KINH BỒ-TÁT ANH LẠC
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 12: BỐN THÁNH ĐẾ
Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Về thời quá khứ, trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp có Đức Phật hiệu là Đại Nhân Như Lai, là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, cõi Phật tên là Không tịch. Chính ở nơi cõi ấy, Đức Như Lai đã thành tựu Bậc Giác Ngộ Vô Thượng, đã cùng bốn chúng đệ tử thuyết giảng pháp vi diệu bốn Hiền thánh đế, hóa độ rộng khắp mọi chúng sinh, khiến họ đều đạt đến cảnh giới Niết-bàn vô dư, chọn lấy cõi giải thoát.
Những gì là bốn Thánh đế?
1. Vô lượng Thánh đế. Bồ-tát đạt được pháp Thánh đế ấy thì chỉ trong một niệm đã tự diệt tâm cấu uế và cũng có thể diệt trừ tâm cấu uế của người khác, chẳng còn thấy phiền não trần cấu là hữu tận hay vô tận.
2. Hành tận Thánh đế. Bồ-tát đạt được pháp Thánh đế này thì chỉ trong một niệm có thể khiến cho hết thảy chúng sinh thông tỏ về các hành của thân, khẩu, ý; hoặc thiện, hoặc ác, thảy đều hướng tới cửa đạo, từ đấy khiến cho chúng sinh cùng đạt đến cảnh giới Niếtbàn vô dư.
3. Tốc tật Thánh đế. Bồ-tát đạt được pháp Thánh đế ấy thì có thể khiến cho hết thảy chúng sinh, chỉ trong khoảng thời gian búng ngón tay đều thành tựu Phật đạo; vô lượng, vô hạn, chẳng thể nêu tính số lượng được, chỉ trong một ngày đều thành tựu đạo quả. Lại khiến cho vô số a-tăng-kỳ quốc độ với các loài chúng sinh trong ấy đều sinh tâm thiện, dốc kính lễ cúng dường chư Phật Thế Tôn. Dùng hương hoa, vải lụa cùng hòa tấu kỹ nhạc để cúng dường. Khắp atăng-kỳ quốc độ của chư Phật đều hóa làm một bảo cái dùng để cúng dường, tỏa ra che khắp bên trên các cõi trời, thế gian, luôn được giữ vững như thế. Tự nhiên các thứ thức ăn uống, y phục, giường chiếu, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, chỉ trong khoảnh khắc một niệm thảy đều được bày hiện đầy đủ.
4. Đẳng Thánh đế. Bồ-tát đạt được pháp Thánh đế này thì có thể khiến cho tất cả chúng sinh dốc cùng một hướng, không có các hình tướng sai khác, ở nơi cảnh giới Niết-bàn vô dư mà nhập Bát Niết-bàn.
Cũng như ánh lửa huyễn hóa bùng lên, như hình ảnh bầy ngựa hoang. Thế giới không tịch Vô hình thật chẳng thể đạt được, giữ lấy được. Đại Bồ-tát cũng lại như thế. Giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh quốc độ chư Phật nhưng không thấy có chúng sinh được hóa độ, cũng lại không thấy có người hóa độ và kẻ nhận sự hóa độ ấy. Chẳng phải là không có chúng sinh, chẳng phải là chẳng không chúng sinh. Chẳng phải là chẳng có chúng sinh thanh tịnh, chẳng phải là chẳng không chúng sinh thanh tịnh. Chẳng phải là chẳng có ô trọc, chẳng phải là chẳng không ô trọc. Chẳng phải là chẳng có thọ thai, chẳng phải là chẳng không thọ thai. Chẳng phải là chẳng có, chẳng phải là chẳng không có. Chẳng phải là chẳng có sinh tử, chẳng phải chẳng không sinh tử. Mỗi mỗi đều phân biệt để nhận ra thảy là không thực có. Nhận biết về mười hai nhân duyên lại cũng như thế. Từ si mê cho đến mười hai nhân duyên đều chẳng phải có, chẳng phải không. Cũng như bầy ngựa rừng, thế giới chẳng có thể thu đạt giữ lấy, không gần không xa, tuy giáo hóa chúng sinh nhưng không thấy có sự giáo hóa ấy. Đại Bồ-tát cũng lại như thế. Quán tưởng chư Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có sinh, chẳng thấy có diệt, cũng chẳng thấy có tướng, cũng chẳng không tướng. Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dùng các pháp vô tướng để giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật; tuy có tưởng về có Phật, không có Phật; có tưởng về có pháp, không có pháp; có tưởng về có Tỳ-kheo Tăng, không có Tỳ-kheo Tăng.
Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Đó gọi là Đại Bồ-tát đã đạt được pháp Vô tướng trụ nơi pháp không thoái chuyển không còn bị chướng ngại. Ví như có người trong giấc mộng, thấy mình làm vị quốc vương hay vị Chuyển luân thánh vương, khi thức giấc thì liền nhớ lại cảnh trong mộng với những sự việc đã làm chẳng hề quên mất. Đại Bồ-tát cũng lại như thế, quan sát mọi chúng sinh thành Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, không thấy có tướng thành, cũng chẳng thấy có tướng không thành.
Bấy giờ Đức Phật bảo đại chúng nơi chúng hội:
–Đức Như Lai Đại Thân thời xa xưa ấy đã thuyết giảng về các pháp thanh tịnh, vô hình không thể thấy, lẽ nào là một người nào khác chăng? Chớ nên có ý nghĩ như vậy. Vì sao? Vì Đức Như Lai Đại Thân thời đó hiện nay chính là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.
Lúc này, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Quá khứ, vô số đời
Phật hiệu Đại Nhân Tôn
Nơi ấy thành Chánh giác
Dứt hết mọi nẻo tà
Thường dùng pháp vô tướng
Nhận rõ bốn Thánh đế
Quyền hiện khắp thế giới
Với đủ nẻo thưa, nhận
Phật đạo chẳng thể nghĩ
Thần lực thật vô tận
Giáo hóa độ muôn loài
Thảy cùng về một hướng
Ta nay đã thành Phật
Bậc tôn quý ba cõi
Mọi cấu nhiễm đã sạch
Sinh, lão, tử cũng dứt.
Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy thì có vô lượng chúng sinh thảy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.