SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN XII

Phẩm 13: TRANH TÀI KẾT HÔN

Trải qua năm tháng Thái tử đã trưởng thành, tuổi vừa mười chín, nhà vua vì Thái tử cho xây dựng cung điện thích hợp thời tiết ba mùa: Thứ nhất là cung điện ấm áp để Thái tử sử dụng khi trời giá lạnh của tiết mùa đông, thứ hai là cung điện mát mẻ để Thái tử sử dụng vào mùa hạ nóng bức, và cung điện thứ ba để Thái tử nghỉ ngơi trong hai mùa xuân, thu. Cung điện nghỉ tránh mùa đông giá thì xây cất theo xứ ấm, cung điện nghỉ mát tránh mùa hạ thì xây cất theo xứ mát mẻ, còn cung điện nghỉ trong hai mùa xuân, thu thì xây cất theo xứ khí hậu ôn hòa thích hợp, không lạnh không nóng.

Lại sau mỗi cung điện đều có một hoa viên, có khe ngòi đắp đập ngăn nước dẫn vào các ao hồ, và trong mỗi ao hồ đều thả các loại hoa quý như: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn. Lại có vô số người hầu hạ phục dịch cùng mua vui cho Thái tử, quan chức các ty đều phái người đến phục vụ, người thì đấm bóp, người thì xoa dầu, có người kỳ rửa khi Thái tử tắm, khi Thái tử tắm gội có người dâng nước nóng hương thơm, có người lo việc nhuộm tóc, chải đầu và bui tóc cho Thái tử, có người phụ trách việc xông hương y phục, có nhiều người đứng cầm ngưu hoàng, tràng hoa và y phục nhiều màu sặc sỡ, toàn bằng loại Ca-thi-ca, luôn luôn đứng khom lưng cúi đầu hầu cận bên Thái tử, khi nào Thái tử cần thì liền đến dâng. Phụ vương Thái tử là Thâu-đầu-đàn, nếu mặc áo trong bằng Ca-thi-ca thì áo ngoài bằng chất khấc, còn y phục của Thái tử thì trong ngoài đều là Ca-thi-ca.

Các đồng nam, đồng nữ hầu hạ hai bên Thái tử, cùng người phục dịch, họ đều dùng thứ cơm thơm ngon, các thứ nước thịt, hoặc tái giấm hoặc nấu canh, họ đều chọn lựa các thức ăn đặc biệt: Cơm canh thơm ngon, sơn hào hải vị, trăm thứ trân tu cùng các thứ bánh trái thượng hạng… dâng lên Thái tử. Vô số những thức ăn như vậy, luôn luôn thay đổi hằng ngày. Ngày đêm đều cung cấp toàn là thức ăn mới lạ vừa làm.

Ngày đêm đều dùng lọng trắng che trên mình Thái tử vì khi dạo chơi ban đêm thì sợ sương gió mưa phùn, còn ban ngày thì sợ bụi bặm và nắng chiếu vào thân Thái tử.

Đại vương Tịnh Phạn thấy Thái tử đã đến tuổi trưởng thành, trong tâm lại lo nghĩ đến lời tiên đoán của Tiên nhân A-tư-đà, nên tập hợp các đại thần kỳ cựu, nói:

-Này các vị thân tộc, có lẽ các ngài đã từng biết khi Thái tử ta sơ sinh, lúc ấy ta mời các tướng sư Bà-la-môn và Tiên nhân A-tư-đà, họ đều dự đoán: Nếu Thái tử tạo gia thì làm Chuyển luân thánh vương, còn nếu xuất gia thì thành đạo Vô thượng. Mà ngày nay tuy chúng ta đã tạo các điều kiện để cho Thái tử khỏi xuất gia, mà ta vẫn còn lo sợ!

Các vị thân tộc thưa cùng Đại vương:

-Tâu Đại vương, ta nay mau lập gia đình cho Thái tử, để Thái tử vui chơi với thể nữ, thì chắc chắn người sẽ không xả tục xuất gia.

Liền nói kệ:

A-tư-đà dự đoán

Quyết định không có sai.

Hoàng tộc khuyên cưới vợ

Hy vọng khỏi xuất gia.

Rồi lại nghĩ: “Phương pháp này có thể làm cho dòng họ Thích ta hưng thịnh, khiến cho các nước chư hầu sinh tâm kính nể, không dám xem thường”.

Đại vương lại hỏi các vị quý tộc trong hoàng gia:

-Các ngài quán sát xem thử có nàng con gái nào trong dòng họ Thích, có thể sánh đôi với Thái tử Tất-đạt-đa ta chăng?

Năm trăm vị kỳ đức trong dòng họ Thích đều nói:

-Con gái tôi có thể sánh đôi với Thái tử. (Câu này bản tiếng Phạm lặp lại hai lần, nay bản nhà Tùy clịch giảm bớt).

Đại vương Tịnh Phạn suy nghĩ: “Nếu ngày nay ta không cùng Thái tử trao đổi việc trăm năm, bỗng nhiên đơn phương rước dâu về, nếu Thái tử không bằng lòng người con gái ấy thì có thể đưa đến việc ly hôn; còn nếu bàn thẳng với Thái tử thì sợ Thái tử tánh e dè không chịu nói. Ta nay do dự không biết tính lẽ nào đây!” Ngài lại suy nghĩ tiếp: “Ta có thể đem nhiều ngọc quý làm món quà vô ưu đưa cho Thái tử, rồi bảo Thái tử tặng cho các nữ nhân, trong khi ấy ta cho người bí mật theo dõi Thái tử, xem thử cặp mắt Thái tử sẽ chú ý đến nàng con gái nào, rồi sau đó ta mới cưới nàng ấy vì làm vợ Thái tử.”

Sau khi suy nghĩ như vậy, Đại vương tiến hành theo kế hoạch, cho người làm các món đồ vô ưu bằng những thứ ngọc quý. Đó là những thứ nữ trang bằng vàng, bạc… Khi làm xong, nhà vua đích thân đứng nơi cửa thành Ca-tỳ-la, tay rung chuông, miệng ban sắc lệnh: “Bảy ngày sau kể từ hôm nay, Thái tử ta muốn gặp mặt tất cả nữ nhân trong dòng họ Thích; sau đó Thái tử sẽ trao tặng cho các người món quà vô ưu bằng các ngọc quý giá đẹp đẽ. Vậy tất cả mỹ nhân nội thành hãy tập trung về trước cửa cung điện.”

Mãn ngày thứ sáu, bước sang sáng ngày thứ bảy, Thái tử ra trước cửa cung ngồi nơi dịch đình. Khi ấy tất cả nữ nhân trong thành đều dùng chuỗi anh lạc trang sức hết sức lộng lẫy, cùng nhau tề tựu trước cửa cung, trong tâm họ trước là muốn chiêm ngưỡng dung nhan Thái tử, sau là nhận tặng vật vô ưu bằng ngọc quý giá.

Tất cả mỹ nhân khắp bốn phương nội thành tuần tự đi ngang qua trước mặt Thái tử, do oai đức của ngài, tất cả mỹ nhân không một ai dám nhìn chính diện, chỉ cúi đầu nhận tặng vật rồi chân vội bước nhanh.

Khi Thái tử đã trao hết tặng vật, lại còn một mỹ nữ đến sau cùng tên là Da-du-đà-la, con gái của vị đại thần dòng họ Thích tên Ma-ha Na-ma thuộc họ Bà-tư-tra, nàng được nhiều tỳ nữ hầu hạ trước sau, hộ vệ chung quanh từ từ tiến đếnễ Từ xa, nàng nhìn Thái tử với cặp mắt trong sáng, đẹp đẽ hiền hòa nhưng đầy mãnh lực nên đôi mắt nàng không nháy, nhìn thẳng vào mặt Thái tử không một chút e ngại thẹn thùng, như người bạn cũ đã từng quen biết từ lâu. Khi đã đến gần, nàng thưa Thái tử:

-Hôm nay Thái tử tặng cho tôi vật gì?

Thái tử đáp:

-Nàng đến quá muộn nên các tặng vật đã hết sạch.

Nàng ta lại thưa:

-Thưa Thái tử, tôi có tội lỗi gì mà ngài khi dễ không tặng bảo vật cho tôi?

Thái tử đáp:

-Ta không có tâm khi dễ một ai, do vì nàng đến trễ, không đúng lúc ta tặng báo vật mà thôi! Khi ấy Thái tử cởi chiếc nhẫn đang đeo trên ngón tay, giá trị gấp trăm ngàn vạn lần so với các tặng vật khác, trao cho Da-du-đà-la.

Da-du-đà-la lại thưa với Thái tử:

-Tôi đến với Thái tử để chỉ nhận có bấy nhiêu vậy sao?

Thái tử nói:

-Đối với tất cả chuỗi anh lạc đang đeo trên thân ta, tùy ý nàng muốn lấy thứ gì thì lấy.

Nàng lại tâu:

-Tôi nay đâu lại cởi lấy đồ trang sức của Thái tử, mà chỉ có thể trang sức cho người thì có.

Nói những lời như vậy rồi nàng liền lui về, tâm không được vui.

Đoạn nói về nguyên nhân Da-du-đà-la không vui. Vào một hôm nọ sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Tôn giả Ưu-đà-di bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, vì cớ gì ngày xưa ngài ở trước cửa cung điện đem tất cả chuỗi anh lạc quý giá trên thân tặng cho Da-du-đà-la, mà không làm cho tâm nàng sinh hoan hỷ?

Phật bảo ưu-đà-di:

-Này ưu-đà-di, ông phải chú ý lắng nghe, Ta sẽ nói lý do đó:

Da-du-đà-la không chỉ một đời này được Ta cho nhiều chuỗi anh lạc mà nàng chẳng vui, nhưng đã trải qua nhiều đời như vậy.         Do vì trong quá khứ Ta đã gây một nhân duyên nhỏ làm cho nàng sân hận, tuy Ta đã đem rất nhiều châu báu tặng cho nàng mà nàng vẫn không hoan hỷ.

Ưu-đà-di hỏi:

-Bạch Thế Tôn, sao lạ như vậy? Việc này như thế nào? Xin Ngài kể cho con nghe.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ưu-đà-di:

-Ta nhớ thời quá khứ cách đây vô lượng kiếp tại thành Ba-la-nại thuộc nước Ca-thi. Vị vua thuở ấy đem tà kiến điên đảo cai trị dân chúng. Nhà vua hạ sinh một Thái tử, Thái tử lỡ phạm một ít lỗi lầm, nhà vua quá khắt khe đuổi Thái tử ra khỏi biên cương. Thái tử cùng vợ lang bạt đó đây, lần lần đến một đền thờ Thiên thần, lấy nơi đây làm chỗ ẩn náu. Một hôm, tất cả lương thực Thái tử mang theo đều hết sạch, nên Thái tử phải đi săn bắn, mà thậm chí bắt các loài rắn rít… để độ nhật.

Một hôm, Thái tử đi săn, gặp một con kỳ đà, người rượt theo giết được, liền lột bỏ lớp da, lấy thịt cho vào trong nồi nước bắc lửa nấu, thịt kỳ đà sắp chín, mà nước trong nồi lại gần khô cạn, lúc ấy Thái tử bảo vợ:

-Thịt chưa chín lắm mà nước lại cạn khô, nàng nên đi múc nước thêm.

Sau khi người vợ đi múc nước, Thái tử ở nhà vì cơn đói cào ruột, không thể chờ vợ về được, nên đã ngon miệng ăn hết thịt kỳ đà không thừa còn một miếng.

Khi người vợ múc nước trở về, hỏi chồng:

-Thịt trong nồi biến đâu cả?

Thái tử đáp:

-Kỳ đà bỗng nhiên sống lại, hiện giờ nó chạy đi mất.

Người vợ không tin, trong tâm thầm nghĩ: “Cớ gì bỗng nhiên như vậy? Kỳ đà đã bị nấu chín làm sao chạy được?” Nàng không tin, ý cho rằng người chồng quá đói nên ăn hết thịt, trở lại gạt mình là kỳ đà sống lại chạy mất. Rồi từ đó nàng ôm lòng oán giận chẳng vui.

Sau đó vài năm phụ vương băng hà, các đại thần rước thái tử về triều làm lễ quán đảnh tấn phong lên ngôi cửu ngũ. Sau khi thái tử lên làm vua, có bao nhiêu tài vật vô giá, ngọc ngà y phục quý giá đều trao cho chánh phi. Chánh phi nhận lễ mà sắc mặt vẫn không tươi vui như trước.

Nhà vua mới hỏi:

-Trẫm đã đem vô lượng bảo vật tặng cho ái phi, vì cớ gì mà sắc mặt ái phi không hoan hỷ tươi vui? vẫn như cũ không thay đổi?

Lúc ấy phu nhân trả lời qua bài kệ:

  Đại vương tôi thắng nghe

Thuở xưa đi săn bắn,

Thiếp theo cầm tên đao,

Vua bắn kỳ đà chết,

Lột da nấu sắp chín,

Sai thiếp múc nước thêm,

Ăn thịt không để dành,

Dối thiếp nói nó chạy.

Phật bảo Ưu-đà-di:

-Ông phải biết, nhà vua lúc đó là ta ngày nay, vương hậu lúc ấy là Da-du-đà-la ngày nay. Thuở ấy ta xúc phạm đến nàng một việc nhỏ, rồi nhiều đời sau đó ta đem vô số của cải quý giá cho nàng để mong cầu hòa hợp mà nàng vẫn ôm lòng sầu hận chẳng vui, cho đến ngày hôm nay cũng vậy, ta đem nhiều lụa là vàng bạc ban cho nàng mà tâm nàng vẫn không hoan hỷ.

Nói về việc Đại vương Tịnh Phạn âm thầm cho người theo dõi Thái tử. Mật sứ chăm chú theo dõi đôi mắt Thái tử nhìn vào đối tượng nào. Khi Thái tử cùng nữ nhân nói chuyện với nhau thì mật sứ để ý nên biết một cách tường tận.

Mật sứ liền trở về tâu Đại vương:

-Bạch Đại vương phải biết, trong số nữ nhân này, có người con gái của Ma-ha Na-ma, đại thần của Đại vương, là người đến sau cùng. Thái tử cùng nàng ta nói chuyện trao đổi qua lại trải qua thời gian khá lâu, bốn mắt nhìn nhau, đôi môi mỉm cười, vẻ mặt cả hai tươi vui, kẻ đối người đắp trò chuyện trông có vẻ đắc ý.

Đại vương nghe lời diễn tả của mật sứ như vậy, trong tâm suy nghĩ: “Có phải Thái tử muốn cầu hôn với nàng ấy chăng?”

Rồi nhà vua chọn ngày lành tháng tốt cho mời quốc sư Bà-la-môn đến bảo:

-Khanh làm vị sứ đến nhà đại thần Ma-ha Na-ma của dòng họ Thích mà đọc thánh chỉ thế này: ‘Trẫm biết khanh có người con gái, nay có thể cùng với Thái tử của trẫm kết nghĩa trăm năm”.

Quốc sư nhận sắc lệnh của Đại vương rồi, liền đến nhà Ma-ha Na-ma, vị đại thần của dòng họ Thích, nói với đại thần:

-Xin đại thần Ma-ha Na-ma nghe Thánh chỉ… (như trên).

Đại thần trả lời Quốc sư:

-Theo phép tương truyền chọn nhân tài kén rể của dòng họ ta như thế này: “Nếu chàng trai nào thắng tất cả những người khác, ta sẽ gả con gái về làm vợ chàng trai ấy. Nếu chàng trai nào không tài năng thì ta không gả con gái”. Thái tử của Đại vương sinh trưởng trong thâm cung, ham đắm thú vui chưa từng học tập, không có nghề nghiệp tài năng, đối với các nghề như: Bắn cung, thiên văn, địa lý, trương cung, cử tạ… hết thảy đều trống không. Ngày nay vì cớ gì ta đem con gái gả cho kẻ bất tài không nghề nghiệp như vậy.

Quốc sư nghe nói như vậy, liền trở về hoàng cung đem bao nhiêu lời của đại thần Ma-ha Na-ma trình lên vua Tịnh Phạn một cách trung thực.

Nhà vua vừa nghe qua tâm sinh buồn rầu áo não, suy nghĩ thế này: “Lời nói của đại thần Ma-ha Na-ma đúng như lý, đối với ta nói lời thành thật không một chút dối trá khinh khi.” Tuy suy nghĩ như vậy, mà trong lòng âm thầm ôm lấy nỗi bực tức, buồn rầu đau khổ, ngồi bất động không còn biết cảnh vật chung quanh, giống trạng thái người đang thiền tọa tư duy.

Khi ấy Thái tử thấy gương mặt Phụ vương thất sắc, mang đầy vẻ buồn rầu áo não không vui, giống như người đang tịnh tọa tư duy không khác liền nhẹ nhàng bước đến khẽ hỏi Phụ vương:

-Tâu Phụ vương, hôm nay không biết lý do gì khiến phụ vương một mình ngồi sững, trông vẻ mặt kém vui như vậy?

Đại vương nghe Thái tử hỏi lời như vậy liền bảo:

-Con chẳng cần hỏi ta việc như vậy!

Thái tử lại hỏi lần thứ hai.

Nhà vua vẫn im lặng.

Thái tử hỏi như vậy đến ba lần, rồi ngài tha thiết tâu:

-Xin Đại vương nói cho con biết để tâm con khỏi nghi ngờ.

Khi ấy Đại vương Tịnh Phạn thấy Thái tử thiết tha hỏi ba lần như vậy, nên nhà vua đem mọi việc nói với Thái tử một cách chán nản.

Thái tử hiểu ý liền thưa Phụ vương:

-Xin Phụ vương cho con cùng tất cả nhân tài trong thành Ca-tỳ-la so tài đủ các bộ môn có được chăng?

Đại vương nghe vậy, trong tâm hết sức vui mừng niềm hớn hở tràn ngập châu thân không kềm chế được, liền gạn hỏi Thái tử:

-Hay thay Thái tử! Con thật muốn so tài phải không?

Thái tử đáp:

-Xin Đại vương nghe cho, con nay thật muốn như vậy. Xin Đại vương chỉ cần tập trung gấp tất cả các vương tử trong dòng họ Thích để cùng con thi đủ các bộ môn.

Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh, cho người xuống tận các ngã tư đầu đường nội thành Ca-tỳ-la, rung chuông cao giọng đọc sắc lệnh: Từ nay đến ngày thứ bảy, nơi dinh thự nhà vua, Thái tử Tất-đạt-đa muốn thi thố tài năng; nếu ai là người tài giỏi, tất cả hãy tập trung cùng nhau so tài thử xem”.

Sáu ngày trôi qua, đến rạng ngày thứ bảy, năm trăm đồng tử thuộc dòng họ Thích mà Thái tử là người dẫn đầu cùng nhau hội họp, rồi đoàn người kéo ra khỏi thành, tìm một khoảng đất rộng lấy làm nơi các đồng tử thi thố tài năng.

Bấy giờ đại thần Ma-ha Na-ma cho trang sức nàng Da-du-đà-la thật kiều diễm, là bậc tuyệt thế giai nhân, rồi đại thần cao giọng tuyên bố giữa thí trường: “Kẻ nào thông thạo các nghề, là bậc đứng nhất trong thiên hạ, sẽ cùng đứa con gái yêu dấu của ta kết làm phu phụ”.

Lúc ấy Đại vương cùng các vị kỳ cựu trưởng đức là đoàn người đi trước tiên, và sau đó có vô số bá quan văn võ, thứ dân, nam nữ lão ấu… tất cả đều tập trung nơi thí trường là một khoảng đất rộng mênh mông, họ cố ý quan sát sự thi tài của Thái tử với các đồng tử trong hoàng gia, xem thử ai là người tài năng bậc nhất.

Đầu tiên là cuộc thi văn chương. Các đồng tử hoàng gia học văn chương tỏ ra hào hứng, họ cùng với Thái tử thi nghề văn. Các vị trong dòng họ Thích cùng nhau thảo luận: Bây giờ ta nên mời đại sư Tỳ-xa Mật-đa làm vị chủ khảo, rồi ra lệnh cho chủ khảo: Đại sư nên quán sát cuộc thi văn chương của các đồng tử trong hoàng tộc, chấm vị nào đứng nhất trong các môn, hoặc xem ai viết chữ đường nét linh hoạt, ai viết nhanh, ai viết chữ đẹp và ai là người uyên thâm nhiều môn kinh điển.

Khi đó, đại sư Tỳ-xa Mật-đa biết trước Thái tử đối trong các kinh điển, là người giỏi nhất không ai hơn. Rồi đại sư vui vẻ tươi cười nói kệ:

Tất cả nhân gian và Thiên giới,

Càn-thát, Tu-la, Ca-lâu-la.

Bao nhiêu văn tự và kinh điển,

Thái tử xem qua đều am tường.

Tất cả đồng tử cho đến ta,

Chẳng biết kinh điển tên như vậy.

Mọi người đều rõ, ta xem thử,

Biết chắc các ông không sánh lại.

Bấy giờ đồ chúng họ Thích tập họp đồng đến trước vua Tịnh Phạn thưa:

-Bạch Đại vương, ngày nay chúng tôi biết Thái tử của Đại vương đối với môn văn chương kinh điển, là người giỏi vượt trên hết.         Kính bạch Đại vương, bây giờ xin cho thi môn toán số, mới biết ai là người thông minh hơn hết.

Nhà vua nghe qua liền chấp nhận. Lúc bấy giờ, trong hội trường có một đại sư hết sức giỏi toán số tên là Át-thùy-na, đối với tất cả môn toán số trong thế gian, là người uyên thâm bậc nhất. Các vị trong dòng họ Thích cho mời đại sư Át-thùy-na đến và nói:

-Xin Tôn giả vui lòng làm vị chủ khảo trong môn thi toán số. Đại sư hãy quán sát thật tốt, xem trong số các đồng tử ai là người giỏi toán số bậc nhất.

Trước tiên Thái tử ra một bài toán, rồi bảo một đồng tử trong hoàng gia rành toán nhất giải bài toán này, khi ấy đồng tử không giải ra; lại hai đồng tử cùng giải cũng không ra, rồi ba đồng tử giải cũng khồng ra, cho đến mười đồng tử giải cũng không ra, rồi cho đến hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi… một trăm đồng tử đồng giải mà cũng không ra, cho đến hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm đồng tử cùng tính một lúc mà vẫn không làm ra. Khi ấy Thái tử nói thế này:

-Này các người, bây giờ ta sẽ giải bài toán này cho. Khi ấy có một đồng tử xướng lên:

-Bài toán của Thái tử đang làm không thể tính được.

Thái tử lại nói:

-Hai người các ông đồng giải làm cũng không ra.

Thái tử lại nói tiếp:

-Cho đến một trăm người các ông đồng một lúc tính cũng không ra, rồi ngài lại nói: Các ông dựa vào quy tắc nào mà cùng với ta tranh đề toán sai đúng như vậy?

Nhưng tất cả các đồng tử đồng một lúc đều tính, rồi nói rằng: ta sẽ làm được. Rồi tất cả năm trăm đồng tử đồng xướng nhất loạt:

-Thái tử đồng một lượt làm bài toán này với chúng tôi.

Thái tử lúc bấy giờ thong thả chậm rãi suy tính kỹ càng theo thứ lớp mà làm, đối bao nhiêu số như trong đề, từ số đầu tiên Thái tử đặt bút cho đến số cuối cùng Thái tử ngừng bút, không có một số nào sai lầm hay sửa chữa.

Tất cả đồng tử hoàng gia nỗ lực cùng làm mà không bằng một phần vạn của Thái tử Tất-đạt-đa.

Lúc ấy, Quốc đại toán sư trong tâm rất lấy làm kinh ngạc, hết sức vui mừng mà nói kệ:

Biết nhiều, lanh lợi thật đại tài

Nói, làm phân biệt không lẫn sai.

Thích tử năm trăm khoe toán giỏi,

  Nỗ lực tranh tài không tranh lại.

Trí ngài thông minh tâm nghĩ đúng,

Tính toán lanh lẹ rất cao sâu.

Này các toán sư trong thiên hạ,

Phải biết môn toán rất mênh mông,

Im hơi lặng tiếng chớ đặt điều.

Không nên so tài cùng Thái tử,

Ngài đã uyên thâm thuật tính toán,

Tranh tài cao thấp chỉ có ta.

Bấy giờ, mọi người dòng họ Thích đều hoan hỷ, thấy việc chưa từng có, rời khỏi tòa chắp tay đảnh lễ Thái tử Tất-đạt-đa và đồng thanh ca ngợi:

-Thái tử Tất-đạt-đa thật sự đại thắng! Đại thắng!

Rồi lại bạch Đại vương Tịnh Phạn:

-Hay thay! Đại vương, ngài được lợi ích tốt đẹp rất lớn, ngài khéo ở trong nhân gian, đã sinh được Thái tử thông minh trí tuệ đầy phước đức như vậy! Có tài ăn nói lưu loát, giọng nói đầy truyền cảm khôn ngoan như vậy!

Đại vương vui mừng tươi cười nói với Thái tử:

-Hay thay! Thái tử, hôm nay người có thể cùng với đại toán sư Át-thùy-na là bậc trí tuệ tài giỏi toán số ở thế gian so tài chăng?

Thái tử đáp:

-Bạch Đại vương, con có thể cùng với Đại sư tranh tài.

Đại vương nói:

-Nếu được, thì tùy ý Thái tử.

Lúc ấy Đại kế toán Át-thùy-na hỏi Thái tử:

-Thưa Nhân giả, ngài có biết tính các số trên số ức chăng?

Thái tử đáp:

-Tôi biết rõ cách tính các số này.

Toán sư Át-thùy-na lại nói:

-Ngài biết như thế nào? Xin trình bày cho tôi nghe.

Thái tử đáp:

-Hễ bắt đầu vào việc tính số ức, xin các người để ý lắng nghe, ta nay sẽ nói:

Một trăm trăm ngàn bằng một Câu-trí (số nhà Tùy là ngàn vạn), một trăm Câu-trí bằng một A-do-đa (số nhà Tùy là mười ức), một trăm A-do-na bằng một na-do-tha (s nhà Tùy là một ngàn ức), một trăm Na-do-tha bằng một Ba-la-do-tha (s nhà Tùy là mười vạn ức), một trăm Ba-la-do-tha bằng một Đát-ca-la (số nhà Tùy là một ngàn vạn ức), một trăm Đát-ca-la bằng một Tần-bà-la (số nhà Tùy là mười triệu), một trăm Tần-bà-la bằng một A-sô-bà (số nhà Tùy là một ngàn triệu), một trăm A-sô-bà bằng một Tỳ-bà-sa (số nhà Tùy là mười vạn triệu), một trăm Tỳ-bà-sa bằng một uất-tằng-già (số nhà Tùy là một ngàn vạn triệu), một trăm uất-tằng-già bằng một Bà-ha-na (số nhà Tùy là mười kinh), một trăm Bà-ha-na bằng một Na-già-bà-la (số nhà Tùy là một ngàn kinh), một trăm Na-già-bà-la bằng một Đế-trí-bà-la (số nhà Tùy là mười vạn kinh), một trăm đế-trí-bà-la bằng một Tỳ-bà-sa Tha-na-ba-nhã-đế (số nhà Tùy là ngàn vạn kinh), một trăm Tỳ-bà-sa Tha-na-ba-nhã-đế bằng một Ê-đâu Hề-la (số nhà Tùy là mười kỳ), một trăm Ê-đẩu Hê-la bằng một Ca-la-bô-đa (số nhà Tùy là một ngàn cai), một trăm Ca-la-bô-đa bằng một Ê-đô-nhân Đà-la-đà (số nhà Tùy là vạn cai), một trăm Ê-đô-nhân Đà-la-đà bằng một Tam-mạn-đa-la-bà (số nhà Tùy là ngàn vạn cai), một trăm Tam-mạn-đa-la-bà bằng một Già-na-na Già-ni-đa (số nhà Tùy là mười bổ), một trăm Già-na-na Già-ni-đa bằng một Ni-ma-la-xà (số nhà Tùy là một ngàn bổ), một trăm Ni-ma-la-xà bằng một Mục-đà-bà-la (số nhà Tùy là mười vạn bổ), một trăm Mục-đà-bà-la bằng một A-già Mục-đà (s nhà Tùy là một ngàn vạn bổ), một trăm A-già Mục-đà bằng một Tát-bà Bà-la (số nhà Tùy là mười nhương), một trăm Tát-bà Bà-la bằng một Tỳ-tát-xà-ba-đế (số nhà Tùy là một ngàn nhương), một trăm Tỳ-tát-xà-ba-đế bằng một Tát-bà Tát-nhã (số nhà Tùy là mười vạn nhương), một trăm Tát-bà Tát-nhã bằng một Tỳ-phù-đăng-già- ma (số nhà Tùy là ngàn vạn nhương), một trăm Tỳ-phù-đăng-già-ma bằng một Bà-la Cực-xoa (số nhà Tùy là mười giản). Áp dụng vào các toán số như vậy, ngay cả núi Tu-di muốn tính biết bao nhiêu cân, lượng, thù, phân đều có thể tính được cả. Từ số này trở lên lại có pháp toán số tên là Đà-bà-xà Già-ni-dân-na, trên số này lại có phép toán số tên là Xa-bàn-ni, trên phép toán số này lại có phép toán số tên là Ba-la-na-đà. Trên phép toán số này tên là Y-tra, trên số này lại có phép toán số tên là Ca-lâu-sa Tra-ty-đa, lại trên số này có phép toán số tên là Tát-ba-ni-sai-ba, đến số này có thể tính số cát sông Hằng… Nó gồm thâu tất cả các số khác. Trên số này có toán số tên là A-già-sa-bà, con số này có thể tính số cát một sông Hằng, hoặc tính số cát trăm ngàn vạn ức sông Hằng, tất cả đều thuộc trong số này. Mà trên số này lại có phép toán số tên là Ba-la-ha-nậu Tỳ- bà-xa.

Đại sư toán kế Át-thùy-na nói với Thái tử:

-Những số như vậy tôi biết rồi, còn con số để tính số vi trần lại là số như thế nào? Nay Thái tử cũng cho tôi biết.

Thái tử đáp:

-Này tất cả thính giả chú ý lắng nghe, ta sẽ nói toán số đó: Hơn bảy Vi trần bằng một Song trần, hợp bảy Song trần bằng một Thố trần, gồm bảy Thố trần bằng một Dương trần, hợp bảy Dương trần bằng một Ngưu trần, hợp bảy Ngưu trần bằng một Cơ, hợp bảy Cơ thành một Sắc, hợp bảy Sắc thành một Giới tử, hợp bảy Giới tử thành một Đại mạch, hợp bảy Đại mạch thành một Chỉ tiết, hợp bảy Chỉ tiết thành một Bán xích, hợp hai Bán xích thành một Xích, hai Xích thành một Trựu, bốn Trựu thành một Cung, năm Cung thành một Trượng, hai mươi Trượng thành một ức, tám mươi ức thành một Câu-lô-xá, tám Câu-lô-xá thành một do-tuần. Ở trong số này có ai biết bao nhiêu vi trần thành một do-tuần (theo số nhà Tùy tính được ba trăm tám mươi bốn lý một trăm ba ngàn bộ).

Đại sư toán kế Át-thùy-na nói với Thái tử:

-Thưa Đại đức Nhân giả, tôi còn không biết những số như vậy, hiện nghe ngài nói tâm tôi còn mê muội, huống là kẻ ngu si kém trí ít học. Tuy vậy, xin Thái tử vì bọn chúng tôi nói có bao nhiêu vi trần thành một do-tuần.

Bấy giờ, Thái tử nói với nhà toán học lớn Át-thùy-na:[Đầu quyển 13 theo bản Hán]

-Các ông hãy lắng nghe, số vi trần trong một do-tuần có nhiều ít không nhất định. Số vi trần lần lần chứa đầy trong một a-sô-bà, như vậy lại có một na-do-tha, lại nữa, hai mươi trăm ngàn ức na-do-tha, sáu mươi ngàn ức, ba mươi hai ức, năm trăm ngàn, một trăm ngàn. Những số vi trần như vậy tính tổng cộng gồm đủ một do-tuần. Như vậy, theo thứ lớp tuần tự mà tính, thì do-tuần có lớn nhỏ không nhất định.

Cõi Diêm-phù-đề này cao rộng ngang nhau bằng bảy ngàn do tuần; cõi Tây Cù-da-ni rộng tám ngàn do-tuần; cõi Đông Phất-bà-đề rộng chín ngàn do-tuần; cõi uất-đơn-việt rộng mười ngàn do-tuần. Đây là số do-tuần cõi Tam thiên đại thiên thế giới cao rộng như vậy. Căn cứ vào thứ lớp do-tuần lớn nhỏ khác nhau như vậy, ta có thể tính được hoặc bao nhiêu trăm do-tuần, hoặc bao nhiêu ngàn do-tuần, hoặc bao nhiêu trăm ngàn do-tuần. Lại tùy theo mỗi loại do-tuần có bao nhiêu số vi trần, tính tổng cộng có thể biết. Vì sao người ta không biết được số vi trần trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới? Do vì con số này vượt lên trên tất cả con số thế gian, nên họ cho con số này không thể đếm được, không thể tính biết được.

Nhà toán học lớn Át-thùy-na và tất cả các vị tôn tộc của dòng họ Thích vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân không thể kềm chế được, họ cởi vô lượng vô biên chuỗi anh lạc và tất cả y phục, chỉ để lại trên thân một bộ, còn bao nhiêu đều đem hiến dâng cho Thái tử, đồng thời ca ngợi:

-Hay thay! Hay thay! Sự hiểu biết của Thái tử quá cao xa. Trong các phép toán số theo thứ lớp như vậy, Thái tử lại là bậc Tối thắng, nghĩa là đối với tất cả sách toán số, trí hiểu biết của ngài quả là uyên thâm không ai sánh kịp.

Các vị trong dòng họ Thích nói tiếp:

-Chúng ta ngày nay đã biết Thái tử đối với tất cả sách toán số là người bậc nhất không ai sánh bằng, kế tiếp theo đây xin ngài thi môn võ nghệ bằng cách sử dụng các binh khí, để xem ai là người đứng nhất, ai là người trên hết.

Lúc ấy các vị tôn tộc trong hoàng gia suy cử một đại thần trong dòng họ tên là Sa-ha Đề-bà giữ chức vụ chủ khảo cuộc thi võ, và nói với đại thần chủ khảo.

-Đại đức tôn quý khéo dụng tâm xem trong số đồng tử, vị nào đứng đầu về môn võ thuật. Các môn thi gồm có: sử dụng vũ khí, nghe âm thanh, bắn xa, bắn trúng đích, và sức mạnh giương cung…

Bấy giờ, nơi thí trường đồng tử A-nan-đà để một chiếc trống sắt cách xa hai Câu-lô-xá làm mục tiêu để bắn. Đồng tử Đề-bà-đạt-đa để một chiếc trông sắt cách xa bốn Câu-lô-xá làm mục tiêu bắn. Cho đến đồng tử Nan-đà để một chiếc trống sắt cách sáu Câu-lô-xá làm mục tiêu bắn. Vị đại thần họ Bà-tư-tra tên là Ma-ha Na-ma để một trông sắt cách xa tám Câu-lô-xá làm mục tiêu bắn. Tuần tự theo thứ lớp, mỗi đồng tử đều để trống sắt hoặc xa hoặc gần làm mục tiêu bắn. Còn Thái tử Tất-đạt-đa để chiếc trống sắt rất dày cách xa mười Câu-lô-xá làm mục tiêu bắn.

Lúc ấy đồng tử A-nan-đà trương cung bắn chiếc trống cách xa hai Câu-lô-xá, mũi tên vừa trúng mặt trống cách xa điểm đích và không xuyên qua được. Đồng tử Đề-bà-đạt-đa bắn chiếc trống sắt cách xa bốn Câu-lô-xá, mũi tên găm vào mặt trống mà không xuyên qua được. Đại thần Ma-ha Na-ma bắn chiếc trống sắt cách tám Câu-lô-xá, mũi tên cũng găm vào mặt trống nhưng cách đích không bao xa và cũng không xuyên qua được. Các đồng tử họ Thích, mỗi người đều để trống sắt hoặc xa hoặc gần làm mục tiêu bắn, các mũi tên của họ đều trúng mặt trống mà không xuyên qua được. Bấy giờ đến lượt Thái tử Tất-đạt-đa, khi sắp bắn có vị quan dâng chiếc cung cho Thái tử, Thái tử tiếp lấy, rồi dùng tay đè nhẹ thanh cung và kéo dây cung xem thử mạnh yếu thế nào, ngay khi đó cung bị gãy và dây bị đứt, nên Thái tử hỏi cả hội trường:

-Ai biết trong nội thành này có chiếc cung nào tốt, đủ sức cho ta sử dụng khỏi phải giới hạn?

Đại vương Tịnh Phạn hết sức vui mừng, liền đáp:

-Hoàng gia mình có.

Thái tử thưa:

-Tâu Đại vương, ngài nói có, nay chiếc cung ấy ở đâu?

Đại vương đáp:

-Tổ phụ của Thái tử quý danh là Sư Tử Giáp. Ngài có một chiếc cung hiện giờ đang để nơi Thiên miếu, ngày đêm luôn luôn hương hoa thờ cúng. Nhưng chiếc cung này, tất cả quyến thuộc họ Thích trong nội thành không một ai trương được dây cung, huống nữa là trương ra để bắn.

Thái tử thưa:

-Xin Đại vương mau mau cho người đến thỉnh mang về đây.

Liền sau đó có sứ giả mang chiếc cung đến, trước tiên trao cho các đồng tử hoàng gia, họ cầm lấy mà không một ai kéo dãn được dây cung, huống nữa là trương cung để bắn. Kế tiếp đó, đại thần Ma-ha Na-ma cố dốc toàn sức mạnh mà cũng không kéo dãn được dây cung, huống nữa là trương cung để bắn. Cuối cùng sứ giả mới dâng cho Thái tử. Thái tử cầm lấy chiếc cung, rồi an tọa trên đất thân không lay động, chỉ dùng một ít sức, tay trái cầm lấy thanh cung, tay mặt nắm lấy dây cung, các ngón tay vừa kéo nhẹ dây cung, phát ra âm thanh vang dội khắp cả thành Ca-tỳ-la, lúc ấy tất cả dân chúng nội thành đều kinh hãi, họ hỏi nhau: “Tiếng gì vậy?” Hoặc có kẻ nghe người khác nói lại: ‘Thái tử Tất-đạt-đa đang sử dụng chiếc cung của Tổ phụ Sư Tử Giáp, ngài vừa trương dây cung nên phát ra âm thanh như vậy.”

Đại vương Tịnh Phạn thấy vậy, đem vô lượng vô biên bảo vật tặng cho Thái tử.

Thái tử giương cung lên, tay phải cầm mũi tên dùng sức mạnh như thần, kéo dây cung đưa mũi tên đến giữa ngực rồi mới buông tay. Mũi tên vượt qua các chiếc trống của ba người: A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa và đại thần Ma-ha Na-ma, bay thẳng đến chiếc trống sắt cách mười Câu-lô-xá, xuyên qua cả hai mặt trống, rồi mũi tên biến mất trong hư không.

Lúc ấy chư Thiên ở trên không trung nói kệ ca ngợi:

 Đấng Thiện Tối thắng ở cõi này,

An tọa trên tòa Phật quá khứ,

Ma-già-đà tất cả dân chúng,

Nay thấy tài bắn tên tuyệt diệu.

Sức trí tuệ lục độ viên thành,

Các giặc thù thảy đều hàng phục,

Ấm, Thiên ma, phiền não tiêu trừ

Sẽ được nhân thường lạc ngã tịnh,

Chân thật đạo Bồ-đề bất thoái,

Khổ sinh tử rễ kia dứt hẳn,

Khổ già bệnh ưu sầu quét sạch,

Trí nhiệm mầu chứng đắc Niết-bàn.

Chư Thiên nói kệ xong, đem các loại hoa trời vi diệu rải trên mình Thái tử, rải rồi bỗng nhiên ẩn thân trong hư không. Lúc ấy chúa trời Đế Thích ở trong hư không, bắt lấy mũi tên Thái tử đem về cung trời Đao-lợi, ở đây đặt ngày lễ cho mũi tên, thường vào những ngày lễ chư Thiên nhóm họp dùng hương hoa cúng dường, cho đến nay chư Thiên còn ngày lễ mũi tên này.

Bấy giờ mọi người thuộc dòng họ Thích lại nói:

-Thái tử Tất-đạt-đa có tài bắn tên rất xa, đã vượt lên trên tất cả mọi người, xin Thái tử thử bắn thân cây, xem tên nào xuyên qua được. Lúc ấy cách thí trường chẳng bao xa, bỗng nhiên xuất hiện hàng cây Đa-la. Trong số năm trăm đồng tử này, hoặc có người bắn một mũi tên xuyên qua được một thân cây Đa-la, hoặc có người bắn xuyên qua hai cây Đa-la, hoặc có người bắn xuyên qua ba cây Đa-la, hoặc có người bắn xuyên qua bốn cây Đa-la, hoặc có người bắn xuyên qua năm cây Đa-la. Lúc bấy giờ Thái tử cầm mũi tên bắn xuyên qua bảy cây Đa-la, mũi tên sau khi xuyên qua cây thứ bảy, lại chạm vào mặt đất gãy làm một trăm đoạn.

Các vị trong dòng họ Thích lại làm hình con heo bằng sắt. Trong số các đồng tử có người bắn xuyên qua một con heo sắt, hoặc có người bắn mũi tên xuyên qua hai con, hoặc ba con, hoặc bốn con, hoặc năm con. Còn Thái tử cầm mũi tên bắn xuyên qua bảy con heo sắt, khi mũi tên xuyên qua con thứ bảy rồi găm sâu trong lòng đất, chỗ đất mũi tên găm vào phá thành cái giếng, cho đến ngày nay dân chúng còn gọi chỗ ấy là “Giếng mũi tên”.

Quyến thuộc trong hoàng gia đặt bảy cái chum bằng sắt, rồi đựng đầy nước. Trong số các đồng tử có người dùng mũi tên đầu nung đỏ để bắn, mà mũi tên chỉ xuyên qua một chum, hoặc có đồng tử bắn xuyên qua hai chum, hay xuyên qua ba chum, hay xuyên qua bốn chum, cho đến xuyên qua năm chum. Còn tên lửa nung đỏ của Thái tử bắn một phát xuyên qua bảy chum sắt đầy nước; khi mũi tên qua khỏi chum thứ bảy, xuyên qua cánh rừng cây Đại-ba-la cách đó chẳng bao xa, khi mũi tên qua rồi rừng này liền thiêu hủy trong nháy mắt.

Các vị quyến thuộc trong dòng họ Thích lại nói:

-Đối với nghệ thuật bắn tên, Thái tử là người giỏi hơn tất cả. Nay lại xin tiếp tục thi chặt cây, mà chỉ được chặt một nhát. Trong số các đồng tử, có người tay cầm thanh kiếm chỉ đưa qua một nhát thì cây đứt làm hai đoạn, hoặc có người chặt một nhát ngã hai cây, hoặc ngã ba cây, hoặc ngã bốn cây, hoặc ngã năm cây. Đến lượt Thái tử tay cầm thanh kiếm chặt một nhát, thì bảy cây Đa-la đứt một lượt, bảy gốc cây Đa-la tuy đứt mà thân cây chưa ngã. Các đồng tử hoàng gia hô reo lên:

-Thái tử không thể chặt đứt một cây nào cả! Liền khi ấy chư Thiên cõi trời Tịnh cư sắc giới, hóa làm ngọn gió mạnh thổi ngã bảy cây Đa-la.

Kế đến đồng tử Nan-đà ôm một bó trúc, mà ruột cây trúc đã luồn sẵn những thanh sắt, đến dâng lên trước mặt Thái tử. Thái tử thấy bó trúc rồi, không cho là trong ruột có sắt, nên không cần phải dùng sức mạnh, tay trái nắm lấy thanh gươm chặt một nhát bó trúc liền đứt làm hai, giống như cánh tay lực sĩ cầm thanh đao chặt một cây trúc hay chặt một mũi tên. Đúng như vậy! Đúng như vậy! Thái tử chặt bó thanh sắt được luồn trong cây trúc, cho là bó trúc, tay trái cầm thanh gươm để nhẹ, thanh gươm liền lướt qua bó thanh sắt.

Bấy giờ các vị trong dòng họ Thích nói:

-Thi chặt cây, Thái tử là người vượt lên trên hết. Bây giờ tiếp tục thi cỡi voi, với kỹ thuật nhảy lên nhào xuống, xem thử ai là người có tài năng. Trong số các đồng tử, có người từ trước vòi voi nhảy vọt lên lưng, hoặc có đồng tử từ dưới chân nhảy vọt lên lưng, hoặc có đồng tử từ dưới đuôi nhảy vọt lên lưng. Trong khi đang nhảy lên có người tay cầm thiết bản to lớn, hoặc có người cầm thiết luân, hoặc có người cầm thiết bài, hoặc cầm dáo mác, trường kiếm. Tay tả cầm khí giới nhảy lên. Khi lên rồi tay phải tiếp lấy ném xuống đất. Còn Thái tử khi nhảy lên lưng voi, hoặc đứng hoặc chạy, hoặc hai chân khi thì đứng lên hai ngà, khi thì đạp trên đầu, tay tả nắm các khí cụ, hoặc thiết bản, hoặc thiết luân, hoặc thiết bài, hoặc dáo mác cho đến trường kiếm. Tay tả cầm lấy thì tay phải phóng xuống đất, hay tay phải cầm lấy thì tay tả phóng xuống đất.

Tất cả đồng tử trong hoàng gia không tài nào sánh kịp, lại nói:

-Ta nay cùng nhau thi cỡi ngựa.

Trong số các đồng tử, có người cầm mác hay cung tên, từ nơi một con ngựa nhảy qua cỡi con ngựa thứ hai, vừa cỡi vừa khai mác, múa kiếm, hoặc bắn tên điểm đích bằng vòng chiếc nhẫn, có người bắn trúng đích, có người bắn không trúng đích. Hoặc có đồng tử phóng mình qua hai con ngựa cỡi con thứ ba, cho đến bắn trúng đích hay bắn không trúng đích. Hoặc có đồng tử lao mình vượt qua ba con ngựa cỡi con ngựa thứ tư, bắn trúng đích hay không trúng đích. Hoặc có đồng tử lao mình qua bốn con ngựa, rồi cỡi con ngựa thứ năm, bắn trúng đích hay không trúng đích. Lúc bấy giờ Thái tử tay cầm mác, tay cầm cung tên, phóng mình qua sáu con ngựa, cỡi trên con ngựa thứ bảy, vừa cỡi vừa bắn tên cho đến mục tiêu bằng đầu sợi lông, sợi tóc đều trúng. Như vậy hoặc ở trên xe theo thứ lớp biểu diễn đủ các nghệ thuật, hoặc nhào trên hư không… nhẹ nhàng một cách tài tình. Hoặc thi âm thanh, hoặc thi ca múa, hoặc thi trào phúng, hoặc thi trò đùa hài hước, hoặc thi nhuộm y phục, hoặc thi nghề kim hoàn làm các đồ bằng ngọc quý giá… hoặc thi vẽ cảnh cây lá, hoặc thi hòa hợp các hương thơm, hoặc thi trò Bác dịch, hoặc thi trò: Xu bồ, vi kỳ, song lục, hoặc thi phóng lao, hoặc ném xa, nhảy vọt qua khỏi hầm… Tất cả các nghệ thuật như vậy đều biểu diễn một cách đầy đủ. Đối với tất cả các môn thi, Thái tử đều đứng nhất.

Các vị trong dòng họ Thích nói:

-Chúng ta ngày nay đều biết Thái tử đối với các nghề, người hoàn toàn đại thắng. Nay ta nên đấu sức với nhau, xem thử ai là người thắng cuộc.

Lúc ấy Thái tử lui về ngồi một bên, còn các đồng tử sắp hai hàng song song cùng nhau đấu sức, theo thứ lớp như vậy có tất cả ba mươi hai ban. Đồng tử nào đấu xong lui về đứng nghỉ một bên. Kế đến đồng tử A-nan-đà bỗng nhiên đến đứng trước mặt Thái tử, định đấu sức với ngài, nhưng nhờ oai đức và thần lực Thái tử, ngài vừa đưa tay nắm lấy Nan-đà, Nan-đà không tài nào ngăn được, liền bị ngã nhào xuống đất. Tiếp đó đồng tử Đề-bà-đạt-đa tiến đến trước mặt Thái tử với cử chỉ đầy tự cao ngã mạn, vì chưa từng so sức với Thái tử lần nào. Nay cùng Thái tử đấu sức, ý muốn ngang hàng, rồi người giương thân dõng dạc lao mình chạy quanh thí trường, rồi chạy nhanh hướng về phía Thái tử, ý định lao mình vào đánh.

Bấy giờ, Thái tử không hấp tấp cũng không chậm chạp, ngài từ từ dụng tâm, tay phải tóm lấy thân đồng tử Đề-bà-đạt-đa đưa lên cao khỏi mặt đất, đi chung quanh thí trường ba vòng, rồi xoay tròn thân Đề-bà-đạt-đa trên hư không; Ngài khởi lòng từ bi để hàng phục tâm cống cao ngã mạn của Đề-bà-đạt-đa, không muốn sát hại, nên Thái tử từ từ thả nhẹ Đề-bà-đạt-đa nằm trên mặt đất, để cho thân thể khỏi bị thương tích. Thái tử lại nói:

-Chao ôi! Này tất cả các ông, ta chẳng cần đấu sức từng người một, tập trung tất cả các người cùng một lúc đến đấu với ta.

Lúc ấy tất cả đồng tử sinh tâm kiêu mạn, nên cùng một lúc tất cả đồng tử vội vã chạy đến muốn đánh Thái tử, với những cú đấm chuẩn bị sẵn. Nhưng tất cả không sao đánh được dưới oai đức và sức mạnh của Thái tử, họ không chống cự lại, đều té nhào xuống đất.

Mọi người trong dòng họ Thích đều lấy làm ngạc nhiên, nói với nhau:

-Ít có thay! ít có thay! Từ sinh ra cho đến ngày nay Thái tử chưa từng học tập bao giờ, mà nay lại thể hiện đủ các thứ tài nghệ như vậy.

Lúc ấy tất cả khán giả trong thí trường, thấy sự việc chưa từng có như vậy, đồng thanh hô to:

-Hoan hô! Hoan hô! Hoặc la lên nhiều âm thanh vang dội, đồng thời tung chuỗi anh lạc và y phục cùng nhau vui mừng.

Lúc ấy, vô lượng chư Thiên trên hư không, đồng thinh nói kệ ca ngợi:

  Các thế giới khắp cả mười phương,

Có bao nhiêu dũng sĩ anh hùng,

Sức mỗi người đều như Điều-đạt,

Chẳng sánh bằng sợi lông Thái tử,

Đức Vĩ nhân oai lực vô biên,

Vung cánh tay đụng nhằm đều ngã,

Sức oai thần Thánh giả không lường.

Làm thế nào các ông sánh lại,

Ví như núi Tu-di sừng sững,

Cùng Thiết Vi lớn nhỏ vững bền.

Với mười phương núi non tất cả,

Ngài đụng vào biến thành tro bụi,

Chất sắt cứng cùng ngọc Kim cương,

Cho đến cả bao nhiêu ngọc quý,

Gặp sức ngài thảy đều tan nát,

Huống đánh nhằm đồng tử các ông.

Chư Thiên nói kệ rồi, lại đem đủ các thứ hoa rải trên mình Thái tử, rồi liền lập tức ẩn thân biến mất trong hư không.

Như vậy đối với tất cả các kỹ nghệ, theo thứ tự đã so tài, Thái tử đều chiến thắng vượt lên trên tất cả.

Lúc ấy Đại vương Tịnh Phạn mới biết bao nhiêu kỹ năng của Thái tử đều thắng vượt lên trên tất cả mọi người, tự mắt mình trông thấy, tâm mình chứng biết, nên vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, vô cùng thỏa mãn không thể kềm chế được. Vì lòng tôn kính, liền ra lệnh cho người về nội cung, dùng chuỗi anh lạc trang trí bạch tượng thật trang nghiêm, mọi việc phải chu đáo, và Đại vương nói:

-Bạch tượng này để đưa Thái tử, đứa con yêu quý của ta về hoàng cung.

Đại bạch tượng để rước Thái tử về nội thành, khi ra cửa thành gặp đồng tử Đề-bà-đạt-đa từ ngoài thành trở về, thấy bạch tượng trang nghiêm, liền hỏi kẻ quản tượng:

-Voi này sẽ đem cho ai và sẽ đi về đâu?

Kẻ quản tượng trả lời:

-Bạch tượng này ra khỏi thành để đón Thái tử về nội cung.

Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa tỏ vẻ mình thuộc dòng hào tộc tôn quý, hết sức ngã mạn, lại ỷ vào sức mạnh của mình, nên ngang dọc tự thị không kiêng nể một ai, lại thêm tánh đố kỵ với Thái tử, nên đồng tử ở phía trước cách voi chẳng bao xa, chạy đến tay trái nắm lấy vòi, tay phải đập vào trán voi, rồi quật mạnh, voi liền té nhào lăn trên đất ba vòng rồi tắt thở. Thấy voi to lớn nằm lấp cả cửa thành, cản trở người qua lại, ra vào chẳng được, nên trên đường lần lần chật ních cả người.

Điều-đạt qua rồi, tiếp theo sau là đồng tử Nan-đà muốn bước vào thành, thấy bạch tượng chết nằm ngay ngang cửa, thấy voi to lớn bít cả lối đi, dân chúng qua lại không được, đồng tử liền hỏi các người chung quanh, ai gây ra sự việc thế này? Đám đông người đáp:

-Bẩm đồng tử, đại bạch tượng này bị đồng tử Đề-bà-đạt-đa giết chết, người dùng tay trái nắm vòi, tay phải đập vào trán, quật mạnh voi liền té nhào lăn xuống đất ba vòng rồi tắt thở.

Nan-đà suy nghĩ: “Đồng tử Đề-bà-đạt-đa thử sức mạnh mình, đã làm cho bạch tượng chết. Nhưng xác voi quá to lớn, chảy nước làm nhơ nhớp cửa thành, cản trở người qua lại, nên đồng tử dùng tay phải nắm lấy đuôi voi kéo tới cách xa cửa thành chừng độ bảy bước.”

Đi tiếp sau Nan-đà là Thái tử Tất-đạt-đa. Khi vào gần cửa thành, Thái tử thấy bạch tượng chết nằm trước cửa thành, ngài hỏi người đi đường:

-Ai giết con bạch tượng này?

Người đi đường đáp:

-Đồng tử Đề-bà-đạt-đa đập vào trán… voi chết.

Thái tử lại hỏi:

-Còn ai kéo voi ra khỏi cửa thành?

Các người đều đáp:

-Đồng tử Nan-đà dùng tay phải nắm lấy đuôi voi kéo khỏi cửa thành chừng khoảng bảy bước.

Thái tử nói:

-Hay thay! Nan-đà, người làm điều phước thiện.

Rồi Thái tử suy nghĩ: “Hai đồng tử tuy đã thi thố sức lực của mình, nay thân voi quá to lớn, sau khi tan ra mùi hôi thối bay vào làm ô nhiễm thành này.” Suy nghĩ như vậy rồi, tay tả nhấc thân voi, tay hữu đỡ phía dưới thân, đưa thân voi lên cao ném ra ngoài thành, vượt qua bảy lớp thành lũy, xác voi rớt xuống cách thành chừng khoảng một Câu-lô-xá, chỗ đất thân voi rớt xuống phá thành một hầm lớn. Cho đến ngày nay, dân địa phương còn tương truyền gọi trũng đất này là “hầm voi rớt”, tức do tích này mà ra vậy.

Lúc ấy có vô lượng vô biên trăm ngàn dân chúng đồng thanh xướng lên:

-Ít có thay! ít có thay! Sự việc như thế này thật hết sức kỳ lạ.

Mỗi người đều nói:

-Hay thay! Hay thay! Đại nhân lực sĩ thật là kỳ lạ ít có ở đời, chưa từng thấy nghe.

Rồi nói kệ ca ngợi:

 Điều-đạt quật chết bạch tượng rồi,

Nan Đà kéo khỏi thành bảy bước,

Thái tử tay nâng bổng trên không,

Như cầm hòn đất ném ngoài thành.

Đại thần Ma-ha Na-ma thấy Thái tử đầy đủ tài năng trí tuệ, đối với tất cả các môn văn chương, võ nghệ, kỹ thuật… đều là người chiến thắng vượt lên trên thiên hạ, liền thưa Thái tử:

-Xin Thái tử nhận sự sám hối của tôi, vì trước đây tôi đã cho Thái tử là kẻ không có tài năng thiện xảo, đối với các nghề đều không biết, khiến tâm tôi nghi ngờ không gả con gái, giờ này tôi đã thấu rõ, mong ngài cùng con gái tôi kết nghĩa trăm năm.

Rồi Thái tử chọn ngày lành tháng tốt, cho người lấy của riêng sắm sửa một cách chu đáo, dùng oai quyền thế lực của một Đại vương để nghinh rước nàng Da-du-đà-la, Thái tử dùng chuỗi anh lạc trang sức trên thân cùng với năm trăm thể nữ tùy tùng rước nàng về nội cung, cùng nhau vui chơi hưởng thú ngũ dục.

Do vậy có kệ nói:

 Da-du là con gái đại thần,

Tiếng trùm cả nước xa gần biết,

Thái tử chọn ngày cưới làm vợ.

Nghinh rước về triều nơi cung điện,

Thái tử cùng nàng hưởng lạc thú,

Mải mê dong ruổi nào biết chán,

Vui cũng Xá-chi đại phu nhân.

Một hôm nọ, sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Tôn giả ưu-đà-di bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn Như Lai, tại sao thuở trước Thái tử còn tại triều, khi muốn cưới nàng Da-du-đà-la làm vợ, không dùng thế lực của một nhà vua, hay thế lực của một dòng họ cao sang, không dùng thế lực giàu sang phú quý, không dùng hình dung tuân tú sắc diện khôi ngô mà cưới nàng, lại chỉ thi thố tài năng trong các kỹ nghệ mà cưới nàng làm vợ?

Đức Thế Tôn bảo ưu-đà-di:

-Này Tôn giả ưu-đà-di, ông phải chú tâm lắng nghe, chẳng chỉ một đời này ta cưới nàng Da-du-đà-la không dùng thế lực của một dòng họ vua chúa đầy quyền uy cao sang, cho đến không dùng hình dung tuấn tú khôi ngô để cưới nàng, mà chỉ dùng tài năng trong các kỹ nghệ để cưới nàng, cho đến thuở xưa cũng vậy.

Tôn giả ưu-đà-di thưa:

-Bạch Đức Thế Tôn, việc này như thế nào? Xin Ngài nói cho con nghe.

Đức Phật bảo Tôn giả ưu-đà-di:

-Này Tôn giả, Ta nhớ thuở quá khứ trải qua vô lượng kiếp, lúc ấy tại nước Ba-la-nại, có một thợ rèn rất tinh xảo. Người có một đứa con gái dung nhan khả ái, thân hình đoan chánh, khuôn mặt đầy đặn, trong thế gian ít có người thứ hai, rất được nhiều người yêu mến. Cùng thuở ấy tại thành Ba-la-nại có một trưởng giả, sinh hạ một đồng tử hình dung đẹp đẽ khả ái như nàng con gái nói ở trên không khác.

Một hôm, con trai trưởng giả tình cờ bắt gặp nàng con gái của người thợ rèn từ bên trong cửa sổ trên lầu cao, đưa mắt ra ngoài ngắm nhìn phong cảnh, chàng công tử thấy rồi đem tâm yêu mến, trong tâm chàng luôn luôn mang hình bóng của nàng, nên vội vã trở về nhà thưa cùng cha mẹ:

-Kính thưa song thân, người thợ rèn tài giỏi kia có người con gái, con đem tâm thương mến muốn cưới nàng ta về làm vợ.

Vợ chồng trưởng giả đáp:

-Nay con không nên cưới con gái của người thợ rèn, vì làm như thế ô nhục gia môn của ta. Cha mẹ sẽ tìm một tiểu thơ của một trưởng giả, của một đại thần hay của một cư sĩ khác, cưới làm vợ cho con.

Chàng ta trả lời:

-Con quyết định không cưới con gái của các nhà đó về làm vợ, ý con chỉ muốn cưới con gái nhà thợ rèn; nếu không cưới được nàng ta làm vợ, con chắc phải tự tử kết liễu cuộc đời không cần phải sống.

Lúc bấy giờ vợ chồng trưởng giả hết sức lo rầu, sợ đứa con yêu quý tự sát, liền cho sứ giả mời người thợ rèn đến nhà, rồi nói:

-Ta nghe người có đứa con gái, nay có thể gả về làm vợ con trai ta chăng?

Bác thợ rèn đáp:

-Thưa ông bà trưởng giả, nay tôi không đồng ý cho con gái tôi kết hôn với kẻ trong tay không nghề nghiệp.

Ông bà trưởng giả lại đáp:

-Nhân giả sẽ chọn người giỏi tài nghệ gì để phối hợp hôn nhân, mà chẳng lo sợ con gái mình cơ hàn khổ sở thiếu thốn áo cơm hay sao?

Thợ rèn lại đáp:

-Tuy biết như vậy, nhưng nay tôi chỉ muốn tìm người đồng nghiệp. Nếu chàng trai nào có nghề nghiệp tài giỏi, tôi sẽ gả con gái, giả sử người này không giàu có của cải, tôi chỉ trọng tài giỏi nghề nghiệp, tùy theo khả năng họ sắm sửa, tôi liền gả con gái cho họ.

Ông bà trưởng giả nghe nói như vậy, đem mọi việc như trên nói lại cho con mình nghe. Nhưng lúc ấy con trai trưởng giả đã cùng nàng con gái kia tâm ý hòa hợp, lại thêm chàng giỏi công nghệ, chuyên tâm chú ý, có tài làm kim. Rồi một hôm chàng ta chế tạo nhiều cây kim, dùng dầu mỡ đánh bóng, sáng láng hết sức đẹp đẽ, gom các kim thành một bó lớn đựng trong ông tre, mang đến nhà thợ rèn tài giỏi kia, khi chàng đến gần cổng làng, đứng nơi đầu đường rao kệ bán kim.

Không nhám, sắt trơn láng,

Đánh bóng ánh trong sạch.

Sản phẩm người thợ khéo,

Có ai mua kim này?

Lúc ấy nàng con gái của bác thợ rèn kia, đang ở bên trong cửa sổ trên lầu cao, nghe con Trưởng giả rao kệ bán kim, nàng ứng khẩu thành kệ đáp:

Quái lạ! Kẻ điên cuồng,

Người thật không tâm ý,

Bỗng nhiên đến thợ rèn,

Mà rao muốn bán kim.

Con trưởng giả nói kệ đáp:

Mỹ nhân thật dễ thương,

Ta thật chẳng điên cuồng,

Ta thật người xảo trí,

Có tài làm kim tốt.

Cha nàng đến gặp ta,

Hiểu rõ việc thế này,

Chắc nàng làm vợ ta,

 Lại đưa vô lượng của.

Nàng con gái của người thợ rèn tài giỏi, nghe chàng ta nói như vậy, vội vã đến trước cha mẹ thưa:

-Thưa cha mẹ, con vừa nghe bên ngoài có người to tiếng rao kệ bán kim… như trên, muốn đến gặp cha mẹ trình bày nghệ thuật làm kim tinh xảo.

Vợ chồng thợ rèn tài giỏi lập tức cho người kêu người bán kim đến, khi vào đến nơi, ông ta hỏi:

-Tốt thay! Này đồng tử, người thật biết rành nghề làm kim phải không?

Đồng tử đáp:

-Thưa hai bác, con có thể làm được.

Thợ rèn lại hỏi:

-Ông cho ta xem kim thử thế nào?

Đồng tử trút từ nơi ống tre ra một cây đưa cho thợ thiếc và nói:

-Xin bác xem nào!

Thợ rèn thấy kim, liền khen ngợi:

-Hay thay! Đồng tử, người có tài làm kim, có tài khoan lỗ.

Đồng tử nói với người thợ rèn:

-Thưa bác, có loại kim khác không phải như kim lấy ra từ ống tre, nó tốt hơn kim ấy nhiều.

Đồng tử liền đưa ra một cây kim khác cho thợ rèn xem, thợ rèn xem rồi lại ca ngợi:

-Có tài khoan trôn kim rất tốt.

Đồng tử lại nói:

-Thưa bác cây này chưa tốt, còn có cây khác tốt hơn.

Lần thứ ba này đồng tử lại đưa ra một cây kim khác cho người thợ rèn.

Người thợ rèn cũng như bao lần trước dùng lời tốt đẹp ca ngợi:

-Có tài khoan trôn kim rất tốt. Đồng tử lại nói:

-Thưa bác, cây kim đó chưa phải cây kim tinh xảo, lại có một cây khác tốt hơn.

Lần thứ tư đồng tử lại đưa một cây kim khác cho thợ rèn xem. Người thợ rèn xem rồi dùng lời khen ngợi:

-Rất khéo chế tạo! Có tài khoan lỗ hết sức tốt đẹp.

Đồng tử lại nói:

-Thưa bác, cây kim đó cũng chưa phải là cây kim tốt.

Rồi đồng tử lại đưa một cây khác cho thợ rèn xem. Người thợ rèn xem rồi, lại dùng lời khen ngợi:

-Chế tạo rất khéo, trôn kim rất tinh vi.

Đồng tử lại nói:

-Thưa bác, kim đó chưa phải sản phẩm tuyệt hảo.

Rồi đồng tử lại đưa ra cây kim thứ sáu cho thợ rèn xem.

Người thợ rèn xem rồi, lại khen:

-Đây mới thật là cây kim tối hảo, tối diệu, trôn kim hết sức sắc sảo.

Đồng tử gom tất cả các cây kim để theo từng loại trên bàn tay, rồi bỏ vào trong nước mà kim đều nổi.

Người thợ rèn thấy việc hy hữu, chưa từng thấy, chưa từng nghe như vậy, vui mừng hớn hở. Rồi nói kệ khen đồng tử:

Ta chưa từng nghe thấy,

Khéo tạo kim như vậy.

Nay đem tâm hoan hỷ,

Gả con gái cho người.

Lúc ấy Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-đà-di:

-Này Tôn giả phải biết, con trai Trưởng giả thuở ấy là thân ta ngày nay; con gái của thợ rèn tài giỏi ấy nay là nàng Da-du-đà-la. Ngay lúc ấy ta cưới nàng làm vợ không dùng thế lực nhà tôn quý, cũng không dùng thế lực dòng họ cao sang, cho đến cũng không dùng hình dung đoan trang tuân tú, chỉ kiểm tra tài khéo léo mà được vợ. Ngày nay cũng lại như vậy, đối với Da-du-đà-la, ta cũng không dùng dòng họ tôn quý hay dung nhan tuấn tú khôi ngô, chỉ dùng việc tranh tài kỹ nghệ mà được nàng.