CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT
Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.
PHẨM 9: NHẬP PHÁP MÔN BẤT NHỊ
Chánh văn: Bấy giờ, ông Duy-ma-cật nói với các vị Bồ-tát rằng:
“Thưa các Nhân giả! Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn chẳng hai?” Ngài La-thập nói:
– Có và không được thay nhau sử dụng là pháp thường của Phật pháp. Phẩm trước nói về có, phẩm này nói về không. Vả lại, từ hội đầu tiên đến đây, chỉ có hai vị Đại sĩ đối đáp còn các vị khác đều im lặng. Nay muốn mỗi người hiển bày đức tu tập của mình, nên mới hỏi đến để cho vị nào cũng đều được trình bày. Cũng có thể nói rằng sự mê hoặc bất đồng, việc khai ngộ phải có nhân, nên khiến mỗi mỗi đều có chỗ ngộ của mình để giải thích các mê hoặc. Phàm pháp hội thù thắng nêu rõ tông chỉ, ắt phải làm cho cuối cùng được hoàn mỹ, nay pháp hội sắp tan, muốn truy cứu đến đầu mối sâu xa, nói rộng về Bất nhị, mới đạt đến tận cùng chỗ vi diệu kia vậy.
Hỏi:
– Cũng có ba, bốn cho đến vô lượng pháp môn, vì sao chỉ nói về chẳng hai?
Đáp:
– Hai tức việc này đã ít mà hoặc nghiệp lại cạn mỏng, còn các môn khác thì việc lại rộng nhiều mà phiền não lại sâu. Hai tức còn phải phá thì những pháp khác có thể tự biết. Vả lại, vạn pháp sinh là từ duyên khởi; duyên sinh pháp, nhiều ít khác nhau, nhưng ít nhất cần phải từ hai duyên. Nếu chỉ có một duyên mà sinh ra pháp thì chưa từng nghe nói. Thế thì duyên khởi hữu, nhỏ nhất là hai pháp, nếu hai đã trừ thì nhập vào cảnh rỗng lặng. Cũng nói rằng pháp môn hai gồm thâu tất cả pháp môn.
Hỏi:
– Vì sao chẳng phá một?
Đáp:
– Nếu theo danh mà tính thì chẳng phải là một, nếu cho một là một, thì cũng chưa lìa hai, trừ bỏ hai thì một chẳng còn. Lại một vô tướng, danh giả mà thật chẳng có, thật chẳng có thì thể và tướng dứt bặt, cho nên đã đặt ra mà tự không.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Làm phép tắc cho thế gian gọi là pháp, căn nguyên của các Thánh hiền gọi là môn.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Đã ngộ được một, thì các việc sẽ tự được, cho nên một là căn nguyên của các việc.
Chánh văn: Mỗi mỗi tùy sở thích của mình mà thuyết.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Từ đầu kinh đến đây việc luận bàn tuy khác, nhưng đều là đạo Đại thừa vô tướng. Đạo vô tướng tức là pháp môn Giải thoát bất tư nghị, là pháp môn Đệ nhất nghĩa bất nhị. Đó là chỗ kiến lập của việc Tịnh Danh hiện bệnh, của việc ngài Văn-thù thăm bệnh. Thánh đạo được thành tựu đều là do nơi đây. Cho nên sự việc là đầu mối của thiên, chương, luận đàm là khởi đầu của ngôn ngữ. Nghiên cứu chỗ trở về thì chỉ là một mà thôi. Nhưng người học khai tâm thì phải có chỗ, việc tu tập chẳng đồng, hoặc quán sinh diệt để phản bổn hoàn nguyên, hoặc suy cứu hữu vô để thể hội chân tướng, hoặc từ tội phước để đạt được nhất tâm, hoặc xét thân miệng để đạt đến vắng lặng. Phương pháp tuy khác mà chỗ khế hợp chỉ là một. Cho nên dùng chỗ đồng của đại chúng để minh chứng cho yếu chỉ lớn của kinh này.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Nguyên do thì vô cùng, nhưng đạo ấy đều vào Bất nhị. Nay muốn mỗi người đều nói ra để chứng nghiệm.
Chánh văn: Trong hội có một vị Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói rằng: “Các nhân giả! Sinh diệt là hai, pháp vốn chẳng sinh, nay thì chẳng diệt, đạt được Vô sinh pháp nhẫn này là vào pháp môn chẳng hai.” Ngài Tăng Triệu nói:
– Diệt tức diệt sự sinh, nếu ngộ vô sinh, thì diệt nào có diệt? Đây là Vô sinh pháp nhẫn. Bồ-tát này nhân nơi quán sinh diệt mà ngộ đạo, nên nói ra điều mình biết là pháp môn chẳng hai. Các vị sau nói cũng giống như thế. Vạn pháp rối ren loạn động, nếu lìa chân thì đều là hai, nên lấy chẳng hai làm ngôn luận.
Chánh văn: Bồ-tát Đức Thủ nói: “Ngã và ngã sở là hai, nhân có ngã nên có ngã sở, nếu không có ngã thì không có ngã sở là vào pháp môn chẳng hai.”
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chủ tể thường tồn là ngã, thân và vạn vật là ngã sở. Ngã sở tức là cái hữu của ngã. Pháp đã vô ngã thì cái gì là ngã sở.
Chánh văn: Bồ-tát Bất Thuấn nói.
Ngài La-thập nói:
– Bất Thuấn có ba nghĩa:
- Như chư Thiên.
- Ái kính thân Phật, chăm chú nhìn, mắt chẳng nháy (Bất Thuấn).
- Tâm không bị trần lụy ngăn che, mắt tuệ thường sáng tỏ.
Chánh văn: Thọ và chẳng thọ là hai.
Ngài La-thập nói:
– Thọ hay chẳng thọ đều là chấp tướng. Cũng nói năm ấm hữu lậu là thọ, vô lậu là chẳng thọ. Cũng nói tâm thọ và tâm chẳng thọ, như trong A-tỳ-đàm Tâm luận đã nói.
Chánh văn: Nếu pháp chẳng thọ là chẳng thể nắm bắt được, vì chẳng thể nắm bắt được nên không giữ, không bỏ.
Ngài La-thập nói:
– Phá trừ chẳng thọ.
Chánh văn: Không tạo tác.
Ngài La-thập nói:
– Tức ý nói chẳng tạo tác nghiệp thọ sinh.
Chánh văn: Không hành.
Ngài La-thập nói:
– Là tâm hành đã diệt.
Chánh văn: Đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Có tâm ắt có thọ, có thọ ắt có chẳng thọ, đó là hai. Nếu ngộ được các pháp vốn không, cả hai đều chẳng thọ, thì không được, không hành, là môn chẳng hai.
Chánh văn: Bồ-tát Đức Đảnh nói: “Cấu tịnh là hai, nếu thấy thật tánh của cấu.”
Ngài La-thập nói:
– Như rửa vật bị nhơ, khi hết nhơ là sạch, sạch thì hết, hết thì không có sạch.
Chánh văn: Thì không có tướng tịnh, thuận với tướng diệt, đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tịnh sinh từ cấu, thật tánh thì chẳng có cấu, vậy tịnh từ đâu mà có tịnh?
Chánh văn: Bồ-tát Thiện Túc nói: “Động và niệm là hai.” Ngài La-thập nói:
– Tâm mê hoặc vừa máy khởi gọi là động, chấp giữ tướng sâu nặng gọi là niệm, trước sau sai biệt, không chấp giữ tức ngăn dứt các thọ.
Ngài Tăng Triệu nói:
- Tình phát khởi là động, tưởng về ngã là niệm.
Chánh văn: Chẳng động thì không có niệm, không niệm tức không phân biệt. Thông đạt được lý này tức là vào pháp môn chẳng hai.
Bồ-tát Thiện Nhãn nói: “Nhất tướng và vô tướng là hai, nếu biết nhất tướng tức vô tướng cũng chẳng chấp giữ vô tướng mà nhập bình đẳng, tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Nói một tức muốn trừ hai, chứ chẳng phải nói thật là một. Nói không (vô) tức muốn trừ có, chứ chẳng nói thật không. Nhưng người mê nghe nói một liền chấp tướng một, nghe không thì chấp tướng không, vì thế mà có hai.
Chánh văn: Bồ-tát Diệu Tý nói.
Ngài La-thập nói:
– Vì quả báo của bố thí, nên từ tay có khả năng tuôn ra vô tận của báu, như nước của năm con sông, nên gọi là Diệu Tý.
Chánh văn: Tâm Bồ-tát, tâm Thanh văn là hai, nếu quán tâm tướng đều không, như huyễn hóa thì không có tâm Bồ-tát, và tâm Thanh văn, đó là vào pháp môn chẳng hai. Bồ-tát Phất-sa nói.
Ngài La-thập nói:
– Là tên của Sao Quỷ trong hai mươi tám ngôi sao. Khi vị Bồ-tát này sinh thì gặp vì sao này, cho nên lấy đó làm tên.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phất-sa là tên của một ngôi sao, Bồ-tát nhân lấy đó làm tên.
Chánh văn: Thiện và bất thiện là hai.
Ngài La-thập nói:
– Tất cả tâm thiện hữu lậu, nghiệp thiện của thân miệng, pháp vô lậu cho đến Niết-bàn đều gọi là thiện. Tất cả nghiệp thân miệng do phiền não tạo ra đều là bất thiện.
Chánh văn: Nếu chẳng khởi thiện và bất thiện, nhập mé vô tướng mà thông đạt, thì đó gọi là vào pháp môn chẳng hai. Bồ-tát Sư Tử nói:
“Tội phước là hai”.
Ngài La-thập nói:
– Phiền não trong ba cõi, cái tương ưng với phiền não và thân khẩu nghiệp do phiền não tạo ra đều gọi là tội. Tất cả thiện hữu lậu gọi là phước.
Chánh văn: Nếu đạt được tánh của tội thì sẽ không khác với phước, dùng kim cang tuệ quyết định rõ tướng ấy.
Ngài La-thập nói:
– Kim cang cắm vào đất, sâu đến tận mé Địa luân mới dừng. Thật tướng tuệ đạt đến cùng tận pháp tánh mới dừng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Kim cang tuệ tức thật tướng tuệ.
Chánh văn: [Không trói buộc, không giải thoát là vào pháp môn chẳng hai.] Bồ-tát Sư Tử Ý nói.
Ngài La-thập nói:
– Sư tử qua sông thì cắt thẳng dòng mà qua, đi vòng thì chẳng qua. Bậc Đại sĩ này dùng trí tuệ chân thật, vào sâu các pháp, thẳng qua bờ kia, nên mượn đó làm tên.
Chánh văn: Hữu lậu, vô lậu là hai, nếu đạt được các pháp bình đẳng, thì chẳng khởi tưởng hữu lậu hay vô lậu, lại chẳng chấp tướng cũng chẳng trụ vô tướng, đó là vào pháp môn chẳng hai. Bồ-tát Tịnh Giải nói: “Hữu vi, vô vi là hai. Nếu xa lìa tất cả số lượng thì tâm như hư không, đạt được tuệ thanh tịnh không ngăn ngại, đó là vào pháp môn chẳng hai.” Bồ-tát Na-la-diên nói: “Thế gian, xuất thế gian là hai.” Ngài La-thập nói:
– Thế gian tức ba cõi; xuất thế gian tức các pháp Đạo phẩm vô lậu hữu vi.
Chánh văn: Tánh của thế gian là không, tức xuất thế gian, ở trong đó chẳng nhập chẳng xuất.
Ngài La-thập nói:
– Nghĩa xuất phát sinh từ nhập. Vì không vào sinh tử, nên không có xuất thế gian.
Chánh văn: Chẳng đầy.
Ngài La-thập nói:
– Bản tiếng Phạm ghi là lưu (dòng, chảy).
Chánh văn: Chẳng vơi.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phàm có nhập ắt có xuất, có xuất ắt có đầy, có đầy ắt có vơi, đây là việc thường ở thế gian.
Chánh văn: Đó gọi là vào pháp môn chẳng hai. Bồ-tát Thiện Ý nói: “Sinh tử, Niết-bàn là hai.” Ngài La-thập nói:
– Ở trên là nói vô vi, tức ba vô vi, ở đây nói về Niết-bàn rốt ráo.
Chánh văn: Nếu thấy tánh của sinh tử thì không sinh tử, không trói buộc, không giải thoát, không sinh không diệt, ngộ được như thế, gọi là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phược (trói buộc), nhiên (sinh) là tên khác của sinh tử, giải (giải thoát), diệt là tên khác của Niết-bàn.
Chánh văn: Bồ-tát Hiện Kiến nói: “Tận, chẳng tận là hai, nếu pháp rốt ráo tận.”
Ngài La-thập nói:
– Vô thường là môn đầu tiên của không. Phá pháp chẳng hết gọi là chẳng tận. Như chỉ một niệm mà chẳng trụ thì không có sinh, không có sinh thì sinh tận, sinh đã tận thì rốt ráo không, đó gọi là tận.
Chánh văn: Nếu chẳng tận thì đều là tướng chẳng tận, tướng chẳng tận là không, không thì không có tướng tận và chẳng tận. Người vào được như thế tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Pháp hữu vi là pháp hư giả; vì vô thường nên gọi là tận. Thật tướng là pháp vô vi, vì thường trụ nên chẳng tận. Nếu cho tận là tận, chẳng tận là chẳng tận thì đều là pháp hai. Nếu có thể ngộ được tận và chẳng tận đều là tướng chẳng tận thì vào pháp môn nhất không bất nhị.
Chánh văn: Bồ-tát Phổ Thủ nói.
Ngài La-thập nói:
– Là chỗ giữ gìn vạn pháp thiện, là nơi thủ hộ các bậc Thánh, nên gọi là Phổ Thủ.
Chánh văn: Ngã, vô ngã là hai, ngã còn chẳng thật thì phi ngã làm sao mà có thật?
Ngài La-thập nói:
– Vọng kiến có ngã, nếu ngộ thì vô ngã. Nói vô ngã là để ngăn trừ ngã, chứ chẳng phải có một pháp vô ngã riêng khác.
Chánh văn: Thấy được thật tánh của ngã, chẳng khởi hai, thì đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Vô ngã phát sinh từ ngã, nếu thấy thật tánh của ngã thì ngã liền tự vô, huống là vô ngã?
Chánh văn: Bồ-tát Điện Thiên nói: “Minh và vô minh là hai. Thật tánh của vô minh tức là minh.” Ngài La-thập nói:
– Vô minh thường sinh ra minh, nên chẳng khác minh; minh từ vô minh sinh, nên chẳng khác vô minh. Vì vô minh nên chẳng thể lấy, vì luôn sinh ra minh, nên chẳng thể bỏ. Minh cũng như thế, chẳng phải vô minh nên chẳng thể xa lìa, vì từ vô minh sinh nên chẳng thể lấy. Ví như màu sắc của hoa sen, tuy thanh khiết nhưng nhân lại bất tịnh. suy từ nhân, thì tâm chẳng sinh chấp trước.
Chánh văn: Minh chẳng thể chấp thủ, lìa tất cả số lượng, trong đó bình đẳng không hai, đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Minh tức tuệ minh, vô minh tức là si minh. Thấy được tánh của vô minh tức là minh. Nếu thấy minh là minh thì thành vô minh, nên chẳng thể chấp giữ.
Chánh văn: Bồ-tát Hỷ Kiến nói: “Sắc, sắc không là hai. Sắc tức không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không; thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Thức và không là hai, thức tức không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không, thông đạt như thế gọi là vào pháp môn chẳng hai.” Ngài Tăng Triệu nói:
– Sắc tức không, chẳng đợi sắc diệt rồi mới không. Vì thế thấy sắc khác không thì có hai nơi pháp tướng.
Chánh văn: Bồ-tát Minh Tướng nói: “Bốn đại khác không đại là hai.”
Ngài La-thập nói:
– Trong pháp của ngoại đạo, gồm năm đại, trong Phật pháp chỉ nêu bốn đại. Bốn loại này là lớn nhất trong các pháp tạo tác nên gọi là đại.
Chánh văn: Tánh của bốn đại tức tánh không đại. Như mé trước mé sau không thì khoảng giữa cũng không. Nếu có thể biết tánh các đại như thế là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Năm đại này là nguồn gốc sinh ra chúng sinh, nên gọi là chủng (đại). Nhưng tánh của bốn đại không có trước, sau và giữa, lại chẳng khác không đại.
Chánh văn: Bồ-tát Diệu Ý nói: “Mắt và sắc là hai, nếu biết tánh của mắt thì chẳng khởi tham, sân si đối với sắc, đó là tịch diệt; tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng là hai. Nếu biết tánh của ý thì chẳng khởi tham, sân, si đối với pháp, đó là tịch diệt, an trụ trong đó gọi là vào pháp môn chẳng hai.” Ngài Tăng Triệu nói:
– Còn tình, trần nên ba độc sinh khởi, nếu ngộ được tánh của sáu tình (căn) thì chẳng khởi ba độc đối với sáu trần, đây là đạo tịch diệt.
Chánh văn: Bồ-tát Vô Tận Ý nói: “Bố thí và hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Tánh của bố thí tức tánh hồi hướng Nhất thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ với hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Tánh của trí tuệ tức là tánh của hồi hướng Nhất thiết trí, như trong đó mà nhập vào nhất tướng, tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Lấy sáu Độ làm diệu nhân với hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Nếu ngộ được nhân quả đồng tánh, nhập vào nhất tướng đó mới là chẳng hai.
Chánh văn: Bồ-tát Thâm Tuệ nói: “Không với vô tướng, vô tác là hai. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác. Nếu không, vô tướng, vô tác tức không có tâm, ý, thức. Nơi một môn giải thoát tức ba môn giải thoát, đó là vào pháp môn chẳng hai.” Ngài Tăng Triệu nói:
– Ba hạnh tuy khác nhưng đều là vô duyên giải thoát, nên không có tâm, ý, thức. Đã đồng vô duyên, thì ba giải thoát chẳng khác. Chánh văn: Bồ-tát Tịch Căn nói: “Phật, Pháp, Tăng là hai:” Ngài La-thập nói:
– Có tướng thì có đối đãi, có đối đãi thì có hai, chẳng thuộc một và ba.
Chánh văn: Phật tức pháp.
Ngài La-thập nói:
– Lấy thể của pháp làm Phật, chẳng thể lìa pháp mà có Phật. Nếu chẳng lìa pháp mà có Phật thì Phật tức pháp, thế thì Phật cũng là pháp.
Chánh văn: Pháp tức Tăng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Cũng lấy thể của Pháp làm Tăng.
Chánh văn: Ba báu đều là tướng vô vi.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chân trí vô tướng là Phật bảo, thật tướng vô vi là Pháp bảo, tu đạo vô vi là Tăng bảo. Ba bảo tuy khác nhưng đồng có tướng vô vi.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Trái với lý là tạo tác, cho nên Tam bảo đều vô vi.
Chánh văn: Bình đẳng như hư không. Tất cả pháp cũng như thế.
Nếu có thể tùy thuận hạnh này tức là vào pháp môn chẳng hai.” Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói: “Thân và thân diệt là hai.” Ngài La-thập nói:
– Thân tức năm thọ ấm, thân diệt tức Niết-bàn.
Chánh văn: Thân tức thân diệt. Vì sao? Nếu thấy thật tướng của thân thì chẳng thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không phân biệt, trong đó chẳng sợ hãi, đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Khi các pháp sinh thì “không” sinh, khi các pháp diệt thì “không” diệt, thân còn hay mất cũng đâu có gì khác mà ôm lòng sợ hãi nơi đó?
Chánh văn: Bồ-tát Thượng Thiện nói: “Nghiệp thân, nghiệp miệng và nghiệp ý là hai. Ba nghiệp này đều là tướng vô tác. Tướng vô tác của thân tức tướng vô tác của miệng, tướng vô tác của miệng tức tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức tướng vô tác của tất cả pháp.
Nếu có thể tùy thuận tuệ vô tác như thế tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ba nghiệp tuy khác, nhưng chỉ là một vô tác mà thôi. Các pháp sinh vốn do nơi ba nghiệp. Ba nghiệp đã không thì ai tạo tác các pháp?
Chánh văn: Bồ-tát Phước Điền nói: “Phước hạnh tội hạnh và bất động hạnh là hai.”
Ngài La-thập nói:
– Phước hạnh là hạnh thiện ở cõi dục, thường dẫn đến quả báo yên vui. Tội hạnh là mười nghiệp bất thiện, dẫn đến quả báo khổ đau. Bất động hạnh là hạnh ở cõi Sắc và Vô sắc. Nghĩa bất động cũng như trong phần luận về thông đạt Phật đạo đã nói.
Chánh văn: Thật tánh của ba hạnh tức là không, không thì chẳng có phước hạnh, tội hạnh và bất động hạnh. Chẳng khởi ba hạnh này là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phước tức là hạnh thiện ở cõi Dục; tội tức mười ác; bất động tức là hạnh ở cõi Sắc và Vô sắc.
Chánh văn: Bồ-tát Hoa Nghiêm nói: “Từ ngã mà khởi hai là hai. Thấy được thật tướng của ngã, chẳng khởi hai pháp. Nếu chẳng trụ hai pháp thì không có thức, không có thức là vào pháp môn chẳng hai.” Ngài Tăng Triệu nói:
– Do có ngã nên có bỉ, do đó mà sinh ra hai. Nếu thấy thật tướng của ngã thì thức của bỉ ngã không do đâu mà sinh.
Chánh văn: Bồ-tát Đức Tạng nói: “Có tướng sở đắc” là hai, nếu không có sở đắc tức không lấy bỏ, không lấy bỏ tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Đắc là do nơi ngã, tướng là tại nơi bỉ. Ngã chẳng có tướng đắc thì ai lấy ai bỏ?
Chánh văn: Bồ-tát Nguyệt Thượng nói: “Tối và sáng là hai. Không tối không sáng, tức không có hai. Vì sao? Vì như nhập định Diệt thọ tưởng thì...
Ngài La-thập nói:
– Chỉ nói về biết chiếu và diệt trong đó, mà không có tối sáng.
Chánh văn: Không tối không sáng. Tất cả các pháp cũng như thế, nếu bình đẳng thâm nhập lý này tức là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Nhị thừa nhập định diệt hết thì sáu căn không còn tác dụng, tâm tưởng cũng diệt, tuy có trải qua ngày đêm mà chẳng biết sáng tối khác nhau. Đây là dụ cho việc Bồ-tát vô tâm nơi sáng tối.
Chánh văn: Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói: “Thích Niết-bàn, không thích thế gian là hai. Nếu chẳng thích Niết-bàn, chẳng chán thế gian thì không có hai. Vì sao? Vì nếu có trói buộc thì có giải thoát, nếu không trói buộc thì nào có cầu giải thoát. Không trói buộc, không giải thoát thì không thích không chán, đó là vào pháp môn không hai.”
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thế gian chẳng trói buộc, há lại chán ư? Niết-bàn không giải thoát, há lại thích ư?
Chánh văn: Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói: “Chánh đạo, tà đạo là hai. Trụ nơi chánh đạo thì chẳng thể phân biệt tà chánh. Xa lìa hai bên này là vào pháp môn chẳng hai.” Bồ-tát Nhạo Thật nói rằng: “Thật và chẳng thật là hai. Thật thấy còn chẳng thấy thật huống là chẳng thật. Vì sao? Vì chẳng phải là chỗ thấy của nhục nhãn, tuệ nhãn mới thấy được. Tuệ nhãn này không thấy mà không gì chẳng thấy, là vào pháp môn chẳng hai.”
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thật tướng là cảnh của tuệ nhãn, chẳng phải cái thấy của nhục nhãn, tuệ nhãn còn không thấy thật huống chi chẳng thật. Tuy nói không thấy nhưng không gì chẳng thấy. Đó là thể của chân tuệ nhãn.
Chánh văn: Như thế các vị Bồ-tát, mỗi mỗi đều đã nói xong, thì lại đồng hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: “Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn chẳng hai?” Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp: “Theo như ý của tôi, thì đối với tất cả pháp không nói năng.” Ngài La-thập nói:
– Thuyết tức luận biện khéo léo, uyển chuyển.
Chánh văn: Không thuyết giảng.
Ngài La-thập nói:
– Thuyết việc đã qua.
Chánh văn: Không chỉ bày.
Ngài La-thập nói:
– Hiển hiện tướng trạng, rồi nói là thiện là ác, tức chỉ bày.
Chánh văn: Không biết, xa lìa sự hỏi đáp. Đó là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Các vị Bồ-tát nêu trên, chỗ trình bày tuy đồng mà nhân duyên lại khác nhau. Chỉ nói thẳng vào pháp tướng, chẳng nói về không lời. nay ngài Văn-thù tổng gom tất cả các thuyết của những vị Bồ-tát kia mà khai thị pháp môn chẳng hai. Nói thẳng pháp tướng chẳng có lời, chẳng nên dùng lời nơi pháp tướng, lấy đó làm lời là chỗ cùng tột của lời. Nhưng so với im lặng thì cũng còn ở phía sau.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Các vị Bồ-tát trước, mỗi mỗi đều nói về nghĩa chẳng hai, tựa như có chẳng hai để nói bàn. Nếu có chẳng hai để luận nói, thì lại là đối đãi với hai mà có chẳng hai kia. Vì thế ngài Văn-thù nói không thể thuyết mới là chẳng hai.
Chánh văn: Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Chúng tôi mỗi người đã nói xong, còn nhân giả nói thế nào là Bồ-tát vào pháp môn chẳng hai? Ông Duy-ma-cật im lặng không nói năng gì.
Ngài La-thập nói:
– Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn sáu trăm năm, có một người đã sáu mươi tuổi mới xuất gia, nhưng không bao lâu đã tụng thuộc tam tạng. Kế đó lại tạo các luận nghị về tam tạng. Tạo các luận xong thì suy nghĩ rằng: Trong Phật pháp lại còn có việc gì? Chỉ có pháp Thiền, ta nên tu tập.” Do đó mà ngài hành trì pháp thiền, và tự lập nguyện rằng: “Nếu chẳng đắc đạo, chẳng đầy đủ tất cả công đức của Thiền định, thì chẳng bao giờ ngủ nghỉ, hông chẳng chạm đất. Do đó mà có tên là Tỳkheo Hiếp. Không bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba minh, sáu thông, có đại biện tài, giỏi luận nghị. Bấy giờ, có một thầy ngoại đạo tên là Mã Minh, có trí tuệ, căn cơ lanh lợi, thông đạt tất cả các kinh sách, lại cũng có đại biện tài, có thể phá tất cả các luận nghị, nghe danh Tỳ-kheo Hiếp, liền dẫn các đệ tử đến mà nói rằng: “Tất cả các luận nghị ta đều phá được, nếu ta không phá được ngôn luận của ông thì sẽ cắt đầu tạ tội.” Tỳ-kheo Hiếp nghe Mã Minh nói thế thì im lặng không đáp. Mã Minh sinh tâm kiêu mạn nói rằng: “Người này chỉ có hư danh, thật ra chẳng biết gì cả.” Xong liền dắt các đệ tử đi. Đi được nữa đường suy nghĩ xong rồi nói với đệ tử rằng: “Người này có trí tuệ sâu xa, ta bị thua rồi!” Các đệ tử lấy làm lạ hỏi rằng: “Vì sao?” Đáp: “Ta nói có thể phá tất cả ngôn luận, tức là tự phá mình, còn ông ấy chẳng nói năng bàn luận thì không có chỗ để phá.” Tức thời dẫn các đệ tử trở lại nói với Tỳ-kheo Hiếp rằng: “Tôi bị thua, tức là ngu si, đầu ngu si này, tôi chẳng cần, ông hãy cắt đi! Nếu ngài chẳng cắt thì tôi sẽ tự cắt.” Tỳ-kheo Hiếp nói rằng: “Chẳng cần cắt đầu của ông, chỉ cần cắt búi tóc, thì so với người thế gian cũng như đã chết.” Tức thời cắt tóc làm đệ tử Tỳ-kheo Hiếp. Về sau trở thành một bậc có trí tuệ biện tài, trên đời không ai sánh bằng; lại tạo nhiều luận, hoằng dương Phật pháp rộng khắp; người thời bấy giờ, tôn xưng là vị Phật thứ hai. Phàm im lặng và nói năng tuy khác mà luận về tông chỉ chỉ là một; chỗ thể hội tuy một mà hiển bày thì có tinh và thô. Có nói nơi không lời chẳng bằng không nói nơi không lời. Cho nên im lặng để luận bàn là sự luận bàn kỳ diệu.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Có nói nơi không lời, chẳng bằng không nói nơi không lời, vì thế mà im lặng. Trên các vị Bồ-tát thi thố lời nơi pháp tướng, ngài Vănthù thì dùng có nói nơi không lời, ngài Tịnh Danh thì lại không nói nơi không lời. Cả ba, về tông tuy đồng nhưng sự thể hiện có sâu cạn. Vì thế nói chẳng bằng không nói, tri chẳng bằng vô tri, thật đáng tin vậy ư?
Ngài Đạo Sinh nói:
– Ngài Văn-thù tuy nói chẳng thể thuyết, nhưng chưa nói thuyết tức không thuyết. Vì thế ông Duy-ma im lặng không nói để biểu hiện lời nói chẳng thật. Nếu lời nói là thật thì há có thể im lặng được chăng?
Chánh văn: Ngài Văn-thù-sư-lợi khen rằng: “Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Cho đến không có văn tự ngôn ngữ mới thật là vào pháp môn chẳng hai.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Người lãnh hội sự im lặng của ông Duy-ma chính là ngài Vănthù. Vì ông Duy-ma giữ kín lời nên khen tặng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dấu tích của lời nói bặt dứt chỗ không lời, nên khen kỳ diệu!
Chánh văn: Khi nói phẩm vào pháp môn chẳng hai này, năm ngàn vị Bồ-tát trong chúng hội đều vào pháp môn chẳng hai, được Vô sinh pháp nhẫn.