KINH TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Tây tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 11: HÀNH ĐẠO

Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Thủ bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con được hiểu rõ ý nghĩa nơi lời dạy của bậc Đại thánh, nếu người nào có chí nguyện cầu Phật đạo thì đó là sự mong cầu tà kiến. Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì nhân nơi tà kiến mà mong đạt đến Phật đạo. Vì muốn có chỗ chứng đắc nên phát nguyện thì đó là phương tiện đưa đến tà kiến. Vì sao?

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vì đạo không trụ ở cõi Dục, không trụ nơi cõi sắc, không trụ nơi cõi Vô sắc, vì đạo là không có chỗ trụ nên không có sự phát nguyện. Ví như có người cho sắt vào lửa để nung, muôn lửa nung đỏ sắt nhưng không được đụng tay vào lửa. Vì sao? Vì nếu đụng vào thì tay sẽ bị bỏng. Lửa tự nó không thể thiêu được, chỉ có người chạm vào mới bị lửa thiêu bỏng. Người có chí nguyện cầu Phật đạo cũng giông như người cầm lửa mà tự làm cho bỏng tay vậy.

Bạch Thế Tôn! Đạo không có đối tượng để mong cầu, đã vượt qua đối đãi hai bên và không có nơi chốn để hướng đến. Ví như có người mong cầu có được hư không, muốn đi đứng trong hư không nhưng không thể thực hiện được.

Bồ-tát Phổ Thủ lại thưa:

-Bạch Thế Tôn! Không thể đi đứng trong hư không, người có chí nguyện mong đạt đạo cũng giống như hư không. Đạo không có chỗ trụ nên đạo luôn vượt qua hai bên. Bồ-tát cần dứt bỏ tưởng chấp về hai bên thì mới có thể kiến lập chí nguyện về đạo. Còn nếu Bồ-tát khởi tưởng chấp có hai bên mà cầu Phật đạo, nhớ nghĩ đến Phật đạo từ đầu đến cuối thì cũng là niệm về tà kiến. Người chấp chỗ nhớ nghĩ về đạo, về diệt độ thì chẳng phải là Bồ-tát, chẳng phải là người hành đạo.

Khi ấy, Phạm thiên Trì Tâm hỏi Bồ-tát Phổ Thủ:

-Bồ-tát thực hành như thế nào mới là thực hành ứng hợp với đạo?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Nếu Bồ-tát tu tập tất cả các pháp mà hoàn toàn không thấy có đối tượng được thực hành, đó là Bồ-tát tôn sùng đạo hạnh, vượt thoát trên tất cả các pháp hành.

Này Phạm thiên! Đó mới là Bồ-tát thực hành với lòng tôn sùng và hướng đến đạo.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Bồ-tát vượt thoát trên cảnh giới của các hạnh và tu tập theo đạo hạnh?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Tu hạnh xa lìa tất cả mọi chấp giữ về các tưởng, lại đặt để mắt, tai, mũi, thân, miệng và ý thích hợp. Hành hóa như thế mới là vượt thoát trên mọi nẻo thực hành.

Phạm thiên hỏi:

-Sự vượt thoát ấy là thế nào?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Bình đẳng đối với các thừa gọi là vượt thoát. Tất cả các pháp bình đẳng chính là đạo.

Phạm thiên hỏi:

-Phương tiện để thực hành nhằm an trụ nơi đạo là gì?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Cũng chính là đạo ấy.

Phạm thiên lại hỏi:

-Đạo ấy là gì?

-Đó là đạo không có quá khứ, hiện tại và vị lai. Cho nên, Bồ-tát làm thanh tịnh cả ba đời để an trú trong Phật đạo. Giả sử quá khứ, vị lai cũng như hiện tại, các ý khởi lên đều không có niệm thực hành, an trú như vậy tức không có chỗ trụ mà ở khắp nơi. Người an trú như thế tức đạt được các thông tuệ.

Phạm thiên Trì Tâm hỏi:

-Thế nào gọi là các thông tuệ?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Thông đạt tất cả nhưng không cho đó là trí. Vì thế gọi là các thông tuệ.

Lại hỏi:

-Thế nào gọi là tuệ?

Đáp:

-Tuệ là không sai biệt, không có ý niệm khác nhau.

Lại nữa mọi sở hữu của chúng sinh cũng chẳng có gì khác biệt.

-Chúng sinh là gì?

Đáp:

-Chúng sinh là hoàn toàn thanh tịnh. Vì vậy gọi là sự thanh tịnh căn bản. Cho nên chúng sinh cũng bình đẳng, không sai khác. Giả sử có niệm khác nhau về đạo, cho rằng chúng sinh là không đồng thì điều ấy là không thuận theo đạo. Đạo là như vậy, chúng sinh cũng thế, không có gì sai khác nên không được cho là có sai khác.

Lại nữa, ngã và ngã sở cũng là đạo bình đẳng nên cũng không có gì khác biệt. Vì sao? Vì chúng sinh khổng có ngã cũng chẳng có thân nên cũng không có gì sai khác. Tất cả các pháp cũng như vậy.

Phạm thiên Trì Tâm lại hỏi:

-Lời dạy của Như Lai là hoàn toàn chân thật, Ngài đã phân biệt giảng nói về các pháp như thế nào?

Bồ-tát Phổ Thủ đáp:

-Đức Như Lai chưa bao giờ phân biệt, giảng nói về các pháp. Vì sao? Vì Như Lai không hề thủ đắc đối với các pháp, huống hồ là phân biệt.

Phạm thiên hỏi:

-Đức Như Lai chẳng phải đã hiện bày, giảng dạy các pháp, nào là pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian… đó sao?

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

-Theo ý ông thì sao? Ở đây có thể phân biệt được hành động của thân và lời dạy hay không?

-Thưa không thể được.

Bồ-tát Phổ Thủ lại hỏi:

-Như vậy, thân có sinh khởi giống diệt tận hay không?

-Thưa không.

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

-Như vậy, này Phạm thiên! Có thể nói, lời dạy về pháp cũng giống như hư không. Không có lời dạy cũng thế. Nếu các pháp có thể dạy được đi nữa thì cũng là pháp không sinh, không diệt. Không có lời dạy mới chính là lời dạy về pháp. Nếu như không có pháp, cũng không có lời dạy thì ở đay cũng không có ngôn thuyết. Vì sao? Vì các lời dạy về pháp và các lời dạy khác cũng đều như nhau. Vì thế gọi là không có lời dạy. Chỗ an trú của Như Lai tức là không có chỗ an trú. Vì không có chỗ an trú nên gọi là không có nguồn gốc.