SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 24: HỘI TÔNG

Bấy giờ, Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật sai Tu-bồ-đề giảng nói Bát-nhã ba-la-mật cho các vị Đại Bồ-tát nghe. Nay sao lại nói Đại thừa làm chi?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Con nói Đại thừa có lìa Bát-nhã balamật chăng?

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề nói Đại thừa không lìa Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì tất cả pháp thiện, pháp trợ đạo, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Bích-chi-phật, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Phật đều bao gồm trong Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp thiện, pháp trợ đạo, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật nào đều gồm trong Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Sáu pháp Ba-la-mật, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, ba pháp môn giải thoát, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng này và các pháp thiện, pháp trợ đạo khác, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Bích-chi-phật, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Phật đều bao gồm trong Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Hoặc Đại thừa của Đại Bồ-tát, hoặc sáu pháp Ba-la-mật, hoặc năm ấm cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra, hoặc sáu đại chủng, hoặc bốn Niệm xứ đến tám phần Thánh đạo, ba môn Giải thoát và các pháp

thiện, hoặc hữu lậu, vô lậu, hoặc hữu vi, vô vi, hoặc bốn Đế, hoặc ba cõi, hoặc mười tám không, hoặc các môn Tammuội, các môn Đà-la-ni cho đến mười tám pháp Bất cộng, hoặc Phật, pháp Phật, tánh Phật, như thật tế, chẳng thể nghĩ bàn, tánh Niết-bàn, tất cả các pháp này đều chẳng hợp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, không ngại, một tướng không gì bằng, chính là vô tướng.

Này Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên Đại thừa của ông nói thuận theo Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì Đại thừa chẳng khác Bátnhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật chẳng khác Đại thừa, Bát-nhã ba-la-mật và Đại thừa không hai, không khác. Năm pháp Ba-la-mật kia cũng giống như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Bốn Niệm xứ chẳng khác Đại thừa, Đại thừa chẳng khác bốn Niệm xứ, bốn Niệm xứ và Đại thừa không hai, không khác. Bốn Chánh cần cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng giống như vậy.

Do nhân duyên này nên Tu-bồ-đề nói Đại thừa chính là nói Bát-nhã ba-la-mật.