KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN
Hán dịch: Sa-môn Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc, đời Tùy
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: CHÂU UẤT-ĐA-LA-CỨU-LƯU

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu có vô lượng núi, những núi ấy có các loại cây, sum suê rậm rạp, tỏa ra các mùi hương xông khắp châu ấy. Lại có các loại cỏ toàn màu xanh biếc, uốn xoay về bên phải như lông khổng tước, hương thơm như hoa Bà-lợi-sư-ca, chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca, dài khoảng bốn ngón tay, giẫm chân lên thì rạp xuống, giở chân lên thì dựng đầu lên lại. Lại có các loại cây sanh ra các thứ cành lá, hoa quả, hương thơm; các loài chim đua nhau ca hót, âm thanh hòa nhã vi diệu. Trong những núi ấy, có các dòng sông, chia thành bốn ngã, xuôi dòng chảy xuống, bình lặng êm ả, không có sóng gợn, lại không chảy nhanh. Bờ sông không sâu, không cạn, bằng phẳng dễ lội. Nước sông trong sạch, các hoa che phủ, rộng nửa do-tuần, chảy đi cùng khắp. Hai bên bờ sông đều có rừng cây, theo dòng che nắng; đủ loại hoa thơm, cỏ xanh trải khắp, có nhiều loại trái, chim chóc hót vang. Hai bên bờ sông, có các thuyền đẹp, nhiều màu khả ái, toàn là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não… bảy báu hợp thành.

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu, đất đai bằng phẳng, không có gai gốc, rừng rậm, hầm hố; cũng không nhà xí, phấn uế bất tịnh, sỏi đá, ngói gạch, toàn bằng vàng, bạc; không lạnh, không nóng, thời tiết điều hoà. Đất đai ở nơi ấy luôn luôn màu mỡ, cỏ xanh phủ khắp; các loại cây rừng, lá thường xanh tốt, hoa quả đầy cành.

Chư Tỳ-kheo, trong châu Uất-đa-la-cứu-lưu, có các rừng cây, tên là An trú; các cây đều cao sáu câu-lô-xá, lá dày đan khít, thứ lớp kế nhau như tranh lợp nhà, giọt mưa không lọt. Nhân dân cõi ấy, trú dưới tàng cây. Có các cây Hương cũng cao sáu câu-lô-xá, hoặc có cây cao năm câu-lô-xá; lại có cây cao bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nào nhỏ nhất cũng cao nửa câu-lô-xá; đều có các thứ lá, hoa và quả. Các thứ cây ấy, tùy tâm (người thích) phát ra các thứ hương thơm. Có cây Kiếp-ba cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá; tất cả đều có lá, hoa và quả. Từ hông của quả, tự nhiên trồi ra các loại y phục, treo ở trên cây. Lại có các cây Anh lạc, cây này cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá; tất cả đều có lá, hoa, quả; hông của quả ấy, tùy tâm (người muốn) tuôn ra các thứ Anh lạc, treo thòng xuống đất. Lại có cây Man cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá; cũng có lá, hoa, quả; các quả ấy, tùy tâm (người muốn) tuôn ra các thứ tràng hoa, treo ở trên cây. Lại có các cây Khí cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, đều có lá, hoa và quả; các quả ấy, tùy tâm (người muốn), hiện ra các loại đồ dùng, treo ở trên cây. Lại có các loại cây ăn trái cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá, đều có lá, hoa, quả; các quả ấy, tùy tâm (người muốn) hiện ra các loại quả ở trên cây. Kế đến, lại có cây âm nhạc cũng cao sáu câu-lô-xá…cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, cũng có lá, hoa, quả; các quả ấy, tùy tâm (người muốn) hiện ra các thứ nhạc cụ, treo ở trên cây. Đất ở cõi ấy, lại có gạo thơm tự nhiên không do cày bừa gieo trồng, tinh khiết trắng sạch, không có vỏ bọc. Khi muốn nấu chín, thì tự nhiên có các quả đôn trì dùng làm nồi, chõ, đun bằng ngọn lửa ngọc, không cần củi mà tự cháy, tùy theo ý muốn, làm chín thức ăn; thức ăn chín rồi, lửa ngọc tự tắt, không còn cháy nữa.

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu ấy, bốn mặt chung quanh có bốn ao nước tên là A-nậu-đạt-đa. Mỗi ao rộng dài năm mươi do-tuần. Nước ao trong mát, ngọt ngào êm ả, thơm sạch không dơ; có bảy lớp bờ lũy, bảy lớp thềm gỗ, bảy lớp lan can, bao bọc chung quanh, nhiều màu khả ái; tất cả đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não…bảy báu hợp thành. Bốn phía ao đều có bờ thềm, nhiều màu khả ái…cho đến mã não…bảy báu hợp thành; có nhiều loài hoa: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-mâu-đầu, bôn trà lợi…xanh, vàng, đỏ, trắng và màu xanh biếc… hình hoa tròn to, lớn như bánh xe, mùi thơm ngào ngạt, tỏa khắp mọi nơi; còn có các ngó sen lớn như trục xe, bẻ ra nhựa chảy, màu sắc như sữa, uống vào ngon ngọt, mùi vị như mật.

Chư Tỳ-kheo, bốn phía ao A-nậu-đạt-đa ấy, có bốn dòng sông lớn, xuôi dòng chảy, không có sóng gợn không nhanh, không chậm; bờ sông không cao, bằng, cạn dễ vào, nước không chảy xiết, nhiều hoa phủ khắp, rộng một do-tuần. Hai bên bờ sông lại có rừng cây, đan xen che nắng và tỏa ra mùi hương thơm ngát; có các thứ cỏ, tươi xanh mềm mại, xoay về bên phải…lược nói cho đến cao bằng bốn ngón tay, chân giẫm lên thì rạp xuống, giở chân thì dựng lên lại, và các loài chim chóc cùng âm thanh. Hai bên bờ sông lại có các thuyền nhiều màu khả ái… cho đến xa cừ, mã não…bảy báu hợp thành, chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca.

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu, thường vào nửa đêm, từ trong bốn ao A-nậu-đạt nổi lên mây đen, che phủ khắp nơi. Châu Uất-đa-la-cứu-lưu và các núi, biển đều bị che phủ, sau đó mưa xuống nước tám công đức, giống như sữa bò đổ xuống, lượng nước mưa rơi xuống ngập bốn ngón tay, không chảy lan tràn thấm ngay xuống đất, ngay chỗ mưa rơi. Vào nửa đêm hôm sau, mây tan mưa dừng, bầu trời quang tạnh, gió biển nổi lên, thổi vào mát mẻ, êm dịu, trong lành điều hòa; chạm vào an lạc; làm thấm nhuận châu Uất-đa-la-cứu-lưu, khắp nơi đều tươi mát, trù mật, sung mãn. Như thợ xâu tràng hoa khéo tay và học trò làm tràng hoa xong, lấy nước rưới lên; rưới rồi, tràng hoa kia cũng lại như thế, tươi sáng rực rỡ.

Chư Tỳ-kheo, đất đai ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu kia luôn luôn nhuận ướt phì nhiêu; giống như có người dùng dầu tô bôi lên, đất ấy nhuận ướt cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu kia lại có một cái ao tên là Thiện hiện, dài rộng một trăm do-tuần, mát mẻ bình lặng, trong sạch không bẩn, thềm bờ bằng bảy báu…lược nói cho đến vị ngọt như mật.

Chư Tỳ-kheo, phía Đông ao Thiện hiện lại có một khu vườn, cũng tên là Thiện hiện, rộng dài một trăm do-tuần, có bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu khả ái, đều do bảy báu hợp thành…cho đến xa cừ, mã não…

Chư Tỳ-kheo, vườn Thiện hiện ấy bằng phẳng đẹp đẽ, không có gai góc, gò nổng, hầm hố, cũng không có nhà xí, sỏi đá, ngói gạch, các loại nhơ bẩn tạp nhạp; có nhiều vàng, bạc, không lạnh, không nóng, khí hậu ôn hòa; thường có suối chảy, bốn phía tràn đầy, cây lá tốt tươi, hoa quả trĩu cành; có các loại hương xông ngát; có các loài chim thường phát ra âm thanh vi diệu, tiếng kêu hòa nhã; lại có các loại cỏ xanh tươi, xoay về bên phải, mềm mại như lông Khổng tước, thường có mùi thơm, như hoa Bà-lợi-sư-ca; chạm vào như áo Ca-chiên-lân-đề; khi châm giẫm lên, theo chân rạp xuống, khi chân giở lên, theo chân bung lên. Lại có các cây có gốc, thân, hoa, lá và quả, tỏa ra mùi thơm, xông khắp mọi nơi.

Chư Tỳ-kheo, vườn Thiện hiện ấy lại có rừng cây tên là An trú. Cây mọc sáu câu-lô-xá; lá cây dày đặc, mưa không lọt xuống; lá cây nối tiếp nhau như tranh lợp nhà. Nhân dân phần nhiều cư trú ở dưới đó. Lại có các cây Hương, các cây Kiếp-ba, các cây Anh lạc, các cây Man, các cây Khí vật, các cây có quả. Lại có cơm của loại gạo thơm, tự nhiên thanh khiết.

Chư Tỳ-kheo, vườn Thiện hiện ấy không có ai là sở hữu chủ, không có người canh giữ. Người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu muốn vào vườn Thiện hiện du hý, thọ hưởng các thú vui thì tùy ý mà vào, bằng các cửa Đông, Nam, Tây, Bắc; vào trong du hý tắm rửa thọ hưởng các thú vui rồi muốn đi tùy ý, đi đâu thì đi.

Chư Tỳ-kheo, phía Nam ao Thiện hiện có một khu vườn tên là Phổ hiền, dành cho người Uất-đa-la-cứu-lưu. Vườn rộng dài một trăm do-tuần, có bảy lớp lan can bao bọc chung quanh.

Chư Tỳ-kheo, vườn Phổ hiền ấy không có người canh giữ; chỉ có người Uất-đa-la-cứu-lưu muốn vào vườn Phổ hiền tắm rửa, du hý, hưởng lạc thì họ vào bằng các cửa Đông, Nam, Tây, Bắc. Vào tắm rửa, du hý, hưởng lạc rồi, theo ý thích muốn đi đâu thì đi.

Chư Tỳ-kheo, phía Tây ao Thiện hiện ấy, có khu vườn là Thiện hoa, dành cho người Uất-đa-la-cứu-lưu. Vườn đó rộng dài một trăm do-tuần, có bảy lớp lan can bao bọc chung quanh…lược cho đến…giống như vườn Thiện hiện, không có gì khác. Cũng không có người canh giữ; chỉ có người Uất-đa-la-cứu-lưu muốn vào vườn Thiện hoa tắm rửa, du hý, hưởng lạc thì vào bằng các cửa Đông, Nam, Tây, Bắc. Vào tắm rửa, du hý, hưởng lạc rồi, tùy ý muốn đi đâu thì đi.

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc ao Thiện hiện ấy, có khu vườn tên là Hỷ lạc, dài rộng ngang nhau một trăm do-tuần… cho đến không có người canh giữ; chỉ có người Uất-đa-la-cứu-lưu muốn vào vườn Hỷ lạc tắm rửa, du hý, hưởng lạc thì theo các cửa Đông, Nam, Tây, Bắc mà vào. Tắm rửa, du hý, hưởng lạc rồi, tùy ý muốn đi đâu thì đi…lược nói như vườn Thiện hiện ở trước.

Chư Tỳ-kheo, phía Đông ao Thiện hiện, tiếp giáp với vườn Thiện hiện có một con sông lớn tên là Dịch nhập đạo, từ từ chảy xuống, không có sóng, không chảy nhanh; hoa phủ mặt nước, rộng hai do-tuần rưởi.

Chư Tỳ-kheo, hai bên bờ sông Dịch nhập đạo có các loại cây che phủ, các loại hương xông, các thứ cỏ mọc… lược cho đến chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca, cao khoảng bốn ngón tay, khi chân giẫm lên thì rạp xuống, khi giở chân lên thì dựng lên. Có các thứ cây và các thứ lá, hoa, quả đầy đủ. Có các loại hương xông, có các loài chim, loài nào cũng ca hót. Hai bên bờ sông Dịch nhập đạo, có các thuyền đẹp, nhiều màu khả ái, do bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não hiệp thành, trang hoàng rực rỡ.

Chư Tỳ-kheo, phía Nam ao Thiện hiện có con sông lớn tên là Thiện thể, dành cho người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu, từ từ chảy xuống…lược nói…giống như sông Dịch nhập đạo. Ở đó cũng có đủ các thứ như sông kia không khác…cho đến các thuyền, nhiều màu hợp thành… mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca.

Chư Tỳ-kheo, phía Tây ao Thiện hiện có con sông lớn, tên là Như xa, dành cho người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu từ từ chảy xuống…lược nói như trên…

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc ao Thiện hiện, có con sông lớn tên là Oai chủ, dành cho người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu, từ từ chảy xuống… lược nói cho đến… hai bên bờ sông có thuyền, trang hoàng bằng bảy báu, mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca. Tới đây có kệ Uất-đà-na: Sông Thiện hiện, Phổ hiền Thiện hoa và Hỷ lạc Dịch nhập cùng Thiện thể Như xa và Oai chủ.

Chư Tỳ-kheo, người Uất-đa-la-cứu-lưu muốn vào các sông Dịch nhập đạo, Thiện thể, Như xa, Oai chủ… để tắm rửa, du hý, hưởng lạc thì đến hai bên bờ sông, cởi bỏ áo xiêm để trên bờ. Nếu muốn ra xa thì ngồi trên thuyền, bơi ra giữa dòng, tắm rửa thân thể, du hý, hưởng lạc. Trong bọn họ, ai lên bờ trước thì tự do lấy xiêm y mặc vào rồi đi, chẳng cần phải tìm xiêm y của mình. Vì sao vậy? Vì người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu không chấp ngã và ngã sở, không có người canh giữ. Họ đi đến cây Hương; đến nơi rồi, tức thì cành nhánh của cây Hương rũ xuống, tay có thể vịn tới, vì họ mà tỏa ra các mùi thơm vi diệu. Khi ấy họ lấy các loại hương trong cây ấy, dùng xoa lên thân, rồi lại đến dưới cây Kiếp-ba. Đến nơi rồi, cây này cũng như cây trước, rũ cành nhánh xuống, để họ đưa tay vịn tới và hiện ra các loại y phục. Những người này, tại cây ấy, lấy các loại y phục tuyệt đẹp mặc vào rồi đến dưới, cành cây Anh lạc cũng rũ xuống để người đưa tay vịn tới; cũng như những cây trước, cây Anh lạc ấy hiện ra các thứ Anh lạc cho những người ấy. Họ lấy Anh lạc đeo vào thân rồi đi đến cây Man; đến nơi rồi, cành cây Man cũng tự rũ xuống, đưa tay với tới được, tuôn ra các thứ tràng hoa cho họ. Họ lấy các tràng hoa mang vào cổ rồi đi đến cây Khí; đi đến nơi rồi, cành cây Khí cũng rũ thấp xuống, tay với tới được, cho họ tùy theo loại đồ dùng ưa thích mà lấy. Rồi họ đi đến cây ăn quả; đến nơi rồi, cành cây cũng rũ xuống, đưa tay với tới được. Cây ấy sanh ra các thứ quả cho họ. Họ ở dưới cây ấy, tùy theo sở thích quả nào vừa ý thì lấy; lấy xong, có người ăn luôn quả, có người vắt lấy nước uống; ăn uống xong, đi đến rừng cây âm nhạc. Đến nơi rồi, cành cây âm nhạc cũng rũ xuống, đưa tay với tới, rồi hiện ra các thứ nhạc cụ cho họ. Những người ấy, ở trong rừng cây, tùy theo nhu cầu của mình chọn lấy các nhạc cụ âm nhạc; hình dáng nhạc cụ đẹp đẽ, âm thanh hòa nhã; muốn đờn thì đờn, muốn múa thì múa, muốn ca thì ca. Hưởng các thú vui như vậy xong rồi, mỗi người theo sở thích, muốn đi đâu thì đi.

Chư Tỳ-kheo, người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu này, đầu tóc màu xanh, xỏa xuống bằng tám ngón tay. Người cõi ấy cùng một màu da, một dung mạo, một hình dáng, không có màu da riêng để có thể phân biệt sự khác nhau.

Chư Tỳ-kheo, người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu không có ai lõa thể, cũng không để lộ nữa thân, thuận theo đạo lý, không có lòng riêng tư; răng đều bằng khít, không sửa, không khuyết, trắng đẹp sạch sẽ, giống như ngọc kha, sáng trong khả ái.

Chư Tỳ-kheo, người ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu, nếu có đói khát, khi cần ăn uống, thì họ liền lấy gạo thơm tự nhiên không do canh tác, tinh khiết trắng trẻo, không có mày cám bỏ vào trong quả đôn trì; rồi lấy viên ngọc lửa đặt ở dưới. Do phước lực của chúng sanh, viên ngọc ấy tự nhiên phát lửa. Khi cơm đã chín, ngọn lửa liền tắt. Bọn họ, ai muốn ăn cơm thì ngồi vào chỗ ngồi. Trong lúc ấy, người từ khắp bốn phương đến muốn ăn, thì dọn cho họ; ăn xong nhưng cơm không hết, cho đến khi những người được mời ăn ấy chưa đứng dậy thì cơm vẫn còn đầy. Người ở cõi ấy ăn loại gạo thơm tự nhiên, một thứ gạo khi nấu chín, không có mày cám, tinh khiết thơm ngon, chẳng cần gia vị; đầy đủ mùi vị, trắng như chùm bông, màu ấy giống như vị Tô-đà của chư Thiên. Nhân dân ở cõi ấy khi ăn cơm này, thân thể sung mãn, không gầy sút, không già nua, không biến đổi, y nhiên bất động… cho đến họ ăn cơm đó còn bổ ích cho họ như sắc thân, khí lực an lạc, đầy đủ biện tài.

Chư Tỳ-kheo, người ở cõi Uất-đa-la-cứu-lưu, nếu ai có dục ý, ở bên người nữ, sanh tâm đắm nhiễm, để ý đến nhau, thì người ấy liền đưa mắt nhìn người nữ kia. Người nữ kia liền đi theo người ấy, đến dưới tàng cây. Nếu người nữ kia là mẹ, hoặc là dì, là chị, là em của người ấy thì tàng cây kia không rũ xuống cho họ, mà lá cây tức thì tàn úa không rụng, không che phủ, không ra hoa, cũng không bày giường ra. Nếu chẳng phải là mẹ, cũng chẳng phải là dì, là chị, là em thì tàng cây ấy liền rũ xuống che phủ, cành lá rậm rạp xanh tốt, xuất ra trăm ngàn loại giường; đồ trải nằm. Họ dẫn nhau vào nơi ấy, vui vẻ hưởng lạc, làm gì tùy ý.

Chư Tỳ-kheo, người ở cõi Uất-đa-la-cứu-lưu ở trong thai bảy ngày, đến ngày thứ tám, người mẹ mới sanh. Mẹ sanh con rồi, hoặc là trai hay gái, liền bồng con mình đặt ở ngã tư đường rồi bỏ đi. Khi ấy, ở nơi đó có người ở các phương Đông, Tây, Nam, Bắc đến, người nào muốn nuôi bé nam hoặc nữ ấy thì đưa ngón tay vào trong miệng của bé. Trên đầu ngón tay chảy ra loại sữa ngon ngọt cho bé trai hoặc gái ấy uống; đứa bé uống sữa rồi mạng sống được duy trì. Qua bảy ngày như vậy, đứa bé lại tự hình thành một loại vóc dáng giống như người lớn không sai khác. Nếu là con trai thì đi theo cùng nhóm con trai; nếu là con gái thì đi cùng nhóm con gái.

Chư Tỳ-kheo, người ở cõi Uất-đa-la-cứu-lưu thọ mạng nhất định, không có người chết yểu. Khi mạng chung thì sanh lên trời. Lại nữa, ở đây, vì nhân duyên gì mà người ở cõi Uất-đa-la-cứulưu có được thọ mạng nhất định và sau khi chết đều sanh lên trời?

Chư Tỳ-kheo, ở trên đời, có người chuyên giết hại sanh mạng, trộm cắp của cải người khác, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung dữ, nói thêu dệt, và tham, sân, tà kiến. Do nhân duyên ấy nên khi thân hoại mạng dứt sẽ đọa vào đường ác, ở trong địa ngục. Lại có người không hề sát sanh, không trộm cắp vật người khác, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói hung dữ, không tham, không sân, lại không tà kiến. Do nhân duyên này, khi thân hoại mạng dứt sanh về đường thiện, sanh làm trời, người. Lại vì nhân duyên gì mà bị đọa lạc? Vì do sát sanh và tà kiến…Còn được sanh lên? Vì không sát sanh lại có chánh kiến…Lại có người nghĩ thế này: “Nay ta nên làm mười điều thiện. Do nhân duyên ấy, khi mạng chung sanh vào cõi Uất-đa-la-cứu-lưu; sanh vào cõi ấy rồi sống đúng ngàn năm, không tăng, không giảm”. Người đó phát khởi nguyện lành như vậy rồi, liền làm mười việc thiện, khi thân hoại sanh vào cõi Uất-đa-la-cứu-lưu. Sanh vào cõi ấy rồi, sống đủ ngàn năm, không tăng, không giảm.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này, người ở cõi Uất-đa-la-cứu-lưu có được thọ mạng nhất định. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì mà họ được sanh lên cõi trên? Chư Tỳ-kheo, người ở châu Diêm-phù, khi ở nơi ấy, thọ mười nghiệp lành thì khi thân hoại sẽ sanh vào cõi Uất-đa-la-cứu-lưu. Người Uất-đa-la-cứu-lưu ấy nếu khi xưa có thực hành đầy đủ mười nghiệp thiện đúng như pháp rồi, khi thân hoại sẽ sanh lên cõi lành, vào hàng chư Thiên. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này, người Uất-đa-la-cứu-lưu sanh lên cõi tốt đẹp.

Chư Tỳ-kheo, người Uất-đa-la-cứu-lưu khi thọ mạng kết thúc thì không có người nào buồn rầu than khóc, chỉ chuẩn bị sẵn sàng rồi đem đặt ở ngã tư đường rồi bỏ đi. Chư Tỳ-kheo, người Uất-đa-la-cứu-lưu có tục thế này: Nếu có chúng sanh nào đó, khi thọ mạng hết rồi, ngay khi ấy có một con chim bay đến, con chim ấy tên là Ưu-thiền-già-ma (đời Tùy âm là Cao hành). Bấy giờ chim Ưu-thiền-già-ma, từ hang núi lớn bay nhanh đến, ngậm tóc mang tử thi kia bỏ ở châu khác. Vì sao vậy? Vì nghiệp của người Uất-đa-la-cứu-lưu thanh tịnh, ý muốn vui vẻ, không để cho gió thổi lan mùi xú uế kia. Chư Tỳ-kheo, người Uất-đa-la-cứu-lưu khi muốn đại tiểu tiện, thì đất nứt ra cho họ; đại tiểu tiện xong, đất khép lại như cũ. Vì sao? Vì người Uất-đa-la-cứu-lưu muốn thanh tịnh, ý muốn vui vẻ. Lại nữa, ở đây, do nhân duyên gì mà gọi châu ấy là Uất-đa-lacứu-lưu?

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đa-la-cứu-lưu ấy, so với ba châu khác trong bốn cõi thiên hạ là tối thượng, tối diệu, tối thắng. Vì vậy gọi châu này là châu Uất-đa-la-cứu-lưu.