KINH BỒ-TÁT ANH LẠC
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP MÔN ANH LẠC
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tộc tánh tử, Tộc tánh nữ:
–Ta nay sẽ thuyết giảng về tám vạn pháp môn Anh lạc của Bồtát. Những gì là tám vạn pháp môn ấy?
Này các vị Tộc tánh tử! Như có pháp môn Anh lạc tên là Tận tín. Như Lai đã đạt được pháp môn ấy nên có thể khiến cho chúng sinh nơi cõi địa ngục đang chịu bao nỗi khổ não liền dứt mọi hoạn nạn.
Lại có pháp môn Anh lạc Đẳng từ, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc đó thì có thể khiến cho những chúng sinh mang hình tướng súc sinh dứt hẳn mọi sự bị giết hại.
Còn có pháp môn Anh lạc Vô vọng, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này thì có thể khiến cho loài ngạ quỷ vĩnh viễn không còn tưởng về sự đói khát nữa.
Lại có pháp môn Anh lạc Thanh tịnh, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy thì sẽ khiến cho các chúng sinh bị mê lầm nhận biết được nẻo đạo.
Còn có pháp môn Anh lạc Triệt thính, Bồ-tát có được pháp Anh lạc đó thì sẽ khiến cho các chúng sinh chưa được nghe giáo pháp chân chánh, bấy giờ được nghe, lãnh hội.
Lại có pháp môn Anh lạc Tự ngộ, Bồ-tát đạt được pháp Anh
lạc này thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh ngu si tâm dứt sạch nẻo tà loạn.
Còn có pháp môn Anh lạc Kiểm ý, Bồ-tát có được pháp Anh lạc ấy thì sẽ giảng giải cho chúng sinh hành theo mười nẻo thiện.
Lại có pháp môn Anh lạc Trực tín, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc đó sẽ đưa được các chúng sinh lầm theo đường tà kiến trở lại an ổn nơi chánh kiến.
Còn có pháp môn Anh lạc Hoằng thệ, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này thì sẽ không còn cho số lượng các kiếp là lâu xa nữa.
Lại có pháp môn Anh lạc Siêu việt, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy thì sẽ khiến cho các chúng sinh biếng trễ dốc giữ gìn đúng luật pháp.
Lại có pháp môn Anh lạc Vô nhuế, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc đó sẽ khiến được các chúng sinh giận dữ mưu hại dốc tu tập nhẫn nhục.
Lại có pháp môn Anh lạc Dũng mãnh, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này sẽ thúc đẩy các chúng sinh lười nhác trở nên tinh tấn hết mực.
Còn có pháp môn Anh lạc Nhất ý, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy sẽ khiến cho các chúng sinh tâm ý bị rối loạn dốc tu tập đầy đủ các pháp thiền định.
Lại có pháp môn Anh lạc Xí nhiên, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc đó sẽ khiến cho hàng chúng sinh ngu si thành tựu được trí tuệ.
Có pháp môn Anh lạc Kiên cố, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này thì đối với những người chưa bước vào nẻo đạo sẽ khiến họ đứng vững trong chốn đạo pháp.
Lại có pháp môn Anh lạc Đa văn, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy thì sẽ khiến cho những chúng sinh trí tuệ ít, kém, trở thành những người có nhận thức và trí nhớ tốt, không hề bị quên.
Có pháp môn Anh lạc Uy nghi, Bồ-tát có đủ pháp Anh lạc đó sẽ khiến cho các chúng sinh không biết hổ thẹn trở nên biết hổ thẹn.
Có pháp môn Anh lạc Ác lộ, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này sẽ khiến cho những chúng sinh tham đắm ái dục nhận thấy được tính chất bất tịnh của đối tượng.
Còn có pháp môn Anh lạc Phù lạc, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy thì sẽ khiến cho chúng sinh thường sân hận, vĩnh viễn đoạn trừ sạch điều độc ấy.
Lại có pháp môn Anh lạc Phổ diệu, Bồ-tát có được pháp Anh lạc đó tất đạt được trí tuệ thông tỏ, xua sạch hẳn mọi tối tăm.
Có pháp môn Anh lạc Biến phổ, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc này thì sẽ khiến các chúng sinh thấy được tính chất phân chia bằng nhau, dứt hết mọi hồ nghi.
Lại có pháp môn Anh lạc Hình sắc Biến hóa, Bồ-tát đạt được pháp Anh lạc ấy thì khi nhận thấy được sự biến hóa của vô lượng hình sắc đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề.
Này các vị Tộc tánh tử! Đó gọi là những pháp Anh lạc tiêu biểu dẫn tới tám vạn pháp môn Anh lạc của Bồ-tát thật là vô cùng tận. Ta nay chỉ lược nêu một số pháp chính, khỏi phải nói hết. Nếu có những chúng sinh từ kiếp này đến kiếp khác, cho tới cả trăm ngàn kiếp, muốn biết hết sự thực hiện các pháp Anh lạc của Bồ-tát ấy thì điều đó không thể có được.
Lúc này có vị Bồ-tát tên là Vô Hình, đã đứng vững nơi pháp không thoái chuyển, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy để trần vai bên hữu, đến trước Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thật là điều hết sức kỳ lạ, hết sức đặc biệt, chưa từng được nghe! Sự biến hóa của Như Lai, thật chẳng thể tận cùng nên mới có thể diễn nói về pháp Anh lạc thâm diệu. Các vị Đại Bồ-tát nếu dốc tâm chấp trì đọc tụng tên các pháp Anh lạc ấy thì đều được chư Phật luôn hộ niệm. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ được gặp lúc Như Lai thuyết giảng về pháp Anh lạc thì đúng là đã gặp được Pháp tạng của Như Lai.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với bốn bộ chúng:
–Nếu có thiện nam, thiện nữ dốc hết tâm ý thọ trì đọc tụng các pháp Anh lạc ấy thì liền đạt được mười công đức vô ngại. Những gì là mười công đức đó?
- Có được uy nghi, thâm nhập vào kho tàng chánh pháp vô tận như hư không.
- Đối với mọi chỗ nghe, thấy, hiểu biết thì sự ghi nhớ luôn mạnh mẽ lâu bền, không hề để mất biện tài.
- Quan sát và thông tỏ các niệm đều như huyễn hóa.
- Tâm đạt giải thoát, không còn chấp vào nẻo thường hữu.
- Luôn xa lìa tám pháp thế gian, không ở những nơi chốn ồn ào rối rắm.
- Được nghe pháp ấy thì liền vui vẻ, tâm dứt nẻo nhị kiến.
- Lãnh hội các diệu lý Không, Vô tướng nên không hề chấp vào hình tướng.
- Lại có thể thâm nhập vào các pháp định ý tịch diệt.
- Thần thông vô ngại, được trí giải thoát.
- Thông tỏ các pháp là tự sinh, không còn thấy sự sinh diệt của chúng.
Như vậy là các vị thiện nam, thiện nữ đã có được đầy đủ mười công đức vô ngại.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, chắp tay cung kính thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Các pháp vô hình không thể nhìn thấy được. Pháp vô hình chẳng phải là chỗ đạt được của A-la-hán, Bíchchi-phật, sao Thế Tôn lại nói rằng các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười công đức vô ngại thì liền thành tựu đạo quả đi vào cửa Nê-hoàn? Nê-hoàn vô ngại lẽ nào là một pháp khác sao? Nê-hoàn là vô vi, vô ngại, không tham đắm. Như Lai hiện tại đạt đến bậc Chánh giác, do đâu lại đem công đức vô ngại mà nói về Nê-hoàn, cho rằng chúng sinh đạt được mười công đức vô ngại thì liền được Nê-hoàn? Nếu bảo rằng chúng sinh đã đạt được Nê-hoàn thì Nê-hoàn ấy chẳng phải là Nê-hoàn vậy. Như thế thì sao Đức Thế Tôn nói rằng có được mười công đức vô ngại thì liền được Nêhoàn?
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Như chỗ Tôn giả hỏi ấy đều thuộc về uy thần của Phật, không phải là cảnh giới của Tôn giả. Thế thì theo Tôn giả, Nê-hoàn có hình sắc không?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi:
–Vậy thì Nê-hoàn là vô hình sắc chăng?
Thưa:
–Chẳng phải.
Phật hỏi:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vậy thì Nê-hoàn là có hình sắc, không có hình sắc chăng?
Thưa:
–Chẳng phải!
Phật hỏi:
–Thế thì Nê-hoàn là phi sắc, hay chẳng phải phi hình sắc chăng?
Thưa:
–Chẳng phải!
Phật hỏi:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vậy thì các pháp vô ngại là thường, chẳng phải thường, có sinh có diệt chăng?
Thưa:
–Chẳng phải thế! Kính bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Nếu cho rằng các pháp vô ngại, cho đến Nê-hoàn chẳng phải sắc, chẳng phải vô sắc, cũng chẳng phải sắc chẳng phải vô sắc, cũng không sinh diệt, dứt trừ tham đắm, không hình tướng, chẳng thể nhìn thấy. Thế thì làm sao có tên là Nê-hoàn?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Nê-hoàn là không có tên, chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức có thể tiếp cận.
Đức Phật nói:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như chỗ Tôn giả nói, đó chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức có thể nhận biết được. Thế thì theo Tôn giả, thức là hữu hình chăng?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Tùy theo hình tướng của đối tượng.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Như Tôn giả nói là tùy theo hình tướng của đối tượng, thế là có cái thức ấy. Vậy sao lại cho rằng “chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức”?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật rằng:
–Tùy theo đối tượng có hình tướng thì là thức hữu vi. Tùy theo đối tượng không hình tướng thì là thức vô vi. Vì Nê-hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng hữu vi, nên chẳng phải là thức hữu vi; chẳng phải là tướng vô vi, nên chẳng phải là thức vô vi.
Đức Phật nói:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nê-hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng hữu vi, chẳng phải là thức hữu vi; chẳng phải là tướng vô vi, chẳng phải là thức vô vi. Có tạo tác thì thức, không tạo tác thì không thức. Nê-hoàn chẳng phải bỉ, chẳng phải thử. Vậy thì lại chẳng phải thức khác sao?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải thế!
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Nê-hoàn chẳng phải đây, chẳng phải kia, cũng chẳng phải thức khác. Tướng tức là chẳng phải tướng. Làm sao Nê-hoàn lại biệt lập với tên gọi được? Giả sử Nê-hoàn biệt lập với danh hiệu, tùy theo hình tướng của đối tượng mà có thức phát sinh. Nếu khiến Nê-hoàn không biệt lập với danh hiệu, thì tùy theo tướng vô vi mà liền có thức vô vi. Thế thì sao lại cho rằng Nê-hoàn chẳng là tướng hữu vi, chẳng là thức hữu vi; chẳng là tướng vô vi, chẳng là thức vô vi, cũng chẳng là thức khác? Lại chẳng phải biệt lập với danh hiệu, thì như hiện nay làm sao lại gọi là Nê-hoàn?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Nê-hoàn là Nê-hoàn?
Đức Phật nói:
–Làm sao cho rằng Nê-hoàn là Nê-hoàn?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Như dứt hết ý niệm về Nê-hoàn.
Đức Phật nói:
–Làm sao gọi là như dứt hết ý niệm về Nê-hoàn?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Như tận cùng tức là không tận cùng!
Đức Phật nói:
–Lành thay! Lành thay! Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như chỗ Tôn giả nói, gốc là nói về Nê-hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng và thức hữu vi, chẳng phải là tướng và thức vô vi, cũng chẳng phải là thức khác. Tướng tức là vô tướng, không biệt lập với danh. Thế thì sao lại nói Nê-hoàn vô ngại, như tận cùng tức không tận cùng?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Nói về Nê-hoàn vô ngại chẳng phải là cảnh giới của con. Chỉ vì Nê-hoàn vô ngại là vô tận mà chẳng phải là vô tận.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Ta nay cùng với Tôn giả nêu ra thí dụ. Kẻ trí dựa theo thí dụ là tự thông tỏ. Ví như có người đàn ông ngước mặt bắn lên hư không, ở nơi không mong cầu không! Lại hướng về chỗ người khác nói: “Tôi ngày trước từng đi khắp hư không, tự rơi xuống vực sâu, nay gặp được hư không nên bắn mà báo thù. Thật là sung sướng vì đã đạt được sở nguyện của tôi!”.
Thế thì, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Chí hướng của người đó là thích đáng chăng?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Người ấy bắn lên hư không nhằm để báo thù, sự xét đoán như thế là không dối.
Đức Phật nói:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ở nơi hư không bắn vào hư không, thế thì mũi tên có găm vào hư không chăng?
Thưa:
–Không dính vào.
Đức Phật nói:
–Làm sao đối với hư không lại báo oán?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
–Hư không là vô hình tướng, không thấy có báo hay không báo. Đức Phật nói:
–Đúng thế! Đúng thế! Như chỗ Tôn giả vừa nói: Hư không là không có báo.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Nê-hoàn vô ngại cũng như vậy. Ở nơi hình tướng hữu vi thì theo thức hữu vi, ở nơi tướng vô vi thì theo thức vô vi. Chẳng ở nơi tướng này, chẳng ở nơi tướng kia; cũng chẳng phải có thức, cũng chẳng phải không có thức. Đó gọi là Nê-hoàn vô ngại, chẳng phải có thức, chẳng phải không có thức vậy.
Lúc này có năm trăm vị Tỳ-kheo được nghe nói về pháp hư không vô tận ấy, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, thu dọn y bát, bỏ đạo mà đi. Vì sao? Vì các vị Tỳ-kheo ấy ở nơi không cầu mong lấy cái không, muốn báo oán đối với hư không, tâm vướng chấp nên tham đắm cho rằng hư không là có hư không. Vì vậy mà về thời tương lai, hằng sa chư Phật phải tạo trước sự ổn định vững chắc rồi mới thuyết pháp. Các vị Tỳ-kheo ấy đối với hư không đã bị nhiễm chấp nên chung cuộc chẳng được giải thoát.
Bấy giờ nơi tòa ngồi dành cho hàng phàm phu có được lòng tin vững vàng, những người có học, không học tỏ ra xôn xao vì chưa có thể dứt sạch hết khổ, đạt đến cảnh giới vô vi giải thoát. Lúc này Tôn giả Xá-lợi-phất thừa uy thần của Phật nói với bốn bộ chúng:
–Này các vị! Các vị đã lãnh hội thấu đáo pháp thâm diệu ấy chăng?
Hội chúng đồng thanh đáp:
–Đúng vậy! Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Chúng tôi đã vĩnh viễn đoạn trừ các thứ phiền não cấu nhiễm, mọi nẻo tạo tác của ba nghiệp đã dứt.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–Làm sao để dứt trừ hết mọi thứ phiền não?
Đáp:
–Các trí không lẫn lộn, chẳng phải tạo, chẳng phải không tạo, vì vậy mà dứt tận mọi phiền não.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–Lành thay! Lành thay! Này các vị Tộc tánh tử! Các loại phiền não ấy là gốc của chúng sinh, ở trong chúng sinh mà thành tựu đạo quả Vô thượng, ở nơi phước điền của Đức Như Lai mà làm thanh tịnh Nhất thiết trí.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói tiếp:
–Tịnh cũng là không tịnh. Làm sao ở nơi phước điền có thể làm thanh tịnh Nhất thiết trí?
Đáp:
–Chưa đạt được đạo quả thì đối với Nhất thiết trí chưa có thể làm thanh tịnh được nẻo trí tuệ ấy.
Lại hỏi:
–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát muốn làm thanh tịnh Nhất thiết trí thì gồm có bao nhiêu phẩm?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–Bồ-tát làm thanh tịnh Nhất thiết trí không thể dùng các pháp của thế gian để nắm bắt được.
Lại hỏi:
–Thế nào gọi là không thể dùng các pháp thế gian để nắm bắt?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–Đối với các pháp không tham chấp vướng mắc, không mang nhận thức điên đảo.
Lại hỏi:
–Làm sao để thành tựu được các pháp Anh lạc của Bồ-tát?
Đáp:
–Không thể mất Phật đạo cho đến khi thành tựu trọn vẹn, như thế là không hề mất pháp Anh lạc của Bồ-tát. Đó gọi là các vị Tộc tánh tử ấy đã thực hiện từ gốc nên không làm mất sở nguyện tốt đẹp của mình.
Lại hỏi:
–Thưa hiền giả Xá-lợi-phất, các vị Đại Bồ-tát làm thế nào dựa vào Thiện tri thức để thành tựu được các hạnh Anh lạc của Bồ-tát?
Đáp:
–Đối với tất cả chúng sinh không hề tiếc thân mạng mình. Đó gọi là Đại Bồ-tát Thiện tri thức.
Lại hỏi:
–Dùng những trí tuệ gì để thành tựu được các hạnh Anh lạc?
Đáp:
–Không làm dứt mất Phật chủng, lại không tạo ra cái mới khác.
Lại hỏi:
–Đối với chư Như Lai, làm sao để phục vụ, cúng dường, làm trang nghiêm cõi Phật?
Đáp:
–Không lấy số lượng các pháp làm kỳ hạn. Đó gọi là làm trang nghiêm cõi Phật.
Lại hỏi:
–Đối với nơi chốn của Như Lai, Hiền thánh, làm thế nào để im lặng, an nhiên không dấy các tưởng?
Đáp:
–Thà mất thân mạng chứ không thể thiếu giới luật.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để nhận rõ tám trăm pháp môn căn bản?
Đáp:
–Luôn liên tục giữ tâm không để mất, ý luôn giữ lấy việc ra vào cùng dứt vọng niệm.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để có đầy đủ sáu pháp kiên cố?
Đáp:
–Không cho thân tướng là thật, không xem thọ mạng là thật.
Thân mạng thật sự là luôn biến đổi.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để có được đầy đủ kho tàng vô tận?
Đáp:
–Đã đạt được các pháp Anh lạc vô ngại của Bồ-tát thì sẽ có đầy đủ bảy thứ tài sản vô tận.
Lại hỏi:
–Làm thế nào đối với thế gian có được sự ít ham muốn, biết đủ?
Đáp:
–Đối với các thứ trí không hề tạo sự sai trái, chống đối. Đó gọi là ít ham muốn.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để tâm tiếp cận khắp các đối tượng, hoặc khi ở nơi thanh vắng không hề nhiễm ở ba cõi?
Đáp:
–Dứt mọi nguyện cầu nơi ba cõi.
Lại hỏi:
–Làm thế nào dùng trí tuệ để biết được các mối khổ hoạn trong ba đời?
Đáp:
–Dứt sạch mọi khổ từ cội rễ của nó, khiến không còn dấy sinh các phiền não.
Lại hỏi:
–Làm sao đối với ba pháp thọ nhận có thể dứt hết mọi tưởng niệm?
Đáp:
–Chẳng thấy có khổ, vui; cùng không khổ không vui.
Lại hỏi:
–Làm thế nào Bồ-tát có thể thọ nhận nơi không có chỗ thọ nhận?
Đáp:
–Nhận rõ về năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Lại hỏi:
–Làm sao Bồ-tát có thể thâm nhập vào cội nguồn của các pháp?
Đáp:
–Bên ngoài lìa bỏ sáu nhập, trong thì không tạo sáu trần.
Lại hỏi:
–Làm thế nào dùng các pháp hóa độ để hóa độ chúng sinh?
Đáp:
–Phân biệt rõ các con đường tu tập, không vọng chấp vào đạo quả.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để lìa bỏ sự tham tiếc keo kiệt, bố thí giúp đỡ mọi người mà không dấy tưởng chấp?
Đáp:
–Đối với tất cả chúng sinh, tâm luôn dứt sạch ba thứ chướng ngại.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để giữ giới luật không hề thiếu?
Đáp:
–Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật-đà, không hề lìa bỏ đạo tâm cùng pháp nhẫn nhu hòa, thuận hợp.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để tu tập pháp nhẫn mà không hề dấy khởi giận dữ?
Đáp:
–Luôn điều phục tâm, thu giữ ý, gắn bó với pháp không, vô hình.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để luôn dốc tâm tinh tấn, không dấy sự biếng trễ, lười nhác?
Đáp:
–Luôn tư duy để nhận rõ sự tu tập như đang cứu chữa lửa cháy.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để thực hiện các pháp thiền định không hề thiếu? Và khi du hóa đến khắp mười phương tâm ý không hề lầm lạc?
Đáp:
–Tâm ý khi tiếp cận đối tượng luôn theo tinh thần bất nhị, không hề làm mất trí tuệ.
Lại hỏi:
–Làm thế nào để Tuệ nhãn soi tỏ khắp chốn, không bị trở ngại?
Đáp:
–Đối với tất cả các pháp không thấy, không chấp ở hình tướng của chúng.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để nhận pháp Định từ…, thu giữ, giữ lấy chúng sinh, không còn thấy có sự hóa độ?
Đáp:
–Luôn quan sát và thông tỏ về gốc của tâm ý thức chúng sinh.
Lại hỏi:
–Thế nào gọi làm Bồ-tát thể hiện lòng thương xót hết mực đối với các chúng sinh chưa được hóa độ?
Đáp:
–Không hề dấy tưởng chấp về các pháp để thấy có sự cao thấp.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để nhập vô lượng các pháp định, tâm có được niềm hoan hỷ liên tục?
Đáp:
–Hành theo gốc như nhiên, không thấy có sinh diệt.
Lại hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào để thực hiện ba pháp Tam-muội cho đến lúc đạt tới cửa Niết-bàn?
Đáp:
–Luôn không lìa tám con đường tu tập của Đức Như Lai.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đã dùng vô số phương tiện để cùng với các vị trong chúng hội thuyết giảng về pháp Anh lạc vô ngại vi diệu. Lúc này có một ngàn hai trăm vị Tỳ-kheo tâm tin tưởng vững chắc, an tịnh trong pháp Không thoái chuyển. Lại có vô số chư Thiên, chúng nhân thảy đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề.
Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Vô Đảnh Tướng, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, cung kính thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thật là hết mực kỳ diệu, hết mực đặc biệt, chưa từng được nghe! Như Hiền giả Xá-lợi-phất đã nói về cảnh giới trí tuệ là chẳng phải có, chẳng phải không, không thấy hình tướng của các pháp yêu ghét, vui giận. Như con xem xét và nhận thấy chư Phật Thế Tôn trong mười phương diễn nói chánh pháp, hoặc thuyết các pháp về hữu giáo rồi dần đến các pháp vô vi; hoặc thuyết các nỗi khổ của thân mạng khiến nhận biết để chán ghét, hoặc dứt trừ mọi vọng tưởng của thức để tỏ ngộ cõi gốc mà xa lìa. Vậy thì làm thế nào để Bồ-tát hội nhập vào khắp các pháp, mỗi mỗi đều nhận rõ mà không dấy tưởng tăng giảm? Nay được nghe các pháp về thân tướng của Như Lai, hữu vi tự nhiên hành không biến đổi, vô vi vô hình chẳng thể lường tính. Nay con muốn được nghe Như Lai nói về gốc của các pháp Anh lạc, mong được Thế Tôn chỉ dạy rõ: Thân hữu vi hữu sắc có bao nhiêu pháp Anh lạc để tự làm cho trang nghiêm, tươi đẹp? Thân vô vi hữu sắc có bao nhiêu phép Anh lạc để tự làm cho tươi đẹp, trang nghiêm? Thân hữu vi vô sắc có bao nhiêu pháp Anh lạc để tự làm cho trang nghiêm, tươi đẹp? Thân vô vi vô sắc cũng có bao nhiêu pháp Anh lạc để tự làm cho tươi đẹp, trang nghiêm?
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Ông đã có thể ở trước mặt Như Lai tạo nên tiếng rống của Sư tử. Nay ta sẽ vì Bồ-tát mà mỗi mỗi phân biệt rõ. Bồ-tát cùng các vị hãy lắng nghe và khéo nghĩ ngợi, ghi nhớ.
Đại Bồ-tát từ lúc mới bắt đầu phát tâm Bồ-đề cho đến khi thành Phật, phải nên luôn thực hiện đầy đủ việc điều phục ba nghiệp thân, khẩu, ý; tu sáu pháp Ba-la-mật để tự trang nghiêm; rõ mọi hình sắc gốc là không; không thấy và chấp vào gốc của hình sắc; ở nơi sắc có sáu pháp Anh lạc để trang nghiêm, từ đó đạt được các pháp Anh lạc thâm diệu, sâu rộng của Như Lai. Những gì là sáu pháp?
Này các thiện nam, thiện nữ, như mắt trông thấy sắc, nhận biết và dấy tưởng về sắc. Chúng sinh do tham, sân, si nên thích hợp với tiến tới liền tiến, thích hợp với thoái lui liền thoái. Mắt không phải là sắc ấy, sắc chẳng phải là mắt. Dứt niệm về sắc ấy và không dấy tưởng về mắt. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tánh của sắc là như nhiên, thức cũng vậy. Khi ta nhận thức về sắc ấy không dấy khởi phiền não, mau chóng lãnh hội được sự trói buộc kia để không nhiễm vào nẻo sở hữu của ta. Đó là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Ở nơi sắc vô hình nên tư duy để nhận rõ mọi căn bản đều thanh tịnh, sắc cũng thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Này các vị Tộc tánh tử! Tham đắm sắc, nhiễm dục. Chẳng phải sắc có dục, tánh của sắc vốn không, lẽ nào lại có tham dục? Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Chấp ở sắc cho là thường còn, dấy chẳng phải là cảnh giới của mắt, ý thức phân biệt nên liền khởi do dự và chấp thường, vô thường, cho tới vô ngã. Tánh của sắc là hư tịch, vĩnh viễn là không sinh diệt. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Sắc là từ bên ngoài vào. Nhãn thức thường xuyên thọ nhận, có sắc hữu vi có sắc vô vi. Nhận biết về sắc hữu vi với tính chất làm hỏng cội rễ đạo pháp của chúng. Nhận biết về sắc vô vi với tính chất thành tựu được mọi phước báo. Phải tư duy để nhận ra hình tướng hữu vi ấy. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lại có sáu pháp để tự thu giữ nhận thức về sắc. Những gì là sáu?
Này các vị Tộc tánh tử! Tướng của thức là vô hình, lưu chuyển giong ruổi với vạn mối, tiếp cận với các trần bên ngoài liền sinh phiền não, cấu nhiễm. Nếu là thiện thì đó là thức thiện, nếu là ác thì đó là thức ác. Thức ác thì không thiện. Thức thiện thì không ác. Bồtát thâu phục tâm ý không dấy thức thiện ác ấy. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhãn thức quán về không tất nhận ra các pháp là không chốn có, liền sinh trưởng không, dứt mọi quả báo thiện ác, không thấy nay sinh về sau lại nhận lấy báo. Ở trong sự thâu phục ý ấy không dấy tưởng điên đảo. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Thức phân biệt vô ngã, hoặc có lúc nhận thấy căn môn là chẳng tịnh mà chấp cho là tịnh; hoặc lại có niệm tiếp cận căn môn tịnh mà chấp cho là chẳng tịnh. Ở trong sự thâu phục ý không dấy hai tưởng chấp ấy. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Thức nhận thấy sự giận dữ ấy là thiện hay bất thiện. Thiện thì cho là thiện thường còn, bất thiện thì cũng như vậy. Ở trong sự thâu phục ý ấy luôn có đầy đủ nhẫn nhục. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Thức nhận biết các chúng sinh hướng về nẻo thiện hay chẳng hướng về nẻo ấy, có nẻo hành kiên trụ và không kiên trụ. Ở trong sự thâu phục ý, tâm không hề thoái chuyển. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Thức quan sát đối tượng sắc có đạo có tục, thấy đạo chẳng biết là đạo, thấy tục chẳng biết là tục. Ở trong sự thâu phục ý phải khéo phân biệt đạo, tục. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Nhĩ thức hướng đến tưởng lại có sáu pháp. Những gì là sáu?
Này các vị Tộc tánh tử! Nếu tai nghe âm thanh với mười tám thứ biến động, hoặc nghe tiếng gió rung cây cối, tiếng núi đồi nghiêng đổ; hoặc là nghe âm thanh của các loài chim thú hòa tấu… Âm thanh có thiện có ác, có thể ghi nhớ hay không thể ghi nhớ. Ở trong sự thâu phục ý, nhĩ thức không hề bị lầm lạc. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Chúng sinh có lúc đạt được sự nghe biết thông triệt về các pháp thế tục, hoặc một trăm, hai trăm dotuần. Lại đến vô số quốc độ của chư Phật giống như Thế Tôn dũng mãnh đi tới đạo tràng để dốc thành tựu Bậc Chánh Giác, lúc ấy trời đất hiện đủ sáu cách chấn động. Nhận rõ mọi âm thanh tiếng vang thảy đều trở về hư không. Ở trong sự thâu phục ý ấy không hề dấy tưởng chấp trước. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức nghe biết âm thanh gốc là không chốn có. Các tưởng kia liền sinh và dấy khởi ngần ấy niệm. Ở trong sự thâu phục ý ấy luôn dứt sạch các niệm tà. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức luôn thanh tịnh. Nhận biết điều ấy để khi tiếp nhận các hình tướng của âm thanh có trong dục. Thấy dục không dấy phiền não, thấy trong không sinh đạo tâm. Ở trong sự thâu phục ý ấy không dấy bỉ ngã. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Hoặc có lúc nhĩ thức nghe diễn thuyết ở nơi chốn thuộc quốc độ khác, nói về năm phần Pháp thân thị hiện nơi thai mẹ mà không nhiễm chút trần cấu tham dục. Lại thị hiện việc xuất gia, tâm không biến đổi, ở nơi gốc cây Bồ-đề thành tựu Bậc Chánh Giác. Ở trong sự thâu phục ý ấy luôn nhận rõ nẻo đạo tục. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức nghe thấy rõ chư Phật Thế Tôn nơi các quốc độ trong mười phương chuyển pháp luân hư không, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay để nhằm cứu độ vô lượng các loài chúng sinh nhưng không hề tự nêu bày cho rằng: ta có sự hóa độ như vậy. Ở trong sự thâu phục ý ấy không dấy chấp về sự hóa độ chúng sinh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Đức Phật lại bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng rằng:
–Nương tựa vào Nhĩ thức ấy thì sẽ tu tập được sáu pháp. Những gì là sáu pháp?
Này các vị Tộc tánh tử! Thực hiện các phương tiện quyền xảo, ghi nhớ về sự tạo tác từ gốc, tu tập các pháp Anh lạc theo đúng thứ lớp. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Hành hóa luôn dựa theo nẻo vô ngã nên không tính toán chấp về gốc của thân mạng. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Luôn gồm đủ sáu pháp không hủy hoại tánh của giới luật. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức soi thấu các nẻo huyền diệu, thông đạt không hề bị ngăn ngại, do không rời bỏ thệ nguyện lớn lao của tâm đại từ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức nhận biết thấu đạt về các nẻo tiến tới, trải qua; rõ pháp ấy là đường thiện pháp, kia là nẻo ác. Pháp này là pháp hữu vi, pháp kia là vô vi. Ở trong sự phân biệt ấy, nhĩ thức không hề bị lầm lẫn. Đó gọi là pháp Anh lạc thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhĩ thức nhận rõ thế giới của chư Phật, nghe biết và lãnh hội các pháp thâm diệu, thù thắng; mỗi mỗi đều vâng theo thực hiện đúng lời dạy của chư Phật Thế Tôn. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Lại có sáu pháp luôn nhớ nghĩ để tu tập. Những gì là sáu pháp?
Các Bậc Như Lai Thế Tôn sắc thân thanh tịnh, không phải là thân ái dục, thân luôn tỏa ra các hương thơm lan rộng khắp vô lượng thế giới trong mười phương. Nơi mỗi mỗi làn hương thơm ấy đều diễn nói vô lượng pháp môn Anh lạc, không dựa cậy vào chúng sinh để dấy tưởng về chúng sinh. Ở trong ấy, tỷ thức đã được thành tựu đầy đủ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Như Lai Thế Tôn có vô lượng cảnh giới hương, dùng hương thơm của giới đức xông tỏa khắp hằng sa quốc độ trong mười phương, ở trong ấy đã thu giữ vô lượng chúng sinh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lại dùng tỷ thức để tiếp cận cõi hương ấy, hợp theo ba đường để dứt sạch mọi thứ trói buộc, không làm mất cái gốc hành hóa thích ứng của Tỳ-kheo. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Do tỷ thức ấy thông đạt nên diễn nói phát ra vô lượng giáo pháp chân thật, tường tận. Như vậy là tỷ thức luôn thanh tịnh và các hạnh gồm đủ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tỷ thức có ba, từ cảnh giới bên ngoài đi vào trong thức, ngửi lấy các mùi hương thiện ác, nhận rõ tám đường và mười sáu nẻo hành hóa của Bậc Giác Ngộ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tỷ thức tiếp cận mùi hương, mỗi niệm mỗi ý biết rõ tâm của chúng sinh đó nên ở chỗ nhớ nghĩ các pháp, mỗi mỗi đều diễn nói thông suốt vô lượng pháp môn. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
–Lại phải thực hiện đầy đủ sáu pháp, từ đấy thấu đạt thân tướng Phật là vô tướng, không thể giữ gìn. Lấy sự thành đạo trang nghiêm để tự tô điểm thân tâm. Những gì là sáu pháp ấy?
Này các vị Tộc tánh tử! Ngồi nơi gốc cây Bồ-đề tu tập pháp
nhất tướng, quan sát nhận thấy nẻo hành của chúng sinh là không tự tại. Từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ. Tuy hiện đủ sự chuyển biến theo tập tục nhưng không làm mất tính chất Hiền thánh. Hương đức giới luật của Như Lai tỏa khắp vô lượng thế giới. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tu tập tướng của tỷ thức có thể nhận biết khắp thế giới chư Phật trong mười phương, cũng biết nẻo hướng tới của chúng sinh để nhận lấy hình tướng là không đồng. Lại dùng thần túc để giáo hóa họ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tỷ thức nhận rõ muôn ngàn hình tướng không chán. Lại xem vô lượng thế giới trong mười phương tất thấy Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, hương thơm tỏa khắp mười phương thế giới. Ở trong sự thu giữ ý ấy không để cho phân tán. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lúc mới an tọa nơi gốc Bồ-đề đã tự tư duy: “Ta nay tất nhiên là thành Phật, không còn hồ nghi gì nữa! Dùng cái gì để chứng nghiệm? Nên khiến cho chư Thiên, Long, Quỷ thần, cho đến chư Phật Thế Tôn trong mười phương đều biết rằng: Ta nay đang ngồi nơi gốc cây Bồ-đề.” Liền phóng ra từ nơi các lỗ chân lông trên thân tướng, mỗi mỗi lỗ chân lông ấy tỏa ra các hương thơm khiến mười phương thế giới thảy đều đến để túc trực hầu cận, giúp đỡ Bồ-tát cho tới khi thành tựu đạo quả. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Ở nơi gốc cây Bồ-đề ấy đã thành Bậc Chánh Giác, các tướng gồm đủ. Chỉ trong khoảng một đêm đã thành tựu trí tuệ ba Minh. Vào đầu đêm đã tự nhớ nghĩ về hằng sa chư Phật Thế Tôn thời quá khứ từng thành đạo ở nơi này. Pháp nào được nêu bày trước cùng làm thế nào để giáo hóa chúng sinh? Tư duy như vậy, lại đến giữa đêm thì tỏ rõ là từ xa xưa chư Phật thành đạo ở đây thảy đều thuyết giảng vô lượng các pháp Ba-la-mật. Ta nay cũng nên theo đúng pháp của chư Phật. Thế là bèn nhập pháp định ý Chúng hương vô hình. Lại ra khỏi pháp định và trở lại tư duy: “Chư Phật thời xa xưa tuy thành Phật ở nơi chốn này, đã hóa độ người nào trước tiên và làm thế nào để thuyết pháp?” Lúc ấy liền nghe tất cả các thứ hương thơm trong mười phương thế giới, mỗi làn hương đều có âm thanh thúc giục nên hóa độ những người thích hợp. Lại ở nơi chốn ấy mỗi mỗi đều tư duy, cho đến hết đêm. Như thế mà không thoái chuyển, không hề thiếu cảnh giới hương thơm. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tỷ tướng đã đạt được nên tự tư duy: “Các mùi hương của thế gian đều vô thường, là các pháp được trồng từ cõi sinh tử. Vậy nên dùng phương tiện gì để mong có được hương đạo đức?” Bèn tự nhập định, tuệ phát từ định, thấy rõ về năm phần Pháp thân. Dùng thứ để luôn được nhận rõ, dùng hương thơm giới luật để thâu phục thân, dùng hương thơm định để thu giữ ý, dùng hương thơm của trí tuệ để thu giữ mọi vọng loạn, dùng trí tuệ giải thoát để thu giữ mọi nhận thức điên đảo, dùng sự thông tỏ các pháp Ba-la-mật để thu giữ vô minh. Đó chính là pháp hương Anh lạc của năm phần Pháp thân Như Lai. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Đức Phật lại bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng rằng:
–Tướng lưỡi của Như Lai là hình tướng kỳ diệu trong các tướng, diễn nói rộng khắp những lời giáo hóa, không hề để gây ra bốn thứ lỗi lầm. Cội nguồn của sự phát nguyện là nhằm thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, dùng miệng để giáo hóa luôn thanh tịnh, không hề mất hình tướng của lưỡi. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Gốc của sự tu tập thanh tịnh là luôn giữ gìn ba hành, biết rõ nẻo hướng tới của thần thức các chúng sinh, nhanh chóng sử dụng phương tiện để thuyết pháp, không để mất thứ lớp và thiệt thức luôn thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Tuy miệng thuyết pháp đủ cả lời giảng dạy và âm thanh của chúng, lời nói từ thức phát ra ngoài liền được thọ nhận, chuyển hóa. Lại chọn lựa lấy ngôn ngữ để thuyết pháp, ở trong sự thu giữ ấy, luôn giữ cho thiệt thức được thanh tịnh.
Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lưỡi có các hình tướng và những hình tướng ấy không đồng, mỗi mỗi đều chuyển hóa lãnh hội để thuyết pháp không cùng, không hề mất bốn thứ biện tài. Thiệt thức luôn thanh tịnh, cho đến vô lượng hằng sa các quốc độ, ngôn ngữ luôn liên tục thích hợp, không ai là không tin tưởng thọ thân. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Như lúc có người được nghe thuyết pháp, hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc thuyết giảng về tà kiến hay chánh kiến thì lại có thể chất vấn, phản bác, suy cứu để lý giải ý nghĩa. Ở trong ấy luôn đầy đủ mọi lãnh hội, không để mất thiệt thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Chỗ thuyết pháp của chư Phật thời quá khứ gồm đủ cả nẻo hành, nẻo hiểu biết và nẻo hướng tới. Chư Phật thời tương lai cũng đủ ba nẻo ấy. Chư Phật hiện tại cũng thế. Vậy thì chư Phật thời quá khứ đã làm thế nào để thuyết pháp gồm đủ ba nẻo kia?
Này các vị Tộc tánh tử! Chư Như Lai thời quá khứ không hề chấp trước nơi đạo quả Chánh giác của mình. Thân, sắc, tướng thảy đều diệt.
Thế nào gọi là thân diệt? Chư Như Lai quá khứ thân không thường trụ. Sắc thân biến đổi chẳng phải một hai lần mà là sinh sinh tự diệt. Tuy sự diệt hoàn toàn còn khá lâu mới xảy ra. Cũng có thân gọi là bất diệt. Điều trước có là vì thân không nhập vào cảnh giới vô vi. Thân của Như Lai ấy gồm có năm phần pháp tánh, luôn an định bất biến dù có Phật hay không Phật. Đó gọi là thân diệt chứ chẳng phải là năm phần thân diệt. Chỗ gọi là tướng diệt ấy tức là gồm cả có tướng có sắc, có tướng không sắc.
Thế nào gọi là có tướng có sắc, có tướng không sắc? Như nhãn thức với cảnh giới ở bên ngoài còn gốc là sáu nhập. Đó gọi là có tướng có sắc. Còn có tướng không sắc là các pháp hữu vi, vô vi, các pháp định và không định đều chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức. Đó gọi là có tướng không sắc. Chỗ gọi là sắc diệt ấy là sắc có ba phẩm: sắc hữu hình, sắc vô hình và sắc tăng đại (thêm lớn).
Thế nào là sắc hữu hình? Nơi miệng phát ra lời chỉ dạy, tâm
thức tạo hành tùy theo đối tượng mà dấy tham đắm. Đó gọi là sắc hữu hình.
Thế nào gọi là sắc vô hình? Như nay đang nói, có điều thiện, điều ác và biết là về sau sẽ nhận quả báo, điều ấy là tất nhiên, không hề hồ nghi. Như hiện nay đang ở đây mà nói về những tạo tác ở quá khứ hay hiện tại, nhãn thức hiện không thể thấy được. Đó gọi là sắc vô hình.
Còn thế nào gọi là sắc tăng đại? Sắc có trường hợp không cùng tận, chẳng phải sắc có trường hợp cùng tận. Có sắc cũng cùng tận mà không sắc cũng đều cùng tận. Đó gọi là sắc tăng đại.
Này các vị Tộc tánh tử! Như thế là đã gồm đủ sáu pháp Anh lạc thanh tịnh.
Bấy giờ Bồ-tát Vô Đảnh Tướng liền đến trước Đức Phật cung kính thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Làm thế nào để thiệt thức có thể nói ra những lời chỉ dạy, nêu bày rõ vô lượng pháp định ý là gốc của trí tuệ? Thiệt thức chẳng phải là thức nhận biết, cũng chẳng phải ngang hàng với các thức khác. Hết thảy âm thanh cùng tiếng vang là cảnh giới của nhĩ thức. Mọi hình sắc, cảnh tượng bên ngoài là cảnh giới của nhãn thức. Các mùi hương thơm thối là cảnh giới của tỷ thức. Những lời nói từ miệng phát ra có âm thanh mà vô hình, chủ thể biết các pháp bên ngoài mà không tự biết, làm sao thiệt thức thọ nhận hình tướng của nhĩ thức?
Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng rằng:
–Này vị Tộc tánh tử! Thế nào gọi là âm thanh theo tai mà phát ra là từ bên ngoài đến?
Thưa:
–Là vì nhận biết từ bên ngoài chứ không từ bên trong.
Lại hỏi:
–Miệng phát ra lời nói, hoặc lớn, hoặc nhỏ là do miệng, tai nhận biết nghe được hay chẳng do miệng, tai nhận biết nghe được?
Thưa:
–Hoặc do miệng, tai nhận biết nghe được, hoặc chẳng do miệng, tai nhận biết nghe được.
Lại hỏi:
–Làm sao do miệng nghe được hay chẳng do miệng nghe được?
Thưa:
–Miệng phát ra âm thanh tiếng vang, điều ấy chính là do miệng nghe được. Còn như đất, nước, lửa, gió, núi, sông, đá dốc… những cái đó chẳng do miệng nghe được.
Lại hỏi:
–Miệng phát ra âm thanh –tiếng vang được gọi là thức. Còn đất, nước, lửa, gió thì há không phải là thức sao?
Thưa:
–Đất, nước, lửa gió chẳng phải là khẩu thức.
Lại hỏi:
–Làm sao thành tựu được khẩu thức?
Thưa:
–Do bốn đại hợp thành.
Lại hỏi:
–Đã nói miệng chẳng phải là bốn đại, nay lại cho là bốn đại hợp nên sao?
Thưa:
–Có sự nhận biết về bốn đại, không nói là không nhận biết về bốn đại.
Lại hỏi:
–Thế nào gọi là nói có sự nhận biết bốn đại, chứ không nói không nhận biết về bốn đại.
Thưa:
–Có sự nhận biết bốn đại, đó là khẩu thức. Không nhận biết về bốn đại là đất, nước, gió, lửa.
Lại hỏi:
–Có sự nhận biết về bốn đại, há chẳng phải là đất nước lửa gió sao?
Thưa:
–Đúng vậy.
Lại hỏi:
–Không có nhận biết về bốn đại, đó là cái gì?
Thưa:
–Đất lìa nước thì không nhận biết. Nước lìa lửa thì không nhận biết. Lửa lìa gió thì không nhận biết. Gió lìa hư không thì không nhận biết. Hư không lìa thức thì không nhận biết. Đó gọi là bốn đại không nhận biết.
Lại hỏi:
–Có sự nhận thức về bốn đại, nơi chốn phát ra âm thanh, tiếng vang, thế thì đó là đất, nước, lửa gió, hư không hay thức?
Thưa:
–Do tất cả hợp lại.
Lại hỏi:
–Trừ bỏ bốn đại ra thì thức lấy gì để tồn tại?
Thưa:
–Thức không có chỗ nương tựa.
Lại hỏi:
–Đất, nước, lửa, gió cùng phát ra âm thanh và tiếng vang, thế thì không nói đến thức sao?
Thưa:
–Thức riêng lẻ không có bạn đồng hành nên không có sự nhận biết vậy.
Lại hỏi:
–Thức đứng riêng lẻ thì được gọi là thức sao?
Thưa:
–Thức riêng lẻ chẳng phải là thức.
Lại hỏi:
–Thức riêng lẻ chẳng phải là thức. Vậy làm sao nương vào đất, nước, lửa, gió được? Là hữu vi hay vô vi?
Thưa:
–Đúng như vậy.
Lại hỏi:
–Thức lìa thai chết thì có lại hiện hữu không?
Thưa:
–Có.
Lại hỏi:
–Cái gì có thể nhận biết tận cùng gốc của khổ?
Thưa:
–Đó chính là tính chất vô tận của thức.
Lúc này Bồ-tát Vô Đảnh Tướng lại hỏi Đức Thế Tôn:
–Kính bạch Thế Tôn! Các đại thành tựu thức, hay thức thành tựu các đại?
Đáp:
–Các đại giúp cho thức thành tựu.
Lại hỏi:
–Thức có chỗ nương tựa chăng?
Đáp:
–Đó là các đại.
Lại hỏi:
–Đất, nước, gió, lửa, hư không, nếu lìa các đại ấy thì thức còn tồn tại không?
Đáp:
–Thức không còn chỗ để tồn tại.
Lại hỏi:
–Thế thức đã hoàn toàn bị diệt sao?
Đáp:
–Không phải thế.
Lại hỏi:
–Vậy thức không bị diệt chăng?
Đáp:
–Không phải thế.
Lại hỏi:
–Thức chẳng phải là cõi sinh tử, cũng chẳng phải không là cõi sinh tử. Pháp ấy đâu phải là pháp Nê-hoàn?
Đáp:
–Chẳng phải thế.
Lại hỏi:
–Thức Nê-hoàn là khác chăng?
Đáp:
–Không khác.
Lại hỏi:
–Có pháp bốn đại Nê-hoàn chăng?
Đáp:
–Không có pháp bốn đại Nê-hoàn.
Lại hỏi:
–Có thức Nê-hoàn chăng?
Đáp:
–Có thức Nê-hoàn.
Lại hỏi:
–Đất, nước, lửa, gió và thức cùng với thức Nê-hoàn có gì khác nhau?
Đáp:
–Đất, nước, lửa, gió và thức thì chuyển biến; còn thức Nê-hoàn thì không chuyển biến. Khác biệt là vậy.
Lại hỏi:
–Đất, nước, lửa, gió lìa thức, Nê-hoàn lìa thức, có gì khác nhau?
Đáp:
–Bốn đại lìa thức nhưng không lìa quá khứ, hiện tại, vị lai. Còn Nê-hoàn lìa thức vĩnh viễn lìa quá khứ, hiện tại, vị lai.
Lại hỏi:
–Thức lìa bốn đại, lìa Nê-hoàn. Thức ấy chưa ở nơi bốn đại, cũng chưa có nơi Nê-hoàn, hay lại có khác nhau?
Đáp:
–Chẳng phải vậy.
Lại hỏi:
–Bốn đại lìa thức, Nê-hoàn lìa thức, chẳng khác gì chăng?
Đáp:
–Chẳng khác.
Lại hỏi:
–Thức ở nơi Nê-hoàn thành pháp vô vi; thức ở nơi bốn đại thành pháp hữu vi; chẳng khác nhau sao?
Đáp:
–Không khác.
Lại hỏi:
–Nếu cho là không khác thì sao có thức hữu vi, có thức vô vi?
Vậy khác nhau chăng?
Đáp:
–Thức hữu vi giúp cho bốn đại thành tựu. Thức vô vi không giúp cho bốn đại thành tựu. Do vậy mà có khác nhau.
Bấy giờ Bồ-tát Vô Đảnh Tướng liền đứng trước Đức Phật thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thức lìa bốn đại, thức lìa Nê-hoàn, cũng chẳng phải một, cũng chẳng phải hai. Vì sao? Vì thức ở nơi bốn đại thì có quá khứ, hiện tại, vị lai vậy. Thức này, thức kia lại có khác nhau chăng?
Đức Phật đáp:
–Không khác nhau.
Lại hỏi:
–Vì sao? Có thể gọi đó là thức bốn đại hay là thức Nê-hoàn?
Đáp:
–Đó chỉ là giả hiệu, chẳng phải là giáo pháp chân thật.
Lúc này Bồ-tát Vô Đảnh Tướng bèn tự suy nghĩ: “Ta nay nêu chỗ hỏi về bốn đại lìa thức là có hành quả báo. Nay Đức Thế Tôn dùng không có hành quả báo để đáp lại ta. Hay là ta hỏi không đúng chỗ, hay lời đáp lại không thích hợp?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết được nơi tâm của Bồ-tát Vô Đảnh Tướng đang có những suy nghĩ như thế liền gọi Bồ-tát Vô Đảnh Tướng và nói:
–Này Bồ-tát Vô Đảnh Tướng! Thức bốn đại hữu vi chẳng phải là thức bốn đại vô vi. Thức bốn đại vô vi khác với thức bốn đại hữu vi. Thế thì thức bốn đại chẳng phải là thức này thức kia chăng?
Bồ-tát Vô Đảnh Tướng thưa:
–Chẳng phải!
Lại hỏi:
–Chẳng phải là thức bốn đại, chẳng phải thức Nê-hoàn, chẳng phải không thức chăng?
Đáp:
–Có thức diệt, có thức không diệt. Thế nào là thức diệt? Đó là chẳng phải ở hiện tại. Thế nào là thức không diệt? Đó là chính nơi hiện tại.
Lại hỏi:
–Thức có diệt chăng?
Đáp:
–Nơi hiện tại.
Lại hỏi:
–Pháp vô vi lại là hiện tại chăng?
Đáp:
–Không phải.
Lại hỏi:
–Pháp hữu vi lại là hiện tại chăng?
Đáp:
–Không phải.
Lại hỏi:
–Tướng hữu vi và vô vi, chẳng phải hiện tại, cũng chẳng phải không hiện tại. Vậy chỗ dựa của nó là gì?
Đáp:
–Nương tựa ở chỗ không nương tựa.
Lại hỏi:
–Lành thay! Thức có nương tựa chăng?
Đáp:
–Thức không nương tựa.
Lại hỏi:
–Làm sao thức không có nương tựa mà có cảnh giới?
Đáp:
–Có ba cõi: cõi thân, cõi pháp và cõi không. Đó là ba cõi làm cảnh giới cho thức.
Bấy giờ Bồ-tát Vô Đảnh Tướng liền đứng trước Đức Phật thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Có thức ô nhiễm, thức không ô nhiễm.
Làm sao mà thức không ô nhiễm lại trở thành thức bị ô nhiễm?
Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
–Thức bị ô nhiễm vốn động, có thể trở lại thành thức không ô nhiễm. Còn thức không ô nhiễm thì không trở lại làm thức bị ô nhiễm. Vì sao? Vì bản tánh của thức là thường trụ, không biến đổi, không sinh diệt, gắn bó hay đoạn lìa. Do vậy mà thức biến động là thức an trụ, còn thức an trụ thì không là thức biến động.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
–Ta nay đã thành Phật, là bậc tôn quý đặc biệt trong ba cõi, gồm đủ các tướng, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, mọi đức thảy viên mãn. Nay đạt được thức an trụ, chưa được thức biến động.
Bồ-tát Vô Đảnh Tướng liền đến trước Đức Phật thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thức an trụ chẳng được thức biến động?
Đức Phật nói:
–Chỗ gọi là thức biến động là cảnh giới của pháp hữu vi. Chỗ gọi là thức an trụ là cảnh giới của pháp vô vi. Không có thức vô vi trở thành thức hữu vi. Vì thế cho nên thức biến động trở thành thức an trụ và không có thức an trụ trở thành thức biến động.
Lúc Đức Thế Tôn nói xong đoạn này thì Bồ-tát Vô Đảnh Tướng cùng với trăm ngàn chư Thiên, người, thảy đều phát hạnh Vô thượng, dốc tu tập để đạt được thức an trụ. Lại có vô số chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bấy giờ Bồ-tát Vô Đảnh Tướng liền đến trước Đức Phật đọc bài tụng:
Các tướng gồm đủ
Thành thân Như Lai
Ba cõi không đắm
Vô ngã như không
Đã đoạn tâm cấu
Thần thông tự tại
Do đạt thức động
Thức trụ khỏi đạt
Pháp giới hư không
Cũng chẳng biến đổi
Như Lai vốn Như
Nên đạt thức trụ
Như Lai quá khứ
Số như hằng sa
Vì được thức trụ
Thức động nào hiện?
Con nay có nghi
Chẳng đạt pháp giới
Mong được rũ thương
Khiến dứt vọng tưởng
Chúng sinh chí dốc
Tánh hạnh chẳng đồng
Nghe pháp diệu không
Chẳng thấu cội nguồn
Hư không không tướng
Hành đều bình đẳng
Làm sao thức trụ
Nên gọi thanh tịnh
Như nay đến lúc
Diễn nói thích hợp
Tuệ thông cõi gốc
Rất lạ, hiếm có
Bốn chúng vô úy
Cùng muốn nghe biết
Thức trụ, thức động
Phân biệt rõ tánh
Chư Phật thường tại
Pháp giới bình đẳng
Chư Thánh vị lai
Pháp tánh cũng thế.
Như nay chúng sinh
Vào tịnh không loạn
Lại theo thức nào
Mà được định ý
Nay định ý ấy
Tịch tĩnh dứt vang
Chính là thức trụ
Hay là thức động
Mong mỗi mỗi nêu
Căn bản pháp giới
Dứt hẳn mối nghi
Chẳng còn do dự.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại dùng kệ để đáp Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
Chư Như Lai quá khứ
Thần trí thật chẳng cùng
Tuy thân đã diệt độ
Thức trụ chẳng biến đổi
Thức động có hai thức
Thức có trụ, không trụ
Như nhập cảnh vô vi
Chẳng thấy hai danh hiệu
Như Lai dứt mọi chấp
Như núi cao bất động
Hành vượt không kẻ sánh
Thương độ kẻ khốn cùng
Mọi thôn xóm, cõi nước
Như Lai đều đi tới
Chẳng thức không như thế
Vì nghi thức động, trụ
Như từ vô số kiếp
Khó kể chư Như Lai
Muốn tính thức Như Lai
Động, trụ; chẳng động, trụ
Trí tuệ Phật không bờ
Thức trùm vô lượng pháp
Thân tướng thệ lớn đủ
Vô tướng chẳng thể thấy
Nên ta lúc sơ sinh
Đất trời bừng thông suốt
Tâm giữ nguyện lớn vững
Thức vô vi vô hình
Là Bậc Lưỡng Túc Tôn
Như voi lìa vòng xích
Kỹ nhạc tự hòa tấu
Đầy khắp nơi hư không
Vô số chư Thiên, người
Thảy tự dốc kính lễ
Đều dùng từng ấy lời
Tán dương Đức Như Lai
Do đạt Bậc Chánh Giác
Mắt nhìn không hề chán
Chuyển pháp luân vô thượng
Diễn giảng pháp tối thắng
Hết thảy mọi chúng sinh
Dốc tôn thờ Thánh giáo
Xưa nay hay về sau
Thế hùng như Sư tử
Vô số kiếp chứa công
Chẳng mất hạnh Tổng trì
Bốn bậc Vô sở úy
Ích thấm khắp muôn loài
Dùng đạo quả trang nghiêm
Không vướng nẻo vô ngã
Chánh giác ứng vô tướng
Như hư không vô ngại
Hôm nay đạt năm nhãn
Chưa trụ chẳng chốn trụ
Dứt sạch mọi điên đảo
Không trụ, chẳng thấy thức
Tuệ Như Lai diệu kỳ
Dùng pháp vô tướng ấn
Hành trọn không chốn thiếu
Không phú quý vinh hoa
Một bước ý một niệm
Bồ-tát quán dứt loạn
Các thức diệu thức động
Thức trụ chẳng bậc nhất
Tư duy Phật quá khứ
Cùng mọi nẻo vị lai
Như ta nơi hiện tại
Chẳng do trụ chứng hành
Như Lai thông ba trí
Không một ai cùng sánh
Hành vượt mọi sinh diệt
Chẳng thức chốn của thức.
Bấy giờ Đức Thế Tôn một lần nữa lại bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng rằng:
–Có thân thức không thân tướng và thân thức thân tướng rõ về lẽ vô. Pháp ấy có sáu thứ. Những gì là sáu pháp ấy?
Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ, thân nhập vào mười sáu thứ thọ nhận trần cấu từ bên ngoài thì thân thức mỗi mỗi nhận rõ cho đến lúc đạt được cõi thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Dùng thức không có thân tướng để dấy khởi Thân thức, ở trong ấy luôn phân biệt để rõ nguyên do và lấy lại sự an lạc. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Ta từ xưa có nguyện tu tập thân tướng mình gồm có một trăm lẻ năm hạnh nên gọi là thân tướng, lại có đủ một trăm lẻ năm hạnh mới thành thân tướng. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Quá khứ lâu xa, chúng sinh đã bao lớp hoại diệt, nơi cõi ấy thọ thân hữu vi, vô vi; hữu hành vô hành; hoặc tốt hoặc xấu; có khổ có vui, mỗi mỗi thức đều phân biệt như pháp giới –chẳng phải pháp giới. Đây là pháp giới của thân thức, đây chẳng phải là pháp giới của thân thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Thân thức tạo sắc lại có mười việc, chân thân hóa thể cũng không có đầu mối và thứ lớp. Biết rõ thân thức ấy hướng đến hay không có chỗ hướng đến. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Rõ được gốc của thân thức năm tháng không đồng, thân gốc thân hiện nay đều luôn biến đổi không an trụ. Biết gốc của sự thọ nhận hình hài nay cũng biến đổi. Như thế là liền có thể ở trong đó luôn giữ gìn không để mất thân thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lại có sáu việc. Những gì là sáu pháp ấy?
Thân hành động thanh tịnh, không làm các điều ác. Khẩu cũng thanh tịnh, không thuyết giảng nẻo tà. Ý tu tập thanh tịnh, không dấy các phiền não. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Thân quá khứ đã diệt, có thiện có tội. Thức thiện nhận rõ thân thiện. Thức ác nhận rõ thân ác, nghiệp ác. Mỗi mỗi tư duy về thiện ác là từ Thân thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
Sáu pháp của thân tướng luôn lìa thiện ác, lại có thể dấy niệm không rời thân thức. Lại có lúc chúng sinh chấp thân thanh tịnh thì có thức thanh tịnh; chấp thân không thanh tịnh thì có thức không thanh tịnh. Ở trong ấy luôn nhận rõ thân thức thanh tịnh và thanh thức không thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ ba.
Nhớ lại về chốn gốc tạo ra thân hữu vi và thân vô vi; thân quá khứ, hiện tại và vị lai, thảy đều có thể nhận rõ và không hề mất thân thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Nơi chỗ nhớ nghĩ các pháp của tâm chẳng phải một, chẳng phải hai. Luôn ghi nhớ chắc chắn không hề quên để nhận biết chỗ dấy khởi của thức. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Thân nhận biết về đối tượng vô hình lại có năm sự. Những gì là năm? Có thân nhiễm đắm, có thân không nhiễm đắm. Có thân hữu hình, có thân vô hình. Có thân hữu thức, có thân không thức. Có thân thế tục, có thân đạo pháp. Có thân là một, có thân chẳng phải một. Ở trong ấy thảy đều phân biệt nhận rõ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.
Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Đảnh Tướng:
–Lại có sáu pháp. Những gì là sáu pháp ấy?
Có Pháp thân vô tận, Pháp thân hữu tận. Nhận rõ về hữu–vô mà pháp thức luôn thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ nhất.
Tánh của các pháp là vô vi nên hành không có tăng giảm. Biết pháp có thiện, biết pháp không thiện. Biết pháp có sinh, biết pháp có diệt. Thông tỏ pháp thức mà không làm mất pháp tánh. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ hai.
*1
Có thân hữu thường trụ, có thân vô thường trụ. Pháp không thường trụ thì rõ là không thường trụ. Các pháp thường trụ thì cũng rõ là thường trụ. Tư duy về các pháp là thức trụ hay thức không trụ. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ tư.
Các pháp tịch nhiên, các pháp có hình sắc cũng lại tịch nhiên. Thức hữu vi nhận biết các pháp hữu vi chẳng thể nhận thức. Thức vô vi nhận biết các pháp vô vi chẳng thể nhận thức. Luôn tư duy nhưng không làm mất pháp giới. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ năm.
Vô số Pháp thân, vô hình không thể thấy, chẳng phải là chỗ thu giữ của nhãn giới, từ lúc mới phát tâm không hề dấy khởi hai tưởng. Luôn nhận rõ các pháp mà không làm mất Pháp thân. Đó gọi là pháp Anh lạc thanh tịnh thứ sáu.