KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 16: CHẲNG PHẢI CÓ THỨC, CHẲNG PHẢI KHÔNG THỨC

Bấy giờ Bồ-tát Hình Hưởng thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con đã dốc lòng nghe Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác thuyết giảng về cội rễ của chúng sinh. Như con hôm nay muốn nương theo uy thần của Đức Như Lai nói về hữu thức, vô thức. Kính mong Đức Thế Tôn chấp thuận thì con mới dám nêu bày.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Cứ vui vẻ nêu bày đầy đủ.

Bồ-tát Hình Hưởng liền ở trước Phật đọc bài kệ tán dương Phật:

Thế Tôn thệ nguyện lớn
Rõ cội nguồn chúng sinh
Hôm nay đã được nghe
Thần Tôn miệng lời dạy.
Gốc theo vô số Phật
Luôn cầu nghe pháp quý
Nay nghe Thánh Tôn dạy
Lãnh hội nẻo hữu–vô.
Xưa con vô số kiếp
Phụng sự bậc Thánh tôn
Như con nay đã đạt
Diệu âm hưởng bậc nhất.
Tướng cũng chẳng có tướng
Cũng chẳng thấy có–không
Không bụi, không cấu nhiễm
Nay hiệu Nhân Trung Tôn.
Đời người gốc không sinh
Huống con lại có sinh
Do con ý vô sinh
Muốn thuyết gốc tuệ nhỏ.
Chẳng dám đem tình ngu
Diễn rộng lời Phật dạy
Tự nhớ xưa gốc hành
Dốc nghe chẳng dám ngờ.
Sinh tử thật không lường
Thân mạng luôn nối tiếp
Dứt trọn vẹn hồ nghi
Xin được bày lời vụng.

Bồ-tát Hình Hưởng đọc xong bài kệ ấy liền đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Lãnh hội diệu nghĩa bậc nhất là không phân biệt thức này, thức kia. Đó gọi là hữu thức, vô thức. Không thấy có hành chấp, không thấy chẳng có hành chấp. Các pháp nhất tướng đều là không, đều là có. Đó gọi là Đại Bồ-tát hữu thức, vô thức phân biệt về tộc họ. Thức ấy là thanh tịnh, thức ấy là chẳng phải thanh tịnh. Tướng tốt của ta là thành tựu, tướng tốt của kẻ kia là chẳng thành tựu. Thảy đều xem xét thấu đạt là không chốn có. Đó gọi là Đại Bồ-tát hữu thức, vô thức phân biệt thời tiết trông thấy chư Phật. Kiếp này có Phật, kiếp kia không có Phật. Không lấy việc có Phật mà mang lòng vui mừng. Chẳng do không có Phật mà lại lo buồn. Đó gọi là Bồ-tát hữu thức, vô thức. Ta lại quan sát và nhận thấy các loài chúng sinh có sử dụng các phương tiện, không sử dụng các phương tiện, ở trong ấy không hề dấy hành tưởng. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức. Lại quan sát chúng sinh và biết rõ về thời gian tuổi tác với số lượng và giới hạn của chúng. Hoặc có chúng sinh thích hợp từ kiếp trước mà được hóa độ. Lại có chúng sinh thích hợp theo kiếp sau mà được hóa độ. Hoặc có chúng sinh thích hợp từ kiếp hiện tại mà được hóa độ. Cũng chẳng thấy kiếp ấy là có hóa độ, không hóa độ. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Chúng Tướng Cụ Túc, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con cũng xin cố gắng nhận lấy việc đứng trước Đức Như Lai nói về Hữu thức, Vô thức.

Bồ-tát Chúng Tướng Cụ Túc liền đọc bài kệ:

Nơi hằng sa chư Phật
Tạo nên các đức ấy
Tâm nhớ Bậc Giác Ngộ
Chứa hành rõ mạng trước.
Không chấp ta, người, thọ
Sinh tử dứt cội rễ
Tướng đạo chẳng hình sắc
Nay gặp Nhân Trung Tôn
Ba đời Tuệ bình đẳng
Chẳng thức, chẳng không thức
Hành dứt, chẳng tạo hành
Mới thọ mạng đệ tử
Một thức cũng không rời
Giác ngộ pháp sâu xa
Vượt qua các cõi Phật
Nơi vô lượng Phật độ
Gốc từ vô số đời
Nghe giảng nên được ngộ
Nguyện nơi trước Như Lai
Xin nêu thức, vô thức.
Nhận rõ pháp thâm diệu
Nay gặp Nhân Trung Tôn
Đạt trọn cảnh Nê-hoàn
Xin được bày lời vụng.

Bồ-tát Chúng Tướng Cụ Túc đọc xong bài kệ, liền thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như con hiện nay hiệu là Đầy Đủ Các Tướng. Tướng khởi chẳng rõ tướng khởi, tướng diệt chẳng biết tướng diệt. Đó gọi là Đại Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Bồ-tát Chúng Tướng Cụ Túc thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như con tự suy niệm, xưa từng theo Đức Thức Tuệ Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được nghe thuyết giảng về pháp quan trọng này. Như có các chúng sinh từ lúc mới phát tâm cầu đạo Bồ-đề cho tới khi thành Phật đều chẳng thấy có hình tướng của thức. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ mỗi mỗi phân biệt sáu trần,

sáu nhập. Biết các trần quá khứ chẳng phải là trần quá khứ. Biết các trần vị lai chẳng phải là trần vị lai. Rõ trần hiện tại chẳng phải là trần hiện tại, ở trong ấy không hề dấy tưởng chấp về chúng. Đó gọi là Bồtát Hữu thức, Vô thức.

Lúc này, có Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay ở trước Đức Như Lai đã được nghe Bồ-tát Hình Hưởng nói về Hữu thức, Vô thức. Lại nghe Bồ-tát Chúng Tướng Cụ Túc cũng nói về pháp ấy. Vậy thì, kính bạch Thế Tôn! Chỗ gọi là thức, thế nào là thức?

Đức Phật nói:

–Cũng như hư không vậy.

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh lại thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như hư không?

Đức Phật nói:

–Đó là chẳng sinh chẳng diệt, không gắn bó vướng hay đoạn lìa dứt bỏ.

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con nay xin hỏi Như Lai về chỗ dấy khởi của thức, có phải do quả báo từ hư không đối với ta chăng?

Đức Phật nói:

–Không phải thế! Ta nay thuyết giảng thức là chẳng phải có, chẳng phải không, nên gọi là Hữu thức, Vô thức.

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thức là hữu tướng hay vô tướng?

Đức Phật nói:

–Thức chẳng phải là hữu tướng, chẳng phải là vô tướng.

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa:

–Vì sao nói là thức chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng?

Đức Phật nói:

–Gốc chẳng hữu tướng, cũng chẳng phải là tướng hiện nay, nên gọi là thức gốc chẳng phải là thức hiện nay, thức hiện nay chẳng phải là thức gốc, nên gọi là thức chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng.

Bấy giờ Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa với Đức Phật:

–Thế thì cũng nói được rằng: Hữu tướng chẳng phải là thức, vô tướng chẳng phải là thức. Vì sao? Vì thức là thức.

Đức Phật nói:

–Tùy theo chỗ dấy khởi của thức. Thức khởi thì khởi, thức diệt thì diệt. Vì thế nên cho là chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng.

Đức Phật bảo vị Tộc tánh tử:

–Thế nào, này Bồ-tát Chủng Tánh Sinh, Bồ-tát hiện đã nhận rõ chăng?

Thưa:

–Chưa nhận rõ. Vì sao? Vì vô hình vô tượng. Chẳng phải hiện tại có, chẳng phải quá khứ có, chẳng phải vị lai có.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát đã tự nói thức là không có thức, chẳng phải hiện nay, chẳng phải vị lai, chẳng phải quá khứ. Vậy cái hiện nay mà Bồ-tát nói là cái gì?

Thưa:

–Muốn nói là thức chăng, chủng tánh sinh chăng?

Đức Phật nói:

–Ta không hỏi thức ấy sinh ra từ Bồ-tát. Chỉ hỏi thức là hữu hay là vô?

Thưa:

–Thức chẳng phải là hữu, chẳng phải là vô.

Đức Phật bảo:

–Đúng vậy! Đúng vậy!

Bấy giờ Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như hiện nay Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác là từ nơi thức để nói có, không; hay là không từ nơi thức để nói có, không?

Đức Phật nói:

–Bồ-tát đã dùng những ý nghĩa gì để hỏi Như Lai?

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa:

–Con đã hướng đến Như Lai để hỏi.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát hiện nay nói về hữu thức, vô thức chăng? Cái hữu là của vị lai, hiện tại hay quá khứ? Cái vô cũng là của vị lai, hiện tại hay quá khứ?

Bồ-tát Chủng Tánh Sinh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con xin thưa là không vậy. Như hiện nay Thế Tôn nói, cũng không là thức hiện nay, vị lai và quá khứ. Con cùng với Như Lai nhận thức về cái hiện có là ở đâu?

Đức Phật nói:

–Ta trước đã nói về chẳng phải hữu thức, chẳng phải vô thức, chính vì Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dùng từng ấy các pháp để giác ngộ chúng sinh. Này vị Tộc tánh tử! Vì thế mà nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ lãnh hội được thể tính của các pháp ấy thì liền có được đầy đủ tất cả các pháp.

Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Lực Thịnh, liền rời chỗ ngồi đứng dậy đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Con cũng xin cố gắng nhận lấy việc nói về hữu thức, vô thức.

Bồ-tát Lực Thịnh liền ở trước Đức Phật đọc bài tụng:

Gốc từ mười Lực quý
Nghe hữu thức, vô thức
Tám nẻo đường Thánh hiền
Diễn thông Tuệ dứt ngại
Âm thanh mỗi mỗi khác
Cõi chúng sinh chẳng đồng
Thí ân dứt mọi tưởng
Xưng hiệu là mười Lực
Như con sau thành Phật
Nhận rõ mọi pháp giới
Từ một hành không hai
Kính mong được nói thức
Gốc đạo từ ta sinh
Do ta chẳng sinh thức
Dứt chấp không suy tưởng
Chẳng hữu thức, vô thức
Chứa nhỏ đến nẻo lớn
Mới tự đạt giác ngộ
Sinh tử chẳng thể lường
Thân thức há lại tận?
Con nay thừa uy thần
Ít muốn tự diễn thuyết
Kính mong nơi Thế Tôn
Được gần mọi Phật tạng.

Bồ-tát Lực Thịnh đọc bài kệ ấy, liền thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như có Bồ-tát nhận rõ về mười Lực của Như Lai là chẳng thể hủy hoại.

Những gì là mười lực của Như Lai chẳng thể hủy hoại?

1. Như Lai phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là chẳng có thể hủy hoại. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Lại biết rõ sự hòa hợp bỉ thử, không còn thấy có gốc ngọn. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Quan sát về gốc hành của chúng sinh, thấu tỏ lẽ tự nhiên nên mới rõ vô lượng từ nẻo gốc đến nay. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Hết thảy các pháp gốc là không có hình tướng, do sự tích chứa của si mê nên lầm sinh thức ấy. Nhận rõ sự si mê đó, chẳng biết về chốn từ đấy mà dấy khởi, diệt mất. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Nhận rõ các trí có pháp là gốc của hành, từ chỗ có sáng suốt trở lại rơi vào bốn chỗ điên đảo, ở nơi bốn điên đảo ấy nhận rõ là huyễn hóa, cũng không thấy có đảo, cũng chẳng thấy chẳng phải đảo. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Lại ở nơi bốn pháp quan sát gốc ngọn của chúng sinh năm hành gồm đủ nên liền có thể tư duy, tức thành năm sự. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ ở nơi gốc Không hành ấy, hành theo nẻo không có Hành. Những gì là năm?

  1. Niệm.
  2. Chuyển niệm.
  3. Gốc.
  4. Si mê.
  5. Vô tận.

Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Lại có pháp thức chẳng thể nghĩ bàn, khỏi phải dùng các phương tiện quyền xảo, cũng chẳng phải là chốn con người có thể đo lường được. Có bốn sự hành, thấy được quốc độ của chư Phật, có sinh khởi hoại diệt, liền có thể thành tựu và không còn thấy có sinh diệt. Đó gọi là Bồ-tát Hữu thức, Vô thức.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác quan sát về quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không thấy có gốc rễ của quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu sinh vào năm nẻo, thọ lấy hình tướng chúng sinh nơi năm nẻo ấy thì nhận rõ được năm nẻo sinh tử là tùy theo chốn nhập kia.

Lại có thể phân biệt sự thọ nhận các căn hữu hình và vô hình. Nếu Đại Bồ-tát đã thọ Thiên căn thì chẳng thọ Long căn. Tuy nhiên, muốn thọ Long căn thì liền có thể giáng xuống những trận mưa pháp. Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ được căn Duyệt-xoa và lìa căn Duyệt-xoa ấy, nhận lấy căn A-tu-luân, lại có thể có đầy đủ Hữu thức, Vô thức. Bỏ căn A-tu-luân ấy thì nhận lấy căn Càn-đạp-hòa kia. Lìa bỏ căn ấy xong thì liền có thể có đầy đủ Hữu thức, Vô thức. Chân-đàla, Ma-hưu-lặc, nhân, cùng phi nhân lại cũng như vậy. Đó gọi là Đại Bồ-tát thông đạt Pháp tạng chẳng thể nghĩ bàn.