KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 21: VÔ TƯỞNG

Bấy giờ, nơi tòa ngồi có vị Bồ-tát tên là Pháp Tạo, nghe Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác thuyết giảng về mười pháp tuệ hào quang nên hết sức hoan hỷ, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, đầu gối bên phải chạm sát đất, cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con có chỗ xin được nêu hỏi, xin Đức Thế Tôn chấp thuận thì mới dám bày tỏ.

Đức Phật bảo Bồ-tát Pháp Tạo:

–Này vị Tộc tánh tử! Hiện nay đại chúng vân tập đông đủ ở đây thảy đều không còn lo sợ, nếu còn chỗ nghi ngại thì cứ việc nêu bày.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là có tưởng, không có tưởng; thế nào là có hành, không hành; thế nào là có thống (thọ) không có thống?

Đức Phật bảo Bồ-tát Pháp Tạo:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Chỗ Bồ-tát nêu hỏi đều là nhằm giữ lấy uy thần của Phật. Bồ-tát hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ. Ta sẽ cùng với Bồ-tát mỗi mỗi phân biệt.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Con xin dốc tâm lãnh hội.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Ta nay hỏi Bồ-tát, Bồ-tát sẽ theo đấy mà trả lời ta. Này vị Tộc tánh tử! Bậc Tối Chánh Giác là hữu tưởng hay vô tưởng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Bậc Tối Chánh Giác là hữu tưởng chứ không phải là vô tưởng.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Pháp thân thanh tịnh là hữu tưởng hay vô tưởng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân thanh tịnh là hữu tưởng chứ không phải vô tưởng.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Thân giới, thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến là hữu tưởng hay vô tưởng?

Bồ-tát Pháp tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thân giới, thân định, thân tuệ, thân giải thoát và thân giải thoát tri kiến đều là hữu tưởng chứ không phải là vô tưởng.

Đức Phật lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Các pháp bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám nẻo đường của bậc Giải thoát, Không, Vô tướng, Vô nguyện, từ đạo quả Tu-đà-hoàn cho tới Phật là hữu tưởng hay vô tưởng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Theo hết thảy các pháp tu tập từ Sơ quả đến quả vị Phật đều là hữu tưởng chứ chẳng phải vô tưởng.

Đức Phật lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Theo hết thảy các pháp tu tập cho tới Bậc Tối Chánh Giác đều là hữu tưởng chứ không phải là vô tưởng. Vậy thì cái gì là vô tưởng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Gốc của tuệ không, của tuệ Niết-bàn vô dư, đó gọi là vô tưởng.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Pháp Tạo:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát nay đã đạt được gốc của tuệ không, gốc của tuệ Niết-bàn vô dư chăng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con chưa đạt được.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Làm thế nào để nhận biết gốc của tuệ không, của Tuệ Niết-bàn vô dư và vô tưởng chứ chẳng phải là hữu tưởng?

Bấy giờ Bồ-tát Pháp Tạo liền dùng kệ để thưa:

Xưa theo Thiên Trung Thiên
Như Lai Vô Thượng Giác
Nghe giảng gốc Tuệ không
Nẻo Niết-bàn vô dư
Vô sinh chẳng Hữu sinh
Tịch nhiên không vướng tưởng
Như nhiên không biến đổi
An tĩnh không sinh diệt
Nên nay thưa Như Lai
Gốc không, không có tưởng
Dứt chấp, không thể nhiễm
Huống lại có các niệm?

Đức Phật cũng lại dùng kệ để trả lời Bồ-tát Pháp Tạo:

Như Lai Đẳng Chánh Giác
Ba đạt không chốn ngăn
Nhận rõ các pháp tưởng
Còn chưa tận ngọn nguồn N
iết-bàn tịch nhiên định
Pháp tánh không thể hoại
Tưởng nơi chuyển chẳng chuyển
Làm sao là vô tưởng?
Hằng sa Phật quá khứ
Giảng nghĩa pháp cũng thế
Như gốc không, vô tưởng
Sao lại hóa muôn loài?

Bấy giờ Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hữu tưởng? Thế nào là vô tưởng?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Cầu Phật là tưởng, đạt được Phật là vô tưởng. Cầu Pháp thân thanh tịnh là tưởng, đạt được Pháp thân thanh tịnh là vô tưởng. Cầu năm phần Pháp thân là tưởng, đạt được năm phần Pháp thân là vô tưởng. Bắt đầu với pháp bốn Ý chỉ cho đến Không, Vô tướng, Vô nguyện, từ đạo quả Tu-đà-hoàn cho tới Phật thì sự cầu mong là tưởng, sự đạt được là vô tưởng.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Từ Pháp thân thanh tịnh, hết thảy các pháp cho đến đạo quả Vô thượng Chánh giác, là hữu hình hay là vô hình? Nếu cho là hữu hình thì con không có nghi vấn gì. Nhưng nếu cho là vô hình, mong cầu thì gọi là hữu tưởng, đạt được thì gọi là vô tưởng, thì các pháp vô hình kia chẳng thể giữ gìn được. Thế nào là pháp chẳng thể giữ gìn được, có mong cầu có đạt được?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Hãy nên thận trọng. Ta nay hỏi Bồ-tát, cõi

hư không này là hữu hình hay vô hình?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Cõi hư không này không như không, cũng chẳng phải là hữu hình, cũng chẳng phải là vô hình.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Thế nào là không như không, chẳng phải hữu tình, chẳng phải vô hình?

Bồ-tát Pháp tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Các pháp trong ngoài là hữu hình–vô hình, không như không. Nẻo Niết-bàn vô dư đó là chẳng phải hữu hình, chẳng phải vô hình.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Pháp Tạo:

–Thế nào là Niết-bàn vô dư chẳng phải hữu hình, chẳng phải vô hình?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Cõi hư không ấy đã được nhãn thức thu giữ lãnh hội, dựa theo đấy mà xét thì chẳng phải hữu hình, cũng chẳng phải vô hình.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Pháp tạo:

–Nhãn thức là không chăng? Chẳng phải là không chăng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Đức Phật lại hỏi:

–Nếu nhãn thức chẳng phải là không, vậy thì làm sao dùng thức để biết không?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Do thức chẳng phải là không nên biết không như không, chẳng phải hữu hình, chẳng phải vô hình.

Đức Phật lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Như Bồ-tát đã nói dùng thức để biết vô thức. Vậy thì có trường hợp vô thức nhận biết hữu thức chăng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai là gốc không.

Đức Phật lại hỏi:

–Thế nào là Như Lai gốc không?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Chẳng trụ, chẳng biến đổi, chẳng hủy hoại pháp giới, vì vậy nên hiệu là Như Lai gốc không.

Đức Phật lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Chẳng hủy hoại, chẳng trụ, là do quả chăng?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không phải vậy.

Đức Phật nói:

–Vì sao biết chẳng trụ là Như Lai gốc không?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Quá khứ thì không còn hình ảnh, vị lai thì chưa đến, hiện tại thì chẳng trụ.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát nay đã đạt được pháp tánh ấy chưa?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chưa được.

Đức Phật nói:

–Chưa rõ được pháp trụ và chẳng trụ của ba đời, làm sao nhận biết về hữu hình, vô hình?

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con nay xin được hỏi, Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là nơi Niết-bàn Hữu dư hay ở nơi Niết-bàn vô dư?

Đức Phật nói:

–Ta nay cũng ở nơi Niết-bàn Hữu dư mà cũng ở nơi Niết-bàn vô dư.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là cũng ở nơi Niết-bàn Hữu dư mà cũng ở nơi Niết-bàn vô dư?

Đức Phật nói:

–Như ta với ba mươi hai tướng đã thành tựu nên thân sắc này, đó là Niết-bàn Hữu dư. Quán tưởng về chư Phật quá khứ như hằng hà sa số đều là vô hình không thể thấy. Đó là Niết-bàn vô dư.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Pháp giới Niết-bàn có thể ghi nhận được hay là không ghi nhận được?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Pháp giới Niết-bàn là không thể ghi nhận được.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Niết-bàn là không thể ghi nhận. Vậy làm sao nói là quá khứ với số lượng hằng sa, chẳng thể kể hết và gọi là Niết-bàn vô dư?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Hãy nên thận trọng! Như Bồ-tát đã nói, pháp ấy là phương tiện để trình bày, không có tên hiệu, tính chất. Chỗ gọi là Niết-bàn ấy là chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải hữu hình, chẳng phải vô hình. Chỉ vì chúng sinh chấp nhiễm nơi không, chấp nhiễm nơi pháp giới không rõ được diệu lý từ hữu hình đến vô hình, từ vô hình đến hữu hình, nên khiến Như Lai phải nói về ý nghĩa ấy.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Nếu cho rằng không như không cũng là hữu hình, cũng là vô hình. Vậy thì Như Lai hôm nay thể là hữu hình hay vô hình? Giả sử thể là vô hình thì nay Như Lai chưa nhập cõi Niết-bàn vô dư, làm sao nhận biết cõi Niết-bàn vô dư ấy là vô hình? Nếu cho rằng Như Lai nhận biết cõi Niết-bàn vô dư là vô hình, là do chư Phật thời quá khứ cũng đã nhận biết như thế. Vì sao? Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã bảo: Pháp tánh luôn thường trụ, không hề biến đổi. Vì vậy mà chư Phật thời quá khứ như hằng sa số, pháp tánh là không sinh không diệt nên gọi là Như Lai gốc không.

Đức Phật bảo Bồ-tát Pháp Tạo:

–Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Như Bồ-tát đã nói: Chư Phật quá khứ, hiện tại, đương lai đều không có tưởng. Quá khứ chẳng phải là đương lai. Đương lai chẳng phải là quá khứ. Quá khứ chẳng phải là hiện tại. Hiện tại chẳng phải là quá khứ. Chỗ ta thuyết giảng về ý nghĩa là như thế.

Bồ-tát Pháp Tạo lại thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Tưởng về quá khứ là không có tưởng. Tưởng hiện tại là không có tưởng, tưởng đương lai cũng không có tưởng. Thế thì có sự khác nhau hay chẳng khác nhau?

Đức Phật nói:

–Quá khứ chẳng phải hiện tại, hiện nay chẳng phải hiện tại, thảy đều không khác.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Bồ-tát:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hữu hành? Thế nào là vô hành?

Đức Phật nói:

–Pháp thân thanh tịnh, đó là hữu hành. Lìa Pháp thân thanh tịnh, đó là vô hành. Thân giới, thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến, đó là hữu hành. Lìa hết thảy, đó là vô hành. Ba mươi bảy phẩm đạo, từ quả Tu-đà-hoàn cho tới đạo quả Phật-đà, đó là hữu hành. Lìa hết thảy, đó là vô hành.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nay đang nói về hữu hành, vô hành. Vậy có thể nêu giảng thêm về thế nào là hữu hành, vô hành?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong. Năm ấm là sắc, thống (thọ), tưởng, hành, thức, đó gọi là hữu hành. Tánh không, tánh của các pháp, tánh không hình tượng, đó gọi là vô hành. Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Như Lai Vô Thượng Chánh Giác cũng ở nơi hữu hành cũng ở nơi vô hành. Thế nào là ở nơi hữu hành? Thế nào là ở nơi vô hành? Có cảnh giới của Đức Phật, đó là hữu hành. Không có cảnh giới của Đức Phật, đó là vô hành.

Bồ-tát Pháp Tạo thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là có cảnh giới Phật thì gọi là hữu hành? Không có cảnh giới Phật thì gọi là vô hành?

Đức Phật bảo Bồ-tát Pháp Tạo:

–Về hành có ba việc:

  1. Thường ở nơi ao, đầm, ruộng lớn, vắng vẻ.
  2. Ở nơi cõi Hư không.
  3. Ở giữa chốn đông đảo nhiều người thể hiện cảnh giới Niếtbàn tịch diệt rộng lớn.

Bấy giờ Bồ-tát Pháp Tạo lại thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hữu thống (thọ)? Thế nào là không có thống?

Đức Phật nói:

–Lúc bắt đầu muốn thực hiện bố thí, đó gọi là thống. Thực hiện xong mà không có hối tiếc gì, đó gọi là không có thống. Tu tập giữ giới không sai phạm, đó gọi là thống. Tâm giữ giới bền chắc, đó là không thống. Giữ tâm vững như đất, không xa rời nhẫn nhục, đó là thống. Nhẫn và có thể hòa hợp với mọi người, không phân chia bỉ thử, đó là vô thống. Dốc lòng phụng pháp ngay từ lúc đầu không hề biến đổi, đó gọi là có thống. Tinh tấn với đạo pháp như trước, không hề xa gốc đạo, đó gọi là không thống. Tuy đạt được pháp định, tâm ở nơi vô tướng, đó gọi là có thống. Không hủy hoại gốc đạo, ý nguyện nhất không rối loạn, đó gọi là không thống. Giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh đưa về cùng một nẻo, đó là có thống. Chẳng còn thấy có tôi ta, lìa bỏ tâm chấp vướng hình tướng, đó gọi là không thống.