CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT
Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.
PHẨM 8: PHẬT ĐẠO
Chánh văn: Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Bồ-tát làm thế nào để thông đạt Phật đạo?” Ngài La-thập nói:
– Nhân phẩm trước Thiên nữ tùy thuận thọ thân để lưu thông Phật pháp, nên phẩm này nói rộng về dấu tích ứng hóa viên mãn, để hiển rõ công năng thông đạt.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Trên là nói đạo của chư Phật lấy không đắc làm đắc. Đạo này thật rỗng rang chẳng phải các hạnh thường có thể thông đạt được. Muốn thông đạt phải có nguyên nhân cho nên hỏi làm sao để thông đạt.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Ứng hóa vô cùng là đạo của chư Phật. Đã thể hội được tức là thông đạt.
Chánh văn: Duy-ma-cật nói: “Bồ-tát thực hành nơi phi đạo.” Ngài La-thập nói:
– Phi đạo có ba:
- Quả báo của đường ác.
- Hành nghiệp của đường ác.
- Thiện nghiệp thế gian và quả báo của thiện nghiệp.
Phàm trái nghịch với gốc thật mà ở trong đó đều gọi là phi đạo. Ở nơi trái nghịch mà chẳng xa lìa gốc, nên nhân phi đạo mà hoằng đạo thì thông đạt Phật đạo. Ví như đối với lương y, các vật đều là thuốc, nên y thuật được lưu hành, gặp bệnh liền chữa trị.
Chánh văn: Là thông đạt Phật đạo.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phàm cho đạo là đạo, phi đạo là phi đạo, thì yêu ghét khởi, trần cấu phiền não hiện, sao có thể thông suốt được diệu chỉ của tâm, đạt được đạo bình đẳng? Nếu chẳng cho đạo là đạo, chẳng cho phi đạo là phi đạo thì thị phi bặt dứt nơi tâm, gặp chúng sinh liền chuyển vận. Vì thế, ở nơi thị mà chẳng có tâm là thị, chuyển vận phi mà chẳng có ý chẳng phải phi, nên có thể đồng quán thiện ác, ở nơi nghịch mà thường thuận, hòa quang cùng trần lao, càng tối thì càng sáng. Đó có thể cho là thông đạt Phật đạo bình đẳng vô ngại.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Đã vượt ra ngoài hình nghi mà thực hành thì đều là ứng hóa. Nhân nơi Thiên nữ chính là việc ấy, cho nên bàn luận rộng thêm. Chánh văn: Lại hỏi: “Thế nào là Bồ-tát thực hành nơi phi đạo?”
Đáp: “Bồ-tát thực hành năm vô gián mà không sân hận.” Ngài La-thập nói:
– Tức năm tội nghiệp vô gián. Địa ngục, ngạ quỷ là các quả báo của đường ác.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tội ngũ nghịch ắt là do sân hận sinh khởi. Phàm tội này, khi xả thân mạng ắt phải vào địa ngục, chịu khổ không bao giờ gián đoạn. Bồ-tát thị hiện thực hành năm tội nghịch mà không có tâm sân hận, đó là do chẳng cho nghịch là nghịch, nên có thể đồng với nghịch. Nếu cho nghịch là nghịch thì ai dám đồng với nó?
Chánh văn: Vào địa ngục mà không có tội cấu.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tội cấu là nhân của địa ngục, thị hiện thọ quả báo này, mà thật chẳng gây nhân.
Chánh văn: Vào súc sinh mà không có các lỗi vô minh, kiêu mạn…
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ngu si, kiêu mạn phần nhiều đọa vào súc sinh.
Chánh văn: Vào loài ngạ quỷ mà đầy đủ các công đức.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tham lam bỏn sẻn, không phước đức, phần nhiều đọa vào ngạ quỷ.
Chánh văn: Vào cõi Sắc và Vô sắc chẳng cho là thù thắng.
Ngài La-thập nói:
– Bản tiếng Phạm ghi: Vào cõi Sắc và Vô sắc. Phàm phu sinh vào đó thì cho là Niết-bàn, tối thắng bậc nhất. Nay từ hữu vi mà sinh, nên chẳng cho là thù thắng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Đạo của hai cõi trên là thọ nhân hữu vi, tuy đồng một hạnh nhưng biết rõ đó là cảnh giới thấp kém.
Chánh văn: Thị hiện hành tham dục mà xa lìa đắm nhiễm; thị hiện giận dữ mà đối với chúng sinh không ngăn ngại; thị hiện ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thị hiện có ba độc mà chẳng trái với ba thiện.
Chánh văn: Thị hiện tham lam bỏn sẻn mà lại xả bỏ tất cả, chẳng tiếc thân mệnh. Thị hiện sân hận mà thường Từ bi nhẫn nhục. Thị hiện biếng trễ mà siêng năng tu các công đức. Thị hiện có tâm tán loạn mà thường định. Thị hiện ngu si mà thông đạt trí tuệ thế gian, xuất thế gian.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thị hiện sáu tệ mà chẳng trái sáu Độ.
Chánh văn: Thị hiện dối trá mà khéo dùng phương tiện tùy thuận nghĩa kinh.
Ngài La-thập nói:
– Tuy hiện tích đồng với siểm khúc mà thật chẳng trái chánh đạo.
Đó là dùng phương tiện khéo léo tùy thuận nghĩa kinh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Bên ngoài thì hiện tùy tục dối trá, bên trong thì thật tùy phương tiện các kinh.
Chánh văn: Thị hiện kiêu mạn mà đối với chúng sinh như chiếc cầu, bến nước.
Ngài La-thập nói:
– Tức nói tự khiêm hạ, nếu có bị chúng sinh dày đạp mà vẫn nhẫn chịu, không kiêu mạn, giống như chiếc cầu.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Dẫu cho chúng sinh đều đạp trên ta, nhưng ta vẫn giữ sự khiêm hạ cùng tột.
Chánh văn: Thị hiện có phiền não mà tâm thường thanh tịnh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Hiện phiền não bên ngoài mà bên trong tâm thường thanh tịnh.
Chánh văn: Thị hiện vào các ma mà thuận trí tuệ Phật, chẳng theo sự giáo hóa của chúng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ngoài đồng với tà giáo, mà bên trong thuận với chánh tuệ.
Chánh văn: Thị hiện làm Thanh văn, mà thường thuyết cho chúng sinh nghe pháp chưa từng nghe.
Ngài La-thập nói:
– Ở nơi trái nghịch mà chẳng xả bỏ gốc, thì sự tu tập thù thắng càng sáng tỏ, nên chẳng đợi nghe rồi mới thuyết.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Hàng Thanh văn nếu chẳng nghe người thuyết thì chẳng tự ngộ, huống gì là việc nói cho người nghe pháp chưa từng nghe?
Chánh văn: Thị hiện làm Bích-chi-Phật mà thành tựu đại Bi giáo hóa chúng sinh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Đại Bi là pháp Đại thừa, hàng Bích-chi-Phật chẳng thể hành trì.
Chánh văn: Thị hiện vào hàng bần cùng mà có trong tay báu vô tận công đức.
Ngài La-thập nói:
– Từ tay lưu xuất ra báu vật, ban phát cho khắp tất cả mà không cùng tận.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Từ tay tự nhiên tuôn ra vật báu, ban phát cùng khắp mà chẳng hết.
Chánh văn: Thị hiện làm kẻ tàn tật mà đầy đủ tướng quý và vẻ đẹp trang nghiêm thân. Thị hiện vào hàng hạ tiện mà sinh trong chủng tánh Phật, đầy đủ công đức.
Ngài La-thập nói:
– Chủng tánh Phật tức Vô sinh nhẫn. Đạt pháp nhẫn sâu xa này gọi là pháp sinh, thì đã vượt trên hàng hạ tiện mà vào cảnh giới Phật.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Được Vô sinh nhẫn ắt kế thừa hạt giống Phật nên gọi là sinh trong chủng tánh Phật.
Chánh văn: Thị hiện làm kẻ gầy yếu xấu xí mà được thân Na-la-diên.
Ngài La-thập nói:
– Na-la-diên là một vị lực sĩ ở cõi Trời, vị này thân thể đoan chánh, bền chắc, mạnh mẽ.
Chánh văn: Tất cả chúng sinh đều muốn nhìn.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Na-la-diên là tên một lực sĩ ở cõi Trời, thân hình đoan chánh đẹp đẽ kỳ lạ, chí lực dũng mãnh.
Chánh văn: Thị hiện già, bệnh mà vĩnh viễn đoạn trừ gốc bệnh, không còn sợ chết.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Bậc Pháp thân Đại sĩ vĩnh viễn không còn sinh tử, huống là già bệnh?
Chánh văn: Thị hiện làm những người có tài sản lớn mà luôn quán vô thường, không còn tham đắm. Thị hiện có thê thiếp nô tỳ, mà thường xa lìa vũng bùn năm dục.
Ngài La-thập nói:
– Ví dụ như Thái tử Mộ Phách.
Chánh văn: Hiện làm kẻ đần độn mà thành tựu biện tài, Tổng trì chẳng mất. Thị hiện vào tà tế mà dùng chánh tế.
Ngài La-thập nói:
– Nơi để vượt qua sông gọi là tế (bến sông).
Chánh văn: Độ chúng sinh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Nơi bến sông có thể vượt qua gọi là Chánh tế (bến tốt, thuận lợi).
Nơi hiểm nạn gọi là tà tế. Phật đạo gọi là Chánh tế, ngoại đạo là tà tế.
Chánh văn: Hiện khắp các đường, mà đoạn trừ nhân duyên.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Vào khắp các dị đạo, há nói là mến mộ mong cầu ư? Đó là muốn đoạn trừ duyên ấy mà thôi.
Chánh văn: Hiện vào Niết-bàn mà chẳng đoạn sinh tử.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Hiện thân vào Niết-bàn mà lại vào sinh tử. Những việc nêu trên đều là phi đạo đối với Bồ-tát, nhưng vẫn ở trong đó mà không ngăn ngại, đó mới là đạo, nên gọi là thông đạt Phật đạo.
Chánh văn: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Nếu Bồ-tát có thể thực hành phi đạo như thế, mới thông đạt Phật đạo. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi.
Ngài La-thập nói:
– Từ khi gặp gỡ đến bây giờ chỉ một mình ông Duy-ma nói, tựa như công năng của tuệ biện tài này có chỗ quy về thiên lệch. Nay muốn thỉnh ngài Văn-thù thuyết để hiển đức của ngài. Cũng nói rằng khen tặng để cúng dường.
Chánh văn: Thế nào là hạt giống Như Lai?
Ngài La-thập nói:
– Hạt giống, căn bản, nhân duyên chỉ là một nghĩa. Do ở trên Đại sĩ tùy các loại giáo hóa chúng sinh, thông đạt Phật đạo. Chắc chắn biết các chúng sinh tích ác có thể phát đạo tâm. Có thể phát đạo tâm, thì đó là nhân duyên của Phật đạo, nên hỏi về Phật chủng (hạt giống Phật). Cũng có thể cho rằng hàng mới học muốn đạt quả Phật mà chưa biết nhân Phật, nên hỏi về nhân.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Đã luận về nguyên do thông đạt Phật đạo, lại hỏi nơi phát khởi của đạo này. Ông Duy-ma và ngài Văn-thù thay nhau hỏi đáp, tùy thuận chúng sinh mà làm, ai biết được lý do.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Hạt giống Như Lai là nói theo hạt giống ngũ cốc. Trước nói các ác là Phật, nay nói thật ác là hạt giống, nên kế đến phản vấn. Chánh văn: Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: “Thân hữu là hạt giống.” Ngài La-thập nói:
– Thân hữu tức là thân năm thọ ấm hữu lậu. Nghĩa ghi: thân hữu tức thân kiến, thân kiến là nguồn của ba hữu là căn bản của kết sử phiền não, nên nói thẳng vào thân kiến. Thân kiến thì chấp ngã, muốn khiến cho được vui thì luôn làm thiện, nên gọi là hạt giống Phật.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thân hữu tức thân kiến. Phàm tâm không nhất định, tùy theo vật mà biến đổi, nếu tại tà thì theo tà, tại chánh thì thuận chánh. Tà chánh tuy khác, nhưng hạt giống không khác. Vì sao? Vì chuyển tà thành chánh cải ác là thiện; há có chánh khác tà, thiện khác ác nào riêng biệt, siêu việt không có nhân mà bỗng nhiên tự được ư? Vậy chánh là do tà mà khởi, thiện là do ác mà sinh. Cho nên nói các kết sử phiền não là hạt giống Như Lai.
Chánh văn: Vô minh hữu ái là hạt giống.
Ngài La-thập nói:
– Trước là nói chung, ở đây thì chia hai môn. Tất cả các kết sử thuộc hai môn này, nên chỉ nêu hai môn. Từ đây trở xuống lần lược khai triển rộng thêm.
Chánh văn: Tham, nhuế, si là hạt giống, bốn điên đảo là hạt giống, năm cái là hạt giống.
Ngài La-thập nói:
– Bốn đảo là nhân, năm cái là quả, đó gọi là hai bánh xe của sinh tử, hai bánh xe đã đủ thì lăn khắp trong sáu đường.
Chánh văn: Sáu nhập là hạt giống.
Ngài La-thập nói:
– Nghĩa là sáu tình ái. Ái là gốc của sinh, nên được nêu lên.
Chánh văn: Bảy thức là hạt giống.
Ngài La-thập nói:
– Trong Sơ thiền, trừ Phạm vương và các Tiểu Phạm thiên vào thời kiếp sơ, còn từ đó về sau đều là Thức trụ thứ nhất. Vào kiếp sơ chỉ có Phạm vương chưa có các Phạm thiên khác. Phạm vương khởi tâm suy nghĩ muốn có các Phạm thiên khác, các Phạm thiên kia bấy giờ, cảm được niệm ấy bèn sinh sang. Phạm vương nhân đó khởi tà kiến cho rằng do ta tạo ra; các Phạm vương khác cũng tự cho rằng mình do Phạm vương sinh ra. Tuy có tinh thô, nhưng ý tưởng sai trái kia chẳng khác, vì thế gọi là Thân khác tưởng đồng, đây là Thức trụ thứ hai. Ở đệ Nhị thiền hình sắc không có hơn kém, nhưng tâm thì rất nhiều, trừ các vị vào giải thoát, còn lại thì rất nhiều niệm khác nhau, nên gọi là thân đồng tưởng khác, đây là Thức trụ thứ ba. Đệ Tam thiền thì hình thể không có hơn kém, tâm cũng không có các tưởng khác nhau, chỉ có một ý tưởng vui, đây là Thức trụ thứ tư, cộng với ba thức trụ ở ba địa trước của Vô sắc thành bảy thức trụ. Thức trụ tức thức được an trụ. Thức niệm rõ ràng không có phiền não, không bị hủy hoại, nên gọi là trụ. Các đường ác thì sự thống khổ hủy hoại; đệ Tứ thiền thì bị vô tưởng phá hoại, phi tưởng thì bị diệt định hủy hoại, tức nói rằng các địa ấy tâm tưởng nhỏ nhiệm mờ mịt, thức niệm không rõ ràng, nên thức không an trụ.
Hỏi: Dục giới cũng bị đường ác hủy hoại vì sao lập thức trụ?
Đáp: Vì y cứ vào Địa mà không y cứ vào giới (cõi) hoại. Đường ác đường thiện ở cõi Dục thì đường cũng nghịch mà địa cũng trái, khổ lạc khác nhau chẳng quan hệ, nên chẳng hủy hoại lẫn nhau. Nghĩa ghi:
“Lẽ ra là bảy sử.”
Chánh văn: Tám tà pháp là hạt giống, chín não xứ là hạt giống.
Ngài La-thập nói:
– Thương yêu oan gia của ta, ghét bỏ bạn lành của ta, não hại thân mạng của ta, một đời có ba, ba đời thành chín. Nghĩa ghi: Chín kết.
Chánh văn: Mười bất thiện đạo là hạt giống. Tóm lại sáu mươi hai kiến và tất cả phiền não là hạt giống Phật.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chúng sinh trần lao tức thành Phật đạo, chứ chẳng có người nào khác thành Phật, nên gọi là hạt giống Phật.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Phàm giác ngộ đạo Đại thừa vốn chẳng phải gần thì bỏ sinh tử,lại xa xôi tìm cầu mà chính từ các việc trong sinh tử, nếu ứng dụng được chỗ chân thật thì đó là ngộ. Nếu ở các việc ấy mà biến cái thật kia làm khởi đầu của ngộ, thì há chẳng phải là mầm Phật sinh khởi từ việc sinh tử ư? Việc ngộ ấy đã được nuôi lớn, ắt việc ấy phải khéo léo, thế thì chẳng phải là nghĩa hạt giống ư? Vì thế đầu tiên là nói thân hữu lậu, cuối cùng là nói tất cả phiền não, đều là để nói về lý chuyển từ lúc mới khởi đến cuối cùng đại ngộ được thật lý.
Chánh văn: Hỏi: Vì sao?
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phàm đạo rốt ráo vi diệu ắt phải có nhân vi diệu mà lại nói trần lao là hạt giống là vì sao?
Ngài Đạo Sinh nói:
– Phật là tuệ cùng tột mà lại dùng cái ác làm hạt giống thì chưa có thể chắc chắn là tin được, nên mới hỏi thêm.
Chánh văn: Đáp: Nếu người thấy được vô vi mà vào chánh vị.
Ngài La-thập nói:
– Từ giai vị Khổ pháp nhẫn đến A-la-hán vô sinh, đến Phật đều gọi là Chánh vị. Nói vô vi mà vào tức do chấp tướng mà thấy nên vào chánh vị thủ chứng. Lại nói thấy vô vi, vô vi tức Diệt đế, Diệt đế là chứng pháp, quyết định rõ ràng. Khi thấy hai đế trước, tuy không có thế lực phản hồi, nhưng chưa quyết định rõ ràng. Đó là nói căn cứ vào tâm quyết định để chấp chỗ chứng ngộ.
Chánh văn: Thì chẳng thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Lấy việc hiện hữu mà chứng minh. Thấy vô vi vào chánh vị, nghĩa là từ giai vị khổ pháp nhẫn trở lên, các kết sử đã đoạn trừ. Đã đến đây thì bắt đầu thấy được vô vi. Vì muốn bỏ sinh tử mà cầu chứng ngộ, thì ngộ ở ngoài sinh tử; không gì chẳng xả bỏ là nghĩa ngộ, nên không thể phát tâm Bồ-đề.
Chánh văn: Ví như trên gò cao thì hoa sen chẳng sinh trưởng, nơi đất thấp bùn lầy thì hoa sen mới sinh. Như thế người thấy pháp vô vi vào chánh vị, rốt cuộc chẳng thể sinh nơi Phật pháp, chỉ ở trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh khởi Phật pháp.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dụ cho việc vào chánh vị.
Chánh văn: Vả lại, như gieo hạt giống trong hư không thì chẳng thể mọc được, gieo vào vùng đất có phân mới sinh trưởng tốt tươi. Như thế người vào vô vi chánh vị thì chẳng sinh nơi Phật pháp; kẻ khởi ngã kiến như núi Tu-di.
Ngài La-thập nói:
– Tức là nói ngã kiến ấy đã sâu nặng mà lại cao.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tâm của ta cao như núi Tu-di nằm giữa các núi.
Chánh văn: Còn có thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề, sinh vào Phật pháp.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dụ cho việc thấy vô vi. Hai dụ này đều nói về mầm giống phát khởi từ việc ấy.
Chánh văn: Vì thế nên biết tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.
Ngài La-thập nói:
– Nghĩa là vì tất cả chúng sinh mà từ vô số kiếp đến nay, lấy phiền não thọ thân, vào sâu nơi sinh tử, tích tụ tất cả gốc thiện để cứu độ họ, sau đó mới thành Phật đạo, vì thế gọi là hạt giống.
Chánh văn: Ví như chẳng vào biển lớn thì chẳng lấy được hạt châu vô giá, như thế chẳng vào biển lớn phiền não thì chẳng đạt được của báu Nhất thiết trí.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Hàng Nhị thừa đã thấy vô vi, an trụ nơi chánh vị, tâm rỗng không, vắng lặng điềm nhiên; chẳng còn sợ hãi sinh tử, nhưng còn ưa thích vô vi, thờ ơ lãnh đạm tự cho là đầy đủ, không còn mong cầu gì nữa, đâu có gì che chắn ngăn ngại, để lấy Đại thừa làm tâm? Còn phàm phu chìm đắm trong năm đường, bị phiền não che mờ, tiến thì không thuộc vào số vô vi, thoái thì có sự sợ hãi sinh tử; vậy tâm ta tự cao chỉ mến mộ sự thù thắng, nên có thể vào nơi trần lao mà chuyên tâm cầu đạo Vô thượng. Tuy gốc là sinh tử mà nở hoa chánh giác. Nếu chẳng phải là phàm phu, mạng vào vực sâu, thân lặn trong biển trần thì nào có thể lấy được của báu vô thượng này? Vì thế phàm phu được gọi là xoay trở qua lại. Nhị thừa lại bị chê là căn cơ bại hoại.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Châu báu vô giá do biển cả tạo thành, của báu Nhất thiết trí là do phiền não tạo ra. Cần phải vào biển phiền não tìm cầu mới được. Một dụ này nói về nghĩa chẳng xả bỏ các kết sử thì có nghĩa phản nhập.
Chánh văn: Bấy giờ, ngài Đại Ca-diếp khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Thích thú quá! Đúng như lời ngài nói! Tất cả các trần lao là hạt giống Như Lai; chúng tôi, ngày hôm nay chẳng còn có thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đến như kẻ tạo ra năm tội vô gián mà còn có thể phát ý, sinh vào Phật pháp, mà chúng tôi vĩnh viễn chẳng thể phát tâm, như những kẻ các căn đã hư hoại (căn bại), chẳng còn cảm xúc với năm món dục lạc. Cũng thế, hàng Thanh văn đã đoạn trừ hết kết sử, không còn lợi ích trong Phật pháp, vĩnh viễn không còn chí nguyện gì
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ngài Ca-diếp tự biết tâm mình yếu kém, không thể phát tâm nơi đạo lớn; đến như cầu pháp thù thắng, chỉ là để cho những người tạo năm tội nghịch, cảm tưởng mình chẳng kham nổi, khen lời nói của ngài Văn-thù.
Chánh văn: Vì thế, thưa ngài Văn-thù! Phàm phu ở trong Phật pháp có sự trở lại còn Thanh văn thì không có, vì sao? Vì phàm phu nghe Phật pháp có thể phát khởi tâm Vô thượng đạo, chẳng đoạn Tam bảo. Còn chính như Thanh văn suốt đời nghe các Phật pháp như Lực, Vô úy… mà vĩnh viễn chẳng thể phát tâm cầu đạo Vô thượng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Phàm phu nghe pháp, thì kế thừa được giòng giống Phật, thì việc báo ân có đáp trả. Hàng Thanh văn chỉ tự tu thân mình chẳng hoằng truyền Tam bảo, đối với Phật pháp không đáp trả. Vả lại, kinh Pháp Hoa ghi: “Hàng Nhị thừa giữa đường dừng nghỉ, rốt cuộc thành Phật đạo”, nhưng kinh này lấy việc căn hư hoại để làm dụ, không còn chí mong cầu. Phàm Niết-bàn là đạo chân thật, rốt ráo vi diệu, Nhị thừa thì tập khí kết sử chưa hết, ám chướng chưa trừ, như thế làm sao có thể dùng tâm trần lụy mà cầu đạo rốt ráo chân thật? Vì ba thừa đều có phần tận nên giả trao cho Niết-bàn, mà chẳng phải là Niết-bàn chân thật. Kinh này cho rằng hàng Nhị thừa nhàm chán sinh tử, không còn muốn tiến lên phía trước nữa, ẩn náu mãi mãi nơi vô vi; trái lại, hàng phàm phu thì vĩnh viễn dứt tuyệt. Vả lại, khi khen ngợi thì nghe xem thường Tiểu thừa. Bậc Chí nhân ứng hóa khác nhau, lập giáo chẳng phải là một, cho nên các kinh có thuyết khác nhau.
Chánh văn: Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Bồ-tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Cư sĩ! Cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc, nhân dân, tri thức là những ai? Tớ gái, tôi trai, voi ngựa, xe cộ đều ở nơi đâu?
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ngài Tịnh Danh có phương tiện vô cùng khéo léo, ẩn hiện khó lường. Bên ngoài hiện đồng thế tục có quyến thuộc gia đình, bên trong lấy pháp làm gia thuộc, sợ người mê hoặc thấy hình chẳng bằng đạo pháp, nên mới hỏi câu này.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Bồ-tát Phổ Hiện Sắc Thân cho việc thông đạt Phật đạo là dấu tích, hỏi nghĩa này là muốn nói rõ việc ấy ắt phải có gốc, trái với đầu mối sinh tử, cho nên có thể vào tất cả. Vì thế cuối cùng trả lời về giới phẩm thì liền nói việc làm thật là vô cùng.
Chánh văn: Ông Duy-ma-cật dùng kệ đáp rằng: Trí ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Đó là Bồ-tát lấy trí tuệ làm chủ, mà trí tuệ lại lấy sự minh giải bên trong làm dụng, có nghĩa mẹ trong đó.
Chánh văn: Phương tiện đó là cha.
Ngài La-thập nói:
– Cùng tận nguồn của trí nên gọi là Độ. Trong tiếng Phạm có nghĩa mẹ, nên gọi là mẹ. Cũng nói rằng Trí độ tuy lấy sự chiếu soi làm thể, thành tựu vạn hạnh cứu độ, so sánh về công dụng thì không bằng phương tiện, nên nói là mẹ. Chánh phương tiện là cha, trong âm tiếng Phạm có nghĩa cha. Phương tiện có hai loại:
- Giải “không”thật sâu xa mà không chấp tướng thủ chứng.
- Vì lý thật tướng quá sâu xa, không ai có thể tin nhận, nên cần phải có phương tiện dụ dẫn quần sinh, khiến họ dần dần ngộ nhập, nghĩa của phương tiện sâu xa mà công thì nặng nên gọi là cha.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Trí là chiếu soi bên trong, phương tiện là dụng ở bên ngoài. Vạn hạnh đều do đây mà sinh, chư Phật nhân đây mà xuất hiện. Vì thế Bồtát lấy trí làm mẹ, lấy phương tiện làm cha.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Phương tiện lấy việc cứu giúp bên ngoài làm dụng, trở thành nghĩa cha của đạo Bồ-tát.
Chánh văn:
Đạo sư của mọi loài Đều từ nơi đây sinh.
Ngài La-thập nói:
– Bồ-tát và Như Lai gọi chung là Đạo sư. Vì các vị Bồ-tát mới học cho rằng mình chưa tránh khỏi việc thọ sinh, cần có cha mẹ. Nay muốn hiển thị do pháp hóa sinh, bặt dứt việc thọ sinh thân, nên dùng pháp để trả lời.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Bồ-tát trở lên đến Phật.
Chánh văn: Pháp hỷ chính là vợ.
Ngài La-thập nói:
– Như trong Nhị thiền, tự vui vì đã xa lìa địa dưới, nên sinh Hỷ. Cũng nói rằng đối với các thiện và thật pháp, thâm tâm ưa thích, phát sinh đại hoan hỷ. Lấy đây để tự vui, không cần niềm vui nào nữa. Hỷ là nhạc cụ, dụ như người vợ.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Pháp hỷ tức thấy bên trong sinh hoan hỷ. Người thế tục lấy sắc đẹp của vợ làm vui, Bồ-tát lấy pháp Hỷ làm vui.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Người vợ lấy việc thủ tiết làm vui, thất tiết thì buồn. Hỷ đối với pháp, ý nghĩa như thế.
Chánh văn: Tâm Từ bi là nữ.
Ngài La-thập nói:
– Tánh của Từ bi yếu kém, tùy chúng sinh mà vào các hữu, giống như người nữ tánh yếu kém thường tùy vật.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tâm Từ bi giống như tánh của người nữ, nên gọi là nữ.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Từ bi lấy việc thích ứng bên ngoài làm dụng, có nghĩa của nữ.
Chánh văn: Tâm thiện thành thật, là nam.
Ngài La-thập nói:
– Tâm thành thật có thể làm các việc, giống như tánh kiên cố của người nam, tạo thành gia nghiệp.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thành thật, ngay thẳng là tánh của người nam. Cũng có người làm ác mà thật, nên ở đây nêu tâm thiện.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tâm đã thiện lại thêm thành thực, ắt có thể cán đáng ngôi nhà Bồ-tát mà thành tựu nghiệp lớn; có việc của người nam, nên gọi thành thực là nam.
Chánh văn: Rốt ráo không tịch, nhà.
Ngài La-thập nói:
– Ngăn che gió mưa không gì bằng nhà cửa, diệt trừ các tưởng chẳng có gì hơn được không. Cũng có thể làm bặt dứt các vấn nạn, hàng phục hết các ma oán, giống như nhà cửa chắc, kín thì sự lo sợ sâu nặng về giặc cướp tự tiêu trừ. cũng nói rằng hữu chẳng phải chân yếu, có lúc tạm đổi dời, không là tông lý tức ngôi nhà thường trụ.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Nhà cửa dùng để ngăn che sương gió, không tịch để dứt trừ bụi tưởng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Từ duyên mà có là có bên ngoài tự tánh thì không là rỗng rang bên trong. Hay ngăn che gió mưa phi pháp, trừ sự lo sợ về giặc kết sử, đó là lý của nhà cửa.
Chánh văn: Trần lao là đệ tử.
Ngài La-thập nói:
– Các trần tức chúng sinh trần lao, giáo hóa khiến thuận theo mình mà nhận lấy chánh đạo.
Chánh văn: Tùy ý mà xoay chuyển.
Ngài La-thập nói:
– Xoay chuyển khiến theo sự giáo hóa của mình.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chúng sinh trần lao, tùy ý mình hóa độ, thì đâu chẳng phải là đệ tử.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Chuyển sự ngu si của các chúng sinh trần lao trở thành sự sáng suốt của trí tuệ, há chẳng phải là nghĩa tùy ý chuyển hóa ư?
Chánh văn: Đạo phẩm Thiện tri thức.
Ngài La-thập nói:
– Ba mươi bảy phẩm, ba thừa đều tu tập, Bồ-tát gồm cả sáu Độ làm phẩm. Lấy đó làm thân cận để hộ trì, làm lợi ích và thành tựu, ý nghĩa đồng có ba lợi ích, nên dụ như Thiện tri thức.
Chánh văn: Do đây thành Chánh giác.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thành tựu và làm lợi ích cho ta, chính là ba mươi bảy Đạo phẩm, nên có thể gọi là Thiện tri thức.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dùng đạo mà làm lợi ích cho ta, do đó mà thành nghĩa bạn lành.
Chánh văn: Các Độ là pháp lữ.
Ngài La-thập nói:
– Hoặc có thể là tri thức nhưng chẳng cần phải là bạn suốt đời, hoặc có thể là bạn nhưng chưa hẳn là tri thức. Vả lại, nói bạn lữ là để hiển rõ ý khéo léo từ đầu đến cuối ắt đến đạo tràng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Sáu Độ là hạnh cốt yếu của Đại thừa, phát tâm làm bạn lữ cùng đến đạo tràng, là bạn chân chánh của ta.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Ta vốn muốn đến bờ kia của các pháp, mà nhờ các Độ đến được, nên đó là người bạn tốt.
Chánh văn: Bốn Nhiếp là kỹ nữ.
Ngài La-thập nói:
– Bốn Nhiếp pháp, tu tập Đại chúng giống như các kỹ nữ dẫn dụ chúng nhân.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Bốn Nhiếp pháp làm vui lòng đại chúng, nên dụ như kỹ nữ.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Làm vui để nhiếp thủ người, là lý bốn Nhiếp pháp.
Chánh văn:
Ca vịnh tụng lời pháp Lấy đó làm âm nhạc.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Miệng tụng lời pháp, lấy làm âm nhạc.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Làm vui tai dẫn đến sự thích thú, không việc gì hơn được việc này.
Chánh văn: Tổng trì là vườn tược.
Ngài La-thập nói:
– Tổng trì gom chứa rộng khắp là khu rừng của các pháp vi diệu, du ngoạn nơi đó làm vui tâm giống như vườn tược.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Giữ gìn các pháp không để cho thất lạc là nghĩa của vườn tược.
Chánh văn: Pháp vô lậu rừng cây.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Pháp vô lậu, gốc rễ đã sâu, chẳng thể đánh bạt. Vả lại, lý cao mà tươi tốt là hình tượng của cây cối, pháp lậu chẳng thể xen lẫn trong đó, chính là nghĩa của rừng cây.
Chánh văn: Giác ý tinh diệu hoa.
Ngài La-thập nói:
– Hoa chưa nở thì chẳng đẹp, nở quá thì sắp tàn, nở đúng độ thì mới thật là kỳ diệu. Điều thuận giác ý cũng như thế, cao quá thì tán loạn, thấp quá thì hôn trầm, cao thấp vừa đủ thì nhẹ nhàng mà thẳng sang. Tướng búp nở giống như hoa thanh tịnh.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Bảy Giác lấy việc khai ngộ làm đạo. Không nhiễm là pháp của hoa thanh tịnh.
Chánh văn: Giải thoát trí tuệ quả.
Ngài La-thập nói:
– Giải thoát là quả vô vi. Trí tuệ là quả hữu vi.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Các kết sử hết là giải thoát. Vì từ trí tuệ sinh nên có tên như thế.
Chỗ chứng đắc cuối cùng là quả.
Chánh văn: Tám giải là ao tắm.
Ngài La-thập nói:
– Nước dùng để rửa bụi dơ, trừ nóng bức. Tánh của giải thoát cũng trừ chấp, dẹp ngăn ngại.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tám là định đặt tám phương pháp, giải thoát là trừ tâm cấu uế, nên có nghĩa ao tắm.
Chánh văn: Nước định đầy, trong lặng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dừng lặng tức hay chiếu soi là nghĩa của nước. Đã định thì ý tức lặng trong tràn đầy.
Chánh văn: Rải bảy loại tịnh hoa Ngài La-thập nói:
– Bảy loại là:
1. Giới tịnh tức trước sau đều tịnh, những điều do thân miệng tạo tác không có một mảy may bất thiện, ý thì chẳng khởi niệm cấu uế, cũng chẳng chấp tướng, cũng chẳng nguyện thọ sinh; ban cho người sự vô úy, chẳng giới hạn số chúng sinh.
2. Tâm tịnh, tâm chế phục phiền não, tâm đoạn kết sử cho đến lậu tận của ba thừa đều gọi là tịnh tâm.
3. Kiến tịnh, chỉ thấy chân tánh các pháp, chẳng khởi vọng tưởng là kiến tịnh.
4. Độ nghi tịnh, nếu chỗ thấy chưa sâu, thì đương thời tuy liễu ngộ nhưng sau đó có thể sinh nghi; nếu chỗ thấy sâu xa, đoạn trừ các nghi, gọi là độ nghi tịnh.
5. Phân biệt đạo tịnh, khéo thấy đạo thì nên tu hành, phi đạo thì nên xả bỏ, gọi là phân biệt đạo tịnh.
6. Hạnh đoạn tri kiến tịnh. Hạnh tức bốn hạnh: khổ khó, khổ dễ vui khó, vui dễ; đoạn tức đoạn các kết sử, trong giai vị hữu học chưa thể biết hết các hạnh nên làm và các pháp nên đoạn, nếu đã đến vị vô học đạt được tận trí, vô sinh trí, thì biết rõ các hạnh làm và các pháp nên đoạn, thông đạt rõ ràng, đó gọi là hạnh đoạn tri kiến tịnh.
7. Niết-bàn tịnh.
– Ngài Đạo Sinh nói:
- Giới tịnh.
- Tâm tịnh.
- Kiến tịnh.
- Độ nghi tịnh.
- Đạo phi đạo tri kiến tịnh.
- Hành tri kiến tịnh.
- Đoạn tri kiến tịnh.
Bảy pháp này đều lấy thanh tịnh và tốt đẹp làm lý, lại từ nước định xuất sinh, đó là nghĩa hoa trong nước.
Chánh văn: Tắm rửa người không nhơ.
Ngài La-thập nói:
– Không nhơ mà tắm, là trừ sự nóng bức được mát mẻ. Bồ-tát không còn các kết sử mà vào tám giải thoát là vì chúng sinh bên ngoài và tự làm vui tâm bên trong.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tổng trì là khu vườn ghi nhớ kỷ muôn điều thiện. Trong khu vườn này, rừng cây vô lậu nở hoa bảy giác, kết quả giải thoát. Lại có ao tám Giải thoát, chứa đầy nước thiền định lặng trong, rải bảy thứ hoa thanh tịnh đầy khắp mặt nước. Sau đó bậc Vô cấu dạo chơi nơi khu vườn này, tắm ao có đầy hoa này, an nhàn tự vui, thật là thích thú vậy, há lại sánh bằng với vườn rừng, ao tắm của thế gian ư? Giác ý tức bảy Giác ý; giải thoát tức quả hữu vi vô vi; trí tuệ tức là quả trí.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tắm ở ao này thì không còn cấu uế.
Chánh văn: Voi ngựa chạy, năm Thông.
Ngài La-thập nói:
– Cưỡi trên xe Đại thừa đi khắp mười phương một cách tự tại vô ngại và gồm chuyên chở cả chúng sinh đến đạo tràng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Năm Thông chẳng nhanh mà nhanh, dụ cho voi ngựa.
Chánh văn: Đại thừa là xe cộ.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Cưỡi trên xe Đại thừa.
Chánh văn: Nhất tâm là điều ngự.
Ngài La-thập nói:
– Nhất tâm, bản tiếng Phạm ghi là hòa hợp. Trong tâm Đạo phẩm có ba tướng là phát động, nhiếp tâm và xả. Nếu phát động quá mức thì tâm tán loạn, tán loạn thì thâu nhiếp, nhiếp quá mức thì hôn trầm, hôn trầm thì tinh tiến làm cho tâm phát động. Nếu động tịnh thích hợp thì tự tại tiến lên phía trước. Dung hòa ở khoảng giữa gọi là xả. Xả tức là điều ngự, điều ngự tức hòa hợp. Ví như người khéo cưỡi ngựa nếu đi chậm thì ra roi, nếu đi nhanh thì gìm cương chế phục. Nhanh chậm thích hợp, thì buông thỏng mà tiến lên, mặc tình bước trên con đường bằng phẳng, ắt sẽ đến nơi.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Nhất tâm nghĩa là xả, nếu không có cao thấp, nhanh chậm, thì liền dùng nhất tâm mà tự tại tiến bước. Chánh văn: Đi trên đường Bát chánh Ngài Tăng Triệu nói:
– Năm Thông là voi ngựa, Đại thừa là xe quý, nhất tâm là người điều khiển, chạy trên con đường tám điều chân chánh.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tám Chánh là con đường thông suốt, hành giả cất bước trên con đường này.
Chánh văn:
Tướng quý đủ nghiêm thân.
Các vẻ trau hình dáng.
Ngài La-thập nói:
– Các tướng quý và vẻ đẹp đủ trang nghiêm thân thể, không cần các vật báu bên ngoài.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tướng quý và vẻ đẹp là các vật dùng để nghiêm thân.
Chánh văn: Tàm quý y phục tốt.
Ngài La-thập nói:
– Lấy đó để ngăn chặn điều lỗi, đoạn đứt điều ác, giống như y phục hay ngăn ngừa được gió và lạnh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tàm quý ngăn các điều ác, là y phục quý báu của Pháp thân.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Y phục che thân là để khỏi thẹn bởi các nơi xấu lộ ra ngoài. Tàm quý thì chẳng làm việc ác, chính là nghĩa này.
Chánh văn: Thâm tâm là tràng hoa.
Ngài La-thập nói:
– Thâm tâm tin thích, nên hay tu thiện, lấy thiện làm trước tiên, giống như vòng hoa trang sức trên đầu. Lại nói thâm tâm phát khởi các pháp thiện, cũng như tràng hoa trang sức thân hình.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Thâm tâm là vật trang sức tối thượng pháp thân, giống như vòng hoa trang sức trên đầu.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Vòng hoa dùng để trang sức trên đầu, lại có công dụng buộc tóc làm cho tóc không bị rối. Thâm tâm là khởi đầu để kiểm kiểm hành vi, nên dụ như vòng hoa.
Chánh văn: Giàu có bảy Thánh tài.
Ngài La-thập nói:
– Bảy Thánh tài tức: Tín, giới, văn, xả, tuệ, tàm và quý. Hàng tại gia thì thường xả bỏ tài sản; xuất gia thì luôn xả bỏ năm dục và phiền não. Do tin thiện nên giữ giới, do giữ giới thì dứt điều ác, dứt điều ác thì thực hành các việc thiện, hành thiện cần phải có đa văn, nghe được pháp thì có thể xả bỏ, thường xả thì tuệ sinh, nên theo thứ tự nói năm việc, năm việc là của báu, tàm và quý là người giữ gìn; người giữ gìn thì đối với chủ tài sản thì cũng là tài sản. Vì thế bảy việc đều gọi chung là tài.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tài bảo có bảy, nhưng lý thì thật vô cùng, nên nói thật vô cùng giàu có.
Chánh văn: Dạy bảo là lợi tức.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Dạy bảo chúng sinh, là cùng với người nuôi lớn điều thiện.
Chánh văn:
Như thuyết mà tu hành,
Hồi hướng là lợi lớn.
Ngài La-thập nói:
– Hành tức tự hành, lấy bảy Thánh tài làm gốc, để ta người cùng lợi lạc, lại dùng phước này hồi hướng Phật đạo; bảy Thánh tài càng tăng trưởng, thì lợi càng lớn.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Bảy Thánh tài là tín, giới, văn, xả, tuệ, tàm, quý. Người thế gian lấy ngọc, gấm làm giàu có, Bồ-tát lấy bảy Thánh tài làm sự giàu có, xuất hay nhập Pháp bảo đều đồng lợi ích với người, lại kiêm dùng pháp lợi ích để chỉ bày, khiến họ như thuyết tu hành, hồi hướng về Phật đạo, lợi ích này thật to lớn vậy.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Như pháp đã nói mà tu hành thì đã gồm thâu lợi ích bên ngoài, lại có thể dễ được của báu lớn, cho nên nói là lợi ích lớn.
Chánh văn: Bốn Thiền là giường, tòa…
Ngài La-thập nói:
– Nói bốn Thiền là chọn lấy chốn tương tựa, như giường tòa xa lìa ba hoạn là:
- Tránh rắn rết độc.
- Lìa xa bụi dơ.
- Tránh đất lạnh ẩm ướt.
– Bốn Thiền cũng xa lìa ba hoạn là:
- Lìa độc sân khuể.
- Lìa bụi tham dục.
- Xa lìa ẩm lạnh thùy miên.
Xa lìa ba hoạn này thì an vui yên ổn .
Ngài Tăng Triệu nói:
– Người thế gian vì sợ rắn độc và sự ẩm ướt nên chặt cây làm giường ghế. Bồ-tát vì sự độc ác cõi dưới, nên mới lấy bốn Thiền làm giường tòa.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Bốn tức định đặt bốn phương pháp. Thiền lấy sự an lạc làm lý, có nghĩa của giường, tòa.
Chánh văn: Từ đây sinh tịnh mạng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Giường cao bốn Thiền để tu thành tựu tịnh mạng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Tịnh mạng là công năng khéo léo của Thiền.
Chánh văn:
Đa văn tăng trí tuệ
Lấy làm tiếng tự giác.
Ngài La-thập nói:
– Trước nói giường tòa thì dùng để ngủ nghỉ, ngủ nghỉ khi muốn tỉnh thức phải có pháp, nên kế đến là nói về nhạc. Ở Ấn Độ, khi người quyền quý sắp ngủ, trước tiên bảo nhạc công lúc trời sáng thì tấu một khúc nhạc nhẹ để đánh thức. Nay dùng pháp âm đa văn để tỉnh thức giấc ngũ Thiền.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ở Ấn Độ, khi các bậc Vương công, Đại thần ngủ muốn đánh thức thì phải tấu nhạc (tiếng tơ, tiếng trúc), nay Bồ-tát dùng đa văn để tự đánh thức giấc ngủ trên giường Tứ thiền.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Người quyền quý, các quan lại ở Ấn độ khi muốn thức giấc thì tấu nhạc. Từ nơi nghe mà ngộ đạo, tức là ý này vậy.
Chánh văn: Pháp Cam lộ, thức ăn.
Ngài La-thập nói:
– Chư Thiên dùng các loại thuốc quý hiếm ngâm vào biển, rồi dùng núi báu mà tán nhuyển thành cam lộ, người ăn được sẽ thành tiên gọi là thuốc Bất tử. Trong Phật pháp dùng Cam lộ Niết-bàn khiến sinh tử vĩnh viễn không còn, đó là thuốc chân bất tử. Cũng có thể cho rằng vào thời kiếp sơ, đất có vị cam lộ, ăn vào sẽ được trường sinh; trong Phật pháp thì có cam lộ thật tướng, nuôi lớn tuệ mạng, đó là món ăn chân cam lộ.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Thức ăn của chư Thiên là vị cam lộ, ăn vào sẽ trường thọ, nên đặt là món ăn bất tử. Niết-bàn là pháp bất tử, nên lấy đó làm dụ. Chánh văn: Vị giải thoát là nước (uống) Ngài La-thập nói:
– Vị có bốn loại:
- Xuất gia lìa năm dục.
- Hành thiền xa lìa phiền não tán loạn.
- Trí tuệ xa lìa vọng tưởng.
- Niết-bàn xa lìa sinh tử.
– Giải thoát có hai:
1. Giải thoát phiền não. 2. Giải thoát ngăn ngại.
Cũng có thể nói rằng tánh của ái là không nhàm chán nên gọi là khát ái, đoạn ái thì được giải thoát. Giải thoát trừ dứt được cơn khát ái nên gọi là nước uống. Bốn vị cũng dùng để trừ sự khát nên gọi là nước uống.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Cam lộ vô lậu dùng để thân thể được sung mãn, nước pháp tám Giải thoát dùng để nhuần mát thân.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Ái là gốc của sự trói buộc, lấy sự không nhàm chán làm chủ. Nếu khát nó phải cần nước, thì sinh khổ não vô cùng. Nếu thoát được nó, thì lấy không khát ái làm nước uống, không khổ làm vị.
Chánh văn: Tắm rửa để tâm tịnh.
Ngài La-thập nói:
– Tâm sạch thì không nhiễm, không nhiễm tức là tắm, cũng gọi là lội trong ao nước tám giải thoát.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Làm thanh tịnh tâm cấu uế tức là tắm rửa.
Chánh văn: Giới phẩm là hương thoa.
Ngài La-thập nói:
– Có tịnh giới diệt trừ cấu uế, chẳng nhờ vào hương.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tịnh tâm là nước tắm rửa, giới phẩm là hương xoa thân.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Giới ở tại nơi hình thể, còn do sự xông ướp bên ngoài là hương xoa thân.
Chánh văn: Phá dẹp giặc phiền não.
Ngài La-thập nói:
– Đạo phiền não có hai loại là già đoạn và vĩnh đoạn. Phá dẹp là già đoạn, câu sau nói: “Hàng phục bốn ma” là vĩnh đoạn. Trên là nói nuôi dưỡng thân bốn đại, thân đã an ổn mạnh khoẻ thì khởi tu các sự nghiệp. Từ đây trở xuống là nói về sự nghiệp.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Từ đây trở xuống là nói về thuyết và làm.
Chánh văn:
Mạnh mẽ không ai hơn
Hàng phục bốn loại ma
Phướn thắng lập đạo tràng.
Ngài La-thập nói:
– Ở Ấn Độ, khi thắng địch thì dựng phướn thắng trận. Đạo tràng hàng ma cũng biểu thị tướng thắng trận kia.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Ở Ấn Độ, khi có chiến tranh, phá được quân địch thì dựng phướn để biểu thị thắng trận. Bồ-tát dẹp giặc phiền não, hàng phục bốn ma oán, liền lập đạo tràng, dựng phướn thắng trận.
Chánh văn:
Tuy biết không khởi diệt
Chỉ dạy nên có sinh
Hiện vào các cõi nước
Như mặt trời đều thấy.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Biết không khởi diệt thì đạt được Pháp thân, không còn sinh nữa, nhưng vì chúng sinh nên có sinh, không nơi nào chẳng hiện. Từ đây trở xuống là khen ngợi đức biến hóa ứng hiện của Bồ-tát. Vì lấy pháp làm nhà nên mới làm được như thế.
Chánh văn:
Cúng dường khắp mười phương
Vô lượng ức Như Lai
Chư Phật và thân mình
Mà chẳng khởi tưởng phân biệt.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chưa từng hay biết ta và người khác nhau.
Chánh văn:
Tuy biết các cõi Phật
Và chúng sinh đều không
Mà thường tu tịnh độ
Giáo hóa khắp chúng sinh.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Biết không mà chẳng lìa bỏ hữu, nên thường ở trong đó.
Chánh văn:
Bao nhiêu loài chúng sinh,
Hình, tiếng và oai nghi,
Bồ-tát lực, vô úy.
Đồng thời hiện đều khắp
Biết rõ các việc ma
Mà tùy thuận hiện theo
Dùng trí phương tiện khéo
Tùy ý đều hiện đủ
Hoặc hiện già, bệnh, chết.]
Ngài La-thập nói:
– Như Đức Phật muốn độ vua Phất-ca-sa mà hiện làm một vị Tỳkheo già; cũng như việc hóa hiện ở bốn cửa thành.
Chánh văn:
Thành tựu cho chúng sinh
Biết rõ như huyễn hóa
Thông đạt không ngăn ngại
Hoặc hiện kiếp lửa thiêu.
Trời đất đều rỗng không
Chúng sinh có tưởng thường
Soi thấy biết vô thường.
Ngài La-thập nói:
– Hoặc thật thiêu đốt hoặc chẳng thật thiêu đốt. Chẳng thật thiêu đốt, tức xuất hiện trong thời gian từ hai đến ba, bốn ngày, chúng sinh thấy tướng thiêu đốt mà ngộ được vô thường, rồi lại thu nhiếp, chẳng xuất hiện nữa.
Chánh văn:
Vô số ức chúng sinh
Đều đến thỉnh Bồ-tát
Đồng thời đến nhà kia
Kinh sách và chú thuật
Các nghề nghiệp khéo léo.
Đều hiện làm việc ấy
Lợi ích khắp quần sinh
Các đạo pháp thế gian
Đều xuất gia trong đó.
Ngài La-thập nói:
– Vì đồng học tập nên cảm ứng nhau, nhưng trước thì đồng mà sau thì nghịch. Người xuất gia có đức, làm quy tắc cho chúng sinh, nên hiện vào hàng xuất gia tu tập các đức để dẫn dắt quần sinh.
Chánh văn:
Để giải mê cho người
Chẳng rơi vào tà kiến.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Chín mươi sáu loại ngoại đạo đều xuất gia cầu đạo, cũng tùy theo đó xuất gia để phá trừ mê hoặc chấp trước, mà chẳng đồng kiến chấp với ngoại đạo.
Chánh văn: Hoặc làm nhật nguyệt thiên.
Ngài La-thập nói:
– Vào thời kiếp sơ chưa có mặt trời, mặt trăng, cũng chưa có chúng sinh; nơi cõi u minh, lúc đầu cũng chưa thấy mặt trời, mặt trăng, cho nên làm mặt trời mặt trăng chiếu sáng tất cả.
Chánh văn:
Phạm vương, thế giới chủ
Hoặc khi làm đất nước
Hoặc lúc làm gió lửa.
Ngài La-thập nói:
– Vào thời kiếp sơ, mặt đất chưa hình thành, nên dùng thần lực khiến gió ở sáu phương thổi đến, kết nước thành đất. Hoặc thấy người đi biển thuyền sắp chìm, thì hóa thành đất liền, khiến họ được an ổn; đến như những nơi cần nước lửa gió, đều tùy theo nhu cầu mà hiện, hoặc hóa ra hoặc tự thân tạo ra. Các món ăn và thuốc men cũng được làm như thế.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Gặp người nổi trôi trên biển thì thân biến thành đất cứu độ. Lửa, nước, gió thì cũng đều tùy thuận chỗ cần dùng mà tự biến hình.
Chánh văn:
Vào kiếp có dịch bệnh
Thì hiện làm cỏ thuốc.
Ngài La-thập nói:
– Hoặc trừ bệnh cho họ, hoặc được làm tiên, nhân đó mà giáo hóa khiến vào chánh đạo. Ở Ấn Độ có một loại thuốc quý, hoặc giống hình người, hoặc giống voi ngựa. Nếu giống voi ngựa, người cưỡi trên đó sẽ vọt thẳng lên hư không mà bay đi. Hoặc chỉ mới nghe tên thuốc, bệnh liền tiêu trừ.
Chánh văn:
Nếu người mà uống được
Trừ hết các bệnh độc
Vào kiếp có đói khát
Hiện thân làm thức ăn
Trước cứu đói khát kia
Sau giảng nói chánh pháp.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Pháp thân Bồ-tát, có việc gì mà chẳng làm được? Hoặc hiện làm cây thuốc, người uống vào lành bệnh, hoặc hiện làm thức ăn, thức uống, người dùng hết đói khát.
Chánh văn:
Vào kiếp có đao binh
Vì họ khởi Từ bi.
Ngài La-thập nói:
– Thế gian đến kiếp tận thì chiến tranh nổi lên, con người chỉ thọ
mười tuổi. Bấy giờ, Bà-tu-mật từ cõi Trời Đao-lợi hạ sinh vào vương cung làm Thái tử, dạy mọi người rằng: “Tổ phụ của chúng ta có thọ mạng rất dài lâu; hôm nay vì quá sân hận không có từ tâm nên thọ mạng ngắn ngủi như thế. Vậy các ngươi nên thực hành tâm Từ.” Mọi người tuân theo, tâm ác dần dần cạn mỏng. Từ đó sinh con tuổi thọ tăng đến hai mươi năm. Cứ như thế khi ngài Di-lặc xuất thế thì tuổi thọ tăng đến tám mươi bốn ngàn năm.
Chánh văn:
Giáo hóa các chúng sinh
Khiến không còn tranh đấu
Nếu có chiến trận lớn
Làm hai bên ngang nhau
Bồ-tát hiện oai lực
Hàng phục khiến giải hòa.
Ngài La-thập nói:
– Hai bên đối kháng nhau, thì trợ giúp bên yếu kém, hai bên ngang sức, không còn tranh thắng bại, nhân đó mà yên hòa.
Chánh văn:
Trong tất cả cõi nước
Nơi nào có địa ngục
Liền đến ngay nơi ấy
Cứu giúp các khổ não.
Trong tất cả cõi nước
Súc sinh ăn lẫn nhau
Bồ-tát đều hiện đến
Làm chúng được lợi ích.
Ngài La-thập nói:
– Như vào thời quá khứ, con người chưa có lễ nghĩa muốn tàn hại bậc Trưởng lão, thì hiện làm khỉ, voi và chim sùng kính người già cả, khiến cho con người tu thiện cùng nhau hòa hợp, như trong luận Đại Trí Độ đã nói.
Chánh văn:
Thị hiện thọ năm dục
Cũng thị hiện hành thiền
Khiến tâm ma rối loạn
Không thừa cơ gây hại.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tức muốn nói hành thiền thì lại thọ năm dục, muốn nói thọ năm dục thì lại hành thiền, chẳng biết sự biến hóa, nên tâm ma rối loạn.
Chánh văn:
Trong lửa sinh hoa sen
Thật là việc hiếm có
Tại dục mà hành thiền
Cũng hiếm có như thế.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Nếu chẳng phải là người đạt được tĩnh loạn nhất như, thì ai có thể làm được như thế?
Chánh văn:
Hoặc hiện làm dâm nữ.
Dẫn dắt kẻ hiếu sắc,
Trước dùng dục dẫn dụ,
Sau đưa vào trí Phật.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Trái với dục tức thuận.
Chánh văn:
Hoặc làm chủ thành ấp.
Hoặc làm thầy thương nhân,
Quốc sư và đại thần
Để lợi ích chúng sinh,
Những nơi quá nghèo cùng,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyên dạy người
Khiến phát tâm Bồ-đề,
Kẻ ngã mạn kiêu căng
Hiện làm Đại lực sĩ,
Tiêu trừ tâm cống cao,
Khiến trụ đạo Vô thượng.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Tâm ngã mạn tự cao như núi, nước chẳng thể đọng lại, Bồ-tát hiện làm Đại lực sĩ chế phục tâm cống cao kia, sau đó dùng nước pháp để nhuần thấm.
Chánh văn:
Nếu có người sợ hãi
Liền đến để an ủi
Trước ban cho vô úy
Sau dạy phát đạo tâm
Hoặc hiện lìa thân dục
Mà làm Tiên ngũ thông
Dẫn dắt các quần sinh
Để trụ giới nhẫn từ.
Ngài La-thập nói:
– Nếu thế gian không có bậc Hiền Thánh, thì chúng sinh thấp kém không thể thâm nhập Phật pháp, nên dùng giới nhẫn để giáo hóa.
Chánh văn:
Thấy người cần hầu hạ
Thì hiện làm nô bộc
Đã làm vui ý họ
Lại phát khởi đạo tâm
Tùy theo việc cần dùng
Mà vào được Phật đạo
Lại dùng sức phương tiện
Cung cấp cho đầy đủ
Như thế đạo vô lượng.
Ngài Đạo Sinh nói:
– Thích ứng tất cả, đều là đạo của Phật.
Chánh văn:
Việc làm không bờ mé
Trí tuệ lại vô biên
Độ thoát vô số chúng
Giả sử tất cả Phật
Trong vô số ức kiếp
Đều khen công đức ấy
Cũng không thể hết được.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Đạo quyền trí của Bồ-tát không bờ mé, tuy các bậc Thánh dùng lời lẽ thù thắng để tán dương chẳng thể cùng tận.
Chánh văn:
Ai nghe được pháp này,
Mà chẳng phát đạo tâm?
Trừ những kẻ bất tiếu
Ngu si không trí tuệ.
Ngài Tăng Triệu nói:
– Kẻ hạ trí nghe đạo lớn thì cười; như mặt trời, mặt trăng tuy sáng soi nhưng nào có ích lợi đối với người mù?