KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN
Hán dịch: Sa-môn Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc, đời Tùy
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 1: CHÂU DIÊM-PHÙ
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Bà-già-bà ở thạch thất Ca-lợi-la tại thành Xá-la-bà-tất-đế. Bấy giờ, tại nơi ấy, có số đông Tỳ-kheo, sau khi thọ trai, cùng đến tụ họp ở giảng đường Ca-lợi-la. Sau khi an tọa, mọi người đều suy nghĩ rồi cùng nhau bàn luận:
– Này các Trưởng lão, thật chưa từng có! Nay thế gian này, thiên địa, chúng sanh, chỗ ở, quốc độ, chuyển biến thành lập như thế nào? Và chuyển biến tan hoại như thế nào? Chuyển biến tan hoại rồi lại thành lập như thế nào? Chuyển biến thành lập rồi an trụ như thế nào?
Khi ấy Đức Thế Tôn, một mình ở trong thạch thất yên tĩnh, với thiên nhĩ nghe khắp, thanh tịnh hơn người, nghe các Tỳ-kheo, sau khi thọ trai, tụ họp tại giảng đường Ca-lợi-la cùng bàn luận việc hy hữu như vậy. Thế Tôn nghe rồi, ngay sau buổi trưa hôm ấy, xuất thiền, ra khỏi thạch thất Ca-lợi-la, đi đến giảng đường; đến giảng đường rồi ở trước đại chúng Tỳ-kheo, theo lệ thường, trải tòa, ngồi thẳng an nhiên.
Sau khi an tọa, Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi:
– Này các thầy Tỳ-kheo, vừa rồi, các thầy tụ tập nơi đây bàn luận việc gì?
Khi ấy các Tỳ-kheo đồng bạch Phật:
– Bạch Đại Đức Thế Tôn, sau khi thọ trai, Tỳ-kheo chúng con cùng đến giảng đường Ca-lợi-la này tụ họp, bàn luận thế này: “Này các Trưởng lão, thật chưa từng có! Thế gian chuyển biến thành lập như thế nào? Chuyển biến tan hoại như thế nào? Thế gian chuyển biến tan hoại rồi thành lập như thế nào? Thế gian chuyển biến thành lập rồi an trụ như thế nào?” Bạch Đại Đức Thế Tôn, vừa rồi chúng con tập họp đến đây để bàn luận việc như vậy.
Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Hay thay! Hay thay! Này các Tỳ-kheo, chỉ các thầy mới có khả năng tin và làm việc như pháp như vậy. Này chư Thiện nam tử, vì lòng tin, các thầy bỏ tục xuất gia, nếu các thầy thường tập trung ngồi lại với nhau và bàn luận việc như pháp như vậy, thì đó là việc bất khả tư nghì. Này các thầy Tỳ-kheo, khi các thầy ngồi lại với nhau, nên tu hai thứ pháp này để tự tạo sự nghiệp cho mình: hoặc là bàn luận pháp nghĩa, hoặc là Hiền thánh mật nhiên, chẳng sanh lười biếng, kiêu mạn. Nếu có thể làm được điều đó, thì các thầy mới nên nghe Như Lai nói về ý nghĩ: Thế gian chuyển biến thành lập, thế gian chuyển biến tan hoại, thế gian chuyển biến tan hoại rồi thành lập; thế gian chuyển biến thành lập rồi an trụ. Khi Đức Phật dạy như vậy rồi, các Tỳ-kheo bạch:
– Bạch Đại Đức Thê Tôn, nay đã đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay đã đúng lúc! Nếu Phật Thế Tôn vì Tỳ-kheo chúng con mà giảng thuyết nghĩa này thì sau khi nghe Thế Tôn dạy, chúng con sẽ theo đó mà phụng trì.
Lúc bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Này các thầy Tỳ-kheo, hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy suy nghĩ chính chắn! Ta sẽ vì các ông lần lượt giảng thuyết.
Khi ấy các Tỳ-kheo đồng bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, chúng con rất muốn nghe.
Phật dạy các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, như mặt trời, mặt trăng ở tại một chỗ mà chiếu sáng bốn cõi thiên hạ, bấy giờ tại bốn chỗ thiên hạ đều có cả ngàn mặt trời, mặt trăng. Này chư Tỳ-kheo, đó gọi là một ngàn thế giới. Này chư Tỳ-kheo, trong ngàn thế giới, có ngàn mặt trăng, ngàn mặt trời, ngàn núi chúa Tu-di, bốn ngàn châu nhỏ, bốn ngàn châu lớn, bốn ngàn biển nhỏ, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn dòng giống Rồng, bốn ngàn dòng giống Rồng lớn, bốn ngàn dòng giống Kim sí điểu, bốn ngàn dòng giống Kim sí điểu lớn, bốn ngàn dòng giống chốn ác đạo, bốn ngàn dòng giống chốn ác đạo lớn, bốn ngàn tiểu vương, bốn ngàn đại vương, bảy ngàn các giống cây lớn, tám ngàn các loại núi lớn, mười ngàn các loại địa ngục lớn, một ngàn vua Diêm-ma-la, ngàn châu Diêm-phù, ngàn Cù-đà-ni, ngàn Phất-bà Thiên vương, ngàn trời Tam thập tam, ngàn trời Dạ-ma, ngàn trời Đâu-suất-đà, ngàn trời Hóa lạc, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Chư-ma-la, ngàn trời Phạm thế.
Chư Tỳ-kheo, ở trong cõi Phạm thế kia, có một Phạm chủ, oai lực rất mạnh, không ai hàng phục được, thống nhiếp ngàn Phạm tự tại vương, nói: “Ta có khả năng tạo tác, gọi ta là cha, ta tự tạo ra các sự vật”. Vị ấy nói những lời kiêu ngạo như vậy, rồi liền sanh ngã mạn. Như Lai không như vậy. Vì sao? Vì tất cả thế gian kia, mỗi pháp đều tùy theo nghiệp lực mà hiện khởi, thành lập.
Chư Tỳ-kheo, ngàn thế giới nhỏ này, giống như búi tóc, gọi là một tiểu thiên thế giới. Chư Tỳ-kheo, một tiểu thiên thế giới như búi tóc như vậy, gọi đó là bậc hai – trung thiên thế giới.
Chư Tỳ-kheo, một ngàn trung thiên thế giới ở bậc hai như vậy, gọi là đại thiên thế giới. Ba ngàn lần thế giới như vậy, gọi là tam thiên đại thiên thế giới.
Chư Tỳ-kheo, tam thiên đại thiên thế giới này đồng thời thành lập; đồng thời thành lập rồi thì lại tan hoại; đồng thời tan hoại rồi thì trở lại thành lập; đồng thời thành lập rồi thì an trụ. Như thế, thế giới xoay vần thiêu hủy gọi là bại hoại; xoay vần thành lập gọi là thành tựu; xoay vần an trụ, gọi là an lập. Đó là nơi ở của chúng sanh, một cõi Phật vô úy.
Chư Tỳ-kheo, đại địa ấy dày bốn mươi tám vạn do-tuần, chung quanh rộng vô biên. Chư Tỳ-kheo, đại địa ấy trụ ở trên nước; nước trụ trên gió, gió nương hư không.
Chư Tỳ-kheo, phía dưới đại địa ấy, có một lớp nước, dày sáu mươi vạn do-tuần, chung quanh rộng vô biên. Dưới lớp nước ấy, có một lớp gió dày ba mươi sáu vạn do-tuần, chung quanh rộng vô biên.
Chư Tỳ-kheo, nước biển lớn ấy sâu vô cùng, sâu tới tám vạn bốn ngàn do-tuần, chung quanh rộng vô biên.
Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di phần chìm trong biển là tám vạn bốn ngàn do-tuần, phần nhô khỏi mặt biển cũng cao tám vạn bốn ngàn do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di, mặt đáy bằng phẳng, phần dưới bám chặt trên bánh xe vàng lớn.
Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di ấy ở trong biển lớn, dưới hẹp, trên rộng, càng lên càng rộng ra, ngay thẳng chẳng lồi lõm, thân lớn, vững chắc, đẹp đẽ lạ thường, lạ mắt, ưa xem, bốn báu hiệp thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê; có các loại cây tốt tươi, tỏa ra các mùi thơm, mùi thơm bay xa, xông khắp các núi, là chốn dừng chân của nhiều chúng Thánh hiền, và chư Thiên thần đại oai đức thắng diệu.
Chư Tỳ-kheo, ở phần trên của núi chúa Tu-di, bốn phương có bốn ngọn, ngọn vươn cao ở bốn phía, mỗi ngọn cao bảy trăm do tuần, đẹp đẽ khả ái, do bảy báu tạo thành, là nơi được trang trí bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não; núi uốn cong trên mặt biển.
Chư Tỳ-kheo, phía dưới núi Tu-di có ba bậc, trú xứ của chư thần. Tầng bậc thấp nhất cao rộng sáu mươi do-tuần; có bảy lớp tường thành, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, lại có bảy lớp cây Đa-la ngay ngắn khả ái, bao bọc chung quanh. Cây ấy được tạo thành bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não. Các tường vách đều có bốn cửa, mỗi cửa ấy đều có bờ lũy, lầu gác, mái hiên, tháp canh, cung điện, hành lang, vườn cây, cùng các ao hồ đầy đủ trang nghiêm. Trong ao có hoa đẹp, đủ loại hương thơm; có đủ tất cả các loại cây, đủ các loại cành lá, các loại hoa quả, cũng phát ra các mùi thơm ngào ngạt. Lại có các loài chim hót ca, âm thanh vi diệu hòa quyện vào nhau, hòa nhã thánh thót. Tầng bậc kế tiếp của núi, cao rộng bốn mươi do-tuần, được trang nghiêm bằng bảy vòng tường thành, lan can, dây chuông, hàng cây Đa-la bằng phẳng, ngay ngắn, khả ái bao quanh, cũng được trang trí bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não; cũng có đầy đủ các thứ cửa ngõ, lầu gác, đài, điện, vườn, ao, cây có quả và các loài chim. Tầng bậc trên cùng của núi, cao rộng hai mươi do-tuần, cũng có bảy lớp tường thành cho đến các loài chim, phát ra âm thanh vi diệu.
Chư Tỳ-kheo, ở tầng bậc dưới của núi, có vị Dạ-xoa tên là Bát thủ ở; tại tầng bậc giữa, có các vị Dạ-xoa tên là Trì phát; tầng trên có các vị Dạ-xoa tên là Thường túy.
Chư Tỳ-kheo, giữa triền núi Tu-di rộng bốn vạn hai ngàn do tuần, có cung điện của Tứ đại thiên vương.
Chư Tỳ-kheo, phần trên núi Tu-di có các cung điện của chư Thiên Tam thập tam, nơi ở của Đế-thích. Trên cõi trời Tam thập tam, có cung điện của chư Thiên Dạ-ma; trên trời Dạ-ma một tầng, có cung điện của chư Thiên Đâu-suất-đà; trên trời Đâu-suất-đà một tầng, có cung điện của chư Thiên Hóa lạc; trên trời Hóa lạc một tầng, có cung điện của chư Thiên Tha hóa tự tại; trên trời Tha hóa tự tại một tầng, có cung điện của chư Thiên Phạm thân; ở khoảng giữa trời Tha hóa tự tại và Phạm thân, có các cung điện của ma Ba-tuần; ở phía trên trời Phạm thân, có trời Quang âm; phía trên trời Quang âm, có trời Biến tịnh; phía trên trời Biến tịnh, có trời Quảng quả; phía trên trời Quảng quả, có trời Bất thô; khoảng giữa trời Quảng quả và trời Bất thô, có các cung điện là chỗ ở của chúng sanh Vô tưởng; ở phía trên trời Bất thô, có trời Bất não; phía trên trời Bất não, có trời Thiện kiến; phía trên trời Thiện kiến, có trời Thiện hiện; phía trên trời Thiện hiện là cung điện của chư Thiên A-ca-ni-trá.
Chư Tỳ-kheo, trên trời A-ca-ni-trá, lại có chư Thiên Vô biên hư không xứ, Vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các nơi này đều được gọi là trú xứ của chư Thiên.
Chư Tỳ-kheo, nơi chốn như vậy, ranh giới như vậy là chỗ ở của chúng sanh. Chúng sanh ấy, hoặc đến, hoặc đi, hoặc sanh, hoặc diệt đều nằm trong giới hạn ấy. Trong thế giới đó, các loài chúng sanh có sanh, già, chết đều rơi vào đó. Chúng ở trong đường sanh hóa như vậy, đến bây giờ không ra khỏi. Cho nên gọi thế giới Ta-bà là cõi Vô úy. Ngoài ra, tất cả thế giới khác cũng giống như thế.
Chư Tỳ-kheo, phía Bắc của núi chúa Tu-di có châu tên là Uất-đa-la-cứu-lưu. Cõi ấy dài rộng mười ngàn do-tuần, bốn phía bằng phẳng; khuôn mặt của người ở cõi ấy giống như hình trái đất.
Chư Tỳ-kheo, phía Đông của núi chúa Tu-di, có châu tên là Phất-bà-tùy-đề-hạ. Cõi ấy dài rộng chín ngàn do-tuần, tròn như trăng tròn; khuôn mặt của người ở cõi ấy cũng giống như trái đất.
Chư Tỳ-kheo, phía Tây núi chúa Tu-di, có châu tên là Cù-đà-ni. Cõi ấy dài rộng tám ngàn do-tuần, hình dáng như nửa mặt trăng, khuôn mặt của người ở cõi ấy lại giống như trái đất.
Chư Tỳ-kheo, phía Nam núi chúa Tu-di, có châu là Diêm-phù-đề. Cõi ấy dài rộng bảy ngàn do-tuần, phía Bắc rộng, phía Nam hẹp, hình dạng như cái hòm xe. Khuôn mặt của người ở cõi ấy cũng giống như trái đất.
Chư Tỳ-kheo, mặt bắc núi chúa Tu-di do vàng trời tạo thành, chiếu sáng châu Uất-đa-la-cứu-lưu; mặt Đông do bạc trời tạo thành, chiếu sáng châu Phất-bà-tỳ-đề-ha; mặt Tây do pha lê trời tạo thành, chiếu sáng châu Cù-đà-ni; mặt Nam do lưu ly xanh cõi trời tạo thành, chiếu sáng châu Diêm-phù-đề này.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu có một đại thọ gọi là Am-bà-la, thân to bảy do-tuần, phần ăn sâu dưới đất là hai mươi mốt do-tuần, phần vượt lên cao là một trăm do-tuần, cành lá phủ che năm mươi do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, châu Phất-bà-tỳ-đề-ha có một đại thọ gọi là Ca-đàm-bà-phất, thân to bảy do-tuần, phần ăn sâu dưới đất là hai mươi mốt do-tuần, phần vượt lên cao là một trăm do-tuần, cành lá che phủ năm mươi do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, châu Cù-đà-ni có một đại thọ gọi là Chấn-đầu-ca, thân to bảy do-tuần… cho đến cành lá phủ năm mươi do-tuần. Dưới cây ấy có một con trâu đá, cao một do-tuần. Do nhân duyên này nên gọi là châu Cù-đà-ni.
Chư Tỳ-kheo, châu Diêm-phù-đề ấy có một đại thọ gọi là Diêm-phù, thân to bảy mươi do-tuần… cho đến cành lá bao phủ năm mươi do-tuần. Dưới cây ấy có khối vàng Diêm-phù-đàn cao hai mươi do-tuần; vì vàng sanh ra từ dưới cây Diêm-phù cho nên gọi là Diêm-phù-đàn; và do đó có tên là vàng Diêm-phù-đàn.
Chư Tỳ-kheo, chỗ ở của loài Rồng và loài Kim sí điểu có một đại thọ tên là Câu-tra-dư-ma-lợi-hòa, thân to bảy do-tuần… cho đến cành lá che phủ năm mươi do-tuần. Chư Tỳ-kheo, chỗ ở của A-tu-la có một đại thọ tên là Tu-chất-đà-la-ba-tra-la, thân to bảy do tuần… cho đến cành lá che phủ năm mươi do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, trời Tam thập tam có một đại thọ tên là Ba-lợicù-tỷ-đà-la, thân to bảy do-tuần, phần ăn sâu xuống đất hai mươi mốt do-tuần, phần vượt lên cao là một trăm do-tuần, cành lá che phủ năm mươi do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, dưới núi Tu-di, kế đến có núi tên là Khư-đề-laca, cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, ngay thẳng khả ái, do bảy báu hợp thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não.
Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai núi Tu-di và Khư-đề-la-ca ấy rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, bao bọc chung quanh là vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca, Tao-kiền-đề-ca che phủ khắp sông hồ.
Chư Tỳ-kheo, ngoài núi Khư-đề-la-ca, kế đến có núi tên là Ysa-đà-la, cao hai vạn một ngàn do-tuần, trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Khư-đề-la-ca và Y-sa-đà-la rộng bốn vạn hai ngàn do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca, Tao-kiền-đề-ca che phủ khắp sông hồ. Ngoài núi Y-sa-đà-la, kế đến có núi tên là Du-kiền-đà-la, cao một vạn hai ngàn do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Y-sa-đà-la và Du-kiền-đà-la rộng hai vạn một ngàn do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợica,Tao-kiền-đề-ca che phủ khắp các sông hồ. Ngoài núi Du-kiền-đà-la, kế đến có núi tên là Thiện kiến cao sáu ngàn do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Du-kiền-đà-la và Thiện Kiến rộng một vạn hai ngàn do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca, Tao-kiền-đề-ca che phủ khắp các sông hồ. Ngoài núi Thiện Kiến, kế đến có núi tên là Mã Bán Đầu, cao ba ngàn do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Thiện Kiến và Mã Bán Đầu rộng sáu ngàn do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca, Tao-kiền-đề-ca, phủ khắp sông hồ. Ngoài núi Mã bán đầu, kế đến có núi tên là Ni-dân-đà-la, cao một ngàn hai trăm do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái… cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Mã bán đầu và Ni-dân-đà-la rộng hai ngàn bốn trăm do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca, Tao-kiền-đề-ca che khắp các sông hồ. Ngoài núi Ni-dân-đà-la, kế đến có núi tên là Tỳ-na-da-ca, cao sáu trăm do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái… cho đến mã não… bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Ni-dân-đà-la và Tỳ-na-da-ca rộng một ngàn hai trăm do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca,Tao-kiền-đề-ca che khắp các sông hồ. Ngoài núi Tỳ-na-da-ca, kế đến có núi tên là Chước-ca-la (Tùy dịch là Luân), cao ba trăm do-tuần, ở trên cũng rộng như vậy, đẹp đẽ khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành. Khoảng giữa hai núi Tỳ-na-da-ca và Chước-ca-la ấy rộng sáu trăm do-tuần, chung quanh có vô số các loài hoa…cho đến hoa Tao-kiền-đề-ca che khắp các sông hồ. Cách núi Luân viên (Chước-ca-la) không xa, cạnh bên một khoảng đất trống cỏ xanh phủ khắp là biển lớn. Phía Bắc biển lớn có một cội cây lớn gọi là cây Diêm-phù, thân to bảy do-tuần, rễ cắm sâu xuống đất hai mươi mốt do-tuần, cao một trăm do-tuần… cho đến cành lá che phủ bốn phía năm mươi do-tuần; khoảng đất trống ở bên cỏ xanh phủ khắp. Kế đến có rừng cây Am-bà-la, rừng cây Diêm phù, rừng cây Đa-la, rừng cây Na-đa, mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần, khoảng đất trống ở giữa, cỏ xanh mọc đầy. Kế đến có rừng cây tên là Nam, rừng cây tên là Nữ, rừng San-đà-na, rừng Chơn-đà-na, mỗi khu rừng rộng năm mươi dặm; khoảng đất trống bên khu rừng, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có rừng quả Kha-lê-lặc, rừng quả Tỳ-hê-lặc, rừng quả Ma-lặc, rừng quả Am-bà-la-đa-ca; mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần. Kế đến có rừng cây Khả-thù-la, rừng quả Tỳ-la, rừng quả Bà-na-bà, rừng quả Thạch lựu; mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần. Kế đến có rừng Ô bột, rừng Nại, rừng Mía, rừng Trúc nhỏ, rừng Trúc lớn, mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần. Kế đến có rừng Lau, rừng Sậy, rừng Cát-la, rừng Cát-la lớn, rừng Ca-sà-văn-đà; mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần. Kế đến có rừng hoa A-đề-mục-đa-ca, rừng hoa Chiêm-bà, rừng hoa Ba-tra-la, rừng hoa Tường vi; mỗi khu rừng rộng năm mươi do-tuần; vùng đất trống bên cạnh, cỏ xanh phủ đầy. Lại có các ao có các loại hoa Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca… phủ đầy. Lại có các ao đầy ắp rắn độc; mỗi ao rộng năm mươi do-tuần; khoảng đất trống ở giữa, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có biển tên là Ô-thiền-na-ca rộng mười hai do-tuần; nước ao trong mát, vị rất ngọt ngon, êm ả trong veo, có bảy lớp bờ lũy, bảy lớp đá chắn, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông; bên ngoài có bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, thẳng tắp đẹp đẽ; đều do mã não… bảy báu hợp thành, trang trí bốn phương chung quanh, đều có thềm bậc đẹp đẽ khả ái, cũng do bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não hợp thành. Lại có hoa Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca. Hoa màu lửa thì hiện hình lửa; hoa màu vàng thì hiện hình vàng; hoa màu xanh thì hiện hình xanh; hoa màu đỏ thì hiện hình đỏ; hoa màu trắng thì hiện hình trắng; màu Bà-vô-đà thì hiện hình Bà-vô-đà. Hoa lớn như bánh xe, cộng như trục xe, tiết ra nhựa, màu trắng như sữa, vị ngọt như mật.
Chư Tỳ-kheo, trong biển Ô-thiền-na-ca, có các đường đi của Chuyển luân thánh vương, mặt đường rộng mười hai do-tuần.
Chư Tỳ-kheo, trong cõi Diêm-phù-đề, khi Chuyển luân thánh vương xuất hiện thì các con đường dưới biển ấy tự nhiên hiện ra, mặt nước đứng lặng.
Chư Tỳ-kheo, kế bên biển Ô-thiền-na-ca có ngọn núi tên là Ô-thiền-già-la.
Chư Tỳ-kheo, núi Ô-thiền-già-la ấy đẹp đẽ khả ái, tươi tốt khả quan, có các thứ cây, các thứ lá, các thứ hoa, các thứ quả, các thứ hương và các loài dị thảo, đủ các loài chim, thú. Những vật có mặt trên thế gian, ở trong núi Ô-thiền-già-la kia, không thiếu thứ gì.
Chư Tỳ-kheo, núi Ô-thiền-già-la kia đẹp đẽ khả ái, khả quan như vậy, các thầy nên giữ gìn tốt như thế.
Chư Tỳ-kheo, kế núi Ô-thiền-già-la có núi tên là Kim hiếp.
Chư Tỳ-kheo, trong núi Kim hiếp, có tám vạn cái hang; trong các hang kia đều có tám vạn long tượng toàn màu trắng cư trú trong đó, giống như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chống đất, đều có thần thông, nương hư không mà đi. Đầu chúng màu đỏ giống như loài trùng Nhân-đà-la-cù-ba-ca, có sáu ngà; ngà chúng nhọn hoắt, màu như mạ vàng.
Chư Tỳ-kheo, qua khỏi núi Kim hiếp có núi tên là Tuyết sơn, cao năm trăm do-tuần, rộng dày cũng vậy. Núi ấy đẹp đẽ, do bốn báu hợp thành, đó là vành, bạc, lưu ly và pha lê. Bốn mặt núi ấy có bốn ngọn bằng vàng, đỉnh vượt lên cao hai mươi do-tuần. Trên đỉnh núi ấy có ao A-nậu-đạt. Long vương A-nậu-đạt cư trú trong ấy. Ao rộng dài năm mươi do-tuần. Nước ao trong mát, mùi vị ngon ngọt, trong sạch không nhơ, có bảy lớp bờ lũy, bảy lớp thềm gỗ, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, bao bọc chung quanh đẹp đẽ khả ái…cho đến do mã não…bảy báu hợp thành. Lại có các loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca. Các hoa ấy có nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, lớn như bánh xe; lại có ngó, rễ lớn như trục xe, nhựa trắng như sữa, vị ngọt như mật.
Chư Tỳ-kheo, trong ao A-nậu-đạt ấy có cung điện của Long vương A-nậu-đạt-đa. Cung điện đó có năm trụ, đẹp đẽ khả ái. Long vương A-nậu-đạt-đa cùng quyến thuộc trong đó vui chơi, thọ hưởng năm dục của chư Thiên, đầy đủ khoái lạc.
Chư Tỳ-kheo, phía Đông ao A-nậu-đạt có con sông Hằng, từ miệng voi chảy ra, hòa nhập năm trăm sông, chảy vào biển Đông. Phía Nam ao A-nậu-đạt có sông Tân-đầu, từ miệng trâu chảy ra, hòa nhập năm tăm sông, chảy vào biển Nam. Phía Tây ao A-nậu-đạt, có sông Bạc-xoa, từ miệng ngựa chảy ra, hòa nhập năm trăm sông, chảy vào biển Tây. Phía Bắc ao A-nậu-đạt có sông Tư-đà, từ miệng sư tử chảy ra, hòa nhập năm trăm sông, chảy vào biển Bắc.
Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì mà vị Long vương ấy được gọi là A-nậu-đạt-đa?
Chư Tỳ-kheo, có ba nhân duyên. Ba nhân duyên ấy là gì?
Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù có chỗ ở của các rồng, chỉ trừ Long vương A-nậu-đạt-đa, còn các rồng khác, thì thọ hưởng khoái lạc, liền có các vật nóng rơi trên thân, các rồng ấy đều mất hình sắc loài trời, hiện hình sắc loài rắn. Các rồng chịu nỗi khổ đó còn Long vương Anậu-đạt-đa không có việc như vậy. Đó là nhân duyên thứ nhất.
Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù, chỉ trừ Long vương A-nậu-đạt-đa, còn các rồng khác khi du hí hưởng lạc, đều có gió nóng thổi đến chạm vào thân chúng, làm mất hình sắc loài trời, hiện hình sắc loài rắn, nên có khổ như vậy. Đó là nhân duyên tứ hai.
Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù, khi các rồng có sự du hí hưởng lạc thì có vua của loài Kim sí điểu bay vào cung của chúng. Khi chúng thấy Kim sí điểu vương thì lòng sanh sợ hãi; vì sợ hãi nên liền mất hình sắc loài trời, hiện hình sắc loài rắn, chịu đầy đủ các khổ. Long vương A-nậu-đạt-đa không như vậy. Nếu Kim sí điểu vương phát sanh ý nghĩ thế này: “Nay ta muốn vào cung điện của Long vương A-nậu-đạt-đa, thì khi ấy Kim sí điểu kia bị quả báo bại liệt nên tự thọ khổ, không thể vào được cung điện của Long vương A-nậu-đạt-đa.
Chư Tỳ-kheo, đó là nhân duyên thứ ba. Do nhân duyên ấy nên gọi là A-nậu-đạt-đa.
Chư Tỳ-kheo, về phía Nam núi Tuyết không xa, có thành tên là Tỳ-xá-ly. Phía Bắc của thành Tỳ-xá-ly, có bảy núi Đen; phía Bắc núi Đen lại có núi Hương. Trong núi Hương ấy, có vô số vị Khẩn-nala. Ở đó thường có tiếng ca vũ âm nhạc. Núi ấy có nhiều các loại cây, cây tỏa ra các mùi hương, là chỗ ở của các thần đại oai đức.
Chư Tỳ-kheo, trong núi Hương đó có hai hang báu: Một là Tạp sắc, hai là Thiện tạp sắc, đẹp đẽ khả ái…cho đến do mã não…bảy báu hợp thành. Mỗi hang rộng dài năm mươi do-tuần, mềm mại trơn láng, chạm vào giống như áo Ca-chiên-lân-đề-ca.
Chư Tỳ-kheo, ở trong hai hang Tạp sắc và Thiện tạp sắc, có một vị Càn-thát-bà vương tên là Vô tỷ dụ cùng với năm trăm Khẩn-na-la nữ ở trong đó thọ hưởng năm dục, đi, đứng, nằm, ngồi đùa giỡn vui chơi.
Chư Tỳ-kheo, phía Bắc của hai hang Tạp sắc và Thiện tạp sắc, có thọ vương Ta-la tên là Thiện trụ. Thọ vương Ta-la Thiện trụ này có riêng tám ngàn rừng cây Ta-la bao bọc chung quanh. Khi ấy, trong rừng Ta-la Thiện trụ kia có một Long tượng ở, cũng tên là Thiện trụ, lông toàn màu trắng như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chấm đất, bay đi trên không, xương đầu nhô lên như con trùng Nhân-đà-la-cù-ba-ca. Đầu nó màu đỏ, đầy đủ sáu ngà; ngà nó nhọn hoắt, có cát vàng điểm trên ngà. Lại có tám ngàn các long tượng khác làm quyến thuộc, lông chúng đều trắng như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chấm đất… cho đến ngà đều tô điểm bằng vàng. Phía chánh Bắc rừng thọ vương Ta-la Thiện trụ kia, có xuất hiện một cái ao cho Đại long tượng Thiện trụ, tên là Mạn-đà-kiết-ni, rộng dài bằng phẳng năm mươi do-tuần. Nước ao mát mẻ ngon ngọt, trong xanh, không có cáu bẩn…cho đến ngó, rễ lớn như trục xe, cắt ra nhựa chảy, màu trắng như sữa, vị ngọt như mật.
Chư Tỳ-kheo, chung quanh ao Mạn-đà-kiết-ni ấy, lại có tám ngàn ao khác bao bọc. Tất cả tám ngàn ao ấy đều giống như ao Mạn-đà-kiết-ni, không có gì khác.
Chư Tỳ-kheo, Long tượng vương Thiện trụ khi muốn vào ao Mạn-đà-kiết-ni để du hí thì liền nghĩ ngay đến tám ngàn Long tượng quyến thuộc. Và ngay khi ấy, tám ngàn Long tượng kia cũng khởi ý nghĩ: “Long tượng vương Thiện trụ của chúng ta đang nghĩ đến chúng ta. Nay chúng ta nên đi đến bên Thiện trụ vương”. Các Long tượng đến rồi, liền cúi đầu đứng trước Long tượng vương Thiện trụ. Bấy giờ Long tượng đại vương Thiện trụ liền đi đến ao Mạn-đà-kiết-ni. Tám ngàn Long tượng kia hộ vệ chung quanh. Thiện trụ vương ung dung tiến bước. Các long tượng tùy tùng, có con cầm lọng trắng che đầu, có con dùng vòi cầm quạt ma-ni trắng quạt trên lưng; ở trước lại có các thần âm nhạc ca múa hát xướng dẫn đường. Khi Long tượng đại vương Thiện trụ đến nơi, liền vào ao Mạn-đà-kiết-ni kia lặn hụp, vui chơi, tắm rửa du hí, tự do thỏa thích thọ hưởng khoái lạc. Trong số long tượng tùy tùng, có con rửa vòi, có con chà ngà, có con ngoáy tai, có con gội đầu, có con kỳ lưng, có con chà hông, có con rửa đùi, có con rửa chân, có con rửa đuôi, hoặc có con dùng vòi nhổ ngó sen rửa sạch rồi đưa vào miệng Tượng vương Thiện trụ; hoặc có con dùng vòi nhổ các thứ hoa Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, Bôn-trà-lợi-ca… kết lên đầu Tượng vương Thiện trụ. Khi Long tượng đại vương Thiện trụ, ở trong ao Mạn-đà-kiếtni, tự do theo ý thích, tắm rửa du hí, vui chơi thoải mái, thọ hưởng khoái lạc rồi, ăn ngó sen của các long tượng dâng hiến, trên đầu kết hoa Ưu-bát-la và các thứ hoa khác…trang sức rồi ra khỏi ao, lên đứng trên bờ. Khi ấy tám ngàn long tượng liền phân tán vào trong tám ngàn ao, tùy ý tắm rửa, tự do du hí, hưởng thọ khoái lạc, rồi cùng ăn ngó sen trong ao. Ăn xong, cũng dùng hoa Ưu-bát-la và các thứ hoa khác tự kết lên đầu rồi, cùng tụ họp, đến bên Long tượng vương Thiện trụ; đến nơi, vòng quanh bốn phía. Bấy giờ Đại long tượng vương Thiện trụ cùng với tám ngàn Long tượng vương kia trước sau dẫn đi trở về rừng thọ vương Ta-la Thiện trụ. Trên đường đi, các long tượng, hoặc cầm lọng trắng che, hoặc cầm quạt ma-ni trắng quạt; lại có chư thần chơi các loại âm nhạc đi trước mở đường. Lúc bấy giờ, Đại long tượng vương Thiện trụ về đến đại lâm Ta-la Thiện trụ, ở dưới cây lớn tùy ý đứng nằm. Khi ấy tám ngàn Long tượng kia cũng đều đến dưới tám ngàn cây Ta-la khác, đi, đứng, nằm, ngồi tự tại an lạc. Ở trong rừng cây Ta-la ấy, có cây, gốc của nó có chu vi sáu tầm, hoặc có cây có chu vi bảy tầm, tám tầm, hoặc chín tầm, mười tầm; có cây gốc của nó tới mười hai tầm; còn cây thọ vương Ta-la Thiện trụ, gốc của nó chu vi tới mười sáu tầm. Tại rừng tám ngàn cây Ta-la ấy, nếu có lá úa vàng rụng xuống thì liền có gió thổi bay ra ngoài, làm sạch khu rừng. Khi tám ngàn Long tượng kia bài tiết phẩm uế thì có các Dạ-xoa quét dọn mang đổ.
Chư Tỳ-kheo, trong cõi Diêm-phù, nếu khi có Chuyển luân thánh vương xuất hiện thì trong tám ngàn long tượng ấy, có long tượng nhỏ nhất, hằng ngày cứ mỗi buổi sáng, đến trước Chuyển luân thánh vương hầu hạ phụng sự; nhân đó được gọi là Điều thiện tượng vương. Lại Đại vương long tượng Thiện trụ ấy vào ngày rằm sáng sớm thức dậy, đi đến chỗ Thiên Đế-thích, đứng ở trước cửa để nhận sự sai bảo.
Chư Tỳ-kheo, Đại vương long tượng Thiện trụ có thần thông như vậy, có oai đức như vậy, tuy sanh trong loài súc sanh nhưng cùng loại với loài Rồng nên có sức oai thần lớn như thế. Các thầy nên luôn nhớ như vậy.