KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN
Hán dịch: Sa-môn Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc, đời Tùy
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: TỐI THẮNG

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, qua thời gian, thế gian chuyển rồi, khi thành như thế, chúng sanh phần nhiều được sanh lên cõi trời Quang âm. Khi sanh lên cõi trời ấy, thân tâm họ an vui, dùng niềm hoan hỷ làm thức ăn, tự nhiên có ánh sáng; lại có thần thông, đi trên hư không, có sắc đẹp thù thắng, tuổi thọ dài lâu, sống trong an lạc.

Chư Tỳ-kheo, thời ấy thế gian chuyển hoại; khi nó chuyển hoại, hư không trống rỗng; ở trong cung Phạm, có một chúng sanh trên trời Quang âm phước nghiệp đã hết, từ trời Quang âm xuống, sanh vào trong cung điện Phạm, không do bào thai, bỗng nhiên hóa có. Vị trời Phạm ấy tên là Sa-bà-ba-đế. Vì vậy, có tên này xuất hiện.

Chư Tỳ-kheo, khi đó lại có các chúng sanh khác, phước nghiệp và tuổi thọ hết, từ cõi trời Quang âm bỏ thân rồi, sanh ở nơi đó, thân hình đẹp đẽ, cũng dùng hoan hỷ làm thức ăn, tự nhiên có ánh sáng, có sức thần thông, bay đi trên không, sắc thân tối thắng, tồn tại lâu dài ngay nơi chốn này. Khi họ sống ở đây như vậy, không có nam nữ, không có tốt xấu, chỉ có chúng sanh và tên chúng sanh, chỉ có tên như vậy.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ở thời kỳ ấy, trên đại địa đó, xuất hiện lớp mỡ đất, ngưng đọng lại. Thí như có người nấu sữa xong, trên mặt sữa có một lớp màng mỏng đóng lại, hoặc trên mặt nước có lớp màng mỏng đóng lại, cũng như thế.

Chư Tỳ-kheo, hoặc lại thời kỳ ấy, trên đại địa đó xuất hiện một loại mỡ đất, ngưng đọng lại. Thí như váng sữa tụ lại, rồi thành ra kem có hình sắc, tướng mạo như vậy, vị nó giống như mật không có sáp. Bấy giờ các chúng sanh ở nơi ấy, trong đó có chúng sanh có tánh tham, nghĩ như thế này: “Nay ta cũng có thể dùng ngón tay lấy vị này nếm thử để biết đây là vật gì”. Chúng sanh ấy nghĩ như thế rồi, liền dùng ngón tay chọt sâu xuống một lóng, lấy vị đất kia bỏ vào miệng nếm. Nếm rồi thích ý, cứ nếm như thế qua một lần, hai lần, ba lần, liền sanh tham đắm. Kế đến dùng tay bốc, dần dần dùng tay hốt, sau lại bốc hốt tùy ý mà ăn. Khi chúng sanh dùng tay bốc hốt ăn, lại có bọn người khác thấy các chúng sanh kia ăn như thế liền bắt chước tranh nhau lấy ăn.

Chư Tỳ-kheo, khi các chúng sanh ấy dùng tay bốc hốt vị đất kia ăn như vậy thì thân hình chúng tự nhiên rít rắm, da dẻ thô dày, thân thể dơ bẩn hắc ám, nhan sắc biến đổi, không còn ánh sáng, cũng chẳng thể bay đi trên hư không. Vì lớp mỡ đất nên thần thông biến mất.

Chư Tỳ-kheo, như trước đã nói, sau cũng như thế. Trong thời kỳ ấy, thế gian trở thành tối tăm. Chư Tỳ-kheo, vì vậy thế gian mới có sự tối tăm lâu dài xuất hiện.

Lại nữa, tại sao ngay thời gian ấy, thế gian tự nhiên xuất hiện mặt trời, mặt trăng? Rồi cũng trong thời ấy xuất hiện tinh tú? Rồi có danh từ ngày đêm, một tháng, nửa tháng, một năm, thời tiết xuất hiện?

Chư Tỳ-kheo, bấy giờ, cung điện mặt trời đẹp đẽ to lớn từ phương Đông xuất hiện, vòng quanh lưng chừng núi chúa Tu-di-lưu, rồi lặn ở phương Tây; lặn ở phương Tây rồi lại mọc ở phương Đông. Bấy giờ chúng sanh thấy cung điện mặt trời to lớn, cùng bảo nhau: “Chư Nhân giả, lại là cung điện mặt trời chiếu sáng, từ phương Đông xuất hiện, rồi vòng phía phải lưng chừng núi chúa Tu-di-lưu, lặn ở phương Tây”. Thấy ba lần như vậy rồi bảo nhau: “Chư Nhân giả, đây là ánh sáng của trời kia lưu hành; ánh sáng của trời ấy lưu hành thế gian vậy”. Vì vậy gọi là “Đây kia, đây kia”. Cho nên có danh tự như thế xuất hiện.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời to lớn chiếu sáng đó ngang dọc năm mươi mốt do-tuần, trên dưới, bốn phía chung quanh bằng nhau. Có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu đan xen, dùng để trang nghiêm. Các bờ tường đều do bảy báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não… tạo thành. Khắp bốn phía đều có cửa. Tại các cửa đều có lầu gác, đài quan sát canh phòng và các rừng cây, ao hồ, vườn cảnh. Trong vườn đều có các giống cây, các loại lá, các loại hoa và các loại quả, các loại hương thơm; lại có tiếng hót của các loài chim.

Chư Tỳ-kheo, trong cung điện mặt trời to lớn ấy có hai vật dựng lập thành cung điện, vuông như ngôi nhà, trông xa như hình tròn.

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời to lớn ấy có nhiều vàng trời và pha lê trời, xen kẽ tạo thành; hai phần là vàng trời trong sạch không dơ, không các cáu bẩn, sạch sẽ chói sáng; còn một phần thì dùng pha lê trời tạo thành, sạch sẽ chói sáng, càng mài càng sáng, không có cáu bẩn.

Chư Tỳ-kheo, trong cung điện mặt trời to lớn ấy, có năm thứ gió thổi để chuyển đi. Những gì là năm? Đó là: một trì, hai trụ, ba tùy thuận chuyển, bốn ba-la-ha-ca, năm tương hành.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, phía trước cung điện mặt trời to lớn kia, đặc biệt có vô lượng chư Thiên đi trước. Khi có vô lượng trăm, vô lượng ngàn, vô lượng trăm ngàn chư Thiên đi trước, tất cả đều luôn được hưởng bước đi an lạc vững chắc, nên có tên là “lao hành”.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong cung điện mặt trời to lớn kia, có xe đẹp Diêm-phù-đàn xuất hiện. Xe cao mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần. Thiên tử mặt trời và quyến thuộc vào trong xe ấy dùng thú vui năm dục cõi trời, cùng nhau thọ hưởng trọn vẹn, vui vẻ rồi đi.

Chư Tỳ-kheo, số tuổi thọ mạng của Thiên tử mặt trời là tròn năm trăm năm, con cháu truyền nhau để cai trị. Cung điện ấy tồn tại tròn một kiếp.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong các bộ phận của Thiên tử mặt trời ánh sáng phát ra chiếu sáng xe Diêm-phù-đàn. Rồi ánh sáng trong xe Diêm-phù-đàn ấy phát ra chiếu sáng cung điện mặt trời to lớn kia. Ánh sáng từ cung điện mặt trời to lớn kia liên tục phát ra chiếu sáng bốn châu lớn và thế gian.

Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trời có đầy đủ cả ngàn ánh sáng; năm trăm ánh sáng chiếu một bên để đi, còn năm trăm ánh sáng chiếu xuống.

Lại nữa, vì nhân duyên gì mà cung điện to lớn đẹp đễ của Thiên tử mặt trời chiếu bốn châu lớn và các thế giới?

Chư Tỳ-kheo, có một hạng người chuyên hành bố thí; trong khi bố thí, họ bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và kẻ bần cùng cô độc từ xa đến xin như là đồ ăn uống, xe cộ, y phục, tràng hoa, anh lạc, hương xoa, giường, nệm, phòng, nhà, đèn, dầu… nói chung là những vật để nuôi sống thân mạng. Khi bố thí, họ bố thí nhanh chóng, chẳng bố thí vì dua nịnh; hoặc lại cúng dường cho các vị tiên trì giới, người hành thiện pháp đầy đủ công đức; phụng sự đủ thứ. Do nhân duyên đó, thâm tâm họ hưởng vô lượng các thứ an lạc. Thí như chốn rừng núi hoang vu vắng vẻ, hoặc nơi sa mạc mênh mông mà có ao nước; nước ao mát lạnh, trong sạch ngon ngọt. Khi ấy có một đàn ông, đi xa mệt mỏi, nóng bức khát nước, từ nhiều ngày qua chẳng ăn uống gì, đến chỗ cao ấy, uống nước, tắm rửa, dứt trừ tất cả sự khát và nóng bức. Ra khỏi ao, thâm tâm sảng khoái, hưởng vô lượng niềm hoan hỷ khoái lạc. Cũng như thế, khi người kia bố thí, vì tâm thanh tịnh nên khi thân hoại mạng chung sanh vào trong cung điện của Thiên tử mặt trời. Họ đã sanh vào trong đó rồi, được quả báo cung điện phi hành nhanh chóng vừa ý như thế. Do nhân duyên ấy cung điện mặt trời to lớn chiếu sáng bốn châu lớn và các thế giới khác.

Chư Tỳ-kheo, lại có một hạng người đoạn trừ việc sát sanh, không trộm cắp của người khác, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thân không phóng dật, cúng dường các vị tiên, hiền trì giới, đầy đủ công đức, gần gũi người thuần hậu ngay thẳng thực hành pháp lành… nói đủ như trên. Khi thân hoại mạng chung, họ theo ý muốn sanh vào cung điện mặt trời; ở nơi ấy, sẽ thọ quả báo nhanh chóng. Vì vậy gọi đó là con đường của các thiện nghiệp. Do nhân duyên ấy, cung điện mặt trời chiếu bốn châu lớn và thế giới khác. Lại có một hạng người tu không sát sanh… cho đến chánh kiến, họ từng cúng dường các vị tiên trì giới, đầy đủ công đức, người làm lành ngay thẳng thuần hậu; từng gặp những nhân duyên thanh tịnh ấy, cũng sẽ sanh vào cung điện mặt trời, thọ quả báo nhanh chóng. Do nhân duyên đó, cung điện mặt trời chiếu sáng bốn châu lớn… nói đủ như trên.

Chư Tỳ-kheo, sáu mươi sát-na là một la-bà, ba mươi la-bà là một mâu-hưu-đa. Cung điện mặt trời sáu tháng đi về phương Bắc, mỗi ngày đi được sáu câu-lô-xá, chưa từng xa rời quỹ đạo mặt trời dù cho trong khoảng một sát-na, một la-bà hay một mâu-hưu-đa; sáu tháng đi về phương Nam, một ngày cũng đi được sáu câu-lô-xá, không lệch quỹ đạo mặt trời.

Chư Tỳ-kheo, thời gian sáu tháng mà cung điện mặt trời di chuyển, thì vào ngày mười lăm cung điện mặt trăng cũng di chuyển như vậy.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì mà trong đó phát sanh nóng bức?

Chư Tỳ-kheo, trong sáu tháng cung điện mặt trời di chuyển về hướng Bắc, trong một ngày đi được sáu câu-lô-xá, chẳng từng rời khỏi quỹ đạo mặt trời. Nhưng trong đó, có mười nhân duyên phát sanh nóng bức. Những gì là mười?

Chư Tỳ-kheo, ngoài núi chúa Tu-di-lưu, kế đến có núi tên là Khư-đề-la-ca, cao rộng bằng nhau, bốn vạn hai ngàn do-tuần, nhiều màu đẹp đẽ, do bảy báu tạo thành. Ở khoảng giữa có ánh sáng của cung điện mặt trời to lớn chiếu sáng chạm vào núi ấy phát sanh sức nóng cho nên vào thời gian ấy có sự nóng bức. Đây là nhân duyên thứ nhất phát sinh nóng bức.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngoài núi Khư-đề-la-ca, tiếp theo có núi tên là Y-sa-đà-la, cao rộng bằng nhau hai vạn một ngàn do-tuần. Ở khoảng giữa có ánh sáng của cung điện mặt trời to lớn chiếu sáng, chạm vào núi ấy. Đây là nhân duyên nóng bức thứ hai. Kế đến là núi Do-càn-đà, cao rộng một vạn hai ngàn do-tuần… Đó là nhân duyên thứ ba. Tiếp theo là núi Thiện hiện, cao rộng sáu ngàn do-tuần… Đó là nhân duyên thứ tư. Tiếp đến là núi Mã phiến đầu, cao rộng ba ngàn do-tuần… Đó là nhân duyên thứ năm. Kế đến là núi Vi-dân-đà-la, cao rộng một ngàn hai trăm dotuần… Đó là nhân duyên thứ sáu. Tiếp theo là núi Tỳ-na-da-ca, cao rộng sáu trăm do-tuần… Đó là nhân duyên thứ bảy. Kế đó là núi Luân viên, cao rộng ba trăm do-tuần… Đó là nhân duyên thứ tám. Kế đến, từ đại địa này trở lên hư không, cao một vạn do-tuần. Ở đó, có các cung điện của Dạ-xoa, do pha lê tạo thành… Đấy là nhân duyên thứ chín. Tiếp theo là trong bốn châu lớn và trong tám vạn châu nhỏ, các núi lớn khác, núi chúa Tu-di-lưu… Đó là nhân duyên thứ mười. Tất cả đều đầy đủ như đã nói ở núi Khư-đề-la-ca. Đây là mười nhân duyên nóng bức của cung điện mặt trời trong sáu tháng đi về hướng Bắc.

Lại nữa, trong đó, do nhân duyên gì mà có sự lạnh lẽo?

Chư Tỳ-kheo, sau sáu tháng rồi, cung điện mặt trời to lớn đi về hướng Nam. Ở đây có mười hai nhân duyên nên sanh ra lạnh. Những gì là mười hai?

Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai ngọn núi Tu-di-lưu và Khư-đề-la-ca là biển tu di lưu rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, bao la vô cùng; có các thứ hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hoa sen trắng ở khắp mọi nơi, có mùi hương rất thơm. Ở trong đó, có ánh sáng của cung điện mặt trời to lớn chiếu đến xúc chạm. Đây là nhân duyên thứ nhất của sự lạnh lẽo. Cứ lần lượt như thế, núi Y-sa-đà là nhân duyên thứ hai; núi Do-càn-đà là nhân duyên thứ ba; núi Thiện hiện là nhân duyên thứ tư; núi Mã phiến đầu là nhân duyên thứ năm; núi Vi-dân-đà-la là nhân duyên thứ sáu; núi Tỳ-na-da-ca là nhân duyên thứ bảy; núi Luân viên là nhân duyên thứ tám. Các loại hoa ở trong đó… đầy đủ theo thứ lớp như đã nói đủ ở trong núi Khư-đề-la-ca.

Lại nữa, trong Diêm-phù-đề, nơi có các dòng sông chảy, có ánh sáng của cung điện mặt trời to lớn chiếu đến xúc chạm nên có sự lạnh lẽo… nói lược cho đến… Đó là nhân duyên thứ chín của sự lạnh lẽo.

Lại nữa, như trong châu Diêm-phù có các dòng sông chảy, trong châu Cù-đa-ni có các dòng sông chảy nhiều gấp bội, ánh sáng của cung điện mặt trời to lớn chiếu đến xúc chạm. Đấy là nhân duyên thứ mười của sự lạnh lẽo.

Lại nữa, như trong châu Cù-đà-ni, có các dòng sông chảy, trong châu Phất-bà-đề, cũng có các dòng sông chảy nhiều hơn gấp bội… Đấy là nhân duyên thứ mười một của sự lạnh lẽo. Lại nữa, như trong châu Phất-bà-đề có các dòng sông chảy, trong châu Uất-đa-la-cứu-lưu có các dòng sông chảy nhiều gấp bội. Ánh sáng của cung điện mặt trời chiếu vào xúc chạm. Đấy là nhân duyên thứ mười hai của sự lạnh lẽo. Đấy là mười hai nhân duyên. Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời to lớn, sáu tháng đi về hướng Nam, mỗi ngày đi được sáu câu-lô-xá, chẳng rời xa quỹ đạo; trong đó, có mười hai nhân duyên này, nên lạnh lẽo.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà về mùa đông đêm dài ngày ngắn?

Chư Tỳ-kheo, qua sáu tháng rồi, mặt trời đi về hướng Nam, mỗi ngày đi được sáu câu-lô-xá, cũng chẳng sai lệch. Nhưng ở vào thời điểm ấy, mặt trời ở tại mé Nam của châu Diêm-phù, nơi mà địa hình nhỏ hẹp, nên mặt trời qua nhanh. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này mà về mùa đông, ngày ngắn đêm dài.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà mùa xuân, mùa hạ, ngày dài, đêm ngắn?

Chư Tỳ-kheo, qua sáu tháng rồi, cung điện mặt trời đi về hướng Bắc, mỗi ngày đi được sáu câu-lô-xá, cũng chẳng sai lệch với quỹ đạo thường đi. Nhưng vào thời điểm ấy, đi ngay giữa cõi Diêm-phù, địa hình nơi đây rộng nên đi lâu. Vì vậy nên ngày dài.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, mùa xuân, mùa hạ ngày dài, đêm ngắn.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, nếu ở châu Diêm-phù-đề mặt trời giữa ngày thì ở châu Phất-bà-đề mặt trời lặn; ở châu Cù-đa-ni, mặt trời mọc thì ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu là nửa đêm. Nếu châu Cù-đa-ni giữa trưa, thì ở châu Diêm-phù-đề mặt trời lặn. Ở châu Uất-đa-lacứu-lưu mặt trời mọc thì ở châu Phất-bà-đề nửa đêm. Nếu ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu giữa trưa thì ở châu Cù-đa-ni mặt trời lặn. Ở châu Phất-bà-đề mặt trời mọc thì ở châu Diêm-phù-đề nửa đêm. Nếu ở châu Phất-bà-đề giữa trưa thì ở châu Uất-đa-la-cứu-lưu mặt trời lặn. Ở châu Diêm-phù-đề mặt trời mọc thì ở châu Cù-đa-ni nửa đêm.

Chư Tỳ-kheo, người châu Diêm-phù-đề cho là phương Tây thì người châu Cù-đa-ni cho là phương Đông. Người châu Cù-đa-ni cho là phương Tây thì người châu Uất-đa-la-cứu-lưu cho là phương Đông. Người châu Uất-đa-la-cứu-lưu cho là phương Tây thì người châu Phất-bà-đề cho là phương Đông. Người châu Phất-bà-đề cho là phương Tây thì người châu Diêm-phù-đề cho là phương Đông. Hai phương Nam, Bắc cũng giống như thế.

Tới đây, Phật nói kệ:

Chuyển trụ và chuyển hoại
Trời hiện và mỏng che
Mười hai lớp gió thổi
Ở trước, chư Thiên đi
Lầu gác và gió thổi
Ánh sáng của thân chiếu
Nghiệp bố thí trì giới
Quán sát-na, la bà
Nói nhiệt có mười duyên
Nói lạnh có mười hai
Ngày đêm và giữa trưa
Nói Đông, Tây bốn hướng.

Chư Tỳ-kheo, cung điện rất lớn của Thiên tử mặt trăng cao rộng bằng nhau bốn mươi chín do-tuần, chung quanh, trên dưới có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới chuông; lại có bảy hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu đẹp đẽ. Các bờ tường ấy đều dùng bảy báu như vàng, bạc…, mã não tạo thành. Các cửa ở bốn phía đều có lầu gác, trang trí đủ loại… nói đủ như cung điện mặt trời ở trên… cho đến các loài chim đều ca hót.

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng, dùng toàn vàng bạc trời, lưu ly trời màu xanh để trang trí xen kẽ; hai phần bạc, trong sạch không cáu bẩn, không có các cặn dơ, thể của nó trong suốt, rất sáng; một phần là lưu ly trời màu xanh, cũng trong sạch, trong ngoài trong suốt, ánh sáng chói xa.

Chư Tỳ-kheo, cung điện rất đẹp của Thiên tử mặt trăng có năm thứ gió giữ gìn cho sự vận hành. Những gì là năm? Một là trì, hai là trụ, ba là thuận, bốn là nhiếp, năm là hành. Vì được năm loại nhân duyên này giữ gìn nên cung điện mặt trăng nương hư không mà đi.

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng lại có vô lượng cung điện chư Thiên đi ở trước, vô lượng trăm ngàn vạn chư Thiên đi ở trước. Khi đi, họ hưởng thụ vô lượng các thứ khoái lạc. Số chư Thiên đó đều có tên gọi.

Chư Tỳ-kheo, trong cung điện to lớn của Thiên tử mặt trăng, lại đặc biệt có xe lưu ly xanh; xe ấy cao mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần. Thiên tử mặt trăng và các Thiên nữ vào trong xe, dùng các thú vui năm dục cùng nhau thọ lạc, vui vẻ thoả thích, tùy ý mà đi.

Chư Tỳ-kheo, số tuổi thọ cõi trời của Thiên tử mặt trăng là năm trăm tuổi, con cháu nối tiếp đều cai trị ở đó. Nhưng cung điện đó chỉ tồn tại một kiếp.

Chư Tỳ-kheo, ánh sáng trong các bộ phận thân thể của Thiên tử mặt trăng phát ra liền chiếu sáng xe lưu ly xanh kia; ánh sáng của xe ấy chiếu sáng cung điện mặt trăng to lớn; ánh sáng cung điện mặt trăng chiếu sáng bốn châu lớn.

Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trăng có năm trăm luồng ánh sáng chiếu xuống, có năm trăm luồng ánh sáng chiếu một bên để đi. Vì vậy gọi là mặt trăng ngàn ánh sáng chiếu, cũng gọi là ánh sáng mát lạnh.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì cung điện mặt trăng to lớn chiếu sáng bốn châu lớn? Do trong đời quá khứ bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ bần cùng cô độc từ xa đến xin, như là đồ ăn thức uống, xe cộ, y phục, tràng hoa, hương thơm, giường, chiếu, phòng nhà, các thứ giúp cho sự sống… Khi bố thí, kịp thời nhanh chóng, không có lòng dua nịnh; hoặc lại cúng dường các tiên trì giới, người đầy đủ công đức, ngay thẳng, thuần thiện, do nhân duyên ấy thọ hưởng vô lượng các loại khoái lạc về thân tâm. Thí như chốn rừngnúi vắng vẻ, đồng trống, đầm hoang, sa mạc, có một ao nước mát mẻ trong đẹp, không có cáu bẩn. Khi ấy có người đi đường xa mệt mỏi, đói khát nóng bức, vào trong ao kia, tắm rửa uống nước, hết tất cả khổ, cảm thấy sung sướng vô cùng. Cũng giống như thế, do nhân duyên đó, sanh trong cung điện của Thiên tử mặt trăng, hưởng quả báo vui sướng.

Chư Tỳ-kheo, lại có một hạng người từ bỏ sát sanh… cho đến từ bỏ uống rượu và phóng dật, cúng dường phụng sự các tiên nhân… cũng sanh trong cung điện mặt trăng ấy, chiếu sáng bốn châu. Lại có người từ bỏ sát sanh… cho đến có chánh kiến nên nhanh chóng được sanh lên cung điện đi trên không. Đây gọi là những con đường của thiện nghiệp.

Lại do nhân duyên gì mà cung điện mặt trăng hiện ra dần dần? Có ba nhân duyên. Những gì là ba? Một là xuất hiện không đúng hướng; hai là thân chư Thiên màu xanh, hình mang Anh lạc, tất cả đều xanh, thường che khuất cung điện trong nửa tháng. Vì che khuất nên vào thời gian đó, hình mặt trăng dần dần xuất hiện; ba là từ trong cung điện mặt trời to lớn kia, đặc biệt có sáu mươi luồng ánh sáng xuất hiện rồi che khuất vầng trăng kia. Vì vậy, (mặt trăng) dần dần xuất hiện.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà cung điện mặt trăng tròn đầy, hiện rõ như vậy?

Chư Tỳ-kheo, về điều này có ba nhân duyên nên khiến như thế. Một là lúc ấy cung điện mặt trăng to lớn, xuất hiện đúng hướng. Vì vậy mặt trăng hiện ra tròn đầy.

Lại nữa, chư Thiên màu xanh, y phục, Anh lạc, tất cả đều xanh,thường trong nửa tháng che khuất cung điện mặt trăng. Nhưng cung điện mặt trăng, vào thời kỳ trai nhật, ngày mười lăm, ánh sáng tròn đầy, chiếu soi vằng vặc. Thí như có nhiều các thứ dầu mỡ đổ vào ngọn đuốc lớn đang cháy thì tất cả các loại đèn khác đều bị lu mờ. Cũng như vậy, cung điện mặt trăng to lớn, vào ngày mười lăm đều luôn luôn như thế.

Lại nữa, sáu mươi luồng ánh sáng của cung điện mặt trời xuất hiện rồi che vầng trăng mát mẽ kia. Nhưng cung điện mặt trăng, vào kỳ trai nhật, ngày mười lăm, tròn đầy, ở tất cả nơi chốn đều ra khỏi sự che khuất. Ánh sáng mặt trời khi đó, không thể ngăn che được. Lại nữa, do nhân duyên gì mà cung điện mặt trăng vào ngày thứ mười lăm của kỳ trăng tối, hoàn toàn không hiện?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng, vào ngày thứ mười lăm của kỳ trăng tối đi gần cung điện mặt trời, vì bị ánh sáng mặt trời che khuất nên hoàn toàn không thấy.

Lại nữa, vì nhân duyên gì mà đại cung điện mặt trăng, được gọi là mặt trăng?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng vào ngày thứ nhất của kỳ trăng tối trở đi vì màu sắc, ánh sáng, oai đức khiếm khuyết mà giảm dần, vì nhân duyên ấy nên được gọi là mặt trăng.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà trong cung điện mặt trăng có hình ảnh?

Chư Tỳ-kheo, có cây Diêm-phù, nhân đó nên gọi là châu Diêm-phù. Hình ảnh của nó hiện ra trong ánh sáng của vầng trăng mát mẽ. Do nhân duyên này mà có hình ảnh hiện ra.

Lại do nhân duyên gì mà có các dòng sông chảy ở thế gian?

Chư Tỳ-kheo, vì có mặt trời nên có nhiệt; vì có nhiệt nên có não; vì có não nên có thiêu đốt; vì có thiêu đốt nên có ẩm thấp; vì có

ẩm thấp nên trong các núi có dòng nước chảy ra.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này nên thế gian có các dòng sông.    Lại do nhân duyên gì mà có năm loại hạt giống xuất hiện ở thế gian?

Chư Tỳ-kheo, hoặc ở phương Đông, có thế giới chuyển thành rồi hoại, hoại rồi thành, hoặc thành rồi trụ; phương Nam, Tây, Bắc thành, hoại và trụ cũng giống như thế. Bấy giờ có ngọn gió lớn Ana-tỳ-la ở thế giới khác, chỗ đã chuyển thành và trụ, thổi năm loại hạt giống rải vào thế giới này, rải rồi rải nữa, cho đến rải khắp, đó là hạt căn, hạt hành, hạt tiết, hạt hiệp, hạt tử. Đây là năm loại hạt.

Chư Tỳ-kheo, đại thọ Diêm-phù có quả giống như cái hộc lường Ma-ni của nước Ma-già-đà. Quả ấy hái xuống, mủ nó chảy ra, màu như sữa, vị ngọt như mật.

Chư Tỳ-kheo, quả cây Diêm-phù có năm phần phát sanh lợi ích, đó là Đông, Nam, Tây, trên, dưới. Phần phương Đông thì các Càn-thát-bà ăn; phần phương Nam thì có nhân dân trong bảy tụ lạc lớn ăn: một là Bất chánh khiếu, hai là Khiếu, ba là Bất chánh thể, bốn là Hiền, năm là Thiện hiền, sáu là Lao, bảy là Thắng. Trong bảy loại tụ lạc lớn đó, có bảy ngọn núi đen: một là Thiên sương, hai là Nhất bát, ba là Tiểu cước, bốn là Hà phát, năm là Bách thiên đầu, sáu là Năng thắng, bảy là Tối thắng. Trong bảy ngọn núi ấy có bảy cái hang của bảy phạm tiên: một là Thiện nhãn, hai là Thiện hiền, ba là Tiểu, bốn là Bách thiên đầu, năm là Lãn vật trì, sáu là Hắc nhập, bảy là Tăng trưởng thời. Trong phần phía Tây thì Kim sí điểu ăn; phần trên thì các Dạ-xoa hư không ăn; phần dưới trong biển thì các trùng ăn.

Đến đây, có bài kệ tụng:

Đầu nói mưa nhiều ít
Thị hiện trong cung điện
Hai việc có gió nhiều
Ở trước, các trời đi
Xe cộ và thọ mạng
Ánh sáng thân thể chiếu
Nghiệp bố thí trì giới.
Vầng trăng đầy và khắp
Ánh trăng lại không hiện
Có bóng do nhân gì
Các sông, các hạt giống
Cây Diêm-phù sau cùng.

Chư Tỳ-kheo, chúng sanh thuở ban đầu, khi ăn vị đất đã giúp cho mình sống lâu ở đời. Nhưng trong bọn họ, nếu người nào ăn nhiều thì nhan sắc xấu đi, còn nếu người nào ăn ít thì sáng láng đẹp đẽ. Ngay khi ấy, hình sắc hiện rõ nên chúng sanh khinh chê nhau, tranh cãi đẹp xấu. Người đẹp thì sanh kiêu mạn; vì ngã mạn nên vị đất biến mất, rồi sanh màng đất sắc vị đầy đủ. Thí như hoa Yết-n-ica-la nở, có màu sắc như vậy, lại như mật nguyên không lộn sáp, có mùi vị như vậy. Các chúng sanh đó tụ tập lại, lo buồn khổ não, đấm ngực kêu gào, mê loạn khốn đốn, than rằng: “Than ôi! Vị đất của ta. Than ôi! Vị đất của ta”. Thí như nay đây có vị ngon đã nếm biết rồi, khen rằng: “Ôi! Đây là vị của ta”. Chấp trước tên cũ, chẳng biết chân nghĩa. Bọn chúng sanh ấy, cũng giống như thế. Khi ấy, chúng sanh đó ăn màng đất, sống lâu ở đời. Người ăn nhiều thì nhan sắc xấu, kẻ ăn ít thì thân hình đẹp. Vì có đẹp, xấu, sinh ngã mạn lăng nhục nhau; màng đất biến mất, liền sanh dây bò, hình sắc trọn vẹn, hương vị đầy đủ. Giống như hoa Ca-lam-bà-ha nở, có sắc như vậy; cắt ra nhựa chảy, giống như mật ong không sáp… cho đến như trước, cùng nhau tụ họp, sầu não… cứ diễn tiến như vậy, rồi loại dây bò đó biến mất; gạo tẻ xuất hiện, chẳng do cày cấy, tự nhiên mọc lên, không có cỏ, không có vỏ, hạt gạo trong sạch, hương vị đầy đủ. Khi ấy chúng sanh ăn gạo ấy rồi, thân thể liền có mỡ, tủy, da, thịt, gân cốt, máu mủ, các mạch và hiện rõ tướng nam căn, nữ căn; tướng căn đã sanh, nhiễm tâm liền khởi; vì có nhiễm tâm nên luôn nhìn nhau; đã nhìn nhau rồi liền sanh ái dục; vì ái dục sanh nên ở chỗ vắng vẻ, làm việc phi phạm hạnh. Khi làm việc bất tịnh như thế, lại có các chúng sanh khác chưa làm việc như vậy thấy bảo rằng: “Các ngươi đã làm việc rất xấu xa. Tại sao làm như vậy?” Chúng sanh kia liền sanh xấu hổ, rơi vào trong các điều ác bất thiện, nên mới có danh từ “phu chủ”. Khi ấy chúng sanh kia, vì rơi vào các điều ác như thế nên đem cơm đến cho người cùng hành dâm, nói: “Có chồng rồi, có chồng rồi”. Do đó mới đặt tên là vợ.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, các vị thắng nhân hạ sanh trước thấy thế gian nảy sinh việc vợ chồng cho nên họ dùng tay trái nắm lấy, dùng tay phải xô đẩy khiến rời bỏ xứ sở. Nhưng chúng sanh kia đi được hai hoặc ba tháng rồi quay về lại. Khi ấy các người còn ở đó thấy họ trở về liền dùng gậy gộc, đất gạch, ngói đá đánh ném, nói thế này: “Các ngươi hãy đi cho khuất! Các ngươi hãy đi cho khuất!” Giống như ngày nay, khi các người con gái đi lấy chồng được ném hoa, vàng bạc, y phục và ném hoa lúa khô. Và nói lời cầu nguyện: “Xin chúc cô dâu bình an, hạnh phúc”.

Chư Tỳ-kheo, cứ lần lượt như vậy, người xưa đã làm ác như thế, thấy người đời nay cũng làm như thế. Do nhân duyên ấy, các chúng sanh ở trong cõi đời làm các việc ác. Lần lượt như thế, tạo dựng nhà cửa, để che giấu việc làm ác.

Cho nên có kệ rằng:

Trước làm thành Chiêm bà
Sau tạo Ba-la-nại
Qua kiếp tàn sau cùng
Qui hoạch thành Vương xá.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, các vị thắng nhân ngày trước tạo lập các chốn thôn thành, tụ lạc, quốc ấp, vương cung, các trú xứ làm đẹp thế gian xuất hiện. Các chúng sanh đó khi làm tăng trưởng việc phi pháp thì có chúng sanh khác, phước nghiệp hết, từ trời Quang âm xả thân xuống, nhập vào thai mẹ.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này, những vị Thánh nhân thuở trước sanh trước ở thế gian, phước lực của họ còn dư nên không cần cày cấy mà tự nhiên có gạo tẻ xuất hiện. Nếu cần dùng, vào buổi sáng lấy, thì buổi chiều liền sanh lại; buổi chiều lấy thì sáng sanh lại, cùng một giống lúa chín. Nếu không lấy thì vẫn còn như cũ. Khi ấy chúng sanh, vì phước mỏng dần lười biếng, nhác nhớm, sanh tâm tham lam, nghĩ như thế này: “Loại gạo tẻ này đây không cần phải cày cấy, có khó nhọc gì đâu mà vào buổi sáng, buổi chiều đều lấy riêng rẻ thì chỉ thêm mệt. Nay ta nên lấy luôn một lần”. Nghĩ thế, bèn lấy luôn một lần. Khi ấy các chúng sanh khác rủ người kia: “Giờ ăn đã đến, hãy cùng đi lấy gạo tẻ”. Người kia đáp: “Tôi đã lấy một lần cho cả buổi sáng buổi chiều rồi, lấy để dành cho bữa đến. Các ngươi muốn đi thì có thể tự đi đi”. Các người kia nghĩ: “Bọn chúng sanh này làm hay, gọn nhẹ, cùng lấy một lúc cả hai bữa sáng chiều. Ta nay cũng có thể lấy luôn một lần cho cả hai, ba ngày”. Nghĩ rồi, làm liền. Bấy giờ lại có chúng sanh khác đến rủ chúng sanh đó: “Chúng ta hãy cùng đi lấy gạo tẻ!” Chúng sanh đó đáp: “Tôi đã lấy trước đủ phần ăn cho ba ngày rồi. Các ngươi đi đi!” Chúng sanh ấy nghe rồi lại nghĩ: “Người này rất khôn. Ta cũng nên lấy cùng một lúc phần ăn của bốn, năm ngày”. Vì do tích trử, nên khi ấy gạo tẻ liền sanh võ trấu, bọc hạt gạo bên trong. Khi bị cắt thì không mọc lại nữa, chỗ chưa cắt thì vẫn còn nguyên. Ruộng lúa lúc đó liền được phân chia, cây cỏ mới mọc. Khi ấy chúng sanh tụ tập lại, sầu than khóc lóc, họ bảo nhau: “Ta nhớ thuở xưa, thân sanh do ý, dùng niềm vui làm thức ăn, có ánh sáng tự nhiên, bay đi trên không tự tại, thần sắc đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài. Nhưng vì chúng ta mà bỗng sanh vị đất, sắc hương vị đầy đủ, ăn vào sống lâu. Người nào ăn nhiều thì thân thể thô xấu, người ăn ít thì nhan sắc vẫn đẹp. Vì tranh đẹp xấu nên khởi tâm kiêu mạn, trở nên khác biệt. Vì lẽ đó mà vị đất diệt mất. Kế sanh loại màng đất, tiếp sanh loại dây bò, rồi sanh gạo tẻ, cho đến lúa, cắt rồi chẳng mọc, không cắt còn nguyên. Vì vậy cho nên thành ra cỏ cây mọc có sự phân chia. Nay đây, chúng ta cần phải chia thành khu vực, phân ra ranh giới và đặt ra hình phạt. Phần kia là của anh; đây là phần của tôi. Ai xâm lấn thì bị phạt”.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này, thế gian mới có danh từ ranh giới, hình phạt xuất hiện. Bấy giờ riêng có một chúng sanh tiếc lúa của mình, trộm lúa kẻ khác. Các người khác thấy liền bảo người ấy rằng: “Người kia, người làm ác! Người làm ác! Tại sao có lúa rồi lại lấy trộm lúa người khác? Đừng làm như thế nữa!”, trách rồi thả đi. Nhưng chúng sanh kia lại tái phạm, cũng trách rồi thả đi. Đến ba lần như vậy, vẫn không hối cải, nên bị nói nặng lời quở trách, dùng tay đánh vào đầu, dẫn đến chỗ đám đông, nói với mọi người: “Người này lấy trộm của người khác”. Nhưng chúng sanh ấy, ở trước đám đông, chống chế cãi lại, nói với mọi người: “Chúng sanh này dùng lời thô ác mạ nhục tôi, dùng tay đánh tôi”. Khi ấy mọi người tụ tập lo sầu, buồn khóc kêu la: “Chúng ta ngày nay, đến tình trạng này là bị rơi vào chỗ ác. Chúng ta đã làm phát sanh pháp ác bất thiện, gây ra các phiền não, làm tăng trưởng khổ quả sanh, già ở đời vị lai, sẽ hướng đến đường ác. Hiện tại chứng kiến việc dùng tay níu kéo, xua đuổi nhau, trách mắng nhau. Nay chúng ta nên tìm cầu người thủ hộ công minh, tôn làm chủ để ai đáng bị quở trách thì chính thức quở trách; đáng bị phạt thì chính thức phạt; đáng bị xua đuổi thì chính thức xua đuổi.Lúa gạo trên phần ruộng mà chúng ta sở hữu, ai tự thu hoạch lấy. Vị chủ thủ hộ ấy cần bao nhiêu, chúng ta cung cấp”. Mọi người cùng bàn luận với nhau như thế rồi, họ liền cùng nhau suy cử một vị thủ hộ chính thức. Bấy giờ, trong đại chúng ở nơi ấy, đặc biệt có một người cao to đẹp đẽ, đoan chánh khả ái, hình dung kỳ đặc, vi diệu khả quan, thân sắc chói sáng, mọi điều hoàn hảo. Khi ấy mọi người đến bên người ấy, nói như thế này: “Quý hóa thay! Thưa ngài, xin ngài hãy vì chúng tôi mà làm thủ hộ chính thức. Ở đây, chúng tôi đều có ranh giới ruộng đất, ngài đừng để xâm lấn nhau. Ai đáng la mắng thì chính thức la mắng, đáng trách thì chính thức trách… cho đến phạt… đáng đuổi thì chính thức đuổi. Ngài khỏi phải cày cấy. Lúa gạo mà chúng tôi thu hoạch được sẽ chia cho ngài, không để ngài bị thiếu”. Người kia nghe rồi, liền nhận lời, làm chủ chính thức; mắng, trách, phạt, xua đuổi công bình chính trực, không có sự xâm lấn. Mọi người thu hoạch lúa, đem đến cung cấp, không để gián đoạn, thiếu hụt. Cứ theo cách thức như thế, tôn làm điền chủ. Vì lấy phần đất từ trong ruộng lúa của dân chúng nên nhân đó đặt tên là Sát-đế-lợi (đời Tùy dịch là Điền chủ). Khi ấy dân chúng đều vui mừng, y theo lời răn bảo mà làm. Vị Sát-đế-lợi kia, trong việc phụng sự cho mọi người, khôn ngoan khéo léo; ở giữa mọi người, tướng tốt hơn hết, vì vậy được gọi là vua. Mọi người tôn là vua Đại Bình Đẳng, vì vậy gọi là Ma-ha Tam-ma-đa (Tùy gọi là vua Đại Chúng Bình Đẳng).

Chư Tỳ-kheo, khi vị Đại Bình Đẳng này làm vua thì mọi người nhân đó mới có tên là Tát-đa-bà (Tùy gọi là Chúng sanh).

Chư Tỳ-kheo, vua Đại Bình Đẳng có con tên là Hô-lô-giá (Tùy dịch là Ý Hỷ).

Chư Tỳ-kheo, khi Ý Hỷ làm vua, mọi người tôn xưng là Hà-dima-ha (Tùy dịch là Kim Giả).

Chư Tỳ-kheo, vua Ý Hỷ có con tên là Ha-lê-da (Tùy dịch là Chánh Chân).

Chư Tỳ-kheo, khi Chánh Chân làm vua, mọi người tôn xưng là Đế-la-xà (Tùy dịch là Ô-ma-sanh).

Chư Tỳ-kheo, vua Chánh Chân có con tên là Bà-la-ha-lê-da-na (Tùy dịch là Tối Chánh Chân).

Chư Tỳ-kheo, khi Tối Chánh Chân làm vua, mọi người tôn xưng là Vân Phiến.

Chư Tỳ-kheo, vua Vân Phiến có con tên là Trai Giới.

Chư Tỳ-kheo, khi Trai Giới làm vua, mọi người tôn xưng là Mộc Hĩnh.

Chư Tỳ-kheo, trên đỉnh đầu của vua Trai Giới tự nhiên mọc lên một bọc thịt; bọc thịt ấy sanh ra một đồng tử đẹp đẽ, đầy đủ ba mươi hai tướng. Vừa sanh ra đã nói: “Trì giới”. Vị vua sanh ra từ đỉnh đầu ấy, đầy đủ thần thông, rất có oai lực, thống lãnh bốn châu, trị hóa tự tại.

Chư Tỳ-kheo, sáu vị vua này thọ mạng vô lượng.

Chư Tỳ-kheo, từ đùi vế bên phải của vị vua sanh từ đỉnh đầu ấy, mọc ra một bọc thịt, rồi sanh một đồng tử đẹp đẽ hoàn toàn cũng có ba mươi hai tướng, tên là Hữu Bễ Sanh, cũng có oai lực thống trị bốn châu lớn. Bên đùi vế trái của vua Hữu Bễ mọc ra một bọc thịt, sanh một đồng tử, cũng có ba mươi hai tướng, tên là Tả Bễ Sanh đầy đủ oai lực cai trị ba châu lớn. Từ bọc thịt ở đầu gối bên phải của vua Tả Bễ ấy sanh một đồng tử, oai đức và tướng tốt như trên, cai trị hai đại châu. Từ đầu gối bên trái của vua Hữu Tất ấy sanh một đồng tử, oai đức và tướng tốt như trước, thống lĩnh một châu lớn.

Chư Tỳ-kheo, từ đây về sau, có vua Chuyển luân đều thống lãnh một châu.

Chư Tỳ-kheo, tuần tự như thế, lúc ban đầu dân chúng tôn lập vua Đại Bình Đẳng, kế đến là vua Ý Hỷ; tiếp theo là vua Chánh Chân; kế tiếp là vua Tối Chánh Chân, vua Trai Giới, vua Đảnh Sanh, vua Hữu Bễ, vua Tả Bễ, vua Hữu Tất, vua Tả Tất, vua Dĩ Thoát, vua Dĩ Dĩ Thoát, vua Thể Giả, vua Thể Vị, vua Quả Báo Xa, vua Hải, vua Đại Hải, vua Xà-câu-lê, vua Đại Xà-câu-lê, vua Mâu Thảo, vua Biệt Mâu Thảo, vua Thiện Hiền, vua Đại Thiện Hiền, vua Tương Ái, vua Đại Tương Ái, vua Khiếu, vua Đại Khiếu, vua Ni-lê-ca, vua Nacù-sa, vua Lang, vua Hải Phần, vua Kim Cang Tý, vua Sàng, vua Sư Tử Nguyệt, vua Na-gia-đê, vua Biệt Giả, vua Thiện Phước Thủy, vua Nhiệt Não, vua Tác Quang, vua Khoáng Giả, vua Tiểu Sơn, vua Sơn Giả, vua Diệm Giả, vua Xí Diệm.

Chư Tỳ-kheo, từ vua Xí Diệm ấy, con cháu nối nhau, có một trăm lẻ một đời, đều ở thành Bô-đa-la trị hóa thiên hạ. Vua cuối cùng tên là Hàng Oán; vì có thể hàng phục các giặc oán nên gọi là Hàng Oán.

Chư Tỳ-kheo, con cháu của vua Hàng Oán đó nối tiếp nhau, ở trong thành A-du-xà trị hóa, gồm có năm vạn bốn ngàn vua. Vua

cuối cùng tên là Nan Thắng.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Nan Thắng nối tiếp nhau ở thành Ba-la-nại trị hóa, gồm có sáu vạn ba ngàn vua. Vua sau cùng tên là Nan Khả Ý.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Nan Khả Ý nối tiếp nhau ở thành Ca-tỳ-la trị hóa, gồm có tám vạn bốn ngàn vua. Vua sau cùng tên là Phạm Đức.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Phạm Đức nối tiếp nhau ở thành Bạch tượng trị hóa, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vua sau cùng tên là Tượng Đức.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Tượng Đức ở thành Câu-thi-na trị hóa, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vua sau cùng tên là Hoắc Hương.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hoắc Hương nối tiếp nhau ở thành Ưu-la-xà trị hóa, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vua cuối cùng tên là Na-già-na-thị.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Na-thị nối tiếp nhau ở thành Nan hàng phục trị hóa, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vua sau cùng tên là Hàng Giả.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hàng Giả nối tiếp nhau ở thành Cát-na-cưu-già trị hóa, gồm có một vạn hai ngàn vua. Vua sau cùng tên là Thắng Quân.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thắng Quân nối tiếp nhau ở thành Ba-ba trị hóa thiên hạ, gồm có một vạn tám ngàn vua. Vua sau cùng tên là Thiên Long.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiên Long nối tiếp nhau ở thành Đa-ma-lê-xà trị hóa, gồm có hai vạn năm ngàn vua. Vua cuối cùng tên là Hải Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hải Thiên tiếp nối nhau ở lại thành Đa-ma-lê-xà trị hóa, gồm có một vạn vua. Vua cuối cùng cũng tên là Hải  Thiên.

Chư Tỳ-kheo, sau đó, con cháu vua Hải Thiên nối tiếp nhau ở lại thành Đàn-đa-phú-la trị hóa, gồm có một vạn tám ngàn vua. Vua cuối cùng tên là Thiện ý; con cháu nối tiếp nhau ở thành lớn Vương xá trị hóa, gồm có hai vạn năm ngàn vua. Vua sau cùng tên là Thiện Trị Hóa.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiện Trị Hóa nối tiếp nhau trở lại ở thành Ba-la-nại trị hóa, gồm có một ngàn một trăm vua. Vua sau cùng tên là Đại Đế Quân.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Đại Đế Quân nối tiếp nhau ở thành lớn Mao chủ trị hóa, gồm có tám vạn bốn ngàn vua. Vua sau cùng lại có tên là Hải Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hải Thiên nối tiếp nhau trở lại ở thành Bô-đa-la trị hóa, gồm có một ngàn năm trăm vua. Vua sau cùng tên là Khổ Hạnh.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Khổ Hạnh nối tiếp nhau trở lại thành lớn Mao chủ trị hóa, gồm có tám vạn bốn ngàn vua. Vua sau cùng tên là Địa Diện.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Địa Diện tiếp nối nhau trở lại thành A-du-xà trị hóa, gồm có một ngàn vua. Vua sau cùng tên là Trì Địa.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Trì Địa nối tiếp nhau trở lại thành lớn Ba-la-nại trị hóa, gồm có tám vạn vua. Vua sau cùng tên là Địa Chủ.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Địa Chủ nối tiếp nhau ở thành Mị-di-la trị hóa, gồm có tám vạn bốn ngàn vua. Vua sau cùng tên là Đại Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Đại Thiên nối tiếp nhau ở thànhlớn Mị-di-la trị hóa, gồm có tám vạn bốn ngàn vua Sát-đế-lợi. Tất cả vua đó đều ở trong rừng Am-bà-la thuộc thành Mị-di-la kia tu hành phạm hạnh. Vua sau cùng tên là vua Ni-mị, kế đến là vua Một, rồi đến vua Kiên Tề, vua Kha-nô, vua Ưu-ba, vua Nô-ma, vua Thiện Kiến, vua Nguyệt Kiến, vua Văn Quân, vua Pháp Quân, vua Hàng Phục, vua Đại Hàng Phục, vua Cánh Hàng, vua Vô Ưu, vua Trừ Ưu, vua Kiên Tiết, vua Vương Tiết, vua Ma-la, vua Lâu-na, vua Phương Chủ, vua Trần Giả, vua Ca-la, vua Nan-đà, vua Cảnh Diện, vua Sanh Giả, vua Hộc Lãnh, vua Thực Ẩm, vua Khiêu Thực, vua Nan Hàng, vua Nan Thắng, vua An Trú, vua Thiện Trú, vua Đại Lực, vua Lực Đức, vua Kiên Hành.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Kiên Hành nối tiếp nhau ở thành Ca-xà-bà-ba trị hóa, gồm có bảy vạn năm ngàn vua. Vua sau cùng tên là Am-bà-lê-sa.

Chư Tỳ-kheo, con của vua Lê-sa tên là Thiện Lập.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiện Lập tiếp nối nhau ở thành lớn Ba-la trị hóa, gồm có một ngàn một trăm vua. Vua sau cùng tên là Chỉ-lê-kỳ.

Chư Tỳ-kheo, bấy giờ có Đức Ca-diếp Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện thế gian. Khi ấy Bồ-tát tu hành phạm hạnh sanh lên cõi trời Đâu-suất. Con của vua Chỉ-lê-kỳ tên là Thiện Sanh, con cháu nối tiếp nhau trở lại thành Bô-đa-la trị hóa, gồm có một trăm lẻ một vua. Vua sau cùng tên là Nhĩ. Vua Nhĩ có hai người con, một tên là Cù- đàm, hai tên là Bà-la-đọa-xà. Vua ấy có một người con tên là Cam Giá Chủng.

Chư Tỳ-kheo, con cháu của Cam Giá Chủng nối tiếp nhau trở lại thành Bô-đa-la trị hóa, gồm có một trăm lẻ một vua Cam Giá Chủng. Vua sau cùng tên là Bất Thiện Trường Cam Giá Chủng.

Chư Tỳ-kheo, vua Bất Thiện Trường sanh bốn người con: Một tên là Ưu-mâu-khư, hai tên là Kim Sắc, ba tên là Tợ Bạch Tượng, bốn tên là Túc Cự. Con của Túc Cự tên là Thiên Thành. Con cháu của Thiên Thành tiếp nối nhau ở thành Ca-tỳ-la-bà-tô-đô trị hóa, gồm có bảy vạn bảy ngàn vua. Vua sau cùng tên là vua Quảng Xa, tiếp đến là vua Biệt Xa, rồi tiếp theo là vua Kiên Xa, vua Trụ Xa, vua Thập Xa, vua Bách Xa, vua Cửu Thập Xa, vua Tạp Sắc Xa, vua Trí Xa, vua Quảng Cung, vua Đa Cung, vua Kiêm Cung, vua Trụ Cung, vua Thập Cung, vua Bách Cung, vua Cửu Thập Cung, vua Tạp Sắc Cung, vua Trí Cung.

Chư Tỳ-kheo, vua Trí Cung sanh hai người con: Một tên là Sư Tử Giáp, hai tên là Sư Tử Túc. Sư Tử Giáp nối ngôi, sanh bốn người con: Một tên là Tịnh Phạn, hai tên là Bạch Phạn, ba tên là Hộc Phạn, bốn tên là Cam Lộ Phạn. Và sanh một người con gái tên là Bất Tử.

Chư Tỳ-kheo, vua Tịnh Phạn sanh hai người con: Một tên là Tất-đạt-đa, hai là Nan-đà. Bạch phạn có hai con: Một là Đế-sa- đồng, hai là Nan-đề-ca. Hộc phạn có hai con: Một là A-nê-lâu-đà, hai là Bạt-đề-lê-ca. Vua Cam Lộ Phạn cũng sanh hai con: Một là Anan-đà, hai là Đề-bà-đạt-đa. Người con gái tên là Bất Tử ấy chỉ có một con, tên là Thế-bà-la. Bồ-tát (Tất-đạt-đa) có một con, tên là Lahầu-la.

Chư Tỳ-kheo, cứ tuần tự như thế, từ vua Đại Chúng Bình Đẳng về sau, con cháu nối tiếp nhau là một chủng tộc tối thắng. Đến đồng tử La hầu-la, ngay bản thân chứng A-la-hán, đoạn trừ phiền não, thoát khỏi sanh tử, không còn tái sanh.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy nên vào thuở xa xưa, có giòng Sát-lợi hơn hết xuất hiện thế gian, theo đúng như pháp, chẳng phải là bất như pháp.

Chư Tỳ-kheo, vì có pháp như thế nên dòng Sát-lợi ở thế gian là dòng tối thắng. Bấy giờ các chúng sanh khác nghĩ thế này: “Thế gian hữu vi là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên độc. Tư duy chín chắn rồi, xả bỏ hữu vi, ở núi đầm thanh vắng, tạo lập thảo am, tịch tĩnh thiền định; có nhu cầu gì thì vào buổi sáng, hoặc sau buổi trưa, ra khỏi thảo am, vào thôn khất thực. Mọi người trông thấy, cần gì cho nấy, rồi sắm sửa lại. Hoặc có người khen là những chúng sanh này làm thiện rất tốt, xả bỏ thế gian và các pháp ác bất thiện trong vòng luân chuyển, gọi họ là Bà-la-môn. Do nhân duyên đó, dòng Bà-la-môn xuất hiện ở thế gian. Hoặc có chúng sanh, thiền định không thành, dựa vào xóm làng, dạy nhiều chú thuật. Nhân đó được gọi là người chỉ vẽ, lại vì hay đi vào thôn xá, nên gọi là hướng tụ lạc. Lại vì thành tựu các pháp dục nên gọi là thành tựu dục. Do nhân duyên ấy nên vào thuở xa xưa, Bà-la-môn là hơn hết, dòng dõi cao quí, xuất hiện thế gian, theo đúng như pháp, chẳng phải không như pháp. Lại có các chúng sanh khác làm đủ các thứ để kiếm lợi như các nghề kỹ năng, công xảo, nghệ thuật. Vì vậy có tên là Tỳ-xá. Do nhân duyên ấy, vào thuở xa xưa, dòng họ Tỳ-xá xuất hiện thế gian. Họ cũng như pháp, chẳng phải không như pháp.

Chư Tỳ-kheo, ba chủng tánh này sanh ở thế gian rồi, về sau lại có chủng tánh thứ tư xuất hiện ở thế gian.

Chư Tỳ-kheo, lại có một hạng người tự chán chê sự bó buộc của gia đình, cắt bỏ râu tóc, thân khoát ca-sa, xả bỏ thế gian, xuất gia tu đạo, tự xưng “Ta là Sa-môn”. Họ tự xưng như thế rồi liền thành chánh nguyện Bà-la-môn. Trong dòng dõi Tỳ-xá cũng vậy, lại có hạng người, cũng chán chê như trước, bỏ nhà xuất gia, tự xưng “Ta sẽ làm Sa-môn”, vì họ có chánh nguyện như thế.

Chư Tỳ-kheo, lại có một hạng người trong dòng dõi Sát-lợi, thân khẩu ý làm việc ác; vì làm ác, khi thân hoại mạng chung hoàn toàn chịu khổ. Dòng Bà-la-môn và Tỳ-xá… cũng như vậy. Lại có người trong dòng Sát-lợi, vì thân, khẩu, ý làm hạnh lành, nên khi thân hoại mạng chung, hoàn toàn hưởng sự an vui. Dòng Bà-la-môn và Tỳ-xá cũng vậy.

Chư Tỳ-kheo, lại có người trong dòng Sát-lợi, vì thân, khẩu, ý làm hai hạnh nên khi thân hoại mạng chung, thọ khổ và vui, Bà-lamôn, Tỳ-xá cũng vậy.

Chư Tỳ-kheo, lại có người dòng Sát-lợi, chánh tín xuất gia tu tập, chứng ba mươi bảy phẩm trợ đạo, dứt hết các lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, hiện tại thấy pháp chứng pháp, đắc các thần thông. Đã tác chứng rồi, tự xướng lên: “Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ sanh nữa”. Dòng Bà-la-môn, Tỳ-xá cũng vậy.

Chư Tỳ-kheo, hạng người sanh trong ba chủng tánh này cũng có khả năng thành tựu minh, hạnh đầy đủ, đắc A-la-hán, gọi là tối thắng.

Chư Tỳ-kheo, Phạm vương Ta-ha-ba-để, khi xưa ở nước ta, nói kệ thế này:

Sát-lợi dòng hơn hết
Nếu rời các chủng tánh
Thành tựu đủ minh, hạnh
Họ hơn trời và người.

Chư Tỳ-kheo, Phạm vương Ta-ha-ba-để khéo tụng kệ ấy, chẳng phải là chẳng khéo. Ta đã ấn khả.

Chư Tỳ-kheo, Ta, Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói nghĩa này.

Chư Tỳ-kheo, cứ lần lượt như vậy, Ta nói đủ về sự chuyển thành, chuyển hoại, chuyển trụ của thế gian.

Chư Tỳ-kheo, nếu có vị thầy vì các Thanh văn, dạy điều cần làm, thương yêu, lợi ích, thực hiện từ bi, thì Ta đã làm xong. Các thầy nên nương theo.

Chư Tỳ-kheo, các thầy, tại nơi núi rừng thanh vắng, dưới gốc cây, nơi phòng trống, chốn tịnh thất, chỗ hang núi, hoặc bãi tha ma, dùng cỏ tranh… làm am thất cư trú; rời bỏ thôn xóm, làng mạc, ở tại những chỗ như thế. Các thầy phải tu tập thiền định, chớ rơi vào phóng dật, đừng để về sau phải hối hận.

Chư Tỳ-kheo, đó là lời giáo huấn của Ta. Phật thuyết kinh xong, các Tỳ-kheo… hoan hỷ phụng thành.