KINH BỒ-TÁT ANH LẠC
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 10: NHÂN DUYÊN
Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:
–Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ dốc lòng thọ trì đọc tụng pháp Định nhãn thức và Định nhĩ thức thì liền đạt được mười thứ công đức. Những gì là mười? Như đối với các vị Đại Bồ-tát đem tâm vô lượng đạt được hình tượng hư không, không dùng ngôn giáo để giáo hóa chúng sinh và làm thanh tịnh cõi Phật thì các hàng thiện nam, thiện nữ tự nhận biết về vô số hình tướng gốc ngọn, thấu rõ tính chất hư tịch ấy thảy là không chốn có, dấy khởi pháp Nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nếu có vị Đại Bồ-tát sẽ an tọa nơi đạo tràng thì liền có được đầy đủ pháp giới thanh tịnh, dốc vì Như Lai tu tập pháp Nhất tướng vô hình. Hoặc có vị Bồ-tát đạt được một pháp ấn, nhân đấy diễn nói về vô lượng giáo pháp của Như Lai, chẳng phải theo thầy thọ pháp mà tự nhiên giác ngộ.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Thực hiện một pháp gốc rộng lớn vô bờ bến, dùng pháp vô tướng để sinh ra gốc của các pháp. Thế nào là vô tướng sinh hữu tướng?
Đức Phật nói:
–Như hình sắc ở bên ngoài với các màu xanh, trắng, đỏ, đen, vàng.
Bồ-tát Giải Thích thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai đã thuyết giảng về tính chất thần diệu nơi hư không, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng không có tên gọi của năm ấm. Vì sao lại nói đến các màu xanh, vàng, đỏ, trắng đen?
Đức Phật nói:
–Pháp nhân duyên ấy là chẳng thể nghĩ bàn. Do chúng sinh tự khởi tưởng về duyên, có hành thì có thức, do thức mà sinh mê lầm nên mới thành thân người.
Bồ-tát Giải Thích thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã dạy hư không là vô hình, do sắc của bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong mà có sắc. Nay con xin hỏi Đức Như Lai: Thế nào gọi là sắc của bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong là xanh vàng đen trắng như Đức Thế Tôn đã nói? Như các màu sắc xanh, vàng, trắng, đen, hư không, thức ở trong cõi không, sao lại không nói rằng các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng ở nơi các màu ấy là hoàn toàn chẳng phải hư không?
Đức Phật nói:
–Không thể được. Vì sao? Vì mỗi mỗi sự vật tự nó đã là không. Tánh không chẳng biết tánh hữu. Tánh hữu không biết tánh vô. Cũng như các vị Đại Bồ-tát chỉ trong khoảnh khắc một niệm có thể nhận biết vô lượng hằng sa quốc độ thế giới của chư Phật, với kiếp thành, kiếp hoại, mỗi mỗi đều thông tỏ, thấu đạt các đối tượng ấy mà không dấy tưởng chấp về chúng. Nhân duyên của các pháp là tự sinh tự diệt. Gốc của ngã do không mà sinh, sinh sinh bất diệt. Lại quan sát về vô lượng a-tăng-kỳ các cõi, quan sát thấy các vị Bồ-tát có được trí tuệ giác ngộ làm trang nghiêm quốc độ, làm thanh tịnh các loài chúng sinh. Từ quốc độ của chư Phật ấy mà diễn giảng, nêu bày đạo giáo khắp chốn. A-tăng-kỳ chư Phật Như Lai thấu tỏ tận cùng về nơi chốn xuất phát của các pháp, mỗi mỗi đều phân biệt cũng không chút tưởng chấp về ngã. Lại đối với chư Phật, Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được nghe những điều cốt yếu của các pháp thâm diệu là dốc tâm thọ trì, thừa hành, không hề lìa bỏ gốc của các pháp. Bồ-tát bấy giờ cũng không tự thấy là có ngã hay không có ngã, thực hiện hạnh Bồ-tát mà không thấy có sự thực hiện ấy. Đó gọi là nhân của hữu đã dấy khởi từ vô tướng, trong ấy chẳng tự diệt hình tướng. Thân tướng tuy là chỗ để phát sinh sự quan sát, quán tưởng, nhưng cũng không tự thấy, cũng không có chỗ hiểu biết thông tỏ. Đã không có chỗ hiểu biết thì cũng không dấy niệm về cái ấy, không có tưởng chấp về vô ngã. Bồ-tát phải tự nhận thức, đối chiếu, nhân đấy mà liền có thể nhận rõ về hết thảy các pháp. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên cánh lạc, cho đến sinh, lão, tử cũng lại như thế.
Bấy giờ, đã gồm đủ các hành, Bồ-tát lại suy nghĩ như vầy: “Hết thảy các pháp là do nhân duyên tương hợp mà sinh, nhân duyên lìa nhau thì diệt. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, mỗi mỗi đều quan sát và thấu tỏ hình tướng của các pháp. Duyên sinh thời sinh, duyên diệt thời diệt. Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì cánh lạc diệt. Cánh lạc diệt thì ái diệt, ái diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì mọi lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não đều diệt.”
Cần giữ lấy lời quan trọng này: Năm ấm dấy khởi mạnh chính là gốc của các hành, không nương tựa mà cũng chẳng thể nương tựa. Nhưng biết đựơc sự dấy khởi nối tiếp từ chốn này đến chốn khác, ở nơi ấy tự thức tỉnh để nhận ra các pháp giới, ánh sáng của các pháp luôn thanh tịnh, không lìa bỏ biện tài. Đại Bồ-tát tư duy để nhận rõ về mười hai Nhân duyên.
Vì sao gọi là vô minh duyên hành? Này các vị thiện nam, thiện nữ, do gốc là vô minh nên tạo ra các hành thiện, ác, nhân đó dốc sinh ra mười hai pháp gốc là bất thiện, dần dần thành tựu năm hình tướng dấy khởi mạnh mẽ. Đó gọi là vô minh duyên hành.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Quá Hành liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay cung kính thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Như con đã được học về mười hai nhân duyên, là pháp hết sức thâm diệu. Nay con xin thử nêu bày: Vô minh duyên hành thì liền sinh ra mười hai duyên. Hành duyên thức cũng liền sinh ra mười hai duyên. Thức duyên danh sắc cũng liền sinh ra mười hai duyên. Danh sắc duyên cánh lạc cũng liền sinh ra mười hai duyên. Cánh lạc duyên lục nhập cũng liền sinh ra mười hai duyên. Lục nhập duyên ái cũng liền sinh ra mười hai duyên. Ái duyên thọ cũng liền sinh ra mười hai duyên. Thọ duyên hữu cũng liền sinh ra mười hai duyên. Hữu duyên sinh, lão, bệnh, tử với bao nỗi lo buồn khổ não, cũng lại sinh ra mười hai duyên. Như chỗ lãnh hội của con về mười hai nhân duyên ấy thì si mê diệt tức hành diệt. Hành diệt tức thức diệt. Thức diệt tức danh sắc diệt. Danh sắc diệt tức cánh lạc diệt. Cánh lạc diệt thì lục nhập diệt. Lục nhập diệt tức ái diệt. Ái diệt tức thọ diệt. Thọ diệt tức hữu diệt. Hữu diệt thì sinh, lão, bệnh, tử với bao nỗi lo buồn khổ não đều diệt.
Đức Phật nói:
–Tỳ-kheo không hủy hoại hình tướng các pháp, cũng như nhà ảo thuật đứng yên nơi đất ấy mà hiện ra đủ các pháp huyễn, nhưng các nhà ảo thuật đó không làm tổn hại các pháp huyễn. Nhà ảo thuật tạo tác mọi sự biến hóa ấy không có ngày đêm. Những người trông thấy các sự việc ảo hóa ấy thảy đều tin, hiểu. Đại Bồ-tát cũng lại như thế. Bồ-tát dùng diệu lực của thần túc để nhận rõ về mười hai nhân duyên, không có cảnh giới của Phật thì hiện ra cảnh giới ấy, vốn không có thế giới đời sống thì nay hiện ra có thế giới đời sống. Lại dùng các quốc độ có Phật hiện ra các quốc độ không có Phật. Từ các quốc độ không có hình sắc hiện ra các quốc độ có hình sắc. Chẳng lấy một hủy hoại hai, không dùng hai hủy hoại một. Vì sao? Vì như các pháp huyễn kia có thể khiến cho tất cả các thế giới hoàn toàn giống như ảo thuật. Cũng như tất cả thế giới tùy theo chỗ vui thích của con người mà thảy là các pháp huyễn. Huyễn có rất nhiều chứ chẳng phải chỉ có một pháp. Hoặc có pháp huyễn gọi là Vô lượng chư pháp môn. Bồ-tát đạt được pháp huyễn này thì liền có thể hiện ra hết thảy các pháp đều như pháp huyễn. Đã được pháp huyễn thì liền được trí huyễn mà không hề bị quên mất. Đã được trí huyễn thì thì liền có được hành huyễn, có thể dứt trừ hết sạch mọi khổ. Đại Bồ-tát đạt được trí huyễn, hành huyễn thì liền có thể ở trong ấy dùng trí huyễn để có thể phân biệt tường tận các hành, mỗi mỗi tư duy không làm mất cõi tu tập gốc. Như các pháp huyễn kia không dựa vào đất, hiện ra các pháp nơi bên ngoài cũng không dựa vào bên ngoài, khiến cho mọi chúng sinh hiện có trong pháp. Đại Bồ-tát cũng lại như thế. Không dùng tánh không để phân biệt trong ngoài, cho rằng ta sẽ vượt qua tất cả thế giới, cũng không dùng thế giới ở nơi trong ngoài pháp không. Vì sao? Vì tánh hư không là như nhiên, không hủy hoại pháp giới, mà pháp giới cũng không hủy hoại tánh hư không. Đại Bồ-tát ở trong ấy đạt được tánh hư không, lớp lớp quan sát về tất cả pháp giới, cũng chẳng quan sát pháp giới, cũng không hủy hoại pháp giới. Chẳng những không thấy thế giới ấy có bao nhiêu hình tướng, mà cũng không thấy có chúng sinh với các quả báo do làm thiện làm ác. Mỗi mỗi phân biệt, tìm kiếm, suy cứu sự việc. Tánh không là tự như thế, không có thể khiến được như thế. Luôn quan sát, nhận biết, phân biệt về ba cõi, ở trong ấy kết hợp đối chiếu với mười hai nhân duyên. Do si mê dấy khởi mà nhãn thức có ba nẻo hành động. Những gì là ba?
Này các vị Tộc tánh tử! Cũng như mắt nhìn thấy hình sắc bên ngoài hoặc thiện, hoặc chẳng thiện, đều không thể phân biệt tường tận, ấy là do gốc của thức bị vô minh, hành nhiễm.
Lại nữa, các vị thiện nam, thiện nữ, hoặc như thân, khẩu, ý dấy lên theo ba pháp bất thiện, ý dần tự tỉnh ngộ, than thở về chỗ tạo tác từ gốc của ngã. Do gốc vô minh nên nay mới dẫn tới mười hai nhân duyên. Sự nhận biết từ vô minh là chẳng có thể tự đổi được.
Các vị thiện nam, thiện nữ do si mê dẫn dắt hành làm cội nguồn cho mọi tội lỗi từ đấy sinh ra. Ta nay nên nhớ nghĩ về pháp Định ý tịch tĩnh, quán tưởng về mười hai nhân duyên ấy là do si mê chăng? Là từ nơi hành sao? Lại tự tư duy: “Vô minh là pháp lặng lẽ, tịch tĩnh, ẩn giấu? Do đâu mà có thể làm phát ra các duyên tham đắm vướng chấp như thế? Chẳng phải từ thân khẩu hành của ta tạo nên, cũng không do được sinh ra.” Đó gọi là Đại Bồ-tát phân biệt ba hành mà nhận ra chúng là không chốn có.
Đại Bồ-tát đạt được pháp Định ý quán không thì có thể phân biệt về mười hai nhân duyên. Do si mê duyên nên có hành và liền có quả báo của duyên. Si mê chẳng phải là cội nguồn, thế thì do đâu mà có hành? Thân, khẩu, ý ba nghiệp ấy cùng hợp làm nhân nên mới sinh ra các pháp. Do Như Lai ở trong vô số kiếp đã luôn tư duy nhận rõ về mười hai nhân duyên nên nay được thành Phật thì đầu tiên là lý giải lãnh hội pháp ấy. Ta từ lúc mới phát tâm cầu đạo Bồ-tát, lìa bỏ thân, thọ nhận thân luôn phân biệt về mười hai nhân duyên, tư duy về gốc của khổ chưa đến chốn cội rễ tận cùng của nó, nay ta thành Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới có được sự thấu đạt thông suốt về mười hai nhân duyên ấy.
Đức Phật bảo Tỳ-kheo Quá Hành:
–Tôn giả nay tuy ở trước Như Lai nói về mười hai nhân duyên, nhưng chưa có thể trình bày đầy đủ cội nguồn của chúng. Vì sao không thể nói đầy đủ về gốc của chúng? Như Lai Vô Thượng Chánh Giác trụ nơi các thọ mạng trải qua hằng sa kiếp tuyên giảng về mười hai nhân duyên, hãy còn chưa có thể tường tận, huống chi Tôn giả nay lại muốn nêu bày cùng tận được sao?
Bấy giờ, Tỳ-kheo Quá Hành đang ở phía trước Đức Phật, cảm thấy hết sức hổ thẹn, vì tưởng là mình sắp đạt được thần túc Vô thất, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn rồi lui ra.