người thì giàu có sang trọng thuộc bốn chủng tộc cao quý, bảy báu đầy đủ không thiếu món chi. Cha mẹ là người chân chánh, không phải hạng hèn mọn.
Cho nên nói: Từ bi khắp tất cả, thương các loài chúng sinh, tu hành tâm Từ bi, đời sau vui không cùng.
—————————————————————————————–
Nếu với tâm hớn hở
Vui mừng không biếng nhác
Tu tập các pháp lành
Thì đạt được an ổn.
Nếu với tâm hớn hở, vui mừng không biếng nhác: Người tu hành dứt hết dâm, nộ, si, giữ ý vững chắc không bỏ bản nguyện; tất cả công đức có được đều bố thí cho hết quả vô lượng đạo chánh đẳng giác, chứ không lấy phước này mà cầu làm Chuyển luân thánh vương hay các vua chư hầu. Lại cũng không cầu làm Đế
Thích, Phạm vương, cũng không mong làm ma hay ma vương, mà chỉ mong Niết-bàn tận diệt, vô vi, vô tác, là pháp sinh vô diệt; cho nên nói: Nếu với tâm hớn hở, vui mừng không biếng nhác, tu tập các pháp lành thì đạt được an ổn.
—————————————————————————————–
Dứt hết được vui mừng
Thân, miệng, ý tương ưng
Đạt được đẳng giải thoát
Tỳ-kheo dứt ý vui
Tất cả các kết hết
Không còn có trần lao.
Dứt hết được vui mừng, thân, miệng, ý tương ưng: Tâm người đã dứt thì các bệnh đều hết, không còn tạo các nghiệp của thân, miệng, ý nữa. Bố thí, trì giới, nhiếp ý, thọ trai đều cầu đạo vô vi, người xuất gia tu tập phước nghiệp, buông bỏ thế trí biện thông, tu tập bốn biện tài, để được tám pháp giải thoát. Thầy Tỳ-kheo tu tập nên theo sát bậc Hiền thánh. Cho nên nói: Dứt hết được vui mừng, thân, miệng, ý tương ưng.
Ở đây nói Kết là vì nó trói buộc tâm người, các kết trói buộc nhau, như con ngài tự trói lấy nó. Trói buộc tâm người nên không thấy được ánh sáng rực rỡ. Xua tan trần cấu kia thì tự mình soi thấy. Cho nên nói: Tất cả các kết hết, không còn có trần lao.
—————————————————————————————–
Dù cho năm nhạc âm
Không làm vui ý người
Không bằng một tâm chánh
Hướng về pháp bình đẳng.
Dù cho năm nhạc âm, không làm vui ý người: Người tu hành chí an trụ trong thiền định. Phân biệt thân này là nơi hội tụ của thành bại. Dù cho các vị trời có trổi kỹ nhạc để làm cho tâm người này lay chuyển, thì việc đó không thể được. Vì sao? Vì tâm chánh kiến, không còn điên đảo. Cho nên nói: Dù cho năm nhạc âm, không làm vui ý người, không bằng một tâm chánh, hướng về pháp bình đẳng.
—————————————————————————————–
Được ngủ ngon hơn hết
Cũng không chấp có ngã
Những ai tâm ưa thiền
Thì không vui ý dục,
Được ngủ ngon hơn hết, cũng không chấp có ngã: Người tu hành không chấp tôi, ta, không đắm nhiễm hiển vinh, chức tước.
Thà nằm co ro trong giá lạnh trên đất, chứ không để tâm trói buộc mà được nằm giường cao với màn trướng vây quanh. Cho nên nói:
Được ngủ ngon hơn hết, cũng không chấp có ngã.
Những ai tâm ưa thiền, thì không vui ý dục: Người nhập định thì tâm không đổi dời. Khi đang nhập định thì vắng lặng, không một âm thanh. Cả ngàn xe cùng lúc rầm rộ chạy qua cũng không thể làm người nhập định xa lìa chánh thọ. Vì sao? Vì lòng từ của người này đã lan khắp. Cho nên nói: Những ai tâm ưa thiền, thì không vui ý dục.
—————————————————————————————–
Ý hớn hở hơn hết
Cũng không thấy có ngã
Những ai tâm ưa thiền
Thì không vui ý dục.
Ý hớn hở hơn hết: Người không thấy có ngã, phân biệt than bốn đại này từ trong ngoài, từ nơi có nó ra, hiểu rõ mỗi món đều không chân thật. Cho nên nói: Ý hớn hở hơn hết, cũng không thấy có ngã, những ai tâm ưa thiền, thì không vui ý dục.
—————————————————————————————–
Các kết sử đã hết
Như núi không thể động
Trong nhiễm nhưng không nhiễm
Trong giận nhưng không giận.
Các kết sử đã hết, như núi không thể động: Như người tu hành các kết sử đã hết hẳn, trong ngoài thấu suốt, không còn bợn nhơ. Ý chí vững vàng như kim cương, không hư hoại được, cũng như núi Thái, không có gì làm lay động được. Vì sao? Vì tâm được giữ gìn vững chắc. Sống trong dục lạc mà không nhơ, sống trong tai họa mà không lo sợ. Cho nên nói: Các kết sử đã hết, như núi không thể động, trong nhiễm nhưng không nhiễm, trong giận nhưng không giận.
—————————————————————————————–
Những ai có tâm ấy
Đâu biết dấu vết khổ
Không hại cũng không nhiễm
Giữ giới luật đầy đủ
Uống ăn tự biết đủ
Và giường ghế, đồ nằm
Tu tâm, tìm phương tiện
Là điều chư Phật dạy.
Những ai có tâm ấy, đâu biết dấu vết khổ: Như người tu hành rèn luyện kỹ tâm mình, loại bỏ các thứ nhơ bẩn. Mục đích là dứt bỏ các kết sử, mỗi ngày một tiến lên không biếng trễ. Khi ấy, đâu biết có dấu vết của khổ? Cho nên nói: Những ai có tâm ấy, đâu biết dấu vết khổ.
Không hại cũng không nhiễm, giữ giới luật đầy đủ: Không hại cho mình cũng không làm hại kẻ khác. Giới luật nói ra không mất thứ lớp mạch lạc. Chính mình lo tu đức, đem đức ấy mà dạy cho người khác. Cho nên nói: Không hại cũng không nhiễm, giữ giới luật đầy đủ.
Uống ăn tự biết đủ và giường ghế, đồ nằm: Như người tu hành lượng định sức ăn mà xin, cũng không tham ăn, chỉ để nuôi thân, hành đạo mà thôi. Như dung dầu mỡ bôi trục xe cho nó chạy, muốn chở nặng cũng được tới nơi, như người bị ghẻ lấy thuốc dán dán vào. Dán là để ghẻ mới không sinh ra nữa, mà ghẻ cũ thì mau lành, cho nên nói: Uống ăn tự biết đủ và giường ghế, đồ nằm.
Tu tâm, tìm phương tiện, là điều chư Phật dạy: Người tu chọn lấy nghĩa cốt yết, gấp rút tu hành để tâm hướng lên. Cho nên nói:
Tu tâm, tìm phương tiện, là điều chư Phật dạy.
—————————————————————————————–
Người tu quán tướng tâm
Phân biệt ý niệm đãi
Đã được vào thiền định
Thì hưởng sự an vui.
Người tu quán tướng tâm: Như người tu hành biết cội nguồn của tâm, nên nó vừa mống khởi là diệt ngay, không để nó lớn mạnh. Biết sự tới, lui của niệm đãi mà phân biệt thiện ác và những việc tu hành nhiều kiếp đến nay. Cho nên nói: Người tu quán tướng tâm.
Đã được vào thiền định, thì hưởng sự an vui: Về người nhập định, tại sao nói là người nhập định? Định có ba nghĩa mà Thiền là đứng đầu tiên. Như vua thống lĩnh bốn phương, chỉ giàu có của thế gian mà không giàu về của cải đạo đức. Người thiền định thì giàu của cải đạo đức mà không giàu về của cải thế gian. Gọi là của cải đạo đức đó là ba mươi bảy phẩm, thiền định Tam-muội là gốc các căn lành. Vui có hai nghĩa: Vui tịnh và vui bất tịnh. Vui bất tịnh là thức ăn uống, áo quần, đồ trang sức, hương hoa, phấn sáp, tranh ảnh, phướn lọng… đó gọi là vui bất tịnh. Còn vui tịnh là nhập định chánh thọ. Vắng lặng vô vi, không còn ý tưởng nào khác. Đó gọi là vui tịnh. Cho nên nói: Đã được vào thiền định, thì hưởng sự an vui.
—————————————————————————————–
Giữ ý tự trang nghiêm
Ghét người mà thương mình
Gặp lo mà không khổ
Người trí xét an trụ.
Giữ ý tự trang nghiêm, ghét người mà thương mình: Người tu hành thường giữ gìn không kết sử mê đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không cho vọng tưởng xen lẫn vào đó. Lại dùng hoa ba mươi bảy phẩm, bảy giác ý để trang nghiêm mình. Cho nên nói:
Giữ ý tự trang nghiêm, ghét kia mà thương mình.
Gặp lo mà không khổ, người trí xét an trụ: Người tu hành vui bởi bước vào cõi vô úy. Người trí lắng thần suy xét lẽ chân thật mà không lay động. Cho nên nói: Gặp lo mà không khổ, người trí xét an trụ.
—————————————————————————————–
Ai không giữ gìn tâm
Bị tà kiến làm hại
Tâm ý lại dao động
Hạng ấy vào nẻo chết.
Ai không giữ gìn tâm, bị tà kiến làm hại: Người tu không giữ gìn đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, người ấy tu tập theo đường tà, nên bị đọa vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ai không tu theo tà kiến thì được sinh lên cõi trời, cõi người. Sống ở kinh đô, không phải ở biên giới và tám nơi không yên tịnh. Cho nên nói: Ai không giữ gìn tâm, bị tà kiến làm hại.
Tâm ý lại dao động, hạng ấy vào nẻo chết: Người tu hành sở dĩ lầm đường là đều do ấm cái che đậy, không nhìn thấy được ánh sáng trí tuệ. Lại thêm dao động, năm triền cái che đậy nhiều lớp như mây mù, muốn có trí tuệ sáng suốt thì không thể được. Sau khi qua đời phải vào nẻo chết. Cho nên nói: Tâm ý lại dao động, hạng ấy vào nẻo chết.
—————————————————————————————–
Vì thế phải giữ tâm
Tu các hạnh thanh tịnh
Chánh kiến thường ở trước
Biết rõ pháp sinh diệt.
Vì thế phải giữ tâm, tu các hạnh thanh tịnh: Người tu hành phải thường giữ gìn tâm ý, thực hành pháp oai nghi, xả bỏ phi pháp, đáng đi thì đi, đáng ngồi thì ngồi.
Lui tới qua lại không để mất oai nghi. Cho nên nói: Vì thế phải giữ tâm, tu các hạnh thanh tịnh.
Chánh kiến thường ở trước, biết rõ pháp sinh diệt: Người tu đức nên tự biết rõ, như trong nhà có tài vật thì người chủ tự biết rõ.
Người hành đạo cũng giống như vậy, bước vào tám con đường chánh, cầm cương xe ô uế bốn ngựa, đốt sáng đèn định tuệ, soi sáng ngôi nhà ba độc tăm tối, biết rõ nguyên nhân sinh diệt. Đưa tâm ý mình về một chỗ nhất định, không có gì trở ngại. Trong hoàn cảnh như vậy, giữ đạo nào có khó chi? Cho nên nói: Chánh kiến thường ở trước, biết rõ pháp sinh diệt.
—————————————————————————————–
Tỳ-kheo trừ ngủ nghỉ
Hết khổ, không còn tạo
Hàng tâm uống thuốc pháp
Giữ tâm không rong ruổi.
Tỳ-kheo trừ ngủ nghỉ, hết khổ, không còn tạo: Thầy Tỳ-kheo tu quán hạnh, dứt bỏ tai họa do ngủ nghỉ che đậy. Dứt các mé khổ, không tạo khổ mới. Cho nên nói: Tỳ-kheo trừ ngủ nghỉ, hết khổ, không còn tạo.
Hàng tâm uống thuốc pháp, giữ tâm không rong ruổi: Thường phải giữ gìn tâm thì nguyện ước thành tựu, ngang hàng bậc Thánh. Tu hạnh vô lậu được thành tựu đó là nhờ biết hàng tâm và tẩy trừ hết bợn nhơ, sống không buông lung, không gây rắc rối cho ai, đó là việc làm rất cần thiết của người tu hành. Cho nên nói:
Hàng tâm uống thuốc pháp, giữ tâm không rong ruổi.
—————————————————————————————–
Tâm chúng sinh mê lầm
Đều chịu khổ địa ngục
Hàng tâm, được an vui
Giữ tâm không rong ruổi.
Tâm chúng sinh mê lầm, đều chịu khổ địa ngục: Mê lầm do tâm sai khiến, gieo trồng cội gốc địa ngục, trải qua vô số ức ngàn muôn kiếp bị mổ xẻ lột da, chịu khổ vô lượng. Cho nên nói: Tâm chúng sinh mê lầm, đều chịu khổ địa ngục.
—————————————————————————————–
Giữ tâm không rong ruổi
Tâm là cửa các mầu
Giữ không để lọt mất
Liền tới cửa Niết-bàn.
Tâm chánh thì đạo còn, nếu theo tà vạy thì có cao thấp. Chúng sinh ngu si không phân biệt chân, ngụy. Do vậy bị đọa lạc không đạt đạo. Người còn lậu hoặc thì ý mê lầm cho rằng đạo là không, vì thế không tự giác. Tâm là gốc của đạo, hư vô vắng lặng, đó là pháp tuyệt cùng cao quý, rốt ráo của các hạnh; thoát hẳn ba cõi, không còn ở trong ba cõi; dứt hết các khổ não, không còn tái sinh. Cho nên nói: Giữ tâm không rong ruổi, tâm là cửa của các mầu, giữ không để lọt mất, liền tới cửa Niết bàn.