SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

Phẩm 16: DUY NIỆM

Nhớ hơi thở ra vào

Đầy đủ suy nghĩ kỹ

Đầu cuối đều thông suốt

Y như lời Phật dạy.

Nhớ hơi thở ra vào: An là hơi thở vào, Ban là hơi thở ra. Người tu hành nên khéo quán xét hai cửa cam lộ: Một là An ban, hai là quán bất tịnh. Hoặc có người chỉ tu An ban, hoặc có người chỉ tu quán bất tịnh. Người tu An ban phải suy nghĩ phân biệt hơi thở ra, hơi thở vào. Hơi thở dài cũng biết, hơi thở ngắn cũng biết.

Hơi thở ấm cũng biết, hơi thở lạnh cũng biết. Nếu đếm lộn thì phải đếm một lại từ đầu. Biết rõ ràng từ đầu đến chân, nếu lại đếm lộn thì phải đếm một lại từ đầu. Cứ như thế, đếm đi đếm lại nhiều lần thì tự biết ý mình: Giờ đây ta đã nắm được hơi thở một cách tự tại, muốn cho hơi thở từ tai trái ra được như ý không khó, hoặc từ tai trái trở vào cũng như vậy; từ tai phải ra vào, hoặc từ mũi ra vào, cũng đều được tùy ý. Cuối cùng đẩy hơi thở ra trên đỉnh đầu cũng tùy ý. Ấy là hoàn thành phép sổ tức quán. Nếu không thành tựu thì võ não bị bể mà chết. Học tập phép sổ tức như thế mười hai năm, có người thành công, có người thất bại.

Kế đến người tu hành phân biệt suy nghĩ pháp quán bất tịnh. Đến các gò mả ở ngoài thành, quán sát thây người chết cho thật kỹ lưỡng. Thây ma này và hình thể ta có gì khác nhau đâu? Rồi trở về tinh xá ngồi trên giường, hoặc trải đồ ngồi, hoặc ngồi chỗ trống trải, bên trong tự suy nghĩ nhớ lại thây chết nằm ngoài trời ở bãi tha ma ấy. Thân ta và xác nọ không khác gì nhau. Cứ quán như vậy trải qua mười hai năm. Kết quả là có người chứng được định, có người không. Cho nên nói: Nhớ hơi thở ra vào.

Đầy đủ suy nghĩ kỹ: Người nhập định phải khéo quán xét phân biệt: Một Sổ, hai Tùy, ba Chỉ, bốn Quán, năm Hoàn, sáu Tịnh. Cho nên nói: Đầy đủ suy nghĩ kỹ.

Đầu cuối đều thông suốt: Ngày đêm chăm chú, như lúc đầu không biếng trễ. Đếm sai thì phải bắt đầu lại từ một. Sự thông suốt này không bị sáu căn trần cảnh bên ngoài làm nhuốm bẩn, cho nên nói: Đầu, cuối đều thông suốt.

Y như lời Phật dạy: Như Lai để lại mười hai bộ kinh, phân tích yếu nghĩa đều vì chúng sinh đời sau, người chưa khai ngộ, thì các trí tuệ tự tại, dứt bỏ mọi mong cầu, cho nên nói: Y như lời Phật dạy.

—————-

Ấy là soi thế gian

Như mây tan trời hiện

Khởi chỉ, học suy nghĩ

Ngồi nằm không quên mất.

Ấy là soi thế gian, như mây tan trời hiện: Như trăng sáng mùa thu không bị năm thứ che khuất thì sẽ soi chiếu sáng tỏ giữa các sao. Ở đây cũng như vậy, người được định An ban thì ở giữa những người tu hành, sẽ có oai thần, sắc diện sáng chói, không có ai bằng.

Cho nên nói: Ấy là soi thế gian, như mây tan trời hiện.

Khởi chỉ, học suy nghĩ: Người được định ý An ban thì thân và ý vững chắc bất động, không bị các tà bên ngoài làm trở ngại. Tâm cũng như vậy, không theo ngoại trần sinh khởi tà niệm. Cho nên nói: Khởi chỉ, học suy nghĩ.

Ngồi nằm không quên mất: Người tu hành được Tam-muội định ý rồi cũng thường suy nghĩ, hoặc nằm hoặc ngồi, lúc nào cũng học tập như lúc đầu, không tạm thời quên bỏ, cho nên nói: Ngồi nằm không quên mất.

——————

Tỳ-kheo trụ niệm này

Trước lợi thì sau tốt

Trước được, sau sẽ thắng

Thề không thấy sinh tử.

Tỳ-kheo trụ (trong ý) niệm này: Tỳ-kheo là người đã dứt hẳn muôn ý tưởng, ý nghĩ không còn rong ruổi, giữ tâm vững chắc, gom hết các tình ý, thường ở trong định, không sinh ý niệm khác, cho nên nói: Tỳ-kheo trụ niệm này.

Trước lợi thì sau tốt: Trước được an ban, sổ tức, thiền định, sau có khả năng vượt qua thứ lớp tu chứng, thoát khỏi ba cõi. Các kết sử trong thân dứt hẳn không còn sót, trong sạch như vàng ròng, hoàn toàn không còn bị bám chất bẩn, cho nên nói: Trước lợi thì sau tốt.

Trước được, sau sẽ thắng: Đã có trí đoạn, nhân duyên giáo hóa đã rộng khắp, thân vượt qua hữu lậu, không còn thọ thân đời sau, cho nên nói: Trước được sau sẽ thắng, thề không thấy sinh tử.

——————-

Nếu thấy chỗ thân trụ

Giữ sáu căn hơn hết

Dứt vọng, thường nhất tâm

Thì tự đến Niết-bàn.

Nếu thấy chỗ thân trụ: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, những người mới học đạo, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Sát-lợi, Bà-la-môn trưởng giả, cư sĩ giữ tâm vững chắc thì đến với đạo không khó, cho nên nói: Nếu thấy chỗ thân trụ.

Giữ sáu căn hơn hết: Là đóng kín các giác quan mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý khiến cho sáu căn lắng trong, không còn rối loạn.

Giữ gìn sáu căn, không chấp nhận các kiến chấp, cho nên nói: Giữ sáu căn hơn hết.

Dứt vọng, thường nhất tâm: Người tu hành đếm hơi thở ra vào, quán sát các lỗ chân lông, phân biệt mỗi lỗ chân lông một, không lầm lẫn, như người có mắt sang trông vào gương sáng thấy rõ mặt mình, cho nên nói: Dứt vọng, thường nhất tâm.

Thì tự đến Niết-bàn: Cắt đứt sự tuôn chảy của dòng sông kết sử, lìa hẳn thế tục, đến chỗ Niết-bàn bất động, bất biến, không còn qua lại, đắm nhiễm các cõi, cho nên nói: Thì tự đến Niết-bàn.

——————

Có các ý niệm ấy

Tự thân thường lập hạnh

Nếu không được như thế

Sẽ không được ý hành.

Có các ý niệm ấy, tự thân thường lập hạnh: Người giữ hạnh lúc nào cũng tinh tấn, ý không hề mê lầm, tiến lên cầu đạo như gặp kiếp hỏa thiêu, như cứu lửa cháy đầu. Đầu hôm, nửa đêm, gần sáng cũng không quên lãng, cho nên nói: Có các ý niệm ấy, tự than thường lập hạnh.

Nếu không được như thế, sẽ không được ý hành: Sống chết dài xa, không có đầu mối, thấu ngộ Niết-bàn đã lìa ba cõi, quá khứ, hiện tại, vị lai, cho nên nói: Nếu không được như thế, sẽ không được ý hành.

—————–

Đó là theo hạnh gốc

Như thế hết nhọc ái

Nếu thức tỉnh ý niệm

Giải thoát một lòng vui.

Đó là theo hạnh gốc: Người mới vào đạo, trước hết hoặc là được dạy pháp An ban thủ ý, hoặc dạy pháp quán bất tịnh. Phải xét soi tâm hành giả ưa thích pháp nào, cho nên nói: Đó là theo hạnh gốc.

Như thế hết nhọc ái: Ái là một gốc bệnh khó đào, khó nhổ.

Vì sao? Vì ái khó đào, ái khó nhổ, do gốc ái này mà bị trôi lăn trong sinh tử, trải khắp ba cõi, tăng thêm bốn loài chúng sinh, quanh quẩn trong năm đường. Ai là người giác ngộ? Chỉ có người trí tuệ mới giác biết rõ ràng sự khổ não phải chịu trong ba cõi, năm đường, cho nên nói: Như thế hết nhọc ái.

—————–

Nếu thức tỉnh ý niệm

Giải thoát một lòng vui

Pháp hành đúng lúc thảy

Thoát khỏi cõi già chết.

Nếu thức tỉnh ý niệm: Người tu hành phải luôn giữ tâm ý cho sáng suốt, không dám ngủ nghỉ, thành tựu các đạo quả. Đạo có được là nhờ giác ngộ, chứ không phải do ngủ nghỉ. Dù đã tỉnh thức rồi, nhưng nếu không buộc ý chuyên nhất thì vẫn không thành đạo quả, ý đã giác tỉnh mà tâm lại chuyên chánh thì thoát ra ba cõi, đến cảnh giới vô dư. Cho nên nói: Nếu thức tỉnh ý niệm.

Giải thoát một lòng vui: Người tu hành ý đã định thì đầy đủ các công đức. Ai không có được định ý thì không thể đầy đủ các đức hạnh. Thuở xưa, có một người dâm dật, ý chỉ nghĩ đến nữ sắc, không thể lìa bỏ để tỉnh thức, luôn tơ tưởng đến dung nhan, muốn nói chuyện và ăn nằm với người nữ. Khi ngủ, anh mộng thấy nhan sắc cũng như nắm tay người nữ ấy đi dạo chơi. Rồi, khi ấy vợ anh bị bệnh, đến nỗi thân xác chỉ còn da bọc xương. Lâu nay, nhà anh vẫn có một Đạo nhân hiểu biết thường đến chơi. Hôm ấy, vợ anh thưa với Đạo nhân:

–Hôm nay tôi bị bệnh, ngày đêm khốn đốn tiều tụy. Tôi muốn trình bày ý của chồng tôi và chuyện của tôi, có được không?

Vị Đạo nhân nói:

–Chỉ nói là không khổ thôi. Nếu có điều chi phải che giấu, tôi sẽ che giấu không làm lộ ra đâu.

Người đàn bà này nói:

–Chồng tôi bản tánh nặng về dâm dục, không giờ giấc. Ngày đêm, tôi bị quấy nhiễu mãi về chuyện ấy, kể cả lúc ăn, lúc ngủ cũng không yên. Vì đó mà sinh bệnh, e không sống nổi.

Đạo nhân bảo người vợ:

–Nếu khi chồng bà đến gần bà, thì bà hãy dùng lời này mà nói cho ông ấy biết: “Theo pháp của bậc Tu-đà-hoàn, làm như thế được sao?”

Sau đó, quả đúng như lời, khi người chồng đến gần thì người đàn bà này liền nói:

–Ông đã được đạo Tu-đà-hoàn, làm như thế được sao?

Nghe người vợ nói, người chồng hết sức hổ thẹn, trong tâm suy nghĩ: “Ta quả không xét biết, là bậc Tu-đà-hoàn mà làm vậy sao?” Liền đó, anh ta lắng tâm, đến nơi thanh vắng suy nghĩ đắn đo. Rồi anh chứng được quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Tự biết mình đã được dấu Đạo, từ đó, anh không còn chung đụng với người nữ nữa. Lúc ấy người vợ hỏi chồng:

–Vì sao bây giờ anh dứt hẳn tham dục, không còn làm việc ấy với tôi nữa vậy?

Người chồng bảo vợ:

–Tôi xét thấy cô rồi, thì làm sao còn quan hệ ân ái gì được nữa.

Người vợ bảo chồng:

–Ông nói xét thấy tôi, vậy tôi có lỗi gì? Tôi thường giữ trinh tiết, không trái phạm lễ tiết người nữ, vì sao lại bị ông mắng như thế?

Rồi người vợ liền nhóm họp bà con họ hàng mà thưa rằng:

–Nay chồng tôi đối xử lạnh nhạt bạc bẽo với tôi, cắt đứt tình thân, không còn quan hệ ân ái, lại còn mắng nhiếc là: Tôi xét thấy cô rồi. Giờ đây, giữa bà con họ hàng, tôi xin nói điều ấy ra.

Người chồng bảo:

–Thôi, xin hãy đừng nói, để tôi dẫn chứng thì cô tự rõ.

Rồi người chồng đem về một cái bình có vẽ hình nhiều màu rất đẹp, nhưng trong đó đựng đầy phân, đậy nắp thật kỹ, tẩm hương thơm bên ngoài. Anh đem bình ấy về, trình giữa mọi người, rồi bảo với vợ:

–Cô hãy xét xem còn yêu tôi không? Nếu còn yêu thương tôi thì cô hãy ôm cái bình này vui chơi thỏa thích như yêu mến thân tôi vậy.

Người vợ nghe theo lời chồng ôm cái bình vui chơi thỏa thích, không muốn rời xa. Thấy người vợ đã say đắm cái bình ấy, người chồng liền đập bể cái bình thì một mùi hôi thối bốc lên và giòi tửa bò ra. Anh ta lại bảo vợ:

–Bây giờ cô còn có thể ôm cái bình bể này nữa không?

Người vợ bảo:

–Tôi thà chết, chứ không thể gần cái bình bể này, thà nhảy xuống hố lửa hay gieo mình sông sâu, hay nhào từ núi cao xuống cho đầu, chân văng ra bốn phía, chứ không bao giờ gần cái bình này được.

Người chồng bảo vợ:

–Trước đây tôi đã nói xét thấy cô rồi, chính là vì đã thấy sự việc này. Tôi xét thấy thân cô còn hơn cái bình bể này, phân biệt suy nghĩ, từ đầu đến chân, trong ba mươi sáu vật thì có gì đáng ham mê?

Lúc bấy giờ, anh liền nói lại bài kệ:

Bậc dũng nhập định quán

Dơ bẩn trong thân tâm

Thấy rồi, sinh chán ghét

Như chiếc bình vỡ kia

Cho nên nói: Giải thoát một lòng vui.

Pháp hành đúng lúc thảy: Người tu hành biết nương tựa thiện tri thức hay được chư Thiên che chở, các tà bên ngoài không xâm nhập được, cầu đạo rất dễ, không sợ gặp hoạn nạn, giống như người đi xa bị lạc mất đường chính, người ấy đi vào con hẻm nhỏ.

Người biết rõ đường mới bảo anh ta:

–Đấy không phải là đường chính.

Lúc ấy, người lầm đường nghe theo chỉ bảo liền đi theo đường chính, được an ổn trở về. Người tu hành cũng như thế, biết nương nhờ vào thiện tri thức mà đạt được chánh đạo, cho nên nói: Pháp hành đúng lúc thảy.

Thoát khỏi cõi già chết: Như người đi trên con đường có nhiều sự lo sợ nào là gặp cọp sói, trộm cướp, nào là gặp gian tà ác quỷ, nào là đường đi nguy hiểm mà mình phải đi qua. Những hoạn nạn như thế đến mấy trăm ngàn thứ. Lại gặp thiếu nước uống nữa.

Người đi đường nọ tự suy nghĩ rằng: “Nếu trên đường đi gặp một nạn thôi còn khó có thể vượt qua, huống gì là nhiều hiểm nạn?”

Người ấy liền tự giữ vững tâm chí, ngày đêm không nghỉ, vượt qua mọi hiểm nạn, an ổn trở về nhà dù mất hết của cải.

Người tu hành quán sát ba cõi đều bị lửa cháy lẫy lừng, nên muốn được ra khỏi, cầu đạo vô vi. Cho nên nói: Thoát khỏi cõi già chết.

——————-

Tỳ-kheo tỉnh ý niệm

Làm theo ý niệm ấy

Đều bỏ hết sinh tử

Dứt được khổ cuối cùng.

Tỳ-kheo tỉnh ý niệm: Thuở xưa, có một nhóm người đi buôn đi ngang cánh đồng rộng. Đường đi hết sức vất vả mệt mỏi, nên họ ngủ vùi suốt đêm. Bọn cướp kéo nhau định đến cướp của. Lúc bấy giờ, trên hư không có vị thiên thần, dùng bài kệ hỏi người đi buôn:

Ai thức, còn ai ngủ?

Ai ngủ, còn ai thức?

Ai biết, ai phân biệt?

Thấy báo đúng như nghĩa.

Lúc ấy, trong những người đi buôn, có một vị Ưu-bà-tắc, là đệ tử thọ ngũ giới của Phật, liền bảo:

Tôi thức, tôi đang ngủ

Tôi ngủ, tôi đang thức

Tôi biết, tôi phân biệt

Muốn biết nghĩa lý ấy

Thiên thần lại hỏi:

Thế nào thức là ngủ?

Thế nào ngủ là thức?

Thế nào biết phân biệt?

Ta muốn nghe nghĩa ấy.

Vị Ưu-bà-tắc liền trả lời:

Người giác tám đường Thánh

Điều ba đời Phật nói

Đối pháp giác tỉnh ấy

Tôi còn đang ngủ say.

Người không biết tám đường

Pháp ba đời Phật nói

Với pháp ngủ mê ấy

Tôi là ngừơi tỉnh thức.

Rồi người ấy bảo với Thiên thần:

–Tôi thức, tôi đang ngủ, tôi ngủ, tôi đang tỉnh thức, tôi biết, tôi phân biệt, muốn biết nghĩa lý ấy.

Thiên thần lại nói:

Hay lắm, thức mà ngủ

Hay lắm, ngủ mà thức

Hay lắm, biết phân biệt

Hay lắm, nghe nghĩa này.

Nghe nghĩa ấy rồi, vị Ưu-bà-tắc liền nói với Thiên thần:

–Nhờ ân Thiên thần, mà được an ổn trở về.

Thiên thần liền làm cho bọn cướp đi lạc đường, không biết những người đi buôn đang dừng nghỉ nơi nào. Nhờ đó mà những người đi buôn này vượt qua con đường nguy hiểm, cho nên nói: Tỳkheo tỉnh ý niệm.

Làm theo ý niệm ấy: Người tu hành tâm tinh tấn thì ý mong cầu điều gì đều đạt được kết quả thanh tịnh, không vết nhơ, không buông lung, thân mặc áo tinh tấn, tâm có trí tuệ sáng suốt, còn kẻ ngu si tăm tối thì không nhờ đâu mà hiển hiện những điều ấy, cho nên nói: Làm theo ý niệm ấy.

Đều bỏ hết sinh tử: Người tu hành lại tìm cách bỏ các kết sử. Đối với mọi trói buộc dính mắc thì bỏ rồi lại bỏ, lột rồi lại lột, dứt rồi lại dứt, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, cho nên nói: Đều bỏ hết sinh tử.

Dứt được khổ cuối cùng: ở trong pháp hiện tại mà vượt ra khỏi con người phàm phu, không ở trong trung Bát-nê-hoàn, sinh Nê-hoàn, hành vô hành Bát-nê-hoàn, bất thượng lưu cứu cánh Nê-hoàn.

Người này ở trong pháp hiện tại được Bát-nê-hoàn. Phải bỏ năm thứ Niết-bàn ấy. Vì sao? Trong kinh Tạp A-hàm, Đức Phật dạy: “Các thầy Tỳ-kheo, nay Ta không nói chút nào về tái sinh, dù chỉ trong khoảng thời gian búng ngón tay cũng không nói huống nữa là lâu hơn? Vì sao? Vì chịu khổ sinh phần, do đó mà bị trôi lăn, không thoát khỏi khổ. Các Tỳ-kheo phải quán xét giống như đổ bỏ phân dơ. Chỉ một chút xíu thôi đã là hôi thối rồi, huống nữa là nhiều? Cho nên, các Tỳ-kheo phải tìm cách dứt bỏ sinh phần, thoát hẳn ba cõi. Như thế các Tỳ-kheo phải tu học như thế, nhổ bỏ cội gốc của sinh, không cho phát triển lan tràn.” Những người tu hành nghe lời Phật dạy đều đón nhận và thực hành theo. Trong pháp hiện tại, nhổ được cội gốc của sinh không cho phát triển nữa. Cho nên nói: Dứt được khổ cuối cùng.

———————

Thường phải nghe pháp mầu

Tự tỉnh sáng ý mình

Giác được là Hiền thánh

Không bao giờ lo sợ.

Thường phải nghe pháp mầu: Nói pháp cho người nghe thật là khó gặp. Người đầy đủ giác quan cũng lại khó được. Gặp được bậc Hiền thánh thì ức kiếp mới được một lần. Đức Thế Tôn nói:

–Thuở xưa, Ta chứa nhóm công hạnh trong ức trăm ngàn kiếp mới được nghe pháp. Dù được nghe pháp nhưng thấu biết nghĩa hay của nó thì lại rất khó được. Bảo cho những người đến dự Pháp hội thì phải chuyên ròng một ý mà nghe pháp mầu. Cho nên nói:

Thường phải nghe pháp mầu.

Tự tỉnh sáng ý mình: Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài nói pháp cho vô lượng số trăm ngàn chúng sinh vây quanh trước sau nghe, có một người ngủ gục trong đại chúng ấy. Vị Tỳ-kheo ngồi phía trên nhắc thầy Tỳ-kheo ngủ gục kia:

–Sao thầy không tỉnh thức mà nghe Như Lai nói pháp? Cứ ngủ gục làm kinh động đại chúng như thế? Sao thầy không quán xét pháp mầu của Như Lai? Nó ngon ngọt hơn cam lộ, dứt trừ muon tai họa cho người.

Thầy Tỳ-kheo ngủ gục nghe vậy, im lặng không nói gì, cho nên nói: Tự tỉnh sáng ý mình.

Giác được là Hiền thánh: Giác được việc ngủ gục này giống như trời và đất, cách xa cả ức ngàn muôn lần hơn, không thể dung thí dụ để so sánh. Hoặc có người tu hành, bị ấm cái che đậy, nên dù mắt mở mà vẫn ngủ, các trời giúp đỡ, nhiều lần làm cho họ tỉnh thức. Ngủ nghỉ rình sai voi điên giẫm đạp mạ ba căn lành, trong khi lửa vô thường đang cháy lừng hực thiêu đốt sự sống các loài chúng sinh. Bậc cao quý của loài người nay đã ra đời, ánh sáng trí tuệ chiếu khắp ba cõi, không đâu không được soi sáng. Bọn giặc cướp kết sử lén trộm hết của lành, gây ra biết bao sự đổi thay không thể ghi cho hết. Ấy là do ngủ nghỉ không thức tỉnh mà ra, cho nên nói:

Giác được là Hiền thánh.

Không bao giờ lo sợ: Đối với người tỉnh thức thì muôn thứ tà vạy cũng không làm gì được. Chẳng những người hành đạo giác ngộ là hiền mà kẻ phàm phu ở thế gian cũng nhờ giác ngộ mà làm được nhiều việc. Có khi người thế tục vì mê ngủ mà mất hết của cải, tiền bạc, hay của cải bị xâm chiếm vì chủ nợ, kẻ thù, giặc cướp, nước trôi, lửa cháy. Có lúc người tu mắt mở mà vẫn ngủ nên lúc nghe pháp mà lại không nghe, lúc đáng lẽ chứng được đạo quả nhưng lại không chứng được, lúc nên tụng tập ý nghĩa căn bản của đạo giác ngộ, nhưng vì ngủ gục nên đều mất hết. Cho nên nói: Không bao giờ lo sợ.

——————

Tỉnh thức là lẽ đúng

Ngày đêm thích tu học

Phải hiểu nghĩa cam lộ

Khiến các lậu dứt hết.

Tỉnh thức là lẽ đúng: Người tu hành suy nghĩ so lường, đêm ngày khen ngợi công đức của sự tỉnh sáng, còn người biếng nhác thì tự khen ngợi sự cần thiết của việc ngủ nghỉ, cho nên nói: Tỉnh thức là lẽ đúng.

Ngày đêm thích tu học: Người tu hành tinh tấn tự tu tập đêm ngày không ngưng nghỉ. Đầu hôm, nửa đêm, gần sáng đều không mất thứ lớp, cho nên nói: Ngày đêm thích tu học.

Phải hiểu nghĩa cam lộ: Tám đạo phẩm của Hiền thánh được gọi là cam lộ. Niết-bàn dứt phiền não cũng gọi là cam lộ. Người tu hành, học tập tám chánh đạo của Hiền thánh tiến đến Niết-bàn. Xa lìa tám bất nhàn, ham vui ý dục. Sống vắng lặng đạm bạc, vô vi vô tác. Cho nên nói: Phải hiểu nghĩa cam lộ.

Khiến các lậu dứt hết: Lậu nghĩa là gì? Vì sao gọi là nghĩa lậu? Đáp: Nghĩa trụ là nghĩa lậu, thấm qua là nghĩa lậu, từng giọt là nghĩa lậu, tăng lên là nghĩa lậu, chẳng phải cái mà người nên giữ gìn là nghĩa lậu.

Trụ là nghĩa lậu: Chúng sinh ở cõi Dục dùng gì để chế trụ?

Đáp: Dùng lậu. Chúng sinh cõi Sắc, cõi Vô sắc dùng gì để chế trụ?

Đáp: Dùng lậu. Cho nên nói trụ là nghĩa lậu.

Vì sao thấm là nghĩa lậu? Đáp: Như nước thấm vào hạt giống, hạt giống nảy mầm, các loài chúng sinh cũng lại như thế, bởi nước ba cõi thấm vào kết sử là cái gốc đời quá khứ, khiến nó nảy mầm.

Cho nên thấm là nghĩa lậu.

Từng giọt là nghĩa lậu: Giống như suối mạch, nhà dột, chảy đầy ngòi lạch suối. Mẹ thương con, nhớ con sữa tự nhiên chảy, cho nên giọt là nghĩa lậu. Tăng thêm là nghĩa lậu. Thí như ở nhân gian tôn quý lẫn nhau, mỗi hạng cao thấp, sang hèn đều có vị trí. Trên có vua sang suốt, dưới dân không ăn chơi trác táng. Các loài chúng sinh cũng giống như thế. Họ bị kết sử trói buộc nên không thể thoát khỏi ba cõi, bốn sinh, năm đường. Cho nên tăng lên là nghĩa lậu.

Cái mà loài chẳng phải người thu nhiếp lấy là nghĩa lậu: Như người bị loài chẳng phải người thu nhiếp lấy, nói những lời điên cuồng đáng tránh mà không tránh, nên lìa mà không lìa, đáng giữ mà không giữ, không đáng nắm mà nắm. Các loài chúng sinh này cũng lại như thế, bị kết sử loài chẳng phải người giữ gìn, nói những lời điên cuồng. Cho nên nói: Loại chẳng phải người thu nhiếp lấy là nghĩa lậu.

Khiến các lậu dứt hết: Ý của bậc độc tôn trong cõi trời, người muốn gì thì chắc chắn thành tựu không khó, có được đoạn trí để nhổ hết gốc khổ, đến chỗ rốt ráo, không còn thọ thân ở vị lai, được vô sinh pháp nhẫn, cho nên nói: Khiến các lậu dứt hết.

——————

Dù ai được giàu to

Vẫn đến quy y Phật

Thế nên đêm ngày phải

Một lòng nghĩ nhớ Phật.

Dù ai được giàu to: Lợi lộc ở đời bao gồm voi, ngựa, xe, đất nước, tài sản, vợ con vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách. Dù gọi là giàu to nhưng đó vẫn chưa phải là thật sự giàu, bởi những thứ ấy dối gạt mê hoặc người. Do chính nó mà phải phẫn chí, mất nước, nhà tan, không tránh khỏi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu ai biết quay về nương tựa Như Lai thì người ấy sẽ được thoát khỏi nạn địa ngục, súc sinh.

Tự quy y Phật nghĩa là dứt bỏ nghiệp, cho đến không còn tham dục, vượt thứ lớp mà chứng quả, tu theo hạnh Tam thừa, đều được mãn nguyện. Nếu sinh lên cõi trời, cõi người thì được hưởng phước tự nhiên. Nếu ai mới phát tâm tôn sùng Phật đạo thì lại được bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám đạo của Hiền thánh. Đó là ba mươi bảy phẩm đạo, cho nên nói: Dù ai được giàu to.

Hỏi:

–Vì sao chỉ nói người được chứng quả, mà không nói trời, A-tu-luân, Duyệt-xoa, quỷ thần chứng quả?

Đáp:

–Trong các cõi thì cõi người là tôn quý hơn hết, nhiệm mầu hơn hết. Chỉ cần chuyên tâm nhất ý thì liền thì sẽ dứt hết các lậu kết sử, vượt thứ lớp chứng quả. Con người mới có đủ khả năng đón nhận giáo pháp bậc Hiền thánh, nên chỉ nói đến con người mà thôi.

Vẫn đến quy y Phật: Quy y là sao? Tại sao phải tự quy y?

Đáp:

–Nghĩa của quy y là cứu giúp. Lại nữa, nghĩa của quy y là không còn sợ hãi, nghĩa của quy y là thoát khỏi tai nạn, cho nên nói: Vẫn đến quy y Phật.

Thế nên đêm ngày phải, một lòng nghĩ nhớ Phật: Tâm người nghĩ ngợi rong ruổi theo muôn mối. Trong khoảnh khắc gây ra vô lượng nghiệp. Lúc nào cũng lo nghĩ không khi nào dừng. Trong đó tự cứu mình, hồi tâm hướng thiẹn, một lòng nghĩ nhớ Phật, không hề nghĩ đến những thứ khác. Cho nên nói: Thế nên đêm ngày phải, một lòng nghĩ nhớ Phật.

———————

Dù ai được giàu to

Vẫn đến quy y Pháp

Thế nên đêm ngày phải

Một lòng nghĩ nhớ Pháp.

Pháp có nghĩa là Niết-bàn diệt hết phiền não, nếu có lo sợ thì giúp đến chỗ vô vi, không còn lo sợ, đạt được đạo nào khó khăn gì.

Về pháp hữu vi thì sinh, già, bệnh, chết bức ngặt; Niết-bàn dứt hết phiền não không còn sinh, già, bệnh, chết, cho nên nói: Dù ai được giàu to, vẫn đến quy y Pháp.

Ngày đêm, một lòng nghĩ nhớ đến Pháp: Nói đến pháp thì hiện tại được sự che chở, dứt bỏ cac phiền não, là pháp mà người trí tu tập, người ngu không thực hành được, cho nên nói: Ngày đêm, một lòng nghĩ nhớ đến Pháp.

——————–

Dù ai được giàu to

Vẫn đến quy y Tăng

Thế nên, ngày đêm phải

Một lòng nghĩ nhớ Tăng.

Dù ai được giàu to, vẫn đến quy y Tăng:

Hỏi:

–Nghĩa của quy y là không còn sợ hãi, nhưng trong đại chúng còn sợ hãi, vì sao bảo phải tự quy y chúng Tăng?

Đáp:

–Có đại chúng đã dứt trừ năm nạn, không còn sợ hãi. Năm nạn gồm:

  1. Nạn về sống.
  2. Nạn về già.
  3. Nạn về bệnh.
  4. Nạn về chết.
  5. Nạn không ưa chúng.

Lìa khỏi năm nạn này thì có thể tự quy y. Thế nào gọi là Chúng? Có các dị chúng ngoại đạo, lõa hình, từ một đến mười người đến vô số người. Thánh chúng của Như Lai tôn quý nhất trong các chúng, cho nên nói: Dù giàu to, vẫn phải đến quy y chúng Tăng. Vì thế, ngày đêm phải một lòng nghĩ nhớ chúng Tăng.

————————

Những ai biết tự giác

Là đệ tử Cù-đàm

Đêm ngày nghĩ điều ấy

Một lòng quy mạng Phật.

Những ai biết tự giác: Ban đầu tự trở về nương tựa vào pháp, nghĩa ấy bất định. Giờ đây, nhớ nghĩ đến Phật, nghĩa ấy đã xác định. Hướng về Phật chắc chắn, không bao giờ thay đổi, cho nên nói: Những ai biết tự giác.

Là đệ tử Cù-đàm: Đức Như Lai xuất thân từ dòng họ Cù-đàm, Ngài quán sát những sự việc chưa xảy ra trong đời tương lai, nên Phật nói ý nghĩa này, đời tương lai sẽ có người dòng Bà-sai, không cha mẹ, bỗng nhiên được giàu có, tự cho mình là tôn quý khoe khoang với đời. Như Lai muốn ngăn dứt hạng người ấy phỉ báng kẻ khác nên Ngài nói đệ tử Cù-đàm.

Đêm ngày phải một lòng nghĩ nhớ đến Phật: Một lòng nghĩ nhớ Phật thì tà ma ác quỷ không dám đến gần xâm phạm, cho nên nói: Ngày đêm một lòng nghĩ nhớ đến Phật.

——————–

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù-đàm

Ngày đêm nghĩ điều ấy

Một lòng nghĩ nhớ Pháp.

Người khéo giác, tự giác: Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Nên tự quán xét các pháp, phải dứt bỏ loạn tưởng.

Cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử Cù-đàm, ngày đêm nghĩ điều ấy, một lòng nghĩ nhớ pháp.

——————-

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù-đàm

Ngày đêm nghĩ điều ấy

Một lòng nghĩ chúng Tăng.

Người khéo giác, tự giác: Đức Phật bảo đại chúng: “Các thầy đều thấy tất cả đại chúng, thấy bằng trí, chứ không thấy bằng vô trí. Quán xét bằng quán xét, chứ không phải bằng không quán xét, cũng biết chúng của Ta thanh tịnh hay không thanh tịnh.” Cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử của Cù-đàm, ngày đêm nghĩ điều ấy, một lòng nghĩ chúng Tăng.

——————-

Nghĩ thân, nghĩ vô thường

Nghĩ giới, công đức thí

Nghĩ trời, nghĩ sự chết

Ngày đêm nhớ điều ấy.

Người tu hành giữ giới cấm hoàn toàn thanh tịnh, không vết nhơ, giống như kim cương không bị phá hoại, cũng như núi Tu-di không ai có thể dời đổi, cho nên nói nghĩ nhớ thân, nghĩ nhớ Vô thường, nghĩ nhớ giới, nghĩ nhớ công đức bố thí, nghĩ nhớ đến trời, nghĩ nhớ đến hơi thở và sự chết. Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy.

Nghĩ nhớ bố thí, bố thí có hai thứ: Tài thí và kết sử thí. Kết sử thí được gọi là cứu cánh thí, vì không biến đổi, không hối tiếc. Tài vật thí là thí chưa phải rốt ráo vì thí rồi còn trở lại hối tiếc. Cho nên nói: Nghĩ nhớ đến bố thí.

Nghĩ nhớ trời: Đệ tử bậc Hiền thánh thì ngày đêm nghĩ nhớ trời, bởi ở cõi này ai giữ giới sẽ được sinh lên đó. Thực hành công đức, không để mất tín căn, đầy đủ các cội gốc công đức, giữ đủ giới ấm, cho nên nói: Ngày đêm nghĩ nhớ đến trời.

Nghĩ nhớ thân: Thường quán xét thân này, chứa đầy các chất bất tịnh nhơ uế, cho nên nói: thường nghĩ nhớ thân cho đến nghĩ sự chết cũng lại như vậy.

———————–

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù-đàm

Ngày đêm nhớ điều ấy

Một lòng nhớ không hại.

Người khéo giác, tự giác, là đệ tử Cù-đàm: Tất cả chúng sinh đều nghĩ đến mạng sống của mình, quyến luyến vợ con, tham đắm gia nghiệp. Phải tu tập thân, miệng, ý, không hại ai nên mới được tôn là người minh trí, cho nên nói: ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy, một lòng nhớ không hại ai. Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều không khởi tâm giận dữ: Người giận dữ thường khởi tâm loạn tưởng như gươm giáo khó kiềm, khó nắm. Người sinh giận dữ thì không thu được kết quả gì, cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy, không khởi tâm giận dữ.

Ngày đêm nhớ điều ấy: Mong muốn xuất gia, không thích ở tại gia, tham đắm năm thứ dục lạc. Người tu hành dù đang ở tại gia, nhưng quán sát, thấy tham dục như lửa, ý thường nhàm chán. Ngày đêm suy nghĩ, trong mộng cũng nghĩ đến xuất gia, cho nên nói ngày đêm nghĩ nhớ điều ấy là thường nghĩ đến ý muốn xuất gia. Ngày đêm nghĩ nhớ điều ấy là ngồi thiền chuyên ý vào định. Người mới học tam thiền thì lấy định làm đầu. Thiền là giữ ý, không khởi kết sử, các vọng tưởng vắng lặng, niệm không rong ruổi, cho nên nói:

Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là ngồi thiền nhất ý. Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là giữ ý, không dính mắc trần lao, thường ưa vắng lặng, không ở trong nhân gian, ăn mặc đạm bạc, không ưa trang sức, chỉ để giữ mạng sống, tự biết đủ, lo tu đạo, cho nên nói:

Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là giữ ý, không để dính mắc trần lao.

Ngày đêm nhớ điều ấy: Không, Vô tướng, Vô nguyện, thường quán xét thân năm ấm này là luống dối không thật, nơi đáng nương cậy, bởi nó là pháp biến đổi, không tồn tại lâu dài. Vô ngã mà chấp là ngã, huống gì là thật có thân? Cho nên nói: Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là không, vô nguyện, vô tướng.

Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là bỏ ý mong cầu. Người tu hành, chí nguyện là cầu đạo đức, không tự vì mình, cũng không mong cầu tướng nam, tướng nữ, cũng không mong cầu sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là lìa bỏ ý mong cầu. Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là phải học tập tâm vô tướng. Người học chứng được định vô tướng, đầy đủ pháp luật của Thánh hiền.

Hỏi:

–Người học, ở các giai vị, không thấy có ngã, vô ngã, vì sao không nói đầy đủ luật pháp của Thánh hiền mà chỉ nói định vô tướng?

Đáp:

–Định Vô tướng là ngôi nhà sâu kín của bậc Hiền thánh.

Bước vào ngôi nhà ấy thì không còn nghe các hạnh tu lặt vặt của phàm phu, cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là học tập tâm vô tướng.

Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là vào thất mà tư duy: Khi người tu hành mới bước vào hạnh thì học hai thứ tư duy:

  1. Dứt bỏ kết sử.
  2. Lòng vui sướng trong pháp hiện tại.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là nhập định mà tư duy.

—————–

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù-đàm

Ngày đêm nhớ điều ấy

Lòng vui thích Nê-hoàn.

Nê-hoàn là pháp không hề có lo buồn, cũng không thấy có cái gì để hết, lìa hẳn mọi tai họa, cũng không còn phiền não.

Không mong cầu, không tưởng nghĩ, cũng không còn tên gọi, hình sắc năm ấm. Không có ngã, hữu ngã, không thấy danh sắc. Tóm lại là trống không, không còn tưởng nghĩ, như bậc Trí đã dạy bảo, cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử Cù-đàm, ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là ý ham thích cái vui Nê-hoàn.