SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 5
Phẩm 24: CƯỜNG NHƯỢC
Tôn giả Thu Lộ Tử hỏi Thiện Nghiệp:
–Thưa Tôn giả! Bồ-tát Đại sĩ thực hành Minh độ vô cực là hạnh cao tột phải chăng?
Thiện Nghiệp đáp:
–Tôi nghe Đức Phật dạy: Thực hành Minh độ là hạnh không có gì cao tột bằng.
Các Thiên tử cõi trời Ái dục nghĩ rằng: “Nên đảnh lễ người phát tâm thực hành Bồ-tát đạo trong mười phương. Vì sao? Vì khi thực hành sâu xa Minh độ, thì Bồ-tát thệ nguyện chịu đựng các khổ, rốt ráo quả Phật, nhưng không ở trong đó chứng lấy pháp tịch diệt.” Thiện Nghiệp nói với chư Thiên:
–Tuy không rơi vào Trung đạo mà chứng lấy, việc này không phải là khó, nhưng vì chúng sinh trong mười phương mặc áo giáp pháp để giúp họ được diệt độ thì đây mới là khó. Người này vốn không, tìm cầu không thật có mà nghĩ rằng: “Muốn độ mười phương, muốn độ hư không.” Vì sao? Vì hư không chẳng gần, chẳng xa. Con người vốn cũng như vậy, muốn độ người là độ hư không, là mặc áo giáp pháp. Giống như Đức Phật đã dạy: “Con người vốn không, biết người vốn không thật có, đây là độ người.” Bồ-tát nghe việc này mà không kinh sợ, chính là thực hành Minh độ, xa lìa người vì vốn không người, xa lìa năm ấm, xa lìa các pháp vì vốn không có năm ấm và các kinh pháp. Bồ-tát nghe việc này không sợ, không biếng nhác.
Phật dạy:
–Vì sao không sợ, không biếng nhác?
Đáp:
–Bạch Đức Thế Tôn! Vì vốn không nên không kinh sợ; vì vốn là tịnh nên không biếng nhác. Vì sao? Vì tìm gốc gác của biếng nhác vốn không có, do đó biếng nhác cũng lại không có.
Các trời Đế Thích, Phạm vương đều đảnh lễ. Đức Phật dạy:
–Chẳng những các trời Đế Thích, Phạm vương, mà đến các trời cõi trời Ước tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô kết ái cũng đều đảnh lễ mười phương. Vô số chư Phật hiện tại đều nghĩ đến việc ủng hộ và biết đây là Bồ-tát không thoái chuyển thực hành Minh độ. Hằng sa người trong cõi Phật đều bị tà ma sai sử. Một là ma hóa thành quyến thuộc nhiều như cát sông hằng cùng muốn đến hại, không thể được dịp tiện lợi phá hoại Trung đạo. Có hai Pháp sư thực hành Minh độ mà tà ma không thể được dịp tiện lợi phá hoại Trung đạo, hai việc ấy là gì?
- Thấy các pháp đều là không, nên không mất bản nguyện.
- Không xả bỏ người ở khắp mười phương nên chư Phật ủng hộ, chư Thiên đến chỗ Bồ-tát thưa hỏi sâu xa, cùng khen ngợi các việc lành, giúp cho Bồ-tát không bao lâu sẽ thành Phật, thường an lập trong giáo pháp này để cứu giúp những người khốn khổ, người tự mình chưa có nơi nương tựa đều được nương tựa. Vì mọi người nên làm ngôi nhà giáo pháp, người mù được mắt trí tuệ.
Đức Phật dạy Thiện Nghiệp:
–Ví như ta khen ngợi nói về Đức Phật La-lan-na-chi-đầu thì các Đức Phật trong mười phương khen ngợi Bồ-tát thực hành Minh độ cũng giống như vậy.
Đức Phật dạy:
–Có người hành đạo Bồ-tát nhưng chưa được địa vị không thoái chuyển cũng được khen ngợi.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thực hành đạo Bồ-tát nào được Đức Phật ngợi khen?
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát theo Đức Phật Vô Nộ đời trước khi làm Bồ-tát và Đức Phật La-lan-na-chi-đầu đời trước làm Bồ-tát thực hành theo giáo pháp này. Do đó, được chư Phật trong mười phương khen ngợi. Bồtát Đại sĩ thực hành theo các kinh pháp Minh độ tin rằng: Vốn không từ đâu sinh, còn chưa được pháp lạc không từ đâu sinh rồi ở trong đó vững vàng niềm tin nói rằng: các pháp vốn không, giống như diệt độ, còn chưa được địa vị không thoái chuyển. Nếu ai theo giáo pháp này một cách vững vàng sẽ mau được địa vị không thoái chuyển. Người nào thực hành theo pháp này được chư Phật khen ngợi. Bồ-tát này vượt qua đạo Thanh văn, hướng thẳng đến địa vị Phật đạo. Bồ-tát nghe Minh độ một cách thấu đáo nên tin tưởng không nghi ngờ, suy nghĩ giống như Đức Phật đã nói một cách đúng đắn không khác và kiếp sau sẽ ở chỗ Đức Phật Vô Nộ được nghe pháp này rồi an lập trong địa vị không thoái chuyển. Nếu ai được nghe thì phước ấy rất lớn, huống gì người theo giáo pháp này dạy mà an lập một cách vững vàng thì mau được nhập vào trí Nhất thiết.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu ai lìa bỏ pháp vốn không, không thật có thì pháp nào có người thành Phật, có người giảng nói kinh?
Phật dạy:
–Như vậy, nếu lìa bỏ pháp vốn không, không thật có thì pháp nào có người thành Phật, cũng không có người nói pháp. Cái vốn không này không có nguồn gốc thì có cái gì ở trong cái vốn không mà an lập?
Đế Thích bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với Minh độ sâu xa, Bồ-tát siêng năng chịu khổ nhọc thực hành mới tự đạt đến thành Phật. Vì sao? Vì không có chữ pháp không thật có. Người an lập trong cái vốn không cũng không có ai thành Phật, không có ai giảng nói kinh. Bồ-tát nghe pháp này không kinh sợ, không nghi ngờ, không nhàm chán.
Thiện Nghiệp nói:
–Như vậy, Đế Thích, Bồ-tát siêng năng chịu khó nghe pháp sâu xa này mà không nghi ngờ, không nhàm chán, vì các kinh pháp đều không nên đâu có gì nghi ngờ, nhàm chán.
Đế Thích thưa:
–Như Ngài đã nói, tất cả nói về việc không, không dính mắc, ví như bắn vào hư không. Tôn giả Thiện Nghiệp nói kinh cũng giống như vậy.
Đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như những gì con đã nói tùy theo giáo pháp của Đức Phật hay có thêm bớt?
Phật dạy:
–Với Phật nói, không khác. Như những gì Thiện Nghiệp đã nói là chỉ nói về sự việc không. Thiện Nghiệp cũng không thấy Minh độ, không thấy người thực hành. Người thực hành không thấy Phật, không thấy thành Phật. Pháp không từ đâu sinh của Như Lai trí Nhất thiết, mười Lực, bốn Vô sở úy, các pháp thanh tịnh cao tột đều không thấy có người tìm cầu mà đắc được. Vì sao? Vì các pháp vốn thanh tịnh nên không có đắc. Đây là thực hành Minh độ. Địa vị Thanh văn, Duyên giác không sánh bằng. Muốn được trời người khắp mười phương tôn kính an lập theo giáo pháp Phật.
Lúc ấy, mấy ngàn muôn vị trời trên cõi trời Đao-lợi hóa thành hương hoa thơm ngát rải lên Đức Phật rồi thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con cũng xin vâng theo giáo pháp Ngài chỉ dạy.
Lúc ấy, trong hội chúng có một trăm sáu mươi vị Tỳ-kheo đứng dậy sửa y, đảnh lễ Đức Phật và từ trong tay mỗi vị đều hóa hoa thơm ngát đem rải lên Đức Phật rồi thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con cũng xin vâng theo giáo pháp Ngài chỉ dạy.
Đức Phật mỉm cười, trong miệng Ngài phát ra bao nhiêu mầu sắc. Ánh sáng đó chiếu đến mười phương, các cõi Phật đều được ánh sáng đó nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi thu vào trên đảnh. Tôn giả A-nan đứng dậy khỏi chỗ ngồi, sửa y đảnh lễ Đức Phật và quỳ xuống thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật không bao giờ vô cớ mỉm cười. Cúi xin đức Thế Tôn nói cho, vì sao Ngài cười?
Phật dạy:
–Đời vị lai có kiếp tên là Đạo, một trăm sáu mươi vị Tỳ-kheo và các vị trời này sẽ thành Phật ở kiếp Đạo, đều cùng một hiệu là Ưu-na-câu-nê-ma. Khi thành Phật, số Tỳ-kheo Tăng đều như nhau, tuổi thọ của họ đến hai muôn tuổi và theo thứ lớp thành Phật, tuổi thọ đều đồng nhau, cả thế gian mưa hoa năm mầu cũng như vậy.