SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 19: SỞ NHÂN XUẤT DIỄN

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như lời ông hỏi, thừa phát xuất từ đâu? Thừa trụ nơi nào? Ai là người thành tựu thừa?

Từ ba cõi sinh, trụ trí Nhất thiết. Nếu có cái vốn không sinh thì không có khởi thủy sẽ sinh. Vì sao? Vì Đại thừa, trí Nhất thiết, hai pháp này là pháp không hợp cũng không tan, không sắc, không thấy, không có thủ, xả, chỉ có một tướng tức là vô tướng. Vì sao? Vì pháp vô tướng ấy không chỗ xuất sinh, pháp có sinh là muốn làm cho pháp giới xuất sinh. Pháp vô tướng đó mà có sinh là muốn làm cho cái vốn không xuất sinh. Pháp vô tướng ấy không sinh mà muốn làm cho sinh tức là muốn khiến cho chân bản tế sinh. Nếu muốn khiến cho pháp vô tướng xuất sinh tức khiến cho pháp giới chẳng thể nghĩ bàn xuất sinh, muốn khiến cho pháp vô tướng sinh tức là muốn khiến cho sự chuyên tinh tu hành xuất sinh. Muốn khiến cho pháp vô tướng sinh tức là muốn khiến cho “đoạn giới” xuất sinh.

Này Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, tức là muốn khiến cho “Ly dục giới” sinh. Muốn khiến cho pháp vô tướng sinh tức là muốn khiến cho “Diệt độ giới” sinh.

Này Tu-bồ-đề! Đó là muốn khiến cho pháp không tịch nhiên không xuất sinh. Nếu muốn khiến cho pháp vô tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức xuất sinh tức là muốn khiến cho pháp hữu tướng xuất sinh. Vì sao? Vì sắc tức là không, từ ba cõi sinh, trụ ở trí Nhất thiết. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không có tức là rỗng không, từ ba cõi sinh, trụ trí Nhất thiết, tức là không chỗ trụ. Vì sao? Vì nếu hiểu sắc tức là không, hiểu thọ, tưởng, hành, thức tức là không, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng là không là muốn khiến cho xuất sinh thì tức là muốn khiến cho hư không xuất sinh. Nhãn sắc thức, nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân xúc thức, ý pháp thức, mười tám loại nhân duyên vừa nêu đó tức là không, không muốn khiến cho xuất sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Này Tubồ-đề! Vì cái mà mắt trông thấy đều là không, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy đều là không.

Này Tu-bồ-đề! Ba cõi là không, cái mà mắt trông thấy cũng là không, từ ba cõi sinh, trụ trí Nhất thiết tức không chỗ trụ. Sáu tình cũng không, từ ba cõi sinh, trụ trí Nhất thiết tức không chỗ trụ. Sự thọ nhận và tạo tác của sáu tình đều là không, không có tướng, nếu muốn khiến cho sinh tức là muốn khiến cho mộng huyễn xuất sinh. Vì sao? Vì mộng huyễn, trăng dưới nước, cây chuối, cảnh ảo, tiếng vang trong núi sâu thảy đều tự nhiên. Việc tự nhiên là sự giáo hóa của Như Lai. Ba cõi tự nhiên tức là không có chỗ sinh, trí Nhất thiết thì không chỗ trụ. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, như mộng tự nhiên thì không sở hữu. Việc huyễn hóa cũng là như thế.

Này Tu-bồ-đề! Nếu muốn Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật xuất sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng xuất sinh. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì sáu pháp Ba-la-mật đều tự nhiên, từ ba cõi sinh, trí Nhất thiết không chỗ trụ. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì sáu pháp Bala-mật tức là tự nhiên. Cái tự nhiên ấy tức là không. Nếu muốn khiến cho pháp vô tướng sinh tức là muốn khiến cho pháp nội không, pháp ngoại không, pháp không hữu, pháp không vô, pháp không gần, pháp không xa, pháp không chân thật xuất sinh. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì bảy pháp không ấy tức là tự nhiên. Vì tự nhiên nên từ ba cõi sinh, trí Nhất thiết thì không chỗ trụ. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì bảy pháp không là tự nhiên cho nên gọi là không, vì không là không.

Này Tu-bồ-đề! Nếu muốn khiến cho pháp vô tướng sinh tức là muốn khiến cho bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo. Vì sao? Vì đều là tự nhiên không, do ba cõi sinh, trí Nhất thiết không chỗ trụ.

Này Tu-bồ-đề! Nếu muốn khiến cho ba mươi bảy phẩm xuất sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Này Tu-bồđề! Vì ba mươi bảy phẩm tức là tự nhiên, chẳng sinh từ ba cõi, trí Nhất thiết thì không chỗ trụ. Vì sao? Vì ba mươi bảy phẩm là tự nhiên không, vì rỗng không cho nên gọi là không.

Này Tu-bồ-đề! Nếu muốn khiến cho mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật đều là tự nhiên không, vì không cho nên gọi là không. Nếu muốn khiến cho Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì ba thừa ấy lại cũng tự nhiên, chẳng xuất ra từ ba cõi, trí Nhất thiết thì không chỗ trụ. Vì sao? Vì A-la-hán tức là tự nhiên, vì tự nhiên cho nên không, nên gọi là không. Như Lai tức là tự nhiên, vì tự nhiên cho nên rỗng không, nên gọi là không.

Này Tu-bồ-đề! Nếu muốn khiến cho danh hiệu sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh; Không, Vô tướng, Vô nguyện cũng giống như thế. Nếu muốn khiến cho nhân duyên, ngôn từ sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Cái danh hiệu ấy là không, chẳng sinh từ ba cõi, trí Nhất thiết không có chỗ trụ. Vì sao? Vì danh hiệu là rỗng không, vì danh hiệu là rỗng không cho nên gọi là không. Nhân duyên ngôn từ, các xứ sở đều là không, các pháp xứ rỗng không cho nên gọi là không. Nếu muốn khiến cho không chỗ sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Vì pháp vô tướng là không, không có xứ sở, xứ sở là không cho nên gọi là không. Nếu muốn khiến cho không diệt, không tưởng, không trần, không sân, không sở hữu sinh tức là muốn khiến cho pháp vô tướng sinh. Vì sao? Vì các pháp này là không, vì không cho nên gọi là không. Danh hiệu, nhân duyên, ngôn từ, xứ sở, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng giống như thế.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy cho nên, Đại thừa từ ba cõi sinh là không chỗ sinh, sinh trí Nhất thiết, sinh cũng không chỗ sinh, không có chỗ động.

Lại như Tu-bồ-đề hỏi, trụ ở nơi nào? Tâm không chỗ trụ, thừa không có chỗ. Vì sao? Vì không chỗ trụ. Tất cả các pháp cũng không chỗ trụ.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chỗ trụ của thừa là trụ không chỗ trụ. Pháp giới ấy cũng không chỗ trụ, trụ không chỗ trụ. Thừa cũng như thế, trụ không chỗ trụ. Như trên, hư không không chỗ chuyển đổi, thừa cũng như thế, trụ không chỗ trụ. Lại nữa, ví như vô sinh trụ không chỗ trụ, thừa cũng như vậy, trụ không chỗ trụ. Ví như không diệt, không trần, không sân và không sở hữu, trụ không chỗ trụ, thừa cũng như vậy, trụ không chỗ trụ. Vì sao? Vì pháp giới tự nhiên, trụ không chỗ trụ. Vì sao? Pháp giới tự nhiên, vì tự nhiên nên tự nhiên là không và cùng bảy không đều không sở hữu, tự nhiên là không, không không có sở hữu cho nên gọi là không.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy, thừa không chỗ trụ, trụ không chỗ trụ nên không động chuyển. Tu-bồ-đề hỏi là trụ từ chỗ nào để thành tựu thừa? Thừa không chỗ sinh. Vì sao? Vì không có cái từ trong sinh ra, không có cái đầu mối sinh ra. Tất cả các pháp đều không sở hữu, vì vậy nên không có. Tất cả các pháp cũng như thế thì có pháp nào sẽ sinh. Vì sao? Vì ngã, nhân, thọ mạng cũng giống như thế, cũng không có như, cũng không sở kiến, cũng không sở đắc, xưa nay thanh tịnh. Vì vậy ngã, nhân, thọ mạng, như, kiến, pháp giới đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều không. Vì vậy, Như Lai cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái bản tế ấy, cũng chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Vì vậy, các cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Vì vậy, ấm, chủng, các nhập đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Sáu pháp Ba-la-mật đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Vì vậy, bảy không cũng chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, Căn, Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, cũng chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Pháp ba thừa, trí Nhất thiết, chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Cái không có sinh đó chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Không diệt, không trần, không sân, không tranh, các cái không sở hữu và các sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Các việc quá khứ, vị lai, hiện tại, sự qua lại, chỗ ở, chỗ dừng, chỗ sinh, đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Sự tăng thêm, sự tổn giảm, đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay đều thanh tịnh. Ai là người sẽ đạt được cái chẳng thể nắm bắt? Cái pháp giới ấy cũng chẳng thể đạt được, không có ai đạt được. Vì sao? Vì muốn đạt được pháp giới thì cũng chẳng thể nắm bắt được. Nếu cầu A-la-hán, Bích-chi-phật, Như Lai mà muốn đắc pháp này thì đều chẳng thể nắm bắt được. Nếu có người muốn đắc ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật thì cũng chẳng thể nắm bắt được, không ai có thể đạt được. Nếu có người muốn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều chẳng thể nắm bắt được; bản tế đều không, chẳng thể nắm bắt được. Sáu pháp Ba-la-mật và bảy Không cũng lại như thế, đều chẳng thể nắm bắt được. Hễ không chỗ sinh thì cũng không chỗ diệt; không trần, không sân, không sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì quán sát một cách chân chánh thì đều không sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Ai muốn đạt được trụ thứ nhất thì cũng chẳng có thể nắm bắt được, cho đến trụ thứ mười cũng chẳng thể nắm bắt được, xưa nay thanh tịnh. Chỗ nào có trụ thứ nhất? Nếu ai thanh tịnh quán sát và thị hiện địa chủng tánh Bát đẳng là địa Sở hữu, địa Ly dục, địa Sở tác biện, địa Bích-chi-phật, địa đạo Bồ-tát, địa Chánh đẳng giác và địa Đệ nhất thì đều chẳng thể nắm bắt được. Bảy pháp không ấy, chẳng thể nắm bắt được. Xét pháp nội không cho đến mười trụ đều chẳng thể nắm bắt được. Bảy không, mười trụ đều không sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, trụ thứ nhất ấy chỉ có danh tự mà thôi, thì chẳng thể nắm bắt được. Cho đến trụ thứ mười cũng giống như thế, giả sử có sở đắc thì cũng chẳng thể nắm bắt được, xưa nay thanh tịnh. Vì chúng sinh nên giảng thuyết pháp nội không chẳng thể nắm bắt được; tất cả chúng sinh cũng chẳng thể nắm bắt được; vì chúng sinh nói việc bảy phẩm không, điều mà có thể nói đó đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay thanh tịnh. Vì pháp nội không nên cõi Phật thanh tịnh, đều không có sở đắc. Bảy không là tự nhiên, tự nhiên là không cho nên cõi Phật thanh tịnh đều chẳng thể nắm bắt được, xưa nay thanh tịnh. Vì vậy pháp nội không và năm nhãn đều chẳng thể nắm bắt được, đều không sở hữu tự nhiên, tự nhiên không là năm nhãn ấy, đều không xứ sở, xưa nay thanh tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy, Đại Bồ-tát đối với tất cả đều không sở đắc, tức là đạt đến sự thành tựu trí Nhất thiết không thoái chuyển Đại thừa.