SỐ 261
KINH ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Bát-nhã, người nước Kế Tân.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 7: NHẪN NHỤC BA-LA-MẬT-ĐA

Sau khi Đức Thế Tôn nói rõ Tịnh giới ba-la-mật-đa, Bồ-tát Từ Thị rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ gối đảnh lễ sát chân Đức Phật mà bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật-đa, cầu tiến thế nào để được viên mãn? Nhưng nhẫn nhục này có bao nhiêu loại? Người tu hành phải dụng công thế nào? Cúi xin Ngài chỉ dạy cho chúng con.

Đức Thế Tôn khen Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Lành thay, lành thay! Vì muốn làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình nên ông hỏi về nghĩa lý sâu xa như vậy. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.

Này thiện nam! Nên biết, sinh tử và Niết-bàn đều bình đẳng, không phân biệt, đó gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa. Nếu có chúng sinh ngu si cuồng loạn đến mắng chửi làm nhục, ta đều nhẫn nhục mà nhận lấy. Giống như con voi say khó điều phục, ta phải lấy móc sắt để điều khiển nó. Con voi say tâm sân cũng như vậy, lấy móc sắt nhẫn nhục mà chế ngự để điều phục nó. Đó gọi là Nhẫn nhục ba-lamật-đa.

Nếu có hữu tình bị ba mươi sáu câu-chi Thiên ma, Quỷ thần, Dạ-xoa, La-sát đến làm hại, Bồ-tát chỉ cần đem Nhẫn nhục ba-lamật-đa để đánh phá quân ấy, cho đến tám vạn bốn ngàn oán giặc phiền não muốn phá hoại thì Bồ-tát cũng dùng nhẫn nhục để diệt trừ chúng. Bồ-tát chẳng những chỉ chịu nhẫn nhục với Thiên ma, đại quân oán giặc phiền não, cho đến oán giặc rất nhỏ thấp cũng dùng nhẫn nhục để điều phục. Đó gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.

Giống như con của vua, học thông suốt pháp của vua, khi vua băng hà, thì thái tử ấy kế thừa ngôi vua, thống lãnh nhân dân trong nước thực hành năm loại Chánh pháp:

  1. Không sát sinh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không tà hạnh.
  4. Không nói lời hư dối.
  5. Không thu thuế ngoài chức phận.

Nếu trong nước có người phạm giới sát sinh thì vua mắc tội vào điều thứ sáu. Trộm cắp, tà hạnh và vọng ngữ cũng như vậy. Vì sao? Vì đúng pháp hay không đúng pháp thì vua là căn bản. Dù phước hay tội thì vua thuộc một phần của điều thứ sáu. Đại Bồ-tát cũng như vậy, tâm là đất nước, còn đại Bi là vua. Lấy năm pháp nhẫn để tuyên bố trong nước, đó là đánh đập, mắng chửi, sân, giận, giễu cợt. Năm pháp này đều phải nhẫn nhục, nếu ai vi phạm thì mắc tội nặng.

Này Từ Thị! Giống như nông phu khi muốn gieo trồng thì phải dẫn nước vào ruộng. Trước tiên phải sửa sang kênh rạch rồi mới khởi công, trong lúc làm, gặp đá núi, đo đào xới không được nên ông ta dừng lại. Đại Bồ-tát không như vậy, ở trong đồng hoang rộng lớn sinh tử luân hồi, muốn đào kênh trí dẫn nước cam lồ, trong lúc tu tập, lại gặp đá sân giận, không có cách gì trừ được, chỉ dùng nhẫn nhục quán sát thật kỹ để đào phá nó.

Lại nữa, tất cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều dùng anh lạc để trang sức. Chư Phật, Pháp vương, Bồ-tát… luôn dùng chuỗi anh lạc nhẫn nhục để trang nghiêm thân. Nếu gặp chúng sinh vô cớ khinh khi phản bội thì dùng đại Bi nhẫn nhục để cứu hộ họ. Nhẫn nhục này là thầy mô phạm của Bí-sô, Bí-sô-ni. Lấy Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ để làm rừng cây, lấy Tịnh giới làm cành lá. Lửa sân trong rừng cây này bùng lên, đốt cháy cành lá giới, không cách gì làm dập tắt được. Chỉ dùng mưa nhẫn nhục mới có thể diệt trừ, làm cho tất cả khổ nạn đời hiện tại, vị lai vĩnh viễn không còn lo sợ. Người không nhẫn nhục, trong đời hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi không có an lạc, thì với đời vị lai làm sao có sự an vui? Đại Bồ-tát lấy sức nhẫn nhục làm áo giáp, kẻ tạo tội kia là Chiên-đà-la dùng tay sân giận, cầm cung vọng tưởng, phóng mũi tên lời thô ác bắn vào áo giáp nhẫn nhục, nhưng cung tên kia tự nhiên bị gãy, trong khi đó áo giáp nhẫn nhục không bị tổn hoại một tí nào cả. Cung tên ấy nát vụn, biến thành hoa sen.

Từ Thị nên biết! Bồ-tát tu hành như vậy gọi là Nhẫn nhục bala-mật.

Lại nữa, giống như thuốc a-già-đà ở thế gian có thể trừ tất cả bệnh khổ cho mình và người, Bồ-tát cũng vậy, cầm thuốc già-đà nhẫn nhục có thể trị tất cả bệnh sân giận, phiền não cho mình và người. Đó gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa. Giống như bảo châu minh nguyệt ở thế gian, người chủ luôn cầm đi qua đồng hoang rộng lớn, hoặc ở giữa sa mạc, không một chỗ nào có nước. Trong đêm trăng, ông ta cầm bảo châu hướng lên mặt trăng và lấy đồ hứng thì tự nhiên nước chảy xuống, chủ buôn uống vào vượt qua được đồng hoang sa mạc ấy. Bồ-tát cũng vậy, cầm bảo châu minh nguyệt nhẫn nhục vượt qua sa mạc đồng hoang sinh tử, tuyệt đối không có chút nước trí tuệ, toàn là phiền não. Bồ-tát cầm châu báu nhẫn nhục hướng lên mặt trăng Phật trí để hứng nước Phật pháp, sau khi uống nước Phật pháp rồi, Bồ-tát thoát khỏi sinh tử, đến bờ Niết-bàn.

Này Từ Thị! Giống như mặt đất, tất cả cây cỏ đều nhờ đó mà được sinh trưởng, tất cả hữu tình nhờ đó mà sống. Nhẫn nhục cũng vậy, tất cả Đại Bồ-tát trong mười Địa tu tập sáu pháp Ba-la-mật-đa đều dựa vào nhẫn nhục mà sinh trưởng, nhờ vào nhẫn nhục mà được an trụ.

Lại nữa, giống như cái thang rất cao lớn, chúng sinh leo lên, đi thẳng đến Phạm thiên. Thang nhẫn nhục cao lớn cũng vậy, Bồ-tát leo lên đến địa vị Thiên trung thiên (Phật).

Lại như họa sĩ giỏi tay nghề, vẽ những bức tranh với đường nét màu sắc đẹp sắc sảo. Họa sĩ nhẫn nhục cũng vậy, công đức trang nghiêm thành tựu viên mãn.

Lại giống như hư không nổi đám mây lớn rồi mưa dữ dội, nước chảy lênh láng làm trôi đi tất cả cây cỏ, hoa quả vào sông Hằng, rồi trôi dạt ra biển lớn. Bồ-tát cũng vậy, tâm như hư không có thể nổi lên tất cả mây từ bi, mưa xuống pháp lớn, dòng nước nhẫn nhục chảy mạnh làm trôi tất cả cây cỏ sân giận và hoa phiền não, chảy vào sông trí, rồi chuyển đến biển lớn thanh tịnh Niết-bàn. Thấy các khổ não trong luân hồi sinh tử, Bồ-tát lấy sức nhẫn nhục để thay thế nhẫn chịu cho họ, trải qua trăm ngàn kiếp không từ mệt mỏi, cũng không từ bỏ họ để thủ lấy Niết-bàn. Đại Bồ-tát dùng sức nhẫn nhục có thể xả bỏ tất cả đầu, mắt, tủy, não, thân, thịt, tay chân và cả thân mạng của mình mà không tiếc nuối. Kẻ phàm phu không có trí, nghe nói vậy rất kinh hãi, rợn cả tóc gáy, nói rằng: “Làm sao có thể xả bỏ được như vậy?” Bồ-tát dùng sức nhẫn nhục như vậy nên sinh ra nơi nào, dung mạo cũng rất đoan chánh, tất cả chúng sinh rất thích nhìn, trong đại hội thường được chư Phật khen ngợi. Lại nữa, Đại Bồ-tát an trụ vào sức nhẫn nhục một cách kiên cố, bất động, giống như núi Diệu cao, dù bị gió dữ xoáy nhưng vẫn không lay động. Núi Diệu cao nhẫn nhục cũng vậy, dù bị gió dữ sân giận nổi lên vẫn không thể nào làm lay động được.

Những ngoại đạo sống với bạn ác nên sinh tâm tà kiến, tu các khổ hạnh như: lõa hình, nhịn đói, dùng năm ngọn lửa đốt thân, nhào xuống núi sâu, lao vào lửa… cho rằng như vậy thì được sinh lên trời, không tin chánh pháp. Thấy vậy, Bồ-tát mở lòng từ bi thị hiện cũng tu khổ hạnh như họ nhưng khổ hạnh gấp trăm lần, làm cho những ngoại đạo ấy cung kính, tôn Bồ-tát làm Thầy mô phạm. Sau đó, Bồtát đem chánh pháp hướng dẫn họ để bọn tà kiến kia trụ trong chánh kiến.

Lại có ngoại đạo nói như vầy: “Nơi thân ta có ngã ở trong tâm, lớn giống như ngón tay cái, nó không bị chướng ngại và cũng không có hình tướng, chỉ có Thiên nhãn mới nhìn thấy được, mà nhãn căn này là thị giả của ngã. Mắt đã thấy được rồi, liền báo cho ngã biết; tai, mắt, mũi, lưỡi cũng như vậy. Do nhân duyên này, nếu có chúng sinh mắng chửi ta thì người mắng nhiếc được sinh lên trời, còn người bị nhục chịu mắng thì chết đọa ba đường ác. Giống như nhiều người cùng phục vụ một ông tướng, nếu ai chê bai cái ngã của ông tướng thì mọi người kia cùng giết, nếu không giết người chê bai thì mọi người kia bị mắc tội. Bồ-tát do sức nhẫn chịu, thương xót bọn tà kiến kia nên nhẫn chịu, dùng mọi cách để trừ sự thấy hiểu sai của họ. Giống như mưa đúng mùa, cây cỏ nhờ đó mà được thấm nhuần, phát triển kết trái. Bồ-tát nhẫn nhục cũng vậy.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Như trời sắp mưa, kiến ra hang
Dồn đất thành đống làm hang ở,
Cha mẹ bất tịnh có thân ta
Trong đó vọng thức chấp làm ngã.
Sắc lực tương tục ỷ mạnh mẽ
Người trí quán kỹ như ảo mộng
Chỉ trong một niệm thành cát bụi
Như voi đạp đất kia tan nát.
Sát-na hơi thở sinh diệt mau
Đi đứng nằm ngồi đều là khổ
Phải rõ sắc thân: khổ, vô thường
Ở đó, người trí đâu tham trước.
Chư Thiên, Phạm sống đời khổ hạnh
Rắn độc nhìn thấy không thể hại
Nếu trúng thương có chú, thuốc giải
Nọc độc vô thường ai cứu được?
Pháp lành dễ tu lại quăng bỏ
Dục lạc bại hoại cố tham cầu
Người trí quán sát không thể thành
Giống như áo dơ đem nhuộm nghệ.

Bồ-tát nên đem pháp vô ngã nói cho những kẻ ngoại đạo rằng: “Ngã mà ông chấp, ở trong hay ở ngoài? Quá khứ hay vị lai? Nếu ông nói có thì khi qua đời, ngã có thể cứu ông được. Nếu không thể cứu ông được thì phải biết rõ là không có ngã. Giống như trung thần một lòng thờ vua, nếu vua ở trong tình trạng nguy nan thì chắc chắn phải cứu vua. Nay ông không có khả năng cứu được thì biết chắc là không có ngã. Nếu có ngã thì phải được tự tại, sao lại bị vô thường phá hoại?

Chúng sinh bị các khổ của quỷ vô thường bức bách làm cho từng bộ phận trên thân thể bỗng nhiên phân lìa mà chết. Nếu có ngã thì tránh được nạn này, đã không tránh khỏi sự phân ly thì nên biết không có ngã. Do đó bọn ngoại đạo các ông từ vô thỉ đến nay phụng thờ cái ngã mà tạo ra bao nghiệp ác, chịu khổ cùng cực. Nên biết cái ngã này không có chút ân đức nào cả. Nếu ông phụng thờ nó, lâu ngày nó sẽ bỏ ông mà đi, rồi dẫn thân ông giao cho thú ác, hổ báo, chó sói để xé ăn, nhưng cái ngã thì đã từ bỏ ông để đi tìm thân khác. Nếu tính ra thì nó đã bỏ ông từ vô thỉ đến nay có vô lượng, vô số kiếp lần như vậy và hiện tại, vị lai cũng thế. Nếu ông nói tâm là thần thức thì thân ta là đầy tớ. Nên biết thân này là ngã sở, từ vô thỉ đến nay đã thọ thân vô số kiếp, chẳng biết bao nhiêu lần mà nói! Như vậy các thân là một ngã hay nhiều ngã? Nếu nhiều ngã tức là vô thường, vì vô thường nên nói có ngã là không đúng. Nếu ngã là một thì phải thường trụ, luôn giữ một thân, không thể dời chuyển. Nhưng vì không trụ cho nên cái một này cũng không thành. Ông nên suy nghĩ quán sát, dù nhiều ngã hay một ngã đều không đúng. Do đó biết rằng tâm chẳng phải là ngã.

Lại quán thân chẳng phải là ngã sở, cũng chẳng phải đầy tớ. Nếu thân thuộc về ngã thì đi, đứng, nằm, ngồi, sinh, già, bệnh, chết phải thuộc về ngã, nhưng ngã chưa sai bảo mà tự nhiên đến thì rõ ràng thân không thuộc về ngã. Nếu thuộc về ngã thì bảo phải sống mãi, không thể già chết. Đi, đứng, nằm, ngồi cũng vậy, thay đổi vô thường thì nhất định chẳng phải ngã sở, vì vậy biết chắc rằng không có ngã và ngã sở. Ông nên biết rằng: nếu ông chấp ngã thì đó là giặc lớn của ông. Vì sao vậy? Vì đời trước ông đã tích lũy căn lành mà được quả báo năm dục, đến đời nay ông đã hưởng hết. Hiện tại ông tạo bao nghiệp ác, do nghiệp lực mà ông bị giao cho cai ngục. Nếu có ngã sao không cứu nhau?”

Đại Bồ-tát dùng sức nhẫn nhục cứu vớt hữu tình thoát khỏi ác quỷ ngã và ngã sở để họ được chánh kiến giải thoát, làm cho xa lìa ngã và ngã sở, thấy tất cả pháp tánh vốn không tịch. Đó gọi là Bồtát tu tập Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.

Này Từ Thị! Giống như có người vì bảo vệ con nên làm chú thuật để các ác quỷ không đến phá hoại. Bồ-tát cũng vậy, dùng chú nhẫn nhục để bảo vệ chúng sinh, làm cho oán thù, sân… không thể nào phá hoại được.

Này Từ Thị! Ví như có người bị gai đâm vào chân, ông ta muốn tìm da che khắp mặt đất để khi đi khỏi phải lo sợ. Người trí hỏi: “Ông tìm da để làm gì?” Người kia trả lời mọi việc như trên, người trí quở trách rằng: “Ôi, này người ngu! Ngươi không nên làm như vậy, chỉ cần lấy ít da để làm giày đi là không bị thương tổn. Cần gì phải dùng nhiều da để trải khắp mặt đất như thế!” Kẻ phàm phu cũng vậy, tạo oán thù khắp nơi, bị oan gia mọi nơi cầm dao muốn đến giết để trả thù. Thấy vậy, Bồ-tát rất thương xót, dùng nhẫn nhục để làm giày da che chở thân tâm họ. Được che chở thì họ làm gì có oán thù cầm dao đến hại. Đó là Nhẫn nhục ba-la-mậtđa.

Ví như có người đem lời độc ác hủy nhục, Bồ-tát nghe vậy không nên nổi sân mà phải quán sát: Người mắng ấy là ai? Người bị mắng lại là ai? Hai thân mình và người có mười hai xứ: nhãn xứ thấy sắc, nhĩ xứ nghe tiếng, tỷ xứ ngửi hương, thiệt xứ nếm mùi, thân xứ cảm giác xúc, ý xứ biết pháp. Nhưng nhãn xứ ấy thật chẳng phải là ngã. Nếu không phải ngã thì tội lỗi nhãn xứ của mình và người sẽ thuộc về ai? Nếu có tội lỗi thì cần phải trị phạt. Quán sát thật kỹ như vậy thì cả hai đều không có tội lỗi. Đã không có tội lỗi thì ai nhận, ai mắng để mà sân giận? Quán sát như vậy, cho đến pháp xứ cũng thế. Ngoài mười hai xứ ra không có một vật nào nữa. Người mắng, người chịu mắng, cả hai đều không. Lúc ấy mà suy nghĩ thì tâm sân không còn nữa. Nếu nghe lời thô ác nên quán sát thật kỹ, lời nói ấy có cái gì là thô ác? Hai chữ thô và lời đều không sinh cùng một lúc, lúc thô thì chẳng phải là lời nói, lúc lời nói thì chẳng phải là thô, sinh diệt trong từng sát-na không bao giờ đợi nhau. Hai chữ còn không có huống gì có nhiều sự mắng nhiếc. Lấy đây mà quán sát thì trong trăm ngàn kiếp nói lời thô ác ấy không còn là lời nhục mạ nữa.

Lại quán sát về người mắng chửi và pháp mắng chửi, cả hai đều vô thường, không dừng lại dẫu một sát-na thì sân cái gì? Cho nên biết rằng quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, còn hiện tại không đứng yên. Pháp mắng chửi đã là không thì thân ta cũng vậy, đồng với sự vô thường, sinh diệt không đứng yên ấy. Vì không đứng yên cho nên tất cả đều trống không. Khi quán sát như vậy, vô lượng oán thù đồng thời tiêu diệt. Nếu lìa sự quán này mà chấp tướng phân biệt thì chỉ gọi là nhẫn nhục chứ không được gọi Nhẫn nhục ba-la-mật-đa. Năm uẩn vô ngã cho đến mười tám giới… cũng đều vô ngã, như huyễn như hóa, khen chê đều bình đẳng, bản tánh đều bình đẳng.

Này Từ Thị! Thấy người mắng chửi, Đại Bồ-tát nên sinh lòng thương xót và nghĩ rằng: “Người ấy bị ma sân bắt giữ, bị phiền não che lấp nên mắng chửi như vậy. Ta muốn diệt trừ con ma này nên khéo tu học Nhẫn đà-la-ni để không sinh sân giận, không để sân giận và các phiền não khác làm tổn hại chúng sinh. Nếu ta sân thì ma quỷ làm mê hoặc thân ta; do đó mà thương xót đối với người mắng chửi kia và luôn nhẫn chịu.” Mặc dù tu tập như vậy nhưng chỉ gọi là nhẫn nhục. Nếu không phân biệt thì gọi là Nhẫn nhục ba-lamật-đa.

Này Từ Thị! Đại Bồ-tát khi hành an nhẫn bị người cầm dao bén đến chặt tay chân mình, Bồ-tát vẫn vui vẻ với người ấy và tưởng nghĩ đó là Thiện tri thức của mình. Giống như có người sau khi bố thí rồi lòng rất vui vẻ và nghĩ rằng: “Nay ta được phước báo lớn. Đối với người nhận bố thí kia ta phải thường nhớ ân đức của họ. Người bên cạnh thấy vậy đều phải sinh lòng tùy hỷ. Cũng vậy, Bồ-tát thấy người cắt xẻ thân mình, nên vui mừng nghĩ rằng: “Người kia vì diệt trừ tội nghiệp cho ta và cho ta pháp tài nên đã làm như vậy. Vì ta mà bị tiếng xấu ác, mất đi sự an vui giải thoát của trời và người, còn phải chịu khổ trong ba đường ác. Do đây, người đó là bạn lành chí thân của ta, đã hoàn thành Nhẫn nhục ba-la-mật-đa cho ta. Với người đó, ta nên kính trọng, cho đến khi chứng Bồ-đề cũng không quên ân đức ấy, huống gì trở lại sân hận. Nếu sân giận tức là đã phản bội lại ân đức của họ. Do đây mà càng cung kính, nghĩ tưởng đây là thầy mình. Mặc dầu nhẫn điều khó nhẫn, nhưng còn sự phân biệt giữa mình và người thì chỉ gọi là nhẫn nhục, chứ không được gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.”

Lại nữa, nếu ở nơi thanh vắng có người đến chê bai Bồ-tát rằng: “Ông đã ăn trộm, hành dâm dục, đánh mắng, hành thích”. Bồtát nhẫn nhục, tự tư duy như vầy: “Đó chẳng phải lỗi của họ mà là do đời trước ta đã từng đánh mắng, hành thích họ. Do dư nghiệp của ta còn sót lại nên phải nhận lấy sự trách mắng của người ấy. Vì ta mà người kia phải đọa vào đường ác, nên ở trong loài người phải có lòng đại Bi nhẫn.” Lại tư duy: “Tâm này của ta rất gian trá, sợ đọa địa ngục mà nhẫn nhục, lại muốn thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật-đa để người cắt xẻ kia phải đọa ba đường ác.” Tư duy như vậy càng thấy xấu hổ. Biết lỗi của mình, Bồ-tất cảm thấy xấu hổ liền tưởng người kia là Thiện tri thức, sinh lòng tôn trọng. Nhưng đó chỉ là nhẫn nhục chứ không phải Nhẫn nhục ba-la-mật-đa, vì có phân biệt giữa mình và người.

Lại nữa, Bồ-tát biết sân giận là pháp gây ra các khổ, biết hạnh nhẫn nhục là nguồn gốc của vạn hạnh. Do đó mà hành nhẫn nhục, nhưng chỉ gọi là nhẫn nhục, không được gọi là Nhẫn nhục ba-la-mậtđa. Vì sao vậy? Vì còn có phân biệt thiện ác.

Bồ-tát quán thân năm uẩn có năm loại tội lỗi, là chỗ tập hợp gây ra các khổ và nó thay đổi trong sát-na, gồm năm thứ bất tịnh, gồm ba mươi sáu vật uế trược, không có ngã và ngã sở, tất cả đều là không. Riêng bọn ngoại đạo tà kiến chấp thân này là an lạc, thường trụ bất biến, là pháp thanh tịnh, có ngã và ngã sở. Bồ-tát quán kỹ năm pháp này cùng tất cả hữu tình cũng vậy. Đã biết vậy rồi, khi nghe mắng chửi, không nên sân giận, được khen ngợi không vui mừng. Đó chỉ gọi là nhẫn nhục, không phải là Nhẫn nhục ba-la-mậtđa.

Này Từ Thị! Nay ta sẽ lược nói về ba mươi hai loại nhẫn nhục của Bồ-tát. Đó là: không tham lam, không sát hại, không gây phiền não, không sân nhuế, không oán hận, không bực tức, không tranh luận, không nhiễm cảnh dục, hay giữ tâm mình và người, thuận tâm Bồ-đề, không có tâm phân biệt, không vướng vào sinh tử, tùy thuận nghiệp quả, thân thanh tịnh, khẩu ý thanh tịnh, kiên cố không thoái lui, nói năng tự tại, không tính toán, tự giác Thánh trí, giữ gìn ý người, tu bốn phạm hạnh không sinh theo do thiền lực, ở trong trời, người an lạc tự tại, tướng tốt viên mãn, Phạm âm vi diệu, diệt trừ các điều ác, lìa bỏ xan tham, đoạn trừ ganh tỵ, xả bỏ các oán giặc, gần Bồ-đề phần, lìa điều bất thiện, thích ở nơi thanh vắng, đạt được các phần Phật pháp. Đó là ba mươi hai loại Nhẫn nhục ba-la-mật-đa. Bồtát tu hành đầy đủ ba mươi hai loại nhẫn nhục ấy thì chứng được Vô sinh pháp nhẫn và mau đến Vô thượng Bồ-đề.

Này Từ Thị! Sao gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa? Nghĩa là nếu có người đến mắng chửi thì ta nên quán tiếng mắng chửi ấy như tiếng vọng trong hang. Khi bị đánh đập nên quán thân này như bóng (hình tướng) trong gương. Nếu bị sân nên quán tâm này như huyễn như hóa. Nếu bị phẫn nộ nên quán tâm này tánh vốn không náo động. Nếu được lợi dưỡng nên quán tâm này tự tánh điều phục, không vui mừng. Nếu mất lợi dưỡng nên quán tâm này thiện diệu, tịch tĩnh, không nên sân giận. Nếu bị chê bai nên quán thân này như hư không, không nên trả thù. Nếu được khen ngợi nên quán tự thân này tánh không ngã mạn, không cống cao. Nếu được ca tụng nên quán tâm này tánh xưa nay không tịch, không vui mừng. Nếu bị cơ hiềm nên quán tâm tánh vốn xa lìa sợ hãi, không sinh lo buồn. Khi gặp khổ nên quán pháp tánh vốn không bức bách, không thấy tướng khổ. Khi được vui vẻ, nên quán thật tánh thường trụ bất biến, không có tướng khổ vui. Khi Đại Bồ-tát trụ trong nhẫn nhục thì tám loại gió không thể nào làm động chuyển được. Vì sao? Vì lấy tâm Bồ-đề trụ vào tướng chân thật, xa lìa bỉ thử, thấy được Pháp thân. Nếu có việc gì bất an cũng đều nhẫn nhục. Muốn chiến thắng các ma oán nên làm tất cả những việc khó làm để điều phục ngoại đạo tà kiến.

Từ Thị nên biết! Nay ta sẽ lược nói về Nhẫn nhục ba-la-mậtđa.

Này Từ Thị! Nếu quán vô thường thì lìa tướng ngã kia mà tâm được an nhẫn, chẳng phải nhẫn chân thật. Nếu quán tướng thiện, bất thiện của các pháp mà tâm được nhẫn nhục, đó chẳng phải là nhẫn chân thật. Nếu quán kỹ nhẫn mười hai xứ đối với căn trần lìa tướng sân giận mà được nhẫn nhục, đó chẳng phải chân thật nhẫn. Nếu quán sân giận cho là điên đảo, nhẫn là chân chánh, biện biệt tà chánh thì chẳng phải là nhẫn chân thật. Lại thấy nhẫn có lý, mắng chửi là phi lý, nhẫn như vậy mà còn chấp tướng thì chẳng phải nhẫn chân thật. Lại nữa, nếu trụ vào nhẫn tám chánh, lìa nhẫn tám tà; nhẫn đạo hay phi đạo thì chẳng phải chân thật nhẫn. Lại nữa, không quán nhẫn các pháp vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ, mà chỉ quán các pháp thường, lạc, ngã, tịnh, Vô sinh pháp nhẫn. Nhẫn mà trái ngược nhau như vậy chẳng phải nhẫn chân thật. Nhẫn pháp không mà không nhẫn các kiến chấp; nhẫn pháp vô tướng mà không nhẫn pháp hữu tướng; nhẫn pháp vô nguyện, không nhẫn pháp hữu nguyện; nhẫn pháp vô hành, không nhẫn pháp hữu hành; nhẫn pháp không phiền não, không nhẫn pháp phiền não; nhẫn các pháp thiện, không nhẫn các pháp ác; nhẫn pháp xuất thế gian, không nhẫn pháp thế gian; nhẫn pháp không lỗi, không nhẫn pháp có lỗi; nhẫn pháp vô lậu, không nhẫn pháp hữu lậu; nhẫn pháp Niết-bàn, không nhẫn pháp sinh tử… Nhẫn như vậy là nhẫn đối trị, chẳng phải là nhẫn cứu cánh.

Đại Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn! Người nhẫn nhục như vậy là nhẫn không cứu cánh. Vậy thì thế nào là nhẫn cứu cánh? Cúi xin Ngài phân biệt giải nói.

Đức Thế Tôn dạy:

–Này thiện nam! Nhẫn chân thật là dùng chánh trí tuệ thông hiểu bản tánh của tất cả các pháp đều không. Tánh không này cùng với bản tánh của các pháp không hai. Tánh của các pháp là không tánh, bản tánh chánh trí là thanh tịnh, không hai, không khác, không đoạn. Do đó nên biết rằng pháp của thế gian là không. Không là pháp thế gian, bản tánh của hai pháp không lìa nhau. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Lại nữa, dùng chánh trí tuệ thông hiểu tánh của các pháp là tánh vô tướng. Tánh vô tướng là bản tánh của các pháp, bản tánh không hai. Tánh của các pháp và tánh vô tướng là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn.

Cho nên biết rằng tất cả pháp là vô tướng, vô tướng là tất cả pháp. Bản tánh của hai pháp không lìa nhau. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông hiểu tánh của các pháp là tánh vô nguyện, tánh vô nguyện là tánh của các pháp vì bản tánh không hai. Tánh vô nguyện và tánh của các pháp là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Cho nên biết rằng tất cả pháp là vô nguyện, vô nguyện là tất cả pháp, vì bản tánh hai pháp không lìa nhau. Nhẫn như vậy là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ hiểu rõ tánh của tất cả hành là tánh không hành. Tánh không hành và tánh tất cả hành, bản tánh không hai. Tánh tất cả hành và tánh không hành là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông hiểu tánh phiền não là tánh không phiền não. Tánh không phiền não và tánh phiền não là bản tánh không hai. Tánh phiền não và tánh không phiền não là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không khác, không hai phần, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông suốt tất cả tánh thiện là tánh bất thiện. Tánh thiện tức là tánh bất thiện, là bản tánh không hai. Tánh thiện và tánh bất thiện là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông suốt tánh pháp xuất thế gian tức là tánh pháp thế gian. Tánh pháp thế gian và tánh pháp xuất thế gian là bản tánh không hai. Tánh pháp xuất thế gian và tánh pháp thế gian là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông suốt tánh không tội lỗi là tánh tội lỗi. Tánh tội lỗi và tánh không tội lỗi bản tánh không hai. Tánh không tội lỗi và tánh tội lỗi là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông hiểu tánh pháp vô lậu là tánh pháp hữu lậu. Tánh pháp hữu lậu và tánh pháp vô lậu bản tánh không hai. Tánh pháp vô lậu và tánh pháp hữu lậu là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy gọi là nhẫn cứu cánh.

Dùng chánh trí tuệ thông suốt tánh Niết-bàn là tánh sinh tử. Tánh sinh tử và tánh Niết-bàn bản tánh không hai. Tánh Niết-bàn và tánh sinh tử là bản tánh chánh trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, không khác, không đoạn. Nhẫn như vậy là nhẫn cứu cánh.

Đức Phật dạy:

–Này Từ Thị! Nhẫn cứu cánh chân thật như vậy, đối với tất cả các pháp thấy không có mình và người, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải sinh, chẳng phải không sinh, chẳng phải diệt, chẳng phải không diệt. Ai đạt được nhẫn như vậy gọi là nhẫn chân thật cứu cánh Vô sinh pháp nhẫn, là Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.

Khi Đức Phật nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa này, Bồ-tát Từ Thị làm thượng thủ, cùng vô lượng chúng Đại Bồ-tát và cả đại hội đồng khen ngợi Đức Thế Tôn:

–Lành thay, lành thay! Thật hy hữu thay Bậc Thiện Thệ! Thật kỳ diệu thay, Bậc Thế Tôn!

Khen ngợi xong, tất cả mọi người đem vô lượng trân bảo quý giá dâng lên cúng dường Thế Tôn, đó là những loại: hương chiêmbặc, hương hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, những loại vòng hoa, y phục, tơ lụa, tràng phan, bảo cái tung lên hư không cúng dường và trổi tất cả các thứ âm nhạc để làm vui cùng những bài ca tụng khen ngợi Như Lai. Các chúng sinh nghe Đức Phật nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa này không kinh nghi, không hoảng sợ, tất cả đều được pháp nhẫn chân thật của Như Lai. Họ rải hoa hương trên hư không khắp cả tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Như Lai.

Đức Thế Tôn dạy Từ Thị:

–Này thiện nam! Ông nên an trí tất cả hoa hương, y phục cho đến tràng phan, bảo cái ấy.

Bồ-tát Từ Thị thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con đã an trí tất cả hương hoa, y phục ấy rồi, mỗi mỗi đều được an trí trong chúng hội các vị Bồ-tát, Trời, Rồng…, mà ngay nơi thân con là chỗ nương tựa.

Nói xong, Bồ-tát Từ Thị liền nhập vào Nhất thiết sắc thân Tam-muội. Nhập Tam-muội rồi, tất cả hương hoa, y phục, tơ lụa, cho đến tràng phan, bảo cái đầy khắp hư không trong tam thiên đại thiên thế giới nhờ thần lực của định mà vào rốn của Bồ-tát Từ Thị không bị chướng ngại, và cả thảy đều đầy đủ không giảm bớt mà thân của Bồ-tát Từ Thị cũng không lớn ra.

Khi ấy, Đại Bồ-tát Vô Tận Tạng hỏi Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Tam-muội này tên là gì mà trụ vào định này làm cho tất cả vật cúng dường đều vào trong rốn ông mà thân ông không tăng, vật kia không giảm?

Bồ-tát Từ Thị nói:

–Này thiện nam! Tam-muội này gọi là Phổ nhập nhất thiết sắc thân Tam-muội.

Bồ-tát Vô Tận Tạng lại hỏi:

–Này Đại sĩ! Cảnh giới biến hóa thần thông của Tam-muội này như thế nào?

Bồ-tát Từ Thị nói:

–Tất cả vật trong tam thiên đại thiên thế giới đều vào rốn của tôi mà thân tôi không tăng, vật kia không giảm. Vì sao vậy? Vì pháp tánh vốn như vậy.

Khi ấy, ở trong hội, Bồ-tát, Trời, Rồng, Quỷ thần, Nhân phi nhân thầm nghĩ: “Chúng ta muốn thấy cảnh giới thần biến của Tammuội này mà không biết làm thế nào?”.

Biết tâm niệm của các vị Bồ-tát, Trời, Rồng… Đức Thế Tôn dạy Bồ-tát Từ Thị:

–Này thiện nam! Ông nên hiện thần thông biến hóa của Tam-

muội này để cho tất cả đại chúng đều biết.

Lúc ấy, Bồ-tát Từ Thị tu tập Tam-muội này đã từ lâu và đã hoàn toàn thuần thục, không bị chướng ngại, làm cho các vị Bồ-tát, đại chúng ở phương khác và Bí-sô, Bí-sô-ni cùng Phật Thế Tôn đều nhập vào thân Từ Thị mà các hữu tình cũng không kinh sợ, thân tâm được an lạc chưa từng có.

Giống như đi qua vô lượng a-tăng-kỳ thế giới về phương Đông, có thế giới tên Bảo anh lạc trang nghiêm. Tất cả đồ vật mà chúng sinh thế giới đó dùng toàn bằng những loại trân bảo quý báu, thọ hưởng sự sung sướng. Và thân trời, người trong đại chúng này được hưởng an lạc giống như thế giới ấy không khác. Đại chúng nơi hội này ở trong thân Từ Thị biết rõ không bị chướng ngại.

Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị thâu thần lực trở lại. Khi ấy đại chúng và Phật Thế Tôn đều trở về chỗ ngồi. Tất cả đại chúng hữu tình ấy đều không biết rõ có tướng qua lại. Bồ-tát Vô Tận Tạng nói với Bồtát Từ Thị:

–Thật hy hữu thay, Đại sĩ! Việc biến hóa thần thông của Tammuội này tôi chưa từng có và xưa nay chưa từng nghe thấy.

Bồ-tát Từ Thị nói:

–Thưa Tôn giả! Không những chỉ có tất cả đại chúng trong hội này đều nhập vào trong rốn tôi, mà giả sử đem các núi Diệu cao và mười núi báu, núi Đại thiết vi, biển lớn, sông sâu, mặt trời, mặt trăng, sao, Thiên cung, Long cung trong tam thiên đại thiên thế giới, năm cõi, bốn loài, Nhân phi nhân nhập vào thân tôi không bị chướng ngại. Thân tôi không tăng, vật kia không giảm. Chúng sinh ấy cũng không biết rõ có tướng qua lại. Tánh của pháp còn như vậy, huống gì trong hội này.

Khi Đức Thế Tôn nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa này và hiện đại thần thông, trong hội có bảy mươi sáu na-do-tha người, trời đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, ba vạn hai ngàn Bồ-tát đều được Vô sinh pháp nhẫn.

Đức Phật dạy Từ Thị:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào mới nghe tên Nhẫn nhục bala-mật-đa này mà sinh lòng tin thì người ấy chắc chắn không đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà được ở trong Vô thượng Bồ-đề không bao giờ thoái chuyển. Nay ta nói Nhẫn nhục ba-la-mật-đa này là hoàn toàn viên mãn, làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh.